Chép nguyên từ trang Báo Tiếng Dân về.
---
"
Nguyễn Hà Phan – Bi hay hài?
3-8-2019
LTS: Nhân sự kiện ông Nguyễn Hà Phan qua đời, chúng tôi xin được đăng lại bài viết của nhà văn Lê Phú Khải “Nguyễn Hà Phan – Bi hay hài”, chương 7e, Hồi ký Lời Ai Điếu của nhà ký Lê Phú Khải, để mọi người có thêm thông tin về con người của ông Nguyễn Hà Phan.
Lê Phú Khải
Đầu năm 1994, sau chuyến đi Điện Biên Phủ đầu tiên để giúp anh Tuất Việt làm số báo “SGGP – 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”, tôi về Hà Nội và đến báo Nhân Dân gặp Mai Phong, Trưởng ban bạn đọc của báo. Tôi bảo với Mai Phong, vừa đi Điện Biên Phủ về, có chai rượu hổ cốt, muốn rủ ông lên chỗ ông Nguyễn Hà Phan ở Ban Kinh tế chơi, gạ ông ấy kiếm ít mồi để nhậu. Anh cho tôi mượn cái điện thoại bàn của anh để gọi cho ông ấy… Mai Phong nhìn chai rượu của tôi, tuy có dán cái “mác” Lai Châu ở vỏ nhưng giá chỉ có 14.000 đồng. Phong nói: ông có đùa không thế, đang giờ làm việc mà đòi lên gặp Bộ Chính trị để nhậu!
Không cần Mai Phong đồng ý, tôi nhấc điện thoại bàn của anh lên (hồi đó chưa có di động phổ biến như bây giờ) gọi cho ông Sáu Phan. Từ đầu dây đằng kia, ông Sáu Phan kêu tôi “lên ngay!”. Thế là tôi kéo Mai Phong lên số 10 Nguyễn Cảnh Chân, khu Ba Đình. Chỗ Sáu Phan ngồi làm việc là trường Albert Sarraut cũ thời Tây.
Quen biết với ông Nguyễn Hà Phan từ lúc ông còn là Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cũ. Tôi từng được Tổng biên tập Tuất Việt ủy nhiệm làm đặc phái viên của Báo SGGP để phỏng vấn ông nhiều lần. Và, tôi cũng hết sức ủng hộ tỉnh Hậu Giang về mặt thông tin tuyên truyền những chủ trương rất đúng đắn của tỉnh dưới thời ông Hà Phan. Vì thế, việc ông Sáu Phan gặp tôi ở Hà Nội là việc vui đối với ổng.
Khi chúng tôi lọc cọc chở nhau bằng xe đạp đến nơi thì đã thấy Sáu Phan bày ra vài thứ đồ nhậu khô… Được vài tuần rượu, Sáu Phan rút thuốc ra hút. Đặc điểm lớn nhất, dễ nhận ra ở Sáu Phan là, ông hút thuốc liên tục, hết điếu này nối điếu kia. Sáu Phan mời tôi và Mai Phong hút thuốc. Thấy ông đưa thuốc “mác” “Con ngựa trắng” mời khách thì tôi lấy làm lạ nên hỏi: Khi xưa ông là quan đầu tỉnh mà hút tòan ba số (555) inter, nay lên quan nhất phẩm triều đình lại hút thuốc này sao? Sáu Phan than phiền: Ra đây Ban Tài chính quản trị TW nó cho hút thuốc gì thì được hút thuốc đó. Tiếp khách cũng thế, đâu có được như ở nhà…
Thấy thế, tôi bảo với anh Y, thư ký riêng của Sáu Phan đang ngồi gần đó: Nhờ anh bảo cô Tuyết ở Ban Tài chính qua đây tôi gặp. Y nói: Ở Ban Tài chính có đến 3 cô Tuyết, nhà báo muốn gặp cô Tuyết nào? Tôi nói: muốn gặp cô Tuyết có chồng là ông Nguyễn Thanh làm bên Hải quan…
Anh Y lập tức xua tay, nói: Cô Tuyết ấy là cấp trên của tôi, tôi không dám gọi. Tôi nói: Thì anh cứ bảo cô ấy, có anh Lê Phú Khải ở miền Nam ra, muốn gặp cô ấy.
Lát sau cô Tuyết xuất hiện. Cô em tôi (Tuyết là em họ tôi, con người chú thứ ba của tôi, là Lê Phú Ninh, quyền Chánh Văn phòng Bộ Công an) rất vui vẻ: Em chào bác! Bác mới ở miền Nam ra? Sao không báo để em đem xe ra sân bay đón bác!
Tôi cười nói: Ra chơi với ông Sáu đây thôi… có gì mà phải đón với rước! Sau đó tôi nói: Sao Ban Quản trị lại bắt ông Sáu hút thuốc “Con ngựa trắng” thế này? Xưa kia ở Cần Thơ ông ấy toàn tiếp tôi bằng ba số cơ mà?!
Cô Tuyết phân trần: Ban TCQT chúng em liên kết với tỉnh Khánh Hòa sản xuất kinh doanh thuốc này, rồi bán lại cho Văn phòng TW. Văn phòng phân phối cho các bác ấy tiếp khách… Bác thông cảm! Cô Tuyết chỉ nói có thế rồi chào ông Hà Phan… Trước khi về, cô còn dặn tôi khi nào ra Bắc thăm bác Sáu, nhớ gọi điện để cô cho xe ra đón…
Sở dĩ tôi đề nghị anh Y kêu cô Tuyết sang là có ý muốn giới thiệu với cô quan hệ thân mật của tôi với ông Hà Phan, để cô ấy “ưu tiên” với “ông bạn” già của tôi. Vì tôi biết các vị như Hà Phan ở địa phương còn sướng hơn cả vua chúa ngày xưa. Nay ra triều đình xa vợ con, nước lọ, cơm niêu là khổ lắm, lại không quen biết ai. Các quan chức ở Hà Nội hết giờ làm việc là về trình diện các quan bà hết, không như ở Miền Nam hết giờ là đi nhậu. Cỡ như Sáu Phan, ở Hà Nội lại càng cô đơn (!).
