Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

12/08/2021

Olympic Tokyo 2020 (2021) cho phép nhìn ngang liếc dọc : Việt Nam và thế giới

Thế vận hội tổ chức ở Tokyo đã kết thúc vào ngày 8/8/2021 sau hơn 2 tuần sôi động. Nhớ về nó, chúng ta liền mường tượng đến một kì thế vận hội mà:

- do covid-19, đã lùi thời gian tổ chức xuống 1 năm (lẽ ra là 2020),

- lùi xuống 1 năm rồi mà cũng dăm lần bẩy lượt tưởng là hủy hay lùi tiếp xuống năm 2022,

- lần đầu tiên không có khán giả,

- giường ở phòng ngủ của vận động viên được làm bằng giấy (một kĩ thuật kiểu Nhật Bản, cũng là để ứng phó với covid),

- Mĩ và Trung Quốc chiếm ngôi đầu và á quân về số huy chương,

- Việt Nam cử một đoàn chưa tới 20 tuyển thủ, và không mang về được một tấm huy chương nào (xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hay kình ngư Ánh Viên đều dừng bước sớm; ấn tượng để lại là nữ điền kinh họ Quách).

Bây giờ, là những suy ngẫm hậu thế vận hội. Đây là thời điểm được thế vận hội cho cơ hội để cùng nhau nhìn lại các vấn đề, không chỉ thể thao, mà lớn hơn là toàn cảnh về đất nước và con người Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai gần.

Mở đầu là bài của bác Trần Văn Thọ.

Các cập nhật sẽ dán dần lên ở bên dưới.

Tháng 8 năm 2021,

Giao Blog

---  


Thứ năm, 12/8/2021, 00:05 (GMT+7)

Olympic và sức mạnh quốc gia

Trần Văn Thọ

Trần Văn Thọ

Giáo sư kinh tế, Đại học Waseda

Cuối cùng, Tokyo Olympic đã được thực hiện, và tôi tự hỏi: Việt Nam ta bao giờ có thể tổ chức được Thế vận hội?

Tokyo Olympic bế mạc hôm 8/8 ghi dấu vào lịch sử. Đây là lần đầu tiên sự kiện không có người xem ở các trường đấu, lễ khai mạc, bế mạc và không có giao lưu giữa cầu thủ nước ngoài với người dân nước chủ nhà.

Trong tình hình dịch lan rộng thì hoặc là không tổ chức hoặc phải tổ chức trong điều kiện đặc biệt như thế. Đã có 11.000 tuyển thủ của 205 nước và vùng lãnh thổ tham gia. Tuy một số tuyển thủ nước ngoài sau khi đến Nhật bị phát hiện nhiễm Covid-19 và phải bỏ cuộc, nhưng tất cả các trận đấu đã diễn ra như kế hoạch.

Tôi xem hết lễ khai mạc, đặc biệt chú ý mục tuyển thủ các nước lần lượt tiến vào lễ đài. Sắc màu trang phục, cách biểu lộ tinh thần đồng đội, nét mặt hân hoan được tham gia trong sự kiện quốc tế nhiều ý nghĩa của mỗi nước mỗi khác. Nhưng điểm tôi chú ý nhất là số tuyển thủ của các nước. Có nước hùng hậu tới trên 500 người, có nước chỉ vài vận động viên. Dĩ nhiên có nước nhỏ nước lớn và điều đó phản ánh trong sự kiện quốc tế này.

Nhưng nói vậy chưa đủ. Vì có nhiều nước nhỏ về quy mô kinh tế nhưng tuyển thủ khá đông. Có lẽ có ba yếu tố quyết định điều này: Quy mô dân số, trình độ phát triển phản ánh trên thu nhập đầu người và những yếu tố khác như lịch sử, địa lý và nhất là chính sách, chiến lược thể thao của mỗi quốc gia. Yếu tố thứ ba giải thích số tuyển thủ tương đối đông của nhiều nước Phi châu, châu Mỹ Latin và Đông Âu dù dân số rất ít và trình độ phát triển chưa cao. Số tuyển thủ đông đảo còn phản ánh khả năng tham gia thi đấu ở nhiều chủng loại, hạng mục thể thao.

