Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

28/07/2022

Trở lại câu chuyện ngôi đền Khai Long và những đạo sắc phong quí giá ở Nghệ An

Chúng tôi đã điểm tin, từ rất lâu trước đây, về đền Khai Long. Ví dụ, trên Giao Blog thì có thể đọc lại ở đây (tháng 9 năm 2010) hay ở đây (tháng 4 năm 2013).

Hôm nay, trở lại với ngôi đền bằng việc đăng bài viết của Quảng Phước - bài mới xuất hiện trên trang nhà của tạp chí Văn hóa Nghệ An.

Trên thực tế, hiện có hai ngôi đền mang tên "đền Khai Long" thuộc hai xã của huyện Đô Lương.

Các bổ sung hay cập nhật thì dán ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 7 năm 2022,

Giao Blog


---












..

Đền Khai Long thờ ai?

  •   QUẢNG PHƯỚC
  • Thứ hai, 04 Tháng 7 2022 01:49
  • giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ

Biển gỗ  khắc niên đại trùng tu đền Khai Long, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh Trần Hữu

Đền Khai Long tọa lạc dưới chân Rú Đền (tên chữ Hán là “Chi Long sơn), làng Đông Bích, xã Thuần Trung, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn (nay là xóm 1, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương) là một ngôi đền linh thiêng có tiếng trong vùng. Hiện nay chưa xác định được chính xác niên đại xây dựng đền. Tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu Hán Nôm[1] thì đạo sắc phong sớm nhất cho thần Khai Long Sứ Quân là sắc phong niên hiệu Đức Long năm thứ 5 (1633). Như vậy, có thể khẳng định rằng đền Khai Long phải có trước năm 1633. Việc thờ phụng thần ở đây phải diễn ra một thời gian khá dài rồi mới được triều đình sắc phong.

Trải qua thời gian, đền đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Trong đó có hai lần trùng tu lớn vào cuối thời Nguyễn được ghi chép lại là năm Tự Đức thứ 25 (1872) và năm Thành Thái thứ 13 (1901). Theo tài liệu biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872) cho biết, đền Khai Long được gọi là “Thượng Đẳng Khai Long Linh Từ”. Mặc dầu trong sắc phong thần của triều đình chỉ giao cho xã Thuần Trung phụng sự nhưng trên thực tế thì cả 20 làng của 5 xã (Thuần Trung, Phật Kệ, Trường Mỹ, Phượng Nghi, La Sơn) thuộc tổng Thuần Trung cùng phụng sự. Đền có kiến trúc gồm 3 tòa: Thượng đường, Trung đường, Hạ đường và Nghi môn. Mỗi hạng mục công trình giao cho mỗi xã có trách nhiệm trùng tu: “Thượng đường, Hạ đường do xã Thuần Trung; Trung đường do xã Phật Kệ, Trường Mỹ; Hạ đường do xã Phượng Nghi; Nghi môn do xã Sơn La”[2]. Không chỉ cả tổng cùng phụng sự mà ngôi đền này còn được phủ đường Anh Sơn rất quan tâm. Trong biển ký cho biết “đền bị hư hỏng lâu ngày, tổng ta đã nhiều phen hội họp bàn bạc việc tu sửa, mọi người cũng đã nói nhiều nhưng đều chưa thỏa mãn. Nay nhân vâng theo ngài (họ) Tôn Thất là Tri phủ của phủ ta quyên tiền để cúng vào đền và sức trát việc trùng tu đền”[3]. Sau khi trùng tu xong, tổng Thuần Trung đã làm 5 bản “giao từ”[4] trình lên phủ đường xem xét và phê bút ký vào văn bản rồi giao lại cho mỗi xã giữ một bản để lưu làm bằng cứ[5]. Như vậy có thể thấy đây là một ngôi đền có tầm ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn.

Trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, đền Khai Long cũng như nhiều ngôi đền khác trong vùng bị phá dỡ để phục vụ kháng chiến và làm các công trình dân sinh. Đền xưa trở thành phế tích. Đồ tế khí và các tài liệu của đền bị thất lạc đi nhiều nơi, một số được gửi ở đền Linh Kiếm (xã Thuận Sơn). Năm 2022, đền được phục dựng trên nền cũ và đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều ý kiến liên quan đến việc xác định nhân vật thờ chính tại đền là ai? Có người cho rằng đền Khai Long chỉ thờ thần Khai Long Sứ Quân. Nhưng cũng có người cho rằng đền Khai Long thờ Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Có ý kiến lại cho rằng đền Khai Long thờ cả hai vị thần này. Nhưng vị thần nào là chính thờ? Vị thần nào là phối thờ? Hay cả hai vị ngang hàng nhau. Vậy đền Khai Long thờ ai?

I. Các tài liệu để xác minh

Để xác minh nhân vật thờ tại đền Khai Long chúng ta hãy xem xét các tài liệu thành văn (chữ Hán Nôm, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ) hiện còn lưu giữ được tại địa phương cũng như các trung tâm lưu trữ, gồm: sắc phong, sổ làng, biển ký, Đồng Khánh Dư địa chí, bản điều tra của Trường Viễn Đông Bác Cổ đồng thời điền dã, khảo sát thực địa và đối chiếu với ký ức dân gian của Nhân dân trong vùng.

          1. Sắc phong thần:

Sắc phong thần là văn bản của triều đình ban tặng mỹ tự, phẩm trật cho thần linh và giao cho làng, xã thờ phụng vị thần đó. Trong sắc phong ghi rõ duệ hiệu của thần, địa chỉ nơi nhận, ngày tháng năm ban sắc và đóng dấu triện của nhà vua. Vì vậy đây là văn bản gốc cấp 1, đáng tin cậy nhất. Hiện nay, tại đền Linh Kiếm (xã Thuận Sơn) còn lưu giữu được 43 đạo sắc phong thần của nhiều làng trong vùng tập hợp về. Trong số đó có sắc phong cho Khai Long Sứ Quân và Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, cụ thể như sau:

- 22 đạo sắc phong riêng cho thần 使 Khai Long Sứ Quân” (chiếm 52,2%), gồm những niên hiệu: Phúc Thái 5 (1647), Phúc Thái 7 (1649), Thịnh Đức 4 (1656), Thịnh Đức 5 (1657), Vĩnh Thọ 3 (1660), Cảnh Trị 8 (1670), Dương Đức 3 (1674), Chính Hòa 5 (1684), Vĩnh Thịnh 6 (1710), Vĩnh Khánh 2 (1730), Long Đức 5 (1736), Cảnh Hưng 1 (1740), Cảnh Hưng 28 (1767), Cảnh Hưng 44 (1783), Cảnh Thịnh 4 (1796), Minh Mệnh 5 (1824), Thiệu Trị 3 (1843), Thiệu Trị 3 (1843), Tự Đức 3 (1850), Thành Thái 6 (1894), Khải Định 9 (1924) và một đạo thời Lê bị mất niên hiệu.

Trích dịch 01 đạo sắc phong thời Lê cho Khai Long Sứ Quân

Phiên âm:

Sắc Khai Long Sứ Quân Hiển ứng Chiêu linh, Hoằng phúc Quảng nhân, Bác trí Trợ thuận, Phù vận Bảo nghiệp, Huy vũ Hậu đức, Chí nhân Tuy phúc, Hùng lược Hoằng nghị, Trạch vật Hiển hựu, Phổ hóa Phù tộ, Triệu mưu Đại vương. Tư kiêm chính hữu, đức đại thông minh. Khí phát dương thê sảng huân cao, nhân giai kính phụng; quốc bảo hộ linh trường du cửu, thế điện tôn yên. Lượng thực đa tương trợ chi công, tín nghi cử bao phong chi điển. Vi mặc phù vương thất, hiệp tương hoàng đồ, đản sinh hoàng tử, tăng long quốc bản. Khả gia phong Khai Long Sứ Quân Hiển ứng Chiêu linh, Hoằng phúc Quảng nhân, Bác trí Trợ thuận, Phù vận Bảo nghiệp, Huy vũ Hậu đức, Chí nhân Tuy phúc, Hùng lược Hoằng nghị, Trạch vật Hiển hựu, Phổ hóa Phù tộ, Triệu mưu Diên huống, Thùy hưu Đại vương.

Cố sắc!

Phúc Thái thất niên nhị nguyệt nhị thập bát nhật.

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho Khai Long Sứ Quân Hiển ứng Chiêu linh, Hoằng phúc Quảng nhân, Bác trí Trợ thuận, Phù vận Bảo nghiệp, Huy vũ Hậu đức, Chí nhân Tuy phúc, Hùng lược Hoằng nghị, Trạch vật Hiển hựu, Phổ hóa Phù tộ, Triệu mưu Đại vương. Tư chất ngay thẳng, đức lớn thông minh. Khí phát ngút mênh mang cao vời, người người kính phụng; bảo hộ quốc gia trường tồn lâu dài, thế nước bền vững. Thiết nghĩ thực là nhiều công phù trợ, nên đáng được bao phong thịnh điển. Vì đã ngầm giúp vương thất, phò hộ hoàng đồ, sinh được hoàng tử, gốc nước thêm vững bền. Đáng phong thêm là Khai Long Sứ Quân Hiển ứng Chiêu linh, Hoằng phúc Quảng nhân, Bác trí Trợ thuận, Phù vận Bảo nghiệp, Huy vũ Hậu đức, Chí nhân Tuy phúc, Hùng lược Hoằng nghị, Trạch vật Hiển hựu, Phổ hóa Phù tộ, Triệu mưu Diên huống, Thùy hưu Đại vương.

Cho nên ban sắc!

