Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

22/06/2022

Landes với chuyện dân gian người Việt (bài của Đỗ Ngọc Giao)

 

Bài dài, lấy nguyên về từ trang của học giả Nguyễn Mạnh Hùng.

Tháng 6 năm 2022,

Giao Blog


---


Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO

     Từ nửa cuối thế kỷ 19, nếu không kể Trương Quốc Dụng (1797 – 1864), một nho sỹ làm quan dưới ba đời vua trào Nguyễn, thì Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), Antony Charles Celestin Landes (1850 – 1893) và Jean François Marie Génibrel (1851 – 1914)có thể coi như ba vị học giả đầu tiên quan tâm tới việc sưu tầm ghi chép chuyện dân gian người Việt. Sang thế kỷ 20, công việc vẫn nối tiếp với Nguyễn văn Ngọc (1890 – 1942), Nguyễn Đổng Chi (1915 – 1984), Tô Nguyệt Đình (1920 – 1988), Lê Hương (1922 – 1976) và Sơn Nam (1926 – 2008), theo thứ tự thời gian. Những vị đó đã góp công rất lớn giúp cho ta tránh được cái điều vô lý rằng một ngày nào đó trên đất Việt ‘không còn mấy người mẹ, người bà, kể được một đôi truyện cổ tích nào của nước nhà cho con cháu nhà nghe nữa’. 2

     Trong những vị đó, Landes viết bằng tiếng Pháp để cho người Pháp [và người Âu] đọc, nên người Việt ít ai biết tới.

     Contes et legendes Annamites của Landes(sau đây gọi tắt ‘cuốn sách’) ghi lại những câu chuyện phổ thông trong dân gian thời đó, nhứt là ở Nghệ An, vì hai người kể chuyện, một thầy tướng (devin) và một nhà nho (scholar), đều là dân tỉnh đó. Cuốn sách có hai phần:

  •    127 chuyện đời xưa và truyền thuyết, ghi nguyên văn theo lời kể,
  •    22 chuyện cười, ghi đại ý theo lời kể;

     kèm theo chuyện là những ghi chú dành riêng cho người Âu để họ hiểu thêm văn hóa Việt.

     Chúng tôi xin chọn ra một số chuyện trong cuốn sách để giới thiệu với bạn đọc, biết rằng đôi ba chuyện trong đó cũng đã được các vị khác công bố. Chuyện sẽ không chọn ngẫu nhiên, mà chọn theo những ‘motif’ đã phân loại trong hệ thống của Stith Thompson; hệ thống này, chúng tôi đã có dịp giải thích trên internet ở bài Rồng – từ biển Đen tới đất Việt nên ở đây sẽ không nhắc lại. Gần như hết thảy ghi chú của tác giả sẽ được giữ nguyên; thảng hoặc, chúng tôi cũng có ghi chú thêm nếu cần.

1. Chương E ‘The dead’

     Ta bắt đầu với chương E của hệ thống Thompson, vì câu chuyện đầu tiên trong cuốn sách,  Chuyện hai ông nghè, tình cờ cũng là câu chuyện kể theo motif ‘tái sanh’ trong chương E.

     Chương này có 4 nhóm motif:

E0 – E199 người chết sống lại (resuscitation)

E200 – E599 người chết trở về (ghosts and other revenants)

E600 – E699 người chết tái sanh (reincarnation)

E700 – E799 hồn (the soul)

     Chúng tôi sẽ không kê ra tất cả motif [đã được phân loại] của từng câu chuyện, vì việc đó không phải là chủ đề của bài này; vả chăng, có nhiều motif chưa được ghi nhận và phân loại trong hệ thống Thompson.

     1.1. Người chết sống lại

     1. Cậu Bỉnh

     (Maitre Bỉnh)

     Ở Sa Đéc có một anh khùng khùng điên điên tên là Bỉnh. Ảnh không làm gì ai hết, hễ nhà nào có đám ma thì tới xin đồ tang về bận. Đứa nhỏ nào bị bịnh, ốm o, kêu ảnh tới vỗ trên người mấy cái là nó khỏe như thường. Bỉnh ở đó mấy năm thì ông phủ Phong người Mỏ Cày được bổ tới làm quan phủ Tân Thành, đem theo bà má. Bà này bị bịnh, yếu lắm, uống thuốc chi cũng không khỏi.

     Ngày nọ bịnh trở nặng, bả chết. Nhưng trong bụng bả như còn âm ấm, nên người ta chưa chôn. Qua một đêm, bả sống lại, kể với con trai như vầy.

     ‘Lính của Diêm vương bắt má lôi đi. Được nửa đàng, má thấy một anh chừng mười sáu mười bảy chi đó, ngồi trên ngựa, có một đám đông theo sau. Ảnh kêu tụi lính đang bắt má lại, biểu: ‘Bà này là má của ông phủ chỗ ta đang ở. Thả bả ra đi, đừng bắt bả nữa.’ Rồi ảnh ra lịnh cho tụi kia đem má trở về. Má tính quỳ lạy, nhưng ảnh không cho, nói má về cho con hay: ảnh là con của Diêm vương, đang ở Sa Đéc, tên là Bỉnh đó.’

     Ông phủ cho mời Bỉnh tới, nhưng anh này vẫn điên điên như mọi khi, ông phủ cho tiền và quần áo thì nhứt định không lấy. Ông phủ nói: ‘Cái xác là Bỉnh, mà làm cho nó cục cựa là hồn của thái tử con Diêm vương.’ Ổng cấm mọi người mai mốt không được gọi ảnh là ‘thằng Bỉnh’ mà từ giờ trở đi phải kêu bằng ‘cậu Bỉnh’.

     1.2. Người chết trở về

      2. Vài chuyện ma

      (Histoires de revenants)

     Vợ chồng nhà giàu nọ có đứa con gái cưng. Nó mới mười lăm tuổi, còn trinh nguyên, thì đã chết; nhưng ba má nó không muốn xa nó, nên để hòm nó lại trong nhà chớ chẳng chôn. Suốt ba năm, đốt đèn cầy trước hòm; khi đủ hai khí âm dương, đứa con gái hiện ra trong nhà, thành cái hình mờ mờ.

     Ngày nọ có chiếc ghe buôn tới đậu ở con mương trước nhà. Chủ ghe là một anh bảnh trai, ưa đánh đờn ban đêm. Đứa con gái mê tiếng đờn, xuống ghe nói chuyện với anh kia ba bốn đêm. Đêm nọ nó rủ ảnh tới nhà nó chơi; ảnh đâu biết nhà của con nhỏ này là một cái hòm, nên đi theo, và, sáng hôm sau, ảnh nằm chết trong hòm.

     Ba má con nhỏ thấy cái cảnh đó, sợ muốn té đái, hối hả lo đem hai đứa đi chôn.

***

     Ông quan nọ có hai bà hầu, không con. Khi họ chết, ổng cho chôn một bà trong vườn lê, một bà trong vườn liễu. Khi ổng chết, hai cái vườn bị bỏ hoang, cây cỏ um tùm. Sau có anh học trò đi tìm thầy học, qua đó thấy vườn thì ưng bụng ở lại; ban ngày tới nhà thầy học, ban đêm vô vườn.

     Khi anh học trò chưa tới, trong vườn cây cối rậm rạp thì âm khí đầy tràn, hai cái thây ở trỏng muốn hiện hình cũng chưa được vì thiếu dương khí; song le, ảnh ở đó chừng một năm, có tiếng người, thì âm dương cân bằng và hai cái thây hiện ra thành hai đứa con gái tươi tốt làm bạn với ảnh.

     Khi ảnh thi đậu, họ cùng đi theo về quê của ảnh và nói cho ảnh biết họ là ai; lúc đó hai khí âm dương luôn luôn đầy đủ, nên họ làm vợ chồng và có con với nhau.

     3. Bốn con quỷ quan tài

     (Les quatre âmes en peine)

     Có một anh đi bán trống. Ngang núi, gặp anh kia ngồi dưới bóng cây đa, dừng lại hỏi thăm. Nói tên, anh bán trống là Tam, anh kia là Tứ. Tứ nói cũng đi buôn, nhưng lúc đó đã hết vốn và đang kiếm chỗ ở. Tam kêu Tứ theo mình phụ bán. Hai anh đem trống đi. Một hồi thấy khát, họ kiếm giếng uống nước. Gặp giếng, Tứ biều Tam: ‘Tui cột dây lưng vô người, anh giòng tui xuống uống trước, xong kéo tui lên; rồi tui làm lại cho anh như vậy.’

     Tam chịu, nhưng tới khi ảnh đang uống nước dưới giếng thì Tứ giả đò mắc công chuyện gì đó và kêu ảnh chờ, rồi gom hết trống dông mất. Tam chờ hồi lâu, ráng sức trèo lên, chẳng thấy Tứ mà cũng chẳng thấy trống thì biết mình bị lừa.

     Trời gần tối, ảnh đi nữa, gặp một cái miếu, xin người canh miếu cho vô trọ qua đêm.

Ông này nói:

‘Muốn vô thì vô, nhưng ở đây có bốn kẻ chết mà không chôn nên thành quỷ [a], hễ tới canh ba là kiếm người nuốt. Nên tui khuyên đừng vô.’

     Tam nói:

‘Số chết thì chết, cho tui trốn đâu đó cũng được.’

‘Không có chỗ nào trốn hết; bốn con quỷ ở cái buồng này nè, thôi núp sau cửa buồng là yên nhứt.’

     Canh ba, bốn con quỷ đi đâu về. Chẳng thấy Tam, chúng dừng bên cửa buồng, nói chuyện. Con thứ nhứt nói:

‘Tao thấy trong vườn sau miếu có ai chôn mười hũ bạc phía bên trái và mười hũ vàng phía bên phải. Còn tụi bây thấy gì hôn?’

     Con thứ hai nói:

‘Tao thấy thứ này ghê lắm, ai cầm nó chọi mình là chết cả đám.’

     Ba con kia hỏi:

‘Đó là giống gì?’

‘Một cục ngọc rùa. Ai để ngoài vách buồng kìa.’

     Nghe vậy, Tam phóng ra ngoài, kiếm cục ngọc. Bốn con quỷ rượt theo, tính chụp nuốt ảnh, nhưng ảnh đã lượm được cục ngọc, chọi chết hết bốn con. Sáng, ảnh cám ơn ông canh miếu, rồi đi kêu người về đào đất ngoài vườn thì quả nhiên tìm thấy vàng bạc. Còn Tứ thì bị mấy con quỷ khác dòm thấy, bắt nuốt luôn.

__________
a. Tức là đã bỏ vô hòm mà không chịu chôn, vẫn để trong nhà.

      4. Người chết báo thù

      (Vengeance d’un mort)

     Xưa ở Nam Kỳ có ông quan nhận đồ hối lộ mà không lo chạy việc cho người ta. Ngày nọ, ổng nhận hai chục cây bạc của một tên cướp rồi hắn bị xử tử. Chẳng lâu sau, ổng đổi ra kinh.

     Lúc đó sắp tới kỳ thi. Có anh học trò ở Gia Định tính ra kinh ứng thí mà nhà nghèo không biết sao đi [tạm gọi tên anh này là Tý]. Tý gặp một kẻ kia gợi ý cho ảnh cứ đi, lộ phí để hắn lo. Đúng là sau đó hắn lo đầy đủ cho Tý, có điều khi ăn uống thì hắn chẳng bao giờ đụng vô thứ gì. Tý thấy kỳ, hỏi sao vậy. Hắn mới nói hắn không phải là người mà là ma, ra kinh để trả thù một ông quan đã bỏ mặc cho hắn bị xử tử, tên ổng như vậy như vậy. Tý biểu:

‘Tui không muốn dính vô chuyện thù oán của anh, vì ông quan đó là thầy cũ của tui nghen.’

     Con ma nói:

‘Có sao đâu, ổng làm mày tốt thì mày trả ơn, ổng làm tao xấu thì tao trả oán.’

     Ra tới kinh đô thì buổi thi sắp sửa bắt đầu, Tý đi luôn vô nơi thi. Con ma thì dông tới nhà ông quan, nhập vô thằng con của ổng làm nó nổi điên, xách dao đi đâm chết một người đàn ông, làm vợ chồng quan phải dốc tiền chạy tội. Thằng con vẫn bị ma nhập, đập phá lung tung, chẳng thầy pháp nào trục nổi.

     Tý không làm được bài thi, đi ra. Con ma nói:

‘Tao trả oán ổng rồi, giờ mày trả ơn ổng. Mày tới đó giả đò làm phép, tao xuất ra khỏi thằng con ổng, thì cứu được nó.’

     Tý nghe theo, tới nhà thầy cũ xin trục ma. Ban đầu ổng không chịu vì không tin Tý biết làm, nhưng ảnh hứa là biết làm và rồi ảnh làm được; ông quan trả công cho Tý hai chục cây bạc [a] và ảnh về quê.

___________
a. Chính là số bạc mà ông quan đã nhận của tên cướp. Con ma (tên cướp) hẳn là thấy trả oán như vậy đủ rồi, nên không cần hại ổng hơn nữa. Còn anh học trò thì ta chưa rõ lý do vì sao con ma làm ơn cho ảnh, có lẽ người kể chuyện đã bỏ sót chi tiết nào đó; song le, theo cái nhìn của người bổn xứ, thì anh học trò này xứng đáng được thưởng vì ảnh là người có chí, mà con ma ắt cũng chẳng có lý do nào khác để ‘chơi đẹp’ với ảnh như vậy.

     5. Học trò đã chết trả ơn cho bạn

     (La reconnaissance de l’étudiant mort)

     Có hai anh học trò chơi thân với nhau. Nhà nghèo, thiếu ăn, nhưng cả hai đều chăm chỉ, tới ngày thi, cùng có mặt một lúc. Tội nghiệp, một anh bị chết ngay nơi thi, anh kia buồn bã bỏ thi lo chôn cất bạn mình. Ảnh còn ở lại ba năm để trông coi mả bạn.

     Tới khóa sau, ảnh đi thi. Khi làm bài, mặt ảnh đỏ phừng, tay viết không ngừng, miệng lầm bà lầm bầm, ai cũng thấy kỳ. Về chỗ trọ, ảnh nằm mơ gặp bạn nói:

Anh đã lo chôn cất và chăm sóc cho tôi ba năm liền, tôi không biết lấy chi đền đáp, nên đã nhắc bài cho anh nhớ.’

     Anh này thức dậy, mừng rỡ. Ảnh đậu trạng nguyên. Trên đường vinh quy về làng, ảnh ghé nơi mả bạn, xây một cái am. Sau đó, hay tới am thăm bạn, và bạn cũng tiếp: cả hai nói chuyện với nhau mà chẳng thấy hình nhau. Ai đi ngang đó cũng lấy làm lạ khi nghe tiếng hai người nói chuyện mà thấy có một người. Nhà vua nghe đồn, cho gọi trạng nguyên hỏi duyên cớ. Hiểu ra, nhà vua ban thưởng cho ảnh và phong tước cho người đã chết.

     Người bạn đã chết có một con gái, trạng nguyên có một con trai. Khi trạng nguyên chết, gặp lại bạn ở cõi dưới, họ muốn tác hợp cho hai con nên duyên. Bởi vậy họ về báo mộng, biểu hai con lấy nhau. Hai con nghe lời. Về sau dân làng vẫn nghe tiếng nói chuyện trong cái am kia mà không thấy người nào hết. Ai muốn cầu ước điều chi tới đó xin ắt được như ý.

     6. Người chết trả ơn kẻ chôn mình

     (Le mort reconnaissant a celui qui a gardé son tombeau)

     Ở tỉnh Bắc Ninh có ông thợ nghèo, quan kêu vô Huế làm. Tới Nghệ An, sau khi đi đò qua sông Lách, ổng bị bịnh nặng rồi nằm chết ở chưn núi Giằng. Mối đùn lên thành gò trên xác ổng. Tội nghiệp, ở nhà con cái ổng chẳng biết cha mình đã chết. Hơn mười lăm năm trôi qua, con ổng nay thành người có tiền tài danh vọng, mà chẳng biết cha mất ngày nào đặng cúng giỗ, nên họ buồn không xiết.

     Ở làng Giằng, anh kia tên Khá, cày chỗ đất nơi có cái mả, thấy không ai ngó ngàng, thì động lòng thương, mỗi năm dọn vun mả một lần. Hồn ông thợ nhờ vậy yên nghỉ và biết ơn Khá nhiều lắm.

     Ngày nọ ở Bắc Ninh người nhà ông thợ làm lễ cúng tổ tiên và Khá đang đánh trâu cày đất thì hồn ổng hiện ra hình người phía trước con trâu, nói chuyện với Khá.

‘Sáng nay ông cày sớm vậy.’

‘Tui lên luống trồng khoai.’

‘Còn sớm mà. Nhà tôi đang cúng ông bà; tôi mời ông nghỉ tay, để cày và trâu đó, sang uống chén rượu lạt với tôi.’

‘Xin lỗi ông, để trâu đây nó phá.’

‘Ông sang một lát rồi về. Có ông tôi mừng lắm.’

‘Ông tốt quá, nhưng tui đang bận quần ngắn, sang đó sợ làm khách của ông mất mặt.’

‘Đây tôi cho ông mượn áo và quần dài, mặc vào rồi đi, kẻo họ chờ.’

     Khá bận đồ đi theo. Được một lát, băng qua cái mương, thêm một lát, nhảy qua tảng đá, chừng dập bã trầu thì tới nơi. Ở đó Khá thấy nhiều người bận đồ lịch sự, ngồi thành hai hàng, nhìn ai cũng chẳng quen. Họ nói giọng lạ hoắc. Ảnh e dè, nhưng tới đây rồi thì ăn thôi. Đồ ăn ngon, Khá uống nhiều và bắt đầu thấm rượu.

     Tiệc xong, ông kia tới gần, nói:

Thôi mình về, trễ rồi.’

‘Gần nhà mà, tui còn nhớ đường, ông về trước, tui theo liền.’

‘ Nếu ông còn ở thì cho lại tôi cái áo để mặc.’

     Khá cởi áo, rồi nằm ngủ một lát. Người nhà thấy ảnh ngủ trên ván, mà chẳng biết ai. Họ gọi dậy.

     Ảnh đã giã rượu, thấy một đám người nói giọng lạ hoắc, thì lo, nhớ lại sáng sớm nay có ai mời ảnh đi ăn cúng và không hiểu sao giờ mình nằm đây. Ảnh hỏi đây là đâu, họ nói đây là một cái làng ở huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, rồi họ hỏi:

‘Anh người ở đâu, ai mời anh tới đây?’

     Khá thiệt thà kể lại:

‘Tui người kẻ Giằng ở Nghệ An. Sáng sớm nay, đang cày ở chưn núi Giằng thì có người lạ hiện ra phía trước con trâu, mời tui tới nhà ổng ăn cúng. Tui nói phải cày sớm đặng trồng khoai, mà cũng không có đồ mặc, thì ổng cho mượn đồ rồi hối tui đi cho lẹ. Dọc đường ổng nói: ‘Hồi xưa tôi nghèo lắm, tha hương cầu thực, rồi nằm lại nơi ông đang cày đây, nhưng con cái tôi vẫn ở đằng đó.’ Tui nghe rồi nghĩ lung, chẳng biết làm sao; ai dè ổng dắt tui đi cả chặng dài năm sáu ngày đường trong chớp mắt như vầy.’

     Nghe tới đó, người nhà mừng rỡ, nói:

‘Rõ ràng là cha của chúng tôi rồi, cả chục năm trước lên đường đi Huế rồi từ đó mất tích luôn. Chúng tôi không biết cha nằm đâu, hay là có ai chôn chưa. Nay đã biết nơi cha nằm, chúng tôi mang ơn ông không xiết.’ Rồi họ đem nhiều quà biếu Khá và dẫn ảnh đi bộ sáu ngày đường trở về, ở nhà vợ con ảnh tưởng đâu ảnh chết rồi chớ.

     7. Xuống âm phủ

     (Descente aux enfers)

     Ở tỉnh Nam Định có hai vợ chồng nhà giàu, chồng là Trần văn Hải còn vợ là Huỳnh thị Du. Đứa con gái tên Xuân, có sáu ngón nơi bàn tay trái. Lên mười ba tuổi, nó xinh lắm, nhưng bị bịnh đậu mùa mà chết, tội nghiệp. Ba má nó buồn không xiết.

     Ngày nọ họ nghe nói ở tỉnh Quảng Yên có một cái chợ kêu bằng Mạnh Ma [a], mỗi năm nhóm một lần ngày mồng một tháng sáu, suốt ba ngày ba đêm. Chợ này có cái lạ là người dương gian và người âm phủ đều tới đây mua bán [b]; bởi vậy họ tính tới đó bán đồ coi thử. Hồi con gái còn sống, họ có đặt làm cho nó một cái quả nhỏ bằng bạc mà sau khi nó chết vẫn giữ lại để nhớ. Họ đem quả theo, tới chợ Mạnh Ma thì bày ra với cái khay trầu. Bữa đó, bà mẹ đang ngồi coi đồ, có một cô tới trước mặt dừng lại. Bả lanh lẹ lấy trầu trong khay mời cổ ăn. Cổ hỏi bả ở đâu tới.

‘Chúng tôi tới đây mong gặp lại đứa con gái tên Xuân đã chết hơn hai chục năm nay.’

‘Cái quả này bác mua ở đâu, bao nhiêu tiền?’

‘Tôi đặt làm cho con gái, nhưng nó đã chết hồi mười ba tuổi.’

     Cô kia nhận ra cha mẹ mình, ba người ôm nhau khóc mùi mẫn. Bà mẹ giữ rịt con gái, không cho đi. Cô con rủ cha mẹ theo mình xuống âm phủ coi chơi cho biết. Họ đi. Cô này đã có chồng là một anh lính gác dưới âm phủ. Thấy vợ dắt cha mẹ tới nhà, ảnh hỏi:

‘Mấy người trần này làm gì ở đây?’

‘Cha mẹ tôi đó. Tôi đưa tới thăm nhà mình, vì thương cha mẹ đẻ ra một đứa con là tôi thì lại mất đi, có bao nhiêu tiền cũng chẳng bù được.’

‘Người trần không được ở đây, tôi cho cha mẹ ở ba ngày thôi; để tôi dắt đi coi những nơi xử người có tội.’ [c]

     Mới vô tới nơi thứ nhứt, hai vợ chồng kia đã thấy tên của họ ghi đó. Cái tội của họ là cho vay lấy lời góp cao hơn vốn tới năm sáu lần [d], ai không trả nổi thì bị họ nhốt bỏ đói, để người ta phải bán nhà hoặc cầm con mà có tiền trả. Thấy tên mình trên bảng, hai vợ chồng khiếp sợ, hỏi con rể khi họ về nhà thì phải làm gì cho bớt tội. Anh này nói họ phải lấy số tiền mà họ đã thu đó, đem cúng dường cho chùa và bố thí cho người nghèo, chừng nào hết thì được xóa tội.

     Hai vợ chồng trở về nhà làm y theo lời con rể. Sau khi quyên sạch tiền cho việc tốt, họ quay ra chợ Mạnh Ma mong gặp lại con gái để theo nó xuống âm phủ coi mình hết tội chưa. Họ gặp con gái, nói chuyện với nó mới biết tội của họ đã xóa và họ chẳng cần xuống âm phủ lần nữa làm gì cho mất công.

___________
a. Đây là chợ ‘trời sanh’, ý nói những cái chợ nhóm ngoài trời, chớ không phải chợ trong nhà lồng do người nào đó bỏ tiền ra xây, thí dụ chợ Thủ Đức [ở tỉnh Gia Định trước 1975] được cho là do ông Tạ Dương Minh xây hồi nửa cuối thế kỷ 19 và gọi theo tên hiệu của ổng.

      b. Ở chợ này, người âm phủ xài tiền hàng mã [đã đốt] nhưng tiền đó trong tay họ thì nhìn giống hệt tiền thiệt; muốn biêt phải thử: tiền âm phủ bỏ trong nước thì nổi còn tiền khác thì chìm.

      c. Đây là địa ngục trong Phật giáo (naraka theo tiếng Hindi). Có 34 cái ngục lớn, chưa kể nhiều ngục nhỏ nối với cái thứ nhứt.

      d. Theo lệ, lời góp không được nhiều hơn vốn; đây là cái tội chịu hình phạt nặng nhứt. Dù vậy, người bổn xứ (An Nam) vẫn không ngán mà cho vay ăn lời tới 36–300% tùy số vay nhiều ít.

     Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả xem tiếp:

Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)

Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết cho thanhdiavietnamhoc.com, 09/11/2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

__________
ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam(trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)” do tác giả viết (ngày 9/11/2021) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TSSử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.

Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):

1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)

2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)

3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)

4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)

5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)

6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)

7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)

8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)

9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)

10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)

11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)

12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)

13. MƯỜI HAI CON GIÁP, nói hoài chưa hết (Phần 1)

https://thanhdiavietnamhoc.com/antony-landes-voi-chuyen-dan-gian-nguoi-viet-phan-1a/


..



Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO

     8. Xã Định đi kiện dưới âm phủ

     (Le procès du Xã Định aux enfers)

     Ở tỉnh Bình Thuận có ông xã trưởng tên Định. Bữa nọ ổng nhận lịnh về gặp cấp trên gấp. Dọc đường lộ có cái miếu thờ bà kia linh lắm [a]. Ai đi ngang, làm quan gì không biết, đi kiệu hoặc cỡi ngựa, cũng phải dừng lại, bước xuống bỏ dù ra chào, không thôi bả vật chết. Xã Định cỡi ngựa lên đường. Gần tới chỗ đó, ổng khấn: ‘Tui có lịnh về gấp, sợ trễ, phải đi ngựa, trời tối thui rồi, đàng kia còn con cọp, xin bà làm ơn cho tui qua luôn, xong việc về nhà tui cúng tạ ơn.’

     Miệng khấn, chưn đạp ngựa vọt tới. Qua miếu, ổng hộc máu liền, nhưng vẫn ráng chạy đi. Xong công chuyện, về ngang miếu, ổng khấn bà kia cho ổng khỏe lại, ổng cúng một con heo. Nhưng rồi thấy không khỏe mà còn yếu hơn, ổng nổi hung, nói: ‘Cái bà vô đạo! Bà có giỏi giết tui đi, xuống âm phủ tui kiện cho bà coi.’ Tới khi hết ăn uống nổi, biết sắp chết, ổng kêu vợ con dặn: ‘Chừng tui chết rồi, nhớ cúng cho tui một trăm tờ giấy bự, mười cây viết với năm cục mực tàu [b]. Xuống tới dưới tui viết đơn kiện con mụ này, để coi ai hơn ai.’

     Ta không rõ xã Định làm gì ở dưới để kiện, nhưng ba tháng sau khi ổng chết, bà kia nhập đồng nói làng dỡ miếu đi, chớ đừng thờ bả nữa. Họ hỏi sao vậy, bả nói: ‘Thằng cha xã Định chết đâm đơn kiện tui, làm tui không được phép coi làng này nữa. Nên tui mới nói làng đừng cúng gì cho tui hết, có cúng thì cô hồn ăn mà thôi; tui giờ phải theo kiện chớ không rảnh.’

     Vậy chớ dân làng chưa dám dỡ miếu, mà mấy tháng sau đó tới lễ kỳ yên [c], họ cúng cho bả một con heo như trước. Xã Định liền nhập đồng nói dân làng: ‘Tui đã kiện con mụ này rồi; mụ không có quyền ở miếu này nữa. Làng đừng cúng gì cho mụ nghen. Không tin, làng gọi Ông Địa lên, rồi ổng nói cho nghe.’ Họ kiếm đồng gọi Ông Địa [d]. Ông này nhập đồng, biểu xã Định nói trúng. Làng bèn dỡ miếu, từ đó người đi ngang không phải bước xuống bỏ dù ra chào nữa.

___________
     a. Người An Nam thờ thần của ‘ngũ hành’ gọi bằng ‘bà’; mà hay thờ nhứt là ‘bà thủy’ và ‘bà hỏa’. Thường thì người ta lập miếu thờ chung mấy bà đó, gọi là ‘ngũ hành nương nương’ hoặc ‘ngũ hành chi vị’. Quan thì cúng mỗi năm một lần, còn dân muốn cầu cúng lúc nào cũng được. Tất nhiên còn nhiều bà nữa. Thí dụ bà Cố Hỷ ở Bình Thuận. Bà này ở trong một cái động bên đường lộ từ Bà Rịa ngang Bình Thuận ra Huế. Người đi đường phải tôn kính bả như chuyện đã kể. Ai mặc đồ tốt mà đi ngang không chào bả, hoặc vô làng nói hỗn với bả, là bị phạt liền.

     b. Đồ cúng cho người chết thường là đốt, hoặc bỏ chung vô hòm; ở đây hẳn là bỏ vô hòm.

     c. Lễ cầu cho quốc thới dân an, mỗi năm một lần, bắt đầu từ buổi chiều ngày thứ nhứt tới hết ngày thứ ba.

     d. Ông Địa biết rành chuyện gì xảy ra ở vùng đất của ổng trấn nhậm.

     1.3. Người chết tái sanh

     9. Chuyện hai ông trạng

     (Histoire de deux laureats)

     Đời vua Hồng Đức, trào Lê, ở trạm Thần Đầu, huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ An, có hai anh em nhà họ Nguyễn. Nhà nghèo, cha mẹ vô rừng chặt củi bán mỗi ngày chưa được ba tiền cho con đi học. Bởi vậy, bị làng rẻ rúng, hở ra là bắt phạt.

     Hai anh em lớn lên, đi thi cùng khóa, cùng đậu trạng nguyên. Nhà vua hài lòng, cho vinh quy về làng. Có kỵ binh và tượng binh hộ tống, dọc đường người ra đón theo đưa. Tới làng, hết thảy những kẻ lúc trước coi khinh nhà họ nay đều túa ra rước; quan phủ/huyện về làm lễ đón linh đình; tiệc tùng rần rần ba bốn ngày.

     Đâu đó xong xuôi, bà mẹ hai ông nghè ngồi một mình thơ thẩn nói:

Xưa nhà ta nghèo, chẳng ai dòm tới; cả ngày vô rừng chặt củi bán mới có cái ăn, không thì chết đói, đêm bị bắt ra điếm canh, không thì chết đòn; khổ nhục biết chừng nào. Nay con ta thi đậu, họ kéo tới lạy. Người đời thiệt là đáng giận. Đã vậy, ta phải bảo con, ai không hại ta thì ta bỏ qua, ai đã hại ta thì ta hại lại. Cho chúng chết, mới hả.’

