Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

25/05/2019

Phạt tù giam đối với các phụ huynh chạy trường cho con (chuyện ở Mĩ)

Chạy trường diễn ra ở bất cứ nền giáo dục nào, dưới bất cứ chính thể nào. Nào như Mĩ, như Nhật, như Đức,... của khối tư bản. Nào như Việt Nam, Trung Quốc,... của khối xã hội chủ nghĩa. 

Có nhiều phụ huynh là người nổi tiếng ở Mĩ đã dùng tiền để chạy trường cho con (vào các trường tốt). Các khoản tiền hối lộ được chuyển tới đích bằng nhiều con đường khác nhau.

Các phụ huynh này phải nhận án tù. Có người bị đề nghị tới 20 năm.

Ở Việt Nam, vụ chạy điểm vừa rồi, theo báo chí cho biết, cũng trung bình với giá 1 tỉ đồng/trường hợp. Không kém Mĩ là mấy.








Tin từ các nơi.


---


..

Tháng 4 năm 2019





17/04/2019 16:35 GMT+7

TTO - Liên quan đến vụ chạy trường đại học tại Mỹ, nữ diễn viên Felicity Huffman đã thừa nhận phạm tội lừa đảo, qua đó có thể đối mặt với án tù 10 tháng.

Chạy trường cho con, nữ diễn viên Felicity Huffman đối mặt án tù - Ảnh 1.
Diễn viên Felicity Huffman cùng chồng là diễn viên William H. Macy - Ảnh: AP
Các công tố viên tại Boston đề nghị từ 4-10 tháng tù cho nữ diễn viên Felicity Huffman - người đã nhận tội liên quan đến bê bối tuyển sinh đại học Mỹ, nguồn tin của CNN ngày 17-4 cho biết.
Huffman là một trong số 13 phụ huynh đã nhận tội lừa đảo. Nữ diễn viên sẽ ra tòa vào tháng 5 tới để nghe tuyên án. 
Người đứng đầu đường dây chạy trường Rick Singer và người đã thực hiện bài kiểm tra cho các học sinh là Mark Riddell cũng đã nhận tội.
Sau khi nhận tội vào tuần trước, Huffman nói con gái cô ‘hoàn toàn không biết gì’ về những việc mà cô đã làm.
"Con gái tôi không hề hay biết gì. Tôi đã phản bội con bé. Vụ bê bối này sẽ theo tôi suốt phần đời còn lại. Tôi chỉ muốn giúp con mình chứ chẳng hề muốn gian dối hay vi phạm pháp luật", nữ diễn viên nói.
Bản cáo trạng nêu rõ Huffman thừa nhận chuyển 15.000 USD cho Rick Singer thông qua một quỹ từ thiện giả để Singer giúp con gái cô đạt điểm cao trong bài thi SAT. Kết quả, con gái của Huffman đạt được 1.420 điểm trên tổng số 1.600 điểm thi SAT, cao hơn 400 điểm so với bài thi SAT trước đó một năm.
Chồng của Huffman là diễn viên William H. Macy chưa bị buộc tội nhưng bản cáo trạng có nhiều lần nhắc đến ‘hôn phu của Huffman’.
16 người khác, bao gồm nữ diễn viên Lori Loughlin và chồng cô là nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli, cũng đang đối mặt với những cáo buộc mới.
Không ai trong số các sinh viên bị buộc tội, nhưng trường Yale đã hủy bỏ kết quả đầu vào của một sinh viên và trường Stanford đã đuổi học các sinh viên liên quan đến vụ bê bối.
Một số sinh viên trên 18 tuổi vào thời điểm đó đã được các công tố viên nhắm đến. Nghĩa là các sinh viên này sẽ bị điều tra và có thể bị buộc tội.









09/04/2019 11:09 GMT+7

TTO - 13 phụ huynh giàu có trong đường dây chạy trường cho con vừa bị phanh phui ở Mỹ nhiều khả năng sẽ phải đi tù vì hành động của mình, hình phạt cao nhất lên đến 20 năm.

