Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

03/07/2021

Văn nghệ Thứ Bảy : quốc kì Việt Nam trên sân giải đấu EURO 2020 (2021)

Quốc kì, tức National Flag, là biểu tượng của quốc gia.

Việt Nam là quốc gia không tham dự EURO. Dĩ nhiên rồi.

Việt Nam là quốc gia không thuộc châu Âu. Dĩ nhiên rồi.

Thế tại sao lại có rất nhiều quốc kì Việt Nam trên sân của giải đấu EURO 2020 đang diễn ra ở châu Âu vào mùa hè 2021 này ?

Giả như có một lá thôi, thì còn có thể chấp nhận được. Đây lại đem quốc kì của một quốc gia không liên quan đến EURO 2020 và châu Âu treo ở nhiều chỗ trên sân như vậy, là sao đây ?





Tin tức từ các nơi.

Tháng 7 năm 2021,

Giao Blog






---




Những từ khóa "Việt Nam", "cờ đỏ sao vàng" được người hâm mộ bóng đá thế giới tìm kiếm sau khi quốc kỳ Việt Nam nhiều lần lọt vào ống kính máy quay.

Tối 2/7, khi trận cầu giữa tuyển Tây Ban Nha và Thụy Sĩ tại sân vận động Saint Petersburg (Nga) đang diễn ra, Việt Nam bất ngờ lọt top từ khóa có lượng tìm kiếm tăng đột biến trên Google.

Suốt thời gian diễn ra trận bóng, cụ thể vào khoảng 1h-1h30 (giờ Việt Nam), cụm từ "Vietnam" được cộng đồng mạng các quốc gia như Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Mỹ, Pháp... tra cứu với số lượng lớn.

Lượng tìm kiếm cho từ khóa "Vietnam" tăng đột phá do sự xuất hiện của lá cờ đỏ sao vàng trên khán đài. Ảnh chụp màn hình.







Lượng tìm kiếm cho từ khóa "Vietnam" tăng đột phá do sự xuất hiện của lá cờ đỏ sao vàng trên khán đài. Ảnh chụp màn hình.

Bên cạnh đó, các từ khóa liên quan như "red flag yellow star" (cờ đỏ sao vàng), "Vietnam flag Euro" (cờ Việt Nam tại Euro) cũng được tìm kiếm với tần suất tăng chóng mặt.

Nguyên nhân là sự xuất hiện của những lá cờ đỏ sao vàng trên SVĐ Saint Petersburg. Quốc kỳ Việt Nam xuất hiện ở 3 khu vực khán đài, dễ thấy nhất là ở khán đài giữa.

"Người hâm mộ mang quốc kỳ Việt Nam đến sân vận động Saint Petersburg (còn được gọi SVĐ Krestovsky hoặc nhà thi đấu Gazprom) ở trận tứ kết UEFA Euro 2020 giữa Thụy Sĩ và Tây Ban Nha". Ảnh: Stanislav Krasilnikov/Getty.



"Người hâm mộ mang quốc kỳ Việt Nam đến sân vận động Saint Petersburg (còn được gọi SVĐ Krestovsky hoặc nhà thi đấu Gazprom) ở trận tứ kết UEFA Euro 2020 giữa Thụy Sĩ và Tây Ban Nha". Ảnh: Stanislav Krasilnikov/Getty.





"Người hâm mộ mang quốc kỳ Việt Nam đến sân vận động Saint Petersburg (còn được gọi SVĐ Krestovsky hoặc nhà thi đấu Gazprom) ở trận tứ kết UEFA Euro 2020 giữa Thụy Sĩ và Tây Ban Nha". Ảnh: Stanislav Krasilnikov/Getty.

Đây không phải lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở Euro 2020. Tại một số trận đấu khác như giữa tuyển Hà Lan gặp Cộng hòa Czech, hay trận Ba Lan đối đầu với Thụy Điển, camera đài truyền hình đều ghi nhận hình ảnh quốc kỳ Việt Nam xuất hiện trên khán đài.

https://zingnews.vn/cum-tu-viet-nam-lot-top-trending-sau-tran-tu-ket-euro-2020-post1234180.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews


..

Luôn có chỗ cho những "người ngoài" ở EURO

Thùy Dương-Thứ bảy, ngày 03/07/2021 13:53 GMT+7

Hình ảnh quốc kỳ Việt Nam xuất hiện trên nhiều khán đài sân St Petersburg.

VTV.vn - Trong khi bất cứ nhà tổ chức nào cũng mong muốn quốc tế hóa một sự kiện đình đám, khán giả góp mặt được làm những điều không bị cấm - và sự tự tôn dân tộc là 1 ví dụ.

Trận đấu giữa ĐT Thụy Sỹ - ĐT Tây Ban Nha tại tứ kết EURO 2020 đã khép lại với tấm vé đi tiếp dành cho đội tuyển xứ sở đấu bò. Một cuộc đọ sức không nhiều bàn thắng song vẫn gay cấn tới những phút cuối cùng.

Hết trận đấu, thay vì tập trung nói về cú sút mở điểm của Jordi Alba, về bàn gỡ hòa Shaqiri thế nào, hay vẻ mặt tiếc nuối của các cầu thủ Thụy Sỹ ra sao sau loạt luân lưu thất bại… thì một chi tiết khiến người hâm mộ quan tâm hơn cả, đó chính là… những lá cờ.

