Trung là một cựu học sinh ở Thái Nguyên, vốn dân kĩ thuật, rồi đến với tiếng Nhật và có một thời gian du học tại Nhật Bản. Một thời Fb của Trung là "Trung Thần Thông", rồi thì đã trở về với tên chính "Nguyễn Hoàng Trung".
Bây giờ, Trung đã vào làm việc chính thức trong một công ty đa quốc gia của Nhật Bản - trụ sở chính tại Tokyo.
Từ vài năm trước, vẫn thấy Trung kể nhanh về công việc đi làm thông dịch của em (có khi là song ngữ Anh - Nhật). Những mẩu chuyện vui vui, thú vị.
Còn từ khoảng một năm nay, tức là từ khi vào công ty Nhật Bản, em lại hay kể về công việc trong công ty. Lại những mẩu chuyện vui vui và thú vị nữa.
Cập nhật dần theo Fb Nguyễn Hoàng Trung.
Bắt đầu cập nhật từ hôm nay (1/4/2019). Các bổ sung dán ở bên dưới.
Tháng 4 năm 2019,
Giao Blog
---
(về cách đào tạo và tự đào tạo trong công ti Nhật Bản)
"
Năm đó, sau khi ra khỏi phòng thi môn cuối cùng trong quá trình lấy nốt 10 tín chỉ thay cho luận văn tốt nghiệp đại học, tôi cười phớ lớ nói với bạn bè rằng “Xong, vậy là từ nay vĩnh biệt những kỳ thi”. Bao nhiêu năm cuộc đời gắn liền với sách đèn thi cử đến đây là kết thúc.
Nhưng mà đời chẳng được như mơ.
Tôi vốn dĩ chẳng định thi cái chứng chỉ ngoại ngữ nào nhưng về sau làm việc cho Nhật, họ bắt phải có chứng chỉ ngoại ngữ trước khi vào công ty họ nên cũng thi vài cái cho vui. Đầu tháng 9 năm ngoái, ngày đầu tiên đi làm tôi phải mang theo bằng cấp và chứng chỉ để trình nhân sự. Thú thật là tôi cũng chẳng lấy gì làm tự hào về mấy tờ giấy ấy vì toàn cái học được là thi được chứ chẳng có nhiều ý nghĩa. Anh nào chưa thi được thì hay bị hù doạ chứ anh nào thi được rồi thì thấy nó cũng xoàng thôi. Nhưng tôi cũng không khỏi bất ngờ khi người ta cầm cái N1 và xấp giấy kia của tôi lên rồi cười nói “Vậy là đã qua tiểu học rồi đó.”
Và đến khi thật sự đi làm, là một nhân viên tại công ty tổng của một tập đoàn năm ngàn con người tôi mới biết ý nghĩa của câu nói đó. Tôi vẫn còn phải học rất nhiều và phải cụ thể hoá kiến thức đó bằng những kỳ thi, những chứng chỉ. Tính từ thời điểm vào công ty trong bao nhiêu năm phải lấy được chứng chỉ gì cấp độ nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào vị trí của bạn trong công ty. Đây không phải là yêu cầu của công ty đối với riêng tôi. Đây là yêu cầu đối với tất cả các nhân viên trong công ty. Và cũng không chỉ công ty tôi mà các tập đoàn lớn của Nhật đều có yêu cầu như vậy đối với nhân viên của mình.
Kỳ thi mà tôi đang nhắc đến ở đây là Business Career, là một kỳ thi quen thuộc với dân công sở ở Nhật. Đề thi được phân theo nhiều hạng mục, tuỳ vào nghiệp vụ mà lựa chọn đề thi phù hợp. Kỳ thi này có 4 cấp, được xếp theo thứ tự từ dễ đến khó là Sơ cấp, cấp 3, cấp 2 và cấp 1. Ngôn ngữ dùng trong kỳ thi đương nhiên là tiếng Nhật. Tôi đang làm ở phòng chiến lược quản lý kinh doanh quốc tế. Ngoài các chứng chỉ ngoại ngữ là điều đương nhiên thì theo yêu cầu của công ty, trong 2 năm đầu tiên tôi phải thi được chứng chỉ 簿記・財務諸表 (kỳ thi đánh giá khả năng ghi chép và đọc báo cáo tài chính) cấp 3. Trong 2 năm tiếp theo tôi phải thi được chứng chỉ 経営戦略 (chiến lược quản lý) cấp 3. Trong 2 năm sau nữa tôi phải đạt được cấp 2 của chứng chỉ này.
