Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

07/04/2020

Trở lại chuyện Mão là "con thỏ" hay "con mèo" có trước (bài Đinh Văn Tuấn)

Mình đã tham gia thảo luận từ hồi năm 2010 gì đó, tức là khoảng 10 năm về trước. Thảo luận đó có thấy chiếu trên VTV4 cho người Việt ở hải ngoại (thực tế là sau đó thì có một người đã xem tivi mà báo thôi, chứ bản thân mình thì chưa từng xem).

Lúc nói chuyện thì mình vẫn phải dựa vào Từ điển Việt Bồ La của nhóm cụ Đắc Lộ làm một căn cứ gốc. Đại khái thế.


Dưới là là bài của học giả Đinh Văn Tuấn. Đại khái, kết luận của bài này (đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ năm 2012) là như sau:

" 
Qua các bằng chứng xác thực từ thư tịch, khảo cổ, ngôn ngữ thì ở Trung Quốc và Việt Nam, cho đến hiện nay ta có thể xác định 12 Địa Chi đã phổ biến từ thời Thương và sau đó vào khoảng thời Tiên Tần, 12 con vật làm biểu tượng của 12 Địa Chi mới thấy xuất hiện, trong đó Chi thứ tư là Mão 卯 đã có hình tượng là con Thỏ, chữ Hán là 兔 (thố . Từ khi nội thuộc nhà Hán cho đến khi Việt Nam giành độc lập bắt đầu từ nhà Đinh đến Lý, ở Việt Nam đã chịu ảnh hưởng và dùng tên gọi, hình ảnh con Thỏ để tượng trưng cho Chi Mão như truyền thống của Trung Quốc. 

Nhưng mãi cho đến thế kỉ XVI – XVII, Chi Mão mới bắt đầu được chuyển đổi từ hình tượng con Thỏ sang hình tượng và tên gọi Mèo vì nhu cầu nội tại của đời sống sinh hoạt và tinh thần, tâm lí của người Việt. 

Hiển nhiên, dù muốn hay không, kết luận đã nghiêng về Trung Quốc: Khởi thủy của biểu tượng Chi Mão chính là hình tượng và tên gọi con thỏ Trung Quốc chứ không phải là hình tượng và tên gọi con mèo Việt Nam. Sự thật khách quan này cũng chính là một chứng cứ khoa học dùng để phê bình và phủ nhận giả thuyết thiếu khoa học, nặng tinh thần “tự tôn dân tộc” khi đưa ra lập luận: Khởi đầu tên gọi của 12 Địa Chi chính là tên gọi của 12 con giáp của Việt Nam và nói riêng về biểu tượng con Mèo là hình ảnh và tên gọi ban đầu của Chi Mão.

"


Toàn văn đọc ở dưới.


Tháng 4 năm 2020,
Giao Blog




---






ĐINH VĂN TUẤN
     TÓM TẮT
     Theo Âm lịch vào những năm thuộc Địa Chi Mão (卯) (như năm Tân Mão), người ta thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở các nước Á Đông có 2 hình tượng khác nhau hiện diện để tượng trưng cho năm Mão: Theo truyền thống, ở Trung Quốc, Đài Loan,… đã lấy hình tượng con Thỏ 兔(thố) để làm biểu tượng cho năm Mão nhưng đặc biệt ở Việt Nam, lại là biểu tượng con Mèo, người Việt thường nói năm, tuổi mẹo hay mèo. Trong 12 con giáp của Trung Quốc và Việt Nam, chỉ có con giáp thứ 4 là thật sự khác nhau. Sự khác biệt duy nhất này đã trở thành một đề tài cho một số nhà nghiên cứu Việt Nam tìm hiểu và lí giải, trong đó có một giả thuyết hấp dẫn như muốn khẳng định hình tượng và tên gọi con Mèo của Việt Nam mới chính là khởi thủy của Chi Mão và người Trung Quốc đã tiếp nhận nhưng lại cố ý thay con Thỏ vào chỗ của con Mèo1[5]. Nhưng sự thật có phải như thế không? Bài viết này là một cố gắng tìm hiểu và khảo chứng lại, dựa vào các bằng chứng xác thực từ thư tịch, khảo cổ… để thử tìm giải đáp cho câu hỏi: Biểu tượng của Chi Mão, lúc ban đầu là hình tượng và tên gọi con thỏ Trung Quốc hay hình tượng và tên gọi con mèo Việt Nam.
SUMMARY
     Through the evidences from old books, archeology, languages in China and Vietnam, so far we can identify that 12th earthly branches has been popular since the Shang Dynasty but 12 animals as symbols of 12th earthly branches only appeared about time of pre-Qin, in which 4th earthly branches “Mao” had image as the rabbit. Since the domination of Han Dynasty until the indefendent state starting from Đinh Dynasty, VietNam, influenced by Chinese traditions, used the rabbit to represent Chi Mao. Until 16th- 17th centuries, Chi Mao began to be used to represent the cat because of internal demands of daily life and psychology of Vietnamese people.
x
x x

