Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

16/06/2022

100 năm - lật lại hồ sơ mật thám Pháp về Nguyễn Ái Quốc (loạt bài của Văn nghệ Thái Nguyên)

Đăng tải dần lên theo bản lên trên Văn nghệ Thái Nguyên.

Tháng 6 năm 2022,

Giao Blog


---


..


100 NĂM – HỒ SƠ NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP (Kỳ IV – Nguyễn Ái Quốc và việc đưa Đông Dương ra thế giới)


18 Tháng Sáu, 2022

(Tiếp theo kỳ trước)

Năm 1919, nhân dịp các nước đế quốc thắng trận trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đã họp Hội nghị tại Versailles (Véc – Xây) để chia lại bản đồ thuộc địa thế giới,  Nguyễn Ái Quốc đã gửi Bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới hội nghị. Yêu sách đề cập đến những vấn đề sơ đẳng nhất về quyền tự do, dân chủ, về quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam và tố cáo với thế giới những tội ác của đế quốc Pháp ở thuộc địa, nhằm thu hút sự chú ý của giai cấp công nhân thế giới và các tổ chức dân chủ Pháp đến tình hình Việt Nam dưới ách thống trị của đế quốc Pháp.

Tài liệu theo dõi Nguyễn Ái Quốc những năm 1920 tại Pháp

Kể từ đó, cái tên Nguyễn Ái Quốc đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của chính quyền Pháp. Mọi hành động và lời nói của Nguyễn Ái Quốc đều bị theo dõi gắt gao và được ghi chép một cách chi tiết. Tất cả các bản báo cáo của nhân viên tình báo đều được gửi trực tiếp đến Sở Mật vụ hoặc Bộ Nội vụ dưới dạng “ghi chép” hoặc “báo cáo”. Phần lớn trong những tại liệu này được xếp vào hố sơ “Confidentiel” (hồ sơ mật).

Dưới đây là trích dẫn một số hồ sơ cảnh mật Jean, người được trực tiếp theo dõi Nguyễn Ái Quốc năm 1920. Jean dù rất cố gắng nhưng dường như hành tung của Nguyễn Ái Quốc vẫn là một bí mật lớn.

Ghi chép của Jean ngày 4 tháng 1 năm 1920

Chủ nhật 4 tháng 1 năm 1920

Ông NGUYỄN ÁI QUỐC và tôi đến thăm triển lãm hàng không.

Đây là cuộc hội thoại giữa chúng tôi từ 8 giờ đến 11 giờ (phần lớn là nói về kĩ thuật hàng không) tôi cũng đã có được những thông tin như sau:

I). – Ông QUOC đã từng ở châu Mỹ 6 năm, 4 năm ở Anh và làm bất cứ công việc gì để sống và học tập. Ông ấy đặc biệt quan tâm đến chính trị thuộc địa của người Anh, người Mỹ, người Tây Ban Nha và người Ý.

2°. – Ông ấy đã gặp hôm trước một người Irland (đại lộc Capucines) để nói chuyện về chính trị thuộc địa của người Anh ở Irland, người đó đã cho biết có những biến động ở Irland và ở Ấn Độ nhưng báo chí Anh đã lấp liếm.

3°. – Ông QUOC phàn nàn rằng Đông Dương vẫn hoàn toàn không gây tiếng vang trên thế giới, ông ấy đã nói về Đông Dương với các chính trị gia quốc tế, không ai biết đến sự tồn tại của Đông Dương và thậm chí chưa bao giờ nghe đến đất nước này, họ đồ rằng Đông Dương là một tỉnh nhỏ lẻ nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Cần phải, theo như lời ông QUOC, hét thật to để mọi người biết chúng tôi, ông thấy đấy, ông ấy nói thêm, Triều Tiên đã được tất cả các nước biết đến, bởi vì họ đã kêu rất to.

4°. – Ông ấy yêu cầu sự hỗ trợ của Đảng Xã hội Pháp để tuyên truyền, để kêu thật to về những điều mà chúng ta đã làm ở Đông Dương, tuy nhiên ông ấy cũng muốn chờ xem chính sách của ngài Maurice LONG.

Dưới đây là một bức ảnh chụp trên cầu Alexandre III.

(Trích lược…) (*)

Có thể nói, không bằng chứng nào xác thực bằng chính những ghi chép và báo cáo của mật vụ, bởi đó là những người làm nhiệm vụ theo dõi một cách chính xác nhất hành tung và tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1920 đánh dấu sự nhận thức rõ ràng ý thức của Nguyễn Ái Quốc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Chiến thắng chỉ có thể khi chúng ta có được sự ủng hộ của số đông, của quốc tế và của những đảng chính trị chân chính. Muốn có được sự ủng hộ ấy, Đông Dương cần phải “hét” thật to để mọi người nghe thấy và biết đến sự tồn tại của mình. Đó chính là điều mà Nguyễn Ái Quốc đã làm khi gửi đến hội nghị Véc Xây Bản Yêu sách của nhân dân An Nam.

Trang đầu Bản Yêu sách của nhân dân An Nam

Lúc này chúng ta đang ở những ngày đầu của năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã và đang bắt đầu thực hiện công việc mang Đông Dương và những vấn đề thuộc địa. Ngoài việc gửi Bản Yêu Sách của nhân dân An Nam đến hội nghị Véc Xây, Bác cũng bắt đầu ý tưởng về một cuốn sách để chỉ ra cho thế giới việc làm của chủ nghĩa đế quốc. Dưới đây là bản ghi chép của Jean cuối tháng 1 năm 1920.

Ghi chép của Jean ngày 21 tháng 1 năm 1920

Ngày 21 tháng 1 năm 1920

Vào khoảng 7 giờ tối phụ tá Lâm (**) đã đến nhà Nguyễn Ái Quốc và gặp Ông Long ở đó, một người Nam kỳ, thường đeo vài sợi ru băng ở cúc áo.

Sau mười lăm phút trò chuyện về thương mại, Ông Long đã cáo lui để kịp chuyến tàu.

Sau khi Long đi, đã có một cuộc hội thoại giữa Ông Quốc và phụ tá Lâm

(Phụ tá Lâm) – Ngài đã chuẩn bị vài cuộc diễn thuyết rồi chứ hay người diễn thuyết

vẫn còn thiếu ý?

(Ngài Quốc) – Tôi không thiếu gì cả, tôi có ý định làm bài diễn thuyết về Đông Dương nhưng tôi thấy hơi nực cười khi nói về Đông Dương mà không có một người Đông Dương nào dám tham gia hội nghị, điều đó đã xảy ra với tôi tại cuộc nói chuyện lần trước tại đường Chateau.

(Không một người An Nam nào ngoài người diễn thuyết)

(L.) – Ngài đã hơi nóng nảy khi dùng từ nhóm cách mạng An Nam, ai còn dám đến dự một hội nghị như thế nữa? – Nếu ai đó hỏi ngài nhóm đó ở đâu, ngài sẽ trả lời như thế nào?

(Q.) – Ông đang trách tôi đã nóng nảy, vậy ông đã làm gì từ năm năm nay mà không ai biết đến sự tồn tại của An Nam. Nếu cần thiết cứ làm càn để người ta biết đến chúng ta. – Nếu ai đó hỏi tôi nhóm cách mạng, tôi sẽ nói rằng 20 triệu người ở đất nước đấu tranh hàng ngày nhưng họ đang làm cho sự việc chìm xuống. – Cuối cùng người ta có thể làm gì được tôi, bỏ tù tôi, trục xuất tôi, cắt đầu tôi cũng thế thôi

(L.) – Nếu ngài phải đẩy lòng dũng cảm đến mức đó, hoan hô ngài, cứ tiếp tục đi.

Vào lúc 8 giờ, phụ tá Lâm đã dẫn ngài Quốc tới rạp hát “Trữ tình mới” ở đại lộ Clichy.

Trước khi ri đô kéo lên và giữa những cuộc giải lao, họ đã nói chuyện chủ yếu về các vấn đề sau:

(L.) – Ngài đã làm gì những ngày này?

(Q.) – Vẫn tìm sách

(L.) – Khi nào thì ngài hoàn thành?

(Q.) – Tôi không thể trả lời ngài chính xác, vì tôi cần rất nhiều tài liệu, tôi không muốn cuốn sách này do tôi viết, điều đó không mang lại giá trị cho cuốn sách, tôi sẽ chỉ trích dẫn những tác phẩm mà thực dân Pháp đã viết, tôi chỉ làm nhiệm vụ sao chép những đoạn trích. – Đây là đề cương cuốn sách của tôi.

