Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

06/07/2022

Cố Cả Cadière (1869-1955) và di sản nghiên cứu văn hóa tôn giáo Việt Nam

Về Cố Cả, trên Giao Blog có thể đọc ở đây hay ở đây.

Ở loạt bài mới này, đầu tiên là của học giả Nguyễn Nghị, lấy về từ trang của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Các bổ sung và cập nhật thì dán dần lên ở bên dưới.

Tháng 7 năm 2022,

Giao Blog









---


Léopold Michel Cadière 1869-1955

03/01/2021


LÉOPOLD MICHEL CADIÈRE 1869-1955

Tác giả: Nguyễn Nghị

I. Cuộc đời

Léopold-Michel Cadière, thừa sai thuộc Hội Truyền giáo nước ngoài Paris (M.E.P.), sinh năm 1869, tại miền nam nước Pháp, tới Việt Nam vào những ngày cuối năm 1892, hoạt động chủ yếu tại ba tỉnh miền Trung thuộc giáo phận Huế.

Tới Việt Nam, cha Cadière trước tiên được cử dạy học tại Tiểu chủng viện, rồi Đại chủng viện (Huế). Không lâu sau đó, từ tháng 10/1895, cha lần lượt được cử tới coi sóc các họ đạo Tam Tòa, giáp thành Đồng Hới, nơi có Lũy Thầy nổi tiếng, rồi Cự Lạc, nằm bên hữu ngạn Nguồn Sơn, một nhánh của sông Gianh, sau đó, Cổ Vưu, huyện lỵ Dinh Cát, rồi Di Loan ở Cửa Tùng trong vùng nông thôn ở Quảng Bình. Cha ở tại Di Loan từ năm 1918 cho đến ngày Nhật đảo chính (9/3/1945) sau đó bị đưa về Huế và chỉ định cư trú suốt 15 tháng. Trước đó, cha Cadière cùng với sáu linh mục khác đã bị lực lượng cách mạng canh giữ hơn sáu năm. Cha Cadière đã từ chối trở về Pháp hồi tháng 6/1953 và ở lại Huế cho tới khi qua đời vào ngày 6/7/1955 và được chôn cất tại nghĩa trang Phú Xuân.

II. Thừa sai và nhà nghiên cứu khoa học

Sáu năm sau khi rời khỏi nhiệm vụ dạy học tại chủng viện và được cử đi coi sóc các họ đạo, tức vào năm 1901, cha Cadière đã bắt đầu xuất bản các công trình khoa học của mình trên tờ Bulletin de lÉcole franẹaise dExtrême-Orient (B.E.F.E.O.)[1] / Tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp về văn chương truyền khẩu và dân tộc học tôn giáo của vùng Quảng Bình, về tín ngưỡng, về ngữ học Việt Nam, về địa lý lịch sử đất Quảng Bình, về thổ ngữ vùng Bắc An Nam... và cả về những vấn đề có tính cách thời sự (giáo dục, đường xá, vào năm 1904) hay các ghi chú về ngành thực vật học (tảo biển, năm 1904, các loại dương xỉ của Quảng Bình, năm 1905).

Và cho tới năm 1944 (vụ Nhật đảo chính xảy ra năm sau đó, đã ngưng mọi việc in ấn tại Đông Dương), trừ năm 1909, một cách đều đặn, cha Cadière hằng năm có các công trình khoa học được xuất bản. Louis Malleret, nhà khảo cổ học nổi tiếng thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, vào năm 1957, đã tổng kê được khoảng 250 tên công trình của thừa sai Léopold Cadière. Trong số này, không ít công trình vượt quá con số 350 trang, như cuốn Monographie de la semi-voyelle labiale en sino-annamite et en annamite / Chuyên khảo về bán phụ âm môi trong Hán-Việt và tiếng Việt (B.E.F.E.O., 1908- 1910).

Ngoài ra, còn phải kể đến tập san của Hội những người bạn của Huế xưa (tập san được viết tắt là B.A.V.H.), cũng được gọi là Hội đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué) cha đã cùng với bác sĩ Albert Sallet lập ra trong thời gian (từ 1913 đến 1918) cha được cử về kinh đô Huế để giúp các Sư huynh trường Pellerin. Tập san này, vốn sớm trở thành một trong những nguồn tư liệu chính cho việc nghiên cứu về Việt Nam trong lĩnh vực nhân văn, phải được kể vào số những công trình lớn của cha Cadière, với tính cách là người biên tập và là cây bút chủ chốt, tác giả của phần lớn các bài viết xuất hiện trên tờ báo cho tới số chót - vào năm 1945.