Tuyết về rồi… Sáu Phan bảo tôi: Biết đâu cô Tuyết là em ông. Ở đây cô ấy quan trọng lắm, tay hòm chìa khóa của TW là ở tay cô ấy!!!
Lê Thị Tuyết sinh năm 1942, cùng tuổi với tôi. Cô sinh ra trong một gia đình đông con. Ông chú tôi có tới 7 người con, cô là thứ 2. Hồi nhỏ trong gia đình họ Lê Phú của tôi chỉ có tôi là cháu đích tôn là được cưng chiều từ nhỏ, còn các cháu nội của ông bà tôi từ bé đã rất vất vả vì các chú tôi đi cách mạng quanh năm! Gia đình phó thác cho các bà vợ. Cô Tuyết học hành chẳng được là bao, mười mấy tuổi cô đã phải đi gánh nước gạo cho mẹ nuôi lợn ở Bãi Giữa (Bãi Phúc Xá). Cô vào làm nhà nước, được vô nơi kín cổng cao tường này có lẽ là nhờ cái lý lịch “con nhà nòi”.
Nhưng cô là người thông minh, có bản lĩnh và rất nhân hậu. Ở địa vị cao (Phó Ban Tài chính quản trị TW Đảng), nắm vật chất của Đảng trong tay nhưng cô thẳng thắn, khiêm nhường, tận tụy với công việc, và rất công bằng trong mọi sự phân chia của cải… nên được cán bộ công nhân viên của Ban Tài chính quản trị TW và Văn phòng TW Đảng quí mến.
Ngày cô mất, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức thư tay dài, chia buồn với gia đình cô. Bức thư ấy tôi đã được đọc. Những lời của Đại Tướng thật chân tình, những đánh giá của Đại Tướng về cô không công thức, giáo điều như mọi nghi thức với một người đã chết mà người ta thường thấy. Những điều ông viết làm người ta phải ngạc nhiên về nhận xét của một nhân vật lớn của đất nước đối với một cán bộ nhân viên bình thường: “Chị Tuyết ra đi để lại một tấm gương sáng của một người cán bộ hết lòng làm tròn nhiệm vụ, một người phụ nữ mẫu mực về lối sống và đạo đức cách mạng. Ký tên Võ Nguyên Gíap”. Là thư đề ngày 22/2/1999- Hà Nội.
Riêng đối với tôi, tuy chúng tôi là anh em cùng dòng tộc nhưng ở xa, ít tiếp xúc. Tuy vậy, cô Tuyết có cách cư xử mà tôi cho là chính xác, thông tuệ. Cô biết thừa tư tưởng “bất đồng chính kiến” của tôi với chế độ mà cô là một quan chức có hạng. Có lần tôi từ miền Nam ra Bắc, đến thăm nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng Nguyễn Kiến Giang… nào ngờ lại gặp đúng lúc nhân viên an ninh chuyên theo dõi Nguyễn Kiến Giang đang ngồi ở nhà ông. Anh Kiến Giang liền giới thiệu: Đây là nhà báo Lê Phú Khải, Thường trú của Đài TNVN ở Miền Nam ra chơi…
Tay an ninh này vốn có tính đa nghi cố hữu của nghể nghiệp… nên đã nghi ngờ tôi ra Bắc để móc nối với Kiến Giang, mời Kiến Giang vào Sài Gòn dự một cuộc hội thảo về dân chủ do một nhóm trí thức Sài Gòn sắp tổ chức. Thế là họ đã lần ra quan hệ họ hàng từ hai chữ “Lê Phú”. Họ đã đến gặp Lê Quân, em họ, con ông chú thứ 3 của tôi là Lê Phú An, cậu ta là công an an ninh văn hóa… để xác minh về nhân thân của tôi. Sau đó, gặp cô Lê Thị Tuyết để nhờ cô khuyên giải tôi đừng quan hệ với “phần tử xấu” Nguyễn Kiến Giang – Người từng là cán bộ lãnh đạo của Nhà xuất bản Sự Thật (!).
Nhưng cô Tuyết là một người phụ nữ thông minh, hiểu nhẽ đời, cô không hề nói gì với tôi cả, vì biết rõ nói tôi cũng chẳng nghe. Và cũng biết rõ tôi chẳng có gì sai cho dù là chơi với ông Kiến Giang. Vài năm sau, gặp vợ tôi ra Hà Nội chơi, cô mới kể lại câu chuyện cậu công an gặp cô nói về tôi mấy năm trước. Cô cũng chẳng có lời khuyên nào với tôi nhắn qua vợ tôi, trái lại khi vợ tôi than: Ở địa phương, cán bộ lãnh đạo khốn nạn lắm, chỉ lo đấu đá quanh năm… thì cô nói: Chị cứ nhân lên sự 1000 lần sự khốn nạn của địa phương nó sẽ là Trung ương…!
Cô em tôi là như thế. Với những người như ông anh họ của cô là tôi, cô “chơi bài ngửa”, không nói thì ông anh cũng biết, nên cô không cần giấu. Và cô cũng biết, chẳng ai giấu gì được lịch sử! Trong một xã hội như thế, cô phải sống và cô sống tử tế, chân thực với mọi người. Với địa vị ấy, cô phải lo bố trí nhà ở, xe cộ đi về, đến cả chăn màn quần áo cho các vị quan to ở TW. Có lẽ vì thế mà cô biết rõ nhân cách của từng vị trong Bộ Chính trị qua những việc cụ thể, đời thường.
Khi tôi còn làm phóng viên của Đài Truyền hình VN, có lần gặp tôi, cô nói: Em thấy các phóng viên của Đài Truyền hình hay sang Văn phòng TW nhờ bọn em gọi điện từ Văn phòng TW qua đài, đề nghị với giám đốc Đài cử họ đi tháp tùng Thủ tướng đi nước này, nước nọ. Em chẳng thấy bác sang bên chúng em bao giờ! Tôi nói ngay: Tôi rất sợ phải đi tháp tùng một vị Thủ tướng vô tích sự như ông Phạm Văn Đồng!!! Cô em tôi đã cười rất tươi khi nghe tôi nói thế!
