Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

11/06/2022

Về những mảnh khuôn đúc Trống Đồng phát hiện tại thành cổ Luy Lâu (bài Trương Đắc Chiến)

Có liên quan đến phát hiện của nhóm Nishimura - về nhà khảo cổ học người Nhật Bản này có thể đọc ở đây.

Bài ở dưới là của học giả Trương Đắc Chiến.

Lấy nguyên về từ trang Thánh địa Việt Nam học.

Tháng 6 năm 2022,
Giao Blog

---




DISCOVERING CERAMIC MOULDS FOR BRONZE DRUM CASTING
IN LUY LAU CITADEL (THUAN THANH, BAC NINH PROVINCE)

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  TRƯƠNG ĐẮC CHIẾN
(Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

     Located in the present-day province of Bac Ninh, right in the center of the Red River delta, Luy Lau became one of the largest and oldest metropolitan areas in northern Vietnam during the first ten centuries of the Common Era. It is not only a political and economic center but also a cultural and religious one, with the introduction and development of Buddhism, or the spread of Han education and Confucianism. As a result, Luy Lau always attracts the attention of national and international scholars.

     From 2014 to today, the Vietnam National Museum of History, in collaboration with Japanese researchers, has carried out numerous investigations and excavations on the Luy Lau site. It should be noted that during the two excavations of 2014 and 2015, archaeologists discovered hundreds of fragments of ceramic molds for casting bronze drums lying intact in the cultural layer, providing important materials for the study of the drum casting technique. This contributes to the indisputable indigenous nature of the Dong Son drum in northern Vietnam. The discovery of Dong Son drum casting molds in the center of the capital of Luy Lau offers us a new perspective on the cultural integration of endogenous and exogenous factors and affirms the strong vitality of the Dong Son culture in Bac Bo Vietnam, which is the foundation for the subsequent independence struggle in the 10th century.

x
x x

Dẫn nhập

     Trống đồng Heger I, hay trống Đông Sơn, là sản phẩm tiêu biểu nhất của văn hóa Đông Sơn thời Sơ sử, là sự thể hiện sinh động và sâu sắc nhất thần thái Đông Sơn – đỉnh cao của văn minh Việt cổ. Chính bởi vậy, từ trước tới nay, trống Đông Sơn luôn là một trong những đề tài thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Trải qua hơn một thế kỷ nghiên cứu, với sự tích lũy tư liệu và tri thức ngày càng dày dặn, nhiều vấn đề lớn liên quan đến trống Đông Sơn đã được đặt ra và giải quyết. Tuy nhiên, câu hỏi trống Đông Sơn được đúc như thế nào vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải. Bởi lẽ, sau hàng thập kỷ, những bằng chứng trực tiếp liên quan đến hoạt động đúc trống hầu như không được tìm thấy, trên cả hai địa bàn phân bố chủ yếu của trống Đông Sơn là Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Điều đáng nói là, trong khi những di tích như lò nấu, xỉ quặng, hay các mảnh khuôn đúc bằng đá hoặc đất nung của các loại hình hiện vật khác không hề hiếm gặp trong các di tích Đông Sơn, thì những mảnh khuôn đúc trống đồng, mặc cho nhà khảo cổ mải miết đi tìm, vẫn như bóng chim tăm cá. Nhà nghiên cứu đành tạm chấp nhận với cách giải thích rằng, khuôn đúc trống được làm bằng đất, nên khi phá khuôn lấy thành phẩm rồi thì những mảnh khuôn đó cũng được đập vụn đi để tái sử dụng, do vậy khả năng tìm thấy khuôn đúc trống gần như là không thể.

     Chính vì những lẽ trên, sự kiện hàng trăm mảnh khuôn đúc trống Đông Sơn xuất lộ trong lòng đất Luy Lâu qua cuộc khai đào của các nhà khảo cổ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Việt Nam) và Đại học Đông Á (Nhật Bản) vào các năm 2014 – 2015, đã gây tiếng vang lớn trong học giới. Với phát hiện Luy Lâu, chúng ta đã có bằng chứng trực tiếp, không thể chối cãi, rằng trống Đông Sơn được đúc ngay ở trung châu Bắc Bộ. Thêm nữa, với sưu tập khuôn đúc trong tay, chúng ta đã có chìa khóa để tìm hiểu một cách thấu đáo về quy trình đúc trống của người Việt cổ, những nghệ nhân đúc đồng rất mực tài ba. Trong bài viết này, trên cơ sở trình bày những đặc điểm của khuôn đúc trống Luy Lâu, chúng tôi sẽ đưa ra một số nhận định bước đầu về: (1) niên đại của mảnh khuôn, theo đó là niên đại của loại trống tương ứng được đúc bởi những chiếc khuôn này; (2) quy trình đúc trống; (3) một số giá trị lịch sử và văn hóa của sưu tập khuôn đúc quý giá này.

