Đó là Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, viết tắt là Hội Văn Nghệ Thái Bình. Hội được lập năm 1970, với những người khai sơn phá thạch là Bút Ngữ (1931-), Hồng Dương, Trọng Khuê (1934-2008),...
Đó cũng là cơ quan đã ra ấn phẩm Búp trên cành - tập san đăng tải các sáng tác văn thơ của thiếu nhi Thái Bình từ thập niên 1970 đến thập niên 1990 (hiện đã đình bản). Một cái nhìn tổng quát về Búp trên cành và sáng tác thiếu nhi quê lúa thì có thể xem ở đây.
Về nhà văn Bút Ngữ - một trong những người có công đặt nền móng cho Hội Văn Nghệ Thái Bình và phát triển văn học quê lúa - một người thầy văn học thưở lên mười của tôi, chủ nhân Giao Blog, thì có thể đọc ở đây. Năm nay, thầy đã vào tuổi 90.
Dưới là tin cập nhật.
Mở đầu bằng một loạt ảnh (lấy về từ Fb của Phạm Hồng Oanh và nhiều người khác). Sau đó, tin đầu tiên là từ báo Thái Bình. Có gì bổ sung thì sẽ cập nhật ở dưới như thường khi.
Tháng 12 năm 2020,
Giao Blog
---
Hàng đầu tiên: nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Bút Ngữ, nhà văn Đức Hậu, vị nữ áo đỏ thì chưa rõ là ai |
..
Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật Thái bình (1970 - 2020)
50 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo, dùng ngòi bút, tác phẩm và trái tim yêu nước làm vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã miệt mài bám sát thực tế sinh động của cuộc sống để sáng tạo nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học của các tác giả, những nhà văn, nhà thơ đã đi vào lòng những người yêu văn học trong và ngoài tỉnh. Những kịch bản sân khấu cùng những vai diễn, nhân vật lịch sử... gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ sĩ đã đến với hàng triệu lượt khán giả, thính giả trong và ngoài nước. Các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, kiến trúc, phát thanh, truyền hình của hội viên đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi, các kỳ liên hoan, triển lãm trong tỉnh, trong khu vực và cấp quốc gia. Với tinh thần trách nhiệm và tấm lòng yêu mến, bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc, của quê hương, các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian đã nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật để cho ra mắt những tác phẩm, công trình công phu, đậm chất dân gian của vùng đất, con người Thái Bình. Ở mỗi chuyên ngành, các hội viên của Hội đều bám sát thực tiễn, đem hết khả năng, lòng say mê, nhiệt huyết trong sáng tạo để kết tinh thành những tác phẩm nghệ thuật sâu sắc phản ánh về cuộc sống, chiến đấu, lao động vô cùng lớn lao của con người Thái Bình, của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử; tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận nhân dân để từ đó giúp con người nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, để sống có ý nghĩa hơn.
50 năm qua, từ 20 thành viên ban đầu của Ban Vận động thành lập Hội, đến nay, qua 10 kỳ đại hội, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình có 289 hội viên, trong đó 123 hội viên đã được kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương. Tổ chức hội có bước phát triển, trưởng thành, hiện nay có 8 chi hội chuyên ngành, Văn phòng Hội và Tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Phát huy vai trò là mái nhà chung, là nơi đoàn kết, tập hợp các hội viên, trong những năm qua Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động; thường xuyên tổ chức các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế, hội thảo, tọa đàm; tổ chức phát động hàng nghìn đợt sáng tác theo các chủ đề khác nhau; mở rộng giao lưu, hợp tác với các tỉnh trong khu vực để trao đổi, học tập kinh nghiệm. Chú trọng thực hiện việc xét hỗ trợ cho các tác phẩm theo quy chế của trung ương và của tỉnh; công tác kết nạp hội viên. Các hoạt động thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn, khi ốm đau, hiếu hỷ được Ban Chấp hành Hội và các chi hội thực hiện thường xuyên, kịp thời đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Hội và hội viên. Công tác xây dựng tổ chức hội, thực hiện Điều lệ, các quy chế trong tổ chức, hoạt động của Hội được chú trọng; Văn phòng Hội và Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã phát huy vai trò trong hoạt động của Hội. Trong đó, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã có sự tìm tòi để đổi mới, nâng cao nội dung, hình thức; đã giới thiệu, công bố nhiều tác phẩm mới của văn nghệ sĩ và cộng tác viên trong, ngoài tỉnh đến với độc giả, góp phần không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Điều tâm đắc là các tác phẩm văn học nghệ thuật của hội viên sáng tác đã góp phần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh của truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương, những phẩm chất, cốt cách tốt đẹp của vùng đất, con người Thái Bình, đồng thời góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng văn hóa, con người Thái Bình phát triển toàn diện.