Ngày 28 tháng 2 năm Phúc Thái thứ 7 (1649)

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Sắc phong cho Khai Long Sứ Quân đời Lê được biên soạn năm Phúc Thái thứ 7 (1649). Trần Hữu

Trích dịch 01 đạo sắc thời Nguyễn cho Khai Long Sứ Quân:

Phiên âm:

Sắc Nghệ An tỉnh, Anh Sơn phủ, Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Huyền hỗ Thuần hi, Diệu cảm Thuần chính, Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Khai Long Sứ quân Thượng đẳng thần. Hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự. Dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho xã Thuần Trung, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An theo như trước thờ phụng vị thần vốn được tặng là Huyền hỗ Thuần hi, Diệu cảm Thuần chính, Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Khai Long Sứ quân Thượng đẳng thần. Thần phù giúp đất nước, che chở nhân dân, linh ứng từ lâu, đã nhiều lần được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Cho nên nay đúng dịp đại lễ mừng thọ 40 tuổi của trẫm, đã ban chiếu báu, tỏ rõ ân sâu, lễ lớn tăng thêm phẩm trật. Đặc chuẩn cho thờ phụng như cũ. Dùng để ghi nhớ ngày mừng của đất nước mà tỏ rõ điển thờ.

Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Sắc phong cho Khai Long Sứ Quân đời Nguyễn được biên soạn năm Khải Định thứ 9 (1924). Trần Hữu

- 6 đạo sắc phong riêng cho Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (chiếm 13,9%), gồm những niên hiệu: Cảnh Hưng 44 (1783), Thiệu Trị 6 (1846), Tự Đức 3 (1850), Thành Thái 2 (1890), Khải Định 9 (1924) và 01 đạo thời Nguyễn bị mất niên hiệu.

Trích dịch 01 đạo sắc phong thời Lê cho Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan:

Phiên âm:

Sắc Bản huyện Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Thượng thư, Thái phó, Tấn Quốc công, thụy Khiêm Cẩn phủ quân, gia phong Triệu tường Tuy phúc, Hùng tài Đại lược, Tu đạo Địch quả, Dực vận Hiếu đức, Đăng tích Trạch dân, Long trạch Phổ huệ, Gia huống Thuần hỗ, Thiện mỹ Thuần túy Đại vương. Sơn nhạc trữ anh, hà hải tiêu dị. Huân cao thê sảng, bẩm nhị khí chi lương năng; chính trực thông minh, dữ bách thần nhi tịnh liệt. Khắc tương ký chương, huyền huống bao phong, hà cận ký chương. Vi Tự vương tiến phong vương vị, lâm cư chính phủ, phụng chuẩn gia triêm, ứng gia phong mỹ tự tam tự. Khả bao phong Bản huyện Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Thượng thư, Thái phó, Tấn Quốc công, thụy Khiêm Cẩn phủ quân, gia phong Triệu tường Tuy phúc, Hùng tài Đại lược, Tu đạo Địch quả, Dực vận Hiếu đức, Đăng tích Trạch dân, Long trạch Phổ huệ, Gia huống Thuần hỗ, Thiện mỹ Thuần túy, Thông mẫn Trung lượng, Chính trực Đại vương.

Cố sắc!

Cảnh Hưng tứ thập tứ niên thất nguyệt nhị thập lục nhật.

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc ban cho Bản huyện Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Thượng thư, Thái phó, Tấn Quốc công, thụy Khiêm Cẩn phủ quân, gia phong Triệu tường Tuy phúc, Hùng tài Đại lược, Tu đạo Địch quả, Dực vận Hiếu đức, Đăng tích Trạch dân, Long trạch Phổ huệ, Gia huống Thuần hỗ, Thiện mỹ Thuần túy Đại vương. Núi non hun đúc tinh anh, sông bể nêu cao khí tiết. Cao xa vời vợi, bẩm chất tốt đẹp của hai khí âm dương; chính trực thông minh, cùng với bách thần đều trung liệt. Đã tỏ rõ công lao như vậy, đáng được bao phong, sao lại chẳng ban điển. Vì Tự vương tiến phong vương vị, ngự ngôi chính phủ, phụng chuẩn ban ơn, nên bao phong ba chữ mỹ tự. Đáng phong là Bản huyện Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Thượng thư, Thái phó, Tấn Quốc công, thụy Khiêm Cẩn phủ quân, gia phong Triệu tường Tuy phúc, Hùng tài Đại lược, Tu đạo Địch quả, Dực vận Hiếu đức, Đăng tích Trạch dân, Long trạch Phổ huệ, Gia huống Thuần hỗ, Thiện mỹ Thuần túy, Thông mẫn Trung lượng, Chính trực Đại vương.

Cho nên ban sắc!

Ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783)

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Sắc phong cho Thái phó- Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đời Lê được biên soạn năm Cảnh Hưng  thứ 44 (1783). Trần Hữu

 

Trích dịch 01 đạo sắc phong thời Nguyễn cho Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan:

Phiên âm:

Sắc Nghệ An tỉnh, Anh Sơn phủ, Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Anh mại Cương trung, Đoan lượng Quang ý, Trác vĩ, Dực bảo Trung hưng, Lê triều công thần, Binh bộ Thượng thư, Thái phó Tấn Quận công, thụy Khiêm Cẩn Thượng đẳng thần. Hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự. Dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho xã Thuần Trung, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An theo như trước thờ phụng vị thần vốn được tặng là Anh mại Cương trung, Đoan lượng Quang ý, Trác vĩ, Dực bảo Trung hưng, Lê triều công thần, Binh bộ Thượng thư, Thái phó Tấn Quận công, thụy Khiêm Cẩn Thượng đẳng thần. Thần phù giúp đất nước, che chở nhân dân, linh ứng từ lâu, đã nhiều lần được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Cho nên nay đúng dịp đại lễ mừng thọ 40 tuổi của trẫm, đã ban chiếu báu, tỏ rõ ân sâu, lễ lớn tăng thêm phẩm trật. Đặc chuẩn cho thờ phụng như cũ. Dùng để ghi nhớ ngày mừng của đất nước mà tỏ rõ điển thờ.

Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

- 3 đạo phong chung cho Khai Long Sứ Quân và Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (chiếm 7%), gồm: Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909).

Sắc phong cho Thái phó- Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đời Nguyễn được biên soạn năm Khải Định  năm thứ 9 (1924). Trần Hữu

 

Sắc phong cho Thái phó - Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đời Nguyễn được biên soạn năm Duy Tân năm thứ 3 (1909). Trần Hữu

Trích dịch 01 đạo sắc phong chung cho Khai Long Sứ Quân và Tấn Quốc Công:

Phiên âm:

Sắc chỉ Nghệ An tỉnh, Lương Sơn huyện, Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, Khai Long Sứ Quân Thượng đẳng thần; Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, Lê trung hưng công thần, Thái phó Tấn Quận công Nguyễn thượng đẳng thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong, chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự. Dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật.

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An theo như trước thờ phụng Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, Khai Long Sứ Quân Thượng đẳng thần; Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, Lê trung hưng công thần, Thái phó Tấn Quận công Nguyễn thượng đẳng thần. Các thần đã lần lượt được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Năm Duy Tân thứ nhất, đại lễ đăng quang, đã ban chiếu báu tỏ rõ ân sâu, lễ lớn nâng thêm phẩm trật. Đặc chuẩn cho thờ phụng như cũ. Dùng để ghi nhớ ngày mừng của đất nước mà tỏ rõ điển thờ.

Kính thay!

Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909)

          (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

- Còn lại 12 đạo sắc phong cho các vị thần khác (chiếm 27%).

 

Trong số 43 đạo sắc phong đó thì sắc phong cho thần Khai Long Sứ Quân là sớm nhất và nhiều nhất, liên tục nhất, trải dài từ triều Lê trung hưng đến triều Nguyễn. Điều đó khẳng định rằng, thần Khai Long Sứ Quân là một vị thần rất linh thiêng, được Nhân dân kính mộ và triều đình ban thịnh điển.

2. Tài liệu “Thượng miếu sắc sao”上廟抄 do chức sắc xã Thuần Trung lập vào ngày 20/4 năm Thành Thái 13 (1901)

Tài liệu này hiện nay đang được lưu giữ tại đền Linh Kiếm, gồm có 74 trang, viết tay bằng chữ Hán viết trên giấy gió, bìa màu vàng sẫm, khổ giấy 13,5cm x 17cm, vẫn còn nguyên vẹn. Cuối tài liệu này còn có bản tường trình xin cải phong cho thần “Khai Long Sứ Quân” có đóng dấu và ký tên của Lý trưởng 9 làng thuộc xã Thuần Trung (Đông Bích, Thuần Hậu, Trung Thượng, Mỹ Trung, Tiên Cung, Thuận Lý, Dinh Chu, Phú Văn, Hiếu Thiện).

Trang thứ 3, 4,5 viết “ngày tốt tháng Dậu (tháng 8) năm Bính Tuất Thiên tử vạn niên năm thứ 2 (1886), dân xã kính sao sắc phong các triều đại ban cho 02 tòa đền thiêng, gồm 32 tờ, giao cho làng Đông Bích gìn giữ. Nay ghi lại.

Ngày 20/4 năm Thành Thái 13 (1901), toàn xã Thuần Trung kính biên chép. Nay nhân bản tổng sơn thếp tòa chính vị, bèn kiểm tra lại sắc phong của các triều đại ban tặng cho. Bắt đầu từ đời Lê Thần Tông niên hiệu Đức Long ban một đạo, đến triều Nguyễn niên hiệu Thành Thái năm thứ 6 (1894) ban một đạo, tổng cộng là 21 đạo. Phần phụng sao này có 28 tờ, niên hiệu, thứ tư tra cứu rõ ràng, có đánh dấu ở mép giấy, từ nay về sau tiếp tục chép vào không sai.

Ngày 26/4 năm nay (tức năm Thành Thái 13), xã Thuần Trung mời ông Nguyễn Tài Đôn làm chức Tri phủ phủ Thuận Thành, người làng Thượng Thọ, xã Đại Đồng (nay là xã Đại Đồng, Thanh Chương) viết bài vị cho thần là “Thánh Thượng Khai Long Sứ Quân, tiền triều sắc phong Hiển ứng Chiêu linh, Hoằng phúc Quảng nhân, Bác trí Trợ thuận, Phù vận Bảo nghiệp, Huy vũ Hậu đức, Chí nhân Tuy phúc, Bảo hựu Hùng lược, Hoằng nghị Trạch vật, Hiển hựu Phổ hóa, Phù tộ Đôn thông, Dũng trí Triệu mưu, Diên huống Thùy hưu, Hộ quốc Dực vận, Tán trị Đôn nhân, Phấn vũ Bố uy, Dũng đạt Minh quang, Linh trí Cương nghị, Phong niên Nhân dân, Uy dũng Anh công, Vĩ lược Thạc đức, Phù vận Khuông tích, Hưng bình Thuần nghĩa, Hoành mô Đạt lược, Vĩ tích Tứ hi, Tập khánh Đốc hỗ, Lệnh văn Linh dự, Chương khánh Đốc hưu, Đôn hoành Tuy thổ, Diên huống Anh nghị, Quả quyết Phổ bác, Khoan du Đoan túc, Thân hưu Dực chính, Diên hi Thượng đẳng Tôn thần; Hoàng triều sắc phong Huyền hỗ Thuần hi, Diệu cảm Thuần chính, Trác vĩ, Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng Tôn thần, Chính thần vị”.