Không khó để nhận ra trên khán đài sân St Petersburg (Nga) tung bay quốc kỳ Việt Nam – thậm chí, còn nhiều hơn cả 2 đội bóng đang thi đấu dưới sân. Theo Google Trend, lượng tìm kiếm về từ khóa "lá cờ đỏ" và "Việt Nam" tăng đột biến sau trận đấu giữa Thụy Sỹ - Tây Ban Nha.

Tôi có những người bạn mê âm nhạc – và có điều kiện, tất nhiên. Họ sẵn sàng đi khắp thế giới để tham dự những sự kiện lớn nhất, mà dám chắc rằng không phải ai cũng có thể đặt chân tới. Hành trang mà họ không bao giờ quên mang theo, đó chính là quốc kỳ Việt Nam, để nó luôn được tung bay trên mọi cung đường từng qua - Và, thứ mà họ nhận được là gì ư? – Những kỷ niệm về một hành trình của bản thân, cũng như tự hào nói lên mình tới từ đâu.

Sau mỗi lần như thế, ít ai nhớ tên họ - những người châu Á với những cái tên khó đọc, nhưng sự hiện diện của Việt Nam, của cờ đỏ sao vàng, thì chắc hẳn không dễ quên. Đó hoàn toàn là sự lựa chọn, không phải một sứ mệnh bắt buộc, nhưng những người bạn của tôi đều vui mừng khi được làm điều đó.

Trong thế giới ngày càng phẳng, bất cứ nhà tổ chức nào cũng đều nỗ lực để quốc tế hóa một sự kiện, mong muốn sự xuất hiện tất cả mọi người từ 4 bể 5 châu. Bóng đá không ngoại lệ. EURO không phải cuộc chơi của riêng châu Âu nữa mà mở rộng ra là những màn trình diễn, những bữa tiệc bóng đá thu hút sự quan tâm của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Trở lại với SVĐ St Petersburg (Gazprom Arena), của Nga - quốc gia có khoảng hơn 100.000 người Việt đang sinh sống và làm việc, không khó đoán sự xuất hiện của những người Việt Nam trên khán đài một sự kiện lớn như EURO. Rồi trước khi vào sân, họ hiển nhiên đã phải trải qua các bước kiểm tra an ninh nghiêm ngặt mà ở đó quốc kỳ Việt Nam, không phải là thứ bị cấm, thì mới có thể tung bay khắp các góc sân St Petersburg đến như vậy.

Bóng đá trên hết là gắn kết cảm xúc của mọi người suốt 90 phút trên sân. Chúng ta có thể vui vì đội mình ủng hộ chiến thắng, buồn khi đội bóng đó thất bại… cũng như luôn có chỗ cho niềm tự hào vẫy cờ tổ quốc mình ở 1 ngày hội quốc tế vậy, dù họ, những người mang quốc kỳ Việt Nam tới sân, có vì mục đích ghi dấu ấn bản thân, hay chỉ đơn giản nói lên nơi họ tới, trong một sự kiện tầm cỡ đi chăng nữa.

https://vtv.vn/xa-hoi/luon-co-cho-cho-nhung-nguoi-ngoai-o-euro-20210703122420302.htm

..

---


CẬP NHẬT


5.

Posted on 


Mấy hôm nay mạng xã hội rộ lên chuyện quốc kỳ Việt Nam được treo tại khán đài Gazprom Arena, thành phố St. Petersburg trong trận Thụy Sĩ – TBN, Euro 2020. Chuyện có lẽ đã không ầm ĩ nếu không “được” mấy vị nhà báo, bình luận viên truyền hình bốc lên thành “xúc động đến nghẹn ngào”, “Tự hào quá”, “Cộng đồng mạng xúc động” …

Dân tình chia làm 2 phe, một bên chê bai, chỉ trích, bên kia ủng hộ. Có rất nhiều lời chỉ trích  nặng nề, coi việc mang quốc kỳ vào phô trương tại một sự kiện mà Việt Nam không liên quan, là một sự ăn theo vô duyên… Người ủng hộ cũng đưa ra những lí giải của mình

Vậy đánh giá việc này thế nào? Tốt hay xấu, khen hay chê? Theo tôi, khen hay chê phải dựa vào tiêu chí, có luận cứ, chứ không thể theo cảm tính. Có một vài câu hỏi đáng quan tâm:

Câu hỏi thứ nhất: liệu có đáng tự hào xuất hiện quốc kỳ Việt Nam tại khán đài trong một trận đấu quốc tế mà Việt Nam không tham dự, nhất là khi truyền hình quốc tế quay đi quay lại? Tôi nghĩ là không! Thường người ta tự hào khi làm được một kì tích, điều khác thường mà người khác không làm được. Việc một vài người Việt mua được vé, mang cờ vào sân rồi treo đâu có phải là cái gì ghê gớm để đáng tự hào. Và nếu nó được coi là niềm tự hào dân tộc thì phải chăng niềm tự hào của người Việt quá tầm thường? Chẳng có lí do gì để tự hào!

Câu hỏi thứ hai: có được mang quốc kỳ Việt Nam vào treo trong sân?  Tôi nghĩ là được! Đánh giá hành động không nên dựa vào cảm tính, cách nhìn chủ quan.

