Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

06/03/2020

Thế mà đã 12 năm, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại nhập viện cấp cứu

12 năm ! Nhanh thật. Vèo một cái, mà một vòng thập nhị chi của hoa giáp đã kịp xoay.

Đúng 12 năm trước, khi đưa người nhà vào cấp cứu bệnh tim mạch tại Bệnh viện Bạch Mai, thì tôi đã bất ngờ gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng vào đúng Viện Tim mạch. Ông cũng bị tim mạch. Lúc ấy, hình như báo chí đang rộ lên chuyện ông không có Bảo hiểm Y tế (xác nhận lại việc này sau).

Ấn tượng rõ nhất là, lúc ấy, năm 2008, Nguyễn Huy Thiệp chỉ có một mình ở trong bệnh viện. Ông cầm trong tay một mảnh chăn chiên của bệnh viện và đi lại không mấy dễ dàng ở khu vực hành chính. Y tá trưởng (hay Điều dưỡng trưởng) là một bạn nữ sắc sảo và khá xinh. Còn điều dưỡng đưa Nguyễn Huy Thiệp vào phòng, thì trước đó cũng phụ trách người nhà tôi, là một bạn nam có gương mặt và giọng nói khá ấn tượng.

Chúng tôi nói chuyện qua mấy ngày ấy, đã kể dần dần trên Giao Blog từ các năm 2008 - 2009 (ví dụ xem dần ở đây, hay ở đây). Một trong những người vào bình luận lúc ấy là nhà phê bình quen biết Vũ Nho (chủ nhân Vũ Nho Ninh Bình Blog).

Lúc ấy, về cơ bản là tôi chê tiểu thuyết không ra tiểu thuyết của ông, tức cuốn Tuổi hai mươi yêu dấu. Cuốn ấy mới ra thời gian đó. Tôi không kiêng tránh, mà nói rõ ý của tôi với nhà văn. Lúc ấy, do bận việc chăm sóc người nhà, tôi không đầu tư việc chụp một cái ảnh nào đó tốt cho nhà văn hay với nhà văn, mà chỉ chụp rất nhanh. Tư liệu chưa công bố.

Bây giờ, tháng 3 năm 2020, giữa đại dịch Cô Vy, lại nhận tin Nguyễn Huy Thiệp vào Bạch Mai. Tự nhiên hình ảnh một nhà văn cầm một mảnh chăn chiên bệnh viện lại hiện ra.

Đầu tiên là tin trên tờ Dân Việt.

Kính chúc nhà văn mau chóng bình phục.


Tháng 3 năm 2020,
Giao Blog





---





authorHà Thúy Phương Thứ Tư, ngày 04/03/2020 18:34 PM (GMT+7)

(Dân Việt) 

Con trai của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ với báo Dân Việt thông tin cha mình nhập viện sáng nay vì tai biến.


   
 nha van nguyen huy thiep bat ngo nhap vien do tai bien hinh anh 1
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bất ngờ nhập viện do tai biến.

Một người bạn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho biết, sáng nay (ngày 4/3) ông có gọi điện thoại tới nhưng không nói chuyện được. Sau đó, người bạn gọi điện lại và được người nhà thông báo, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nhập viện vì tai biến.

Chia sẻ với báo Dân Việt vào buổi sáng cùng ngày, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không giấu được sự lo lắng. Nhà văn nhập viện cấp cứu vì tai biến, bị cứng nửa người và miệng có dấu hiệu bị méo. Sau khi nhập viện ông tỉnh táo nhưng nói chưa được rõ tiếng. Hiện tại, ông đang nằm điều trị ở Khoa thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Các bác sĩ điều trị đã kiểm tra và tiêm thuốc cho nhà văn. Để biết chính xác tình trạng sức khỏe của ông cần phải được các bác sĩ theo dõi thêm trước khi đưa ra kết quả cuối cùng.

Những năm gần đây, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị cao huyết áp, mạch vành và một số bệnh khác nên sức khỏe không ổn định.


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 tại Thanh Trì, Hà Nội. Từ nhỏ ông đã cùng gia đình lưu lạc khắp các miền nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, vì vậy những hình ảnh về con người, cảnh vật  nơi thôn quê đã in đậm trong ký ức và các tác phẩm của ông. 

Ông được nhận xét là một bông hoa nở muộn trên văn đàn văn học Việt Nam. Những truyện ngắn đầu tiên của ông xuất hiện trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986. Không lâu sau đó các tác phẩm của ông được bàn luận sôi nổi trong làng văn cả trong và ngoài nước. Có nhiều nhận xét trái chiều về văn phong của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng cho tới nay cái tên Nguyễn Huy Thiệp vẫn gây ấn tượng trong lòng độc giả bởi những truyện ngắn đặc sắc và ấn tượng.