Tôi thấy số tuyển thủ tham gia gần như tương ứng với thành tích đạt được. Những nước có tuyển thủ đông nhất là Mỹ (657), Nhật (600), Australia (468), Trung Quốc (420) đều trong nhóm sáu nước đoạt nhiều huy chương nhất. Các nước khác thuộc top 10, gồm Anh, Nga, Hà Lan, Pháp, Đức và Italy cũng có tuyển thủ đông đảo. Chỉ 10 nước này đã đoạt tất cả 203, chiếm 60% tổng số huy chương vàng.

Tôi đặt ra vấn đề này và đưa ra ba yếu tố ở trên cũng là để suy nghĩ về trường hợp Việt Nam chúng ta. Kỳ này, Việt Nam chỉ có 19 tuyển thủ tham gia và rất tiếc không đoạt huy chương nào. Nhìn từ hai yếu tố, dân số và trình độ phát triển - đã đạt mức trung bình, cũng như vị trí ngày càng cao trên các diễn đàn chính trị kinh tế khu vực và thế giới, vị trí của Việt Nam ở Olympic thật quá nhỏ. Việt Nam lại ở tương đối gần Tokyo. Nhiều nước xa xôi tận Phi châu như Uganda hay Trung Nam Mỹ như Guatemala có số dân chỉ bằng nửa hay 1/5 của Việt Nam và thu nhập đầu người ít hơn nhiều, nhưng tuyển thủ tham gia xấp xỉ Việt Nam.

Số tuyển thủ quá ít của Việt Nam có thể giải thích bằng yếu tố thứ ba nói trên. Chúng ta mới có hòa bình hơn 30 năm nay và phải ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu khác. Nhưng cũng khách quan nhìn lại thì thấy Việt Nam chưa cố gắng đúng mức để phát hiện tài năng trẻ, để đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực thể thao. Trong tương lai, nếu kinh tế phát triển mạnh mẽ và có chính sách chấn hưng thể thao, tăng thể lực người dân, tôi hy vọng vị trí của Việt Nam ở các Thế vận hội tương lai sẽ khác.

Nhìn lại lịch sử Olympic khoảng 60 năm gần đây, ta thấy những nước được tín nhiệm đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế này đều đã kinh qua một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, báo hiệu thời đại mới sắp tới. Trước hết là Nhật Bản với Tokyo Olympic năm 1964. Lúc đó, Nhật đang ở vào giữa giai đoạn phát triển thần kỳ - trung bình tăng trưởng 10% mỗi năm kéo dài gần 20 năm, từ 1955 đến 1973.

Tiếp theo Nhật, 24 năm sau là Seoul Olympic 1988. Hàn Quốc trở thành nước công nghiệp mới năm 1979 và tiếp tục phát triển với tốc độ cao để 9 năm sau tổ chức sự kiện quốc tế quan trọng này. Mùa hè năm 1986, lần đầu tiên thăm Hàn Quốc, tôi chứng kiến không khí tưng bừng, hồ hởi và tự tin của người dân đang chuẩn bị cho Seoul Olympic. Hai mươi năm sau là Beijing Olympic 2008. Trung Quốc đang ở vào giữa giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hai năm sau đó vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.

Được đăng cai tổ chức Olympic có thể không phải là mục tiêu của quốc gia nhưng sự kiện quan trọng đó nói lên một trong những thành quả của phát triển. Để có thể tổ chức thành công Thế vận hội hiện đại với sự tham gia của cả vạn tuyển thủ đến từ trên dưới 200 nước và vùng lãnh thổ phải có năng lực tài chính và kỹ thuật, công nghệ, quản lý để xây dựng cơ sở hạ tầng phức tạp, đa dạng, bảo đảm an toàn các đấu trường cho hàng chục chủng loại thể thao. Yếu tố quan trọng không kém là khả năng bảo đảm an toàn cho tuyển thủ và du khách trong hơn hai tuần của Olympic, là sự hiếu khách thể hiện ở văn hóa của thị dân, ở tổ chức, sinh hoạt kinh tế, xã hội của thành phố. Olympic không chỉ là sự kiện thể thao lớn của nhân loại mà còn là một sự kiện kinh tế, chính trị.