Lúc ông Hoàng Văn Hoan bỏ trốn, tôi cũng đang công tác ở Đài Truyền hình. Báo đài lúc đó la ầm lên là ông HVH phản bội, dấu hiệu phản bội đã thấy rõ từ… lâu (!). Gặp tôi, cô Tuyết nói ngay… Bác Hoan chẳng phản động gì cả. Khi họp Bộ Chính trị, bác Lê Duẩn nói thì các bác Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp cứ cắm đầu xuống mà nghe, không ai dám ngẩng đầu lên, không ai dám nói nửa lời, chỉ có bác Hoan là dám đập bàn cãi lại, cãi nhau tay đôi (!).
Về trường hợp Hoàng Văn Hoan, tôi cũng được một lần Tướng Qua kể như sau: Ở Hội nghị Geneve, khi Phạm Văn Đồng kêu ai làm việc thì người đó run lắm, lo chuẩn bị tối ngày, chỉ có ông Hoan là ung dung tự tại… hai tay đút túi quần, ra sân đá banh cho đến lúc gặp Phạm Văn Đồng!
Về cái chuyện các phiên họp của Bộ Chính trị thì rất khôi hài. Cô Tuyết kể với vợ tôi: Đến em cũng không được vào phục vụ mà chỉ có quyền chỉ huy các nhân viên vào phòng họp phục vụ bưng bê. Các nhân viên đó phải được tuyển lựa từ Cao Bằng, Lạng Sơn về, toàn dân tộc thiểu số để họ không quen biết ai ở Hà Nội, biết gì họ cũng không có ai để mà nói…
Cô Tuyết hóm hỉnh nói với vợ tôi: Nhưng chị lạ gì, con gái thì nó phải hành kinh hàng tháng. Khi hành kinh đứa nào cũng muốn thủ trưởng cho nghỉ nhiều, thế là nó phải nịnh em. Mà muốn nịnh em thì chỉ có cách nghe được cái gì trong cuộc họp BCT thì ghé tai em nói nhỏ để… làm quà! Đứa nào cũng thế. Vì thế họp gì, nói gì em đều biết hết. Thời Lê Duẩn thì Lê Duẩn mắng mỏ người khác như mắng gia nhân, đầy tớ, đến sau này thì cá mè một lứa, Phan Văn Khải thì bảo Trần Đức Lương nên trả lại những quả đồi mà ông ta đã chiếm để làm villa, biệt thự. Trần Đức Lương thì mắng lại PVK rằng, mày hãy về bảo thằng con mày đừng giết người nữa rồi hãy bảo tao trả lại mấy quả đồi… Họ mắng chửi nhau còn hơn hàng tôm, hàng cá rồi lại khuyên nhau “vì sự ổn định đất nước”, “vì sự nghiệp lớn”, nên gác lại mọi chuyện, rồi lại hỷ hả với nhau, đâu lại vào đó!
Cái thời ông Trần Xuân Bách đưa ra lý thuyết đa nguyên, cô Tuyết còn kể với vợ tôi: Trong Bộ Chính trị lúc đó chia rẽ và nghi kỵ nhau lắm, đi họp ai cũng được vợ chuẩn bị một chai nước riêng, để trong túi, khi khát thì lén quay đi, rót uống… Bánh kẹo, nước ngọt bầy ra la liệt nhưng chẳng ai dám đụng vô một miếng. Thế là bọn nhân viên của em nó tha hồ bóc ra … để cuối cuộc họp chia nhau… vui như tết !!!
Có lần cô Tuyết kể trực tiếp cho tôi nghe, khi cần vụ của Lê Đức Thọ đem một cái chăn bông đã rách nát đến đổi chăn bông mới, cô nói với chú cần vụ này: Thủ trưởng của cậu tiết kiệm quá, chăn rách cả mền, lòi cả bông ra thế này mới chịu đem đổi.
Cậu ta cười nói: Tiết kiệm cái con tiều! Tối nào trước lúc đi ngủ ông ta cũng nắn bóp cái chăn đến nửa tiếng đồng hồ, chỉ sợ người ta gài mìn thôi… nên chăn mới rách bươm ra như thế. Tối qua, bông nó xổ ra, bay tứ tung làm ông ấy ho suốt đêm nên sáng nay mới bảo tôi đem đổi!!!
Chẳng những lo nhà, lo xe, cô còn lo chia quà Tết cho TW nữa. Số là, những năm bao cấp, mỗi lần ra họp TW, các tỉnh phía Nam còn đem cả tấn gạo ngon, hàng tạ tôm, cá khô ra biếu TW ăn Tết. Thế là cô phải thức cả trưa, cả tối để lo chia quà và đem đến từng nhà các vị TW.
Lo vật chất, cô Tuyết còn phải lo cả chuyện “tình cảm” cho các vị đó. Cô kể: Khi bà vợ hai của Lê Duẩn báo sẽ ra Bắc, thì lập tức cô phải điều bác sỹ đến khám sức khỏe cho bà cả. Rồi theo kịch bản, bác sỹ la lối lên “sức khỏe chị Cả kém lắm rồi, phải đi Tam Đảo nghỉ ngơi!!!” Khi bác sỹ đến khám, có cả hai nữ công an mặc quân phục, đeo súng bên hông rất oai để “bảo vệ” chị Cả đi Tam Đảo an dưỡng… Thấy mình oai quá, chị Cả đi liền. Thế là tối đó, đưa Tổng Bí thư lên biệt thự ở Hồ Tây, chị Hai từ Sài Gòn ra, xuống sân bay là đưa thẳng đến biệt thự!
Có lần cô còn tố cáo với vợ tôi: Lê Duẩn tàn độc lắm, có lần ngủ với cô y tá được cử đến để đấm bóp cho ông ta. Sau khi ngủ với cô y tá này, ông ta ra hiệu phải…Cô Tuyết nói nguyên văn với vợ tôi: Em là phụ nữ, có chồng có con, lại theo đạo Phật, không bao giờ em làm điều thất đức….