1. Những báo dẫn đầu tiên

    Có thể nói, việc phát hiện khuôn đúc trống đồng tại Luy Lâu có một mối cơ duyên nào đó với người Nhật. Trước phát hiện của Đoàn khai quật Việt – Nhật năm 2014, ngay từ năm 1998, nhà khảo cổ Nhật Bản là Ts. Nishimura đã công bố tìm được một mảnh khuôn đúc trống Heger I ở khu vực thành cổ Luy Lâu. Tuy nhiên, Nishimura cho biết, mảnh khuôn này được tìm thấy ngẫu nhiên trên bề mặt do hoạt động đào đất làm lò gạch của người dân (Nishimura M. 2001). Ba năm sau, năm 2001, một mảnh khuôn đúc trống khác cũng được tìm thấy bởi Nishimura, lần này là nằm trong lớp đất đắp thành Ngoại phía bắc. Niên đại của mảnh khuôn này được Nishimura định là khoảng thế kỷ 2 sau Công nguyên (Nishimura M. và nnk 2002). Tuy chỉ có số lượng ít ỏi và có bối cảnh phát hiện không lý tưởng về mặt địa tầng (1 mảnh trên bề mặt, 1 mảnh trong lớp đất đắp thành), nhưng đây chính là những báo dẫn đầu tiên về khả năng tìm thấy dấu vết hoạt động đúc trống đồng ngay tại Luy Lâu, trị sở của quận Giao Chỉ.

2. Phát hiện từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

     Năm 2014, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Việt Nam) và Đại học Đông Á (Fukuoka, Nhật Bản) đã phối hợp khai quật di tích thành cổ Luy Lâu. Mục tiêu của đợt khai quật này là tìm hiểu về địa tầng và phạm vi phân bố của thành Nội. Trong quá trình lần tìm dấu vết nền đất đắp thành, chúng tôi đã mở hố thám sát ký hiệu 14.LL.T3.TP4, cách hố đào Lũng Khê 5 của Nishimura, nơi đã từng phát hiện 1 mảnh khuôn trống vào năm 2001, khoảng 20m về phía Nam (hình 1). Hố có diện tích 3,5m(3,5 x 1m); ở độ sâu khoảng 1,8 – 2m, trong lớp đất sét pha cát lẫn than tro màu đen dày khoảng 20 – 30cm chúng tôi đã phát hiện được một số mảnh khuôn đúc trống và những hiện vật có thể liên quan đến hoạt động đúc đồng. So sánh địa tầng của các hố đào tại các khu vực khác trong thành, có thể nhận định lớp đất này thuộc thời kỳ Lục Triều (Trương Đắc Chiến và nnk 2015).

     Trên cơ sở phát hiện năm 2014, trong đợt nghiên cứu năm 2015, chúng tôi mở hố thám sát ký hiệu 15.LL.T3.TP4 cách vách Tây của hố đào năm 2014 khoảng 0,5m. Hố có diện tích 7,5m(3 x 2,5m); ở độ sâu từ 1,0m trong lớp 3b phát hiện được nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng (Hình 2). Lớp này có niên đại thời Lục Triều, thế kỷ 3 – 6 AD (Lê Văn Chiến và nnk 2016).

     Những mảnh khuôn tìm được trong hai đợt khai quật đều giống nhau về chất liệu, loại hình và hoa văn, đặc biệt là cùng phát hiện trong lớp đất thời Lục Triều, và trên thực tế, hố đào năm 2015 chỉ là sự mở rộng của hố đào năm 2014. Do vậy chúng tôi gộp chung những mảnh khuôn này vào một sưu tập để khảo tả.

