Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

20/02/2020

Văn thơ Việt với anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ và bắn hạ B52 Mỹ

Vì là đồng hương, lại là một chút đàn em đồng trường cấp 3 (ngôi trường cấp 3 mà anh hùng họ Phạm đã học thì thật ra tôi cũng chỉ học có vẻn vẹn hai tuần), nên thi thoảng Giao Blog có nhắc một số chuyện nghe thực tế về người anh hùng (ví dụ đọc lại ở đây).

Quả thực đã có một dòng thơ Việt, gồm cả sáng tác chuyên nghiệp và sáng tác dân gian truyền khẩu, về người anh hùng Phạm Tuân. Sẻ mở một góc sưu tập ở đây.

Ở quê, từ hồi Phạm Tuân bay vào vũ trụ, dân gian đã có câu:
"Dân đang thiếu gạo thiếu mì, bay vào vũ trụ làm gì hả Tuân".

Đại khái thế.

Sưu tập mở đầu với bài thơ của thi sĩ đất Sài Thành là Bùi Chí Vinh. Tương truyền được thi sĩ đọc tại tư gia của ông Võ Văn Kiệt. Bài do chính họ Bùi đưa lên trang Fb của anh.

Những thứ khác cập nhật dần ở phần bổ sung như mọi khi.


Tháng 2 năm 2020,
Giao Blog









---


Nhân chuyện Phạm Tuân “nổ không ngượng miệng” ở chùa hú vong Ba Vàng rằng máy bay B52 của Mỹ dài đến 600 mét, tôi sực nhớ lại bài thơ ĐÓI từng đọc ở nhà ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành Ủy Sài Gòn, lúc ông mời tôi đến tư gia sau khi nghe đứa “ăng ten” điềm chỉ viên nào đó báo cáo tôi chuyên làm “thơ đen”. Trong bữa tiệc với một số văn nghệ sĩ thành phố, ông Kiệt sắp xếp tôi ngồi cạnh ông ở đầu bàn và bắt tôi phải đọc… thơ đen. Coi, tôi đứng lên đọc sang sảng một loạt thơ chống bất công xã hội, trong đó có bài SINH NGHI HÀNH, XÍCH LÔ HÀNH, ĐÓI, ĐÓI LIÊN TỤC… Tôi chỉ nhớ tôi đọc đến đâu, ông Kiệt lặng người đến đó, còn bàn tiệc thì im phăng phắc. Trong bài ĐÓI có nhắc đến chuyến quá giang vũ trụ vô bổ của Phạm Tuân trước cảnh đói khát của nhân dân. Cuối tiệc, thay vì kêu an ninh làm việc với tôi, ông Kiệt lại trả “nhuận bút” cho tôi một phong bì dày cộm và tuyên bố đây không phải là thơ đen mà là thơ “cực đỏ”, là những bài thơ dám nói thẳng nói thật những sai lầm trong chính sách chủ trương cần được chính quyền nhìn nhận để sửa đổi. Ông định nói riêng với tôi điều gì nữa nhưng tôi nói liền: “Thưa chú Sáu, không có đen hay đỏ ở đây mà đó là thơ từ xương máu nhân dân, khác hẳn loại thơ quốc doanh thơ nghị quyết”. Ngay lập tức những ly bia giơ lên cụng nhau chan chát cùng những tràng cười vui vẻ xóa tan không khí nặng nề. Quả là một kỷ niệm nghẹt thở nhớ đời…
BÙI CHÍ VINH
ĐÓI
Tôi mang cơn đói về nhà
Các em tôi đứng chờ với cái bụng lò xo
Đôi mắt các em tôi chảy nước miếng
Giá tôi biến được thành cục thịt bò màu tím
Được ram cẩn thận ở nhà hàng quốc doanh Lê Lai

Tôi nắn lên những đốt xương sườn có giá trị ngang những khúc cây
Nơi lồng ngực người yêu tôi hô hấp
Cặp vú của nàng xa lạ với chữ "mập"
Như đứa hiếp dâm xa lạ với nhà chùa
Nếu trời cho tôi có bùa
Tôi sẽ "thư" hết những kẻ ăn cơm một ngày ba buổi