Mỹ muốn bỏ tù phụ huynh chạy trường đại học cho con - Ảnh 1.
Nữ diễn viên Lori Loughlin xuất hiện tại tòa án liên bang ở Boston ngày 3-4 - Ảnh: CNN
Theo Đài CNN, công tố viên liên bang Mỹ đầu tuần này thông báo 13 phụ huynh và 1 huấn luyện viên trong vụ án chạy trường sẽ nhận các tội đưa hối lộ và gian lận trước tòa.
Nữ diễn viên Felicity Huffman, ngôi sao trong series phim truyền hình "Desperate Housewives", thừa nhận đã trả 15.000 USD cho một quỹ từ thiện bình phong của Rick Singer (chủ mưu) nhằm gian lận điểm bài thi SAT cho con gái.
Với các tội danh trên, bà Huffman đối mặt với hình phạt lên đến 20 năm tù. Nhưng đổi lại sự hợp tác, các công tố viên liên bang sẽ đề xuất mức nhẹ của khung phạt tù, cộng với khoản tiền phạt 20.000 USD và 12 tháng giám sát sau khi ra tù. Họ sẽ không truy tố thêm tội danh khác.
"Tôi thành khẩn thừa nhận tội lỗi của mình, cùng với sự hối hận và hổ thẹn sâu sắc vì những gì mình đã làm. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động của mình và sẽ đón nhận hậu quả của hành động đó.
Tôi muốn xin lỗi tất cả, đặc biệt tôi muốn xin lỗi những sinh viên học hành chăm chỉ mỗi ngày để đậu vào đại học, xin lỗi cha mẹ họ vì đã hi sinh to lớn cho con cái và làm điều đó một cách trung thực... Mong muốn giúp con gái không thể biện minh cho hành động vi phạm luật pháp và không trung thực của tôi" - bà Huffman giãi bày trong lời nhận tội.
Ngoài bà Huffman, tất cả những người còn lại đều bị khởi tố tội danh âm mưu lừa đảo và gian lận theo luật hình sự Mỹ. Công tố liên bang cho biết họ đã đồng ý nhận tội, mức phạt tù đề nghị từ 12-18 tháng có giảm nhẹ như trường hợp bà Huffman.
Một thẩm phán liên bang sẽ quyết định số phận của Huffman và các bị can khác trong vụ án.
https://tuoitre.vn/my-muon-bo-tu-phu-huynh-chay-truong-dai-hoc-cho-con-20190409095733525.htm

.




26/03/2019 21:55 GMT+7

TTO - Liên quan đến bê bối 'chạy trường' đại học tại Mỹ, Bộ trưởng giáo dục Mỹ Betsy DeVos tuyên bố mở cuộc điều tra 8 trường đại học trong vụ việc.

