Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

27/03/2022

Đọc lại "Ngọa Long cương vãn" thơ Nôm lục bát viết khoảng 1620s của Đào Duy Từ (1572-1634)

 Lúc đó, Đại Việt hình thành thế chân vạc gồm Ba Đàng, là Đàng Ngoài - Đàng Trong - Đàng Trên.

Đào Duy Từ đã bỏ Đàng Ngoài (vua Lê chúa Trịnh) mà vào tìm và giúp minh chủ ở Đàng Trong (chúa Nguyễn). Một số người giúp việc quan trọng cho chúa Nguyễn lúc đó lại xuất thân từ Đàng Ngoài (ví dụ như Đào Duy Từ) và Đàng Trên (tức Cao Bằng, lúc đó nhà Mạc vẫn cai quản). Nhóm xuất thân từ Đàng Trên thì đáng chú ý nhất là con cháu Mạc Cảnh Huống - sau được ban họ Nguyễn (rồi thành Nguyễn Hữu).

"Ngọa Long cương vãn" tương truyền là thơ quốc âm (chữ Nôm) theo thể lục bát mà Đào Duy Từ đã dâng lên chúa Nguyễn. Chúa đã khởi dụng họ Đào nhờ bài vãn danh tiếng này.

Bản đầu tiên lấy về từ trang Đào Duy Từ của con cháu cụ.

Tháng 3 năm 2022,

Giao Blog



---

Ngọa Long Cương Ngâm


Ngọa Long cương vãn có nghĩa “Bài văn kể chuyện người ở Ngọa Long Cương”. Ngọa Long là tên khu đồi núi (Cương) ở huyện Nam Dương tỉnh Hà Nam Trung Quốc, nơi mà người đời Hán là Gia Cát Lượng tự Khổng Minh quê Tương Dương đã tránh loạn đến đấy làm nhà ở ẩn. Vậy “chuyện người ở Ngọa Long Cương” chính là chuyện Khổng Minh Gia Cát Lượng. Động cơ nào khiến Đào Duy Từ viết Ngọa Long Cương vãn? Liệt truyện tiền biên chép: “ Duy Từ thường ngâm Ngọa Long Cương nhất thiên, dụng quốc âm, dĩ Gia Cát Lượng tự huống, Đức Hòa kiến chi viết: Duy Từ kỳ kim chi Ngọa Long hồ = Duy Từ thường ngâm bài Ngọa Long Cương bằng chữ Nôm, tự ví mình với Gia Cát Lượng. Đức Hòa xem khúc ngâm, nói: Duy Từ là Ngọa Long đời nay vậy!” Theo đó thì Duy Từ đã làm bài vãn này không lâu trước hoặc sau khi gặp Đức Hòa (khoảng mùa thu năm Bính Dần (1626). Thông qua bài vãn để kể chuyện người ở Ngọa Long Cương thuở xưa, tác giả đánh tiếng cho đời biết hiện đã có Lộc Khê Đào Duy Từ tài trí chẳng kém Ngọa Long Gia Cát Lượng. Sự đánh tiếng đó không ngoài mục đích tiến thân. Liệt truyện chép: “Đinh Mão ngã su bại Trịnh binh vu Nhật Lệ, Đức Hòa văn tiệp nhập hạ, thung dung xuất tụ trung, Ngọa Long Cương ngâm dĩ tiến… Thượng làm nhi kỳ chi, xúc lịnh triệu kiến… Duy Từ lai yết… Thượng dữ ngữ đại duyệt… tức bái vị Nha úy Nội tán tức Lộc Khê Hầu = năm Đinh Mão (1627), quân ta đánh thắng quân Trịnh tại Nhật Lệ, Đức Hòa nghe tin thắng trận bèn về phủ Chúa chúc mừng, rồi ung dung rút từ trong ống tay áo quyển Ngọa Long Cương ngâm dâng lên Chúa… Chúa xem thấy lạ bèn lịnh giục Đức Hòa đưa Duy Từ đến yết kiến… Duy Từ đến yết… Chúa trò chuyện với Duy Từ, hài lòng lắm bèn lập tức cử Duy Từ làm chức Nha úy Nội tán, phong tước Lộc Khê Hầu”. Nhờ có Ngọa Long Cương vãn làm vật tiến cung mà Duy Từ được Chúa Sãi đặc biệt đãi ngộ, bài vãn này đã mở đầu cho tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm ở Đàng Trong nên ngay từ thế kỷ XVII không ai dám bảo nó là nôm na mách qué” mà đua nhau truyền tụng. Nhờ đó mà tác phẩm này còn truyền tới ngày nay, nhưng cũng bởi lẽ đó mà Ngọa Long Cương vãn hiện có nhiều dị bản. Hầu hết các bản Quốc ngữ lưu hành cả nước ta gần thế kỷ.