     2.1. Sưu tập khuôn đúc trống đồng

     Qua hai lần khai quật, đã phát hiện được tổng số 923 mảnh khuôn đúc trống (đợt 1: 37 mảnh; đợt 2: 886 mảnh). Số lượng, loại hình và vị trí của các mảnh khuôn được thể hiện qua bảng sau:

Loại hình/
Vị trí

Khuôn ngoài

Khuôn trong

Không
xác định

Tổng

Mặt

Tang

Thân

Chân

Mặt

Tang

Thân

Chân

Số lượng

37

17

27

2

47

75

56

52

610

923

Tổng

83

230

610

     Từ sưu tập khuôn đúc thu được trong hai đợt khai quật ở Luy Lâu, chúng tôi rút ra một số nhận thức như sau:

     2.1.1. Chất liệu làm khuôn

     Khuôn đúc Luy Lâu thường có hai lớp, lớp trong là sét mịn, lớp ngoài là sét trộn với vỏ trấu hoặc bã thực vật. Phần mặt đúc thường được phủ lớp áo mịn. Mảnh khuôn ngoài thường có màu nâu đỏ, khuôn trong có màu xám (Hình 3).

     2.1.2. Hoa văn trên khuôn

     – Hoa văn trên mặt trống (Hình 4): quan sát các mảnh khuôn ngoài đúc phần mặt trống, có thể nhận diện các loại hoa văn sau: vòng tròn kép, vòng tròn tiếp tuyến, bông lúa, răng lược, hình trâm, hình chữ N ngược, hoa văn người hóa trang lông chim cách điệu, hoa văn lông công. Một số mảnh có vành hoa văn ra sát mép (hoa văn bông lúa).

     – Hoa văn trên tang và lưng trống (Hình 5): có hoa văn vòng tròn kép, vòng tròn tiếp tuyến, bông lúa, răng lược.

     – Chân trống: không hoa văn (Hình 6). Về mặt kỹ thuật tạo hoa văn, qua quan sát các mảnh khuôn đúc trống Luy Lâu, chúng tôi nhận thấy điểm đáng chú ý là: trong khi các hoa văn hình học như bông lúa, vòng tròn tiếp tuyến, vạch ngắn song song… được tạo bởi phương pháp khắc, thì riêng hoa văn hình người hóa trang lông chim được tạo bởi phương pháp in khuôn (Hình 4.3).

     2.1.3. Dấu vết kỹ thuật: trên một số mảnh khuôn ngoài, phần mặt có khoảng hở ở sát mép, có khả năng là để chờ ghép với khuôn cóc; một số mảnh tang và thân cũng có khoảng hở để chờ ráp với khuôn quai; trên một mảnh khuôn trong, ở phần tang có dấu con kê bằng gốm (Hình 7).

     2.1.4. Kích thước: có đường kính mặt khá lớn, thường là trên 50cm, đáng chú ý là có mảnh chân đo được đường kính là 76,5cm, từ đó có thể suy đoán được đường kính mặt ít nhất là trên 70cm.

     2.2. Hiện vật đi kèm

     Cũng trong lớp đất phát hiện khuôn đúc trống (lớp 3b), chúng tôi còn tìm được một số loại hình hiện vật khác, có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu hoạt động đúc đồng và định niên đại cho sưu tập khuôn đúc.

     Các hiện vật liên quan đến hoạt động đúc đồng gồm có: mảnh nồi nấu/rót đồng, phễu rót đồng, mảnh đáy lò, ắc bàn xoay, xỉ quặng (Hình 8).

     Bên cạnh đó, các loại hình hiện vật như gạch, ngói và các đồ gốm sứ cũng được tìm thấy trong lớp đất này. Đây là những hiện vật quan trọng giúp định niên đại của lớp 3b cũng như niên đại của sưu tập khuôn đúc trống.

     2.3. Quy trình đúc trống

     Từ các mảnh khuôn và những hiện vật liên quan đến hoạt động đúc đồng tìm thấy trong hố khai quật Luy Lâu, có thể bước đầu hình dung quy trình đúc trống diễn ra như sau: 1- Tạo thai (phôi) trên trục bàn xoay; 2- Làm hai mang thân và vẽ hoa văn; 3- Làm mặt và tạo hoa văn; 4- Làm quai; 5- Ráp khuôn (sử dụng con kê bằng gốm) và rót đồng (Hình 9).

     Có thể thấy, quy trình đúc trống đồng cũng bao gồm những khâu cơ bản tương tự như các nghiên cứu thực nghiệm trước đây đã chỉ ra (Hoàng Văn Khoán và Hà Văn Tấn 1974; Hoàng Văn Khoán 1985; Trần Khoa Trinh 1985). Ở đây chúng tôi chỉ nhấn mạnh một số phát hiện mới rút ra từ việc nghiên cứu trực tiếp những mảnh khuôn đúc trống ở Luy Lâu:

     – Trước hết là cách tạo hoa văn: các nghiên cứu thực nghiệm trước đây đều cho rằng hoa văn được tạo trên trống mẫu (có thể bằng đất hoặc sáp ong), sau đó mới đắp đất lên trống mẫu để tạo khuôn ngoài. Từ mảnh khuôn Luy Lâu có thể thấy rằng, người xưa đã tạo trực tiếp hoa văn trên khuôn ngoài bằng hai phương pháp là khắc và in, trong đó những hoa văn hình học như vòng tròn tiếp tuyến, vạch ngắn song song, chữ N ngược hay văn bông lúa được tạo bởi phương pháp khắc, còn hoa văn hình người hóa trang lông chim thì tạo bởi phương pháp in. Điều này góp phần lý giải tại sao hoa văn trên trống lại có những mảng chìm nổi xen kẽ hài hòa như vậy.

