Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

06/06/2020

Học giả Ngô Đức Thịnh vừa từ trần, thọ 77 tuổi (1944 - 2020)

Mấy năm nay, ông cứ yếu dần đi do phải vật lộn với bệnh tật ngày một trầm trọng. Mới đầu, những năm 2008-2010 thì chỉ là huyết áp, rồi sang tiểu đường, cuối cùng là chạy vào thận. Ít ngày trước gia đình đã đưa ông vào khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (Ngọc Hồi, Hà Nội).

Sáng nay, Thứ Bảy ngày 6 tháng 6 năm 2020 (ngày 15 tháng 4 năm Canh Tí), ông đã nhẹ bước ra đi.

Với cá nhân tôi, ông là thủ trưởng cơ quan trực tiếp (trưởng phòng, viện trưởng), đồng thời là người thầy hướng dẫn luận văn thạc sĩ (luận văn đã bảo vệ đầu năm 2000). Chúng tôi đều là người xứ Sơn Nam Hạ. Trong mười năm gần đây, ông tâm đắc với từ "nhóm học giả Sơn Nam" trong nghiên cứu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Từ ấy là do ông đưa ra.

Mấy ngày trước, tôi ngồi xử lí số tư liệu của lần đưa ông về thăm làng Ikisan ở miền Tây nước Nhật Bản vào mùa đông năm 2002 (lúc đó tôi đang làm điều tra dài hạn ở làng). Tức là tư liệu của khoảng 18 năm về trước, lúc ấy ông vẫn đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian - nay đã đổi tên thành Viện Nghiên cứu Văn hóa. Chuyến ấy, ông sang Nhật Bản dự hội thảo ở một nơi khác. Chúng tôi sắp xếp để ông xuống Fukuoka và tới thăm làng Ikisan trong thời gian ngắn.

Đầu tiên chạy một ít thông tin chính thức. Các thông tin bổ sung thì cập nhật dần.

Ngày 6 tháng 6 năm 2020,
Giao Blog

---





TPO - Giáo sư Ngô Đức Thịnh qua đời lúc 7h20 ngày 6/6, sau thời gian dài sức khỏe suy yếu và chống chọi bệnh tật, hưởng thọ 77 tuổi.









Giáo sư Ngô Đức Thịnh qua đời ở tuổi 76

Giáo sư Ngô Đức Thịnh sinh năm 1944, quê ở Hải Hậu, Nam Định. Năm 1980 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, được phong hàm giáo sư năm 2002. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, sau nghỉ hưu ông thành lập trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về đạo Mẫu. Ông giữ chức Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam từ khi thành lập năm 2008. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh là một trong những nhà nghiên cứu quan tâm tới văn hóa truyền thống, sự nghiệp bảo tồn các giá trị truyền thống. Đặc biệt, ông là người nặng lòng với đạo Mẫu. Ông bắt đầu nghiên cứu về đạo Mẫu khá sớm, từ giai đoạn trước thập niên 80 của thế kỷ trước. Năm 1992, ông ra mắt cuốn sách "Hát văn". Năm 1996, ông xuất bản hai tập "Đạo Mẫu" (sau này ông hoàn thiện và tái bản với tên "Đạo Mẫu ở Việt Nam"). Năm 2008, ông xuất bản cuốn “Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận”. Ông được xem là một trong những người đầu tiên đặt nền móng lí luận cho thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

UNESCO công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016. Giáo sư Ngô Đức Thịnh là một trong những nhà nghiên cứu đóng góp lớn trong quá trình để thế giới công nhận tín ngưỡng bản địa của người Việt. Ban đầu ông từng phản đối việc đệ trình hồ sơ, sau lại trở thành một trong số cố vấn cho hồ sơ trình UNESCO vì nhận thấy ý thức của chuyên gia và người dân tốt hơn.

Nhiều năm gắn bó với đạo Mẫu, GS. Ngô Đức Thịnh luôn tâm niệm làm sao để có những tổ chức, câu lạc bộ để tập hợp các thanh đồng hoạt động theo chuẩn. Quản lý không trói buộc mà phải tạo điều kiện để người ta thực hiện theo đúng pháp luật. Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn về đạo Mẫu, GS. Ngô Đức Thịnh luôn tâm niệm phải tránh xu hướng thương mại hóa làm xói mòn những giá trị tốt đẹp của đạo Mẫu.

Nguyên Khánh

..