Việt Nam thì sao? Nếu đặt mục tiêu trở thành nước tiên tiến vào năm 2045 thì khoảng cuối thập niên 2030, tức gần 20 năm nữa, Việt Nam phải đủ năng lực để tổ chức sự kiện quốc tế lớn này dù trên thực tế Hà Nội, TP HCM hay Đà Nẵng, Hải Phòng có giành được thắng lợi trong cuộc cạnh tranh đăng cai tổ chức Olympic hay không.

Hiện các Olympic đến năm 2032 đã được quyết định. Paris 2024, Los Angeles 2028, Brisbane 2032 và Istanbul đang nhắm Olympic 2036. Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Ấn Độ có thể sẽ tranh nhau đăng cai tổ chức Olympic 2040?

Hơn 10 năm trước, Việt Nam đã đạt mức phát triển trung bình thấp. Nếu việc phủ vaccine được tiến hành nhanh đến đại đa số dân chúng và nạn dịch căn bản được khắc phục, kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo của những năm trước 2020 và Việt Nam sẽ đạt mức phát triển trung bình cao vào giữa hoặc nửa sau thập niên này.

Nhưng từ phát triển trung bình cao tiến lên hàng một nước tiên tiến không dễ, đòi hỏi những cải cách sâu rộng, mạnh mẽ về thị trường vốn, thị trường đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, chấn hưng khoa học công nghệ, cải cách hành chính liên quan tiền lương và chế độ tuyển chọn quan chức các cấp.

Những cải cách này là tiền đề để các nguồn lực được phân bổ hiệu quả, để khoa học, công nghệ được ứng dụng rộng rãi, chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với những thay đổi của khoa học, công nghệ. Và từ đó, năng suất lao động tăng vượt bậc so với các giai đoạn phát triển trước.

Đây cũng là những tiền đề để có thể tổ chức Olympic vào khoảng năm 2040.

Trần Văn Thọ
https://vnexpress.net/olympic-va-suc-manh-quoc-gia-4339194.html









---


CẬP NHẬT


1.


Bế mạc Olympic Tokyo và những điều nghĩ về Việt Nam


Vũ Kim Hạnh

Đọc báo Trung Quốc, ta thấy họ nhận xét Việt Nam thật phũ phàng: “Cả châu Á chỉ có mình Việt Nam trắng tay. Họ sang Olympic chỉ để du lịch”

Nhiều báo VN đã hạ những câu hằn học vì kỷ lục cao nhất “từ dưới đếm lên” của VN. Các nước đi thi, thắng thua chắc cũng có nghĩ đến thể diện quốc gia nhưng họ không “đằng đằng sát khí” muốn “ăn tươi nuốt sống quân thù” như anh bạn TQ. (TT) hai chữ viết tắt của “Thể Thao” không lẻ chỉ có thể phiên ra thành (TT) của Thành Tích?

Tất cả phải chăng chỉ là sản phẩm của một nền giáo dục chạy theo thành tích bằng mọi giá, từ trong gia đình đến trường học đến trường đời.

Nhà báo Cao Huy Thọ của báo Tuổi Trẻ trong bài báo: “Phần nhiều do giáo dục mà ra” đã nhắc nhẹ: …Chúng ta không ưa Trung Quốc nhưng ngày càng giống Trung Quốc. Xem Olympic, đa số VĐV các nước dù thất bại thì họ sau một thoáng buồn là tươi cười chúc mừng đối thủ. Còn Trung Quốc, thi đấu cứ như đi đánh nhau giành đảo (trên biển Đông?). Nên VĐV nào thất bại là báo chí và mạng XH TQ bừng bừng tức giận, trút hết những lời mắng nhiếc (với cặp đôi thất bại ở chung kết bóng bàn đôi nam nữ, đội tuyển bóng đá nữ, đội tuyển bóng chuyền nữ…) bằng những lời nặng nề như là phản quốc, nhục nhã…

May mà cả nước VN đang tập trung với con virus Corona Delta, chẳng mấy nhớ đến “kỷ lục ngược” của ta lần này nên ông sếp Văn Thể Du tạm yên. Nhưng như số phận đã xếp rất đúng rằng ông là tổng tư lệnh Văn-Thể, thì nền giáo dục thế nào cuối cùng sẽ dẫn đến nền thể thao thế đó.