Chương I. – Tình hình Đông Dương trước thực dân Pháp

Chương 2. – Những thứ họ mang tới Đông Dương

Chương 3. – Những thứ còn lại ngày nay

Chương 4. – Những thứ sẽ còn

(L.) – Ngài làm thế nào để in cuốn sách đó, ngài biết là không hề rẻ.

(Q.) Tôi sẽ làm điều thật đơn giản, khi tôi hoàn thành cuốn sách và biết được giá in, tôi sẽ đến gặp một người Đảng Xã hội hoặc bất cứ ai, tôi sẽ bán bản thân như người hầu trong nhà, chả nhẽ tôi lại không biết đánh giày hoặc sắp xếp bàn ăn?

(L.) À ! Điều đó thật tuyệt vời !

…..

(L.) – Việc bổ nhiệm ngài Deschanel mang lại cho chúng ta những gì?

(Q.) Ngài Deschanel tốt hơn là ngài Clémenceau, tôi đã gửi nhân dịp lễ mừng chiến thắng tới ngài Deschanel bản yêu sách, ngài ấy đã trả lời tôi vài từ rất thân thiện, trong khi đó Clémenceau không hề đáp trả.

Lâm muốn nói rằng nỗi sợ hãi cảnh sát khiến những người An Nam trở lên thận trọng, Quốc đã không có người đến nghe ở cuộc hội thảo.

Nghi chép đã nghi nhận việc hoãn bỏ một vài hội thảo để tuyên truyền ý tưởng của Nguyễn Ái Quốc, ông ta cũng nói với phụ tá Lâm rằng sẽ là nực cười khi diễn thuyết về Đông Dương mà không có một người Đông Dương đến nghe. Tôi sẽ chuyển cho ngài danh sách những tác phẩm mà ngài Quốc đang đọc để viết sách.

Ký tên: Jean.

Một bản ghi chép viết tay của mật thám Jean năm 1920

Nghi chép của Jean ngày 21 tháng 1 năm 1920

Ngày 21 tháng 1 năm 1920. Phụ tá Lâm đã dẫn Nguyễn Ái Quốc tới rạp hát NƠI TRÚ ẨN ở đường Montmartre.

Họ đã nói chuyện về các vấn đề như sau:

Phụ tá Lâm – Khi nào thì ngài xong cuốn sách?

Ngài Quốc – Trong vòng hai tháng nữa.

  1. Người ta bảo rằng có các nhóm hội bí mật đang cung cấp tiền cho người nhập cư ở Trung Quốc và Nhật Bản. Tôi thấy điều đó thật kì lạ khi họ không giúp ngài ở đây. Ngài làm nhiều chuyện hay hơn nhóm người ở Trung Quốc hay Nhật Bản.
  2. Tôi có cần một nhóm hội nào đâu. Tôi có nguyên tắc của mình “chỉ dựa vào bản thân mình”. Một nhóm hội, nghe thì đẹp, mỗi người đưa ra một ý kiến, người nào cũng có lời hứa, và cuối cùng đều bỏ cuộc. Không, tôi chỉ tin tưởng vào bản thân mình. Khi tôi xong cuốn sách, tôi sẽ bán cho nhà xuất bản, đây là ý định lúc này của tôi. Tôi luôn tự hỏi làm thế nào để chuyển cuốn sách về An Nam.
  3. Điều này khó hơn tất cả, cuối cùng chúng ta cũng có thời gian để phối hợp. Tôi sẽ không đi ngay lập tức. Tôi đã yêu cầu hoãn việc ra đi trong vòng hài đến ba tháng.
  4. Còn tiêu đề cuốn sách, chúng ta sẽ gọi như thế nào? Giả sử chúng ta đặt tên những “Người bị áp bức”.
  5. Nhẹ nhàng thôi, cứ luôn nóng tính sẽ dẫn chúng ta đến bạo lực, nếu chúng ta đặt tên “Thời quá khứ và thời hiện tại của An Nam”, tiêu đề này có vẻ lịch sử, giống như một cuốn tiểu thuyết, có vẻ cuốn hút mọi người chỉ bằng một cái tiêu đề.
  6. Không, tôi chọn tiêu đề “Những người bị áp bức”.
  7. Giả dụ rằng tiêu đề cuốn sách lôi cuốn được sự chú ý của Đảng Xã hội, nhưng liệu ngài có giấy phép của các nhà xuất bản để trích lược các tác phẩm mà ngài đang đọc để viết không? Cẩn thận, các nhà xuất bản có thể kiện ngài.
  8. Tôi có gì để các nhà xuất bản kiện? Tôi sẽ đi từ phiên tòa này đến phiên tòa khác để theo kiện, sẽ là cơ hội tốt để tuyên truyền trước các thẩm phán và trước dân chúng tham dự phiên tòa.
  9. Ngài có toàn những điều thuận lợi, thật ngưỡng mộ!

Một số ghi chép rời rạc của mật thám Jean về Nguyễn Ái Quốc, năm 1920

Theo thẻ căn cước, Ngài Nguyễn Ái Quốc có thể sinh ở Vinh, ngày 15 tháng 1 năm 1894.

Dưới đây là danh sách các cuốn sách mà ngài ấy đang đọc để viết cuốn “Những người bị đàn áp”.

DANH SÁCH NHỮNG CUỐN SÁCH VỀ ĐÔNG DƯƠNG

Đông Dương thất bại                          J. Ajalbert

Những số phận Đông Dương              J. Ajalbert

Những thuộc địa Pháp                       Gaffarel

Chế độ tài chính An Nam                              Vitry

Nông Nghiệp Đông Dương                 Perret

Bắc kỳ thời Pháp                                Courtois

Đông Dương thuộc Pháp                             Russier

Những bức thư Bắc kỳ                        Normand

Những con châu chấu                        Fabre

Sai lầm và nguy hiểm                         Bernard

Nước Pháp ở Bắc kỳ                           T. Của M.

Vụ việc 1908                                               Phan

Bài phát biểu của Pressensé

Chính trị Đông Dương                       Pouvoirville

Cuộc chinh phục Bắc kỳ                     Pouvoirville

Lời nói dối và Kền Kền                       Groups

Ghi chép của mật thám Jean từ 17 đến 24 tháng 2 năm 1920

Nếu đọc kĩ đoạn ghi chép của Jean, chúng ta có thể thừa nhận rằng Nguyễn Ái Quốc đã có ý tưởng về một cuốn sách lên án chế độ thực dân Pháp từ rất sớm, ngay từ những ngày đầu khi tung tích của Bác bị mật vụ phát hiện. Sẽ không hẳn là bất cẩn để khẳng định đây chính là tiền thân của cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la colonisation française) là một tác phẩm chính luận do Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp và được xuất bản năm 1925 – 1926 trên tờ báo của Quốc tế Cộng Sản có tên Imprékor. Nhưng nếu chúng ta so sánh giữa những tài liệu ghi chép của mật vụ cùng bản danh sách những cuốn sách mà Nguyễn Ái Quốc tra khảo với bản phụ lục của cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”, chúng ta có thể nhận ra một mối liên hệ mật thiết giữa các chi tiết.

Như vậy việc lật lại hồ sơ ghi chép của chính mật vụ Pháp cho phép chúng ta có được một vài câu trả lời về các câu hỏi về quãng thời gian ở Paris của Nguyễn Ái Quốc và sự trưởng thành của một Hồ Chí Minh tương lai. Có gì thực tế hơn chính những bằng chứng cung cấp bởi phía bên kia chiến tuyến?

(Còn tiếp…)

Quyên GAVOYE

———– 

(*) Lưu ý, cách viết tên và gọi tên được giữ nguyên văn như trong văn bản gốc.     

(**) Lâm là tên của một phụ tá mật vụ Pháp người gốc Việt Nam.                                                                                                                                                                          Kỳ III            

https://vannghethainguyen.vn/2022/06/18/100-nam-ho-so-nguyen-ai-quoc-cua-mat-vu-phap-ky-iv-nguyen-ai-quoc-va-viec-dua-dong-duong-ra-the-gioi/




..