Không chỉ viết văn, Nguyễn Huy Thiệp còn biên kịch, những vở kịch của ông có thể kể đến là Xuân hồng, Còn lại tình yêu, Gia đình, Nhà tiên tri, Hoa sen nở ngày 29 tháng 4...

Nguyễn Huy Thiệp còn là người rất có khiếu làm thơ và kinh doanh. Tuy chưa có một tập thơ nào được xuất bản nhưng độc giả có thể tìm thấy khá nhiều bài thơ trong các truyện ngắn của ông.





---



BỔ SUNG



3.

Chiều nay qua facebook của “dị” thi sĩ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, được biết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã tỉnh táo, và đã ngâm được…thơ Nguyễn Bảo Sinh! Thật là “Trời sinh Sinh, trời sinh Thiệp!”.
Nguyễn Huy Thiệp bị tai biến nhập viện từ gần nửa tháng nay. Tình trạng hiện vẫn còn khá nặng, liệt nửa người.
Nhớ, mùa hè năm 1989, tôi chọn đề tài “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – Những đặc điểm thi pháp biểu hiện” để viết khóa luận cuối năm 3. Do thầy Hồ Thế Hà hướng dẫn. Khi cái tên Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện trước đó vài năm.
Năm 1986, Nguyễn Huy Thiệp lần đầu tiên xuất hiện với truyện ngắn đầu tay “Những ngọn gió Hua Tát” đăng trên tuần báo Văn Nghệ (Hội NVVN). Rồi lần lượt đến “Tâm hồn mẹ”, “Huyền thoại phố phường”, và đặc biệt là “Tướng về hưu” (đăng 3 kỳ trên Văn Nghệ năm 1987). Khi ấy ông đã bước sang tuổi 37.
Năm 1989 Nguyễn Huy Thiệp in tập truyện ngắn đầu tiên mang tên “Những ngọn gió Hua Tát”, gồm những “Chút thoáng Xuân Hương”, “Chảy đi sông ơi”, “Muối của rừng”, “Không có vua”, và bộ ba truyện lịch sử “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”…
Chọn viết khóa luận về một cây bút văn chương dù còn mới tinh, nhưng đã “lừng lững xuất hiện và gạt chúng ta sang bên cạnh” (Vương Trí Nhàn, báo Văn Nghệ số 49/năm 1988), và tạo ra rất nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí bị chụp mũ, đấu tố vì “bôi đen lịch sử”, bị coi là “bồi bút”, là “tay sai”, với tôi là một trải nghiệm thú vị.
Khi mà cùng trên Tạp chí VNQĐ số 4/1989 (số báo tường thuật Hội thảo “Lý luận, phê bình văn học - Những vấn đề gì đang đặt ra?”), Vũ Đức Phúc cho rằng văn chương Nguyễn Huy Thiệp “có dụng ý loanh quanh, có vẻ không tán thành cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta,…, nhiều tác phẩm của NHT đọc tẻ nhạt, chán ngắt”, còn Tô Hoài thì cho rằng Thiệp viết “có dụng ý phi văn chương”…
“Phê bình bị động, chưa góp được tiếng nói đồng cảm sâu sắc của mình đối với những tác phẩm văn học đang được dư luận chú ý… Với hiện tượng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hai năm qua, các ý kiến không thống nhất dẫn đến hiện tượng “nhiễu” trong phê bình, từ đó quay ra tranh luận và báng bổ lẫn nhau, ai cũng cho mình là đúng hơn cả, mà quên mất đối tượng mình đang nghiên cứu… Bên cạnh đó, là lối phê bình “cổ điển”, cách nhìn nhận đánh giá suy diễn, chủ quan, lối “chẻ sợi tóc làm tư” vạch vòi và áp đặt… Nguyễn Huy Thiệp không phải là kẻ “đốt đền”, đập phá thần tượng để nổi tiếng, mà anh đã đốt lên ngọn lửa báo động sự suy vi của nhân cách con người; soi về quá khứ, soi vào từng số phận đơn lẻ và đầy bi kịch, thắp sáng ngọn lửa tin yêu và nhân hậu vào bản chất có thể cải tạo, gột rửa của con người”. Giọng văn của chàng sinh viên thuở ấy còn nhiều mơ mộng…
Mấy năm trước, qua một người bạn, tôi nhận được món quà là chiếc đĩa gốm men xanh, trên đó Nguyễn Huy Thiệp vẽ chân dung Bùi Giáng. Món kỷ niệm thật quý báu.
Một vài ký ức nhỏ. Cầu mong ông an lành, sớm bình phục!
o trần tuấn






2. Từ Fb Nguyễn Bảo Sinh (ngày 16/3/2020)

"

 https://www.facebook.com/nguyen.baosinh.3/posts/1705914949575778





Bạn hữu thân thiết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Đặng Ngọc Thái, Phạm Tưởng, Đặng Nam Phương vào thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị tai biến liệt nửa người ở bệnh viện Bạch Mai. Mọi người vô cùng xúc động khi thấy Nguyễn Huy Thiệp ngâm bài thơ của người bạn thân thiết nhất đời là Nguyễn Bảo Sinh:
Bệnh quỷ thuốc tiên
Bệnh tiên thuốc thánh
Bệnh thánh thuốc Phật
Bệnh thật thuốc giả
"


