Bài mới trên Tia Sáng.
Bản dịch tiếng Việt của Thanh Xuân.
---
Kinh phí cho nghiên cứu cơ bản
11/08/2019 07:20 - Pierre Darriulat
Gần đây tôi thực sự phiền lòng khi đọc trên Thời báo Tài chính ngày 25/5 một đề xuất của Bộ Tài chính nhằm tiến tới cắt giảm nguồn kinh phí của Nhà nước dành cho các quỹ khoa học công nghệ quốc gia, gồm NAFOSTED và NATIF. Như thường lệ, những đề xuất kiểu như vậy được người ta nhân danh ngọn cờ thúc đẩy tự chủ hóa các quỹ này. Nếu đề xuất này được triển khai trong thực tế, nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam.
Giáo sư Pierre Darriulat.
Sự cần thiết hỗ trợ và phát triển nghiên cứu cơ bản nói chung, nhất là ở các nước đang phát triển, là điều hiển nhiên được minh chứng qua rất nhiều các căn cứ1. Phớt lờ sự cần thiết này sẽ làm tổn hại sâu sắc cho Việt Nam; trầm trọng thêm vấn nạn chảy máu chất xám; góp phần trì kéo đất nước trong môi trường của một nền kinh tế lao động giá rẻ và phụ thuộc đầu tư nước ngoài; gây trở ngại sự chuyển dịch sang nền kinh tế tri thức, điều kiện cần thiết để phát triển đất nước; khiến nền khoa học và công nghệ đất nước không thể thoát khỏi đẳng cấp thấp hiện nay để vươn lên tầm quốc tế, tước đoạt đi động lực khuyến khích và hỗ trợ cần thiết để cuối cùng nó có thể cất cánh.
Nguồn kinh phí cho nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều mức cần thiết để giúp phát triển đất nước. Mức chi tiêu cho R&D tính trên GDP của chúng ta đang là 0,21%, chỉ là một phần nhỏ so với con số 2,1% ở Trung Quốc. Các đồng nghiệp trẻ của tôi tại phòng Thiên văn học ở Trung tâm Vũ trụ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đang có thu nhập 200 tới 400 USD, kém gấp 20 lần so với thu nhập họ có thể có được nếu làm việc ở các nước phát triển. Chúng tôi không hề có kinh phí thường xuyên cho việc tham gia các khóa học và hội thảo quốc tế, hay để mời các đồng nghiệp nước ngoài đến làm việc ngắn ngày trong nước; gần đây chúng tôi cử một nhà nghiên cứu đến hỗ trợ và huấn luyện tại Đài Thiên văn James Maxwell Clerk trên đỉnh Maunakea ở Haiwaii, và cá nhân tôi phải bỏ tiền túi để giúp cậu ấy mua vé máy bay. Các nhà khoa học nhìn chung không có đầy đủ kinh phí để có thể vận hành và bảo dưỡng cho các thiết bị làm việc.
Sự thiếu tôn trọng như vậy đối với nghiên cứu cơ bản – nhìn rộng ra là đối với khoa học cùng các nghề nghiệp trí tuệ khác – gây ra những hậu quả tai hại sâu sắc cho đất nước. Nó ngăn cản lớp trẻ nhận ra tài sản chân chính của quốc gia nằm ở trí óc và trái tim của nhân dân, chứ không nằm trong két ngân hàng; ngăn cản họ hướng theo những giá trị tinh túy của khoa học: trí tò mò, sự nghiêm cẩn, lòng trắc ẩn, và tầm nhìn xa trông rộng; ngăn cản họ khát vọng khôi phục lại ở trong nước những giá trị của tri thức và đạo đức giúp nâng đỡ phẩm giá con người.
NAFOSTED (tôi không đủ am hiểu để có thể nói về NATIF) là một câu chuyện thành công của Việt Nam. Năm 2014, khi được mời dự lễ kỷ niệm năm năm Quỹ đi vào hoạt động, tôi đã viết:
“Nhận xét đầu tiên và chủ yếu mà tôi muốn đưa ra là sự tồn tại của NAFOSTED là một tài sản quan trọng, mang lại lợi ích to lớn cho nền khoa học cơ bản của đất nước. Nó giúp mang lại những thẩm định khách quan cho các đề xuất nghiên cứu. Theo từng bước, đây nên được coi là công cụ cơ bản để định hình chính sách khoa học quốc gia cho nghiên cứu cơ bản.” Ý kiến của tôi2 cũng nhấn mạnh một số điều cần được cải thiện, “trên tinh thần xây dựng và thiện chí vì sự tiến bộ và phát triển của Quỹ”.