100 NĂM – HỒ SƠ NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP (Kỳ III: Khí chất của Nguyễn Ái Quốc qua bức thư gửi Outrey – Nghị sĩ Nam Kỳ)

16 Tháng Sáu, 2022

(tiếp theo kỳ trước)

Thứ Ba, ngày 14 tháng 10 năm 1919, trên tờ báo Le Populaire – Bình Dân (Pháp) có đăng ở cột giữa bức thư gửi Outrey và kí tên Nguyễn Ái Quâc, với lời trích dẫn:

Công dân Nguyễn Ái Quốc gửi cho chúng tôi câu trả lời cho những tuyên bố ở viện nghị sĩ của ngài Outrey về Đông Dương. Chúng tôi trích dẫn dưới đây những đoạn quan trọng nhất (*)

Ảnh Nguyễn Ái Quốc lưu trữ tại ANOM

Ernest Outrey, một nghị sĩ Nam kỳ, người có sự nghiệp khá lâu và quan trọng tại Đông Dương. Đó là lý do để Bác đích danh gửi cho E. Outrey một một bức thư dài vì trước đó trong cuộc họp của Nghị viện Nam kỳ, E. Outrey đã công khai thóa mạ và vu khống Bác vì những hành động đấu tranh tại Paris và hải ngoại đồng thời công kích tờ báo Bình Dân vì đã đăng bài của Bác tố cáo tội ác của thực dân Pháp nhằm hạ uy tín và giảm đi tính chất xác thực của những hành động của Người.

Nếu đọc kỹ bức thư, sẽ không khó nhận ra hành văn quen thuộc của Nguyễn Ái Quốc, lập luận chặt chẽ, bằng chứng xác thực, dùng chính từ ngữ của kẻ công kích để công kích lại. Nếu như tại cuộc họp của Nghị viện Nam kỳ, Outrey đã không ngần ngại “thóa mạ” (từ nguyên văn trong bức thư) Bác và tờ Bình Dân với những lời lẽ nặng nề, thì trong bức thư Bác đã tỏ ra đứng trên y về mặt văn hóa khi khẳng định “trả lời cho những thóa mạ bằng những lời thóa mạ, chỉ làm bẩn chính mình”. Có lẽ vì thế nên bức thư của Nguyễn Ái Quốc rất sâu sắc dù không cần phải dùng đến những ngôn từ thô tục. Bác khẳng định chỉ nói sự thật bởi những lời nói của Bác được in trên tờ báo có tên tuổi, mà làm báo thì phải nói sự thật, không gì ngoài sự thật. Và để chứng minh cho lời nói thật, bức thư đưa ra những trích dẫn làm bằng chứng xác thực với ngày tháng của sự việc. Chỉ đơn giản vậy thôi cũng đủ cho Outrey biết ngược lại với y, những lời thóa mạ của y chỉ là những lời bịa đặt vu khống và vì thế trong hai người, “kẻ vu khống và người bị vu khống”, kẻ “đáng bị nhận danh hiệu kẻ khốn nạn”chính là y.

Chính trực, chặt chẽ chính là cách mà Bác thắng đối thủ và dành cho y ngôn từ sắc sảo đầy mỉa mai để định nghĩa nhân cách của đối phương “Tôi lẽ ra rất muốn chọn cho ngài một từ ngữ đặc trưng cho con người của ngài mà không làm ngài phật lòng, nhưng tôi không thể tìm được từ thích ứng trong tiếng Pháp ngoài từ kẻ bịa đặt”. Outrey, một nghị sĩ đại diện cho dân nhưng thực ra chỉ là một kẻ bịa đặt.

Chưa dừng ở đó, Bác đi xa hơn khi lật ngược vấn đề. Giả dụ chuyện Outrey nói Nguyễn Ái Quốc bị tòa án xét xử vì tội âm mưu chống Pháp là sự thực thì có lẽ ngược lại với lời thóa mạ, đó không phải là tội mà là niềm tự hào bởi “có những sự kết tội tôn vinh chứ không phải làm ô nhục”. Nhưng Outrey thì không thế, dù y chưa bị và cũng chưa ai bảo y bị kết tội, nhưng sự thực thì sao? Một trong những đồng nghiệp cũ của y lại là tay sai của Đức trong chiến tranh thế giới thứ nhất chống lại đồng bào của y. Thế chưa đủ, Bác đi xa hơn trong việc đánh vào ngôn ngữ mà Outrey sử dụng khi thóa mạ mình, y thường xuyên sử dụng từ “chống Pháp”. Thực ra những hành động mà Bác đang làm không hề chống Pháp, mà ngược lại chính là cứu danh dự cho nước Pháp khỏi đánh giá nghiệt ngã của thế giới khi đường đường là một đại quốc mang danh tự do và nhân đạo. Nhưng hành động của đồng nghiệp của Outrey thì mới chính là chống Pháp.

Lập luận cho câu nói của Outrey rằng Đông Dương đang theo đuổi mục đích của mình trong hòa bình là nói dối, Bác chỉ liệt kê hai sự việc rất gần, âm mưu nổi dậy của phong trào Duy Tân (1916) và việc chiếm giữ Thái Nguyên của người An Nam (1917). Thực ra, hai sự việc trên đã đủ gây tiếng vang về một Đông Dương bất ổn và đói khổ.

Để hạ thấp hơn nữa Outrey, Bác không ngần ngại so sánh y với đồng cấp, nghị sĩ Moutet hay Longuet, những người dám đấu tranh vì quyền lợi Đông Dương. Kết thúc bức thư, Bác đã để một lời ngỏ, nếu sau những bằng chứng xác thực để chứng minh lời của Outrey chỉ hoàn toàn là lời bịa đặt mà y vẫn tiếp tục diễn thuyết về Đông Dương như cách y vừa làm, thì y chỉ là một kẻ bịa chuyện vu khống mà thôi.

Phần đầu bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 126)

Dưới đây là toàn bộ bức thư của Bác gửi Outrey được lưu trữ tại cục lưu trữ hải ngoại Pháp (ANOM – Archives Nationales d’outre-mer), có trụ sở tại Aix-en-Provence.

Biarritz, ngày 16 tháng 10 năm 1919

Ngài OUTREY

Do đang nghỉ ngơi xa Paris, chỉ đến hôm nay tôi được biết về cuộc thảo luận của nghị viện ngày 18 tháng Chín, trong cuộc thảo luận ngài đã thóa mạ tôi rất mạnh mẽ và thô tục. Tôi không cần phải nhọc mình để dẫn dắt ra đây những lời thóa mạ từ chính miệng của ngài, giả dụ khi thóa mạ tôi, ngài đã không đồng thời thóa mạ tờ báo cao quý, là tờ đã mở rộng cánh tay dành một cột báo cho bài viết của tôi.

Những bài viết của tôi, tôi đã ký tên và tôi công khai tuyên bố trách nhiệm thuộc về riêng tôi. Ngài hiểu rằng một tờ báo Pháp, xứng tầm tên tuổi, đón nhận một cách công minh tất cả sự thật của bất cứ bên nào đi chăng nữa; điều đó không quan trọng miễn là những bài báo tố cáo đúng kẻ xứng đáng bị tố cáo. Trong các bài viết của tôi, tôi đã không đưa ra các phỏng đoán bừa bãi, tôi chỉ đưa ra những sự việc chính xác và ngài hoàn toàn ngu muội nên không thể tranh cãi vì không thể tranh cãi nổi.

Trong hoàn cảnh không cần tranh cãi với ngài, tôi chỉ đặt ra cho ngài một vài câu hỏi với sự lịch sự và ôn hòa. Tôi giữ về phần mình những tiếng thóa mạ chửi bới, trả lời cho những thóa mạ bằng những lời thóa mạ, chỉ làm bẩn chính mình.

Bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 127)

Đầu tiên, ngài đã nói và nhắc lại với tôi rằng tôi có lẽ bị kết án ở Đông Dương bởi những hành động chống Pháp. Vậy thì, xin ngài hãy nói cho tôi khi nào, bởi tòa án nào, và những hoạt động chống Pháp đó là gì?

Đấy là câu hỏi đầu tiên. Nếu ngài không thể trả lời chính xác, tức là đưa ra bằng chứng để chứng minh, hãy cho phép tôi hỏi ngài một cách lịch sự, ai trong hai chúng ta, kẻ vu khống và người bị vu khống, đáng bị nhận danh hiệu kẻ khốn nạn? Tôi lẽ ra rất muốn chọn cho ngài một từ ngữ đặc trưng cho con người của ngài mà không làm ngài phật lòng, nhưng tôi không thể tìm được từ thích ứng trong tiếng Pháp ngoài từ kẻ bịa đặt, tôi tự thấy bắt buộc phải nói với ngài không chút oán hận và sợ hãi, mà đường hoàng và mặt đối mặt, rằng ngài xuyên tạc, ngài là một kẻ vu khống.