 

Một trang trong " Thượng miếu sắc sao" ghi vị hiệu của Khai Long sứ quân được lập vào năm Thành Thái thứ 13 (1901). Ảnh Trần Hữu

Tiếp đến là phần phụng sao 21 đạo sắc phong, gồm: Đức Long 5 (1633), Phúc Thái 3 (1645), Phúc Thái 5 (1647), Phúc Thái 7 (1649), Thịnh Đức 4 (1656), Thịnh Đức 5 (1657), Vĩnh Thọ 3 (1660), Cảnh Trị 8 (1670), Dương Đức 3 (1674), Chính Hòa 5 (1684), Vĩnh Thịnh 6 (1710), Vĩnh Khánh 2 (1730), Cảnh Hưng 1 (1740), Cảnh Hưng 28 (1767), Cảnh Hưng 44 (1783), Cảnh Thịnh 4 (1796), Minh Mệnh 5 (1824), Thiệu Trị 3 (1843), Thiệu Trị 3 (1843), Tự Đức 3 (1850), Thành Thái 6 (1894). Phần phụng sao sắc phong này gồm có 28 tờ được đánh số bằng chữ Hán ở mép bên trái tờ giấy, khớp với số tờ ghi ở đầu quyển sổ.

Những sắc phong này hiện nay đa số vẫn còn bản gốc (lưu ở đền Linh Kiếm), trong đó có 02 đạo sắc đã bị mất bản gốc, gồm: sắc phong niên hiệu Phúc Thái 3 (1646) và Cảnh Hưng 44 (1783, ngày 26/7).

Như vậy tổng cộng cả số sắc phong hiện còn lưu giữ được và số sắc phong được sao chép trong sổ sách thì thần “Khai Long Sứ Quân” có ít nhất là 24 đạo sắc phong riêng (chưa tính 03 đạo sắc phong chung với Tấn Quốc công).

3. Tài liệu “Si Sơn linh từ sắc sao”  (tập sao sắc phong của đền Rú Si)

Tài liệu này viết bằng chữ Hán trên giấy gió, gồm có 7 tờ (14 trang), không ghi niên hiệu phụng sao, đã bị mất chỉ khâu sách, tuy nhiên chữ vẫn còn rất rõ. Trong tập tài liệu này sao chép lại 05 đạo sắc phong cho Thái Phó, Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, gồm: Sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783), Thiệu Trị năm thứ 6 (ngày 27/3/1846), Thiệu Trị năm thứ 6 (ngày 26/4/1846), Tự Đức năm thứ 3 (1850), Thành Thái năm thứ 2 (1890).

4. Biển ký

Biển ký bằng gỗ, khắc chữ Hán (dài 1,35m, rộng 0,65m). Đây là biển ký khắc nội dung về hai lần trùng tu đền Khai Long vào cuối triều Nguyễn. Lần thứ nhất khắc ngày 19 tháng 8 năm Tự Đức thứ 25 (1872) và lần hai khắc ngày 20 tháng 7 năm Thành Thái thứ 13 (1901). Chúng tôi đã đề cập đến một số nội dung của biển ký ở phần đầu bài viết.

Lần trùng tu năm 1872, ghi rõ tên đền là “Thượng Đẳng Khai Long Linh Từ”, tọa lạc tại Chi Long sơn,làng Đông Bích, xã Thuần Trung, do 20 làng thuộc 5 xã của tổng Thuần Trung phụng sự. Đền có kiến trúc 3 tòa (thượng, trung, hạ) và Nghi môn, phân chia trách nhiệm trùng tu các hạng mục công trình cho 5 xã. Đồng thời khắc ký tích của quan viên, thân hào, chức sắc tổng Thuần Trung, tiêu biểu như: Hàn Lâm viện Trứ tác, lĩnh Thừa chỉ, sung Tương Dương phủ Tri phủ Nguyễn Trọng Tựu; Cử nhân Nguyễn Đình Sĩ; Quỳ Châu phủ Tri phủ Nguyễn Trọng Vĩnh[6]; Tú tài sung Bang biện Nguyễn Văn Trí; Tú tài bổ thụ Hàn Lâm viện Thị chiếu Nguyễn Trọng Thông; Tú tài sung Bang biện Vương Viết Dự; Tú tài Vương Viết Diễn, Đông Bích thôn Lý trưởng Vương Viết Thanh[7]

Lần trùng tu thứ 2 (1901), ghi việc sơn thếp lại “linh từ chính vị” và đồ tế khí tổng cộng hết 300 quan tiền. Đồng thời ghi rõ số tiền đóng góp cả các làng, xã, phường, hội và các cá nhân.

5. Sách “Đồng Khánh dư địa chí”

Sách “Đồng Khánh dư địa chí” là một hồ sơ quan trọng của triều Nguyễn. Đây là tài liệu do Quốc sử quán của triều đình biên soạn. Sau khi biên soạn xong thì dâng lên vua ngự lãm. So với những bộ địa chí được soạn trước đó thì “Đồng Khánh dư địa chí” có phương pháp biên soạn chặt chẽ hơn, chi tiết hơn, mức độ bao phủ từ cấp tỉnh xuống cấp phủ, cấp huyện (châu). Mỗi phủ, huyện đều có đầy đủ các tiểu mục: địa giới, hình thế, thành trì, binh, dân, thuế, đền miếu, phong tục, sản vật, khí hậu, sông núi, đường đi… Chính vì thế trong những mục này ghi khá chi tiết về các địa phương.

Trong phần viết về huyện Lương Sơn (thuộc phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), mục “Đền miếu” cho biết: Huyện Lương Sơn có đền Quả Sơn (Quả Sơn linh từ) (ở thôn Nhân Bồi xã Bạch Đường), miếu Khai Long Sứ Quân (ở thôn Đông Bích xã Thuần Trung), miếu vua Lê Trang Tông Dụ Hoàng đế (ở thôn Yên Tứ xã Văn Trường)”. Như vậy có thể thấy, đền Khai Long Sứ Quân là một trong ba ngôi đền lớn của huyện Lương Sơn, được liệt kê vào sách địa chí của quốc gia. Trong này cũng ghi rõ địa chỉ của đền Khai Long Sứ Quân thuộc làng Đông Bích, xã Thuần Trung (tức làng Đông Bích, xã Trung Sơn ngày nay).  

6. Tài liệu của Trường Viễn Đông bác cổ “Trả lời các câu hỏi về hội Đông Dương, Mã số FQ 4018/38”

Tài liệu này nguyên văn bằng chữ Pháp, do ông Chu Văn Yêng (21 tuổi) giáo viên trường Việt Pháp ở Hiến Lãng, Thanh Chương thực hiện năm 1938, hiện nay đang lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội (Hà Nội) và đã được phiên dịch sang tiếng Việt. Theo tài liệu này cho biết, xã Thuần Trung, tổng Thuần Trung, phủ Anh Sơn có đền thờ Thánh Thái Phó (tức Nguyễn Cảnh Hoan). Đền thờ Ngài tọa lạc dưới chân đồi, có đường nội tỉnh đi qua, gồm hai tòa xây bằng gạch. Ngày lễ chính là vào rằm tháng 2 và rằm tháng 8 âm lịch. Trong tài liệu này không đề cập đến thần “Khai Long Sứ Quân”.

7. Tài liệu kiểm kê di tích của Ty Văn hóa Nghệ An năm 1964

Hiện nay tại kho tài liệu của Ban Quản lý Di tích Nghệ An còn lưu giữ hồ sơ kiểm kê di tích năm 1964 do Ty Văn hóa Nghệ An thực hiện. Phiếu kiểm kê di sản Đền Khai Long đề ngày 8/5/1964, do ông Phan Văn Tú và Nguyễn Cao Xuân lập, có xác nhận của Ủy ban Hành chính xã Trung Sơn. Theo tài liệu này cho biết: Đền Khai Long còn có tên gọi là đền Cả, địa chỉ tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương (xưa là xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn). Đền thờ thần “Khai Long Sứ Quân”, kiến trúc gồm 3 tòa hình chữ Tam và Nghi Môn. Trước kháng chiến đền còn nguyên vẹn. Trong kháng chiến do bom đạn nên đền bị hư hỏng ngói và cổng Nghi Môn. Sau đó nhà Hạ điện bị tháo dỡ, chỉ còn nền móng. Tại thời điểm năm 1964, nhà Trung điện được làm văn phòng của trường cấp 2 xã Trung Sơn, cũng bị hư hỏng nhiều. Nhà Thượng điện đã bị mối mọt, không còn tường. Đồ tế khí của đền lúc này chỉ còn: 1 bộ kiệu thời Lê, một chiếc áo rồng có mũ và đai, bốn bộ áo của ông từ, 16 đồng tiền đồng đề hiệu “Khai Long thông bảo”, một hộp sắc phong còn nguyên vẹn. Trước kháng chiến, đền có hai lễ lớn là 5/3 và 15/3 âm lịch.  

