Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

12/11/2019

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam : bổ nhiệm Tân Chủ tịch, những kì vọng và những bàn luận

Ngày hôm qua, 11/11 (Thứ Hai), mình vào Bệnh viện Hữu Nghị (quen gọi tắt là Việt Xô theo tên cũ) làm thủ tục xuất viện cho người nhà thì ngẫu nhiên gặp một nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Mình thường gọi Phó Chủ tịch đó là "chú" như từ mấy chục năm về trước. Lúc ngồi xếp sổ ở tầng 1 nhà A thì tranh thủ nghe chú tâm sự về những bộ sách nhiều tập mới ra gần đây. Nhưng chuyện nhiều nhất, hóa ra, trở đi trở lại là vấn đề nhân sinh, về sức khỏe, về lập ngôn và lập danh.

Nhiều năm về trước mình vẫn hay gặp cụ Lê Hữu Tầng vào khám ở đây - cụ cũng là nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH VN (tên hồi đó là Trung tâm Khxh & Nhân văn Quốc gia). Nhiều khi đứng nói chuyện với cụ khá lâu ở chỗ đợi làm thủ tục gì đó. Cụ thường nói về phương pháp luận - một sở trường của cụ. Nhưng hồi này thì không còn thấy cụ nữa. 
((bổ sung tháng 12 năm 2020: một người bạn cho biết, cụ đã mất được một thời gian rồi)).

Một cụ nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH nữa (hồi đó là tên là Ủy ban KHXH) thì đã rất cao tuổi, là người bà con trong nhà, bọn mình gọi là "cậu". Gần đây cụ đã bị hỏng dần trí nhớ, hiện không còn nhận ra được cả chị H. - con gái lớn phụng dưỡng cụ bây giờ. Năm ngoái muốn cho cụ nghe lại đoạn băng ghi âm của một học giả Nhật Bản nói chuyện với cụ nhiều năm về trước, nhưng không thể được nữa.

Cùng ngày hôm qua, 11/11, lúc về nhà thì đã thấy tin Thủ tướng đã trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho PGS.TS. Bùi Nhật Quang.

Trên không gian mạng, đã xuất hiện những kì vọng và những suy nghĩ xung quanh sự kiện này.

Với một cái nhìn bình dị và khách quan, Giao Blog sưu tập một ít những bình luận đó. Tiền hành dần dần. Bắt đầu từ hôm nay, Giao Blog có thêm nhãn bùi-nhật-quang.

Tháng 11 năm 2019,
Giao Blog

---





Tin chính thức


2.