Đứng về lý: cái gì pháp luật, ban tổ chức không cấm người ta hoàn toàn có quyền làm.

Đứng về tình, việc làm này có vô duyên hay không? Để đánh giá hiện tượng cụ thể này có lẽ cũng nên phân biệt một trận đấu của WC hay Euro với một trận đấu ở cấp độ khác. WC, Euro không đơn thuần chỉ là các trận đấu giữa các đội mà còn là ngày hội bóng đá. Nhớ lại WC 2018, tôi thấy ngày hội bóng đá này không chỉ diễn ra trên sân cỏ. Nó còn được diễn ra trên khán đài, bên ngoài sân, tại các khu fan fest hay những nơi khác. Fans bóng đá đến từ đủ các nước, họ nhảy múa, hò hét .. Trên các khán đài có đủ các loại cờ: cờ các nước, các địa phương, câu lạc bộ yêu thích. Một trận chỉ có 2 đội bóng, cờ nhiều nước thì giải thích thế nào? Đơn giản vì đây là ngày hội, mỗi người có thể phất, treo cờ để thể hiện là “chúng tôi cũng có mặt và tham gia ngày hội. Chẳng ai thắc mắc, chẳng ai chê bai là vô duyên, “ăn ké”. Tất nhiên một trận bóng tại WC, Euro cũng khác một trận đá cup hay giải vô địch trong nước, một giải Euro tổ chức tại một nước cũng có khác  tổ chức tại nhiều nước.

Cờ Mỹ trên tại WC 2018

Còn đánh giá theo cảm tính thì mỗi người một các suy nghĩ khác nhau, triệu người triệu góc nhìn. Đây là thí dụ về góc nhìn của một người Nga có mặt trên sân viết cho bạn/đối tác ở VN. Ví dụ này cho thấy không phải ai cũng phê phán chê bai việc treo cờ Việt Nam tại Euro.

Ở nước Nga mọi người đều nhớ Việt Nam! Mọi người treo cờ để Việt Nam mở cửa biên giới! Vì điều này, hôm nay chúng tôi đã làm chai cô nhắc

Вo России все соскучились по Вьетнаму! Все вешают флаги, чтобы открыли границу во Вьетнам! Мы сегодня за это выпили бутылку коньяка.” (tạm dịch: Ở nước Nga mọi người đều nhớ Việt Nam! Mọi người treo cờ để Việt Nam mở cửa biên giới! Vì điều này, hôm nay chúng tôi đã làm chai cô nhắc)

Ta chỉ nên hiểu, đây là hiện tượng của một nhóm người có cách nghĩ và cách thể hiện những suy nghĩ riêng của mình. Không hơn không kém. Không cần cực đoan hóa vấn đề.

Cái đáng nói ở đây, theo tôi không phải là chuyện treo cờ tại sân mà cái văn hóa “ngạo nghễ” hiện khá phổ biến ở người Việt hiện nay. Hiện tượng này xuất hiện khá thường xuyên trên báo chí, truyền hình. Người ta dễ dàng phong nhau thành anh hùng, dễ tự hào, tự ru ngủ mình bằng những điều đơn giản được nâng lên thành kì tích. Chuyến bay “ngạo nghễ” đón 30 công dân Việt từ Vũ Hán về nước năm trước, “đường Hồ Chí Minh trên không” mấy ngày hôm nay là những ví dụ minh chứng. Và cũng vì cái văn hóa “ngạo nghễ” ngất ngây với chiến thắng trong việc chống dịch covid 19 mà Việt Nam đã bắt đầu muộn trong việc mua vắc xin, không có chiến lược và chuyển bị sẵn sàng khi tình huống dịch bệnh thay đổi, chiến lược truy tầm đuổi bắt không còn thích hợp.

Tôi cứ nghĩ, tại sao ở người Việt lại xuất hiện cái văn hóa này? Nguyên nhân từ đâu ra? Có ai đó cho đó là bệnh thành tích, chắc cũng có phần đúng. Nhưng còn nguyên nhân khác, có lẽ quan trọng hơn. Đó là mặc cảm (complex) tự ti dân tộc. Bên trong là mặc cảm về sự yếu kém, sợ người khác coi thường nên bên ngoài phải lên gân, cố thể hiện mình. Hiện tượng này gần giống với cảnh người Nga thời đất nước còn khó khăn ra nước ngoài, nhất là những người từ các vùng quê đi lần đầu. Nhiều người trang điểm rất nặng, ăn mặc phô trương, dây vàng đeo cổ to như dây xích … Có lẽ họ sợ bị coi thường nên cố thành như vậy. Khi đất nước phát triển, dần dần phong cách cũng thay đổi, ăn mặc trở nên bớt diêm dúa, điềm đạm hơn.

Cái giá trị nó nằm ở chiều sâu bên trong chứ không phải bởi tấm áo lòe loẹt bên ngoài. Còn nhiều thí dụ khác tương tự. Có lẽ việc một số người Việt treo cờ, livestream hôm rồi cũng xuất phát từ tâm lí này? Và cả những chê bai nặng nề, sợ người nước ngoài chê cười cũng vậy?

Đất nước phát triển, vị thế người Việt trong con mắt người nước ngoài đã tăng và sẽ còn tiếp tục tăng. Hy vọng trong một tương lai không xa, người Việt không cần treo cờ, phô trương  một cách thái quá, không cần phải “ngạo nghễ” nhưng vẫn được bạn bè tôn trọng và yêu quí. Đó mới là giá trị thực mà chúng ta cần tiến tới.