Có thể nói chính công tác mục vụ giáo xứ mà cha đảm nhiệm đã tạo thuận lợi không ít cho công việc nghiên cứu khoa học. Cha đã lợi dụng sự di chuyển trong công tác mục vụ hay thăm viếng con chiên bổn đạo để ghi chép tất cả những gì thấy được, nghe được trên đường. Như cha cho biết, những lúc ngồi trên đò, cha đã trò chuyện cùng với người chèo đò và ghi lại các câu ca dao, bài hát, các giai thoại hay những thành ngữ, các sự kiện xảy ra trên đường đi -phản ứng của một phụ nữ bị kẻ cướp tấn công, các đối đáp của một người giữ chùa, vv.; một cột mốc hay một gốc cây, một thân cây mang dấu vết của sự thờ cúng, và dĩ nhiên, những gì ghi nhận và quan sát được trong các cuộc điều tra khoa học, đều là khởi điểm cho một nghiên cứu, một cuộc điều tra, là dữ kiện cho một công trình nghiên cứu hay một bài viết.

Cha còn lợi dụng cả những ngày tháng bệnh tật buộc phải về châu Âu dưỡng bệnh để lục lọi trong các văn khố ở Paris, ở Roma... các tư liệu cần thiết cho công việc viết sử Việt Nam của mình.

Cha Léopold Michel Cadière 1869-1955

III. Sự nghiệp khoa học

Các công trình nghiên cứu chính và quan trọng của vị thừa sai bác học này thường được gồm lại trong ba lĩnh vực chính sau đây: sử học, ngôn ngữ học và dân tộc học. Tuy nhiên, trong thực tế, theo G. Condominas, nhà nghiên cứu này xem ra đã không ở yên trong từng lĩnh vực riêng rẽ. Chủ đề thì có thể thuộc ngành này, ngành nọ, nhưng nhà nghiên cứu vẫn luôn sử dụng các luận cứ thuộc các ngành khác và những hiểu biết thâm sâu về ‘thực địa' mà cha gắn bó qua cuộc sống với tư cách một thừa sai và nhà nghiên cứu để soi sáng cho việc triển khai chủ đề.[2]

1. Nhà sử học

Trong lĩnh vực sử học, cha Cadière là người trước tiên, vào đầu thế kỷ, đã đưa ra các nền tảng cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đặc biệt với hai công trình quan trọng được đăng trong B.E.F.E.O.: Premières études sur les sources annamites de l'Histoire d'Annam (1904) / Bước đầu nghiên cứu về nguồn tư liệu của Lịch sử Việt Nam, với sự cộng tác của Paul Pelliot, giáo sư giảng dạy Hoa ngữ tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp ở Hà Nội; Tableau chronologique des dynasties annamites / Bản niên biểu các triều đại An Nam, được in năm sau đó.

Tuy nhiên, công trình Le Mur de Đồng Hới: études sur l'établissement des Nguyễn en Cochinchine / Lũy Thầy ở Đồng Hới: nghiên cứu việc các chúa Nguyễn dựng cơ đồ tại Đàng Trong, lại được xem là một tuyệt tác của linh mục trong lĩnh vực sử học. Đây là một công trình dầy 168 trang của tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Bản thảo của công trình này đã nhận được giải thưởng của Viện vào năm 1903 trước khi được xuất bản (1906).