Ngoài ra nhân viên công sở ở Nhật còn phải thi một kỳ thi nữa gọi là 日経TEST (Nikkei Test). Nikkei là tên một tờ báo nổi tiếng rất được ưa chuộng tại Nhật. Ngoài những thông tin tổng hợp liên quan đến đời sống, tờ báo này đi sâu vào đăng tải và phân tích thông tin kinh tế, chính trị của Nhật Bản và thế giới. Người Nhật rất thích đọc Nikkei, và để đọc được bản đầy đủ của báo này người ta phải bỏ ra hơn 4000 Yên (khoảng 900k VND) một tháng. Nhân viên văn phòng tại Nhật bắt buộc phải đọc Nikkei và phải cụ thể hoá kiến thức mình đọc được trên Nikkei bằng việc tham gia kỳ thi và đạt chứng chỉ. Hằng ngày bạn đọc cái gì? Cướp, giết, hiếp, sex, sốc, sến hay những thông tin kinh tế chính trị liên quan đến tình hình của quốc gia và thế giới đều được thể hiện qua kỳ thi này.
Người Nhật không có văn hoá đuổi việc, vậy nên đã vào được công ty thì chỉ có bạn bỏ công ty đi chứ công ty không thải hồi bạn. Tuy nhiên nếu đến kỳ hạn mà vẫn không thi được các chứng chỉ mà công ty yêu cầu thì việc tăng lương, tăng thưởng sẽ bị hạn chế và việc thăng cấp là không thể. Công ty cho tôi tiền mua sách để học, cho tiền để đăng ký thi nhưng ngược lại áp lực đè lên vai cũng chẳng dễ thở chút nào. Tuy nhiên tôi vẫn đánh giá rất cao cách làm này của các công ty Nhật vì nó khiến nhân viên của mình trở nên chủ động hơn. Trên tàu điện, trong quán cà phê hay bất cứ nơi đâu đều dễ dàng bắt gặp những người khoác áo vest đeo cà vạt đang tranh thủ từng chút thời gian để đọc sách. Càng ngày tôi càng hiểu vì sao học vấn và kiến thức của người Nhật lại cao như vậy.
Hôm nay 1/4, là ngày đầu tiên của năm tài khoá mới tại Nhật. Anh đào nở rộ. Nắng đẹp nao lòng.
1/4/2019
- Nguyễn Hoàng Trung -
(Share không cần hỏi)
"
https://www.facebook.com/nhantrungchithan/posts/10213782094529522
---
BỔ SUNG và CẬP NHẬT
BỔ SUNG và CẬP NHẬT
..
4.Ngày 18/7/2024
"
Nguyễn Hoàng Trung đang ở Sài Gòn.
Thật ra thì làm phiên dịch viên đa ngôn ngữ như mười năm trước vui hơn. Cố vài năm hết nhiệm kỳ rồi về Nhật.
인연이라고 하죠
거부할 수가 없죠…
"
https://www.facebook.com/nhantrungchithan/posts/pfbid098XQQMjCKfr8ZW6kUJpQ5GGSPuATaGhX56WeGBwM5wymUCgGAVbN6WS61xabzkdtl
3. Ngày 16/1/2022
"
Sau khi về Việt Nam công tác được vài tháng, tôi được sếp gọi điện thông báo về việc được thăng cấp vượt bậc. Tính ra kể từ lúc vào công ty, tôi chỉ mất 3 năm rưỡi để đạt đến cấp một người Nhật bình thường phải mất 7, 8 năm. Thêm nữa, chuyến công tác dài ngày kể từ 2021, theo đuổi ba dự án ở Việt Nam với tư cách quản lý đã khiến tôi vừa được nghỉ tết dương vừa được ăn tết âm Nhâm Dần ở nhà cùng với bố mẹ. 2021 với nhiều người trên thế giới có lẽ là một năm thảm hoạ nhưng với tôi, nó đã là một năm không đến nỗi nào.
