Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

16/05/2021

Đàng Trên - Đàng Ngoài - Đàng Trong, với Chúa Khánh - Chúa Bằng - Chúa Sãi (bài Nguyễn Cung Thông)

Một phát hiện thú vị của học giả Nguyễn Cung Thông là: ở thời điểm 1630s-1650s, cùng một chữ Hán, nhưng có hai âm đọc là "Bình" và "Bằng". 

Ở khoảng thời gian đó, tức 1630s-1650s, thì đã có cách gọi phổ thông là "Cao Bằng" và "Quảng Bình". "Bằng" và "Bình" ấy là cùng một mã chữ Hán.

Có nghĩa là: tên gọi Cao Bằng đã được phổ biến từ lâu lắm rồi, chứ không phải đợi đến tận Tây Sơn mới có (như quan điểm của một số học giả khác - lấy nguyên cớ là phải kiêng húy tên "Quang Bình" của vua Tây Sơn mà phải đổi "Cao Bình" thành "Cao Bằng").

1. Việc Cao Bằng đã được gọi phổ thông từ lâu lắm rồi, tức ít nhất từ 1630s-1650s, thì tôi đã chứng mình từ mấy năm trước, đã cho đăng các bài học thuật rồi. Còn bây giờ, học giả Nguyễn Cung Thông bổ sung thêm một cứ liệu quan trọng (tức cùng lúc trên bản đồ thời đó đã có "Cao Bằng" và "Quảng Bình").

2. Kết luận sau đây trong bài viết mới nhất của học giả Nguyễn Cung Thông cũng rất thú vị, góp thêm tiếng nói ủng hộ cho quan điểm về "3 đàng" mà tôi đã chủ trương nhiều năm nay.

"Các dữ kiện lịch sử còn được ghi nhận vào thời bình minh của chữ quốc ngữ như tên gọi chúa Khánh (Mạc Kính Khoan), chúa Bằng (Trịnh Tùng), Thanh/Thinh Đô Vương (Trịnh Tráng), chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) so với vua (nhà Lê). Chúa Khánh chiếm cứ vùng đất Cao Bằng và vẫn liên tục tấn công quân chúa Trịnh (bản đồ thứ nhì/1653). Có thể xem Cao Bằng thuộc về Đàng Trên (VBL trang 201) so với Đàng Ngoài và Đàng Trong - phản ánh một bức tranh toàn cảnh phức tạp của vương quốc An Nam với những vùng dưới quyền cai trị của các chúa khác nhau (LSVQĐN trang 10). Điều này thật khác với ‘lịch sử phổ thông’ mà người viết (NCT) từng học qua, thường chỉ nhắc đến hai miền tranh chấp là Đàng Ngoài và Đàng Trong mà thôi. Ngoài ra, từ các tài liệu trên mà ta có cơ sở dẫn đến kết luận chúa Canh [17] cchính là húa Khánh (VBL) hay Khánh Vương 慶王. Từ thời kỳ này mà tiếng Việt xuất hiện cụm danh từ "vua chúa [18] " (PGTN) rất đặc biệt so với các cách gọi trong các tài liệu cùng thời là rex (tiếng La Tinh ~ vua), rey (tiếng Bồ) và roy (~ roi tiếng Pháp hiện đại[19]) - đây là những danh từ đơn - thường chỉ một người đứng đầu và có quyền hành ‘tối thượng’ trong một nước vào thời phong kiến. Các bản đồ bằng tiếng La Tinh (1651), tiếng Pháp (1653) và tiếng Ý (1683) của các giáo sĩ dòng Tên cho thấy hoạt động ghi chép và cập nhật chi tiết của các thừa sai khi đi truyền đạo ở ngoại quốc, một hệ quả là để lại cho các thế hệ sau nhiều tài liệu quý báo".

Về thế chân vạc gồm 3 đàng, thì tôi đã cho công bố nhiều bài, mà gần đây nhất là cuối năm 2019 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - xem lại ở đây.

3. Mối liên hệ của Đàng Trên với Đàng Trong, thì qua tư liệu lịch sử, tôi cũng đã chứng minh rồi phát biểu chính thức từ các năm 2012-2013, có thể xem ở đây




Bây giờ, học giả Nguyễn Cung Thông dựa vào Chúa Thao cổ truyện mà dẫn câu sau:

"Vua cha Long Thái cầm quyền Nam bang,

Đàng Trong các xứ lại hàng"

hay lại câu sau:

"



"

Long Thái đó là niên hiệu của nhà vua Mạc ở Đàng Trên. Nhà Mạc dùng niên hiệu riêng của mình, không sử dụng niên hiệu của vua Lê cùng thời.

4. Toàn văn bài của học giả Nguyễn Cung Thông thì đọc ở dưới. Xin trân trọng giới thiệu.

Tháng 5 năm 2021,

Giao Blog





---

Bài viết mới nhất của học giả Nguyễn Cung Thông


Những mảnh vụn ngôn ngữ và lịch sử: tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - niên hiệu Long Thái và chúa Khánh ở Cao Bằng, chúa Bằng ở kinh đô (phần 29)

5/12/2021 11:54:54 AM

Phần này bàn về niên hiệu Long Thái và chúa Khánh ở Cao Bằng vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các danh từ như vậy được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ).

Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là cuốn "Chúa Thao cổ truyện" và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang books.google.fr. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

 

1. Chúa Khánh trong VBL

 

VBL ghi chúa Khánh một lần trong trang 362 - để ý VBL không viết hoa các tên riêng hay địa danh tiếng Việt hay Hán (td. khánh, cao bằng) ở trang này, nhưng viết hoa chúa ở trang khác (làm khải dộng Chúa, trang 179) so với trường hợp chỉ thượng đế[1] (đức Chúa trời đất, trang 117) hay tên người trong ngữ hệ Ấn Âu (dòng ông thánh Chico, trang 159):

 

tiengviet_1.jpg
VBL trang 362

 

Đoạn trên giải thích chúa Khánh từng trị vì một vương quốc gồm bốn tỉnh ở Đàng Ngoài, nhưng sau đó phải rút lên miền núi giữa Đàng Ngoài và Trung Hoa. Địa phận này (cũng như một "nước" vì có vua và hệ thống hành chính ...) có thể xem như là Đàng Trên (VBL ghi 1 lần) chỉ những khu vực (xứ) ở trên rừng núi so với Đàng Trong (VBL ghi 2 lần) và Đàng Ngoài (VBL ghi 2 lần). VBL đã ghi nhận khá chính xác giai đoạn VN phân hóa thành những khu vực dưới quyền cai trị của các chúa khác nhau: cách gọi Đàng trên có thể chỉ khu vực Tuyên Quang, Yên Bái và Cao Bằng thuộc chúa Bầu ; hay còn chỉ Cao Bằng dưới ảnh hưởng của tàn dư nhà Mạc như Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan ...v.v... Chúa Khánh hay Khánh Vương 慶王 là Mạc Kính Khoan 莫敬寬 ( ? - 1638) từng làm tướng nhưng không phục Mạc Kính Cung nên tự làm vua, bị Trịnh Tráng (chúa Bằng) đánh bại ở Bắc Giang nên phải chạy lên Cao Bằng. Mạc Kính Khoan lấy niên hiệu là Long Thái (1623-1638). Năm 1621, Trịnh Tráng đem quân lên Cao Bằng nhưng Mạc Kính Khoan không đương đầu mà trốn đi, khi quân Lê Trịnh lui về thì Mạc Kính Khoan lại ra. Thời kỳ Mạc Kính Khoan trị vì ở Cao Bằng cũng là lúc LM de Rhodes đến Đàng Ngoài nên trong VBL đã ghi các danh xưng như Thanh Đô Vương (Trịnh Tráng), chúa Khánh và Long Thái. Trong cuốn "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" bằng tiếng Pháp, LM de Rhodes cũng nhắc đến chúa Khánh sáu[2] lần, tuy nhiên chúa Khánh lại viết là Ciüa canh - xem hình chụp bên dưới - phản ánh giai đoạn đầu (chưa ổn định) kí âm tiếng Việt của LM de Rhodes

 
tiengviet_2.jpg

Để ý chúa Khánh có lúc viết hoa là Ciüa Canh, có lúc viết là Ciüa canh - ngoài ra bản dịch ra tiếng La Tinh có lúc viết là Ciüa Cham  (trang 39, phần 2). Trong trang chụp lại bên trên, sãi viết là saj không có thanh điệu, phản ánh cách viết trước thời VBL. Ngoài ra, kẻ chợ (không viết hoa - VBL trang 354, trang 111) viết là Che ce như trong trang chụp bên dưới, cho thấy tương quan k- và ch-, so với cách viết Kecio trong bản đồ thứ nhất và thứ nhì. Vấn đề chính tả trở nên phức tạp khi Ciüa Canh và Che ce được dùng như một danh từ La Tinh và biến cách (inflect/A ~ thay đổi bằng cách thêm hậu tố tùy theo thể/cách ..) như những từ La Tinh khác, td. trong đoản ngữ urbem Checensem (so với Tunkinensem), hay Ciüachancho khác với bản tiếng Pháp (xem hình chụp). Các dạng khác nhau ở trên làm quá trình truy nguyên thêm khó khăn và dễ đi ‘lạc đường’. Ngoài ra, bản dịch ra tiếng Pháp của LM Henry Albi cũng có thay đổi và thống nhất hơn (td. canh thay vì chan hay cham) và thêm thắt so với bản nguyên thủy bằng tiếng La Tinh: do đó các tác giả VN trước đây dễ bị nhầm lẫn khi chỉ dựa vào bản tiếng Pháp mà thôi.

 
tiengviet_3.jpg

Trang bằng tiếng La Tinh (trang 42, sđd) nguyên bản được dịch ra tiếng Pháp bên trên:

 
tiengviet_4.jpg

Vấn đề phát âm phụ âm c trở nên khá phức tạp vì chúng ta đã quen đọc theo tiếng Việt c là /k/ như có, cơ, ca, cụ, cứ ... nhưng khi đứng trước các nguyên âm nhỏ/trước i, e thì dùng dạng k. Vào TK 17, khi các giáo sĩ Tây phương sang ĐNA truyền đạo thì ảnh hưởng của các ngôn ngữ Hi Lạp, La Tinh (dùng trong các hoạt động tôn giáo) trở nên rõ nét trong phương pháp kí âm tiếng Việt. Phụ âm c khi đứng trước các nguyên âm nhỏ/trước i, e thì lại đọc là gần như ch như trong tiếng Việt hiện đại, còn ch lại đọc như là k theo truyền thống Hi Lạp/La Tinh trong nhà thờ (CG). Thí dụ như Kẻ Chợ trong LSVQĐN[3] thì LM de Rhodes viết là che ce hay Che ce, chúa Khánh thì ông viết là ciüa Chan hay ciüa Cham.

 

Tóm lại, qua các dạng trong bản tiếng Pháp và La Tinh, ta có cơ sở để kết luận Ciüa Canh chính là chúa Khánh với chính tả phản ánh thời kỳ chữ quốc ngữ trước VBL. Không những chúa Khánh (< Ciüa Canh) là một trong những tiếng Việt được viết bằng con chữ La Tinh, tài liệu trên còn cho thấy cách dùng Ciua bang hay chúa Bằng - tước hiệu của Trịnh Tùng bắt vua Lê phong cho mình là Bình An Vương (平安王) tại vị từ năm 1570 đến 1623. Người viết/NCT chưa đọc được một tài liệu tiếng Việt nào ghi nhận cách gọi đặc biệt này nhưng sự hiện diện của cách gọi này qua ghi nhận của LM de Rhodes cho thấy ảnh hưởng của Trịnh Tùng rất lớn trong dân gian. Ngoài ra chữ bình 平 đã đọc là bằng trong các cách dùng như Cao Bằng 高平 (trong bản đồ, VBL, các bản báo cáo cùng thời).