Moscow những ngày Euro 2020

https://boristonguyen.wordpress.com/2021/07/06/chuyen-co-do-sao-vang-tai-euro-2020-van-hoa-ngao-nghe-hay-la-mac-cam-tu-ti-dan-toc/





4.

Đêm qua mỗi trận chỉ xem được 15 phút.
Chán không muốn xem vì quan sát mãi trên khán đài vẫn không thấy... cờ Việt Nam. Chờ mãi cũng không thấy bình luận viên VTV thốt lên: "Đã nhìn thấy quốc kỳ Việt Nam ngạo nghễ trên khán đài!"
Hình như bình luận viên VTV cũng mất khí thế nên giọng có vẻ mệt mỏi. Sự hun đúc bản sắc văn hoá dân tộc của các bình luận viên VTV bị giảm sút đáng kể. Đội nào thắng thì cũng chẳng liên quan gì đến ý chí Việt Nam, cho nên... chán! Ngủ thôi...
"Vào, vào rồi!!!". Mụ vợ và thằng con thét lên. Tôi mở mắt ra nhưng không buồn nhìn đội nào đã sút vào. Mụ vợ vỗ vào mặt bảo: "Dậy xem, hay lắm anh!" Tôi nhắm mắt lại: "Hay cái con khỉ! Không thấy cờ Việt Nam, không muốn xem!"
Mụ vợ thô lố mắt nhìn mặt tôi. Mụ sờ trán xem bị sốt không rồi hỏi: "Hôm nay bị ngáo à?". Tôi lắc đầu: "Hạ sốt hết cỡ rồi. Có cờ Việt đâu mà ngáo? Đội nào thắng cũng không liên quan đến ý chí và sức mạnh Việt Nam thì ngáo cái gì?"
Mụ vợ nghĩ sao lại xuống giọng an ủi: "Thôi, đừng buồn. Có lẽ anh em phe ta đã hết tiền mua vé". Tôi trợn mắt: "Hết là hết thế nào? Cả châu Âu bị suy thoái kinh tế nghiêm trọng, trong khi ta vẫn tăng trưởng hàng đầu. Nhà nhà thi nhau đóng quỹ chống dịch. Đến một bà lão 80 còn đóng được 40 triệu, một em bé 5 tuổi còn đóng lên đến 100 triệu. Chẳng nhẽ một thanh niên không đủ tiền mua vé xem một trận bóng?"
Tôi quyết ngủ chứ không xem. Lòng tự trọng dân tộc, tình yêu Tổ quốc cứ trào lên cổ họng. Tức vì không thấy cờ Việt Nam trên sân cỏ châu Âu. Tôi ngủ vùi. Một canh, hai canh, lại ba canh... Cho đến khi mơ thấy cờ đỏ sao vàng thì thức dậy. Không buồn đánh răng, rửa mặt. Cả ngày, mụ vợ cứ cười khinh khỉnh. Tôi hỏi: "Sao lại cười? Mụ bảo: "Trông anh giống con bò, bò đỏ á!"
Tôi ghét không thèm nhìn mặt mụ ta. Quân thù địch!
Chu Mộng Long
-----
Hình ảnh trận trước. Thật nuối tiếc một đêm huy hoàng rồi chợt tắt.

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4841778829169655


3.