---







BỔ SUNG

4. Tin của ông Phạm Tứ về tang lễ, ảnh của nhiếp ảnh gia kì cựu Nguyễn Văn Kự (một người bạn thân thiết của thầy Ngô Đức Thịnh)

"

Ngày 08 tháng 06 năm 2020 (17/ 04 Canh Tý ) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội Gia tộc họ Ngô Hải Hậu Nam Đinh cùng Viện Nghiên cứu Văn hóa vàTrung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng VN. Tổ chức Lễ tang GS- TS Ngô Đức Thinh. Sinh ngày 2/2/1944 tại Hải Phúc, Hải Hậu Nam Định, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng VN, Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản Văn hóa VN. Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia (2004-2014), Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. Tại lễ tang, GS-TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thay mặt Ban tổ chức lễ tang đoc Điếu văn. Cùng ngày di cốt Giáo sư được Gia tộc họ Ngô đón về quê làm lễ và an táng tại Lăng họ Ngô Nghĩa trang Hải Phúc, Hải Hậu Nam Định.

Tóm tắt tiểu sử và những đóng góp của GS-TS Ngô Đức Thịnh với khoa học và cộng đồng
GS.TS Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, nay là Viện nghiên cứu văn hóa, thuộc Viện HLKHXH VN; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam ( Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ).
GS.TS Ngô Đức Thịnh sinh ngày 2/2/1944 tại xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nông dân. Lớn lên ông được gia đình nuôi ăn học và trưởng thành tại quê nhà. Năm 1963 ông được tuyển vào Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, nay là ĐHKHXH&NV thuộc ĐHQG Hà Nội.
Từ 1963 đến 1967 ông là sinh viên Khoa Lịch sử của ĐH TH Hà Nội.Sau khi ra trường ông được điều động về Ban công tác miền Tây của chính phủ từ 1967 đến 1971.Từ năm 1971 đến năm 1973 ông về công tác tại Viện Dân tộc học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện HLKHXHVN, làm cán bộ phòng Nghiên cứu các dân tộc ít người miền Bắc. Sau đó được bổ nhiệm là Phó trưởng phòng Phòng nghiên cứu dân tộc học nước ngoài và là thành viên của Hội đồng khoa học của Viện Dân tộc học.
Với những thành tích công tác của mình, ông được cơ quan cử đi nghiên cứu sinh tại Viện Dân tộc học Xô Viết, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ) từ năm 1975 đến năm 1980. Tại đây ông đã bảo vệ thành công luận án PTS Dân tộc học năm 1980. Về nước, ông chuyển về công tác tại viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nay thuộc Viện HLKHXHVN từ năm 1982 đến 1987.
Năm 1987 ông chuyển về Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, nay là Viện Nghiên cứu văn hóa là cán bộ nghiên cứu và là thư ký khoa học của Viện. Từ năm 1989 ông được bổ nhiệm là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian. Đến năm 1994 ông được bổ nhiệm là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, năm 2000 ông được bổ nhiệm vị trí Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian. Cho đến năm 2005 ông nghỉ quản lý và làm việc ở Viện đến năm 2008 thì nghỉ hưu theo chế độ.
Với những đóng góp quan trọng trong công tác nghiên cứu và đào tạo, ông được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư năm 1991 và hàm Giáo sư năm 2002.
Trong thời gian công tác tại Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, tiếp bước các nhà nghiên cứu đàn anh như GS Đinh Gia Khánh, GS Nguyễn Đổng Chi ... ông đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng ngành nghiên cứu văn hóa dân gian và Khoa Nghiên cứu văn hóa dân gian, nay là Khoa Văn hóa học thuộc Học Viện khoa hoc xã hội, Viện HLKHXH VN. Ông đã góp phần đào tạo hàng trăm Tiến sĩ, Thạc sĩ Văn hóa học, Văn hóa dân gian, nhiều người trong đó nay đang giữ vị trí trọng trách ở các trường, các viện nghiên cứu. Bằng sự nỗ lực của ông với tư cách là người đứng đầu, cùng các cán bộ khác, ông đã kêu gọi được các nguồn tài trợ quốc tế để thực hiện việc dịch thuật, giới thiệu nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về văn hóa dân gian của nước ngoài ở Việt Nam, các công trình này đã được được đánh