Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

29/04/2020

Định kiến với người thiểu số ở Việt Nam, và với người châu Á

Người châu Á thường bị phía phương Tây kì thị. Mà trong tiếng Việt đúc kết thành cái gọi là "châu Á đầu đen". Đầu đen ấy là chỉ chung màu tóc đen của người Trung Quốc, người Việt Nam, người Nhật Bản, người Triều Tiên, người Đài Loan, người Thái Lan,...

Dĩ nhiên, bây giờ, châu Á không chỉ còn là đầu đen, bởi các loại tóc màu nước chè, màu đỏ, màu xanh, màu đủ thứ,... đã thấy ở khắp nơi, cả nơi thị thành cả vùng xa xôi hẻo lánh.

Còn về người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, từ lâu, có một cách nói lái mang tính miệt thị là "tông dật". Một ông bạn của mình bây giờ đã là người quản lí một tờ báo ngành, nhưng nhiều năm về trước, hồi còn là sinh viên sống trong kí túc xá Mễ Trì, một sáng thức dậy mà dám dùng từ "tông dật" để nói chuyện với một người bạn là người Dao mạn Bắc Giang. Thế là, người nói chữ "tông dật" ấy suýt nữa bị một trận nhừ tử, nếu không có sự can ngăn kịp thời. Chuyện của thập niên 1990, và tôi thì là người chứng kiến từ đầu đến cuối.

Chuyện ấy vẫn được cả nhóm chúng tôi ghi nhớ. Tựa như mới xảy ra, cảm giác là chuyện của hôm qua hôm kia vậy. Đầu thế kỉ XXI này, thi thoảng gặp nhau, thì có lúc câu chuyện cũ lại được nhắc lại (khi có một trong hai, mà có khi đủ luôn cả hai người trong cuộc).

Bây giờ là chuyện thời sự của năm 2020, giữa đại dịch Cô Vy.

Một ít bài từ báo chí chính thống đưa lên đầu tiên. Có gì thêm thì bổ sung ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 4 năm 2020,
Giao Blog




(ảnh trên mượn về từ Fb BTN)



---



26/04/2020 07:17

Miệt thị người dân tộc thiểu số có thể bị phạt tù


TP - Gần đây, một số kênh youtube đã lấy hình ảnh người dân tộc thiểu số (DTTS) làm méo mó, miệt thị để câu view. Chuyện này gây ra nhiều phản ứng trong cộng đồng người DTTS và các nhà nghiên cứu. Một số người lên tiếng sẽ kiện những kênh này ra tòa để chấm dứt kiểu mua vui phản cảm này.


Trường học tại Bỉ đã phải viết thư xin lỗi vì hình ảnh kỳ thị người châu Á trong đại dịch COVID-19






Trường học tại Bỉ đã phải viết thư xin lỗi vì hình ảnh kỳ thị người châu Á trong đại dịch COVID-19


