Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

08/05/2019

Thêm một vị nhân thần thời kì Đổi Mới : vùng đầm phá Tam Giang với "đức khai canh" Phan Thế Phương (1934-1991)

Người xứ Huế phát âm chữ "Đức khai canh" theo giọng Huế, mình cứ nghe thành ra "đớc khai căn". Đó là vị thần quan trọng, thường là người thật (hoặc vốn thật) có công khai phá xóm làng, dạy bảo dân làm ăn.

Nếu vùng Vĩnh Phúc có Kim Ngọc (1917-1979) ở đêm trước Đổi Mới, thì xứ Huế cũng có Phan Thế Phương ở thời kì đầu Đổi Mới.

Dân miền biển huyện Tiền Hải thì thờ cụ Nguyễn Tạo (người gốc Nghệ, cùng quê với Nguyễn Công Trứ) có công khai canh cho dân hồi thập niên 1930. Cũng chính dân huyện Tiền Hải lập sinh từ thờ sống Nguyễn Công Trứ ngay thời giữa thế kỉ 19.

Dân vùng đầm phá Tam Giang ở xứ Huế thì thờ thần khai canh Phan Thế Phương (1934-1991). 

Xứ Huế là vậy. Có những người như Hồ Xuân Mãn man trá không có Đảng mà leo lên tận ghế Bí thư Tỉnh ủy, tham lam cái danh hiệu Anh Hùng (bị lật tẩy). Cũng có những người như cụ Phan Thế Phương xuất thân nhà giáo, được dân lập đền miếu thờ phụng đời đời.



Tin đầu tiên từ tờ Pháp Luật.

Bổ sung thì dán ở dưới.