     Ta nên biết rằng hai ông nghè này là hai vị thần được Trời cho đầu thai vô nhà này, vì họ có đức. Song le, ngay khi bà mẹ thốt ra mấy lời đó, cái đức của họ đã bị xóa sạch. Một vị ‘du thần’ lướt qua nghe bà mẹ nói vậy thì về báo lại Trời. Trời cho gọi hai vị kia về. Hai ông nghè chết. Trước khi họ chết, du thần báo mộng cho bà mẹ biết vì sao mà như vậy. Sau người ta xây đền thờ hai ông nghè ở trạm Thần Đầu, và họ thành thần.

     10. Chuyện chú Nghị

     (Histoire de Nghị)

     Ở chợ Cày, làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tịnh [a], có tên Nghị gác chợ. Sau khi chết, hắn thành tinh, dân làng dựng miếu thờ, mỗi năm cúng hai lần. Quên cúng là khó yên với hắn. Miếu kế bên đường, chị nào đi ngang cũng phải kéo quần xuống, không thôi hắn chẳng cho qua. Ai ra chợ bán hàng cũng vậy, không thôi khó bán. Đinh Nhựt Thận [b] ra xứ Bắc làm quan, đi ngang đó nghe dân làng kể chuyện. Ổng biểu con tinh: ‘Ta đang ra Bắc, nếu mi giúp, ta sẽ phong cho mi chức Đại tướng quân, chú Nghị, coi chợ.’ Được chức [c], chú Nghị càng ngày càng lung: hiện vô nhà người ta, cưỡng dâm đàn bà. Khi vua Thiệu Trị [d] ra Hà Nội nhận sắc phong, có đi ngang miếu, hỏi thờ ai đó. Dân làng thưa chuyện chú Nghị phá phách, nhà vua truyền lịnh đốt miếu ra tro. Từ đó, làng mới yên.

___________
     a. Tức là Hà Tĩnh.

     b. Đinh Nhựt Thận (1815–1866), danh sỹ Nghệ An.

     c. Người kể chuyện [cho Landes] không nói chú Nghị đã giúp việc gì.

     d. 1840–1847.

     11. Chuyện Lý Khắc Cần

     (Histoire de Lý Khắc Cần)

     Cuối hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An là một rặng núi kêu bằng Đại Ngàn, tới đó phải qua hai cái đàng dốc kêu bằng Truông Mây và Truông Bát [a]. Phía sau núi là xứ ‘vạn tượng’ [b], phía trước núi còn hoang vu. Tiều phu vô núi đốn cây, đi từng nhóm chừng năm chục người, tới cửa rừng thì cúng.

     Hồi trào Lê, có ông quan tên Lý Khắc Cần dắt lính vô đó đốn cây. Bữa nọ khi lính đang làm, ổng mắc võng dưới cây nằm; một anh nói: ‘Ở đây có cọp à quan.’ Ổng nói: ‘Ta nằm đâu thì nằm, bây lo làm đi.’ [c] Lính vừa đi, một con cọp ló ra nhảy tới chụp ổng; giằng co một hồi, ổng bị nó giết chết tươi, banh xác nhưng chẳng ăn thứ gì. Nó nằm mọp trên xác, chờ lính quay lại. Lính trong rừng trở ra, thấy chủ chết, lượm xác, cử hai anh về báo quan tỉnh. Họ tới điều tra, hiểu ra duyên cớ, cho khiêng xác về chôn. Nhưng cọp và voi trong rừng rần rần túa ra, tới chỗ đám người, cọp thì vây quanh, voi thì chặn đường. Họ phải báo tin xin thêm quân lính tới đuổi bầy thú mới đem được xác Lý Khắc Cần về, chôn gần tỉnh lỵ.

     Ba đêm sau, cọp trong rừng kéo về, đào hòm lên, tha tới truông, chôn ở đó. Người nhà ra thăm mộ, thấy trống trơn, hỏi hàng xóm mới biết. Họ kéo tới truông, tìm thấy hòm. Bèn báo quan tỉnh, quan ra lịnh để yên đó, cảm thấy rằng cọp chôn người là điềm may cho nhà họ.

     Từ đó, Lý Khắc Cần hiển linh, dòng giõi của ổng làm tới chức quan cao nhứt trong trào, còn ai vô rừng đốn cây thì cúng ổng để cầu an. Họ cất một cái miếu kế truông, đầu năm tới đó làm lễ. Lý Khắc Cần có hiệu là Thần Giữ Rừng, nhưng dân gian gọi là Ông Già Nằm Võng.

___________
     a. Truông Mây cao như mây, Truông Bát có lúa hoang tới tháng tám thì chín (‘tám’ là ‘bát’ trong tiếng Tàu).

     b. xứ Lào.

     c. Nguyên văn: ‘Ta mắc tội nơi nào thì bị phạt nơi đó, và ta cho cọp [ăn] thứ gì thì nó [ăn] thứ đó mà thôi.

     12. Chuyện Ngô Bát Ngạo

     (Histoire de Ngô Bát Ngạo)

     Ngô Bát Ngạo ở huyện Bình Chánh [a], tỉnh Quảng Bình, là người gốc Tàu. Khi còn sống, hắn coi huyện đó. Hắn từng chống lại vua Lê [b]. Sau khi hắn chết, dân cả huyện vẫn khổ vì hắn. Muốn cất nhà, họ phải nhờ bà đồng xin phép; hắn sẽ bắt họ trả tiền mướn đất hàng năm và đo đất cho họ. Nếu họ muốn mua, hắn cũng bán. Họ phải mổ heo mua rượu mời hắn về hưởng, rồi hắn ký giấy nhượng đất. Có vậy người ta mới yên; nhà nào làm lơ, hắn cho họ mắc bịnh và heo bò chết hết. Thỉnh thoảng hắn hiện vô nhà một người giàu, nói hắn mới thua bài, bắt họ phải mua miếng đất này nọ của hắn và kiếm tiền trả hắn [c]. Ai không chịu, hắn trước làm chết trâu bò, sau khiến người nhà ốm o. Dân huyện mỗi năm cúng cho hắn hai lần, mỗi lần hai ba con heo.

     Ngày nọ quan tổng đốc Giai ở Hà Nội [d], cũng là người huyện Bình Chánh, về quê thăm nhà. Dân tới gặp, than nỗi khổ bị Ngô Bát Ngạo bắt phải mướn hoặc mua chỗ đất mà họ đang trồng cấy. Quan cho kiếm một bà đồng nhờ kêu Ngạo về đối chất. Quan hỏi vì sao hắn hành dân như vậy. Ngạo đáp:

Khi vua Lê Thái Tổ dựng nước, chính tôi đã khai khẩn đất huyện này và lập làng. Tôi sống, nhà vua cho coi vùng này; tôi chết, nó vẫn là của tôi; bởi vậy tôi cóquyền bán hoặc cho mướn đất.

     Quan nói:

Ta chấp nhận mỗi năm dân huyện cúng cho mi một con heo và đồ vàng bạc, nhưng mi không được hành dân và giết heo bò của dân. Nếu chịu, thì mi ký tên thỏa thuận với các làng.’

     Ngạo chịu. Từ đó, ngày đầu năm, dân huyện này làm lễ cúng gọi là Lễ Mướn Đất.

___________
     a. Nay là Quảng Trạch.

     b. Người kể chuyện [cho Landes] không nói rõ vua nào, nhưng câu chuyện sau đó cho thấy vai chánh ở cùng thời với vua Lê Thái Tổ [lên ngôi năm 1428]. Hắn sống tới đời vua thứ ba là Lê Nhân Tông (1442–1459), chống lại vua này và có lẽ vì vậy mà chết.

     c. Không phải tiền thật mà là hàng mã dùng để đốt cúng. Người dân khổ không phải vì chuyện này, mà vì hao tiền mua đồ cúng và trả công bà đồng.

     d. Dường như là Nguyễn Đăng Giai (?–1854); hình của nhơn vật này có treo trong một ngôi đền ở Hà Nội do ổng dựng nên, theo Trương Vĩnh Ký cho biết trong Chuyến đi Bắc Kỳ.

     13. Chuyện cô công chúa trào Lê

     (Histoire d’une princesse de la dynastie Le)

     Vua Thánh Tông [a] trào Lê [b], hiệu là Hồng Đức, có con gái tên Mai Châu. Năm cổ lên mười ba, người Mọi ở Ngũ Quảng [c] nổi dậy, và Ngô Bát Ngạo [d], tự xưng là dòng giõi nhà Minh bên Tàu [e], cũng hùa theo. Trong trào không tướng nào dẹp nổi bọn hắn. Công chúa xin cha đem quân đi đánh. Nhà vua cho mười chiến hạm với năm vạn quân. Hạm đội thả neo gần cù lao An, ven biển Quảng Bình. Tới nửa đêm, bão lên dữ dội, người ta cho rằng đó là một ông thần nước [f] muốn lấy công chúa nên tính làm đắm hạm đội. Công chúa nghĩ rằng nếu cổ không nhảy xuống biển thì đoàn quân tan tành, nên đành chịu vậy và ra lịnh cho quân trở về báo vua cha biết.

      Nhà vua nổi giận, tới đó lấy gương phép [g] rọi xuống đáy biển, nhận ra chỗ có dinh thần nước, ra lịnh bắn cà-nông xuống. Sau ba ngày ba đêm, dinh tanh bành, thần kia trả xác công chúa trên mặt một cái phá kêu bằng Ao Bạch.

     Từ đó, công chúa hiển linh, làm vài việc lạ. Dưới trào Minh Mạng [h] có Ba Vành nổi dậy [i], không tướng nào dẹp nổi. Công chúa báo mộng cho nhà vua rằng ngày 18 tháng 3 lúc canh hai, hễ thấy ngọn lửa màu xanh trên trại giặc thì đốc quân vô đánh. Nhà vua làm theo, đánh tan giặc. Ngài phong cho công chúa làm thượng đẳng thần với mỹ tự ‘quyền năng, đáng kính’.

___________
     a. 1460 – 1498.

     b. Hậu Lê, 1428–1789, vua đời chót là Lê Chiêu Thống sang tỵ nạn bên Tàu.

     c. Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi.

     d. Coi lại chuyện Ngô Bát Ngạo bên trên.

    e. Đời vua Thánh Tông cùng thời với đời vua thứ 10 nhà Minh bên Tàu là Hiến Tông (1465 – 1488).

     f. Ta sẽ còn gặp nhiều chuyện xung quanh chủ đề ‘ma nước’. Cô nào bị nó ám sẽ ốm o gầy mòn, kêu bằng bịnh ‘mắc đàng dưới’. Trừ nó như vầy: thầy pháp trục con ma rakhỏi người bịnh cho nó nhập vô đồng; lấy một chén nước, một tiền kẽm, một đôi đũa; bỏ tiền vô chén nước, đưa cho đồng uống, chừa lại tiền; bẻ tiền và đôi đũa làm hai, một nửa đưa người bịnh giữ, một nửa quăng xuống sông, làm như vợ chồng bỏ nhau và chia đôi của cải vậy.

     g. Gương phép rọi đâu cũng thấy: trên trời, dưới đất, dưới vực. Trong truyện thơ Bạch Viên, vai chánh nhờ gương phép mà nhận ra vợ mình chẳng phải là người phàm.

     h. 1820 – 1844.

     i. Ba Vành nổi dậy ở Bắc Kỳ dưới trào Minh Mạng, chiếm Cao Bằng mấy năm rồi đánh Hà Nội, bị viên tướng thái giám [ý nói Lê Văn Duyệt] đánh bại [năm 1827]. Người khác kể rằng viên tướng này được công chúa báo mộng chớ không phải nhà vua. [Song le, theo những tài liệu khác, thì Nguyễn Công Trứ mới là người đánh dẹp Ba Vành.]

     14. Bà Doan

     (La dame Doan)

      Hồi quân Tây Sơn chưa ra Bắc, đô đốc Khuê [a] coi tỉnh Nghệ An. Ổng có bà hầu [b] tên Doan [c], đẹp cả người lẫn nết, nên được ổng tin cậy giao hết việc nhà. Đô đốc thì ai muốn gặp lúc nào cũng được; nhưng ổng cấm mọi người khi ổng đang ngủ giữa trưa thì không được đánh thức dù bất cứ chuyện gì, kể cả vợ và mấy bà hầu cũng không được vén tấm màn che cái buồng mà ổng nằm ngủ.

      Ngày nọ, giữa ngọ, khi đô đốc ngủ trong buồng, ở chợ Vinh bỗng có đám cháy lớn; ổng chưa dậy nhưng chẳng ai dám vô cho ổng hay mà cũng chẳng dám đánh trống gọi lính khi chưa có lịnh của ổng. Ai nấy lăng xăng, bối rối. Thấy nguy tới nơi, họ đành kiếm bà Doan, nói bả mới dám đánh thức đô đốc mà ổng không la, và họ còn hứa nếu ổng bắt tội thì sẽ nhận hết. Bả xiêu lòng, đi vén tấm màn lên chưa mở miệng nói gì thì thấy một con ‘thì luồng’ [d] nằm chình ình trên giường với ba cái đầu gác trên gối. Bả hết hồn chưa kịp quay ra thì con quái chồm mình đứng lên cầm gươm chém bả một nhát đứt phăng cái đầu.

     Đô đốc thức dậy, hỏi ai giết vợ ổng. Người nhà kể chuyện, ổng khóc thảm thiết rồi cho chôn vợ. Hai ba tháng sau, bà này về phá, kêu làng dựng cho bả một cái miếu. Dân làng e sợ, xây miếu thì êm, từ đó bả giúp làng nhiều việc.

     Năm vua Tự Đức thứ nhứt [e], có tên biện Nghiện phạm tội nặng bị nhốt trong ngục ở tỉnh lỵ. Lính canh kỹ nhưng hắn trốn thoát. Lính hốt hoảng tìm kiếm khắp nơi không thấy. Viên đội đành tới miếu bà Doan, vái một ngàn cái, hứa rằng nếu bả giúp bắt được tên tù đang trốn thì họ sẽ cúng một buổi hát chèo. Ngay khi viên đội khấn xong, bả nhập vô một thằng nhỏ, cho biết tên Nghiện đã đưa vợ con trốn đi. Bả còn nói, hắn đã tới bến đò Bùng, nhưng bả sẽ giữ hắn trong cái quán trọ ở bên phải sau khi qua đò; nếu cho bốn năm người cưỡi ngựa đi liền tới đó trước tối thì tìm ra hắn. Viên đội làm theo và bắt được tên tù. Họ cúng cho bả như đã hứa, sau đó người ta đồn rộn rực chuyện bà Doan hiển linh.

     Vợ quan phủ bị mất mười sáu lạng vàng. Kiếm hoài chẳng ra, đành tới miếu bà Doan vái. Tức thì bả nhập đồng, nói: ‘Vàng đã bị con sen lấy giấu nơi máng xối ở mái hiên phía tây. Về liền thì thấy, nếu trễ nó đem giấu chỗ khác.’ Vợ quan phủ về nhà, tìm thấy vàng ngay chỗ đã chỉ. Bèn cúng cho bà Doan một con heo.

     Ở làng Âm Công có hai cô kia, cô thứ nhứt cho cô thứ hai mượn bốn tiền, kêu cô này trả thì cổ nói trả rồi. Cô thứ nhứt nói: ‘Chị trả hồi nào, nếu tui đã nhận thì tui làm gì mà bây giờ chẳng còn?’ Có nhiêu đó hai cô vừa đi vừa nói qua nói lại. Đi ngang miếu bà Doan, cô thứ nhứt lên tiếng thề: ‘Ai muốn giựt bốn tiền thì bà Doan cho hộc máu tại chỗ.’ Vừa nói xong, bốn quan tiền rơi trước cổng miếu và cô này bắt đầu hộc máu.

     Dân làng kéo tới, vái: ‘Bốn tiền không đáng, cô này lỡ dại, xin bà tha cho.’ Bà Doan nhập vô một người, nói: ‘Đứa này đã nhận lại tiền, rồi bị kẻ cắp lấy mất, bây giờ đổ cho đứa kia chưa trả. Sao còn dám tới chỗ của tui mà thề bồi như rứa?’ Dân làng vái sâu, một hồi cô kia tỉnh lại, nghe người ta kể chuyện, bèn đi mua đồ đem tới miếu cúng.

___________
     a. Dường như là Nguyễn Khuê, Tham tri Chánh sự thời vua Lê Chiêu Thống (1765 – 1793), theo Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 5.

     b. Có câu ca dao:

Mẹ ôi quan Chánh đòi hầu

Mua chanh mà gội cái đầu cho trơn.

     c. Không rõ là Doan hay Đoan.

     d. Hẳn là ‘thuồng luồng’, một con vật huyền hoặc hình rắn có ba đầu chín đuôi, đôi khi nó mang dạng một con lươn; nhưng nó khác lươn ở chỗ lúc nào cũng ngóc đầu lên. Còn nếu cho vô nồi nấu, nó sẽ tan mất, không còn lại cái gì trong nồi.

     d. Năm 1847.

     15. Công chúa Ngọc

     (La princesse Ngọc)

      Ở làng Chu Mai, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam với Huế, là núi Ải Vân [a] trên đó có miếu thờ công chúa Ngọc [b].

     Công chúa này dòng giõi nhà Lý. Khi trào Lý mất, cổ vô Trấn Ninh, vùng núi kề bên Quảng Nam, để lánh nạn, ở trà trộn với dân quê, lấy chồng là một người Tàu làm chủ ghe, được hai con. Ông này tên Lân, sau bỏ về Tàu, để lại vợ con ở làng Chu Mai, chờ ổng quay lại mà mãi chẳng thấy. Tuyệt vọng, cổ ôm hai đứa con tự tận, và cả ba thành tinh.

     Suốt đêm, họ hiện ra thành ba ngọn đèn đỏ sáng ngời. Người đi biển tới đó neo ghe, làm lễ cúng họ, cầu buôn may bán đắt. Nếu trời bão, mà không thấy đường vô bến, liền có hai đám lửa nổi lên ngoài biển chiếu cho ai nấy đều thấy. Bởi vậy, dân vùng này hùn lại dựng một cái miếu thờ ba mẹ con họ.

     Thời vua Minh Mạng, có một chiếc tàu chiến không dè mắc bão, bị kẹt ba ngày ba đêm trên biển, không cách nào vô được bến. Rồi có hai ngọn đèn hiện ra, chiếu trước mũi tàu dắt đường. Một hồi, tàu thoát khỏi bão, cập bến. Nhà vua ra sắc phong thần cho công chúa Ngọc [c]. [d].

___________
     a. Tức là Hải Vân.

     b. Dường như là đền Bảo Ngọc Tiên Nương, ở phía nam quan ải Hải Vân quan và phía tây đường Quán Cháo, thuộc huyện Hòa Vang, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 7.

     c. Landes dịch sang tiếng Pháp là ‘Dame puissante’.

     d. Ở cố đô Huế, làng Dinh Thị, có miễu bà chúa Ngọc,chẳng rõ đó có phải là công chúa Ngọc trong chuyện này hay chăng?

     16. Chuyện Thủ Huồn

     (Histoire de Thủ Huồn)

      Ở tỉnh Gia Định có ông thơ lại kêu là Thủ Huồn [a], làm giàu bằng cách bất lương. Vợ mất, ổng nghỉ làm, thấy buồn vì không có con nên muốn ra Bắc Kỳ xài tiền một chuyến. Ổng ra Quảng Yên, tới chợ Mạnh Ma, nơi mà kẻ sống người chết gặp nhau buôn bán, thì tình cờ gặp lại bà vợ dưới âm phủ lên. Hai người mừng rỡ; nói chuyện:

‘Lâu nay ở dưới bà làm cái giống gì?’

‘Tui làm vú cho thằng con ông Diêm vương, khỏe lắm.’

‘Mình ở với nhau chừng đó năm mà bà bỏ đi làm tui rầu muốn chết. Giờ gặp bà, coi dắt tui xuống đó cho biết một chút được hôn?’

‘Thì đi, nhưng ông không ở được lâu đâu, ba bốn ngày phải về.’

     Hai vợ chồng xuống âm phủ, bả giấu ổng trong nhà bếp, nhưng ổng muốn đi coi mấy nơi mà người trần bị xử tội sau khi chết. Bả dắt ổng tới một nơi ở đó có cái gông bự tổ chảng. Ổng biểu vợ dắt đi gặp phán quan hỏi cái gông đó sao chưa xài. Quan nói:

‘Để dành cho Thủ Huồn.’

‘Thủ Huồn làm gì mà bị xử?’

‘Y làm bậy lắm. Hồi mần thơ lại thì cho tội sống làm ra chết, tội phải làm ra quấy, đặng kiếm cớ ăn tiền của người ta. Rồi lấy tiền đó cho vay ăn lời gộp cao hơn vốn không biết bao nhiêu lần.’

‘Vợ của Thủ Huồn có bị xử theo chồng hay không?’

‘Không, ai làm nấy chịu.’

‘Rồi sao mới hết tội?’

‘Lấy hết số tiền kia đem cúng dường bố thí, vậy thôi.’

     Thủ Huồn biểu vợ lẹ lẹ dắt mình về chợ Mạnh Ma rồi từ đó ổng dông thằng về Gia Định. Ổng cúng dường bố thí cho tới ba năm sau thì vơi bảy phần mười gia sản. Ổng trở ra chợ Mạnh Ma chờ gặp vợ dắt xuống âm phủ coi cái gông lần nữa. Vợ dắt xuống, ổng thấy cái gông đã nhỏ bớt chín phần mười. Mừng hết lớn, ổng kiếm phán quan hỏi sao cái gông lúc trước bự mà giờ nhỏ xíu. Quan nói:

Thủ Huồn cúng dường bố thí chừng nào thì tội bớt đi chừng nấy, và cái gông nhỏ đi chừng nấy. Cúng hết tiền thì tội xóa sạch.’

     Thủ Huồn trở về trần, cất một cái nhà bằng bè tre nơi sông Đồng Nai gặp sông Sài Gòn, mà bây giờ còn kêu là Nhà Bè, ở đó ổng bố thí tiền, gạo, đồ ăn, nồi niêu, tới khi sạch nhách. Ổng còn xây một cái chùa ở Biên Hòa gọi là ‘chùa Thủ Huồn’.

     Sau ổng nằm mơ thấy một người kia nói rằng nhờ ổng làm nhiều công đức nên tội lỗi khi xưa đã bị xóa sạch mà sắp tới còn có chuyện mừng. Chẳng rõ giấc mơ đó là sao, nhưng tới thời vua Đạo Quang bên Tàu [b], vua xứ An Nam nhận được thơ hỏi có người nào tên Thủ Huồn ở đất Gia Định hay chăng. Vua xứ An Nam nói có, và muốn biết vì sao hỏi vậy. Họ cho hay vua Đạo Quang khi mới sanh ra trong lòng bàn tay có ghi mấy chữ màu son như vầy: Thủ Huồn, ở Gia Định, nước Nam. Bởi vậy người ta biết Thủ Huồn đã tái sanh làm vua Đạo Quang, ông này sau cúng cho chùa Thủ Huồn ở Biên Hòa ba tượng Phật bằng vàng.

____________
     a. Landes cắt nghĩa ‘thủ’ là thơ ký ở huyện/phủ; song le, theo một tài liệu khác, ‘thủ’ là người coi trạm canh gác việc đi lại dưới sông hoặc trên bộ.5

     b. Vua trào Thanh bên Tàu (1821 – 1851).

     17. Chuyện bà Hiếu

     (Histoire de la dame Hiếu)

     Ở làng Linh Chiểu Đông, quận Thủ Đức, có một bà nhà giàu nhưng hiếm con tên là Hiếu. Không người nối dõi, bả cúng tiền cất chùa Huê Nghiêm và còn hiến đất chôn cất người chết. Khi mất, bả đầu thai qua Tàu. Đứa con của vua Tàu mới sanh, lòng bàn tay nó có ghi mấy chữ màu son như vầy: Bà Hiếu, làng Linh Chiểu Đông, tỉnh Gia Định, nước Nam. Vua Tàu cho tìm hiểu sự việc, gởi tặng phẩm biếu chùa Huê Nghiêm, xin bài vị của người lập chùa, nhưng làng không chịu và gửi cho họ bổn sao mà thôi. [a]

___________
     a. Theo một tài liệu khác,đây là bà Nguyễn thị Hiên (1763 – 1821), người đã hiến đất và tiền để trùng tu chùa Huê Nghiêm [đã có từ năm 1721]. Bà cũng là người xuất gia tu ở chùa này với pháp danh Liễu Đạo, nay còn bài vị và hình vẽ ở chùa.

     18. Chết rồi trả thù

     (Vengeance posthume)

     Xưa ở Phước Kiến có gã họ Trần, làm ngư phủ, giàu mà hiếm con. Hắn ác lắm, xả thuốc độc xuống sông cho tôm cá chết đặng bắt. Nhà hắn gần nơi hai con sông giao nhau, ở đó có một con lươn bự sầm bành. Hắn tính bắt con đó ăn cho đã. Lối xóm can riết, hắn mới thôi, nhưng một hai năm sau hắn quyết đi bắt lươn và pha thuốc.

     Trong nhà sắp bước ra, hắn thấy một ông sãi tới hỏi đi đâu. Hắn nói ra sông bắt lươn. Ông sãi ráng sức khuyên hắn đừng làm vậy, nhưng thấy hắn không thèm nghe, bèn nói: ‘Con lươn đó chẳng hại ai, nếu ông nhứt định không cho nó sống thì thôi, bần đạo xin ông chút đồ chay rồi cáo biệt.’ Hắn vô nhà lấy cho ông sãi. Ổng đi thì hắn cũng đi ra sông xả thuốc độc xuống. Một hồi, con lươn chết nổi trên mặt nước, hắn đem về nhà làm thịt. Mổ bụng nó, hắn thấy ở trỏng rặt là đồ chay, mới đoán rằng ông sãi hồi nãy là con lươn này biến ra không chừng.

     Hắn ăn thịt lươn, sau vợ hắn có bầu, đẻ đứa con trai, cưng còn hơn vàng ngọc, muốn gì chiều nấy. Lớn lên hắn tính dựng vợ cho nó thì nó chơi bời nhậu nhẹt hoang đàng.

     Tới khi nó xài không còn một xu trong nhà, vợ chồng hắn chết hết một lượt. Thằng con nói: ‘Hại nhơn thì nhơn hại,’ rồi biến đâu mất, để ba má nó cho lối xóm chôn. Thằng con này hẳn là con lươn đầu thai để trả mối thù gã họ Trần đã giết nó. [a]

____________
     a. Đây là chuyện của người Tàu, nhưng cũng ghi lại để cắt nghĩa những cái ý nghe khó
hiểu thí dụ ‘hại nhơn thì nhơn hại.’

08-Nov-2021

___________
     1. https://www.irfa.paris/fr/notices/notices-biographiques/genibrel

     2. Truyện cổ nước Nam, ed Nguyễn văn Ngọc (1932) .

     3. Contes et légendes Annamites, ed Anthony Landes (1886).

     4. A. Sallet và Nguyễn Ðình Hoè. Liệt kê các chùa chiền và nơi thờ cúng tại Huế, trans Lê Văn Ðặng (1914),
http://www.jaist.ac.jp/~dnthao/index_files/@Books/GioiThieuChuaHue.pdf

     5. Võ Trung Kiên, Giai thoại về Thủ Huồng và câu chuyện về lòng nhân ái, báo Đồng Nai, 20-Mar-2020,
http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202003/giai-thoai-ve-thu-huong-va-cau-chuyen-ve-longnhan-ai-2994147/

     6. Thích Pháp Trí, Người hiến đất xây chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức), nguyệt san Giác Ngộ, 03-Dec-2019,
https://giacngo.vn/nguoi-hien-dat-xay-chua-hue-nghiem-thu-duc-post49673.html

Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết cho thanhdiavietnamhoc.com, 09/11/2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1) (Tác giả: Đỗ Ngọc Giao)

__________
ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam(trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)” do tác giả viết (ngày 9/11/2021) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.


https://thanhdiavietnamhoc.com/antony-landes-voi-chuyen-dan-gian-nguoi-viet-phan-1b/

..




Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO*

2. Chương F ‘Marvels’

Chương này có 7 nhóm motif:

F0-F199chuyến đi sang cõi khácotherworld journeys
F200-F399tiênfairies and elves
F400-F499tinhspirits and demons
F500-F599người dị thườngremarkable persons
F600-F699người có sức dị thườngpersons with extraordinary powers
F700-F899nơi/vật dị thườngextraordinary places and things
F900-F1099việc dị thườngextraordinary occurrences

     Tinh ma, nói chung, trong tiếng Việt còn gọi là nam, gốc có lẽ ở *[k]n2am trong Proto-Mon-Khmer.

     2.1. Tiên

     19. Tiên giả người  (Un génie déguisé en homme)

     Ở làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tịnh, có một ông già chẳng ai biết từ đâu tới, dựng chòi gần chợ, mặt mày dị hợm, bộ dạng y như người điên. Chẳng ai thấy ổng ăn uống bao giờ. Ổng bán những viên thuốc hiệu nghiệm như thần, ai mắc bịnh chi không biết cứ mua uống một lần là dứt, mỗi lần ổng lấy một tiền thôi. [Bởi vậy người nghèo mua đông lắm nhưng] người giàu sang thì khi dể ông già, chẳng bao giờ chịu mua giúp cho ổng vài viên thuốc làm phước.

     Mỗi lần bán được số tiền kha khá, ông già mua một tấm vải khoác lên người, còn dư bao nhiêu đồng [a] thì xỏ xâu cột quanh hông, chạy vòng vòng bốn góc chợ kêu đám con nít ví theo để giựt, vui lắm.

     Như vậy được ba năm. Bữa kia, ông già xuống suối tắm, dưới nước bước lên thì biến ra một ông cụ da dẻ hồng hào râu tóc bạc phơ. Ổng leo lên một cây cao gần chợ, la lên rằng:

     ‘Mấy người điên kia ơi! Trời sai ta xuống ở đây ba năm để trị bịnh cho mấy người, nhưng mấy người ỷ tiền chê ta nghèo nàn xấu xí [mà không thèm uống thuốc của ta]. Bởi vậy, từ rày, mấy người sẽ chết không còn một mống. Trưa nay, đúng ngọ, mấy người chống mắt coi ta về trời.’

     Mà đúng thiệt, tới giờ ngọ, một cơn giông nổi lên, có cả sấm chớp, rồi ông tiên biến vô mây mất tiêu.