Bộ Giáo dục Mỹ điều tra 8 trường trong bê bối chạy trường đại học - Ảnh 1.
Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy Devos - Ảnh: Wall Street Journal
Theo Politico, Bộ giáo dục sẽ điều tra xem liệu các trường đại học có vi phạm quy định liên quan đến các chương trình trợ cấp tài chính dành cho học sinh liên bang hoặc bất kỳ quy định nào có liên quan hay không.
Trước đó, các công tố viên liên bang đã buộc tội hàng chục người được cho là có liên quan đến việc mua suất vào 8 trường đại học bao gồm các trường danh tiếng như Đại học Yale, Đại học Stanford và Viện đại học California (UCLA).
Bộ Giáo dục đã gửi thư cho hiệu trưởng của Yale, UCLA, Stanford, Wake Forest, San Diego, Georgetown, Texas tại Austin và Nam California, thông báo rằng các trường sẽ phải đối mặt với một cuộc điều tra sơ bộ liên quan đến vụ bê bối.
Bức thư trích dẫn một loạt các quy định giáo dục liên bang và luật pháp mà giới chức đang điều tra. Họ lưu ý rằng các trường đại học nhận trợ cấp sinh viên liên bang phải chứng minh năng lực hành chính, và phải có các quy trình và chính sách phù hợp để quản lý số tiền này.
Trong vòng 30 ngày tới, mỗi trường đại học buộc phải gửi cho Bộ Giáo dục các tài liệu bao gồm các tài liệu tiếp thị và quảng cáo, các thư từ gửi cho các tổ chức xếp hạng đại học như US News và World Report, các chính sách nội bộ và thủ tục liên quan đến tuyển sinh đối với các trường hợp đã trúng tuyển.
Các điều tra viên cũng yêu cầu các trường xác định tên của tất cả các học sinh nhập học được đề cập trong các cáo buộc điều tra của Bộ Tư pháp, cũng như bất kỳ hình thức kỷ luật nào mà trường áp dụng cho nhân viên theo cáo buộc của công tố viên liên bang.
Theo Politico, các trường đại học có thể bị phạt nếu Bộ giáo dục kết luận họ vi phạm các quy định giáo dục liên bang. Hình phạt bao gồm hủy bỏ quyền tiếp cận chương trình trợ cấp Pell Grants (chương trình trợ cấp chính phủ Mỹ cấp cho sinh viên để học đại học) và các khoản vay sinh viên.

 

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La xác định việc sửa chữa, nâng điểm thi THPT cho 44 thí sinh ở Sơn La ngoài động cơ vụ lợi còn có các động cơ cá nhân khác.
Cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi tố bị can Trần Xuân Yến  /// Ảnh: Công an cung cấp
Cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi tố bị can Trần Xuân Yến
ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Theo kết luận điều tra, vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác nên 8 bị can trong vụ án, đều là thành viên hội đồng thi, đã câu kết với nhau, tìm, sửa bài thi nâng điểm của 44 thí sinh (TS) để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng. Việc sửa điểm thi này thực hiện theo quy trình: 8 bị can thông qua bạn bè, người thân để nhận thông tin 44 TS, sau đó tác động, nâng điểm các bài thi. Từ ngày 29.6 - 4.7.2018, các bị can đã câu kết mở phòng xử lý bài thi để lấy các bài thi ra và tẩy xóa, sửa chữa các ô trả lời theo đáp án đúng của Bộ GD-ĐT.