8. Khảo sát điền dã thực tế tại địa phương

Qua khảo sát của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn xóm Thuận Minh, xã Thuận Sơn (xưa là làng Phú Văn - một trong chín làng thuộc xã Thuần Trung) còn một ngôi đền, có người gọi là đền Côi, có người gọi là đền Truông, tọa lạc tại Rú Si, đền tựa lưng vào núi, mặt hướng ra Quốc lộ 46 (nguyên xưa là đường nội tỉnh). Theo cụ thủ từ Phan Bá Minh (93 tuổi) hiện nay vẫn còn rất minh mẫn kể lại thì đây là đền thờ Đức Thánh Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Xưa kia đền có quy mô khá lớn, do hàng xã phụng sự. Trong tiêu thổ kháng chiến (thời chống Pháp), đền bị phá dỡ và rước các đồ tế khí xuống gửi ở đền Khai Long. Sau khi đền Khai Long bị hoang tàn lại tiếp tục rước ngài về đền Linh Kiếm để thờ phụng. Sau này khu vực đất đền được giao lại cho đơn vị quân đội CK2 đóng quân và chia cho Nhân dân làm đất thổ cư. Nhà cụ Minh ở ngay trên khuôn viên của đền xưa nên cụ đã tự nguyện xây dựng một ngôi đền nhỏ trong vườn để thờ phụng đức Đức Thánh Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Ngôi đền có quy mô khá khiêm tốn (khoảng 9m2) gồm 01 gian 2 hồi, phía trước có sân, có cổng và đường lên đền, bên cạnh đền còn có cây Si cổ thụ. Đền tuy nhỏ nhưng khá ấm cúng, ngày rằm, mồng một, Nhân dân địa phương vẫn thường xuyên đến hương khói. Cụ Minh còn cung cấp cho chúng tôi một bài thơ dài nói về ngôi đền và Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Theo lời cụ Minh, bài thơ này do cụ Nguyễn Cảnh Em đọc cho chép lại. Trong bài thơ có những câu:

“…Đức Thái Phó xưa còn thơ ấu

Mười bốn xuân đã đậu Cử nhân

Trên vì nước, dưới vì dân

Theo cha đánh giặc mười lăm tuổi đầu

Ngài rước vua đi đầu hộ giá

Về tỉnh Thanh đóng giữa Tây đô

Lập công đuổi giặc, phò vua

Được phong Thái Phó chức to đương triều…”

II. Những điều rút ra từ những tài liệu trên:

1. Thần Khai Long Sứ Quân là vị thần được thờ tại xã Thuần Trung từ trước năm 1633, trước cả Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Sắc phong sớm nhất cho Khai Long Sứ Quân là năm 1633, trong khi đó sắc phong sớm nhất cho Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan là năm 1783, cách nhau 150 năm.

2. Theo sắc phong thì cả thần Khai Long Sứ Quân và Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đều được giao cho xã Thuần Trung phụng sự. Đa số sắc phong là phong riêng cho hai vị thần này. Chỉ có một số sắc phong cuối triều Nguyễn là phong chung cho cả hai vị trong một đạo sắc. Tuy nhiên việc phong chung trong một đạo sắc không thể khẳng định hai vị đó được thờ chung trong một đền.

Thực tế, cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp lần lượt đặt ách đô hộ lên nước ta, triều đình nhà Nguyễn chỉ còn hư danh, đất nước lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Sau khi vua Tự Đức băng hà, các vị vua kế tiếp đều chỉ là quân bài trong tay người Pháp và các vị đình thần, vua lên ngôi trong tình trạng ngân khố trống rỗng. Do điều kiện khó khăn về kinh tế, để cắt giảm chi tiêu, trong việc ban tặng cho bách thần, triều đình đã gộp chung nhiều vị thần trong cùng một làng hoăc một xã vào chung một sắc phong. Những sắc này phổ biển ở cuối niên hiệu Tự Đức, Duy Tân, Thành Thái… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, những sắc phong chung cho các vị thần còn rất nhiều.

          3. Đền Khai Long tại làng Đông Bích xã Thuần Trung xưa (nay là xã Trung Sơn) nguyên bản chỉ thờ thần Khai Long Sứ Quân. Tên đền và địa chỉ của đền được ghi trong các tài liệu của địa phương (biển ký) và của triều đình (Đồng Khánh dư địa chítrùng với tên thần được ghi trong sắc phong và vị hiệu. Đền Khai Long là ngôi đền chính (đền Cả) của tổng Thuần Trung, thần Khai Long Sứ Quân là vị thần chính của hàng tổng.

          4. Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan được thờ ở một ngôi đền khác, không phải là đền Khai Long. Theo tài liệu chữ Pháp của Trường Viễn Đông Bác Cổ thì ngôi đền đó được gọi là đền Thánh Thái Phó (gọi theo chức được truy phong cho Nguyễn Cảnh Hoan).

          5. Đền Khai Long và đền Thánh Thái phó có kiến trúc và quy mô khác nhau. Đối chiếu tài liệu chữ Pháp của Trường Viễn Đông Bác Cổ và tài liệu biển ký bằng chữ Hán, tài liệu kiểm kê di tích thì hai đền này có kiến trúc khác nhau. Đền Khai Long có kiến trúc 03 tòa và Nghi môn. Trong khi đó đền Thánh Thái Phó chỉ có kiến trúc 02 tòa.

          6. Mặc dầu cả hai đền này đều giao cho xã Thuần Trung phụng sự. Nhưng đền Khai Long được toàn thể 20 làng thuộc 05 xã của tổng Thuần Trung đồng phụng sự, được xếp vào một trong ba ngôi đền lớn tiêu biểu của huyện Lương Sơn (ghi nhận trong Đồng Khánh dư địa chí). Còn đền Thánh Thái Phó thì chỉ riêng xã Thuần Trung phụng sự.

          7. Đối chiếu tài liệu chữ Pháp của Trường Viễn Đông Bác Cổ, tập sao sắc phong đền Rú Si và thực tế hiện nay ở tại địa phương thì có thể ngôi đền được ghi lại trong văn bản mã số FQ 4018/38 (đền Thánh Thái Phó) chính là đền Côi (đền Truông) ở rú Si, xóm Thuận Minh, xã Thuận Sơn (xưa là làng Phú Văn - một trong chín làng thuộc xã Thuần Trung).

     

   Đền Rú Si, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh Trần Hữu

           III. Đề xuất kiến nghị

          Từ những tài liệu trên đã giúp chúng ta hình dung được phần nào quy mô kiến trúc của đền Khai Long xưa. Đây là cơ sở cho việc phục hồi, phục dựng di tích. Đặc biệt đã khẳng định được đền Khai Long chỉ thờ thần Khai Long Sứ Quân. Vì vậy, sau khi phục dựng xong đền thì việc bài trí thờ tự tại đây cũng nên tuân theo quy định của người xưa. Đồng thời cũng qua đó chúng ta thấy được tầm ảnh hưởng của thần Khai Long Sứ Quân đối với Nhân dân trong vùng. Vì vậy việc phục hồi di tích, ngoài kêu gọi con em xã Trung Sơn nên mở rộng phạm vi kêu gọi các xã trong tổng Thuần Trung cũ (nay là các xã Trung Sơn, Thuận Sơn, Đà Sơn, Xuân Sơn, Lạc Sơn, Tân Sơn, Minh Sơn…). Đây cũng là một việc làm có ý nghĩa sâu sắc nhằm noi gương người xưa trong công tác xã hội hóa bảo tồn, tôn tạo di tích.

          Đề nghị cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương sưu tầm các đồ tế khí, tài liệu liên quan đến đền Khai Long hiện nay đang được cất giữ trong Nhân dân hoặc tại các di tích trên địa bàn, đưa về lưu giữ tại đền. Đồng thời tổ chức phiên dịch sang tiếng Việt để giới thiệu, quảng bá cho Nhân dân và du khách hiểu biết hơn về lịch sử, tầm vóc của di tích. Đây là cơ sở khoa học cho việc phục hồi lại các sinh hoạt văn hóa từng diễn ra tại đền.

          Các sắc phong cho thần Khai Long Sứ Quân và các tài liệu liên quan hiện đang lưu tại đền Linh Kiếm đa số đã bị rách nát, hư hỏng nghiêm trọng. Nên sau khi làm các thủ tục bàn giao về đền Khai Long cần phải được tu bổ, phục chế kịp thời, tránh để tài liệu tiếp tục bị phân hủy.

          Hi vọng đền Khai Long sẽ sớm được hoàn thiện, đáp ứng nguyện vọng thiết thực của người dân. Đồng thời trong thời gian tới, nhiều di tích trên địa bàn xã Trung Sơn nói riêng, huyện Đô Lương nói chung được phục hồi, phục dựng và bảo tồn tôn tạo tốt hơn nữa.

 


[1]“Bản thổ miếu sắc sao” chức sắc xã Thuần Trung lập vào ngày tốt tháng 8 năm Bính Tuất (1886) và tục biên ngày 20/4 năm Thành Thái 13 (1901).

[2]Biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872).

[3]Biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872)

[4] Giao từ: kiểu tương tự như biển bản giao kết giữa các bên.

[5]Biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872)

[6] Các cụ Nguyễn Trọng Tựu, Nguyễn Trọng Vĩnh thuộc họ Nguyễn Trọng ở xã Minh Sơn.

[7] Các cụ Vương Viết Dự, Vương Viết Diễn, Vương Viết Thanh thuộc họ Vương Đình ở làng Đông Bích, xã Trung Sơn.

Sửa lần cuối vào Thứ hai, 04 Tháng 7 2022 07:26


http://www.vanhoanghean.com.vn/k2-categories/goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/15046-den-khai-long-tho-ai?fbclid=IwAR3P4rm0cYZ9HLA88nXobHpeB8kBVBoPNkN99qRwwzyuTsvxslJja5RWydQ




---


CẬP NHẬT


1.







18/07/2022 12:38:12


Sau khi đọc bài “Đền Khai Long thờ ai?” của tác giả Quảng Phước, đăng trên trang điện tử Văn hóa Nghệ An đã có ý kiến trao đổi gửi Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh và cơ quan báo chí.

Ảnh bài viết "Đền Khai Long thờ ai" đăng trên trang tin điện tử Văn hóa Nghệ An

Trước đó Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển cũng đã có 2 bài viết: “Chuyện lạ kỳ: Đền Khai Long ở Nghệ An thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan? và Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An lên tiếng vụ chuyện lạ đền Khai Long thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan?