Tôi đoán ra chiến thuật của ngài và đã tránh được nó trước, đừng cố ẩn mình sau những khinh bỉ và mất tự trọng. Con người của ngài và con người của tôi là hoàn toàn khác nhau trong vấn đề: đó chính là thiết lập lại sự thật, không gì khác ngoài sự thật.

Bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 128) 

Bây giờ tôi nói thêm nếu tôi từng bị điều tra và thậm chí kết án ở Đông Dương vì những gì giới thực dân vô liêm sỉ cho đó là hành động chống Pháp, có lẽ tôi sẽ không hổ thẹn, ngược lại tôi sẽ tự hào về điều đó: bởi với họ, vì chống Pháp có nghĩa là công khai tố cáo những ý định vô nhân đạo và những việc làm đáng xấu hổ của họ có hại một cách nghiêm trọng đến tên tuổi cao quý của nước Pháp, nó đi ngược một cách đáng xấu hổ những lý tưởng cao đẹp về tự do và công bằng mà thế giới vẫn biết về nước Pháp.

Vâng, ngài OUTREY, có những sự kết tội tôn vinh chứ không phải làm ô nhục. Ngài có nhiều ví dụ ở mọi thời đại và ở bất cứ đất nước nào, ngài cũng có thể thấy rất dễ dàng ngay ở chân trời nước Pháp. Những hoạt động chống Pháp! Điều đó không còn giá trị nữa, đã đến lúc tìm một lý do khác…….

Ngài cũng nói tiếp: “Với tư cách đại diện Đông Dương, tôi đã không thể để nghị viện thừa nhận ý kiến rằng Đông Dương đã bị nước Pháp ngược đãi và rằng những người An Nam không thể thực hiện tất cả các quyền tự do tương hợp với sự phát triển chính trị của số đông.

“Đông Dương dưới sự lãnh đạo của nước Pháp, theo đuổi trong hòa bình mục đích của họ, bằng chứng tốt nhất chính là họ hạnh phúc, ngài đã thấy, thưa các ngài, trong sự háo hức của những người An Nam đến để bảo vệ đất nước họ khỏi những mối hiểm nguy.

Bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 129)

Ngài đại diện ai? Liệu hai mươi triệu người An Nam, những người không biết ngài là ai ngay cả từ cái tên, ngoại trừ giới công chức và một vài kẻ ăn bám, hoặc là một nhóm những cử tri của ngài ở Nam Kỳ?

Đừng nói rằng Đông Dương bị nước Pháp ngược đãi, mà phải nói rằng nó bị những người Pháp bỉ ổi sống bám vào nó ngược đãi; hai việc ấy không phải là một. Ông có hiểu được sự khác biệt đó hay không?

Bởi vì ngài đã nhắc đến tự do và hòa bình trong câu nói của ngài trích ra trên đây, hãy để tôi hỏi ngài liệu sau khi đã so sánh câu nói của ngài với điều luật ngày 29 tháng 7 năm 1821, chúng ta có thể đồng ý rằng chế độ báo chí bản địa được lập ra bởi án lệnh ngày 30 tháng 12 năm 1918 và điều luật 214 đến 217 của bộ luật hình sự An Nam mới (In ở báo chính phủ của Đông Dương ngày 1 tháng 8 năm 1917) không phải là chế độ bịt miệng giống như ánh sáng tối mù trong rừng già và hậu quả là việc nhồi nhét trí não của người da vàng mà tôi đề cập trong bài báo, bài báo mà ngài đã lợi dụng để vu khống cho tờ Bình Dân trước nghị viện.

Hãy ghi nhận rằng tôi không trả thù ngài bằng ngôn từ, tôi gửi ngài bằng bức thư. – Ngài nhồi nhét đầu người da vàng chúng tôi giống như người Đức đã từng thử, nhưng thất bại, nhồi nhét đầu người da trắng ở vùng Ardennes, và xin hãy nhớ lại rằng trong số những người hợp tác với quân thù có một trong số những đồng nghiệp cũ của ngài ở văn phòng dân sự Thuộc Địa, một người có bằng cấp của trường Thuộc Địa. À ! Ngài đã rất thích dùng từ chống Pháp. Chúng đấy, đó mới thực là nghĩa của từ đó.

Có lẽ tốt hơn hết là ngài nên giữ im lặng về vấn đề sử dụng những người An Nam tại Pháp. Liệu khi chính phủ tham khảo ý kiến Đại tướng Pennequin và một đại tướng khác về vấn đề này, ngài có dám chống đối một cách mạnh mẽ việc thực hiện dự án, bằng việc nói rằng đó là dự án không khả thi, không có đủ binh lính An Nam để bảo vệ Đông Dương v.v và v.v.. Ngài lo sợ rằng đồng bào của tôi, khi tạm trú ở Pháp, sẽ không bỏ lỡ cơ hội để so sánh những nhà xác của người Pháp tại Đông Dương và cuộc sống tinh tế với một nghệ thuật sống của tầng lớp thượng lưu ở Pháp. Sự cao quý của những kẻ thực dân đặt trên sự cao quý của đất nước, đúng không?

Phòng đọc của Trung tâm Lưu trữ hồ sơ hải ngoại quốc gia Pháp

Về vấn đề hòa bình, vì muốn nhân nhượng cho ngài không hơn không kém, tôi chỉ muốn hỏi ngài liệu ngài có thể từ chối hai sự việc lớn đã diễn ra trong thời gian chiến tranh: vụ âm mưu nổi dậy của DUY-TAN, kéo theo việc đức vua bất hạnh không ngai bị trục xuất đến Réunion, và vụ chiếm tỉnh THAI-NGUYEN bởi những người An Nam? Đông Dương, ngài nói, tiếp tục số phận của nó trong hòa bình… Ngài không nhìn thấy thẳm sâu trong cung triều Huế, nơi cuộc sống khép kín, làm ngơ để tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng mà quên đi những gì đang diễn ra bên ngoài; Không bỏ qua ý định hướng số phận đi của đất nước đi theo chiều hướng khác mà ngài mong muốn, chứng minh cho ngài thấy người ta có đủ mọi cách xảo trá mà ngài là nhà vô địch.

Ngài tự kêu ngài Albert SARRAUT, và tất cả những người An Nam đã đóng góp trả tiền để phục vụ ngài, là một kẻ thiếu ngân sách từ ba mươi năm nay mà không biết điều đó. Ngài nhầm rồi, Ngài Albert SARRAUT không hoàn toàn xa lạ với tôi. Giữa ý tưởng của ngài và ý tưởng của ngài ấy có một khoảng cách của hai người quản lý. Có tiếng đồn trong giới người An Nam rằng ngài tham vọng chức Toàn quyền Đông Dương và họ run sợ với ý nghĩ bất hạnh rằng chính phủ Mẫu Quốc sẽ đàm phán một cách vô ý thức với dân tộc An Nam khi chỉ định ngài như người kế nhiệm của ngài Albert SARRAUT.

Có lẽ tôi đã nói chính kiến của tôi về công việc hành chính của người đó (**)khi tuyên bố cộng sự với điều mà thượng nghị sĩ đáng kính đảng xã hội, ngài Marius MOUTET, rất được yêu quý và tôn trọng bởi những người đồng hương của tôi, yêu quý và tôn trọng chỉ vì lý do duy nhất là ông ấy bảo vệ quyền lợi của đất nước chúng tôi khi không bao giờ muốn có một người như ngài là người quen trong giới hành chính thực dân, nơi cho phép ngài có được sự ủng hộ của một vài công chức và những kẻ An Nam ăn bám để đổi lại một vài lợi ích nhỏ.

Trang cuối bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 130)

Liệu ngài còn tiếp tục, sau bức thư với dẫn chứng cụ thể mà tôi đã liệt kê bên trên, mà nói rằng những công dân MOUTET và LONGUET đã đặt điều?

Kính thư.

Kí tên: NGUYEN AI QUOC

Trong bản lưu trữ, dưới chữ ký Nguyễn Ái Quốc (viết tay) là một ghi chú bút chì đỏ “hồ ba”.

(Còn tiếp…)

Quyên GAVOYE 

Kỳ 2 : Quan điểm giáo dục của Nguyễn Ái Quốc…

(*) Những đoạn được trích dẫn trên báo Bình Dân được tô bằng màu đỏ.

(**) Ý chỉ Albert SARRAUT .