Ghi nhận những đóng góp đó, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2000) và nhiều bằng khen của các bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh. Đã có gần 300 tác phẩm văn học nghệ thuật của hội viên được giải thưởng từ các cuộc thi sáng tác và triển lãm trong nước và khu vực, 20 giải thưởng quốc tế; trên 200 lượt tác giả được UBND tỉnh trao giải thưởng mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn và hàng trăm huy chương vàng, bạc... qua các kỳ liên hoan, hội diễn... 8 nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, 28 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú; 81 hội viên được tặng Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, trên 100 hội viên được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Những phần thưởng cao quý và niềm vinh dự lớn lao đó mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn lực tinh thần to lớn cổ vũ các thế hệ hội viên tiếp tục sáng tạo nghệ thuật, cống hiến nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hướng tới giá trị của chân - thiện - mỹ.
“Thành công của ngày hôm nay bắt nguồn từ nỗ lực của ngày hôm qua, và thành công trong tương lai phụ thuộc vào những hành động ngay từ bây giờ”. Chặng đường phía trước đang mở ra cho Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình nhiều thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh trong nước và trong tỉnh đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, sự phát triển nhanh và toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều cơ hội được mở ra, trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật. Những thành tựu của đất nước, của tỉnh trong những năm qua và định hướng phát triển tỉnh Thái Bình thời gian tới như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra sẽ là những chủ đề rộng lớn, bao quát để mỗi hội viên, văn nghệ sĩ thăng hoa, lao động sáng tạo nghệ thuật. Nhưng đồng thời với đó sẽ có những khó khăn, bất cập của việc tiếp nhận sự chuyển đổi mau lẹ của sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái đẹp và cái xấu, cái chưa đẹp, giữa truyền thống và hiện đại, nguy cơ của sự pha tạp của quá trình tiếp nhận văn hóa thế giới, sự tấn công của các sản phẩm văn nghệ độc hại... tất cả những vấn đề đó đòi hỏi Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình phải không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và mỗi hội viên của Hội phải luôn trau dồi về mặt lý luận, nhận thức và kiến thức thực tiễn, vững vàng về tư tưởng, bám sát hiện thực cuộc sống và tiếp thu có chọn lọc những phương pháp sáng tạo mới để cho ra mắt những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao về nội dung, nghệ thuật, góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống của người Việt Nam; khơi dậy ở mỗi con người lòng tự hào dân tộc; lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tin vào lý tưởng và đường lối của Đảng. Để đáp ứng yêu cầu đó, toàn thể hội viên, văn nghệ sĩ Thái Bình sẽ chung sức đồng lòng vì sự phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh phát huy tốt nhất sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của văn nghệ sĩ, đồng hành cùng quê hương, đất nước, dân tộc, nhân dân; nối nhịp cầu giữa cuộc sống và nghệ thuật, giữa lý tưởng của người nghệ sĩ - người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa để qua đó khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc, hun đúc nên bản lĩnh, khí phách, tâm hồn con người Thái Bình, góp phần xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguyễn Thị Thu Hằng
(Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Nhà văn Bút Ngữ, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình có ý nghĩa sâu sắc, đánh dấu sự hình thành và phát triển của một tổ chức hội có tầm quan trọng trong công cuộc cách mạng và trong đời sống xã hội. Đồng thời, giúp mỗi hội viên nhớ lại ngày thành lập của Hội, nhớ lại truyền thống vẻ vang và những thành tựu tốt đẹp, từ đó ra sức phát huy, nâng cao sức lao động, sáng tạo, phục vụ công tác giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng tình cảm, xây dựng con người trong thời kỳ mới và góp sức mình đưa Thái Bình thành một tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng cũng như trong cả nước. Thời gian qua, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã lần lượt đăng tải nhiều sự kiện đáng nhớ của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình từ khi thành lập tới nay. Trong suốt quãng thời gian đó, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự yêu mến từ các thế hệ người yêu nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Ôn lại những thành tích đã đạt được, mong rằng mỗi hội viên luôn nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó phát triển phong trào chung để từ đó Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình luôn là mái nhà thân yêu của các văn nghệ sĩ Thái Bình. Nghệ sĩ nhân dân Văn Mởn, Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Nhớ ngày đầu khi Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình được thành lập, khi ấy đội chèo chúng tôi là lực lượng nòng cốt trong việc nâng cao phong trào văn hóa, văn nghệ tại các địa phương trong tỉnh. Được kết nạp vào Hội, cùng với hội viên của các chi hội chuyên ngành khác, các nghệ sĩ hăng say cống hiến sức mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra. Qua 50 năm vui buồn cùng những thăng trầm của nghệ thuật, giờ đây lớp thế hệ gạo cội của ngày ấy lại ra sức đào tạo lớp trẻ với mong mỏi những chiếu chèo trên quê lúa sẽ lại rộn ràng như xưa, nghệ thuật truyền thống của cha ông trên mảnh đất này sẽ luôn được tiếp lửa, gìn giữ. Niềm vui là vẫn luôn có những nghệ sĩ trẻ yêu nghề, đam mê với nghề, chính bởi vậy hiện nay có nhiều hội viên của chi hội dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã sở hữu nhiều giải thưởng danh giá của toàn quốc cũng như nhiều người đã trở thành nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Mong rằng, với sự lớn mạnh của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, tình yêu với nghệ thuật dân gian sẽ ngày càng được nhân lên trong thế hệ trẻ. Kiến trúc sư Nguyễn Quang Huyến, Chi hội Kiến trúc Thái Bình hiện có 39 hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong đó có 19 hội viên thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, tất cả đều tốt nghiệp đại học kiến trúc và có nhiều năm hoạt động sáng tác thiết kế. Thời gian qua, các hội viên đã tham mưu và tư vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng, góp phần đáng kể vào công cuộc đổi mới diện mạo kiến trúc đô thị và nông thôn Thái Bình. Trong hai nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tặng bằng khen cho tập thể Hội Kiến trúc sư Thái Bình và các cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều kiến trúc sư của Chi hội đã đảm nhiệm từ khâu tư vấn thiết kế, lựa chọn vật liệu, tổ chức thi công đến hoàn thiện nội thất công trình. Đây là tín hiệu tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đồng thời tạo dựng thương hiệu của các kiến trúc sư nói riêng, Chi hội Kiến trúc nói chung. Trong thời gian tới, cùng với hoạt động chuyên ngành, Chi hội Kiến trúc nỗ lực thu hút hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực vào nền kiến trúc đương đại của Thái Bình trong quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển. Tiến sĩ Trần Hồng Hoa, Chi hội Văn nghệ dân gian Chi hội Văn nghệ dân gian đã có những đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Thái Bình thông qua hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, khẳng định được giá trị đặc sắc của mảnh đất và con người Thái Bình. Nhiều hội viên của Chi hội có cống hiến lớn, được tặng thưởng nhiều huân chương, danh hiệu, giải thưởng cao quý. Với sự tham gia tích cực của các hội viên, Chi hội Văn nghệ dân gian đã thể hiện được vai trò không thể thiếu trong sứ mệnh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa dân tộc. Song song với hoạt động chuyên ngành, công tác phát triển hội viên được đặc biệt chú trọng để nối tiếp ngọn lửa đam mê nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian mà các hội viên trong Chi hội đã thắp sáng trong mấy chục năm qua và làm dày lên các công trình, sản phẩm văn nghệ dân gian, đặc biệt là văn hóa dân gian ứng dụng, đưa văn hóa dân gian thực hành rộng rãi hơn nữa trong đời sống nhân dân Thái Bình, phát huy sức mạnh văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại. Bà Phạm Hồng Oanh, Chi hội Văn học Chi hội Văn học với 56 hội viên là 1 trong 8 chi hội chuyên ngành của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Hòa vào dòng chảy chung, Chi hội đã có những bước phát triển và thành tựu đáng tự hào cả về lượng và chất, phát huy thế mạnh trong các hoạt động của Hội. Để đạt được điều đó, Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, Chi hội Văn học luôn lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của hội viên; tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, giúp đỡ nhau qua việc thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tác cũng như nâng cao chất lượng tác phẩm. Đồng thời, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình cũng luôn hỗ trợ các tác giả có tác phẩm mới xuất bản, động viên kịp thời những sáng tác mới của hội viên, tổ chức ra mắt tác phẩm mới cho hội viên. Minh Đức |
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.