Sự phong phú và nét độc đáo của công trình nghiên cứu sử học của cha Cadière là ở chỗ tác giả đã có công tìm kiếm sử liệu thành văn tại kho Lưu trữ Việt Nam tại Huế và tại các nơi khác như Lưu trữ của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, Thư viện Vatican... là những nơi cha đã tranh thủ thời gian về châu Âu nghỉ để tới tìm tòi, lục lọi và đã phát hiện một số tư liệu chưa được khai thác. Đồng thời, tác giả cũng đã tìm cách bổ sung các khám phá của mình từ lưu trữ với các điều tra thực địa tìm hiểu các phế tích, tìm hiểu các truyền thống truyền khẩu gắn với các phế tích và với nơi vốn là sân khấu diễn ra các biến cố xưa.[3]

G. Condominas nhận định: “Trong những lần di chuyển liên tục trong ba tỉnh miền Trung, cha tìm kiếm, khám phá và mô tả nhiều di tích của vương quốc được Ấn hóa nổi tiếng này, đồng thời cũng phục hồi các dấu vết người Chăm đã để lại trong ký ức của người dân đương thời. Và phần của dân tộc học và truyền thống truyền khẩu trong Le Mur de Đồng Hới cho thấy một Cadière là một nhà sử dân tộc học trước cả khi tên gọi được đặt ra.”[4]

2. Nhà ngôn ngữ học

Những ai, dù là người Pháp hay người Việt, từng tiếp xúc với cha Cadière, “đều nhất trí nhìn nhận cha nói tiếng Việt rất chỉnh”. Cha đã không ngừng trau dồi tiếng Việt và nhất là tìm hiểu tới ngọn nguồn tất cả những gì có thể xuất hiện trên thứ ngôn ngữ cha đặc biệt yêu thích. Tò mò và khiêm tốn, cha không ngại hỏi han những người xung quanh mình, cũng như trong ngành ngôn ngữ học và triết học.[5]

Theo Condominas, sự đóng góp của cha vào việc tìm hiểu tiếng Việt một cách khoa học phải nói là quan trọng. Chúng ta có thể kể ra đây hai công trình lớn trong lĩnh vực này: Monographie de la voyelle semi-labiale... đã được liệt kê trên đây và Syntaxe de la langue vietnamienne / Cú pháp tiếng Việt (E.F.E.O., tập XLII), xuất bản năm 1958, tức ba năm sau khi cha qua đời.

Nhưng cha đã để lại tên tuổi của mình cho các thế hệ sau trong lĩnh vực ngôn ngữ học này, trước tiên với tư cách là nhà sáng lập ngành phương ngữ học Việt Nam với các tác phẩm như Phonétique annamite: dialecte du Haut-Annam / Phương ngữ Bắc Trung kỳ (E.F.E.O., tập III, 1902) và Le Dialecte du Bas-Annam. Esquisse phonétique / Phương ngữ Nam Trung kỳ (B.E.F.E.O., 1911). Cha đã lao vào công việc nghiên cứu dẫn tới các tác phẩm này khi nhận thấy thứ ngôn ngữ chính thức người ta dạy cha ở Huế, nhất là qua các tác phẩm tôn giáo, xem ra giả tạo và quá cồng kềnh với các từ hán-việt, rất xa lạ với thứ ngôn ngữ người nông dân xung quanh cha sử dụng, tại nơi cha tới sống từ năm 1895.[6]

Thực ra, toàn bộ công trình của cha Cadière làm thành một nguồn tư liệu hàng đầu, đối với nhà ngôn ngữ học, và, qua vô số so sánh với các từ hán-việt, đối với nhà ngữ văn học. Vả lại, cha đã luôn dựa vào phương pháp ngữ văn học mỗi khi cha xem xét một khái niệm; tuy nhiên, các phân tích ngữ nghĩa, với sự phong phú của các phân tích này nhờ những hiểu biết thâm sâu cha Cadière có được về nền văn hóa cũng như ngôn ngữ Việt Nam, có thể là mẫu mực cho các nhà ký hiệu học ngày nay.

Sở dĩ như vậy là vì cha Cadière, thừa sai và nhà nghiên cứu, coi việc thông thạo ngôn ngữ, không chỉ hiện tại, mà trong sự biến chuyển trước đó, như là cơ sở của các việc nghiên cứu đồng thời cũng là cơ sở của công việc mục vụ của mình. Như cha viết vào năm 1907 trong lời dẫn nhập của cuốn Philosophie populaire annamite / Triết lý dân gian của người An Nam:

“Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu cách nghĩ của một dân tộc. Nó phản ánh tất cả các khái niệm của con người. Chính qua ngôn ngữ, con người học suy tư, và cũng chính qua ngôn ngữ, con người diễn tả điều mình cảm nhận và điều con người nghĩ. Ngôn ngữ vừa là khuôn đúc, vừa là thông dịch viên của bộ óc. Bởi vậy, nếu muốn biết người Việt Nam nghĩ gì, chúng ta cần phải tìm hiểu nơi ngôn ngữ của họ” (Philosophie populaire annamite, 1907, phần dẫn nhập). Tuy nhiên, cha cũng không quên lưu ý người đọc về những giới hạn của ngôn ngữ trong việc diễn tả ý nghĩ của con người, sự biến chuyển của ý nghĩa nơi ngôn ngữ trong thời gian, do đó, phân tích ngôn ngữ một cách quá gượng ép, người ta có thể đi tới những kết luận không đúng nếu chúng ta khái quát hóa các kết luận này.”[7]

Đối với cha Cadière, việc hiểu ngôn ngữ một cách thấu đáo còn là điều kiện tiên quyết cho mọi điều tra nghiêm túc trong ngành dân tộc học.

3. Nhà dân tộc học tôn giáo

Sau khi trình bày một số đóng góp quan trọng của Léopold Cadière trong các lĩnh vực khoa học khác nhau, G. Condominas đi vào phần chính yếu là giới thiệu các đặc điểm nổi bật của những đóng góp của nhà thừa sai cho ngành nhân học xã hội và văn hóa và những gì trong công trình khoa học của cha khiến người ta có thể xếp cha là một nhà dân tộc học lớn.

Theo Condominas, cha Cadière có tất cả các điều kiện cần thiết để trở thành một nhà dân tộc học có những công trình và đóng góp to lớn trong ngành. Là linh mục và thừa sai làm công việc của một “cha xứ nhà quê” trong nhiều thập niên, tại một địa phương nhất định, nơi cha có thể hiểu được ngôn ngữ của người xung quanh, tại nơi mình nghiên cứu, cha Cadière đã có một thời gian dài, có thể nói được là lý tưởng, cho việc nghiên cứu dân tộc học. Nhà dân tộc học này lại có một óc tò mò xem ra không bao giờ được thỏa mãn cộng với một sức làm việc được xem là phi thường. Condominas còn nhấn mạnh đến thái độ tôn trọng người khác của cha, thái độ sẵn sàng lắng nghe người khác, xem đó như một trong những nền tảng của mọi công trình nghiên cứu có giá trị. Vào năm 1942, kỷ niệm năm mươi năm làm linh mục, cha Cadière đã nêu lên các lý do khiến cha yêu mến những người Việt sống xung quanh mình và cha đã có cơ hội sống với họ suốt năm mươi năm:

“Tôi yêu quý họ vì những đức tính luân lý của họ. Là con của nông dân, tôi đã sống cuộc đời của tôi tại An Nam, giữa những người nông dân, nên tôi đã có thể hiểu được rằng người nông dân Pháp và người nông dân Việt Nam giống nhau một cách lạ lùng: ở đây cũng như ở bên ấy, những ý tưởng nhỏ về cuộc sống thường ngày, về đồng ruộng, chợ búa, những bữa ăn thường ngày, làng mạc; nhưng ở đây cũng như ở bên ấy, những tình cảm lớn, tình yêu thâm sâu đối với gia đình, nâng đỡ và trợ giúp lẫn nhau, cần cù trong lao động, cam chịu trong đời sống nghèo, trong cuộc sống vất vả hằng ngày”.

Mối thiện cảm thâm sâu của cha đối với cộng đồng mà cha nghiên cứu và được cộng đồng này tin tưởng là một chiếc chìa khóa khác nữa của sự thành công của cha Cadière với tư cách nhà nghiên cứu.

Cha Cadière cũng còn là một con người có đầu óc cởi mở trong lĩnh vực tôn giáo để có thể nói với một thứ cảm hứng trữ tình về một tôn giáo không phải là tôn giáo mình truyền giảng: “Nơi người Việt Nam, trong mọi tầng lớp xã hội, tình cảm tôn giáo được bộc lộ một cách mạnh mẽ và bao trùm toàn bộ đời sống, các cử chỉ thường ngày, quan trọng hay thường tình. Tình cảm ấy có lúc bùng nổ dưới ánh sáng mặt trời trong những nghi lễ long trọng, trong những ngôi đền thờ cúng được Nhà nước nhìn nhận, có lúc thầm lặng như lén lút, dưới một gốc cây, trước một hòn đá sần sùi. Người ta có thể diễn tả lời cầu xin bằng ngôn ngữ thanh tao, bằng thơ có nhạc và múa phụ họa, nhưng cũng có thể thì thầm bày tỏ nguyện ước tự đáy lòng khi đi qua một miếu thờ. Người ta phủ phục, chậm rãi, trân trọng, trang nghiêm, đầu đội mũ vuông, mang áo thụng...[8]