giá cao và giúp ích cho việc nghiên cứu và đào tạo ở trong nước. Ngoài ra ông cũng là người đi đầu trong việc xây dựng các dự án điểu tra, sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong bối cảnh xã hội đương đại, điển hình là dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên được ông chủ trì thực hiện từ năm 2001 và các đề tài nghiên cứu về luật tục và văn hóa dân gian các tộc ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Sau khi nghỉ công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa, tháng 10 năm 2008 ông đã đứng ra thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Lễ hội và Văn hóa dân gian, tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam hiện nay. Với mục đích nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng; tạo điều kiện để cộng đồng tham gia theo hướng xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng. Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đã tiến hành nhiều hoạt động tích cực. Đó là các hội thảo khoa học, các cuộc liên hoan cùng nhiều hoạt động khác liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Trong thời gian lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam GS.TS Ngô Đức Thịnh không chỉ đóng góp bằng các công trình nghiên cứu, ông còn kêu gọi tất cả mọi người cùng chung tay trả lại ý nghĩa đích thực của đạo Mẫu. Ông đã tập hợp được các thanh đồng, giúp họ định hướng trên nguyên tắc họ là chủ thể của di sản, hướng họ vào một quỹ đạo. Giáo sư Ngô Đức Thịnh là một trong những nhà nghiên cứu đóng góp lớn trong quá trình để thế giới công nhận tín ngưỡng bản địa của người Việt.
Trong suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, ông đã say mê nghiên cứu nhiều lĩnh vực khoa học như dân tộc học, văn hóa học, văn hóa dân gian cả về lý luận và thực tiễn. Ông đã công bố 58 cuốn sách là các chuyên luận ông nghiên cứu độc lập hoặc nghiên cứu cùng với đồng nghiệp, học trò và hàng trăm bài nghiên cứu trên các Tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Trong gia tài các công trình nghiên cứu đồ sộ đó của ông, những công trình nghiên cứu mà ông đam mê nhất là về Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Về lĩnh vực này ông đã có nhiều công bố có giá trị. Ví như công trình: “Hát văn” (1992), “Đạo Mẫu ở Việt Nam (1996), “Lên đồng - hành trình của thần linh và thân phận” (2007),.... Đặc biệt, ông là người có đóng góp lớn cho việc UNESCO công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.
Với những đóng góp của mình, GS.TS Ngô Đức Thịnh đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng nhì; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2017. Ông là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia (2004-2014),Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhiệm kỳ III; Ông được Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Di sản Văn hóa VN”. Trong thời gian ông làm Phó Chủ tịch Hội Folklore Châu Á, ông không những có đóng góp thiết thực các hoạt động học thuật mà còn là tích cực tổ chức thành công các hội thảo quốc tế.
Nhìn lại cuộc đời của GS Ngô Đức Thịnh, chúng ta thấy ông luôn say mê với công việc nghiên cứu khoa học và bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam. Điều này thể hiện ở số lượng công trình mà ông công bố và sự miệt mài trong công việc của ông cho đến lúc cuối đời. Ông chỉ ngừng công việc khi sức khỏe không cho phép, khi ông phải tiến hành điều trị căn bệnh hiểm nghèo. Mặc dù được các bác sĩ và gia đình, con cháu tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng vì tuổi cao sức yếu, ông đã vĩnh biệt cõi đời, ra đi vào lúc 6h30’ ngày 6/6/2020 (tức ngày mùng 15 tháng 4 năm Canh Tý), hưởng thọ 77 tuổi.
Ông mất đi là một mất mát không gì bù đắp nổi cho con cháu trong gia đình, cho giới nghiên cứu văn hóa nước nhà, cho cộng đồng chủ thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cả nước và tất cả bà con thân tộc, lối xóm, đồng chí, bạn bè đồng nghiệp, các học trò gần xa,
Ảnh Nguyễn Văn Kự



















"