"Cảm ơn" bằng tiền

Theo kết luận điều tra, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh đều là thành viên hội đồng thi, biết rõ việc nhận sửa bài thi, nâng điểm cho các TS là vi phạm pháp luật nhưng vì vụ lợi và động cơ cá nhân khác, khi được người thân các TS hứa hẹn, cảm ơn bằng tiền đã nhận sửa bài thi nâng điểm cho các TS. Lời khai và các tài liệu liên quan thể hiện bị can Nguyễn Thị Hồng Nga lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhận sửa bài thi nâng điểm cho 16 TS, câu kết với các bị can khác mở cửa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm, tìm rút, sửa bài thi trắc nghiệm cho 44 TS; câu kết với các bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Lò Văn Huynh rút khóa phách để tác động nâng điểm cho 11 TS; sử dụng phần mềm xóa dữ liệu bài thi gốc trong thùng rác máy tính để che giấu hành vi sai phạm. Quá trình điều tra, bị can này khai đã thỏa thuận nhận 1,04 tỉ đồng từ trung gian sửa điểm cho 4 TS. Hiện số tiền này đã được bị can Nga và người thân tự nguyện nộp cho cơ quan an ninh điều tra.
Bị can Trần Văn Thủy khai sửa bài thi nâng điểm cho 4 TS. Khi thực hiện nhiệm vụ câu kết với các bị can khác tìm, rút sửa bài thi nâng điểm cho 44 TS. Sau khi sửa bài thi nâng điểm cho 4 TS trên, bị can Thủy đã nhận tiền của mỗi trường hợp 150 - 200 triệu đồng.
Bị can Cầm Thị Bun Sọn nhận sửa bài nâng điểm cho 1 TS, câu kết với các bị can tìm rút, sửa bài thi nâng điểm cho 44 TS, nhờ tác động nâng điểm cho 1 TS. Sọn khai có thỏa thuận, thống nhất giúp nâng điểm cho TS Dương Hoàng Trung với giá 440 triệu đồng.
Bị can Lò Văn Huynh nhận sửa bài thi cho 7 TS và câu kết với các bị can rút sửa bài thi nâng điểm cho 44 TS. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lò Văn Huynh đã câu kết với một số bị can cung cấp khóa phách, nâng điểm môn ngữ văn cho 11 TS. Bị can cũng khai sau khi nhận lời giúp nâng điểm cho TS Lù Mạnh Hùng đã được trả 300 triệu đồng. Ngoài ra, bị can còn thỏa thuận với người trung gian nâng điểm cho một số TS khác với mức giá 700 triệu đồng cho mỗi trường hợp và đã được người trung gian đưa 1 tỉ đồng.
Bị can Nguyễn Thanh Nhàn khai sửa bài thi nâng điểm cho 4 TS; câu kết với một số bị can rút, cung cấp khóa phách để tác động điểm thi nâng điểm môn ngữ văn cho 11 TS. Các bị can Đỗ Khắc Hưng, Đinh Hải Sơn là cán bộ được giao đảm bảo an ninh trật tự khu vực chấm thi đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao sửa bài thi và nâng điểm cho 3 TS. Ngoài ra, Đinh Hải Sơn còn đưa thông tin nhờ Lò Văn Huynh tác động nâng điểm thi môn ngữ văn cho 1 TS.
Theo cơ quan điều tra, mặc dù số tiền nhận sửa điểm thi đã được các bị can tự nguyện giao nộp, nhưng ngoài lời khai của các bị can không có tài liệu, chứng cứ nào khác nên không đủ cơ sở để quy kết về việc đưa nhận tiền. Vì vậy, cơ quan điều tra xác định số tiền này là tiền vụ lợi cần tịch thu theo quy định pháp luật.

Sửa điểm vì nể... cấp trên

Cũng theo kết luận điều tra, bị can Trần Xuân Yến, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, đã lợi dụng chức vụ được giao để tác động sửa bài thi nâng điểm cho 13 TS. Đáng chú ý, bị can này khai, việc tác động sửa chữa bài thi có động cơ là do cấp trên nhờ vả... Cụ thể 8/13 trường hợp là do ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT, gọi ông Yến đến phòng làm việc rồi đưa danh sách các TS. Ông Đức ban đầu thừa nhận có chuyển thông tin về 8 TS để ông Yến “xem hộ điểm thi”. Tuy nhiên, sau đó ông Đức thay đổi lời khai, cho rằng không biết, không liên quan đến việc ông Yến sửa điểm.
Kết luận điều tra nêu rõ các bị can Trần Xuân Yến, Nguyễn Thanh Nhàn, Đỗ Khắc Hưng, Đinh Hải Sơn đều biết rõ việc nhận, câu kết sửa bài thi nâng điểm cho TS là vi phạm quy chế thi của Bộ GD-ĐT, vi phạm luật nhưng vì động cơ cá nhân, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, người thân nên vẫn thực hiện.

“Giao dịch” tại kỳ họp giao ban của UBND tỉnh ?