1. Chi Mão và biểu tượng con Thỏ qua thư tịch, khảo cổ ở Trung Quốc

     Mão (卯) là Chi thứ 4 trong 12 Địa Chi (Thập nhị Chi) như Tý, Sửu, Dần, Mão… trong lịch pháp Trung Quốc thời cổ, 12 Địa Chi phối hợp với 10 Thiên Can (Thập Can) như Giáp, Ất, Bính, Đinh… để ghi nhớ, tính toán thời gian. Lịch pháp Trung Quốc với hệ thống Thập Can Thập nhị Chi đã xuất hiện sớm nhất từ thời nhà Thương (1766 – 1122 TCN) với bằng chứng khảo cổ qua Giáp cốt văn. Sau đây là chữ 卯 từ Giáp cốt văn2:
     “12 Địa Chi ban đầu không phải là những tên gọi của 12 con thú, chúng thuần túy là tên gọi chỉ thời gian”. Theo sách Kinh Dịch – Đạo của người Quân tử [4] học giả Nguyễn Hiến Lê đã dẫn ra một quẻ bói từ Giáp cốt văn trích trong cuốn East Asia – The Great tradition (Modern Asia éditions – Tokyo, 1962) (xem hình 1): ngày Tân Mão hỏi quỷ thần (bói): ngày hôm nay, ngày Tân, cũng mưa hay không mưa?. “Rồi sau mới phối hợp 12 tên gọi của thú vật dùng làm biểu tượng cho 12 Địa Chi”, 12 biểu tượng này được gọi là 12 Sinh Tiếu 生肖 (Trung Quốc) hay 12 con Giáp (Việt Nam).
     Dấu vết xưa nhất hiện còn trong thư tịch Trung Quốc liên quan đến 12 Sinh Tiếu là ở thời Tiên Tần như sách Kinh Thi (詩經), ở Quyển Trung, Tiểu nhã, bài Cát nhật với câu: “吉日庚午,既差我馬”3, ở đây mã (馬: ngựa) ám chỉ Ngọ (午) hay trong sách Tả truyện (左傳), Hi Công ngũ niên chép:“龍尾伏辰”4, 龍 (rồng) ứng với Thìn (辰), tuy nhiên vì đây chỉ là các truyền bản đời Hán nên chứng cứ chưa thật xác đáng. Lưu tích xác thật nhất phải nói đến di vật khảo cổ đó là Tần giản (秦简 ) (sách thẻ trúc đời Tần), vào năm 1975, khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện ra ở vùng đất Thụy Hổ, huyện Vân Mộng, Tỉnh Hồ Bắc một bộ sách thẻ trúc đời Tần là Nhật thư 日書, trong đó ở chương Đạo giả (盗者) đã ghi chép về 12 con vật phối ứng với 12 Địa Chi, quan trọng nhất là đã xác định:“卯兔也: Chi Mão là Thỏ vậy” [9].
     Đến đời Hán trong sách Luận hành (論衡)5 của Vương Sung (王充) (27 – 97),ở Quyển BaThiên 14 – Vật thế và Thiên 66 – Ngôn độc, Vương Sung đã dựa theo Âm Dương Ngũ Hành và các thuộc tính của loài vật để luận giải về 12 con thú tương ứng với 12 địa chi, trong đó cũng đã chỉ rõ “卯兔也” Chi Mão là Thỏ như Nhật thư. Theo sách Họa Tiết Trang Trí Đồ Đồng Xanh – Các Dân Tộc Thiểu Số Trung Hoa, có một di vật đồ đồng xanh (trống đồng) ở Vân Nam thuộc đời Tây Hán (206 TCN – 9 CN) khắc đầy đủ 12 chữ Hán của Thập nhị Chi đối ứng với 12 con vật Sinh Tiếu, trong đó, Chi Mão chính là con Thỏ [2] (xem hình 2). Họa tiết 12 con thú trên đồ đồng xanh Vân Nam đã chứng tỏ từ thời Tây Hán ở Vân Nam đã chịu ảnh hưởng một hệ thống lịch pháp cổ của Trung Hoa gắn liền với 12 con vật là biểu tượng của 12 Địa Chi. Chữ 兔 thố (thỏ) cũng đã từng xuất hiện trong Giáp cốt văn6:
     Con thỏ và hình tượng của nó như “ngọc thố”, “nguyệt thố” từ xa xưa rất thân thuộc trong truyền thuyết và văn học Trung Quốc. Ngược lại người ta không tìm thấy chữ 貓 miêu (mèo) trong Giáp cốt văn, Kim văn mà chỉ thấy có ở thư tịch Tiên Tần như Lễ Ký, Kinh Thi, sau đó được ghi nhận trong Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đời Đông Hán. Hình tượng con mèo trái lại, không được thân thiết như hình tượng con thỏ trong đời sống và tâm lí người Trung Hoa. Điều này cũng góp phần giải thích lí do tại sao người Trung Hoa lại chọn Thỏ chứ không phải là Mèo để làm biểu tượng cho Chi Mão.
     Như vậy, qua thư tịch và khảo cổ ở Trung Quốc cho đến nay ta có thể xác định Thập nhị Chi xuất hiện phổ biến từ thời Thương và biểu tượng 12 con vật của 12 Địa Chi đã xuất hiện sớm nhất vào khoảng thời Tiên Tần. Địa Chi thứ tư là Mão (卯) luôn gắn liền với biểu tượng của nó từ khi sinh ra là hình tượng và tên gọi con Thỏ 兔 (tù) thố.