https://www.facebook.com/tu.pham.1422409/posts/1579688088855491





3. Đại sứ Phạm Sanh Châu

Việc ra đi của Giáo sư dù đã được tiên liệu nhưng không phải không gây buồn và sốc cho nhiều người. Giáo sư chỉ làm công tác nghiên cứu không bước chân vào chính trường nên chắc hẳn ít người biết về ông.
Đối với thế giới của những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, ông không chỉ là người Thầy đặt nền móng lý luận và khoa học mà chính là “linh hồn” dẫn dắt Đạo Mẫu Việt Nam vượt qua những thời khắc thăng trầm và khó khăn nhất trong lịch sử tồn tại của mình. Cũng chính Ông là người định hình và góp phần mang lại tính “chính danh” cho Đạo Mẫu qua một loạt các công trình nghiên cứu như tác phẩm “Đạo Mẫu ở Việt Nam”.
Hành trình nghiên cứu của Ông để trả lại cho Đạo Mẫu vị trí xứng đáng của nó cũng đầy khắc khoải, nghiệt ngã như chính số phận đầy ẩn ức và lòng khao khát thăng hoa của các thanh đồng, chủ thể của Đạo Mẫu.
Cảm ơn Ông đã cho tôi niềm tin và cả sức mạnh tâm linh để tôi có thể miệt mài giới thiệu Tín ngưỡng thờ Mẫu cho bạn bè quốc tế. Không có Ông chắc hẳn tôi không thể có được niềm đam mê và nhiệt huyết để cùng cộng sự bước vào một hành trình đầy trắc trở để ghi danh “Cách thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên bản đồ các Di sản Văn hoá Phi Vật thể Đại diện của Nhân loại.
Ông đã đi hết “một hành trình của thần linh và thân phận”. Và giờ đây Ông có thể an nghỉ trong sự tri ân của bao người.
https://nhandan.com.vn › item › 44...GS.TS Ngô Đức Thịnh từ trần - Báo Nhân dân


https://www.facebook.com/sanhchau.pham/posts/10221666665206175?__xts__[0]=68.ARCwIkSA6Lv3ehE6quBnGaJwxjTfpxXcsx7KPpcSSwlkbiZ9arstXbolwTwIuo--VOJBA8IWnhRyuN4epltzGOUkcdlsqBLj1SqABxS5_U9lyzfkwl7MmWLzRf-LqQEORcLRUM1-eEubVbJ9PbQmsVJQBBLGH94ZnBqWZdQt0PMZmQ8HuYuUcfI1hkL3bfqF3sAMdu80D8GtRa9vvEQdG1MFAY44ceCCGA5m2wl5Aqg361sKLvOClHUJ4Sy95OLNFhL5nnbNhJ1_0ef1m9bZ4-xiqvrrmbaZ0rA&__tn__=-R








GS. Ngô Đức Thịnh, 'Người đặt nền móng và đột phá trong Văn hóa học VN'

  • 8 tháng 6 2020

OtherBản quyền hình ảnhOTHER

Nhà nghiên cứu dân tộc học và văn hóa học của Việt Nam thường được nhắc đến nhiều với công trình nghiên cứu về đạo thờ Mẫu, bên cạnh nhiều công trình khác, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, vừa qua đời ở tuổi 76 hôm 06/6/2020.
Bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 08/6 về sự nghiệp và di sản của ông, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, người có luận án tiến sỹ sử học, chuyên ngành Dân tộc học, được phản biện bởi Giáo sư Ngô Đức Thịnh nhiều năm về trước, nói về người mà ông tự nhận là "bậc thầy" của mình:
"Giáo sư Ngô Đức Thịnh xuất thân là một nhà dân tộc học, trước khi đi Nga để làm luận án Phó Tiến sỹ (sau này chuyển thành Tiến sỹ), ông đã có những nghiên cứu rất sâu về các tộc người ở Lào, cụ thể là người Khơ-mú, có những nghiên cứu về các tộc người ở Việt Nam.
"Năm 1975-76, ông đi Nga bảo vệ luận án phó tiến sỹ ở bên đó, đến năm 1980 ông về nước và chuyển qua làm việc ở Viện Nghiên cứu Văn hóa. Ông dành rất nhiều năm để làm tư liệu, ông là một người làm tư liệu rất kỹ. Với khả năng sử dụng ngoại ngữ là tiếng Nga và tiếng Anh, ông làm được khá nhiều tài liệu dịch, đọc được khá nhiều tài liệu nước ngoài.
"Đến đầu những năm 1990, ông bắt đầu xuất bản và những xuất bản đầu tiên của ông là về văn hóa vật chất, cụ thể là trang phục dân tộc ở Việt Nam hoặc công cụ sản xuất, phân loại dưới góc độ loại hình học v.v… Qua các công trình này, ông viết khá kỹ về trang phục của các dân tộc ở Việt Nam và các loại hình công cụ sản xuất.