Định kiến “cứ DTTS là lạc hậu, ngô nghê”
Một loạt các kênh như A Hy TV, Bảo Bảo Film, Mẩy Thanh TV... đều có những video được cộng đồng mạng đánh giá là “lố lăng, phản ánh sai lệch bản sắc dân tộc thiểu số, sặc mùi định kiến, kì thị dân tộc”... Nhân vật chính của những video này là một anh “Tộc” được xây dựng khá ngô nghê. Các chi tiết gây cười đều dựa trên sự lạc hậu, chậm tiến, có phần dung tục của nhân vật. Điều đáng nói, những video này có trung bình từ 1-2 triệu lượt xem.
Miệt thị người dân tộc thiểu số có thể bị phạt tù - ảnh 1Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cho biết sẽ kiện những kênh youtube về nội dung xuyên tạc, bóp méo, miệt thị người DTTS
Để giảm thiểu sự kỳ thị người DTTS, theo tôi ngoài sự hiểu biết và tôn trọng văn hoá của nhau, cần phải thay đổi danh xưng. Ở góc độ nghiên cứu, thống nhất dùng cụm từ tộc người để chỉ từng dân tộc cụ thể trong quốc gia dân tộc. Ở góc độ hành chính, giao tiếp nên dùng từ Người: Người Kinh, người Tày, người Dao... để tránh sự hiểu lầm rằng Dân tộc là người thiểu số, còn người Kinh là người Không dân tộc.
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng
Gần như ngay sau khi những video này được đăng tải, một số người DTTS đã có ý kiến phản đối nhưng những ý kiến đó bị lọt thỏm trong hàng ngàn comment “cười vỡ bụng” khác. Sự tình chỉ có biến chuyển khi rất nhiều nhà nghiên cứu cùng lên tiếng, yêu cầu “dừng miệt thị văn hóa” với các cộng đồng DTTS.
Ngày 17/4, Ủy ban Dân tộc đã có công văn số 455 gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đề nghị xử lý trường hợp vi phạm của kênh YouTube A Hy TV. Trong công văn nêu rõ: “Nội dung một số tiểu phẩm có nhiều hình ảnh, lời thoại và thông tin tục tĩu, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và nhân quyền của người dân tộc thiểu số và gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc. Điển hình là trường hợp kênh YouTube A Hy TV, với hơn 721.000 lượt theo dõi”.
Thực ra, đây không phải là trường hợp đầu tiên người DTTS bị đem ra miệt thị, làm méo mó để mua vui. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), hiện tượng này xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có cả những chương trình được trình chiếu trên sóng quốc gia.
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng lý giải: “Thứ nhất, do thói quen của một bộ phận công chúng, lâu nay thường mặc định dân tộc - dân tộc thiểu số. Mặc định rằng cứ DTTS là lạc hậu, ngô nghê. Họ quan niệm văn minh là thứ chỉ dành cho những dân tộc hiện đại, cấp tiến. Đây là quan niệm sai. Thứ 2, khi bộ phận công chúng muốn xem những thứ này còn đông - tức là có cung trong nhu cầu giải trí thì ắt có cầu”.
“Anh em các DTTS giận thái độ kỳ thị này lâu rồi”