Việc được thăng cấp gắn liền với những thành tích trong quản lý và kinh doanh, những chứng chỉ nghiệp vụ kế toán, quản trị, ngôn ngữ, kỹ thuật, tin học... mà tôi đã đạt được. Tuy nhiên tôi không phải là người thông minh xuất chúng, cũng chẳng phải kẻ tài ba hơn người gì. Là người Việt duy nhất trong công ty tổng của một tập đoàn lớn của Nhật, tôi cũng đã phải cố gắng rất nhiều. Nhưng bài viết này tôi cũng không muốn nói cụ thể về bản thân, về những việc mình đã làm. Tôi chỉ muốn đưa ra những chia sẻ, những lời khuyên để các bạn, những người tôi yêu mến, cũng có thể nhanh chóng thăng tiến, có được "thành tựu cảm", tức là niềm hạnh phúc khi đạt được thành tựu và được công nhận.
1. Trước khi nghĩ cho bản thân mình, hãy nghĩ cho công ty. Các bạn thường yêu cầu doanh nghiệp phải trả cho các bạn một mức lương nào đó mà các bạn cho là tương xứng với khả năng của các bạn. Nhưng doanh nghiệp lại không nghĩ như vậy. Cái thứ nhất doanh nghiệp quan tâm là giả sử bạn có 10 khả năng và kinh nghiệm thì trong 10 cái khả năng đó có bao nhiêu khả năng, kinh nghiệm thật sự có ích cho công việc mà doanh nghiệp sắp giao phó cho bạn. Cái thứ hai doanh nghiệp quan tâm là bạn sẽ tạo ra, mang về bao nhiêu lợi ích cho công ty. Nếu họ nhận thấy năng lực của bạn tốt, lợi ích bạn mang lại cho công ty nhiều thì họ sẽ không ngần ngại tăng lương, thăng chức, gia tăng đãi ngộ để giữ bạn lại vì như vậy bạn sẽ cống hiến cho họ lâu dài hơn. Nhưng nếu bạn chỉ có tiếng tăm mà không có thực lực, hoặc có thực lực nhưng thái độ với công việc kém, thiếu trách nhiệm thì đến một thời điểm nào đó sẽ bị đào thải, dù CV của bạn có đẹp đến đâu hay công ty ban đầu có trả lương cao thế nào chăng nữa. Do đó, hãy làm hết sức, cố gắng hết mình. Nếu bạn thực sự tạo ra lợi ích thì doanh nghiệp sẽ không bao giờ bạc đãi bạn.
Người Việt thường có suy nghĩ chuông tan giờ làm đã đổ, từ giờ không tiếp nhận điện thoại, không trả lời tin nhắn liên quan đến công việc. Đây là lối suy nghĩ sẽ kéo các bạn tụt lùi hoặc khiến các bạn dậm chân tại chỗ. Tôi không ủng hộ việc các bạn quanh quẩn với công việc tối ngày. Tôi luôn muốn mọi người tìm thấy đam mê, sở thích riêng của mình và dành thời gian cho nó để sống một cuộc đời ý nghĩa. Nhưng khi nhận được liên lạc ngoài giờ làm, hãy hiểu rằng chính người cấp trên, người đồng nghiệp đó cũng không muốn làm phiền bạn trừ khi họ thật sự cần đến phản hồi của bạn vào lúc đó. Hãy tiếp nhận với thái độ tích cực và giúp đỡ họ hết sức có thể. Trong những lúc công ty khó khăn, hãy chia sẻ để cùng công ty vượt qua. Đừng có hơi động một tí đến lợi ích của mình thì giãy nảy lên trong khi tổn thất lớn đến lợi ích của công ty thì coi như chuyện chẳng liên quan. Nếu bạn chỉ muốn đồng cam chứ không muốn cộng khổ với doanh nghiệp thì bạn chẳng thể tồn tại được ở đâu lâu dài.