'Bước chuyển và lập nền tảng'

Theo Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, người từng có nhiều năm làm việc tại Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khi chuyển sang làm việc ở Viện Nghiên cứu Văn hóa và có một thời gian dài, khoảng 5 năm, Giáo sư Ngô Đức Thịnh làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Dân gian, nay gọi là Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, và ông đã có bước chuyển từ dân tộc học sang nghiên cứu văn hóa học nhiều hơn, bên cạnh khảo cứu các lý thuyết về nghiên cứu văn hóa.
"Ông bắt đầu cho ra đời các công trình nghiên cứu quan trọng mà cho đến bây giờ vẫn là nền tảng và là cơ sở mà rất nhiều nghiên cứu sinh vẫn còn phải tham khảo khi làm luận án về văn hóa học, thí dụ như phân vùng văn hóa Việt Nam, đặc biệt ông có bài viết rất hay về lễ hội văn hóa dân gian, một loại hình văn hóa dân gian tổng thể.

Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionGiáo sư Ngô Đức Thịnh có nhiều công trình nghiên cứu rất giá trị về lễ hội văn hóa dân gian

"Những công trình nghiên cứu ấy bắt đầu đặt nền móng cho một lối nhìn mới về nghiên cứu văn hóa học, tức là anh không thể tách biệt văn hóa ra khỏi các cấu trúc khác. Ông được cho là chịu ảnh hưởng một phần của Cấu trúc luận, đặc biệt bởi lý thuyết của Levi Strauss, đồng thời kết hợp với định hướng nghiên cứu kỹ lưỡng theo cách của người Nga mà vốn nổi tiếng bởi việc làm tư liệu và mô tả rất là kỹ.
"Khi ông làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, ông bắt đầu đặt nền móng cho các hướng nghiên cứu bắt đầu du nhập từ phương Tây vào, trong đó có những lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa và tộc người các dân tộc Việt Nam và nghiên cứu luật tục của các tộc người thiểu số Việt Nam.

Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image caption"GS Ngô Đức Thịnh đặt nền móng cho các hướng nghiên cứu bắt đầu du nhập từ phương Tây vào, trong đó có những lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa và tộc người các dân tộc Việt Nam"

"Và đồng thời giai đoạn này, Giáo sư Thịnh gợi ý với các nhà dân tộc học Việt Nam đổi mới nghiên cứu dân tộc học, đặc biệt các nhà nghiên cứu văn hóa học cần phải đổi mới nghiên cứu văn hóa, tức là tiếp cận theo góc nhìn phương Tây, tức là chấp nhận đa dạng văn hóa và nhìn nhận văn hóa như những hiện tượng tổng thể v.v…"

'Tổ chức những lớp học đầu tiên'

Theo Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, Giáo sư Ngô Đức Thịnh là người có đóng góp lớn trong việc đặt nền móng đào tạo cho những lứa các nhà nghiên cứu trẻ sau này và ở thế hệ tiếp theo, trong bối cảnh mới đó hướng tới sự đổi mới trong nghiên cứu chuyên ngành mà ông theo đuổi.
"Giáo sư Thịnh còn là người đã tổ chức ra những lớp học đầu tiên nhằm đổi mới nghiên cứu văn hóa và cho những nghiên cứu viên của Viện của ông, cũng như các học viên đang được đào tạo, khi ấy chưa có Học viện Khoa học Xã hội như bây giờ mà viện nào đào tạo cho ngành đó, khi ông đề nghị mở một lớp đào tạo cao học về văn hóa học mà tôi nhờ là lớp đầu tiên có 12 người.
"Điều đặc biệt là lớp học ngày có rất nhiều con em Tây Nguyên, có một số bạn như thế là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ra học, để họ học về thì nghiên cứu về chính tộc người của mình. Đặc biệt là lứa đã học ở Đại học Tổng Hợp Hà Nội ra, như PGS Nguyễn Thị Phương Châm, bây giờ là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, PGS. Phạm Quỳnh Phương, rồi Tiến sỹ Hoàng Cầm mà bây giờ đang làm Viện phó Viện Nghiên cứu Văn hóa v.v… và một loạt các nhà nghiên cứu trẻ khi đó được cho đi học ở nước ngoài, mà chủ yếu là để tiếp cận những phương pháp, góc nhìn mới về văn hóa.
"Từ đó mới hình thành nên bộ môn gọi là Nhân học Văn hóa, Nhân học Xã hội bây giờ ở Việt Nam, thông qua đó có thể thấy Giáo sư Ngô Đức Thịnh là người có những đóng góp rất lớn trong việc đào tạo như thế."
Giới nghiên cứu văn hóa học và văn hóa dân gian của Việt Nam còn ghi nhận và đánh giá cao những công trình mà Giáo sư Ngô Đức Thịnh tổ chức nghiên cứu về tập quán pháp, hay luật tục của Việt Nam, sau đó là sử thi Tây Nguyên, vẫn theo Tiến sỹ Mai Thanh Sơn.
"Cũng trong thời kỳ này, ông in một loạt những tác phẩm liên quan đến tập quán pháp, đến luật tục của Việt Nam và các tộc người thiểu số Việt Nam, tiếp theo đó, ông là người xin tài trợ, kinh phí nhà nước tổ chức sưu tầm, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên, mà ngày nay toàn bộ Bộ Sử thi đó đã được xuất bản. Đấy là vài trong số những đóng góp nổi bật đáng được ghi nhận của Giáo sư trong việc tổ chức nghiên cứu."

