Tôi thì quan tâm đến phóng sự của nhà báo nhà văn Trọng Lang, tức Trần Tán Cửu. Ví dụ, trên Giao Blog đã có những bài ngắn như ở đây hay ở đây.
Dưới là một trao đổi trong giới phê bình đương đại.
Lấy bài đầu tiên của Lại Nguyên Ân từ trang Văn Việt về đây. Các bổ sung và cập nhật thì dán ở dưới đó như mọi khi.
Giao Blog cũng đã không ít lần chỉ những sai lầm, thậm chí là "điêu toa", của cây bút Thụy Khê.
Tháng 10 năm 2021,
Giao Blog
---
Lại Nguyên Ân
Tôi đã rất đắn đo trước khi viết bài này, đơn giản vì sẽ phải lên tiếng phê bình một người bạn cùng nghề phê bình nghiên cứu mà tôi đã và đang có những liên hệ trao đổi khá mật thiết trong việc tìm tòi tư liệu sách báo nghiên cứu. Tôi muốn nói đến nhà phê bình nghiên cứu văn học Thụy Khuê, hiện cư trú tại Pháp.
Chị Khuê cùng trạc tuổi tôi, nay đã ngoại thất tuần; vậy mà sau nhiều cuốn sách đã công bố, lại vẫn đang tiếp tục thực hiện những đề tài về lịch sử, văn học sử Việt Nam, gần đây nhất là chuyên đề nghiên cứu “Tự Lực văn đoàn, văn học và cách mạng”, đang đăng tải trên một vài trang báo mạng.
Ai đã xem qua các phần của chuyên đề này sẽ thấy một lượng tư liệu lớn được tập hợp vào đây. Thiết nghĩ, chuyên đề này sẽ là tài liệu bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu hoạt động của một tổ chức báo chí xuất bản đã từng có đóng góp đáng kể vào sự hình thành diện mạo nền văn học Việt Nam thời hiện đại, nếu các tài liệu sử dụng tại đây được kiểm định kỹ lưỡng, nếu các loại nhận định về các hiện tượng văn học tại đây được đề xuất một cách cẩn trọng, thỏa đáng.
Tôi sẽ chỉ đề cập một phạm vi rất nhỏ, khi thấy tác giả chuyên đề đưa ra những nhận định mà theo tôi là rất sai trái về các nhà văn Vũ Trọng Phụng và Nam Cao. Tôi đã làm trên dưới chục cuốn sách về Vũ Trọng Phụng, nên không thể không lên tiếng!
Đó là ở kỳ đăng thứ 39 của công trình kể trên, khi nhà phê bình Thụy Khuê đề cập đến những nhà văn cộng tác với Tự Lực văn đoàn, như Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Bùi Hiển.
Ở trường hợp Nguyên Hồng, nhà nghiên cứu lần lượt điểm những tác phẩm mà Nguyên Hồng đưa in trên báo Ngày nay của Tự Lực Văn đoàn /TLVĐ/, tính từ sau khi nhận giải thưởng của văn đoàn này cho tiểu thuyết đầu tay Bỉ vỏ (1937). Thụy Khuê nhận định: “Nguyên Hồng là một khám phá độc đáo của Tự Lực văn đoàn. Hiện thực xã hội ở Nguyên Hồng, sâu sắc và có nghệ thuật hơn tất cả những ngòi bút hiện thực khác như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Tô Hoài...” (Ai đã đọc hồi ức “Nhà thơ ở ngõ Nghè” của Nguyên Hồng, sẽ rõ: khám phá này chỉ thuộc Thế Lữ: do hai bà mẹ có họ hàng xa thế nào đó, cậu Hồng mới dám tìm đến khi Thế Lữ từ Hà Nội về Hải Phòng thăm nhà, được Thế Lữ chỉ dẫn và đưa dần vào văn đàn. Các thành viên TLVĐ khác cố nhiên cũng được chút thơm lây!)
Và như để làm sâu thêm nhận định trên, Thụy Khuê đem văn chương trước 1945 của Nguyên Hồng so sánh với văn chương cùng thời ấy của Vũ Trọng Phụng và Nam Cao.
Về Vũ Trọng Phụng, Thụy Khuê nói đã từng đã từng nhìn lầm, từng viết nhiều bài khen, nay đã rút khỏi trang web riêng (thuykhue.free.fr), và nhân đây nhận định lại:
“Vũ Trọng Phụng nổi trội trong hai địa hạt: phóng sự và tiểu thuyết. Về phóng sự, trong chương Ngày Nay phóng sự tôi đã chứng minh: Phóng sự của Tam Lang và Vũ Trọng Phụng, dù viết rất sống động, lôi cuốn, nhưng hoàn toàn tưởng tượng (nói nôm na là bịa), nên không thể có giá trị như phóng sự điều tra thực thụ của Trọng Lang. Kết quả, những phóng sự này, vì tưởng tượng, nên sự tố cáo của nó cũng trở thành vô dụng: không ai tố cáo cái điều mình bịa ra.” (bài đã dẫn, kỳ 39)
Tôi (L.N.Â.) cho rằng nhận định kiểu này là một sai lầm nghiêm trọng về mặt nhận thức lý thuyết chung quanh bản chất các thể loại ký, trong và ngoài văn học, sẽ nói rõ hơn ở phần cuối bài này.
Về tiểu thuyết Số đỏ, Thụy Khuê đưa ra một nhận định nước đôi:
“[Nhưng] tư tưởng của tiểu thuyết Số đỏ là con dao hai lưỡi: Nếu chủ đề của nó chống lại xã hội lai căng thời Pháp thuộc, qua nhân vật chính Xuân tóc đỏ, ma cà bông, nhờ phong trào bình dân hô hào thể thao, may quần áo mốt, mà trở thành vô địch quần vợt và anh hùng dân tộc, thì Số đỏ còn có một phần giá trị. Nhưng Số đỏ cũng đem những chủ trương canh tân của Tự Lực văn đoàn ra làm trò cười, thì lại khác: Vũ Trọng Phụng cổ vũ con đường bảo thủ, chống lại tất cả những hình thức tiến bộ mà văn đoàn này đề ra.” (bài đã dẫn, kỳ 39).
Tôi (L.N.Â.) chỉ nhắc bạn đọc và bạn nghiên cứu nhớ rằng, Số đỏ đăng báo từ tháng 10/1936, in thành sách riêng từ đầu năm 1938; thế nhưng trong thời gian dài, sự đọc-hiểu nó của giới học giả người Việt vẫn còn rất… lơ mơ. Vũ Ngọc Phan (trong Nhà văn hiện đại, Hà Nội, 1942-43) cho rằng khôi hài trong Số đỏ là “lối khôi hài nông nổi, nhạo đời nhưng không căn cứ”; ông chỉ thấy khả dĩ mấy đoạn mà ông xem là “những xen tả chân triệt để”. Phạm Thế Ngũ (trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Sài Gòn, 1961-65), cũng nhận xét gần như thế, nhấn mạnh nét “tả chân” ở văn chương Vũ Trọng Phụng, xem thường Số đỏ, chỉ thấy nó là tác phẩm “châm biếm, khôi hài, ngả sang lối khôi hài quá lố của sân khấu hay màn ảnh” mà thôi!
Thế nhưng trong điếu văn đưa tiễn Vũ Trọng Phụng về nơi an nghỉ cuối cùng (tại Hà Nội, ngày 10.9.1939), Lưu Trọng Lư đã bày tỏ nỗi bùi ngùi bi thương lúc đứng trong “một dúm nhà văn buồn bã đi theo quan tài một bạn đồng nghiệp xấu số mà những tác phẩm đã làm vinh dự cho văn học nước nhà”. Còn những nhà văn hoạt động văn học vào loại năng sản hồi những năm 1940s như Vũ Bằng, Nam Cao, lúc tình cờ gặp lại nhau hồi đầu kháng chiến (1948), trong câu chuyện bù khú về đời và văn, lại để lộ cái mơ ước viết được một cái gì ngang với Số đỏ ! Hồi những năm đầu 1990s, Nguyễn Khải cũng có ý tương tự Lưu Trọng Lư, rằng một cuốn như Số đỏ có thể làm vinh dự cho bất cứ nền văn học nào!
Giới học giả người Việt đến những năm 1990s, ví dụ Hoàng Ngọc Hiến, mới bắt đầu nhận ra, tác giả Số đỏ đã tạo ra cả một xã hội hài hước, nhất cử nhất động của bất cứ nhân vật nào đều khôi hài, lố bịch; hoặc Hoàng Thiếu Sơn nhận thấy Số đỏ là tiểu thuyết bợm nghịch (novela picaresco) và theo ông, có một dòng truyện bợm nghịch thế giới ở thế kỷ XIX-XX với với Các di văn của câu lạc bộ Pickwick (1839) của Dickens ở Anh, Những linh hồn chết (1842) của N. Gogol ở Nga, A.Q. chính truyện (1921) của Lỗ Tấn ở Tàu, Số đỏ (1936) của Vũ Trọng Phụng ở Việt Nam! Còn Đỗ Đức Hiểu thì thấy “Số đỏ là cái cười nhại với một tầm cỡ lớn:nhại một xã hội, một phong trào chính trị, một thời đô thị hóa. Nó nhại một trào lưu văn hóa, một trào lưu văn học, một nghệ thuật trừu tượng cực đoan. Nó nhại một ngôn ngữ đang hình thành, hổ lốn, tạp nham, lổn nhổn, khấp khếnh, xiêu vẹo, tạp pí lù”.
Đấy là chỉ kể đôi nhận định của những tên tuổi có uy tín tương đối lớn. Cho nên muốn hạ giá Số đỏ có lẽ chỉ có một cách rất… cùn, là “tôi không thấy hay, tôi không thích”! – Thị hiếu cá nhân là điều cần tôn trọng, nhưng nó vị tất có thể làm suy suyển một ý hướng vinh danh của những tiếng nói tầm cỡ hơn!
Lập luận như Thụy Khuê rằng “nếu như” Số đỏ châm biếm cái xã hội lai căng thời Pháp thuộc thì tác phẩm “ít nhiều có giá trị”, còn “nếu như” Số đỏ chế giễu TLVĐ thì thế là “bảo thủ”, nghĩa là không giá trị! Chỗ kỳ quặc của lập luận là thái độ đối với TLVĐ lại trở thành thước đo “giá trị/vô giá trị”? Mà có phải Số đỏ chống TLVĐ không? Cửa hiệu “Âu hóa” với các mốt cho phụ nữ tân thời, sân quần vợt cho phụ nữ, v.v. – đó có thể là những biểu trưng văn học của sự chế giễu nhắm vào TLVĐ. Nhưng Vũ Trọng Phụng có chống TLVĐ tận trong nguyên tắc, trong thực chất không? Tôi ngờ rằng chưa chắc! Các nhà Việt học nước ngoài như Christophe Goscha, Peter Zinoman gần đây đã nêu một nhận định: có một số lớn nhà văn, nhà báo Việt Nam thời 1930-1945, trong đó có Vũ Trọng Phụng, hướng về lý tưởng “chủ nghĩa cộng hòa” (républicanisme), tức là hướng về các chuẩn mực “Liberté, Egalité, Fraternité” (tự do, bình đẳng, huynh đệ) của Đại cách mạng Pháp, chứ không tán thành nền quân chủ lập hiến hay chế độ “trực trị”. Các tác gia chủ trì TLVĐ đứng trong hay đứng ngoài cái lý tưởng chính trị républicanisme kia, nếu công việc của họ là “Âu hóa”, đổi mới “theo Tây” tức là vận động xã hội sang hiện đại? Xin đọc cho kỹ! Nếu nhà văn họ Vũ chống lại cái lý tưởng tiến bộ mà TLVĐ cũng mặc nhiên hướng tới, thì không thể thấy nhà văn đặt câu này vào trong trí nghĩ của “cụ cố Hồng” về đứa con du học trở về là ông Văn Minh:
“Ngoài ra cụ lại còn kính thờ con cụ ở chỗ con cụ là một nhà cách mệnh trong vòng pháp luật, vì làm như Văn Minh đương làm, chính là cải cách xã hội một cách tha thiết mà có công hiệu, mà lại không sợ tù tội hay mất đầu như những đảng viên cộng sản hay Việt Nam Quốc dân đảng, những người ngu dại mưu hạnh phúc cho đồng bào mà chẳng làm cho đồng bào được biết cái gì là nhảy đầm, cái gì là y phục tối tân”! (Số đỏ, VI).
Dòng ngôn từ pha phách giễu nhại đùa cợt làm nhòe đi một tư tưởng chính luận, hay một tư tưởng chính luận bị đưa ra diễn trò?
So sánh tiểu thuyết Bỉ vỏ với tiểu thuyết Giông tố, nhà phê bình Thụy Khuê cho rằng: “nghệ thuật của Nguyên Hồng cao hơn Vũ Trọng Phụng rất nhiều”!
Cao hơn ra sao? Thụy Khuê cắt nghĩa:
“Sự thăng trầm của Bính, người đàn bà bị hiếp dâm, trở thành con ăn cắp trong Bỉ vỏ, bám chặt tâm ta, bởi vì Bính rất thật, bởi vì Tám Bính sống lại những khổ đau bầm vập của cậu bé Nguyễn Nguyên Hồng từ những ngày thơ ấu.” (bài đã dẫn)
Ta nghe được ở đây một lập luận: tác giả từng trải cuộc sống đau khổ bầm dập nên viết ra được một nhân vật chân thật! Lý lẽ này nghe như ta đang ở giữa thời dân nghèo tố khổ! Lý lẽ này cũng đoan quyết: tiểu sử nhà văn – chứ không phải năng lực, tài năng của anh ta – quyết định sự thành công của xây dựng nhân vật! Người Pháp nghe theo lý lẽ này hẳn sẽ không sao cắt nghĩa nổi vì đâu ông Victor Hugo sang trọng nhường kia lại vẽ ra được một nàng Cosette khổ cực đáng thương đến vậy?
“Còn sự thăng trầm của Thị Mịch, cũng bị hiếp dâm trong Giông tố, khó tin ngay từ đầu”!
Khó tin ra sao? Thụy Khuê viện lý:
“Tại sao Nghị Hách, tối đó, trên đường về nhà, có mười một nàng hầu trẻ đẹp đang chờ, mà lại đi hiếp dâm Thị Mịch, cô gái gánh rạ bên đường? Hách bị bệnh cuồng dâm chăng, nên mới không "nhịn" được? Tại sao bệnh này không thấy tái phát lần nào nữa?”
Tôi (L.N.Â.) dám nói, những người Việt sống trong xã hội Việt, sẽ cảm thấy người phát ngôn mấy câu viện lý trên này hoặc quá ngây thơ, hoặc quá ngây ngô! Là phụ nữ mà hiểu đàn ông Việt thế này, thật quả có hơi nguy hiểm! Ngay xã hội Âu Mỹ thời nay cũng đâu chỉ gồm toàn những đàn ông đứng đắn? Người ta vẫn thấy biết bao chuyện, thực có, hư có, nói về những kiểu đàn ông thị hiếu bệnh hoạn, tìm cách chiếm đoạt, giết hại phụ nữ? Ngược về những năm 1930s thì tôi nhớ, Phan Khôi vào Sài Gòn viết bảo, đã nhận ra: phong hóa Nam Kỳ tốt hơn Bắc Kỳ, ví dụ trong này không hề có thói xấu bóp vú con gái vốn khá phổ biến ở làng xã Bắc Kỳ; thói xấu này, thời tôi lớn lên, tức những năm 1960s vẫn còn nghe nói; mà Nguyễn Huy Thiệp cũng đã đưa hiện tượng xâm hại phụ nữ ở các đám hát vào truyện “Những bài học nông thôn” (1992) đó thôi! Vậy mà nhà phê bình Thụy Khuê vẫn khăng khăng: “Nhân vật Nghị Hách xa rời thực tế, vì Việt Nam không có "loại" người nào như thế”! Và giải thích thêm:
“Miền Bắc [thời ấy] chỉ có một ông tỷ phú Bạch Thái Bưởi, được mọi người kính trọng. Còn các nghị viên chỉ làm bù nhìn, báo Phong hóa, Ngày nay chế giễu suốt, vì họ không có quyền thế gì cả” (?)
Tôi và chị Khuê ra đời muộn chừng 10 - 20 năm so với câu chuyện Giông tố, nếu muốn hiểu ngược về cái xã hội thời xảy ra câu chuyện (giả định) nghị Hách, chắc chắn chỉ có thể là hiểu biết gián tiếp, thông qua sách báo. Tôi nhớ, qua đọc báo cũ, tôi được biết, thời Giông tố ra đời, một nhà báo là ông Tạ Đình Bính bảo rằng chỉ đọc qua chương đầu, ông đã đoan chắc kẻ được đặt cho cái tên hư cấu Tạ Đình Hách ấy là ai! Một nhà báo đương thời thì cảm nhận được như thế (về nguyên mẫu của tiểu thuyết), còn một người sinh sau đó 15 – 20 năm lại cả quyết kiểu người như thế không hề có! Vậy làm sao mà tranh luận được?
Lẽ ra phải tiếp tục so sánh hai cô gái cùng bị cưỡng hiếp, dưới tay bút hai nhà văn, sẽ tiến triển khác biệt nhau ra sao (để thấy Nguyên Hồng giỏi, Vũ Trọng Phụng kém!), thì nhà phê bình Thụy Khuê lại bỏ lửng ở đấy, quay sang nhận xét nhân vật nghị Hách “tính cách ly kỳ quá đáng và hành động đầy sơ hở”, “nhiều chỗ rất hề”, “tác giả dùng quy luật huyết thống (cổ hủ)”, v.v. và nhấn mạnh: tất cả xấu xa chỉ đánh vào đầu nghị Hách, còn các quan cai trị người Pháp thì lại được Vũ Trọng Phụng “thầm kín khen ngợi”.
Cái việc trong Giông tố có những lời “khen quan công sứ Pháp”, vào những năm 1958-1980 ở miền Bắc đã từng bị chỉ trích nặng nề; nhưng vào những năm 2010s này, khi độc giả Việt được đọc bản dịch hồi ký “Xứ Đông Dương” của cố Tổng thống Pháp, cựu Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1857-1932), thì đã hơi khó để xúi độc giả tiếp tục chê bôi nhà văn họ Vũ rồi đấy!
Còn trở lại khuôn khổ tiểu thuyết Giông tố thì chỉ có cảnh (chương IV) buổi tối nghị Hách viếng thăm nhà riêng viên Công sứ và nhà riêng viên Tổng đốc rồi trở về trang ấp của mình để chỉ huy bọn tay chân đem “truyền đơn, cờ đỏ” ném vào làng Quỳnh Thôn! Trong tiến triển của truyện, đấy là việc nhà điền chủ vừa lấy lòng kẻ quyền thế lại vừa tiếp tục mưu hại các nạn nhân. Mấy viên quan kia, trong đó viên Công sứ được mô tả tại tư gia trong vẻ giản dị đôn hậu; nhưng một điền chủ trong hạt cai trị của ông ta vẫn tác oai tác quái thế kia, cho thấy dụng ý của tác giả là gì? Đây là trong văn tiểu thuyết, đâu phải văn chính luận?
Tiếp theo, Thụy Khuê so sánh Nguyên Hồng với Nam Cao. Tác phẩm mà nhà phê bình muốn xô đổ là Chí Phèo, bởi vì “Trong bao nhiêu năm ở Pháp, mỗi lần có bạn văn trong nước sang Paris, tôi đều hỏi chuyện văn chương, sự trả lời hầu như bất biến: Chí Phèo của Nam Cao là đỉnh cao.” (bài đã dẫn)
Thụy Khuê lược lại truyện Chí Phèo rồi nhận định:
“Màn Chí Phèo giết Bá Kiến trên đây là một màn sát nhân vô cố, khác hẳn màn Năm Sài Gòn giết Ba Bay trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng [….]Còn bá Kiến – dù có làm những việc ám muội – đối với Chí Phèo, vẫn là "ân nhân". Không có chi tiết nào chứng tỏ bá Kiến đáng tội chết, và cũng không có bằng chứng nào cho thấy Chí Phèo bị bóc lột tàn nhẫn.
