Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

09/12/2021

Gặp gỡ đôi bạn Thái Thăng Long và Phú Quang, tại Phủ Tây Hồ

Nhạc sĩ Phú Quang vừa tạ thế (1949-2021).

Câu chuyện đôi bạn Thái Thăng Long và Phú Quang, tôi đã kể nhiều năm trước, chính từ công việc của tôi gắn với một quá trình khảo sát lâu dài Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đọc lại ở đây.

Chúng tôi đã viết (năm 2016):

"Với nhiều lần in của tập Góc sân và khoảng trời từ đầu thập niên 1970 đến năm 1998, bài Hà Nội gồm 7 khổ thơ (mỗi khổ 4 câu, tức 28 câu) được giữ nguyên như bản gốc viết năm 1969 [Trần Đăng Khoa 1970, 1973, 1975, 1983, 1996, 1998]. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở thời điểm giữa thập niên 1990, tức khoảng mười năm sau Đổi Mới, một đĩa CD âm nhạc (có lời hát và hình ảnh) mang tựa đề Hà Nội mùa vắng những cơn mưa được Hãng phim Trẻ sản xuất và phát hành (sản xuất tháng 9 năm 1996). Đây là một CD có chất lượng tốt, được khán thính giả khi đó yêu thích (có các tác giả bài viết này). CD có 10 bài, mà số 4 là bài “Chiều Phủ Tây Hồ” (Phú Quang phổ nhạc cho bài thơ cùng tên của Thái Thăng Long) do ca sĩ Lê Dung thể hiện.

Đặc biệt, CD này đã sử dụng bài Hà Nội của Trần Đăng Khoa như một kết nối xuyên suốt cả CD. Mở đầu mỗi bài hát, thì có một đoạn trong bài “Hà Nội” được một nhóm thiếu nhi đọc lên khung cảnh là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ở cuối bài “Chiều Phủ Tây Hồ” do Lê Dung trình bày thì toàn bài Hà Nội được đọc trọn vẹn. Cho đến năm 1996 (bao gồm cả CD âm nhạc nói trên), bài Hà Nội của Trần Đăng Khoa vẫn sử dụng bản gốc viết năm 1969.

Phải sau đó, cũng tức là sau CD âm nhạc nói trên, tới bản in năm 1999 của Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, thì bài Hà Nội mới được chỉnh sửa. Những bản in tiếp theo đó đều theo bản chỉnh sửa năm 1999.

"

1Như vậy là có thơ Thái Thăng Long. Bài thơ ấy, đại khái nằm trong tập thơ sau:





Nxb Trẻ (Tp. Hồ Chí Minh) ấn hành, năm 1994. Gồm 99 bài thơ tình của Thái Thăng Long (xem cụ thể thêm ở đây).

2
Sau đó thì Phú Quang đã phổ nhạc bài thơ của Thái Thăng Long.

3. Tiếp theo là Lê Dung hát bài đó (lời thơ Thái Thăng Long, nhạc Phú Quang).

Đại khái, đĩa nhạc đó như sau:

- một đĩa CD âm nhạc (có lời hát và hình ảnh) mang tựa đề Hà Nội mùa vắng những cơn mưa được Hãng phim Trẻ sản xuất và phát hành (sản xuất tháng 9 năm 1996). 

- Đây là một CD có chất lượng tốt, được khán thính giả khi đó yêu thích (có cả chủ nhân Giao Blog). 

- CD có 10 bài, mà số 4 là bài “Chiều Phủ Tây Hồ” (Phú Quang phổ nhạc cho bài thơ cùng tên của Thái Thăng Long) do ca sĩ Lê Dung thể hiện.

Có một bài do Hồng Nhung thể hiện, thì xem lại ở đây (tháng 4 năm 2015).

4. Một bản khác sản xuất sau này thì thành ra 11 bài, và bài hát do Lê Dung thể hiện chạy xuống hàng thứ 5:



5. Bây giờ, thì hãy nghe bài hát Chiều phủ Tây Hồ (thơ Thái Thăng Long, nhạc Phú Quang):



Chieu Phu Tay Ho NSND Le Dung
582 lượt xem


https://www.youtube.com/watch?v=eCsyqMr347Q
..


---

CẬP NHẬT


3.