'Đột phá và có sức lan tỏa'

Cũng trong giai đoạn này, Giáo sư Ngô Đức Thịnh còn có thêm một bước chuyển nữa, khi ông tập trung vào nghiên cứu đạo thờ Mẫu.
Tiến sỹ Sơn nói với BBC:
"Về cá nhân, thời kỳ đó, ông chuyển mạnh sang để nghiên cứu đạo thờ Mẫu mà sau này ông gọi chung là 'đạo Mẫu' mà ông đã in bộ về đạo Mẫu được tái bản rất nhiều lần.
"Nói chung về những xuất bản phẩm của Giáo sư Thịnh và đặc biệt một số chủ ý, một số ý tưởng nghiên cứu dù có thể có một số điểm gây tranh cãi, chẳng hạn như khi ông nói về Quốc Tổ như một đặc điểm rất riêng của Việt Nam, rồi đạo Mẫu như một thứ đạo, mà trước đó Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đã nói đến câu chuyện 'đạo thờ cúng tổ tiên' của Việt Nam, mà bây giờ đến đó Giáo sư Thịnh lại đưa ra khái niệm mới về 'đạo Mẫu', thì đó là một chuyện trong nhiều chuyện gây tranh cãi, thì trong học thuật, đó vẫn được cọi là một sự đột phá.
"Sự đột phá này đặt nền tảng cho một hướng nghiên cứu mới và sau đấy có rất nhiều người đi theo hướng nghiên cứu đó, đặc biệt về Hát văn, hầu Đồng, rồi những chuyện lên Đồng trong đạo thờ Mẫu.

Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionGiáo sư Ngô Đức Thịnh được đánh giá là học giả hàng đầu trong nghiên cứu Đạo Mẫu

"Theo tôi biết, thì đã có cả chục nghiên cứu, cả chục luận án tiến sỹ là làm về vấn đề đó, trong đó có cả luận án của nghiên cứu sinh nước ngoài người Hàn Quốc mà làm về tục lên Đồng ở Hà Nội, rồi mới đây nhất, có nghiên cứu sinh đã làm luận án về tục lên Đồng ở Nha Trang v.v… đó là một luận án Tiến sỹ mà tác giả cũng đã xuất bản thành sách v.v…
"Như vậy có thể nói những nghiên cứu của Giáo sư Ngô Đức Thịnh có sức lan tỏa và theo cá nhân tôi đánh giá, trong thế hệ các nhà khoa học về dân tộc học và văn hóa học thứ ba ở Việt Nam, tức là sau Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là thế hệ thứ nhất, tiếp theo là các Giáo sư, học giả như Phan Hữu Dật, Đặng Nghiêm Vạn, Mạc Đường, Vương Hoàng Tuyên là thế hệ thứ hai, thì trong thế hệ thứ ba, Giáo sư Thịnh là người thành công nhất."

'Vẫn miệt mài trên giường bệnh'