Căn cứ các tài liệu thu thập được, cơ quan công an đã triệu tập 42 trường hợp là cha mẹ, người thân các TS được nâng điểm; đã có 6 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân TS để “nhờ nâng điểm thi”, 21 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin chỉ nhằm mục đích “nhờ xem điểm”, 15 trường hợp khai không liên quan và không cung cấp thông tin TS cho các bị can và những đối tượng trung gian.
Cụ thể, trường hợp ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Thuế Sơn La, có con trai là Nguyễn Đức A., tham dự kỳ thi và có nguyện vọng xét tuyển vào Học viện An ninh nhân dân. Ông Việt khai bản thân và gia đình không trao đổi hay gặp gỡ cung cấp thông tin cho bất cứ ai để tác động nâng điểm cho con mình là Nguyễn Đức A. Tuy nhiên, lời khai của ông Việt mâu thuẫn với lời khai của ông Hoàng Tiến Đức. Lời khai của ông Đức cho biết tại phiên họp giao ban của UBND tỉnh Sơn La cuối tháng 6.2018, ông Việt đưa thông tin nhờ ông Đức xem kết quả thi THPT cho con có số báo danh 14001279... Tương tự, trường hợp ông Đỗ Kim Quang, Giám đốc VNPT Sơn La, khai tại cuộc họp giao ban UBND tỉnh Sơn La vào cuối tháng 6.2018 đã cung cấp thông tin con trai mình là Đỗ Minh Hoàng để nhờ xem giúp kết quả thi.
Đối với 6 trường hợp thừa nhận cung cấp thông tin cá nhân nhờ “nâng điểm”, về lời khai cơ bản phù hợp với lời khai của các bị can và những người liên quan, tài liệu chứng cứ thu thập được. Tuy nhiên, lời khai của một số người là người thân TS còn mâu thuẫn về số tiền đã đưa cho các bị can để nhờ nâng điểm cho TS. Cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ được, nên ngoài lời khai của các bị can thì không có tài liệu nào khác nên không đủ căn cứ để quy kết.

Không thừa nhận chạy điểm nhưng cam chịu bị đuổi học

Căn cứ lời khai của các bị can và các đối tượng trung gian, có 10 TS trực tiếp chuyển thông tin cá nhân, có 11 trường hợp do cha mẹ không thừa nhận nên cơ quan an ninh điều tra đã tiến hành xác minh đối với các trường hợp này. Theo cơ quan điều tra, việc TS khai nhận cung cấp thông tin cá nhân nhờ xem điểm chỉ là né tránh, ngụy biện. Thực tế, các bị can trong vụ án không thể rút bài thi nâng điểm cho các TS khi không có mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định các TS này không phải là những người tác động để nâng điểm. Đối với các TS khai không cung cấp thông tin đều phù hợp lời khai của bố mẹ hoặc người thân các TS vì trước đó những người này đã phủ nhận sự việc nêu trên.
Đáng chú ý, sau khi bị các trường đại học trả về địa phương do bị hạ điểm sau thẩm định của Bộ GD-ĐT, các TS đều đồng ý với kết quả chấm thẩm định và quyết định buộc thôi học của các trường đại học.

Sơn La khai trừ Đảng 8 cán bộ liên quan vụ gian lận điểm thi

Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra, Tỉnh ủy Sơn La, ngày 27.5, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La đã họp kỳ họp thứ 15, xem xét, kết luận cuộc kiểm tra xem xét, xử lý kỷ luật đối với 8 đảng viên bị khởi tố do sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Sơn La. Nội dung vi phạm của 8 đảng viên này là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm quy định của Ban Chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm. Theo ủy ban này, “vi phạm là rất nghiêm trọng”.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 7 ông/bà: Lò Văn Huynh, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng của Sở GD-ĐT; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT; Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT; Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị - tư tưởng, Sở GD-ĐT; Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP.Sơn La; Đỗ Khắc Hưng, cựu trung tá, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh; Đinh Hải Sơn, cựu thiếu tá, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh. Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thi hành kỷ luật ông Trần Xuân Yến bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Ngày 28.5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã họp, xem xét tờ trình của Ủy ban Kiểm tra và quyết định thi hành kỷ luật với ông Trần Xuân Yến bằng hình thức khai trừ ông Yến ra khỏi Đảng.
Quý Hiên - Lê Hiệp

https://thanhnien.vn/thoi-su/gian-lan-diem-thi-o-son-la-ngoai-vi-tien-con-co-dong-co-nao-khac-1086813.html



2.