Nhà dân tộc học đã đặc biệt quan tâm tìm hiểu niềm tin nơi thế giới siêu nhiên của người bản xứ và đã không đồng hóa tôn giáo với chủ nghĩa độc thần:

“Từ tôn giáo bao hàm nhiều mức độ. Nếu hiểu tôn giáo là niềm tin ở một Đấng tuyệt đối, vô cùng lớn và vô cùng hoàn hảo; là sự kết hiệp bằng tinh thần với Đấng hiện diện khắp nơi; là kết hiệp bằng con tim với Thượng đế vô cùng tốt lành, Đấng cai quản và duy trì mọi sự; cuối cùng là sự nhìn nhận những sự vô cùng hoàn hảo của Ngài bằng một việc tôn thờ xứng với Ngài, thì phải nói rằng người Việt Nam không phải là người có tôn giáo. Khái niệm về một Đấng tối cao vượt khỏi họ; họ sống không có Thiên Chúa. Nhưng nếu hiểu tôn giáo là tín ngưỡng, là niềm tin cụ thể nơi một thế giới siêu nhiên có tác động trên cuộc sống, thì phải nhìn nhận rằng dân tộc Việt Nam có đức tính này ở một trình độ cao.”[9]

Trong một bài diễn thuyết tại Louvain năm 1912, Instructions pratiques pour les missionnaires qui font des observations religieuses / Các hướng dẫn cụ thể cho các thừa sai khi quan sát [lĩnh vực] tôn giáo, cha Cadière đã trình bày một số nguyên tắc hướng dẫn việc nghiên cứu của cha: trước hết, “phải biết và biết rất kỹ ngôn ngữ của nơi mình hoạt động, tỏ lòng kính trọng đối với các biểu hiện của tình cảm tôn giáo mình nghiên cứu, nghiên cứu các sự kiện với lòng thiện cảm (.); không được tác động hoặc bằng quyền bính, hoặc bằng tinh thần, những người mình nêu câu hỏi, bằng cách giải thích một cách hàm hồ các câu trả lời của họ, hay đặt vào miệng họ những điều họ không nói; phải có được sự tin tưởng của người bản địa, phải không ngừng chú ý tới đối tượng mình nghiên cứu; rút ra từ mỗi hạng người xung quanh mình những thông tin.”[10]

IV. Kết luận

Nhà nghiên cứu sử học, ngôn ngữ học và dân tộc học tôn giáo Léopold Cadière trước tiên là một thừa sai. Bài giới thiệu thân thế và sự nghiệp khoa học của cha Cadière đăng ở đầu tập III của bộ C.P.R.V., của nhà khảo cổ học Louis Malleret, Tổng thanh tra của E.F.E.O., đã kết thúc như sau: “Toàn bộ các công trình nghiên cứu của [cha Cadière] nằm trong công cuộc tông đồ của cha. Một trong các bạn đồng hội của cha, cha Lefas, đã rất có lý khi nhìn nhận các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực dân tộc học tôn giáo của [cha Cadière] là một đóng góp quan trọng trong việc du nhập Kitô giáo.” Tu es sacerdos in aeternum / Con là linh mục đời đời. Là nhà khoa học uyên bác, cha Cadière trước tiên là con người của Giáo Hội. Chúng tôi nghĩ là cần nói lên điều này như một câu trả lời muộn màng cho tất cả những ai đã không thể thấy, vào sinh thời của cha, đóng góp to lớn của các công trình khoa học của cha vào tác động sâu sắc của công cuộc truyền giáo.”[11]