Thứ Ba, 12/11/2019 06:01




Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho PGS. TS Bùi Nhật Quang - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho PGS. TS Bùi Nhật Quang - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chiều 11/11, dự lễ công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho PGS. TS. Bùi Nhật Quang, Thủ tướng đã đưa ra 5 yêu cầu cho Viện cũng như tân Chủ tịch.
Chúc mừng PGS. TS Bùi Nhật Quang được giao trọng trách đứng đầu một viện hàn lâm với 66 năm hình thành và phát triển, Thủ tướng tin tưởng, đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh thực sự của Viện.
Theo Thủ tướng, một trong những sứ mệnh quan trọng đối với trung tâm khoa học lớn của quốc gia có hơn 2.000 cán bộ, viên chức là thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học xã hội Việt Nam, đóng góp xứng đáng vào hoạch định đường lối, chính sách phát triển của Nhà nước, đóng góp vào sự vươn tầm quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam, để làm sao có thể đứng vững trong hội nhập, làm sao trí tuệ, văn hóa, con người Việt Nam có thể vươn xa, vươn đến bến bờ thịnh vượng và thành công.
Vì vậy, Viện không chỉ trở thành trung tâm nghiên cứu lớn mà còn là trung tâm tư vấn chính của Đảng, Chính phủ. Các nghiên cứu của Viện phải góp phần làm sáng tỏ đường lối phát triển đất nước giai đoạn mới với tinh thần khoa học, đổi mới sáng tạo.
Đánh giá cao những đóng góp của Viện thời gian qua đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhưng Thủ tướng cho rằng, thành tích của Viện còn khiêm tốn, có nhiều nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chưa giải quyết được các nhu cầu thực tiễn, cấp bách. Đội ngũ đông nhưng số lượng các chuyên gia, nhà khoa học có năng lực chuyên môn cao còn ít, thiếu vắng học giả có uy tín khoa học và tầm ảnh hưởng quốc tế. Viện vẫn còn thiếu những đóng góp có khả năng ảnh hưởng đến tri thức nhân loại mang dấu ấn Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn, các đề tài nghiên cứu giảm bớt tính lý thuyết, không được nghiên cứu để làm dày thêm các tủ lưu trữ trong thư viện. Nghiên cứu là cần thiết, nhất là nghiên cứu cơ bản, nhưng phải gắn với thực tiễn. Thủ tướng cũng đề nghị những người làm nghiên cứu của Viện cần tiếp tục thay đổi tư duy, kỹ năng và cả văn hóa làm việc để bắt kịp thực tế và thích ứng với thị trường; vừa là nhà khoa học giỏi, vừa là nhà tư vấn giỏi cho cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị.
Thủ tướng nêu ra 5 yêu cầu lớn đối với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhân dịp này, Thủ tướng nêu ra 5 yêu cầu lớn đối với Viện Hàn lâm cũng như là nhiệm vụ của tân Chủ tịch 44 tuổi. Trước hết, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả chất lượng các viện nghiên cứu khoa học. Viện có 2.000 người, 33 đơn vị thành viên thì cần tái cơ cấu sao cho hiệu quả, để có nguồn lực con người thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Viện. Phải chấn chỉnh công tác đào tạo, sản phẩm đầu ra trong đào tạo phải xứng đáng với danh tiếng, uy tín của Viện. Viện không phải là lồng ghép cộng đơn thuần của 33 đơn vị thành viên mà phải có bản sắc riêng, mục tiêu lớn, chiến lược rõ ràng, có sản phẩm xứng đáng.
Thứ hai, phải bắt nhịp hơi thở của cuộc sống trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Từ đó, đưa ra giải pháp mới giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam.
Thứ ba, khẳng định Chính phủ cam kết duy trì ngân sách hỗ trợ cho Viện, Thủ tướng mong muốn Viện cần chủ động đổi mới mô hình và xây dựng cơ chế tài chính bền vững thông qua các nguồn tài trợ phù hợp, hợp pháp.
Thứ tư, các nghiên cứu không được bỏ vào ngăn kéo mà phải được công bố công khai toàn văn trên trang web của Viện để xã hội và các nhà khoa học khắp nơi tiếp cận, sử dụng.
Thứ năm, Viện cần đổi mới cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy tối đa nội lực, mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập có hiệu quả vào chuỗi giá trị tri thức nhân loại, đặc biệt là xây dựng lực lượng nghiên cứu của Viện kết nối với các nhà nghiên cứu người Việt nghiên cứu khoa học nhân văn trên toàn thế giới, trong đó có việc không hành chính hóa các nhà khoa học, đổi mới cơ chế hướng đến quản lý theo kết quả, giảm các thủ tục hành chính phiền hà, tạo thuận lợi, động lực tốt cho các nhà khoa học.
Thủ tướng đề nghị Viện phải nghiên cứu, làm sáng tỏ một số vấn đề như tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa trong xu thế mới, các xung đột kinh tế thương mại giữa các cường quốc có quan hệ với Việt Nam, vấn đề chủ quyền biển đảo, biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, giữ gìn truyền thống văn hóa, vấn đề gia đình và kinh tế thị trường, vấn đề dân tộc, tôn giáo…
“Tôi tin rằng đồng chí Bùi Nhật Quang sẽ là hạt nhân đoàn kết, đưa Viện tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, xứng đáng với truyền thống 66 năm xây dựng và phát triển Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ. “Đất nước Việt Nam chúng ta có cường thịnh phụ thuộc một phần quan trọng vào chất lượng chính sách của Đảng, Nhà nước và các sáng kiến, sáng tạo của mọi tổ chức trong xã hội. Chất lượng của chính sách và sáng tạo của xã hội phụ thuộc rất nhiều vào nghiên cứu khoa học mà các đồng chí đang làm”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất mong đợi lắng nghe những nghiên cứu và tư vấn sâu sắc, những sáng tạo từ các nhà khoa học của Viện, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lĩnh hội ý kiến của Thủ tướng, PGS. TS Bùi Nhật Quang khẳng định, sẽ khắc phục các mặt tồn tại, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, cùng xây dựng Viện ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. “Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên thì làm sao bóng tối trở thành ánh sáng”, PGS. TS. Bùi Nhật Quang dẫn lại câu nói của nhà thơ Nazim Hikmet để kết thúc bài phát biểu của mình.
Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Bùi Nhật Quang, sinh năm 1975, quê quán Hà Nội. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Kinh tế năm 2003 và được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận học hàm Phó Giáo sư Kinh tế năm 2012. Ông bắt đầu công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từ năm 1995 và trải qua nhiều vị trí công tác. Năm 2011, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông rồi sau đó kiêm nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông.
Năm 2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động luân chuyển ông về tỉnh Ninh Thuận, tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận, sau đó được HĐND tỉnh bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Tháng 1/2016, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Bùi Nhật Quang được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 2016, PGS.TS. Bùi Nhật Quang được điều động, bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thu-tuong-giao-5-nhiem-vu-lon-cho-tan-chu-tich-vien-han-lam-khxh-viet-nam-4046468-l.html




1.



Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1558/QĐ-TTg bổ nhiệm ông Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giữ chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.