 

2. Cao Bằng và Bằng An Vương - chúa Bằng (Trịnh Tùng)

 

2.1 VBL đã ghi nhận Cao Bằng trong trang 362  (xem hình chụp lại ở trang 1), cũng như hai bản đồ từ LM Alexandre de Rhodes - bản đồ thứ nhì (1653) chụp lại ở dưới với phần ghi chú thêm về Cao Bằng  hay CAV BANG: tạm dịch từ ghi chú tiếng Pháp trên bản đồ/NCT: “Civa Canh (chúa Khánh) bị săn đuổi từ Đông Kinh[4] và phải rút về vùng núi này, và từ đây mà chúa Khánh vẫn khuấy rối đồn lũy của quân dân Đông Kinh”. Bản đồ thứ nhất (kèm theo cuốn VBL in năm 1651) chỉ có ghi các địa danh như Kẻ Chợ (Kecio), Kẻ Bắc (Ke Bac), Cao Bằng (CAV BANG) mà không có ghi chú chi tiết hay giải thích thêm như bản đồ thứ nhì.

 

tiengviet_5.jpg
Bản đồ thứ nhất (1651)

 tiengviet_6.jpg

bản đồ thứ nhì (1653)

 

Trên cùng bản đồ 1653, Quảng Bình 廣平 viết là Quambin (phủ/tỉnh Quảng Bình) cũng như thành Quảng Bình: Quambin xuất hiện hai lần nhưng không có trong bản đồ 1651 - xem hình chụp bên dưới. Như vậy là Đàng Trong vào TK 17 đã không dùng dạng bằng so với bình.

 
tiengviet_7.jpg

Cũng như các tài liệu xuất bản hậu kỳ, bản đồ thứ nhì (1653) đã có nhiều chi tiết và ghi chú hơn so với bản đồ thứ nhất (1651). Thí dụ của tên gọi dân dã Kẻ Chợ Kecio so với Đông Kinh Tvmkin ghi rất rõ trên bản đồ thứ nhì, Cửa Đại Cvadai dịch nghĩa ra là grand port/P, Kẻnam có thêm dấu hỏi (Kẻ) so với bản đồ thứ nhất Ke nam, cũng như giải thích thêm Kẻnam là người/dân sống ở phía nam (Habitans Midy - tiếng Pháp thời trung cổ)...v.v...

 
tiengviet_8.jpg

2.2 Chúa Bằng

 

Đây là một trong các cách gọi Trịnh Tùng (nắm quyền 1570 -1623), có thể từ tước hiệu Bằng An Vương 平安王(xem mục 1 bên trên). Không thấy tài liệu nào nhắc đến tên gọi chúa Bằng[5] này so với LSVQĐN cũng như trường hợp chúa Khánh như trên, so sánh bản La Tinh nguyên thủy và bản dịch tiếng Pháp chụp lại bên dưới

 

tiengviet_9.jpg
Bản La Tinh trang 11

tiengviet_10.jpg 

Bản dịch tiếng Pháp của trang 11 La Tinh

 

3. Chúa Thao cổ truyện

 

3.1 Bản chữ Nôm "Chúa Thao cổ truyện"/CTCT, được thư viện đại học Yale lưu trữ, ghi cách dùng Long Thái 4 lần và Cao Bằng 5 lần so với tổng số chữ 3346. Đọc bốn câu đầu cho ta ấn tượng là nhà Mạc trị vì 60 năm rất ‘yên ổn’, trước khi bị thất thế phải lên Cao Bằng.

 
tiengviet_11.jpg

Thoạt đầu người viết (NCT) nghĩ rằng CTCT chỉ là hư cấu[6], nhưng thật ra khi đọc kỹ các địa danh và vài chi tiết trong truyện thì khá ăn khớp với tài liệu lịch sử và địa lý[7], nhất là khi Đại Việt Sử Ký Toàn Thư[8] đã ghi một câu chuyện tương tự:

“贈都督同知韜郡公莫敬門爲左都督敬門係僞族屬先以革心歸命蒙加職爵敬門復迯回高平後又詣關爲臣王含弘大德更容納優待至是殆又贈之

  

Tặng đô đốc đồng tri Thao quận công Mạc Kính Môn làm tả đô đốc. Kính Môn là họ hàng nguỵ Mạc, trước đã đổi lòng quy thuận, được phong chức tước rồi lại trốn về Cao Bằng, sau lại về làm tôi dưới cửa khuyết. Vương đức lớn bao la, lại bao dung trọng đãi. Đến đây chết, lại được tặng” (hết trích/NCT). Thao quận công theo tài liệu trên là Mạc Kính Môn.

 

Câu 3 đề cập đến thời gian trị vì của họ Mạc là 60 năm[9], cũng tương ứng với lịch sử. Trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:"Lời sấm nói: "Họ Mạc được năm Hợi, mất nước năm Hợi". Xem Đăng Dung cướp ngôi năm Đinh Hợi, đến Mậu Hợp mất nước năm Quý Hợi , quả có ứng nghiệm". Để ý là giai đoạn từ năm 1623 đến 1683 - khi nhà Mạc còn ảnh hưởng lớn trên Cao Bằng - hay từ thời Mạc Kính Khoan cho đến Mạc Kính Quang, thì cũng vào khoảng 60 năm.

 

3.2 CTCT câu 24 và 25 còn ghi là

"Vua cha Long Thái cầm quyền Nam bang,
Đàng Trong các xứ lại hàng"

 