2. Chi Mão và biểu tượng con Mèo qua thư tịch, khảo cổ ở Việt Nam

     Thư tịch cổ Việt Nam chỉ còn các tài liệu truyền bản từ đời Trần trở về sau, theo (Đại) Việt sử lược (khuyết danh) [7] thì thời Trang Vương nhà Chu, nước Văn Lang của Hùng Vương chưa có chữ viết, chỉ biết dùng cách thắt nút để ghi nhớ chính sự, không nói gì về lịch pháp Can Chi, hay 12 con giáp cho đến khi nước Văn Lang biến mất để nhường chỗ cho nước Âu Lạc của An Dương Vương cai trị rồi sau bị Triệu Đà nước Nam Việt thôn tính thì lịch sử cổ đại Việt Nam đã sang trang mới. Bắt đầu từ đây, sau khi Nam Việt bị nhà Hán tiêu diệt, nước ta đã nội thuộc Trung Hoa và chịu ảnh hưởng văn hóa Hán sâu đậm, dĩ nhiên trong đó có hệ thống lịch pháp Trung Hoa cùng với biểu tượng của nó là 12 Sinh Tiếu (con Giáp).
     Ở Việt Nam thời cổ, dấu vết xưa nhất về 12 con Giáp đã từng được chép lại ở các truyền bản đời Trần, trước tiên là bộ (Đại) Việt sử lược (khuyết danh) [7], ở quyển thứ hai, chép về vua Lý Thái Tổ đã viết: “Xưa có con chó chùa Ứng Thiên, hương Cổ Pháp đẻ 1 con chó trắng, trên lưng có lông đen thành chữ “Thiên Tử”. Đến nay thấy vua đẻ năm Giáp Tuất”, ở đây con Giáp thứ 11 (Chi) Tuất chính là con chó, tiếp đến là sách Thiền uyển tập anh, ở quyển Hạ, Thiền phái Tì Ni Đa lưu Chi, Trưởng lão La Quý An, có ghi chép một câu kệ kiểu “sấm vĩ” do Trưởng lão viết ra và được loan truyền trong dân gian như sau: “Thố kê thử nguyệt nội兔 雞 鼠 月 內: Thỏ gà trong tháng chuột” (Thỏ gà chuột: ngày thỏ, tháng chuột, năm gà) [3], hiển nhiên, con Giáp thứ tư, Chi Mão chính là con Thỏ chứ không phải là con Mèo, câu thơ trên chắc hẳn được làm ra trước thời Lý, vì đã tiên đoán về chuyện Lý Công Uẩn sẽ làm vua vào năm Kỷ Dậu (con gà) là năm 1009. Đây có lẽ là các bằng chứng sớm nhất về 12 con giáp nói chung và nói riêng là con Giáp thứ tư Thỏ đã xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỉ X. Vậy thì rõ ràng ngay từ thế kỉ X, ở Việt Nam vẫn dùng chung một biểu tượng Thỏ cho Địa Chi thứ tư như truyền thống Trung Quốc. Sau này đến tận thế kỉ XVIII học giả Lê Quý Đôn (1726 – 1784) trong sách Vân Đài loại ngữ, Quyển 2, Tượng Hình [6] cũng đã theo thư tịch Trung Hoa để luận giải tường tận về 12 con giáp (âm dương, ngũ hành, số móng) trong đó cũng ghi nhận Chi Mão thuộc Thỏ.