Gã vốn dễ dãi nên giản đơn nghĩ, người Việt xa quê đa số làm lụng vất vả dành chút tiền eo hẹp mua vé bóng đá,cảm thấy vui với việc này nên muốn tỏ ra niềm vui ấy cùng lá cờ quê hương, thế thôi.
Chả có gì mà ầm ĩ.
Truyền thông và dư luận nước ngoài chỉ tỏ ra ngạc nhiên sự kiện bóng đá Euro xứ trời Tây lại có nhiều cờ Việt Nam chứ không bất cứ dòng nào phê phán, châm chọc, mỉa mai hết. Vì họ cũng rất Dân chủ tôn trọng Tự do biểu lộ tình cảm của người khác với quốc kì. Như báo Tây Ban Nha Elindependiente có bài viết mang tiêu đề: "Bí ẩn trận đấu giữa Tây Ban Nha với Thụy Sĩ: Tại sao trên khán đài lại có cờ Việt Nam?".
Trong bài viết này, tác giả viết: "Một trận đấu diễn ra tại sân Krestovski ở Saint Petersburg, điều khiến mọi người rất ngạc nhiên khi những lá cờ phổ biến nhất không phải của Tây Ban Nha hay Thụy Sĩ... mà là của Việt Nam. Ít nhất bốn lá cờ của quốc gia châu Á này được nhìn thấy từ truyền hình... Sự thật là dường như không có bất kỳ mối tương quan nào giữa Việt Nam và các đội chơi". Và chỉ thế thôi.
Còn trên mạng xã hội Twitter, nhiều người hâm mộ bóng đá châu Âu cũng bình luận về sự kiện mà họ cho là lạ này.
Tài khoản Todd Wilde viết: "Việt Nam thi đấu tại Euro từ khi nào? Tôi đã bỏ lỡ một cái gì đó ở đây chăng? Chỉ tính riêng một đầu này đã có không dưới 5 lá cờ Việt Nam cắm xuống, và tôi đã nhìn thấy hai lá cờ nữa ở nơi khác trong tầm nhìn của ống kính truyền hình!".
Tài khoản Michael Church viết:"Tôi không biết tại sao lại có cờ Việt Nam ở đó... Điều này cho thấy người Việt Nam là những người hâm mộ bóng đá lớn. Ở đây tôi không kể đến một số ít người hâm mộ đã nhận được vé xem trận đấu và ra ngoài để thể hiện mình với thế giới". Nữ CĐV Soph viết: "Tại sao lại có nhiều cờ Việt Nam như vậy ở Euro 2020?". CĐV Seiya Kojima đến từ Nhật Bản cũng ngạc nhiên đặt câu hỏi: "Tôi thấy lá cờ Việt Nam ở trận đấu giữa Tây Ban Nha với Thụy Sĩ tại Euro 2020. Ai có biết điều này là như thế nào không?".
Chỉ là như thế.
Trong khi đó thì sự kiện này lại bị phê phán không ít trên mạng XH quê nhà.
Gã chủ quan lý giải thế này chả biết trúng, trật sao.
-Đa số khó chịu với bình luận viên khi chính trị hoá chuyện vui nho nhỏ của người xa quê đẩy lên thành cái gọi là "niềm tự hào dân tộc". Lố quá, ta cứ chửi thằng nói lố là đủ. Phê bà con mình xa quê muốn có chút vui ít ỏi của mình, tội nghiệp bà con.
-Do nhiều lý do, không ít người Dân bất bình với thể chế mà lá cờ là biểu tượng của thể chế ấy, nên thấy khó chịu với ai đó tung hô quá mức và không đúng chỗ cái lá cờ đỏ này.
Gã đang ở bản Lướt để trốn dịch và hoàn thành vài cuốn sách ấp ủ bấy lâu, viết xong cái "tút"này thì thấy mấy nàng Thái lướt qua. Gã níu các nàng lại xin ... ôm ké và chụp ké vài kiểu hình.
Tạ Biên Cương ơi, nếu chộp được, gã cầu xin Tạ Biên Cương thân mến chớ có gào lên: Tự hào quá giai... Kinh ơi!
Khổ thân gã.

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2995389074119643&id=100009457401127




2.