Điều này cho thấy là đã từng có liên hệ giữa chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Khánh ở Cao Bằng. Chính khả năng này mà trong LSVQĐN, LM de Rhodes kể lại chuyện một tử tội - người này bị bắt khi còn làm dưới trướng chúa Khánh và đánh phá quân dân chúa Trịnh (xem thêm mục 2.1) - đã khai 'gian' rằng hai chúa Nguyễn và Khánh sẽ hợp lại để tiêu diệt chúa Trịnh hầu lên cầm quyền:"Thấy mình không thể thoát chết, hắn tìm cách trì hoãn hứa (nếu được hưởng ân xá) thì sẽ phát giác một âm mưu bí mật chống chúa và quốc gia. Người ta bằng lòng nghe hắn và hắn tố giác đạo trưởng Tây dương giảng tự do giữa kinh thành và nơi phủ chúa Đàng ngoài làm mật vụ gián điệp cho chúa Canh cũng như cho chúa Đàng Trong; họ đã thông đồng với nhau khi đến thời ñiểm, mỗi bên đều có một đạo binh tinh nhuệ kết hợp với giáo dân mà châm lửa đốt phủ chúa và trong trận chớp nhoáng này họ dễ dàng bắt chúa và toàn quốc qui phục quyền họ. Đó là vu khống mà tên đạo tặc đặt ra để chống chúng tôi. Chúa nhận được tin này, toàn thể giáo dân cũng biết và tức khắc báo cho chúng tôi hay. Nhưng chúng tôi tin vào lòng ngay thẳng vô tội của chúng tôi nên thấy không cần bào chữa, chỉ cậy nhờ sự săn sóc của Thiên Chúa quan phòng, Người nhận việc bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi không nói gì, cũng không tự thanh minh cho tới khi chúa vời gọi chúng tôi. Thế nhưng theo tin đồn chồng chất các vu cáo cũ và mới đối với chúng tôi, chúa không biết nên tin hay nên làm thế nào. Chúa liền quyết định ngăn cản chúng tôi hoạt động và làm cho vô hiệu những công việc của chúng tôi ở xứ này." (hết trích từ LSVQĐN trang 75, sđd). Dĩ nhiên sau sự việc này, chúa Đàng Ngoài liền ra lệnh cấm đạo.

 

3.3 Long Thái

 

Thái là lớn (maximus/L, tương đương với cả theo VBL), tương ứng với thái HV 太, do đó long thái là con rồng lớn[10] (magnus draco/L theo VBL) và cũng là niên hiệu của vua Cao Bằng. Tuy nhiên tính từ thái (lớn) lại theo cú pháp tiếng Việt và đứng sau long, chứ không phải theo thứ tự chữ Hán như các cách dùng khác như thái tử, thái tổ, thái sư ... Điều này cho thấy khả năng thái đã được dùng tự do (free morpheme) vào TK 17 cũng như các tính từ thuần Việt khác. VBL chỉ ghi ba niên hiệu là Long Thái, Đức Long, Vĩnh Tộ (VBL không viết hoa) và giải thích vua đổi niên hiệu từ Vĩnh Tộ thành Đức Long vì năm 1629 bị hạn hán và mất mùa. Còn Long Thái là vua Cao Bằng, chắc phải có ảnh hưởng không nhỏ để cho một nhân chứng đương thời là LM de Rhodes phải ghi vào mục Long của VBL.

 

4. Bàn thêm về các dạng bằng - bình, che ce - kecio

 

4.1 Thư viết tay của Bento Thiện về lịch sử và địa lí nước An Nam (1659) ghi dạng Cao Bằng, Thái Bằng (Thái Bình): xem hình bên dưới “Cao Bằng phủ bốn chu một trăm ba mươi hai xã ba mươi lăm trại” chụp từ "Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659" Đỗ Quang Chính (sđd)

 
tiengviet_12.jpg

Đây là tài liệu cho thấy phủ Cao Bằng có bốn chu[11] (州 đọc là chu - cũng theo VBL- không phải đọc là châu như bây giờ, td. Giao Chu, Mỹ Chu). Hình chụp bên dưới cho thấy dạng Thái Bằng (~Thái Bình):"Thái bằng phủ bốn huyện, một trăm bảy mươi bốn xã" - bản viết tay của Bento Thiện cũng viết bằng là bàng giống như VBL và không viết hoa như địa danh cao bàng.

 
tiengviet_13.jpg

4.2 Các thư viết tay của Igesico Văn Tín/VT (12/9/1659) và Bento Thiện/BT (25/10/1659) đều dùng bằng an/bằng yên [12] 平安 một lần "Lạy ơn Đức Chúa Trời phù hộ Thầy bằng an lành linh hồn và xác" (VT) và "Thầy đi cho bằng an" (BT). VBL và PGTN cũng hoàn toàn dùng dạng bằng an "Nếu có nhiều thiên thần có phép bằng an lành, mà coi sóc loài người ta được bằng an lành, vì sao có nhiều giặc đến, nhiều sự láo dáo làm vậy?..bây giờ đã tha tôi đi bằng an" PGTN trang 64, 173. Cách dùng bằng an (bằng yên) còn hiện diện đến TK 18 vào thời LM Hilario de Jesu (Sách Các Phép, sđd); cho đến thời LM Béhaine (1772/1773, sđd) và Taberd (1838) ở Đàng Trong thì dạng bình an bắt đầu xuất hiện cùng với dạng bằng an.

 

tiengviet_14.jpg
LM Hilario de Jesu (khoảng giữa TK 18)

 

4.3 Công bằng và công bình

 

VBL chỉ ghi dạng coŭ bàng ~ công bằng (trang 135) cũng như PGTN hoàn toàn dùng dạng này:"Mà mọi sự định ấy thậm phải lẽ và công bằng ... mà nói đều (điều) trách xỉ vả rứt (rất) công bằng" PGTN trang 273. Đến thời LM Béhaine (1772/1773 - sđd) và Taberd (1838 - sđd) thì dạng công bình mới xuất hiện cùng với dạng công bằng. Khuynh hướng Đàng Trong thường dùng bình hơn là bằng có thể đã manh nha từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh - tham khảo bản đồ thứ hai chụp bên trên  trong mục 2.1 - giải thích được phần nào các địa danh hậu kỳ đều dùng bình (Quảng Bình, Hòa Bình, Bình Thuận, Thái Bình, Ninh Bình ...) so với Cao Bằng là vết tích tên gọi từ thời trước. Hình sau là bản đồ thứ ba của các giáo sĩ dòng Tên (in năm 1683) bằng tiếng Ý in tại La Mã dựa vào các bản đồ thứ nhất và thứ nhì, cũng như của thương gia/nhà du hành Tavernier[13]. Để ý Đông Kinh ghi là Tunquin và Quảng Bình viết (lầm) thành Quambiu (n viết thành u).