     – Về việc sấy hoặc nung khuôn: hầu hết các nhà nghiên cứu thực nghiệm đều cho rằng để đúc trống đồng, người xưa đã nung khuôn ở nhiệt độ không dưới 9000C (Hoàng Văn Khoán, Hà Văn Tấn 1974; Hoàng Văn Khoán 1985; Trần Khoa Trinh 1985). Tuy nhiên, qua quan sát các mảnh khuôn đúc ở Luy Lâu, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng những mảnh khuôn này chỉ được sấy khô, nếu có được nung cũng không quá 5000C(1).

     – Về việc sử dụng con kê: phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng người xưa dùng con kê bằng kim loại, có thể là đồng đỏ vì có độ nóng chảy cao hơn đồng thau (Trịnh Sinh 1996: 50 – 51). Tuy nhiên, việc phát hiện con kê bằng gốm còn dính lại trên một mảnh khuôn trong đã góp phần khẳng định ý kiến của các tác giả Hoàng Văn Khoán và Hà Văn Tấn khi cho rằng người Việt cổ đã sử dụng con kê bằng đất chịu lửa tương tự như đất làm khuôn (Hoàng Văn Khoán, Hà Văn Tấn 1974: 41).

     – Về vị trí rót đồng: hiện nay, giới nghiên cứu chủ yếu nghiêng về khả năng trống đồng được đặt ngửa khi rót đồng, và đậu rót thường mở ở phần chân trống. Tuy nhiên, qua nghiên cứu những mảnh khuôn đúc Luy Lâu, theo chúng tôi vị trí đặt đậu rót là giữa ngôi sao trung tâm. Quan sát một số trống đồng hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chúng tôi cũng thấy có dấu vết đậu rót ở giữa mặt trống, điển hình là trên trống Đắc Glao (Kon Tum) hay trống Phú Duy (Mỹ Đức, Hà Tây cũ) (Hình 10).

     Gần đây, Nguyễn Thơ Đình – một nhà nghiên cứu trẻ của Viện Khảo cổ học – đã thực hiện nghiên cứu quy trình đúc trống đồng theo hướng tiếp cận thực nghiệm dân tộc – khảo cổ học tại làng nghề đúc đồng Chè Đông (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) (Nguyễn Thơ Đình 2017). Kết quả thực nghiệm của Nguyễn Thơ Đình cũng cho thấy nhiều điểm tương đồng với quy trình đúc trống mà chúng tôi rút ra được từ việc nghiên cứu những mảnh khuôn đúc phát hiện tại Luy Lâu.

     2.4. Niên đại

     Trong đợt khai quật 2014-2015, đã có hai mẫu than của hai mảnh khuôn trong được phân tích tại CHLB Đức. Kết quả phân tích mẫu cho ra niên đại như sau:

     + Mẫu 23228 Luy Lau Probe 1: 2170+/- 22 —- 1 sigma cal BC 349-181/// 2 sigma cal BC 357-167.

     + Mẫu 23229 Luy Lau Probe 2: 3061+/- 23 —- 1 sigma cal BC 1386-1311/// 2 sigma cal BC 1401-1268.

     Có thể thấy hai mẫu cho ra hai niên đại rất khác nhau. Mẫu 1 có niên đại khoảng thế kỷ 4 – 2 BC, hoàn toàn nằm trong khung thời gian tồn tại của trống Đông Sơn, trong khi đó mẫu 2 lại có niên đại quá sớm, khoảng thế kỷ 15 – 13 BC, tức là tương đương giai đoạn cuối Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu, khi mà trống đồng chưa ra đời. Vì vậy, chúng tôi cho rằng có lẽ mẩu than của cây gỗ cũ đã lẫn vào xương gốm và không có liên hệ với mảnh khuôn này.