8 giờ (Nhật) tức 18 giờ VN tối ngày 8/8, chúng ta đã xem Lễ Bế mạc Thế vận hội (TVH) Tokyo trên kênh VTV6.

Nhật Bản đã tổ chức một TVH công phu, tuyệt vời mà cũng đầy tranh cãi.

Các nhà tổ chức cho biết màn trình diễn thể thao kéo dài 17 ngày là sự thách thức của thế giới đối với virus, nhưng tất cả các cuộc thi đều …không có khán giả.

Kết quả về số huy chương: Mỹ hiện dẫn đầu, thắng Trung Quốc trong cuộc đua giành huy chương vàng.

THẾ VẬN HỘI CHẠY ĐUA VỚI COVID 19

TVH kết thúc mà những cảm xúc lẫn lộn, giằng xé giữa nên tổ chức TVH hay không, do tình hình Covid, cứ kéo dài trong người dân Nhật Bản cho đến lúc kết thúc.

Người dân nước chủ nhà, linh hồn của TVH đã biến mất suốt cuộc tranh tài. Có đến gần 70.000 tình nguyện viên sôi nổi, hữu ích, cẩn trọng và lịch sự, nhưng họ không đủ để lấp đầy khoảng trống.

Tờ Channel News Asia đã phỏng vấn một số cư dân về TVH này. Nozomi Seki, cư dân Tokyo, cho biết: “Tôi cảm thấy thực sự sai lầm khi tổ chức Thế vận hội vì Nhật Bản chưa hoàn thành việc tiêm chủng cho hầu hết dân số, và nhiều sự kiện và hoạt động trong nước đã bị hủy bỏ. Số ca nhiễm trùng ở Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng hầu hết (các kênh trên) TV chỉ chiếu Thế vận hội thay vì thảo luận về tình trạng COVID, điều này đôi khi khiến tôi khó chịu. Thế nhưng mà…khi các vận động viên giành được huy chương phát biểu đánh giá cao việc Thế vận hội diễn ra, thì tôi cảm thấy bớt giận dữ hơn với chính phủ”.

Nhật Bản hiện đang ghi nhận mức trung bình gần 13.000 trường hợp nhiệm bệnh, chỉ trong bảy ngày, một mức cao chưa từng có.

Còn cô Kio Iwai cho biết “rất vui mừng” khi Tokyo được chọn đăng cai Thế vận hội. Cô đã cố gắng đạt được vai trò là trưởng nhóm dịch vụ ngôn ngữ tại Sân vận động Quốc gia Yoyogi. Tuy nhiên, sau đó, do bịnh tiểu đường, mà chưa được tiêm phòng trước TVH, cô đành từ bỏ vị trí tình nguyện viên. Và rồi cô bày tỏ cực kỳ vui vẻ thích thú khi ngồi nhà lại được xem mọi trận đấu trong thời gian thực. “ Tôi đặc biệt thích môn thể thao leo núi vì tôi đã trải nghiệm leo núi cùng các đồng nghiệp của mình”. Vậy nhưng cuối cùng cô vẫn kết luận: Thế vận hội không nên được tổ chức vì …tôi lo Covid.