 

tiengviet_15.jpg
Bản đồ thứ ba/1683

 

Liệt kê các cách dùng bằng dựa vào các tài liệu TK 17 như trên (1) bằng (VBL, PGTN) (2) ví bằng (VBL, PGTN) (3) bằng an/yên (VBL, PGTN, thư viết tay/Bento Thiện) (4) ngồi xếp bằng (VBL) (5) công bằng (VBL, PGTN) (6) Cao Bằng (VBL, hai bản đồ Alexandre de Rhodes, thư viết tay/Bento Thiện) (7) thái bằng (thư viết tay/Bento Thiện) (8) Cao Chính Bằng (thư viết tay/Bento Thiện) (9) bằng than thán (VBL) (10) bằng lòng (chữ Nôm 平弄 - Các Thánh Truyện/LM Maiorica) (11) thiên hạ thái bình (thư viết tay của Bento Thiện): 天下太平 thành ngữ HV bốn chữ từ thời Lã Thị Xuân Thu. Do đó xác suất cách đọc bằng của chữ 平 rất cao (ít nhất là 10/11 ~ 91%) vào TK 17 so với cách đọc bình chỉ hiện diện trong cách dùng rất đặc biệt ("thiên hạ thái bình"). VBL ghi mục bình là bình ấm, bình vôi so với mục bằng gồm có bằng, bằng nhau, đất bằng than thán, trả cho bằng, công bằng, ví bằng, ngồi xếp bằng. Chiến tranh Trịnh Nguyễn cùng hình thể nước VN (phương ngữ - Đàng Trong so với Đàng Ngoài) đã giao thoa để cho ra các cách dùng khác hơn như công bình, Quảng Bình (và các địa danh có chữ Bình), bình an (yên). Ngoài ra, để ý cách đọc bạnh (VBL trang 26) của bịnh (bệnh HV 病) và dạng bánh (bính HV 餅) đều cho thấy khuynh hướng mở rộng của nguyên âm i tương tự như trường hợp bằng và bìnhDạng bạnh phản ánh cách đọc Đàng Ngoài, vết tích còn để lại trong cách đọc bệnh bây giờ (giọng Bắc với nguyên âm có độ mở miệng lớn) so với cách đọc bịnh (giọng Nam với nguyên âm có độ mở miệng nhỏ). Các biến âm của bình cho thấy âm cổ hơn có nguyên âm với độ mở miệng lớn. Xem lại chữ bình/biền 平 (thanh mẫu tịnh 並 vận mẫu canh 庚 hay tiên 仙 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

符兵切 phù binh thiết (TVGT, ĐV, QV)
皮明切 bì minh thiết (QV)
蒲兵切 bồ binh thiết (TV, VH, LT)
皮兵反 bì binh phản (NTLQ 玉篇零卷)
皮并反 bì tinh phản (NT)
房連切 phòng liên thiết (QV)
毗連切 bì liên thiết (TV, CTT)
皮命切 bì mệnh thiết (TV, LT, CV, CTT)
悲茗切 bi mính thiết (TV, LT)TNAV ghi vận bộ 庚青 canh thanh (dương bình)
CV ghi cùng vần/bình thanh 緶 胼 骿 蠙 玭 軿 駢 便 平 諞 楩 (biền bình *tiện tân)
CV ghi cùng vần/bình thanh 平 枰 評 苹 玶 缾 屏 萍 蓱 輧 郱 洴 𤳊 駢 凭 憑 馮 𠗦 淜 (bình biền bằng phùng phanh)
CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 病 評 平 偋 枰 竝 並 𠊧 凭 (bệnh tịnh *bình *bằng)
蒲明切,音苹 bồ minh thiết, âm bình (CV, CTT, TVi, TĐTAT 重訂直音篇) - TVi ghi âm bình/bính 音屏皮兵切 bì binh thiết (TTTH)
仲良切,音長 trọng lương thiết, âm trường/trướng/trưởng (TVi)
蒲光切,音房 bồ quang thiết, âm bàng/phòng (TVi)
蒲眠切,音緶 bồ miên thiết, âm biền (CV, TVi)
卑明切 ti minh thiết (TViB) - ti đọc là bēi (giọng BK theo pinyin hiện đại) ...v.v...

Giọng BK bây giờ là píng so với giọng Quảng Đông ping4 peng4 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] piang2 pin2 [海陆丰腔] pin2 piang2 pe2 [客语拼音字汇] piang2 pin2 [陆丰腔] pin3 piang3 [客英字典] pin2 [东莞腔] pin2 piang2 [沙头角腔] pin2 piang2 [台湾四县腔] pin2 piang2 pe2 [宝安腔] pin2 | piang2 潮州话:pêng5 (phêng), pên5(phêⁿ), tiếng Nhật hei hyou ben và tiếng Hàn phyeng phyen. Các dạng âm cổ phục nguyên của bình là *bjen/bien hay *bʰĭɐŋ so với các dạng bình, bằng, phẳng (b >ph) và thẳng tiếng Việt. Thời VBL/1651 hiện diên các cách dùng đàng phẳng (đường thẳng), phẳng mặt phẳng da, mặt còn phẳng (mặt còn thẳng, da thẳng ...); thời Béhaine/Taberd (1772/1838) còn dùng bằng thẳng (bây giờ thường nghe bằng phẳng) ... Các biến âm khác là phăng (đi phăng phăng).

4.4 Che ce là Kẻ chợ

 

Như đã viết bên trên, LM de Rhodes dùng ch- để cho dạng c- hay k- bây giờ như Che Vích, Che Bich (Kẻ Vích, hai bản đồ ghi là cuabic), Che no (Kẻ Nộ), Che ce (Kẻ chợ) - để ý là cách viết này khác với cách viết trong VBL và PGTN tuy rằng các tài liệu này in ra cùng khoảng thời gian (đầu thập niên 1650). So với cách viết của LM Gasparo d'Amaral trong bảng tường trình năm 1632 thì gần với VBL và PGTN hơn, cũng như gần với chính tả tiếng Việt hiện đại hơn. Thí dụ Che ce (de Rhodes, 1652) là Kẻ chợ (d'Amaral, 1632). Vài dữ kiện nên nhắc lại ở đây là LM d'Amaral (1632 - sđd) đã từng ghi nhận Đàng Trên (tlên), Đàng Ngoài (Ngoày), Đàng Tlão (Trong) và các niên hiệu như Đức lão (long), Vĩnh Tộ cũng như dạng nhà[14] trong nhà ti/nhà hién mà LM de Rhodes ghi là gna trong gna ti/gna hien. Thêm vào đó là LM de Rhodes cũng ghi nhận công lao của LM d'Amral (và Barbosa) trong trang đầu của VBL.