(***) Tên riêng được giữ nguyên văn như văn bản gốc.

https://vannghethainguyen.vn/2022/06/16/100-nam-lat-lai-nhung-trang-ho-so-theo-doi-nguyen-ai-quoc-cua-mat-vu-phap-o-paris-ky-iii/

..


100 NĂM – LẬT LẠI NHỮNG TRANG HỒ SƠ THEO DÕI NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP Ở PARIS (Kỳ II)

14 Tháng Sáu, 2022


Kỳ 2- Quan điểm giáo dục của Nguyễn Ái Quốc qua một cuộc trò chuyện – ghi chép của mật vụ Pháp

Khi lật lại những trang báo cáo của mật vụ Pháp trong các cuộc theo dõi Nguyễn Ái Quốc tại Paris, một điều thú vị và lôi cuốn những người không chuyên về lịch sử cũng có thể nhận ra, tập tài liệu có thể đọc như một cuốn tiểu thuyết lịch sử đan xen những ghi chép hội thoại với Bác của mật vụ thể hiện những quan điểm về cuộc kách mệnh (cách mạng) mà Bác đang thực hiện.

Hồ sơ Nguyễn Ái Quốc tại sở lưu trữ tài liệu quốc gia Pháp

Dưới đây là trích bản ghi chép số 24 của mật vụ Edouard về cuộc trò chuyện giữa mật vụ Edouard và Nguyễn Ái Quốc về quan điểm giáo dục tại An Nam với sự góp mặt về sau của Phan Chu Trinh, Khánh Kỳ và Lê Văn Sao, ghi chép ngày 20 tháng 12 năm 1919.

Ghi chép tối mật – số 24 (trang 1)

“Ghi chép tối mật (số 24)

Tối qua tôi đã gặp ngài NGUYEN AI QUOC, thứ sáu, vào lúc 9 giờ tối tại nhà ông ấy, ở số 6 biệt thự Gobelins. Tôi đã gặp KHANH KY, LE VAN SAO, sau khi đã chuyện trò với QUOC, trong vòng khoảng nửa tiếng, tôi cũng có hân hạnh được gặp ngài PHAN CHU TRINH đến từ BORDEAUX mà không thông báo trước.

Cuộc nói chuyện giữa tôi và QUOC trước khi KHANH KY và PHAN CHU TRINH đến chủ yếu về ngài SARRAUT và việc kế nhiệm của ngài ở vị chí toàn quyền Đông Dương.

Ngài QUOC công nhận phần lớn chính sách của ngài SARRAUT ở Đông Dương, đặc biệt là quan điểm về sự phát triển của giáo dục Pháp ở đất nước, và việc mở rộng mạng lưới đường sắt cho phép khai thác được rừng An Nam và Lào và nguồn tài nguyên sẵn có.

Về chủ đề giáo dục cộng đồng, ông ấy chỉ trích chính phủ không nghĩ sâu xa trong vòng 57, 58 năm trước khi SARRAUT đến. Ông ấy cũng muốn thừa nhận rằng ngài BEAU đã dựng lên ở Đông Dương một trường Y và đã thực sự phục vụ rất nhiều cho người dân. Nhưng trường dạy cho sinh viên không đầy đủ nên không thể cho phép bác sĩ có thể hành nghề độc lập và đủ kĩ năng như những bác sĩ Pháp. Hơn nữa đó là trường duy nhất ở Đông Dương nên không đủ cho nhu cầu của 20 triệu dân trên toàn lãnh thổ. “Ngài Albert SARRAUT, QUOC nói, thành lập một trường trung học ở Hà Nội và một trường đại học. Đó là điều rất tốt, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cho một nhiệm vụ vô cùng lớn lao phải hoàn thành. Với 20 triệu dân của Đông Dương, cần phải, không chỉ duy nhất một trường cấp ba, mà 20 hoặc 30 trường cấp ba, thậm chí là hơn. Họ cần nhất là phải biến giáo dục cấp một thành bắt buộc mới cho phép số đông dân chúng được đào tạo, bởi phần đông dân chúng mới tạo thành nhân dân không phải số ít những người tài. Giáo dục và đào tạo dân chúng là việc khẩn cần làm hơn là đào tạo nhân tài. Người kế nhiệm SARRAUT liệu có nghĩ tới để làm? Tôi nghi ngờ điều đó, bởi vì nếu ông ta không chọn phụ tá là những người thân cận, như người ta thường nói, là người trong số những người ở Đại Quốc, những người chưa từng bao giờ làm việc tại Đông Dương, và là những người luôn có ý tưởng phóng khoáng, cái nhìn rộng hơn những cái nhìn của những kẻ thực dân, chắc chắn như thế, và chống lại sự phát triển chuyên sâu công cuộc giáo dục của Pháp ở đất nước sở tại, tất cả những người châu Âu sống ở đó mong muốn kìm hãm dân chúng trong sự dốt nát hoàn toàn để có thể đàn áp và bóc lột như ý. Đối với tôi, chừng nào những công chức Pháp ở Đông Dương không thay đổi tư tưởng ấu trĩ này, chừng đó, Ngài Toàn Quyền, dù giỏi đến đâu cũng không thể một mình mà thực hiện mục tiêu của thuộc địa đề ra bởi nước Pháp hào phóng”.

“Người ta luôn lấy vấn đề thiếu ngân quỹ để bù đắp cho việc thiếu phát triển giáo dục tại Đông Dương. Người ta còn viện thêm lý do này để kìm hãm những người kế nhiệm ngài SARRAUT tiếp tục chương trình do chính ngài ấy đề ra. Khi nghĩ tới tất cả điều này, tôi cay đắng cho những người đồng hương khốn khổ dường như bị bắt buộc phải chịu đựng vĩnh viễn bóc lột khốn cùng trong khi dân chúng những nước láng giềng, ngay cả những nước yếu hơn và lạc hậu hơn người An Nam cách đây năm mươi năm, như người Xiêm và người Philippin, hạnh phúc được hưởng tự do cho phép họ tiến nhanh hơn trên con đường văn minh hóa”.

“Ở Pháp, người ta thường xuyên nói về quyền và pháp luật, nhưng việc áp dụng quyền và pháp luật lại không được thực thi ở thuộc địa. Những người bản địa Đông Dương chỉ được thấy và được biết quyền bạo lực của kẻ mạnh”.

“Đối với tôi chừng nào đám đông dân chúng An Nam còn chưa nhận được giáo dục bắt buộc và báo chí An Nam chưa đạt được quyền tự do nói điều họ nghĩ, giáo dục đa dân tộc Đông Dương sẽ không thể tiến nhanh và thành công, và hậu quả là số phận của họ sẽ không bao giờ được thay đổi. Chúng tôi cần tuyệt đối giáo dục tiểu học bắt buộc”.

Tuy nhiên mật vụ Edouard cho rằng vì Nguyễn Ái Quốc đã rời đất nước khi còn rất trẻ nên có cái nhìn phiến diện về hiện trạng chung, Bác đã trả lời như sau:

“Vâng, ông QUOC đáp lại, tôi rất muốn thừa nhận với ngài rằng tôi vẫn chưa thể tiếp cận được với giới công chức Pháp ở thuộc địa để có thể đánh giá đúng giá trị như lời ngài nói. Nhưng tôi cho phép mình khẳng định với ngài rằng trước khi rời Tổ quốc tôi đã đủ khôn lớn để nghe đồng bào của tôi kể chuyện về hàng tá những vụ lạm dụng quyền lực của họ đối với người bản địa, sự tòng phạm với những quan chức triều đình An Nam. Tôi không biết liệu người Nam kỳ có được đối xử tử tế hơn những đồng bào miền Bắc và miền Trung, vì trên thực tế những người này thật khốn khổ. Chắc chắn là có không ít những công chức mong muốn những điều tốt đẹp cho người dân An Nam, buồn thay, số lượng này quá ít và hành động của họ hoàn toàn bị lấn át bởi những những kẻ xấu, những người này lại chiếm phần đông. Tôi e rằng với tư cách là công chức Pháp, ngài không đủ công minh để đánh giá. Còn với tôi, tôi đánh giá dựa trên những điều tôi được nghe từ đồng bào ở nông thôn của tôi, họ không biết làm thế nào và với ai để có thể kêu thấu. Họ chịu đựng không chỉ công chức Pháp, mà đặc biệt là quan chức triều đình An Nam, những kẻ được tuyển nháo nhào không ý thức được hết nghĩa vụ và đạo đức, bị dẫn dắt như những con cừu bởi giới công chức. Không có lý trí và quá tham lam khiến họ trở nên đáng khinh. Dưới con mắt của dân chúng, họ không đáng được tôn trọng mà đáng bị khinh bỉ. Đồng phạm của công chức Pháp, họ cũng thế, muốn kìm hãm dân chúng trong sự ngu dốt để có thể cai trị và bóc lột”.