__________
a. Tiền đồng hình tròn có lỗ vuông, mỗi đời vua đúc một kiểu, thí dụ đời vua Khải Định thì có tiền ‘Khải Định thông bửu’.

x
x x

     2.1. Tinh

     20. Chuyện bà thái hậu trào Tống  (Histoire d’une impératrice de la dynastie Tong)

     Dưới trào Trần [a] ở cửa Quèn, tỉnh Nghệ An, có một người ngư phủ già. Năm đó, ngày mồng một tháng sáu, ổng ra vàm tính câu cá, thì thấy một thân cây bạch đàng [b] mắc cạn trên bãi, dài sáu chục thước, ngang ba thước [c]. Ổng ngồi lên cây, đặt mồi câu trên đó, lấy dao chặt. Thì, lạ thay, thấy máu trong cây ứa ra từng dòng, bốc mùi thơm phức. Ổng vụt chạy về làng cho hương hào biết, họ liền đem trầu cau, rượu và nhang ra cúng. Họ nhờ đồng hỏi [thần trong cái cây là ai] thì nghe nói như vầy:

     ‘Tôi là thái hậu của trào Tống [d], mất nước về tay giặc Nguyên, không còn chốn dung thân. Nên tôi và ba con gái đành nhảy xuống biển. Trời thương, cho chúng tôi biến ra cây bạch đàng này, trôi tới nước Nam để ở lại đây. Bây giờ dân làng lấy cây này tạc cho chúng tôi bốn bức tượng, kỳ dư thì làm đồ thờ. Chúng tôi sẽ phù hộ cho làng.’

     Hương cả nói:

     ‘Nếu là thần, xin dời cây về làng, chúng tôi sẽ tin và dựng đền thờ.’

     Tức thì họ thấy cây bạch đàng trên bãi tự nó đi về tới làng qua chặng đường dài chừng một trăm cột dây thép [e].

     Dân làng thấy hiển linh, cùng nhau quyên góp cất đền. Mười ngày sau, một cơn bão nổi lên, bão ngưng thì một đống cột kèo không biết từ đâu trôi xuống bãi Quèn. Nhờ vậy dân làng cất một cái đền ở giữa và hai mươi tư cái tháp mỗi bên [f]. Từ đó họ bắt đầu thờ bốn vị tinh nương, ai tới cầu chi cũng được đáp ứng.

     Khi vua Gia Long ra Hà Nội nhận sắc phong [g], có đi ngang trước đền, vô thăm. Nghe nói đền thờ thái hậu trào Tống, nhà vua nói:

     ‘Nếu là thái hậu, xin cho ta bằng chứng.’

     Thần liền nhập vô đồng, nói:

     ‘Ngài muốn bằng chứng chi?’

     Nhà vua đưa ra ba cây lụa thêu chỉ vàng [brocade], truyền lịnh may một bộ đồ trong một khắc đồng hồ. Vừa nói xong, một tiếng sấm nổ ra, một cô bận đồ xanh từ trên trời bước xuống vô đền nhận ba cây lụa rồi biến vô mây. Hồi sau, nghe một tiếng sấm nữa, một cậu bận đồ đỏ đem xuống một bộ đồ làm bằng ba cây lụa rồi biến mất. Nhà vua e dè, bảo các quan: ‘Mấy vị này thiệt là linh.’

     Ngài ban tước và phong cho bốn vị làm thượng đẳng thần, truyền quan tỉnh mỗi năm làm lễ cúng hai lần; mỗi lần được cấp ba ngàn quan cả thảy. Người An Nam với người Tàu đều thờ đền này, cúng dường hậu hĩnh. Có lần bọn Tàu Ô cả gan vô đền ăn cướp nữa chớ, nhưng chúng mới đưa súng lên ngắm thì hộc máu chết tươi; nên về sau hết dám. [h]

___________
a. 1225–1414.

b. Bạch đàng/đường (Santalum spp), còn gọi bằng những tên khác thí dụ ‘chiên đàn’, là một thứ gỗ quý dùng để tạc tượng, làm nhang. Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870), nhà thơ nổi tiếng ở trào Nguyễn, có bài thơ này:

Tuyệt hảo chiên đàn thụ

Phồn hương quýnh bất quần

Hận cừ thiên tính biệt

Chỉ tại nghịch phong văn

c. Một thước ta dài 40 cm.

d. Đây nói trào Nam Tống bên Tàu (1127–1278), bị Kublai Khan của đế quốc Mongol (1206–1294) dẹp bỏ để lập ra trào Nguyên (1260–1295). Vị vua chót của trào Tống là Đế Bính khi chết mới có 8 tuổi.

e. ‘Cột dây thép’ ý nói cột dây điện để gởi điện tín thời đó (poteaux télégraphiques); khoảng cách giữa hai cột có lẽ chừng 20 m, như vậy 4 con tinh đã dời thân cây bạch đàng qua quãng đường chừng 2 km.

f. Có lẽ là nói tới đền thần cửa Cờn, ở địa phận xã Hương Cần, huyện Quỳnh Lưu, thờ thái hậu họ Dương cùng ba công chúa của trào Tống, theo Đại Nam nhất thống chí, quyển 5.

g. Năm 1803.

h. Landes còn ghi lại một ‘version’ nữa của chuyện này; ở đây bỏ qua.

x
x x

     21. Quan Đế hộ mạng  (Protection de Quan Đế)

     Ở tình Hà Nội, phủ Kiến Xương, có cô kia mồ côi cha mẹ, làm thợ may. Ngày nọ đi chợ, cô thấy người ta bán tranh vẽ hình Quan Đế [a]. Còn nhỏ tuổi nên cô đâu biết ông đó là ai, nhưng chẳng biết vì sao trong lòng cảm thấy kính phục, vậy là cô mua một tấm tranh vẽ hình ông đó đem về nhà để thờ, ngày ngày cúng cơm, thỉnh thoảng có đồ ăn ngon cũng không quên dâng cúng.

     Hôm đó, cô sang làng Nhơn Lý, huyện Thanh Trà, tỉnh Hải Dương. Làng này có đền thờ một con tinh heo [b], hễ tới ngày cuối năm thì họ đi tìm một người con gái đưa vô đền, khóa lại, để cúng cho tinh. Nửa đêm, tinh hiện ra [hưởng đồ cúng], và nạn nhơn mất mạng. Tình cờ, cô thợ may sang làng này một buổi cuối năm.  Hương hào nói cô vô đình để họ giao việc làm, rồi tới đêm thì bỏ mặc cô ở đó.

     Cô lấy tấm tranh Quan Đế ra treo lên vách, cúng rượu và đôi đũa bằng gỗ thơm. Nửa đêm con tinh heo hiện ra, sấn tới chỗ cô đang nằm, thì cái hình người cầm thương [c] trong tấm tranh cũng nhảy ra, chém con tinh làm ba khúc, máu chảy thành vũng. Rồi ông Quan Đế hiện ra nói với cô: ‘Vì con có lòng thờ ta, nên ta cứu mạng con đó.’ Nói xong biến mất.

     Sáng sau dân làng tưởng cô đã chết nên khiêng hòm tới tính chôn. Ai dè họ thấy máu lênh láng trong đền và cô còn sống. Nghe cô kể lại chuyện đêm qua, họ cho rằng chính Quan Đế đã cứu mạng cho cô. Dân làng bèn phá bỏ đền thờ tinh heo và dựng đền thờ Quan Đế ngay nơi đó.

___________
a. Quan Vũ người trào Hán bên Tàu, đánh giặc ‘khăn vàng’ [184–205], bị Tôn Quyền [182–252], người lập nước Ngô, bắt xử chém; được phong thánh đầu thế kỷ 12 và phong đế năm 1594, từ đó, được thờ như thần đánh trận.

b. Người An Nam tin rằng heo rừng sống lâu khi chết sẽ thành tinh ác, và heo nhà sống lâu thì mọc nanh dài rồi cũng thành tinh ác. Người ta ít nuôi heo nái đã đẻ hai ba lứa, sợ về sau nó sẽ đẻ ra tinh. Tôi từng thấy ở nhà kia có một con heo đẻ ra với cái đầu khỉ, mà lối xóm ai cũng cho là điềm xấu lắm. Gái còn trẻ thì kiêng nuôi heo nọc [không thiến], sợ sau này họ cũng đẻ con cả lứa như heo nái, mà sanh ba hay sanh bốn, với người ta, thì là điều không hay.

c. Hình người cầm thương trong tranh Quan Đế tên là Châu Thương, vốn là cừ khôi của bọn ‘khăn vàng’, rồi theo Quan Công làm tùy tòng, và chết sau khi chủ tướng của mình bị Tôn Quyền xử tử.

x
x x

     22. Người câu cá ở Ao Trời  (Le pêcheur de l’étang céleste)

     Ở tỉnh Quảng Bình có một cái ao kêu bằng Ao Trời [a]. Đi cả ngày mới giáp vòng. Ao sâu lắm, chẳng biết mấy trăm sải.

     Ở làng Đông Hải có ông kia, số nghèo, làm nghề câu cá. Ổng hay câu ngoài biển, nhưng bữa nọ tính câu trong ao cho biết. Ổng tới đó từ sớm, câu một hồi chẳng được gì, vô bụi rậm ngồi nghỉ. Liếc ra phía ao, ổng thấy hai người phốp pháp ở dưới nước trồi lên, đội khăn, bận áo đỏ, tay hươi đao. Ổng hết hồn, nằm mọp trong bụi, làm thinh. Một hồi, hai người đó hụp xuống nước, thì thấy mười người nữa trồi lên, bận đồ đủ màu, tay cũng hươi đao, đi một vòng quanh ao, và trở xuống nước.

     Rồi ông thợ câu, lúc đó sợ xanh mặt, thấy ba chục cái ghe vẽ hình rồng từ dưới nước nổi lên, cùng một cái ghe nữa bằng vàng, che lọng, cắm cờ, đứng trên đó là ba người chủ soái, bận đồ đỏ, tay cầm loa, ra lịnh cho những ghe kia. Vừa hát vừa chèo, họ tới bờ ao, đánh trống, phất cờ, khiêng ba cái kiệu lên. Ông thợ câu, núp trong bụi, không thấy rõ họ làm chuyện gì nên chui ra ngoài, thì đám chủ soái trên cái ghe bằng vàng ngó thấy ổng và kêu lính tới bắt. Họ hỏi: ‘Ông tới đây hồi nào?’ Ổng nói:

     ‘Tui là thợ câu, xưa rày câu ngoài biển, chẳng hiểu ai xui khiến bữa nay tới đây; suốt buổi sáng chẳng câu được gì, rồi vô bụi đụt nắng. Tui thấy hai lần có mấy người phốp pháp mặt mày dị hợm ở dưới ao trồi lên, mà họ chẳng thấy tui. Tui sợ lắm, đâu dám ra mặt, nhưng thấy cảnh này lạ kỳ, nên mới chun ra coi cho biết. Mấy ngài làm ơn tha tội.’

     Một người chủ soái nói:

     ‘Thôi được, tui cho ông về, nhưng ông phải há miệng nuốt lưỡi gươm này có hai đầu nhọn. Ông sẽ sống tới một trăm tuổi, nhưng đừng kể ai biết ông thấy chuyện gì ở đây. Nếu ông kể, lưỡi gươm sẽ đâm lủng mình ông lòi ra ngoài, và ông chết liền. Tui cũng cho ông một cái nồi đồng, mỗi ngày ba lần đổ nước vô là cơm tự có cho ông ăn, khỏi đi câu làm chi nữa cho mệt.’

     Nói xong, người này ra lịnh chặt đầu đám lính canh vì tội lơ là.

     Ông thợ câu về nhà. Từ đó, nhờ cái nồi, cả nhà ổng có cơm ăn hàng ngày. Ổng sống vậy tới chín mươi chín tuổi, chẳng dám kể ai biết mình đã gặp chuyện gì.

     Ngày nọ, khi làm lễ cúng ông bà, có mặt cả nhà, ổng chợt nghĩ rằng, mình nay sống hơn chín chục tuổi là dai lắm rồi, chẳng lo điều chi, con cháu đầy đàn, thì còn mong sống lâu hơn nữa để làm gì. Cứ kể cho con cháu nghe, lỡ chết vì lưỡi gươm thì thôi. Vậy là ổng kể hết những điều trông thấy, kể xong chết ngắt. Từ đó, người ta coi Ao Trời là một nơi thiêng và kiêng chẳng dám tới đó câu cá.

___________
a. ‘Ao Trời’ ý nói cái ao do Trời đào, nên rộng và sâu lắm. (Chuyện này dường như chẳng có liên quan gì tới một vùng đất ngập kêu bằng ‘Bàu Tró’ ở tỉnh Quảng Bình.)

x
x x

     23. Chuyện một con tinh  (Mauvais genie)

     Ở làng Mỹ Dương, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, có một con tinh kêu bằng Thằng Bợ [a], hay đi kiếm gái làm hại. Nhiều cô bị điên vì hắn. Có nhà kêu thầy pháp tới trị bịnh cho con gái [b], thì nghe tiếng nói sau nhà đưa lên: ‘Dọn đồ rồi dông cho lẹ nghen, không thôi tui đập bể hết chiêng trống à.’ Thầy pháp chậm chưn sẽ thấy chiêng trống bể từng miểng, nên chẳng còn ai dám động tới Bợ.

     Một ông hương hào có con gái, bữa đó nghe Bợ nói: ‘Gả con gái ông cho tui đi, ông muốn bao nhiêu tui cũng có; nhược bằng ông gả nó cho kẻ khác, thì không xong đâu.’ Đứa con gái dần dần ốm o xanh mét, ai tới hỏi làm vợ cũng bị từ chối. Mỗi tháng Bợ đem cho vợ ba chục quan; dân làng cúng chi cũng phải chừa hắn một phần. Nếu không, hắn sẽ bỏ đồ dơ dáy vô mâm cúng làm chẳng ai dám rớ.

     Ở làng Cương Gián ven biển, người ta may lưới. Bợ phá họ đủ cách, làm họ trào gan. Họ bày mưu, lấy hai tấm ván bự kê thành cái bàn làm như bàn thờ, đặt đồ cúng lên, cho bốn người đứng bốn góc xung quanh giăng một cái lưới thiệt chắc, tay cầm gậy. Rồi giả đò cúng lễ đó cho Bợ, khấn rằng nếu hắn chịu nhận thì hiện hình khua mâm chén cho kêu. Bợ tưởng thiệt, khua mâm chén leng keng. Tức thì bốn người chụp lưới xuống, đập túi bụi vô đó cho Bợ chết. Ai dè khi họ đang bặm môi đập thì Bợ bứt lưới rách một lỗ chun ra. Ra ngoài, hắn cự nự: ‘Tui làm gì mấy ông đòi giết tui?’ Qua tháng tư, trời khô rang, khi gió lên, Bợ đốt làng cháy từ đầu này tới đầu nọ.

___________
a. Người kể chuyện có ý ghét con tinh nên mới kêu là ‘thằng’. Dù vậy, ta không chắc dân làng Mỹ Dương và Cương Gián dám gọi con tinh này là ‘thằng’ mà không sợ hắn trả thù.

b. Đây là bịnh ‘mắc đàng dưới’, đã giải thích ở phần 1 bài này; ngoài ra xin coi thêm hai chuyện tiếp theo.

x
x x

     24. Chuyện con nam dưới nước  (Histoire d’un génie des eaux)

     Làng kia ở Nghệ An có ông Lê văn Phước với cô vợ đẹp tên là Thị Hơn, nhà kế bờ sông. Đêm nọ, chồng đi vắng, vợ ở nhà với em gái, thì con nam tới nhà gõ cửa làm như chồng về. Cô vợ mở cửa, nó giả giọng ông chồng, không cho cổ đốt đèn, nói muốn ngủ liền với cổ.

     Lúc đó có thằng ăn trộm núp ngoài hiên, gặp tấm da rắn của con nam bỏ đó, lượm về nhà coi. Thấy có đủ màu xanh vàng đỏ, y cất đi. Con nam ra về, không thấy tấm da đâu, đành trở vô nhà. Thị Hơn đốt đèn, thấy không phải chồng mình mà là một con nam, hai chị em la bài hải. Con nam bò núp trong góc. Hàng xóm ùa tới, bắt được, hỏi gì nó cũng gục đầu làm thinh. Họ đành bỏ nó vô cáng, khiêng lên quan. Giữa đường, có hai con rắn mào đỏ dưới sông bò lên chặn lại, nhào vô mổ mọi người. Dân làng khiêng con nam trở lui. Có ông cụ chín chục tuổi biết đó là con nam, biểu dân làng thả ra, nhưng rồi họ thấy nó vẫn lảng vảng trong làng.

     Thằng ăn trộm thấy con nam, đoán rằng tấm da mà y đang giữ là của nó. Y nói nó muốn chuộc phải trả y hai thỏi vàng. Con nam kêu hai con rắn kia lên nói gì đó, chúng bò xuống sông, hồi sau đem lên hai thỏi vàng. Nhận lại tấm da, con nam khoác lên mình, biến xuống sông.

     Về sau, Thị Hơn đẻ ra một đứa con trai mình người đầu rắn, cao tới hai thước thì không lớn nữa. Mỗi tháng con nam tới nhà đó một lần, đem theo bạc [đưa vợ nuôi con].

x
x x

     25. Lấy kẻ đàng dưới  (Mariages entre les enfers et la terre)

     Gần sông Danh [Gianh] có nhà bà kia ở với cô con bảnh gái. Đêm nọ lối canh ba, họ nghe tiếng gõ cửa và giọng đàn ông kêu mở cửa gấp. Cho là người quen, họ đốt đèn mở cửa, thì thấy một anh bảnh trai chừng hai chục tuổi đi với một tên mặt mũi dị hợm [dường như là đầy tớ của anh kia]. Hai má con hết hồn, trốn vô trong nhà. Tên đầy tớ nói họ đừng sợ, kêu ra nói chuyện. Bà má nói cô con cứ núp, để bả ra, có gì thì bả cũng già rồi.

     Anh kia nói bả cho ảnh lấy con gái làm vợ, bả muốn gì ảnh cũng có, nhưng không đem sẵn tiền, nên ảnh gởi trước cho bả một cục đá chiếu sáng để ban đêm khỏi phải đốt đèn. Bà già nói nhà còn hai má con mà thôi, vả chăng thói ăn ở dưới nước khác trên cạn. Anh kia nói ảnh vẫn để vợ ở đây, mỗi tháng tới một lần thôi. Nếu cổ ưng thì muốn gì ảnh cũng cho, còn nếu không thì ảnh cũng bắt.

     Tới đây trời sáng, hai kẻ nọ lượm hai tấm da rắn để bên giường, khoác vô, đi xuống sông.

     Hai má con lo sợ, tìm ông bà ngoại kể chuyện, hỏi phải làm sao, nhưng ai cũng chẳng biết làm sao và nói thôi đành chịu vậy. Một tháng trôi qua, họ tưởng đâu êm, thì đêm nọ có ba kẻ từ dưới sông lên, đem theo ba khay đựng vàng, bạc, châu, để làm sính lễ. Họ đi thẳng vô nhà, ở lại một lúc, rồi về sông. Từ đó, anh kia mỗi tháng tới thăm cô nọ một lần, trong năm sáu năm, rồi thôi, và cô nọ đi lấy chồng.

Còn tiếpKính mời Quý độc giả xem tiếp

Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B) 

Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết cho thanhdiavietnamhoc.com, 24/11/2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

__________
ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)” do tác giả viết (ngày 24/11/2021) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.

https://thanhdiavietnamhoc.com/antony-landes-voi-chuyen-dan-gian-nguoi-viet-phan-2/

..




Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO*

     26. Thủy phủ cần gỗ chò (Bois de charpente pour les enfers)

     Ở núi Hoành Sơn, tỉnh Quảng Bình, có một thứ cây quý kêu bằng chò trắng [a]. Đám con thủy tề năm nào cũng nổi bão để đem cây đó xuống dưới [cất nhà].

     Lần nọ, bọn họ đã gom được ba cây, thả theo dòng sông Danh tấp vô bãi gần bến đò, bỏ đó bốn năm ngày. Gần bến có chừng bốn chục căn nhà, người chèo đò cũng ở đó. Tối nọ, năm kẻ dưới sông đi lên. Họ bận đồ đen, đầu bịt khăn, tay hươi đao. Họ gọi anh chèo đò, ảnh ra cửa chống liếp lên [b]. Họ vô nhà nói:

     ‘Nhà anh có heo phải không? Làm thịt đi, bọn ta trả tiền.’

     Anh này mổ heo dọn cho năm kẻ đó nhậu với rượu. Bọn họ ăn thịt heo sống. Rồi họ biểu ảnh ra mé sông nhận tiền và đưa cho một trăm quan. Ảnh tính về thì họ biểu leo lên cây, và nói trong vòng một tiếng đồng hồ họ sẽ nổi bão cho nước sông trào lên để đem ba cây chò xuống thủy phủ, dưới đó đang cần kíp.

     Họ đi rồi, anh chèo đò liền leo lên một cây cao, lát sau sấm ì ầm, gió vụt vụt, mưa như trút, làm ngập xóm nhà ven sông. Một tiếng đồng hồ sau, trời quang, mưa tạnh, nước rút, anh chèo đò trên cây leo xuống, thấy ba cây chò mất tiêu. Té ra hồi nãy ảnh mần việc với đám lính của thủy tề lên đây lấy gỗ mà đâu có hay.

__________
a. Có lẽ là cây chò chỉ Parashorea chinensis (họ Dipterocarpaceae) mọc hoang từ Quảng Bình trở ra miền bắc.[i]

     Ở vài nơi, người ta kiêng lấy gỗ chò để cất nhà, mà lấy để đóng hòm hay đóng ghe thuyền [ý nói gỗ này dành riêng cho người cõi âm]. Étienne François Aymonier (1844–1929), học giả người Pháp, cho biết cây chò người Lào cũng dùng như vậy. Ngoài ra, cây sao đen Hopea odorata (họ Dipterocarpaceae) cũng có kiêng kỵ như cây chò chỉ.

     b. Liếp là tấm đan bằng tre để che cửa bằng cách treo một đầu bên trên, muốn mở thì giở đầu bên dưới rồi lấy sào tre tựa đất chống lên. [Người Việt thì quen chớ người Tây thì thấy lạ!].

[i] https://vnnew.vncreatures.net/sinh-vat-rung/3153.

     27. Gà trống thành tinh (Un vieux coq devient un esprit malfaisant)

     Ông kia nhà giàu nuôi mấy trăm con gà trong vườn, chuột chồn diều quạ có bắt mất cả chục con ổng cũng chẳng hay. Vườn rộng thinh, rào hai ba chục lớp cây tre, dày hai trượng [a]. Có con gà trống chui vô kiếm thóc rơi, bị kẹt cứng trong hàng rào, hết đường nhúc nhích. Hơn hai chục năm nó nằm đó, chịu đựng mưa nắng, hút tinh hoa của nhựt nguyệt để cầm hơi, nhưng nhờ vậy nó thành tinh, biết biến ra hình người, trai gái đều được, hàng ngày vô nhà phá phách.

     Chủ nhà thấy con cái đứa thì ốm o, đứa thì khùng khùng điên điên, của cải thì hao hụt, mà không biết vì sao, nên kêu thầy tới cứu. Thầy pháp tới ếm, bị con tinh đè ná thở bỏ chạy, mất cả chiêng lẫn mõ. Thầy chùa tới tụng kinh Kim Cang [b], bị con tinh mổ một nhát làm u cái đầu trọc. Mấy thầy nữa cũng chẳng khá hơn, chủ nhà hết biết nhờ ai, đành cho con cái dọn đi nơi khác.

     Có anh học trò lang thang kiếm việc làm, tình cờ tới nhà đó. Vô xin nước uống, ảnh thấy chủ nhà ngồi chẻn ngoẻn, tay ôm gối, thì hỏi sao nhà bự như vầy mà ở có một mình, ổng than: ‘Số tui tận rồi cậu ơi.’ Anh kia nói: ‘Chú gặp nạn gì, nếu cần, tui sẽ ráng giúp chú.’

     Chủ nhà kể chuyện bao nhiêu thầy pháp, thầy chùa đều bị con tinh đánh gần chết, rồi nói bởi vậy ổng chẳng dám liều cho một người học trò khỏng khảnh như anh này đứng ra giúp [c], sợ nộp cho con tinh một nạn nhơn nữa mà thôi. Anh này nói:

     ‘Thôi được, chú đem hết tiền bạc đồ đạc dọn đi luôn, để tui coi nhà. Chú cho tui chút gạo nấu cơm, với một đĩa đầy dầu để đốt đèn, là đủ. Trong năm ngày, tui sẽ biết con tinh là ai, rồi mình kiếm kế trừ nó.’

     Sau đó ảnh trải chiếu ngồi giữa nhà, lật kinh Diệc [d] coi sáu mươi tư quẻ [e], đêm năm canh, ngày sáu khắc, không nghỉ. Đêm thứ ba, con tinh hiện ra. Nó thổi tắt đèn, ảnh đốt đèn, lặng lẽ coi sách. Con tinh thò một bàn tay trên mái nhà xuống che đèn, ảnh tỉnh queo. Con tinh biến ra hình rắn vặn vẹo trước chiếu, ảnh ngó lơ. Đêm kế, con tinh biến ra người con gái ngã ngớn, ảnh thây kệ. Con tinh đưa bàn tay che cuốn sách, chỗ ảnh đang đọc, nhưng không giựt sách; ảnh chụp bàn tay nó, nói: ‘Mày ở đâu tới đây làm dơ kinh sách của thánh hiền? Nếu mày bị ai đó ức hiếp hay tước đoạt cái chi, thì nói đi, tao sẽ kiếm họ đòi lại cho. Chớ đừng hành hạ con cái và phá hoại nhà cửa người khác. Làm vậy mắc tội với trời đất, không sao rửa sạch.’

     Con tinh nói: ‘Anh ơi, tui là con gà trống, vô vườn kiếm ăn, bị kẹt trong hàng rào tre hơn hai chục năm trời, chịu đựng mưa nắng gió sương, nhờ hút tinh hoa của nhựt nguyệt để cầm hơi mà biết biến hình. Tui vô gặp chủ nhà để nói ổng gỡ tui ra, nhưng thấy ổng ác đức với người ở, nên tui nổi hung phá cho ổng chừa vậy thôi. Nếu anh gỡ tui ra, thì tui còn phá chi nữa.’

     ‘Mày bị kẹt chỗ nào trong hàng rào, sáng mai tao gỡ cho.’

     ‘Từ đây anh ra là phía bên trái, sau sáu bảy lớp rào là chỗ tui nằm.’ Con tinh vừa nói vừa dắt ảnh ra cửa cái, rồi biểu ảnh bỏ tay nó ra để nó chỉ đường, nhưng ảnh mới thả lỏng ngón tay thì con tinh biến mất, ảnh nghe một tiếng ‘rẹt’ như thứ gì xiên qua bụi tre.

    Anh học trò đi kiếm chủ nhà kể lại mọi chuyện mình gặp. Khi chặt tre cho thưa bớt chỗ kia, thì thấy một con gà trống hình thù kỳ dị, tót ở giữa mà nở hai đầu. Ảnh châm lửa đốt xương nó ra tro, cho nó tái sanh, thoát nạn. Ngôi nhà yên ổn trù phú trở lại như trước. Đó là nhờ cái đạo của thánh hiền đã chế ngự tinh ma không cho chúng tác oai tác quái. Chủ nhà đền ơn anh học trò. Ảnh nói: ‘Chẳng qua là cái đạo của thánh hiền mà thôi chú ơi.’

__________
a. Mỗi trượng là 10 thước ta, tức là 4 thước tây.

b. Kim Cang Phá Tà Kinh.

     c. Chủ nhà nói vậy bởi vì nếu muốn giúp thì anh học trò sẽ phải thức trắng con mắt mấy ngày mấy đêm liền.

     d. Tức là kinh Dịch. Người kể chuyện này là nhà nho, một mặt thì tin có ma quỷ, mặt khác cũng tin rằng kinh sách và kẻ làu thông kinh sách thì mới có thể chế ngự ma quỷ, chớ chẳng tin thầy pháp với thầy chùa.

     e. Mỗi quẻ có một lời ‘thoán’ cho biết quẻ đó là điềm lành (kiết) hay điềm dữ (hung).

     28. Ba con chó tinh (Les chiens demons)

      Ông bà kia có con gái cưng. Muốn cất cho cổ một cái buồng, họ vô rừng kiếm cây. Trong rừng có ba con chó mới cắn nhau chết: một con trắng, một con vàng, một con đen. Sau khi chết, ba con biến ra một cây nở bông đủ ba màu xanh, trắng, đỏ. Người cha thấy, nói: ‘Cây này đẹp ghê, cất buồng xong, mình bứng về trồng cho con nó ngó chơi.’ Nhưng khi kéo về thì cây bị nứt toác, nên họ xẻ cây làm bộ then cho cái buồng.

     Mấy con chó tinh bây giờ ở trong bộ then đó. Một con ngó thấy cô kia, nó hiện ra xáp vô ôm, cổ né tránh một hồi thì bị nó hớp hồn [a] nằm ngay đơ, tỉnh dậy ngơ ngáo, ai làm chi cũng kệ. Người cha nghe lộn xộn trong buồng con gái, qua coi chuyện gì, cũng bị nó nhập vô, nằm một đống tới khi nó xuất ra mới tỉnh. Bởi vậy ổng hết dám vô buồng.

     Sau có anh học trò lạc đường vô nhà đó xin trọ. Chủ nhà dòm bộ dạng anh này thấy hao hao giống con tinh trong nhà, nên không muốn tiếp. Ảnh nói: ‘Tui là người mà, chú đừng sợ.’

     ‘Thôi thôi, cậu nhập vô tui, tui không chứa đâu.’

‘Tui thiệt là học trò. Chú bị chuyện gì, nếu cần tui giúp một tay.’

Chủ nhà kể chuyện rồi dắt ảnh qua buồng cô con.

     Như đã biết, trong bộ then có ba con chó tinh, thì con đen đang nằm ngang cửa, con trắng mang hình người bận đồ lịch sự đang ngồi kế cô kia. Thấy anh học trò bước vô, con đen la lên cho con trắng nghe: ‘Quới nhơn tới, chạy mau!’ [b] Chúng phóng chạy, nhưng ảnh rút dao lia đứt cẳng một con, đưa chủ nhà coi. Ổng mừng húm, hậu tạ, ảnh không nhận tiền, mà xin bộ then cửa. Ổng cho, ảnh nhét vô dây lưng, cột chặt, lên đường.

     Một hồi, ba con tinh thấy ngộp, năn nỉ anh học trò thả ra, đổi lại, chúng hứa đưa ảnh một cái mặt trời, một cái mặt trăng và một con ngựa. Ảnh chịu, lấy bộ then ra, chúng giữ lời, đưa đủ ba thứ.

     Con ngựa chạy lẹ như chớp, sáng đưa anh học trò tới kinh để thi, tối đưa ảnh về nhà, vợ gặp mừng rơn. Ba má ảnh ở kế bên, đâu biết ảnh về, tưởng con dâu đưa thằng nào vô nhà. Sáng sau, khi anh học trò đã lên đường tới kinh, ổng bả qua hạch hỏi, con dâu nói chồng về, họ chẳng tin. Nhưng chiều đó, thấy ảnh về, họ mới tin, hỏi làm sao lẹ vậy, ảnh nói:

     ‘Nhờ con ngựa thần này nè ba má. Con nói nó đi đâu là trong chớp mắt tới nơi. Đợi thi xong con về.’