NHẠC SĨ HỒNG ĐĂNG- LÊ ANH THÚY
10-12-2021 07:34


Kinhtedothi - Trong ngày Đông hanh vàng thật đẹp, người nhạc sĩ dành cả đời mình cho tình yêu Hà Nội đã lãng đãng ra đi - nhạc sĩ Phú Quang.
Mang trong mình nhiều trọng bệnh, không ít lần đối diện với tử thần nhưng rồi, sau mấy năm nằm viện chống chọi với bệnh tật, nhạc sĩ Phú Quang ra đi lặng lẽ trong ngày đông nắng đẹp. Mùa Đông - đặc biệt là mùa Đông Hà Nội, nỗi nhớ lớn nhất trong những năm mưu sinh vật vã ở phương Nam, đã cho ông cảm xúc đặc biệt để viết những ca khúc dành cho người yêu Hà Nội đến cháy lòng như mình, để làm nên tên tuổi Phú Quang, để hôm nay lặng lẽ đưa ông lãng đãng, phiêu du trên mỗi góc phố ông yêu.

Phú Quang khởi đầu tình yêu âm nhạc có lẽ từ người anh cả, nhạc sĩ Phú Đắc, rồi anh thứ hai Phú Ân. Ông vốn là nhạc công kèn Cor trong Dàn nhạc giao hưởng rồi học chỉ huy. Được đào tạo bài bản nên ngay từ những sáng tác ban đầu, ông đã có style rất riêng cho mình.
Thời kỳ bao cấp, cũng như những nhạc sĩ khác, âm nhạc không nuôi được cuộc sống với cơm áo gạo tiền, Phú Quang đưa vợ con vào TP Hồ Chí Minh xoay xở đủ cách để kiếm sống. Biểu diễn, làm phòng thu rồi mở cafe... Nhưng với bản tính nghệ sĩ, việc kinh doanh cafe, nhà hàng phải gắn với quản lý thu chi. Ông quay về kinh doanh âm nhạc.

Phú Quang là nhạc sĩ hiếm hoi sống tốt bằng âm nhạc của chính mình. Ông viết nhạc không lời, nhạc sân khấu, nhạc phim trước khi dừng chân ở lĩnh vực viết ca khúc. “Em ơi Hà Nội phố” có lẽ là ca khúc đưa tên tuổi của Phú Quang trở thành nhạc sĩ của nỗi nhớ

Hà Nội. Nếu ở thơ Phan Vũ - là những cung bậc trường thi tình yêu Hà Nội của người thi sĩ thì Phú Quang - chọn cho mình một góc phù hợp với style âm nhạc của ông và thành công rực rỡ ở ca khúc này. Phú Quang đặc biệt nhạy cảm với những góc nhớ nhung, đa đoan của các thi sĩ. Ở ca khúc phổ thơ của ông, những vần thơ như lấp lánh hơn: "Làm sao về lại mùa Đông, dòng sông đôi bờ xa vắng. Làm sao về lại mùa Đông, để nghe chuông chiều xa vắng. Thôi đành ru lòng mình vậy. Vờ như mùa Đông đã về..." (thơ Thảo Phương). "Thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt. Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu..." (thơ Giáng Vân) hay "Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím. Sóng có nghĩa gì đâu nếu chiều nay em chẳng đến. Dù sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em..." (thơ Hữu Thỉnh).
Ca khúc của Phú Quang gắn liền với nỗi buồn, nỗi nhớ nhưng không bi lụy. Âm nhạc của ông da diết và sang trọng. Có lẽ giữa nắng nóng quanh năm phương Nam, thời tiết đỏng đảnh 4 mùa của Hà Nội mà ông ví như người con gái đẹp làm ông luôn khắc khoải nhớ mong hơn bất kỳ tình yêu trai gái nào làm nên những thăng hoa âm nhạc. Năm 2020, với những ca khúc đặc biệt về Hà nội, ông được trao tặng giải thưởng lớn Vì tình yêu Hà Nội.