25/05/2019 16:41 GMT+7

TTO - Các bị can rút bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh mang về nhà riêng tẩy xóa, sửa chữa lại theo đáp án của Bộ GD-ĐT. Khi tổng hợp lại thấy điểm số chưa như 'đặt hàng', họ tiếp tục sửa bài thi ngay tại Phòng xử lý bài thi trắc nghiệm.

Vụ gian lận điểm thi: Đem bài thi về nhà sửa, đến khi đủ điểm đẹp mới thôi - Ảnh 1.
Cơ quan điều tra bắt tạm giam bị can Nguyễn Thị Hồng Nga (giữa), chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La - Ảnh: HÀ THANH
Vụ án gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra giai đoạn 1. Theo kết quả điều tra, trước khi bước vào thời gian chấm thi, 8 bị can đã nhận "nhờ vả" sửa bài thi, nâng điểm cả bài thi trắc nghiệm và bài thi tự luận cho nhiều thí sinh.
Trong đó, ông Trần Xuân Yến (phó giám đốc Sở GD-ĐT) nhận giúp 13 thí sinh, bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 16 thí sinh, ông Lò Văn Huynh (trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 7 thí sinh, bà Nguyễn Thanh Nhàn (phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 4 thí sinh…
Theo cơ quan điều tra, ngày 29-6-2018, Nguyễn Thị Hồng Nga đã tổng hợp thông tin tất cả số thí sinh được "nhờ vả" này thành một danh sách theo địa điểm thi để thuận lợi khi tìm bài thi.
Bà Nga mang theo danh sách này đến Phòng xử lý bài thi trắc nghiệm (đặt tại tầng 3 Trường THCS Quyết Thắng, TP Sơn La), đồng thời cầm theo tẩy, bút chì, đáp án của Bộ GD-ĐT.
Chiều cùng ngày, khi tổ xử lý bài thi trắc nghiệm bắt đầu tiến hành quét các bài thi, Nga dặn Cầm Thị Bun Sọn (thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm) chọn các túi bài thi của điểm thi tại Trường THPT Tô Hiệu - là nơi có bài thi của các thí sinh trong danh sách "nhờ vả" - để mở niêm phong và quét bài thi, nhưng sau đó không niêm phong lại như quy định.
Bà Nga sau đó gặp trung tá Đỗ Khắc Hưng - cán bộ Phòng an ninh chính trị - công an tỉnh, người được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự khu vực chấm thi, trực tiếp tham gia giám sát, bảo vệ, quản lý chìa khóa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm.
Nga đặt vấn đề hết giờ làm việc hành chính cho nhóm thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm ở lại rút sửa bài thi. Hưng đã đồng ý, bản thân Hưng cũng "gửi gắm" Nga giúp một thí sinh.
Hết giờ, các thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm ra về, chỉ Nga cùng Đặng Hữu Thủy (thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm), Cầm Thị Bun Sọn nán lại, được trung tá Hưng mở cửa cho vào phòng xử lý bài thi trắc nghiệm, tìm rút bài thi của các thí sinh được "nhờ vả" trong các túi bài thi đã mở niêm phong từ chiều.
Sau khi tìm đủ các bài thi cần sửa nâng điểm, ba người này mang về nhà Đặng Hữu Thủy ở đường Chu Văn Thịnh, TP Sơn La. Tại đây, họ căn cứ theo đáp án của Bộ GD-ĐT để tẩy xóa các câu trả lời sai, dùng bút chì tô vào đáp án đúng để đạt vừa đủ số điểm cần nâng như "đặt hàng". Tối hôm đó, các bị can sửa bài thi nâng điểm xong cho 11 thí sinh.
Sáng hôm sau, ba người mang các bài thi đã sửa trả lại đúng vị trí các lô bài thi, xóa toàn bộ ảnh của các lô bài thi đã quét trước đó và tiến hành quét lại các bài thi đã sửa để thay thế.
Bằng cách làm tương tự, nhóm bị can này đã giúp sửa bài nâng điểm cho tổng cộng 44 thí sinh.
Hai lần sửa bài thi mới đủ mức điểm "đặt hàng"
Ngày 2-7-2018, sau khi quét xong bài thi, phát hiện có bốn bài thi môn lịch sử dù đã sửa nhưng vẫn chưa đạt tới mức điểm như " đơn đặt hàng", bà Nga yêu cầu Thủy, Bun Sọn tìm lại các bài thi, đưa cho Nga. Nga trực tiếp tẩy, sửa trên bài thi ngay tại phòng xử lý bài thi trắc nghiệm rồi quét các bài này để lấy kết quả thay thế.
Ngoài ra, có hai thí sinh trong danh sách có điểm thi môn toán thấp, Nga biết là "bị sót". Nga báo với Huynh, sau đó thống nhất không sửa cho hai trường hợp này nữa.
https://tuoitre.vn/vu-gian-lan-diem-thi-dem-bai-thi-ve-nha-sua-den-khi-du-diem-dep-moi-thoi-20190525162324828.htm?fbclid=IwAR0H_FE0uHGFcGrdz2vDnbxEBkph8KyEGI6xGPeaJtyGYHf2pGFCCC1M6Ro