So sánh với Bỉ vỏ của Nguyện Hồng, riêng việc sát nhân thôi, Chí Phèo cũng không thể bằng Năm Sài Gòn: Năm giết người có lý do, còn Chí Phèo giết người không có lý do. Và làm sao so sánh Chí Phèo với Tám Bính được? Sự khác biệt là như thế: Tám Bính có lòng nhân ái, là nạn nhân của một gia đình độc ác, một xã hội mù loà, rơi vào tay bọn côn đồ, nhưng vẫn luôn luôn muốn ngoi lên để trở về với cuộc đời lương thiện.
Cho nên, nếu coi Chí Phèo là nhân vật tiêu biểu cho những người cùng đinh bị bóc lột là lầm”
Thụy Khuê khuyên người ta phải đọc kỹ, thế nhưng chính nhà phê bình lại đọc rất không kỹ truyện Chí Phèo. Chỉ ở chữ người nhặt được đứa con hoang này mà nhà phê bình viết là “một kẻ thả lươn”, – đã thấy cái lỗi đọc lớt phớt! “Thả lươn” là thả cái gì (thả lươn giống như nông nghiệp đầu thế kỷ XXI chăng?), làm sao cái người đi “thả lươn” ấy lại bắt gặp cái hài nhi bị vứt bên lò gạch hoang? Xin thưa phải là “một anh đi thả ống lươn” “một sớm tinh sương”, như trong truyện viết! Rất gọn, nhưng sai một chữ là đã sai chuyện!
(Ống lươn thường là ống nứa to, một đầu bịt kín, đầu kia hở, lắp hom /hom là thứ nắp đậy một chiều của người nhà quê Việt xưa/ và có mồi giun bên trong; thợ thả ống lươn đem những ống ấy cắm ngập nước gần hết ống ở các sườn bờ ao bờ đầm chiều tối hôm trước, dụ bầy lươn ban đêm đi kiếm ăn sẽ dại dột chui vào, sáng sớm hôm sau người ta đi thu ống bắt lươn đem chợ bán).
Tất nhiên không cần biết nghề thả ống lươn vẫn đọc và hiểu được truyện Chí Phèo !Nhưng bảo rằng không có bằng chứng nào cho thấy Chí Phèo bị bóc lột, không có bằng chứng nào cho thấy Bá Kiến đáng bị Chí Phèo giết hại, thì có lẽ nhà phê bình đã bỏ qua không chịu đọc khá nhiều đoạn truyện. Như sau đoạn Chí ăn vạ trước cổng nhà Bá Kiến lúc mới ra tù về làng, có đến hai chương khá dài, lấy điểm nhìn Bá Kiến để kể về cục diện đẳng cấp của làng Vũ Đại theo cả hai chiều lịch đại và đồng đại: bên cạnh nhóm đông nhất là những người vô danh trong làng, nổi bật lên hai nhóm: nhóm cường hào, vai vế bề trên gồm những Bá Kiến, Lý Cường, Đội Tảo… và nhóm cùng đinh lưu manh hóa gồm những Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ… Nhóm cường hào cai trị, bòn rút đám đông dân quê, lại cũng cạnh tranh, sát phạt nhau…, chính vì vậy, nhóm cùng đinh lưu manh hóa đã được bọn cường hào sử dụng làm tay chân, công cụ để áp chế dân làng và trừng trị lẫn nhau.
Chí Phèo thuở chưa đi tù là anh canh điền trong nhà Bá Kiến. Hắn có nhà riêng không? Có tài sản riêng không? Chắc chắn không! Sự trả công cho anh canh điền này có tương xứng với công sức anh ta hay không – là chuyện rất mù mờ! Ở nông thôn Việt Nam trước và sau 1945 vẫn có loại hình tá điền sinh sống trong nhà chủ như Chí Phèo; dân Việt gọi đó là “người ở” nói chung. Không phải loại người ở làm việc nhà, Chí là loại người ở làm việc đồng áng (đôi khi cũng bị sai vặt việc nhà, có vậy mới dính líu vợ bé cụ Lý!). Đó thực chất là vị trí người nông nô xưa kia còn lưu lại ở xã thôn người Việt thời thực dân. Tác giả Nam Cao đã kể rõ chỗ đứng của Chí tại một làng quê Bắc Kỳ thời ấy. Vậy thì còn cần gì phải chứng minh anh ta thuộc giới bị bóc lột? Ai cần biết kỹ xin cứ hỏi giới xã hội học, kinh tế học!
Nhà phê bình Thụy Khuê cũng cố tình bỏ qua những gì đã xảy ra với Chí kể từ lần ăn vạ đầu tiên trở đi. Chí được “cụ Bá” vỗ về, đãi bữa rượu cơm gà, cho đồng bạc “để uống thuốc”. Lần thứ hai, Chí đến, vờ vịt xin “giết người để được đi tù”, được Bá Kiến dùng làm nặc nô sai đi đòi nợ Đội Tảo; may cho Chí, Đội Tảo ốm nặng, bà vợ đem tiền trả! Công trạng đầu tiên ấy của Chí khiến Bá Kiến sai Lý Cường cắm cho Chí năm sào vườn ở bãi sông!
Nhà xã hội học đọc truyện sẽ thấy, trước lúc đi tù, Chí là anh canh điền ở đợ, một thứ nông nô. Lúc ở tù về làng, Chí là người tự do, nhưng không tài sản, không nhà không ruộng. Chả có cách gì hơn, một cách nửa ý thức nửa vô thức, Chí đến gây sự với Bá Kiến, may là “cụ Bá” đấu dịu, rồi cho đất cho nhà! Nhưng ở đời làm gì có thứ cho không? “Ân nhân” Bá Kiến đã biến Chí thành tên nặc nô, đầu gấu tay sai. Thế là từ đấy, “[…] bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm! Những việc ấy chính là cuộc đời của hắn” (trích theo Đôi lứa xứng đôi, 1941, bản tái bản, 2015, tr. 37). “Người ta” là ai nếu không là Bá Kiến? Thời gian từ đấy đến sự cố Chí nổi điên hành hung rồi giết Bá Kiến ước chừng trên dưới chục năm. Trên dưới chục năm ấy, Chí trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại để tác quái cho bao nhiêu dân làng”. – Đó, chừng ấy chi tiết, tình tiết, vốn là hết sức hệ trọng trong tầm mắt giới nghiên cứu chuyên nghiệp về thể loại văn học tự sự, khi tiếp cận truyện Chí Phèo, song có vẻ lại không là gì cả, trong cách khảo tả của nhà phê bình Thụy Khuê!
Giới nghiên cứu văn học trong nước nửa thế kỷ nay đều lý giải tấn kịch số phận mà nhà văn Nam Cao đặt vào nhân vật Chí Phèo là từ anh canh điền lơ ngơ, bị tống đi tù, học được ít trò dao búa, về làng, rồi cũng chỉ đến thành tay sai, thành công cụ của đám nhà giàu và giới chức làng xã; con đường lưu manh hóa là không thể tránh. Nhưng Nam Cao còn quan sát và gắng nhìn ra điểm sáng nhân bản sót lại ở người nông dân kia. Do nỗ lực này mới có việc Chí gặp Thị Nở, người hàng xóm mà chỉ đến một lúc nhất định y mới có dịp đụng chạm. Trong cơn say, Chí cưỡng hiếp Thị Nở, nhưng vụ cưỡng bức nửa chừng lại biến thành vụ “thông dâm”, Chí bị cảm nặng, may được Thị Nở đem cho bát cháo hành… Sự việc khiến Chí tỉnh ra, bỗng ước muốn trở lại cuộc đời bình thường: có vợ con nhà cửa, sống hòa thuận với xóm làng. Nhưng bà cô Thị Nở ngăn cản Thị Nở lấy Chí! Chí tuyệt vọng. Y làm một cuộc ăn vạ cuối cùng: giết Bá Kiến.
Nhà phê bình Thụy Khuê tóm tắt sự việc bằng cách xem Bá Kiến chỉ như “ân nhân” của Chí Phèo, bỏ qua hàng loạt sự việc cho thấy vai trò lý trưởng, chánh tổng của Bá Kiến; các cuộc gặp giữa Chí Phèo với Bá Kiến thì được Thụy Khuê sơ đồ hóa thành một ít hành động kiểu phim hoạt hình; nói cho nghiêm cách ra, Thụy Khuê đã cố tình xuyên tạc nội dung truyện Chí Phèo để hạ bệ nó. Khá ngạc nhiên là Thụy Khuê hết sức thấu cảm cảnh ngộ nữ nhân vật Tám Bính của Nguyên Hồng, nhưng lại hoàn toàn không đếm sỉa gì đến nữ nhân vật Thị Nở, một người nữ “xấu ma chê quỷ hờn” nhưng lại là người đàn bà duy nhất đánh thức được nhân tính ở gã lưu manh Chí Phèo!
***
Bây giờ tôi trở lại điểm bên trên, Thụy Khuê nhận định: văn phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Tam Lang đều là tưởng tượng, hư cấu, tức là “bịa”! Chỉ văn phóng sự của Trọng Lang và các cây bút trong TLVĐ mới “thực”!
Tôi có giở lại kỳ 26 chuyên đề về TLVĐ xem Thụy Khuê viết ra sao về mảng văn phóng sự trên tờ Ngày nay. Không lạ là Thụy Khuê quy công sáng tác trong thể phóng sự ở làng văn làng báo Việt cho TLVĐ. Điều này để ngỏ đợi nghe ý kiến các nhà nghiên cứu phê bình! Nhưng điều tôi ngạc nhiên ở đây lại là cách nhìn bao quát sự xuất hiện và phát triển phóng sự ở Việt Nam: Ấy là Thụy Khuê chỉ lược qua các tác phẩm phóng sự cụ thể, trích dẫn ít đoạn, đưa ra ít nhận xét vụn, rồi chuyển sang cái khác! Lối viết của nhà báo, không phải lối nhìn của người nghiên cứu!
Điều hệ trọng nhất Thụy Khuê đưa ra: văn phóng sự của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng thì “giả”, còn văn phóng sự của Trọng Lang mới “thật”! Một phán đoán hoàn toàn chủ quan, tùy tiện, vô căn cứ!
Lấy gì để đoan quyết: phóng sự này “giả”, phóng sự kia “thật”?
Bằng sự đọc, đọc kỹ nữa, tác phẩm ấy ư?
Than ôi, trên mặt báo giấy chỉ có diễn ngôn, lấy đâu ra sự thật “sờ mó được” để mà phán xét?
Muốn xét đoán công hiệu, ta phải cùng kẻ điều tra kia đến tận nơi diễn ra sự vụ, nhìn thấy mọi sự mà kẻ ấy nhìn thấy, rồi ta dùng trí nhớ ấy đối chiếu với cái kẻ ấy viết ra, tức sự diễn ngôn, tức tác phẩm của kẻ đã đi điều tra kia!
Liệu có ai, có nhà phê bình nào có thể thực hiện được cách kiểm định duy nhất đảm bảo chính xác ấy không? Không ai cả!
Thế cho nên, hầu như ngay đương thời cũng không nhà phê bình nào đủ “thẩm quyền” phán xét mức độ đúng sai của các sản phẩm điều tra, tức các phóng sự đăng báo! Nếu kẻ phê bình nhận xét chung chung, “vô thưởng vô phạt” thì thôi, kẻ sáng tác chả cần cãi vã mất thì giờ! Nhưng nếu kẻ phê bình bảo diễn ngôn điều tra kia “sai sự thật”, kẻ viết phóng sự sẵn sàng nói mình bị vu cáo, bị gây hại, có thể cự lại ở nhiều mức, thậm chí đưa ra tòa án; đến đó, kẻ phê bình cầm chắc phần thua, nếu chỉ đưa ra kết luận từ cảm tưởng do mình “đọc” tác phẩm trên giấy! Bởi hắn đâu có đi cùng kẻ điều tra kia để có chứng lý trong tay mà đoan quyết?
Vậy mà lịch sử báo chí, lịch sử văn chương chữ Việt những năm 1930-1945 lại hầu như chưa xảy ra vụ việc cãi vã nào như thế! Vì sao? Có thể là hầu hết những phán đoán phê bình đều “chung chung”, hoặc nhận xét điều này điều kia, như Vũ Ngọc Phan, thường chỉ khen phóng sự Trọng Lang, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang… là “linh hoạt”, vậy thôi, không hề bàn các phóng sự ấy “thật” hay “giả”! Các nhà phê bình có phạm lỗi né tránh không? Vừa có vừa không! Bởi các phóng sự được bàn đến ở đây là phóng sự văn chương, không phải phóng sự thuần báo chí! Thế nên, dù Trọng Lang đi điều tra rồi về viết “thật” những điều mình thấy, hay Vũ Trọng Phụng hóa trang như một gã “anh chị” để đi vào giới “cơm thầy cơm cô” rồi về viết những trang nửa ký nửa truyện, – thì trước công chúng, cả cái Trọng Lang viết lẫn cái Trọng Phụng viết đó đều là những “sự thật” như nhau! Chỉ có điều, đó không phải những sự thật “xác chỉ”, đúng thật đến tận tên người tên việc, mà là những sự thật “phiếm chỉ”, nói chung về một tình trạng xã hội, tình trạng con người! Những sự đổi họ thay tên, hư cấu thêm bớt sự việc hay tính nết nhân vật, trong thao tác viết mà kẻ đi điều tra kia “thông diễn” lên trang văn, không hề làm tăng hay giảm giá trị phản ánh đời sống hiện thực của tác phẩm!
Lý lẽ vu vơ rằng “không ai tố cáo cái điều mình bịa ra”, ta sẽ ăn nói ra sao, chẳng hạn, với tác giả Những người khốn khổ, người đã tin rằng khi trên đời này còn tồn tại khốn khổ và bất công, thì những cuốn sách như cuốn (hư cấu) này vẫn còn có ích?
Vậy, phán xét phóng sự Vũ Trọng Phụng, Tam Lang là “bịa”, phóng sự Trọng Lang mới “thật”, – là xét đoán vô nghĩa lý, bởi trước mắt ta đó đều là các phóng sự văn chương, đăng trên các tờ báo văn chương, ở đó những “sự thật” được “tố cáo” đều là (hoặc được coi như là) những “sự thật phiếm chỉ”, tố cáo một vài tình trạng xã hội và con người, chứ không nhằm tố cáo đích xác một số con người và sự việc cụ thể nào! Đối với loại phóng sự ký sự văn chương này, có khi viết “quá thật” lại bị bắt lỗi, ví dụ xâm phạm bí mật riêng tư của người ta, có khi bị kiện!
Nhưng đối với tác phẩm thuần báo chí thì khác! Tin tức đưa lên báo phải là sự thật chính xác, sự thật “xác chỉ”. Phóng sự, ký sự thuần báo chí cũng vậy. Tỷ như Phan Khôi năm 1935 làm chủ bút báo Tràng An, viết (và phái phóng viên đi điều tra để viết) về “người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai”: một việc có thật ở Huế lúc ấy, người ở Huế đọc báo xong có thể đến xem, nghe, hỏi về trường hợp một phụ nữ lang thang nọ bị một gã đàn ông hư nào đó gạ gẫm không được, bèn gắp đỉa bỏ vào tai, khiến sức khỏe sa sút nghiêm trọng. Đề tài được tờ báo đề cập trở đi trở lại trong thời gian dài, các thông tin của báo tác động đến công chúng và giới chức hữu quan, người đàn bà nọ được đưa vô nhà thương, rồi báo đưa ý kiến giới thầy thuốc, tin tức kết quả chữa trị, rồi báo liên lạc được cả với viên quan nhỏ nào đó ở mạn trong là chồng người đàn bà nọ, đã ruồng bỏ mụ do áp lực của người vợ cả. (xem Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1935, H.: Tri thức, 2013). Một phóng sự đích thực báo chí như vậy, không thể “bịa” gì thêm nếu không muốn bị công chúng lên án!
Các nhà văn, với tư cách những con người cụ thể, tính tình, suy nghĩ có thể khác nhau, người này thực thà, người kia ranh mãnh… Có bằng chứng cho thấy, lương tri trung thực luôn hiện hữu trong tâm trí Vũ Trọng Phụng, người đàn ông chỉ sống đến 27 tuổi (1912-1939). Đáp lại tòa soạn tờ Chuyện đời (1938) của Phạm Cao Củng: “chúng tôi xin ông kể lại cho độc giả của báo tôi cái kỷ niệm sâu xa nhất, hoặc đau đớn hoặc buồn cười trong đời văn ông”, Vũ Trọng Phụng đã kể về cái việc “bất lương nhất tất cả trong cái đời làm báo của tôi, kể từ bữa nay về xưa”, ấy là chuyện đã đổ vấy cho nhà báo khác cái lỗi của chính mình trước mặt viên Đốc lý Hà Nội, chỉ để được cấp phép vào điều tra nhà Lục-sì! Chuyện “không khảo mà xưng” ấy cho thấy sự trung thực, tinh thần tự phê sòng phẳng của Vũ Trọng Phụng. Ít thấy một tác gia TLVĐ nào có sự tự thú, tự phê rành rõ như thế!
Người ta biết, ngay đương thời những năm 1930s, danh hiệu “ông vua phóng sự đất Bắc”, – có lẽ xuất xứ từ miền Nam, một danh hiệu không đi kèm bất cứ mảnh giấy chứng nhận hay đồng tiền thưởng nào – đã được gắn với tên tuổi Vũ Trọng Phụng chứ không phải Trọng Lang hay bất cứ tác gia phóng sự nào của TLVĐ. Liệu người đương thời hay kẻ hậu thế đã tỏ ra hiểu biết hơn hay ít hiểu biết hơn, đã khoác trúng hay khoác trật một mệnh danh có thể cũng là hão huyền?
***
Để kết thúc bài viết, xin trở lại tinh thần chung của chuyên đề “Tự Lực văn đoàn, văn học & cách mạng”, tác giả Thụy Khuê định phác vẽ chi tiết hoạt động văn học, báo chí của TLVĐ, nhấn mạnh vị trí hàng đầu của văn đoàn này trong tiến trình văn học hiện đại tiếng Việt nửa đầu thế kỷ XX.
Thiết nghĩ, vai trò ấy là rõ ràng, tuy mỗi nhà nghiên cứu phê bình hay nhà báo cụ thể lại nhìn nhận vai trò ấy theo mỗi cách khác nhau.
Tôi chỉ đề cập đến chừng dăm bảy trang trong chuyên đề có lẽ rất dài của tác giả Thụy Khuê, chủ yếu cũng chỉ để làm rõ những nhận định của Thụy Khuê về văn chương Vũ Trọng Phụng và Nam Cao mà tôi cho là sai lầm cần được làm rõ, không chỉ với tác giả, mà chủ yếu nói với giới đồng nghiệp trẻ tuổi hơn mình.
Thế nhưng có thể các bạn trẻ ấy còn tinh tường hơn tôi! Đôi khi nghe được một vài bạn trong giới ấy nhận xét rằng, dường như do không được đào tạo trong chuyên ngành nghiên cứu văn học, nhà báo Thụy Khuê chỉ thành công ở việc tập hợp tài liệu trên khá nhiều đề tài văn học sử, lịch sử Việt Nam. Còn khi phải bắt tay dựng thành những chuyên đề lớn, thậm chí khi viết thành những bài phê bình nghiên cứu dài, thì lại thường chỉ dùng lối viết của nhà báo, tóm tắt tác phẩm, trích dẫn thật nhiều đoạn văn, nhân thể nhận xét ngang ý này ý kia, có lúc lại như nhảy vô bên trong tác phẩm, cãi vã với nhân vật, có lúc bỏ ngang vấn đề đang bàn! Tóm lại, dường như vẫn sa vào xã hội học dung tục mà không tự biết!
Không biết nhận xét như thế có lý hay vô lý? Xin ghi lại để tiếp tục suy nghĩ!