Thú thực, tôi cảm thấy đáng buồn khi nhận ra, sau năm năm kể từ ngày ấy, chúng ta chưa làm được gì nhiều để “định hình chính sách khoa học quốc gia cho nghiên cứu cơ bản”. Cho phép tôi tóm tắt ngắn gọn những điều tôi đã từng nêu. Bắt đầu từ nhận xét rằng “khó khăn chủ yếu của nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam là thiếu một nền văn hóa khoa học mạnh mẽ và thiếu vắng một cộng đồng mạnh các nhà nghiên cứu cao cấp ở tầm quốc tế.” Hậu quả là sẽ khó để NAFOSTED có thể nhận được sự “tư vấn từ các nhà khoa học giàu năng lực. Cộng đồng khoa học quá nhỏ để có thể tuyển ra những nhà tư vấn như vậy. Và dù có chọn được người thì những tác nhân gây thiên lệch quá mạnh sẽ ngăn cản họ đưa ra những đánh giá khách quan. Khi đó, chỉ có một giải pháp duy nhất: kêu gọi các chuyên gia quốc tế.” Thật không may, như tôi thường chứng kiến, Việt Nam chưa sẵn sàng để có một bước đi như vậy. Hôm nay tôi vẫn xin lặp lại nguyên vẹn những lời được viết từ năm năm trước: “Hãy sử dụng những người tài từ nước ngoài tham gia trong các hội đồng khoa học để tư vấn cho chúng ta. Hãy tin tưởng rằng thế hệ trẻ Việt Nam có thể học hỏi để làm nghiên cứu tốt. Chúng ta đang thiếu niềm tin ở các tài năng trong nước trong nghiên cứu khoa học; nhưng đồng thời chúng ta lại tự tôn quá mức, cho rằng tự mình có thể phân bổ các nguồn lực một cách sáng suốt. Chúng ta nên làm hoàn toàn ngược lại: tin tưởng vào tài năng, sự chuyên nghiệp, nghiêm túc, cần cù của thế hệ trẻ; đồng thời nhận ra yếu điểm của mình trong việc xây dựng những chính sách thành công trong khoa học, trong việc quyết định mua sắm trang thiết bị, và lựa chọn các định hướng tối ưu trong nghiên cứu cơ bản.”
Vấn đề tiếp theo tôi đưa ra là trong bối cảnh thiếu chuyên gia đánh giá các kết quả khoa học, người ta thường dựa vào những công cụ mang tính máy móc để dễ tạo ra ấn tượng khách quan. “Nhưng, hiển nhiên là một chính sách khoa học sáng suốt không thể được đưa ra dựa vào máy móc. Hơn nữa, lạm dụng các công cụ như vậy làm gia tăng tệ quan liêu rất có hại. Điều lý tưởng chúng ta muốn hướng tới là một môi trường tin tưởng lẫn nhau trong cộng đồng khoa học, nơi không ai cần tự bảo vệ mình trước những gian dối, nơi các nhà khoa học đầu ngành không chỉ quan tâm tới thành công cá nhân mà còn cống hiến vì thành công của thế hệ trẻ mà họ có trách nhiệm đào tạo. Mục tiêu của chúng ta nên hướng đến một môi trường như vậy và đạt tới càng sớm càng tốt; mọi nỗ lực nên đi theo định hướng này.”
Với tài trợ của NAFOSTED, nhiều nhà nghiên cứu trẻ ở nước ngoài đã trở về Việt Nam làm việc. Ảnh: TS. Trần Đình Phong (trường Đại học KH&CN Hà Nội) – giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018, trao đổi với GS. TS Châu Văn Minh (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) về sản phẩm lá nhân tạo của mình. Nguồn: USTH
Tôi cũng trình bày về tầm quan trọng của việc toàn thể giới khoa học cùng chia sẻ và bày tỏ mối quan tâm về cách phân bổ các nguồn lực cho nghiên cứu cơ bản. Cần có sự minh bạch hơn, khoa học không thể có bí mật, và NAFOSTED nên tổ chức những phiên họp công khai của các hội đồng tuyển chọn, trong đó mỗi đề tài được dành đủ thời gian cho việc trình bày và bảo vệ trước công chúng, cử tọa có đủ cơ hội chất vấn và nhận xét. “Cách làm như vậy, như tôi đã viết, giúp tránh những sai lầm quan trọng gây lãng phí tiền bạc và nhân lực. Điều này nên được thực hiện không chỉ với NAFOSTED, mà kể cả trong việc đưa ra quyết định mua sắm các thiết bị khoa học quan trọng và tốn kém, như máy gia tốc hạt, kính viễn vọng, v.v.”
Với nhận định rằng một nhóm nghiên cứu không chỉ là sự tổng hợp kỹ năng từng cá nhân, mà là môi trường ươm tạo để những kỹ năng đó phát triển và thăng hoa trong sự tương tác với nhau, tôi cho rằng NAFOSTED nên có vai trò nuôi dưỡng sự hợp tác giữa các cá nhân và viện nghiên cứu.“Cần khuyến khích hình thành và củng cố các nhóm nghiên cứu. Trong quản lý các dự án, cần tăng quyền tự do cho các trưởng nhóm trong việc phân công nhiệm vụ giữa các thành viên trong nhóm, thay vì bắt họ phải kiểm tra đảm bảo từng thành viên làm đúng theo khung công việc được nêu khi đề xuất dự án. Nên thẩm định thành công của tập thể nhóm hơn là thẩm định thành công của các cá nhân.”
Cuối cùng, tôi chỉ ra một hậu quả lớn do thiếu vắng một nền văn hóa khoa học mạnh: “các nhà quản lý, những người gây ảnh hưởng định đoạt về hành chính tới các nhà khoa học, lại thường không hề có kinh nghiệm về nghiên cứu cơ bản, do đó dễ có những hiểu sai nghiêm trọng về ý nghĩa của nó. Ví dụ họ lấy chi phí làm thước đo giá trị của dự án, thay vì dựa trên tỉ lệ với kết quả khoa học đầu ra của dự án; họ ngộ nhận, cứ nghĩ rằng đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu trong nước là điều quan trọng hơn việc tận dụng những cơ sở sẵn có của quốc tế; không nhận thấy rằng đối với Việt Nam hiện nay, đầu tư cho con người quan trọng hơn đầu tư vào trang thiết bị; không thấy hết tầm quan trọng của việc hỗ trợ nhà khoa học trẻ và nghiên cứu sinh tham dự các khóa đào tạo và hội thảo quốc tế; không thấy hết những nỗ lực, những khó khăn và sự nghiêm túc cần thiết để đưa ra các công bố khoa học, nhất là khi bản thân người làm quản lý chưa bao giờ tự mình đưa ra được công bố khoa học; đánh giá sai về thời gian cần thiết để có thể xây dựng một nhóm nghiên cứu; nghĩ rằng để đào tạo một nhà khoa học thì chỉ cần gửi ra nước ngoài để lấy một tấm bằng thạc sỹ hay PhD mà không hiểu rằng cần tiếp tục đồng hành cùng những người đó khi họ trở về nước để không biến tiền của đầu tư cho việc đào tạo trở thành vô ích… Với bối cảnh như vậy, NAFOSTED đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy nghiên cứu cơ bản ở trong nước và tham mưu giúp các nhà quản lý có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về những vấn đề này.”
Đó là bởi vai trò của một quỹ khoa học không đơn giản chỉ là cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu. Mà thông qua việc tài trợ, nó còn giúp định hình diện mạo của cả một nền khoa học. “Quỹ cần có tầm nhìn rõ ràng về vị thế khoa học và hoạt động của các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau trên thế giới để có thể thúc đẩy những ngành sẽ có tầm quan trọng trong tương lai; Quỹ cần đánh giá đúng thành tựu khoa học của các nhà nghiên cứu để có thể xác định đâu là nhóm có khả năng phát triển thành công và hỗ trợ mạnh mẽ cho họ. Khi có được những tầm nhìn rõ ràng như vậy, Quỹ sẽ đặt ra được những mục tiêu cho mình và công bố công khai cho toàn thể giới khoa học.”
NAFOSTED cần được khuyến khích và hỗ trợ, thay vì bị cắt giảm ngân sách bởi những nhà quản lý tài chính mang nhận thức sai lệch về thúc đẩy tự chủ hóa trong khoa học. Nghiên cứu cơ bản chỉ chiếm phần nhỏ không đáng kể trong ngân sách quốc gia. Để tiết kiệm tiền bạc một cách hiệu quả, tốt hơn là chúng ta nên nhắm tới những vấn đề khiến ngân sách bị sử dụng lãng phí trên quy mô lớn. Ví dụ như trước đây chúng ta triển khai các chương trình lớn, như chương trình điện hạt nhân, hay chương trình nghiên cứu vũ trụ, mà không hề thực sự giao quyền cho một người chịu trách nhiệm; hay đầu tư cho những trang thiết bị đắt tiền mà không sử dụng hợp lý, hoặc hầu như không có chi phí cho vận hành, bảo dưỡng; hay đơn giản là vấn đề chúng ta còn thiếu năng lượng và quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng. □
Thanh Xuân dịch
--------
1Ví dụ như được nêu trong báo cáo hội thảo về Khoa học Cơ bản và Xã hội tổ chức tại Quy Nhơn ngày 7-8 tháng 7, 2016, đăng trên Tia Sáng, 2 tháng 8 2016.
2 NAFOSTED, 10 năm hình thành và phát triển (2008-2017), Hà Nội, tháng 8 năm 2018
http://www.tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Kinh-phi-cho-nghien-cuu-co-ban-18535?fbclid=IwAR0JEqHOay3ys4XwgrFur6wWcYBGpDWac7rRW6FK0f4g5iZKuHx7B2cyzck
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.