Nếu, - và phải,- xem Léopold Cadière trước tiên và trên hết là một thừa sai, người đã hiến trọn thời gian, sức lực, đầu óc, con tim để tìm hiểu, để biết và để yêu mến mảnh đất, con người cha được gửi đến để rao giảng Tin Mừng, thì chúng ta có cơ sở để khẳng định cha Cadière quả là mẫu mực cho mọi người được sai đi, trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Và dĩ nhiên, những công trình khoa học của cha cũng phải được Giáo Hội Việt Nam ngày nay tiếp tục triển khai, khai thác, mở rộng, ít là để làm cơ sở khoa học cho sứ vụ truyền bá Tin Mừng hẳn đã được cha Cadière nhắm đến trong các công trình nghiên cứu khoa học của cha.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 104 (Tháng 1 & 2 năm 2018)



[1] Một số từ viết tắt: B.E.F.E.O. : Bulletin de l'École Francaise d'Extrême- Orient / Báo của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp; E.F.E.O. : École Francaise d'Extrême-Orient / Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp; B.A.V.H. : Bulletin des Amis du Vieux Huế / Tập san Những người bạn của Huế xưa hay Tập san Đô thành hiếu cổ; C.P.R.V. : Croyances et Practiques Religieuses des Viêtnamiens / Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam.

[2] Xin xem Georges Condominas (E.H.E.S.S., Paris), Deux grands ethnologues pratiquement inconnus de la profession: Les Pères Francois Callet et Léopold Cadière, trong bộ Histoires de l'anthropologie: XVI-XIX siècles, Textes réunis et présentés par Britta Rupp-Eisenreich, Paris Klincksieck 1984 ( Collection d'épistémologie). G. Condominas là một nhà dân tộc học, sinh tại Hải Phòng năm 1921, từng hoạt động khoa học tại Việt Nam. Sự nghiệp của ông nổi tiếng thế giới, được mời làm giáo sư thỉnh giảng ở nhiều đại học trên thế giới. Bài giới thiệu L. Cadière của ông có thể được coi là một bài giới thiệu có uy tín. Bài giới thiệu của chúng tôi chủ yếu dựa trên công trình này của G. Condominas.

[3] Xem G. Condonimas, sđd., trang 171.

[4] G. Condominas, sđd., trang 172.

[5] Xem G. Condominas, sđd., trang 172.

[6] G. Condominas, sđd., trang 172-173.

[7] M C.P.R.VIII, trang 41-42.

[8] C.P.R.V, trang 1-2.

[9] M C.P.R.VIII, trang 68.

[10] C.PR.VIII, các trang 274-275.

[11] M C.PR.V, III, trang 15

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/leopold-michel-cadiere-1869-1955-41237?fbclid=IwAR2sc-TY1_vlkBwSCP8UFP7FejvbtCWRiDU2PM1Ul2V9aUkxT2SPueohMxg

..


---


CẬP NHẬT


1.


⏰Thời gian: 21 - 23h, thứ 7 ngày 09/07/2022

👉 Chương trình có sự tham gia của:
- Host: Bà Nguyễn Hoàng Ánh, nguyên giảng viên ngành Kinh tế Quốc tế, trường ĐH Ngoại thương; hiện là cố vấn chương trình Giáo dục cho Viện Lãnh đạo trẻ ABG. Bà là một người yêu thích văn hóa, lịch sử và là một host thân thiết của chương trình Midnight Talks.

- Diễn giả:
+ Ông Đỗ Trinh Huệ - Nguyên Trưởng Khoa Pháp văn Đại học Sư phạm Huế, dịch giả các công trình của Léopold Michel Cadière. Ông đã dịch và biên soạn cuốn “Hồi ký của một ông già Việt học”, cuốn sách dày trên 300 trang khổ lớn giới thiệu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của học giả Léopold Michel Cadière.

+ Bà Nguyễn Thanh Hằng - Thạc sĩ Lịch sử tại L'École des Hautes Études En Sciences Sociales (EHESS), Paris. Bà là cựu Tổng Biên tập tạp chí Đoàn Kết của Hội người Việt Nam tại Pháp từ năm 2013 đến 2019; Dịch giả quyển “Nghệ thuật Huế” của Léopold Michel Cadière, nhận giải B Giải Sách quốc gia năm 2021.

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSfI8NY_1DvrYjWWzPJyFpyST10V-Ivhb9oQ2q0fbliWyO7ViQ/viewform?fs=e&s=cl&fbclid=IwAR07zW24XkTl27h9aEJ4WG5JWlrn4vBv2DFXF89xVrFWUYH_VkuLQ9vwRVQ

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.