Miệt thị người dân tộc thiểu số có thể bị phạt tù - ảnh 2Những video có nội dung miệt thị người DTTS (ảnh chụp màn hình)
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng là một trong những người rất tích cực trong việc phản đối những video hài “bóp méo hình ảnh người DTTS để mua vui”. Anh và một số bạn bè đang có kế hoạch “kiện tập thể” những kênh youtube “xúc phạm danh dự, nhân phẩm người DTTS”.
Anh cho biết: “Việc này còn chờ vào kết quả xử lý của Bộ TTTT. Nếu không thoả đáng, chắc chắn cộng đồng sẽ kiện. Bởi anh em các DTTS giận thái độ kỳ thị này từ lâu, rất lâu rồi. Chúng tôi cũng có đội ngũ luật sư, nhà nghiên cứu văn hoá, đội ngũ làm truyền thông... sẵn lòng vào cuộc”.
Giải đáp về hình phạt dành cho những hành vi “bôi nhọ, bóp méo, xúc phạm người DTTS”, luật sư Nguyễn Thị Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Việc dùng lời nói, hình ảnh mỉa mai phân biệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tập thể, sẽ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác, căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung, nhẹ thì bị phạt cảnh cáo, nặng thì phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng hoặc mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 5 năm tùy vào mức độ, hành vi vi phạm. Ngoài ra người phạm tội có thể chịu các hình phạt bổ sung”.
Ngoài ra, luật sư Thanh cũng cho biết, trong Bộ luật Hình sự, tại Điều 116 về Tội phá hoại chính sách đoàn kết, điểm b khoản 1 có quy định: những hành vi gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thì có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Ngay trong công văn số 455 của Ủy ban Dân tộc cũng khẳng định: “hành vi của A Hy TV đã vi phạm khoản 2 điều 5 Hiến pháp năm 2013: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Điều này cũng dẫn đến việc gây hiểu lầm về văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc thiểu số của Việt Nam.
Hãy đặt mình vào nhóm yếu thế
Sự việc một số kênh youtube sản xuất các video miệt thị người DTTS để gây cười hiện đã được cộng đồng du học sinh, đặc biệt là khu vực Âu, Mỹ biết đến. Du học sinh đã đưa những ý kiến phản đối việc miệt thị người DTTS lên các diễn đàn của người Việt ở nước ngoài. Một làn sóng phẫn nộ đã kéo dài nhiều ngày nay vì đồng cảm bởi chính họ cũng là nạn nhân của kỳ thị. Ở trên địa bàn của “những người da trắng bản địa”, các du học sinh nói riêng và người da vàng nói chung lại trở thành “dân tộc thiểu số” với mặc định: “lạc lậu, nghèo, dốt”.
Nguyễn Hồng Hà (du học sinh tại Mỹ) bức xúc: “Cả thế giới người ta đang chống kỳ thị, các bạn đang làm gì vậy? Nếu vẫn tự cho mình là “người Kinh giỏi giang, hiện đại” và nhìn về người DTTS như một cái gì thấp kém, mông muội, vậy làm ơn hãy ra khỏi biên giới một lần. Bạn sẽ hứng nguyên cảm giác bị kỳ thị ấy và sẽ biết điều ấy gây khó khăn thế nào với cuộc sống của bạn”.
Trịnh Nguyên (du học sinh tại Bỉ, một trong những người đi đầu trong việc lên tiếng phản đối một trường học ở Bỉ dùng hình ảnh đội nón lá giơ tấm bảng kỳ thị người châu Á trong đại dịch COVID-19 khiến trường này phải đăng bài xin lỗi) cho biết: “Việc tự cho mình là văn minh rồi áp đặt chuẩn mực của mình lên người khác sẽ tạo ra những sai lầm lố bịch. Hãy đặt mình vào nhóm yếu thế, bạn sẽ biết những định kiến nhiều khi vô tình của mình có thể gây tổn thương cỡ nào. Tôi nghĩ nếu truyền thông không hiệu quả, chúng ta có thể phải dùng đến Luật. Ở nước nào trên thế giới cũng có Luật bảo vệ và trừng phạt đối với những hành vi phân biệt chủng tộc”.
Nhà thiết kế Vũ Thảo, người đã và đang hợp tác chặt chẽ với đồng bào DTTS trong lĩnh vực thời trang chia sẻ: “Tôi cũng phải nghe, nhìn... rất nhiều định kiến tai ương về người “dân tộc”. Những người tự cho mình là bậc cao cấp hơn nhưng thực ra lại khiếm khuyết về rất nhiều thứ: sự hiểu biết, ý thức... khiến họ biến thành những kẻ phân biệt chủng tộc với những phát ngôn rất què quặt. Họ luôn ngờ nghệch nghĩ rằng họ vượt trội và là kẻ đi khai phóng nhưng thực ra trong rất nhiều lĩnh vực thì bối cảnh là hoàn toàn ngược lại”.
“Chúng tôi hiểu tiếng cười là quan trọng, nhưng tiếng cười được tạo nên từ sự bóp méo, làm tổn thương người khác là điều không thể chấp nhận và không nên được củng cố trong xã hội, nhất là khi cộng đồng đó đã chịu nhiều định kiến tiêu cực. Truyền thông đại chúng có thể tác động mạnh lên nhận thức người xem.
Việc lặp đi lặp lại những hình ảnh sai lệch về các tộc người thiểu số phần nào xây dựng chính niềm tin của những người nhận thông tin, bao gồm cả lứa tuổi nhỏ. Những nội dung thể hiện và phát sóng trên những kênh đại chúng, vì vậy, cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không làm tổn thương ai và cũng không gây tổn hại đến nhận thức của những người trẻ. Việc xây dựng những hình ảnh sai lệch, củng cố định kiến tộc người thông qua truyền thông cần phải chấm dứt”. Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) bày tỏ quan điểm về vấn đề miệt thị người DTTS trên một số chương trình giải trí thời gian qua.
Để thay đổi thì không chỉ cấm, chỉ ra đích danh những trường hợp như A Hy TV, mà phải có một kế hoạch truyền thông rộng rãi hơn cho đại chúng, cho những người công tác liên quan đến vùng DTTS, thậm chí là “truyền thông lại” cho giới truyền thông. Nếu không bắt đầu thay đổi, tâm lý định kiến sẽ cứ tái diễn, trở thành thứ truyền đời, thành món nợ với các tộc người thiểu số. Nhất là giờ đây, những ai thu hút nhiều lượt like, share sẽ trở thành “quyền lực” trong thế giới mạng, những tiếng nói của người DTTS đã ít ỏi sẽ lại càng trở lên lọt thỏm vào thinh không.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thu Quỳnh
Hạnh Đỗ











Nhà nghiên cứu dân tộc - TS Mai Thanh Sơn cho biết đã thấy kênh YouTube A Hy TV bất ổn ngay từ cái tên. A Hy theo tiếng Thái, tiếng Tày Thái có nghĩa là bộ phận sinh dục của phụ nữ.