---
“Hình ảnh thú vị đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện trên khán đài VCK EURO 2020.” (Vietnamnet)
“Điều đó cho thấy, tình yêu dành cho bóng đá của người Việt không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.” (Vietnamnet)
“Trong số hơn 6 vạn fan, có cả những khán giả Việt Nam với lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên khán.” (Vietnamnet)
“Anh Dũng (?) ạ, có một điều tôi muốn nói là tôi rất xúc động khi chứng kiến lá cờ Việt Nam trên khán đài sân Saint Petersburg.” “Lá quốc kỳ phải nói là được treo ở một vị trí rất đặc biệt.” (Mr Tạ Biên Cương, đại ý, không chính xác câu chữ nhưng nói đi nói lại rất nhiều lần.)
Trong khi đó, nhiều người trên mạng lại cho rằng việc mang cờ tới khán đài một giải đấu không có đội tuyển Việt Nam tham dự là “kỳ quặc”, “vô duyên”, “chẳng có gì đáng tự hào”, “lạc lõng”…
Một Facebooker viết: “Thú thật, nhìn thấy 3, 4 lá cờ khá to của một nước không liên quan đến giải Euro nằm giữa khán đài B và xung quanh trên sân St. Petersburg khá kỳ quặc. Ngay cả 2 đội đá trên sân là Thụy Sĩ và Tây Ban Nha cũng chỉ có 1 lá cờ nhỏ treo khiêm tốn 1 góc.
Các BLV nhà đài thấy tự hào về chuyện này. Mình thì chỉ thấy kỳ quặc, không lý giải nổi.”
“Nói thật, tui cảm thấy chẳng có chút gì tự hào khi xuất hiện quốc kỳ VN trên khán đài EURO. Đại tiệc của người ta,mang cờ vào đó tôi thấy lạc lõng và vô lý hơn là hứng thú với điều đó. Thật ra đó là kiểu tư duy ăn ké,...” một facebooker khác viết.
Về vấn đề này, mình chia sẻ một số ý sau đây:
1. CÓ AI MANG CỜ NHƯ MẤY CỔ ĐỘNG VIÊN VIỆT NAM KIA KHÔNG?
Câu trả lời là có. Có nhưng không phải là chuyện phổ biến.
Cho nên mấy bạn “anti” nói là “không có ai làm như vậy” là không đúng.
Người hâm mộ từ các nước không có đội tuyển tham dự tại các giải đấu như World Cup, Euro… thi thoảng cũng mang cờ của họ lên khán đài treo chơi. Các “tiểu quốc bóng đá” dường như càng có ham muốn đó. Có thể thấy mấy nước kiểu như Trung Quốc, Việt Nam, Uzbekistan… thường có người mang cờ đi xem Euro, World Cup dù không có đội tuyển của họ tham dự.
Dân đến từ các nước bóng đá mạnh như Brazil, Anh, Pháp… thì rất hiếm khi mang cờ tới các giải đấu mà đội tuyển của họ không tham gia, nhưng việc mang theo biểu tượng quốc gia in trên áo, mũ… thì khá phổ biến.
Nói tóm lại, mang cờ mình đi treo tại mấy giải đấu đó đúng là kiểu “ăn ké” thôi. Nó cũng giống như livestream của chị Hằng hàng trăm ngàn người đang xem, có ông nội thẩm mỹ viện lên spam quảng cáo và để lại số điện thoại vậy.
Đó chính xác là ké fame!
2. MANG CỜ NHƯ VẬY CÓ ĐƯỢC PHÉP KHÔNG?
Ban tổ chức các giải đấu thể thao như World Cup và Euro nói chung “say no” với chính trị. Nhưng việc kiểm soát chủ yếu là đối với vận động viên và thành viên đội bóng tham gia.
Khán giả thì thoải mái hơn. Họ có thể mang biểu tượng, khẩu hiệu chính trị tới sân. Nhiều người mang theo khẩu hiệu “giải phóng Palistine”, “tự do cho Tây Tạng”… hay khẩu hiệu “Hãy gạt chính trị ra khỏi trận đấu” (giữa các trận đấu có Iran, Mỹ hoặc Bắc Triều Tiên… chẳng hạn).
Người Argentina đi xem bóng đá (tất nhiên là ở World Cup nơi đội tuyển của họ luôn có mặt) thì thường mang theo các khẩu hiệu liên quan tới quần đảo Malvinas (mà người Anh đang kiểm soát với tên gọi Falkland) treo lên như một tuyên bố chủ quyền.
Cá nhân mình đã đi hơn 10 cái sự kiện cả World Cup và Euro, chưa thấy các khẩu hiệu chính trị liên quan đến Việt Nam nhưng cờ, mũ cối và hình lãnh tụ thì nhiều.
(Tới đây, mình phân vân nếu trên khán đài xuất hiện các hình ảnh “không thân thiện với chính quyền Việt Nam” thì các BLV và nhà đài sẽ xử lý như thế nào? Có lẽ sẽ cúp các đoạn đó đi.)
Tất nhiên là khẩu hiệu cũng vừa phải, ôn hòa, còn nếu gây hấn quá thì bị dẹp ngay.
Một điểm cần lưu ý là treo cờ treo quạt thì phải đúng nơi chốn. Treo che hết các biểu tượng giải đấu, bảng quảng cáo, tầm mắt của người xem là bị dẹp.
Tóm lại, mang cờ, cũng là một biểu tượng chính trị, đi treo trong sân là được phép nhưng không phải muốn treo đâu thì treo. Thêm nữa, cuộc chơi của người ta mà mình "áp đảo" quá thì cũng ngộ! Hic!
3. CỔ ĐỘNG VIÊN CÁC NƯỚC THƯỜNG MANG GÌ?
Cổ động viên các nước có đội tuyển thi đấu thì mang theo cờ, áo, mũ, hình cầu thủ ngôi sao… và các biểu tượng, các niềm tự hào của nước họ.
Chẳng hạn người Hà Lan mang theo hình cô gái vắt sữa bò, người Pháp mang theo hình con gà trống hoặc cái bánh mì baguette, người Argentina mang theo hình Maradona, Messi và Giáo hoàng Francis…
Cổ động viên Anh có lẽ đặc biệt nhất. Bên cạnh các biểu tượng “quốc gia đại sự” thì rất nhiều người mang theo cờ của các đội bóng quê nhà. Đó không nhất thiết phải là Arsenal, Man United, Chelsea,… mà là các đội bóng nơi khu phố của họ, nơi mà mỗi chiều cuối tuần họ có thể tới làm vài ly bia, xem thằng bạn hàng xóm đá, xem ông HLV đồng thời là thầy giáo trường làng đứng chỉ đạo.
Nhiều người mang theo hình ảnh hoặc viết lên những câu rất vui. “Vợ tôi gọi điện bảo sắp sinh, nhưng tôi nói với cô ấy tôi còn bận xem World Cup,” (tiếng Anh thì ngắn hơn, nhưng đại khái là xem bóng đá quan trọng hơn vợ đẻ), “Cesc ơi, cưới em đi!” (Cesc là một cầu thủ Tây Ban Nha), “Robben chỉ là một hòn đảo” (cái này hồi World Cup 2010 ở Nam Phi, Robben là cầu thủ xuất sắc của Hà Lan đồng thời cũng là tên một hòn đảo nổi tiếng, nơi Nelson Mandela từng bị giam cầm. Ý nói Robben ạ, cậu giỏi thì giỏi nhưng đội chúng tôi sẽ cô lập cậu ngay. Rất chi là thông minh!)…
Mình cũng để ý thấy hầu như không nước nào, kể cả có đội tuyển tham dự lẫn không, mang theo hình lãnh tụ, tướng tá, các nhân vật chính trị.
Việc mang theo hình lãnh tụ lên khán đài chủ yếu xuất hiện ở những nhóm cổ động viên các quốc gia quân chủ thần quyền như người Thái mang hình vua hoặc một số nước có tệ sùng bái lãnh tụ. (Ngoại lệ: Hình Nelson Mandela khi World Cup diễn ra ở Nam Phi và trong giai đoạn nhà lãnh đạo này đang bệnh nặng như một sự tôn vinh, tri ân và cầu nguyện.)
Thử tưởng tượng khán đài World Cup trong trận đấu giữa Iran và Mỹ, bên này là hình George Washington, Abraham Lincoln… bên kia là hình Sayyid Ruhollah Khomeini, Ali Khamenei… hay một trận khác có Kim Jong-il, Kim Jong-un rồi trận khác nữa có Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… Người Pháp thì mang theo Charles de Gaulle, người Anh thì mang theo Nữ hoàng Elizabeth II hay Winston Churchill…