Theo Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, Giáo sư Ngô Đức Thịnh thực sự là một tấm gương trong lao động khoa học khi trong suốt mười năm qua phải chống chọi với bệnh nặng, ông vẫn không ngừng nghỉ lao động sáng tạo và nghiên cứu khoa học, ngay cả khi phải nằm trên giường bệnh:
"Mấy ngày hôm nay tôi rất buồn vì nghe tin Giáo sư Thịnh qua đời, mặc dù tôi không là 'học trò ruột' của Giáo sư, nhưng tôi cũng từng được Giáo sư phản biện luận án Tiến sỹ ở cấp cơ sở cho tôi.
"Dù không được học ông như các 'trò ruột' khác, nhưng qua thời gian đó, tôi cũng học được ông rất nhiều từ các nhận xét, phê bình khoa học của ông," Tiến sỹ Sơn chia sẻ kỷ niệm cá nhân của mình với Giáo sư Ngô Đức Thịnh.
"Đặc biệt khi tôi mới ra trường trong những năm tháng đầu tìm việc, chính Giáo sư Thịnh, người mà tôi vẫn gọi thân mến là 'chú Thịnh' đã giúp tôi rất nhiều.
"Ông bảo Sơn về đây làm tư liệu cho chú, và thế là tôi đã trở thành một trợ lý tư liệu cho Giáo sư và qua suốt thời gian dài đó, tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều về ông, kể cả thời gian tôi được tham gia làm một dự án ở Hà Nội với ông.
"Suốt niều năm qua, đăc biệt là 6-7 năm trở lại đây, ông chống chọi với bệnh thận, phải chạy thận, nhiều lúc phải nằm viện, ông vẫn làm việc, vẫn thức đêm thức hôm, làm việc không ngơi nghỉ, ở đâu có nghiên cứu, điền dã, hội thảo là ông vẫn không ngại ngần lên đường tới nơi để đóng góp.
"Cuộc đời của ông thực ra cũng có nhiều sự vất vả, nghiệt ngã, nhưng ông vẫn luôn cống hiến và làm việc, sẵn sàng xếp nhiều thứ sang một bên. Với tôi, tôi luôn tự xem mình như một người học trò của ông."
Giáo sư Ngô Đức Thịnh sinh năm 1944 tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, ông tốt nghiệp khóa đầu chuyên ngành về Dân tộc học, thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) khóa 1963-1967, theo các báo Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc tại Viện Dân tộc học, thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Từ 1976-1980, ông được cử đi học nghiên cứu sinh tại Nga, thuộc Liên Xô cũ. Sau khi bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sỹ, (sau được công nhận chung là tiến sĩ) vào năm 1980, ông về làm việc ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, rồi đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa từ năm 1994 cho đến khi nghỉ hưu.
Từ năm 2008 đến nay, ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam)..
Giáo sư Ngô Đức Thịnh là ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017, vẫn theo truyền thông nhà nước.
Sinh thời Giáo sư Ngô Đức Thịnh từng có nhiều lần đóng góp cho các chương trình thời sự, các chuyên đề về văn hóa, xã hội, tôn giáo với BBC News Tiếng Việt.
Trong đó, có lần ông lên tiếng quan ngại hay phê phán hiện tượng được cho là có cơ sở "tôn giáo, tín ngưỡng" làm ăn kinh doanh "vụ lợi" ở Việt Nam', ông nói với BBC:
"Nguồn thu là rất lớn. Có những cơ sở có thể thu tới ba bốn chục tỷ một năm, không thể tưởng tượng nổi. Rõ ràng chính cơ sở đó vụ lợi."
Một số bài BBC phỏng vấn Giáo sư Ngô Đức Thịnh:



https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52965588?fbclid=IwAR2rT6qPWegqk5e34dPXjFU1Ll02i8GS0h-0bZXPcCvSbYr3MAEF5cO1_DI




2. Học trò Nguyễn Doãn Minh tâm sự (viết 6/6/2020)

"
GS. Ngô Đức Thịnh qua đời lúc 6h30' ngày 6/6, sau thời gian dài sức khỏe suy yếu và chống chọi bệnh tật, hưởng thọ 77 tuổi. Tang lễ GS Ngày 8/6 (tức thứ 2) tại nhà tang lễ Quân đội số 5 Trần Thánh Tông
- 8h sáng gia đình làm lễ nhập quan
- Từ 9h30 tới 10h45: Lễ viếng
- Từ 10h45 tới 11h45: Lễ truy điệu
(Sau đó là lễ hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ tại Văn Điển).
E Xin chúc linh hồn Thầy siêu thoát nơi vĩnh hằng! Em xin cảm ơn Thầy đã có những nhận xét ưu ái dành cho Luận án của em!