     Ba của anh học trò leo lên ngựa, kêu nó đi Nam Vang [c] cho biết, một lát quay về. Tới phiên má của ảnh, bả chọn không đúng lúc nên bả mới đụng vô mình con ngựa là nó hết phép, đứng im như tượng. Anh học trò thất kinh, thiếu con ngựa làm sao ảnh có mặt ở kinh đúng giờ thi. Ảnh lấy mặt trời ra cầm trong tay, bắt đầu bước đi. Vậy là ngày dừng lại lúc đó, ảnh kịp tới kinh trước khi hết giờ thi. Ảnh cất mặt trời vô túi, tức thì đêm sụp xuống.

     Dù sao ảnh cũng đã tới trễ, nên [sau khi thi đậu] ảnh bị phạt bằng cách bổ đi làm quan làng nọ, mà ở đó hết thảy chức sắc đều đã mất mạng vì tinh. Dân làng ra làm lễ đón quan, bọn tinh cũng [hiện hình người] kéo tới. Quan không nhận lễ vật của ai hết, rồi khi họ trở về, quan cho thám tử dò theo. Thám tử thấy một bọn đi tới cái giếng kia, rồi, lạ thay, từng đứa nhảy xuống giếng mất dạng. Biết được, quan cho lính đi vét cái giếng đó, nhưng rút bao nhiêu nước thì giếng đầy bấy nhiêu. Tới đêm, một người lính nằm mơ thấy bọn tinh hiện ra ghẹo:

     ‘Chừng nào tụi bây kêu được rồng về đây thì mới mong rút cạn giếng này nghe chưa!’

     Bọn chúng không ngờ tên của quan là Long (rồng), nên sáng hôm sau khi quan đích thân đi vét giếng thì cái giếng sạch trơn, thấy dưới đáy có hai con rắn nằm chèo queo, chúng nói: ‘Xin quới nhơn tha mạng, tụi con sẽ đi nơi khác kiếm ăn.’ Quan tha, về sau làng hết bị tinh phá. [d]

__________
a. Nếu mở miệng nói chuyện với con tinh, sẽ bị nó hút hơi, hút hồn, nhập vô, làm cho ngây dại; thường thì phải nhờ thầy pháp trục nó ra.

     b. ‘Quới nhơn’ ở đây ý nói ‘người có mạng lớn, làm vua/quan’.

c. Tức là Pnom Penh bên xứ Cao Miên.

d. Còn cái mặt trăng, ta không nghe kể vật này đã giúp cho anh học trò việc chi.

     29. Chuyện vợ chồng Giáo (Histoire de Giáo)

     Nơi làng Phan Rang, tỉnh Bình Thuận, có vợ chồng Giáo [a]. Họ không con, vô rừng dọn cây mở đất để ở. Sau hai năm, miếng đất dòm cũng xinh. Bữa nọ chồng biểu vợ sắp đặt gà, vịt, rượu, trầu cau, để cúng thổ công. Cúng xong, ăn xong, bà vợ ra vườn chơi, thấy một con voi xông tới, bả thất kinh té ngửa. Chừng đứng dậy, thấy cái quần mình biến đâu mất. Bả vô nhà nói chồng biết, nhưng chồng không tin, nói bả ra vườn xằng xịu với thằng nào. Bà vợ tức gan, thách chồng ra coi, nếu ổng chẳng thấy gì lạ thì nói chi bả cũng chịu. Chồng ừ.

     Ngay khi ổng ra vườn, một con voi trong rừng lao tới chụp ổng, bứt đứt cái đầu, ổng la ú ớ, té xuống chết. Bà vợ ở trong cửa dòm ra thấy hết, điếng hồn, chạy te  xuống làng kêu cứu. Bả kể lại mọi chuyện xảy ra. Ông hương cả chẳng biết nghĩ sao, báo lên huyện. Quan huyện cũng chẳng nghĩ ra ý gì, nên gọi hết bô lão trong làng tới, hỏi xưa nay họ biết chuyện nào như vậy xảy ra hay chưa.

     Một ông già, có cả trăm tuổi không chừng, nói rằng:

     ‘Xứ này là xứ của voi, cọp, nai và đủ thứ muông dữ. Chúng chết thì thành tinh. Khi tui còn trẻ, thấy chuyện này xảy ra một lần rồi.’

     Quan huyện hỏi:

‘Nhưng làm sao biết đây là chuyện của tinh làm?’

Ông già nói:

     ‘Quan cứ tới chỗ đó, nếu như tui nói trúng, thì khi đào đất lên, sẽ thấy cái quần của bà vợ và cái đầu của ông chồng.’

     Quan làm theo, và, y như lời ông già nói, họ tìm thấy cái quần và cái đầu dính đầy máu chôn dưới đất.

 __________
a. Ở đây người kể chuyện cho biết tên là ‘Giáo’ chớ không cho biết họ gì.

     30. Bà mọi (Femme sauvage)

     Một ông nho sỹ lấy bà vợ tốt tánh, họ thương nhau đằm thắm. Nhà có một con sen, nó cũng quý hai người. Ngày nọ con sen vô núi kiếm củi, gặp một cái hang rộng tối thui nhìn chẳng thấu, nó chọi mấy cục đá vô hang rớt nghe bịch bịch.

     Con sen về kể chuyện chủ nghe. Họ biểu nó dắt tới chỗ cái hang. Tới đó, họ đang đứng coi, thì, rủi thay, bà vợ trợt chưn té xuống hang. Ông chồng thất kinh, chạy đi bứt dây rừng thảy xuống hang cho vợ nắm leo lên, nhưng cả ngày trôi qua mà bả vẫn biệt tăm.

     Ông chồng ở lại bên miệng hang cả năm trời, khóc lóc, than vãn. Cuối cùng, không thấy vợ trở lên, ổng với con sen đành bỏ về nhà, rồi, từ đó trở đi, lúc nào cũng rầu rĩ, ai nói chuyện lấy vợ kế là ổng gạt phăng.

     Ngày nọ con sen vô núi kiếm củi. Nó nghe tiếng động trên cây, dòm lên, thấy bà chủ của nó, không miếng vải che thân, mình mẩy lông lá xồm xàm như thú rừng. Con sen vừa mừng vừa sợ, kêu lên:

     ‘Bà ơi, bà! Bà có khỏe không? Ông ở nhà ngày nào cũng khóc, chờ bà về, không chịu lấy lẽ. Sao bà không về nhà?’

     Bà này nói:

     ‘Cho bà hỏi thăm sức khỏe ông, và nói ông lấy vợ đi, chớ đừng chờ chi nữa, bà không muốn ở với người ta nữa đâu.’

     Con sen dông về nhà cho chủ hay, ổng vụt chạy đi gặp vợ, thấy bả ngồi trên cành cây. Ổng lăn lộn dưới đất, khóc lu bù, kêu vợ xuống nói chuyện. Bả nói:

     ‘Cảm ơn mình tới gặp em, nhưng ta gặp nhau vầy đủ rồi. Mình trở về lấy vợ khác đi, em không muốn ở với mình nữa.’

     Ông chồng không nghe, một hai kêu vợ xuống, bả xiêu lòng. Ổng ôm bả, năn nỉ ỷ ôi, rốt cuộc cũng đem được bả về nhà.

     Trên người của bả vẫn đầy lông lá. May thay, có ông kia tự xưng thầy lang đi ngang nhà, hứa có thuốc làm rụng lông cho bả. Mà đúng thiệt, uống thuốc xong, lông rụng sạch nhách và bả dòm còn bảnh hơn lúc trước mười phần.

     Ông chồng mới hỏi vợ sao hồi đó không ra khỏi hang cho lẹ và sao bị biến hình như vậy, trong khi ổng chờ hơn năm trời ở đó. Bả nói:

     ‘Em té xuống hang, ở dưới chẳng biết bao lâu. Tới hồi leo lên miệng hang, thì không thấy mình đâu hết. Đói quá, em hái trái cây ăn đại. Dè đâu, ăn xong, người  nhẹ hểu, rồi em trèo lên cây, lông lá mọc cùng mình, mà sao vẫn thấy như thường.’

     Nghe chuyện này, ông chồng thấy lạ hết sức, nghi rằng cái hang đó có con tinh nào ở dưới không chừng. Bà vợ đẻ hai đứa con rồi mất.

     31. Tinh sấm (Le tonnerre prend la forme d’un animal)

     Ở tỉnh Thanh Hóa, huyện Lôi Dương, có một bãi cát ven biển kêu bằng Bãi Sấm. Đêm nọ, tháng hai, khi mưa tạnh, lối canh năm, trên bãi phát ra một tiếng nổ; dân làng dè dặt kéo nhau ra coi thì thấy sấm từ dưới đất phóng ra từng ‘con’. Họ ví theo, chụp được mấy ‘con’, còn bao nhiêu thì nổ cái ầm, bay mất.

     Mấy ‘con’ sấm mà dân làng chụp được thì dòm như mấy con heo sữa, mình mẩy trắng phau, thịt không có máu, khô, lạt phèo, chẳng giống thịt muông thú tý nào. Dân làng cho rằng mấy ‘con’ này chưa có hình thù là bởi chúng được âm dương sanh ra, nhưng ta không hiểu làm sao những ‘con’ đó biến thành sấm. Để ghi nhớ việc này, vua An Nam đặt tên cho huyện là Lôi Dương [a] mà nay vẫn còn.

__________
a. Lôi = sấm; Dương = [âm] dương, mặt trời,…

2.2 Người dị thường

     32. Chuyện một người-cọp (Histoire d’un homme-tigre)

     Từ Thức ở huyện Nhơn Lý, tỉnh Ninh Bình, là người có tài dị thường. Mẹ của cậu, hồi hai mươi tuổi, đang làm trong đồng bên rừng, bị một con cọp bắt vô hang hai ngày trời mà không hề hấn chi. Rồi bà về nhà. Chồng hỏi, bà kể bị cọp tha bỏ vô bụi cây chằng chịt, rồi nhơn lúc nó đi đâu, bà trốn thoát.

     Sau chuyện đó, bà đẻ ra Từ Thức. Cậu này mới mười mấy tuổi mà làm việc chi cũng giỏi, kể cả việc nhà lính; nhưng cấp trên chẳng ai tinh mắt nhận ra cái tài của cậu để phong chức gì cho xứng. Nản chí, cậu lui về một cái hang trong núi Thần Phù, sám hối.

     Năm mười lăm tuổi, cái đầu của cậu biến ra đầu cọp mà cái mình còn nguyên là người. Cậu săn bắt thú rừng dễ như trở bàn tay, cậu còn rào một cái bãi để nuôi thú. Giọng cậu bây giờ nghe như tiếng cọp rít, chẳng ai hiểu gì hết. Nhưng cậu có hiếu lắm, hay để thú trong hang cho cha mẹ tới lấy về bán. Ban ngày cậu ngủ, ban đêm đi săn.

     Đêm nọ cậu ví một con nai vô nơi hẻo lánh. Qua ngày thứ ba, cậu thấy một tên cừ khôi kêu bằng Quản Nhứt Tiền, cùng một đứa nữa, đang tới nơi đó hẹn gặp người nhà. Từ Thức hú một tiếng, tên kia sợ té chết giấc. Từ Thức đem y về hang. Hôm sau, cha của Từ Thức tới hang lấy thú, gặp tên này, liền về báo quan cho lính tới bắt. Họ mừng lắm, vì tên này là tướng giặc hung hăng chưa ai từng bắt được. Quan báo vua biết công trạng của Từ Thức, nhà vua phong cho cậu chức Hổ Đại Tướng Quân, trấn nhậm Thần Phù [a], và trọng thưởng cho cha cậu.

_________
a. Grand généralissime ayant la force du tigre, véritable seigneur de Thần Phù.

2.3 Người có sức dị thường

     33. Anh em sanh năm (Les cinq jumeaux)

     Ông nọ lấy một trăm vợ, nhưng hết thảy những bà này đẻ cho ổng một đứa con gái mà thôi. Khi lâm chung, ổng nói con gái đi kiếm cho đủ một trăm người, ở với họ, để trả nợ cho ổng.

     Cô này nghe lời, và đã ở với chín mươi chín ông thì có một vị tiên trên trời biến ra người cùi tới nhà cổ xin cứu giúp.

     Cổ cho ông này đụt trong chái bên nhà. Đêm về, cổ nghĩ ông này chính là người thứ một trăm để ở với mình, nên cổ qua ngủ với ổng.

     Ông cùi đưa bàn tay rờ bụng cô chủ nhà, làm cổ có thai và đẻ ra năm thằng con một lúc. Chúng lớn lên giống nhau như đúc; nhưng cậu thứ nhứt thì mình đồng gan sắt; cậu thứ hai thì lanh trí; cậu thứ ba thì thính tai, ở đâu cũng nghe tới; cậu thứ tư thì chưn khoèo [clubfoot] đi được trên mặt nước; cậu thứ năm thì không sợ nóng, bỏ vô nước sôi sống nhăn.

     Năm cậu ở trong rừng. Ngày nọ nhà vua truyền rằng ai giết được bà Chằn [a] thì sẽ gả công chúa cho. Thính Tai sai hai cậu Mình Đồng Gan Sắt với Không Sợ Nóng đi đánh bà Chằn. Đánh không lại, bà Chằn bị hai cậu này cắt đầu đem về trình vua. Cái đầu của bả quăng rớt trước ngai vua thì lặn xuống đất mất tiêu. Nhà vua nói họ ngày mai trở lại sẽ gả công chúa cho. [Thực ra] vua dụ họ trở lại để chặt đầu, nhưng người tới gặp vua là Mình Đồng Gan Sắt nên rốt cuộc vua không chặt đầu được. Vua nói cậu này về và ngày mai trở lại.

     Vì sắt không chém được đồng, nên vua tính sẽ quăng người giết bà Chằn xuống biển. Thính Tai nghe được [âm mưu của vua], nói Chưn Khoèo đi gặp vua. Vua cho bỏ Chưn Khoèo lên bè thả ra biển, nhưng cậu này dễ dàng bước vô bờ, rồi, cũng như người anh, được vua kêu về, hẹn sáng sau trở lại.

     Làm hai cách đều không xong, vua quyết định sẽ quăng họ vô nước sôi. Một lần nữa, Thính Tai nghe được [âm mưu của vua], nói Không Sợ Nóng đi gặp vua, và, một lần nữa, âm mưu của vua bị bể.

     Thấy không cần làm gì nữa hết, vua tính gả công chúa như đã hứa. Thính Tai nghe được, hôm sau đích thân đi gặp vua và được gả công chúa. [b]

__________
a. ‘Bà Chằn’ là tên gọi một thứ yêu cái, ác độc, mà khó định nghĩa chính xác. Chúng ở trong rừng, trên cây, trong động, ăn thịt muông, thịt người. Mình bự tổ chảng, dễ sợ, lông lá, tóc cháy nâu, mặt sọc dưa, miệng có nanh như heo rừng. Dân gian kiêng nhắc tới tên ‘Bà Chằn’, nhưng cũng ví những kẻ dữ tợn với Chằn: ‘cô đó dữ quá chằn tinh gấu ngựa’ [gấu ngựa = Asian black bear, Ursus thibetanus thibetanus]. Có một thứ ốc mình trần trụi kêu là ‘ốc bà chằn’ [Limax spp].

     b. Cậu thứ hai, Lanh Trí, chẳng thấy đóng vai gì trong câu chuyện.

_________
1. http://sealang.net/monkhmer/dictionary/

2. https://vnnew.vncreatures.net/sinh-vat-rung/3153

     Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết cho thanhdiavietnamhoc.com, 24/11/2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

__________
ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)” do tác giả viết (ngày 24/11/2021) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.

https://thanhdiavietnamhoc.com/antony-landes-voi-chuyen-dan-gian-nguoi-viet-phan-2b/


..

Tác giả bài viết:  ĐỖ NGỌC GIAO

3. Chương J ‘The Wise and the Foolish’

     Chương này có 5 nhóm motif:

J0–⁠J199điều khônacquisition and possession of wisdom (knowledge)
J200–J1099việc khôn/dạiwise and unwise conduct
J1100–J1699sáng trícleverness
J1700–J2749kẻ dạifools (and other unwise persons)
J2750–J2799khôn/dại: những ý khácother aspects of wisdom or foolishness

     3.1. Điều khôn

     34. Ngọc Hoàng và anh nghèo (L’empereur céleste et le pauvre)

     Xưa có anh kia nhà nghèo từ đời ông, đời cha cho tới đời ảnh, làm ai cũng buồn bực. Ảnh thắc mắc: ‘Người ta nói không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, mà sao chẳng trúng với mình?’ Nghe đồn Ngọc Hoàng ở trên một cái cồn giữa biển, ảnh quyết bụng đi tới đó hỏi ổng coi vì sao số ảnh như vậy và về sau sẽ ra sao.

     Ảnh lên đường, khi túi cạn tiền thì gặp nhà của một người giàu, vô xin đồ ăn. Chủ nhà hỏi ảnh đi đâu, nghe xong, biết ảnh đang gặp khó, thì nói:

     ‘Qua sẽ đưa tiền cho em, nhưng qua có mối lo này nhờ em hỏi Ngọc Hoàng luôn. Số là qua luôn làm điều phải nhưng chẳng được Trời cho đứa con trai nào hết, có một con gái thì đã câm từ khi lọt lòng. Em hỏi giùm vì sao số qua hẩm hiu như vậy.’

     Rồi chủ nhà đưa anh nghèo một số tiền làm lộ phí. Ảnh đi tới khi hết tiền vẫn chưa thấy cái cồn đâu. Ảnh vô một nhà giàu nữa xin giúp. Nhà này có cái vườn trồng ba chục năm, cây nào cây nấy cao lớn sum sê nhưng chẳng đơm ra trái gì hết. Chủ nhà nhờ ảnh hỏi vì sao có chuyện lạ này, và biếu ảnh số tiền còn thiếu.

     Anh nghèo đi miết rồi cũng tới bờ biển. Chẳng biết cách chi ra cồn, ảnh đứng than thầm. Một con ba ba [a] dưới nước trồi lên hỏi:

     ‘Chú em tính đi đâu đó?’

     Ảnh kể chuyện nó nghe, nói luôn việc khó đang gặp. Ba ba nói:

     ‘Tui sẽ đưa chú em ra cồn, nhưng nhờ chú em hỏi chuyện của tui luôn. Số là tui đã tu một ngàn năm nay, mà sao vẫn y như cũ, chớ chưa đổi dạng.’

     Anh nghèo chịu, leo lên lưng con ba ba để nó chở ra cồn.

     Anh nghèo quỳ trước Ngọc Hoàng, nói:

     ‘Dạ thưa Ngọc Hoàng, con tới đây nhờ một con ba ba chở ra. Nó nhờ con hỏi ngài vì sao nó tu một ngàn năm nay mà vẫn là ba ba chớ chưa đổi dạng.’

    Ngọc Hoàng đáp:

     ‘Con ba ba này, nó có cục ngọc quý, hễ nó chưa đưa cho ai thì không bao giờ đổi dạng mà là ba ba hoài.’

     Anh nghèo nói:

     ‘Dạ thưa Ngọc Hoàng, còn ông kia nhà giàu, luôn làm điều phải mà sao chẳng có con
trai, có một con gái thì đã câm từ khi lọt lòng.’

     Ngọc Hoàng đáp:

     ‘Đứa con gái này, số nó lấy chồng trạng nguyên; chừng nào gặp mặt người nào sẽ làm chồng nó thì nó nói liền.’

     Anh nghèo hỏi luôn chuyện ông nhà giàu thứ hai có vườn cây không kết trái. Ngọc Hoàng đáp:

     ‘Cái vườn này, dưới đất có chôn vàng bạc, chừng nào lấy hết vàng bạc ra thì cây mới kết trái.

     Anh nghèo biết mấy điều này, mừng lắm; rốt cuộc, ảnh tính hỏi chuyện riêng của mình thì Ngọc Hoàng nổi quạu. Ổng nói:

     ‘Ta đã lánh tới nơi vắng như vầy mà vẫn bị thiên hạ làm rầy!’

     Ổng liền bay về trời, còn anh kia thì thấy mình đã rõ mọi điều mà người ta muốn biết nhưng vẫn chưa rõ cái điều mà chính mình muốn biết. Ảnh nghĩ số mình là vậy, nên đành quay về.

     Con ba ba dưới nước trồi lên, hỏi anh nghèo làm xong việc chưa. Ảnh kể nó nghe lời Ngọc Hoàng nói. Con ba ba nhớ rằng chuyện nó có ngọc thì không ai biết, nên nó tin lời anh nghèo, và nhả cục ngọc ra, biếu cho ảnh để trả công, tức thì nó biến thành một người đàn ông, rồi đường ai nấy đi.

     Tới nhà ông già có cái vườn cây không kết trái, anh nghèo kể lại lời Ngọc Hoàng nói. Họ liền đi tìm khắp vườn và thấy của quý [chôn dưới đất]. Chủ nhà tính cho ảnh hết trơn số đó, nhưng ảnh nhận phân nửa thôi. Có tiền rồi, ảnh ra sức học, sau đó mấy năm ảnh thi đậu trạng nguyên. Nhà vua cho ảnh vinh quy về quê. Khi ảnh và đoàn tùy tòng đi ngang nhà của người giàu thứ nhứt, ảnh ghé vô, kể ông này nghe cái điều mà ổng đã nhờ ảnh đi hỏi. Khi ảnh cho biết lời của Ngọc Hoàng, đứa con gái của ông giàu [dòm thấy ảnh] biết nói liền. Ổng nói đây là ý chỉ của Ngọc Hoàng nên gả con gái cho ảnh.

__________
     a. ‘Ba ba’ ở đây ý nói một thứ rùa biển (sea turtles), thí dụ đồi mồi Eretmochelys imbricata, vích Lepidochelys olivacea, ở họ Cheloniidae, hoặc rùa da Dermochelys coriacea ở họ Dermochelyidae.

 

     35. Thầy cứu trò (Un maitre sauve son élève)

     Anh học trò kia để vợ ở nhà [a] sang tỉnh khác học. Ba năm sau ảnh xin thầy về nhà. Thầy coi chỉ tay của ảnh, nói:

     ‘Con chớ về, nhưng thôi muốn về thì về. Con sẽ gặp nạn, nhưng thầy dặn con bốn điều nêu nhớ nằm lòng để tránh nạn. Một là không vô chùa, hai là không dầu thơm, ba là không đuổi gà, bốn là không phải ba, bốn, sáu.’ [b]

     Anh học trò thưa thầy ra về. Đi một ngày đàng, trời nổi cơn dông, ảnh gặp một cái chùa trơ trọi. Nhớ lời thầy, ảnh không vô chùa đụt, mà đứng bên ngoài. Một hồi, chùa sập, mọi thứ bên trong ắt đều nát bấy.

     Ảnh về tới nhà, gặp vợ ra mừng. Mừng vậy thôi, bởi lúc ảnh vắng nhà, vợ ảnh đã có bồ. Chị ta giả đò đi chợ, kiếm tên kia báo tin chồng về, rồi hai bên bàn tính. Tên kia nói:

     ‘Pha chút dầu thơm gội đầu cho nó. Khuya nay tui qua giết nó.’

     Chị này về nhà nấu nước pha dầu thơm nói để gội đầu cho chồng. Anh này nhớ điều thứ hai thầy dặn, nên không chịu gội dầu thơm; chị vợ lấy gội luôn đầu mình. Khuya, tên kia mò vô tới giường của hai vợ chồng, nghe mùi thơm ở người nào thì chặt phăng cái đầu ở người nấy, rồi trốn.

    Anh chồng thức dậy thất kinh thấy vợ chết bên cạnh, chẳng hiểu sao mà vậy. Ảnh la bài hải. Hương quản tới tra hỏi, ảnh nói mình không làm, họ đưa ảnh lên huyện. Quan huyện tra soát; ảnh thiệt thà kể lại, nói không biết kẻ giết vợ là ai. Quan tạm giam ảnh trong ngục chờ thêm chứng cớ. Ảnh bị giam lâu mà chưa thấy thêm chứng cớ gì ráo. Bữa đó người ta phơi lúa, họ giao cho ảnh coi chừng gà mổ. Gà tới mổ lúa, nhưng ảnh nhớ điều thứ ba thầy dặn, nên thây kệ gà, không thèm rượt. Quan hỏi sao được giao canh lúa mà để gà mổ, ảnh đáp:

     ‘Thầy tui biết trước tui gặp nạn nên dặn bốn điều. Một là không vô chùa: tui gặp một cái chùa mà nếu tui vô thì giờ này chết tiêu rồi bởi chùa sập. Hai là không dầu thơm: vợ tui đòi lấy dầu thơm gội đầu cho tui mà nếu tui chịu thì giờ này người chết là tui chớ không phải vợ tui. Ba là không đuổi gà, nên tui không đuổi.

     Quan hỏi điều thứ tư thầy ảnh dặn là gì. Ảnh nói:

     ‘Là như vầy: không phải ba, bốn, sáu.’

     Quan nghĩ nếu vậy thì tức là năm, liền sai hương bộ tra sổ coi trong làng có ai là thứ năm [c], nếu có thì bắt kẻ đó tức thì. Mà trúng thiệt, thằng giết người [ở nhà y] là thứ năm. Y chối đây đẩy nhưng bị giải lên huyện, rồi cũng nhận tội và khai hết đầu đuôi.

__________
     a. Học trò lấy vợ sớm để có con nối dõi giòng họ. Chuyện có vợ con rồi mới bỏ nhà đi học thì chẳng có gì lạ [nơi xứ này].

     b. Phần đầu chuyện này giống như phần đầu truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu [1822–1888]. Vân Tiên trước khi xuống núi cũng được thầy coi bói đoán vận như sau:

Số con hai chữ khoa kỳ

Khôi Tinh đã rạng, Tử Vi thêm lòa

Hiềm vì ngựa chạy đường xa

Thỏ vừa ló bóng, gà đà gáy tan

Bao giờ cho tới bắc phang

Gặp chuột ra đàng con mới nên danh

(trích theo bổn dịch của Trương Vĩnh Ký).

     c. Người An Nam có tên riêng mà cũng được gọi theo thứ trong nhà, ai sanh ra trước hết thì gọi là thứ hai [anh/chị Hai, thằng/con Hai] chớ không phải thứ nhứt. Khi đứa nhỏ lớn lên, mới gọi theo thứ. Thực ra, từ khi biết đếm, người ta đã gọi nhau theo thứ chớ ít khi kêu tên riêng. [Còn nếu không biết thứ, thì gọi người lạ là thứ hai.]

 

     3.2. Sáng trí

     36. Quan tổng đốc nghĩ kế tìm kẻ giết người (Stratagème d’un gouverneur de province pour convaincre un meurtrier)

     Ở tỉnh Nghệ An, huyện Chân Lộc, có người giàu tên Trần văn Phong, làm chủ mười chiếc ghe buôn bán từ Ngũ Quảng [a] ra tới Bắc Kỳ. Mỗi ghe có một anh đầu dọc. Một anh tên Ninh, bảnh trai, lanh trí, từ lâu xằng xịu với cô vợ của Trần văn Phong mà ông này chẳng hay.

    Ngày nọ, khi mười chiếc ghe cụ bị đi chuyến đầu năm, sắp cúng ra khơi, thì Ninh kiếm chủ nài nỉ ổng lên ghe với y ra biển. Y nán lại sau, nửa đêm núp bên lộ, chờ Trần văn Phong đi ngang, giết ổng chết. Rồi lên ghe nhổ neo.

     Cha mẹ Phong đi kiện, nhưng quan đề hình không tìm ra dấu tích gì hết. Rốt cuộc, quan tổng đốc Nghệ An gọi mười anh đầu dọc tới tra hỏi. Hết thảy đều chối không làm chuyện này. Quan nghĩ ra một kế. Gần tới canh hai, quan cho đưa mười anh đầu dọc vô phòng, ra lịnh đứng khoanh tay dòm một cây đèn cầy đang cháy. Ổng cho mỗi anh ngậm một sợi bấc đèn trong miệng, nói: ‘[Sáng mai] sợi bấc của ai dài hơn thì người đó có tội.’

     Sáng sau quan cho kiểm tra thấy chín sợi bấc dài bằng nhau, riêng sợi của Ninh thì ngắn hơn, bởi y sợ nó dài ra nên đã cắn bớt một khúc. Vậy chín anh kia được thả, còn y bị xử. Y nhận đã giết Phong, nhưng nói rằng y làm vậy là bị cô vợ của ông này xúi giục mà y nhẹ dạ nghe theo. Quan xử cô này bị năm ngựa phanh thây còn Ninh bị đày sáu năm biệt xứ.

__________
     a. Ngũ Quảng : đã giải thích ở phần 1 (Chuyện cô công chúa đời Lê).

 

     37. Tra hỏi cục đá (Une pierre mise à la question)

     Ở tỉnh Hà Tịnh có bà kia nghèo lắm. Sắp tới Tết [a], bà nhổ rau đem ra chợ bán lấy tiền sắm sửa. Khi về, qua cầu, bà làm rơi mọi thứ mới mua xuống nước. Bà ngồi khóc, vì không còn tiền mua lại những thứ đó. May sao, ông huyện đi ngang, thấy bà khóc mới hỏi chuyện gì. Bà kể lại chuyện rơi đồ, kể thêm chuyện sợ về nhà bị chồng cho ăn đòn. Ông huyện nói: ‘Thôi đi về phủ với ta, để ta coi gỡ rối cho bà.’

     Về phủ, ông huyện sai lính, một người đi kiếm cục đá bự, cột dây xung quanh [làm như trói nó], một người cầm roi đứng chờ, một người nữa cầm hai cái hộp không đứng nơi cửa. Rồi phao tin rằng ông huyện sắp tra hỏi một cục đá, ai muốn coi thì vô cửa đưa cho người lính gác ba chục xu mà coi. Khi hai cái hộp đầy vun, ông huyện đưa cho bà nhà nghèo. Rồi ổng nói dời lại ngày mai mới tra hỏi cục đá. Hôm sau, mọi người trở lại [coi] thì ông huyện cười hả hả, nói ổng muốn tìm cách giúp cho bà nhà nghèo [ăn Tết] vậy thôi.

__________
     a. Ở đây Landes giải thích vắn tắt cái tục ăn Tết của người Việt.

 

     38. Năm ông thầy chùa bị chết (Mort de cinq bonzes)

     Xưa có anh kia làm nghề săn mật ong [a]. Bữa nọ ảnh tìm ra một chỗ trong rừng có nhiều ổ ong, liền đem giỏ tới đó [leo cây] lấy mật, nhưng rồi đeo giỏ nặng quá nên không dám leo xuống, mà ở đó đợi coi ai đi ngang thì cầu cứu.