Những năm trước, bạn bè, người hâm mộ thường gặp Phú Quang lui tới ở các quán cafe, bar sang trọng. Mỗi năm, ông tự tổ chức đêm nhạc riêng cho mình ở Nhà hát Lớn, tự làm mới ca khúc của mình. Và mỗi năm lại thấy ông có một món quà sang trọng từ ca khúc của mình, lúc là CD, DVD làm riêng từ thu thanh, phối khí, quay hình in ấn, bao bì rất cầu kỳ. Năm là cuốn lịch kèm CD ca khúc của ông, lúc là tập nhạc, tập hồi ký in rất đẹp.... Kinh doanh và sống sang trọng bằng âm nhạc của mình cũng là điều hiếm người làm được.
Thông minh, hóm hỉnh, sang trọng, tài hoa, kiêu bạc là ấn tượng về Phú Quang với người đối diện. Tài hoa cho ông danh tiếng, tiền bạc, thông minh hóm hỉnh hấp dẫn bạn bè, phái đẹp nhưng kiêu bạc cũng mang cho Phú Quang những khúc mắc đời sống không nhiều người biết. Dù nổi tiếng từ rất lâu, đóng góp âm nhạc không nhỏ nhưng đến giờ ông vẫn đang chờ được xét tặng giải thưởng Nhà nước về âm nhạc.

Nhưng thôi. Dù gì thì vào ngày ông ra đi, người yêu âm nhạc, gia đình, bạn bè sẽ nghe lại hay khe khẽ hát: "Dường như ai đi ngang cửa, gió mùa Đông bắc se lòng...". Dường như người nhạc sĩ tài hoa ấy đang dừng chân ngang cửa giữa mùa Đông yêu dấu của ông. Bởi chẳng có sự vinh danh nào đối với người nghệ sĩ bằng sức sống của tác phẩm trong lòng người yêu âm nhạc.
https://kinhtedothi.vn/phu-quang-da-tro-ve-noi-nho-mua-dong-443213.html?fbclid=IwAR1NBA2MkaXu5J-MTIeUbikT67cdHHpQNKLjSyz7YJnO-AUcDPtaqeDFTSU

2.


Giới thiệu sách “Bát Phố” của nhà thơ Bảo Sinh tại số 30/167 Trương Định, Hà Nội.
Đặc biệt có gia đình nhạc sĩ Sacxophone Quyền Văn Minh bế con 1 tuổi và vợ cùng biểu diễn




https://www.facebook.com/nguyen.baosinh.3/posts/2218061935027741



https://www.youtube.com/watch?v=06wfvVgwQYE&t=2489s





Tin nhạc sĩ Phú Quang tổ chức đêm nhạc miễn phí ở sân nhà tôi lan nhanh, cả ngàn người từ đâu kéo tới, tắc nghẽn đoạn đường Trương Định.

Đó là năm 2015, hai năm sau khi tôi ra mắt cuốn sách có tên "Bát phố", viết về tinh thần rất lạ của người Hà Nội xưa.

Bát phố là khi ta ra đường chơi mà không có mục đích gì. Đi mà không biết mình muốn và sẽ đến đâu. Thích đâu rẽ vào chỗ đấy, dừng lại và nói chuyện với những người sơ như đã thân quen. Vô sở cầu và vô mục đích. Tôi coi tinh thần ấy là hồn cốt của người Hà Nội xưa. Chữ ấy cũng chỉ dùng cho người Tràng An thời quá vãng.

Tôi với Phú Quang không thân thiết theo kiểu tri âm tri kỷ, chỉ thi thoảng gặp ở nơi có bạn bè chung và nói chuyện với nhau bằng cái tinh thần ấy - nghĩa là thân mật nhưng bâng quơ, nhẹ nhàng và lãng đãng.

Mãi tới khi tôi tặng Phú Quang cuốn "Bát phố" được tái bản, anh lật giở những trang đầu tiên và đọc. Rồi Phú Quang ngẩng lên, nói rằng sẽ tổ chức một đêm nhạc miễn phí tại nhà tôi để ngợi ca cuốn sách.

Tôi rất bất ngờ và nghĩ anh nói đùa. Không thể nào một nhạc sĩ nổi tiếng với những đêm nhạc sang trọng ở Nhà hát lớn luôn đầy ắp khán giả, tiền vé cao nhất nhì thị trường lại có thể tổ chức đêm nhạc ở nhà tôi được.

Chỉ mấy ngày sau, người của Phú Quang mang khối lượng thiết bị âm thanh khổng lồ tới, đặt tràn lên khắp sân nhà tôi ở Trương Định. Tôi nghĩ anh đến hát cho vui là quý lắm rồi. Nhưng đầu giờ tối, những ca sĩ nổi tiếng lần lượt kéo tới: Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên, nghệ sĩ ưu tú Ánh Tuyết, nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh và nhiều ca sĩ tên tuổi khác. Nhiều trí thức và nhà văn hoá tên tuổi cũng có mặt.