     Để định niên đại cho sưu tập khuôn đúc nêu trên, chúng tôi phải dựa vào các hiện vật đi kèm trong lớp 3b, nhất là vật liệu kiến trúc và gốm sứ, vốn là vật chỉ thị niên đại. Cần phải nói rằng, các nhà khảo cổ Việt – Nhật đều khẳng định lớp đất phát hiện khuôn đúc là ổn định, địa tầng không hề có sự xáo trộn.

     Về vật liệu kiến trúc, trong lớp này phát hiện được 3 viên gạch, một viên có niên đại Đông Hán, thế kỷ 1 – 3, hai viên còn lại có niên đại thế kỷ 3 – 6, thuộc thời Lục Triều. Một số đầu ngói trang trí cánh sen cũng có niên đại thế kỷ 3 – 6 (Hình 11.1 – 11.4).

     Đồ gốm cũng tìm được khá phổ biến trong lớp 3b. Đồ gốm gồm có những mảnh gốm thô thuộc loại hình vò, nồi, độ nung cao gần như sành, trang trí văn in, niên đại Đông Hán và Lục Triều. Ngoài ra còn có một chiếc bát và một mảnh nắp phủ men xám, niên đại Lục Triều (Hình 11.5 – 11.6).

     Như vậy, có thể thấy niên đại của lớp 3b là thuộc thời Lục Triều, trong khoảng thế kỷ 3 – 6. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với địa tầng của các hố T1 và T2 cũng như địa tầng chung của Luy Lâu. Sưu tập khuôn đúc trống nằm ổn định trong lớp này, hoàn toàn không có hiện tượng xáo trộn, do đó chúng nằm trong khung niên đại thế kỷ 3 – 6, thuộc thời Lục Triều, cũng là thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của đô thị Luy Lâu. Khung niên đại này cũng khá trùng hợp với nhận định của Li Tana về hoạt động đúc trống đồng ở Bắc Bộ Việt Nam giai đoạn đầu Công nguyên. Theo Li Tana, đến thế kỷ thứ 6, trống đồng vẫn được đúc ở miền Bắc Việt Nam (Li Tana 2011: 47).

     2.5. Trống Luy Lâu trong mối quan hệ với trống Đông Sơn ở Việt Nam

     2.5.1. Từ các mảnh khuôn nói trên, có thể phác dựng hình dáng trống đồng được đúc

     ở Luy Lâu như sau (Hình 12, 13): trống có 3 phần khá rõ, với tang phình, lưng hơi võng và chân choãi. Chính giữa mặt trống có hình ngôi sao xen kẽ họa tiết lông công cách điệu. Từ trong ra ngoài được trang trí nhiều vành hoa văn phủ khắp mặt trống, gồm các vành như chữ N (tam giác đối đầu), vạch ngắn song song, vòng tròn kép,vòng tròn tiếp tuyến, người hóa trang lông chim cách điệu, hình trâm và ngoài cùng thường là vành hoa văn bông lúa nằm sát mép trống. Rìa mặt trống có tượng cóc.

     Tang trống thường được trang trí văn bông lúa và vạch ngắn song song, kết hợp vòng tròn kép hay vòng tròn tiếp tuyến. Phần lưng cũng được trang trí văn bông lúa và vẫn được bổ các ô dọc với hoa văn vòng tròn tiếp tuyến nằm giữa hai băng vạch ngắn song song và bông lúa. Chân trống hơi choãi và thường không có hoa văn.

     Hoàn toàn không thấy có hoa văn tả cảnh sinh hoạt, hình nhà sàn, hình chim thú hay hình thuyền. Hoa văn răng cưa cũng không thấy xuất hiện.

     2.5.2. So sánh với các trồng đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam, có thể thấy trống Luy Lâu có nhiều điểm tương đồng với trống Thôn Mống (Ninh Bình), Đắc Glao (Kon Tum), Thôn Bùi (Thanh Hóa) và Phú Phương I (Hà Tây). Đây đều là các trống Heger I – nhóm C.