     Ảnh đợi tới trưa. Lúc này có một anh nài cỡi voi đi ngang, anh săn ong kêu:

     ‘Anh ơi! Làm ơn cứu tui xuống, tui chia anh nửa giỏ mật; bị nặng quá mà cây cao nên không dám xuống.’

     Anh nài nói:

     ‘Vậy đứng đó nắm cành cho chắc, tui đứng trên lưng con voi ôm chưn anh.’

     Anh săn ong làm theo, anh nài đứng lên trên lưng voi, nhưng, ngay khi anh nài nắm hai chưn anh săn ong thì con voi bên dưới trượt đi làm anh nài hổng chưn, đu tòn ten dưới chưn anh săn ong.

     Anh này la:

     ‘Chết! Sao anh làm vậy, cành gẫy là hai đứa mình tiêu hết.’

     Anh nài nói:

     ‘Ráng nắm chắc đi, tại anh chớ tui muốn vậy hồi nào.’

     Hai anh than thầm. May sao có bốn ông thầy chùa [b] đi cúng ở đâu về ngang đó. Thấy vậy, hai anh bị nạn mừng húm, kêu:

     ‘Mấy thầy ơi! Cứu con với! Cứu một mạng còn hơn sám hối chín kiếp! Cứu một mạng còn hơn xây tháp bảy tầng! Tụi con dâng hết sáp ong cho mấy thầy cúng Phật.

     Bốn ông thầy thấy tội nghiệp, mà cũng không cần sáp ong, nên tính coi làm cách chi cứu mấy ảnh. Ông thầy cả nói:

     ‘Bây giờ mình lấy tấm vải gói kinh [trải ra], mỗi người cột một góc tấm vải vô cần cổ, rồi đứng thiệt vững như bốn cây cột, nghen. Hai anh này rớt xuống, nhờ tấm vải sẽ rớt nhẹ, khỏi chết.

     Mấy thầy kia làm theo. Hai anh kia buông tay rớt xuống tấm vải, nhưng sức rớt nặng quá, làm bốn ông thầy chùa cúp xuống, bốn cái đầu dộng nhau cái cốp, chết ngẳng củ từ. Anh nài voi với anh săn ong thấy vậy bỏ chạy.

     Chuyện đó xảy ra gần một cái quán. Bà già chủ quán thấy bốn cái xác, sợ bị mắc tội giết người, hè hụi kéo bốn cái xác vô sau quán, rồi ngồi nghĩ coi nên làm gì nữa. Ngay lúc đó, một ông thầy cúng bước vô mua rượu uống, bả lấy cho ổng thứ rượu ngon nhứt mà tính tiền rẻ rề. Đợi ổng vô mấy ly, bả nói:

     ‘Số tui thiệt khổ, thầy ơi. Có thằng cháu đi làm mướn, từ hổm rày mắc bịnh về ở đây. Chẳng biết uống thuốc gì cho hết, tui biểu nó cạo đầu sám hối với Phật. Ai dè mới cạo đầu, nó phà ra chướng khí hôi rình, kêu nhức đầu rồi chết luôn. Tui già, nghèo, chẳng biết làm gì. Thầy coi có cách chi giúp, tội nghiệp tui.’

     Ông thầy cúng nói:

     ‘Để tui. Đưa cái cuốc với cái vá đây, tui đem nó ra đồng chôn. Vậy hén?

    Bà già lịa miệng cám ơn, hứa trả công cho ổng ba bầu rượu ngon, rồi vô sau quán kéo ra một cái xác. Ông thầy cúng lấy chiếu quấn lại, vác lên vai, đem ra đồng chôn.

     Xong, ổng trở về quán, thấy trên mặt đất có một cái xác nữa. Bà già sụt sùi:

    ‘Để tui nói thầy nghe. Thằng cháu này thương tui lắm, nó bám tui riết, hồi mới đi ở mướn, buổi sáng đã về đây thăm tui, tới chiều tui chửi nó mới đi. Giờ chết yểu như vầy, nó khi nào chịu rời tui. Bởi không biết nó, nên có khi thầy đào hố chưa sâu, để nó về đây nè.’

    Ông thầy cúng thấy lạ; nhưng ổng nhận ra cái xác, nhờ cái đầu trọc. Ổng nói bà già:

    ‘Kỳ há! Để tui đem nó đi thiệt xa, đào hố thiệt sâu, coi nó về nữa thôi.’

     Ổng xốc cái xác lên vai, đem đi chôn. Hồi trở về, vẫn thấy cái xác trọc đầu trên mặt đất, và nghe bà già nói:

     ‘Tui đã dặn thầy nhớ cái tánh của thằng cháu tui, sao thầy chưa chôn sâu cho nó, đó thầy coi.’

     Ông thầy cúng nói:

     ‘Đừng nóng, để tui làm một hớp cái đã, lần này tui nói sẽ chôn cho nó khỏi về luôn.’

    Ổng đi chôn, rồi khi về thấy bà già trỏ ngón tay vô một cái xác nữa, nói cà riềng cà tỏi.

     Ổng nổi dóa:

    ‘Từ hồi nào tới giờ tui chôn ai mà họ quày lại đâu cà. Thôi để tui đem chôn một lần nữa, chắc chắn là nó đi biệt.

     Ổng cúp lưng vác cái xác đi. Trời nực, đất cứng, mình mỏi, ổng chôn xong cái xác thứ tư thì đêm xuống. Trở về quán, tính đòi bà già ba bầu rượu mà bả đã hứa, thì khi đi ngang cây cầu, ổng thấy một người [trọc đầu] ngồi chần vần ở đó. Ổng hét:

     ‘Tao chôn mày cả ngày trời mà mày còn về đây đòi chôn nữa hả.’

    Người kia dường như nói gì đó, nhưng ổng la:

    ‘Mày về ba bốn lần, làm tao muốn đứt hơi, còn cãi. Tao oải rồi, khỏi chôn mày nữa; thôi sông đó, xuống cho cá ăn đi.

     Rồi ổng đạp người kia rớt xuống sông cái ùm, mất tiêu. [c]

__________
     
a. Đi lấy mật ong tự nhiên, không gác kèo. Ở xứ này, người ta đóng chốt vô cây để trèo lên. Người săn ong đeo hai cây đuốc sau lưng, cho cháy bên trên đầu mình, để ong đừng chích. Mật ở Rạch Giá lấy trong rừng tràm nên có vị lạ nhờ bông tràm.

     b. ‘Thầy chùa’ là tiếng dân gian dùng để gọi ‘thầy tu đàng Phật’,1 không có ý khi dể.

     c. Trương Vĩnh Ký kể một câu chuyện giống vậy mà sơ sài hơn, tựa đề Bốn anh thầy chùa làm phước mà phải chết.2

 

     39. Vợ khôn chồng dại (Femme habile et sot mari)

     Cô kia khôn lấy anh chồng dại. Bữa nọ cổ nói với chồng:

     ‘Tôi mới dệt vải xong, mình đem đi bán bốn quan một tấm, nếu ai trả ba quan chín tiền năm mươi chín xu thì đừng có bán nghe chưa.’ [a]

     Anh chồng đem vải đi rao, nhưng tới đâu cũng chẳng thấy ai mua. Rốt cuộc gặp một ông thầy đồ mua hai tấm, nhưng ổng không đem sẵn tiền, nói rằng:

     ‘Mai anh tới gặp tôi nhận tiền. Tôi ở chỗ chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi so le, chỗ cây tre một mắt. Anh tới, tôi trả liền.’

     Bữa sau anh khờ đi cả ngày kiếm chỗ chợ đông không ai bán, mà chẳng thấy đâu. Ảnh đành về than với vợ, cô này đoán ra cái điều mà người mua muốn đố, cắt nghĩa rằng chợ đông không ai bán là cái trường học, kèn thổi so le là cây sậy bị gió thổi lúc lắc, còn cây tre một mắt là cây hành, bởi vậy, nơi mà anh chồng cần tìm là một cái trường học, kế bên bãi sậy, trước cửa trồng hành [b].

     Theo lời vợ, anh chồng tìm ra người mua, ông này hỏi ai chỉ đường cho ảnh tới đó. Ảnh nói vợ ảnh. Ông thầy đồ thầm phục cô này sáng trí; bữa đó ổng làm cơm cúng ông bà, mời anh khờ ăn uống, rồi gởi bánh về biếu vợ ảnh, kèm theo một nhánh bông lài ghim vô một cục phân trâu khô. Thấy vậy, cô vợ hiểu ý ông thầy đồ muốn nói biếm cổ:

Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại

Tiếc bông hoa lài cắm bãi cứt trâu.

    Cô vợ nghĩ số mình khổ, nên buồn và muốn nhảy xuống sông cho rồi. Cổ ra bờ sông, ngồi bên mé nước, chờ chết.

     Ông thầy đồ, lúc đó, nghĩ mình làm vậy thì có thể khiến cho cô kia làm chuyện không hay, nên tính đi can. Ổng lấy một cái giỏ lủng đáy đi ra bờ sông nhằm chỗ cô kia đang ngồi, tới gần, la lớn:

     ‘Cô này đi chỗ khác để tôi đặt bẫy ở đây kiếm chút cá coi.’

     Thấy một ông già đầu hai thứ tóc lấy giỏ lủng đáy đi bẫy cá, cổ mới biết rằng trên đời này vẫn còn nhiều người khác dại hơn chồng mình. Bởi vậy cổ hết buồn, về nhà, khỏi chết oan mạng, nhờ lòng tốt của ông thầy đồ.

__________
     a. Tức là thiếu một xu thì đủ bốn quan [1 quan = 10 tiền, 1 tiền = 60 đồng xu].

     b. Nói nào ngay, cắt nghĩa như vậy chưa trúng, vì phần đông nhà người An Nam phía trước đều có một cái ‘vườn’ nhỏ gồm những chậu đất kê trên cọc, thường là trồng hành.

     Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả xem tiếp:

Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)

Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com, năm 2022

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

__________
ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)” do tác giả viết (năm 2022) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.


https://thanhdiavietnamhoc.com/antony-landes-voi-chuyen-dan-gian-nguoi-viet-phan-3a/

..


Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)

Tác giả bài viết:  ĐỖ NGỌC GIAO

4. Chương N ‘Chance and Fate’

     Chương này có 6 nhóm motif:

N0–N99cá cuộcwagers and gambling
N100–N299vận và mạngthe ways of luck and fate
N300–N399việc rủiunlucky accidents
N400–N699việc maylucky accidents
N700–N799tao ngộaccidental encounters
N800–N899trợ thủhelpers

     4.1. Cá cuộc

     40. Cô vợ bị vu oan (L’épouse calomniée)

     Hai anh kia đi buôn cùng một vùng, đều có vợ và có của. Một anh tên Tình, một anh tên Lý. Bữa đó hai anh ngồi nhậu, Tình khen vợ mình vừa có sắc vừa có nết, chồng đi vắng mà ở nhà khăng khăng một lòng với chồng, nuôi con. Ảnh còn dám cá cuộc rằng nếu Lý rù quến được vợ ảnh thì ảnh sẽ thua hết gia sản. Lý chịu, hai bên giao kết, có người làm chứng, hạn định ba tháng.

     Lý liền về quê của Tình [thăm dò], nhưng rồi sớm biết chắc mình chẳng đi tới đâu, nên bắt đầu tự hối đánh cuộc này làm chi cho mất sạch gia sản. Hắn nghĩ ra một chước thoát nạn. Hắn kiếm bà mụ hồi trước đỡ đẻ cho cô vợ của Tình, đút tiền bả ăn để bả nói cho hắn biết cô ta có dấu gì lạ ở chỗ kín trên người.

     Tới hạn, Tình về nhà. Lý nói đã rù quến được vợ của Tình, và để làm bằng, hắn nói ra mọi điều mà bà mụ mách bảo. Tình [tưởng thiệt] đành trao hết gia sản cho Lý, rồi xử tệ hết mức với vợ mình. Phần cô vợ, sau khi biết chuyện đã xảy ra [giữa chồng mình với Lý], thì cả quyết Lý đã nói láo và sẽ tìm cách chỉ ra cho chồng mình thấy. Cổ ra chặn đầu Lý giữa đàng, thộp búi tóc của hắn [a], đòi hắn trả lại số tiền còn thiếu. Lý thề chẳng biết cô này là ai và chẳng thiếu cổ cái gì; nhưng cổ kéo hắn lên gặp quan đề hình, ở đây hắn vẫn nói không biết mặt cô này. Cổ hỏi gắt:

Nếu không biết mặt tui, sao ông biết tui có dấu gì ở chỗ kín?’

     Nhờ vậy người ta mới biết việc Lý gạt Tình; rốt cuộc Lý và bà mụ bị xử tội còn Tình thì lấy lại gia sản. [b]

_________
     a. Người An Nam để tóc dài, quấn lại thành búi, dễ thộp. Bởi vậy tụi ăn trộm hay đeo búi tóc giả để lỡ có bị thộp thì dễ thoát ra.

     b. Chuyện này kể theo motif N15 ‘chastity wager’ (lấy trinh tiết của người khác để đánh cuộc) hay gặp ở phương Tây; chưa rõ vì sao motif này được đưa tới An Nam.

     4.2. Vận và mạng

     41. Người có ba chục xu (L’homme aux trente sous)

     Xưa có một anh, số phận cho kiếm được ba chục xu mà thôi chớ không hơn. Ngày nọ, nhà vua giả dạng thường dân đi khắp xứ để tìm hiểu coi bá tánh nghĩ gì; tình cờ ổng vô trọ qua đêm ở nhà anh kia. Ảnh thấy ông khách tướng mạo oai nghi dễ coi, thì vui vẻ đón tiếp, mời ăn cơm uống trà. Vua thấy một người nghèo mà xài rộng với khách như vậy thì lấy làm lạ, hỏi ảnh không sợ túng ngặt hay sao. Ảnh nói:

     ’Số là tui mần công nhựt. Mần nhiều mần ít, họ cũng luôn luôn trả tui ba chục xu mỗi ngày, không nhiều hơn cũng chẳng ít hơn. Nếu tui không xài hết, thì hôm sau họ không cho tui mần, mà, ngược lại, nếu tui xài hết, thì hôm sau tui có chuyện mần nữa. Tui biết mạng tui có chừng đó bạc mà thôi, bởi vậy ngày nào tui cũng xài hết chừng đó rồi ngày mai cũng kiếm được chừng đó.

     Nhà vua nói:

     ‘Em có tánh cách như vậy, không chừng giàu nghen. Nghe qua nói nè. Ngày rằm tháng tám tới, tức là tết trung thu, em lấy [cỏ] tranh kết hình con bù nhìn đem tới bán trước cổng cung điện phía nam. Nếu ai muốn mua, em nói giá nào họ cũng trả, vậy là giàu đó.

     Sáng sau nhà vua lên đường, dặn lính gác nếu ngày đó thấy anh bán bù nhìn tới thì đưa ảnh vô gặp vua. Tới ngày đã hẹn, anh này, tội nghiệp, đeo hai con bù nhìn đi rã cẳng mà chẳng thấy ai hỏi mua. Đeo hàng tới giữa trưa thì đói meo, mệt đừ, ảnh tới trước cổng cung, đặt hàng xuống, ngồi nghỉ chưn. Tức thì lính gác ra dẫn ảnh vô nơi vua đang chờ. Cung thất oai nghiêm làm ảnh hồi hộp, bởi vậy, khi một ông quan [được lịnh nhà vua] hỏi ảnh muốn bán con bù nhìn bao nhiêu tiền, thì ảnh chần ngần một hồi, rốt cuộc nói ba chục xu. Nhà vua sai trả tiền cho ảnh, rồi khi ảnh đi, kể lại câu chuyện cho bá quan nghe và lấy đó làm bằng chứng rằng ông Trời đã định sẵn mạng số cho từng người mà sức người không thể sửa đổi một tý gì trong đó hết.

     42. Ông vua Heo (Le roi Heo)

     Xưa có anh kia tên Heo, mồ côi. Ảnh trên núi xuống làng kiếm nơi nương tựa, được một ông quan nhận làm đầy tớ. Bữa nọ quan kêu ảnh rửa chưn, biều đừng làm trầy ba mụn ruồi son của ổng [a], không thôi ổng giết hết ba họ [b]. Ảnh nói:

     ‘Quan có ba mụn ruồi son, chớ tui có chín lận.’

     Ổng nghe, nghĩ thầm:

     ‘Nó mà có chín mụn ruồi son thì nó làm vua chớ gì nữa; diệt nó mới được.’

     Quan sai một cô đầy tớ pha thuốc độc cho ảnh uống, cô này thấy thương, giả đò nói với bầy heo của mình, cho ảnh nghe, như vầy:

     ‘Heo ơi, heo à! Ăn đi rồi chết, mà không ăn cũng chết!’

     Heo nghe thấy, hiểu rằng cô kia muốn nhắn điều chi với ảnh, nên hỏi thử, nhưng cổ làm thinh. Rồi cổ nói:

     ‘Nếu anh hứa mai mốt làm vua sẽ lấy tui làm vợ thì tui mới nói.’

     Ảnh hứa:

     ‘Nếu tui làm vua, cô tới gặp tui thì nhớ thả tóc dài chấm vai, để làm dấu cho tui biết, tui sẽ lấy cô làm vợ.’

     Sau khi biết chuyện, Heo trốn đi làm nơi khác, ở đó ảnh lỡ tay xô một đứa nhỏ té chết. Heo trốn vô một kiểng chùa, xin lau tượng Phật. Khi muốn lau tay của tượng, ảnh nói ‘Giơ tay!’ thì Phật giơ tay, muốn lau chưn, ảnh nói ‘Giơ chưn!’ thì Phật giơ chưn. Bữa nọ lau xong, ảnh quên nói Phật thả tay xuống, nên Phật để một tay trên không. Thầy trụ trì tới cúng, thấy vậy thất kinh, hỏi Heo. Ảnh nói:

     ‘Bởi khi lau tay Phật xong, con quên biểu Phật thả tay xuống.’

     Thầy hiểu anh này có mạng làm vua nên Phật phải nghe lời; bèn đi báo quan để họ bắt giết Heo nhưng ảnh kịp chạy thoát.

     Heo vô làm vườn cho nhà kia, hàng ngày tưới cây. Bữa nọ, thấy hàng cau cao đều một cỡ, Heo chỉ từng cây nói: ‘Cây này cha, cây này con, cây này ông.’ Tức thì mọi cây làm theo, thành ra cây thì cao, cây thì thấp. Ông chủ thấy hỏi:

     ‘Hôm kia hàng cau cao đều hân hấn, sao hôm nay so le?

     Heo nói:

     ‘Bởi cau nghe lời tui nên mới có cây cao cây thấp.’

     Ổng biểu ảnh làm sao cho hàng cau cao đều như trước, ảnh không chịu:

     ‘Làm con người ta, ăn một đọi, nói một lời. Tui không nuốt lời đâu.’

     Ổng tính đánh, Heo chạy thoát, gặp nhà kia, vô xin ngủ, nhưng nhà đầy người, ảnh chẳng biết ngủ đâu. Thấy một cái bàn có đặt tượng thần để cúng, Heo đẩy tượng rớt xuống, rồi lên bàn nằm ngủ. Gần sáng, thức dậy bỏ đi. Tới sáng, chủ nhà thấy tượng thần dưới đất, nhưng, lạ ghê, khi họ nhấc lên, ráng sao thì ráng, tượng thần cứ nằm ỳ chỗ đó. Rồi thần nhập đồng, nói:

     ‘Đây là xứ của vua, vua đặt ta ở đây, thì ta ở đây.

     Lúc đó họ mới biết cái kẻ đêm qua ngủ nhà này có mạng làm vua. Mà trúng thiệt, về sau, Heo nổi loạn, lên làm vua. Cô kia thả tóc dài chấm vai, đi gặp, ảnh nhận làm vợ. [c]

__________
a. Mụn ruồi son báo điềm tốt xấu còn tùy ở nơi nào trên người.

b. Họ của người cha, họ của người mẹ, họ của người vợ.

c. Chuyện này không hẳn có liên quan gì tới vua Lê Tương Dực (1495–1516), vị vua chót của trào Hậu Lê mà có thực quyền, trước khi bị nhà Mạc tiếm ngôi năm 1527.

     43. Có mạng chết sớm (Morts prématurées)

     Xưa có nhà họ Liêu, đàn ông hễ tới ba mươi mốt tuổi là chết. Con cháu họ lo sợ, chẳng biết làm sao cho khỏi chết sớm. Lúc đó [nghe nói] có ông nào đó tên Lữ Vọng sống tới ba trăm tuổi. Ông này hay tới ngồi trên một tảng đá lớn mà câu cá. Ai cũng nói Trời chẳng có mắt khi một người sống lâu chừng dó còn những người khác chưa chi đã chết.

     Một anh họ Liêu chết sớm, xuống âm phủ liền đi kiếm Diêm Vương than chuyện đó và xin ổng tra xét nguồn cơn. Ảnh thắc mắc:

     ‘Vì sao Lữ Vọng sống hơn ba trăm tuổi, còn giòng họ tui sống chẳng quá ba mươi mốt tuổi?’

     Diêm Vương không tin trên đời từng có ai sống tới ba trăm tuổi, nên cho rằng anh kia nói dóc. Ổng nói:

     ‘Không làm sao có chuyện đó được. Ta cho mi hai thằng quỷ sứ, mi dắt chúng đi kiếm về đây cho ta tên Lữ Vọng để tra hỏi; nhược bằng mi nói láo, ta sẽ trị tội.’

     Hai thằng quỷ sứ theo anh họ Liêu tới một vùng đồi, nơi Lữ Vọng ở. Anh ta bắt đầu nghĩ coi làm sao chứng minh Lữ Vọng có ba trăm tuổi. Ảnh nói quỷ sứ núp vô, để một mình ảnh đi tới tảng đá nơi Lữ Vọng ngồi câu cá. Ảnh vòng tay, ra mắt, Lữ Vọng hỏi ảnh làm gì ở đó. Anh mọp xuống, đáp:

     ‘Dạ thưa cụ, số là cha của con hồi xưa, khi đi dọc bờ sông này, đã tìm thấy một tảng đá bự mà bốn mặt của nó phủ kín rêu [lichen]. Ổng dòm bên trong thì tảng đá có đủ màu, nên cá vô núp nhiều lắm. Nhờ vậy cha của con trở nên giàu có. Nay tới phiên con, thì không hiểu vì sao tảng đá mất tiêu, con kiếm nát mà chẳng thấy. Song le, con nghe người ta nói tảng đá đó đã trôi ngược dòng lên tới đây, vậy xin cụ chỉ giùm con tảng đá ở chỗ nào.’

     Lữ Vọng nói:

     ‘Đồ ngu! Ta đã sống và câu cá ở đây ba trăm năm nay, mà có thấy cục đá nào trôi ngược dòng bao giờ?’

    Ổng vừa dứt lời thì anh họ Liêu kêu quỷ sứ ra nói:

     ‘Lữ Vọng đây nè!’ Hai thằng quỷ sứ phóng tới chụp Lữ Vọng, ông này chết tức thì. [a]

__________
a. Một người nào đó có thể sống quá số tuổi đã định, bởi vì thuộc hạ của Diêm Vương, tức là quỷ sứ, thay vì bắt người đó thì bắt lộn người khác mà lúc đó vẫn được sống. Trưởng hợp này, âm phủ sẽ nhận lỗi và trả người chết (bị bắt lộn) về trần gian; đây là cách mà người bổn xứ giải thích chuyện kẻ chết sống lại [vì thực ra là chưa chết]. Còn ở chuyện này, âm phủ có lỗi là quên ghi tên Lữ Vọng vô sổ người chết [nên ông này mới sống lâu dữ]; dù vậy, ông này có chết thì người họ Liêu – kẻ đi kiện – cũng không được hưởng lợi gì hết (vẫn chết sớm như số đã định).

     44. Người nghèo đi kiện Ngọc Hoàng (Le pauvre qui porte plainte contre l’empereur céleste)

     Có hai đứa nhỏ mang cùng họ, sanh cùng làng, cùng giờ, cùng ngày, cùng năm. Ba má hai đứa này nói dù giàu dù nghèo thì mạng số của hai đứa là giống nhau mới phải [a]. Vậy mà [lớn lên] một đứa giàu lưu loát còn đứa kia nghèo sặc gạch.

    Anh nghèo một phần buồn bã một phần bị ba má ngầy ngà nên quyết lòng đi kiện Ngọc Hoàng. Ảnh đi suốt chín chục ngày vẫn chưa tới cung của Ngọc Hoàng. Lúc đó ảnh đang ở trên núi, bị muỗi bu chích. Ảnh chặt cây đốt lấy khói xua muỗi.

     Ai dè trong mớ cây đang cháy có trầm hương và kỳ nam [b], nên khói bốc lên có mùi thơm làm Ngọc Hoàng nghe thấy. Ngọc Hoàng sai Ông Địa đi coi chuyện gì dưới đó. Ông Địa gặp anh nghèo, hỏi sao đốt nhang, để sám hối hay làm gì đó. Anh kia nói:

     ‘Không. Tui đang muốn kiện Ngọc Hoàng, vì ổng thương ghét không đều, cho bạn tui giàu mà tui nghèo.’

     Ông Địa nói: ‘Đừng nóng. Để ta tâu Ngọc Hoàng xin cho mi một trăm tuổi.’

     ‘Tui không cần một trăm tuổi mà nghèo sặc gạch. Tui cần ba chục tuổi thôi, miễn cho tui giàu.’

     Ông Địa nói:

     ‘Được, để ta xin cho mi giàu.’

     Anh kia nói:

     ‘Ông cho tui đi theo đặng kiện Ngọc Hoàng, lỡ ông xí gạt bỏ đi đâu thì làm sao tui biết đường lên trển.

     Ông Địa nổi dóa:

     ‘Số mi nghèo, Ngọc Hoàng định vậy rồi, nói láng cháng ta tâu Ngọc Hoàng để mi nghèo hơn nữa cho coi.’

     Bị hăm, anh kia nắm tóc Ông Địa thoi mấy cái. Ông Địa thấy khó thoát, đành bỏ lại xác trong tay anh kia và xuất hồn bay lên gặp Ngọc Hoàng tâu lại cớ sự.

     Ngọc Hoàng cho anh này giàu, Ông Địa trở xuống báo ảnh hay, nhưng ảnh không tin. Ông Địa nói:

     ‘Mi không tin, ta cắn ngón tay lấy máu ghi mấy chữ cho mi làm bằng. Nếu ta nói gạt, mi đốt đi để kiện lên Ngọc Hoàng.

     Anh này tin lời, trở về, thành người giàu có. Tới hai mươi chín tuồi, ảnh nhớ ra còn sống một năm nữa mà thôi. Ảnh bèn đem hết của cải đi bố thí. Tới đúng lúc đã định, ảnh chết. May sao, những người mà ảnh đã từng cứu giúp, họ khấn cho ảnh dữ lắm, làm Ngọc Hoàng chạnh lòng . Bởi vậy Ngọc Hoàng cho ảnh sống tới một trăm tuổi mà vẫn giàu.

__________
     a. Theo cách bói Tử Vi và Tử Bình thì những ai sanh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, ắt sẽ có cùng một lá số, tiên đoán cuộc đời như nhau.

     b. Trầm hương (agarwood) là phần lõi gỗ bị thấm một thứ nhựa đen thơm, tạo ra trong ruột của những loài cây rừng Aquilaria spp, ở họ Thymelaeaceae (Trầm), thí dụ A. crassna và A. banaensae ở Việt Nam, gọi chung là ‘dó’. Kỳ nam (calambac) là một thứ trầm dẻo và hiếm.

     4.3. Việc may

     45. Thầy hít (Le faux devin)

     Nhà kia nghèo, anh chồng làm biếng mà nói như pháo nổ.

     Bữa nọ chị vợ kêu ảnh đi kiếm chuyện mần, ảnh đi nhưng chẳng mần gì hết, chặt một khúc tre rồi về. Ảnh chưa vô nhà, mới tới sau vách. Chị vợ bữa đó mua năm cái bánh, cho con ba cái, biểu chúng cất hai cái vô hũ gạo chừa cho ba. Anh chồng nghe thấy, chờ một chút, bước vô, nói với vợ:

     ‘Mình ơi, tui có phép bói chỗ người ta giấu đồ, nhờ khúc tre này. Mình giấu thứ gì, tui bói cho coi.’

     Chị vợ kêu tìm hai cái bánh, tức thì ảnh bói ra liền, trong hũ gạo. Chị này đi khoe với lối xóm rằng chồng mình mới học được phép bói chỗ giấu đồ. Một bà hàng xóm bị mất lứa heo con, liền nhờ ảnh bói. May sao, lúc nãy trên đường về nhà, ảnh có thấy một bầy heo trong bụi. Ảnh hỏi bà kia:

     ‘Nếu tui bói ra, bà trả bao nhiêu?’

    Bả hứa trả hai con. Ảnh dắt bả thẳng ra cái bụi cây có bầy heo ở trỏng. Chị vợ mừng rơn, qua nhà ba má mình kể chuyện. Ổng bả nói:

     ‘Vậy con kêu nó qua đây, ba má giấu chút tiền trong cái góc đó, nếu nó tìm được, ba má cho nó nửa gia tài.’

     Anh chồng đi theo đằng sau vợ [mà chị này đâu biết], nên ba má vợ nói gì ảnh nghe lỏm hết ráo. Ảnh chạy vắt giò lên cổ về nhà, khi chị vợ về tới thì ảnh giả đò mới ngủ dậy. Ảnh đi với vợ qua nhà ba má vợ, tìm ra chỗ giấu tiền.

     Sau đó người ta đồn rùm cái tài của ảnh. Nhà vua gọi ảnh tới cung. Số là vua Tàu có biếu cho vua mình một con rùa bằng vàng và một con rùa bằng bạc, nhưng không biết đâu mất tiêu. Hai con rùa này bị hai tên đầy tớ trong cung lấy trộm chớ chẳng có gì lạ, một đứa tên Bụng, đứa kia tên Dạ [a]. Cũng là hai đứa này được vua sai khiêng kiệu đi đón anh thầy bói. Anh này buồn so, nghĩ phen này thôi rồi. Bởi vậy, khi kiệu đang ở trên cầu, ảnh phóng xuống sông. Hai tên khiêng kiệu sợ mắc tội làm chết ảnh, vội kéo ảnh lên bờ. Ảnh đẩy ra, nói ảnh tính xuống dưới để hỏi thần sông coi ai ăn trộm hai con rùa. Ảnh nhảy xuống sông cái nữa, lát sau hai tên khiêng kiệu cũng nhảy xuống kéo ảnh lên. Thấy khó thoát, ảnh buông mình vô kiệu, rồi, trong cơn lo rầu, ảnh than ra tiếng: ‘Thôi bụng làm thì dạ chịu.