Hà Nội, trong mùa dịch Covid-19, tháng Chín 2021
https://vandoanviet.blogspot.com/2021/10/mot-so-nhan-inh-sai-lam-ve-tac-pham-cua.html
..
..
---
CẬP NHẬT
2.
Trả lời Lại Nguyên Ân
Thụy Khuê
Paris ngày 1-10-2021
Anh Lại Nguyên Ân thân mến,
Tôi cũng ngần ngại khi viết những dòng này bởi vì tôi không thích tranh luận[*], những bài tôi đã viết, chỗ nào sai, bạn đọc chỉ, tôi sẵn sàng sửa lại, không có vấn đề gì. Hoặc cả những bài đã viết ngày trước, nay đọc lại thấy có chỗ không đúng, tôi cũng rút khỏi Internet.
Nhưng vì anh là người bạn quen đã gần 30 năm nay, nên tôi không thể không trả lời.
Chỉ xin vắn tắt, bởi không muốn làm mất thì giờ của độc giả, vì vậy xin đi thẳng vào đề:
Tôi đặt vấn đề so sánh Nguyên Hồng-Nam Cao và Nguyên Hồng-Vũ Trọng Phụng, chỉ vì Nam Cao, Vũ Trọng Phụng ở trong số các nhà văn hiện thực được sùng bái, trong khi Nguyên Hồng thì không. Và tôi cũng muốn đặt lại vấn đề nhận thức các tác phẩm văn học hiện thực mà bấy lâu nay được coi như kiểu mẫu của văn học Việt Nam. Đây là một vấn đề lớn, nhưng trong bối cảnh bài viết về Tự Lực văn đoàn, chủ yếu giới thiệu ba tác giả hiện thực: Bùi Hiển, Trần Tiêu và Nguyên Hồng, nên tôi chỉ trình bày vắn tắt những luận điểm của tôi, không thể viết dài vì không phải là tiêu đề chính, cũng không thể đào sâu như một bài viết riêng về Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao.
Điều tôi khác anh là ở chỗ:
Anh cho rằng tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và Nam Cao hoàn toàn hay. Tôi tôn trọng ý kiến của anh. Phần anh trích dẫn những ý kiến của người khác, tôi không lạm bàn.
Vì sao tôi cho rằng Tam Lang và Vũ Trọng Phụng làm phóng sự giả? Vì Tam Lang kể lại ông được ông chủ báo gợi ý nên viết phóng sự, thế là ông đi kéo xe liền, lại kéo một ông Tây bự một lèo từ Đồn Thủy lên đê Yên Phụ. Tôi nghĩ một công tử Hà Thành như Tam Lang khó có thể biến thành "cu-li" nhanh như thế.
Còn Trọng Lang, chỉ sau bài phóng sự đầu tiên, đã được Nhất Linh mời lên toà soạn, và mượn làm phóng viên, chuyên viết phóng sự cho Ngày Nay, ăn lương tháng, ông đã kể lại chuyện này trong hồi ký. Vậy Trọng Lang không thể ăn lương, ngồi nhà, mà hư cấu ra phóng sự được. Một mặt khác, cái thật trong văn phong của Trọng Lang tôi đã chứng minh trong bài Ngày Nay phóng sự. Nhất là những đoạn, ông đi qua "nhà thổ" 4,5 lần, mà không dám vào. Nhưng thực tình mà nói, anh Lại Nguyên Ân ạ, những giải thích này, chỉ dành cho bạn đọc không chuyên về văn chương, còn giữa anh và tôi, thì tôi nghĩ người phê bình nào cũng có khả năng nhận diện được cái thật, cái giả trong chữ nghiã, không cần sự giải thích đến từ ngoại cảnh.
Về Vũ Trọng Phụng, tôi chia tác phẩm của ông làm hai loại: Tiểu thuyết và phóng sự.
Chính Vũ Trọng Phụng đã định nghiã phóng sự là gì:
"Viết thiên phóng sự Lục xì tôi không phải chỉ là một nhà văn, nhưng còn là một nhà báo. Nhà báo thì phải nói sự thật cho mọi người biết. Nếu một việc đã có thực là bổn phận của tôi chỉ là thông báo cho mọi người biết, chứ không phải là lo sợ rằng cái việc làm phận sự ấy lợi hại cho ai".[1]
Phóng sự, Vũ Trọng Phụng viết rất sống động, nhiều đoạn rất hay, nhưng cũng nhiều đoạn, hoàn toàn hư cấu, như đoạn này trong "Cơm thày cơm cô":
"Tôi không cần nói rõ hàng cơm nào, ở phố nào, làm gì. Các ngài chỉ biết rằng một hàng cơm cũng như nghìn vạn hàng cơm khác, nghiã là khi ta mới bước chân vào thì bổn phận ta là thấy lập tức buồn nôn. Nào là mùi cá mè, mùi thịt trâu, thịt lợn thiu, mùi lòng lợn, lòng bò, mùi mẻ chua, mùi dưa khú... Thôi thì đủ một trăm nghìn thứ mùi khó chịu, mà lạ nhất là nó không hề bận tâm đến hai lỗ mũi của bà chủ luôn luôn nắm trong tay cái quạt nan, cởi trần trùng trục và thỉnh thoảng lại cao hứng vén quần lên đến bẹn và gãi sồn sột, tư nhiên như đàn ông chúng ta" [2]
"Nghìn vạn hàng cơm khác" ở Hà Nội hay ở cả nước Việt Nam đều như thế ư? Nhất là lại có bà chủ tiệm cởi trần trùng trục và thỉnh thoảng lại cao hứng vén quần lên đến bẹn và gãi sồn sột? Những màn tả như thế, tôi cho là giả, là bịa.
Nguyễn Đăng Mạnh, trong bài giới thiệu toàn tập Vũ Trọng Phụng, cho biết Vũ Trọng Phụng là người sống rất nghiêm túc, đạo đức, chẳng bao giờ đi chơi đêm. Điều này giải thích tại sao lại có những đoạn văn hư cấu trong các phóng sự của ông, mà thể văn phóng sự, bản chất là viết sự thật. Thí dụ, khi đọc phóng sự Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, ta nhận diện sự đàn áp và khâm phục lòng can đảm của tác giả. Nhưng nếu ta "biết" là Phùng Gia Lộc "hư cấu" thì còn có gì để nói nữa?
Vấn đề của tôi là như vậy, hồi trước tôi khâm phục tài viết của Vũ Trọng Phụng, nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm đọc, nên tôi tưởng đó là những giá trị đích thực. Ngày nay đọc lại Vũ Trọng Phụng, tôi thấy những nhược điểm trong phong cách viết của ông và tôi đã nói ra, tuy chưa đầy đủ.
Tất nhiên những điều tôi viết, không trúng ý anh, và ý của nhiều người, nhưng nếu làm việc phê bình mà sợ dư luận, hoặc sợ mất lòng, thì phải bỏ bút.
Về Nam Cao cũng vậy.
Tôi chỉ phân tích lại tác phẩm Chí Phèo, được coi là kinh điển của văn học hiện thực.
Nam Cao hơi khác Vũ Trọng Phụng, vấn đề Nam Cao liên quan đến đạo đức con người: Nhà văn có quyền đưa ra một tác phẩm trong đó sự dã man (như giết người – trong Chí Phèo –, hay giết chó – trong Cái chết của con Mực) được trình bày như một hành động vô cố không?
Bởi vì việc Chí Phèo giết bá Kiến là một hành động vô cố, theo những tình tiết xẩy ra trong truyện ngắn này, thì Chí Phèo không có lý do gì để giết bá Kiến. Bá Kiến có thể là người xấu, nhưng y không làm việc gì đáng tội chết.
Tất nhiên Nam Cao hoàn toàn có quyền viết như vậy, nhưng một người đọc như tôi có quyền đánh giá tác phẩm, và sự đánh giá này không hợp ý anh, chuyện rất thường. Nhưng tôi trân trọng ý kiến của anh.
Xin cảm ơn anh về câu "một kẻ thả lươn" mà anh đã nêu ra trong bài viết, câu này tôi chép trong Tuyển tập Nam Cao, người đánh máy thiếu một chữ ống, tôi cũng thấy hơi kỳ, nhưng nghĩ là độc giả sẽ đoán được nghiã: một kẻ đi săn lươn, nên không chú thích. Cảm ơn anh đã giảng giải.
Để phản bác câu: "Nguyên Hồng là một khám phá độc đáo của Tự Lực văn đoàn" của tôi, anh viết: "Ai đã đọc hồi ức "Nhà thơ ở ngõ Nghè" của Nguyên Hồng, sẽ rõ: khám phá này chỉ thuộc Thế Lữ: do hai bà mẹ có họ hàng xa thế nào đó, cậu Hồng mới dám tìm đến khi Thế Lữ từ Hà Nội về Hải Phòng thăm nhà, được Thế Lữ chỉ dẫn và đưa dần vào văn đàn. Các thành viên TLVĐ khác cố nhiên cũng được chút thơm lây!"
Không biết anh đọc hồi ức "Nhà thơ ở ngõ Nghè" ở đâu? Tôi xin mách anh bản "gốc" in trong hồi ký Bước đường viết văn, chương II, Nhà thơ ở Ngõ Nghè (trang 1130-1147)[3] dành riêng viết về Thế Lữ và gia đình. Thế Lữ là anh họ và cũng thần tượng, Nguyên Hồng đã ao ước: "Chao ôi, nếu tôi chỉ được một vẩy nhỏ trong cái áo choàng hào quang của một người như Thế Lữ." Năm 1934, ông được mẹ đưa ra Hải Phòng, đến chào người anh họ nổi tiếng lần đầu, sau đó có gặp lần nữa. Một hôm, bà mẹ bảo: "Anh Lễ anh ấy nhắn mai lên anh ấy hỏi việc gì đấy!" Nguyên Hồng đóng bộ đồ tốt nhất, đi giầy Tây lên gặp ông anh họ mà ông coi là "Kim Tự Tháp", ở Ngõ Nghè, nhưng ông ấy chả "hỏi việc gì" cả, ngoài mấy lời trao đổi: "Cậu là cậu Hồng con bà Vui?... Cậu cũng viết… cậu đang tập viết... Phải đấy! Cố mà viết!... Viết là sự sống...". Tuyệt nhiên không có vụ hỏi han giúp đỡ trên đường sự nghiệp văn chương.
Cũng dễ hiểu thôi, vì Thạch Lam phụ trách mảng đọc và chấm thi giải Tự Lực văn đoàn, chắc không nhận sự đi cửa sau. Nguyên Hồng cũng chỉ có bài đăng trên Ngày Nay hai tháng sau khi trúng giải. Vậy Nguyên Hồng vào được Ngày Nay vì tài năng của ông, chứ không phải vì được Thế Lữ đưa đẩy. Bản lĩnh của Nguyên Hồng lộ rõ trong lời này, khi ông nghi ngờ mẹ có ý gởi gấm người anh họ:
"Trời! Tôi có đói mà không có việc làm thì thà chịu thết đói! Tôi viết tồi viết dở, viết kém thì bẻ ngòi bút, xé bản thảo đi. Chứ trong công cuộc viết văn, trong đời văn chương không thể có cái ngoại lệ nhận ân huệ. Không thể có gia nô gia bộc. Không thể có ông anh bà chị lo lót. Không thể có cầu cạnh luồn lọt. Không thể lấy bản thảo làm cái bát hay cái gáo của ăn mày!" (trang 1140)
Anh Lại Nguyên Ân,
Tôi không có thành kiến với bất cứ nhà văn nào, tôi chỉ đọc văn của họ để tìm hiểu và viết lại cái mình hiểu gửi tới độc giả. Tôi không hạ bệ ai cả. Quen tôi gần 30 năm, điều đó chắc anh có thể hiểu được.
Tôi không học đại học văn chương, không có bằng tiến sĩ, không được đào tạo bên Nga, bên Tàu, và tôi không là nhà gì cả. Tôi chỉ là một người viết phê bình.
Nên khi anh phong cho tôi chức nhà báo, tôi thực tình không dám nhận. Bởi vì tôi không thể là nhà báo như các bạn tôi ở RFI, họ được đào tạo bằng nhiều lớp học, họ biết rõ nghề của họ.
Tôi kính trọng tất cả các nhà báo biết nghề cũng như các nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu tài năng, đáng tin cậy.
Và trong những nhà báo của Việt Nam, tôi khâm phục nhất Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Khôi.
Đó là vài điều tôi muốn nói với anh.
Thụy Khuê
[*] Xem bài Một số nhận định sai lầm về tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và Nam Cao của Lại Nguyên Ân (Văn Việt).
[1] Trích bài Sáu mươi năm sau đọc lại Lục Xì, tựa sách Lục xì của Hoàng Thiếu Sơn, nxb Văn Học, bản điện tử.
[2] Trích Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập I, nxb Văn Học, Hà Nội, 1996, trang 581.
[3] Nguyên Hồng, Bước đường viết văn in năm 1970, nxb Văn Học, in lại trong bộ sưu tập Những tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh, tài liệu của Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội.
https://vandoanviet.blogspot.com/2021/10/tra-loi-lai-nguyen-an.html
1.
Thụy Khuê
Nhà văn cộng tác với Phong Hóa Ngày Nay
Phần II
Nguyên Hồng – Trần Tiêu – Bùi Hiển
Từ năm 1934 trở đi, xuất hiện nhà xuất bản Tân Dân do Vũ Đình Long chủ trương, phát hành Tiểu thuyết thứ bảy, số đầu tiên ra ngày 2-6-1934, tại Hà Nội. Hai năm sau ông ra tiếp Ích Hữu (25-2-1936) và Phổ thông bán nguyệt san (1-12-1936), tạo thành một nhóm văn học quy tụ những tác giả: Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Thanh Châu, Ngọc Giao, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nam Cao…
Nguyễn Công Hoan và Lê Văn Trương là hai cây bút chính, tương tự như Khái Hưng, Nhất Linh bên Phong Hóa Ngày Nay. Theo Thanh Châu, Nguyễn Tuân vào Tiểu thuyết thứ bảy, từ 1935, với truyện ngắn Vườn xuân lan tạ chủ, Vũ Trọng Phụng muộn hơn, với truyện Trúng số độc đắc. Truyện ngắn Nghèo, ký tên Thúy Rư, trên Tiểu thuyết thứ bảy số 158 (5-6-37), có thể là truyện ngắn đầu tiên của Nam Cao.
Nhóm Tân Dân được coi như "đối lập" với Tự Lực văn đoàn từ khi có vụ bút chiến Đoạn Tuyệt – Cô giáo Minh (Phong Hóa số 177, 6-3-36 và số 180, 27-3-36). Trong thời kỳ này, Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ, gián tiếp chế nhạo những cải cách của Tự Lực văn đoàn.
Tuy nhiên, trên Ngày Nay số 100 (6-3-38), Khái Hưng viết bài phê bình Một mình trong đêm tối, tiểu thuyết của Vũ Bằng, phân tích những chỗ dở, giả tạo và khuyên Vũ Bằng nên thay đổi để tiến. Trên Ngày Nay số 212 (15-6-40), Thạch Lam viết bài Phê bình Vang bóng một thời hết sức khen ngợi tài năng của Nguyễn Tuân.
*
Bùi Hiển (1919-2009)
Nằm vạ, Ngày Nay số 224
Nằm vạ của Bùi Hiển là khám phá truyện ngắn sau cùng của Ngày Nay trước khi nhắm mắt, được Thạch Lam giới thiệu như sau:
"Nằm vạ là một hành động rất annam, đặc biệt cho các bà ở nhà quê. Ông Bùi Hiển, tác giả truyện ngắn đăng dưới đây, đã phác họa rất đúng một vài nhân vật ở thôn quê: lối viết của ông giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo, và có nhiều nhận xét tinh vi. Đó là một bức tranh có giá trị về cảnh sinh hoạt trong làng xóm".
Đó cũng là lời giới thiệu tác phẩm cuối cùng của Thạch Lam trên báo Ngày Nay số 224, ra ngày 7-9-1940, số chót.
Nhưng với Bùi Hiển, là một sự khởi đầu. Khởi đầu một văn nghiệp.
Nếu Nằm vạ không gửi đến Ngày Nay kịp thời, và không được Thạch Lam đọc và đăng, có thể ta đã không có nhà văn Bùi Hiển.
Việc này cũng tựa như việc Dương Nghiễm Mậu gửi truyện ngắn Rượu chưa đủ đến Bách Khoa, bị vứt vào sọt rác, Mai Thảo lại chơi, nhặt ra, đem về đăng trên Sáng Tạo, nên chúng ta có nhà văn Dương Nghiễm Mậu.
Bùi Hiển vào truyện như thế này:
"Chị Đỏ chợt rùng mình nhẹ, vì thấy buồn buồn ở bụng chân. Và, trong cử động nửa ý thức của giấc ngủ bị quấy phá, chị rụt chân lại. Cái buồn buồn, chị cảm thấy rõ rệt nó chạy trên ống chân rồi tới gót thì biến đi."
Một cách vào truyện lạ lùng, nên người sành văn như Thạch Lam lướt qua là biết ngay.
Cho tới bấy giờ, người viết thường kể hoặc tả những gì thấy bề ngoài trước đã: thí dụ chị Đỏ mặc quần áo như thế nào, mặt mũi làm sao, chị Đỏ làm cái này, nghe thấy cái kia… Chẳng ai đi thám thính sự gì xẩy ra trong thân thể chị Đỏ, như Bùi Hiển. Một lối viết lạ và rất chì: Tên nhà văn đàn ông này tự nhiên khám phá ra một con mụ có cái gì "buồn buồn" ở "bụng chân" là rất kỳ, không thể được, hắn bịa. Mà không! Hắn không bịa! Hắn chỉ chui vào thân thể chị Đỏ để làm công việc nhà văn! Tức là hắn làm cái mà người ta gọi là gián điệp nội trùng (agent infiltré) lọt vào lòng địch để rình sự vận hành của địch. Việc làm của Bùi Hiển hệt như thế: ông lẻn vào trong da thịt chị Đỏ để thám thính cái thân thể ấy ra sao, làm gì.
"Chị cựa mình, thân thể đau dần dần khắp cả. Cùi tay mỏi mệt rơi đánh thịch và tuy vẫn nhắm mắt, chị thu cảm giác về. Chị Đỏ biết mình vẫn nằm trên nền đất, trong gian buồng hẹp mà mùi ẩm mốc tanh nhạt đọng thành lớp đặc xông lên mũi".
Và như thế, bắt đầu một phong cách văn chương độc đáo. Sau Đỗ Đức Thu, Nguyên Hồng, đây là Bùi Hiển!
Số là, chị Đỏ sau khi bị chồng "xông vào túm lấy vợ trong hai bàn tay sắt, lôi xềnh xệch vô buồng, đoạn anh ném vợ xuống đất như ném một đống giẻ. Chị Đỏ bổ nhoài ra, nằm thẳng cẳng như người chết rồi. Anh đạp vào mông vợ mấy cái đoạn bỏ ra", chị Đỏ bèn nằm vạ.
Sau cú đạp của chồng, chị Đỏ nằm vạ. Một hành động phản kháng, chống lại "bạo quyền" của chồng. Hiện tượng nằm vạ chỉ có ở vùng Nghệ Tĩnh, quê Bùi Hiển, không có ở "xứ" khác.
Chị Đỏ nằm vạ đến bảy ngày. Cơ sự trở thành nghiêm trọng. Bà mẹ chồng phải nhờ ông Lý đến phân giải.
Giá trị truyện ngắn này không chỉ ở chỗ mô tả tài tình cách phản kháng của người đàn bà Nghệ Tĩnh, mà Bùi Hiển còn sáng tạo ra thứ hiện thực xã hội nội trùng, như tôi vừa nói ở trên, tức là ông không giữ vị trí đứng ngoài mà tả, ông chui luôn vào da thịt chị Đỏ, để biết "tình hình" bên trong của chị ta: ông thấy được cái buồn buồn ở bụng chân chị Đỏ và còn biết cái buồn buồn ấy nó chạy trên ống chân rồi tới gót thì biến.