“Về vấn đề ngân sách cần thiết cho việc xây dựng trường học, nếu Chính phủ thực sự mong muốn, họ sẽ có. Cho đến bây giờ, họ chưa hề hỏi ý kiến của nhân dân, liệu người dân có đồng ý trả mỗi năm một khoản phí cố định dành riêng cho sự phát triển có hệ thống trường học trên toàn đất nước. Họ bắt người dân trả thuế cắt cổ, mà không cho mang lại cho họ những phương tiện để học tập và xây dựng nghề nghiệp. Nếu có ngày họ hỏi “Chính phủ cần tiền để xây dựng trường học ở làng quê và huyện thị để thực hiện giáo dục cấp một bắt buộc dành cho trẻ em, các ông các bà có muốn trả cho Chính phủ?”. Chính phủ phải hứa chính thức sẽ sử dụng số tiền đó vào việc giáo dục kiến thức và nghề nghiệp, và công việc sẽ được kiểm chứng bởi những người do dân bầu ra. Chúng ta chắc chắn sẽ có đủ số tiền để thực hiện điều đó”.

“Cho đến bây giờ thay vì quan tâm đến vấn đề hệ trọng nhất, đó là việc phát triển giáo dục để có thể thay thế những quan chức triều đình già cỗi bằng những công chức trẻ hiện đại, và những cấp dưới của bộ máy Pháp. Chính phủ chỉ quan tâm đến việc đưa cho chúng ta con số không thể đếm nổi những công chức mà với tiền lương và vô vàn những khoản trợ cấp lấy đi phần lớn tiền công quỹ. Và khi chúng ta đề cập về giáo viên cấp một, họ luôn viện cớ thiếu ngân sách để bịt miệng những người khởi xướng vấn đề. Thật buồn để nói, nhưng đó là sự thật”.

“Những người lãnh đạo đất nước đã phạm từ sai lầm này đến sai lầm khác với đất nước, nhưng họ không bao giờ muốn thừa nhận điều đó, và để che đậy những sai lầm đầu tiên, họ tìm cách tạo ra những sai lầm mới, đến nỗi mà những sai lầm chồng chất khiến cuộc sống của người dân càng ngày càng khốn khổ”.

“Ngài là công chức nhà nước, ngài không thể đánh giá khách quan hiện trạng”.

Ghi chép tối mật – số 24 (trang cuối)

Câu chuyện tưởng rằng sẽ kết thúc ở đây khi Phan Chu Trinh bước vào một cách đột ngột và bày tỏ quan điểm của mình, quan điểm về một giải pháp ôn hòa với sự trợ giúp của chính quyền thuộc địa để phát triển giáo dục tại An Nam. Nguyễn Ái Quốc trả lời:

“Các ngài, người nhiều tuổi và dày dặn kinh nghiệm hơn tôi, các ngài tin rằng những người An Nam sẽ có thể đòi hỏi và đạt được điều gì từ Chính phủ. Về giáo dục! chắc các ngài muốn nói tới. Từ 60 năm nay, đồng bào của tôi đã đấu tranh, và họ đã đạt được gì? Quá ít thứ. Về việc tham gia của người An Nam vào việc quản lý đất nước! Họ sẽ nói với các ngài rằng hiện tại chính là người An Nam đang lãnh đạo đất nước. Về việc thỏa mái thực hiện quyền công dân! Họ sẽ nói với các ngài rằng các ngài vẫn chưa đạt được khả năng tự lập. Thế đấy! Thế đấy! Các ngài muốn đòi hỏi gì thêm?”.

“Tại sao 20 triệu đồng bào của chúng ta không làm gì để bắt buộc Chính phủ phải trả cho chúng ta quyền con người? Chúng ta là con người, chúng ta phải được đối xử như con người. Tất cả những kẻ không muốn coi chúng ta như họ, bình đẳng, chính là kẻ thù. Chúng ta không nên sống cùng họ ở trên cùng một mảnh đất!!”.

Tuy nhiên trước quan điểm kiên định của Phan Chu Trinh về một cuộc chiến ôn hòa và chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục trả lời:

“NGUYEN AI QUOC chỉ ra từ 60 năm, những người An Nam đã đợi sự thay đổi. Chính phủ không làm gì nhiều để đáp ứng đòi hỏi của họ. Có một vài người lên giọng để cho chính quyền biết điều phàn nàn của họ và sự đói khổ, và để đòi hỏi những phương thuốc chữa những vết mà họ đang chịu đựng, người ta trả lời họ bằng nhà tù, bằng trục xuất và bằng kết tội tử hình. Nếu các ngài mong muốn dựa vào sự hợp tác của Chính phủ để thay đổi tình hình hiện tại, các ngài có thể đợi mãi mãi. Tôi tự hỏi tại sao người dân An Nam lại không thể làm điều mà những người Ai Cập và Ý đã làm. Họ không muốn đối xử với chúng ta như con người, thật vô ích cho chúng ta sống mà bị làm nhục và bị chối bỏ trên mảnh đất của mình. Chừng nào họ còn lấy đi của chúng ta niềm vinh hạnh thực hiện quyền công dân và chính trị, chừng đó họ còn tiếp tục coi chúng ta như quân thù và như nô lệ. Làm thế nào mà chúng ta có thể trong hoàn cảnh này yêu mến và đánh giá cao những kẻ đã coi thường chúng ta và đối xử với chúng ta như quân thù? Nếu Chính phủ Pháp đã muốn chấp nhận vào nghị viện một số người An Nam, họ đã có thể có đầy rẫy những sự chống đối gặp phải của những người đại diện Thực dân! Bất hạnh thay, họ không muốn chuyện này. Chả nhẽ tôi không có lý khi đấu tranh trong tình hình này?”.

Cuộc nói chuyện tạm dừng vì sắp nửa đêm.

Vào lúc 11h15, tôi chia tay QUOC và những người khác.

Paris, ngày 20 tháng 12 năm 1919

Ký tên : EDOUARD

Tròn 100 năm trôi qua, nhưng những tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về giáo dục vẫn là vấn đề toàn cầu “cần nhất là phải biến giáo dục cấp một thành bắt buộc mới cho phép số đông dân chúng được đào tạo, bởi phần đông dân chúng mới tạo thành nhân dân không phải số ít những người tài. Giáo dục và đào tạo dân chúng là việc khẩn cần làm hơn là đào tạo nhân tài”. Chỉ có thể giáo dục toàn diện và toàn dân mới mong có một nền văn minh bền vững. Một số ít nhân tài không thể làm thành nhân dân.

(Còn nữa)

Quyên GAVOYE

Kỳ I

https://vannghethainguyen.vn/2022/06/14/quan-diem-giao-duc-cua-nguyen-ai-quoc-qua-mot-cuoc-tro-chuyen-ghi-chep-cua-mat-vu-phap/



..



100 NĂM – LẬT LẠI NHỮNG TRANG HỒ SƠ THEO DÕI NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP Ở PARIS: (Kỳ I)- Nguyễn Ái Quốc là ai?

12 Tháng Sáu, 2022

Tập hồ sơ mang tên “Nguyễn Tất Thành bí danh Nguyễn Ái Quốc bí danh Hồ Chí Minh ( từ 1911 đến 1955)”, có mã số tư liệu “4015 COL 1”, hiện đang được lưu giữ tại Cục lưu trữ quốc gia Hải Ngoại Pháp (ANOM – Archives Nationales d’Outre-Mer) có trụ sở tại Aix-en-Provence, trực thuộc bộ văn hóa của Cộng hòa Pháp. Cục lưu trữ quốc gia Hải Ngoại chịu trách nhiệm thu thập và bảo tồn các tài liệu về quá trình mở rộng thuộc địa của Pháp, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Đây là một tập hợp các tài liệu thu thập từ năm 1911 cho đến năm 1955 khi Nguyễn Ái Quốc trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tập hồ sơ dày hơn 9.000 trang được cung cấp bởi các cơ quan an ninh tại Đông Dương và tại Pháp.

