Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

05/07/2019

Hiếu học Đại Việt thời 2000s-2010s : những câu chuyện nhỏ mà không nhỏ

"Hiếu học" của Đại Việt đã được đề cập trở đi trở lại trên Giao Blog, ví dụ ở đây (quan điểm của Giao Blog), ở đây (quan điểm Trần Ngọc Thêm) và ở đây (quan điểm Cao Xuân Hạo), vân vân.

Bây giờ thì đi vào những câu chuyện thực tiễn nho nhỏ. Thật ra, toàn chuyện nhỏ nhưng mà không hề nhỏ.

Sưu tầm dần. Mở đầu là một ghi chép nhanh của học giả Mạc Văn Trang - ngôi nhà, con ngõ, những giá sách mà ông kể trong bài thì tôi đã nhiều lần trực tiếp thấy. Bài vừa được tác giả đưa lên Fb.


---




Nhà mình cứ 2 tuần nhờ chị quét, dọn, lau nhà 1 lần. Vừa rồi chị ái ngại, bảo:

- Ông nhiều sách thế này hẳn là Tiến sĩ hử? Làm cái nghề nghiên cứu vất vả mà ít tiền lắm ông ạ. Thằng con rể nhà cháu nó học bao nhiêu năm giời mới lên được cái Thạc sĩ, rồi về Viện Hàn lâm mà lương được có 3 triệu rưỡi. Mấy năm, giờ lên 4 triệu rưỡi. Mà tối nào về cũng cặm cụi đọc sách, kỳ cạch đánh máy đến khuya. Vợ nó chạy ngoài, tháng lại kiếm hơn chục triệu nuôi thằng chồng với đứa con. Vừa rồi nó về bảo phải lo 400 triệu để làm Luận án Tiến sĩ rồi mới có tương lại. Ôi giờ ôi, nhà cháu nghe mà rụng rời chân tay! Giết ai bây giờ mà có 400 triệu!



- Thế hóa ra thu nhập của chị lại gấp mấy lần Thạc sĩ?

- Vâng, ngày cháu lau mấy cái nhà, to nhỏ đổ đồng cũng được 700 nghìn. Một tháng, cứ vo tròn là 20 triệu. Nhưng bây giờ phải trông cháu cho vợ chồng nó, nên chỉ đi làm thứ 7, chủ nhật mà cũng được hơn 5 triệu, còn hơn lương cái thằng con rể cháu Thạc sĩ làm ở Viện Hàn lâm...

- Thế có quyết tâm lo 400 triệu cho con rể làm Tiến sĩ không?

- Ôi dào, cháu bảo, vứt đi, vứt cái Tiến sĩ với cái Viện Hàn lâm đi. Tiến sĩ không nuôi nổi miệng mình thì Tiến sĩ làm gì! Có 400 triệu thì thiếu gì việc để làm ra tiền, nuôi vợ nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ già... Ôi dào, cháu đàn bà cạn nghĩ, cứ nói thế, còn tùy vợ chồng nhà nó. Nhưng mà cháu nói thật, Tiến sĩ chết đói thì Tiến sĩ làm gì!

- !?

(Ảnh chỉ có tính minh họa)

05/7/2019
MVT

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=729909437469659&set=a.359645271162746&type=3&theater
.


---

BỔ SUNG


1.

07/07/2019 10:18 GMT+7

TTO - UBND TP.HCM vừa chính thức ban hành quyết định về chính sách thu hút phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt với lĩnh vực TP có nhu cầu giai đoạn 2019-2022

TP.HCM công bố thưởng tối đa 1 tỉ đồng cho người có tài năng đặc biệt - Ảnh 1.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các đại biểu tham dự hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo” - Ảnh: TỰ TRUNG
Quyết định này do Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm ký, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7.
Lương cao, được hỗ trợ nhà ở
Theo quyết định này, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt được được hưởng mức trợ cấp ban đầu (chỉ áp dụng một lần và áp dụng cho lần ký hợp đồng đầu tiên) là 100 triệu đồng. Số tiền này nhằm khuyến khích và tạo điều kiện giúp ổn định công tác.
Người có tài năng đặc biệt được hưởng mức hỗ trợ sinh hoạt phí theo năng lực, thành tích cá nhân đã đạt được là 30-50 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này đã gồm tiền lương, các khoản phụ cấp kèm theo lương nếu có mà người có tài năng đặc biệt được hưởng theo quy định pháp luật.
Riêng chuyên gia, nhà khoa học sẽ được chi trả mức lương hằng tháng với số tiền bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số bảng lương chuyên gia cao cấp. Giáo sư, phó giáo sư hưởng bậc 2 (hệ số 9,40), các trường hợp còn lại được hưởng bậc 1 (hệ số 8,80).
Tiền lương hằng tháng nêu trên đã bao gồm tiền công lao động, chi phí phương tiện đi lại làm việc, tiền công làm thêm giờ, ngoài giờ… Trường hợp chuyên gia, nhà khoa học thực hiện tốt nghĩa vụ hợp đồng, có thành tích xuất sắc, có nhiều cống hiến, được tiếp tục ký hợp đồng cho giai đoạn tiếp theo thì được hưởng mức lương cao hơn một bậc so với hợp đồng lần đầu tiên.
Ngoài ra, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt còn được bố trí nhà công vụ. Nếu không bố trí được nhà công vụ thì được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở (không vượt quá 7 triệu đồng/người/tháng).
Cơ quan, đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm tạo điều kiện, bố trí phương tiện đi lại làm việc cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt trong khả năng, điều kiện của mỗi đơn vị.
Phụ cấp nghiên cứu khoa học 1 tỉ đồng/người/công trình
Ngoài ưu đãi về tiền lương, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt còn có phụ cấp khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ và phát triển công nghệ.
Mỗi một công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến đổi mới kỹ thuật, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật… từ cấp TP và tương đương trở lên được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản thì được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng ngân sách TP chi trả cho công trình đó. Tổng mức khuyến khích không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình.
Trường hợp tổng ngân sách TP đầu tư cho công trình vượt quá 100 tỉ đồng thì mức khuyến khích tối đa là 1 tỉ đồng/người/công trình.
Nếu có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt cùng tham gia một công trình thì tổng số tiền phụ cấp cho cả nhóm tối đa 1,5 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ vào mức độ đóng góp, tầm cỡ thành tích, giải thưởng đạt được trong thời gian công tác theo hợp đồng thu hút đã ký kết với TP.HCM, người có tài năng đặc biệt sẽ được hưởng mức khuyến khích tương xứng với công trạng cá nhân tối đa 1 tỉ đồng/người.
Hội đồng thu hút tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt có trách nhiệm đề xuất mức phụ cấp khuyến khích cụ thể cho từng trường hợp để UBND TP xem xét, quyết định.
Thế nào là chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt?
+ Căn cứ quyết định của UBND TP, chuyên gia, nhà khoa học là người có trình độ và chuyên ngành đào tạo phù hợp với hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật Việt Nam; có kinh nghiệm thực tiễn và thành tích nghiên cứu khoa học, có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín thế giới; có công trình nghiên cứu xuất sắc được ứng dụng…..
+ Người có tài năng đặc biệt là người có đủ năng lực, sức khỏe và tinh thần phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp, có đạo đức và khát vọng cống hiến, có tri thức và năng lực đặc biệt xuất sắc trong một hoặc một số ngành, lĩnh vực, có khả năng lao động sáng tạo rất cao, đạt nhiều thành tích, hoàn thành nhiệm vụ với mức độ vượt trội mà rất ít người có thể làm được…
Tiêu chuẩn tham gia
Chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt phải có lý lịch rõ ràng. Nếu có quốc tịch nước ngoài thì phải không thuộc diện cấm hoặc hạn chế nhập cảnh
Người có tài năng đặc biệt phải là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Tùy theo vị trí cụ thể và yêu cầu của từng lĩnh vực, UBND TP.HCM sẽ thành lập các hội đồng thu hút, tuyển chọn. Quy trình tuyển chọn phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu thời gian chờ đợi của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt cũng như cơ quan, đơn vị có nhu cầu thu hút.


https://tuoitre.vn/tp-hcm-cong-bo-thuong-toi-da-1-ti-dong-cho-nguoi-co-tai-nang-dac-biet-20190706173446414.htm?fbclid=IwAR1rgTQFtyNK5BP8j9q0tsHWcTE24kdTCHwD5vwrbv67ZaSnrqd5W0I8LSc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.