 

5. Cẩn thận khi dùng bản dịch LSVQĐN

 

5.1 Ngoài sự lẫn lộn của chính tả chữ quốc ngữ trong giai đoạn ban đầu, chúng ta cũng phải thận trọng khi dùng tài liệu dịch từ nguyên bản - thí dụ như bản dịch ra tiếng Pháp[15] của bản chính bằng tiếng La Tinh năm 1652, người dịch đã thêm vào chi tiết là "lập đồn lũy và tự xưng là chúa Canh". Bản dịch tiếng Việt lại theo nguyên văn tiếng Pháp thành ra thêm chi tiết này (chúa Canh) so với ý của nguyên bản là chỉ lập ra một vương quốc[16] - so sánh sự khác biệt nhỏ giữa hai bản chụp ở bên dưới:

 

tiengviet_16.jpg
Nguyên bản bằng tiếng La Tinh

 tiengviet_17.jpg

Bản dịch ra tiếng Pháp (1651)

 

5.2 Bản dịch tiếng Pháp ở chương 3 thêm cách gọi chúa Thanh Đô (Ciüa thanh do) mà nguyên bản La Tinh không có - xem hai bản chụp lại cùng trang để so sánh.

 

tiengviet_18.jpg
Nguyên bản bằng tiếng La Tinh

 tiengviet_19.jpg

Bản dịch ra tiếng Pháp (1651)

 

5.3 Bản dịch ra tiếng Pháp thêm tên chúa Sãi (Ciüa Sai, Nguyễn Phúc Nguyên) là con của chúa Ông (Ciüa on, Nguyễn Hoàng), cũng như ghi Ciüa ou so với Ciüa on của nguyên bản

 

tiengviet_20.jpg
Nguyên bản bằng tiếng La Tinh

 tiengviet_21.jpg

Bản dịch ra tiếng Pháp (1651)

 

Tóm lại các tài liệu từ TK 17 như hai bản đồ trong tác phẩm của LM de Rhodes (1651 và 1653) đã cho ta nhiều dữ kiện ngôn ngữ như Cao Bằng ở Đàng Ngoài so với Quảng Bình ở Đàng Trong (hai dạng đọc của chữ ). Khuynh hướng sau này ở Đàng Trong là dùng dạng bình như bình an, công bình so với bằng an, công bằng ở Đàng Ngoài: quá trình tranh chấp từ Nam Bắc triều cho đến giai đoạn Trịnh Nguyễn đã khuếch đại sự khác biệt của tiếng Việt Đàng Trong so với Đàng Ngoài (một nguồn tạo ra phương ngữ cho đến hiện tại). Các dữ kiện lịch sử còn được ghi nhận vào thời bình minh của chữ quốc ngữ như tên gọi chúa Khánh (Mạc Kính Khoan), chúa Bằng (Trịnh Tùng), Thanh/Thinh Đô Vương (Trịnh Tráng), chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) so với vua (nhà Lê). Chúa Khánh chiếm cứ vùng đất Cao Bằng và vẫn liên tục tấn công quân chúa Trịnh (bản đồ thứ nhì/1653). Có thể xem Cao Bằng thuộc về Đàng Trên (VBL trang 201) so với Đàng Ngoài và Đàng Trong - phản ánh một bức tranh toàn cảnh phức tạp của vương quốc An Nam với những vùng dưới quyền cai trị của các chúa khác nhau (LSVQĐN trang 10). Điều này thật khác với ‘lịch sử phổ thông’ mà người viết (NCT) từng học qua, thường chỉ nhắc đến hai miền tranh chấp là Đàng Ngoài và Đàng Trong mà thôi. Ngoài ra, từ các tài liệu trên mà ta có cơ sở dẫn đến kết luận chúa Canh [17] cchính là húa Khánh (VBL) hay Khánh Vương 慶王. Từ thời kỳ này mà tiếng Việt xuất hiện cụm danh từ "vua chúa [18] " (PGTN) rất đặc biệt so với các cách gọi trong các tài liệu cùng thời là rex (tiếng La Tinh ~ vua), rey (tiếng Bồ) và roy (~ roi tiếng Pháp hiện đại[19]) - đây là những danh từ đơn - thường chỉ một người đứng đầu và có quyền hành ‘tối thượng’ trong một nước vào thời phong kiến. Các bản đồ bằng tiếng La Tinh (1651), tiếng Pháp (1653) và tiếng Ý (1683) của các giáo sĩ dòng Tên cho thấy hoạt động ghi chép và cập nhật chi tiết của các thừa sai khi đi truyền đạo ở ngoại quốc, một hệ quả là để lại cho các thế hệ sau nhiều tài liệu quý báo[20]. Bài viết nhỏ này góp nhặt một số mảnh vụn ngôn ngữ và lịch sử - hi vọng  đóng góp thêm vài chi tiết vào bức tranh toàn cảnh của ngôn ngữ và lịch sử vào TK 17 mà ít người biết đến - cũng mong sao từ cách nhìn trên mà sẽ có những nghiên cứu sâu xa hơn để cho ra những phát hiện thú vị và chính xác hơn.

 

6. Tài liệu tham khảo chính

 

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

 

(1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

3) Chúa Thao cổ truyện 主滔古傳 (khuyết danh) Truyện thơ Nôm, thư viện đại học Yale - có thể đọc trên trang này chẳng hạn 
 findit.library.yale.edu …v.v…

 

4) Chu Xuân Giao (2010) “Đền Cờn và nữ thần Cửa Chúa (Nghệ An) ở thế kỉ XVII trong ghi chép thực địa của giáo sĩ Đắc Lộ” In trong sách Thông báo Văn hóa 2009, Hà Nội : NXB Từ điển Bách khoa.