Cả 2 bài viết này phản ánh: Khai Long - ngôi đền có tuổi đời hàng trăm năm ở thôn Đông Bíc, xã Trung Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) được người dân tôn kính gọi là ngôi đền “thiêng”. Đền xuống cấp nghiêm trọng nên mới đây, từ nguồn xã hội hoá của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… chính quyền xã Trung Sơn đã làm lễ khởi công phục dựng ngôi thượng điện đền Khai Long. Tuy nhiên cũng từ sự kiện này mà nảy sinh một băn khoăn cần được làm rõ: Đó là đền Khai Long thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan? Sau đó khoảng đầu tháng 7/2022 thì bài viết: Đền Khai Long thờ ai? được “ra đời”.

Để khách quan và độc giả có góc nhìn đa chiều, Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển đăng nội dung bài trao đổi của tác giả Nguyễn Minh Hiền như sau:

Vị hiệu Khai Long Sứ quân là của vị thần nào?

“Trước hết tôi khẳng định rõ ràng rằng, đền Khai Long tại xã Trung Sơn huyện Đô Lương có thờ Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Điều này thể hiện rõ tại các bức sắc hiện còn lưu giữ được tại đền Linh Kiếm thuộc xã Thuận Sơn (huyện Đô Lương) mà từ đền Khai Long chuyển về gửi đền Linh Kiếm khi đền Khai Long bị hư hỏng nặng mà còn thể hiện trong lòng nhân dân xã Trung Sơn.

Vấn đề cần bàn đó là, vị hiệu Khai Long Sứ quân là của vị thần nào?

Thời gian qua có một số ý kiến cho rằng đền Khai Long tại xã Trung Sơn có thờ ông Ngô Xương Xí. Vậy, vị hiệu ông Ngô Xương Xí là gì? Thực sự thì ông có được thờ tại đền Khai Long hay không? Điều quan trọng cần làm rõ vị hiệu Khai Long Sứ Quân là của ai thì tác giả không hề đề cập đến. Theo suy nghĩ của tôi thì Khai Long sứ quân không phải vị hiệu của Ngô Xương Xí vì các lí do sau:

Lịch sử biết đến Ngô Xương Xí là vị đứng đầu của 1 trong 12 sứ quân, không phải là vị quan thần của triều đình. Do đó khó có được triều đại phong kiến nào suy tôn phong sắc. Trước khi loạn 12 sứ quân thì Ngô Xương Xí không phải là người trực tiếp tranh giành ngôi báu với cậu là Dương Tam Kha và khi đó ông cũng đang ở độ tuổi 20. Trong loạn 12 sứ quân thi ông là thủ lĩnh của 1 trong 12 sứ quân, đó là sứ quân Bình Kiều. Địa bàn Bình Kiều nay là vùng đất thuộc huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa, cách rất xa huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An. Sau khi ông quy thuận Đinh Bộ Lĩnh, về dưới triều của Đinh Tiên Hoàng, đất nước kết thúc giai đoạn loạn 12 sứ quân thì ông cũng về ở ẩn vùng miền tây Ái Châu (nay là tỉnh Thanh Hóa). Như vậy tầm ảnh hưởng của ông khó mà ảnh hưởng đến vùng đất Đô Lương ngày nay.

Tuy nhiên, trong khi loạn 12 sứ quân, Ngô Xương Xí là thủ lĩnh của 1 sứ quân trong đó nên được gọi là Ngô Sứ Quân (吳使君), nhưng Ngô Sứ Quân khác hoàn toàn với Khai Long Sứ Quân (開隆使君). Không nên nhầm lẫn chỗ này.

Về mặt ngôn ngữ, Ngô Sứ quân là ông họ Ngô đứng đầu sứ quân, còn Khai Long Sứ quân có hai cách hiểu: Cách thứ nhất là vị sứ quân (tương tự như vị sứ thần) có hiệu là Khai Long. Cách hiểu thứ hai là vị sứ quân (hay sứ thần) của đền Khai Long. Tuy hiểu theo cách nào thì Khai Long Sứ quân vẫn không phải là Ngô Sứ quân.

Theo Quảng Phước, sắc phong sớm nhất cho Khai Long Sứ quân là vào năm 1633, vậy nếu đây là sắc phong cho Ngô Xương Xí thì câu hỏi đặt ra là: Tại sao trong hơn 600 năm trước đó (ông mất khoảng năm 968) ông Ngô Xương Xí không có bản sắc phong nào?

Theo ông Từ tại đền Linh Kiếm, hiện đền Linh Kiếm đang lưu giữ nhiều sắc phong, nhưng số sắc phong của đền Trung Sơn gửi tại đền Linh Kiếm chỉ là 12 đạo. Trong số 12 đạo sắc đó không có đạo “sắc phong cho Khai Long Sứ Quân đời Lê được biên soạn năm Phúc Thái thứ 7 (1649)” như Quảng Phước đã viết.

Trong khi đó, Quảng Phước thống kê tại đền Linh Kiếm có 31 đạo sắc liên quan đến Khai Long Sứ quân và Thái phó Tấn Quốc công gồm: 22 sắc phong cho Khai Long Sứ quân, 6 sắc phong cho Thái phó Tấn Quốc công và 3 sắc phong chung cho cả 2 ông. Như vậy, bằng một phép toán chúng ta thấy có 19 đạo sắc chắc chắn của các ngôi đền khác mà Quảng Phước cũng thống kê vào đây để suy diễn lung tung.

Trong 12 đạo sắc của đền Khai Long gửi tại đền Linh Kiếm chỉ có 3 đạo sắc phong cho Khai Long Sứ quân, 6 đạo sắc phong cho Thái phó Tấn Quốc công và 3 đạo sắc phong chung cho cà Thái phó Tấn Quốc công và Khai Long Sứ quân. Như vậy có 19 trong số 22 đạo sắc phong cho Khai Long Sứ quân là của đền khác cùng gửi vào đền Linh Kiếm.

Ví dụ: Hai bức sắc sau cùng phong chung cho Thái phó Tấn Quốc công và Khai Long Sứ quân.


Sắc ban Thái phó Tấn Quốc công tại đền Thuần Trung, năm Tự Đức thứ 31 (1880)

NGUYÊN VĂN

敕 旨 乂 安 省 梁 山 縣 純 忠 社 従 前 奉 事 俊 邁 剛 忠 端 亮 光 懿 兵 部 尚 書 太 傳 晉 府 君 謚 謙 謹 中 等 神 玄 嘏 純 禧 妙 感 純 正 開 隆 使 君 之 神 節 經 頒 給 敕 封 準 其 奉 事 嗣 德 三 十 一 年 正 値 朕 五 旬 大 慶 節 經 頒 寶 詔 覃 恩 禮 隆 登 秩 特 準 許 依 舊 奉 事 用 誌 國 慶 而 伸 祀 典 欽 哉

嗣 德 叁 拾 弎 年 拾 壹 月 貳 拾 肆 日

PHIÊN ÂM

Sắc chỉ Nghệ An tỉnh, Lương Sơn huyện, Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự Tuấn mại, Cương trung, Đoan lượng, Quang ý, Binh bộ thượng thư Thái phó Tấn phủ quân, thụy Khiêm Cẩn trung đẳng thần, Huyền hỗ, Thuần hy, Diệu cảm, Thuần chính Khai Long sứ quân chi thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự, Tự Đức tam thập nhất niên, Chính Trị, trẫm ngũ tuần đại khánh, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh, nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Tự Đức tam thập tam niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật.

DỊCH NGHĨA

Sắc chỉ cho xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An từ trước đến nay thờ phụng vị trung đẳng thần Thái Phó Tấn phủ quân, tên thụy là Khiêm Cẩn, vị Thượng thư bộ Binh, vốn được ban mỹ tự là Tuấn mại, Cương trung, Đoan lượng, Quang ý, Huyền hỗ, Thuần hy, Diệu cảm, Thuần chính Khai Long sứ quân. Đã được ban tặng sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Nay năm thứ 31 niên hiệu Tự Đức, nhân dịp đại lễ mừng thọ 50 của trẫm, nên ra chiếu báu tỏ rõ ơn sâu, lễ long trọng nên tăng thêm cấp bậc, chuẩn cho thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của nước mà kéo dài phép thờ tự.

Kính thay!

Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880).

Một bức sắc khác:


Sắc ban Thái phó Tấn Quốc công tại đền Thuần Trung, năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)

NGUYÊN VĂN

敕 俊 邁 剛 忠 端 亮 光 懿 兵 部 尚 書 太 傳 晉 府 君 謚 謙 謹 中 等 神 玄 嘏 純 禧 妙 感 純 正 開 隆 使 君 之 神 向 來 護 國 庇 民 稔 著 靈 應 節 蒙 頒 給 敕 封 留 祀 肆 今 丕 膺 耿 命 緬 念 神 庥 可 加 贈 翊 保 中 興 各 等 神 仍 準 許 乂 安 省 梁 山 縣 純 忠 社 依 舊 奉 事 神 其 相 佑 保 我 黎 民 欽 哉

同 慶 貳 年 柒 月 初 壹 日

PHIÊN ÂM

Sắc Tuấn mại, Cương trung, Đoan lượng, Quang ý, Binh bộ Thượng thư Thái phó Tấn phủ quân, thụy Khiêm Cẩn trung đẳng thần, Huyền hỗ, Thuần hy, Diệu cảm, Thuần chính Khai Long Sứ quân chi thần, hướng lai hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng: Dực bảo Trung hưng đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Nghệ An tỉnh, Lương Sơn huyện, Thuần Trung xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân.

Khâm tai!

Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật.

DỊCH NGHĨA

Sắc ban cho vị Trung đẳng thần Thái Phó Tấn phủ quân tên thụy là Khiêm Cẩn, vị Thượng thư bộ Binh, vốn được ban mỹ tự là Tuấn mại, Cương trung, Đoan lượng, Quang ý Khai Long sứ quân, từ trước tới nay bảo vệ nước che chở dân, linh ứng rõ rệt, đã được ban tặng sắc phong để thờ. Nay trẫm kế thừa mệnh lớn, trông lại sự che chở của thần, đáng được tặng phong là Vị đẳng thần Dực bảo Trung hưng, vẫn chuẩn cho xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An thờ phụng như cũ. Thần hãy giúp đỡ che chở cho dân ta.

Kính thay!

Ngày 01 tháng 7 năm 1886 (Đồng Khánh thứ 2).

