Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

27/11/2021

"Tiên học lễ, hậu học văn": luận bàn cuối năm 2021

Bắt đầu từ là một tham luận trong hội thảo gần đây. Hội thảo khoa học do cơ quan của Quốc hội Việt Nam tổ chức.

Tham luận của học giả Trần Ngọc Thêm đưa ra lời kêu gọi hãy từ bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".

Có một cuộc tranh luận đang nổ ra trên không gian mạng về lời kêu gọi này. Đang là cuối năm 2021. Có nghĩa là chúng ta đã kết thúc 2 thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI, đang thực sự bước vào thập niên thứ 3.

Mở đầu là một bài trình bày cụ thể của học giả Trần Ngọc Thêm (đường link được học giả chỉ dẫn vào ngày hôm qua - 26/11/2021).

Sau đó là các ý kiến tranh luận. Sưu tập dần dần như mọi khi.

Tháng 11 năm 2021,
Giao Blog

---



LĐO | 26/11/2021 | 07:07

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, cần thay đổi quan niệm về “trồng người”, về “Tiên học lễ, hậu học văn” để đào tạo ra con người toàn diện, chủ động, khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Ảnh: Hải Nguyễn
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, cần thay đổi quan niệm về “trồng người”, về “Tiên học lễ, hậu học văn” để đào tạo ra con người toàn diện, chủ động, khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Ảnh: Hải Nguyễn

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, ở xã hội hiện nay phẩm chất và năng lực đều quan trọng. Trong đó, đức phải có trước tài nhưng đó chỉ là điều kiện cần, là cái nền để trên đó phát triển và bồi dưỡng tài năng. Chúng ta cần thay đổi quan niệm về “trồng người”, về “Tiên học lễ, hậu học văn” để đào tạo ra con người toàn diện, chủ động, khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.

Đề xuất không nên tiếp tục sử dụng khái niệm “trồng người” và khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" được GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - giáo sư về văn hóa học, đặc biệt chuyên sâu về văn hóa Việt Nam - nêu trong tham luận phát biểu tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21.11.

Đề xuất này ngay lập tức gây chú ý khi những quan niệm này vốn đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc, được xem là nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về đề xuất này, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS Trần Ngọc Thêm.

Thưa GS Trần Ngọc Thêm, gần đây ông đã đưa ra quan điểm cần chấm dứt sử dụng khái niệm “trồng người” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Xin ông chia sẻ sâu hơn về quan điểm này.

- Sở dĩ tôi đưa ra đề nghị trên bởi đây là khái niệm hội tụ ở mức độ rất đậm đặc tính thụ động của người Việt Nam. Văn hoá Việt Nam hình thành trên kinh tế trồng lúa nước là một nền văn hoá âm tính, trong đó con người có đặc điểm là thường luôn thụ động. Tính thụ động này của văn hóa thể hiện rất rõ qua cách tiếp nhận và sử dụng khái niệm “trồng người”.

Khái niệm “trồng người” lần đầu tiên được nêu ra trong bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giáo viên phổ thông ngày 13.9.1958. Bác nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”. Từ đó trở đi, câu nói này, đặc biệt là cụm từ “trồng người”  được nhắc lại rất nhiều.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm.

Thực ra ý của câu này được Bác mượn từ lời của Quản Trọng - tể tướng nước Tề thời Xuân Thu. Sách “Quản Tử” có viết: “Kế một năm chi bằng trồng lúa, kế mười năm chi bằng trồng cây, kế trọn đời chi bằng trồng người. Trồng một gặt một ấy là lúa. Trồng một gặt mười ấy là cây. Trồng một gặt trăm ấy là người”. Vào thời phong kiến xưa thì cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều coi con người là đối tượng cần được giáo hoá; con người được coi như cái cây, hoàn toàn lệ thuộc vào môi  trường một cách thụ động: Trồng ở đất này thì cho trái ngọt nhưng trồng sang đất khác có thể lại cho trái chua.

Tôi có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có chủ trương giáo dục một cách thụ động và “trồng người” không phải là hình ảnh thường trực trong tư duy của Bác. Bởi lẽ trong suốt 15 cuốn của bộ Hồ Chí Minh toàn tập, cụm từ “trồng người” chỉ được Bác dùng duy nhất một lần, trong khi cụm từ “trồng cây” được Bác dùng rất nhiều lần. Sự phổ biến của khái niệm “trồng người” không xuất phát từ triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh, mà nó nằm sẵn trong tư duy giáo dục của người Việt Nam.

Là một dân tộc làm nông nghiệp, khi gặp hình ảnh “trồng người” do Bác nói ra, ai cũng cảm thấy thân thiết gần gũi đến mức dễ dàng chấp nhận và say mê sử dụng nó một cách hoàn toàn tự nhiên. Vì vậy, mỗi năm vào dịp 20.11, có hàng mấy chục bài viết tôn vinh sự nghiệp “trồng người”, hàng triệu lời chúc các thầy cô đạt nhiều thành công trong sự nghiệp “trồng người”. Nhưng con người không phải là cái cây, “trồng người” cũng không phải là hình ảnh thường trực trong tư duy giáo dục của Bác, do đó, tôi cho rằng không có lí do để duy trì hình ảnh này.

Còn với câu khẩu hiệu đã trở nên rất quen thuộc là “Tiên học lễ, hậu học văn” thì sao, thưa GS Trần Ngọc Thêm? Tại sao ông lại đề xuất bỏ câu này?

- Chế độ phong kiến xưa có mục tiêu xây dựng một xã hội ổn định nhằm “trị quốc an dân” nên trọng Lễ trở thành một nguyên lý cơ bản trong triết lý giáo dục ở những quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Học Lễ là để biết được vị trí của mình trong hệ thống thứ bậc, tôn ti. Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử dạy con trai Bá Ngư: “Không học Lễ thì không biết chỗ đứng ở đời, không lập thân được”. Lễ tạo nên khuôn phép để ràng buộc con người.

Cũng trong sách Luận ngữ, Khổng Tử nói: “Dùng Đạo để dẫn dắt dân, dùng Lễ để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà theo đường chính”. Ở một chỗ khác, Khổng Tử còn nói: “Con em ở nhà thì hiếu thảo, ra ngoài thì kính nhường, thận trọng và thành thực, yêu thương khắp mọi người, gần gũi người nhân đức. Làm những việc trên rồi mà còn dư sức thì học văn”. Có nghĩa là học Lễ là chính, học Văn là phụ (còn dư sức thì học văn).

Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được treo trong nhiều lớp học. Ảnh: Huyên Nguyễn
Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được treo trong nhiều lớp học. Ảnh: Huyên Nguyễn

Nguyên lý giáo dục trọng Lễ do đó mà có sự thống nhất cao độ với mục tiêu đào tạo người thừa hành, người công cụ và sứ mệnh phục vụ công cuộc trị quốc an dân của chính quyền quân chủ phong kiến. Nó coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng, giữ lễ với người trên là yêu cầu số một.

Như vậy, “Tiên học lễ” đòi hỏi người dưới tôn trọng người trên trong quan hệ một chiều. Trong khi đó, sự sáng tạo và phản biện chỉ tồn tại được trong mối quan hệ hai chiều: Người dưới và người trên phải tôn trọng lẫn nhau thì mới có thể trao đổi một cách dân chủ, bình đẳng được.

Không có dân chủ trong giáo dục thì không thể có sáng tạo và không thể có một xã hội phát triển. Chừng nào còn đề cao chữ Lễ thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều từ dưới lên trên. Chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” sẽ là điều kiện cần để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.

Quan niệm “Tiên học lễ” không còn phù hợp với xã hội ngày nay, khi mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng một xã hội hiện đại, phát triển và hội nhập, nơi con người cần tôn trọng lẫn nhau, không chỉ người dưới tôn trọng người trên, mà người trên cũng phải tôn trọng người dưới; hai bên đều phải nỗ lực để xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ nhau. Vì vậy, tôi đề nghị không dùng câu khẩu hiệu này nữa.

Quan điểm của GS hiện nhận được nhiều sự quan tâm, thậm chí có những tranh luận về việc nếu không học lễ đầu tiên thì sẽ học gì? Và việc chấm dứt quan niệm “Tiên học lễ, hậu học văn” liệu có dẫn đến việc người học sẽ bỏ qua lễ nghĩa, đạo đức hay không, vì gần đây xã hội luôn trăn trở vì sự thiếu lễ nghĩa của không ít giới trẻ?

- Tôi nghĩ rằng, nói như vậy là đã hiểu sai ý kiến của tôi. Tôi không nói là bỏ dạy Lễ, bỏ học Lễ theo cách hiểu là phẩm chất đạo đức; mà chỉ là bỏ quan niệm và cách nói “Tiên học lễ, hậu học văn” theo cách hiểu là phục tùng một chiều.

Chuẩn mực giáo dục của con người xưa nay luôn luôn phải bao gồm hai vế là phẩm chất và năng lực, không thể bỏ mặt nào. Nhưng với xã hội hiện nay, việc đặt vấn đề học Lễ là quá hẹp, bởi Lễ chỉ là phần nhỏ của của phẩm chất, của đạo đức mà thôi. Như vậy, trước hết mối quan hệ giữa Lễ và Văn phải được thay bằng quan hệ giữa phẩm chất và năng lực, hay giữa đức và tài.

Tiếng Việt của chúng ta giàu đẹp và phong phú, nên cần đường hoàng diễn đạt một cách chính danh; không có lý do gì để giữ lại lối nói cũ nhưng lại hiểu theo nghĩa mới (kiểu “bình cũ rượu mới”). Đây chính là một trong những lý do giải thích vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh không một lần nào dùng hình ảnh và cách nói này.

Câu hỏi “Nếu không học lễ đầu tiên thì sẽ học gì?” cần thay bằng câu hỏi “trong quan hệ giữa hai vế phẩm chất và năng lực, giữa đức và tài, cái nào quan trọng hơn?”. Câu trả lời là cả hai đều quan trọng ngang nhau, song tùy từng hoàn cảnh, từng giai đoạn mà đặt cái nào lên trước.

Sau năm 1945, trong 15 tập của bộ Hồ Chí Minh toàn tập, Bác Hồ có 14 lần nhắc tới tài và đức, trong đó 12 lần nói tài trước, đức sau. Điều này chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Người có đức thì chưa chắc đã có tài mà đức thì có thể suy thoái, biến chất nhưng người thực sự có tài, mà ta hay gọi là nhân tài, thì thường đã có đức rồi.

Một nguồn nhân lực chỉ coi trọng đức thì giỏi lắm là chỉ có thể giữ được cho xã hội ổn định chứ không thể giúp cho xã hội phát triển. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo, để sáng tạo thì phải chủ động và có tư duy phản biện.

Mà đã “Tiên học lễ” rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, không còn tư duy phản biện nữa. Các nhà cách mạng tiền bối của chúng ta phần nhiều từ cái lò Nho học đi ra, nếu họ nhất nhất tuân thủ lễ nghĩa, nhất nhất dễ bảo, vâng lời thì làm sao có được cuộc cách mạng đổi đời?

Điều mà xã hội hiện đang quan tâm là liệu việc chấm dứt quan niệm “Tiên học lễ, hậu học văn” có dẫn đến việc người học sẽ bỏ qua lễ nghĩa, đạo đức, trong bối cảnh các giá trị văn hóa đang có chiều đi xuống hay không là một sự lo lắng đáng được quan tâm.

Song có điều là lo lắng này đã được xây dựng trên một giả định sai lầm là sự đồng nhất quan niệm “Tiên học lễ” với việc xã hội có nền nếp kỷ cương. Nhưng thử hỏi việc đề cao “Tiên học lễ” như lâu nay ta đã làm chả lẽ vẫn còn chưa đủ? Vậy mà tại sao trong học đường vẫn tiếp diễn tình trạng chuỗi sự cố giáo dục? Tại sao trong xã hội vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái? Còn ở các nước phương Tây nói riêng và các nước phát triển nói chung không có quan niệm “Tiên học lễ” mà sao trong học đường của họ không có tình trạng chuỗi sự cố giáo dục như ta, trong xã hội không có tình trạng công chức suy thoái biến chất như ta?

Thực ra, vấn đề chính trong nỗi lo lắng về sự xuống cấp của văn hóa trong xã hội không phải ở chuyện “Tiên học lễ” mà là ở việc thượng tôn pháp luật. Xã hội phương Tây không có “Tiên học lễ” mà mọi việc vẫn ổn là vì mọi người không có ai đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Một khi pháp luật được thực thi luôn luôn và trọn vẹn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; mọi quan hệ đều chính danh thì “Tiên học lễ” sẽ trở nên thừa.

Hiện nay, những quan niệm này đã gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam và để thay đổi là không dễ dàng. Gần đây, ngành Giáo dục cũng đã đổi mới chương trình dạy và học, đề cập tới việc bỏ lối dạy một chiều, bỏ văn mẫu, bệnh thành tích... Liệu đây có phải là một quá trình thay đổi tư duy hay không, thưa GS?

- Để thay đổi quan niệm đã gắn bó lâu đời với người dân Việt là một điều không dễ dàng, khi mà trong giáo dục và trong xã hội, tính thụ động thể hiện ở mọi bình diện, mọi khía cạnh: con cái thụ động trong quan hệ với cha mẹ; người học thụ động trong quan hệ với người dạy; người dạy thụ động trong quan hệ với nhà trường; nhà trường thụ động trong quan hệ với bộ máy quản lý giáo dục; cán bộ nhân viên thụ động trong quan hệ với cấp trên; mỗi người thụ động trong quan hệ với dư luận, sợ bị số đông “ném đá”…

Việc đổi mới giáo dục đúng là một quá trình thay đổi tư duy. Nhưng việc bỏ lối dạy một chiều, bỏ văn mẫu, chống bệnh thành tích… phải chăng vẫn còn dừng lại ở những lời hô hào, kêu gọi? Sách giáo khoa soạn theo chương trình mới in chưa ráo mực, lập tức có bộ 100 Đề thi mới nhất cho môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2021-2022 với đủ đáp án, được biên soạn theo các bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Cánh diều, Chân trời sáng tạo ra đời.

Các thầy cô giáo vẫn kêu than rằng “mẫu kế hoạch bài dạy theo công văn 5512 (của Bộ GDĐT) quá dài dòng vô bổ, nhiều thầy cô chỉ soạn đối phó”. Việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa vẫn làm theo kiểu cuốn chiếu, đối phó. Việc biên soạn sách giáo khoa ở mọi cấp, từ phổ thông đến đại học, vẫn phổ biến yêu cầu phải ngắn gọn là để đáp ứng nhu cầu học thuộc lòng. Mọi đề thi từ phổ thông đến đại học đều vẫn phải có đáp án sẵn đính kèm. Việc chấm thi theo đáp án giết chết tư duy sáng tạo của cả trò lẫn các thầy cô giáo. Mọi sáng tạo độc đáo khác với đáp án buộc người chấm phải cho điểm kém và buộc người học phải nhận điểm kém.

Để phát triển tư duy phản biện, thực hành dân chủ trong giáo dục đòi hỏi người trên (cha mẹ, thầy cô, nhà quản lý…) phải vươn lên rất nhiều, nỗ lực rất nhiều. Có thể nói không ngoa rằng chính những “người trên” lo lắng không theo kịp con cái, không theo kịp người học là những người phản đối chủ trương từ bỏ quan niệm “Tiên học lễ” quyết liệt nhất, là những người muốn duy trì quan niệm “Gọi dạ, bảo vâng [là] lễ phép ngoan nhất nhà” nhất.

 Hiện nay, những quan niệm về "trồng người", về "Tiên học lễ, hậu học văn" đã gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam và để thay đổi là không dễ dàng.

Đã đến lúc cần hiểu rằng tri thức bây giờ, người học có thể tự tìm ở mọi nơi, thậm chí các em có thể tìm nhanh hơn người dạy. Và hơn nữa, mọi tri thức không phải lúc nào cũng đúng, ngay cả những chân lý mà các nhà khoa học tiên phong đã nêu ra. Vì vậy, vấn đề không phải ở chỗ truyền thụ kiến thức cho người học, không phải ở việc “chở đò” đưa học trò qua sông, mà là hướng dẫn cho học trò tự đóng thuyền, tự làm bè, tự tìm mọi cách qua sông. Cần phải thay đổi tư duy từ dạy kiến thức, học kiến thức sang dạy phương pháp, học phương pháp. Có hệ thống phương pháp tốt thì sẽ dễ dàng thích nghi với mọi môi trường và sự biến đổi.

Chúng ta cần phải có lộ trình và đồng bộ để thực hiện khát vọng xây dựng xã hội phát triển mới. Để hướng đến một nền giáo dục có hiệu quả thì cần thay đổi rất nhiều điều. Những việc gần đây chúng ta làm như xây dựng chương trình tổng thể, thay đổi sách giáo khoa là đã cố gắng rất nhiều nhưng chưa đủ.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của GS Trần Ngọc Thêm!

HUYÊN NGUYỄN (THỰC HIỆN)
https://laodong.vn/giao-duc/gs-tran-ngoc-them-hieu-dung-de-xuat-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-977830.ldo


..



Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), để có xã hội phát triển cần phải có con người sáng tạo, để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Vì vậy, khái niệm "trồng người", quan điểm "tiên học lễ, hậu học văn" không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay.

Tính thụ động hội tụ đậm đặc qua khái niệm "trồng người"

Tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, người Việt ngày nay đã bớt thụ động hơn xưa, song nhìn trong tổng thể thì tính thụ động vẫn còn là đặc trưng chủ đạo của người Việt.

Trong lĩnh vực giáo dục, tính thụ động thể hiện ở mọi bình diện, mọi khía cạnh: Con cái thụ động trong quan hệ với cha mẹ; người học thụ động trong quan hệ với người dạy; người dạy thụ động trong quan hệ với nhà trường; nhà trường thụ động trong quan hệ với bộ máy quản lý giáo dục cấp trên.

Nêu dẫn chứng về sự thụ động, GS Thêm cho biết, trong cuộc khảo sát năm 2020 của đề tài cấp Nhà nước về triết lý giáo dục với 3.070 người tham gia, trả lời câu hỏi về những tật xấu mà học sinh - sinh viên Việt Nam cần tránh thì “bệnh thụ động” đứng ở vị trí thứ 4; “thói dựa dẫm, ỷ lại” đứng thứ 8. Thêm vào đó, "thói cào bằng, đố kỵ” đứng thứ sáu.

"Tính thụ động của người Việt hội tụ ở mức độ đậm đặc trong giáo dục qua khái niệm "trồng người", “tiên học lễ, hậu học văn”  - GS Thêm nói.

GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, "sáng tạo thuộc về tài năng", trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ lễ, “tiên học lễ hậu học văn”, đề cao sự phục tùng.

Để có con người chủ động, sáng tạo

Để có con người chủ động, theo GS Trần Ngọc Thêm, cần thay đổi quan niệm và không sử dụng những biểu đạt mang tính thụ động như con ngoan trò giỏi trong cách hiểu là dễ bảo, vâng lời; phải giải thích cho xã hội hiểu “trồng người” là cần tạo dựng một môi trường khuyến khích tính chủ động, điều quan trọng là người học phải tự tin.

"Để chủ động và tự tin trong giao tiếp thì người học phải rèn luyện tư duy phản biện và phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác với số đông các bạn học còn lại, thoát ra khỏi áp lực của họ. Để chủ động và tự tin trong hoạt động thì người học phải rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch" - GS Thêm đưa ra giải pháp.

Để có con người sáng tạo, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình.

Đặc biệt, cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Đồng thời, chống việc nhồi nhét kiến thức, chống việc học thuộc lòng; thay đổi quan niệm về cách biên soạn sách giáo khoa (để đáp ứng nhu cầu học thuộc lòng), cách ra đề thi kèm theo đáp án; chấm dứt cách học theo bài mẫu.

"Để có con người sáng tạo, cần chống bệnh thành tích, bệnh phong trào và bệnh đối phó trong người học, trong phụ huynh và trong nhà quản lý. Cần thay việc giáo dục hàng loạt bằng giáo dục cá nhân hóa theo quan niệm giáo dục phải “làm phát triển hoàn toàn các năng lực sẵn có của các em” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cần sớm thừa nhận và luật hóa mô hình giáo dục tại gia, hay gia thục (homeschooling) với tư cách là một giải pháp thay thế hợp pháp cho các trường công lập và tư thục" - GS Thêm đề xuất.

THIỀU TRANG
https://laodong.vn/giao-duc/de-xuat-cham-dut-su-dung-khau-hieu-trong-nguoi-tien-hoc-le-hau-hoc-van-976930.ldo
..


---


LUẬN TRANH 


4.

Trần Mạnh Hảo
Năm 1996, nghĩa là 25 năm trước, trên tờ báo “Văn Nghệ”, chúng tôi đã cho in hai kỳ bài báo vạch mặt GSTS Trần Ngọc Thêm đã ăn cắp toàn bộ kiến thức, ăn cắp các bài viết trong hàng chục cuốn sách của linh mục giáo sư, nhà triết học, nhà văn hóa học thông kim bác cổ Kim Định rồi xào nấu biến thành cuốn sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của mình.
Đáng tiếc, cuốn sách ăn cắp này của Trần Ngọc Thêm được bộ GD &ĐT ( bộ vô giáo dục) ca ngợi lên mây, ra lệnh dạy trong tất cả các trường cao đẳng và đại học. Bài viết bóc trần sự ăn cắp gian dối lừa đảo của Trần Ngọc Thêm của chúng tôi như một quả bom nổ trong dư luận, mà bộ giáo dục vì mù, vì điếc nên giả vờ không biết. Bộ vô giáo dục này chính ra phải xử lý, tước học hàm phong bì giáo sư, tước học vị phong bì tiến sĩ của ông Trần Ngọc Thêm ngay, cấm phát hành và cấm dùng cuốn sách ăn cắp “Cơ sở văn hóa VN” của Trần Ngọc Thêm để dạy trong tất cả các trường đại học và cao đẳng. Dùng một cuốn sách ăn cắp của người khác để dạy môn văn hóa học suốt 25 năm, thử hỏi bộ GD &ĐT có văn hóa không, có giáo dục không ? Thưa không !
Khi bộ GD&ĐT trở thành bộ vô giáo dục, bộ vô văn hóa, tôn vinh cuốn sách ăn cắp rồi dùng sự ăn cắp vĩ đại này để dạy cho sinh viên cả nước suốt 30 năm thì nước Việt ơi, chế độ ơi, các người ở đâu mà để bộ giáo dục tôn vinh ca ngợi sự ăn cắp như vậy ? Giống như bộ giáo dục bắt học sinh cả nước xếp hàng hô : ăn cắp là đạo đức, ăn cắp là văn minh, ăn cắp muôn năm vậy !
Thảo nào xã hội hôm nay hầu như 90% quan chức đều ăn cắp, đều tham ô, tham nhũng là do học những cuốn sách ăn cắp ví như cuốn “cơ sở văn hóa VN” của Trần Ngọc Thêm.
Than ôi, một xã hội, một đất nước đồng nghĩa ăn cắp với giáo dục, ăn cắp với đạo đức, ăn cắp với văn hóa thì xã hội ơi, đất nước ơi, ta chào mi, vì mi đã bị băng hoại đến tận cùng.
Vừa rồi, vua ăn cắp Trần Ngọc Thêm còn được bộ GD & ĐT giao cho nhiều tỉ làm chủ đề tài chống dối trá, chống ăn cắp trong ngành giáo dục thì Thêm ơi, bộ ơi, các người là đỉnh cao của trí trá, của hài hước vậy.
Vài tuần trước, vua ăn cắp Trần Ngọc Thêm, đã tung hỏa mù, tung quả bom thối vào dư luận xã hội bằng cách phát biểu trong một hội thảo về giáo dục rằng hãy bỏ ngay khẩu hiệu : “ TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN”, bỏ khái niệm “TRỒNG NGƯỜI” ra khỏi nền giáo dục thì đất nước mới tiến lên được. Lập tức, toàn bộ giới truyền thông lề phải và lề giữa, lề trái đều cuốn vào cơn lốc đểu do vua ăn cắp Trần Ngọc Thêm tạo ra. 80 % số bài trên các phương tiện truyền thông chửi Trần Ngọc Thêm, 10% số bài bênh lão vua ăn cắp, 10 % số bài cho rằng ý kiến của ông Thêm có cái đúng cái sai.
Rồi người ta lôi Khổng tử ra chửi, rằng tại vua Nho giáo này bày ra chữ “Lễ” nên con người mới bị tha hóa. Họ còn lôi cả Quản Trọng kẻ đã sinh ra khái niệm “trồng người” ra mạt sát hết cỡ, rằng người có phải là cái cây đâu mà trồng với trọt ! Thậm chí họ còn mang câu “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” tương truyền của Quản Trọng, nhưng ở Việt Nam hiện nay được gán cho Bác Hồ, ra mạt sát, thế mới lạ.
Họ, cả phe chửi và phe ủng hộ vua ăn cắp Trần Ngọc Thêm đều chửi Khổng tử và chữ “LỄ” của ông này trong hệ thống giáo dục rất nhân bản của Nho giáo : “NHÂN NGHĨA LỄ TRÍ TÍN”.
Suốt 10 thế kỷ dựng nước và giữ nước nhà độc lập, Khổng tử được ông cha ta thờ ở Văn Miếu quốc tử giám. Các làng có văn hóa trong cả nước đều có Văn Miếu thờ thánh Khổng tử, thờ văn hóa “NHÂN NGHĨA LỄ TRÍ TÍN”. Khổng tử có một số cái sai lớn như coi thường phụ nữ, đưa xã hội về thời Văn vương, dạy người Hoa Hạ phải bình thiên hạ. Nhưng ông cha chúng ta từ Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý Trần, hậu Lê, Nguyễn vẫn dùng cái hay cái tốt của đạo Khổng để theo, để tạo ra văn hóa nhân bản Việt Nam.
Thử hỏi, nếu ông cha ta không dạy con cháu “Tiên học lễ, hậu học văn” thì lịch sử VN liệu có ca dao tục ngữ, thơ văn Lý Trần, liệu có Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương hay không ?
Nếu ông cha ta khi phát biểu trước đám đông vẫn để tay nhét túi quần như bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, khi thầy dạy mình đến khom lưng xin bắt tay mình vì mình là bộ trưởng như bộ trưởng vô giáo dục Phùng Xuân Nhạ, thì Nhạ vẫn ngồi ăn, thò tay ra sau để thầy mình bắt, thì Nhạ ơi, cha ông ơi, Việt Nam vô văn hóa mất rồi, làm sao có những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa đây ?
Vậy thì Thêm ơi, bộ giáo dục ơi, dư luận ơi, “Tiên học Lễ, hậu học Văn” của cha ông truyền lại, có gì sai đâu mà các ông đòi bỏ ?
Vì vô lễ, nên bộ trưởng Nhạ khi nói chuyện với đám đông, một tay vẫn nhét túi quần trông rất nhố nhăng đáng ghét. Vì vô lễ nên bộ trưởng Nhạ có thầy dạy học mình đến chào mình, xin bắt tay, mình không thèm đứng lên chào lại, vẫn ngồi ăn tiệc, còn thò tay ra sau cho thầy bắt mà không thèm ngó mặt thầy.
Vì vô lễ, vô nhân, vô lại, vô phép mà Trần Ngọc Thêm mới tạo ra cuốn sách ăn cắp làm nhục cho nền giáo dục, làm nhục cho đất nước.
Một con người không được giáo dục lễ phép, lễ độ, lễ nghi, lễ nghĩa từ bé như Trần Ngọc Thêm, như Phùng Xuân Nhạ…mới thành những kẻ mất dạy trong ứng xử xã hội như rứa.
Các bộ trưởng giáo dục từ Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ vì vô giáo dục từ bé, không được học chữ LỄ nên mới đồng ý với các GSTS dỏm, GSTS phong bì vô lễ, vô phép, vô văn hóa như Trần Đình Sử, Nguyễn Minh Thuyết, Bùi Mạnh Hùng, Đỗ Ngọc Thống đã bỏ hẳn môn văn ra khỏi nền giáo dục Việt Nam hơn 10 năm nay.
Bỏ môn văn ra khỏi nền giáo dục Việt Nam, thì than ôi, chúng ta đang có một nền giáo dục vô lễ, vô pháp, phản nhân văn, báo hiệu cơ hội mất nước sắp tới rồi .,.
Sài Gòn ngày 3-12-2021
T.M.H..
https://www.facebook.com/tran.manhhao.376/posts/3165577637047752



3.

Nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có lần đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", nhưng nhiều trí thức và dư luận kêu làng. Ông Nhạ không đủ kiến thức và bản lĩnh để bảo vệ quan điểm.
Lỗi cũng bởi một phần ông Nhạ có nhiều phát ngôn tuỳ tiện, như chuyện giáo viên hầu rượu quan "chỉ là vui vẻ tí", sinh viên không được bán dâm quá bốn lần, học phí thấp thì khó đòi hỏi chất lượng cao... Đến khi ông nói đúng thì bị phản ứng như khi ông nói sai.
Còn ông Trần Ngọc Thêm do ba phải trong vụ án đạo văn của Nguyễn Đức Tồn nên mất uy tín, chứ tôi thì vẫn cho ông là người thông minh, hiểu biết và rất tiến bộ. Nhất là các quan điểm về giáo dục. Tôi từng thích ông khi dám phản biện cái gọi là "con ngoan, trò giỏi". Ngoan để dễ dạy bảo, dễ sai khiến, biến trẻ em thành công cụ? Tôi từng đặt câu hỏi, rằng mỗi cháu ở mầm non bị cô giáo "đặt đâu ngồi đó" rồi phát cho cái phiếu "bé ngoan Bác Hồ", vậy Bác Hồ có thuộc loại ngoan như vậy không? Nếu ngoan kiểu đó thì sao Bác lại phải đi làm cách mạng giải phóng dân tộc và đòi hỏi tự do?
Xem giáo dục là "trồng người" như 'trồng cây", đúng là tư duy lợi ích của nông nghiệp. Quản Trọng khi dùng khái niệm này để khuyên vua Tề sử dụng nhân tài như một thứ công cụ phục tùng cho lợi ích bá quyền của nước Tề. Còn "Lễ" thì rõ ràng là tư duy đặc sệt của Nho giáo. Gốc Khổng Tử lấy phép tắc nhà Chu làm khuôn mẫu để quy tất cả các chư hầu về phục tùng vô điều kiện Thiên triều; từ đó thiết lập quan hệ tôn ti, kẻ dưới hầu hạ bề trên như những kẻ nô lệ.
Đó là chưa nói Lễ hiện nay còn biến thái sang điếu đóm, quà cáp - một thứ nhân cách đê tiện: luồn cúi, nịnh bợ, hối lộ.
Ai cũng thấy khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" hoàn toàn mâu thuẫn đến đá lộn với khẩu hiệu: "Lấy học sinh làm trung tâm", "Tất cả vì tương lai con em chúng ta", "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", nhưng vẫn giả câm giả điếc, thậm chí ủng hộ cái thứ Lễ đặc sệt Nho giáo. Vì sao? Vì cái thứ Lễ ấy mang lại lợi ích ích kỷ của người lớn hơn là lợi ích của trẻ em.
Tâm lý người Việt cố hữu đến mức ai cũng muốn có kẻ hầu hạ, điếu đóm cho mình, nên nói đến Lễ là yêu như yêu vàng và khư khư giữ lấy như bảo vật quốc gia.
Đổi mới giáo dục mà không triệt để, nửa dơi nửa chuột, đổi mới một hồi vẫn quay về thời trung cổ thì là nền giáo dục phản động!
Nhiều người ném gạch đá vào đầu Trần Ngọc Thêm dữ dội. Bài này tôi hứng một phần cho ông Thêm. Hoan hô ông Thêm!
Chu Mộng Long
https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/5293969340617266




2.

Bản trên Fb HTC, ở đây.


Bản ở dưới là từ Blog HTC.



29 thg 11, 2021

VỀ CÁCH HIỂU HAI CHỮ “TRỒNG NGƯỜI” CỦA GS. TRẦN NGỌC THÊM

 

GS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM
Ảnh: báo Lao Động
     HOÀNG TUẤN CÔNG

Nêu lý do cần chấm dứt sử dụng khái niệm “trồng người” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”, GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng, chữ “trồng” trong “trồng người” mang ý nghĩa áp đặt của giáo dục thời phong kiến, “con  người được coi như cái cây”.

Cụ thể, sau khi trích dẫn lời Quản Trọng: “Kế một năm chi bằng trồng lúa, kế mười năm chi bằng trồng cây, kế trọn đời chi bằng trồng người. Trồng một gặt một ấy là lúa. Trồng một gặt mười ấy là cây. Trồng một gặt trăm ấy là người”, GS. Trần Ngọc Thêm phê phán: “Vào thời phong kiến xưa thì cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều coi con người là đối tượng cần được giáo hoá; con người được coi như cái cây, hoàn toàn lệ thuộc vào môi  trường một cách thụ động: Trồng ở đất này thì cho trái ngọt nhưng trồng sang đất khác có thể lại cho trái chua”.

Đồng thời GS. Trần Ngọc Thêm lý giải: Là một dân tộc làm nông nghiệp, khi gặp hình ảnh “trồng người” do Bác nói ra, ai cũng cảm thấy thân thiết gần gũi đến mức dễ dàng chấp nhận và say mê sử dụng nó một cách hoàn toàn tự nhiên.[…] Nhưng con người không phải là cái cây […] do đó, tôi cho rằng không có lí do để duy trì hình ảnh này.”(báo Lao Động – 26/11/2021)

Ở đây tôi không bàn chuyện bỏ hay không bỏ, “chấm dứt” hay không “chấm dứt” sử dụng khái niệm “trồng người”. Chỉ xin trao đổi về cách GS. Trần Ngọc Thêm hiểu hai chữ “trồng người”, cũng như ý nghĩa câu nói “Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân” của Quản Trọng:

1-“THỤ NHÂN” 樹人 (TRỒNG NGƯỜI):

Câu nói của Quản Trọng (nguyên văn chữ Hán): “一年之計莫如樹穀 ; 十年之計,莫如樹木終身之計,莫如樹人.”. Phiên âm: “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân.”.

Ở đây, Quản Trọng đặt các sự vật hiện tượng bên cạnh nhau để tạo liên tưởng, so sánh với cấp độ tăng dần, đối lập nhau, vừa có tính chất cân xứng, tương đồng, lại vừa mang tính chất bất cân xứng, dị biệt. Mặc khác, ông đã chơi chữ “thụ”  trong “thụ cốc” 樹穀, “thụ mộc” 樹木với “thụ”  trong “thụ nhân” 樹人. Cùng là chữ “thụ” , nhưng “thụ” trong “thụ cốc” 樹穀“thụ mộc” 樹木 có nghĩa là TRỒNG TRỌT, còn “thụ”  trong “thụ nhân” 樹人 lại có nghĩa là BỒI DƯỠNG, DẠY DỖ:

-“Hán ngữ đại từ điển” giảng nghĩa 2 của “thụ” là “trồng trọt”, “vun xới” (chủng thực; tài chủng - 種植;栽種);  giảng nghĩa thứ 3 của “thụ” là “bồi dưỡng, dạy dỗ” (bồi dưỡng, tạo tựu - 培養造就), đồng thời hướng dẫn xem hai chữ “thụ nhân” 樹人.

-Mục “thụ nhân” 樹人từ điển này giảng là “giáo dục, đào tạo nhân tài” (bồi dưỡng tạo tựu nhân tài 培養造就人材), rồi trích câu nói của Quản Trọng “…chung thân chi kế, mạc như thụ nhân”, làm ví dụ.

Cũng cần nói thêm rằng, dù “thụ”  với nghĩa là “bồi dưỡng, đào tạo” có trước, hay có sau khi Quản Trọng nói câu này, thì cũng không thay đổi được ý nghĩa của “thụ nhân”. Bởi không ai hiểu “thụ nhân” theo nghĩa đen là trồng người giống trồng cây, đào hố rồi bắt chôn chân tại chỗ, nên “hoàn toàn lệ thuộc vào môi trường một cách thụ động”, như GS. Trần Ngọc Thêm suy diễn.

Như vậy, khái niệm “trồng người” ở đây được đối dịch từ hai chữ “thụ nhân”. Và hai chữ “thụ nhân” có thể dịch vừa sát vừa rõ nghĩa là “giáo dục, đào tạo nhân tài”, “bồi dưỡng nhân tài” (Từ điển của Nguyễn Quốc Hùng dịch là “nuôi dưỡng nhân tài”). Theo đây, lời của Quản Trọng có thể được diễn đạt là: “Kế một năm chi bằng trồng lúa, kế mười năm chi bằng trồng cây, kế trọn đời chi bằng ĐÀO TẠO/BỒI DƯỠNG NHÂN TÀI...”.

Tuy nhiên, thành ngữ tục ngữ hay khẩu hiệu muốn truyền bá, lưu hành rộng rãi, tất phải ngắn gọn súc tích. Thế nên, lời Quản Trọng về sau được cô đọng thành: “Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân”. Việc đối dịch “bách niên thụ nhân” thành “trăm năm trồng người”, giữ lại cách chơi chữ trong nguyên văn chữ Hán, lại đảm bảo ngắn gọn. Và “trồng người” không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp “đào tạo nhân tài”, mà là sự nghiệp giáo dục đào tạo trong nhà trường nói chung.

2-TRỒNG CÂY - TRỒNG NGƯỜI:

Vì sao Quản Trọng liên tưởng chuyện trồng cây với chuyện giáo dục con người? Ấy là bởi sự vun xới, chăm sóc bảo vệ sớm hôm, từ lúc cây còn là cái mầm bé tí ti cho đến khi thu hoạch là cả một quá trình công phu vất vả sớm hôm, chẳng khác nào chuyện dạy dỗ, đào tạo một con người từ bé đến lúc thành tài.

Mặt  khác, “thụ cốc” (trồng lúa) được Quản Trọng so sánh với “thụ mộc” (trồng cây); rồi “thụ cốc”, “thụ mộc”, lại được đặt cạnh “thụ nhân” (trồng người), mục đích để so sánh các loại “thụ” (trồng) và “hoạch” (gặt hái thành quả) khác biệt nhau đến mức nào.

Với trồng lúa, phương thức canh tác không phù hợp thì sẽ thất bát. Nhưng thất bát hay bội thu, thì cũng chỉ sau một vài vụ là có thể rút kinh nghiệm. Với trồng cây thì sự tổn thất về thời gian, tiền bạc sẽ lớn hơn trồng lúa rất nhiều. Ấy vậy nhưng trồng lúatrồng cây cũng không bằng trồng người. Giáo dục con người, bồi dưỡng nhân tài là kế chung thân (một đời), bách niên (lâu dài). Nếu giáo dục đúng thì lợi ích sẽ dài lâu và gấp trăm gấp bội lần. Nhưng nếu phương pháp sai lầm, thất bại thì cũng di hại đến nhiều đời.

3-“TRÁI NGỌT”–“TRÁI CHUA”:

Chuyện “ở đất này thì cho trái ngọt nhưng trồng sang đất khác có thể lại cho trái chua” trong trồng cây - trồng người cũng không phải do “phong kiến” coi con người “như cái cây, hoàn toàn lệ thuộc vào môi  trường một cách thụ động” như GS. Trần Ngọc Thêm suy diễn rồi quy kết.

Ở thời nào, với bất cứ nền giáo dục nào, môi trường giáo dục cũng ảnh hưởng, thậm chí là quyết định đến tài năng nhân cách của con người. Một học sinh có năng khiếu âm nhạc ở đất nước này có khi chỉ là nhạc công đám cưới, nhưng nếu được đào tạo bởi một quốc gia khác thì lại trở thành thiên tài âm nhạc. Đó là một thực tế.

Để cây “trái chua” thành “trái ngọt”, người ta cải tạo thổ nhưỡng, thay đổi phương thức canh tác, cũng như để đào tạo bồi dưỡng con người, phải chú ý đến môi trường, phương pháp giáo dục vậy.

Những điểm tương đồng và dị biệt giữa trồng lúa - trồng cây - trồng người cho thấy triết lý giáo dục của Quản Trọng rất sâu sắc, tiến bộ(*)

4-KẾT LUẬN:

-Thông điệp cốt lõi trong lời nói của Quản Trọng là: 1.Giáo dục, đào tạo nhân tài là kế sách quan trọng và lâu dài, không thể "ăn xổi ở thì", "xây nhà từ nóc"; 2.Đầu tư cho giáo dục tuy lâu dài, khó khăn nhưng lợi ích thu được thì vô cùng to lớn và dài lâu.

-Hai chữ “thụ nhân” 樹人 (trồng người) không liên quan “khái niệm hội tụ ở mức độ rất đậm đặc tính thụ động của người Việt Nam”; không hề nói lên cái ý chế độ phong kiến coi con người “như cái cây, hoàn toàn lệ thuộc vào môi trường một cách thụ động” như cách hiểu của GS. Trần Ngọc Thêm. Cách GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm hiểu về hai chữ “thụ nhân” – trồng người méo mó và hoàn toàn suy diễn, nông cạn.

                                      HTC/11/2021

Chú thích:

(*) - “Cổ học tinh hoa” (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc) chép câu chuyện Án Tử “Ứng đối giỏi” như sau:

“Án Tử sắp sang sứ nước Sở, vua Sở nghe thấy, bảo cận thần rằng: "Án Tử là một tay ăn nói giỏi nước Tề, nay sắp sang đây, ta muốn làm nhục, có cách gì không?

- Cận thần thưa: Đợi bao giờ Án Tử sang, chúng tôi xin trói một người, dẫn đến trước nhà vua.

- Để làm gi?

- Để giả làm người nước Tề.

- Cho là phạm tội gì?

- Tội ăn trộm.

Lúc Án Tử đến nơi. Vua Sở làm tiệc thết đãi tử tế. Rượu uống ngà ngà, bỗng thấy hai tên lính điệu một người bị trói vào.

Vua hỏi: "Tên kia tội gì mà phải trói thế?

- Lính thưa: Tên ấy là người nước Tề phải tội ăn trộm".

Vua đưa mắt, nhìn Án Tử nói rằng: "Người nước Tề hay trộm cấp lắm nhỉ!"

Án Tử đứng dậy, thưa rằng: Chúng tôi trộm nghe cây quất mọc ở đất Hoài nam, thì là quất ngọt, đem sang giồng ở đất Hoài bắc, thì hoá quất chua. Cành, lá giống nhau mà quả chua, ngọt khác nhau là tại làm sao? Tại thuỷ thổ khác nhau vậy. Nay dân sinh trưởng ở nước Tề thì không ăn trộm, sang ở nước Sở thì sinh ra trộm cắp. Có nhẽ cũng tại vì cái thuỷ thổ khác nhau nó xui khiến ra như thế chăng!...".

Cái gọi là "thuỷ thổ" mà Án Tử nói ở đây chính là ám chỉ sự khác nhau giữa môi trường giáo dục và xã hội của hai nước Tề và Sở vậy.


https://tuancongthuphong.blogspot.com/2021/11/ve-cach-hieu-hai-chu-trong-nguoi-cua-gs.html?fbclid=IwAR3EfMiXS58YVdsGtSQva2Y0yZowNIP5Tr0Mm98--0yLf0HIfJ7_HAYImCE

https://www.facebook.com/TuancongThuphong/posts/3152738444956853



1. Ngày 26/11/2021

Thập niên 1990, PGS.TS Trần Ngọc Thêm đã gây tiếng vang với Giáo trình "Cơ sở văn hóa Việt Nam" (Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh,1996) và sau đó là cuốn "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1997). Nó cũng là những công trình quan trọng để đưa ông đến học hàm, học vị cao nhất: Giáo sư tiến sĩ khoa học.
Không bàn đến những tai tiếng trong một số nội dung, bị các ông Trần Mạnh Hảo và sau nữa là Nguyên Hưng Quốc chỉ ra, ngay thời điểm đó, tôi đã dị ứng với tác giả công trình về cách nhìn nhận, khái quát vấn đề. Trong cả hai ấn phẩm, ông Trần Ngọc Thêm đều nhất quán một định nghĩa: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.”
Tác giả nhồi tất mọi hình thức tồn tại và giá trị vào trong một rọ mang tên văn hóa. Về khoa học, ông không khu biệt rõ giữa văn minh là các yếu tố thiên về vật chất, văn hóa là các giá trị nghiêng về tinh thần và văn hiến là giá trị thể hiện bằng văn bản (gắn với chữ viết)… Ngay từ khái niệm, ông đã định nghĩa rất ôm đồm, nội hàm to lớn đến mức cái áo ngoại diên trở nên cũn cỡn, chắp vá.
Có hàng trăm định nghĩa “văn hóa” khác nhau, thậm chí rất khác. Sẽ rất vô nghĩa, nếu tôi hay bạn trích dẫn định nghĩa của một "thánh" nào đó và lấy nó làm cơ sở duy nhất đúng để bàn về văn hóa hay tiêu chuẩn, quy phạm về nó. Văn hóa thật sự là tôn trọng sư khác biệt. Khi bàn về những khái niệm bên trong văn hóa, mọi ý đồ tuyệt đối hóa đều là phản văn hóa.
Tôi dị ứng, nhưng thôi, kệ ông ấy. Muốn tránh dị ứng thì đừng tiếp xúc nữa. Tôi vẫn nghĩ nếu nghiêm túc tìm hiểu về văn hóa học thì không nên đọc sách hay nghe GSTSKH Trần Ngọc Thêm nhận định.
Lần này, ông ấy lại tự mâu thuẫn chính mình, khi coi Lễ là yêu cầu một chiều, áp đặt. Nếu lục tìm trích dẫn, mất cả ngày cũng không hết định nghĩa về chữ Lễ. Nôm na, Lễ vừa là quy tắc, chuẩn mực trong văn hóa, vừa là thái độ ứng xử thể hiện sự phù hợp, đúng đắn, nghiêm cẩn của con người với con người và với vạn vật xung quanh. Lễ là điều người trên kẻ dưới đều phải có, phải giữ. Thầy giữ Lễ của thầy, trò biết Lễ của trò. Nó là chuẩn mực cần đạt, trước khi muốn thủ đắc để sau đó phá cách, sáng tạo và phát triển cái mới, cái hay, cái đẹp của tri thức – các yếu tố thuộc về chữ Văn.
Trong quan niệm phương Đông, Lễ thuôc phạm trù đạo đức, là chuẩn mực để con người đạt đến giá trị của Nhân, nhờ thông Lý của Đất, tỏ tường Văn - cái đẹp rạng ngời của Trời. Chỉ như thế, con người mới thật sự hòa hợp vào Tam Tài (Thiên – Địa – Nhân), thành một cấu thành đẹp đẽ cua Vũ Trụ. Nói đến sáng tạo là nói đến chữ Văn. Người giàu khả năng sáng tạo về mặt nào đó, ta vẫn gọi đó là người có Thiên khiếu. Chưa nắm vững, thực hành đầy đủ phần Lễ của Nhân, ắt hẳn đừng mơ sáng tạo, phát triển để tạo ra điều đẹp đẽ (Văn) vốn thuộc cõi trời (Thiên).
Tất nhiên, không chỉ phương Đông mới có chữ Lễ. Diễn đạt duy lý của phương Tây có thể khác một chút, song chữ Lễ vẫn là yêu cầu trong mọi mặt, mọi hoạt động và biểu hiện cụ thể của con người. Nói đơn giản, Lễ là khi con người sống, tư duy, hành vi phù hợp chuẩn mực và phù hợp với chính mình.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm dường như không tiếp cận khái niệm theo chiều đó. Ông muốn tư duy cách riêng, tự đặt véc – tơ cho Lễ, biến nghĩa chuẩn mực ứng xử thành quyền lực áp đặt theo chiều từ trên xuống dưới. Ngược với khi bàn về chữ Văn hóa, lần này ông lại tự thu hẹp nội hàm, coi Lễ chỉ thuần túy thuộc phạm trù đạo đức, riêng phương Đông và thuần phong kiến. Ông biến nó thành một công cụ kìm hãm, không nhìn nhận nó là điều kiện và phương tiện của sự phát triển. Ông lý giải: “Bởi vì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1. Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển”.
Áp vào việc xây dựng triết lý giáo dục: “Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện” cho nên ông đề xuất loại bỏ câu cách ngôn “Tiên học Lễ, hậu học Văn” ra khỏi trường học. Tiếc thay, ông đã tự mâu thuẫn với quan niệm của chính ông. Một người thầy giữ lễ làm thầy, có ai không khuyến khích trò phản biện, đổi mới, sáng tạo để hơn thầy? Có ai không muốn học trò mình bay xa, bay cao hơn nữa? Đó mới đúng Lễ làm thầy đấy. Nhưng điều đó, ông lại đả phá, đòi loại bỏ. Quan niệm của ông làm méo mó toàn bộ cả “tiên Lễ, hậu Văn”, tán đồng thứ "văn hóa" của việc học trò cố học cho thành GSTSKH rồi quay lại chê cô giáo tiểu học của mình dốt.
Tôi không định tranh luận với một người tự mâu thuẫn. Tôi chỉ muốn nói rằng, sau ¼ thế kỷ, cái nhìn của tôi về ông vẫn không thay đổi. Trước, đọc định nghĩa của ông, tôi thất vọng. Nay, xem kiến giải của ông, tôi tuyệt vọng. Cá nhân, tôi nghĩ rằng, sai lầm lớn nhất, kìm hãm sự tiến bộ, hủy hoại giá trị nhiều nhất đó là khi giáo dục Việt Nam đã quên không chịu dạy cho bao nhiêu thế hệ học trò hai chữ viết hoa không thể thiếu ở con người: TỰ TRỌNG.
NGUYỄN HỒNG LAM

https://www.facebook.com/NguoiCuaGiangHo04/posts/10216517514810428

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.