---













(PLVN) - Từ nhiều năm nay, người dân ở xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn luôn kính trọng người truyền nghề nuôi trồng thủy sản cho bà con nơi đây, tôn vinh ông như một “vị thần”. Ông nguyên là Giám đốc Sở Thủy sản Bình Trị Thiên, được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Vị Giám đốc Sở được người dân lập miếu thờ
Miếu thờ ông Phan Thế Phương được đặt giữa khu nuôi trồng thủy sản
Hết lòng vì dân
Về xã Quảng Công, đi dọc phá Tam Giang, sẽ thấy hình ảnh hàng loạt ao hồ nuôi trồng thủy hải sản nối tiếp nhau. Nhưng vài chục năm trước, cuộc sống không sung túc ấm no như thế.
Hồi ức về cuộc sống những năm trước thập niên 80, nhiều cư dân vẫn còn rưng rưng khi kể về những ngày tháng khốn khó. Ngày đó, cuộc sống vất vả, người dân nơi đây kiếm ăn từng bữa bằng nghề đánh bắt thô sơ.
Sau trận bão năm 1985, cư dân dọc phá Tam Giang được Nhà nước đưa lên bờ tái định cư. Thôn 14 từ đó được thành lập. Nhớ lại những ngày đầu lên bờ, ông Phạm Hóa (ngụ thôn 14) cho biết, vì ngư dân vốn sống trên đò, làm nghề “theo đuôi con cá”, nên nói lên bờ định cư ít người chấp nhận. Vận động mãi mới có 16 hộ lên bờ. 
Sau này, khi Nhà nước có chủ trương quy hoạch vùng phát triển nuôi trồng thủy sản, cuộc sống ngư dân mới dần ổn định. Với diện tích quy hoạch ban đầu chỉ có 2 hecta, sau này phong trào nuôi tôm trên phá phát triển, diện tích nuôi tôm ở thôn tái định cư 14 được mở rộng lên 15,4 hecta. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng không theo quy hoạch cộng với kiến thức chưa cao nên có thời điểm, tôm thả xuống chừng nào chết chừng đó, nhiều ngư dân trắng tay.
Thế rồi, một ngày “vị thần” xuất hiện cởi bỏ cái đói nghèo, cái khó khăn trong việc nuôi trồng thủy sản trên phá cho bao con người ở vùng quê này. Ông là Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Bình Trị Thiên.
Là người trực tiếp được vị giám đốc ngành thủy sản năm xưa tận tình chỉ dạy nghề nuôi trồng thủy sản ven phá Tam Giang, ông Phạm Hóa hồi ức, trong một chuyến đi công tác kiểm tra và thăm các mô hình nuôi trồng của bà con vùng Quảng Công, lúc đó ông Phương đã hỏi người dân: “Vì sao không khai canh mà nuôi trồng?”. Rồi ông đã đứng ra vận động và thuyết phục người dân đi khai phá khu vực bên đầm phá này. 
“Hồi đó, mỗi lần về đây, ông lại lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của người dân. Ông tận tình hướng dẫn bà con cách đắp hồ, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo môi trường sạch trước khi nuôi… cho đến việc mua con giống. Để cùng người dân khai canh nuôi trồng thủy sản, ông Phương đã bàn với lãnh đạo xã Quảng Công thành lập một khu định cư dân vạn chài. Sau đó những hộ dân trong thôn 14 bắt đầu công việc nuôi trồng theo sự chỉ dẫn của ông Phương”, ông Hóa cho biết thêm.
Sau những ngày tháng vất vả nuôi trồng thử nghiệm, dần dần cả một khu vực sông nước mênh mông rộng hàng chục hécta bên phá Tam Giang ở xã Quảng Công đã hình thành những ao hồ nuôi tôm của người dân. Diện tích nuôi trồng tăng lên các năm sau đó, năm 1988 thôn 14 được 2 hecta hồ tôm, năm 1989 được 20 hecta hồ nuôi. Từ nuôi tôm quảng canh, chắn sáo, bà con đã bắt đầu nuôi tôm cao triều để đạt năng suất cao hơn.
Sau những thành công bước đầu, ông Phương tổ chức hội nghị đầu bờ tại thôn 14 để bàn việc phát triển nghề nuôi tôm bên đầm phá. Hội nghị có sự tham gia của nhiều ngư dân trong thôn và có cả người xã khác.
Đặc biệt, nhiều giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư đến từ nhiều trường đại học cũng về tham dự. Sau hội nghị ấy, ông Phương cũng đã triển khai và mở rộng quy mô nuôi trồng trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhờ phát triển nuôi trồng thủy sản, người dân thôn 14 dần ổn định cuộc sống, nhiều ngôi nhà cao tầng được mọc lên, thôn xóm khang trang hơn.  
Ngôi trường mang tên Phan Thế Phương
Vào một ngày trung tuần đầu tháng 10/1991, người dân các làng quê vùng đầm phá Tam Giang bàng hoàng khi biết tin ông Phan Thế Phương qua đời sau một tai nạn giao thông. Để nhớ ơn người truyền nghề nuôi trồng thủy sản, ngư dân thôn 14 đã tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng miếu thờ ông Phan Thế Phương, tôn vinh “ông tổ” nghề nuôi tôm ở đây. Miếu thờ nằm ngay giữa khu nuôi trồng thủy sản. 
Hơn mười năm sau ngày ông Phương mất, Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đã ký quyết định truy tặng ông danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” cho ông Phương. Tiếp sau đó, vào năm 2013 tên ông đã được đặt cho một trường học xã Quảng Công, đó là Trường Trung học cơ sở Phan Thế Phương.
Theo ông Ngô Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công, nuôi trồng thủy sản được xem là ngành nghề chủ lực và mang hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Hiện toàn xã có gần 120ha nuôi tôm, cá; tính trung bình mỗi hộ thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm.
“Cái tên Phan Thế Phương đã quá gần gũi, máu thịt ân tình với người dân vùng đầm phá nơi này. Người dân đã tôn ông như một “vị thần”, lập miếu thờ ông. Nay có thêm ngôi trường mang tên ông là một lần nữa tỏ lòng tri ân, đồng thời muốn giáo dục thế hệ trẻ về sự đức độ, tình thương, noi gương ông để góp sức xây dựng đất nước”, ông Phú chia sẻ.
Ông Phan Thế Phương sinh năm 1934, quê xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông từng giảng dạy tại Khoa Thủy sản Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Năm 1974, ông là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thủy sản Trung ương I (Hải Phòng). Năm 1979, ông làm Giám đốc Sở Thuỷ sản Bình Trị Thiên. Sau khi tách tỉnh, từ năm 1983-1991, ông là Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngày 16/9/2003, ông được truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Thùy Nhung


---

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.