Trong bảy ngày chị nằm vạ, tác giả theo dõi "từ trong ra ngoài" không sót một ly và biết chị đã trải qua những trạng thái như thế nào: nằm vạ nhịn đói hai hôm, thì thân thể "rã rời, xương mền thịt nhão ngón tay co quắp", mà thằng chồng vẫn tỉnh bơ không thương xót, còn dọa dẫm nữa. Bên ngoài, bọn chúng (chồng và mẹ chồng) vẫn xào xáo thơm phức, cơm cơm nước nước, mà mình bụng rỗng. Đợi lúc chị chết, quan về khám xét án mạng, chúng sẽ biết tay.
"Chị cựa mình, quay nghiêng, vì trong dáng diệu nằm ngửa, da bụng bị căng ép lên dạ dày trống rỗng, như một hòn đá nặng. Chị nằm co như con chuột chết, bụng thóp lại. Mắt mở trân trân dán vào một vuông sáng". Chính nhờ cái vuông sáng này chị nhìn thấy một chú chuột nhắt, chị bèn theo dõi lối đi về của y, chặn đường, cướp giật được miếng khoai khô trong miệng y, đút vào mồm. Ngon tuyệt. Chị quờ thấy cái choé nằm trong bóng tối, kho lương của y, thế là bắt chước y, chị cũng ăn vụng. Có phương tiện "sống còn", chị càng ra gan, tiếp tục cuộc đấu tranh, mụ già lo sốt vó đến lạy lục ông Lý từ mấy hôm nay. Mấy ngày sau, lão Lý mới hạ cố đến nhà, hỏi:
"- Rứa mụ muốn hai bên li dị hả?
- Bẩm không! Bẩm không! Là tui trình rứa để làng biết cho rứa thôi".
(Đời nào mụ thả đứa con dâu làm hùng hục như trâu bò suốt ngày).
Anh Đỏ bước ra rót nước. Thấy anh mặc chiếc áo dài ngày cưới, mắc cười quá, chị nhịn không nổi, anh cũng ngượng nghịu cười theo. Ông Lý phán:
- Ừ, anh ả cười ví nhau rồi đó tề! Cần gì ai phân xử nữa!"
Đằng sau truyện ngắn dí dỏm thâm thuý này là cả một lối sống, một "bản sắc dân tộc" của người miền Trung, qua nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và miêu tả kiểu gián điệp nội trùng của Bùi Hiển.
Hiện thực Bùi Hiển hóm hỉnh mà sâu sắc, đặc biệt lối Nghệ Tĩnh, khác với lối lý luận có duyên thầm của Phan Khôi, khác lối trào phúng bộc trực Bắc hà của Hoàng Đạo, thâm thúy hơn Nguyễn Công Hoan, nhưng sau này Bùi Hiển nói học thầy Nguyễn Công Hoan, một sự lạ kỳ vì học trò đã vượt thầy một bực, từ khi bắt đầu viết văn.
Bùi Hiển sẽ cùng với Đỗ Đức Thu, Nguyên Hồng trở thành những kiện tướng trong nền văn xuôi Việt Nam.
*
Trần Tiêu (1899-1954)
Trần Tiêu là em ruột Khái Hưng, bắt đầu viết trên Phong Hóa từ số 18 (20-10-32) truyện ngắn Cái bánh ngọt. Rồi ngừng. Bốn năm sau, mới xuất hiện lại trên Ngày Nay số 25 (3-9-36) với truyện ngắn Ai ơi chớ phạt trẻ thơ. Cả hai truyện này đều tầm thường. Hai tháng sau có truyện vừa Dưới ánh trăng sáng tác chung với Khái Hưng[1], vượt trội hẳn, cấu trúc chặt chẽ, văn phong điêu luyện, đúng là Khái Hưng viết, truyện một cô gái quê, bị người anh họ, ở Hà Nội về chơi, quyến rũ, có mang, rồi bỏ.
Sau khi chiếm hữu người con gái, Văn tỉnh mộng ngay.
"Văn rón rén đến bên giường, vén màn đứng ngắm Tẹo: Cái đẹp mơ màng, ngây thơ đã biến mất. Chàng chỉ thấy Tẹo giống hệt các cô gái quê khác, thô lỗ, đần độn, ngu ngốc. Cặp mắt mở trắng dã như nhìn thẳng vào mặt chàng, cái miệng há hốc thở phì phò, một giòng nước bọt chảy từ một bên mép xuống khăn giải giường. Chàng cáu tiết, gọi:
- Tẹo!"
Phải có kinh nghiệm của Khái Hưng mới mô tả được sự tàn nhẫn của kẻ sở khanh như thế: cái xấu ở đây không phải là diện mạo xấu xa của cô gái quê, ngủ mê mệt sau khi làm tình, mà ở trong con mắt sở khanh của Văn, trai thanh Hà Nội, sau khi thoả mãn nhục dục, trở mặt, nhìn người em họ mà trước đó, y cho là đẹp ngây thơ tuyệt diệu; nhưng chiếm đoạt rồi, trở thành quê kệch ghê tởm. Lợm hơn nữa, y dúi vào tay cô em năm đồng bạc, còn nói: "Năm đồng chứ không phải một đâu!" Sau khi Tẹo về, "Văn bĩu môi ghê tởm nghĩ thầm:"Nó chỉ thích tiền!". Những khốn nạn của Văn, cộng hưởng với sự tàn bạo của cha mẹ và làng xóm, đã đẩy Tẹo đến chỗ huỷ hoại thân mình.
Sau đó, truyện ngắn Bức thư tuyệt mệnh của Trần Tiêu đăng trên Ngày Nay số 47 (21-2-37), là bức thư của một người đàn bà sau khi lừa chồng, bỏ con, đi theo tình nhân, bị bội bạc, rơi vào cảnh trụy lạc, chết ở nhà thương thí. Truyện này vào loại trung bình.
Truyện vừa Sau lũy tre đăng trên Ngày Nay từ số 76 (12-9-37) đến số 77, 78 và 79, mới thực mở đầu sự nghiệp của Trần Tiêu như một nhà văn chuyên viết về thôn quê, và cũng là nhà văn duy nhất của Phong Hóa Ngày Nay, viết về chủ đề này. Khái Hưng đã viết chung với Trần Tiêu, như ông đã từng viết chung với Nhất Linh buổi đầu, để dẫn cách vào văn chương. Rồi ông lại khuyến khích Trần Tiêu chọn địa hạt thôn quê, chưa ai viết. Lời giới thiệu ký Ngày Nay, có lẽ của Khái Hưng, như sau:
"Sau lũy tre" là một cảnh đời của dân quê, người ta nói đến luôn mà không biết rõ. Các nhà văn ta chỉ ưa ca tụng cái tính mộc mạc hay ngây thơ của các cô thôn nữ, hay ngợi khen những vẻ đẹp của cánh đồng ruộng lúa. Chưa có ai suy xét tâm lý, tách bạch những ý nghĩ, tư tưởng và mong ước của các tâm hồn ấy.
Bằng một lối văn giản dị, với những điều quan sát đúng, tác giả "Sau lũy tre" rất khéo tả những giáng [dáng] điệu, tính tình của các hạng người đặc biệt nơi thôn ổ, làm cho họ hoạt động dưới mắt người đọc." (Ngày Nay số 76).
Anh Chính là con bác cả Bật. Cạnh nhà bác Bật là nhà bác khán Bún có cô con gái tên Diếc. Chính lấy Diếc làm vợ. Vợ chồng Chính làm ruộng, căn cơ, có của ăn của để. Nhưng từ khi dồn tiền mua chức xã, rồi chức lý, để cho có vai vế trong làng, khỏi bị ức hiếp, thì bao nhiều vốn liếng, ruộng đất, trôi dần vào cỗ, lễ, xôi thịt, gia đình khánh kiệt, nghèo đói.
Lũy tre xanh là dàn bài, sẽ được mở rộng thành truyện dài Con trâu, bắt đầu in trên Ngày Nay, một năm sau.
Con trâu, Ngày Nay số 141
Con trâu
Xuất hiện sau Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Con trâu của Trần Tiêu in trên Ngày Nay từ số 140 (10-12-38) đến Ngày Nay số 168 (1-7-39), là cuốn tiểu thuyết hiện thực xã hội đầu tiên về đời sống dân quê, trên Ngày Nay.
Tác phẩm viết về sinh hoạt hàng ngày của gia đình bác Chính, ở làng Cầm. Trong lời giới thiệu Con trâu, ký N.N. có lẽ vẫn do Khái Hưng viết, có câu:
"Làng Cầm trong truyện "Con trâu" của ông Trần Tiêu là một làng ở vùng bể, có lẽ chính làng tác giả, một làng đã sản xuất ra nhiều danh sĩ về thời Trần, thời Lê, thời Mạc.
Xem truyện "Con trâu" độc giả sẽ thấy cái làng văn vật ấy vẫn như còn chôn sâu trong thời xưa với những phong tục và nhân vật bất di bất dịch" (Ngày Nay số 140)
Vậy chữ Cầm chính là hai chữ Cổ Am viết gọn lại. Và cái xã hội thôn quê được mô tả trong truyện, chính là xã hội Cổ Am của hai anh em Khái Hưng, Trần Tiêu.
Biết thế, ta mới hiểu tại sao Trần Tiêu không phê phán mà chỉ trình bày cho chúng ta thấy, và chính ở sự không phê phán, không đấu tranh, mà Con trâu có một giá trị khác với những tác phẩm tranh đấu, thường được gọi là hiện thực phê phán, cùng thời.
Điểm thứ hai, là con quan, nhưng Trần Tiêu phải sống sát, sống sâu, với quần chúng bình dân trong làng lắm mới có thể miêu tả họ sâu sắc như vậy.
Con trâu không có truyện gì cả, chỉ là cuộc sống hàng ngày của một gia đình, trong ngôi làng miền Bắc mà ta biết là Cổ Am: Bác Chính nghèo lắm, công nợ ngập đầu, phải đi cấy thuê nuôi gia đình. Nhưng trong thâm tâm bác lúc nào cũng chỉ mơ tưởng có tiền mua một con trâu cho riêng mình để làm ruộng, không phải thuê trâu người khác. Vậy mà khi có tiền, bác lại không mua trâu, mà mua xã. Và đó là nguồn gốc băng hoại của gia đình bác Chính, cũng là của dân quê miền Bắc, dân quê Việt Nam.
Lý do như sau:
"Sao bác giai chịu bỏ ra băm nhăm đồng bầu xã mà lại không để tiền tậu ngay con trâu cái, con trâu cái mà bác hằng mơ tưởng bấy lâu? Đó cũng là sự vạn bất đắc dĩ. Bác năm nay đã hơn bốn mươi tuổi đầu mà động có rước là bác phải ra cầm tán hay khiêng kiệu với bọn mục đồng; động có quan về là bác phải thân ra dọn đường, dẫy cỏ dưới con mắt hỗn xược của một anh quản xã chỉ nhớn bằng chạc [trạc] con bác. Động có viêc gì nặng nhọc là đến tay bác. Trăm nghìn sự thiệt thòi đổ dồn cả xuống đầu bác và đầu những kẻ bạch đinh như bác.
Lại còn một nhẽ nữa: bác đi đến đâu cũng bị người ta chế riễu, khinh bỉ. Họ cho bác là keo kiệt, coi đồng tiền hơn phẩm giá. Bác động mở mồm là họ đã chặn họng: "Còn danh giá gì cái thằng bạch đinh mà cũng ăn với nói!" (Ngày Nay số 143).
Trần Tiêu không phê phán sự mua xã của bác Chính mà ông giải thích tại sao bác không mua trâu mà lại mua xã. Cách viết của ông thật thà, có thể thiếu nghệ thuật, nhưng rất khác các nhà viết tiểu thuyết hiện thực đương thời: họ thường mô tả cảnh nghèo khổ cùng cực một gia đình bên cạnh sự bóc lột của cường hào ác bá, để chỉ tội bọn này (nhiều khi quá đáng) như Ngô Tất Tố trong Tắt đèn. Trần Tiêu không "đánh" ai, cũng không đả phá cái gì, ông đào sâu vào cuộc sống của dân quê làng ông, từ bọn mục đồng, bọn lý, xã, đến các cụ tiên chỉ, để hiểu sự vận hành trong hệ thống xã hội làng xã ở ta. Ví dụ: về việc mua xã, của Chính, Trần Tiêu không chỉ trích mà còn coi hành động này là thiết thực, phải làm, không thể tránh được, khác cả những bài viết của Tự Lực văn đoàn lên án việc mua nhiêu, mua xã như một hành động ngu si, hám danh hám lợi.
Quan điểm của Trần Tiêu về dân quê khá rõ: ông chỉ ra những thói tục hủ lậu của người dân, nhưng đứng vào địa vị của họ để hiểu hành động của họ. Khiến cho, khi ta đã thấy rồi, lại càng thương họ hơn và càng muốn thay đổi. Cách tranh đấu của Trần Tiêu là thầm lặng, lặn xuống chiều sâu cuộc sống dân quê để hiểu. Ông đưa ta vào đời sống hàng ngày của người dân làng ông qua những buổi hát đúm, gặt lúa, gieo mạ, các dịp lễ tết, cỗ mừng thôn, hội quan lão… không bỏ sót chi tiết nào. Một nhà xã hội học, muốn khảo sát đời sống dân quê Việt Nam giữa thế kỷ XX, khó có thể bỏ qua tác phẩm của Trần Tiêu.
Anh Chính, sau trở thành xã Chính, rồi lý Chính, mà thực chất đời sống vẫn không khá hơn thằng Chính bạch đinh, chỉ thêm việc đình đám, việc họ, việc làng… càng phải tham dự tích cực hơn vì đã có danh có chức: xã Chính, lý Chính, chức càng cao, càng lún sâu vào nợ nần đói khổ, thêm các thiên tai hạn hán; càng phải gánh vác việc làng, cỗ bàn, hầu hạ các cụ tiên chỉ, càng phải cày bừa thêm… cho đến lúc kiệt sức, chết đi, trong lòng vẫn còn mơ đến con trâu cái chưa bao giờ có được.
Chồng con viết sau khi Ngày Nay đóng cửa, ngòi bút sống động hơn, dấn thân hơn, Trần Tiêu mô tả gia đình xã Bổng, người chồng không được tích sự gì ngoài việc cờ bạc, tính tình có những nét tiêu cực, tức cười, của người đàn ông miền Bắc:
"Xã Bổng, từ hôm vợ đẻ, không dám bén mảng vào trong buồng. Hắn sợ bẩn, sợ hôi hám chăng? Không, hắn sợ đứa bé. Ở đời, hắn sợ nhất chuột con đỏ hỏn rồi đến những đứa bé mới đẻ"[2]
Chị xã Bổng, người phụ nữ nông thôn miền Bắc suốt đời cần kiệm, làm ruộng, dệt cửi nuôi mẹ chồng, chồng và ba con. Ở đây không có chuyện mẹ chồng nàng dâu, mà là tình yêu hòa hợp: mẹ chồng thương nàng dâu vất vả, giận con trai hư hỏng, không được tích sự gì.
Chị Bổng chỉ có cái khung cửi, nhưng làm việc đến tàn canh:
"Mẹ chồng nàng tỉnh giấc vẫn thấy nàng dệt, liền hỏi:
- Chưa đi ngủ cơ à con?
- Con dệt nốt dăm chỉ này nữa thôi ạ.
Nàng vừa rời khung cửi thì gà gáy. Nàng vươn vai ngáp: "Quanh quẩn đã gần sáng rồi, chóng thật!"[3]
Chỉ có cái khung cửu mà chị đã mua cho chồng: từ xã, đến lý, mua cả quan tài gỗ vàng tâm cho mẹ chồng, đóng tiền cho mẹ chồng vào hội Phật giáo trước khi quy tiên.
Hai người con gái, tiếp tục phận bạc của mẹ: Cái Hĩm, bị người cha cờ bạc, tham 50 đồng tiền đút lót của nghị Ích, ép phải làm lẽ ông ta. Ngày cưới, Hĩm gào khóc van xin: "Cháu cắn cỏ cháu lạy thím, cháu không bằng lòng lấy người ta đâu. Thày bu ơi! Thày bu không thương con với, thầy bu!"[4]
Cưới đã hơn một năm mà bà lý Bổng không biết tin con, bà lặn lội đến thăm, vợ chồng nghị Ích đóng cửa không tiếp. Hĩm bị vợ cả và hai cô con chồng hành hạ tàn nhẫn, trốn về nhà, rồi đi biệt Cẩm Phả với anh người làm nhà nghị Ích. Bà lý vừa giận con làm nhục nhã nhơ nhuốc cho thanh danh nhà bà, vừa phải bồi thường một trăm hai mươi đồng lễ cưới. Đem tiền đến trả tận nhà, bà mới thấy mặt nghị Ích lần đầu: "Bà đã giáp mặt ông nghị, bà đã thấy ông nghị của con bà già chẳng kém gì chồng bà, bà đã thấy mặt bà nghị quăm quắm như mặt diều hâu, bà đã thấy hai cô con gái ông nghị dữ tợn và to béo như lợn ỷ. Hĩm lọt vào nhà ấy như con chuột sa vào cũi mèo. Thế thì Hĩm chịu sao nổi mà chả phải trốn đi."[5]
Đớn đau vì Hĩm, bà lý gả Sồi, đứa em, cho một người nghèo. Nhưng Sồi cũng không thoát khỏi định mệnh. Theo chồng đi làm ăn ở tỉnh, ngày sinh con đầu lòng, Sồi sợ, không dám vào nhà thương, vì ghe đồn vào nhà thương sẽ bị mổ bụng; Sồi đòi về quê chồng sinh con. Về đến nhà, người anh chồng kiêng, không cho đẻ ở nhà sợ xúi quẩy, đuổi hai vợ chồng ra cửa. Sồi chết ở quán bên đường vì băng huyết.
Con trâu và Chồng con của Trần Tiêu là hai tiểu thuyết hiện thực sâu sắc về cuộc sống dân quê làng Cổ Am, với những u mê, tập tục nhiều đời dồn lại, biểu hiệu đời sống làng quê đất Bắc, giữa thế kỷ XX, cũng giống như Nhốt gió và Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc sau này, miêu tả đến cốt lỗi những khó khăn, gan dạ của những người di dân, lấp sông, bồi đất, lập nên vùng đất mới Nam bộ.
*
Nguyên Hồng (1918-1982)
Nguyên Hồng là nhà văn bẩm sinh. Đi tù từ 14 tuổi; gần ba năm sau ra tù, viết văn từ 16, 17 tuổi, tiểu thuyết đầu tiên là Bỉ vỏ.
Bỉ vỏ[6] đoạt giải tiểu thuyết phóng sự của Tự Lực văn đoàn năm 1937. Hai tháng sau khi phát giải, Ngày Nay bắt đầu đăng các tác phẩm của Nguyên Hồng, từ đầu năm 1938 đến đầu năm 1939, có những bài sau đây:
Tết trong trại "trẻ con" (ký), Cơm tây… một xu (phóng sự), Tại sao tôi viết Bỉ vỏ (tự thuật), Hai nhà nghề (truyện ngắn); Khương Hữu Tài diễn thuyết (về truyện Kiều) (tường thuật); Những ngày thơ ấu (tự truyện) và Tết của người đi đầy (ký)[7].
Bài đầu tiên là bút ký Tết trong trại "trẻ con", sau này trong hồi ký ông cho biết, đó là bài viết đầu tay của ông. Sau đó, là hai bài: phóng sự Cơm tây… một xu và bài tự thuật Tại sao tôi viết Bỉ Vỏ. Bẵng đi bốn tháng không thấy bài Nguyên Hồng trên Ngày Nay; tôi chắc thời kỳ này, Khái Hưng, Thạch Lam "bắt" Nguyên Hồng phải viết lại Bỉ vỏ, tới 5 lần, để in thành sách, như lời Nguyễn Thạch Kiên kể lại sau đây:
"Hiện chúng tôi giữ trong tay "kỷ vật đầu tay"[8] này của Khái Hưng và cả cuốn "Hồn Bướm Mơ Tiên" tái bản năm 1939 nữa. So sánh hai cuốn sách, tỉ mỉ đối chiếu từng trang, từng đoạn, người đọc sẽ nhận ra ngay sự cần cù, nhẫn nại, nhiệt tình với nền văn học Việt Nam của riêng Khái Hưng cũng như chủ trương chung của Tự Lực văn đoàn.
