Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

15/06/2019

Những dòng họ hiếu học và khoa bảng ở Thăng Long : 550 năm ngày đăng khoa của Nguyễn Như Uyên (1469 - 2019)

Đó là làng Cót ở Hà Nội. Là một trong 4 làng của bộ "tứ danh hương" (bốn làng nổi tiếng), thật ra, là ở rìa cận kinh thành Thăng Long xưa. Làng Cót nằm bên dòng sông Tô Lịch.

Tên chữ của làng CótHạ Yên Quyết. Tại sao gọi là "Cót" thì có nhiều thuyết khác nhau. Nhưng lí do "âm đọc na ná" thì xem ra thuyết phục hơn cả, ví như gần đấy là làng Mọc (tên chữ là Nhân Mục), hay làng Láng (tên chữ là Yên Lãng).

Làng Cót là quê hương của cụ Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (dòng họ Hoàng cũng sản sinh ra nữ toán học gia Hoàng Xuân Sính). Nay đã có một con đường trong làng mang tên Hoa Bằng.

Phía địa phương đang đề nghị thành phố Hà Nội cho đặt tên con đường làng chạy trước đình là "Nguyễn Như Uyên" để tưởng niệm nhà khoa bảng thời Lê Thánh Tông.

Mình du lãng ở khu vực các làng Mọc, làng Cót, làng Vòng, làng Láng,... từ hồi đầu thập niên 1990. Phương tiện lúc đó là xe đạp. Một dạo, mấy ông bạn, trong đó có ông chủ nhà Nhã Nam bây giờ, ra thuê nhà ở khu vực đó. Mà ở gần ngay khu vực đình làng, cũng gần chùa. Nên bắt đầu ghi chép bia đá với hoành phi câu đối ở khu vực đó từ cái hồi ấy.

Hôm qua, ngày 14/6, lúc ở sân của từ đường dòng họ Nguyễn Như Uyên, chúng tôi có bàn chuyện về tên các con đường mới: đường Nguyễn Văn Huyên, đường Trần Quốc Vượng, đường Đinh Gia Khánh. Trong lúc vui chuyện, một người học trò đề xuất "đường Nguyễn Đình Chú", thì cụ Nguyễn Đình Chú cười vui và gạt đi luôn. Cụ đã ở tuổi 90 nhưng tự mình đi xe đến từ đường dòng họ Nguyễn Như Uyên, rồi lại tự đạp về. Sức khỏe của cụ không khác nhiều so với hai năm trước, hồi làm việc chung mấy ngày ở xứ Nghệ (tháng 12 năm 2017, đọc nhanh ở đây). Thật khâm phục vị trưởng lão !

Ảnh của riêng Giao Blog (sẽ không thấy ở các thông tin dạng báo chí):



Đại khái có một ít thông tin báo chí như ở dưới.







---


1.




Sáng 14/6/2019, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Như Uyên (Hà Yên Quyết, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 550 năm ngày Đại đăng khoa Hoàng giáp, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên (1469-2019).
Nguyễn Như Uyên (1436-?) tên thụy là Chân Tính, người làng Hạ Yên Quyết (còn gọi là làng Cót), huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông là vị thủy tổ và cũng là người mở đầu cho truyền thống hiếu học, khoa bảng của dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết. Năm 33 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) tại khoa thi Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), dưới đời vua Lê Thánh Tông.
Dưới thời Lê Thánh Tông, giáo dục khoa cử Nho học được khuyến khích. Lê Thánh Tông chủ trương đào tạo nhân tài qua khoa cử, do đó việc giáo dục, rèn giũa sĩ tử ở Quốc Tử Giám rất được quan tâm. Nhiều bậc địa khoa văn chương uyên bác, đạo cao đức trọng từng được giao kiêm giữ chức tế tửu hay Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám bên cạnh các trọng chức đảm nhiệm ở Lục bộ hay Ngự sử đài, hàn lâm viện. Vừa gánh vác trọng trách ở Bộ lại với vai trò là Thượng thư, Chưởng Lục bộ, Nguyễn Như Uyên lại được vua Lê Thánh Tông giao kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám.
Trong suốt 30 năm làm quan với triều đình nhà lê, Nguyễn Như Uyên đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng như: Thượng thư Bộ lại, Chưởng Lục bộ sự kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Nhập thị Kinh diên… Ông đã ba lần cùng nhà vua đi chinh phạt Ai Lao, Lão Qua và Bồn Man, lập nhiều chiến công và được ban thái ấp, tước vị, lập nên cơ nghiệp ở Hạ Yên Quyết. Khi về trí sĩ, triều đình phong cho ông làm Thái bảo, tước Liêm Quận công.
Trong mấy chục năm làm quan, hoạn lộ của Nguyễn Như Uyên khá hanh thông. Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách ở triều đình, trên nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, quân sự, giáo dục. Là một trọng thần đạo cao, đức trọng, Nguyễn Như Uyên đã có những cống hiến xuất sắc trong sự phát triển thịnh vượng của quốc gia Đại Việt. Đây là thời hoàng kim – đỉnh cao của sự thịnh trị dưới sự trị vì của vị minh quân – Hoàng đế Lê Thánh Tông.

Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã phục chế bản sao phần ghi về Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên trong cuốn “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” trao tặng cho dòng họ.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Trung Thanh – Chủ tịch Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Như Uyên đã chia sẻ niềm vinh dự, tự hào về vị thủy tổ Nguyễn Như Uyên, “là người khai khoa Tiến sĩ của dòng họ, lưu truyền được 15 đời khoa bảng nối nhau, sau ông còn 4 người nữa cũng đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều đình và có 30 người đỗ trung khoa làm quan từ chi phủ, chi huyện… qua các thời kỳ. Và đến bây giờ, hậu nhân của Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên nhiều người cũng đỗ đạt và làm việc phục vụ đất nước”.

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Qua những ghi chép của lịch sử, chúng ta có thể thấy Tiến sĩ, Quốc Tử Giám Tế tửu Nguyễn Như Uyên là người văn võ song toàn, học vấn uyên thâm. Lễ kỷ niệm 550 năm ngày Đại đăng khoa của ông là dịp để tôn vinh một tài năng, một nhân cách cao đẹp, có nhiều cống hiến cho quê hương đất nước, qua đó nêu tấm gương sáng, đề cao truyền thống hiếu học để con em chúng ta ngày nay học tập và noi theo”.
Hòa An

http://sovhtt.hanoi.gov.vn/le-ky-niem-550-nam-ngay-dai-dang-khoa-hoang-giap-te-tuu-quoc-tu-giam-nguyen-nhu-uyen/




2.

Lễ kỷ niệm 550 năm ngày Đại đăng khoa Hoàng Giáp, Tế tửu giám Nguyễn Như Uyên

11:27 14/06/2019

(THPL) - Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Lễ kỷ niệm 550 năm ngày Đại đăng khoa của Hoàng giáp, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên (1469 – 2019).


Nguyễn Như Uyên (1436 - ?) tên thụy là Chân Tính, người làng Hạ Yên Quyết (còn gọi là làng Cót), huyện Từ Liêm, nay là thuộc phường Yên Hòa, quận cầu Giấy, Hà Nội. Ông là vị thủy tổ và cũng là người mở đầu cho truyền thống hiếu học, khoa bảng của dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết. Năm 33 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) tại khoa thi Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), dưới đời vua Lê Thánh Tông. Trong suốt 30 năm làm quan với triều đình nhà Lê, Nguyễn Như Uyên đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng như: Thượng thư Bộ Lại, Chưởng Lục bộ sự kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Nhập thị Kinh diên…Ba lần cùng nhà vua đi chinh phạt Ai Lao, Lão Qua và Bồn Man, lập nhiều chiến công, ông được ban thái ấp, tước vị, lập nên cơ nghiệp ở Hạ Yên Quyết. Khi về trí sĩ, triều đình phong cho ông làm Thái bảo, tước Liêm Quận công.

PGĐ Nguyễn Văn Tú - khai mạc Lễ kỉ niệm.

Trung tâm trao tặng Trịch lục ghi sự kiện ông đỗ Hoàng giáp (Lịch triều Đại Việt Đăng khoa lục).
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Qua những ghi chép của lịch sử, chúng ta có thể thấy Tiến sĩ, Quốc Tử Giám Tế tửu Nguyễn Như Uyên là người văn võ song toàn, học vấn uyên thâm. Lễ kỷ niệm 550 năm ngày Đại đăng khoa của ông là dịp để tôn vinh một tài năng, một nhân cách cao đẹp, có nhiều cống hiến cho quê hương đất nước, qua đó nêu tấm gương sáng, đề cao truyền thống hiếu học để con em chúng ta ngày nay học tập và noi theo”.
Ông Nguyễn Trung Thanh - chủ tịch Hội đồng gia tộc.
Tham dự Lễ kỷ niệm có đại diện lãnh đạo của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học như Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long;  Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Hà Nội… cùng hậu duệ dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết và toàn thể cán bộ, công nhân viên Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.