Ngoài ra, với bài viết của Quảng Phước tôi có một số ý kiến sau:

Các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kết luận


Trao đổi của ông Nguyễn Minh Hiền ở số nhà 13, ngõ 1, đường Nguyễn Huy Oánh (khối 8, phường Trường Thi, TP. Vinh, Nghệ An, hiện là giảng viên Trường Đại Học Vinh)

Trao đổi của ông Nguyễn Minh Hiền ở số nhà 13, ngõ 1, đường Nguyễn Huy Oánh (khối 8, phường Trường Thi, TP. Vinh, Nghệ An, hiện là giảng viên trường Đại Học Vinh). Trong bài viết có đoạn:

Những điều rút ra từ những tài liệu trên:

1. Thần Khai Long Sứ Quân là vị thần được thờ tại xã Thuần Trung từ trước năm 1633, trước cả Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Sắc phong sớm nhất cho Khai Long Sứ Quân là năm 1633, trong khi đó sắc phong sớm nhất cho Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan là năm 1783, cách nhau 150 năm”.

Tác giả lấy mốc năm 1633 để viết rằng “sắc phong cho Khai Long sứ quân có trước sắc phong cho Thái Phó Tấn Quốc công” là không hề hiểu biết gì về vị trung thần Thái Phó Tấn Quốc công này. Xin thưa Thái phó Tấn Quốc công sinh năm 1521 và mất năm 1576, tức là mất trước năm 1633 là 57 năm.

Dựa trên những sắc phong còn giữ được để nói, sắc phong cho Khai Long Sứ quân có trước sắc phong cho Thái phó Tấn Quốc công là không chấp nhận được vì trước đó còn có nhiều sắc phong nhưng đã bị thất lạc hoặc hư hỏng.

Ví dụ: Sau khi Thái phó Tấn Quốc công mất, nhà vua đã có những sắc phong cho ông trước cả năm 1633 như sau:

Sắc phong năm 1576 về việc cho xây dựng phủ thờ ông tại xã Phong Sơn nay thuộc xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương.

Năm 1602 vua có sắc phong cho xây dựng đền Tràng Sơn thuộc xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương để thờ ông.

Cũng năm đó nhà vua có sắc phong cho xây phủ Đàng Cao nay thuộc xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương để thờ ông.

Tất cả các đền thờ và phủ thờ này, đều đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Như vậy Thái phó Tấn Quốc công có rất nhiều sắc phong trước năm 1633, tiếc rằng số sắc phong cho ông tại đền Khai Long chỉ còn bức sớm nhất là vào năm 1783. Có thể hiểu các bức sắc phong trước đó đã bị hư hỏng hoặc thất lạc.

2. Đối với những đạo sắc có ghi cả Khai Long Sứ quân và Thái Phó Tấn Quốc công thì tác giả cho rằng, do ngân khố quốc gia bị hạn chế nên việc ban sắc phong cho các vị thần phải ghi chung là không hợp lí. Cả Quốc gia mà viết tờ sắc vẫn phải tiết kiệm thì không có triều đại nào như thế cả. Theo cách hiểu của Quảng Phước thì, tại sao vị đại thần có đức, có tài đời nhà Trần là Nguyễn Trung Ngạn, đang được thờ tự tại đền Linh Kiếm cũng thuộc xã Thuần Trung xưa (nơi hiện đang cất giữ các đạo sắc) không được đưa vào chung trong một sắc phong với đền Khai Long đó.

3. Bài viết có đưa thông tin về đền Côi thờ Thái phó Tấn Quốc công. Ý của Quảng Phước là, Thái phó Tấn Quốc công đã được thờ ở đền Côi thì không thờ ở đền Khai Long, như vậy thì rất sai lầm vì: Thái phó Tấn Quốc công là người có công rất lớn dưới triều Lê Trung Hưng. Sau khi ông mất, ông được nhân dân lập nhiều đền thờ. Tại huyện Nam Đàn có 6 ngôi đền thờ ông, trong đó có 2 ngôi đền thờ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa đó là đền Hồ Sơn tại Thị trấn Nam Đàn và đền Trung Chính tại xã Nam Lĩnh. Tại huyện Thanh Chương có 15 ngôi đền thờ và phủ thờ thờ ông, trong đó có đền Hữu tại xã Thanh Yên, phủ Đàng Cao tại xã Thanh Văn và phủ Phong Sơn tại xã Thanh Phong đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Còn ở huyện Đô Lương có các ngôi đền thờ ông như sau: Đền Tràng Sơn tại xã Tràng Sơn, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Đền Phú Thọ tại xã Lưu Sơn, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Đền Côi tại xã Thuận Sơn. Đền Khai Long tại xã Trung Sơn. Do đó, không nên nghĩ Thái phó Tấn Quốc công đã được thờ tại đền Côi, thì không thờ tại đền Khai Long thuộc xã Trung Sơn.

4. Trong bài viết, Quảng Phước đã cố gắng đưa ra khá nhiều tư liệu, tưởng chừng là để thuyết phục người đọc, nhưng thực chất nhằm chuyển hướng vấn đề tránh khỏi câu hỏi “Vị hiệu Khai Long Sứ quân là ai?”.

5. Tuy tựa đề của bài báo do Quảng Phước đặt ra là “Đền Khai Long thờ ai?” nhưng bài viết của Quảng Phước lại không khẳng định được đền Khai Long thờ ai vì, Quảng Phước chỉ viết đền Khai Long thờ Khai Long Sứ quân, nhưng Khai Long Sứ quân là ai thì Quảng Phước lại không khẳng định được.

Trong nhiều tư liệu cho thấy, đền Khai Long xuất hiện gắn liền với một truyền thuyết con rồng trắng. Theo đó thì Khai Long Sứ quân là một vị Thiên thần chứ không phải nhân thần. Do đó, đền thờ là thờ vị Thiên thần Khai Long Sứ quân và vị nhân thần Thái phó Tấn Quốc công. Việc phối thờ hai vị thần trong cùng một ngôi đền có thể hiểu như sau:

Ban đầu mỗi vị thần có một ngôi đền thờ riêng, nhưng do thời gian mà một trong hai ngôi đền bị hư hỏng nặng, nhân dân buộc phải chuyển linh vị của ngôi đền bị hư hỏng về ngôi đền còn lại để phối thờ. Việc phối thờ này xảy ra trước năm Tự Đức thứ 33 (1880), vì đến năm đó nhà vua Tự Đức đã có sắc phong chung cho cả hai vị thần trong cùng một ngôi đền.

6. Thể hiện qua bài viết tôi thấy Quảng Phước là ngưởi có chuyên môn, thông thạo chữ Hán, nhất là chữ Hán cổ. Những mong ông/bà là nhà trí thức cần có tâm trong sáng, tôn trọng lịch sử, xử lí vấn đề luôn khách quan, nhất là vấn đề tâm linh. Nhưng trong bài viết, Quảng Phước lại “bóp méo” sự thật lịch sử, từ ngôi đền phối thờ hai vị thần là Khai Long Sứ quân và Thái phó Tấn Quốc công thì Quảng Phước cho rằng đền Khai Long chỉ thờ Khai Long Sứ quân là vi phạm nghiêm trọng đạo đức tâm linh. Việc đền Khai Long phối thờ hai vị thần còn có cả trong tư liệu lịch sử, đó là các đạo sắc nói trên và trong lòng nhân dân xã Trung Sơn.

Tóm lại: Với những tư liệu hiện có đủ để khẳng định rằng, đền Khai Long tại xã Trung Sơn có thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, còn vị hiệu Khai Long sứ quân là của vị thần nào, tôi đề nghị các ban ngành, cơ quan chức năng sớm vào cuộc kết luận vấn đề này.

Tác giả: Tuệ Minh

http://antt.vn/vu-den-khai-long-tho-ai-y-kien-trai-chieu-gui-giam-doc-so-vh-tt-nghe-an-344572.htm





---


BỔ SUNG


Năm 2022


Xã Trung Sơn tổ chức lễ dựng đền Khai Long


Sáng ngày 12/5, xã Trung Sơn tổ chức lễ dựng đền Khai Long. Đông đảo nhân dân đến tham dự

Đền Khai Long nằm tại xóm 1, xã Trung Sơn. Đền Khai Long là ngôi đền linh thiêng. Trước đây là ngôi đền lớn nhất vùng “thuộc tổng Thuần Trung thuộc phủ Anh Sơn cũ” gồm 3 xã: Đà , Trung, Thuận.  Khởi đầu đền được xây dựng để thờ thần Khai Long Sứ Quân –  Ngô Xương Xí, một nhân vật lịch sử từ thuở Ngô Quyền gây dựng nền độc lập vào thế kỷ thứ X. Về sau, đền được phối thờ Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan – một công thần triều Lê có công lớn

Xã Trung Sơn tổ chức dựng đền Khai Long

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay đền Khai Long đã hư hỏng hoàn toàn.

Sau một thời gian kêu gọi, vận động nhân dân trong và ngoài xã đóng góp kinh phí, UBND  xã đã làm lễ dựng đền Khai Long trong niềm vui hân hoan của người dân địa phương và con cháu dòng họ.

Dự kiến ban đầu, công trình ngôi Thượng điện sẽ được phục dựng với kinh phí 900 triệu đồng, trong đó 50% kinh phí do hội đồng gia tộc họ Ngô Việt Nam đầu tư, 50% kinh phí còn lại do địa phương vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và con em trên mọi miền tổ quốc. Nhưng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, nhân dân, các mạnh thường quân và dòng họ Ngô Việt Nam, đến nay, kinh phí phục dựng lại Đền đã được vận động hơn 1,6 tỷ đồng.

Doanh nghiệp An Thiên Lý ủng hộ 100 triệu đồng xây dựng đền

Ngôi Thượng điện Đền được phục dựng có diện tích gần 108 m gồm 3 gian . Thiết kế kiến trúc, chạm khắc theo thời Lê Trung Hưng. Dự kiến, Đền sẽ hoàn thành phục dựng trong quý II năm 2022.