Điểm "cần phải giúp đỡ các nhà văn trẻ", ngoài Khái Hưng ra còn có các nhà văn Thạch Lam và Hoàng Đạo cùng các thành viên khác, trong Tự Lực Văn Đoàn, góp ý kiến, sửa chữa, nêu những ưu khuyết điểm cho tác giả rõ và đề nghị tác giả bổ sung, sửa lại cho thật hoàn chỉnh (Xin đọc bài của Đinh Hùng "Chia ngọt sẻ bùi…" có in trong tuyển tập này).
Cuốn tiểu thuyết "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng là một thí dụ. Tác giả phải sửa đi sửa lại tới 5 lần mới được Đời Nay cho xuất bản. Nhờ đó mà tập truyện ngắn, cuốn thứ hai của Nguyên Hồng nhan đề "Những ngày thơ ấu" -cũng do Đời Nay xuất bản- đã như một "Khúc ca chiến thắng vinh danh nhà văn sĩ", nơi lòng các độc giả mến mộ Nguyên Hồng.
Công lao ấy nhờ ở cái nhìn sáng suốt, bộ óc tế nhị và cái tài "tay tiên gió táp mưa sa" của Thạch Lam cũng như của Khái Hưng, mới thành."[9]
Tôi không tìm được bài "Chia ngọt sẻ bùi…" của Đinh Hùng, và cũng không thấy bài này in trong tập Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, như Nguyễn Thạch Kiên đã ghi, nhưng tin những điều ông viết trên đây là đúng.
Tết trong trại "trẻ con"
Là bài viết đầu tiên của Nguyên Hồng được đăng trên Ngày Nay số 96 (30-1-38) số Xuân, thuật lại cảnh Tết trong trại tù "mi-nơ"[10] mà ông đã trải qua trong gần ba năm từ 14 đến 16 tuổi. Theo lời giới thiệu của Ngày Nay và Nguyên Hồng cũng kể lại trong hồi ký, toà soạn có cắt đi vài đoạn (chắc chỉ giữ phần hay nhất). Bài ký ngắn này cho thấy bút pháp độc đáo của Nguyên Hồng và hiểu tại sao ông hướng về những đứa trẻ bụi đời và cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông viết về thế giới trộm cắp, vì ông là một thành phần của xã hội đó:
"Tôi hồi hộp trông ngóng được gọi ra truyện trò và nhận quà bánh của mẹ tôi hay em tôi (…)
Có hai đứa cũng buồn rầu và yên lặng như tôi. Một thằng bị bốn tháng, án rượu. Nó mới 10 tuổi, ngây ngô, dại dột và dễ sai bảo hơn ai. Thằng "vỏ" [ăn cắp] nào cũng có thể ăn chặn phần thịt của nó được. Nó không bao giờ dám nói chuyện, hay cười góp với chúng tôi. Còn nhớ một lần, tôi nghe thấy nó hát se sẽ ở dưới gầm sàn, thì câu hát lố lăng hết sức, riêng của tụi chăn trâu cắt cỏ ở nhà quê:
Cào cào giã gạo tao xem,
Sáng mai tao may quần đỏ, áo đen cho mày.
Và:
Cái cò mày mổ cái mâm,
U ơi, u lấy vợ đầm cho tôi.
Thằng thứ hai, mang thuốc phiện cho chủ bị bắt rồi bị tù: 9 tháng. Nó 14 tuổi, mặt rỗ, lúc nào cũng nhăn nhó, môi dưới chẩy sễ [xễ] như mếu. Nó bồ côi cha mẹ từ thuở lên hai, nhưng nó cũng hy vọng có người vào phép cho nó: anh chủ nhà buôn thuốc phiện lậu nhận nó làm con nuôi kia (…)
Nặng chĩu trên xác thịt và tâm hồn tôi lúc bấy giờ là những sức đè nén của sự tủi nhục, hối hận, thương nhớ lần đầu tiên mãnh liệt nhất trong đời thơ ấu". (Ngày Nay số 96)
Lúc đó Bỉ vỏ chưa in thành sách, người đọc chưa biết Nguyên Hồng là ai, nhưng bài ký ngắn này cũng làm ta giật mình: câu hát vớ vẩn của thằng tù nhân mười tuổi: U ơi, u lấy vợ đầm cho tôi, bắn trúng tim ta, nó là hồng tâm của tủi nhục, là tiếng nói của đứa bé bị bỏ rơi thăng hoa thành ca dao, pha trộn những yếu tố hài hước, tự trào của dân tộc bị trị, đầy ham muốn không được thoả mãn, kết tinh trong lời hát của thằng lỏi du đãng lên mười.
Cách viết tự nhiên và bộc trực này đã có đầy đủ những yếu tố nghệ thuật, là lối hiện thực xã hội đớn đau hai chiều: vừa mô tả bức tranh hiện thực, vừa nói lên thực trạng lầm than nằm sau bức tranh. Và Nguyên Hồng sẽ trở thành ngòi bút hiện thực xã hội có tầm vóc nhất trong văn học Việt Nam.
Bài ký này mở đầu cho tự truyện Những ngày thơ ấu, tác phẩm thứ hai mà cũng là chính yếu, qua đó ta biết được "cuộc đời đích thực" của Nguyên Hồng:
Cha chết năm 13 tuổi, mẹ vụng trộm đi bước nữa, đứa bé sống với bà nội và các cô, bị ghét bỏ, phải tự kiếm tiền nuôi mình bằng nghề đánh đáo, vì thầy giáo ác nghiệt, bỏ học, đi lang thang, ắn cắp và vào tù.
Cơm tây… một xu
Là một phóng sự rất ngắn, in trên Ngày Nay số 97 (18-2-38), làm lộ rõ hơn nữa nghệ thuật hiện thực độc đáo của Nguyên Hồng, chỉ qua mấy dòng đầu:
"- Cha mẹ ơi! Hai xu hai đồng "đồng bảo đại" mà mẹ bán rệu ra như thế này à?
Nói đoạn, thằng cha khoác cái khố tải bện với hai chiếc chiếu ấy thọc liền tay vào chiếc gáo dừa, khêu lên từng miếng một:
- Này, sáu khoai, bốn thịt gà, ba cà-rốt và một bánh tây.
Rồi nó dí mũi xuống gáo hít sìn sịt:
- Mà đã chua cả rồi!
Cả một tạ xương thịt của mụ hàng ngồi lún hẳn chiếc chõng rung lên, miệng mụ quạc ra rõ thật dài như chiếc gầu giai buột cạp, và cánh tròn như ống bương của mụ, nhanh như chớp, giật lấy gáo thức ăn nọ:
- Thôi chua không ăn được thì đổ mẹ vào đây. Bà tống cho lợn.
Đoạn mụ đưa ngón tay trỏ vét tròn một lượt là chiếc gáo nhẵn quẹn, không còn lấy một tí khoai dính lại.
- Con ba xu bà!
Tiếng nói như mếu máo ấy, không biết của ai.
- Con hai xu một đồng bà!" (Ngày Nay số 97)
Đó là một hàng cơm… Tây, đông khách, bán thứ xúp một xu cho ăn mày, có cả khoai tây, thịt gà, thịt bò, cà-rốt, rau cần và bánh tây. Mụ chủ chỉ thầu có một món hẩu lốn, độc nhất vô nhị này. Đó là đồ ăn của hơn bốn trăm lính Tây ăn thừa, thải ra, tống vào hai ba cái thùng sắt tây, để ít ra đã một buổi, bắt đầu chua. Mụ này được gọi là "bà chủ thầu nước gạo trong trại lính", mụ mua về, bán lại. Thực khách của mụ chen chúc vòng trong, vòng ngoài, xô đẩy nhau, đứa này chưa kịp chìa ống bơ đã bị đứa kia sấn lên cướp trước. Mụ chủ nghiến răng thét:
- Ăn cướp đây! À! chúng mày định ăn cướp hàng bà đây! Séo! Séo!
- Không bà ơi, bà bán cho con.
- Bà bán cho con, bà ơi!
Mấy dòng này hét lên sự thật, xác nhận tài năng hiếm có của Nguyên Hồng: mô tả cuộc đời những đứa bé, mới tí tuổi đầu đã trải ba kiếp ăn mày:
- Bản thân chúng làm nghề ăn mày: ăn mày cấp một.
- Chúng đứng sắp hàng van xin mụ chủ thầu nước gạo bán thí cho lon xúp: ăn mày cấp hai.
- Thứ xúp thiu chúng mua, là sản phẩm ăn xin lính Tây thải ra: ăn mày cấp ba.
Mấy ai có thể tả được đến ba lần cấp độ ăn mày như thế trong một cảnh? Về nồng độ hiện thực, Nguyên Hồng đông đặc gấp ba người khác. Chữ tây xuất hiện ở đây, rất tự nhiên, như bánh tây, lính tây, không ai nghi ngờ đến sự cướp nước. Cả ba chữ đồng bảo đại cũng hết sức tự nhiên, nó chỉ định tình trạng mất nước. Dù hôm nay, có ai đọc được bài phóng sự này của Nguyên Hồng, cũng vẫn còn thấy thấm thía số phận ăn mày ba cấp của dân tộc ta, thời ấy.
Những ngày thơ ấu, Ngày Nay số 133
Những ngày thơ ấu
Đăng trên Ngày Nay từ số 133 (22-10-38) đến số 140 (10-12-38), với lời giới thiệu sau đây của Thạch Lam:
"Người ta hay dấu diếm và che đậy sự thật, nhất là những sự thật đáng buồn trong gia đình. Có ích lợi gì không? Những ngày thơ ấu mà Nguyên Hồng kể lại dưới đây, tôi không muốn biết là có nên hay không; tôi chỉ thấy trong những kỷ niệm cũ đau đớn ấy, sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại, lạc loài trong những lề lối khắc nghiệt của một gia đình sắp tàn. Trên những trang mà Nguyên Hồng viết ra đây, chúng ta thấy nổi lên hình ảnh một người mẹ chịu khổ và âu yếm, một người mẹ hiền từ mà tác giả nói đến với tất cả tình yêu tha thiết của người con."[11]
Nhận xét của Thạch Lam thực là chân xác. Lối viết thâm trầm, thẳng và thực của Nguyên Hồng sẽ lộ dần ra như một giá trị nghệ thuật chưa từng thấy, trong tập tự truyện Những ngày thơ ấu. Qua tác phẩm này, ta thấy sự khác thường trong bút pháp của ông, Những ngày thơ ấu là một tác phẩm tuyệt hay, nhưng đã không được quan tâm đúng mức. Sau này, trong hồi ký không biết vì lý do gì, Nguyên Hồng không nhắc đến, hoặc có nhắc nhưng đổi tên khác, tôi sẽ nói đến ở dưới.
Câu đầu tiên đã xác định lối viết đặc biệt không che đậy sự thực của Nguyên Hồng:
"Thầy tôi làm cai ngục, mẹ tôi con nhà buôn bán. Tuổi thầy tôi hơn ba mươi, gấp đôi tuổi mẹ tôi." (Ngày Nay số133)
Chính câu này đã khiến Thạch Lam giật mình vì sự thật phũ phàng được trần trụi tung ra không bao bọc. Khái Hưng đọc văn Thạch Lam có chỗ đã thấy "nổi da gà" vì Thạch Lam dám viết thật những điều mà ông không dám viết. Thế mà "cậu Lam" còn phải bái phục "cậu Hồng". Bởi vì Cậu Hồng kể về bà mình, khơi khơi như sau, trong một màn âu yếm giữa hai bà cháu:
"Một lần, bà tôi vẫy tôi lại, ôm tôi vào lòng xoa đầu hỏi:
- Ai đẻ con?
Nhìn những miếng bánh, kẹo thơm phức trong giấy bóng đỏ ở tay bà tôi, tôi nũng nịu đáp:
- Bà đẻ con.
Bà tôi mỉm cười tát sẽ vào má tôi.
- Bố mày chỉ được cái hóm thôi. Không phải!
- Vậy là con cậu, bà nhỉ? (…)
- Còn cái Quế là con ai?
Tôi đã hơi cáu vì thèm ăn lắm mà chưa được miếng nào, tôi nghẹo đầu nghẹo cổ phụng phịu nói:
- Con không biết!
Bà tôi sẽ tát vào má tôi:
- Cái quái đâu! Bố mày, nói đi, rồi bà mới cho.
Nhưng tôi dại gì chậm nói để mà chậm ăn, liền kéo tay bà tôi – cầm bánh xuống thấp tý nữa:
- Em Quế cũng là con cậu.
Nhưng tôi đã thất vọng. Bà tôi hứ mạnh một cái, đổi nét mặt:
- Không phải.
Tôi tức giận đến cực điểm, gắt lên:
- Chả con cậu là con ai? Không cho con thì thôi! (…)
- Không phải, cái Quế nó là con thằng…" (Ngày Nay số 133)
Cảnh này tiêu biểu cho lối viết đặc biệt của Nguyên Hồng khiến ta khâm phục: Ở trên, ông đã tả hàng cơm Tây của mụ chủ thầu nước gạo thành tình trạng ăn mày ba cấp của dân Việt. Ở đây, ông tả cảnh bà âu yếm cháu thành một bản tử hình con dâu mà người bà tuyên án dưới mắt cháu: gieo vào lòng thằng bé sự nghi ngờ người mẹ mà nó yêu quý nhất cái tội ngoại tình, phản bội. Cái ác của người bà, người mẹ chồng, ở đây, tàn phũ hơn tất cả mọi hình thức chửi rủa, đánh đập, vì thế Nguyên Hồng luôn luôn sâu sắc hơn tất cả các tác giả hiện thực khác cùng thời. Sự thực đáng sợ ông tung ra ở đây không nằm trong câu Thầy tôi làm cai ngục, mà ở mằn ở màn bà âu yếm cháu, lạ lùng, quái đản này.
Người mẹ trẻ khốn khổ ấy chỉ có mỗi một "tội" là chiều chiều, khi đội lính (với anh thổi kèn đẹp trai) đi qua; nàng dắt con ra sân đón "mắt sáng lên nhìn người thổi kèn và hai gò má ửng hổng khi mắt long lanh của người đàn ông chiếu tới".
Ngoài cái nhìn này, nàng không làm gì cả. Bởi vì: "Quế chính là con cậu tôi, các anh họ tôi, các cô tôi, cả bà tôi và mấy người hàng xóm đều bảo như thế, sau này người cai kèn đổi đi nơi khác, không biết là ở đâu; mà mẹ tôi càng kính cẩn hầu hạ bà tôi, càng chiều chuộng thầy tôi và chăm nom anh em tôi. Nhưng từ ngày ấy, tôi ít thấy hai thân tôi trò truyện vui vẻ với nhau…" (Ngày Nay số 134).
Mẹ ông, người đàn bà có hai đứa con với người chồng nghiện hút, bệnh hoạn, gấp đôi tuổi nàng, qua hai lần gần gụi -mà Hồng biết chắc là chỉ có hai lần ấy thôi- để thoả mãn đòi hỏi nối dõi tông đường của dòng họ.
Mẹ ông, nàng sống không tình yêu, không tình dục, trong sự lạnh lùng của người chồng, sự thù ghét của mẹ chồng và hai cô em chồng.
Mẹ ông, người con gái ấy, lấy chồng ở tuổi vị thành niên, chưa từng được hưởng một tia hạnh phúc nào, nàng phải trộm tìm ánh mắt của người lính thổi kèn đẹp trai qua đường.
Bà mẹ chồng cũng không làm gì cả, nhưng những câu hỏi vớ vẩn bà rót vào tai thằng bé cháu còn cay nghiệt hơn các thứ đòn phép tàn ác của các loại mẹ chồng bà tuần, bà án khác. Bởi vì, bà mẹ chồng này thám thính cả đến ánh mắt của con dâu, bà là thứ KGB nghiệp chướng, gieo nọc độc nghi ngờ vào đầu đứa cháu nội, để chia rẽ mẹ con nó.
Nguyên Hồng không viết Những ngày thơ ấu, để ca tụng những ngày êm đẹp của tuổi thơ như người khác, mà để ghi lại cuộc đời bất hạnh của người mẹ mà ông yêu quý nhất, và nói lên những sự thật hãi hùng trong một gia đình có người cha nghiện hút bệnh hoạn, nướng hết tài sản cho bàn đèn, chết trong lao đờm tủi nhục, chết trong thói tục hủ lậu, dẫn đến sự tàn tạ của gia đình. Một gia đình bị nô lệ trong ghen tỵ nàng dâu mẹ chồng, chị dâu em chồng, dẫn tới sự trả thù khốn nạn của người cô trên đầu đứa cháu mồ côi cha, mới mười ba tuổi.
"Gần giỗ đầu thầy tôi. Mẹ tôi ở Thanh Hóa vẫn chưa về. Trong đó nghe đâu mẹ tôi đi bán bóng đèn vào những phiên chợ chính, cả vàng hương nữa.
Tôi nói "nghe đâu" vì tôi thấy người ta bắn tin rằng mẹ tôi sinh nhai bằng cách đó, và một hôm kia cô tôi gọi tôi đến bên, tươi cười hỏi:
- Hồng, mày có muốn vào Thanh Hóa thăm mợ mày không? (…)
Tôi toan trả lời có. Nhưng khi nhận ra những ý nghiã mỉa mai cay độc trong giọng nói và trên nét mặt tươi cười của cô tôi, tôi cúi đầu yên lặng không đáp.
Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu tôi những sự hoài nghi khinh miệt và ruồng rãy một người đàn bà góa chồng, túng bấn và nợ nần nhiều quá, không thể ở tỉnh nhà nuôi con, đành phải bỏ chúng lại cho bà nội và cô nó, rồi đi tha phương cầu thực (…)
- Mày dại quá, cứ vào đi, tao cho tiền tầu.
Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ.
Nước mắt tôi đã ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hoà đầm đià ở cằm và cổ. Hai tiếng "em bé" mà cô tôi ngọt ngào ngân dài ra cho thật ngọt ngào rõ ràng quả nhiên đã soắn chặt lấy tâm can tôi như ý cô muốn.
Nhưng không phải vì thấy mẹ tôi chưa đoạn tang thầy tôi mà đã chửa đẻ với người khác mà tôi có những cảm giác đau đớn ấy. Chỉ vì tôi thương mẹ tôi và căm tức tại sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến cổ hủ mà xa lià anh em tôi, để sinh nở một cách dấu diếm, trốn tránh như một kẻ giết người lúng túng với con dao đẫm máu của nó. Tôi cười dài trong tiếng khóc, hỏi cô tôi:
- Sao cô biết mợ con có con?" (Ngày Nay số 136).
Chính những cái ác nhỏ trong gia đình, từ bà đến cô, chưa kể những ngọn roi dứ để "khảo của" (tiền đánh đáo) của người cha nghiện ngập, hay hình phạt tàn bạo của thầy giáo, bắt đứa học trò quỳ trong suốt hai tháng giời, vì một tội nó không phạm, tất cả đã sản xuất ra đứa nhỏ già trước tuổi, cha chết, mẹ đi lấy chồng, ở với bà và cô, hành nghề đánh đáo nuôi thân, rồi biến thành du dãng, vào tù từ tuổi 14, ra tù năm 16, trở thành nhà văn Nguyên Hồng với những tác phẩm hiện thực cực kỳ nhân bản.
Nguyên Hồng là một khám phá độc đáo của Tự Lực văn đoàn.