Cơn đói không biết nói dối
Má tôi không biết đánh bài cào
Bà ngoại tôi không biết phi thuyền Phạm Tuân “quá giang” bay ở hướng nào
Nhưng biết khoai mì thiếu phân sẽ sượng
Biết mỗi tiếng còi cảnh sát giao thông là mười đồng to tướng

Mỗi ngày tôi lại ra đi
Mặt ngửa tay xin nhiều kiểu cầu kỳ
Sân khấu hóa trang đứng ngồi lổm chổm
Tôi thấy văn học đục tường ăn trộm
Hội họa, thi ca ghé tiệm cầm đồ
Tôi thấy xe hơi cầm lái là bò
Biệt thự mở vào khép ra đầy chó
Heo mặc áo vét cười rung cửa sổ
Mệnh phụ tuột quần đứng ngóng ngã tư
Thấy mắt tôi đui, màng nhĩ tôi ù
Thấy tôi trở về mang theo cơn đói
Ả điếm trở về mang theo hơi thối

Ả điếm được no nhờ bước hai hàng
Tôi được làm người nhờ đói quanh năm

ĐÓI LIÊN TỤC
Nhà hết gạo
Chung quanh một nồi cháo
Mười cái chén gục đầu
Bốn người thất nghiệp, một người đau
Nồi cháo bốc hơi cán bộ
Năm công nhân viên làm toán đố
Đáp số vượt qua giới hạn cộng trừ:
Bốn mươi lăm ký trong lu
Sáu trăm phần ăn một tháng!

Lúa miền Nam gặp hạn
Bình Trị Thiên bão về
Đồng bằng sông Hồng hồi hộp vỡ đê
Sao đọc báo thấy bội thu lương thực
Nghe đài thấy gạo Việt thành cơm Tây cơm Nhật
Xem ti vi thấy thóc nở đầy hình
Thóc tràn vào ngân khố vô danh
Đất nước đang được mùa công trái
Cho lãnh đạo rộng mồm ăn nói
Diễn văn đầy ngũ vị hương
Ôi, hoa màu thần tiên trên các bích chương
Thứ hoa màu trên giấy báo

Đương nhiên
Nhà hết gạo
Và mười người hết máu
BCV

Bùi Chí Vinh ngồi cạnh ông Võ Văn Kiệt ở đầu bàn. Nhà văn Lê Dụng (con nhạc sĩ Hoàng Việt) ngồi cạnh Bùi Chí Vinh






---

BỔ SUNG


3.

Phạm Tuân được xem là phi công đầu tiên và duy nhất trên thế giới hạ tại chỗ một pháo đài bay B52. Chỉ với 2 quả tên lửa Vympel K13 nhỏ bé đeo trên cánh và an toàn trở về.
Điều đáng nói là đến mãi tận bây giờ, thành tích vô tiền khoáng hậu này vẫn không có bằng chứng nào khác ủng hộ ngoài 1 chiếc B-52 cũng bị bắn rơi vào gần thời điểm đó (tối 27.12.1972), được quân đội xem là nạn nhân của Phạm Tuân (MIG-21), nhưng phía Mỹ khẳng định, nó bị bắn hạ bởi 1 quả tên lửa SAM 2, từ mặt đất.
Mỹ cũng cho rằng, nếu có xài hết và trúng mục tiêu hai quả tên lửa không đối không tầm nhiệt Vympel K13 có khối lượng chiến đấu (đầu nổ) bé hạt tiêu (warhead: 7.4 kg) được thiết kế để đánh tiêm kích 1 động cơ, cũng không đủ sức hạ tại chỗ chiếc bomber khổng lồ (lớn gấp 20 lần chiếc tiêm kích), có 8 động cơ hoạt động độc lập, nó chẳng khác gì chuyện bắn 2 viên K59 vào mông con voi. Chỉ có quả tên lửa đất đối không SAM 2 với khối chiến đấu lớn 200 kg mới có thể hạ gục tại chỗ 1 chiếc B52.
Thực tiễn chiến đấu cũng chứng minh quan điểm này:
Ngày 20/11/1971, phi công Vũ Đình Rạng đã từng bắn trúng 1 B52 bằng 1 quả tên lửa, chiếc B52 vẫn bay về hạ cánh an toàn tại Utapao mà phi hành đoàn hầu như không biết. Điều này được chính các phi công Mỹ sau này qua thăm Vn kể lại. Phi công Vũ Đình Rạng đã từ chối danh hiệu anh hùng được trao muộn.
Trong trận đánh đêm 28/12/1972, sau khi bắn hai quả đạn tên lửa mà không hạ được B-52, phi công Vũ Xuân Thiều lái chiếc MiG-21 đâm vào B-52 buộc nó rơi tại Sơn La, sau này, người ta tìm được mảnh xác chiếc MIG-21 của Vũ Xuân Thiều còn găm vào trong xác chiếc B52 bị rơi. Hơn 20 năm sau, năm 1994, hành động quả cảm của phi công Vũ Xuân Thiều mới được dư luận biết đến. Người ta dấu diếm chuyện này hơn 20 năm để làm gì?
Trong quân đội, nhiều người cũng không tin câu chuyện của Phạm Tuân. Gia đinh tôi có thân với 1 cựu phi công tiêm kích, đại tá Nguyễn Trọng, nguyên chính ủy sư 372, khi tôi hỏi ông chuyện này, ông phảy tay, nghe gì chuyện tào lao đó mày.
Nghe chuyện bắn b52 của anh hùng họ Phạm, chả khác gì chơi game, nhể.
https://www.facebook.com/hai.buihong.92/posts/2376884589083048