PGS - TS. Bùi Nhật Quang.
Ông Bùi Nhật Quang, 44 tuổi, sinh năm 1975 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Kinh tế năm 2003 khi mới 28 tuổi, và được Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước công nhận học hàm Phó Giáo sư kinh tế năm 2012, khi mới 37 tuổi.
Ông Bùi Nhật Quang bắt đầu công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từ năm 1995 và kinh qua các công việc là nghiên cứu viên, Phó Trưởng phòng rồi Trưởng Phòng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Châu Âu. Năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Năm 2011, ông Bùi Nhật Quang được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông. Từ năm 2013, ông kiêm nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông.
Ngày 3/3/2014, ông Bùi Nhật Quang thực hiện quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc điều động luân chuyển cán bộ, theo đó ông được luân chuyển về tỉnh Ninh Thuận để tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận và sau đó được HĐND tỉnh Ninh Thuận bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Tháng 1/2016, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Bùi Nhật Quang được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác tại tỉnh Ninh Thuận, được nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 8/3/2016, ông Bùi Nhật Quang được điều động, bổ nhiệm trở lại làm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Ông Bùi Nhật Quang được biết đến với các hướng nghiên cứu chính như: Kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; Kinh tế Việt Nam, vấn đề liết kết vùng trong phát triển kinh tế, xã hội các địa phương.
Ông đã tham gia, chủ trì nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng cấp Nhà nước và cấp Bộ gồm: Luận cứ và giải pháp huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Thuận trong bối cảnh thực hiện dự án điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Ai Cập trong bối cảnh mới giai đoạn 2011 – 2020; Bẫy thu nhập trung bình tại một số quốc gia Trung Đông – Bắc Phi: Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam.
Ông Bùi Nhật Quang cũng là tác giả, đồng tác giả và chủ biên nhiều công trình khoa học đã xuất bản gồm:
Bẫy thu nhập trung bình tại các quốc gia Trung Đông – Bắc Phi và một vài gợi ý cho Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2015);
Vấn đề dầu mỏ và quan hệ quốc tế ở Trung Đông – Bắc Phi thời kỳ hậu mùa xuân Arab  (Nhà xuất bản  Lý luận Chính trị, 2015);
Việt Nam – Ai Cập: Phát triển quan hệ hợp tác toàn diện trong bối cảnh mới (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2014);
Kinh tế thế giới và Việt Nam 2013 – 2014: Vượt qua trở ngại để phục hồi tăng trưởng (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2014);
Mô hình phát triển xã hội của một số nước phát triển châu Âu: Kinh nghiệm và ý nghĩa đối với Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2015);
The Republic of Turkey and Vietnam’s Perspective (Encyclopedia Publishing House, 2014).
Tóm tắt quá trình học tập và công tác:
· 1991 - 1995: sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, chuyên ngành Kinh tế Phát triển
·  11/1995 – 2008: Nghiên cứu viên, Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng nghiên cứu Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cũng trong giai đoạn này, từ 3/1996-6/1998, tham gia đào tạo sau đại học tại Đại học Trento, thành phố Trento, Cộng hòa Italia, chuyên ngành Kinh tế Chính trị; từ 2000 – 2003, nghiên cứu sinh tiến sĩ, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế tại Viện Kinh tế Thế giới, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
·  2008 – 3/2014: Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
· 3/2014 – 3/2016: Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận
· 1/2016: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, được bầu là Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng
· 3/2016 - 9/2019: Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
· 1/10 - 7/11/2019: Phó Chủ tịch Phụ trách Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
·  8/11/2019 đến nay: Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam





---




Kỳ vọng và bình luận

2. Bình luận của bác nhà văn Phạm Lưu Vũ 

"