Giấy tờ tùy thân của Nguyễn Ái Quốc được lưu trữ tại Pháp

Tập hồ sơ bao gồm các văn bản tài liệu bằng nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, tiếng Việt, chữ Hán nôm, được chia làm hai phần. Phần một, bao gồm các tài liệu được cung cấp bởi Cơ quan Liên lạc lãnh thổ Hải ngoại của Pháp (SLOTFOM), mang mã số tư liệu “SLOTFOM XV 1”, từ năm 1919 đến 1949. Phần hai mang mã số tư liệu “HCI SPCE 364-370”, gồm tài liệu cung cấp bởi Cơ quan Bảo an Lực lượng Viễn chinh Pháp từ năm 1911 đến năm 1955 bao gồm phần lớn các báo cáo chi tiết của các mật vụ, ghi chú và thông tin mật về việc theo dõi Nguyễn Ái Quốc; nhiều thư từ trao đổi của sở cảnh sát, lãnh sự quán Pháp ở châu Á, Bộ Thuộc địa và Chính phủ Pháp. Ngoài ra còn có các tài liệu về các cuộc phỏng vấn và thẩm vấn các nhân chứng và “nghi phạm” trong các cuộc bắt giữ.

Đặc biệt tập hồ sơ còn lưu giữ nhiều tài liệu được thu giữ trong quá trình khám xét và bắt giữ Nguyễn Ái Quốc, một vài mảnh bút tích của Nguyễn Ái Quốc được các cơ quan an ninh thu thập để xác định chữ viết tay của Bác. Ngoài ra còn có nhiều trích đoạn báo chí dưới dạng các bản dịch được chép lại hoặc các mẩu báo, và một số tờ báo. Nhiều tập tin có các bức ảnh về Hồ Chí Minh, một số tờ rơi và áp phích nhỏ.

Có thể nói, đến năm 1919, Nguyễn Ái Quốc vẫn là cái tên hoàn toàn xa lạ với chính quyền Pháp. Khi đó, mối quan tâm của cơ quan mật vụ nhằm vào Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh và những chí sĩ khác đang có mặt tại Pháp. Nhưng khi Nguyễn Ái Quốc đích thân gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”vào tháng 6 năm 1919 tạo lên một tiếng nổ vang dội trên chính trường đẩy cái tên Nguyễn Ái Quốc lên thành đối tượng theo dõi số một. Dưới đây là bức thư Tổng Thư ký Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa: 

Phủ Tổng thống nước Cộng hòa

Paris, ngày 23 tháng 6 năm 1919

Ngài BỘ TRƯỞNG

Ngài Tổng thống đã nhận được một thông điệp gửi tới từ Nguyễn Ái Quac, sống tại số 56 đường Hoàng Tử, người tự xưng được ủy thác bởi “Hội Đồng Hương An Nam”.

Ngài Tổng thống ủy thác cho tôi chỉ định cho ngài điều tra về con người của ông Nguyễn Ái Quac và về nhóm hội mà ông ta tham gia.

Xin ngài nhận từ tôi sự tôn kính sâu sắc. 

Tổng Thư ký Chính phủ nước Cộng hòa

Ký tên: Pichon (*)

Cho đến lúc này hồ sơ về Nguyễn Ái Quốc chỉ là những thông tin vụn vặt, những thông tin mù mờ không chính xác, sơ yếu lý lịch chỉ bao gồm những thông tin rất ngắn gọn và ít ỏi, những dòng thông tin liên quan đến cá nhân và gia đình đều để trống (cha mẹ, địa chỉ, ngày sinh, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân…). Trong hồ sơ có kèm một bức ảnh chân dung đen trắng với những đặc điểm nhận dạng sơ sài như sau :

Họ và Tên: Nguyen Ái Quốc (Nguyễn Yêu Tổ Quốc)

Bí danh: Quac (hoặc có thể Nguyễn Văn Thanh)

Quốc tịch: An Nam

Chiều cao: 1m62

Tuổi tầm: 28

Nhận dạng chung: gầy gò

Nước da: xanh xao

Râu: ngắn

Ria: cạo

Trán: rô

Mũi: nở rộng – cao

Tai: xòe

Miệng: Môi dày

Nhận dạng chung: Hơi dong dỏng, dáng hơi nghiêng bên trái, cởi mở, hay cười

Nhận dạng đặc biệt: Vai mở rộng bên trái, hơi hẹp bên phải

Vậy là từ tên tuổi vô danh Nguyễn Ái Quốc đã công khai sự tồn tại và làm đảo điên giới chức mật vụ. Từ sự kiện này, mật vụ Pháp đã tung ra một mạng lưới để theo dõi hành tung của Nguyễn Ái Quốc. Dẫu vậy câu hỏi “Nguyễn Ái Quốc là ai?” vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Chân dung Nguyễn Ái Quốc (trái) và một số nhà hoạt động cách mạng Việt Nam được mật thám Pháp đặt tên là “Nhóm Ngũ long” và lập hồ sơ theo dõi.

 Từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 11 năm 1919, mật vụ Pháp đã có tới hơn chục bản báo cáo chi tiết về Nguyễn Ái Quốc của gần chục nhân viên được gửi về sở mật vụ, bao gồm những thông tin cá nhân và những thông tin hoạt động tại Paris. Nhưng dường như mọi cố gắng của mật vụ Pháp cũng chỉ dừng lại ở những những nghi ngờ và phán đoán.

GHI CHÉP MẬT

Tối qua, một thanh niên An Nam gốc Bắc Kỳ tự xưng danh là HO BA đã đến gặp tôi, anh ta tự giới thiệu là sinh viên ngành nuôi tằm tơ ở Lyon từ năm 1914. Rời đất nước ra đi từ năm năm nay, anh ta hoàn toàn mù tịt mọi thông tin chính trị và những biến động tại Đông Dương. Anh ta tự hỏi liệu những thông tin đăng tải trên tờ “Nhân Đạo có chính xác, anh ta mong muốn được biết thêm liệu người dân An Nam đã được đáp ứng tất cả những đòi hỏi ghi trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam được đăng tải trên báo. Vì không biết anh ta nên tôi chỉ nói với anh ta những suy nghĩ của bản thân. Tôi yêu cầu anh ta trở lại gặp tôi và cho tôi biết địa chỉ chính xác. Anh ta đã trả lời tôi một cách qua loa rằng anh ta đang ở khách sạn Hiện Đại gần ga Lyon và vì anh ta đang rất bận nên chỉ có thể quay trở lại gặp tôi khi có thể. Tôi đã nài nỉ anh ta cho tôi một cuộc hẹn. Cuối cùng anh ta nói với tôi rằng sẽ viết cho tôi muộn nhất vào thứ bảy để thông báo liệu anh ta có thể đến gặp tôi hay không.

Thái độ của anh khiến tôi tin rằng những điều anh ta vừa nói với tôi không phải là sự thật. Cần phải kiểm chứng những thông tin trên.

Tôi quên chưa nói rằng người thanh niên đã nói khi đến gặp tôi rằng anh ta đã gặp một người công chức già của phòng Thuộc địa để tìm hiểu thêm những thông tin về những diễn biến dành cho người dân An Nam sau khi bản yêu sách được công bố và người ta đã trả lời anh ta hãy đi gặp hoặc là tướng CHAU hoặc là gặp trực tiếp tôi, người làm việc tại Bộ để có thể có được thông tin.

Tôi ghi ngờ rằng người vừa đến gặp tôi chính là NGUYEN AI QUỐC.

Vào khoảng 9 giờ tối, tôi đã đi gặp một sinh viên, người mà theo những tin tức mà tôi có được, có thể nhận diện NGUYỄN ÁI QUỐC. Sau một cuộc nói chuyện khá lâu về rất nhiều đề tài, tôi cũng đề cập đến NGUYỄN ÁI QUỐC, PHAM CHAU TRINH và PHAM VĂN TRƯỜNG. Từ cuộc trò chuyện này anh ta đã tiết lộ rằng PHAM VĂN TRUONG có lẽ đang ở Đức từ hai tháng nay cùng với NGUYỄN ÁI QUỐC. Người này có lẽ đã trở về Paris từ một tuần nay. Anh ta có lẽ đang sống ở số 6 Đại Lộ des Gobelins (trong căn hộ của TRƯỜNG).

Theo như những miêu tả về NGUYỄN ÁI QUỐC thì tôi tin rằng những nghi ngờ của tôi là hoàn toàn có lý và người thanh niên đến gặp tôi khi trước chính là QUỐC.