     Hai tên khiêng kiệu tưởng ảnh đã biết chúng ăn trộm, nên đặt kiệu xuống, quỳ nói:

     ‘Thưa thầy, con là Bụng, thằng này là Dạ, tụi con giấu hai con rùa trong cái máng xối; thầy lấy rùa rồi thì làm phước đừng nói cho ai biết tụi con.’

     Anh này chịu liền. Ảnh kiếm thấy hai con rùa giấu trong máng xối. Nhà vua khen ảnh có tài, trọng thưởng.

     Lúc đó vua Tàu cũng bị mất đồ quý. Nghe đồn ở An Nam có ông thầy tài, nên mời ảnh qua bển. Ảnh sợ kỳ này sẽ hết vận tốt, nên lặn xuống sông quệt mũi vô một cục đá sắc cạnh để cho đứt một bên mũi. Trở lên bờ, ảnh nói ảnh bị cá nóc [b] cắn đứt mũi nên bị mất phép hít rồi. Nhờ vậy ảnh khỏi bị đưa đi thử tài thêm lần nào nữa. [c]

__________
     a. Từ rún trở lên kêu là bụng, từ rún sấp xuống kêu là dạ, nói chung thì là bụng.1 Trương
Vĩnh Ký có chuyện ‘Bụng làm dạ chịu’
2 ngắn hơn chuyện này.

     b. Việt Nam có 4 họ cá nóc: Ostraciidae (boxfishes), Triodontidae (threetooth puffer), Tetraodontidae (pufferfishes) và Diodontidae (porcupinefishes). Cá nóc có chất độc tetrodotoxin, dù vậy một số loài cũng có thể dùng làm đồ ăn.3

     c. Ở phần đầu, vai chánh nói rằng ảnh bói ra chỗ giấu đồ nhờ cây tre, nhưng ở phần chót, ảnh nói nhờ dùng cái mũi để hít.

     Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả xem tiếp:

Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)

Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com, năm 2022

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

__________
ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)” do tác giả viết (năm 2022) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.

https://thanhdiavietnamhoc.com/antony-landes-voi-chuyen-dan-gian-nguoi-viet-phan-3b/

..




Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)

Tác giả bài viết:  ĐỖ NGỌC GIAO

5. Chương Q ‘Rewards and Punishments’

     Chương này có 5 nhóm motif:

Q0
Q10–Q99
Q100–Q199
Q200–Q399
Q400–Q599
thưởng và phạt
việc tốt được thưởng
điều thưởng
việc xấu bị phạt
hình phạt
rewards and punishments
deeds rewarded
nature of rewards
deeds punished
kinds of punishment

     5.1. Thưởng và phạt

     46. Thành hoàng phò hộ (Protection des génies)

     Cô kia bảnh gái, tuổi chừng mười bảy mười tám, chưa chồng. Ngày nào cổ cũng tới đền thắp nhang khấn thành hoàng cho lấy chồng làm quan.

     Ngày nọ có tên bán nhang tên Mổng đi ngang nghe lỏm lời cô này khấn. Hôm sau y núp trong đền, khi cô này vô thắp nhang, y làm như y là thành hoàng, lớn giọng nói rằng:

     ‘Số con phải lấy người bán nhang tên Mổng, về sau người đó sẽ làm vua.

     Cô kia đáp:

     ‘Dạ xin thần xét, Mổng là người nghèo mà ác, không hợp với con chút xíu nào.

     Giọng kia nói:

     ‘Ta định như vậy rồi. Nếu con không nghe, ta sẽ kêu tả quan hữu quan [a] bắt con móc mắt, chừng đó thì khó cho con nghen.’

      Cô này sợ, chịu lấy Mổng làm chồng, ra khỏi đền đi kiếm Mổng. Gặp y, cổ kể lại mọi chuyện. Mổng ban đầu nói đôi lời từ chối, nhưng cổ nài nỉ làm y xiêu lòng và để cổ vô trong thúng, vác về nhà mình.

     Giữa đường Mổng gặp hoàng tử đi săn cọp. Y sợ, bỏ thúng đó, vô bụi núp. Hoàng tử giở nắp thúng, thấy một người con gái đẹp ở trỏng. Nghe cô này kể lại đầu đuôi, hoàng tử chọn cổ để lấy làm vợ, rồi bỏ con cọp mới săn vô trong thúng, đậy lại.

     Thấy không còn ai, Mổng trong bụi chun ra, vác thúng về. Tới nhà, y nói bà má nấu đồ cúng để y thưa với ông bà hôm nay y cưới vợ. Nhưng khi mở nắp thúng ra, chẳng có con vợ nào hết mà có một con cọp nhảy ra vật y gãy cổ.

___________
a. Tức là hai ông ‘hộ pháp’ trong đền/chùa.

     5.2. Việc xấu bị phạt

     47. Trời phạt (Châtiment ce1leste)

      Có hai vợ chồng làm giàu bằng cách cho vay. Họ có hai con, một trai một gái. Khi ba má qua đời, hai anh em ở với nhau. Đêm nọ, năm 1872, ngoài trời đang có bão, cô em bận đồ tính ra ngoài. Anh hỏi đi đâu, em nói ra ngoài có công chuyện. Anh không muốn cho ra, em đòi ra cho được.

     Đêm đó cô em không vô nhà. Sáng sau người ta đi kiếm, thấy cô ở trong một cái đồng, làm như bị đất nuốt tới lưng. Cô vẫn còn sống, la lớn:

     ‘Năm xấu, ba tốt! Lúa chiêm Iộn với lúa mùa!’

      Đất quanh chỗ đó thì nóng hực nên không ai tới gần cứu cô được. Cô cứ ở đó nói tới nói lui mấy lời như vậy, tới chiều thì cô chìm hẳn vô trong đất. Rồi mặt đất khép lại, đen sì, chắc như đá, lấy rìu bổ xuống dội lên.

     Chuyện này cho thấy cha mẹ mắc nợ thì con cái phải trả. Cha mẹ có đức thì con cái được nhờ, cha mẹ làm ác thì con cái chịu tội [a].

*
**

     Có bốn người bạn, trong đó một người giàu. Ba người nghèo thì thương nhau như anh em. Một người trong đó là em ruột của người giàu. Ngày nọ anh giàu tới nhà một anh nghèo nói: ‘Mày nghèo, tao cho mượn hai chục quan đi buôn nghen.’ Anh nghèo chịu, nhận tiền đi buôn.

     Anh giàu chẳng tốt lành gì đâu. Số là vợ ảnh xấu hoắc, mà vợ bạn tươi đẹp, nên ảnh muốn gạt bạn qua bên để giựt vợ bạn. Tính vậy rồi, ảnh giết vợ mình, chặt đầu giấu trong lẩm lúa, còn xác thì đem đi quăng vô nhà bạn. Rồi đưa vợ của bạn về giấu ở nhà mình. Nhà ảnh có một con sen, ảnh sợ nó biết chuyện ảnh làm, nên gạt nó uống một thứ thuốc làm câm, cho nó khỏi nói. Anh nghèo kia đi buôn về nhà, thấy xác đàn bà, tưởng là vợ mình. Quan cho bắt ảnh, buộc tội giết người, xử tử. Bà mẹ của ảnh chạy khắp nơi vay một ngàn quan để chuộc mạng cho con, nhưng không được.

     Trên đường đi, bà này đang khóc thì gặp hai người bạn [nghèo] của con mình, họ hỏi duyên cớ. Bả kể chuyện, hai anh kia nghe xong tính nhận tội giết người để cứu bạn. Họ đi gặp quan, rồi người này tố cáo người kia. Con sen biết họ không có tội, nên ra dấu cho họ đừng làm vậy. Ông quan để ý thấy con sen ra dấu, nghi rằng nó biết điều chi không chừng. Bèn cho con sen uống thuốc trị chứng câm, sau đó nó kể lại đầu đuôi câu chuyện và nói cái anh bị buộc tội thì không phải là người có tội.

      Quan xử chém đầu kẻ giết người [tức là anh giàu], nhưng rồi nhờ đám bạn tha thiết nài xin nên ảnh được quan tha cho. Có điều, khi ảnh ra khỏi cửa quan thì bị sét đánh chết tươi và xác ảnh bị cọp tới tha đi nuốt sạch.

__________
a. Nói cách khác: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.

     48. Thành hoàng với đứa nhỏ có mạng lớn (Respect d’un génie pour un enfant prédestiné)

     Ở tỉnh Nghệ An, làng Cẩm Lâm, có vợ chồng ông Mai văn Đạo và bà Hồ thị Nghi, nhà nghèo, vô núi chặt cây lấy củi. Khi bốn chục tuổi, họ sanh con trai. Thằng này từ lúc lên bảy đã có tài làm ai nấy phục lắm. Gần nhà họ có đền thờ thành hoàng, thằng nhỏ hay tới sân đền chơi với bạn. Tối nọ, ông từ trong đền nằm ngủ, mơ thấy thần nói rằng:

     ‘Làng này có người đậu trạng nguyên, là con của Mai văn Đạo đó. Nó hay tới chơi trước cửa đền, làm ta phải đứng miết để chào, thiệt là mệt mỏi. Vậy nhờ ông nói hương cả làm cho tấm màn cao chừng hai thước [tây] che lại cửa đền, để tôi lánh mặt nó, khỏi phải đứng nữa.’

     Ông từ báo cho các hương chức hay, ban đầu họ không tin nên họ đích thân vô trong đền ngủ. Họ nằm mơ thấy thần nhắc lại lời nói hôm trước, còn thêm rằng thằng nhỏ sẽ thi đậu khi lên mười tám. Hương cả liền cho làm tấm màn, để thần ở bên trong không thấy bên ngoài.

     Song le, dân làng nhiều kẻ xấu bụng nghe thằng nhỏ có mạng làm quan thì ganh ghét nên bắt đầu tìm cách phá hại cả nhà nó. Sau, hương cả và ông từ cùng nằm mơ thấy thần hiện ra lần nữa, nói:

     ‘Thôi mấy ông dẹp tấm màn đi, dân làng này có ác tâm, khiến Trời phiền lòng nên nay mai Trời sẽ gọi trạng nguyên về.’

     Mấy ngày sau, thằng nhỏ chết, từ đó làng này không bao giờ còn ai đi thi đậu nữa.

     49. Đoán mộng (Explication d’un rêve)

      Có hai anh học trò tên Nguyễn Xuân Quan và Huỳnh Văn Trung, bà con với nhau, học cùng trường, cùng đi thi một kỳ ân khoa [a] năm Mậu Thân. Hai anh trọ chung nhà. Đêm đó Quan ngủ mơ thấy mình nuốt vô miệng hai trái núi. Hôm sau kể Trung nghe, anh này cười. Nhưng Quan thì lo, đi kiếm thầy bói đoán mộng cho mình. Thầy gieo quẻ, giảng đó là điềm lành: cắn một miếng nuốt hai trái núi tức là đậu hai lần thủ khoa.

     Quan mừng khấp khởi, về kể Trung nghe lời thầy đoán mộng. Anh này chẳng những vẫn cười mà còn muốn giễu thầy bói, nên tới nhà thầy kể rằng ảnh cũng nằm mơ thấy mình nuốt hai trái núi. Ông thầy nhận tiền, gieo quẻ rồi nói Trung:

     ‘Chú em có ý bất kính, muốn lừa cả thần thánh, chú em sẽ thi rớt khoa này.’

     Trung về nhà, đút hai cái nút áo vô hai bên miệng, làm hai chỗ đó bị loét nặng, rồi bởi vậy mà chết [b]. Quan thi đậu như lời thầy đoán mộng.

__________
a. Nói chung, hệ thống khoa cử nho học chính thống xưa bao gồm thi Hương, thi Hội và thi Đình. Cứ 3 năm thì tổ chức một kỳ thi Hương, năm trước thi Hương thì năm sau tổ chức thi Hội, thi Đình. Ngoài ra, nhà nước phong kiến còn tổ chức các kỳ thi đặc biệt để tuyển chọn nhân tài vào một số dịp đặc biệt nằm ngoài quy định khoa cử nho học thông thường gọi là Ân khoa và Thịnh khoa. Ân khoa thường áp dụng với kỳ thi Hương, Thịnh khoa thường áp dụng với kỳ thi Hội, thi Đình…4

b. Hai cái nút áo này chính là hai trái núi mà Trung nói đã nằm mơ thấy mình nuốt.

6. Chương A ‘Mythological Motifs’

     Chương này có 10 nhóm motif:

A0–A99
A100–A499
A500–A599
A600–A699
A700–A799
A800–A1199
A1200–A1699
A1700–A2599
A2600–A2799
A2800–A2899
Ông Tạo
Chúa, Thần
lớp giữa thần với người
vũ trụ
bầu trời
trái đất,…
tạo ra con người,…
tạo ra con vật,…
tạo ra cây cối,…
những ý khác
Creator
Gods
demigods and culture heroes
the universe
the heavens
the earth,…
creation of man,…
creation of animal life,…
origin of trees and plants,…
miscellaneous explanations

    6.1. Chúa, Thần

     50. Thần núi Tản Viên (Le génie de la montagne Tản Viên)

     Ở tỉnh Hà Nội có núi Tản Viên [a], cao bao nhiêu chẳng rõ. Tầng cao nhứt đất đỏ, tầng thứ hai cũng đỏ, tầng thứ ba người lên được, có một cái chùa bằng đá, trong đó có một cái bàn và một pho tượng cũng bằng đá. Thần núi này hiển linh lần đầu hồi trào Lý. [Lúc đó] quân Tàu xâm lấn An Nam, thần hiện ra ban một lời sấm khiến cho họ hoảng kinh quay về. Vua xứ An Nam làm lễ cúng tạ ơn thần, mà chẳng ai biết tên hiệu là chi.

     Từ đó việc thờ cúng không hề xao lãng; mỗi khi nước nhà gặp nguy thì nhà vua sai một vị thượng thơ có đức tới xin thần ban sấm. Thần hiện hình người, đủ dạng nam phụ lão ấu, trao một tờ sấm ngôn cho vị đó rồi biến mất. Sấm của thần luôn nói trúng.

     Mỗi năm, ngày ba mươi tháng chạp, người ta rèn một trăm cái lưỡi rìu để cúng thần. Những cái lưỡi rìu cúng năm trước hết thảy đều biến mất, không hiểu vì sao. Đời vua Tự Đức năm thứ ba [b], quan tổng đốc Nguyễn Đăng Giai [c] biết có loạn ở Sơn Tây. Quan dẫn ba ngàn quân tới Sơn Tây, nửa đường thần núi Tản Viên hiện ra thành một ông già chống gậy, đứng giữa lộ chặn ngang. Quân xua ông già đi, quan tổng đốc tới xem, thấy vậy, hỏi ông già muốn gì. Ông già nói:

     ‘Ngài không biết ta à? Ta ở núi Tản Viên. Ta mến ngài có đức, nên tới đây cho biết đôi điều.

     Ông già đưa cho quan một tấm giấy viết chữ như vầy: ‘Số ngài đã tận, nên kíp trở về.’ Nguyễn Đăng Giai nghe theo, về tới nhà mắc bịnh qua đời [d].

     Sau, tổng đốc Viêm [e] muốn lên tầng giữa trên núi, sai ba trăm quân mở đường, vì xưa nay không có lối lên. Hết năm ngày dốc sức, họ vẫn chưa nhích lên được chút nào. Thần hiện ra nói với tổng đốc:

     ‘Trên đỉnh núi là nơi thần ngự, người phàm không được phép lên đó. Nếu bỏ qua lời ta, ngài khó giữ mạng.

     Tổng đốc sợ hãi, nên thôi.

___________
      a. Ở thời Pháp, tỉnh Sơn Tây gồm có thị xã Sơn Tây, hai phủ Quốc Oai, Quảng Oai, và bốn huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Tùng Thiện, Bất Bạt. Giữa hai huyện Tùng Thiện và Bất Bạt là núi Ba Vì với một đỉnh là Tản Viên cao 1281 m. Thờ thần Tản Viên có bốn đền kêu bằng Đông cung (đền Và), Tây cung, Nam cung ở tỉnh Sơn Tây, và Bắc cung ở tỉnh Vĩnh Yên kế bên, chưa kể những đền khác. Xem thêm sự tích Thần núi Tản Viên trong Sơn Tây tỉnh địa chí của Phạm Xuân Độ (1941).

     b. Vua Tự Đức lên ngôi năm 1848, mất năm 1883, là vị vua chót của xứ An Nam [mà có thực quyền, xét theo hiệp ước Harmand 1883].

     c. Phần 1 bài này, chuyện ‘Ngô Bát Ngạo’, có nhắc tới Nguyễn Đăng Giai.

      d. Quan tổng đốc hẳn không muốn chết đường chết sá như những kẻ bần cùng đạo tặc.

     e. Hoàng Kế Viêm (1820–1909), người Quảng Bình, con rể vua Minh Mạng (1791–1841), Tổng thống quân vụ Bắc Kỳ, đóng ở ngay đền Và.

     6.2. Bầu trời

     51. Sao hôm sao mai (L’étoile du soir et l’étoile du matin)

     Xưa có một dòng suối ở nơi hẻo lánh mà mấy nàng tiên hay xuống tắm. Ngày nọ, một anh tiều phu lạc đường tình cờ tới đó thấy tiên. Họ tắm trần truồng dưới suối, áo xống cởi hết ra máng trên cây bên bờ. Tắm xong, họ rũ nước lên bờ bận đồ bay đi.

     Còn một nàng ở lại.

     Anh tiều phu dòm quanh, không thấy ai, tới lấy bộ đồ của nàng tiên, chạy đi. Nàng rượt theo, xin trả lại đồ cho mình bận rồi về; nhưng ảnh muốn giữ nàng lại làm vợ nên chẳng thèm nghe. Nàng đành đi theo. Về tới nhà, ảnh đem bộ đồ của nàng nhét dưới bồ lúa, giấu.

     Nàng tiên ở với anh tiều phu mấy năm, được đứa con ba tuổi. Ngày nọ, lúc chồng đi vắng, nàng bán sạch lúa, tìm thấy bộ đồ của mình trong bồ. Mừng rỡ, nàng lấy bận vô, gài cái lược của mình lên cổ áo thằng con, nói với nó:

     ‘Thôi con ở lại, mẹ là người tiên, cha là người phàm, hai đàng không được phép ở với nhau mãi.’

     Nàng ôm con khóc một hồi rồi bay đi.

     Anh kia về, nghe con khóc, mới hỏi bà nội rằng mẹ nó đâu. Bà nói đã nửa ngày không thấy. Ảnh ngờ một chuyện, liền đi thăm bồ lúa thì thấy trống trơn và bộ đồ của nàng tiên cũng mất tiêu. Bà nội nói mẹ nó đã bán hết lúa. Khi thấy cái lược gài trên cổ áo thằng con, ảnh hiểu nàng tiên đã bỏ mình mà đi.

     Từ đó ảnh buồn chi xiết; dắt con trở ra dòng suối chẳng thấy tiên xuống tắm nữa mà thấy tỳ nữ của tiên xuống lấy nước thôi. Nghe khát, ảnh xin họ nước uống, kể họ nghe chuyện mình. Chờ cha kể xong, đứa con bỏ cái lược vô một thùng nước.

     Tỳ nữ đem nước về xài cạn thùng thì thấy cái lược trong đó. Chủ của họ, tức là nàng tiên trong chuyện này, hỏi cái lược ở đâu ra, họ nói không biết. Tiên hỏi họ có gặp ai bên dòng suối, họ nói thấy một anh dắt theo đứa nhỏ xin họ nước uống và cho biết anh này lâu nay đang đi tìm vợ nhưng không gặp. Tiên làm phép vô một cái khăn tay, đưa cho tỳ nữ, nói họ trở xuống dòng suối, nếu anh kia còn đó thì nói ảnh đội khăn này lên đầu rồi đi theo họ. Tỳ nữ nghe lời, và dẫn chồng con của tiên trở lên.

     Vợ chồng gặp lại, mừng rỡ. Một hồi, chồng hỏi vợ sao nỡ bỏ mình mà đi như vậy, nàng nói:

     ‘Người phàm kẻ tiên không được ở với nhau hoài, nên em đành đi; nhưng biết mình buồn, em mới đưa mình lên đây cho nguôi. Giờ mình phải về.’

     Anh chồng rầu rĩ không muốn xa vợ. Nàng khuyên rằng:

     ‘Thôi mình về, rồi em sẽ xin phép Bụt cho xuống trần ở với mình; bữa nay thì em không dám, vì em mới về chưa lâu.

     Anh chồng nghe lời. Nàng tiên bảo tỳ nữ để cho ảnh và đứa con ngồi trên một cái trống rồi cột vô dây thừng giòng xuống. Nàng đưa cơm cho con ăn, dặn chồng hễ tới đất thì đánh trống hai lần để tỳ nữ biết mà cắt dây.

     Họ khóc, chia tay, và tỳ nữ thả dây. Khi cái trống xuống được nửa chừng thì một bầy quạ bay ngang thấy thằng nhỏ đang ăn cơm làm rớt cơm trên mặt trống, liền xúm vô mổ [làm bật ra tiếng trống]. Nghe tiếng trống, đám tỳ nữ tưởng họ đã tới đất, liền cắt dây, hai cha con rớt xuống biển cái ùm, chết luôn.

     Bầy quạ thấy vậy kêu nháo nhác bay đi. Phật Bà nghe tiếng quạ, gọi các tiên tới hỏi, mới biết vì sao anh này chết. Ngài bèn phạt, biến nàng tiên kia thành sao mai, và hai cha con anh nọ thành sao hôm [a]. Mỗi năm, ngày rằm tháng bảy, đám tỳ nữ phải cúng giỗ một lần. Ngày này, bầy quạ phải xếp hàng nối lại thành một cái cầu cho hai vợ chồng và con trai của họ đi qua gặp nhau. Bởi vậy đầu quạ trụi lủi [b].

     Nghe nói ngày nay ở đâu đó người ta vẫn cúng ngày giỗ nói trên. Sao mai mọc buổi sáng, sao hôm mọc buổi tối, đó là hai vợ chồng tìm nhau trên trời nhưng không bao giờ thấy nhau. [c]

___________
     a. Gọi ‘sao mai’ và ‘sao hôm’ nhưng thực ra đó là hành tinh Venus trong thái dương hệ nhìn thấy ở hai lúc khác nhau mà thôi.

     b. Có một số loài chim bị ‘hói đầu’ tự nhiên, thí dụ gà tây (turkey), nhưng chim nói chung, không kể chim con, đều có thể trụi lông đầu vì bị ve (mite) cắn, chẳng hạn.Hai loài quạ ở Việt Nam: quạ đen (large-billed crow, Corvus macrorhynchos) và quạ khoang (collared crow, Corvus torquatus), thì không bị ‘hói đầu’ tự nhiên.

      Ấu học quỳnh lâm (sách Tàu thời nhà Minh) có chuyện Chức Nữ – Khiên Ngưu mỗi năm được Thiên Đế cho gặp nhau một lần đêm bảy tháng bảy.

     c. Landes còn ghi thêm một câu chuyện khác, đại khái kể rằng hai anh em ruột không nhận ra nhau nên lấy nhau và đẻ con, rồi người anh nhận ra em mình và bỏ đi, rốt cuộc, sau khi chết, người chồng biến ra sao Mai, người vợ biến ra sao Hôm, đứa con biến ra sao Đòn Gánh [có lẽ ý nói chòm sao Libra].

     52. Thằng Cuội (L’homme de la lune)

     Hai anh em làm một cái bè đi rừng đốn củi. Người anh vô chặt cây, người em ở coi bè. Người em thấy trong bụi có một con cọp non, tưởng đâu con chó nên bắt đem cạo lông, tính nấu. Lúc đó, người anh trong rừng ra, thấy biết là cọp, biểu em đem nó vô bụi trả lại không thôi làm cọp mẹ nổi hung thì ngặt.

     Người em nghe lời, đem cọp non bỏ lại vô bụi. Người em đi ra thì cọp mẹ về, thấy con nó đã bị cạo lông sạch nhách, chết rồi. Cọp mẹ bứt một mớ lá cây, nhai mấy lá nhả trên mình cọp non, con này sống lại liền, rồi chúng bỏ đi, để lại mớ lá còn dư.

     Người anh núp trên cây thấy hết, xuống lượm mớ lá, trở ra bè, không cho người em biết. Trên đường về, họ gặp xác một con chó sình chương nổi phều trên mặt nước. Người anh nhai mấy lá nhả trên mình con chó, chó đứng dậy đi theo họ.

     Con chó này khôn lắm. Bữa nọ nó nghe ông già kia nhà giàu khóc than đứa con gái mới chết rồi nói phải chi có ai làm con gái ổng sống lại thì ổng sẽ cho người đó lấy làm vợ và còn cho luôn gia sản. Con chó đi kiếm chủ nó, cắn vạt áo kéo ảnh đi tới nhà ông già. Ảnh cứu sống cô con, được lấy cô này và cả gia sản của ông già.

     Ảnh đưa vợ về nhà. Ảnh [lấy nhánh cây thuốc] trồng nên một cây đa, dặn vợ nếu ảnh đi vắng thì nhớ tưới nước cho cây. Tụi kia thấy ảnh có phương thuốc hay thì ganh, nhằm bữa ảnh vắng nhà, chúng bàn nhau giết vợ ảnh để coi ảnh cứu được hay chăng. Ảnh về nhà thấy vợ chết, cứu vợ sống lại dễ ợt. Tụi kia thấy vậy rởn ốc nhưng vẫn muốn thử tài của ảnh lần nữa, lần này giết cô vợ rồi mổ bụng lấy hết bộ đồ lòng đem quăng chỗ khác. Anh chồng về thấy vợ chết mà mất bộ đồ lòng, thì không biết lấy gì thế vô. Ảnh gọi con chó, nói:

     ‘Tao đã cứu sống mày, bây giờ vợ tao mất bộ đồ lòng mà không biết lấy gì thế vô. Thôi mày nằm xuống, tao lấy bộ đồ lòng của mày nghen.’

     Con chó nghe lời chủ, anh này lấy bộ đồ lòng của chó thế vô cho vợ mình. Rồi lấy lá đa nhai nhả trên mình vợ cho sống lại. Bởi vậy [người ta nói] đàn bà có ‘lòng muông dạ chó’ và con chó nghe mọi tiếng dội từ mặt đất trong mình nó dù tiếng nhỏ hay lớn.

     Ngày nọ, anh chồng đi vắng, có nhắc vợ tưới nước cho cây. Cô này quên phứt, nhưng thấy chồng về thì nhớ ra liền chạy tới ngồi xổm ngay gốc cây mà đái xuống đất. Cây đa bị trúng chất dơ, [bật gốc] bay đi. Anh chồng vọt chạy theo, quơ rìu ráng chặt mấy nhát [để lấy nhánh trồng lại], nhưng rìu ghim chặt vô gốc cây kéo ảnh bay lên tới mặt trăng cùng với cái cây, mà về sau người ta kêu bằng ‘cây đa thằng Cuội’ [a].

     Người ta nói cây đa mọc trên núi. Hàng năm lá đa rơi trôi ra biển cho cá heo nuốt.

     Người ta cũng nói: ‘Cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán.’ [b] Rõ ràng là vậy: anh này cứu con chó thì chó giúp ảnh lấy vợ, nhưng cứu cô vợ thì vợ làm ảnh mất cây đa.

___________
     a. Thằng Cuội còn gọi Thằng Cội, là hình người với cây trên mặt trăng. Tiều phu chặt cây trên núi nghe tiếng rìu mình chặt dội lại thì nói đó là tiếng thằng Cuội chặt cây đa. Ấu học quỳnh lâm kể chuyện một người tên Ngô Cang bị đày lên mặt trăng để chặt một cái cây cao năm chục trượng mà hễ chặt vô là cây liền da tức thì.

      Dân gian cũng ví nói dối như Cuội. Con nít chơi đêm sáng trăng thì ca: ‘Cuội ơi, xuống đây ta may quần tía, cái áo nọ, cái áo này, nè Cuội!’

     Người ta cắt nghĩa cái tên Thằng Cội là vì anh này bị gốc (cội) của cây đa xòe rễ quấn chặt cho tới khi lên tới mặt trăng mới nhả ra.

      b. Ta còn gặp motif này trong những chuyện khác.

     6.3. Tạo ra con vật

     53. Chó, vịt và chim (Le chien, le canard et les oiseaux)

     Ban sơ, khi trời đất mới tạo ra những con này con nọ, thì chúng chưa được như bây giờ: con thì thiếu chưn, con thì thiếu cánh. Có ba ông thần Lý Bạch, Hớn Chung Ly, Lữ Đồng Tân, từ trên trời xuống rừng, truyền cho hết thảy muông thú tới ra mắt mấy ổng trong vòng ba ngày, con nào còn thiếu thứ gì thì sẽ được bù cho thứ đó.

     Qua ba ngày, mọi việc xong xuôi, thì con vịt với con chó mới biết, vịt mới có một chưn, chó mới có ba chưn. Chúng liền tới nơi đã định, mỗi con xin thêm một chưn, nhưng thần nói chưn cấp hết rồi. Dù vậy, nghe hai con tha thiết nài xin, thần thấy tội nghiệp nên bẻ hai cái chưn bàn làm phép đưa một cái cho vịt và một cái cho chó. Thần dặn vịt: ‘Khi ngủ, con chớ để chưn này chạm đất, nếu dính đồ dơ, chưn biến mất, thì con ráng chịu.’ Thần cũng dặn con chó y vậy, cho nên [ngày nay] vịt co một chưn khi ngủ còn chó nhấc một chưn [khi đái].

     Chó với vịt ra về, trên đường, gặp chiền chiện, ốc cau, đỏ nách [a] là ba thứ chim còn thiếu chưn. Chó với vịt giục ba con này đi lẹ gặp thần xin bù thêm chưn. Ban đầu thần không chịu, nhưng rồi cũng chịu, lấy mấy cọng chưn nhang khét lẹt làm chưn cho ba con chim. Chúng nói chưn đó tong teo, sợ gãy.

     Thần nói: ‘Đừng sợ. Hễ muốn đậu thì con nhún chưn ba lần coi nó còn chắc rồi đậu, nếu chưn gãy thì thần đổi cho cái khác.’ Bởi vậy, ngày nay, mấy thứ chim này nhún chưn ba lần khi đậu.

__________
     a. Landes dẫn Tirant (18481899)cho biết, ở Nam Kỳ, thời đó, ‘chiền chiện’ là tên gọi 3 loài chim ‘pipit’ (họ Motacillidae): Anthus cervinusA. richardiA. rufulus, ‘ốc cau’ là tên gọi 3 loài chim ‘plover’ (họ Charadriidae): Charadrius leschenaultiiC. mongolusC.dubius, ‘đỏ nách’ là tên gọi 1 loài chim ‘wader’ (họ Glareolidae): Glareola orienlalis [G.maldivarum].