Lê Duẩn là như vậy. Cuộc tắm máu đồng đội của Lê Duẩn ở Tết Mậu Thân là tội ác trời không dung, đất không tha. Biết là lộ, là thua rồi vẫn cứ lùa quân đi vào chỗ chết. Nhiều chiến binh ở Nam Bộ còn sống sót trong Tết Mậu Thân đã kể với tôi, quân ta đi đánh thì máy bay do thám của địch bay trên đầu, địch biết hết nên đánh đợt hai đi 100, về chỉ còn 1, 2… Nếu chỉ đánh để làm tan rã ý chí xâm lược của Mỹ, để Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán… như bọn bồi bút vẫn hô hoán về trận Mậu Thân 68 thì chỉ cần một mũi tấn công thọc sâu vào Sứ quán Mỹ như ý kiến của Tướng Giáp là đủ.
Hơn ai hết, cô Tuyết ở nơi kín cổng cao tường này nên biết rõ mọi chuyện.
Có lần Nguyễn Văn Linh thấy cô tận tụy với công việc phục vụ… đã định đề bạt cô làm Trưởng ban Tài chính Quản trị TW, nhưng cô từ chối với lý do là phụ nữ, không đủ năng lực làm lớn (!). Khi ông chú ruột tôi là Lê Phú Hào, đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Paris, từng phục vụ Lê Đức Thọ – phiên dịch Tiếng Anh tại hòa đàm Paris, đầu năm 1980 ly khai, cư trú chính trị tại Pháp, thì lập tức ông Trần Xuân Bách, Chánh văn phòng TW Đảng, đưa vấn đề lý lịch của cô Tuyết ra xét, định vu cho cô là khai man lý lịch vì Lê Phú Hào cũng là chú ruột của Lê Thị Tuyết. Nhưng nằm trong cái “tổ con tò vò” nên cô “rất thuộc bài” và “cao tay ấn”. Ngay ngày đầu tiên được tin chú mình trở thành “kẻ phản Đảng”, cô đã khai bổ sung lý lịch và nộp ngay cho tổ chức Đảng nên ông Trần Xuân Bách chẳng làm gì được cô!
Cán bộ ở Ban Tài chính quản trị bình luận về sự việc này là vì cô Tuyết đã có lần dám phê phán cô Thịnh – là vợ trẻ mới cưới của ông Bách, do cô này cậy thế chồng là ông lớn, lộng hành, vô kỷ luật (!). KGB của Liên Xô lúc đó đã gọi Thịnh là Giang Thanh của Việt Nam. Ông Bách trước kia cũng mù mờ như mọi ông trung ương, Bộ Chính trị khác, nhưng từ sau khi ông được TW giao cho nghiên cứu tình hình thế giới đang biến động, ông lập một đơn vị chuyên nghiên cứu, dịch sách báo tài liệu nước ngoài cho ông đọc. Đọc rồi ông thấy hoảng quá, tư tưởng ông có chuyển biến nên mới đề xuất đa nguyên, chỉ đa nguyên trong đời sống xã hội, trong tư duy thôi, chưa nói gì đến đa Đảng. Vậy mà ông đã bị khai trừ ra khỏi TW (!).
Cô Tuyết cũng có lần kể cho tôi nghe những chuyện thật cảm động, như chuyện ông Hòang Quốc Việt khi về hưu rồi, theo tiêu chuẩn vẫn được đi nghỉ mát Vũng Tàu (Cơ sở của Ban Tài chính Quản trị TW có ở tất cả mọi nơi trên đất nước). Nhưng tuổi già, đi môt mình thì buồn lắm, nên ông HQV đã đến xin với cô cho thêm một suất nữa cho ông bạn già của ông là cán bộ thường, không có tiêu chuẩn đi nghỉ Vũng Tàu từ Hà Nội cùng đi. Kể đến đây cô dừng lại rồi chép miệng nói: Một vị khai quốc công thần như bác HQV mà phải đến tận nơi, xin một cán bộ vô danh tiểu tốt so với công trạng của các bác như em thì buồn quá! Em giải quyết liền. Và từ đó, mỗi lần có bác cán bộ cách mạng lão thành nào đủ tiêu chuẩn đi nghỉ hàng năm, em đều hỏi bác có cần rủ môt người bạn già nào nữa cùng đi cho vui không, để cháu giải quyết (!). Nhiều bác mừng lắm, vui như trẻ em…
Cô Tuyết cũng nói với tôi về khó khăn trong việc thu hồi nhà công vụ và đồ đạc của Nhà nước khi các cán bộ cao cấp đã thôi làm việc. Cô ca ngợi, chỉ có bác Huỳnh Tấn Phát là ngay sau lúc nghỉ hưu đã gọi cô đến để trả lại ngôi biệt thự số 9, đường Nguyễn Đình Chiểu (nay là trụ sở Hội nhà văn). Bác Phát còn dẫn cô đi từng phòng, kiểm tra từng thứ đồ đạc của Nhà nước còn đầy đủ, nguyên vẹn như lúc nhận nhà… sau đó mới trao chìa khóa ngôi biệt thự này cho Ban TCQT TW.
Nhớ lại chuyện cô Tuyết kể về bác Huỳnh Tấn Phát, tôi lại liên hệ đến lời ông Kiệt nói về lòng yêu nước của trí thức Nam Bộ…. “họ hy sinh cả một sự nghiệp, một điền trang lớn, vinh hoa phú quí…” để đi kháng chiến vì yêu nước. Những người như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Lương Đình Của, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khắc Viện… đi theo cách mạng không vì tài sản, vì xe hơi nhà lầu mà vì lý tưởng yêu nước cao cả. Còn kẻ khố rách áo ôm đi theo cách mạng thì sau khi cách mạng thành công, họ say sưa cấu xé nhau để tranh giành của cải, tiền bạc, say sưa tham nhũng… rồi chính họ lại chết vì cuộc tranh giành đó. Xã hội Việt Nam hôm nay là dẫn chứng hùng hồn điều đó.