2.

Hóa ra clip này, thời điểm 16 phút 10 giây, thế giới mạng gọi là "đào mả" rồi chửi. Họ bảo ông Phạm Tuân diễn tả máy bay B52 dài 600m. Có người cho rằng đây là nói nhịu từ Sáu Nhăm mét.
Số 5 trong tiếng Việt chúng ta có những biến thể, biến âm và biến nghĩa rất đa dạng: Năm, Lăm, Nhăm, Giằm, Giăm...
Ở hai thể Giằm (ngày rằm) và Giăm (một số, dăm), việc biến thành Chăm (trăm - 100) là hoàn toàn có thể hiện diện ở phương ngữ Thái Bình quê ta 5 tấn (lại năm). Bằng chứng là chúng ta có Giời - Chời, Giồng - Chồng, Gia - Cha (爺)...





1.107 lượt xem
•20 thg 6, 2019







1.


Đến hồi ảnh bay vào vũ trụ, ban đầu mình cũng có tí tự hào. Năm đó mình đang học lớp 10 (cũ), nhà trường tổ chức nói chuyện thời sự. Học sinh ngồi nghe nuốt từng lời vàng ngọc của thầy Hiệu trưởng về sự kiện này. Nhưng nghe xong về lớp, thằng Quách H. đứng trước cả bọn ông ổng ngân nga "chúng ông còn phải ăn mì/mày lên vũ trụ làm gì hả Tuân?" Cái Lê H. Bí thư Chi đoàn khoái, nhưng dè dặt khuyên "bé mồm thôi, các thầy cô nghe được mài chết". Thằng này nổi tiếng mồm chó vó ngựa, cười hềnh hệch "sợ đéo gì, chả đúng à?" Sau đó ở miền Bắc, người ta còn lưu truyền mấy câu vần vè: "một thằng lên vũ tru/trăm thằng đến mút cu (Moscow)/nghìn thằng đánh chén lu bù/muôn dân đói rét chổng khu lên trời." Rồi bọn trẻ con ngoài đường hay nghêu ngao hát nhái "Go rơ bát cô cho Phạm Tuân đi nhờ vũ trụ, in te cốt mốt...". Thế là tự nhiên cảm hứng về ảnh ở trong mình teo mịa nó lại bằng hạt kê.


Bây giờ thì ảnh làm gì, nói gì, mình đéo quan tâm nữa. Xét cho cùng, ảnh cũng chỉ là một vi dút Vico.



Nhiều người hiện vẫn cho rằng để bắn rơi được "Pháo đài bay" B-52, quân đội ta đã cải tiến, nối tầng đạn tên lửa 1D (V-750V/V750VM) nằm trong tổ hợp tên lửa phòng không S-75 Dvina (SAM-2).