Việc phục dựng đền Khai Long nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể , giữ gìn và phát huy di tích lịch sử có từ lâu đời, nhằm giáo dục truyền thống sâu sắc về lòng yêu nước của cha ông. Từ đó, góp phần, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn và đáp ứng nguyện vọng tâm linh của nhân dân và du khách.

Thúy Hằng

https://doluong.gov.vn/?p=188627




Năm 2019

09:46, 19/04/2019
Đền Khai Long ở xã Tân Sơn- Đô Lương là công trình văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng. Đền được khởi dựng thời Lê Trung Hưng (1533 – 1788) để thờ thần Khai Long sứ quân Ngô Xương Xí, một nhân vật lịch sử có công với dân, với nước ở thế kỷ thứ X. Sau khi ông mất thường hiển linh, giúp dân độ thế nên được nhân dân lập đền thờ phụng bốn mùa hương khói.

 Ngược dòng lịch sử, Ngô Xương Xí sinh ra trong khoảng những năm 945- 950, ông là một trong 12 sứ quân thời Hậu Ngô vương. Ông cũng chính là cháu nội của Ngô Quyền, một bậc anh hùng tuấn kiệt được sử sách ghi chép là người: “khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc”.

Cổng đền Khai Long sứ quân Ngô Xương Xí, xã Tân Sơn- Đô Lương

Năm 965, Ngô Xương Xí lên nắm binh quyền, song lúc này khắp nơi các thế lực đua nhau nổi dậy. Trong thời gian sứ quân Ngô Xương Xí trấn giữ Bình Kiều (Thiệu Sơn, Thanh Hóa) ông thường xuyên qua lại vùng Châu Hoan (tức vùng Nghệ An) để tuyển mộ thêm binh lính. Đi đến đâu ông cũng giúp đỡ và bảo vệ cuộc sống cho nhân dân nên ông được nhân dân Châu Hoan tin yêu, mến phục. Vùng Tân Sơn- Đô Lương ngày nay (cách căn cứ Bình Kiều khoảng 140 km về phía Nam) cũng chính là căn cứ luyện tập binh mã và tích trữ lương thực của sứ quân Ngô Xương Xí. Nhân dân nơi đây xem Ngô Xương Xí là một vị vua, vị sứ giả thường đi tuần du khắp nơi trên vùng đất Châu Hoan để bảo vệ cuộc sống cho mọi người dân nơi đây. Chính vì vậy, nhân dân nơi đây nhớ ơn và lập đền thờ phụng. Điều này được thể hiện trong nội dung bài văn cúng tại đền: “Thánh thượng lược thặng đại phu tuần du sứ giả Khai Long sứ quân hiển ứng chiêu linh, lịch triều sắc tặng tôn chư mỹ tự Thượng, Thượng đặng tối linh đại vương”. Sự xuất hiện của ngôi đền thờ Ngô Xương Xí ở đất Hoan Châu khẳng định tầm ảnh hưởng rộng lớn của sứ quân Ngô Xương Xí trên vùng đất châu Ái, châu Hoan, (tức Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay). 

Nghi thức cúng tế tại đền.

Đền Khai Long là 1 ngôi đền rất linh thiêng, vị thần Ngô Xương Xí đã nhiều lần linh ứng giúp dân độ thế nên được các triều đại phong kiến ban cấp sắc phong đến 2 chữ thượng: “Khai long sứ quân hiển ứng chiêu linh, lịch triều phong tặng chư tôn mỹ tự Thượng, Thượng đẳng tối linh đại vương”.


Truyền ngôn của nhân dân nơi đây cũng cho biết: Nhờ có đền Khai Long trấn mạch mà các loài ma, quỷ không dám xâm phạm đến địa giới làng Trung Hậu. Trong làng ai có việc gì đến đền cầu đảo đều thấy linh ứng như: xin thuốc chữa bệnh, tìm của bị mất. Đặc biệt là cầu đảo rất linh nghiệm.

Nghi lễ kéo cờ khai hội đền.

Theo sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Sơn- Đô Lương” và lời kể của những người cao tuổi trong làng cho biết: Trải qua các thời kỳ lịch sử Đền Khai Long đã có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Năm 1957, đền Khai Long là địa điểm bán công phiếu kháng chiến của Chính Phủ Việt Nam.  Từ năm 1946 – 1947, hưởng ứng phong trào bình dân học vụ, nhân dân xã Duy Tân (nay là xã Tân Sơn- Đô Lương) đã tổ chức nhiều lớp học tại đền Khai Long. Năm 1949, đền Khai Long là nơi diễn ra đại hội Đảng của xã Duy Tân và là nơi mở các lớp đào tạo cán bộ của huyện lấy tên là trường Lê Hồng Phong. Từ năm 1953 – 1958 chi bộ Đảng sự thật của xã Duy Tân tổ chức sinh hoạt tại đền.

 Nhân dân và du khách thắp hương tưởng nhớ Khai Long sứ quân Ngô Xương Xí.

Đền Khai Long xã Tân Sơn là ngôi đền có quy mô lớn và rất linh thiêng. Tên đền được nhân dân gọi theo vị hiệu của thần. Đây là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương và những vùng phụ cận. Hàng năm, tại đền diễn ra nhiều kỳ lễ trọng như: Lễ Khai Hạ, lễ Thượng nguyên, Trung nguyên,  lễ Hạ nguyên, lễ Thường tân …Nhưng lớn nhất là lễ hội của làng diễn ra vào ngày 7 tháng giêng âm lịch. Lễ hội được tổ chức 3 năm 1 lần theo chu kỳ vào những năm Tý-  Ngọ-  Mão-  Dậu. Đây là lễ hội của làng được duy trì từ xa xưa. 
Trải qua bao biến thiên lịch sử, đền đã bị dỡ bỏ. Năm 2014, Chính quyền địa phương, nhân dân và các nhà hảo tâm đã hằng tâm công đức phục hồi tôn tạo lại di tích. Tháng 12/2017, đền Khai Long, xã Tân Sơn được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. 

Hiện nay, chính quyền và nhân dân địa phương đang từng bước khôi phục lại các hoạt động lễ hội tại di tích nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách.
Ngọc Phương

https://truyenhinhnghean.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe/201904/linh-thieng-den-khai-long-su-quan-ngo-xuong-xi-f371cc4/




Năm 2016




Đền Khai Long - Nét xưa giữ lại

Thứ ba, ngày 29/03/2016 - 15:13

(Baonghean) - Tiết thanh minh ấm áp, chúng tôi du xuân vãn cảnh đền Khai Long ở xã Tân Sơn, Đô Lương. Từ cầu Khuôn (quốc lộ 7) rẽ vào khoảng hơn 2 km, du khách như được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bức tranh làng quê cổ điển nông thôn miền trung với ngôi đền nằm cạnh cánh đồng, làng mạc, xa xa là núi đồi trùng điệp.

Đền Khai Long - Nét xưa giữ lại ảnh 1
Cụ Đào Công Thận - một "đại trưởng lão" của xã Tân Sơn, đang hồi tưởng về những hoạt động văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc của cư dân trong vùng gắn liền với địa chỉ đền Khai Long

Dẫn chúng tôi đi vãn cảnh đền là cụ Đào Công Thận, đại tá quân đội về hưu, năm nay đã 90 tuổi nhưng cụ hãy còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Đền Khai Long hiện tọa lạc trên cánh đồng Bội.

Trước mặt là màu xanh biếc rờn của lúa xuân chạy tít đến núi Ông Voi. Sau lưng cũng là đồng lúa xanh, xa xa là rú Cấm Thượng. Bên cạnh đền là xóm làng với dân cư đông đúc, làng quê trù phú.

Theo lời cụ Thận thì đền Khai Long nằm bên con hói dẫn thủy từ đồng Văn Tràng chảy xuống nên được cư dân bản địa coi là nơi trấn giữ long mạch, góp phần đem lại sự yên bình của cả một vùng quê. 

Đền Khai Long - Nét xưa giữ lại ảnh 2
Ông Trần Như Ý - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn (thứ 3 từ trái sang) cho biết đền Khai Long được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ Ngô Xương Xí, là con của Ngô Xương Ngập và cháu nội của Ngô Quyền.

Ông Trần Như Ý - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, theo sổ sách quản lý của xã Duy Tân cũ còn lưu lại, và theo lễ tế, văn tế, thì đền Khai Long được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ Ngô Xương Xí - cháu nội của Ngô Quyền, con của Thiên sách vương Ngô Xương Ngập.

Lúc bấy giờ Ngô Xương Xí trấn giữ vùng Bình Kiều nên còn được gọi là Sứ quân Bình Kiều. Sau thời biến loạn, Sứ quân Bình Kiều quy thuận Đinh Bộ Lĩnh, góp phần giúp Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) dẹp “loạn 12 sứ quân”, tiếp tục giữ vững nền độc lập. 

Theo ông Đào Công Thận, khi ông lớn lên đền Khai Long diễn ra 5 dịp lễ chính trong năm: Lễ Nguyên Đán (mùng 1 Tết), Lễ Khai Hạ (mùng 7 Tháng Giêng), Lễ Thường Tân (ăn cơm mới, 20/5 âm lịch), Lễ Trạp Nghè (Hạ Nguyên, Rằm tháng Bảy), Lễ Thượng Niên. Đền là nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa cổ truyền như hát tuồng, hát ví của các đội tuồng, các phường vải trong vùng.

Người dân còn lưu truyền nhiều câu chuyện về sự linh ứng, về vai trò khuyến thiện trừ ác, nhằm giúp gìn giữ thuần phong mỹ tục của đền. Thời trước, người dân đi qua đền Khai Long đều cất mũ nón, quan lại đi qua đền phải xuống ngựa. Ngôi đền trong một thời gian dài là niềm tự hào gắn liền với dáng hình quê hương với kiến trúc cổ kính. 

Đền Khai Long - Nét xưa giữ lại ảnh 3
Trong thế kỷ 20, đền Khai Long từng bị "sơ tán". Từ năm 2014, đền được phục dựng từ nguồn xã hội hóa và trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh trong vùng, cùng với đó có nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền cũng được khôi phục.