Cách mạng Pháp 1789 nổ ra khi giai cấp tư sản đang lên, chính nhà vua Louis 16 đã phải vay tiền của các chủ nhà băng để trang trải nợ nần cho triều đình. Giai cấp tư sản chỉ dựa vào sức mạnh bạo lực của đông đảo nông dân đói khổ để lật đổ bọn phong kiến và tăng lữ, sau đó nắm lấy chính quyền, nâng cấp xã hội Pháp từ phong kiến lạc hậu lên xã hội công nghiệp tiên tiến. Bi kịch của cách mạng vô sản là kẻ khố rách áo ôm, dốt nát lại lên nắm quyền. Để che đậy cho sự dốt nát đó, Việt Nam hiện nay có biết bao ông tiến sĩ, giáo sư đã được học tắt, học “đón đầu”, mua bằng giả… Sự dốt nát của đám “trí thức” cận thần này đang làm trò cười cho cả thế giới đã internet hóa mà trường hợp của đại tá giáo sư tiến sĩ Trần Đăng Thanh là một điển hình… chẳng kém gì các nhân vật điển hình trong văn học như Chí Phèo, Thị Nở!!!
***
Lại nói về bữa nhậu với ông Sáu Phan tại Ban Kinh tế TW ở Hà Nội năm đó. Chúng tôi lai rai cho đến xế chiều. Trước khi chia tạy, Sáu Phan bảo tôi: Muốn nhờ Phú Khải một việc! Tôi nghe lạ tai quá nên vặc lại: Ai đời một Uỷ viên BCT lại phải đi nhờ một công dân hạng hai ngoài Đảng bao giờ? Nhưng Sáu Phan quả quyết: Việc này phải nhờ Phú Khải mới xong!
Đại để là Sáu Phan nhờ tôi nói với Tổng Biên tập SGGP Vũ Tuất Việt xóa nợ cho nhà thơ Nguyễn Bá ở Cà Mau vì vay tiền của Báo SGGP mở xưởng làm giấy rồi vỡ nợ, không trả được phải đi tù (!).
Sáu Phan nhấn mạnh, ông thân với Tuất Việt, nói nó xóa nợ cho Nguyễn Bá. Ông còn nói: Ai lại bỏ tù một nhà thơ bao giờ. Thả Nguyễn Bá ra để nó đi làm ăn mới có tiền mà trả nợ chớ…
Tôi nghe Sáu Phan nói thấy rầu quá! Rõ ràng tư duy của ông là tư duy tình cảm, tư duy đức trị giữa lúc người ta thực thi pháp trị (tất nhiên là chỉ thực thi pháp trị với những người như Nguyễn Bá và với dân đen…). Tuất Việt đâu phải tòa án mà tha bổng cho Nguyễn Bá được. Với lại báo Sài Gòn là báo quốc doanh, đâu phải báo tư nhân của riêng Tuất Việt mà Tuất Việt có thể xóa nợ để cứu Nguyễn Bá khỏi tù tội.
Chính cái tư duy đức trị bảo thủ này đã làm hại Sáu Phan. Khi ở Cần Thơ, Hậu Giang, Sáu Phan là một “anh Hai Nam Bộ” thứ thiệt, cởi mở, phóng khoáng, tư duy tân tiến… Ông nổi tiếng là một người giản dị, dễ gần. Ông có thể tì giấy lên đùi để ký vào một văn bản cho một cán bộ cấp dưới ngay trên hè phố… để giải quyết một công việc gấp… Ấn tượng rất mạnh của tôi lần đầu tiên gặp Sáu Phan là, ông chủ tịch một tỉnh lớn nhất đồng bằng này đã đạp xe đạp vào tận một ngõ hẻm để thăm tôi tại Cần Thơ. Ngay tại buổi gặp đầu tiên ấy, ông đã bàn với tôi là phát động một cuộc tuyên truyền trên báo chí cho một năm lấy tên là “Năm văn hóa xã hội” của Hậu Giang. Trong năm văn hóa xã hội đó, sẽ vận động các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lương thực dành một phần tiền trong quĩ giao tiếp được nhà nước cho phép, chỉ vài phần trăm nhưng rất lớn… để xây trường học, trạm xá, làm đường cho vùng sâu, vùng xa của Hậu Giang. Trong cuộc họp báo có mời cả các nhà báo và văn nghệ sĩ ở TP.HCM xuống để tuyên bố mở đầu năm VHXH…
Đêm hôm trước, ông còn bàn riêng và hỏi tôi, để thực hiện tiết kiệm, mỗi người dự tiệc chỉ một lon bia thôi có được không? Tôi bảo: Nên 3 lon, thằng nào không uống được thì thằng khác nó gánh, thế cho vui vẻ, không nên tiết kiệm quá, nhất là có anh em từ xa đến… Ông đồng ý ngay, còn khen tôi là “sâu sắc”!
Về việc đi tù của nhà thơ nổi tiếng của Miền Tây Nam bộ một thời là Nguyễn Bá, vì vay tiền tỷ để mở xưởng kinh doanh làm giấy, nhưng báo nào năn nỉ xin mua chịu giấy, Nguyễn Bá cũng cho chịu nên vỡ nợ, phải đi tù. Chuyện ông nhà thơ mở xưởng làm giấy này ở Việt Nam chẳng khác nào chuyện ông nhà văn Banzăc ở bên Tây năm xưa, cũng mở xưởng in, kinh doanh được ít lâu là vỡ nợ, phải đi trốn nợ ở lầu 5 một căn nhà phố xép tại Paris. Sau này chính quyền Paris có mua lại cả căn nhà có phòng Banzăc đã trốn nợ ở đó đề làm bảo tàng Banzăc!