 

 

NGỌA LONG CƯƠNG VÃN

 

      1. Cửa xe chầu giản ban trưa

 

      Thấy thiên võ cử sự xưa luận rằng:

 

      Thế tuy trị loạn đạo hằng,

 

      Biết thời vụ ấy ở chưng sĩ hiền.

 

      5.   Hán từ tộ rắn ngửa nghiêng,

 

      Ba phân chân vạc, bốn biên tranh hùng.

 

      Nhân tài tuy khắp đời dùng,

 

      Sánh xem trường lợi áng công vội giành.

 

     Nào ai lấy đạo giữ mình,

 

     10. Kẻ đua tới Ngụy, người giành sang Ngô.

 

     Nam Dương có sĩ ẩn nho,

 

     Khổng Minh là chữ, trượng phu khác loài.

 

     Ở mình giành vẹn năm tài,

 

     Phúc ta gẫm ắt ý trời hậu vay!

 

     15. Điềm lành thụy cả đã hay,

 

     Đời này sinh có tài này ắt nên.

 

     Bèn che mọn mọn một hiên,

 

     Nhà tranh lều cỏ, tính quen bơ sờ.

 

     Ba gian phong nguyệt hứng thừa,

 

     20. Bốn mùa đều có xuân ưa bốn mùa.

 

     Nước non khéo vẽ nên đồ,

 

     Thấp cao phượng nhiễu, quanh co rồng nằm.

 

     Vững bền chủ khách chiêu đăm,

 

     Minh đường rộng mở, thiên tâm thẳng bằng.

 

     25. Tri âm những đấng khác hằng,

 

     Cát thung bầu bạn, mây trăng láng giềng.

 

     Đất lành cấu khí linh thiêng,

 

     Một bầu thế giới thấy nên hữu tình.

 

     Lâm tuyền trong có thị thành,

 

     30. Phong trần vẫn ít, cảnh thanh thêm nhiều.

 

     Thú vui bốn thú thêm yêu,

 

     Kìa ngư, nọ mục, ấy tiều, nầy canh.

 

     Hạc già chực cửa nghe kinh,

 

     Quả dâng màu thắm thức xanh vượn quì.

 

     35. Góc sân trúc uốn vo ve,

 

     Ngõ đua hạnh tía, hiên khoe cúc vàng.

 

     Khúc cầm cổ nguyệt cung xang,

 

     Ca ngâm Lương phủ đạo càng hứng mau.

 

     Của kho tô vận xiết đâu,

 

     40. Thú vui nữa thú, ai dầu mặc ai.

 

     Thanh nhàn dưỡng tính hôm mai,

 

     Ghềnh trong cuốc nguyệt, bãi ngoài cày mây.

 

     Lợi danh nào chút nhúng tay,

 

     Chẳng hiềm tạo vật, không say thế tình.

 

     45.Tựa song hé bức mành mành,

 

     Gẫm chưng đời trước công danh mấy người.

 

     Doãn chưa đặng lễ Thang vời,

 

     Cày kia chưa dễ buông nơi nội Sằn.

 

     Lã dù chưa gặp xe Văn,

 

     50. Câu kia chưa dễ buông cần Bàn Khê.

 

     Gẫm xem thánh nọ hiền kia,

 

     Tài này nào có khác gì tài xưa.