Khi đó, Mỹ sẽ tận dụng tối đa các cú sút xa kiểu Tomahawk, Iran thì đánh hai biên bằng các vụ đột kích cảm tử, Trung Quốc thì dùng chiến thuật biển người lấy thịt đè người (nhưng hỡi ôi mỗi bên đều chỉ 11 cầu thủ!), thủ quân Bắc Triều Tiên hơi mập nhưng không ngại chơi bạo lực và không ngừng ăn vạ!
World Cup mới máu lửa làm sao!
4. NIỀM TỰ HÀO HAY NỖI ÁM ẢNH?
Các quốc gia có đội tuyển tham dự lần đầu, như người Panama lần đầu tiên có mặt ở World Cup 2018, dù thua “sặc gạch” nhưng vẫn có quyền tự hào và hầu như ai cũng chia sẻ với họ điều đó.
Còn lý do để những “tiểu quốc bóng đá” tự hào, hãnh diện nơi giải đấu mà họ không có mặt khó hiểu hơn nhiều.
Tự hào về điều gì? Về chuyện mình có tiền đi xem World Cup? Cái đó đáng tự hào về mặt cá nhân thật, nhưng nếu coi đó là một niềm tự hào quốc gia như anh bình luận viên kia không ngớt nức nở thì quả là bay bổng quá.
Ở một khía cạnh khác, sự xuất hiện này dường như mang theo nỗi ám ảnh, tự ti nhiều hơn là tự hào: ám ảnh được nhìn thấy, được biết đến, được có mặt, được chứng minh (Chứng minh gì? Xin thưa, chúng tôi muốn chứng minh với thế giới rằng “đất nước tôi, nhân dân tôi cũng yêu bóng đá không kém quý vị” như báo Vietnamnet viết. Chứng minh vậy để làm gì? Tại sao phải chứng minh? Lâu nay bị ai khinh là không yêu bóng đá rồi ấm ức hả? Đi mà hỏi Vietnamnet!).
Khi ta cần, ta khát khao ai đó nhìn thấy ta, biết đến ta, “à, nó cũng có mặt kìa”, “nó cũng tồn tại kìa”, thì bao hàm trong đó là sự tự ti, đặt ta thấp hơn cái người ban chứng chỉ thừa nhận kia.
Cá nhân mình, khi nhìn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, hay nón lá hay một cái gì đó liên quan tới Việt Nam, trực tiếp hay qua ti vi (trên khán đài các giải đấu không có đội tuyển Việt Nam), thì trong đầu hiện lên một vài từ khóa: thông tin, quen thuộc, tin tức, tò mò.
Thông tin: Hình ảnh đó cung cấp cho mình thông tin ở đó có người Việt hoặc có gì đó liên quan đến Việt Nam đang hiện diện.
Quen thuộc: Nhìn những hình ảnh nước mình thì hiển nhiên là có cảm giác quen thuộc.
Tin tức: Đó là một thông tin, nhưng nó có thể là tin tức (để đăng báo) được không? Đó là một câu hỏi bình thường của một phóng viên.
Tò mò: Họ là ai? Họ đến đây bằng cách nào? Họ mua vé loại gì? Hết nhiêu tiền?
Trong những từ khóa đó, không hề có “tự hào”, và tất nhiên cũng không có “tự nhục”.
5. MANG THEO THỨ GÌ?
Mang theo thứ gì đi xem World Cup, Euro (những giải đấu không có Việt Nam tham dự) là quyền cá nhân của mỗi người, miễn sao nó phù hợp với quy định của nơi mà họ đến.
Mình không phán xét chuyện đó.
Tuy nhiên, mình có thể nói mình thích hoặc không thích điều gì.
Mình không thích quảng bá hình ảnh Việt Nam như là một đất nước “chỉ biết đánh nhau giỏi” (thông qua các hình ảnh và thông điệp làm liên tưởng đến chiến tranh, chứ không phải cờ).
Bây giờ thế giới phẳng, kết nối mạng phà phà nên việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa các nước rất dễ. Tuy nhiên, rất nhiều người nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam thì trong đầu họ vẫn hiện lên vài từ khóa cơ bản: “Hold She Ming”, “Pằng pằng pằng”, “America”…
Cái này phổ biến ở lớp bình dân, nhưng cũng hiển hiện ở tầng lớp elite. Bạn có thể thấy thi thoảng các nhà báo Tây viết về Việt Nam thường kèm các câu viết mà có lẽ chính bản thân họ cũng không chắc chắn là gì, chẳng hạn: “Đất nước có lịch sử gần đây rất hỗn loạn…”
Hồi mình đi Sri Lanka (không liên quan bóng đá), cậu tài xế buổi sáng tới đón mình đi tác nghiệp, vừa rời khỏi khách sạn bèn bảo: “Để tao chở mày ngang qua nhà người bạn của mày.” Mình ngạc nhiên: “Bạn nào?” Cậu nói: “Tao đùa. Đó là kẻ thù. Ý tao là đại sứ quán Mỹ.” Mình cười ha ha: “Thù hằn quái gì giờ này nữa. Giờ ở nước tao người Mỹ hà rầm.”
Nhiều cổ động viên bóng đá, khi thấy mình thì bèn giơ nắm đấm và chào: “Kung fu! Kung fu!” Mình đáp: “Không phải Kung fu!” Họ bèn nói: “Níp Pông! Níp Pông!” Mình đáp: “Không phải Níp Pông!” Họ bèn đoán tiếp: “Kò Ria! Kò Ria!”. Mình mất kiên nhẫn bèn nói: “Tao là người Việt Nam!” Mấy lần thì mấy người kia đều: “Wow, Việt Nam, Hold She Ming! Pằng pằng!” Rồi giơ tay làm bộ đang cầm súng.
Tùy theo người tiếp nhận mà câu chào này sẽ được hiểu như thế nào.
Người thì vỡ òa: “Ôi, họ hâm mộ ta, họ hâm mộ Hold She Ming, hâm mộ Việt Nam đánh nhau giỏi! Thế nên lần sau đi ta bèn đội mũ cối, quàng khăn rằn theo cho dễ nhận diện thương hiệu!”
Mình thì nghĩ trong đầu: Mấy ông nội này chắc xem phim Hollywood nhiều bị nhiễm, thấy Việt Cộng toàn là mấy ông ốm nhom ốm nhách ở trong rừng bị Rambo tỉa từng phát một đây mà!
Xin thưa, cộng sản quê tao bây giờ đi Bentayga, đeo đồng hồ Patek Philippe và đang uống vang trong nhà hàng Guy Savoy đằng kia kìa! Xem bóng đá ở sân Parc des Princes thì họ ngồi phòng lounge chứ không thèm đặt đít trên mấy cái ghế gập ngoài khán đài đâu (tất nhiên mình nói vậy với zero niềm tự hào). Khi nào tới Việt Nam, tao dắt đi vũ trường nha, ở đó mà pằng pằng!
Nói cho vui thôi, chứ mình thấy phản ứng của nhiều người nước ngoài, đến tận hôm nay, là chỉ dấu cho thấy thành công vượt bậc của việc không ngừng quảng bá thương hiệu chiến tranh của Việt Nam, đồng nghĩa với sự thất bại trong việc quảng bá Việt Nam như là một thương hiệu của hòa bình.
Sự quảng bá chiến tranh ấy bên cạnh Hollywood và bộ máy tuyên truyền của nhà nước, có đóng góp không nhỏ của những người bình thường với hình ảnh mũ cối, những câu chuyện chiến tranh mà họ luôn mang theo và chia sẻ với bạn bè quốc tế mỗi khi ra nước ngoài xem bóng đá.
6. TÓM LẠI?
Đi xem bóng đá mang gì theo, treo gì lên cũng được miễn không vi phạm luật chơi. Nhưng rưng rưng với lại tự hào thì nghe lố quá! Tự nhục cũng không nên!
Thêm nữa, đi coi đá bóng, dù có đội tuyển Việt Nam, mà hát đi hát lại "đấu tranh giành toàn vẹn non sông" với lại "kháng chiến đã thành công" nghe không hợp lắm.
---
Ảnh:
1. Cờ Việt Nam treo trên khán đài trận chung kết World Cup 2010 giữa Hà Lan và Tây Ban Nha. Trong ảnh là một ông Hà Lan đang buồn vì thua trận.
2. Cờ Uzbekistan được cổ động viên mang vào sân Saint Petersburg hồi World Cup 2018.