     Tên gọi Mèo tượng trưng cho Chi Mão có lẽ thấy sớm nhất ở trong Sấm ký Trạng Trình7 tương truyền là của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) ở câu: “Mèo non chi chí tìm về cố hương” (Mèo non có thể là đầu năm Mão) nhưng theo các nhà nghiên cứu Hán Nôm, truyền bản này có lẽ do người đời sau tái lập nên khó có thể là một chứng cứ giá trị. Chi Mão được gọi tên là mẹo hay mèo lần đầu tiên được ghi chép vào thế kỉ XVII ở trong tự điển Việt – Bồ – La (1651) [1] của Alexandre de Rhodes, soạn giả đã ghi nhận Mão là Mẹo và giờ Mẹo ứng với con mèo, thế thì xét về niên đại có thể đoán định con Giáp thứ tư mang hình tượng con mèo là một biến thể từ nguyên gốc là con thỏ chứ không phải là ngược lại, chuyện chuyển đổi con thỏ thành con mèo là chuyện sinh sau đẻ muộn có lẽ do hoàn cảnh địa lí, sinh vật và sinh hoạt tâm lí của người Việt, vì loài mèo bắt chuột có ích cho nhà nông, được làm vật nuôi trong nhà, gắn bó thân thiết với con người hơn là con thỏ và có thể từ cách đọc khác của Chi卯 là mão/ mẹo càng dễ liên tưởng đến tên gọi mèo nên người Việt đã thay tên gọi Thố (thỏ) Trung Hoa bằng tên gọi Mèo, mặt khác đây cũng là một trong những cách thể hiện tinh thần đối kháng Trung Hoa, nhất là trong bối cảnh nhà Hậu Lê (1428 – 1788) phục hưng toàn diện văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt, là thời của các tác phẩm văn học quốc âm, chữ Nôm phát triển cực thịnh.
     Về phương diện khảo cổ học, thật đáng tiếc là cho đến nay chưa có một công trình khoa học nào chứng minh thành công, thuyết phục là dân tộc Việt Nam thời thượng cổ (hay ngang với thời nhà Thương của Trung Hoa) đã có chữ viết. Không có chữ viết, tư duy con người không thể phát triển và làm phát sinh, phát triển các lĩnh vực tinh thần như lịch pháp, thiên văn, triết học… nên dĩ nhiên chúng ta không thể khẳng định trước nhà Thương, hệ lịch pháp với Thập Can thập nhị Chi cùng với 12 con vật làm biểu tượng nói chung và nói riêng là Địa Chi thứ tư là Mão với hình tượng con mèo đã từng xuất hiện tại vùng châu thổ sông Hồng, nơi phát tích của văn minh Đông Sơn. Trên các di vật văn hóa Đông Sơn không hề thấy hình tượng, họa tiết 12 con giáp ứng với 12 Địa Chi. Ngay cả các dấu vết hóa thạch của loài mèo thuần dưỡng hoặc các họa tiết về hình ảnh con mèo cũng chưa từng được phát hiện ra trong các di chỉ khảo cổ từ văn hóa Hòa Bình, Phùng Nguyên, Đồng Đậu đến Đông Sơn… Vào thời thuộc Hán, ở Giao Chỉ, Giao Châu cũng không phát hiện được các bằng chứng xác thật từ thư tịch lẫn khảo cổ về hình tượng 12 con Giáp làm biểu tượng cho 12 Địa Chi.