 

     Nẻo màu mối nhiệm binh cơ,

 

     Lục thao đã đọc, thất thư lại bàn.

 

     55. Nương long lảu biết thế gian,

 

     Máy thiêng trời đất tuần hoàn, tay thông.

 

     Thảo lai trong có anh hùng,

 

     Miếu đường chống vững thấy còn tài cao.

 

     Có phen xem tượng thiên tào.

 

     60. Kìa ngôi khanh tướng, nọ sao quân thần.

 

     Có phen binh pháp phu trần,

 

     Điểu Xà là trận, Phong Vân ấy đồ.

 

     Có phen thơ túi rượu hồ,

 

     Thanh y sớm chuốc, hề nô cạn bồi.

 

     65. Dõi trong danh giáo có vui,

 

     Bàng nhân chẳng biết rằng người ẩn tiên.

 

     Hùm ngâm gió thổi tự nhiên,

 

     Chúa tôi sao khéo hợp duyên thay là!

 

     Ngạc thư nọ, phút tâu qua,

 

     70. Xe loan tam khuất hai ba phen vời.

 

     Dốc lòng phò Chúa giúp đời,

 

     Xoay tay kinh tế, ra tài đống lương.

 

     Cá mừng gặp nước Nam Dương,

 

     Rồng bay trời Hán vội vàng làm mưa.

 

     75. Chín lần lễ đãi Quân sư,

 

     Phấn vua giồi bén, móc mưa gội nhuần.

 

     Hai vai gánh nặng quân thân,

 

     Chín phần ở thảo, mười phần trọn ngay.

 

     Binh quyền việc nấy đương tay,

 

     80. Lâm cơ chế thắng, một này địch muôn.

 

     Trận bày Bác Vọng thiêu đồn,

 

     Bạch Hà dụng thủy, Hầu Đôn chạy dài.

 

     Ra cờ mới biết sức trai,

 

     Có tài thiệt chiến, có tài tâm công,

 

     85. Dạ nghiêm thuyền dựa vịnh sông,

 

     Mười muôn tên Ngụy nộp cùng Chu lang.

 

     Hỏa công dâng chước lạ nhường,

 

     Gió ngàn Xích Bích thổi tàn Ngụy binh.

 

     Hoa Dung khiển tướng phân dinh,

 

     90. Gian hung sớm đã nớp kình phá gan.

 

     Thần cơ bí kế chước toan,

 

     Kinh châu trước hẹn giục thoàn rước mau.

 

     Hòa thân đôi chốn giấu nhau,

 

     Tiên sinh chước ấy, Ngô hầu kế sa.

 

     95. Chước dùng bảy bắt bảy tha,

 

     Uy trời dường ấy, giặc đà chạy tênh!

 

     Có phen bắc phạt ra binh,

 

     Tiết bền vàng đá, nhật tinh hay lòng.

 

     Éo le Thiên Thủy chước dùng,

 

     100. Khương Duy khi đã kế cùng bó tay.

 

     Thần tiên mấy chước xe bày,

 

     Tào binh lá rụng tro bay bạt ngàn.

 

     Lên thành làm chước gảy đàn,

 

     Sa cơ Trọng Đạt hớp gan kinh hồn.

 

     105. Nỏ trời phục cửa Kiếm môn,

 

     Mã Lăng mất vía, Quyên Tôn khác gì.

 

     Chước nào chước chẳng ngoan ngùy,

 

     Chốn thì lưu mã, nơi thì mộc ngưu.

 

     Chặt bền đánh đặng công nhiều,

 

     110. Hoa di tiếng dậy, dã triều danh hay.

 

     Khăng khăng một tiết thảo ngay,

 

     Rắp phò chính thống sáng tày nhật tinh.

 

     Sửa sang nghiêm cẩn phân dinh,

 

     Tôi loàn con giặc chạy tênh bời bời.

 

     115. Hán gia chín vạc phù trì,

 

     Suy thì lại thịnh, nguy thì lại an.