1.




25/05/2019 09:06 GMT+7

TTO - Theo lời khai của bị can Trần Xuân Yến - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, chính giám đốc sở này, ông Hoàng Tiến Đức, đã đưa thông tin của 8 thí sinh để nhờ rút bài sửa nâng điểm.

Gian lận thi cử ở Sơn La: Giá nâng điểm mỗi trường hợp trung bình 1 tỉ đồng! - Ảnh 1.
Ông Hoàng Tiến Đức (bìa phải) - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - chứng kiến cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam ông Lò Văn Huynh, trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - Ảnh cắt từ clip
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án gian lận thi cử, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm a, khoản 2, điều 356 Bộ luật hình sự.
Giám đốc sở "gửi gắm" 8 trường hợp
Theo kết quả điều tra (đã được tống đạt đến các bị can), trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, ông Trần Xuân Yến được phân công là ủy viên ban chỉ đạo thi của tỉnh, phó chủ tịch hội đồng thi, trưởng ban vận chuyển và bàn giao đề thi, phó trưởng ban thường trực ban coi thi, phó trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.
Kết quả điều tra cho thấy vị phó giám đốc sở này đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh này có 8 trường hợp do chính giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La "gửi gắm".
Cụ thể, theo ông Yến, ngày 28-6-2018, ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, gọi ông Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho ông Yến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo "đặt hàng".
Cũng ngày 28-6, ông Nguyễn Ngọc Hà - trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - đến gặp ông Yến tại phòng làm việc và đưa thông tin của 4 thí sinh để nhờ nâng điểm. Trong số này có 2 trường hợp trùng với danh sách giám đốc sở đã nhờ trước đó.
Sau khi có thông tin của 13 thí sinh, ông Yến tổng hợp thành một danh sách, trong đó ghi rõ họ tên thí sinh, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, các mã đề, tổng số điểm cần phải đạt được của từng thí sinh.
Sau đó, ông Yến trực tiếp đưa danh sách này cho Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm - để Nga giải quyết.
Gian lận thi cử ở Sơn La: Giá nâng điểm mỗi trường hợp trung bình 1 tỉ đồng! - Ảnh 2.
Cơ quan điều tra công bố quyết định khởi tố ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - Ảnh cắt từ clip
Một số người tự nộp lại tiền
Kết quả điều tra cũng cho thấy ngoài ông Trần Xuân Yến nhận giúp 13 thí sinh, bà Nguyễn Thị Hồng Nga nhận giúp 16 thí sinh. Bị can Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La) nhận giúp 4 thí sinh. Bị can Lò Văn Huynh (trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 7 thí sinh. 
Bị can Nguyễn Thanh Nhàn (phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 4 thí sinh. Bị can Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) nhận giúp 1 thí sinh. Bị can Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) nhận giúp 2 thí sinh, trong đó có 1 thí sinh là em vợ.
Về "chi phí" để giúp rút bài sửa nâng điểm, có bị can khai để rút bài sửa nâng điểm 3 môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỉ đồng. Được biết, quá trình điều tra, một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Chỉ mới giai đoạn 1