Còn ở nước ta thì hai ông Uỷ viên BCT đều tìm cách can thiệp cho một nhà thơ nổi tiếng vì kinh doanh thua lỗ mà phải đi tù (!) Nhưng ông Sáu Kiệt thì khôn ngoan hơn ông Sáu Phan nhiều. Ông đã đến thăm tù nhân Nguyễn Bá với tư cách một công dân nhưng đang “mặc áo” Thủ tướng, chỉ thăm thôi, không can thiệp gì cả. Vậy mà ít lâu sau Nguyễn Bá được ra tù với nhiều lý do, trong đó lý do chủ yếu là “đã cải tạo tốt”!!!
Kể từ khi Sáu Phan ra Bắc làm quan to, tôi được nghe nhiều thông tin rằng, ông được các vị ở Hà Nội quí mến lắm vì tính tình giản dị, cần kiệm, chan hòa với mọi người, đặc biệt ông Tổng Bí thư Đỗ Mười rất tín nhiệm.
Từ khi biết tôi có quan hệ thân tình với Sáu Phan, cô Tuyết mỗi lần có dịp gặp đều thông tin cho tôi về Sáu Phan. Có lần cô nói, bác Đỗ Mười nhận xét: Thằng Sáu Phan cho vào cối giã nó cũng không chết!
Một lần khác cô lại nói, bác Đỗ Mười bảo: Kỳ này để thằng Sáu Phan làm TBT để khỏi mang tiếng là cứ cái chức TBT phải do thằng Bắc Kỳ nắm!!!
Tôi còn được nghe cố vấn Nguyễn Văn Linh luôn đi vận động cho Sáu Phan lên làm Thủ tướng. Nghe được những chuyện như thế, tôi thấy lo. Được những ông đại bảo thủ, giáo điều, u mê, lú lẫn… như thế mà khen thì chắc là Sáu Phan… hỏng rồi (!). Đúng là “gần mực thì đen” như các cụ ta nói! Nhưng đó là suy luận theo logic, còn biến động của tư duy lại phức tạp. Engel từng nói, mọi sự vật đều biến động liên tục và vận động trong thời gian và không gian, trong các vận động đó, vận động của tư duy là phức tạp nhất.
Nếu ông Sáu Phan lên nắm các chức vụ chủ chốt trong Đảng như ngườ ta dự đoán thì chưa biết là rủi hay may cho đất nước này, cho Đảng Cộng sản này. Tôi nói vậy vì trước Đại hội 8 tôi có ra Hà Nội. Mỗi năm tôi thường ra một lần như thường lệ. Trước khi về tôi có đến thăm Sáu Phan, tôi nói: Ra Hà Nội lâu rồi, trước khi về đến thăm ông Sáu. Sáu Phan nói: Tôi biết ông ra lâu rồi và toàn đến chơi các “thứ dữ”, giờ mới đến chơi tôi.
Thì ra Sáu Phan đã biết tôi ra Hà Nội và đã đi những đâu. Tôi đành “thú nhận”: Tôi vừa đến chơi Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Dương Thu Hương… Sáu Phan nói: Thế là tốt. Mai mốt tôi làm việc (ý nói làm lớn hơn) phải nhờ ông làm cầu nối để tôi gặp các vị đó, đối thoại với anh chị em… Ông còn khoe: Tôi là người bảo lãnh để anh Phan Đình Diệu tham gia Mặt trận Tổ quốc, trong khi các vị khác phản đối ầm ầm…
Sáu Phan đã nghĩ đến đối thoại với những người tôi vừa kể trên từ những năm đó, thì không thể xem thường ông ta được (Sáu Phan còn sống đó). Trên chính trường, sự im lặng chờ đợi đôi khi cần thiết hơn là sự bộc lộ quan điểm rõ ràng mà sớm quá. Người Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Ai nói đúng sớm quá là sai lầm” (Ceux qui ont raison trop tot, on tort).
Khi ông Sáu Phan thất sủng, bị khai trừ ra khỏi Đảng vì lý do như thông báo của Đảng CSVN đến từng chi bộ, tôi là một trong những người đến thăm ông sớm nhất tại số nhà 14, đường Nguyễn Trãi, Cần Thơ. Ông rất cảm động và còn đưa tôi vào buồng, giới thiệu tôi với bà vợ đang bị bệnh nằm đó: Đây là anh Khải ở Báo Nhân Dân đến thăm tôi!
Sáu Phan ít nghe đài, đọc báo là chủ yếu nên cũng như nhiều người, vẫn đinh ninh tôi ở báo Nhân Dân. Và chính vì sự nhầm lẫn này đang gây cho tôi nhiều chuyện rất vớ vẩn (!) Một lần chín giờ đêm rồi, tôi còn được cơ quan mang đến cho một bao thư to, đề ngoài người gửi là Văn phòng Chính phủ, người nhận là Lê Phú Khải, địa chỉ Báo Nhân Dân. Thấy đúng tên mình, tôi bóc thư ra xem thì nội dung đại ý Văn phòng CP đã nhận được đơn của nhà báo Lê Phú Khải, kiện ông Trương Tấn Sang đã bắt con ông đi nghĩa vụ quân sự không đúng luật v.v…
Tôi biết ngay là người ta lộn tôi với ông Trần Quốc Khải ở báo Nhân Dân nên sáng hôm sau tôi phải phóng xe tới 40 Phạm Ngọc Thạch trao trả lại thư cho báo Nhân Dân. Đến dịp 30-4-1995, sắp kỷ niệm 20 năm ngày thống nhất đất nước, tôi được cử đi phỏng vấn Chủ tịch TPHCM Trương Tấn Sang. Cuộc phỏng vấn xong, ông Sang vỗ vai tôi bảo: Thôi chuyện cũ kiện cáo nhau, bỏ qua nhé! Tôi ngạc nhiên quá và vụt nhớ ra là vụ kiện ông Sang của ông Trần Quốc Khải ở báo Nhân Dân mấy năm trước. Vậy là VPCP cũng gửi cả công văn thông báo vụ kiện cáo đó cho Chủ tịch TP.HCM Trương Tấn Sang. Tôi phải giải thích sự nhầm lẫn này cho ông Sang hay. Cả hai chúng tôi đều cười!