Tin lan như điện, cả ngàn người bít kín đoạn ngõ khoảng 150 mét dẫn từ đường Trương Định vào cửa nhà tôi. Họ xếp kín khu sân vườn nhà tôi rộng khoảng 1.000 mét vuông. Không đủ chỗ, họ xin vào các các nhà xung quanh, trèo ra các ban công để nghe. Nhà nào không có ban công thì mở hết cửa sổ ngó sang. Những người không vào được xếp hàng chật kín ngõ. Xe máy, ô tô phải gửi ở nhiều điểm dọc đường Trương Định. Quang cảnh tắc nghẽn chưa từng thấy càng khiến người ở đâu kéo về đông nghẹt.

Tôi nói với Phú Quang rằng tôi không có nhu cầu quảng bá hay bán sách. Anh nói rằng anh cũng không tổ chức đêm nhạc này để bán vé. Vô số người cố chen vào bằng được và nói sẵn sàng mua vé, nhưng không có bất kỳ vé nào được bán ra.

Tôi bận lo tiếp rượu và trà cho ngần ấy khách khứa, không còn nhớ nổi những gì đã diễn ra. Tôi thậm chí không nhớ Phú Quang đã nói gì và không nghe một bài hát nào trong đêm ấy vì mải lo hậu cần buổi diễn. Tôi chỉ nhớ mãi cái tinh thần của buổi tối ấy, thân cũng như sơ, người nổi tiếng cũng như dân lao động, ai cũng được tiếp đãi như nhau và bình đẳng với nhau trước âm nhạc. Đông đúc như vậy, nhưng không ai chen lấn xô đẩy và cảnh sát khu vực không phải xuất hiện để có bất kỳ "can thiệp" nào.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dự đêm nhạc ấy nói với tôi rằng có lẽ phải tốn tới nửa tỷ để đưa ngần ấy ca sĩ tên tuổi và trang thiết bị âm thanh chuyên nghiệp tổ chức đêm nhạc cho tôi. Tại sao một nhạc sĩ nổi tiếng lại làm vậy với tôi - nhà thơ xưa nay chỉ nhận mình là người của dân gian? Cuối cùng, tôi hiểu, Phú Quang tìm thấy trong sách của tôi cái hồn của anh, hồn của kẻ bát phố Hà Nội. Anh nói đây là đêm nhạc của những người bát phố, nên nó phải vô tư, vô mục đích và vô điều kiện.

Dù lý do có vẻ rất phiêu diêu, Phú Quang đã tổ chức đêm nhạc mang tên: "Nhạc Phú Quang, hồn Bát phố" nghiêm túc như anh vẫn làm với nghệ thuật của mình. Đêm nhạc không khác những gì anh làm tại Nhà hát lớn mỗi năm. Nhưng anh không lấy một đồng nào từ tôi. Có lẽ các ca sĩ cũng không hề nhận cachet từ anh. Có lẽ đó là đêm nhạc lớn duy nhất không vì mục đích kinh doanh hay danh tiếng của ai. Tất cả chúng tôi đều không mong cầu gì.

Giờ đây, nghĩ lại, tôi hiểu tại sao khi Phú Quang chạm vào bài thơ "Em ơi, Hà Nội Phố" của Phan Vũ, tâm hồn anh ngay lập tức ngân lên giai điệu. "Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường" chính là tinh thần bát phố đã trở thành bất tử. Anh hẳn đã có lúc đi mà không biết đi đâu, sẽ về đâu, thậm chí quên cả chính mình.

Sau đêm nhạc tổ chức chỉ để "chơi" ấy, tôi và Phú Quang không ai cảm thấy nợ ai cái gì, và phải trả cho ai cái gì, ngay cả ân tình cũng không. Chúng tôi thi thoảng vẫn gặp nhau, như quên rằng mình đã có một kỷ niệm chung như thế.

Năm Phú Quang 70 tuổi, anh yếu đi, tôi thăm anh và nói rằng thật ra anh đã "khai man" tuổi của mình. Anh phải 700 tuổi rồi mới đúng, vì chỉ có người thật sự sống với cảm xúc của mình mới "sống lâu", chỉ có người dùng tinh thần bát phố để thưởng thức cuộc đời mới có nhiều tuyệt tình ca như vậy.