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, kết quả điều tra trên mới chỉ là giai đoạn 1 vụ án gian lận thi cử tại tỉnh Sơn La. Trong giai đoạn 1 này, cơ quan điều tra mới chỉ tập trung làm rõ hành vi của 8 bị can xoay quanh việc sửa điểm bài thi trắc nghiệm cho 44 thí sinh và sửa điểm bài thi tự luận (môn ngữ văn) cho một số thí sinh khác, cũng như sự tiếp tay của 2 cán bộ công an.
Cơ quan công an cũng làm rõ về động cơ sửa bài thi, điểm thi của các bị can trong vụ án; cách thức các bị can thực hiện việc sửa bài thi, điểm thi của từng thí sinh; mức độ can dự của từng cá nhân trong đường dây gian lận thi cử có tổ chức này.
Nhiều việc phải làm trong giai đoạn 2
Với lời khai chi tiết của bị can Trần Xuân Yến về vai trò của ông Hoàng Tiến Đức trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ có nhiều việc phải làm trong giai đoạn 2 của vụ án, trong đó cần thiết phải xem xét khởi tố điều tra đối với cá nhân này, cũng như làm rõ vai trò của một số trung gian "nhờ vả" nâng điểm và số phụ huynh liên quan tới việc nâng điểm này.
Liên quan tới vụ án gian lận thi cử, nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết Tỉnh ủy Sơn La đã yêu cầu số cán bộ đảng viên có con nằm trong danh sách những thí sinh được nâng điểm ở Sơn La phải làm báo cáo giải trình.
Ông Hoàng Tiến Đức nói gì về lời khai của cấp phó?
Sáng 25-5, báo Người đưa tin cho biết đã liên hệ qua điện thoại với ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, để hỏi về thông tin bị can Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở, khai với cơ quan điều tra được chính giám đốc “nhờ” sửa bài nâng điểm cho 8 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Theo báo này mô tả, ông Hoàng Tiến Đức tỏ ra khá bất ngờ và bức xúc, rồi trả lời: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy”.
Khi phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: “Tức là thông tin ông Yến khai là không đúng?” - ông Hoàng Tiến Đức đáp: “Ừ”, sau đó cúp máy.
Trước đó, hôm 1-8-2018, một ngày sau khi 5 thuộc cấp bị khởi tố, trả lời báo Tuổi Trẻ qua điện thoại về trách nhiệm của Sở GD-ĐT vì để xảy ra sai phạm gian lận thi cử ngay tại đơn vị, ông Hoàng Tiến Đức từng nói: “Bộ GD-ĐT và cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ. Anh em sai phạm đến đâu thì xử lý theo quy định pháp luật đến đó. Chúng tôi sẽ có thông tin đến cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành hiểu, ổn định tư tưởng, tâm lý cho năm học mới”.
8 thí sinh giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La "nhờ" nâng điểm
* Số báo danh 1400.0619: Nâng điểm toán, ngữ văn, lịch sử để đạt tổng số 27 điểm.
* Số báo danh 1400.1279: Nâng điểm toán, vật lý, tiếng Anh để đạt tổng số 27 điểm.
* Số báo danh 1400.1545: Nâng điểm toán, ngữ văn, lịch sử để đạt tổng số 27 điểm.
* Số báo danh 1400.1293: Nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng số 27 điểm.
* Số báo danh 1400.1415: Nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng số 24 điểm.
* Số báo danh 1400.1479: Nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng số 27 điểm.
* Số báo danh 1400.1394: Nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng số 24 điểm.
* Số báo danh 1400.1480: Nâng điểm toán, vật lý, hóa học để đạt tổng số 24 điểm.
https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.