Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

09/12/2020

Du lãng xứ Đông, thăm đình làng và nhà cha mẹ của hai anh em Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa

Trời miền Bắc trở lạnh. Sáng và tối phải mặc áo rất ấm thì mới yên tâm, nhưng tầm trưa thì có lúc nhiệt độ cao do nắng mạnh nên sẽ phải tháo áo tháo khăn quàng.

Tôi với trải nghiệm du lãng nhiều xứ nhiều nơi, đã làm mẫu cho nhóm học sinh việc mặc áo ấm nhiều lớp, để khi nóng lên thì tháo dần ra và vắt vào túi xách hay quấn quanh đâu đó, còn khi lạnh dần lúc về chiều thì lại khoác dần từng lớp trở lại !

1. Lần này, thật ra là vì covid-19, nên chuyến đi xứ Đông của chúng tôi bị đẩy lùi nhiều lần, với dự kiến ban đầu là tháng 3 dương lịch, lùi xuống tháng 6, rồi lùi xuống tháng 10, cuối cùng phải tới tháng 12 mới thực hiện được.

Bởi vậy, cứ phải đổi hẹn với anh Trần Nhuận Minh. Rồi cuối cùng, vào tháng 12, anh Minh đã về quê nhà, nhưng lại mắc việc đột xuất ngoài xứ Yên Quảng mà vội vã đi trước khi chúng tôi tới đình làng Trực Trì.

Anh Trần Đăng Khoa thì cơ bản "bàn giao" việc họ việc làng cho anh trai, tức "bác Minh điều phối hết", đúng theo gia phong phải thuận tòng huynh trưởng của xứ Đông.

2. Chúng tôi đến đình Rồng, ngôi đình rất cổ, ở đầu làng Trực Trì của hai nhà thơ họ Trần. Nắng sớm chiếu sân đình lát gạch thật đẹp. Nhà bia có một bia đá khổ lớn bốn mặt, chữ khắc vẫn sắc nét. Xem nhanh thì biết được khắc từ thập niên 1680 - tức cách nay tới gần 350 năm ! Mà là bia do các cụ họ Trần nhà anh Minh với anh Khoa viết văn.

3. Đường nông thôn mở rất rộng. Xe 24 chỗ của chúng tôi quay đầu các kiểu rất thoải mái. Bê tông làm đường vẫn còn vẻ mới tinh. Người cháu họ của anh Minh tâm sự: đường này mới hoàn thành gần đây, là do nhà dân ở hai bên hiến đất cho việc công. Rất nhiều nhà xây đẹp, toàn nhà mái đỏ (quen gọi là mái Thái). Hầu như không thấy nhà ống bí bích ngày trước nữa.

Làng có nghề làm hương, nên nhiều đoạn đường thành sân hong hương. Người ta mang hương đã phết thuốc lên que cột thành bó hàng trăm nén, mà rất nhiều bó, xếp thành hàng lối ở bên cạnh đường.

4. Sau khi được mấy người cháu họ của anh Minh dẫn ra thăm khu mộ tổ của dòng họ, chúng tôi trở về từ đường. Một người cháu họ chỉ nhà của hai ông Minh - Khoa. Nhà ở ngay bên cạnh từ đường họ Trần. Chúng tôi bước tới thì cổng đóng. 

Nhà không có ai. Vì cụ ông đã mất lâu, gần đây cụ bà cũng đi theo cụ ông rồi. Bây giờ chỉ để không vậy thôi.

Lối dẫn vào nhà cũ của hai anh em thi nhân Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa
(cổng hiện đóng)


Tôi đứng yên lặng một lúc ngắm nhìn cây cối trong vườn, rồi trở ra.

Tháng 12 năm 2020,

Giao Blog



---

BỔ SUNG


1.

Ngày 4/12/2020, Đoàn học viên và giảng viên Chương trình Khu vực học (MAS) đã đi thực tế tại Hải Dương. Điểm đến của đoàn là một số di tích chính yếu gắn với truyền thống giáo dục và khoa bảng Nho học thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi có truyền thống giáo dục, khoa bảng gắn với các nhân vật tiêu biểu như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Duệ, ngày nay được nhân dân trong vùng và nhân dân cả nước phụng thờ trong các di tích với tư cách là những vị phúc thần về học vấn và bình đẳng nam nữ trong học vấn. Trong chuyến thực địa, học viên được gặp và trò chuyện với cán bộ Ban Quản lí Di tích thành phố, được hướng dẫn tham quan và khảo sát các di tích trên địa bàn, đặt câu hỏi và tìm hiểu sâu hơn về những nét chính trong nền tảng văn hóa bác học tiểu vùng văn hóa xứ Đông (thuộc vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ) từ trong truyền thống tiếp nối đến hiện tại.
Ở từng điểm di tích học viên được tìm hiểu về quá trình cộng đồng làng xã và nhà nước đã tổ chức việc phụng thờ các danh nhân trong quá khứ và sau Đổi mới, hành trạng và sự nghiệp của các danh nhân. Sau chuyến thực địa, học viên sẽ tổng hợp các kết quả khảo sát, viết bài thu hoạch về truyền thống giáo dục và khoa bảng Nho giáo trong xã hội Việt Nam nói chung và xứ Đông nói riêng và cảm nhận về sự kế thừa và phát huy trong xã hội đương đại các giá trị của truyền thống giáo dục và khoa bảng truyền thống.








https://www.facebook.com/VietnamJapanUniversity/posts/3584453324974468

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.