Tân Chủ tịch viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, PGS, TS Bùi Nhật Quang, 44 tuổi, vừa được ông Phúc trao quyết định bổ nhiệm. Chủ tịch một “viện hàn lâm” đã noi gương ông Phúc, “nổ” ngay một câu nghe rất… phường tuồng: “Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên thì làm sao bóng tối trở thành ánh sáng”.
Phát ngôn này “phường tuồng” ở chỗ nào? Ở chỗ nó rổn rảng, sáo rỗng, của loại người thích “lập ngôn”, mà thực ra chả hiểu mình nói gì. Anh ta khẳng định mình đang tự “cháy”, và kêu gọi người khác cũng “cháy”, nếu không sẽ tối mãi…
Tối như thế nào?
Như bên trong thùng lạnh của chiếc xe số phận, khiến 39 đồng bào vừa bị chết cóng, chết ngạt. Tất nhiên rồi, bởi vì bên trong đó, các cháu ấy không thể “cháy” được, cho nên vĩnh viễn phải chìm vào bóng tối.
Phát ngôn ấy có “hàn lâm” không?
Có. Nhưng nếu từ miệng một ca sĩ (Anh Thơ chẳng hạn) nói ra, thì còn có thể gọi là “hàn lâm nghệ thuật”. Chứ từ miệng một anh chủ tịch viện hàn lâm khoa học nói ra, thì đó chỉ là một kiểu “hàn lâm ngụy biện” hay “hàn lâm con vẹt”… mà thôi.
Hàn lâm ngụy biện và hàn lâm con vẹt ở chỗ nào? Ở chỗ con người, con vật, cây cỏ… chúng ta sở dĩ đang sống, là nhờ vào quá trình “cháy”, luôn luôn cháy, lúc nào cũng “cháy”. Cơ thể sống đốt cháy đạm, protein… tạo ra năng lượng cung cấp cho mọi hoạt động sống. Hễ không có gì “cháy”, thì sự sống sẽ ngừng lại. Vậy thì chả cần phải “lập” nên cái “ngôn” to tiếng và rỗng tuếch ấy, thì cả sự sống trong vũ trụ này, trong đó có chúng ta, vẫn luôn luôn “cháy”.
Nhưng “cháy” bằng cái gì? Bằng ô xy. Không có ô xy thì đạm không thể “cháy”, 39 người trong thùng lạnh kia bị chết là vì như vậy.
Chúng ta không rơi vào trường hợp của 39 nạn nhân vừa rồi và vô số nạn nhân “đuối nước”… khác. Nhưng chúng ta có tuyệt đối may mắn hơn họ hay không? Không! Môi trường bị hủy hoại, nguồn nước bị đầu độc… đến tôm cá còn bị chết nổi lên, thì quá trình chết “ngạt” của chúng ta, người, vật và cây cỏ… chẳng qua chỉ khác nhau ở chỗ nhanh hay chậm mà thôi.
Tế bào sống phải hít thở, dùng ô xy để “cháy”, thì mới tồn tại và phát triển. Nhưng hít thở cả những chất độc hại, thì tế bào tuy sống đấy, nhưng cơ mà bệnh hoạn. Tế bào bệnh hoạn tức là tế bào ung thư. Tế bào ung thư càng tha hồ phát triển, thì dần dần nó sẽ chiếm hết chỗ của các tế bào lành lặn, khiến các tế bào lành lặt sẽ bị… chết ngạt. Nghĩa là sống trong một môi trường bị nhiễm độc, thì cơ thể của chúng ta cũng chả khác gì cái thùng lạnh ghê rợn kia. Cơ thể ta đã, đang và sẽ biến thành cái thùng ngạt của các tế bào.
Nhưng tính chất “hàn lâm ngụy biện” và “hàn lâm con vẹt” của cái mớ “ngôn” ấy chỉ nằm ở vế đầu mà thôi. Vế sau là phản hàn lâm: “nếu chúng ta không cháy lên thì làm sao bóng tối trở thành ánh sáng”.
Có thật nếu chúng ta không “cháy”, thì bóng tối sẽ không trở thành ánh sáng hay không? Nói bậy. Chúng ta lúc nào cũng “cháy”, mà vẫn chia ra ngày, đêm, bóng tối vẫn tồn tại. Ý anh ta muốn biến mọi người thành đuốc sống, kiểu như Lê Văn Tám chăng? Dù cả nước có nhất tề nghe anh ta mà “cháy” một cách tâm thần như thế, thì bóng tối cũng không thể trở thành ánh sáng được. Phản hàn lâm nghĩa là như vậy.
Đã bàn về tính chất ngụy biện, con vẹt và phản hàn lâm, căn cứ vào “tự tính” của mớ phát ngôn ấy. Giờ bàn về ý mà anh ta muốn nhắm tới, tức là cái nghĩa bóng bẩy của nó. Rằng nói “cháy” ở đây là sự vận động của tư duy, học tập, phấn đấu… “bóng tối” là sự u mê, ngu dốt, “ánh sáng” là kiến thức, trí tuệ… Bàn đến đây thì không chỉ phản hàn lâm nữa, mà còn phản đạo lý.
Đạo lý phải rốt ráo từ “nhân” đến “quả”. Nếu sự vận động của tư duy (cháy) là “nhân”, sự u mê, ngu dốt (bóng tối), và kiến thức, trí tuệ (ánh sáng) là “quả”, thì ít ra, trước tên cũng phải chỉ ra “nhân” nào “quả” nấy chứ?
Tư duy có trăm lối vận động, không phải lối nào cũng tạo nên ánh sáng trí tuệ (tiến hóa). Tư duy của tục nhân, phàm nhân dùng bộ não để “suy nghĩ”, tư duy của hiền nhân, thánh nhân dùng cái “thấy” để “quán xét”. Nghĩ đúng là “chánh tư duy”, nghĩ sai là “tà tư duy”. Quán xét đúng là “chánh quán”, quán xét sai là “tà quán”. Chánh quán hướng lên, tà quán hướng xuống, đạo lý là như thế, đường “chánh” chỉ có 1, đường “tà” thì vô kể. Cho nên nói “cháy”, mà không biết phải nên “cháy” như thế nào? “cháy” bằng cái gì? vẫn ôm chặt cái vô minh, ôm chặt những tư tưởng nhân loại đã vứt vào sọt rác mà “cháy” hùng hục, thì liệu có biến bóng tối thành ánh sáng được hay không? Hay là lại càng tối thêm?
Phát ngôn ấy phản đạo lý là như thế, Nhưng từ mồm của một anh PGS, tiến sĩ, thì chắc cũng biết phân biệt chánh, tà… Biết đường chánh, mà không chỉ cho người ta đi, biết đường tà, mà không bảo cho người ta tránh, lờ đi những sự thật kinh khủng đang hiện hữu, lờ chuyện môi trường sống và tư duy của con người... cứ lập ngôn bừa đi, cốt tạo ấn tượng, tạo tiếng vang… thì còn mắc thêm cái tội phản nhân văn nữa.
Sơ bộ bảo cho mà biết thế thôi.
"