"
https://www.facebook.com/doan.minh.33/posts/1729362957203514






1. Học giả đàn em Vương Xuân Tình (viết 6/6/2020)

"
Vào lúc 7 giờ 20 phút sáng nay, ngày 6/6/2020, GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã về với thế giới của người hiền.
GS.TS. Ngô Đức Thịnh là một nhà nghiên cứu văn hóa có tầm vóc, trên nền tảng của một nhà dân tộc học. Ông từng có nhiều năm công tác ở Viện Dân tộc học, bởi vậy, những công trình nghiên cứu của ông khó bóc tách đâu là dân tộc học, đâu là văn hóa dân gian. Vả chăng, ranh giới giữa hai ngành khoa học này cũng mỏng manh.
Có lẽ với gốc nguồn và bối cảnh như thế nên mặc dù GS.TS. Ngô Đức Thịnh có cống hiến lớn trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, đặc biệt trong những năm tháng ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (1994-2004), và khi nghỉ hưu, là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam - một tổ chức NGO, song chúng tôi vẫn luôn nhận ông là người của dân tộc học.
Với dân tộc học Việt Nam, nếu tính từ GS.TS. Nguyễn Văn Huyên, người có công khai mở cho ngành khoa học này, GS.TS. Ngô Đức Thịnh được coi là thuộc thế hệ thứ ba, sau những tên tuổi lớn của thế hệ thứ hai, như các nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, Đặng Nghiêm Vạn, Phan Hữu Dật, Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Diệp Đình Hoa, Mạc Đường…
Với tôi, GS.TS. Ngô Đức Thịnh là một người anh lớn trong khoa học, và chắc nhiều người thế hệ tôi cũng ngưỡng mộ ông.
Trí lự và sắc bén. Trong phạm vi của dân tộc học, GS.TS. Ngô Đức Thịnh quan tâm rất nhiều lĩnh vực, như trang phục, nông cụ, ẩm thực, luật tục, sử thi, tín ngưỡng dân gian. Có cảm tưởng rằng, bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào mà ông để mắt tới cũng sẽ gặt hái được thành tựu. Song trong nhiều lĩnh vực như đã nói, kết quả nghiên cứu về luật tục, sử thi và tín ngưỡng dân gian thể hiện rõ nhất trí lự, sắc bén của ông, kể cả tổ chức nghiên cứu và học thuật.
Nghiên cứu luật tục, GS.TS. Ngô Đức Thịnh đã truyền cảm hứng, kết nối nhiều ngành khoa học trong và ngoài nước tham dự, như văn hóa dân gian, dân tộc học, sử học, luật học, môi trường, nông nghiệp. Là người đặt nền tảng quan trọng cho nghiên cứu sử thi Tây Nguyên, ông và cộng sự đã góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa độc đáo của khu vực này. Nghiên cứu Đạo Mẫu, ông đã có đóng góp lớn để UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể. GS.TS. Ngô Đức Thịnh còn được xem là một trong những người có tầm ảnh hưởng trong vận dụng và xây dựng lý thuyết nghiên cứu, thể hiện qua các công trình “Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam”, “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam”.
Trí lự và sắc bén như vậy, nên chắc không quá lời khi ví ông như chim đại bàng trong một lĩnh vực khoa học.
Song vẫn còn thiếu nếu không nhắc đến công lao đào tạo của ông. Có lần ông chia sẻ với tôi, đại ý: Trong cơ chế này, khó đào tạo người kế nhiệm mình, song vẫn có thể đào tạo đội ngũ khoa học kế cận mình.
Tôi tin rằng, nhiều học trò và cộng sự của GS.TS. Ngô Đức Thịnh thấm thía điều đó.
Ảnh: GS.TS. Ngô Đức Thịnh trong buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ của Vương Xuân Tình, năm 1999.


"
https://www.facebook.com/tinh.vuongxuan/posts/2957181681065699
..

1 nhận xét:

  1. 4. Tin của ông Phạm Tứ về tang lễ, ảnh của nhiếp ảnh gia kì cựu Nguyễn Văn Kự (một người bạn thân thiết của thầy Ngô Đức Thịnh)

    "
    Tứ Phạm
    2 giờ ·
    LỄ TANG GS NGÔ ĐỨC THỊNH

    Ngày 08 tháng 06 năm 2020 (17/ 04 Canh Tý ) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội Gia tộc họ Ngô Hải Hậu Nam Đinh cùng Viện Nghiên cứu Văn hóa vàTrung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng VN. Tổ chức Lễ tang GS- TS Ngô Đức Thinh. Sinh ngày 2/2/1944 tại Hải Phúc, Hải Hậu Nam Định, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng VN, Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản Văn hóa VN. Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia (2004-2014), Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. Tại lễ tang, GS-TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thay mặt Ban tổ chức lễ tang đoc Điếu văn. Cùng ngày di cốt Giáo sư được Gia tộc họ Ngô đón về quê làm lễ và an táng tại Lăng họ Ngô Nghĩa trang Hải Phúc, Hải Hậu Nam Định.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.