Với mục đích giúp bạn đọc hiểu hơn về sự sáng tạo về cách đánh, vạch nhiễu tìm thù của Bộ đội Tên lửa trong 12 ngày đêm Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" và sự thực có cần thiết phải nối tầng SAM-2 mới bắn được B-52 hay không, xin giới thiệu bài viết góp phần làm sáng tỏ điều này. 
Pháo đài bay B-52 - niềm tự hào của không lực Mỹ
Được phát triển từ nền tảng chiến lược sử dụng máy bay ném bom chiến lược từ thế chiến thứ 2 (B-17, B-29), B-52 có hình dáng tương đồng với thế hệ máy bay ném bom chiến lược trước đó là B-47 Stratojet. Với chiều dài thân máy bay 50m, cao 12,4m và sải cánh rộng tới 56,4m, B-52 lớn hơn người tiền nhiệm B-47 rất nhiều và là máy bay ném bom chiến lược lớn nhất thế giới thời kỳ đó (trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 200 tấn, trong đó có 40 tấn vũ khí).
Pháo đài bay B-52 hoạt động được trên bầu trời nhờ 8 động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whiteney TF33-P-3/103 (trong trường hợp trúng đạn, với 4 động cơ, B-52 vẫn có thể thoát hiểm bay trở về). Tốc độ bay trung bình của B-52 vào khoảng 1.000km/giờ, tầm bay 12.000km và trần bay cao khi cần có thể đạt 15km. Kíp lại của B-52 gồm 6 người: Chỉ huy, phi công, sĩ quan ra-đa, sĩ quan hoa tiêu, sĩ quan tác chiến điện tử và xạ thủ súng máy ngồi ở đuôi máy bay.
Vũ khí tấn công của B-52 là các dây bom (khoảng 100 quả) lắp trong thân và dưới cánh. Khả năng phòng ngự của dòng máy bay ném bom chiến lược này là một tháp pháo M61 Vulcan 20mm để tự vệ trước máy bay hoặc tên lửa của đối phương.
Khi tham chiến tại Việt Nam, hầu hết máy bay B-52 sử dụng 2 căn cứ không quân Utapao (Thái Lan) và Anderson (Guam).
'Pháo đài bay' B-52 và SAM-2 'nối tầng' - ảnh 1B-52 cất cánh từ căn cứ Anderson (Guam) tham gia chiến dịch Linebacker II (Điện Biên Phủ trên không).
Trong chiến dịch Linebacker II năm 1972 (Điện Biên Phủ trên không theo cách gọi của ta), với mục đích “đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá” và tạo thế thuận lợi trên bàn đàm phán hiệp định Paris, quân đội Mỹ đã tung ra con bài chiến lược của mình là 193 máy bay B-52D/G (chiếm gần 50% số B-52 của không quân chiến lược). Trong đó, đáng chú ý là phiên bản B-52G với nhiều tính năng hàng không hiện đại bậc nhất của Mỹ như:
- Trang bị động cơ phản lực Pratt & Whiteney J57-P-43W mới cho phép nâng trọng lượng cất cánh tối đa từ 200 lên 221 tấn.
- Thiết kế cánh máy bay được thay đổi cho phép treo thêm 2 thùng dầu phụ có dung tích 2.650 lít; khoang lắp đặt thiết bị điện tử của máy bay được mở rộng (ra-đa ngắm bắn AN/ASG-15 và hệ thống gây nhiễu mới). Theo một số tù binh phi công Mỹ bị ta bắt giữ, chỉ riêng hệ thống gây nhiễu trên B-52G đã có giá tương đương một chiến đấu cơ F-4D.
'Pháo đài bay' B-52 và SAM-2 'nối tầng' - ảnh 2
Là máy bay ném bom chiến lược, B-52 không bao giờ hoạt động đơn độc, mà luôn có các phi đội chiến đấu cơ hộ tống.
Để nâng cao khả năng sống sót của máy bay, B-52G được lắp 4 đạn tên lửa "chim mồi" ADM-20 Quail (chim cút). Khi được phóng, ADM-20 sẽ giả lập tín hiệu giống máy bay B-52 để thu hút đạn tên lửa không đối không, đất đối không thay cho B-52. Ngoài ra, B52G còn được trang bị 16 máy gây nhiễu điện tử tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực và 2 máy thu tần số ra-đa đối phương để tạo màn nhiễu dày đặc che toàn bộ máy bay trước hệ thống ra-đa, tên lửa phòng không của đối phương. Các thiết bị này sẽ tự động thu, phân tích tần số sóng ra-đa của đối phương và cung cấp cho sĩ quan điều khiển để lựa chọn phát tần số sóng để chế áp.