Công bằng mà nói, ông Sang là một người tử tế. Nếu ông nhỏ nhen mà thù ghét tôi thì thiếu gì cách để ông “trị” tôi! Chưa hết, một lần tôi xuống một huyện xa của Sóc Trăng công tác, tối đêm rồi còn có người gõ cửa phòng, yêu cầu tôi hoàn trả lại số tiền tạm ứng… nhận viết một cuốn tiểu thuyết cho huyện mà đã mấy năm không thấy tiều thuyết ra đời! Tôi lại biết ngay là nhầm tôi với ông Trần Quốc Khải…
Còn nhiều chuyện rắc rối do ông Trần Quốc Khải, nổi tiếng là “hâm” trong làng báo VN này gây cho tôi…
***
Chuyến thăm Sáu Phan vừa bị “tai nạn” chính trị đó, tôi thấy ông tỏ ra không buồn rầu, bi quan gì cả, ông chỉ than phiền: Tôi chẳng khai báo gì cả, nó vặn cả răng tôi đây này – Ông chỉ vào hàm răng của mình – Nhà thơ Viễn Phương và nhà văn Sơn Nam bị tù và giam cùng xà lim với tôi, hai vị đó đều là bạn của Phú Khải, thử hỏi hai người đó xem tôi có khai không? Viễn Phương viết thư cho anh Mười (Đỗ Mười – LPK) minh oan cho tôi, thư của hắn còn đem ra phường công chứng chữ ký nữa, trước khi gửi đi Hà Nội.
Tôi suýt bật cười khi nghe Sáu Phan nói: “đem ra phường công chứng chữ ký”. Ở cái thời buổi “kim tiền” này, người ta đi công chứng chữ ký của các đại ca, đại gia… ai mà đi công chứng chữ ký của nhà thơ, vậy nhà thơ có giá thế sao?
Về Sài Gòn rồi, tôi nhân danh chuyên viên của cơ quan, làm giấy mời nhà thơ Viễn Phương đến số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, nơi cơ quan tôi đóng để phỏng vấn nhà thơ vể tình hình thơ ca Miền Nam!!! Tôi phải “mở ngoặc” nói rõ về cái chức danh “chuyên viên” của tôi. Không hề có chức danh này ở cơ quan báo chí, chỉ có phóng viên, biên tập viên mà thôi. Nhưng vì lúc đó tôi đã 55-56 tuổi, có tên trên nhiều tờ báo của cả nước, là tác giả của hàng chục đầu sách, được mời đi giảng ở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, lớp trung học, đại học báo chí… mà ở cơ quan thì viết một cái tin ngắn cũng phải trình cho cấp phó phòng, trưởng phòng duyệt theo qui chế. Kẻ ngồi duyệt được thiên hạ bình luận là trình độ “dân phòng”, nên nó chướng quá. Giám đốc cơ quan thường trú Đài Tiếng nói VN tại TPHCM là Đào Quang Cường lúc đó liền sáng kiến ra chức danh “chuyên viên”. Ông tuyên bố với cơ quan tôi là chuyên viên, làm việc trực tiếp với giám đốc, khi nào giám đốc yêu cầu thì đến, không phải làm việc 8 tiếng ở cơ quan. Thế là tôi được ở nhà để “nghiên cứu”!!!
Phỏng vấn qua loa nhà thơ Viễn Phương, và sau đó không quên gửi ông cái nhuận bút ở mức cao nhất của qui định trả nhuận bút nhà nước ban hành, tôi mới hỏi nhà thơ rất đáng kính này: Tôi nghe nói cái thư anh minh oan cho anh Sáu Phan gửi cho ông Đỗ Mười, anh còn cẩn thận đi công chứng chữ ký Viễn Phương phải không? Viễn Phương trừng mắt qua cặp kính trắng, nói gọn lỏn: Có chứ! Có chứ!!!
Sở dĩ những người như tôi, còn dám “… nán lại cái phút giây cực lạc, để sống thêm ít phút nhọc nhằn trên cõi đời ô trọc này…” (Sêchxpia) là vì còn những người “ngây thơ” như nhà thơ Viễn Phương. Chắc chắn ông Viễn Phương mà đi buôn bán, kinh doanh thì lại vỡ nợ, vô tù hoặc phải đi trốn nợ như ông Nguyễn Bá và ông Banzăc mà thôi!
Từ khi Sáu Phan “về vườn” ở Cần Thơ, tôi thường hay lui tới chơi với ông… Vì thế có lần ông bảo tôi: Ở cái tỉnh Cần Thơ này, nhiều cán bộ bảo tôi chơi thân với Phú Khải, tôi bảo chúng nó… “thì hai thằng ngoài Đảng chơi với nhau là đương nhiên”! (Sáu Phan lúc đó đã bị khai trừ Đảng).
Vậy mà ngày Mùng hai Tết Quí Tỵ 2013 vừa qua, tôi đến chúc Tết… ông còn than với mọi người có mặt lúc đó tại nhà ông: Lúc tôi là Uỷ viên Bộ Chính trị, tôi bảo Phú Khải để tôi giới thiệu Phú Khải vào Đảng, tôi mà giới thiệu thì chi bộ nào nó chả kết nạp, vậy mà Phú Khải không nghe… Bây giờ vẫn là người ngoài Đảng (!).
Thế đó. Sáu Phan là bi hay hài… xin bạn đọc suy xét hộ tôi. Chuyện về Sáu Phan còn dài dòng lắm, nếu tôi là một tiểu thuyết gia, có thể có cả một cuốn truyện bi hài về ông và … cả tôi nữa. Ví như cái thư ông gửi cho tôi năm 1995, được đạo diễn Trần Cương ở Đài Truyền hình VN tự tiện bóc ra, rồi đem đọc cho mọi người nghe, rồi anh ta rêu rao rằng: Ai đời một Uỷ viên BCT đương kim mà lại đi nhờ một thằng ngoài Đảng, ba lăng nhăng như thằng Phú Khải góp ý “nhiều mặt khác cho Đảng”! Cái Đảng này nó đến ngày mạt rồi. Đi rêu rao chán, rồi anh mới đem lá thư đã bóc trả cho tôi. Tôi bảo anh: Theo luật thư từ, nếu tôi kiện, anh phải 6 tháng tù giam! Trần Cương lại nhe răng cười! Trong làng báo ở Sài Gòn ai cũng biết Trần Cương là anh chàng suốt đời bông phèng như thế, dù anh được đào tạo căn cơ ở Liên Xô về báo chí, nói Tiếng Nga như gió. Anh hơn tôi 2 tuổi.