 

 (2017) "Vương triều Mạc thời kỳ Cao Bằng xung quanh thời điểm năm 1611, qua nội dung bài minh trên chuông lớn chùa Viên Minh"  TC Nghiên cứu Lịch sử.Viện Sử học Số 2/2017, tr. 9 - 21.

 

5) Nguyễn Trường Hoan (2011) "Về Kẻ Chợ và Kattigara qua trình bày của Ngô Đức Thọ" đăng trên TC Văn Hóa Nghệ An chẳng hạn.

 

6) Hilario de Jesu (thế kỷ XVIII) "Sách Các Phép" bằng 3 thứ chữ Nôm, La Tinh và quốc ngữ. Sách lưu hành nội bộ (1997).

 

7) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

 

 (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

 

 “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

 

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994). Bản đồ An Nam thứ nhất (1651) trong nguyên bản La Tinh LSVQĐN hay trong bản dịch ra tiếng Pháp, bản đồ thứ nhì (1653) trích từ trang này geographicus.com..

 

8) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

 

9) Nguyễn Cung Thông (2019) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách gọi ngày tháng/thời gian (phần 6)” có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn  nghiencuulichsu.com …v.v…

 

 (2020) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách gọi ngày tháng/thời gian (phần 6A)” có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn   vanviet.info …v.v…

 

10) Nguyễn Trãi (1435) "Ức Trai Di Tập Dư Địa Chí" Phan Duy Tiếp dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính và chú thích - NXB Sử Học (Hà Nội, 1960).

 

11) Tủ sách Viện Khảo Cổ (1962) "Hồng Đức Bản Đồ" - Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn - Publications of the Historical Research Institute - có thể tham khảo trên trang này chẳng hạn fliphtml5.com …

 

12) Hoàng Xuân Việt (2006) "Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ" NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội).

 

13) Alexei Volkov (2018) "On two maps of Vietnam by Alexandre de Rhodes" National Tsing Hua University - có thể đọc toàn bài viết trên trang này chẳng hạn   researchgate.net...

 

Phụ Trương - bản đồ (1684) của thương gia/nhà du hành gốc Pháp Daniel Tavernier, để ý hình vẽ Kẻ Chợ (ghi là Checo) có hai cầu [21] bắc qua sông cũng như hình bản đồ thứ nhì (1653) và hình vẽ Côn Đảo ở phía dưới ghi là Đảo Con Rùa vì có nhiều rùa (die Inseln Tortues - die Inseln là đảo tiếng Đức + tortues là con rùa tiếng Pháp, cũng như cách ghi die Inseln Poissons là Đảo Cá đối diện với Kẻ Công/Kecou) …v.v…


tiengviet_22.jpg

 

 Nguyễn Cung Thông[22]

 

 


[1] Theo truyền thống CG thì danh từ chỉ thượng đế phải viết hoa (td. God thay vì god) vì lòng tin vào một thượng đế tối cao mà thôi (monotheistic religion - tôn giáo thờ một thần ~ đơn/nhất thần giáo).

[2] Chúa Khánh xuất hiện 6 lần trong LSVQĐN so với chúa Bằng 3 lần và chúa Thanh Đô (Vương) 2 lần.

[3] LSVQĐN viết tắt của Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, theo LM Đỗ Quang Chính là tạm gọi cho đầu đề cuốn sách bằng tiếng La Tinh "Tunchinesis historiae libri duo, quorum altero status temporalis hujus regni, altero mirabiles evangelicae predicationis progressus referuntur: Coepta per Patres Societatis Iesu, ab anno 1627, ad annum 1646" của LM de Rhodes in năm 1652 ở Lyon.

[4] Bản đồ thứ nhì ghi Kẻ Chợ/Kecio là Đông Kinh/Tumkin, bản đồ thứ nhất chỉ ghi Kẻ Chợ/Kecio.

[5] Một điểm đáng ghi lại ở đây là Trịnh Tráng cũng được thăng làm Bình quận công 平郡公  và Thanh quận công 清郡公 (ĐVSKTT) so với tước hiệu Thanh Đô Vương - VBL ghi thanh/thinh đô vương.

[6] Theo học giả Hoàng Xuân Việt (sđd) thì CTCT kể lại chuyện tình của công chúa Kim, con của Trịnh Tráng và chúa Thao Tín, con của Mạc Kính Khoan. Vấn đề liên hệ oái ăm như trên cũng từng xẩy ra trong vòng vua chúa Đàng Ngoài dù là thù địch như Trịnh Kiểm là con rể của Nguyễn Kim, quan chức thân cận của Trịnh Kiểm như Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn sau trở thành con rể của Mạc Kính Điển, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên có chính thất là Mạc Thị Giai (con gái của tướng Mạc Kính Điển, mẹ của chúa Nguyễn Phúc Lan)…v.v…

[7] Các địa danh trong CTCT: kinh kì, Tràng An, phố phường, ba mươi sáu (phố phường), hàng đào, hàng bè, hàng hương, hàng bè, kẻ Bầu, Đàng Trong, Đàng Ngoài, Bồ Đề, sông Bồ Đề, Cao Bằng, Thanh Hoa ...v.v…

[8] Trích từ trang nomfoundation.org (các chúa đều được xưng tước quận chúa/quận công: Thao quận công ~ chúa Thao/NCT).

[9] Ngày 15-7-1527 (năm Đinh Hợi), Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai về kinh, ép Lê Cung Hoàng xuống chiếu nhường ngôi và đặt niên hiệu là Minh Đức khởi đầu nhà Mạc cho đến năm 1592 đời Mạc Mậu Hợp mới ‘tạm ngừng’. Giai đoạn hậu kỳ nhà Mạc gồm có Mạc Kính Chỉ (1592), Khang Hựu (1592–1593), Mạc Kính Cung (1593-1625), Mạc Kính Khoan (niên hiệu Long Thái (1623–1638)) và Mạc Kính Vũ (1638–1677)...v.v...