Phú Quang là người đã lưu giữ linh hồn Hà Nội bằng âm nhạc. Bài "Lãng đãng chiều đông Hà Nội" của anh có câu nói lên hồn cốt ấy: "Chiều nay mình ta lang thang trên phố nhạt nhòa". Anh đã sống với tâm hồn mây bay gió thổi. Không phải nghệ sĩ thì không biết tính toán, không mục đích đời thường. Họ biết hết. Nhưng họ phải biết những cái cao hơn, biết quên đi những điều không đáng nhớ để thưởng thức cuộc đời này và cảm nhận chính mình. Mục đích thực sự chính là không có mục đích nào.

Hình như bây giờ, mọi người đều có mục đích. Mỗi một cuộc gặp gỡ, mỗi cuộc điện thoại đều vì một điều gì đấy. Cũng phải thôi. Ta phải sống cuộc đời thực của mình trước khi sống cuộc đời hoa mộng. Còn tôi lại muốn nhớ về Phú Quang như một kẻ "lãng đãng" trên những con phố "nhạt nhoà" mộng mị của Hà Thành.

Sự ra đi của anh để lại trống vắng cho âm nhạc Việt Nam đương đại và trong tim nhiều người yêu Hà Nội. Hồn bát phố của anh sẽ về lại đâu đó khi lời ca ngân lên: "Rồi cũng về lại phố xưa/ Về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng".

Âm nhạc tự nó không rao giảng đạo lý, nhưng khiến mỗi người lắng lại trước toan tính thiệt hơn. Khi nào mệt mỏi với đời, ta hãy bát phố như nhạc sĩ đã đi qua Hà Nội, chẳng để mong cầu.

Phú Quang mãi ở lại với chúng ta theo cách ấy.