Ông Trần Như Ý - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, trải qua thăng trầm của lịch sử, trong thế kỷ trước đền Khai Long lâm cảnh phải “sơ tán”. Nhờ thành quả của công cuộc đổi mới, đời sống nhân dân trong vùng ngày càng trở nên khấm khá, xã Tân Sơn có bước phát triển toàn diện.

Năm 2000, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Sơn là 1 trong 3 xã đầu tiên của cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Lúc này, từ nguyện vọng chính đáng của các thế hệ con em Tân Sơn đang sinh sống khắp nơi, xuất phát từ tờ trình của chính quyền xã Tân Sơn và huyện Đô Lương, Sở VH-TT&DL có Văn bản số 1248 ngày 14/6/2010 đồng ý chủ trương phục hồi đền Khai Long. 

Khi xã có chủ trương huy động xã hội hóa để phục dựng đền, một phong trào tự nguyện kêu gọi ủng hộ công đức xây dựng đền được lan tỏa rộng khắp. Có gia đình vận động con em công đức hàng trăm triệu đồng. Nhiều tổ thợ và người dân đóng góp hàng nghìn ngày công.

Các hộ dân nhượng lại vùng nền đất cũ của đền với diện tích gần 7.000m2. Chỉ trong vòng 14 tháng xây dựng, năm 2014 một công trình kiến trúc với 3 tòa thượng điện, trung điện, hạ điện, các trụ biểu... được khánh thành.

Từ đó, nhiều sinh hoạt văn hóa cổ truyền dần được khôi phục. Từ 2014 đến nay, đền Khai Long trở thành một trong những trung tâm hoạt động văn hóa của xã Tân Sơn góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh tích cực góp phần thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở địa phương. 

Bài, ảnh: Trí Dương

https://baonghean.vn/den-khai-long-net-xua-giu-lai-post95832.html


Năm 2014






Ngôi đền “thiêng” Khai Long ở Nghệ An

 06:00 | 08/05/2014


Mặc dù đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng ngôi đền Khai Long ở thôn Đông Bích, xã Trung Sơn ( Đô Lương, Nghệ An ) vẫn được người dân nơi đây tôn kính, bởi theo họ đó là một ngôi đền “thiêng” có tuổi đời hàng trăm năm.

Đền “thiêng” có từ lâu đời

Trước lời đồn đại về những câu chuyện ly kỳ quanh ngôi đền Khai Long ngày một lan xa, tôi quyết định đến tận nơi để mục sở thị ngôi đền, đồng thời tìm hiểu thực hư những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai huyền bí đã tồn tại từ lâu trên mảnh đất này.

Dù ngày nay những tài liệu ghi chép về đền Khai Long đã không còn, nhưng nhiều giai thoại về ngôi đền này vẫn được người dân nơi đây truyền miệng từ đời này qua đời khác. Đến nơi đây hỏi về ngôi đền, tôi đã được nghe nhiều người kể lại những câu chuyện ly kỳ như thể họ đã thuộc lòng từ lâu.

Các bậc cao niên trong làng cho biết, không ai rõ đền Khai Long có từ bao giờ, nhưng có tuổi đời phải hàng trăm năm. Các cụ giải thích “ khai” có nghĩa là mở, “ long” là rồng. Theo các cụ, vùng đất nơi ngôi đền tọa lạc xưa kia rất thiêng liêng. Bởi theo truyền thuyết, vào một đêm trăng thanh vắng, tự nhiên xuất hiện một con rồng trắng dài hàng chục mét uốn lượn trên đỉnh ngọn núi, từ miệng rồng phát ra một luồng ánh sáng nhiều màu sắc làm sáng rực cả bầu trời, rồi sau đó rồng biến mất.

Và một điều kỳ lạ đã xảy ra, vùng đất nơi con rồng xuất hiện trước đó vốn khô cằn sỏi đá, đồi núi trơ trọi, không một bóng người sinh sống. Nhưng sau khi con rồng xuất hiện, vùng đất này trở lên phì nhiêu, màu mỡ, từ ngọn núi nhiều gỗ quý như lim, nghiến, gụ mật, trắc, sến… mọc lên dày đặc. Kỳ lạ hơn, vùng đất này sau đó xuất hiện nhiều mạch nước trong vắt phun thẳng đứng lên mặt đất, quanh năm không bao giờ ngừng chảy...


Một góc ngôi đền khai long.

Sự xuất hiện của con rồng cùng những điều kỳ lạ khiến người dân cho rằng đây là vùng đất thiêng, được thần linh ban lộc nên họ kéo nhau đến đây xây dựng nhà cửa làm ăn sinh sống ngày càng đông đúc và chẳng bao lâu cuộc sống của họ trở lên giàu có. Để tạ ơn thần linh, họ tiến hành góp công góp của xây ngôi đền để người dân tới thắp hương cầu xin điều may mắn.

Theo cụ Phạm Hồng Sơn ( 77 tuổi) – người thôn Đông Bích thì trước đây khi chưa bị xuống cấp, đền Khai Long rất uy nghi, đồ sộ, khuôn viên đền rộng 3- 4ha. Đền được làm bằng gỗ lim được lấy ở vùng núi xung quanh, đá làm đế kê cột là loại đá trắng cổ ở Quỳ Hợp, trên văng, xà, cửa... đều được các thợ điêu khắc giỏi chạm trổ rất tinh xảo.

Đền được lợp bằng loại ngói vảy nung từ đất sét ở huyện Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An). Đền Khai Long có đầy đủ Thượng viện, Trung viện và Hạ viện. Thượng viện đặt bàn thờ bài vị, bình hương để người dân đến thắp hương cầu nguyện. Trung viện đặt lọng, gươm, đao, giáo, mác, có long bào, đồ đồng, gốm, sứ quý. Hạ viện là hai con ngựa đá trắng đứng chầu. Cổng Tam quan có binh lính tháp tùng rất uy phong, lộng lẫy…

Không ai dám mạo phạm đền “thiêng”

Mặc dù hiện nay ngôi đền đã xuống cấp, đổ nát nghiêm trọng, chỉ còn lại một phần mái và mấy hàng cột xiêu vẹo nhưng hầu hết người dân sinh sống tại thôn Đông Bích vẫn rất tôn kính ngôi đền. Với họ đền Khai Long không chỉ linh thiêng bởi khả năng trừng phạt những ai dám mạo phạm, xem thường ngôi đền mà còn ở khả năng ban phát những điều may mắn cho dân làng.

Vậy nên vào các ngày 30, ngày rằm hàng tháng hay những khi đau ốm, gia đình có người đi làm ăn xa, con cái thi cử… người dân nơi đây đều sắm sửa lễ vật mang vào đền thắp hương cúng tế, cầu mong điều may mắn, tai qua nạn khỏi.

Bà Nguyễn Thị Nhâm (người thôn Đông Bích) bị bệnh dạ dày đã nhiều năm, chạy chữa khắp nơi, uống đủ loại thuốc nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Bà cho biết: “sự thật thấy nhiều người đau ốm thường hái lá mang vào đền cầu xin thần linh phù hộ cho uống loại lá đó thì khỏi bệnh. Tôi không mê tín nên không tin nhưng do đã uống nhiều loại thuốc mãi không khỏi, tôi mới thử làm theo cách của họ, không ngờ sau đó bệnh đau dạ dày của tôi ngày càng giảm, tới bây giờ thì khỏi hắn, chắc đền này thiêng thật ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ các cụ cao niên hiện còn sống trong làng Đông Bích, thì có một điều kỳ lạ là hầu hết người dân nơi đây đều tin rằng đền Khai Long rất linh thiêng. Bởi theo họ có nhiều sự việc hết sức kỳ lạ liên quan đến ngôi đền khiến người dân không thể giải thích nổi.

Cho đến nay người dân nơi đây vẫn đồn rằng những ai có ý tốt, tâm địa trong sáng, hướng thiện khi đến với đền đều được thần linh phù hộ, trái lại ai có tâm địa đen tối, làm điều xấu, mạo phạm đến ngôi đền đều bị quở phạt, nhẹ thì đau ốm, tai nạn…nặng thì chết bất thường không rõ nguyên nhân.

Cụ Sơn cho biết thêm: “ vùng đất này trước đây có rất nhiều ngôi đền nhưng uy nghi, đồ sộ, linh thiêng nhất vẫn là đền Khai Long. Khi tôi còn nhỏ, ngôi đền đã có rồi. Trước đây bất kỳ ai đi qua cũng phải kính cẩn ngả nón mũ cúi chào, ai nói tục, để trâu bò phóng uế, ăn trộm những thứ thuộc về ngôi đền đều bị trả giá. Lũ trẻ chúng tôi mặc dù rất nghịch ngợm nhưng tuyệt đối không dám bén mảng đến khu đền”.

Theo quan sát của chúng tôi, ngôi đền đã đổ nát nghiêm trọng, nhiều vật dụng quý hiếm bằng đá, xà, cột gỗ lim nằm chất đống quanh đền nhưng không ai dám lấy về sử dụng. Cụ Trần Văn Linh ( 75 tuổi ), nhà ở cạnh ngôi đền cho biết: “ ngôi đền này linh thiêng lắm! cho dù bất kỳ ai vô tình hay cố ý động chạm đến đều phải trả giá đắt. Mặc dù hiện nay thôn chúng tôi vẫn có nhiều gia đình sử dụng củi để nấu nướng, củi cũng phải mua với giá đắt nhưng gỗ từ ngôi đền thì có cuộc tiền cũng chẳng ai dám lấy…”.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Trưởng thôn cũng là người trông coi ngôi đền cho biết: “ sự thật ngôi đền Khai Long đã tồn tại từ rất lâu đời, rất được người dân tôn kính. Vào ngày rằm, ngày lễ không chỉ người trong làng mà người dân ở nhiều nơi cũng đến tham quan, cầu xin điều may mắn là có thật.

Hiện nay ngôi đền đã đổ nát, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng do chưa có kinh phí nên chưa thể trùng tu tôn tạo lại. Chúng tôi sẽ kiến nghị, báo cáo với chính quyền xã, và vận động bà con quyên góp để tôn tạo lại trong thời gian sớm nhất..”.

Theo Võ Văn Thành/Danviet.vn

https://baoxaydung.com.vn/ngoi-den-thieng-khai-long-o-nghe-an-96675.html

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.