1. Kỳ vọng của một Việt kiều đang ở Mĩ

Brian Wu 

Bài này khá là dài, nêu lên ý kiến cá nhân của mình, không liên quan đến sử, bạn không đọc cũng OK.
Mình thấy thầy Thiền Phong Pham van Tuan có chia sẻ tin tức về vị Chủ tịch mới của Viện Hàn lâm KHXH VN, khá là trẻ (mới 44 tuổi), là PGS TS Bùi Nhật Quang (xem >> https://www.facebook.com/thoivuvien/posts/3030195550327179). Vậy mình xin được gởi luôn vài hy vọng vào thầy chủ tịch trẻ này, vì mình nghĩ trách nhiệm của mình, một độc giả người Việt, nên lên tiếng để có gì vị chủ tịch này nếu có quan tâm tới ý kiến độc giả người Việt ra sao, cũng có được thêm 1 ý kiến đóng góp từ một người yêu văn hóa Việt để mà đọc.
Những hy vọng này của mình, chúng không có gì quá là cao xa cả. Mà chỉ là những yêu cầu rất bình thường mà một độc giả người Việt, vì yêu văn hóa Việt, PHẢI lên tiếng, chứ còn ở Mỹ, những điều này độc giả không cần phải lên tiếng gì cả, vì chúng đã là trách nhiệm cơ bản, mà một người Mỹ từ lúc đi học trung học đã được dạy và thực hành, chứ không phải là có đến học hàm / học vị Giáo Sư mà vẫn còn chưa biết (hoặc biết mà không thực hành). Những điều này là:
****
1. Mình hy vọng thầy Bùi Nhật Quang sẽ có một chính sách THƯỞNG PHẠT những Giáo Sư Tiến Sĩ, khi họ viết sách hay bài viết cho độc giả Việt mà sai đến khủng khiếp. Nếu quý thầy cô càng có nhiều tuổi nghề và càng già, xin thầy cần phải có một chính sách THƯỞNG PHẠT nặng hơn nữa, để học trò của họ lấy đó mà làm gương.
Một ví dụ là như thầy PGS TS Hoàng Văn Khoán nào đó vừa mới viết quyển sách Mỹ thuật và kiến trúc Việt Nam truyền thống năm 2019 cho ngành Việt Nam Học, mà viết sai tè le về đình Nam Bộ có cả vụ "Có đình có thêm nhà chiêng và nhà mồ". Một kiến thức sơ đẳng như thế mà một PGS TS viết sai và bậy tới vậy, thế thì xin hỏi thầy, ngành Việt Nam Học nào đó sẽ đi về đâu ? PGS TS mà kiến thức như thế, đó là cả một sự tủi nhục cho nền học thuật XHCN, một nền học thuật mà theo Brian, có quá nhiều học hàm học vị nhưng xem ra kiến thức chuyên môn của quý thầy cô rất cần nên xem lại và nên bị đánh giá lại, chứ không thể nào tin ở face value nữa thầy ạ.
Đây mời thầy xem status này của thầy Nguyễn Thanh Lợi (xem >> https://www.facebook.com/nguyenthanh.loi.1/posts/2548524535264845), một người thầy nghiên cứu miền Nam, chỉ viết vài dòng thôi, nhưng đó là cả một sự nhục nhã cho cái gọi là học hàm học vị PGS TS Việt Nam đấy chứ.
Nên hy vọng là thầy Bùi Nhật Quang, với tư cách là Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH VN, thầy nên làm việc với các cơ quan, các nhân viên lẫn các cán bộ của thầy, đưa ra một chính sách THƯỞNG PHẠT phân minh cho những tình trạng như thế này. Thầy thấy rõ là nếu một PGS TS mà kiến thức về đình làng Nam Bộ dốt đến thế, thì thầy Hoàng Văn Khoán đã biết gì về kiến trúc truyền thống Việt Nam để mà đòi viết sách dạy sinh viên về cái gọi là "Mỹ thuật và kiến trúc Việt Nam truyền thống" thầy nhỉ ?