     Song le, thời nay không hiểu vì sao mà gọi khác hết trơn: các loài Anthus gọi là ‘manh’, các loài Charadrius gọi là ‘choi choi’, còn ‘đỏ nách gọi trại đi là ‘dô nách’.

     54. Vì sao có cá heo (L’origine du marsouin)

     Nhà kia nghèo có hai con, một trai một gái, đứa trai ở nhà mình, đứa gái ở đợ nhà khác. Gặp loạn, mỗi nhà giạt một nơi, bặt tinNgày nọ, cô con đi lấy nước thì gặp anh mình, mà cả hai chẳng nhận ra nhau. Người anh đưa đẩy:

     ‘Nước trong cái gầu này đẹp ghê hén!’

     Cô em nói:

     ‘Đẹp mà chẳng dành cho anh đâu.’

     Người anh sượng mặt, kêu ba má nhờ đi nói người chủ cô kia gả cổ cho mình.

      Đám cưới xong, hai vợ chồng ngồi bắt chí, chồng thấy trên đầu vợ có cái thẹo, mới hỏi thì vợ nói hồi nhỏ chơi với anh mình bị ảnh chọi cục đá trúng đầu. Nghe vậy người chồng biết đã lấy [lầm] em ruột làm vợ. Ảnh thấy bậy hết sức, nhưng chẳng ngu gì để lộ ra chuyện này. Ảnh xin ba má sắm một cái ghe để đi buôn [lấy cớ tránh mặt mọi người].

     Ảnh lên đường, tới trước nhà vợ chồng con mẹ lường thì thả neo đậu. Chúng mời ảnh vô chơi, tới đêm biểu đầy tớ đem một con rùa bằng vàng bỏ dưới ghe của ảnh. Sáng sau chúng đổ cho ảnh đã lấy trộm con rùa vàng dù ảnh chối bai bải. Mẹ kia nói:

     ‘Bây giờ mình cuộc cái chơi. Nếu con rùa không có dưới ghe chú em, thì chú lấy hết gia sản của tui, còn nếu có nó ở dưới, thì cái gì của chú là tui lấy hết, vậy nghen?’

     Tin chắc mình không lấy, anh này chịu đánh cuộc. Kêu một ông hương trong làng tới làm chứng, xuống lục ghe, thì thấy con rùa vàng, nên con mẹ lường lấy hết chiếc ghe và bắt ảnh làm đầy tớ.

     Ba năm trôi qua, cô kia không thấy chồng về. Ngày ngày ra bờ biển chờ, bữa nọ cổ thấy một trái nho bập bều trên mặt nước trôi tới chỗ mình đứng [a], mà hễ cổ đẩy đi thì nó trôi trở lại. Cổ lượm trái nho lên, thấy thơ của chồng mình gởi, nói ảnh đã bị vợ chồng con mẹ lường làm hại. Ảnh nói trong nhà chúng có một con rùa bằng vàng dùng làm mồi để gạt ảnh, với hai con mèo biết đội đèn cầy trên đầu, và một cái cây héo đem trồng vô chỗ đó chỗ đó thì sống lại.

     Cô này giấu ba má cái thơ, nhưng xin ba má cho đi tìm chồng. Cổ sắm ghe, đem theo bầy chuột với ông thợ bạc. Rồi tới trước nhà vợ chồng con mẹ lường thả neo đậu. Chúng mời cổ lên bờ; tới đêm đem giấu con rùa vàng dưới ghe của cổ. Sáng sau, chúng đổ cho cổ đã lấy trộm con rùa vàng, cổ chịu đánh cuộc hết tài sản với họ, nhưng khi xuống ghe kiếm thì chẳng thấy con rùa đâu bởi ông thợ bạc đã nấu cho nó chảy ra vàng hết trơn.

     Con mẹ lường đòi cuộc nữa, rằng nó sẽ trồng cho cái cây héo sống lại, nhưng không được, bởi cô kia đã lấy hết đất ở chỗ đó đi. Tới phiên mình, cổ đem cây trồng ở chỗ khác mà cổ đã bỏ đất vô, thì cây sống lại.

     Con mẹ lường rủ cổ chơi đánh bài thâu đêm và cuộc rằng hai con mèo sẽ đội đèn cầy thắp sáng cho chơi. Cô kia chịu. Cổ giấu bầy chuột trong ống tay áo thùng thình, rồi thả chúng chạy ra, làm hai con mèo [quăng đèn] rượt theo, vậy là mẹ kia chịu thua. Hai vợ chồng con mẹ phải làm đầy tớ cho cô kia, còn tài sản mà chúng đã lấy của ai thì trả lại cho người đó. Cô kia đưa chồng mình với vợ chồng con mẹ lường đi, giữa đường đẩy hai tên này xuống biển. Hai tên biến ra cá heo [b], bởi tiếc của nên nhảy loi choi trên mặt nước. Hễ nó thấy người ta là nó ganh, bơi đua với ghe người ta.

*
**

     Xưa có cô kia ở chung ba má. Trong làng có anh học trò nghèo, ngày nào cũng tới nhà cô kia xin cơm. Rồi cổ thương ảnh.

     Bữa nọ cổ lấy mấy đĩnh bạc, chờ anh học trò tới đưa cho ảnh, hẹn chờ ảnh thi đậu rồi hai người lấy nhau. Họ giữ lời, anh học trò chịu cực, thi hai ba lần nhưng không đậu. Ảnh bỏ làng đi xa, vừa xin ăn, vừa ráng học. Cô kia biết tin ảnh thi rớt và bỏ làng đi thì cổ thôi luôn, lấy một người nhà giàu bên hàng xóm.

     Bảy năm sau, anh học trò nghèo rồi cũng thi đậu; nghĩ rằng cô kia vẫn chờ mình theo lời hẹn, ảnh trở về tính gặp. Nhưng nghe nói cổ đã lấy chồng, ảnh không ra mặt nữa. Cô kia nghe tin anh học trò thi đậu và về gặp mình, thì nghĩ rằng ảnh còn giữ lời hẹn nên cổ bỏ chồng sang nhà anh học trò.

     Anh này tiếp cổ như là bạn, nhưng khi biết ý của cổ thì nói:

     ‘Tui tưởng em tới thăm, chớ nữ nhi ai có hai chồng.

     Cô kia mắc cở mà rằng:

     ‘Em tưởng anh còn nhớ lời mình hẹn ước, nên mới bỏ chồng sang ở với anh. Giờ em còn mặt mũi nào về ngó chồng, thôi đành chết cho khỏi nhục.

     Nói rồi cổ nhảy xuống nước tự trầm. Sau khi chết, cô kia biến thành con cá heo, hụp xuống trồi lên trong nước: trồi lên thì thấy thẹn với trời, hụp xuống thì thấy thẹn với đất. Nó lăng xăng như vậy chớ không chịu bơi êm như mấy con khác.

*
**

     Có con chằn [c] trong núi, ngày ngày vô rừng kiếm thịt nuôi mẹ. Bữa nọ chằn mẹ ở nhà, xảy gặp một ông thầy tu từ phương xa tìm đường sang tây thiên niết bàn bị dạt tới đó. Chằn mẹ nói: ‘Con ta dữ lắm, nó về gặp thầy ở đây là nó nuốt trọng. Thôi núp vô thùng này đi.’

     Chằn trở về, hít mũi mấy cái, hỏi mẹ nó có ai tới đây. Mẹ nó nói không, nó chẳng tin, lục ra ông thầy, hỏi thầy tới nhà nó có chuyện chi. Thầy nói đang tìm đường sang tây thiên niết bàn, tới đây bị lạc. Con chằn chạnh lòng, không nuốt ông thầy, mà hỏi thầy vậy chớ Phật cần người ta cái gì [để cho người ta tới đó]. Thầy nói: ‘Trái tim.

     Chằn nghe vậy, banh ngực moi tim nó ra đưa cho ông thầy đem đi dâng Phật. Nhờ có lòng thành, hai mẹ con chằn đều trở thành Phật. Còn ông thầy, đem tim chằn tới bờ biển thì chịu không nổi mùi nó thúi nên quăng xuống biển. Khi thầy tới tây thiên niết bàn, Phật hỏi chẳng có ai nhờ thầy đem cái gì sao, và [khi thầy nói có thì] khuyên thầy trở về kiếm trái tim của chằn.

     Thầy quành lại bờ biển, lặn xuống nước, kiếm nát chẳng thấy trái tim. Thầy đâu dám trở về tay không, nên cuối cùng bị biến ra con cá heo, tối ngày trồi lên hụp xuống trong nước [để tìm trái tim].

__________
     a. Chi tiết này cũng có trong tuồng hát bội Kim long xich phụng: một ông ngư phủ già trên sông thấy một cái hòm cứ trôi tới gần mình, cuối cùng thấy đám con nhỏ của mình bị bỏ rơi ở trỏng, rồi nuôi chúng lớn mà không nhận ra là con của mình.

     b. ‘Cá heo’ ở đây (‘marsouin’ tiếng Pháp, ‘porpoise’ tiếng Anh) là Neophocaena phocaeniodes, một loài thú ở họ Phocoenidae, có dọc bờ biển Việt Nam từ Khánh Hòa trở vô.7

     c. Nguyên văn ‘ác lai’, có lẽ ở ‘yak’ mà ra.

      55. Con trâu (Le buffle)

     Ngọc Hoàng sai một ông thần đem một nắm lúa với một nắm cỏ xuống đất cho con người với con vật làm đồ ăn. Thần vãi hết nắm cỏ ra mọi nơi, nên cỏ mọc dư, còn nắm lúa thì vãi có một nửa mà giữ lấy một nửa. Ngọc Hoàng nổi dóa biến thần ra con trâu cho ổng ăn cỏ. Bị lỗi của ông thần này mà ngày nay trên trái đất cỏ ê hề mà lúa thì hiếm hoi. [a]

*
**

     Xưa con trâu có hai hàm răng mà con ngựa có một. Bữa đó hai con được mời ăn cúng cơm, con trâu tới trước ăn xong đi về thì gặp con ngựa tới sau, con này mượn nó hàm răng trên để đi ăn. Con trâu cho mượn, nhưng con ngựa ăn xong không chịu trả.

      Ngựa nói trâu: ‘Tao với mày chạy đua. Nếu mày ví kịp tao, tao sẽ trả hàm.’ Con trâu làm sao ví kịp, nên từ đó nó chẳng có cái răng nào ở hàm trên hết.

___________
     a. Cái ý ở đây là ông thần bị biến ra con trâu không phải để ăn cỏ thôi, mà còn để cày bừa giúp con người có nhiều lúa hơn thì mới sửa lỗi cho ổng được. Nếu không, thì lúa ắt cũng mọc đầy như cỏ và con người chẳng cần làm công chuyện gì hết.

      56. Người đàn bà biến ra con muỗi (La femme métamorphosée en moustique)

      Có hai vợ chồng nọ, cô vợ chết trước, anh chồng bỏ thây vô hòm không chôn. Sau bảy tháng, làng bắt chôn, sợ thây để vậy sẽ thành tinh báo hại [a]. Anh chồng mới nói: ‘Vợ chồng tui có hẹn khi chết không chôn mà để vậy chờ sống lại. Nếu làng bắt chôn thì xin giúp tui chặt tre làm một cái bè để tui đưa vợ đi nơi khác, cho làng khỏi sợ tinh.

      Dân làng giúp ảnh đóng bè, khiêng hòm vợ ảnh lên. Bè trôi qua tây thiên niết bàn. Phật hỏi anh kia tới đây làm gì. Ảnh thưa chuyện, Phật nghe chạnh lòng, cho cô vợ sống lại. Phật hỏi cổ còn thương chồng hết, khi nghe cổ nói còn thì dạy anh chồng [cắn ngón tay] lấy máu mình cho vợ nuốt. Ảnh làm theo.

     Hai vợ chồng muốn về xứ. Ở niết bàn có một con sấu đã tu chín kiếp, Phật bảo nó đưa hai vợ chồng về. Được nửa đường, sấu nói:

      ‘Tui đói rồi, bụng nhẹ hểu đi hết nổi, thôi ngồi trên cây này chờ tui về lo cho.’

     Rồi nó bỏ hai vợ chồng ở đó, đi kiếm đồ ăn, nhưng nó ăn chay nên không ăn cá mà nuốt đá cuội cho đầy bụng.

     Lúc đó hai vợ chồng ngồi ngủ gật trên cây. Có một cái ghe của người Tàu đi ngang, chủ ghe thấy cô kia đẹp bắt đem đi luôn khi anh chồng còn ngủ. Khi con sấu trở về thì cô nọ đã mất dạng. Sấu đập đuôi xuống nước đánh thức anh chồng, hỏi chớ vợ ảnh đâu. Anh này đổ cho con sấu đã nuốt vợ mình, nhưng sấu nói để nó cho coi bằng chứng là nó không làm vậy. Ảnh thọc chưn vô bụng con sấu, thấy đụng mấy cục đá tròn tròn mà thôi. Ảnh mới hỏi nó thấy có ghe nào đi ngang, nó nói thấy ghe của người Tàu, cả hai liền rượt theo chẳng lâu sau thì ví kịp. Nhưng cô vợ kia đứng ở mũi ghe nói qua cho ảnh nghe là cổ đã lấy chủ ghe làm chồng nên ảnh về lấy vợ khác đi.

     Anh chồng quay lại kể cho Phật biết. Phật khuyên ảnh lấy lại máu mà ảnh đã cho vợ. Vậy là con sấu đưa anh chồng quành lại chỗ cái ghe, ảnh biểu vợ:

     ‘Mình không giữ lời hứa, đi lấy chồng khác, thôi trả lại tui mớ máu mình đã nuốt.

     Cô nọ tức thì hộc ra chút xíu máu.

     Anh chồng quay lại chỗ Phật, lúc đó trên ghe vợ ảnh đã chết. Tên người Tàu quăng thây cổ xuống biển, cái thây trôi lại niết bàn, ở đó nó bị đức Phật biến thành con muỗi. Bởi vậy [ngày nay] muỗi phải hút máu cho đủ để trả lại số còn thiếu cho người ta. [b]

___________
     a. Luật của người An Nam cấm không được để xác chết trong nhà quá ba tháng [mà không chôn]. Quan cũng như dân, ai kỵ phong thủy, hoặc cố ý trì hoãn việc chôn, hoặc để hòm trong nhà cả năm, sẽ bị phạt tám chục trượng. Luật này được cho là giống với luật của người Tàu đương thời.

     Ta đã gặp chuyện Bốn con quỷ quan tài ở phần 1, chính là những thây ma đã quàn mà không chịu đem đi chôn

     b. Landes cho biết hồ sơ chuyện này còn ghi mấy giòng cuối khó hiểu, đại khái nói rằng con muỗi xin Phật cho nó một cái vòi để đâm lủng da con người nhưng Phật từ chối, còn người thì có năm cái vòi tức là năm ngón tay để đập con muỗi chết.

     6.4. Tạo ra cây cối

     57. Hột lúa (Grain de riz)

     Xưa hột lúa bự như cái tô, cái chén. Người ta khỏi cần làm gì hết, tới kỳ lúa chín thì đốt đèn cầy, cúng vái hai ba ngày, là lúa tự nó vô nhà mình.

     Anh kia có vợ làm biếng, biểu đi dọn dẹp nhà cửa đặng cúng, tới khi ảnh sắp vái mà cũng chưa quét xong. Cô vợ đang lom khom thì hột lúa tông vô nhà cái rầm.

     Cổ [quơ chổi] dộng cho hột lúa một cái làm nó bể ra từng miếng. Hột lúa nổi hung nói:

     ‘Từ giờ sắp tới, nếu ai lấy cái cán bằng cây gắn cái lưỡi bằng sắt (tức là cái liềm) mà cắt ta ra thì ta mới về.

     Bởi vậy [ngày nay] người ta phải trồng và gặt lúa, còn hột lúa thì nhỏ xíu.

Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com, năm 2022

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

__________
ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)” do tác giả viết (năm 2022) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.


https://thanhdiavietnamhoc.com/antony-landes-voi-chuyen-dan-gian-nguoi-viet-phan-3c/

..


Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)


Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO

7. Những motif khác

     B211. Con vật biết nói tiếng người.

     58. Khỉ, cọp và rùa (Le singe, le tigre et la tortue)

     Khỉ, cọp, rùa làm bạn với nhau. Tối đó cọp nói với khỉ và rùa:

     ‘Mình đi kiếm ăn đi. Mà tụi bây chậm lắm, không chạy lẹ bằng tao, để tao cột tụi bây vô đuôi tao rồi tao kéo đi.

     Khỉ với rùa chịu, cọp cột hai con vô đuôi nó, bắt đầu đi. Tới nhà kia, chúng đứng lại, tính vô bắt anh chủ nhà. Đang đứng rình, chúng nghe vợ chồng ảnh nói chuyện với nhau:

     ‘Trên đời mình sợ cái gì nhứt?

     ‘Tui sợ Ông Giọt thôi.’ [a]

     ‘Ủa! Mình chẳng sợ cọp hả?

     ‘Không, tui sợ Ông Giọt.

     Con cọp đứng ngoài nghe lỏm như vậy thì ngẩn ngơ chẳng biết Ông Giọt là cái giống gì. Ngay lúc đó, có một thằng ăn trộm cũng tới rình nhà đó, bận cái áo tơ gốc xồm xàm. Nó thấy con cọp, sợ té đái, leo lên cây khế. Rồi nó run bây bẩy, làm trái khế rơi lộp độp. Con cọp tưởng đó là Ông Giọt và trái khế là giọt của ổng. Nó với con khỉ và con rùa lượm lên cắn thử, thấy giọt của ổng chua lè chua lét. Còn thằng ăn trộm thì càng lúc càng run, sau hết nó rớt xuống đất cái bịch.

     Con cọp hoảng kinh, tưởng đâu Ông Giọt nhảy xuống chụp nó nên nó vọt chạy, kéo theo con khỉ với con rùa phía sau. Đầu con khỉ tông nhằm mai rùa nghe cái cốp, làm nó chết liền. Một hồi, cọp ngừng lại, thấy con khỉ nhăn răng, mới nói:

     ‘Thằng mắc dịch! Tao sợ gần chết mà mày còn ở đó cười hả?

__________
     a. ‘Ông Giọt’ là cái máng xối hứng nước mưa.

 

     D830. Vật thần kỳ bị lấy bằng cách đánh lừa.

      59. Phép thuật của Bà Chằn (Les pouvoirs magiques de la Bà Chằn)

     Bà Chằn [a] có một đứa con gái. Ngày nọ, khi bả đi kiếm mồi, nó ở nhà đem lòng thương anh kia. Thấy bả về, nó dắt ảnh đi giấu, nhưng bả vẫn tìm ra; nó nhận là thương ảnh, xin bả tha mạng cho ảnh làm con rể. Bữa kia bà Chằn đi săn, đứa con gái lén lấy bửu bối của bả đưa chồng coi. Đó là một cây gậy lạ: đập đầu này thì làm cho chết, đập đầu kia thì làm cho sống, trỏ đầu này thì làm ra biển nước, trỏ đầu kia thì làm cho nước cạn. Anh chồng dụ vợ:

     ‘Để tui thử lấy cây gậy đập cho mình chết, rồi đập cho mình sống lại, hén.

     Cô vợ tin lời, để chồng đập. Nhưng cô vợ té chết thì anh chồng xách gậy chạy luôn. Bà Chằn về nhà thấy con gái nằm chết, vội đi kiếm cây gậy để cứu nó sống lại mà chẳng thấy gậy đâu. Biết thằng rể đã đánh chết con mình rồi lấy gậy đi, bả lật đật rượt theo. Thấy bả đằng xa, anh kia trỏ cây gậy làm ra biển nước minh mông cản lại. Bà Chằn không nao núng, vẫn đuổi kịp, nhưng rồi bị ảnh đập một gậy chết ngắt.

     Lúc đó, trong cung, bà thái hậu mẹ vua đã chết mà chưa chôn, vua truyền rằng ai cứu bả sống lại thì sẽ trọng thưởng. Anh kia nghe tin, tới lấy cây gậy của bà Chằn đập một cái cứu sống bà thái hậu, được vua cho làm quan lớn.

__________
     a. ‘Bà Chằn’ là tên gọi chung những thứ tinh cái, ác độc, mà khó định nghĩa chính xác. Chúng ở trong rừng, trên cây hoặc trong động, ăn thịt muông, thịt người. Hình dạng khổng lồ, dễ sợ, lông lá, tóc cháy nâu, mặt sọc dưa, miệng có nanh như heo rừng. Dân gian ví ‘dữ quá chằn tinh gấu ngựa’ [gấu ngựa = Asian black bear, Ursus thibetanus thibetanus], nhưng không dám nhắc tới tên ‘Bà Chằn’. Ngoài ra, có một thứ ốc mình trần trụi kêu là ‘ốc bà chằn’ [Limax spp].

 

     K1550. Người chồng trị tội đôi gian phu dâm phụ.

     60. Chồng trả thù vợ (Vengeance d’un mari)

     Có anh kép theo gánh hát đi xa, để vợ ở nhà. Khi về, biết vợ đã có bồ. Anh kép tìm đủ cách cho vợ thú nhận mà không xong. Ảnh giả đò đi xa chuyến nữa rồi thình lình quay về trong đêm. Tên gian phu hoảng kinh chạy mất. Anh kép nói với vợ:

     ‘Tui hứa không làm gì cô hết, nếu cô hẹn gặp thằng này lần nữa, biểu nó chặt một ngón tay rồi đưa tui.’ [a]

     Hai tháng sau, anh kép giả đò đi xa, cô vợ hẹn tên bồ tới gặp. Nói hai ba câu, rồi cổ hỏi y có thiệt lòng thương cổ không. Tên kia thề có. Cổ nói:

     ‘Nếu anh muốn tui tin, thì chặt một ngón tay đưa tui.

     Tên kia cắn đứt ngón tay, đưa cho cổ. Rồi bỏ về.

     Khi anh chồng về, cô vợ đưa ngón tay đó ra. Anh chồng cả mừng, khen vợ giỏi, nhưng tới khuya thì giết cổ chết và nhét ngón tay đó vô miệng cổ. Rồi ảnh la bài hải kêu làng xóm tới, nói đang ngủ thì có một tên hung đồ cạy cửa vô nhà giết chết vợ ảnh. Hương quản tra xét, tìm ra tên gian phu có ngón tay bị đứt. Y bị giải lên huyện và bị xử tử.

     Đây là chuyện người chồng dùng mưu trả thù đôi gian phu dâm phụ.

__________
     a. Người An Nam dường như không có tục chặt ngón tay làm chứng cho việc thề thốt hoặc để tang. Nhưng nghe nói người Lào có làm vậy để sám hối tội lỗi. [Tôi được biết] lúc trước có một người Miên chết ở Sài Gòn, bạn y nhờ chặt đứt một ngón tay của y gởi về cho người nhà của y.

 

     M310.1. Dự đoán hậu vận giàu sang.

     61. Chuyện anh Trần văn Thắc (Histoire de Trần văn Thắc)

     Anh nọ tên Trần văn Thắc, mồ côi cha mẹ, gánh cá kiếm ăn, nghèo sặc gạch. Ông thầy bói dòm tướng ảnh nói số ảnh đâu phải khổ như vầy, mới hỏi cha mẹ ảnh còn mất, ảnh nói mất rồi, thầy hỏi chôn đâu thì mới biết té ra cha mẹ ảnh chôn không trúng cuộc đất nên ảnh mới khổ; bởi vậy ổng chỉ cho ảnh một cuộc đất tốt hơn mà nếu chôn cha mẹ ở đó thì trong ba năm ảnh sẽ gặp vận may. [Trần văn Thắc làm theo lời thầy.]

     Nhà giàu nọ có nuôi đứa con trai, tính mai sau cho nó lấy con gái chủ nhà, nhưng rồi đổi ý. Lớn lên, hai người này thương nhau, sợ nhà biết nên tính bỏ trốn. Họ bàn với nhau, ba ngày nữa, ban đêm, anh kia tới gõ cửa nhà cô kia rồi hai người cùng đi. Nhưng anh kia bị bịnh, không tới được. Cô kia, ôm theo cái rương bằng bạc, ráng chờ ảnh gần hết đêm. Tới canh năm, Trần văn Thắc thức dậy bắt đầu đi gánh cá. Trời lạnh ngắt, ảnh run bây bẩy, lấy đòn gánh gõ cửa nhà cô kia. Cổ tưởng đó là dấu hiệu đã hẹn, nên đi ra đưa cái rương cho Trần văn Thắc. Ảnh tưởng cô nọ mướn mình khiêng cái rương, nên ảnh khiêng. Một hồi sau, cổ mới biết mình đang đi với thằng cha nào lạ hoắc chớ đâu phải bạn trai của mình. Cổ bắt đầu khóc lóc, trách móc Trần văn Thắc sao để chuyện này xảy ra; anh này xin lỗi; dù sao thì cô kia cũng không dám về gặp mặt cha mẹ nên đành coi ảnh như chồng mình cho rồi. Cổ lấy trong rương ra bộ đồ mới cho ảnh bận, rồi hai người qua xứ khác.

     Qua đó họ gặp một người giàu, có căn nhà bỏ trống vì bị ma ám. Cô nọ nói Trần văn Thắc xin chủ nhà cho ngủ nhờ ở đó một đêm. Tới sáng, chủ nhà hỏi hồi hôm ảnh có thấy gì không, ảnh nói không. Chủ nhà cho họ trọ ở đó hai đêm nữa. Khuya, ông thần tài báo cho Trần văn Thắc biết rằng người ta có chôn của trong hai cái chái nhà này. Ổng nói:

     ‘Ta giữ của này từ lâu rồi, nay cho mi đó. Có hai cái chái, bên nây chứa bạc, bên kia chứa vàng.

     Trần văn Thắc nghe giọng ai nói với mình như vậy, mà chẳng thấy ai. Ảnh liền vô hai cái chái tìm coi, thấy đúng là có kho báu ở trỏng. Sáng sau chủ nhà hỏi hai hôm nay ảnh có thấy gì không. Ảnh hỏi vậy chớ chủ nhà còn để đồ đạc gì trong nhà không, ổng nói không. Trần văn Thắc kể vợ nghe, cổ nói:

      ‘Vậy là thần tài để dành của cho anh đó. Anh vô làng làm quen ai rồi nhờ họ đi nói với chủ nhà rằng nếu không ở thì bán nhà cho mình.’

     Ông chủ đã mua nhà này ba chục thoi bạc, nay bán lại ba mươi lăm. Cô kia nói với Trần văn Thắc:

     ‘Đây là ý Trời cho mình gặp nhau đa.’

     Về sau Trần văn Thắc cần mẫn học hành, thi đậu làm quan. Ảnh có vận may là nhờ ông thầy bói biết chôn cha mẹ ảnh ở cuộc đất tốt. Ảnh kể cho cha vợ nghe mọi chuyện.

 

     T512.2.1. Có con nhờ nước tiểu của đàn ông.

     62. Làm biếng gặp may (La fortune d’un paresseux)

     Có anh làm biếng nằm trên cái bè thả trôi trên sông, một con cá nhảy lên bè. Anh làm biếng chụp con cá, lấy móng tay cạo vảy, rồi không cần mất công đứng dậy múc nước, ảnh đái ra nước để rửa cá, xong thảy trên bè phơi khô. Một con quạ bay xuống sớt con cá khô bay đi, thả vô vườn của công chúa. Lúc đó công chúa đi dạo trong vườn với tỳ nữ, chúng lượm con cá đưa công chúa, cổ kêu chúng nấu cho cổ ăn. Ăn xong con cá, công chúa mang bầu. Vua cha hỏi sao có chuyện đó, cổ nói:

     ‘Con đi dạo trong vườn với tỳ nữ, thấy con cá khô dưới đất, mới kêu tỳ nữ lượm nấu, con ăn vô thì chẳng biết bị phép chi làm cho có bầu.’

     Nhà vua giam công chúa vô ngục, sau cổ sanh ra một thằng nhỏ. Nhà vua truyền gọi hết thảy đàn ông trong xứ tới cung để vua chọn chồng cho công chúa [a]. Anh làm biếng đẩy bè tới trước cung vua. Đứa con của công chúa đứng trên lầu, dòm thấy ảnh, tức thì mở miệng kêu cha ơi. Nhà vua truyền gọi ảnh vô cung, gả công chúa cho ảnh. Thiệt là làm biếng mà có số sướng.

__________
     a. Vài chuyện khác có cùng motif, kể rằng nhà vua truyền gọi hết thảy con gái trong xứ tới cung để vua chọn vợ cho hoàng tử, thí dụ chuyện ‘Nàng Út’ mà ở đây bỏ qua không kể.

 

     V1.8.6. Thờ rắn.

     63. Ông Cụt Ông Dài (Genies des eaux)

     Ở làng Xuân Canh, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, có hai vợ chồng nghèo, làm cỏ mướn, tuổi hơn bảy chục, mà chưa có con. Bữa nọ dẫy cỏ bên sông, bà già thấy hai cái trứng bự hơn trứng ngỗng. Ông già lượm về nhà, sáng sau trứng nở ra hai con rắn. Hai người đem rắn ra bỏ ở bờ sông, vì nó là giống dưới nước. Nhưng chúng vẫn bò về nhà.

     Họ bèn để rắn lại nuôi. Hai năm sau rắn bự như bắp chưn người lớn. Ngày nọ, một con rắn lẩn quẩn kế bên bà già đang dẫy cỏ, bị bả lỡ tay phang đứt đuôi. Ông già đem con rắn cụt đuôi về nhà săn sóc, mấy ngày sau lành. Hai người tính thôi không nuôi rắn nữa, vì họ già rồi. Họ đem chúng ra bờ sông, la lớn:

     ‘Ai ở dưới nước lên nhận con nè!

     Rồi thảy cặp rắn xuống. Tức thì chỗ đó mặt nước nổi bong bóng, cặp rắn chìm xuống.

     Ba ngày sau, buổi chiều, họ thấy hai tên ăn bận xê xang tới nhà nói:

     ‘Thưa ba má, cha con sai con dặn ba má bây giờ già rồi, khỏi cần làm nữa, muốn gì thì nói, tụi con sẽ đưa. Khi ba má mãn phần, tụi con sẽ lo đám ma y như người ta.’

     Sau hết cặp rắn trở thành thần, một thờ ở đền làng Xuân Canh, một thờ ở đền làng kế bên, cách nhau con suối. Mỗi khi trời hạn, dân làng bắc một cái cầu tre ngang suối giữa hai cái đền, đặt đồ cúng lên, vái. Đốt sớ xong, dân làng về liền, không thôi mưa xuống làm ngập suối và cuốn luôn cái cầu.