https://vnexpress.net/phu-quang-nguoi-bat-pho-4400999.html



1. Ngày 9/12/2021

"
Phú Quang là nhạc sĩ duy nhất không có bài hát " cúng cụ"(viết tuyên truyền cho chế độ). Phú Quang nhạc sĩ nổi tiếng nhất thời đại không được trao "giải thưởng nhà nước", giống y trường hợp Nguyễn Huy Thiệp trong văn học :
LỜI CUỐI VĨNH BIỆT BẠN PHÚ QUANG
Trần Mạnh Hảo
Từ 8 h 45 phút ngày 8-12-2021 Hà Nội chợt trống vắng vô cùng vì sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ Phú Quang. Lạ lùng thay, Quang ơi, cậu mất rồi mới thấy những bài hát của cậu viết về Hà Nội là tuyệt tác, là không ai thay thế cậu để viết về Hà Nội hay như thế.
Bà Huyện Thanh Quan chỉ một bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” ( và bài “Qua Đèo Ngang” ) mà lưu danh thiên cổ :
"Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đây luống đoạn trường!".
Nguyễn Huy Lượng chỉ với bài “Tụng Tây Hồ phú” cũng lưu danh thiên cổ; huống hồ Phú Quang có hàng chục kiệt tác âm nhạc viết về Hà Nội thì Quang ơi, cậu mãi lưu danh thiên cổ là lẽ dĩ nhiên. Quang mãi là người phát ngôn tinh thần của Hà Nội, là tâm hồn của Hà Nội cuối thế kỷ thứ 20, đầu thế kỷ 21 này.
Thực ra Quang không chết. Ngày 8-12-2021 chính là ngày Quang chuyển sang bất tử, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt khi nào Tiếng Việt còn. Quang sẽ sống mãi như những người con của Hà Nội : Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng, Bùi Xuân Phái, Phạm Duy, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Lưu Quang Vũ…
Nhớ lần năm 1998, sau khi bài thơ “Tôi mang Hồ Gươm đi” của Trần Mạnh Hảo in trên báo “Văn Nghệ”, Quang gọi vào bảo : “Ông Hảo ơi, tôi xin phép phổ nhạc bài thơ : “Tôi mang Hồ Gươm đi” của ông nhá !”. “Ok, nhưng ông ráng giữ đúng tinh thần và câu chữ của bài thơ. Cám ơn”. Mãi sau này vào Sài Gòn, Quang mời tôi đến đọc thơ trong đêm nhạc của ông nhớ về Hà Nội. Tôi đọc “Tôi mang Hồ Gươm đi”. Lúc đó, Quang tuyên bố, xong rồi, có giai điệu chủ đạo do khổ thơ ông gợi ra rồi, sẽ là cao trào của bài hát :
“Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không khiêng vác được Sông Hồng
Mà không gói nổi heo may rét
Đành để hồ cho gió bấc trông”
Sáng hôm sau, Quang gọi tôi đến phòng trà của ông, Quang chơi piano và hát tôi nghe thử. Tôi khen hay. Quang bảo, bài thơ này hành tôi mấy năm, phổ hai lần đều chưa hài lòng. Tôi bảo Quang : “ Tớ chỉ không vừa lòng khi cậu đổi tên bài thơ, thêm một chữ MUỐN rất thừa vào từ chỗ “TÔI MANG HỒ GƯƠM ĐI” rất cá nhân, rất tâm trạng, rất ảo diệu thành ra “TÔI MUỐN MANG HỒ GƯƠM ĐI”. Quang thừa nhận, thêm chữ MUỐN vào tên bài hát là có phần làm hỏng bài thơ,nếu ông muốn bài hát được phổ biến thì ông phải chấp nhận chữ MUỐN này nhé. Rằng cộng sản đang ôm khư khư Hồ Gươm trong tay như ôm linh hồn Hà Nội, họ độc chiếm Hồ Gươm, độc chiếm Hà Nội mà Trần Mạnh Hảo dám cướp Hồ Gươm trong tay họ mang vào Nam, hóa ra những người di cư năm 1954 là đúng à, tất cả họ đã ‘MANG HỒ GƯƠM ĐI’ mất tiêu rồi đấy, liệu cộng sản có cho phép bài hát này được phổ biến không ? Nếu thương tôi, ông đồng ý đi. OK. Tuy vậy TMH vẫn nói : Nguyễn Hoàng cũng đã một lần “TÔI MANG HỒ GƯƠM ĐI”, để tạo ra cho nước Việt một nửa giang sơn. Trần Mạnh Hảo và Phú Quang cũng đã “Tôi mang Hồ Gươm đi” đó thôi. Ta nói “MANG ĐI” là mang về tinh thần, mang hồn cốt giang sơn vào Nam chứ bố ai vác nổi Hồ Gươm đi Quang ơi ! Cả hai thằng đều cười trừ, và bài hát của Phú Quang phổ thơ Trần Mạnh Hảo đã ra mắt với công chúng.
Bây giờ, Quang đã “MANG HỒ GƯƠM của chúng ta đi vào lòng đất, nơi Công viên nghĩa trang Thiên Đức ( Phú Thọ)…
Sáng thứ hai tới dự lễ tang có một người bạn của chúng ta là Thái Thăng Long sẽ theo xe tang đưa tiễn Quang xuống mồ. Tôi dặn Long, khi ông ném một hòn đất xuống quan tài Phú Quang, nhớ ném thêm một hòn cho Trần Mạnh Hảo với nhé. Long là người bạn thân nhất của Phú Quang.
Vĩnh biệt Quang ! Quang bất tử cùng Hà Nội. Tâm hồn Quang là tâm hồn Hà Nội không chỉ riêng âm nhạc. Quang chính là tài năng lớn nhất viết về Hà Nội vậy.,.
Bài thơ : “ TÔI MANG HỒ GƯƠM ĐI”
Thơ của Trần Mạnh Hảo :
Sao Hồ Gươm biết tôi chia xa?
Mà run cho mọi bóng cây nhòa
Mà im im hết nghìn tăm cá
Mà thở chiều lên khắp cỏ hoa?
Gió níu hoàng hôn xuống đáy tranh
Lá rụng, trời xao động cổ thành
Đổi dòng, sông gửi hồn ngưng đọng
Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh
Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không khiêng vác được sông Hồng
Mà không gói nổi heo may rét
Đành để hồ cho gió bấc trông!
Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây?
Mà thương ôm bóng kẻ lưu đày
Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng
Mà cả trời kia xuống hết cây...
Hà Nội, 1998
Sài Gòn ngày 9-12-2021
T.M.H.
Ảnh : Trần Mạnh Hảo chụp chung với Phú Quang tại Hồ Gươm Hà Nội lần cuối cùng năm 2018


https://www.facebook.com/tran.manhhao.376/posts/3170134133258769
"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.