Ở một phương diện khác, có vài người nói, những sách vở và bài viết mà Brian phê bình xưa nay, đó là các sách vở hoặc bài viết dành cho độc giả người Việt đọc thôi, nên chúng được viết hời hợt, dạng viết thi đua, chứ còn viết trong báo chí hay trong ngành chuyên môn, thì những nhà nghiên cứu này viết rất cẩn thận. Nếu đúng là có điều này, thì Brian cũng xin thầy Bùi Nhật Quang nên có một chính sách CẤM TUYỆT luôn người của quý thầy được viết cho độc giả người Việt. Yes, Brian, một độc giả người Việt, thà làm một người mù kiến thức, còn hơn là phải đọc những quyển sách viết hời hợt của quý thầy cô. Lý do là vì không gì đáng sợ hơn là một con người với kiến thức chung chung, nửa vời, và không biết kiến thức nào của mình là bậy, hay kiến thức nào là đúng. Nếu đúng là có trình trạng các thầy cô viết trong báo chí chuyên môn rất cẩn thận, nhưng viết cho độc giả người Việt đọc thì hời hợt, xin thầy hãy đem họ về lại trong Viện của thầy, và đừng cho họ ra đời để làm thầy cô của độc giả người Việt nữa. Những bọn người (vâng Brian viết là bọn người) như thế, họ KHÔNG XỨNG ĐÁNG để người Việt nhắc đến, chứ đừng nói là gọi họ là "thầy cô". Họ hãy cứ làm đúng chức vụ CÁN BỘ VIỆN của họ để ăn lương và nuôi vợ con, viết sách báo bậy bạ để tự tung hô nhau cả đời, nhưng xin thầy hãy giúp độc giả Việt CẤM TUYỆT HỌ được ra ngoài này làm khổ độc giả người Việt, và làm xấu hổ thêm cho hai chữ Hàn Lâm của người Việt nữa.
****
2. Mình hy vọng thầy Bùi Nhật Quang sẽ có một chính sách xây dựng khóa ngành TƯ DUY PHẢN BIỆN cho toàn bộ các cán bộ, nhân viên và ai đó làm việc liên quan đến Viện Hàn Lâm. Khóa Tư Duy Phản Biện ở đây không là để đi tranh luận đường lối chính sách của Đảng Cộng Sản đúng hay sai, mà tiêu chí cần thiết là mỗi mỗi cán bộ nào của Viện cũng đều phải tự tập và cho rằng họ có trách nhiệm với Viện, với đất nước trong việc cần phải hiểu tư duy phản biện là gì và phải biết tư duy phản biện nên được thực hành ra sao. Để có được điều này, chắc là thầy cần phải tạo ra mội môi trường khuyến khích những hoạt động Tư Duy Phản Biện trong học thuật, chứ không phải là tiếp tục theo con đường mù quáng của quý thầy xưa nay là khen thì nhiều, mà phê bình hay chê thì không có ai làm cả. Một môi trường học thuật mà chỉ toàn người khen, đó là môi trường của bọn lưu manh và bọn lừa đảo, và chắc là không thể nào mà môi trường sống và làm việc của Viện Hàn Lâm KHXH VN là môi trường của bọn lưu manh và bọn lừa đảo cả đâu, đúng không thầy ?
Một ví dụ là thầy thấy rõ, Brian có đọc quyển luận án tiến sĩ Silk for Silver của thầy Hoàng Anh Tuấn và kêu gọi (lẫn thầy Tuấn kêu gọi luôn) các học giả Việt Nam nào có viết hay nên lên tiếng về quyển này đúng sai ra sao, nhưng nào có thấy học giả nào lên tiếng đâu thầy, mặc dù không ít người khen thầy Tuấn là một học giả chuyên về văn bản Hà Lan xưa gì đấy. Một môi trường mà khen nhiều đến thế, khen chung chung đến thế, nhưng không một ai đủ can đảm để mà tự mình viết và phân tích, để độc giả người Việt đọc và đánh giá họ có đủ trình độ chuyên môn chưa, thì thật là tai hại thầy Bùi Nhật Quang ạ. Chả lẽ Viện Hàn Lâm có cả ngàn (hay chục ngàn Tiến Sĩ), mà chả có lấy được một ai đã đọc và phê bình sách Silk for Silover đúng sai ra sao ư ? Như vậy Viện Hàn Lâm của thầy có nhiều tiến sĩ quá để làm gì nhỉ ?
Và đó là chúng ta còn chưa nói, là ở một mặt khác, lại có những PGS TS như thầy Hoàng Văn Khoán viết bậy về kiến trúc đình làng Nam Bộ, để đem đi giảng trong ngành Việt Nam Học, hay thầy gì đó, là Nhà Giáo Nhân Dân Việt Nam, TS Hán Nôm mà viết quyển Từ Cổ Tiếng Việt sai gần hết tiếng Việt miền Nam, Brian đọc mà thật không hiểu Viện của thầy nghĩ như thế nào mà lại tặng cho ông ấy danh hiệu "Nhà Giáo Nhân Dân Việt Nam" vậy thầy nhỉ ?