 

8. Chuyện cười

     64. Vợ chồng ham ăn (Gourmands)

     Có hai vợ chồng ham ăn, mà chồng ham hơn vợ. Bữa nọ ảnh ăn tiệc, đem về nhà cái bánh, biểu vợ:

     ‘Giờ để cái bánh ở đây, ai nói trước là khỏi ăn, hén?’

      Vợ chịu. Cả hai làm thinh, ngồi ngó cái bánh. Tới đêm, có thằng ăn trộm mò vô nhà. Hai vợ chồng thấy nó, chẳng ai nói tiếng nào. Thằng ăn trộm xích lại gần, họ làm thinh. Nó dạn hơn, bóp vú cô vợ, mà anh chồng vẫn ngó, chớ hề nói gì. Tới hồi thằng ăn trộm tính kéo cô vợ vô giường, cổ thấy chồng vẫn im lìm, mới tức, la lên:

     ‘Coi kìa! Mình để nó làm vậy hả?

     Anh chồng đứng dậy, biểu thằng ăn trộm:

     ‘Mày làm chứng cho tao là nó mất cái bánh nghen.’

 

     65. Bợm cũng bị lừa (Voleurs)

     Cô kia khôn lấy anh chồng khờ. Bữa đó ảnh đi ăn đám, cổ lấy bộ đồ đẹp cho ảnh bận. Anh chồng lên ngựa đi ngang nhà trọ, gặp tên kia hỏi y thấy ảnh bận đồ có bảnh không. Tên kia nói:

     ‘Bảnh chớ, nhưng anh chưa biết bận làm sao cho xứng với giá trị của bộ đồ.’

     Anh khờ hỏi bận làm sao, tên kia nói:

     ‘Anh xuống ngựa, cởi đồ đưa tui, tui chỉ cho.’

     Ảnh chịu. Tên kia bận đồ của ảnh, leo lên ngựa, đi một hai vòng rồi chạy thẳng. Ảnh chờ miết chẳng thấy y quày lại, đành trở về nhà, bận bộ đồ của tên bợm. Cô vợ la chồng một hồi, rồi tính kế lấy lại mấy thứ bị mất. Cổ biểu anh chồng đi kiếm tên kia, ảnh đi rồi về nói nó đang coi hát, tức thì cổ lấy một cái vòng tay, một cái bông tai với hai ba cái cà rá, đi tới rạp hát. Cổ đứng dựa vô một cái giếng, khi thấy tên bợm đi ra, thì khóc hu hu cho nó thấy. Nó hỏi cổ bị gì. Cổ nói:

     ‘Em đang múc nước rửa chưn thì làm rớt một cái vòng tay, một cái bông tai với hai ba cái cà rá xuống giếng. Nếu là của em thì chẳng sao, ngặt nỗi em mới làm đám cưới mà đây là của chồng em cho. Đàng nào ảnh cũng nói em giấu đưa cho ba má em rồi đánh em quắn đít.’

     Tên kia thấy cô này đẹp thì mê, chịu xuống giếng kiếm cho cổ. Y cởi đồ ra, nhưng chưa xuống mà hỏi cổ tên gì. Cổ nói:

     ‘Chồng em tên Ngộ Quá còn em tên Lại Coi.

     Tên bợm vừa lọt xuống giếng thì cô kia lượm bộ đồ, nhảy lên ngựa, chạy đi. Tên bợm dưới giếng chẳng tìm thấy gì, leo lên, rồi kêu om sòm:

     ‘Ngộ Quá Lại Coi, trả đồ tao đây.’

     Mấy người trong rạp hát chạy ra coi cái gì ngộ, thì thấy một thằng cha trần truồng đang la hét mà thôi, liền xáp vô nó đấm đá túi bụi. Té ra bợm cũng bị đàn bà gạt.

 

9. Chuyện đã phân loại theo hệ thống ATU

     ATU 160. Vật trả ơn, nhơn trả oán.

     66. Anh thợ câu nghèo (Le pauvre pêcheur)

     Anh kia vợ chết nhà nghèo. Đi xin ăn chẳng ai cho, ảnh đi làm thuê một ngày được ba chục xu. Ảnh lấy ba chục xu đó mua tôm làm mồi ra sông câu cá. Lần thứ nhứt, câu được một con rắn. Ảnh thả nó ra, lần thứ hai cũng câu được con rắn đó. Ảnh biểu nó:

     ‘Tao có ba chục xu mua mồi câu mà mày ăn sạch. Tha mày lần này nữa thôi nghen.

     Lần thứ ba, con rắn đó vẫn dính câu. Ảnh mang nó tới gần đền thờ Bà Khai Khẩu tính giết, thì bà này làm phép cho nó mở miệng nói rằng:

     ‘Anh ơi đừng giết, tui là con của thủy tề, bị đày lên cạn phải mang lốt rắn. Anh tha, tui sẽ trả ơn. Tui muốn ở với anh nên mới cắn câu của anh [ba lần].’

     Anh kia đem con rắn về nhà và từ đó ảnh câu đâu trúng đó. Bữa nọ con rắn cho ảnh biết trong ba ngày nữa sẽ có lụt nên nếu muốn sống thì phải đóng sẵn một cái bè. Mà đúng vậy, nhờ có bè nổi trên mặt nước, ảnh với con rắn thoát chết.

      Thấy một ổ kiến, con rắn kêu ảnh vớt lên. Thấy một đàn chuột, con rắn cũng kêu ảnh vớt lên, ảnh nói chuột mà vớt làm gì, rắn nói ảnh cứ vớt. Tới phiên một con trăn, cũng được vớt. Sau hết, thấy một người, ảnh tính vớt, rắn nói đừng, nhưng ảnh một hai đòi vớt, còn nói:

     ‘Cứu một người dương gian bằng một ngàn âm ty!’

     Ba ngày sau, nước rút, ảnh thả ổ kiến, đàn chuột, con trăn, còn rắn và người kia thì ảnh nói cất nhà xong ở chung với ảnh. Con rắn nói:

     ‘Tui sắp hết hạn đày, sẽ về thủy phủ. Anh theo tui xuống dưới đặng cha tui trả ơn. Nếu ổng hỏi anh muốn thứ gì, thì anh xin cây đờn của ổng thôi. Đờn đó ổng lấy trong dinh Ngọc Hoàng đó. Hễ có giặc, đem đờn khảy một tiếng là giặc chạy tuốt.’

     Anh thợ câu nghe lời, theo rắn xuống nước, thủy tề cha nó hỏi ảnh muốn được trả công thứ gì, ảnh xin ổng cây đờn. Ổng cho. Ảnh về.

      Đây nói cái người mà ảnh đã cứu sống và đang cho ở chung: ảnh coi y như anh ruột của mình vậy. Khi đi làm thì để y coi nhà, dặn đừng vô lẩm lúa. Tên kia nghi ảnh giấu gì ở trỏng, nên bữa nọ, khi ảnh đi vắng, y vô lẩm lúa lục lọi thì thấy cây đờn, ghi là ‘cây đờn đuổi giặc’. Y liền lấy đờn bỏ đi. Hồi đó giặc phá khắp nơi trong xứ. Nhờ cây đờn, y bắt mười tám sứ quân phải đầu hàng. Nhà vua phong cho y làm ngươn soái và tính gả công chúa cho y. Nhưng công chúa không chịu, rồi câm luôn. Vua nói y kiếm ra thuốc gì làm công chúa hết câm thì sẽ cho y lấy cổ.

     Ngươn soái chẳng biết kiếm thuốc đâu ra. Bữa đó y đang đi thì bị anh thợ câu dòm thấy, nhận ra là người đã được ảnh cứu sống mà cũng là người ăn cắp cây đờn của thủy tề. Ảnh tới đòi cây đờn, bị tên kia bắt và ra lịnh chém đầu. Nhưng bộ hạ của y khuyên y nhốt ảnh vô ngục sắt sau hai chục ngày mới đưa ra chém.

     Năm ngày sau khi ảnh thợ câu bị nhốt, đàn kiến bò vô ngục và nhận ra đó là kẻ đã cứu chúng khỏi chết đuối, nên hỏi thăm:

     ‘Anh ơi sao anh bị như vầy?

     ‘Ai đó? Ai nói mà tui không thấy?

     ‘Tụi tui là đàn kiến mà anh đã cứu đó, nghe đồn anh mắc họa nên tới đây.’

     Ảnh kể chuyện, kiến nghe xong nói:

     ‘Chà, vụ này khó nghen, để tụi tui đi kiếm đàn chuột, coi chúng có cách nào cứu anh.’

     Đàn chuột nghe đàn kiến kể chuyện xong thì nói:

     ‘Trời, ơn nhơn mắc họa sao? Thôi vầy nghen: tụi bây đi kiếm đồ cho ảnh ăn, tụi tao đi kiếm con trăn coi nó có cách nào cứu ảnh.

     Đàn chuột đi kiếm con trăn. Con này nghe tiếng chưn đi trên đống lá kế bên, nó ngóc đầu tính đớp, đàn chuột hoảng kinh, phóng lên cây. Trăn nhận ra chuột, kêu chúng xuống. Đàn chuột sợ, chẳng con nào dám xuống, nói nếu anh em mình không lanh chưn thì bị nó nuốt rồi. Sau hết, một con chuột già nói:

     ‘Thôi được, để thằng già này xuống nói chuyện với con trăn; lỡ bị nó nuốt cũng chẳng đáng.

     Vậy là nó xuống kể cho con trăn biết chuyện ơn nhơn mắc họa ra sao. Trăn nói:

     ‘Tụi bây đưa cục ngọc này cho ảnh, nói ảnh mài ra bột đưa công chúa pha nước uống là hết câm và ảnh sẽ thoát nạn.

     Đàn chuột tha cục ngọc tới ngục đưa anh thợ câu, nói ảnh làm y lời con trăn dặn. Ảnh kêu lính gác thả ảnh ra, nói ảnh biết phép trị bịnh cho công chúa. Lính không chịu, nhưng người quản ngục thấy rộn tới coi, nghe ảnh nói xong, liền nhận cục ngọc đem đi mài ra bột cho công chúa uống, tức thì cổ nói được. Nhà vua mừng rơn, tính thưởng cho quản ngục thì y thiệt thà nói thuốc này là của một người tù. Công chúa nói:

     ‘Đó mới là chồng của con chớ chẳng phải người kia.’

     Nhà vua truyền thả người tù ra. Ảnh kể họ nghe đầu đuôi câu chuyện. Tên trộm kia một hai cãi lại, nói người quản ngục ăn hối lộ của ảnh, mà chẳng ai nghe, rốt lại vua ra lịnh chém đầu y, nhưng anh thợ câu xin tha cho y về. Ai dè y vừa ra khỏi cung thì bị Trời đánh chết tươi. Còn anh thợ câu thì được lấy công chúa.

     Bởi vậy người ta nói cứu vật thì vật trả ơn, cứu nhơn thì nhơn trả oán.

 

     ATU 554. Con vật biết ơn

     67. Người mua chó, mèo, rắn (L’homme qui achète un chien, un chat et un serpent)

     Anh kia nghèo đi chèo thuê cho ghe buôn kiếm tiền nuôi mẹ. Chủ ghe trả trước bốn chục quan, ảnh đem theo tính gặp hàng gì rẻ thì mua về bán kiếm lời. Qua xứ nọ, ở đó nhà kia có con chó tối ngày ăn vụng nên chủ nó kêu đứa ở đem ra sông nhận nước. Anh chèo thấy, hỏi muốn bán con chó bao nhiêu, đứa ở nói con chó này hay ăn vụng mà mua làm chi. Nhưng ảnh cứ đòi mua nên đứa ở đưa chó cho ảnh lấy ba quan. Ảnh đem chó về ghe, khi chèo ghe thì cột nó lại.

     Bữa khác ảnh gặp người kia tính nhận nước một con mèo, ảnh hỏi mua thì họ nói:

     ‘Nó hay ăn vụng mà mua làm chi.’

      Ảnh nói:

     ‘Đừng lo, bán cho tui đi.’

      Vậy là ảnh trả ba quan đem con mèo về ghe cột kế bên con chó. Rồi ảnh gặp người khác mang một con rắn, ảnh hỏi mua thì họ nói:

     ‘Con rắn này hỗn lắm, tui đang đem nó đi nhận nước đây, chú mua làm chi.

     Ảnh nói:

     ‘Đừng lo, cứ bán cho tui.’

      Họ thấy ảnh khờ liền bán cho ảnh con rắn lấy năm quan.

     Trên đường về, con rắn trong ghe rớt xuống sông. Anh chèo bỏ ghe phóng theo lặn xuống vớt nó lên. Con rắn biết ơn ảnh cứu mình khỏi chết hai lần, nên biếu ảnh cục ngọc băng xuyên, rồi chỉ đường cho ảnh bơi về nhà. Chủ ghe thấy ảnh phóng xuống sông không lên, tưởng đâu ảnh chết nên về bến là báo làng biết liền để khỏi bị nghi giết ảnh. Về tới nhà, thấy anh chèo đã ở nhà từ ba ngày trước.

     Con rắn khi biếu cục ngọc, có nói:

     ‘Ngọc này quý lắm, ước gì được nấy, anh ráng giữ nghen.

     Mà đúng vậy, nhờ nó, ảnh giàu lên rồi lấy vợ bên hàng xóm. Ảnh có nhà, nhưng vợ chẳng có đồ tốt để đeo. Chị này thấy chồng có cục ngọc sáng, mới xin ảnh đem ra thợ bạc làm vòng tay. Thợ bạc thấy cục ngọc quý liền tráo đồ giả trả lại, bởi vậy, sau đó hai vợ chồng chẳng còn ước gì được nấy nữa.

     Ở với ảnh có con chó với con mèo mà ảnh mua hồi trước. Hai con này khôn lắm. Chúng biết tên thợ bạc đã tráo cục ngọc nên nói ảnh để chúng đi lấy lại cho. Trên đường đi chúng gặp một bầy rái nói:

     ‘Anh chó, chị mèo đi đâu đó, ở chơi, để tụi tui kiếm cá về ăn.’

     Chó với mèo ở một đỗi rồi đi. Gặp một bầy chuột trên cây dừa hỏi đi đâu, chó với mèo nói:

     ‘Tụi tao đi công chuyện.’ Bầy chuột mời: ‘Ở chơi, để tụi tui kiếm cá tôm, ăn rồi đi.’ [a]

     Rốt lại, chó với mèo tới nhà thợ bạc. Mèo biểu chó:

     ‘Để tao leo lên nóc nhà kêu, cho bầy chó trong nhà ra sủa, mày lén vô trước. Chờ tao vô tính sau.’

     Hai con vô nhà, gặp chuột chúa đàn, nó hỏi:

     ‘Anh chị tới đây mần gì?

     ‘Tụi tao mần công chuyện.

     ‘Để tui kiếm thịt ăn cái đã.’

     Ăn xong, chó với mèo hỏi làm sao chun vô cái rương xe của tên thợ bạc [b]. Con chuột nói để nó, nhưng nó mới đục lỗ chun qua cái vỏ rương bằng cây chớ không vô được cái hộp da bên trong. Nó đi kiếm bầy chuột lắt đục lỗ chun vô hộp, tha cục ngọc ra. Con chó ngậm vô miệng, chạy.

     Ra ngoài, chó với mèo thay phiên ngậm ngọc chạy tới sông thì con chó ngậm ngọc bơi qua. Rủi thay, chó làm rơi cục ngọc xuống nước rồi một con cá bơi ngang nuốt mất tiêu. Mèo tức chửi chó lia lịa. Chó hỏi:

     ‘Chớ tao làm gì bây giờ?’

     Mèo nói:

     ‘Mất ngọc thì mình chưa về được đâu, mà phải đi kiếm một ông chài làm quen, họa may ổng bắt được con cá nuốt cục ngọc rồi tính.’

     Chó với mèo đi kiếm nhà một ông chài xin vô ở, ổng cho, dặn con mình đừng đánh. Nhờ chúng khôn, nên cả nhà cưng lắm. Bữa nọ ổng bắt được con cá moi ra cục ngọc trong mình nó. Chó và mèo chụp lấy, vọt chạy. Trên đường về, chúng gặp lại bầy rái và bầy chuột cũng mời chúng ăn như lúc đi. Sau hết, chó và mèo trả lại cục ngọc cho chủ, thưa:

     ‘Ông đã cứu mạng, tụi tui trả ơn rồi, bây giờ xin ông cho tụi tui ăn một bữa chót, cột ba tờ giấy bạc với ba đồng xu quanh cổ mỗi đứa, rồi hóa kiếp cho tụi tui khỏi tái sanh làm chó mèo nữa. Tụi tui mãi đội ơn ông.

____________
      a. Rái với chuột dừa không có vai trò gì trong chuyện này, có lẽ lấy từ chuyện nào khác ghép vô.

     b. Nhà giàu, hoặc là nhà có của ăn của để, dùng rương bự đựng tiền bạc vàng vòng lụa là, gắn bánh xe để dễ đẩy đi khi lỡ có cháy; người lớn nằm trên nắp rương được. Nghe nói tụi ăn trộm đánh thuốc cho người đó ngủ mê rồi khiêng cả người với nắp xuống đặng lấy đồ bên trong.

 

10. Truyền thuyết nhơn vật lịch sử

     68. Cọp trả ơn (Reconnaissance d’un tigre)

     Về cuối trào Trần, ở làng Trương Xá, huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An, có nhà anh kia họ Nguyễn, làm ruộng, với một con trai còn nhỏ.

     Ruộng ảnh thấp, nhiều cá. Ảnh đắp bờ, đặt lờ. Ruộng ở gần rừng. Đêm nọ có một con cọp ra ruộng, tới mấy cái lờ moi cá ra ăn. Một con cá rô bự giãy mạnh, ghim xương trong họng cọp. Cọp ta hết khạc ra rồi nuốt vô mà cũng không sao đẩy cái xương khỏi họng. Ráng sức một hồi, nó nằm lăn, rên rỉ. Gần sáng, anh kia ra ruộng thăm lờ, ban đầu chẳng biết đó là cái giống gì, đốt đuốc lên mới thấy một con cọp nằm chèo queo coi bộ hiền khô.

     Ảnh hỏi cọp sao rên, nó há miệng, đặt bàn chưn vô. Ảnh nghi nó ăn trộm cá rồi bị nghẹn xương, nên nói:

      ‘Nếu mày bị mắc xương trong cổ họng thì gật đầu rồi tao tìm cách gỡ ra cho.

     Cọp gật đầu hai ba cái; anh kia chạy về nhà, kiếm lấy rau má và cái mỏ chim cần cột [a], kêu thêm hai ba người nữa, đi ra nơi con cọp đang nằm ngóc cổ chờ. Ảnh giã sơ rau má, nhét vô họng cọp, lấy mỏ cần cột cào bên ngoài cổ họng nó hai ba lần. Xương trôi xuống bụng, con cọp nhẹ mình, nhảy lang ba một hồi.

     Bốn năm ngày sau, chừng nửa đêm, anh kia nghe tiếng chưn rảo quanh nhà, sáng ra thấy dấu chưn cọp với một con heo bị bẻ giò, dường như của con cọp tha tới trả ơn cho ảnh.

     Hai năm sau, một đêm nọ, anh kia đem lờ ra bờ, thì bỗng dưng té cái đụi chết ngắt. Con cọp tha xác ảnh đem đi chôn vô cuộc đất công hầu [b]. Tới sáng không thấy ảnh về, người nhà bắt đầu đi kiếm. Thấy dấu chưn cọp bên bờ nước, họ dõi theo tới chỗ con cọp chôn ảnh thì hết dấu. Họ thấy một đống đất mới đắp, bươi ra thấy xác của ảnh, còn nguyên. Người con của ảnh, tên Nguyễn Nhựt, lấy xác cha về quàn vô hòm đem chôn chỗ khác.

     Con cọp tới cái mả mới, phá đi, tha cái xác băng qua ruộng lúa tới nương Giồng Mô, moi huyệt thiệt sâu chôn ảnh lần nữa. Rồi nó lấp đất cho bằng, không để lại dấu vết chi, sợ có ai biết mà hư việc của nó. Sáng sau, mối đùn đất thành một cái gò bên trên huyệt, nhờ vậy không ai tìm ra.

     Song le, chỗ đó là mộ của một vị quốc công. Nguyễn Nhựt lớn lên nổi tiếng văn võ song toàn, góp công lớn lập ra trào Hậu Lê và được phong tước Cang Quốc Công. Dòng giõi ông này làm quan ba bốn trăm năm. Đó là nhờ cọp trả ơn vậy. [c]

__________
     a. ‘Cần cột’ là tên gọi chung 3 loài chim ‘cormorant’ họ Phalacrocoracidae: Phalacrocorax carbo, P. fuscicollis  P. pygmaeus (Microcarbo niger). Thời nay gọi là ‘cốc’.

       Rái (otter) là tên gọi chung những loài thú dưới nước ăn cá, họ chồn (Mustelidae); ở Việt Nam có 4 loài: Lutra lutraL. sumatranaLutrogale perspicillata và Aonyx cinerea.

      Khi mắc nghẹn xương cá, người ta lấy mỏ chim cần cột hoặc bàn chưn trước bên phải của con rái đem cào bên ngoài cổ họng. Hai thứ này là hai thứ Trời cho dùng để bắt cá, nên có tánh làm tan xương cá. Còn rau má thì có vị lạ hay dùng nấu với cá, nên có tánh làm mềm xương. Bởi vậy người tù muốn bứt xiềng thì hay bọc xiềng trong một nắm rau má. (Đây là ‘kiến thức dân gian’ của người An Nam thời xưa.)

      b.  Tức là cuộc đất mà nếu chôn vô đó thì dòng họ sẽ phát tới tước ‘công’ (tước này cao hơn hết, được nhà vua ban cho con vua hoặc người có công lớn mà thôi). Đây là nói theo khoa địa lý, một trong bốn khoa học thời xưa: văn chương, y dược, địa lý, thuật số, gọi tắt ‘nho, y, lý, số’.

      c. Đây chính là Nguyễn Xí (1397–1465), vị danh tướng góp công lớn đánh bại quân nhà Minh, lập ra trào Hậu Lê, được vua Lê Thái Tổ (1381–1433) ban cho họ vua và sau được vua Lê Thánh Tông (1442–1497) truy phong Cang Quốc Công năm 1484; quê ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, tỉnh Nghệ An; cha là Nguyễn Hội bị cọp vồ chết năm 1405 (Wikipedia tiếng Việt, ‘Nguyễn Xí’, 13-Dec-2021). Tên huyện Chân Phúc từ trào Lê đã được đổi sang Chân Lộc từ thời nhà Tây Sơn, và tới 1894 đổi thành Nghi Lộc cho tới nay (vansudia.net). Vậy chuyện này ắt đã đặt ra trước năm 1894.

 

     69. Chuyện ba chàng rắn (Histoire de trois hommes serpents)

     Thời trào Lý [a], ở làng Thượng Nhứt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tịnh [b], có vợ chồng ông Trần Thế Vinh và bà Nguyễn thị Thoại, lấy nhau mười lăm năm không đẻ con. Đêm đó mùa thu trời mưa, bà Thoại lấy lu hứng nước mưa trên mái nhà. Lúc đó chừng canh tư, bả thấy một vì sao trên trời rớt xuống lu nước. Thấy ngộ, bả kêu chồng ra kể lại. Hai người coi như chẳng có chuyện chi, vẫn uống nước lu đó.

     Rồi bả có bầu nhưng ba năm sau chưa đẻ, tưởng đâu bị báng, mà uống thuốc hay xức dầu chi cũng chẳng hết. Ngày nọ, nhằm mồng một tháng giêng, giữa ngọ, bà Thoại đẻ ra ba cái trứng màu xanh. Ông chồng thất kinh, chẳng dám nói ai biết. Mười tháng sau, ba trứng nở ra ba con rắn: con thứ nhứt mình xanh đầu đỏ, con thứ hai mình đốm đầu xanh, con thứ ba mình trắng đầu đen, mỗi con dài một thước hai tấc [c].

     Rắn lớn lẹ lắm, ông Vinh đi đâu chúng cũng bò theo. Bữa kia ổng dẫy cỏ ngoài đồng, lỡ tay phang đứt đuôi một con, máu phun ồng ộc. Nó liền biến ra một anh bảnh trai cao tới mười thước, nói:

      ‘Thưa ba má, anh em con là tiên trên trời, mắc tội nên bị đày xuống phàm để giúp nước. Hai em con ở lại, còn con bay lên cao làm giông phun mưa xuống để ghi nhớ chuyện vừa rồi.’ [d]

     Hai con rắn kia về nhà, tới khi trở thành người thì có tài không ai bằng. Lúc đó là thời trào Lý, giặc Tàu qua tính chiếm mỏ vàng ở Quảng Nguyên, ngà voi và quế ở Thanh Hóa, Nghệ An, nhưng bị quân của hai anh em đánh tan. Vua phong cho hai anh em chức ngươn soái, về sau lập miếu thờ mà tới đời này [đời nhà Nguyễn] vẫn còn linh. [e]

__________
     a. Tức là trào Hậu Lý (1010–1225), với quốc hiệu Đại Việt và kinh đô Thăng Long.

     b. Nay là Hà Tĩnh.

     c. Một thước bằng 22 lần đường kính của một đồng xu Gia Long, tức là 525 mm; mười tấc bằng một thước.

     d. Cơn giông là con rồng hiện hình cho người ta thấy, dân gian hiểu vậy.

     e. Đây dường như là hai anh em danh tướng Lý Thường Kiệt (1019–1105), chuyện kể rằng họ từ trứng nở ra có lẽ ngụ ý rằng gốc gác của họ ở đâu thì không rõ.

 

     70. Chuyện ông Trạng Trình (Histoire du Trạng nguyên Trình)

     Ở đất Hải Dương có cô kia tài sắc vẹn toàn, muốn lấy người chồng sao cho đẻ ra đứa con làm vua mà chưa kiếm ra ai. Rồi cổ lấy một ông có tước công tên Luân, vài tháng thì có bầu. Sau chin tháng mười ngày, cổ biểu chồng dựng một cái chòi cao, bốn bề che kín [a], dặn:

     ‘Chừng nào thiếp sanh, chàng mặc kệ thiếp, đừng thăm viếng gì, không thôi hư chuyện.’

     Chồng nghe lời. Cô kia sanh con được ba ngày, muốn thử chồng lần nữa, nên để con trên võng, dặn chồng đừng vô thăm, rồi bỏ đi. Ba ngày sau, người chồng muốn coi mặt con, lên chòi, thấy nó trên võng. Đứa con thấy cha, nó nói liền:

      ‘Dạ thưa cha tới thăm con!

     Người cha sợ hãi, xuống chòi. Vợ về trách:

     ‘Thiếp muốn con chàng làm vua, nhưng cha con chàng muốn nó làm trạng nguyên thời loạn mà thôi. Vậy thiếp chiều theo ý chàng, nhưng giữa hai ta không còn chi hết.’

     Nói xong, biến mất. Hai cha con ở với nhau. Khi lên mười bảy, đứa con tên Trình thi đậu trạng nguyên nhà Mạc, nhưng lòng theo nhà Lê, nên cáo bịnh không làm quan nhà Mạc, sau giả đui vô chùa ở. Khi nhà Mạc [bị nhà Lê đánh] thua, rút lên Thái Nguyên, Trình cho người em trai cùng mẹ khác cha là Trại ra giúp nhà Lê, dặn nếu có gì khó thì về gặp ổng. Trại ở Thanh Hóa, thi đậu trạng nguyên nhà Lê, nhưng tài thua xa Trình, việc chi cũng nhờ Trình sắp xếp.

     Khi nhà Mạc thua lần nữa và rút lên Lạng Sơn, thì Trại cho một tên lính về hỏi anh mình tiếp theo phải làm sao. Tên này về tới chùa, nhưng ba ngày liền chẳng thấy báo tin chi. Bữa đó, lúc hừng đông, Trình tới chỗ tên lính nằm, xé chiếu của y, xua tay nói:

     ‘Đi lẹ! Lẹ lên!

     Nghe lính về báo vậy, Trại lắc đầu, nói:

     ‘Anh ta nói đi lẹ sẽ thắng.’

     Quân nhà Lê theo gấp tới sát biên giới, bị Trình chặn lại. Trại lúc đó đang đi cùng vua Trang Tông, nghe tướng tiên phuông báo vậy, thì tới gặp hỏi Trình sao chặn đường tiến quân. Ổng đáp:

     ‘Chớ dồn ai tới đường cùng [b]. Anh còn một việc phải làm cho nhà Mạc, để họ khỏi bị diệt. Xin em rút quân, cho nhà Mạc sang Tàu.’

     Vua Lê nghe theo, rút quân về. [c]

     Ở xứ An Nam, từ đời Hồng Bàng tới nay, chưa có ai xứng danh trạng nguyên hơn ông Trình. Ổng biết mọi thứ năm trăm năm về trước và mọi thứ năm trăm năm về sau, mà còn ghi lại những thứ đó trong một cuốn sách cho người ta coi. Song le, vua Minh Mạng phật ý bởi một điều mà ổng dự đoán, nên ra lịnh hễ ai coi sách đó sẽ bị xử tử, để thiên hạ đừng coi. [d]

__________
      a. Dựng chòi cho đàn bà ở đẻ là thói tục thời xưa.

      b. Ý này lấy trong Đạo đức kinh của người Tàu.

     c. Trình ở đây là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), trạng nguyên nhà Mạc (1527–1592), và Trại là Phùng Khắc Khoan (1528–1613), trạng nguyên nhà Hậu Lê. Truyền thuyết này có những chi tiết khác với sách sử, nhưng ở đây ta không bàn thêm.

      d. Ở chuyện ‘Bà chúa Liễu’ không kể ra đây, ta được biết Trạng Trình khuyên Nguyễn Hoàng rút vô Trấn Ninh thì dòng giõi sẽ làm vua bốn đời. Có lẽ điều đó làm vua Minh Mạng phật ý, nhưng điều đó chẳng sai tý nào: sau bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, thì, trên thực tế, người Pháp đã cai trị An Nam.

Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com, 25/5/2022

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

__________
ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)” do tác giả viết (ngày 25/5/2021) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.

https://thanhdiavietnamhoc.com/antony-landes-voi-chuyen-dan-gian-nguoi-viet-phan-4/


..

1 nhận xét:

  1. CÁM ƠN BẠN GIAO! TÔI ĐƯỢC BIẾT LANDES CŨNG LÀ NGƯỜI ĐÃ THUÊ 2 NGƯỜI VIỆT SƯU TẦM THƠ CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ CHÚNG TA MỚI CÓ CÁC BÀI THƠ NÔM ĐƯỢC KHẮC VÁN, IN SAU ĐÓ. CHO PHÉP TÔI CHÉP LẠI MỘT SỐ TRANG CỦA BÁC ĐỖ NGỌC GIAO ĐỂ NHỮNG BẠN ĐỌC VÀO TRANG CỦA TÔI ĐƯỢC XEM!

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.