Với vai trò là máy bay ném bom chiến lược, các phi đội B-52 không hoạt động độc lập mà được hộ tống bởi các máy bay trinh sát điện tử EA-6A, EB-66, EC-121 và các chiến đấu cơ F-4, F-105, A-6, A-7 với các thiết bị gây nhiễu chủ động và thụ động đi kèm. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, rất nhiều phi đội F-4 đã giả lập tín hiệu nhiễu của B-52 hòng lừa lưới lửa phòng không của ta.
'Pháo đài bay' B-52 và SAM-2 'nối tầng' - ảnh 3Khả năng tự vệ cứng hạn chế của B-52, do nhiệm vụ này đã được các máy bay hộ tống đảm nhiệm.
Điểm đáng chú ý trong khả năng gây nhiễu của không quân Mỹ là sử dụng các máy bay F-4 thả các "bom" gây nhiễu gồm hàng triệu triệu sợi kim loại màu bạc, rất mỏng, nhẹ (mỗi quả bom chứa 450 bó nhiễu). Trên màn hình ra-đa, các sợi kim loại gây nhiễu này có thể gây nhẹ thì làm ra-đa không thể nhận diện được các mục tiêu, nặng thì trắng màn hình (mất hoàn toàn khả năng theo dõi và bám mục tiêu).
Nối tầng SAM-2 có cần thiết và khả thi?
QĐND Online - Theo các thông số được cung cấp chính thức, tổ hợp tên lửa SAM-2 có tầm vươn cao tới 27km và tầm bắn tới 35km. Với thông số này, SAM-2 thừa sức bắn được B-52 mà không cần cải tiến gì thêm. Tuy nhiên, bắn B-52 không hề đơn giản bởi....nhiễu chủ động và thụ động do bản thân máy bay ném bom chiến lược này và phi đội hộ tống phát ra. Ngoài ra, Bộ đội Tên lửa Việt Nam còn phải đối phó với tên lửa chống ra-đa Sơ-rai do không quân chiến thuật Mỹ phóng để áp chế hệ thống phòng không.
'Pháo đài bay' B-52 và SAM-2 'nối tầng' - ảnh 4SAM-2 là một trong những khí tài quân sự hiện đại mà Bộ đội Tên lửa đã làm chủ trong thực tiễn chiến đấu ác liệt.
Thực tế, ngày 1-5-1960, tổ hợp SAM-2 thế hệ đầu tiên sử dụng đạn tên lửa 1D đã bắn hạ một máy bay trinh sát tầm cao U-2 của không quân Mỹ ở tỉnh Sverdlovsk khi nó đang bay ở độ cao 20km. Viên phi công điều khiển chiếc U-2 nói trên là Francis Gary Powers đã buộc phải nhảy dù và bị bắt giữ.
Tiếp đó, đạn tên lửa trong tổ hợp SAM-2 là tổng thành của nhiều yếu tố như: Cơ khí chính xác, khí động học, điều khiển điện tử... Toàn bộ các thành phần của đạn đều đã được tính toán và thử nghiệm đảm bảo cho khả năng hoạt động tối ưu và chính xác. Việc can thiệp vào phần cứng của đạn sẽ làm thay đổi trọng tâm, hình dáng khí động và thuật điều khiển của đạn. Ngoài ra, để đạn tên lửa "cải tiến" hoạt động được cần thay đổi cả giá phóng, thiết bị điện tử điều khiển và thậm chí là cả thuật phóng. Từ những thông tin trên có thể thấy, việc nối tầng tên lửa SAM-2 thực hiện ở Việt Nam giai đoạn những năm 1960, 1970 là không khả thi (toàn bộ các tổ hợp tên lửa phòng không đều là hàng viện trợ hoặc nhập từ nước ngoài).
'Pháo đài bay' B-52 và SAM-2 'nối tầng' - ảnh 5Sức mạnh của PK-KQ Việt Nam là dám đương đầu, dù có phải hy sinh. Đó là một trong những điểm sáng về tinh thân yêu nước, anh hùng cách mạng