Hiện thực xã hội ở Nguyên Hồng, sâu sắc và có nghệ thuật hơn tất cả những ngòi bút hiện thực khác như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Tô Hoài… Đứng cạnh Nguyên Hồng, các nhà văn này chỉ là những ngòi bút mô tả, đôi khi họ viết được những đoạn văn sống động, nhưng họ chưa chìm sâu vào mặt trái của con người, lật ra khía cạnh tối tăm trong một hành vi tốt đẹp, tính nhân bản trong những kẻ sát nhân, như Nguyên Hồng.
Bỉ vỏ
Là tiểu thuyết đầu tiên của Viêt Nam viết về xã hội trộm cắp.
Bỉ vỏ có cốt truyện éo le, đầy tình tiết, như Giông tố của Vũ Trọng Phụng, nhưng nghệ thuật hiện thực của Nguyên Hồng cao hơn nhiều.
Bính là cô gái quê đẹp và hiền, bị một chàng trai thành thị dụ dỗ, có mang rồi bỏ. Không chịu nổi áp lực gia đình và những hình phạt quái ác của làng vì tội có con hoang, bố mẹ Bính đối với Bính ác hơn dã thú, bán đứa bé lấy mười ba đồng bạc; Bính phải bỏ làng ra đi. Ra Hải Phòng, Bính bị hãm hiếp, bị lường gạt, phải vào tù. Một mụ chủ chứa chuộc Bính về làm "nhà thổ". Bính gặp Năm Sài Gòn, một tay anh chị khét tiếng. Năm chuộc Bính về làm vợ, hết sức yêu thương, chiều chuộng. Bính có mang. Năm bị bắt. Đồ đệ chăm sóc Bính tận tình. Bính sẩy thai. Năm được thả. Bính muốn cải hoá chồng, nhưng không được. Hai người bỏ nhau. Bính nhận làm vợ lẽ một tay mật thám gác xà lim để có 100 đồng nộp phạt cho bố mẹ khỏi bị tù. Một hôm tay này kể cho Bính biết y vừa bắt được tên trùm cướp của giết người khét tiếng. Biết ngay là Năm, Bính tìm cách giải cứu cho chồng, rồi trốn theo. Lần này, Bính hoàn toàn "nhập cuộc", trở thành bỉ vỏ, con ăn cắp, nhanh như cắt, gan lì và tàn nhẫn như chồng. Lần cuối cùng, Năm cướp giật một đứa bé đeo khánh vàng trên tầu thuỷ rồi nhảy xuống sông, đem về, Bính nhận ra con mình, nhờ vết chàm trên trán. Đứa bé đã chết.
Bỉ vỏ có cấu trúc chặt chẽ, trừ lúc đầu, sự bất hạnh xẩy ra cho Bính ở Hải Phòng hơi giả tạo, phần còn lại hoàn toàn lô-gích. Mỗi cảnh đều được mô tả với ngòi bút nhà nghề trên ba mặt: nghệ thuật mô tả, văn chương điêu luyện và sự vận hành của xã hội cướp giật. Tác phẩm hay toàn diện cả về văn phong lẫn tư tưởng.
Bỉ vỏ mở đầu bằng câu:
"Bữa cơm chiều nay khác hẳn mọi ngày, buồn bã và uể oải lắm.
Bính ngồi sát bức vách lâu ngày đã nứt nẻ loang lổ, cầm bát cơm đầy nhưng chẳng buồn và. Thằng Cun, cái Cút hai đứa em nhỏ của Bính sợ lây, lấm lét nhìn điã đậu phụng om tương vàng ánh mỡ, thèm quá mà không dám gắp. Những tiếng ho khàn khàn của bố chúng và cặp mắt toét nhoèn cau có của mẹ chúng luôn luôn lườm Bính, làm chúng càng rụt rè kinh hãi."
Bi kịch đời Bính bắt đầu bằng những dòng như thế. Nghiã là không có gì là bi kịch cả: Nhà Bính cũng không nghèo quá, không đói, cơm có đậu om mỡ là khá. Bố mẹ không quát tháo roi vọt. Vậy mà hai đứa nhỏ, thằng Cun con Cút lại sợ, chúng sợ lây cái gì mà mất vía không dám gắp đậu?
- Chúng sợ cái "không khí" bữa ăn: chúng sợ gián tiếp, sợ cái tai họa, ngầm, sẽ lây sang chúng. Cái mà chúng sợ không "có mặt" ở đây, nhưng nó hiện diện bằng những dấu hiệu: bức vách nứt nẻ, chị nó cầm bát cơm đầy nhưng không và, tiếng ho khàn khàn của bố đầy đe dọa và cặp mắt toét nhoèn của mẹ lườm chị, như muốn đánh.
Đó là nghệ thuật của Nguyên Hồng: ông luôn luôn dùng những sự không ngờ để nói lên cái bất ngờ, mà cái bất ngờ ở đây là: Bính đẻ con hoang. Khó có thể tìm thấy một cách sắp đặt nào hoàn chỉnh và bất ngờ như thế.
Điểm thứ hai: nhân vật của Nguyên Hồng, ngay từ đầu, cũng không trắng đen rõ ràng kẻ ác chỉ có ác, kẻ thiện chỉ có thiện. Tám Bính chính là nguyên mẫu con người Nguyên Hồng: sống trong môi trường độc ác, nhưng có tâm hồn cao thượng, cố ngoi lên, để sống còn. Nguyên Hồng thoát được và thành nhà văn, còn Tám Bính lỡ đò, thất vận.
Từ giã đứa con, mà bố mẹ quyết định bán nó, Bính đi vào mưa gió:
"Bính tê mê nâng đứa con lên tận mặt, rít miệng vào má nó, vào trán nó, rồi Bính nhìn ngước lên như để phân trần với bóng tối nỗi đau đớn trong lòng. Sau đó Bính đăm đắm trông con thiêm thiếp ngủ. Dưới ánh đèn lù mù ở bên ngoài qua kẽ liếp lọt vào, da dẻ nó hồng hào biến thành xanh trong xanh bóng, mớ tóc đen láy, lơ phơ trở nên hung hung mốc mác khô cứng. Vệt chàm dài hơi giống hình con thạch sùng bò từ một bên trán đến mang tai xám ngắt hẳn đi như một vệt máu. Và cái vết lẹm trên mí mắt cũng ở bên phải thấy thương như một lốt dao chém vậy". (Chương 1, trang 8, bản điện tử)
Làm sao một thanh niên 17, 18 tuổi lại có thể viết được những dòng đậm tình mẫu tử như thế? Nếu như không phải đây chỉ là sự sống lại kinh nghiệm của đứa bé đã được người mẹ rứt ruột bỏ con, ra đi trong một hoàn cảnh khác: để tục huyền và kiếm ăn trong những ngày thơ ấu. Vết chàm thạch sùng trên mặt đứa bé, như đã vạch sẵn những nét định mệnh giang hồ của người mẹ.
Ở Hải Phòng, thủ đô "chạy vỏ" (ăn cắp), trong buổi họp lớn đủ mặt anh hùng tại nhà Năm Sài Gòn: sau chầu khai khói thuốc phiện, Chín Hiếc khoe khoang thành tích tối hôm kia hắn ăn cắp một người đàn bà sang trọng, bế con:
"Mẹ vận quần lĩnh, áo nhiễu tây nâu, con mặc quần lụa hồng, áo gấm lam, đeo vòng khánh vàng và khóa xích bạc (…) cái thắt đớm [thắt lưng] của chị ta phồng lên một nấc, chắc chắn là nấc bạc giấy (…)
Sương đã xuống, trời tối mờ, hắn không rõ mặt người ấy. Mãi sau nhờ ánh đèn điện đằng xa, hắn mới nhận thấy đôi mắt rất sắc trên gương mặt trái xoan lóng lánh đôi hoa tai vàng. Đường thật là vắng vẻ. Một chiếc xe tay đi khỏi thì không còn một bóng người khác. Chín Hiếc vội rút giao ra, nhảy xổ lại bóp cổ dìm người đàn bà xuống đường. Thằng tiểu yêu theo sau bế ngay đứa bé chạy ra lối ao than. Người đàn bà không kịp kêu lên một tiếng, Chín đã cắt đứt ruột tượng. Sờ lên đôi hoa tai, hắn không tháo mà nghiến răng dứt nốt. Hắn lẳn gói bạc vào túi áo trong đoạn lần khắp người đàn bà. Nhưng không thấy tiền nong gì nữa, hắn bèn rút thắt lưng, trói chân tay người ấy lại và lấy mùi soa nhét đầy miệng. Trong chớp mắt Chín đã đặt người ấy còng queo trong khu vườn hoang bên đường. (…) thằng "vỏ lỏi" (thằng nhỏ ăn cắp) bế đứa bé ra ao than chực tháo khánh và vòng xích thì có bốn "so quéo" (thằng ngù ngờ) ở trong ấy đi ra bắt gặp nó, nó hoảng hốt vội vứt đứa bé xuống một cái hố rồi chạy mất." (Chương VI, trang 24-25)
Hành động nhanh như cắt, bọn cướp giật này hoàn toàn dã man, không coi tính mạng con người ra gì, chỉ cốt chiếm vàng bạc. Nhưng mấy hôm sau, trong một "buổi họp" khác, ta thấy "tư tưởng" của chúng còn tàn bạo hơn. Tư-lập-lơ thông tin:
"Người đàn bà mất tiền ấy là vợ một cớm chùng (mật thám) ở Hòn Gai mới đổi về đây, không biết "tiểu yêu" của mày làm sao để đến nỗi thằng bé rơi xuống hố, dập cả sống mũi, vào nhà thương được năm hôm thì chết.
Không một vẻ cảm động trên mười mấy khuôn mặt đen xạm, Năm Sài Gòn chậm rãi nói:
- Nó chết thì bố mẹ nó chôn, việc gì mình phải lo.
Ba Trâu Lăn và Ba Bay đồng thanh:
- Đúng đấy!" (Chương VIII, trang 32)
Lời tuyên bố của Năm Sài Gòn và sự đồng tình của bọn đàn em chứng tỏ y không còn một chút lương tâm con người. Vậy mà Bính được y cứu khỏi cuộc đời đầy đọa, tận tình săn sóc cưu mang, với những lời yêu thương ngọt ngào tha thiết nhất.
Vụ cướp của, giết trẻ con này liên quan đến vợ con một người mật thám, nên cả bọn bị họa lây, tất cả giới đội xếp, mật thám Hải Phòng thắt chặt vòng vây bọn côn đồ du đãng, khiến chúng không làm ăn gì được. Lại thêm vụ: bọn tù nhân lập toà án xử một tên "phụ cớm", buộc y phải xúc phân ăn, vụ việc lọt ra ngoài, bọn "cớm" quyết bắt hết bọn "yêu vỏ". Trong tình trạng khẩn cấp, Tư-lập-lơ nói khích:
"- Mình để cho người ta chém tức là mình kém, mình chém người ta rồi ngồi tù mới giỏi chứ, và mình sả cả "cớm" mới can trường hơn. Nội bọn ta đây, tôi dám hỏi rằng ai là tay chơi, ai can trường, quyết bênh vực anh em mà thí cho "cớm" vài nhát nào?
Năm Sài Gòn nóng sôi người lên, nghiến răng, nắm chặt bàn tay đập mạnh một cái xuống giường, làm rung chuyển cả chân niễng:
- Chú muốn thịt ai?
- Đội "cớm" Minh, "cớm chùng" [mật thám] Hiếu và các thằng Xếp Bảy mề đay anh lạ gì, còn phải hỏi?
Năm đã đỏ tiá mắt lên, vùng dậy rút lưỡi dao sáng loáng cài trên đình màn xuống, xăm xăm chực đi. Bính chạy xổ ra, run cấm cập, ôm chặt lấy Năm, ríu lưỡi kêu:
- Đừng hung tợn thế!… Em van mình! Đừng hung tợn thế!… Em van mình!… Em van mình!…
Năm gỡ tay Bính, mắt sáng quắc, long lên, miệng sùi bọt mép:
- Mặc tôi! Mặc tôi!
- Em lạy mình đấy! Thương em chứ!
Năm toan gạt Bính ra bên nhưng Bính nằm lăn ra đất và giữ lấy ống quần Năm khóc nức nở. Năm vội cúi xuống, ẳm bổng Bính đặt lên giường, thì Bính vòng hai tay qua nách, túm chặt lấy áo Năm:
- Em lạy mình! Đừng hung tợn thế! Em van mình! Mình thương em! Giời ơi!…
Mấy giọt nước mắt của Bính qua lần lụa mỏng thấm vào da thịt Năm Sài Gòn. Một cảm giác ghê lạ chuyển khắp người Năm khi bụng Bính ép vào lưng Năm. Hắn ngoái cổ trông lại. Mắt long lanh vừa gặp mắt Bính chan hoà, Năm Sài Gòn cực chẳng đã thở hồng hộc ngồi xuống giường:
- Ừ, thì mình cứ buông tôi ra.
- Để mình đi à?
- Không, tôi không đi đâu, mình đừng sợ." (Chương XIX, trang 34-35)
Những dòng trên đây bộc lộ lương tâm Bính, tha thứ cho Bính. Cái bào thai trong bụng mẹ đã giữ chân Năm không cho đi giết người, lần này. Bính là cô gái quê hiền lành, đầy lòng trắc ẩn, lạc vào cái bể hung bạo, bốn bề trùng trùng không lối thoát. Tất cả được xếp đặt một cách tế nhị mà chi li, lạ thường.
"Đêm khuya rồi, Bính muốn chớp mắt ngủ, song không được (…) Bất giác Bính quay nhìn Năm Sài Gòn ngủ bên cạnh. Nhờ ánh đèn vặn to, Bính nhận rõ từng nét mặt Nam. Năm đen cháy, cằm bạnh, xạm râu, hai mắt sếch, mé trên mắt bên phải vẹt hẳn một nửa lông mày dưới vết dao chém sâu hõm. Trên má Năm, trên trán Năm, mấy cái sẹo nữa chằng chịt như những vết rạn của chiếc vại sành…
Bính lắc đầu, thở dài… Bính ngạc nhiên cho cách đối đãi lạ lùng của Năm, đã săn sóc Bính từ miếng cơm, từ hớp thuốc, suốt mấy tháng ròng, Bính nằm liệt giường liệt chiếu. Nhất là mấy tháng nay Bính có mang, Năm càng nâng nhấc chiều chuộng." (Chương XIX, trang 35)
Nhưng Năm Sài Gòn, tay côn đồ cùng hung cực ác, cũng có một tâm hồn nhân đạo giấu kín bên trong.
Rồi Tám Bính không cảm hoá được Năm Sài Gòn. Vụ xử tội Ba Bay chứng tỏ sự thất bại của Bính, nét nhày nhụa của tội ác theo đuổi Bính đến cùng: Ba Bay hớt tay trên của đàn anh một món bở. Năm biết, tìm cách đoạt lại "của" của mình:
"Chợt Năm ngẩng đầu lên, nheo mắt nhìn hút một bóng người thất thểu trên đường về lối Bến Đò Niệm. Năm nghển lên nghiêng nghé rồi hét lên một tiếng, cắm cổ chạy. Bính nhận ra ngay là Ba Bay bèn vội chạy theo.
Thoáng cái Năm đuổi kịp Ba. Ba chưa kịp quay đầu lại nhìn đã bị Năm bóp chặt cổ vật xuống đường. Ba Bay ú ớ muốn kêu song không sao cất tiếng lên được vì hai bàn tay sắt của Năm khoá khít lấy họng.
Biết đã vỡ chuyện, Ba hết sức giãy dụa khư khư giữ túi tiền. Năm nóng mặt nghiến răng thoi luôn ba bốn chiếc trúng mạng mỡ Ba. Ba phải dùng tận lực đấm trả vào mặt Năm. Năm hoa cả mắt vẫn không chịu buông tay. Dưới đầu gối Năm, Ba Bay thở không ra hơi, xương ngực Ba như sắp gãy hết mất. Nhìn mắt Năm long sòng sọc, Ba Bay rởn cả da thịt, cảm thấy hết mọi sự ghê gớm sắp xảy ra.
Nhưng, Ba nhất định giữ chặt ví tiền. Còn Tám Bính run cầm cập xanh mắt nhìn chồng và bạn chồng vật lộn.
Mấy phen Năm mím môi thích mạnh khuỷu tay xuống cổ Ba, luồn tay xuống lưng Ba, cố lập sấp Ba đi để rút cái ví tiền gài trong túi dưới nách áo, nhưng Năm đều bị Ba co đầu gối thúc vào chỗ hiểm, Năm Sài Gòn đã sôi máu, rút lưỡi dao giắt ở bắp đùi ra giơ thẳng cánh, dằn tiếng nói:
- Có đưa mau không?
Ba Bay lắc đầu. Năm Sài Gòn nghiến răng nói một lần nữa.
Cánh tay Năm rung rung. Lưỡi dao nhọn lấp lánh dưới trăng mờ…
Tám Bính hốt hoảng chạy xô đến định gỡ hộ cho Ba thì Năm liền hắt bắn vợ đi. Ba Bay thừa cơ toan giật lấy dao, Năm đã đâm thẳng xuống ngực hắn, chẳng để hắn kịp cất một tiếng van lơn xin nhượng bộ.
Máu tươi phọt lên, Năm Sài Gòn nghiêng đầu tránh, rồi bồi thêm một nhát trúng cổ họng Ba.
Ba trợn ngược mắt. Sau hai tiếng ằng ặc, hắn giãy lên một cái đoạn nằm thẳng cẳng, cái ví tiền giờ mới rơi ra ngoài. Nam rút mùi xoa lau máu đẫm bàn tay, đoạn nhặt ví tiền nhét vào túi và khẽ gọi Bính:
- Ba "củ" rồi mình ơi!
Bính chạy lại, cuốn quít lay người Ba. Thấy Ba cứng đò, máu ở ngực, ở cổ họng cứ tuôn ra. Bính ríu lưỡi nói:
- Thế này thì chết cả mất!
Nghe Bính nói không nên tiếng, Năm cười rộ lên, rồi lạnh lùng xốc Ba Bay lên vai, chạy lùi lũi về phía bờ ruộng tận đằng xa.
Mảnh trăng vừa nhô ra khỏi đám mây xám, trút xuống cảnh vật một làn ánh sáng xanh trong xanh bóng lẫn với sắc xanh đặc của ruộng rì rào.
Tám Bính chỉ chực khuỵu xuống. Bính hoa mắt trông thấp thoáng trong sương xác Ba Bay rũ trên vai Nam, Bính rợn cả người, sực nhớ tới bức tranh vẽ một người tội lỗi lúc chết bị ma quỷ lôi kéo đi. Bức tranh này treo trên tường ở buồng ông Cố Đạo già giải tội cho Bính dạo năm xưa." (Chương XXIV, trang 86-87-88).
Xã hội côn đồ được Nguyên Hồng mô tả bằng một ngòi bút tài hoa thơ mộng đầy bạo lực kinh hoàng, không phải để cho ta thù ghét, khinh bỉ, mà cho ta hiểu hơn những con người này: họ cũng là ngươi, cũng biết "trọng nghĩa khinh tài". Nhưng khác người lương thiện ở chỗ: họ kiếm tiền với bất cứ giá nào, miễn là khỏi phải làm việc.
Vì tiền họ giết người, vì tiền họ cũng có thể thí mạng như Ba Bay. Và có tiền là phải "tiêu" ngay, tức là làm ba việc: cờ gian bạc lận, hút thuốc phiện và đi "nhà thổ". Vì cờ gian bạc lận tàn phá bao nhiêu gia đình mà Ba Bay bị giết không ai thương xót. Nhờ nhà thổ mà Năm Sài Gòn gặp được Tám Bính. Năm không thể cưỡng lại được cái thú là cứ có tiền phải chui vào sòng bạc ngay, có khi chỉ một đêm là sạch túi.
Bỉ vỏ không phải là tác phẩm bênh vực người lao động, cùng đinh, vì đói khổ mà hoá thành trộm cắp như nhiều ngưởi tưởng.