     Trong bài viết Năm Mão và con Mèo qua thơ văn [5], Nguyễn Quảng Tuân đã dùng văn tự cổ đời Xuân – Thu (770 – 476 trước CN) như chữ 兔 (thố) lại viết giống chữ 免 (miễn) để làm bằng chứng cho kiến giải của mình như sau: “Theo cuốn Ngữ lâm thú thoại cho nên chữ miễn, một dạng cổ của mãn trong tiếng Việt cổ đã có nghĩa là con mèo. Nghĩa này được ghi trong tự điển Việt – Hoa – Pháp của Gustave Hue – 1937 (Mãn: Chat: con mèo. Con mãn tam thể: chat à trois couleurs) và trong Tự điển Việt Nam của Khai trí Tiến đức – 1931 (Mãn: Con mèo)”. Thật ra luận chứng trên không đủ thuyết phục vì trong tiếng Việt tiếng gọi “mãn” chỉ loài mèo là một tiếng xuất hiện khá muộn. Trước giai đoạn (1931 – 1937) mà Việt Nam tự điển và Việt – Hoa – Pháp ghi nhận tiếng “mãn” lại không hề có trong các tài liệu chữ Nôm và Quốc ngữ còn lưu lại từ đời Trần đến Nguyễn kể cả trong tục ngữ, ca dao xưa hay các phương ngữ. Trong sách Giúp đọc Nôm và Hán Việt [8], linh mục Trần Văn Kiệm cũng ghi nhận mèo Nôm còn gọi là “Con Mãn” với chú giải: “Có câu vè: Con mèo mày trèo cây cau, Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà, Chú chuột đi chợ đường xa, Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo được bình dân cho rằng đã xuất hiện từ khi Tây Sơn rút quân rời Thăng long xuống đèo Tam điệp chờ đợi vua Quang Trung ra Bắc đại phá quân Mãn Thanh”. Hiểu như thế thì tên gọi khác của con mèo là “mãn” phát sinh từ tiếng gọi tắt của Mãn Thanh vào thời Tây Sơn. Lấy một từ cận đại để lí giải một từ cổ đại là một nghịch lí, thiếu khoa học. Do đó luận điểm của Nguyễn Quảng Tuân khi khẳng định: chữ miễn, một dạng cổ của mãn trong tiếng Việt cổ đã có nghĩa là con mèo”. Và “Chính vì tiếng Việt còn duy trì con mèo cho chi mão/mẹo mà ta có thể lập luận rằng nguồn gốc tên 12 con giáp chính là từ tiếng Việt cổ nhất vào thời Tiên Tần” sẽ khó lòng đứng vững.
     Tóm lại, dấu vết sớm nhất về hình tượng và tên gọi Mèo làm biểu tượng cho Chi Mão ở Việt Nam chỉ vào khoảng cuối thời Hậu Lê nhưng thực ra trước đó từ thế kỉ X, trong dân gian đã loan truyền tên gọi Thỏ và hình tượng của nó mới thực là biểu tượng ban đầu của Địa Chi Mão.