Có thể đây chỉ là phương thức nghi binh của ta làm địch không phát hiện được những sáng tạo trong cách đánh, chiến thuật vốn là thế mạnh của người Việt Nam.
Những thay đổi được ghi nhận trên tổ hợp SAM-2 là việc các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với chuyên gia Xô viết thay đổi tần số điều khiển rãnh đạn giúp đạn tên lửa khó bị gây nhiễu bởi các thiết bị đối kháng điện tử chủ động và thụ động (trong giai đoạn 1965-1972, chuyên gia ta phối hợp với kỹ sư Liên Xô đã 5 lần thay đổi tần số rãnh đạn).
Phương pháp bắn ba điểm - sáng tạo sử dụng vượt tính năng khí tài của người Việt Nam
Thông qua thực tế chiến đấu, Bộ đội Tên lửa Việt Nam đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm để đối phó với màn nhiễu của không quân quân Mỹ và phương pháp vạch nhiễu tìm thù, lấy điểm yếu của địch làm lợi thế của ta.
'Pháo đài bay' B-52 và SAM-2 'nối tầng' - ảnh 6Hình ảnh mô phỏng về phương thức Bắn ba điểm
Về căn bản, phương pháp bắn 3 điểm là hình thức cải tiến của phương thức bắn Vượt nửa góc với việc bỏ chế độ dẫn tự động sang dẫn đạn tên lửa bằng tay bám theo nguồn nhiễu do trắc thủ trực tiếp thực hiện. Khi tới cự ly tiêu chuẩn, đạn tên lửa sẽ đươc kích hoạt đầu do tự thân để tìm kiếm, khóa và tiêu diệt mục tiêu. Điểm khó của phương thức này là việc vạch nhiễu, xác định đúng đâu là nguồn nhiễu của máy bay B-52 và đâu là nhiễu do máy bay chiến thuật tạo ra.
Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", Bộ đội Tên lửa đã lợi dụng đài ra-đa K8-60 của pháo phòng không 57mm quét tập trung để xác định chính xác các tốp B-52 (không quân Mỹ không để ý tới tần số phát của đài ra-đa dạng này với chủ quan rằng chúng không có khả năng gây hại tới B-52) cung cấp thông tin cho đài ra-đa dẫn bắn Fan Song (một thành phần của tổ hợp SAM-2) để dẫn bắn trúng vào các tốp B-52 của địch khi tần số ra-đa của tổ hợp tên lửa SAM-2 bị gây nhiễu nặng. Ngoài ra, đài ra-đa Fan Song được trang bị hệ thống kính tiềm vọng TZK- tổ hợp PA-00 (chuồng cu - cách gọi nôm na của Bộ đội Tên lửa) cung cấp thông tin đồng bộ với hệ thống quan sát bằng ra-đa (phương thức so kim) cho phép SAM-2 khai hỏa vào mục tiêu trong điều kiện nhiễu nặng, không thể xác định được mục tiêu. Theo lời nhiều trắc thủ đã trực tiếp chiến đấu đánh B-52 trong chiến dịch 12 ngày đêm,  tổ hợp PA-00 với tầm quan sát chỉ 12km, nhưng do không thể bị gây nhiễu (quan sát trực tiếp bằng mắt) đã đóng góp rất lớn vào việc "vắt cổ" những "Pháo đài bay bất khả xâm phạm" của Mỹ.
'Pháo đài bay' B-52 và SAM-2 'nối tầng' - ảnh 7Nhiều phi công Mỹ ngạc nhiên không hiểu vì sao SAM-2 "lạc hậu" trong tay Bộ đội Tên lửa Việt Nam lại làm lên điều thần kỳ là vặt cổ Pháo đài bay bất khả xâm phạm B-52.
Cùng với sự sáng tạo, tài tình trong chiến thuật và cách đánh của Bộ đội Tên lửa ta trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", cũng không thể không kể tới những sai lầm tính hệ thống của không quân Mỹ như: Các tốp B-52 sử dụng đường bay ổn định ở độ cao 10km để ném bom; áp dụng cứng nhắc biện pháp B-52 ngoặt gấp sau khi ném bom (phương thức áp dụng với các vụ ném bom hạt nhân, máy bay cần nhanh chóng thoát ly tránh ảnh hưởng của vụ nổ) làm máy bay bị bộc lộ vị trí trên màn hình ra-đa của ta.
Theo Quân đội nhân dân



..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.