Bỉ vỏ nhận diện phường trộm cướp như một lối sống, lối kiếm tiền không cần lao động, có tiền phải thủ tiêu ngay trong trận địa đỏ đen, sẵn sàng giết người đoạt của và sẵn sàng thí mạng để giữ tiền. Loại xã hội đen này có mặt khắp nơi, không cứ gì dưới thời Pháp thuộc.
Tám Bính, tín đồ thuận thành đạo Chúa, chưa bao giờ chối bỏ lòng nhân. Bính "bán mình" để chuộc mẹ cha, hai kẻ tán tận lương tâm, bán cháu lấy mười ba đồng bạc. Bính lọt vào xã hội vỏ, muốn cải hóa nó, nhưng thất bại. Rồi chính Bính cũng bị sa lầy. Cái chết khủng khiếp của Ba Bay ám ảnh tâm trí Bính, trông đâu Bính cũng thấy xác Ba Bay rũ trên vai Năm dưới bóng trăng nhợt nhạt.
Cuối cùng, Bính gặp lại xác con với vết thằn lằn trên trán, trong một vòng luân hồi oan nghiệt: gieo ác thì phải đền tội. Ở đây cả Chúa lẫn Phật đều có mặt. Tác phẩm có giá trị đạo đức cao siêu mà những tiểu thuyết thường được gọi là hiện thực phê phán, không mấy ai đạt được.
Trong trường thiên tiểu thuyết Sóng gầm (1961), Nguyên Hồng chỉ thành công nửa đầu, khi ba mẹ con Thanh [Thanh là hình ảnh của Nguyên Hồng] dọn ra Hải Phòng, nương náu trong một xóm nghèo. Với những nhân vật lạ lùng như cụ Ứớc, ông đã lột tả được những nét nhân từ, bác ái, tiên phong, đạo cốt của một ông lão cùng đinh. Với những cụ Cam, cụ Coóng, mẹ La…ông diễn tả được tình yêu trăm mặt, sự đùm bọc lẫn nhau trong cảnh lầm than, đói khổ, ông vẽ nhũng chân dung con người thành thật, bộc trực, hy sinh, can đảm. Ông tả được điều kiện làm việc ghê rợn của những người thợ mỏ ở Hải Phòng.
Nhưng ông không thành công khi mô tả giai cấp bóc lột, những nhân vật Thy San, Giáng Hương, Đờ-Vin-Xi chỉ là những nét phóng, hời hợt, không thuyết phục. Giống như Nhất Linh không viết được về người nghèo, Nguyên Hồng cũng không viết được về người giàu. Ngay cả chân dung những người cách mạng tù Côn Đảo trở về, cũng chỉ nhàn nhạt, không ai rõ nét, nổi trội cả. Tóm lại, khi Nguyên Hồng rời khỏi những mảnh đời có thực mà ông đã sống để đi vào địa hạt hoàn toàn tưởng tượng, ông thất bại.
Nguyên Hồng kể lại chuyện viết Bỉ vỏ
Tại sao tôi viết Bỉ Vỏ là bài tự thuật đầu tiên về việc viết Bỉ vỏ, cũng là bài viết thứ ba của Nguyên Hồng in trên Ngày Nay số 104 (3-4-38), sau khi Bỉ vỏ trúng giải Tự Lực văn đoàn 1937. Bài này mở đầu như sau:
"Năm ấy, tôi mười sáu tuổi [1934] hết hạn tù, được tha. Mẹ tôi lên tận nơi đón tôi. Nhưng chúng tôi không về Nam Định- quê hương của chúng tôi- mà giắt nhau ra Hải Phòng.
Khi tôi đi tù, đoạn tang thầy tôi, mẹ tôi bước đi một bước nữa. Nên lúc rời bỏ cái tỉnh đã chứng kiến bao nhiêu việc không hay kế tiếp phá tan gia đình tôi, sự ngậm ngùi của mẹ tôi bắt tôi nghĩ đến lòng héo hắt của một người đàn bà cải giá trước sự khinh bỉ, rẻ rúng của họ hàng nhà chồng, và trước sự ghê tởm của mọi người quen biết đối với con mình, mới một dúm tuổi mà đã trải hết lao này sang lao khác (…).
Ra Hải Phòng chúng tôi càng khổ sở. Trông vào vài hào làm vốn buôn trầu cau, mẹ con tôi được bữa sớm mất bữa tối. Lắm phen, luôn mấy hôm, chỉ một bữa cháo lót lòng.
Bao nhiêu ngày tháng, bị câu thúc thân thể và bắt buộc phải làm những công việc bẩn thỉu, nặng nhọc quá sức mình, tôi tưởng khi thoát khỏi cảnh tù tội, đầy ải ấy sẽ sống một sự no ấm hơn… ngờ đâu!
Vì thế, xác thịt tôi dần suy nhược; ôm cái ngực thỉnh thoảng đau nhói lên, tôi cảm thấy đời tôi đã bị rút ngắn đi, và một ngày rất gần kia sẽ hết! Thế là tâm trí tôi bị một ám ảnh ghê sợ, khủng bố: "chết!" (…) Tôi chết đi, mới mười sáu tuổi, sẽ làm cho mẹ tôi đau đớn biết chừng nào! Và trong cái phút cuối cùng của một đời sớm tắt ấy, tôi sẽ quằn quại như con bướm non bị hai ngón tay giữ [dữ] tợn kẹp chặt, vừa lúc nó đánh thấy mùi nhị hoa thơm ngát.
Những lúc lo sợ, bối rối, đau đớn quá, trong tâm trí người ta hay nẩy ra những ước muốn khác thường. Tôi, tôi muốn sẽ có một cái gì để an ủi mãi mãi mẹ tôi, và để tỏ lòng tôi mến tiếc và thương nhớ những người và vật đã làm tôi vui thích đến say mê.
Nghiã là tôi phải để lại một cái gì tinh khiết của hồn, xác tôi cho cõi đời mà tôi yêu mến!
Ý quyết viết tiểu thuyết thụ thai trong trí tưởng tôi mỗi ngày một mạnh mẽ thêm, lan rộng mãi ra". (Ngày Nay số 104).
Và Nguyên Hồng đã viết, viết trong hoàn cảnh khốn khó cùng cực của gia đình, rồi người mẹ phải đi Vinh vay tiền làm vốn, bà trở về với hai sọt trầu vỏ. Gia đình không đói nữa, đã có tiền mua một thếp giấy để viết.
"Mấy truyện ngắn tôi đã viết xong từ lâu, và phóng sự tiểu thuyết "Bỉ vỏ" trải bao nhiêu ngày tháng đã dàn xếp kỹ càng trong đầu óc tôi (…)
"Bỉ vỏ" đã viết xong trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra những vũng nước đen ngàu bọt, và chuồng lợn ngập ngụa phân tro, "Bỉ vỏ" đã viết xong trong một căn nhà lụp xụp cứ đến chập tối là ran lên muôn vàn tiếng muỗi." (Ngày Nay số 104).
Bỉ vỏ nhận được giải thưởng trị giá 50 đồng. Trong hoàn cảnh người mẹ buôn bán mỗi ngày chỉ kiếm được mấy hào, thì số tiền 50 đồng này quý giá là nhường nào, đối với người thanh niên Nguyên Hồng thời ấy. Theo quy định đăng trên Ngày Nay, sách dự thi giải 1937, phải gửi đến toàn soạn trước ngày 30-12-1936, việc này phù hợp với lời Nguyên Hồng ghi cuối sách: Viết trong năm 1935-1936. Vậy Bỉ vỏ được sáng tác khoảng 1935 -1936, năm ông 17-18 tuổi.
Hồi ký Bước đường viết văn
Trong cuốn hồi ký Bước đường viết văn[12], Nguyên Hồng viết sau này, rất khác.
Dưói đây là một số chi tiết trong hồi ký, không có trong bài Tại sao tôi viết Bỉ Vỏ, in trên Ngày Nay số 104 (3-4-38):
- Tập truyện ngắn đầu tay Những linh hồn đầy đọa hay Những linh hồn đau khổ và truyện thứ nhì Cát bụi lầm, không đâu đăng.
- Truyện ngắn đầu tiên Linh hồn, đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy khoảng tháng 9 tháng 10 năm 1936 (trang 1148-1952).
- Đây là đoạn ông viết về Bỉ vỏ, không giống những điều ông đã viết trong bài Tại sao tôi viết Bỉ vỏ, năm 1938:
"Tôi được sống một cách căn cơ và lại còn được viết, viết đều hơn, viết nhiều hơn!
Tôi sửa chữa lại mấy truyện trong tập "Những linh hồn đau khổ". Tôi viết những truyện mới. Tôi viết bản thảo lần thứ hai, thứ ba, Bỉ vỏ. Và tôi đã gửi bài lên nhà báo trên Hà Nội:Tiểu thuyết thứ bẩy."(trang 1200) (Chúng tôi in đậm).
- Và đây là những dòng ông viết về bài "Tết trong trại trẻ con" mà một người bạn cho ông biết là đã được đăng trên Ngọ Báo 1935:
"Anh đưa cho tôi một tờ báo gấp tư mà hai cột rành rành chữ in có tên tôi dưới một đầu đề rất lạ. Tôi vồ ngay lấy, chỉ một loáng mắt, tôi đọc cả một đoạn đầu, rồi xuống gần hết đoạn cuối. Người tôi như sốt. Bừng bừng hết cả mặt mày và da thịt. Phải! Từng chữ, từng câu một đúng là của tôi mà tôi nhớ lại rành rành. Có khác là bài báo ngắn hơn, ngắn hơn vì bị bỏ một vài đoạn.
"Cảm tưởng của một người học trò nhỏ sau khi thôi học bị tù".
Cái khác chính còn là cái đầu bài trên đây thay đi thành: "Trong trại tù trẻ con".
Bài này tôi đã viết cùng lúc với những truyện ngắn trong tập "Những linh hồn đau khổ". (trang 1215-1216).
Như chúng ta đã thấy ở trên: bài Tết trong trại "trẻ con", được in trên Ngày Nay số 96 (30-1-38). Ở đây biến thành Ngọ Báo năm 1935. Không lẽ bài này đăng hai lần, cùng bị đổi tên như vậy? Báo Ngày Nay có chấp nhận đăng lại như vậy không?
- Trong suốt cuốn hồi ký, không thấy ông nhắc gì đến tác phẩm Những ngày thơ ấu, in trên Ngày Nay từ số 133 (22-10-38) đến số 140 (10-12-38); nên tôi đoán Những linh hồn đau khổ chính là Những ngày thơ ấu, bởi vì được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
- Nhưng lạ nhất là đoạn dưới đây, ông thuật lại việc ông "nhận được thư của Tiểu Thuyết Thứ Bảy", vào đúng thời điểm Tự Lực văn đoàn phát giải thưởng 1937 cho Bỉ vỏ:
"Tôi vẫn vừa dạy học, vừa viết. Vào khoảng tháng bảy năm ấy (1937), tôi nhận được thư đặc biệt của Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Phong bì đã viền xanh, lại còn viền mấy đường chỉ màu, tên và chổ ở nhà báo in rất to. Giấy viết thư thì màu lụa mỡ gà, vân kiểu giấy bạc, mấy đường viền trong đây còn rực rỡ hơn, đúng là băng tam tài, còn cái thư thì như một cái bằng đấu sảo, địa chỉ và tên báo, chức vị chủ báo in toàn chữ nổi đen nhánh. Thư đánh máy, chính ông chủ nhà báo kiêm chủ nhà xuất bản ký tên.
Tôi đã hoa cả mắt, run rẩy cả tay và cả người, đọc đi đọc lại, cố hiểu thật sâu thật hết mọi ý của từng lời từng câu trong thư.
Thư nhà báo hoan nghênh tôi, mong muốn tôi viết tiếp nhiều truyện cho nhá báo. Để đáp lại sự cộng tác chặt chẽ đó, nhà báo sẽ trả tiền bài cho tôi bắt đầu từ ngày viết thư này. A ha! Thế là tôi thành một người viết báo có tiền nhuận bút, một văn sĩ mà các truyện viết ra không phải chỉ được đăng mà còn được trả tiền. Tôi sẽ có thể, rất có thể sống bằng viết báo, viết truyện. Tôi thành văn sĩ nhà nghề. Tôi là trợ bút của hẳn một tuần báo to, có tiếng bên cạnh những văn sĩ có tên tuổi, vào bực đàn anh trong làng văn làng báo lúc bấy giờ! Tôi đã tranh được một sự làm ăn mà bao nhiêu người viết văn khác mơ ưóc, trong số đó có nhiều kẻ đã phải tìm các thứ mánh khoé, mưu mẹo, cày bảy, luồn lọt, chạy chọt, thậm chí bán rẻ cả tài năng của mình để thực hiện ý đồ.
Tôi không khoe việc này với ai cả, kể cả mẹ tôi và em gái tôi. Nhưng có lẽ vì sự sung sướng hân hoan không thể nào không lộ liễu của tôi, và hình như em gái tôi đã đọc trộm đươc bức thư của toà báo ấy, nên cả hai người cũng vui ra mặt, và trong những câu nói với nhau, tôi thấy còn bàn tính cả đến sự sắm sửa chi tiêu của nhà từ nay trở đi. Hơn thế nữa, những bà con xóm lán thân thuộc cũng thì thào và tỏ ý mừng cho sự làm việc chịu thương chịu khó, cặm cụi đêm ngày của tôi đã tới lúc khấm khá (…) Tôi bắt đầu mặc Tây (…) Tôi thôi dạy học, bỏ hẳn nhà, lên Hà Nội. Tôi lên Hà Nội để đi học. Tôi lại đi học." (Trang 1231-1233)
Ngoài mấy chữ Tự Lực văn đoàn được đổi thành Tiểu Thuyết Thứ Bảy, còn tất cả nội dung đoạn văn này xem ra rất thành thực, và cho ta biết, hồi đó giải thưởng Tự Lực văn đoàn có thể thay đổi cuộc đời một nhà văn nghèo như thế nào.
Nguyên Hồng viết hồi ký "cải biến" như thế, có lẽ vì trong thời điểm đó, cái tên Tự Lực văn đoàn gây nguy hiểm cho những người "liên hệ", khiến Những ngày thơ ấu cũng phải đổi tên thành Những linh hồn đau khổ, vì đã đăng trên Ngày Nay.
Bây giờ, thời điểm đó qua rồi, chúng ta nên tái lập sự thật, bởi vì hồi ký Bước đường viết văn của Nguyên Hồng đã tái bản và phát hành rộng rãi.
Đôi dòng về lối viết hiện thực xã hội
Trường phái Hiện thực (Réalisme) phát sinh giữa thế kỷ XIX ở Âu châu, chủ trương trình bày sự vật đúng y như thực tế, không thăng hoa hay lý tưởng hoá và là cha đẻ của trường phái Tự nhiên (Naturalisme).
Hiện thực xã hội chủ nghiã (Réalisme Socialisme) là một chủ nghiã có điều luật quy định, ra đời trong Đại hội nhà văn Liên-xô 1934, chủ yếu đòi hỏi văn nghệ sĩ phải có nhiệm vụ cải huấn và giáo dục người lao động theo con đường xã hội chủ nghiã.
Ở Việt Nam, năm 1943, ông Trường Chinh viết bản Đề cương văn hoá theo tinh thần đó. Nhưng bản Đề cương văn hoá 1943, chưa được quảng bá rộng rãi. Phải đến ngày 19-7-1948, khi ông Trường Chinh đọc bài Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt Nam tại Đại hội văn hoá toàn quốc lần II ở Việt Bắc, thì mọi sự mới rõ ràng: bài này chỉ định đường lối văn nghệ hiện thực xã hội của Việt Nam, gồm các yếu tố: Văn nghệ thi đua, văn nghệ tuyên truyền, phục vụ công nông binh, phân biệt ta-địch, vv… Văn kiện này gây đổ vỡ: Nguyễn Hữu Đang lúc đó còn là cánh tay phải của cụ Hồ, bỏ về Thanh Hóa và sau này ông cầm đầu phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, như ta đã biết.
Nhưng từ thời kỳ đổi mới đến nay, chủ nghiã hiện thực xã hội, không còn được nhắc đến như một quy luật sáng tác nữa, nhà văn có quyền sáng tác theo những chiều hướng khác, tuy nhiên cụm từ "văn học hiện thực phê phán" vẫn còn thông dụng và vẫn được tôn sùng, người ta vẫn cho Nguyễn Công Hoan là chủ soái, mặc dù chữ phê phán hoàn toàn phản văn học, vì nhà văn không phải là quan toà, nhà văn chỉ có nhiệm vụ trình bày hiện thực như đã xẩy ra.
Chủ nghiã hiện thực xã hội, trong thời điểm được áp dụng triệt để tại miền Bắc, đã đưa đến sự độc tôn phái hiện thực và loại bỏ những cách viết khác. Thí dụ Nguyễn Tuân, đã phải từ bỏ những tác phẩm hay nhất của ông như Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Chùa đàn.
Trong bao nhiêu năm ở Pháp, mỗi lần có bạn văn trong nước sang Paris, tôi đều hỏi chuyện văn chương, sự trả lời hầu như bất biến: Chí Phèo của Nam Cao là đỉnh cao.
Sự độc tôn một lối viết, một nhà văn, cũng giống như các sự độc tôn khác, thường đưa đến sai lầm. Vũ Trọng Phụng cũng được lên đài vinh quang, sau những thăng trầm vì lý do chính trị. Nguyên Hồng không có trong bảng vàng này.
Vì vậy, ở đây, tôi muốn so sánh giá trị của Nguyên Hồng với Nam Cao và Vũ Trọng Phụng.
Nguyên do như thế này: Tất cả những kiệt tác của nhân loại đều có khuynh hướng nâng cao đạo đức của con người. Chữ đạo đức ở đây, hiểu theo nghiã triết học, tức là chữ nhân của Khổng Tử, chữ nhân ái trong đạo Phật, đạo Chúa, chữ lương tri trong triết học Kant, chữ lương thức[13] trong triết học hiện sinh. Chữ đạo đức này nằm trong mỗi lựa chọn của con người, đặc biệt nhà văn khi cầm bút. Nói khác đi, nhà văn trong tận cùng chiều sâu của tử tưởng, luôn luôn có tính cách nhân bản.
Vũ Trọng Phụng và Nguyên Hồng
Về Vũ Trọng Phụng, chính tôi cũng bị lầm, nên đã viết những bài khen ngợi quá đáng, sau này đọc lại thấy không đúng, phải rút xuống, không để trên mạng thuykhue.free.fr nữa.
Vũ Trọng Phụng nổi trội trong hai địa hạt: phóng sự và tiểu thuyết. Về phóng sự, trong chương Ngày Nay phóng sự tôi đã chứng minh: Phóng sự của Tam Lang và Vũ Trọng Phụng, dù viết rất sống động, lôi cuốn, nhưng hoàn toàn tưởng tượng (nói nôm na là bịa), nên không thể có giá trị như phóng sự điều tra thực thụ của Trọng Lang. Kết quả, những phóng sự này, vì tưởng tượng, nên sự tố cáo của nó cũng trở thành vô dụng: không ai tố cáo cái điều mình bịa ra.
Còn lại tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, mà hai cuốn tiêu biểu là Số đỏ và Giông tố.
Số đỏ là cuốn tiểu thuyết hoạt kê, có tính sáng tạo. Trước hết, Vũ Trọng Phụng tạo ra hai câu nói đầu lưỡi của cậu Phước (con cầu tự): em chã, em chã, và của cụ cố Hồng (lẩm cẩm): biết rồi khổ lắm nói mãi, hết sức thần tình. Chỉ hai câu này cũng đã tả được bộ mặt lố lăng nham nhở của những nhân vật trong Số đỏ. Hoàng Hải Thủy sau này phổ biến ngôn ngữ Số đỏ thành một thứ "kinh-điển-bình-dân-ngôn-ngữ-miệng".