Một tập thể học giả như thế, không hề có những bài viết ngoài này cho độc giả Việt biết họ có thưởng thức, biết đúng sai khi đọc sách không, thì xin thưa với thầy Bùi Nhật Quang, thầy cũng nên đem họ về lại làm cán bộ Viện, xin đừng để họ ra ngoài này nữa, vì họ làm cho độc giả người Việt trí thứ như Brian, cảm thấy xấu hổ cho hai chữ Hàn Lâm của các GS / PGS / TS Việt Nam.
****
3. Mình hy vọng thầy Bùi Nhật Quang cho số hóa và cho ra miễn phí hầu hết toàn bộ các tư liệu Hán Nôm còn nằm trong kho viện Hán Nôm hay đâu đó.
Brian không hiểu các thầy đã thâu lại được bao nhiêu tiền phí mỗi lần ai đó tới viện Hán Nôm xin được copy tư liệu, nhưng thưa thầy, chắc là tiền phí này không thể nào là nguồn thu nhập chính cho Viện Hán Nôm để sống qua ngày đâu đúng không ? Nhưng xem ra, điều mà Brian băn khoăn, là hầu như quyển sách dịch hay phân tích về sử nào của các thầy, mà Brian tự mình đọc, sao chúng đều có vấn đề cả thầy ạ. Vấn đề từ việc dịch thuật cho tới kiến thức đúng sai. Ở đây Brian không bàn tới việc sai có chủ ý rõ ràng như các cán bộ Viện Sử Học đã, đang và sẽ tiếp tục làm để đầu độc kiến thức người Việt vậy, mà là những quyển sách dịch sai hay không mà chẳng ai biết. Người ta chỉ có thể biết nếu đọc lại bản nguyên tác Hán ngữ.
Một ví dụ rất rõ ràng là bộ Ô Châu Cận Lục đã bị thầy Trần Đại Vinh dịch cắt (mẹ nó đi) xén phần quan trọng cho người ta biết bộ Ô Châu Cận Lục mà thầy họ Trần dùng để dịch chưa bao giờ là do ông Dương Văn An nào viết cả. Chẳng những dịch cắt xén như thế, mà thầy họ Trần này lại còn viết đủ thứ để đưa độc giả vào mê cung là ngài Dương Văn An đã viết như thế là sao ? Đã bao giờ độc giả người Việt mà lại bị đối xử như con bò thế hả thầy ?
Và chúng ta vẫn còn chưa hiểu, là liệu cụ Đào Duy Anh và các cán bộ Viện Sử Học, khi họ ráp đủ thứ các dị bản Phủ Biên Tạp Lục để làm thành một bộ Phủ Biên Tạp Lục mới, họ đã làm như thế nào, sai đúng ra sao, vì họ có để lại chú thích gì đâu ? Ấy thế mà người Việt ngày nay tung hô là bộ Phủ Biên Tạp Lục khá là quý. Nhưng thưa thầy, làm thế nào mà một bộ sách bị biên soạn lại, mà chả ai biết nó có bị cắt xén, dịch bậy hay không là đồ quý thầy nhỉ ? Một đứa trẻ nít cũng biết cách làm việc như thế là vô trách nhiệm, ấy thế mà các học giả xưa nay cứ khen tung lên là bộ Phủ Biên Tạp Lục quý lắm, quý là quý ra sao hả thầy ? Hay các học giả Việt Nam đều mù (quáng) cả mặc dù họ có các học hàm học vị GS / PGS / TS nào đấy ?
Mà thầy thấy đó, Brian chỉ mới có đọc vài tài liệu nguyên bản Hán ngữ, ví dụ Đại Nam Thực Lục, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, Gia Định Thành Thông Chí hay Ô Châu Cận Lục, mà viết hoài còn chưa hết, trong khi chả thấy có thầy nào của quý Viện chịu khó mà phân tích kỹ gì cả, mà lại toàn tranh nhau mà dịch thuật và đem đủ thứ trong các văn bản ấy ra mà chứng minh chủ quyển của Việt Nam gì đấy. Hình như chúng ta cần học giả Hán Nôm phân tích tài liệu Hán Nôm, chứ đâu hẳn chỉ cần học giả Hán Nôm đi làm thầy cúng mà tranh nhau dịch thuật một tài liệu Hán Nôm 5 hay 7 lần, ai cũng khen mình hiệu đính gì đấy, ấy thế mà chả ai cho độc giả người Việt biết họ có "văn bản học" tài liệu ấy chưa thầy nhỉ ?
Nếu chúng ta cần dịch giả, chắc chúng ta đào tạo các thầy cúng dịch cũng xong đúng không thầy ? Và Brian không nghĩ TS Hán Nôm chỉ làm có mỗi công việc dịch thuật là OK.