Tôi cũng có thêm được lời hứa rằng anh ta sẽ giới thiệu NGUYEN AI QUỐC với tôi vào chiều thứ bảy.

Trong lúc chờ đợi cuộc gặp, tôi muốn biết liệu ông TRƯỜNG có thật sự đang vắng mặt tại ở Paris.

PHAM CHAU TRINH vẫn đang ở PONS. Tôi sẽ sớm có địa chỉ của ông ta.

Tôi sẽ vắng mặt tại Paris vào ngày thứ năm và thứ sáu, nếu như cơn đau khớp không biến mất.

Paris ngày 5 tháng Mười 1919

Ký tên : Edouard

Một bản cóp py gửi cho P. Arnoux.

Tuy nhiên, diễn biến tiếp theo của cuộc gặp gỡ không mang lại cho mật vụ Edouard kết quả mong đợi.

GHI CHÉP MẬT

Người thanh niên đã hứa giới thiệu NGUYEN-AI-Quốc vào tối thứ bảy, đã không thể hoàn thành nhiệm vụ với lý do Nguyễn Ái Quốc không có thời gian gặp gỡ.

Tuy nhiên vào buổi chiều thứ bảy tôi đã nhận được từ người sinh viên ở Lyon, có tên gọi HỒ-BÁ mà tôi đã nói tới trong ghi chép ngày 5 tháng mười. Tôi đã nói chuyện với anh ta bằng tiếng An Nam và tôi đã nhận ra anh ta là người Bắc Kỳ. Khi tôi hỏi thì anh ta trả lời anh ta đến từ Hải Phòng. Anh ta đang là sinh viên của trường đại học ngành nuôi tằm tơ ở Lyon … (một vài từ quá mờ không thể dịch). Anh ta cũng hỏi tôi nếu có thể và không thấy phiền lòng cùng đứng về phía PHAN-VAN-TRUONG và NGUYEN-AI-QUOC để bảo vệ quyền lợi của người An Nam. Tôi tin chắc nếu anh ta không phải là Nguyễn Ái Quốc thì anh ta cũng là người cùng phe phái, tôi trả lời anh ta rằng với tư cách là sinh viên thì anh ta không nên tham gia vào những chuyện có thể gây khó khăn cho việc học hành của anh ta nhưng anh ta đã nói làm những điều có ích đối với anh ta.

Anh ta đã nói với tôi về những bài báo của NGUYEN-AI-QUOC đặc biệt là về bài báo trả lời cho ngài OUTREY trên tờ “Bình Dân”ngày 16 tháng mười 1919. Bài báo này, theo như lời anh ta nói với tôi, chỉ là một đoạn trích lược rất ngắn gọn của một bức thư rất dài mà NGUYEN-AI-QUOC đã viết cho ngài OUTREY. Tôi đã may mắn có được một bản cóp py của bức thư này, tôi sẽ gửi kèm trong phụ lục. Cuối cùng trước khi chia tay anh ta đã hứa sẽ viết cho tôi từ Lyon ngay khi anh ta về đến đó.

Do đó cần phải theo dõi chặt chẽ anh ta ở Lyon nhưng không để cho anh ta biết đang bị theo dõi.

Tôi cũng được biết thêm rằng ngài KHANH KY có sở hữu một vài cửa hàng ở Mayence, Gutenbergphatz, số 10 và ở Francfort A. M. Hohenzellernstr, số 18.

Ngài François Albert hình như là người gốc Nam Kỳ đang ở Mayence tại nhà KHANH-KY.

Paris, ngày 10 tháng mười năm 1919.

Ký tên: Edouard

Một bản cóp py gửi cho P. Arnoux.

Ghi chép của Jean ngày 4 tháng 1 năm 1920

Rõ ràng, mật vụ Pháp đang rất bối rối để tìm ra người mang tên Nguyễn Ái Quốc là ai. Phải mất nhiều tháng điều tra, họ mới có được một chút kết quả. Ngày 17 tháng 11 năm 1919, báo cáo về Nguyễn Ái Quốc không chỉ còn là ghi chép báo cáo đơn thuần, nó đã được xếp vào “hồ sơ mật”. Dưới đây là trích đoạn bản báo cáo của mật vụ Edouard

GHI CHÉP MẬT

Tôi đã gặp Nguyễn Ái Quac tối qua và nhận được sự đồng ý cho lời mời ăn tối cùng. Trong buổi trò chuyện, ông ấy đã khiến tôi tin rằng ông ấy xuất thân từ miền Bắc An Nam, và rất có thể là Thanh Hóa. Đó là một chàng trai rất thông minh.

(… Trích đoạn)

Cuối cùng, ông ấy khẳng định với tôi rằng đã rời Đông Dương năm 1914. Ông ấy nói rất tốt tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Ông ấy biết rất ít tiếng Đức.

Đó là những thông tin có thể nói chính xác nhất từ đầu đến bây giờ về Nguyễn Ái Quốc. Ngay sau bản báo cáo mật vụ này, đích thân toàn quyền Đông Dương Pasquier đã gửi giấy mời Nguyễn Ái Quốc đến văn phòng gặp gỡ. Giấy mời được ký ngày 20 tháng 11 năm 1919.

Như vậy có thể nói chỉ sau vài tháng, Nguyễn Ái Quốc đã thành công trong việc thu hút được sự chú ý của chính quyền để có thể tự do diễn đạt ý tưởng bảo vệ Đông Dương và lên án chế độ thực dân, nhờ đó đã tạo lên cơn địa chấn cho bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” mà Bác đã gửi cho Hội nghị vì Hòa Bình ở Véc – Xây vào tháng 6. Nguyễn Ái Quốc đã rất khôn khéo khi công khai tất cả các hoạt động trên đất Pháp giống như một lý lẽ mạnh để thuyết phục chính luận thế giới.

Tuy công khai hoạt động, nhưng câu hỏi “Nguyễn Ái Quốc thực sự là người như thế nào?” vẫn là lời thách đố với chính quyền Pháp lúc bấy giờ. Ngày 10 tháng 12 năm 1919, mật vụ Jean có bản báo cáo về Nguyễn Ái Quốc như sau:

“Trí thức, nhưng chưa diễn đạt thành thạo, nói và viết tốt tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, và đọc được ít tiếng Ý.

Ông ấy có khả năng đánh giá sự việc rất nhanh, đôi khi có chút mâu thuẫn.

Ông ấy dành phần lớn thời gian để học, đọc tất cả các sách tiếng Pháp và tiếng nước ngoài về Đông Dương.

Mục đích chính của ông ấy là ở lại Pháp để có thể diễn đạt một cách tự do để bảo vệ quyền lợi Đông Dương.

          (…)”

Quang cảnh bên ngoài Trung tâm Lưu trữ quốc gia Pháp (ANOM)

Bắt đầu từ đây việc theo dõi Nguyễn Ái Quốc trở lên gắt gao và sâu sát hơn. Những bản báo cáo ngày một dài và chi tiết đến từng giờ, bao gồm cả những người thân cận có quan hệ gần hoặc xa của Nguyễn Ái Quốc. Mọi giấy tờ đến và đi từ Nguyễn đều được kiểm soát và sao chép lại. Dưới đây là trích đoạn mọt bản báo cáo chi tiết của mật vụ Pháp gửi ngày 30 tháng 12 năm 1919 tới Sở Cảnh sát:

“Ngày 26 tháng 12 Nguyễn Ái Quốc ra khỏi nhà, số 6, tòa nhà Gobelins vào lúc 15 giờ 25 để đến số 70 đại lộ Gobelins ở xưởng in Charpentier. Khi rời xưởng ông ta đã mua “Báo Nhân Dân”.

Tiếp đó ông ấy đi tàu điện đến “Hiệu thuốc Lớn số 1”, 26, đại lộ Sébastopol và mua nhiều thứ lặt vặt. Ông ta trở về nhà lúc 16 giờ 55.”

Dù rất chi tiết đến từng giờ, từng phút thì câu hỏi “Nguyễn Ái Quốc là ai?” vẫn là dấu hỏi rất lớn đối với chính quyền Pháp lúc bấy giờ.

(Còn tiếp)

Quyên GAVOYE 

Lưu ý : Tất cả tên riêng được dịch nguyên bản từ tài liệu gốc mà không sửa chữa.

https://vannghethainguyen.vn/2022/06/12/100-nam-lat-lai-nhung-trang-ho-so-theo-doi-nguyen-ai-quoc-cua-mat-vu-phap-o-paris-ky-1-nguyen-ai-quoc-la-ai/

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.