     – Với trống Thôn Mống và Đắc Glao: mặt trống Thôn Mống có nhiều đặc điểm giống với hoa văn trên mảnh khuôn ở Luy Lâu: giữa mặt là ngôi sao 12 tia xen kẽ văn lông công cách điệu; từ trong ra ngoài có 11 vành hoa văn: vành 1, 4, 10 là văn răng cưa, vành 2, 5, 8, 11 là văn bông lúa, vành 3 và 9 là vòng tròn đồng tâm tiếp tuyến, vành 6 là văn người hóa trang lông chim cách điệu, vành 7 là 4 chim bay xen kẽ 4 đồng tiền và 4 trâm. Đáng chú ý là vành hoa văn bông lúa (vành 11) được trang trí tràn ra sát rìa mặt trống. Tang, lưng và chân có văn răng lược, vòng tròn tiếp tuyến và bông lúa. Mặt trống có 4 tượng cóc (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Hảo, Lại Văn Tới 1990: 198 – 199). Hoa văn trên mặt trống Đắc Glao cũng giống trống Thôn Mống, nhưng không có hoa văn đồng tiền (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Hảo, Lại Văn Tới 1990: 200 – 201). Trống Luy Lâu cũng có hầu như tất cả các hoa văn trên trống Thôn Mống và Đắc Glao, ngoại trừ việc thay hoa văn răng cưa bằng hoa văn vạch ngắn song song và chưa thấy hoa văn chim bay và đồng tiền. Đáng chú ý là cả trống Thôn Mống, Đắc Glao và Luy Lâu đều có chung đặc điểm nổi bật là hoa văn trang trí tràn ra toàn mặt trống, và băng ngoài cùng bao giờ cũng là hoa văn bông lúa.

     – Với trống Thôn Bùi và Phú Phương I: hoa văn trên mặt trống Thôn Bùi cũng rất giống với hoa văn trên trống Luy Lâu, nhất là bố cục (từ ngoài vào trong) vành hoa văn lông chim cách điệu – răng lược – vòng tròn tiếp tuyến. Phần lưng được bổ ô của trống Phú Phương và Thôn Bùi cũng rất giống với trống ở Luy Lâu (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Hảo, Lại Văn Tới 1990: 162 – 163; 166 – 167).

     Từ những tương đồng kể trên, không khó để nhận thấy trống Luy Lâu cũng thuộc về trống nhóm C trong hệ thống phân loại trống Đông Sơn của Việt Nam.

3. Kết luận

     Việc phát hiện số lượng lớn khuôn đúc trống Đông Sơn trong địa tầng ổn định ở di tích Luy Lâu có nhiều ý nghĩa.

     3.1.

     Trước hết, đó là sự chứng minh tính bản địa không thể chối cãi của trống Đông Sơn là ở miền Bắc Việt Nam. Việc sưu tập khuôn đúc này có niên đại muộn không hề giảm đi ý nghĩa, mà trái lại, cho thấy sức sống của văn hóa Đông Sơn rất mạnh mẽ. Nói cách khác, đó chính là sự tái sinh của văn hóa Lạc Việt sau khoảng 1 – 2 thế kỷ bị đàn áp khốc liệt, điển hình là cuộc chinh phục của Mã Viện đối với khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Imamura có lý khi cho rằng trống đồng đã bị hạn chế đúc ở cả Nam Trung Hoa và Bắc Việt Nam trong khoảng thời gian đế chế Hán mở rộng ảnh hưởng tới khu vực này (thế kỷ 1 BC – 1 AD), và có lẽ từ cuối thế kỷ thứ 2 – đầu thế kỷ thứ 3, khi mà quyền lực của đế chế Hán ở vùng này bị suy giảm với việc Sỹ Nhiếp tự trị ở Giao Châu, trống đồng đã được đúc trở lại (Imamura 2010) (2).

     3.2. Những hoa văn trên mảnh khuôn ở Luy Lâu cho thấy đó là trống Heger I muộn

     So sánh với các trống đã phát hiện, có thể thấy khuôn trống ở Luy Lâu rất giống với trống Thôn Mống (Ninh Bình), Phú Phương I (Hà Tây), Thôn Bùi (Thanh Hóa) và trống Đắc Glao ở Kon Tum. Trong hệ thống phân loại ở Việt Nam, đây là các trống nhóm C, được xếp trong khung niên đại từ thế kỷ 3 BC đến thế kỷ 1 AD (Nguyễn Văn Huyên 1985: 30; Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987: 221). Tuy nhiên, việc phát hiện khuôn đúc ở Luy Lâu trong lớp đất thời Lục Triều khiến chúng ta phải xem xét lại việc phân chia khung niên đại cho các nhóm trống Đông Sơn đã biết. Căn cứ vào phát hiện ở Luy Lâu, có thể thấy rằng, ít nhất là khung niên đại của trống nhóm C còn kéo dài tới khoảng thế kỷ 3 – 6 AD (3).

     3.3.