Nhưng với tình trạng hiện nay, tức là xem ra không có bao nhiêu GS / TS Hán Nôm nào đủ trình độ mà phân tích tài liệu gì cả, chỉ giới hạn vào việc dịch thuật mà thôi. Hay là thầy cho mở kho Hán Nôm, số hóa và cho chúng ra miễn phí, để những độc giả như Brian, có thể tha hồ mà lựa chọn, và phân tích miễn phí, ngõ hầu giúp đỡ cho tất cả người Việt được nâng cao kiến thức về văn hóa và sử Việt ?
Ví dụ thầy thấy Brian đang việt hóa vài trăm bức bản đồ Đồng Khánh Địa Dư Chí miễn phí nè, đâu có cần đến những học hàm học vị đao to búa lớn GS / TS gì đâu ? Có khi quý thầy cô của Viện lo chuyện đại sự, cần quan tâm đến các chuyên đề mà ai đó bỏ tiền ra tài trợ họ viết, nên những gì nhỏ bé, như bản đồ, như các sách sử còn nhiều lắm, nên để cho các độc giả nghiệp dư như Brian được tha hồ mà đọc và chia sẻ kiến thức cho người Việt chăng ?
Và trên con đường chia sẻ kiến thức này, Brian (lẫn ai đó yêu thích) cũng sẽ giúp độc giả người Việt xác nhận những quyển sách dịch hoặc viết bậy của thầy cô Viện Hán Lâm, và xin được trả chúng và thầy cô lại cho Viện Hàn Lâm của thầy, để họ cả đời nên giới hạn vào việc làm Cán Bộ của Viện, xin đừng ra ngoài này đầu độc kiến thức người Việt nữa. Vì thầy thấy đó, độc giả người Việt như Brian thật sự không biết giải thích ra sao nếu có một thầy PGS TS Hoàng Văn Khoán nào đó mà viết đình Nam Bộ lại có cả vụ "Có đình có thêm nhà chiêng và nhà mồ". Xin đừng nói là các thầy lại đưa ra lý do, là thời vua Minh Mạng, Nam Kỳ là chạy dài từ miền Trung xuống tới miền Nam, nên Nam Bộ ở đây cần được hiểu là có luôn miền Trung văn hóa người Thượng nghen. Thật xấu hổ quá thầy ạ.
Mà nếu thầy không cho số hóa và miễn phí phần lớn các tài liệu Hán Nôm này, thì nó là sự thua thiệt của văn hóa Việt Nam thôi. Vì ví dụ không có chúng, Brian sẽ đi tìm những tài liệu khác, ví dụ tài liệu về TQ có đầy rẫy trên Internet chẳng hạn để mà đọc và nghiên cứu về TQ. Một đất nước mà có chính sách trọng dụng người tài, là họ cần làm những gì giúp người tài càng ngày càng đam mê đất nước ấy, chứ không phải cho rằng vì người ta đam mê nghiên cứu đất nước mình, nên phải lạy lục đất nước mình cho xem tài liệu.
****
4. Brian có đọc bài chia sẻ của thầy Thiền Phong về những gì thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị về trách nhiệm của thầy và Viện. Trong đó có đoạn thầy trích lời của nhà thơ Nazim Hikmet rằng là "Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên thì làm sao bóng tối trở thành ánh sáng.". Vâng, Brian sẽ chờ đợi thầy cháy lên trong vòng 3 năm kế tiếp. Nếu Viện Hàn Lâm không có gì cháy lên trong vòng 3 năm kế tiếp, và nếu Brian mà vẫn ngày ngày lôi ra những quyển sách viết bậy, những vị GS / PGS / TS viết bậy, thì Brian nghĩ thầy cũng nên tự hiểu mà từ chức đi thôi, vì chẳng những thầy không cháy lên gì cả, mà có khi thầy và Viện Hàn Lâm chỉ là một đám than tàn, đang cố cháy tàn hơi thêm chút nữa, nhưng biết chắc chắn sẽ tàn đi và bị trôi vào quên lãng. Thầy người trẻ, đừng để cho tên tuổi Viện Hàn Lâm KHXH VN trôi vào quên lãng thầy há. Dân tộc Việt mình có ngàn năm văn hóa, xin đừng để cho lịch sử đánh giá là ở thế kỷ 21, đã có một Viện Hàn Lâm KHXH VN làm ăn và hoạt động như thế nào, mà có nhiều GS / PGS / TS dốt và vô trách nhiệm đến vậy.
Best wishes,
Brian


1 nhận xét:

  1. Oh, Bài viết nhẹ nhàng mà sắc sảo, thật chí lý chí tình! Cảm ơn nhiệt huyết và trí lự của Brian

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.