Các nội dung kỳ thị người dân tộc thiểu số trên A Hy TV /// Ảnh: Chụp màn hình
Các nội dung kỳ thị người dân tộc thiểu số trên A Hy TV
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
“Cách đặt tên này mắc lỗi nặng là kỳ thị, nhẹ là định kiến”, ông Sơn nói. Ủy ban Dân tộc vừa có văn bản đề nghị Bộ TT-TT-DL xử lý kênh này theo quy định của pháp luật.
Theo ông Sơn, có nhiều kiểu biểu hiện khác nhau của định kiến với các dân tộc thiểu số. Như người dân tộc thiểu số bị “dán nhãn” là người phong tục lạc hậu, ăn mặc dị hợm chẳng giống ai, kỹ thuật canh tác, phương tiện đi lại thô sơ. Họ cũng bị “dán nhãn” hay uống rượu, không quan tâm đến con cái, gia đình; quan hệ tình dục bừa bãi; cả tin, dễ bị lừa, đồng thời cũng lừa lọc người khác.






'Hài dân tộc thiểu số' gây tổn thương các dân tộc ít người - ảnh 1
Kênh Trung Ruồi TV cũng có những video kỳ thị người dân tộc thiểu số
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

--
Trên A Hy TV, các tiểu phẩm có lượt xem rất cao, đều xoay quanh nhân vật chính nam A Hy với những tính cách như bủn xỉn, hay đánh vợ, nát rượu… Tên của các tiểu phẩm cũng nhấn mạnh anh này là người dân tộc thiểu số, tuy nhiên được gọi một cách rút gọn thiếu tôn trọng là “tộc”. Văn bản của Ủy ban Dân tộc nêu rõ các tiểu phẩm gây rạn nứt đại đoàn kết dân tộc này như: Tộc bán đào tết lừa Kinh, Tộc lừa Kinh bán thịt lợn ôi và cái kết… “Cộng với cái tên kênh, đây rõ ràng là giễu nhại người dân tộc thiểu số, “dán nhãn” họ một cách có hệ thống”, ông Sơn nói.
Không chỉ có kênh A Hy TV có những video với cách phát triển kịch bản dựa trên kỳ thị tộc người như vậy. Hiện tại, dù đã ẩn hết các video trên kênh YouTube, A Hy TV vẫn còn các video trên Facebook cùng tên. Các video trên Facebook A Hy TV còn có logo để dẫn tiếp người xem sang kênh YouTube Mường Thanh TV. Tại Mường Thanh TV, các tiểu phẩm của nhóm hài này vẫn đang tiếp tục phát. Trong văn bản của Ủy ban Dân tộc hiện chưa nhắc tới các “chân rết” của A Hy TV.
Kênh hài Trung Ruồi TV trên YouTube cũng có những tiểu phẩm kỳ thị người dân tộc thiểu số không kém. Chẳng hạn, trong chuỗi tiểu phẩm về A Lử, nhân vật này được khắc họa ăn nhiều, ăn tục, ăn cả viên băng phiến trong buồng vệ sinh...
Những con rắn nhiều đầu “hài dân tộc” này cho thấy sự thiếu văn hóa của những người làm chương trình. Những view mà dòng hài này kiếm được vừa chứng tỏ thị hiếu thấp kém của những người hâm mộ, đồng thời làm tổn thương các dân tộc ít người. “Bị định kiến nhiều họ sẽ cảm thấy rất ngại tiếp xúc. Đặc biệt là khi giao tiếp với người Kinh, người ta sẽ cảm thấy họ thấp kém. Theo Hiến pháp, họ cũng có quyền bình đẳng với mọi dân tộc khác. Hơn thế nữa, họ cũng là những người rất quan trọng, là đồng bào đang sống ở những vùng biên giới - phên dậu của Tổ quốc này”, ông Sơn nói.



----

BỔ SUNG

..
..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.