3. Lời kết

     Qua các bằng chứng xác thực từ thư tịch, khảo cổ, ngôn ngữ thì ở Trung Quốc và Việt Nam, cho đến hiện nay ta có thể xác định 12 Địa Chi đã phổ biến từ thời Thương và sau đó vào khoảng thời Tiên Tần, 12 con vật làm biểu tượng của 12 Địa Chi mới thấy xuất hiện, trong đó Chi thứ tư là Mão 卯 đã có hình tượng là con Thỏ, chữ Hán là 兔 (thố . Từ khi nội thuộc nhà Hán cho đến khi Việt Nam giành độc lập bắt đầu từ nhà Đinh đến Lý, ở Việt Nam đã chịu ảnh hưởng và dùng tên gọi, hình ảnh con Thỏ để tượng trưng cho Chi Mão như truyền thống của Trung Quốc. Nhưng mãi cho đến thế kỉ XVI – XVII, Chi Mão mới bắt đầu được chuyển đổi từ hình tượng con Thỏ sang hình tượng và tên gọi Mèo vì nhu cầu nội tại của đời sống sinh hoạt và tinh thần, tâm lí của người Việt. Hiển nhiên, dù muốn hay không, kết luận đã nghiêng về Trung Quốc: Khởi thủy của biểu tượng Chi Mão chính là hình tượng và tên gọi con thỏ Trung Quốc chứ không phải là hình tượng và tên gọi con mèo Việt Nam. Sự thật khách quan này cũng chính là một chứng cứ khoa học dùng để phê bình và phủ nhận giả thuyết thiếu khoa học, nặng tinh thần “tự tôn dân tộc” khi đưa ra lập luận: Khởi đầu tên gọi của 12 Địa Chi chính là tên gọi của 12 con giáp của Việt Nam và nói riêng về biểu tượng con Mèo là hình ảnh và tên gọi ban đầu của Chi Mão.
CHÚ THÍCH
1 Theo ngonnguhoc.org/files/2011/nghiencuu/…/210110-12-congiap.pdf
2 Theo www.chineseetymology.org
Theo http://ctext.org/book-of-poetry/zh
Theo http://ctext.org/chun-qiuzuo-zhuan/zh
5 Theo http:// www.guoxue.com/ zibu/lunheng/lhml.htm
6 Theo www.chineseetymology.org
7 Theo http:// thegioivohinh.com/diendan/showthread.php?t=28126
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb KHXH, 1991.
2. Gia Bảo, Ngọc Duyên, Họa tiết trang trí đồ đồng xanh – Các dân tộc thiểu số Trung Hoa, Nxb Mỹ thuật, 2006.
3. Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú thích), Thiền uyển tập anh, Phân viện Nghiên cứu Phật học, Nxb Văn học, H., 1990.
4. Nguyễn Hiến Lê, Kinh Dịch, Đạo của người quân tử, Nxb Văn hoá, H., 1994.
5. Nguyễn Quảng Tuân, Năm Mão và con Mèo qua thơ văn, T/c Hồn Việt – Xuân Tân Mão, Số 43, 2011.
6. Tạ Quang Phát (dịch), Vân Đài Loại ngữ, Tập I, Nxb Văn hóa thông tin, 1995.
7. Trần Quốc Vượng (dịch), Việt sử lược, Nxb Thuận Hóa – Trung tâm văn hóa Đông Tây, 2005.
8. Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Nxb Đà Nẵng & Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ, 2004.
9. 饒宗頤-會 憲 通(著), 雲夢秦简日書研究, 中文大學出版社, 香港,1982.
Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ, số 3 năm 2012
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)
https://thanhdiavietnamhoc.com/bieu-tuong-khoi-thuy-cua-dia-chi-mao-la-ten-goi-con-tho-hay-ten-goi-con-meo/
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.