Cái thư Sáu Phan gửi cho tôi từ Hà Nội, dấu bưu điện trên bao bì thư đề ngày 15.4.1995-10000A, nguyên văn như sau:
“Được anh gửi cho bài nói về 20 năm Đồng bằng Sông Cửu long, tôi xem thấy hay, chụp gửi cho các anh lãnh đạo và Tiểu ban chuần bị văn kiện đai hội 8.
Rất cần được anh góp ý nhiều mặt khác cho Đảng.
Chúc anh, gia đình, bạn bè khỏe mạnh. Thân mến”
Cái bài nói về “20 năm Đồng bằng Sông Cửu long” như Sáu Phan nhắc đến nó trong thư, tôi đã đưa Báo SGGP đăng dịp 30.4.1995 trong hai số báo ngày 18.4.1995 và 19.4.1995.
Cũng như quan hệ với ông Sáu Kiệt, tôi đi lại với Sáu Phan là nhằm tìm hiểu những vấn đề của ĐBSCL mà 2 ông đều là những cuốn từ điển sống về vùng quê sông nước này.
Với đại đa số nhân dân và những người ngoài Đảng như tôi thì những đấu đá quyền lực nội bộ trong Đảng, người ta ít quan tâm. Vấn đề tôi quan tâm là những người lãnh đạo của đảng cầm quyền khi ở vị trí cao nhất, họ có quan điểm thế nào? Sẽ dẫn dắt đất nước đi về đâu? Nhân dân sẽ được lợi gì trong những chính sách họ ban hành ra?…
Xét từ tiêu chí đó thì việc đánh giá cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Hà Phan còn bỏ ngỏ… Vì ông chưa được “làm việc” như ông đã nói với tôi. Còn những người đã được đảng cầm quyền giao việc, giao nhiệm vụ thì nhân dân đã rõ (!).
Mời đọc: Lời Ai Điếu – Hồi ký Lê Phú Khải
"https://baotiengdan.com/2019/08/03/nguyen-ha-phan-bi-hay-hai/
.
---
BỔ SUNG
1.
Ông Nguyễn Hà Phan mất ngày 1-8-2019. Trên mạng truyền đi "Lời Dặn Dò" này của ông. Không rõ thực hư thế nào (dù nét chữ rất giống). Ông Phan là Phó chủ tịch Quốc hội khóa IX, Bí thư TW đảng, Trưởng ban Kinh tế TW khóa VII. Tuy nhiên, sáng 17-4-1996, ông đã bị Trung ương khai trừ; cách hết các chức vụ trong đảng và tháng 10-1996, Quốc hội khóa IX đã bãi miễn cả chức vụ Phó chủ tịch và chức danh đại biểu của ông.
Ông Phan hẳn phải biết, trong hệ thống chính trị mà ông từng là ủy viên "thường trực" này, một khi đã bị "khai trừ" thì sẽ bị ngay chính hệ thống ấy đối xử không bằng thường dân. Làm gì có tổ chức nào tham gia ban lễ tang và báo, đài nào đưa tin nữa.
PS: Ông Nguyễn Hà Phan bị bãi miễn vào ngày 24-10-1996, nhằm vào ngày thứ Năm, trong khi báo Tuổi Trẻ lúc đó chỉ ra Ba - Năm - Bảy, nghĩa là vào sáng hôm sau Thanh Niên và các tờ nhật báo đã đưa. Lê Thọ Bình (Lê Đức Sảo) đã có bài phỏng vấn Phó chủ tịch Phùng Văn Tửu nói chi tiết "vụ án Nguyễn Hà Phan" nhưng báo chí chỉ được phép đưa một dòng theo thông cáo của QH.
Tuổi Trẻ không thể không đưa tin nhưng một tờ như Tuổi Trẻ lại không thể lặp lại tin các báo.
Trước đó, không ai để ý, trên đoàn chủ tịch Quốc hội có một chiếc ghế trống nhưng tới hôm sau bãi miễn ông Phan thì chiếc ghế này không còn. Tôi lẳng lặng quan sát và vào ngày thứ Bảy, 26-10-1996, tôi mở đầu bản tin trên Tuổi Trẻ, "Hôm qua, một chiếc ghế trên đoàn chủ tịch QH đã được cất đi. Đó là chiếc ghế của Phó chủ tịch Nguyễn Hà Phan, được bỏ trống từ đầu kỳ họp cho tới ngày 24-10-1996, ngày ông bị Quốc hội bãi miễn..."
R.I.P. ông.
PS2: Vì có rất nhiều thông tin nhiễu, tôi xin bổ sung: Ông Nguyễn Hà Phan bị kỷ luật là do khai báo ra các cơ sở nhóm của ông cắm trong lòng VNCH dẫn đến họ bị thủ tiêu gần hết[nhưng khi ra tù thì ông báo cáo tổ chức là hết sức kiên trung]. Có bị tố cáo nhưng không tìm thấy tài liệu chứng minh ông là "CIA cài lại". Ông Phan được đưa vào BCT một phần nhờ ủng hộ những nhà lãnh đạo bảo thủ "chống chệch hướng", tức là chống lại các chính sách cải cách. Ông Nguyễn Văn Linh, ông Lê Phước Thọ (6 Hậu) là người chống lưng ông Phan chứ không không phải "phát hiện ra "thẹo" như các câu chuyện li kỳ trên FB.
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2243965542305281&set=a.305706452797876&type=3
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.