Vào khoảng đầu thập niên 1990, thầy Phan Văn Các (lúc đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm) có đứng lớp ở Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mấy buổi dạy chúng tôi môn Bách gia chư tử thời Tiên Tần (có các vị Khổng Từ, Lão Tử, Mạnh Tử,...). Giọng ông ấm và đều đều, nội dung giảng thường mực thước và thú vị.
1. Hồi đó, từ Viện Nc Hán Nôm vào dạy tại Khoa Ngữ văn cho chúng tôi, có cả thầy Trần Nghĩa. Thầy Nghĩa dạy mấy buổi về môn Hán văn Việt Nam trước thế kỉ thứ X, nội dung đặc biệt thú vị.
Cũng thời gian đó, một lần tới đọc sách tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tôi đã vào thăm thầy Các tại phòng làm việc - cũng là phòng Viện trưởng ở tầng 1. Thầy kể chuyện về chuyến đi sang Mĩ công tác, có gặp cô CTL cũng có mặt ở Mĩ lúc đó. Chuyện đã tới hơn 25 năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in buổi hôm đó. Sau khi được thầy cho xem ảnh chụp và một ít tư liệu, tôi hỏi: "Lúc ở cơ quan đó, thầy sử dụng ngoại ngữ gì là chính để giao tiếp với người Mĩ học giả và người Mĩ bình thường". Ông trả lời: "Mình dùng tất cả những gì mà mình có về ngoại ngữ".
Ông là người ra đề thi môn Hán văn cổ đại cho lớp dự thi Cao học Hán Nôm khóa đầu tiên của Viện Nc Hán Nôm hồi khoảng giữa thập niên 1990. Cùng đi thi khóa đó có rất đông anh chị và cô chú, ví dụ anh Nguyễn Hữu Mùi, anh Nguyễn Xuân Diện, chú Nguyễn Hữu Tưởng,...Tôi đã đi ôn thi, rồi dự thi, được lấy đỗ, nhưng sau đó do chuyển đổi chuyên môn sang một lĩnh vực khác, nên đã không theo học khóa đầu tiên đó. Sau này, thì biết: nếu học lớp đó, sẽ là học cùng với một nhà sư bây giờ là trụ trì một ngôi chùa trên phố Hàng Lược. Một lần nào đó đi khảo sát các điểm thờ Mẫu trên khu ấy, tôi đã gặp vị trụ trì, bà cho xem ảnh cũ thì tôi mới vỡ lẽ !
2. Rất nhiều cán bộ trong Viện Nc Hán Nôm lúc đó, đã lớn tuổi rồi, vẫn gọi thầy Các là "thầy" xưng "em". Bởi vì, ngày trước họ đã được thầy Các dạy Trung văn cho khi học đại học.
3. Mấy năm trước thầy Trần Nghĩa đã từ trần (lúc đó, Giao Blog đưa tin ở đây - năm 2016).
Bây giờ, sau một thời gian đau yếu, thầy Phan Văn Các cũng vừa ra đi. Các thầy đã về thế giới bên kia, nơi đã có các học giả đàn anh như Đào Duy Anh, Khương Hữu Dụng, Tào Mạt,...
Tin ở dưới là lấy về từ webiste của Viện Nc Hán Nôm.
"
Cập nhật lúc 11h15, ngày 07/10/2020
Viện Nghiên cứu Hán Nôm và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Nhà giáo, Phó Giáo sư PHAN VĂN CÁC
Sinh năm: 1934
Quê quán: Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh
Chỗ ở: Phòng 810, Tòa A6, Chung cư An Bình City, Đường Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (giai đoạn 1990-1999), Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, Nghiên cứu viên cao cấp.
Do tuổi cao sức yếu, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được tập thể giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng không qua khỏi, đã từ trần vào hồi 11 giờ 22 phút ngày 06 tháng 10 năm 2020 (tức ngày 20 tháng 08 năm Canh Tý), hưởng thọ 87 tuổi.
Lễ viếng: từ 08 giờ 00 đến 10 giờ 00, ngày 10 tháng 10 năm 2020 (thứ Bảy) tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, Phố Trần Vỹ, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Lễ truy điệu và đưa tang: vào hồi 10 giờ 00 ngày 10 tháng 10 năm 2020.
Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.
Trân trọng thông báo!
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2591&Catid=4
"
Học trò kính bái,
Tháng 10 năm 2020,
Giao Blog
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.