 

     Công lênh kẻ ở nhà quan,

 

     Cây bằng thạch trụ Thái san này là.

 

     Non xanh nước biếc chẳng già,

 

     120. Trai mà dường ấy đích là nên trai.

 

     Cứ xem đời lẽ đâu hai,

 

     Tài này ai chẳng rằng tài Quân Sư?

 

     Luận đời Tam quốc hữu dư,

 

     Luận đời Tam đại còn chờ nhẫn sau.

 

     125. Hai triều từ gót nhẫn đầu,

 

     Bái tướng phong hầu ai dễ dám phen?

 

     Muôn đời nhân vật kính khen,

 

     Để danh trúc bạch, chép tên kỳ thường.

 

     Phúc trời còn tỏ Long Cương,

 

    130. Ắt là Hán thất khôn lường thịnh suy.

 

    Hưng vong bĩ thái có thì.

 

    Chớ đem thành bại mà suy anh hùng.

 

    Chốn này được gặp vua dùng.

 

    Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời.

 

   135. Chúa minh thời có tôi tài.

 

   Mừng xem bốn biển dưới trời đều yên!

 

ĐÀO DUY LỘC (sưu tầm - biên soạn)

(Theo Sử Việt)

http://daoduytu.com.vn/ngoa-long-cuong-ngam

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ ĐỀN THỜ THÁI SƯ HOẰNG QUỐC CÔNG
ĐỆ NHẤT KHAI QUỐC CÔNG THẦN ĐÀO DUY TỪ
Trưởng tộc: ĐÀO DUY LỘC
Chịu trách nhiệm nội dung: ĐÀO DUY LỘC
Hotline: 09.17.10.1634 - Email: info@daoduytu.com.vn - daoduyloc@daoduytu.com.vn


..

1 nhận xét:

  1. Nhận xét của học giả Nguyễn Cung Thông
    (nhận từ e-mail sáng nay, 8/4/2022)

    "
    Giao mến,

    Có đọc qua phần "Đọc lại "Ngọa Long cương vãn" thơ Nôm lục bát viết khoảng 1620s của Đào Duy Từ (1572-1634)" (27/3/2022) trên Giao Blog https://giaovn.blogspot.com/2022/03/oc-lai-ngoa-long-cuong-van-tho-nom-luc.html#more - và tôi băn khoăn về câu 44 trong Ngọa Long Cương Vãn
    Chẳng hiềm tạo vật, không say thế tình

    Không có thấy bản Nôm, và cũng không biết dị bản này từ đâu ra - nhưng theo sự hiểu biết của tôi về tiếng Việt vào TK 17 thì từ phủ định hoàn toàn dùng chẳng (chăng, chữ Nôm 庄 là trang HV) không dùng làm tính từ và danh từ (A). Do đó tôi nghi ngờ bản Ngọa Long Cương Vãn này là được chép lại sau khi cụ Đào Duy Từ (1572-1634) đã qua đời khá lâu (tôi đoán khoảng cuối TK 18 hay đầu TK 19 khi chữ không 空 bắt đầu được dùng làm từ phủ định thay thế cho chẳng).
    Không (từ phủ định) TK 17 .......... 0% (Việt Bồ La, Phép Giảng Tám Ngày, các thư viết tay, các bản Nôm của Maiorica ...)

    Không (từ phủ định) TK 18 ............ Béhaine (1772/1773) bắt đầu ghi sự khác biệt giữa không làm và làm không và Morrone (cuối TK 18/đầu TK 19)

    Không (từ phủ định) trong Truyện Kiều (Nguyễn Du 1766-1820) xuất hiện 23 lần so với chẳng 107 lần

    Tiếng Việt hiện đại - không (từ phủ định) khoảng 88.35% (dùng không đứng trước động từ/tính từ ...).

    Vài hàng gởi cho Giao, không biết ý kiến của Giao như thế nào?

    NC Thông

    (A) Tham khảo bài viết “Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng đừng, chẳng khi nào đừng, chẳng có khi đừng” (phần 35) đính kèm

    "

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.