TVH VẪN LÀ MỘT MÙA ‘DU LỊCH VUI VẺ’

Tuy nhiên, sự nhiệt tình của người daân nói chung với Thế vận hội là điều vẫn không thể phủ nhận. Họ xếp hàng dài dọc theo khu nhà chờ đợi đến lượt mình chụp ảnh các vòng tròn Olympic bên ngoài Sân vận động Quốc gia. Hàng trăm người đứng dưới nắng gắt theo dõi sự kiện đua xe đạp BMX tại Công viên Thể thao Đô thị Ariake ngày 1/8. Khi các xe bus chở các vận động viên và giới truyền thông nước ngoài len lỏi qua các con đường địa phương, họ mỉm cười, chỉ tay và vẫy tay.

Các vận động viên hết lời khen các tình nguyện viên.

Ông Yuta Namai, đến từ tỉnh Kanagawa, mô tả Thế vận hội là một “giải đấu tuyệt vời”.

Anh ấy lưu ý rằng anh ấy đã cảm nhận được “sức mạnh của thể thao” thông qua Thế vận hội. Sự thành công của các cầu thủ nước ngoài cũng tạo cho thể thao một hình ảnh thật là ấn tượng,” anh nói. “Thành thật mà nói, ban đầu tôi đã nghi ngờ. Nhưng bây giờ tôi nghĩ đăng cai Thế vận hội là điều rất tốt, thấy các vận động viên các nước chiến đấu hết mình, thật đáng cảm phục và xúc động. Đó là vẻ đẹp của thể thao.

OLYMPIC VỚI VIỆT NAM.

Bây giờ quay lại Việt Nam.

Đọc báo Trung Quốc, ta thấy họ nhận xét Việt Nam thật phũ phàng: “Cả châu Á chỉ có mình Việt Nam trắng tay. Họ sang Olympic chỉ để du lịch”

Nhiều báo VN đã hạ những câu hằn học vì kỷ lục cao nhất “từ dưới đếm lên” của VN. Các nước đi thi, thắng thua chắc cũng có nghĩ đến thể diện quốc gia nhưng họ không “đằng đằng sát khí” muốn “ăn tươi nuốt sống quân thù” như anh bạn TQ. (TT) hai chữ viết tắt của “Thể Thao” không lẻ chỉ có thể phiên ra thành (TT) của Thành Tích?

Tất cả phải chăng chỉ là sản phẩm của một nền giáo dục chạy theo thành tích bằng mọi giá, từ trong gia đình đến trường học đến trường đời.

Nhà báo Cao Huy Thọ của báo Tuổi Trẻ trong bài báo :” Phần nhiều do giáo dục mà ra” đã nhắc nhẹ: …Chúng ta không ưa Trung Quốc nhưng ngày càng giống Trung Quốc. Xem Olympic, đa số VĐV các nước dù thất bại thì họ sau một thoáng buồn là tươi cười chúc mừng đối thủ. Còn Trung Quốc, thi đấu cứ như đi đánh nhau giành đảo (trên biển Đông?). Nên VĐV nào thất bại là báo chí và mạng XH TQ bừng bừng tức giận, trút hết những lời mắng nhiếc (với cặp đôi thất bại ở chung kết bóng bàn đôi nam nữ, đội tuyển bóng đá nữ, đội tuyển bóng chuyền nữ…) bằng những lời nặng nề như là phản quốc, nhục nhã…

May mà cả nước VN đang tập trung với con virus Corona Delta, chẳng mấy nhớ đến “kỷ lục ngược” của ta lần này nên ông sếp Văn Thể Du tạm yên. Nhưng như số phận đã xếp rất đúng rằng ông là tổng tư lệnh Văn-Thể, thì nền giáo dục thế nào cuối cùng sẽ dẫn đến nền thể thao thế đó.

Vâng, khi bọn trẻ đến trường chả có sân chơi thể thao; Đất công viên ngày càng teo tóp nhường cho “phân lô bán nền”; Số trẻ béo phì và suy dinh dưỡng ngày càng nhiều; Sức khỏe người dân vẫn kém, tuổi đột quỵ ngày càng trẻ…thì dẫu có những chiếc huy chương “ăn may” hay “tình cờ” cũng đâu hứa hẹn điều gì?

V.K.H.

https://vietluan.com.au/52278/be-mac-olympic-tokyo-va-nhung-dieu-nghi-ve-viet-nam

..


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.