Nhưng tư tưởng của tiểu thuyết Số đỏ là con dao hai lưỡi: Nếu chủ đề của nó chống lại xã hội lai căng thời Pháp thuộc, qua nhân vật chính Xuân tóc đỏ, ma cà bông, nhờ phong trào bình dân hô hào thể thao, may quần áo mốt, mà trở thành vô địch quần vợt và anh hùng dân tộc, thì Số đỏ còn có một phần giá trị.
Nhưng Số đỏ cũng đem những chủ trương canh tân của Tự Lực văn đoàn ra làm trò cười, thì lại khác: Vũ Trọng Phụng cổ vũ con đường bảo thủ, chống lại tất cả những hình thức tiến bộ mà văn đoàn này đề ra.
Còn lại tiểu thuyết Giông tố.
So sánh Bỉ vỏ của Nguyên Hồng với Giông tố của Vũ Trọng Phụng (hai tác phẩm chính của hai nhà văn hiện thực nổi tiếng, cả hai đều có nhiều tình tiết éo le) ta thấy nghệ thuật của Nguyên Hồng cao hơn Vũ Trọng Phụng rất nhiều.
Sự thăng trầm của Bính, người đàn bà bị hiếp dâm, trở thành con ăn cắp trong Bỉ vỏ, bám chặt tâm ta, bởi vì Bính rất thật, bởi vì Tám Bính sống lại những khổ đau bầm vập của cậu bé Nguyễn Nguyên Hồng từ những ngày thơ ấu.
Còn sự thăng trầm của Thị Mịch, cũng bị hiếp dâm trong Giông tố, khó tin ngay từ đầu:
Tại sao Nghị Hách, tối đó, trên đường về nhà, có mười một nàng hầu trẻ đẹp đang chờ, mà lại đi hiếp dâm Thị Mịch, cô gái gánh rạ bên đường? Hách bị bệnh cuồng dâm chăng, nên mới không "nhịn" được? Tại sao bệnh này không thấy tái phát lần nào nữa?
Nhân vật Nghị Hách xa rời thực tế, vì Việt Nam không có "loại" người nào như thế: Miền Bắc chỉ có một ông tỷ phú Bạch Thái Bưởi, được mọi người kính trọng. Còn các nghị viên chỉ làm bù nhìn, báo Phong Hóa Ngày Nay chế giễu suốt, vì họ không có quyền thế gì cả.
Tính cách ly kỳ quá đáng và hành động đầy sơ hở của Nghị Hách lại nhiều chỗ rất hề. Vũ Trọng Phụng vẽ chân dung các nhân vật bằng cách phóng họa, chứ ông không quan sát thực tế và sống với con người, để tạo thành nhân vật, như Nguyên Hồng.
Vũ Trọng Phụng còn theo quy luật huyết thống (rất cổ hủ): cha tồi sinh con tồi (Long là con Nghị Hách) cha hay sinh con hay (Tú Anh là con Hải Vân). Ta tưởng Vũ Trọng Phụng viết Giông tố để chống Pháp và chế độ thực dân, thực ra ông không chống Pháp: Ông dành cho viên Công sứ những hàng thầm kín khen ngợi. Tất cả xấu xa ông đánh vào đầu Nghị Hách: một viên trọc phú, dân biểu, hiếp dâm thị Mịch, trong một bối cảnh vô lý. Đoạn Hải Vân tố cáo cuộc đời tồi bại hai mươi nhăm năm trước của Nghị Hách, cũng được viết rất tuồng:
"Nghị Hách còn đương trố mắt ngạc nhiên thì bỗng Tú Anh ngã lăn đánh huỵch xuống sàn gác. Cả bọn quay lại… Trên miệng Tú Anh thấy ứa ra một chén máu. Người ta không kịp để ý xem Tú Anh uất mà thổ huyết hay cắn lưỡi tự tử… Nghị Hách chạy lại đỡ Tú Anh dậy, thất thanh kêu:
- Con ơi!… Ối con ơi!…
Nhưng bà Nghị cong cớn:
- Con mày! Thôi đi! …Mày đừng có nhầm!"[14]
Những tình tiết khác trong Giông tố cũng được móc nối hời hợt như thế cả, cho nên Giông tố chỉ là một tiểu thuyết có tình tiết éo le, lôi cuốn, mà thôi.
Nam Cao và Nguyên Hồng
Tác phẩm chính của Nam Cao là Chí Phèo[15] trong đó ông vẽ chân dung Chí Phèo và Thị Nở hết sức độc đáo. Chí Phèo và Thị Nở trở thành biểu tượng của lớp người cùng đinh, bị xã hội khinh rẻ, đàn áp. Câu nói nổi tiếng của Chí Phèo "Ai cho tao lương thiện!" thường được dẫn chứng để cho thấy Chí Phèo phẫn uất, hung bạo, vì bị bóc lột tới cực điểm.
Thực ra, nếu đọc kỹ tác phẩm, ta sẽ thấy Nam Cao không có ý ấy:
Chí Phèo bị bỏ rơi từ thuở lọt lòng, một kẻ thả lươn lượm được, bán cho một người đàn bà goá mù, bà này bán lại cho một bác phó cối. Bác phó chết, Chí bơ bơ, đi ở hết nhà này đến nhà khác. Năm 20 tuổi, Chí làm canh điền cho bá Kiến, được vợ ba bá Kiến gọi lên xoa bụng, đấm lưng… Nghe đồn Chí bị tù, không biết bao lâu. Khoảng bảy, tám năm sau, Chí về làng, trở thành Chí Phèo, say rượu, rặch mặt, chửi đổng cả làng.
Cho tới đây, Nam Cao chưa cho ta thấy Chí Phèo bị ai áp bức gì cả, ngay chuyện đi tù, tác giả cũng lập lờ không cho biết lý do. Chỉ nghe đồn Chí tư tình với vợ ba, hoặc ăn cắp, hoặc cả hai, và xem kỹ ra Bá Kiến cũng không dây dưa gì đến chuyện Chí bị tù.
Giai đoạn hai, Chí Phèo về làng hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều. Rồi say khướt, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến gọi tận tên tục ra mà chửi". Lý Cường, con trai bá Kiến đi về, thấy thế tát cho một cái. Hai bên đấm đá nhau. "Bỗng "choang" một cái… hắn đập cái chai vào cột cổng… Hắn vừa chửi vừa kêu làng như bị người ta cắt họng. Ồ hắn kêu!
- Ối làng nước ơi! Cứu tôi với… Ối làng nước ôi! Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi! Thằng lý Cường nó đâm chết tôi rồi, làng nước ôi!… Và họ thấy Chí Phèo lăn lộn dưới đất, vừa kêu, vừa lấy mảnh chai cào vào mặt. Máu ra loe loét trông gớm quá!"
Màn này cho ta thấy rõ: Chí Phèo vừa đánh trống vừa ăn cướp. Những vết cào trên mặt hắn là do hắn tự làm. Không ai cào hắn. Bố con bá Kiến vô can.
Nhưng Bá Kiến khéo léo, biết dây với thằng khùng vô ích, nên thu xếp, cho hắn tiền, thỉnh thoảng sai hắn làm mấy việc mờ ám: đòi nợ hoặc đe dọa đánh đấm ai. Theo "nhận định" của Thị Nở khi nhìn Chí Phèo ốm nằm vật ra: "Muốn ác, phải là kẻ mạnh. Hắn đâu còn mạnh nữa… Xưa nay hắn chỉ sống bằng nghề giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà dật cướp, dọa nạt thì ra sao?", ta lại thấy rõ thêm "lối sống" của Chí Phèo: Hắn đàn áp người chứ hắn không bị người ta đàn áp.
Màn cuối cùng càng tỏ rõ bản chất của Chí Phèo. Lần này, hắn lại đến nhà bá Kiến sinh sự. Bá Kiến đã để sẵn năm hào để cho và chửi:
"Rồi ném bẹt năm hào xuống đất, cụ bảo hắn:
- Cầm lấy mà cút đi đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à?
Hắn trợn mắt, chỉ tay vào mặt cụ:
- Tao không đến đây xin năm hào.
Thấy hắn toan làm dữ, cụ đành dịu giọng:
- Thôi cầm lấy vậy, tôi không còn hơn.
Hán vênh cái mặt lên, rất là kiêu ngạo:
- Tao đã bảo tao không đòi tiển
- Giỏi! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế thì anh cần gì?
Hắn dõng dạc:
Tao muốn làm người lương thiện!
Bá Kiến cười ha hả:
- Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.
Hắn lắc đầu:
- Không được! Ai cho tao lương thiện! Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có một cách… biết không!… Chỉ có một cách là… cái này! Biết không!…
Hắn rút dao ra, xông vào. Bá Kiến ngồi nhỏm dậy. Chí Phèo đã văng dao tới rồi. Bá Kiến chỉ kịp kêu một tiếng. Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to." [16]
Màn án mạng này soi rạng toàn diện con người Chí Phèo: chính hắn tự rạch mặt, rồi đổ vạ. Hắn lại còn hỏi: Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Như thể bá Kiến bắt hắn làm bậy, nên mới bị người ta chém nát mặt. Sự thực thì Chí Phèo thường đến nhà bá Kiến vòi tiền uống rượu. Lần này hắn dở chứng, không lấy tiền, mà giết bá Kiến.
Màn Chí Phèo giết Bá Kiến trên đây là một màn sát nhân vô cố, khác hẳn màn Năm Sài Gòn giết Ba Bay trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng: Năm Sài Gòn giết Ba Bay vì y cướp tay trên món mồi của y, mà trong giới anh chị, tội phản bội không tha thứ được. Năm cũng chỉ đòi cái ví tiền, nếu Ba Bay thả cái ví ra, chưa chắc đã chết.
Còn bá Kiến – dù có làm những việc ám muội – đối với Chí Phèo, vẫn là "ân nhân". Không có chi tiết nào chứng tỏ bá Kiến đáng tội chết, và cũng không có bằng chứng nào cho thấy Chí Phèo bị bóc lột tàn nhẫn.
So sánh với Bỉ vỏ của Nguyện Hồng, riêng việc sát nhân thôi, Chí Phèo cũng không thể bằng Năm Sài Gòn: Năm giết người có lý do, còn Chí Phèo giết người không có lý do. Và làm sao so sánh Chí Phèo với Tám Bính được? Sự khác biệt là như thế: Tám Bính có lòng nhân ái, là nạn nhân của một gia đình độc ác, một xã hội mù loà, rơi vào tay bọn côn đồ, nhưng vẫn luôn luôn muốn ngoi lên để trở về với cuộc đời lương thiện.
Cho nên, nếu coi Chí Phèo là nhân vật tiêu biểu cho những người cùng đinh bị bóc lột là lầm.
Nhược điểm chính của Nam Cao là đây: Với Chí Phèo, ông mô tả sự tàn ác vô cố. Bởi không có lý do gì khiến Chí Phèo phải tàn ác. Y tàn ác, vì y khùng hoặc vì y lựa chọn như thế: Chí là một chàng lực điền, mạnh mẽ, có thể tìm được việc, có thể làm ăn lương thiện, nhưng y đã chọn sai đường, nên phải vào tù, rồi sau, y thích theo bá Kiến, thích làm việc ác. Thế thôi.
Trong truyện ngắn Nghèo[17], Nam Cao mô tả cảnh anh đĩ Chuột vì nghèo đói và ốm đau, treo cổ tự tử. Một hành động có thể hiểu theo hai nghĩa: hoặc anh hy sinh để vợ con sống còn, hoặc anh ích kỷ, chỉ muốn thoát thân, để vợ một mình, đương đầu với nghịch cảnh. Dù trong trường hợp nào, anh đĩ Chuột cũng chưa đến nỗi phải tự hủy như thế, vì anh vẫn còn có vẻ "khoẻ mạnh", tức là anh vẫn ăn cơm được, vẫn đi lại được. Nhược điểm ở đây là thiếu quan sát và không xác định được lý do tự tử.
Trong truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó[18] Nam Cao trình bày một người cha tàn ác, ích kỷ, tồi bại, thèm rượu, bẫy giết con chó nhà, rồi mời bạn đến đánh chén, nhưng nhẫn tâm ăn nhẵn hết cả một con chó mà không để lại một miếng cho vợ con, đang đói, chờ dưới bếp. Không hiểu tác giả muốn nói gì với truyện ngắn này?
Truyện ngắn Cái chết của con Mực[19] hoàn toàn vô luân: người con cả là Du, đi xa, sắp về, bà mẹ quyết định để dành con chó Mực (mà Du là chủ cũ của nó) làm tiệc mừng. Nam Cao tả tỷ mỷ việc giết con Mực: phải dụ nó, bẫy nó, đánh đập tàn nhẫn đến ba lần trong hai ngày (vì nó thoát ra được) với những hình ảnh cực kỳ dã man, mới giết được con Mực. Chủ, con ở và lũ trẻ đều góp phần vào cuộc hành hạ, sát sinh con vật trung thành, không ai có chút động lòng. Nhưng kinh hoàng nhất là chính Du cũng có ý tưởng quái đản này: "Sau cùng thì chàng bực mình: chàng nhận thấy rằng một con chó đã làm mất sự bình tĩnh của tâm hồn chàng. Và đột nhiên chàng muốn giết con Mực lắm. Chàng muốn có đủ can đảm để giết người. Phải dám giết mà không run tay khi cần phải giết. Còn làm được trò gì nữa nếu chỉ giết một con chó mà tim cũng đập"[20]
Có thể vì thế mà Vũ Ngọc Phan không đưa Nam Cao vào bộ Nhà văn hiện đại. Dù sao chăng nữa, chúng ta cũng nên tương đối hóa giá trị hiện thực của Nam Cao, bởi vì ông đã viết những đoạn văn dã man vô cố.
Nguyên Hồng có truyện ngắn Con chó vàng (in trong tập Những ngày thơ ấu) hay vô cùng. Ông thuật truyện hai đứa trẻ ăn cắp, thằng Điều và thằng Tý, theo dõi một ông già ăn mày mù, để cướp cái bị quần áo có gói tiền. Nhưng chúng không thể hành sự được vì con chó vàng dắt chủ đi ăn xin rất khôn ngoan, không cho ai đến gần chủ nó để giật cái bị. Nó can trường bảo vệ chủ đến cùng, đến khi nó bị bọn ăn cắp đánh bả chết. Ông già mù khóc nấc lên, nằm lăn bên xác chó, cái bị cũng lăn ra. "Một luồng khí lạnh chạy ran khắp người Điều. Điều run cầm cập lùi dần bước. Thì nhanh như cắt, Tý sáu đến cướp cái bị". Linh hồn con chó đã đột nhập vào thằng ăn cắp, chạy ran khắp người nó, bắt nó phải tức thời sám hối.
Vì vậy, tôi xin nói lại một lần nữa: Tính nhân bản trong tác phẩm của Nguyên Hồng nổi trội hơn tất cả các tác giả hiện thực khác, cùng thời.
Việc đề cao quá đáng một số tác giả như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài… và không nhân diện đúng mức những tác phẩm có giá trị của Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển… là rất đáng tiếc. Chưa kể những tác phẩm "ngoài lề" như tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, viết về những ngày sôi bỏng Hà Nội đào hầm sửa soạn chiến tranh, trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội và kịch Những người ở lại, cũng của Nguyễn Huy Tưởng nói lên suy tư của những trí thức lựa chọn ở lại trong thành.
Vấn đề ở đây là vẫn theo lối mòn, đề cao văn học hiện thực phê phán mà Nguyễn Công Hoan là chủ soái. Không phân biệt giá trị hay dở của tác phẩm, tác giả. Đánh đồng các nhà văn có trình độ khác nhau. Co cụm lại trong một số tên tuổi được "chính thức" công nhận. Bỏ qua những mảng văn học lớn như Tự Lực văn đoàn, Văn học miền Nam.
Đất nước thống nhất đã gần nửa thế kỷ, chúng ta cần chấn chỉnh lại cách làm văn học, thì mới mong có được cái nhìn toàn diện về văn học Việt Nam, một nền văn học cực kỳ đa dạng với những tác giả và tác phẩm giá trị.
(Còn tiếp)
Thụy Khuê
thuykhue.free.fr
[1] In trên Ngày Nay số 32 (1-11-36) và số 33 (8-11-36), 34 (15-11-36), 35 (22-11-36).
[2] Chồng Con, nxb Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2000, trang 77.
[3] Chồng Con, trang 111.
[4] Chồng Con, trang 197.
[5] Chồng Con, trang 268.
[6] Cùng giải với kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc và tập thơ Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính được khuyến khích (Ngày Nay số 80, 10-10-37).
[7]Tết trong trại "trẻ con", Ngày Nay số 96 (30-1-38); Cơm tây… một xu, Ngày Nay số 97 (18-2-38); Tại sao tôi viết Bỉ Vỏ, Ngày Nay số 104 (3-4-1938); Hai nhà nghề, Ngày Nay số 122 (7-8-38); Bài tường thuật Khương Hữu Tài diễn thuyết (về truyện Kiều), Ngày Nay số 131 (8-10-38); Những ngày thơ ấu, in từ Ngày Nay số 133 (22-10-38) đến số 140 (10-12-38); Tết của người đi đầy, Ngày Nay số 149, Báo Xuân (15-2-39).
[8] Tức là bản Hồn bướm mơ tiên, in lần đầu năm 1933. Bản này chỉ có tám chương. Khi tái bản, Khái Hưng đã sửa lại câu văn và tăng thành 9 chương.
[9] Nguyễn Thạch Kiên, Đốt lò hương ấy…, in trong tập Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, cuốn 1, nxb Phượng Hoàng, Cali, 1997, trang 16-17.
[10] Mi-nơ tiếng Pháp là mineurs, trẻ vị thành niên
[11] Lời giới thiệu Những ngày thơ ấu của Thạch Lam, trên Ngày Nay số 133 .
[12] Chúng tôi dùng bản Bước đường viết văn in năm 1970 của nhà xuất bản Văn Học, in lại trong bộ sưu tập Những tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh, từ trang 1108 đến trang 1365, tài liệu của Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội.
[13] Chữ conscience tiếng Pháp có hai nghiã: lương tâm và ý thức. Sartre chủ trương: ta phải vận hành cả lương tâm lẫn ý thức trong mỗi lựa chọn. Điều này ngụ ý ta không thể chọn cái ác. Và đó là giá trị đạo đức của triết học hiện sinh, mặc dù Sartre vô thần.
[14] Giông tố, Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập I, nxb Văn Học, Hà Nội, 1996, trang 477.
[15] Chí Phèo, tên cũ là Đôi lứa xứng đôi, nxb Đời Mới, 1941, in lại trong Tuyển tập Nam Cao, tập I, nxb Văn Học, Hà Nội, 1987.
[16] Chí Phèo, Tuyện tập Nam Cao, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1987, tập I, trang 130-131.
[17]Nghèo ký tên Thúy Rư, in trên Tiểu thuyết thứ bày, số 158 (5-6-37), in lại trong Tuyển tập Nam Cao, tập I, trang 73).
[18] In trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 444 (19-12-42), in lại trong Tuyển tập Nam Cao, tập I.
[19] Ký tên Xuân Du, in trên Hà Nội Tân Văn (14-5-40), in lại trong Tuyển tập Nam Cao, tập I.
[20] Cái chết của con Mực, Tuyển tập Nam Cao, tập I, nxb Văn Học, Hà Nội, 1987, trang 95.
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-39/
..
2.
Trả lờiXóaTrả lời Lại Nguyên Ân
Thụy Khuê
Paris ngày 1-10-2021
Anh Lại Nguyên Ân thân mến,
Tôi cũng ngần ngại khi viết những dòng này bởi vì tôi không thích tranh luận[*], những bài tôi đã viết, chỗ nào sai, bạn đọc chỉ, tôi sẵn sàng sửa lại, không có vấn đề gì. Hoặc cả những bài đã viết ngày trước, nay đọc lại thấy có chỗ không đúng, tôi cũng rút khỏi Internet.
Nhưng vì anh là người bạn quen đã gần 30 năm nay, nên tôi không thể không trả lời.
Chỉ xin vắn tắt, bởi không muốn làm mất thì giờ của độc giả, vì vậy xin đi thẳng vào đề: