Cập nhật tin từ các nơi.
---
2.
(GDVN) - Liệu có chuyện lãnh đạo Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh không biết một Trưởng khoa trong trường mỗi năm hướng dẫn đến 40 học viên cao học?
Những sai phạm trong tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã khiến báo chí tặng cho Học viện này danh hiệu “Lò ấp tiến sĩ”.
Nhân vật điển hình là giáo sư tiến sĩ Võ Khánh Vinh, ông Vinh hướng dẫn cùng lúc 44 học viên cao học các ngành Luật, Chính sách công, Công tác xã hội và 12 nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Những sai phạm trong đợt xét công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2018 đã bị báo chí phanh phui và 41 người đã bị đưa ra khỏi danh sách vì không đủ chuẩn.
Cứ nghĩ những chuyện đó đã trở thành dĩ vãng nhưng không ngờ, vẫn còn đó những “lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ” đang công khai tồn tại nhưng cơ quan chức năng hoặc là làm ngơ, hoặc là không biết!
Theo quy định tại mục b, khoản 1, điều 27 Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT thì người có học vị tiến sĩ (từ đủ 1 năm trở lên) “được hướng dẫn tối đa 3 học viên trong cùng thời gian, kể cả học viên của cơ sở đào tạo khác”.
Điều này cũng được quy định lại trong Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vậy điều gì đang xảy ra với việc đào tạo thạc sĩ tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh?
Ngày 15/07/2019, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh công bố “Danh sách ứng viên đã nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019 tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh”, danh sách gồm 8 người. (Hình 1) [1]
Hình 1 - Ảnh chụp màn hình danh sách ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh |
Người thứ 6 trong danh sách là Tiến sĩ Đinh Công Khải, vị tiến sĩ này như khai báo tại trang 1 Bản đăng ký xét công nhận tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư hiện là giảng viên, chưa phải giảng viên chính. Mục kê khai “Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học” của vị tiến sĩ này ghi: [2]
“Đã hướng dẫn (số lượng) 240 học viên cao học bảo vệ thành công luận án thạc sĩ trong 6 năm cuối từ 2013-2019”. (Hình 2)
Hình 2 - Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học” của Tiến sĩ Đinh Công Khải |
Trong 6 năm từ 2013 đến 2016 Tiến sĩ Đinh Công Khải hướng dẫn 240 học viên cao học, bình quân một năm là 40 người.
Theo quy định tại khoản 3 điều 3 “Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ” ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ kéo dài từ một đến hai năm học. Cụ thể:
“a) Tối thiểu 1 năm học đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên;
b) Từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với những ngành, chuyên ngành không thuộc quy định tại Điểm a, Khoản này.
c) Căn cứ vào quy định về chương trình đào tạo tại Khoản 3, Điều 20 Quy chế này, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể thời gian đào tạo, việc kéo dài thời gian đào tạo phù hợp với từng ngành, chuyên ngành đào tạo.
Thời gian đào tạo kéo dài không được quá hai năm so với thời gian quy định tại Điểm a, b Khoản này”.
Quy định cho thấy chỉ có thể “kéo dài thời gian đào tạo” chứ không được rút ngắn thời gian đào tạo.
Khối ngành Kinh tế, Sư phạm,… thời gian đào tạo trình độ đại học thông thường là 4 năm, như vậy thời gian đào tạo thạc sĩ bắt buộc phải phải từ một năm rưỡi đến hai năm.
Cứ cho rằng tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian đào tạo thạc sĩ là 1,5 năm thì thời gian 06 năm đủ cho bốn khóa đào tạo thạc sĩ.
Điều này có nghĩa là một tiến sĩ trong 06 năm chỉ được phép hướng dẫn tối đa 4x3=12 học viên cao học.
Có thể thấy có tới 228 người được Tiến sĩ Đinh Công Khải hướng dẫn “chui”.
Tính cụ thể thì vị tiến sĩ này đã hướng dẫn số học viên cao học nhiều gấp gần 20 lần so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Người tiếp theo là Tiến sĩ Lê Nhật Hạnh, vị nữ tiến sĩ này được công nhận học vị tiến sĩ tháng 5/2013 tại Đại học trung ương quốc gia - Đài Loan.
Bằng cấp và… bằng lòng! |
Theo quy định phải sau 01 năm, nghĩa là sau tháng 5/2014, Tiến sĩ Hạnh mới được hướng dẫn học viên cao học.
Từ tháng 5/2014 đến thời điểm đăng ký xét công nhận tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư (tháng 7/2019) là khoảng 05 năm, vị tiến sĩ này đã kịp hướng dẫn 35 học viên cao học bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, ngoài ra còn hướng dẫn chính một nghiên cứu sinh và hướng dẫn phụ hai nghiên cứu sinh khác.
Với cách tính toán như đã nêu trên, trong khoảng thời gian 5 năm (2014- 2019) Tiến sĩ Lê Nhật Hạnh chỉ được phép hướng dẫn tối đa 9 học viên cao học (ba khóa, mỗi khóa 1,5 – 2 năm), thực tế Tiến sĩ Hạnh đã hướng dẫn gấp gần 4 lần quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều đáng nói là ngay năm 2014 vị tiến sĩ này đã hướng dẫn 8 học viên cao học và 06 người trong số đó được cấp bằng thạc sĩ vào năm 2015?
Đặc biệt có hai trường hợp bắt đầu hướng dẫn vào năm 2018 và học viên được cấp bằng thạc sĩ cũng trong năm 2018 (học viên Lê Thị Trà My và Nguyễn Bảo Phúc).
Cần phải thấy rằng theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT, nếu bắt đầu hướng dẫn từ tháng 5/2014 thì ít nhất phải đến cuối năm 2016 (1,5 năm) lứa học viên cao học đầu tiên tiến sĩ Hạnh hướng dẫn mới bảo vệ luận án!
Hình 3: Số giờ hướng dẫn luận văn thạc sĩ của tiến sĩ Lê Nhật Hạnh |
Trong bản kê khai, phải đến năm 2015 tiến sĩ Hạnh mới bắt đầu hướng dẫn luận văn thạc sĩ (609 giờ), năm 2016 là 974 giờ,… (Hình 3), điều này có gì mâu thuẫn với phần khai tiến sĩ Hạnh đã “hướng dẫn chính” học viên cao học ngay từ năm 2014 (Hình 4)
Nếu năm 2015 mới chính thức hướng dẫn luận văn thạc sĩ thì nhờ đâu mà ngay trong năm 2015 hàng loạt học viên đã bảo vệ thành công luận văn và được cấp bằng thạc sĩ?
Hình 4: Năm 2014, tiến sĩ Hạnh ghi đã hướng dẫn chính nhiều học viên cao học |
Trong bản kê khai tiến sĩ Lê Nhật Hạnh ghi:
“Về phẩm chất đạo đức, tôi luôn tốt đường lối chủ trương, chính sách của đảng và pháp luật của Nhà nước…”. [3]
“Chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước” thế nào khi tiến sĩ Lê Nhật Hạnh đã “hướng dẫn chui” nhiều học viên cao học bất chấp quy định trong Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT - tức là văn bản quy phạm pháp luật - mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành?
Có hai vấn đề cần xem xét:
Thứ nhất, những người làm trái quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn học viên thạc sĩ, dù có rất nhiều thành tích khoa học song có đủ phẩm chất, tư cách để xem xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư?
Liệu những người ấy có đủ trung thực trước dư luận, trước học trò khi bản thân họ nói một đàng, làm một nẻo?
Thứ hai, phải chăng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một chiếc “lò ấp thạc sĩ” không khác gì “lò ấp tiến sĩ” tại Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam?
Lãnh đạo Đại học này có coi Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo là văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc phải tuân thủ?
Liệu có chuyện lãnh đạo Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh không biết một Trưởng khoa trong trường mỗi năm hướng dẫn đến 40 học viên cao học?
Và liệu tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có còn những trường hợp khác mà “thành tích” hướng dẫn học viên cao học cũng không kém gì hai trường hợp nêu trên?
Tiến sĩ dỏm và niềm tin bị nợ |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có cần chỉ đạo Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc xem xét một cách nghiêm túc tình trạng “ấp nở” thạc sĩ tràn lan tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh?
Cũng cần phải dẫn thêm thông tin mà báo Tuoitre.vn đề cập:
“Chúng tôi tiếp cận tiến sĩ S. - giảng viên làm việc trong lĩnh vực đào tạo sau đại học một trường đại học công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh, người chuyên "cung" cho những học viên có nhu cầu mua luận văn tốt nghiệp”.
Giá mỗi luận văn, như điều tra của Tuoitre.vn là 15 triệu đồng. [4]
Đã từng có tiền lệ một phó giáo sư tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được báo Infonet.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông cho là “ngồi nhầm chỗ”, vậy nên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước có cần đưa ý kiến công luận vào các phiên họp của mình, tránh tình trạng sau khi xem xét lại “lọt sàng” vài chục vị như năm 2018?
Tài liệu tham khảo:
[1] //ueh.edu.vn/news.aspx?id=13636&tl=danh-sach-ung-vien-da-nop-ho-so-xet-cong-nhan-dat-tieu-chuan-chuc-danh-giao-su-pho-giao-su-nam-2019-tai-truong-dai-hoc-kinh-te-tp-ho-chi-minh
[2]//ueh.edu.vn/images/upload/editer/05.BAN%20DANG%20KY%20-%20XETPGS%20-%20DINH%20CONG%20KHAI.pdf
[3]//ueh.edu.vn/images/upload/editer/04.BAN%20DANG%20KY%20-%20XETPGS%20-%20LE%20NHAT%20HANH.pdf
[4]//tuoitre.vn/chi-15-trieu-dong-co-ngay-luan-van-thac-si-20190729091457145.htm?fbclid=IwAR1iPcXjrukZHG2kG57bBMQiPwSQ7WKTTMJicUdElQYRnUJHQ_zxUDWQWnE
1.
Chi 15 triệu đồng có ngay luận văn thạc sĩ
29/07/2019 09:18 GMT+7
TTO - Có bằng thạc sĩ được tăng lương, mới được đưa vào diện quy hoạch, đi dạy… Thế là người người đi học thạc sĩ. Và vô số dịch vụ ăn theo cũng nở rộ, nhất là viết thuê luận văn thạc sĩ.
Chỉ cần chi 15 triệu đồng, học viên cao học có ngay luận văn thạc sĩ mà không phải tốn chút công sức nào. Không ít người tham gia giảng dạy cũng chính là người "hỗ trợ" làm luận văn cho học viên từ A đến Z.
Từ các luận văn đơn lẻ...
"Nhận làm luận văn, đồ án, báo cáo, tiểu luận chuyên đề tất cả các ngành, đủ mọi trình độ"; "Chúng tôi sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ làm đồ án, báo cáo thực tập, tiểu luận, chuyên đề... cho tất cả các bạn thuộc tất cả các ngành, bao gồm cả luận văn thạc sĩ"... Đây là một số lời rao trên mạng của các dịch vụ làm luận văn thuê.
Chúng tôi liên lạc với một người tên Tùng của dịch vụ làm luận văn thuê. Khi biết chúng tôi muốn làm luận văn trọn gói ngành quản trị kinh doanh của một trường ĐH nhưng chưa có đề cương, đề tài, Tùng khẳng định làm được.
Tùng tư vấn: "Tôi sẽ tư vấn gợi ý đề tài cho bạn. Nếu dạng mô hình định tính chi phí khoảng 10 triệu đồng/đề tài. Nếu định lượng thì 12-15 triệu đồng/đề tài vì định lượng phức tạp, dùng phần mềm kinh tế lượng chạy mô hình nhưng chắc trường không yêu cầu".
Tùng cho biết phải chuyển tiền từng phần. Lần một 2 triệu đồng khi xong đề cương, sau đó chuyển theo từng chương. Chúng tôi lo ngại luận văn bị trường phát hiện sao chép, Tùng trấn an ngay: "Phần mềm chống đạo văn đâu cũng có, tôi cũng có và có cả tài khoản của giảng viên để kiểm tra, chắc chắn luận văn của bạn sẽ không trùng lặp".
Từ manh mối quen, chúng tôi tiếp cận tiến sĩ S. - giảng viên làm việc trong lĩnh vực đào tạo sau ĐH một trường ĐH công lập tại TP.HCM, người chuyên "cung" cho những học viên có nhu cầu mua luận văn tốt nghiệp.
"Tôi thường không gặp trực tiếp học viên, mọi thứ được trao đổi qua email, đó là nguyên tắc. Vì có người quen giới thiệu nên tôi mới gặp thôi" - tiến sĩ S. nói khi gặp chúng tôi.
Tiến sĩ S. cho biết ngay lý do làm công việc này vì quá nhiều học viên có nhu cầu. "Nhu cầu bây giờ quá nhiều, các trường ĐH đa ngành đều đào tạo thạc sĩ, trong đó tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh là hai ngành rộ nhất.
Nhiều người cho biết ở một số ngân hàng, muốn được đưa vào quy hoạch phải có bằng thạc sĩ. Thế nên họ đi học thạc sĩ nhưng thời gian họ không nhiều nên phải nhờ làm luận văn.
Ban đầu tôi được giới thiệu lác đác, nhưng về sau làm nhiều được các học viên truyền tai nhiều nên tôi nhận làm, có tháng 2-3 luận văn, chi phí làm mỗi luận văn từ 10-15 triệu đồng cho khoảng 80 trang.
Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ. Mới đây tôi làm luận văn thạc sĩ cho giám đốc một doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM với giá 40 triệu đồng. Cao điểm làm luận văn là tháng 9" - ông S. tự giới thiệu.
Chúng tôi băn khoăn việc học viên làm luận văn thạc sĩ nhiều tháng trời chưa xong trong khi một tháng ông S. có thể làm đến ba cái, ông S. cho biết việc làm luận văn khá đơn giản.
"Luận văn tốt nghiệp được xếp đầy trong bộ nhớ của máy tính, học viên liên hệ lúc nào cũng có "hàng", ai liên hệ thì báo giá luôn. Thường học viên có đề tài rồi giá sẽ cao hơn vì phải làm và sửa theo ý học viên.
Nếu học viên "khoán trắng" từ đề tài đến phản biện, đến sửa luận văn theo hướng dẫn của giảng viên thì tôi gợi ý, vì bản thảo có rồi, chỉ chỉnh sửa số liệu nên giá mềm hơn" - ông S. nói thêm.
Đến "hỗ trợ" hàng loạt
Chúng tôi được ông S. giới thiệu ông N., một "đầu nậu" chuyên cung cấp luận văn cho học viên của một số ĐH. Trong vai là hai học viên cần làm luận văn thạc sĩ của một trường ĐH dân lập và một trường ĐH chuyên ngành, chúng tôi liên lạc với ông N.
Sau khi nắm thông tin chung, ông N. hẹn đến văn phòng làm việc của mình ở đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận (TP.HCM) và chốt: "Bạn đã đến giai đoạn luận văn ra trường ngành tài chính ngân hàng của ĐH dân lập. Quá đơn giản!".
Theo địa chỉ do ông N. cung cấp, chúng tôi tìm đến Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Phú Nhuận. Chúng tôi hỏi tìm ông N. thì được bảo vệ chỉ vào dãy nhà cuối cùng. Đó là văn phòng của Viện Nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh. Phía trước là một bảng thông báo tuyển sinh thạc sĩ 2019 hàng loạt ngành khác nhau.
Chúng tôi được mời vào thẳng phòng làm việc riêng của ông N.. Trên bàn khách, hàng chục luận văn thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh của học viên ĐH Văn Hiến xếp ngay ngắn, đa số học viên khóa 2017, một số khóa 2016.
Nghe chúng tôi nhờ giúp đỡ luận văn bảo vệ ở ĐH dân lập, một luận văn chưa đạt ở ĐH chuyên ngành, ông N. "khuyên": "Chọn ĐH chuyên ngành làm chi, tôi không quen bên đó nên không nhận nhưng sẽ nhờ người khác. Còn ĐH dân lập thì quá đơn giản vì ở đây tuyển sinh thạc sĩ cho Văn Lang".
Nói xong, ông N. truy hỏi chúng tôi đã được ai giới thiệu đến vì "phải giữ bí mật cho người làm cho mình" - ông N. giải thích. Sau khi trao đổi, ông N. yêu cầu trường hợp Trường ĐH Văn Lang cần phải chụp quyết định giao đề tài.
"Tôi là người tiếp nhận hồ sơ, phải cho thấy quyết định giao đề tài, xem có hỗ trợ được gì không mới giúp. Bên Trường ĐH Kinh tế ngại đụng vào vì đẳng cấp cao quá" - ông N. cho biết.
Khi hỏi về giá mỗi luận văn, như trường hợp ĐH Văn Lang, ông N. thông tin giá 5-10 triệu đồng, có khi đôi ba triệu. Chúng tôi hỏi chồng luận văn thạc sĩ của học viên ĐH Văn Hiến này thế nào, ông N. nói chỉ hỗ trợ các bạn chỉnh sửa, in ấn!
Trả lại luận văn sao chép
Chúng tôi đã cung cấp thông tin các luận văn thạc sĩ của học viên đang được "in ấn" tại Viện Nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh cho Trường ĐH Văn Hiến nhờ xác minh.
Theo trường ĐH này, tên những học viên trên các luận văn do chúng tôi cung cấp đúng là học viên cao học của trường. Một nguồn tin từ trường cho biết nhiều người trong số này là cán bộ nhà nước, đang làm việc tại các ĐH khác.
Ông Lê Sĩ Hải - giám đốc điều hành phụ trách sau ĐH Trường ĐH Văn Hiến - cho biết trường có hợp đồng với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Phú Nhuận đặt các lớp bồi dưỡng sau ĐH và ông N. là người đứng sau tổ chức tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ của trường tại đây. Những học viên do ông N. tuyển được học một số chuyên đề tại Viện Nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh, những học viên do trường tuyển học hoàn toàn tại trường.
Cách đây vài tháng trường đã phát hiện học viên của trường có nhờ ông N. hỗ trợ thực hiện luận văn thạc sĩ. Trường đã thành lập hội đồng chuyên môn gồm những giảng viên khoa kinh tế tiến hành rà soát toàn bộ luận văn. Chỉ có 1, 2 luận văn đạt yêu cầu được phép bảo vệ, số còn lại bị trả, yêu cầu làm lại hoặc chỉnh sửa. Trong số này có nhiều luận văn giống nhau, một số tên đề tài khác nhau nhưng một phần nội dung lại giống nhau.
Cũng theo ông Hải, những luận văn phát hiện giống nhau đều của học viên học tại Viện Nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh. Việc tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ là trái quy định và trường đã ngưng toàn bộ việc này.
Học viên chưa tốt nghiệp đã được đưa về trường chờ làm và bảo vệ luận văn. Một số học viên phản ứng việc luận văn bị trả lại, trường đã mời ông N., học viên và trường cùng làm việc ba bên nhưng ông N. không tới.
"Trước đây ông N. có tuyển sinh cho trường nhưng sau phát hiện vừa qua, trường đã ngưng mọi hợp tác với ông N.. Trước đây việc quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến những hệ quả như hôm nay. Những cán bộ viện sau ĐH của trường làm sai quy định và đã bị xử lý.
Để đảm bảo chất lượng, trước khi học viên bảo vệ, toàn bộ luận văn được hội đồng khoa học rà soát kỹ về chất lượng, có trùng lặp, sao chép hay không. Cái nào đạt mới được bảo vệ" - ông Hải nói thêm.
Chỉ cần thay tên sẽ có luận văn mới
Giải thích thêm về "kho hàng" để có thể "sản xuất" nhanh luận văn, ông S. lấy ví dụ luận văn "Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ ATM của ngân hàng A chi nhánh Vĩnh Long". Đụng đến đề tài này ở bất kỳ đâu, chỉ cần thay đổi tên ngân hàng, chi nhánh, thay đổi dữ liệu từng ngân hàng cho phù hợp. Sườn chung về những khái niệm không thay đổi.
"Đa số học viên đi mua luận văn thì việc đọc luận văn là điều xa xỉ nên chuyện sửa theo góp ý giảng viên hướng dẫn, tôi làm luôn, học viên chưa bao giờ phàn nàn, thích là đằng khác" - ông S. nói.
"Chết" vì tự chọn đề tài?!
"Trường hợp anh quá khó, tôi tư vấn anh đổi đề tài đi. Cái chết của anh là tự nghĩ ra đề tài, nếu được tư vấn từ đầu thì anh đã xong luận văn rồi. Anh đừng chọn mấy đề tài quản trị sản xuất, khó lắm. Làm về dịch vụ sẽ dễ hơn, số liệu khảo sát ít hơn. Thầy dạy rất hay nhưng bảo vệ đề tài rớt hai lần thì anh nên xem lại. Anh chỉ có hai cách: đổi đề tài, kiếm mấy đề tài quen thuộc hoặc đổi giáo viên hướng dẫn" - ông N. tư vấn.
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.