[10] Thái Long 太龍 là con rồng lớn, td. 太龍寺 Thái Long Tự ở Nhật có từ TK 9. Có thể nguyên nhân nào khác để cho ra niên hiệu Long Thái hay không? Đây là một vấn đề thú vị và cần tra cứu sâu xa hơn.

[11] Tài liệu này cho ta biết Cao Bằng phủ có bốn chu (> châu), phù hợp với dữ kiện lịch sử Cao Bằng cho thấy bốn chu là Thạch Lâm, Quảng Nguyên, Thượng Lang, Hạ Lang. Cách đọc chu vào thời kỳ này cũng giống như cách đọc thì (> thời ) của bằng của chữ chúa so với chủ  ...v.v... Đây là một chủ đề rất đáng chú ý nhưng không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này. Một điều đáng nhắc ở đây là địa danh Cao Bằng có thể xuất hiện khá sớm, như từng ghi trong thư tịch “Cao Bằng xưa là ngoại địa của bộ Vũ Định; đông bắc tiếp giáp Lướng Quảng; tây nam tiếp giáp Thái Nguyên, Lạng Sơn. Có 1 lộ, 4 châu, 273 làng xã. Đấy là nơi phên dậu thứ tư về phương Bắc vậy” trích từ Dư Địa Chí (Nguyễn Trãi, 1435). Theo các tác giả Phan Huy Tiếp/Hà Văn Tấn thì "Sách Dư Địa Chí viết năm 1435, chưa thể có tên Quảng Bình mà lời cẩn án có tên Quảng Bình, chúng tôi ngờ rằng chỗ này bị thời sau sửa chữa". Hồng Đức Bản Đồ (sđd) cũng từng ghi các địa danh dùng bình như phủ Phú Bình gồm có huyện Bình Tuyền, phủ An Bình, phủ Thái Bình, phủ Tiên Bình, Thuận Bình chu, Quảng Nam thừa tuyên gồm có huyện Bình Sơn, Lạng Sơn thừa tuyên gồm có Lộc Bình chu ...v.v...

[12] VBL ghi là bàng an, bàng ien (trang 25) nhưng là bàng yên (trang 350).

[13] Hình chụp lại trong bài này thật ra chỉ là một phần của bản đồ thứ ba (1683): bản đồ này ghi nhiều chi tiết của vùng Đông Nam Á gồm cả các vương quốc Pegu (Myanmar bây giờ), Aracan, Mã Lai ...v.v…

[14] Theo người viết (NCT) thì nhà từng được LM de Rhodes ghi là mia trong câu "mía domu vocabant" (họ gọi là nhà), khác với cách diễn dịch của tác giả Đỗ Quang Chính (“họ gọi là nhà mía” - sđd). Cách phát âm mia với nguyên âm trước/nhỏ i có khả năng nhạc cứng hóa để cho ra dạng mya hay ja (nhà, dà - VBL). Ảnh hưởng tiếng Bồ khá rõ nét trong trường hợp này so với tiếng Ý (gna đã trở thành nhà trong VBL, PGTN), phản ánh kết quả học hỏi tiếng Việt ‘sâu xa’ hơn (từ các LM đi trước như d'Amral, Barbosa, de Pina) của LM de Rhodes.

[15] LM dòng Tên Henry Albi là tác giả dịch nguyên bản La Tinh ra tiếng Pháp. Ông là tác giả các tài liệu như "Le voyage spirituel du B. Pierre de Luxembourg Cardinal" (1632), "La Vie de la Mère Jeanne de Jésus" (1640), "Eloges historiques des cardinaux illustres, françois et estrangers" (1644) và "Histoire du royaume de Tunquin" (1651). Đặc biệt là năm 1651 là năm ra đời bản dịch LSVQĐN trước năm 1652 là năm xuất bản cuốn bằng La Tinh của LM de Rhodes.

[16] Khi tham khảo các tài liệu của Dòng Tên: không biết LM Henry Albi có liên lạc và kiểm lại với LM de Rhodes để thêm các chi tiết này vào - hay ông dịch từ một bản La Tinh cập nhật (khác) của LM de Rhodes?v.v...

[17] Tác giả Chu Xuân Giao (sđd) cũng đề nghị chúa Canh là chúa Khánh không giống như các ước đoán trước đây về nguồn gốc của cụm danh từ này (1) tác giả Phạm Đình Khiêm cho rằng chúa Canh là chúa Công dựa vào tước chức Thái úy Thông quốc công (2) tác giả Nguyễn Khắc Xuyên cho rằng có thể do người Bồ gọi chúa Cao Bằng là ciucanghe (3) tác giả Đỗ Quang Chính (Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, sđd) cho rằng có thể là chúa Cao vì nhà Mạc cai trị vùng Cao Bằng ...v.v...

[18] VBL ghi là vua chỉ là hư vị vì chúa mới là người quyết định mọi việc ở Đàng Ngoài.

[19] Các dạng roi của tiếng Pháp hiện đại hay roy thời trung cổ, cũng như rey tiếng Bồ đều có gốc La Tinh là rex. Để ý cách dùng trong PGTN trang 236 chẳng hạn "Tôi lạy đức Chúa Jesu, là vua Chúa tôi" …v.v…

[20] Mức chính xác của các bản đồ trên: so sánh ghi chú về Cao Bằng hay Chúa Canh (bản đồ thứ hai/1653 - mục 2.1 phần trên) và ghi chú trong Cao Bằng Phủ Toàn Đồ (Hồng Đức Bản Đồ, sđd) là "Ngụy Mạc cựu cư".

[21] Có thể các cây cầu xưa (nếu có) đã bị phá hủy hay sụp đổ vì bão lụt nên không còn nữa chăng?

[22] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

http://conggiao.info/nhung-manh-vun-ngon-ngu-va-lich-su-tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes---nien-hieu-long-thai-va-chua-khanh-o-cao-bang-chua-bang-o-kinh-do-phan-29-d-60262

..

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.