https://www.facebook.com/mitodohung/posts/10165342207995612





1.

Vấn đề người VN mình mang cờ tổ quốc đi cổ vũ Euro hay bất kỳ giải thể thao nào khác tôi thấy chỉ mang ý nghĩa đơn giản vậy thôi. Ông nào k tự hào thì kệ các ông. Những người ở trên khán đài đó họ tự hào, những người như chúng tôi chỉ được xem bóng qua TV cũng thấy tự hào. Tự hào vì người Việt Nam đi đâu cũng luôn nhớ về gốc gác, nguồn cội của mình, và tự tin khẳng định với thế giới rằng "Tôi là người Việt Nam máu đỏ da vàng"!
Nguồn hình ảnh: Kenh14
💖✊💖
M.N.N







https://www.facebook.com/groups/yeuthichBphone/posts/1912347922274170/

..



1 nhận xét:

  1. 5.

    Posted on Tháng Bảy 6, 2021


    CHUYỆN CỜ ĐỎ SAO VÀNG TẠI EURO 2020 – VĂN HÓA “NGẠO NGHỄ” HAY LÀ MẶC CẢM TỰ TI DÂN TỘC?

    Mấy hôm nay mạng xã hội rộ lên chuyện quốc kỳ Việt Nam được treo tại khán đài Gazprom Arena, thành phố St. Petersburg trong trận Thụy Sĩ – TBN, Euro 2020. Chuyện có lẽ đã không ầm ĩ nếu không “được” mấy vị nhà báo, bình luận viên truyền hình bốc lên thành “xúc động đến nghẹn ngào”, “Tự hào quá”, “Cộng đồng mạng xúc động” …

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.