Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

29/08/2022

"Câu chuyện tình" hay "oan tình" Trần Huyền Trân - Trần Khắc Chung, nhìn từ thế kỉ 21

Đại khái là chính sử thời phong kiến có cái nhìn nghiêm khắc với cụ Trần Khắc Chung - một đại quan, có lúc là rường cột của thể chế nhà Trần.

Đại Việt sử kí toàn thư thì đại khái qui kết Trần Khắc Chung đã dan díu với công chúa Huyền Trân lúc nàng mới lớn, rồi lại tư thông với nàng khi đi cứu nàng từ Champa về.

Bây giờ, tới thế kỉ 21, nhiều người cho rằng, qui kết đó không đúng. Mở đầu là bài mình oan của Hoàng Hương Trang (trên website thuvienhoasen).

Cập nhật và bổ sung được đưa dần lên ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 8 năm 2022,

Giao Blog


---

Từ xưa đa số người Việt mặc nhiên cho rằng Trần Khắc Chung và Huyền Trân Công Chúa là một mối tình. Họ kể truyền miệng đời này qua đời khác thành ra vô tình đã “Đóng Đinh” đó là một mối tình như có thực. Chính tôi từ mấy chục năm qua cũng tin như vậy. Cứ cho là trước khi đi làm vợ vua Chiêm Chế Mân, Huyền Trân Công Chúa đã có ý tình dan díu với Trần Khắc Chung, nên khi Chế Mân chết, Vua Trần sai Khắc Chung đi cứu con gái khỏi bị hỏa thiêu chết theo chồng theo phong tục của hoàng gia Chiêm Thành, thì hai người “Tình cũ” lại được “tái hợp”. Cuộc cứu hộ Công Chúa thành công và hai người lênh đênh trên biển một thời gian khá dài có đến hàng năm, mới về tới Thăng Long.
 
IMG_8868
Tượng đá Thích Nữ Hương Tràng được dựng tại đền thờ
công chúa Huyền Trân ở núi Ngũ Phong,
phường An Tây, TP Huế. Ảnh: Phanxipăng
Mãi cho đến khi thành phố Huế xây dựng Trung tâm văn hóa Huyền Trân, mà dân Huế gọi là Đền thờ Huyền Trân công chúa; tôi có dịp đến viếng, tìm hiểu cặn kẽ, đọc kỹ sử liệu và văn bia tại đền thờ, thật sự tôi đã sững sờ, ngỡ ngàng khi biết ra sự thật có trong sử liệu và văn bia tại Đền Thờ do Ban Nghiên Cứu Sử uy tín đã viết lại cho đúng sự thật. Ôi! Một nỗi oan đã kéo dài với thời gian mấy thế kỷ, mà không ai minh oan cho hai người. Theo sử liệu, khi công chúa Huyền Trân còn ở Thăng Long, chỉ mới 13 tuổi, đã được vua cha hứa gả cho Chế Mân. Khi đó, lão tướng Trần Khắc Chung đã rất già, vốn không phải họ Trần, mà là họ Đỗ, vì có nhiều công chiến trận nên được vua cho cải ra họ Trần. Lão tướng ngoài tài trận mạc, còn có tài thêu thùa rất khéo tay, vì vậy các công chúa trong triều được lão tướng dạy cho học thêu thùa. Công chúa Huyền Trân lúc đi lấy chồng mới 15 tuổi, là cháu ngoại của danh tướng Trần Hưng Đạo, bạn lão tướng chí thân của lão tướng Trần Khắc Chung. Lúc đó, lão tướng Khắc Chung đã già, đã có 3 đời vợ, con cháu đầy đàn, không thể nào lại dan díu với cô công chúa 13 tuổi là cháu ngoại của bạn mình được. Thuở xa xưa trên 700 năm trước đó, một cô gái nhỏ mới 13, 14 tuổi có dám yêu một ông già bạn của ông ngoại, và đã có vợ, con, cháu đầy đàn? Ngay thời đại ngày nay, điều đó cũng khó có thể xảy ra.

Cho đến khi vua Trần sai đi cứu công chúa là vì lão tướng đáng tin cậy, có nhiều mưu kế, từng trải trận mạc, mới có thể cứu được công chúa thoát khỏi lên giàn hỏa thiêu. Lúc này công chúa mới sinh hoàng tử được 2 tháng. Lão tướng Khắc Chung đã tương kế tựu kế, vừa thay mặt vua Trần để phúng điếu với triều đình Chiêm Thành (Chế Mân chết, Chế Cũ lên nối ngôi vua cũng chỉ mới trên dưới 15 tuổi, là con trai của bà Hoàng hậu lớn của Chế Mân, còn con của Huyền Trân là Chế Chí mới sinh được 2 tháng) vừa đề nghị với triều đình Chiêm Thành cho phép công chúa Huyền Trân ra biển Đông để hướng về quê hương bái biệt vua Cha, rồi sẽ trở vào để lên giàn hỏa. 

Triều đình Chiêm Thành đã bị mắc mưu của lão tướng Việt Nam, đã bằng lòng cho công chúa Huyền Trân ra biển để bái biệt vua cha. Vừa hay trời phù hộ cho lão tướng, sương mù dày đặc bao phủ cả biển khơi, ba bên bốn bề đều không thấy rõ, nhân cơ hội đó, lão tướng đưa công chúa qua thuyền nhẹ, và dông tuốt về phía Bắc. Trên thuyền chỉ có mấy thủy binh chèo thuyền, thuyền nhẹ đi rất nhanh, sương mù đã che khuất bóng họ. Khi thuyền vào đến vùng biển Quảng Trị thì bị bão lớn, sóng đánh dữ dội suýt chìm thuyền, phải tấp vào bờ. Vùng đất Quảng Trị bấy giờ thuộc hai Châu Ô, Lý là đất mà Chế Mân đã dâng cho vua Trần làm sính lễ để cưới công chúa nhà Trần. Đất đã là của nước Việt, có quan trị nhậm do vua Trần cử đến cai quản. Chính quan cai quản đất mới này đã giấu nhẹm rất bí mật tung tích của lão tướng và Huyền Trân, chờ hết mùa giông bão, sửa chữa thuyền xong mới có thể tiếp tục hành trình ra Bắc. Tại sao phải giấu tung tích? Bởi thủy quân Chiêm Thành rất giỏi thủy trận, đã từng đánh ra tận Thăng Long thời Chế Bồng Nga, do đó họ có thể cho thuyền truy lùng thuyền của Khắc Chung  công chúa. Hai người được vị quan Việt Nam giấu kỹ đồng thời lo sửa chữa thuyền bè đã bị bão làm hư hỏng nặng. Hơn năm sau, hết mùa bão, trời yên biển lặng, quân Chiêm không truy đuổi nữa, thuyền cũng đã sửa chữa xong, họ mới tiếp tục cuộc hải trình ra Bắc. 

Tuy được cứu thoát, nhưng công chúa trong tâm trạng mất một đứa con trai đầu lòng mới 2 tháng tuổi, cùng với nỗi đau vừa mất chồng, cùng nỗi sợ hãi vừa thoát lên giàn hỏa thiêu. Thử hỏi trong tâm trạng đau buồn mất chồng, mất con, và lo sợ như thế, còn tâm trạng đâu để dan díu, ngoại tình? Sở dĩ người đời sau thêu dệt nên mối tình Trần Khắc Chung  công chúa Huyền Trân là do họ đồng hóa với mối tình Tây Thi – Phạm Lãi bên Tàu. Sau khi báo thù vua Tàu, Tây Thi đã theo người tình cũ là Phạm Lãi chèo thuyền chu du vào Ngũ Hồ sống với nhau, lênh đênh bềnh bồng trên sóng nước, bỏ lại thế gian sau lưng. Do đó người Việt đời sau cứ thản nhiên đồng hóa mối tình Tây Thi – Phạm Lãi và Huyền Trân – Trần Khắc Chung như là một. Đó là nỗi oan của Lão Tướng Trần Khắc Chung và là nỗi oan của sương phụ Huyền Trân mà ngày nay chúng ta phải hiểu và đánh giá lại cho rõ ràng

Khi về đến Thăng Long, Huyền Trân lên núi Yên Tử trình diện vua cha là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, rồi quy y đi tu, lấy pháp danh là Hương Tràng ni sư. Bà vừa tu hành vừa dạy dân dệt vải và làm thuốc cứu bệnh cho dân. Tôi ước mong rằng người Việt Nam ta ai cũng có dịp đến viếng đền thờ Huyền Trân công chúa ở Huế để có dịp tận tường đọc kỹ văn bia và sử liệu chính thức đáng tin cậy để minh oan cho công chúa Huyền Trân và Lão tướng Trần Khắc Chung. Riêng tôi, sau lần có dịp đến viếng đền thờ và đọc cặn kẽ sử liệu, văn bia. Tôi đã thắp hương cúi đầu chân thành tạ lỗi với người xưa, vì mình đã lầm tưởng mấy chục năm qua chỉ vì hai chữ “tương truyền”, oan cho một người phụ nữ đoan hạnh và một vị lão tướng tài ba.

Hoàng Hương Trang
Người gửi bài: Huỳnh Ái Tông

Xem thêm:

___________________________
Xem thêm bài viết của tạp chí Sông Hương của tác giả Văn Nhân:

“NIỀM RIÊNG” CỦA HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

18:05 | 03/05/2013

VĂN NHÂN


Trong bài thơ viết về dòng sông Hương, Nguyễn Trọng Tạo có bốn câu khá hay: 
Con sông đám cưới Huyền Trân
Bỏ quên giải lụa phù vân trên nguồn
Hèn chi thơm thảo nỗi buồn
Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ (Con sông huyền thoại).

cong chua huyen tran
ảnh minh họa

Tôi cứ nghĩ mãi về cái “niềm riêng” mà tác giả đề cập đến trong đoạn thơ trên. Lẽ thường đám cưới thì vui nhưng sao Huyền Trân lại buồn? Cái “giải lụa phù vân” bỏ quên trên nguồn có hàm ý gì? Nhà thơ chỉ gợi còn người đọc thì tự mình tìm câu trả lời. Mỗi người tùy theo sự hiểu biết về cuộc đời của công chúa Huyền Trân mà có cách cảm, cách lý giải riêng. Tôi tin là khi đọc những câu thơ này không ít người nghĩ ngay đến chuyện tình của công chúa Huyền Trân với thượng tướng Trần Khắc Chung. Vậy thực hư câu chuyện tình đó như thế nào?


Ngô Sĩ Liên ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) sự việc giải cứu Huyền Trân như sau: Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hầu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với người Chiêm: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”. Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanhchậm chạp lâu ngày mới đến kinh đô. Một sự việc quan trọng như thế mà nhà chép sử chỉ gói gọn trong chừng ấy dòng một cách hết sức sơ sài, cẩu thả và hồ đồ. Điều đó đã gây ra bao sự hiểu nhầm đáng tiếc. Sao chép như vậy thì vô tình hay hữu ý Ngô Sĩ Liên đã hạ thấp nhân cách Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, nhà vua Trần Anh Tông; hạ nhục thượng tướng Trần Khắc Chung lẫn Huyền Trân công chúa. Một số người căn cứ vào hai chữ “tư thông” đã dựng lên cả một thiên tình sử li kỳ, hấp dẫn, mùi mẫn chẳng thua gì thiên tình sử giữa Phạm Lãi và Tây Thi lênh đênh trên Ngũ Hồ, bên Tàu. Từ đó đến nay lẻ tẻ cũng có một vài tiếng nói phản biện nhưng hầu như chưa ai bỏ công nghiên cứu, phân tích thật kỹ lưỡng, nghiêm túc về sự việc trên để minh oan cho Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trần. Cuộc giải cứu Huyền Trân chắc chắn là có nhiều điều bí ẩnTriều đại nhà Trần vì một lý do tế nhị nào đó mà không muốn công khai vụ việc này. Những người trực tiếp tham gia vụ giải cứu như Trần Khắc Chung, Đặng Vân… đã mang theo bí mật ấy xuống mồ. Vì thế những kẻ thâm thù với triều đại nhà Trần, với thượng tướng Trần Khắc Chung sau này có cớ để đơm đặt, suy diễn. Chỉ cần tinh ý ta cũng có thể nhận thấy những điều hết sức phi lý trong đoạn văn trên của Ngô Sĩ Liên. Nên nhớ là giai đoạn lịch sử ấy (1220 - 1340), mối bang giao giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành hết sức tốt đẹp. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông hai nước đã từng liên kết với nhau. Vua Chiêm đã từng mang quân ra tận Nghệ An giúp Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông đã từng cử hàng nghìn binh mã, hàng trăm chiến thuyền ứng viện giúp chủ tướng Chế Mân đánh thắng Toa Đô khi Toa Đô hùng hổ đưa 5 nghìn quân, 100 hải thuyền, 250 chiến thuyền tấn công Chiêm Thành (năm 1282 - 1285). Việc Thái thượng hoàng và vua đồng tình gả công chúa “cành vàng lá ngọc” Huyền Trân cho Chế Mân (vua nước Chiêm) và Chế Mân dâng tặng hai châu Ô - Lý cho Đại Việt làm sính lễ đã nói lên mối bang giao tốt đẹp đó. Đây là chiến lược Hòa – Thân của cả hai nước để liên minh chống giặc xâm lược phương Bắc. Không lẽ chỉ vì sợ công chúa Huyền Trân bị đưa lên giàn thiêu theo tục lệ người Chăm khi Chế Mân băng hà mà Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông lại làm một việc chẳng lấy gì quang minh chính đại như vậy đối với một nước láng giềng đang hết sức thân thiện với nước mình? Chuyện Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông sợ Huyền Trân bị đưa lên giàn hỏa thiêu là có thật. Chuyện Thái thượng hoàng và vua cử thượng tướng Trần Khắc Chung đi giải cứu Huyền Trân là có thật. Nhưng sự việc không phải đơn giản như mấy dòng sao chép sơ sài của tác giả ĐVSKTT. Nhiệm vụ đặt ra cho vụ giải cứu này là bằng mọi giá cứu được Huyền Trân nhưng không làm tổn thương mối bang giao hai nước. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, buộc Thái thượng hoàng và vua phải “chọn mặt gửi vàng”. Thượng tướng Trần Khắc Chung là một sự lựa chọn thích hợp và sáng suốt nhất. Ông vừa có tài quân sự vừa có tài ngoại giao. Chính Toa Đô cũng đã phải kính nể tài ứng đối của Trần Khắc Chung, qua câu chuyện: Toa Đô có ý trách vua Trần cho quân thích vào cánh tay hai chữ “sát thát”, Trần Khắc Chung đáp: “Chó thấy người lạ thì sủa chứ chủ nhà không hề hay biết”. Toa Đô nói với thuộc hạ: “Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ xuống là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói chó sủa người lạ; thật giỏi ứng đối. Nước Đại Việt còn có người giỏi như thế, chúng ta chưa dễ mưu tính được” (ĐVSKTT, trang 52). Chính Trần Khắc Chung đã có công lớn trong cuộc chiến thắng quân Nguyên - Mông vào năm 1289 (đúng năm Huyền Trân ra đời) và sau đó được phong chức Đại Hành Kiển. Khi trao nhiệm vụ cho Trần Khắc Chung chắc chắn Thái thượng hoàng và vua đã lường trước một số tình huống và dự kiến một vài kế sách ứng phó. Trong bối cảnh mối quan hệ đang tốt đẹp của hai nước thì thượng sách vẫn là dùng con đường ngoại giao, cực chẳng đã mới dùng đến biện pháp quân sự. Theo một số tư liệu đáng tin cậy thì vua Chế Mân băng hà vào tháng 5/1306, tháng 9 Huyền Trân sinh thái tử Đa Da và mãi tháng 10 năm đó đoàn giải cứu của Trần Khắc Chung mới đến kinh đô Chiêm Thành đóng tại Quy Nhơn (Bình Định). Cuộc giải cứu kéo dài gần một năm trời. Tháng 8 năm 1307 đoàn mới đưa được Huyền Trân trở về Thăng Long. Bao nhiêu sự việc phức tạp xảy ra trong thời gian đó. Trước hết là vị thế của Huyền Trân. Nàng giờ đường đường là hoàng hậu của nước Chiêm, phải sống trong hậu cung có quân lính canh phòng nghiêm ngặt ngày đêm nên việc tiếp cận với nàng đâu phải dễ dàng. Hơn nữa, nàng đang thời kỳ sinh nở nên việc tiếp cận lại càng khó khăn. Như vậy buộc lòng Trần Khắc Chung và đoàn giải cứu phải chờ đợi ít nhất là ba, bốn tháng. Trong thời gian đó Trần Khắc Chung tranh thủ tiến hành công tác ngoại giao, thuyết phục vừa nhu vừa cương để người Chăm buộc lòng đồng ý cho đưa Huyền Trân về nước. Điều này thì Trần Khắc Chung vốn có biệt tài. Lại còn Huyền Trân nữa. Chắc gì Huyền Trân đã đồng ý trở về cố quốc trong hoàn cảnh chồng vừa mất chưa mãn tang và thái tử Đa Da vừa mới lọt lòng? Trong một năm chung sống với Chế Mân nàng thấu hiểu vì sao cha nàng đã chọn Chế Mân làm con rể. Chuyến ghé thăm Chiêm Thành (vào năm 1301) gần 9 tháng trời, Trần Nhân Tông quá hiểu về cốt cách và tài năng của Chế Mân. Chế Mân là một vị anh hùng của người Chiêm thời đó. Đâu phải như thiên hạ chào xáo: Tiếc thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo. Chức danh Hoàng hậu của Huyền Trân được Chế Mân và triều đình sắc phong đủ cho ta thấy tình cảm tốt đẹp của cặp đôi “trai anh hùng, gái thuyền quyên” này. Đứa con mới sinh của nàng cũng là một bằng chứng cho tình cảm tốt đẹp đó. Thuyết phục nàng trở về cố quốc đâu phải là chuyện dễ dàng. Tất cả đều phải có thời gian và phụ thuộc vào tài ăn nói của Trần Khắc Chung. Chuyện Khắc Chung “dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa” là hoàn toàn bịa đặt. Có người đã chứng minh khá thuyết phục rằng một chiếc “thuyền nhẹ” làm sao thoát được mạng lưới thủy quân hùng mạnh và dày đặc đã từng đánh tan 5 nghìn quân, 100 hải thuyền, 250 chiến thuyền của Toa Đô; làm sao chuyên chở đủ lương thực, nước uống cho đoàn giải cứu trong gần một năm trời; làm sao bảo đảm được tính mạng của một phụ nữ chân yếu tay mềm vừa mới sinh con lênh đênh trên biển những khi sóng to gió lớn? Nếu chiếc “thuyền nhẹ” đó thoát ra khỏi vòng vây của thủy quân Chiêm Thành trong thời gian nhanh nhất (vì chậm sẽ bị bắt) thì làm gì có chuyện gần một năm “loanh quanh” trên biển mới về đến kinh đô Thăng Long. Chuyện này đâu dễ dàng qua mắt bá quan văn võ triều đình nhà Trần thời đó. Lịch sử hai nước không ghi lại một cuộc rượt đuổi nào hay một sự tổn thất về người nào trong cuộc giải cứu. Và sau khi Huyền Trân về nước một thời gian khá dài không hề thấy phía Chiêm Thành động tĩnh gì. Điều đó cho chúng ta phỏng đoán khả năng cuộc giải cứu đã được tiến hành bằng biện pháp ngoại giao và công đầu thuộc về tài thuyết phục của Trần Khắc Chung. Bởi thế mà sau khi ông mất, triều đình ban tặng cho ông chức Thiếu sư (chức danh xếp hàng thứ hai thời bấy giờ). Chuyện một phụ nữ vừa chết chồng - người chồng mà nàng rất mực yêu thương và kính trọng; vừa mới buộc lòng xa lìa đứa con mình mới sinh, lại “tư thông” ngay với một người đàn ông bằng tuổi cha chú mình liệu có xảy ra? Còn Trần Khắc Chung vốn được Thái thượng hoàng và vua hết lòng tin tưởng, đang giữ một trọng trách trong triều đình, lại theo đạo Phật, là môn đệ của môn phái Thiền Tông, từng viết lời bạt cho tập Tuệ trung thượng sĩdo nhà sư Pháp Loa biên soạn và Trần Nhân Tông hiệu đính… có lẽ nào lại đi làm cái việc xằng bậy ấy? Bởi thế, câu chuyện tình giữa Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trần chẳng qua là do người đời thêu dệt, đồn thổi mà thôi.

Vậy cái nỗi niềm riêng mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đề cập đến trong bài thơ Con sông huyền thoại ấy là gì? Phải chăng đó là nỗi buồn thường tình của những cô con gái buổi đầu về làm dâu nhà chồng. Với Huyền Trân còn là nỗi buồn vì xa quê hương, đất nước; là nỗi mặc cảm khi bị vua cha sắp đặt mối lương duyên bởi mục đích Hòa - Thân của hai quốc gia láng giềng? Nhưng những nỗi buồn đó sẽ mau chóng qua đi khi nàng sống hạnh phúc bên người chồng mà nàng hết sức yêu thương và kính trọng. Riêng cái nỗi niềm của Huyền Trân sau khi về lại cố quốc mới là điều đáng phải quan tâm. Đó là nỗi buồn mất chồng, nỗi buồn xa con, nỗi ân hận vì sự bội ước, nỗi nhức nhói vì những lời đơm đặt đầy ác ý “miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn”… Đó mới là nỗi buồn dai dẳng nhất, đau đớn nhất của Huyền Trân công chúa, cho dù nàng đã chọn con đường quy y cửa Phật.

V.N
(SDB8/3-13


https://thuvienhoasen.org/a35774/minh-oan-cho-huyen-tran-cong-chua-va-tran-khac-chung

..


---


CẬP NHẬT


---


BỔ SUNG


3. Năm 2013

Cập nhật lúc08:37, Thứ Sáu, 24/05/2013 (GMT+7)

Vào ngày 9-4 âm lịch hằng năm, tại chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh (Vụ Bản), dân làng tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn Huyền Trân Công chúa.

Huyền Trân Công chúa (1287-1340(?)), là con gái Vua Trần Nhân Tông, em gái Vua Trần Anh Tông. Theo sử sách, năm 1301, một lần sang Chiêm Thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chúa Chiêm là Chế Mân. Năm 1306, Huyền Trân lên kiệu hoa về Chiêm Thành làm vợ Chế Mân. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân ngắn ngủi kéo dài có hơn 1 năm do Chế Mân đột ngột mất vì bạo bệnh. Theo phong tục của Chiêm Thành, Huyền Trân là người được Chúa Chiêm yêu mến nhất nên phải lên giàn hỏa thiêu. Tuy nhiên, lúc này Huyền Trân vừa mới sinh thế tử Chế Đa Đa. Nghe tin đó, Vua Trần Anh Tông đã cử một phái đoàn do Nhập nội hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung và An phủ Đặng Văn dẫn đầu sang Chiêm Thành tìm cách đưa công chúa Huyền Trân và thế tử Chế Đa Đa về nước. Đến nơi, Trần Khắc Chung đã khuyên người Chiêm lập dàn hỏa thiêu ven biển rồi nhân thời tiết mây mù đã cướp công chúa đi thẳng ra biển. Công chúa Huyền Trân sau khi trở về kinh thành đã đến chùa Nộn Sơn ở làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản xưa, nay thuộc xã Liên Minh (Vụ Bản) để tu thiền, mở cảnh. Ở làng Tiền, phía tây núi Hổ có Công chúa Thụy Bảo là bề trên (bác ruột) của Công chúa Huyền Trân đang tạo vườn hoa An Lạc và lập chùa tu hành ở đây. Hai người cùng tu hành, phụng sự Phật pháp, chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng ngày càng thịnh vượng. Sau khi hai bà mất, nhân dân làng Hổ Sơn lập am thờ trên chùa Nộn Sơn để tri ân công đức.

Chùa Hổ Sơn ngoài thờ Phật còn thờ hai vị công chúa Huyền Trân và Thuỵ Bảo. Chùa có lối kiến trúc kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” gồm 3 gian: bái đường, trung đường và tam bảo, nằm trên sườn núi, cao 10m so với mặt đất. Tòa bái đường xây dựng năm 1995, có 3 gian, rộng gần 50m2, mái quấn vòm, lợp ngói nam, hiên bái đường có bích trương “lưỡng long chầu nguyệt”, nóc bái đường là bức đại tự “Quảng Nghiêm tự”. Tòa trung đường gồm 3 gian, khung làm bằng gỗ lim, cột vuông. Các bộ vì nóc đều được làm theo kiểu “giá chiêng, chồng rường con nhị”, vì nách kiểu “bức mê”. Hai gian bên là 2 sàn thờ bằng gỗ, có khung ăn mộng vào hai cột cái và 2 cột quân ở phía sau. Trên sàn bên trái có khán thờ cổ bằng gỗ, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn có viết tự “Bồng lai cung khuyết” (có nghĩa “Lầu gác ở cõi tiên”), bên trên đặt tượng nhị vị công chúa. Tòa tam bảo có 2 gian chạy dọc, giao mái với trung đường, bộ vì bằng gỗ gồm 10 cây hoành hình chữ nhật. Trải qua những thăng trầm lịch sử, chùa vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng 2 công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến cho 2 công chúa, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê… Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chùa Hổ Sơn là nơi che giấu cán bộ cách mạng, là địa điểm tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân. Nơi đây còn là trận địa pháo binh của lực lượng vũ trang huyện và xã.

Lễ hội chùa Hổ Sơn hằng năm được tổ chức từ mùng 9-4 đến 14-4 âm lịch. Theo các cụ cao niên trong làng, ngày 9-4 là ngày mất của Công chúa Huyền Trân (nhiều tài liệu lịch sử cho rằng bà mất vào mùng 9 tháng Giêng). Còn ngày mất của Thụy Bảo Công chúa là ngày mùng 5 tháng Giêng, việc cúng giỗ do làng Tiền, xã Tam Thanh đứng ra tổ chức. Vào những ngày này, hai làng Hổ Sơn và làng Tiền rước kiệu giao hiếu với nhau. Vào sáng 9-4 âm lịch hằng năm, dân làng Hổ Sơn tổ chức rước kiệu lên chùa, rước chân nhang hai công chúa về đình làng làm lễ rồi chiều 14-4 âm lịch lại rước về chùa. Trong những ngày diễn ra lễ hội, dân làng thường tổ chức thi làm cỗ chay, làm bánh dày dâng thánh. Ngày nay, lễ hội làng Hổ Sơn được tổ chức đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo trang trọng. Các dòng họ cắt cử người chuẩn bị lễ vật để con cháu lần lượt đội mâm lễ dâng lên chùa, sau đó mới rước kiệu thánh đi quanh làng, hai bên đường các gia đình bày hương án, lễ vật để lễ vọng.    

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc đặc sắc, năm 2006, chùa Hổ Sơn được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc

http://baonamdinh.com.vn/channel/5093/201305/di-tich-chua-Ho-Son-noi-tho-Huyen-Tran-Cong-chua-2241178/



2. Trung tâm văn hóa Huyền Trân (Huế)


Đền Huyền Trân Huế

https://www.facebook.com/profile.php?id=100014982130191


Nằm dưới chân núi Ngũ Phong (thuộc phường An Tây, thành phố Huế), Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (thường được người dân Huế quen gọi là Đền Huyền Trân hay Đền Huyền Trân công chúa) là một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng đất Cố đô Huế, cũng là một điểm đến giáo dục lý tưởng về đạo lý "uống nước nhớ nguồn" để nhân dân Thừa Thiên Huế ôn lại sự kiện lịch sử gắn liền với sự hình thành của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân và ghi nhớ công ơn với các bậc tiền nhân có công mở cõi, trong đó có Công chúa Huyền Trân.

Địa chỉ: 151 Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế
Điện thoại: 0234 389 5558
Website: trungtamhuyentran.thuathienhue.gov.vn

Lịch sử hình thành và xây dựng

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được khởi công xây dựng vào năm 2006, đến năm 2007 thì hoàn tất và đi vào hoạt động nhân kỷ niệm 700 năm mảnh đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế. Đây là công trình được xây dựng nhằm tri ân công lao mở cõi của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân (ái nữ của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Hoàng hậu).

Hơn 700 năm trước, vào mùa hạ năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa hôn của vua cha Trần Nhân Tông là kết tình hoà hiếu với lân bang, Huyền Trân Công chúa đã gạt tình riêng để sang Chiêm Thành, nên duyên với nhà vua Chế Mân và trở thành Hoàng hậu Paramesvari. Món quà sính lễ mà Vua Chiêm dâng lên nhạc phụ Trần Nhân Tông là hai châu Ô, châu Lý. Huyền Trân về làm dâu Chiêm Thành thì dân hai châu Hoan, Ái (Thanh Hoá, Nghệ An) cũng rầm rộ kéo nhau vào tiếp nhận hai châu Ô, châu Lý. Được đã sáp nhập vào nước Đại Việt, Châu Ô đổi thành châu Thuận, châu Lý đổi thành châu Hoá, nhân dân thường gọi chung là Thuận - Hóa (vùng đất từ bờ Nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam ngày nay). Các huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị ngày nay) và huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay) thuộc Thuận Châu xưa. Các huyện Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) và Hòa Vang (Đà Nẵng), Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) thuộc Hóa Châu xưa.

Một năm sau, vua Chế Mân qua đời, theo tục lệ của đất nước Chiêm Thành, hoàng hậu sẽ phải lên giàn hỏa thiêu để tuẫn tang theo chồng. Vua Trần Anh Tông biết được nên sai tướng Trần Khắc Chung vờ sang viếng để cứu công chúa trở về. Tháng 8 năm Mậu Thân (1308) sau khi về đến đất Thăng Long, Huyền Trân công chúa đã quy y vào cửa Phật, có pháp danh là Hương Tràng.

Ngày mồng 9 tháng Giêng năm 1340, Bà ngọa bệnh rồi qua đời tại chùa Nộn Sơn (Nam Định), dân làng thương tiếc lập đền thờ bà bên cạnh chùa, bà được tôn gọi là Thần Mẫu. Trong thời gian tu hành, bà đã giúp dân các vùng lân cận dựng làng lập ấp. Tương truyền bà đã lập ra 36 ngôi làng ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Vì vậy cho đến nay, bà vẫn là một trong ba vị Thành hoàng được thờ tại xã An Ninh (làng Dành – nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), bởi làng Dành chính là một trong những ngôi làng được bà góp sức dựng nên. Trải các triều đại bà được bao phong là Trung đẳng thần. Đến thời Nguyễn, bà được sắc phong là Trai tĩnh Trung đẳng thần vì có nhiều linh ứng và có công trong việc giữ nước giúp dân, đền thờ Bà được lập trên núi Ngũ Phong ở Huế.

Cứ vào dịp mồng 9 tháng Giêng hằng năm, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân diễn ra Lễ hội đền Huyền Trân công chúa để tri ân công đức của Bà vì sự phát triển của nước Đại Việt, thu hút hàng ngàn lượt người là du khách trong nước, quốc tế và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái.

Kiến trúc và nét đặc trưng

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân có diện tích rộng đến 28,5ha, là một quần thể kết hợp nhiều công trình kéo dài từ chân núi Ngũ Phong lên đến đỉnh, bao quanh là rừng thông và đồi núi điệp trùng.

Từ phía ngoài đi vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có đặt nghê đá phục chầu, tiếp đó là 3 bậc sân khá rộng được lát bằng gạch Bát Tràng, có cả hồ nước và cây cầu nhỏ bắc qua tương tự như cây cầu Trung Đạo được bắc qua hồ Thái Dịch trước điện Thái Hòa trong kinh thành Huế; tiếp đến nữa là khu vực tam quan và trong cùng là đền thờ Huyền Trân Công chúa. Tất cả các công trình đều nằm trên một trục thẳng.

Phía bên trong đền thờ có pho tượng mô phỏng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2.37m, được đúc bởi các nghệ nhân nổi tiếng của phường Đúc, Tp.Huế. Hậu điện có thờ Đoàn Nhữ Hài, người được cho đã soạn biểu giúp gỡ tội cho vua Trần Anh Tông thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, ông còn là vị quan của người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này được từ Chiêm Thành sáp nhập vào Đại Việt.

Trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Huyền Trâncòn có nhiều công trình kiến trúc khác, như là: Tháp chuông Hòa Bình có chiều cao 7m và được dựng trên đỉnh Ngũ Phong cùng với một chuông đồng khác nặng 1.6 tấn và cao 2.16m do những nghệ nhân phường Đúc chế tác. Tiếng chuông ngân lên như lan toả vào cõi nhân gian tĩnh lặng mang lại cho con người những phút giây thư thái và bình yên. Trên con đường đi lên Tháp chuông Hòa Bình, bạn sẽ còn gặp bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ với nụ cười viên mãn thường trực trên môi.

Bên cạnh đó, để tưởng nhớ vị sư tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm – Đức Vua Trần Nhân Tông, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân đã tiến hành xây dựng hoàn chỉnh để nơi này trở thành một khu du lịch văn hoá tâm linh, một địa chỉ du lịch Thiền của quốc gia. Nơi đây còn có một số hạng mục công trình khác như: Nhà thư pháp; Nhà phong lan, Thiền đường, Thư viện để lưu giữ và nghiên cứu chủ yếu các tài liệu về vua Trần Nhân Tông, vua Trần Anh Tông, Huyền Trân Công Chúa… cùng các nhân vật anh hùng khác dưới triều đại nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm qua các Triều đại, văn hoá Huế và lịch sử văn hoá kiến trúc của Chămpa…

Đỉnh cao cho sự khéo léo, tinh tế và tài hoa của những nghệ nhân Huế đó chính là đôi rồng chầu trước điện thờ vua Trần Nhân Tông. Đôi rồng chầu được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam với chiều dài 108 mét. Con số 108 mét cũng là chiều cao của ngọn núi Ngũ Phong (so với mực nước biển).

Thưởng lãm

Bước lên 246 bậc cấp để chinh phục đỉnh núi Ngũ Phong và tháp chuông Hòa Bình, từ đây, ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn bao quát cả thành phố Huế rất đẹp, nhất là vào buổi chiều tà. Ý nghĩa của cụm từ "Thế giới - Hòa Bình - Nhân loại - Hạnh phúc" cùng hình ảnh của 4 chùa: Giác Lâm, Thiên Mụ, Diên Hựu và chùa Trúc Lâm Yên Tử được in nổi trên quả chuông đem lại cho ta những chiêm nghiệm về sự hòa hợp và hội tụ.

Với những giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc và giá trị văn hóa đó, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân là điểm đến lý tưởng để học tập, tham quan, nghiên cứu, để chiêm bái và để tự hào hơn về những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã để lại.

https://khamphahue.com.vn/kham-pha/di-tich-di-san/tid/Trung-tam-Van-hoa-Huyen-Tran/newsid/FECFD890-E9F4-44A4-A182-AD9E008CC17B/cid/4EE56146-D26C-4783-898F-0EC4FA9BC944



1. Huyền Trần Công Chúa



27/04/2022 08:47

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1146 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

GN - Nhận định về cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa và vua Chăm-pa Chế Mân, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng đây không phải là cuộc đổi lấy đất đai, mà là một giải pháp ngoại giao mang tính tình thế từ Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Chuyện về cuộc hôn nhân giữa công chúa triều Trần với nhà vua Chăm-pa từng được nhiều nhà văn, nhà thơ khai thác đưa vào trong những tác phẩm văn học. Dường như phần lớn người đời sau đều cho rằng, năm 1306, Huyền Trân công chúa được gả cho quốc vương Chiêm Thành Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) là để đổi lấy hai châu Ô, Lý (toàn bộ đất của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị ngày nay).

Tại sao, nước Đại Việt 3 lần chiến thắng Nguyên Mông, lại phải đem một cô gái nhỏ tuổi để gả cho vua Chiêm Thành? Để hiểu rõ thêm câu chuyện trên, Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần, về bản chất thực sự của cuộc hôn nhân Huyền Trân công chúa - Chế Mân, qua sự “giải mã” của ông. Nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ:

- Năm 1288, Đại Việt chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ 3. Năm 1293, Hốt Tất Liệt qua đời, con ông ta lên nối ngôi, đã cho sứ sang tuyên cáo ở Đại Việt rằng: Thiên triều bãi bình, không muốn chiến tranh với Đại Việt nữa. Đội quân bách chiến bách thắng của Đại Việt thời ấy đã ảnh hưởng đến Chăm-pa. Sử sách ghi lại, tháng 2-1301, phái đoàn sứ thần của Chăm-pa sang đến kinh thành Thăng Long rồi lại về ngay. Tháng 3 năm ấy, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đang tu hành khổ hạnh ở trên núi Yên Tử, thấy phái đoàn của Chăm-pa sang và về ngay, thì lập tức xuống núi về kinh, sau đó làm một cuộc du hành sang Chiêm Thành.

Ta nhìn nhận sự việc trong bối cảnh sách sử ghi chép: Ngài đang tu hạnh đầu đà. Trong nhà Phật, dù tu Tịnh độ tông hay Thiền tông, cũng không bắt buộc phải tu hạnh đầu đà. Nhưng nếu ai có hạnh đó, thì sẽ phát nguyện trước Tăng chúng tu trong thời gian 3 tháng, 6 tháng, hoặc một năm.

Khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã phát nguyện, tuyên cáo với Tăng chúng là tu hạnh đầu đà thì không thể tu dối được, không thể bỏ dở giữa chừng. Thế nhưng đang tu hạnh đầu đà, Phật hoàng phải bỏ dở để đi sang Chăm-pa, thì chắc chắn phải có chuyện rất hệ trọng quốc gia, rất cấp bách vào thời diểm ấy.

* Chuyến đi của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông với mục đích gì, thưa nhà văn?

Sau ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, binh lực nước ta rất hùng cường, các tướng lĩnh đều tài ba thao lược. Hầu hết tướng sĩ đều gây sức ép lên triều đình muốn tấn công chinh phục Chăm-pa để mở rộng đất đai về phương Nam. Hàng vạn binh lính cùng các tướng lĩnh đồn trú về phía biên giới với Chăm-pa để thị uy sức mạnh, khiến nước Chăm-pa bất an, phải cứ đoàn sứ thần sang Thăng Long thương thuyết, đề nghị triều đình Đại Việt chỉ đạo tướng lĩnh biên ải không khiêu khích, không tấn công Chăm-pa. Vì thương thuyết không thành công, nên đoàn đi sứ phải về ngay.

Nhìn thấy nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa hai nước, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông vốn là một ông vua nhân ái, lại là bậc xuất gia tu hành đạo Phật sẵn tính từ bi đức độ, nên không muốn một cuộc chiến tranh nào xảy ra nữa.

Thông thường, từ Đại Việt sang Chiêm Thành thường đi đường thủy sẽ thuận lợi hơn, nhanh hơn. Nhưng Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đi đường bộ từ Thăng Long dọc theo miền Trung, với mục đích để xem xét sự bố trí binh lực quân ta ở phía Nam ra làm sao, nếu định tấn công Chăm-pa thì phải ngăn lại.

Năm 1301, sử sách ghi Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông sang Chăm-pa phải ở đó tới 9 tháng. Nếu chỉ là một cuộc viếng thăm, sao phải ở đó lâu đến vậy? Trần Nhân Tông sang đó mục đích không gì khác là thương thuyết với Chế Mân. Muốn ngăn cản binh lính Đại Việt không gây chiến tranh với Chăm-pa, chỉ có giải pháp thuyết phục Chế Mân cắt 2 châu Ô, châu Lý cho Đại Việt, thì tướng sĩ Đại Việt mới từ bỏ ý định phát động chiến tranh.

Chế Mân là người anh hùng của nước Chăm-pa, không dễ gì bắt nạt. Ban đầu Chế Mân có lẽ cực lực phản đối, cho dù Trần Nhân Tông giải thích cái lẽ đời nó phải như thế. Sau nhiều tháng, có lẽ Chế Mân cũng đã nhận ra việc cắt đất là bắt buộc, vì nếu Đại Việt gây chiến tranh, chắc chắn Chiêm quốc sẽ thua, cuối cùng cũng sẽ mất đất. Khi đó, không chỉ mất 2 châu Ô, Lý, mà có thể sẽ bị mất vùng lãnh thổ lớn hơn, thậm chí sẽ bị mất toàn bộ đất nước. Việc chủ động cắt đất là để Trần Nhân Tông có lý do yêu cầu tướng sĩ Đại Việt bãi binh, cũng là để cảnh tỉnh: chỉ “ăn” được đến đấy thôi, không thể “ăn” thêm được nữa đâu.

Sau nhiều lần thuyết phục, Thái thượng hoàng Đại Việt nhận ra, Chế Mân đã có vẻ thuận, nhưng khó “ăn nói” với thần dân Chiêm quốc. Vốn là một bậc anh hùng, nếu người ta chưa đánh, đã cắt đất đai giang sơn đem dâng vô điều kiện, thì sẽ bị cho là “hèn mạt”. Trong tình huống bang giao khó khăn, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông bèn nghĩ ra “kế sách”, gả con gái yêu quý của mình cho Chế Mân, vừa để bày tỏ lòng thành tâm vì mối bang giao tốt đẹp, vừa giúp Chế Mân “dễ ăn nói” với thần dân của mình.

Cho nên cuộc tình duyên ấy, việc gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân là giải pháp tình thế cho một tình thế chính trị. Sự kiện này cũng là minh chứng cho việc sử dụng thuyết “bất bạo động” để giải quyết xung đột của nhà Phật.

Cuộc hôn nhân này bị triều đình Chăm-pa phản đối. Vì vậy, hứa gả từ năm 1301, mà mãi đến năm 1305 họ mới sang xin tiến hành lễ cưới. Ngay cả ở Đại Việt, khi ấy triều đình chúng ta cũng phản đối, vì ta không ở cái thế yếu mà phải đem gả công chúa sang đó như là làm con tin. Các tướng sĩ đều cho rằng cứ đem quân tràn sang là sẽ lấy được đất, không cần cuộc hôn lễ với Chế Mân. Trong triều đình chỉ có 2 người ủng hộ cuộc hôn nhân này, là Trần Khắc Chung và Trần Nhật Duật, và người buộc phải đồng ý là vua Trần Anh Tông (anh trai của Huyền Trân) không thể làm trái ý chỉ của cha mình.

* Khi cuộc hôn nhân đã thành, chỉ một năm sau Chế Mân qua đời. Đại Việt đã có cuộc giải cứu công chúa dễ dàng. Phải chăng, “lừa” người Chăm không khó, thưa ông?

Chăm-pa có phong tục, khi vua qua đời, sẽ thiêu sống cả những người vợ yêu của vua, với niềm tin khi xuống suối vàng, vua có người để hầu hạ. Họ muốn thiêu sống công chúa Huyền Trân, vì phải thực hiện theo phong tục cổ truyền. Nhưng họ cũng e ngại Đại Việt có cớ sang gây chiến, nên họ phải báo tang cho Đại Việt. Triều đình ta cử Trần Khắc Chung cùng một An phủ sứ sang đón về.

Khi sang nước Chăm, ta nói với họ rằng, phong tục của Chăm-pa thì phải thực hiện. Nhưng, trước khi lên giàn hỏa thiêu, phải cho hoàng hậu thực hiện đủ nghi lễ theo phong tục Đại Việt. Đó là, cho ra bờ biển, dựng đàn lễ, hướng về phía Bắc để “tế sống” cha mẹ. Coi như đây là trả ơn nghĩa tổ tiên trước khi lìa trần. Người Chăm vốn trọng phong tục, nghi lễ cổ truyền, vì thế họ không thể chối từ đề nghị của ta. Thuyền của Đại Việt đang đêm cập bến, rước đưa Huyền Trân đi, và rút lui cả phái đoàn của Đại Việt đã đi theo Huyền Trân đến Chăm-pa từ năm trước.

Tôi nghĩ rằng, cuộc giải cứu này, người Chăm họ biết trước, chứ không phải là họ không biết. Nhưng mà người ta cũng muốn Huyền Trân đi cho xong. Bởi triều đình Chăm lúc đó đang ở giữa tình huống khó xử: vừa sợ Đại Việt gây chiến tranh, lại không muốn làm trái phong tục của ông cha họ truyền lại. Nên họ cũng muốn người Đại Việt đưa Huyền Trân đi. Thêm nữa, Huyền Trân lúc đó đã có con với Chế Mân. Huyền Trân đem theo cả Thái tử Chế Na Đa khi đó mới mấy tháng tuổi cùng về Đại Việt. Đó cũng là điều phía Chăm càng mong muốn, vì người Chăm không muốn có ông vua mang trong mình một nửa dòng máu Đại Việt.

Hải quân Chăm-pa là hải quân mạnh nhất khu vực thời đó, họ thường ra vùng biển quốc tế chặn tàu của các nước. Sử sách của nhiều nước từng ghi chép về sự hùng mạnh của hải quân Chăm-pa, tàu của các nước khi đi qua vùng biển của Chăm-pa đều rất sợ. Với lực lượng hải quân như vậy, khi Trần Khắc Chung đưa Huyền Trân đi trên biển, thuyền của Chăm-pa sẽ dễ dàng đuổi theo cướp lại. Thế nhưng, thuyền của Chăm-pa đã không đuổi theo.

Có thể nói cuộc giải cứu Công chúa Huyền Trân là phương thức sử dụng văn hóa phong tục để xứ lý rất tuyệt vời về một tình huống khá nhạy cảm, éo le trong mối bang giao Đại Việt - Chăm-pa.

* Sau khi về Thăng Long, công chúa Huyền Trân sống ở đâu, thưa nhà văn?

Chế Mân qua đời tháng 10-1307, đến tháng 8-1308 công chúa Huyền Trân mới về đến Thăng Long. Huyền Trân khi đó không ở kinh đô được, mà về Thái Bình khai hoang lập ấp. Bà về khu vực huyện Hưng Hà bây giờ, chiêu mộ dân tứ tán khai hoang tạo dựng làng xóm mới. Về sau, bà chia hết ruộng đất cho người dân ở đó, rồi về bên Vụ Bản ở Nam Định, tu tại một ngôi chùa. Ngày nay, ở gần Ủy ban Nhân dân huyện Vụ Bản còn ngôi chùa, trong chùa có đền thờ công chúa Huyền Trân. Đó chính là nơi bà tu hành, khi qua đời được người dân lập đền thờ.

* Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

https://giacngo.vn/huyen-tran-cong-chua-va-cuoc-bang-giao-dai-viet---cham-pa-post61652.html

..

1 nhận xét:

  1. 2. Trung tâm văn hóa Huyền Trân (Huế)




    Đền Huyền Trân Huế
    https://www.facebook.com/profile.php?id=100014982130191


    Trung tâm Văn hóa Huyền Trân

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.