     Việc phát hiện những mảnh khuôn đúc trống tại Luy Lâu cũng góp phần giúp chúng ta trả lời câu hỏi: người xưa đúc trống đồng bằng phương pháp ghép khuôn ba mang hay phương pháp sáp chảy? Cuộc tranh luận này đã diễn ra hàng thập kỷ trong giới nghiên cứu, và đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Một số học giả như N. Barnard, B. Kempers, C. Higham, A. Bennett hay A. Calo thì cho rằng trống đồng được đúc bằng kỹ thuật sáp chảy (lost – wax method) bởi đây là đặc trưng của kỹ thuật đúc đồng ở Đông Nam Á (dẫn theo A. Calo 2014: 48). Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng trống đồng được đúc bởi kỹ thuật ghép khuôn (piece-mould method), hay nói cách khác là đúc bằng khuôn ba mang đất nung. F. Heger cho rằng chỉ có trống loại III là được đúc bằng phương pháp sáp chảy. P. Meyers cũng nghi ngờ khả năng trống được đúc theo cách này bởi nếu vậy thì sẽ có đường chỉ đúc ở mặt trong của trống (dẫn theo A.Calo 2014: 50). Theo tài liệu hiện biết, trong sưu tập trống Đông Sơn ở Việt Nam hiện nay, chỉ có trống Gò Rộng (Bình Định) là được đúc bằng phương pháp sáp chảy. Khi nghiên cứu trống Gò Rộng, các tác giả Nishimura và Phạm Minh Huyền nhận thấy chiếc trống này không có đường chỉ đúc – dấu vết của việc ghép khuôn – như các trống khác. Thay vào đó, trên thân trống này có một đường chỉ đúc giả (pseudo-fin), và trên toàn bộ mặt trong của trống vẫn còn dấu vết hoa văn trang trí được in lại từ khuôn sáp (Nishimura M., Pham Minh Huyen 2008: 214). Như vậy, với việc phát hiện hàng trăm mảnh khuôn đúc trống đồng bằng đất nung tại Luy Lâu, cả khuôn ngoài và khuôn trong, cùng với những hiện vật liên quan đến quy trình đúc, chúng ta đã có câu trả lời cho một vấn đề thảo luận bấy lâu nay.

     Tóm lại, sự xuất hiện một trung tâm đúc trống đồng ngay tại Luy Lâu, trị sở của Giao Chỉ, đã cho thấy sức sống mạnh mẽ của văn hóa Đông Sơn bản địa, làm nền tảng cho sự quật khởi giành độc lập vào thế kỷ 10 AD, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ của quốc gia Đại Việt. Chính vì vậy, GS. Hà Văn Tấn, trong Lời bạt cuốn sách Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, đã viết:

     “… Khi ta nói tiếng Việt, mặc dầu không còn thứ tiếng Việt thuở khai sinh, chính là lúc ta cảm nhận dòng máu Đông Sơn đang chảy trong huyết quản… Đông Sơn đã mất nhưng Đông Sơn đang còn” (Hà Văn Tấn 1994: 429).

     Và như thế, những mảnh khuôn trống Luy Lâu không chỉ là bằng chứng cho thấy kỹ thuật đúc đồng điêu luyện của những nghệ nhân Việt cổ tài hoa, mà còn là thông điệp nhắc nhở chúng ta về một mạch ngầm chung, vẫn luôn cuộn chảy trong tâm hồn dân tộc Việt, xuyên suốt ngàn năm lịch sử oanh liệt, bi hùng./.

     Chú thích:

     (1) Những mảnh khuôn ngoài Luy Lâu có sắc đỏ, nhẹ và khô, dù nằm trong địa tầng cả ngàn năm vẫn rất chắc chắn. Hy vọng rằng sau khi thực hiện thêm các phân tích thạch học và nhiệt vi sai, chúng ta sẽ có những thông tin chính xác hơn về thành phần chất liệu và độ nung của những mảnh khuôn đúc này.

     (2) Nhà nghiên cứu Tạ Đức, trong công trình đồ sộ Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn, dựa trên phát hiện khuôn đúc trống ở Luy Lâu năm 1998 và 2014, kết hợp với tài liệu thư tịch, đã mạnh dạn khẳng định rằng người cho đúc trống và ban phát trống đồng ở Luy Lâu chính là Sỹ Nhiếp (Tạ Đức 2016: 375 – 381).