1. Một trích đoạn đã viết từ năm 2009, trên Giao Blog thời Yahoo:

"
Chuyện ấy, là vào mùa hè năm 2008, tại Khoa/Viện Tim Mạch thuộc Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội ( Viện trưởng là một cái ông "họ Nguyễn Lân", anh em nhà các bác NLD, NLC).  
Ông già tôi bị tim, tắc mạch vành, phải đặt sờ-ten — sau khi hội chẩn, ông-họ-Nguyễn-Lân kết luận thế, và đích thân ông sang Bệnh viện Hữu nghị đón ông già về Bạch Mai của ông (cơ chế hoạt động của Hữu nghị là vậy mà) ! Xin cảm ơn bác Viện trưởng rất nhiều (rất nhiều thì cũng chỉ cho riêng việc sang tận nơi đón này thôi) !
Đại khái là kinh hoàng mọi lỗi khi có người nhà vào Bạch Mai, nhưng dù gì mọi việc đã qua, với lại không nên kể chuyện ông già tôi nữa, bây giờ kể đến bác Thiệp và việc không có người đàn bà nào ở đằng sau bác ấy nhé !
Bắt đầu từ đâu được nhỉ ? À, vẫn phải kể thêm chuyện ông già tôi một tí nữa, thì mới có đà để sang chuyện bác Thiệp !
Sau khi phẫu thuật xong, ông già tôi được người ta trả lên tầng 2, tức là khoa tự nguyện, hộ lí là một bác nam mặt cau cạu "dẫn độ" chiếc cáng vào một phòng ở cuối hành lang, chỉ vào cái giường trên đó đã có 6 người, tỉnh queo bảo tôi: "Giường hậu phẫu của bác nhà anh đây, anh cho bác lên !". 
Sau gần 4 tiếng đồng hồ phẫu thuật, đặt 3 cái sờ-ten vào tim, cha tôi được chính hai tay tôi bê đặt lên cáng (không có bất cứ sự giúp đỡ nào của phía bệnh viện, nên tôi phải bậm môi lấy hết sức bình sinh). Cha tôi  không quá mê man, vẫn biết mọi việc. Lúc đưa ông lên bàn phẫu thuật thì còn có được thêm một y tá giúp tôi, cô ả đi chiếc giày cao gót, dễ đến 15 cm, ả chỉ giả động tay vào cha tôi, chứ toàn bộ trọng lượng cơ thế cha là trên đôi bàn tay tôi. Lúc đưa ông ra khỏi phòng phẫu thuật, có một chú sinh viên trường y đến thực tập giúp tôi một tay, kéo cái cáng ở phía đầu, tôi đẩy cáng ở sau. Cậu còn giúp tôi dẹp bớt mấy cái xe máy ở hành lang, đó là xe máy của y bác sĩ Bạch Mai mang vào để trong đó, xếp theo hàng dọc, hình như là để tăng vẻ long trọng cho hành lang dẫn vào phòng phẫu thuật ! Nếu không có cậu sinh viên giúp, rất có thể một cái xe máy đã đổ vào chiếc cáng của cha tôi rồi.Lúc ấy, tôi không thấy ông Viện trưởng họ Nguyễn Lân đâu (phải hỏi thế, vì ông đã trực tiếp sang đón cha tôi sang Bạch Mai mà).
Từ tầng 1 (phòng phẫu thuật) lên tầng 2 (khu hậu phẫu) không có cầu thang máy, cũng không có y bác sĩ giúp gì cả. Tôi phải để cha tôi đó vài phút, đi gọi thêm 3 người ở gần đó (người nhà của mấy bệnh nhân khác đang đứng lơ vơ). Cậu sinh viên canh chừng cha giúp tôi. Cha tôi tỏ ý đau xót (không phải vì cái thân xác của ông, mà hình như là đau cái khác), ông định đứng ra khỏi cáng để tự leo lên tầng hai ! Trời ạ ! Tôi phải lao đến giữ cha tôi nằm yên trên cáng, rồi 4 người  cùng nhau giúp khênh cáng lên tầng 2. Lúc ấy, tôi không thấy ông Viện trưởng họ Nguyễn Lân đâu.
Thôi thôi, dẹp chuyện ông già đi, kể chuyện ông Thiệp nghe xem sao nào !
Ờ, thì kể sang ông Thiếp nhé,

— đang kể tiếp  —-
"
https://dzjao.wordpress.com/2009/11/06/phia-sau-nha-van-nguyen-huy-thiep-toi-chang-thay-co-nguoi-dan-ba-nao/

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.