     (3) Thực ra trước đây, ngay từ năm 1975, các tác giả Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh đã từng cho rằng trống nhóm C có niên đại trong khoảng thế kỷ 1 BC – thế kỷ 6 AD
(Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh 1975: tr. 114 – 115). Sau đó, đến năm 1985, Nguyễn Văn Huyên thay đổi quan điểm và cho rằng trống nhóm C nằm trong khung niên đại thế kỷ 3 BC – thế kỷ 1 AD (Nguyễn Văn Huyên 1985: 30). Quan điểm này luôn được duy trì trong các công trình sau này cùng với các tác giả khác như Phạm Minh Huyền, Trịnh Sinh, Nguyễn Văn Hảo, Lại Văn Tới và trở thành quan điểm phổ biến về niên đại của hệ thống trống Đông Sơn ở Việt Nam (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987; Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Hảo, Lại Văn Tới 1990).

TÀI LIỆU DẪN

     1. Ambra Calo 2014. Trails of Bronze Drums across Early Southeast Asia, ISEAS Publishing, Singapore.

     2. Lê Văn Chiến và nnk 2016. Báo cáo kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh) năm 2015, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội.

     3. Trương Đắc Chiến và nnk 2015. Báo cáo kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh) năm 2014, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội.

     4. Nguyễn Thơ Đình 2017. Quy trình đúc trống Đông Sơn từ cách tiếp cận thực nghiệm dân tộc – khảo cổ học, Khảo cổ học, số 1, tr. 44 – 55.

     5. Tạ Đức 2016. Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn, Nxb. Tri thức, Hà Nội.

     6. Nguyễn Văn Huyên 1985. Vài ý kiến về niên đại trống Đông Sơn, Thông báo Khoa học Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tr. 23 – 34.

     7. Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh 1975. Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội.

     8. Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987. Trống Đông Sơn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     9. Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Hảo, Lại Văn Tới 1990. Trống Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     10. Hoàng Văn Khoán 1985. Bàn về kỹ thuật đúc trống đồng Đông Sơn, Thông báo Khoa học, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tr. 148 – 153.

     11. Hoàng Văn Khoán, Hà Văn Tấn 1974. Tìm hiểu kỹ thuật đúc trống đồng Ngọc Lũ, Khảo cổ học, số 14/1974, tr. 37 – 42.

     12. Li Tana 2011. Jiaozhi in the Han Period Tongking Gulf, The Tongking Gulf Through History, pp. 39 – 52.

     13. Nishimura Masanari 2001. Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật năm 1999 và 2001 tại thành cổ Lũng Khê, Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh.

     14. Nishimura M., Nishino N., Phạm Minh Huyền, Hán Văn Khẩn 2002. Báo cáo kết quả khai quật năm 2001 tại thành cổ Lũng Khê (tiếp theo), Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2001, tr. 545 – 559.

     15. Nishimura M., Pham Minh Huyen 2008. Consideration of the bronze drums discovered in Binh Dinh province of central Vietnam and its cultural context, Journal of East Asian cultural interaction studies, Kansai University, pp. 187 – 219.

      16. Keiji Imamura 2010. The Distribution of Bronze Drums of the Heger I and Pre-I Types: Tempral Changes and Historical Background, University of Tokyo Bulletin of the Department of Archaeology 24, pp. 29 – 44.

     17. Trịnh Sinh 1996. Qua những lần thực nghiệm đúc trống đồng, Tạp chí Khảo cổ học, số 2, tr. 42 – 52.

     18. Hà Văn Tấn (chủ biên) 1994. Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     19. Trần Khoa Trinh 1985. Trở lại việc đúc thử trống đồng Ngọc Lũ, Thông báo Khoa học, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tr. 154 – 158.

     Lời cảm ơn:

     Để hoàn thành bài viết này, tôi đã nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của TS. Ngô Thế Phong và TS. Phạm Quốc Quân. Xin trân trọng cảm ơn các tiến sĩ! Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới TS. Andreas Reinecke (Viện Khảo cổ học, CHLB Đức), người đã giúp chúng tôi phân tích niên đại C14 mẫu than trong khuôn trống Luy Lâu. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nghiên cứu, tôi còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn đồng nghiệp ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Viện Khảo cổ học, đó là Lê Văn Chiến, Hà Thị Hương Giang, Lê Hoài Anh, Nguyễn Văn Thủy, Trịnh Anh Tuấn và Nguyễn Thơ Đình. Xin cảm ơn các bạn đồng nghiệp rất nhiều! Những sai sót trong bài viết là của cá nhân tác giả, rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc gần xa.

     Ghi chúHình ảnh minh họa bài viết: Quý độc giả vui lòng xem ở tệp PDF.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia / Thông báo khoa học 2020

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)



https://thanhdiavietnamhoc.com/ve-nhung-manh-khuon-duc-trong-dong-phat-hien-tai-thanh-co-luy-lau-thuan-thanh-bac-ninh/
..
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.