2. Nếu bạn nghĩ bạn chỉ cần làm tốt công việc của bạn ở vị trí hiện tại là kiểu gì bạn cũng được thăng lên chức vụ cao thì đó là một lối suy nghĩ sai lầm. Những vị trí quản lý chủ chốt trong công ty thường chỉ đếm trên đầu ngón tay, và vị trí tổng giám đốc thì chỉ có một. Nếu bạn muốn làm người điều hành, bạn phải có suy nghĩ và năng lực của một người điều hành. Một người công nhân nếu chỉ quan tâm đến việc ngày làm đủ giờ, đủ việc thì mãi sẽ chỉ là một người công nhân. Nhưng một người công nhân biết chủ động gia tăng năng suất, biết đưa ra những cải tiến hợp lý, tức là tạo ra lợi ích trên kỳ vọng của doanh nghiệp với một người công nhân thì người công nhân đó sẽ nhanh chóng trở thành trưởng chuyền, trưởng công đoạn, trưởng bộ phận. Người trưởng bộ phận đó nếu nắm rõ được tình trạng hiện tại của sản xuất, không chỉ ở bộ phận mình mà còn chủ động tìm hiểu bộ phận khác, bên cạnh việc làm tốt công việc của mình thì tiếp tục đưa ra những đề án, những sự cải tiến khác, đồng thời biết cách quản lý, khiến các bộ phận phối hợp nhuẫn nhuyễn với nhau thì người trưởng bộ phận đó sẽ nhanh chóng thành quản đốc toàn xưởng. Người quản đốc đó nếu nắm được tình hình phát triển của công ty từ lúc hình thành, tìm hiểu và nắm được xu thế của tương lai với những sản phẩm công ty đang làm ra, hoạch địch được những kế hoạch phát triển chiến lược, những khách hàng trọng điểm, những đề án lớn để công ty trưởng thành và lớn mạnh hơn thì người quản đốc đó sẽ lọt vào ban điều hành và sớm muộn gì cũng thành tổng giám đốc. Quá trình đi từ một người công nhân lên làm tổng giám đốc có vẻ như rất dài nhưng thật ra lại nằm gọn trong sự chủ động của bạn. Chủ động làm tốt công việc hiện tại, tuyệt đối tuân thủ nội quy công ty, chủ động suy nghĩ và cải tiến, chủ động trang bị những kiến thức và kỹ năng cho các vị trí quản lý cao hơn, chủ động tìm hiểu tâm tư của cấp dưới để có những đối ứng kịp thời, hợp tình hợp lý, chủ động mở rộng các mối quan hệ, chủ động tìm hiểu và nắm bắt được tình trạng của công ty, nắm bắt xu thế của thời đại để đưa ra phương hướng giúp công ty phát triển.
3. Hãy tìm hiểu kỹ các thông tin để trả lời các câu hỏi của cấp trên một cách rõ ràng. Không phải người ta chỉ hỏi một câu là các bạn chỉ trả lời duy nhất cái câu đó. Hãy cung cấp thêm các thông tin khác liên quan đến việc được hỏi để cấp trên thấy rằng bạn thật sự đã tìm hiểu toàn cảnh và có sự chuẩn bị kỹ càng. Nếu bạn chỉ trả lời câu đó nhưng sau đó cấp trên lại hỏi câu khác liên quan mà bạn kêu lên "Ơ, cái này để em đi hỏi lại" thì tức là bạn đã mất điểm rồi. Khi báo cáo, hãy luôn nói chuyện bằng những con số. Ví dụ: "Trong mảng này thị phần của công ty A đang nhiều hơn công ty B ạ". Ủa chứ vậy cụ thể nhiều hơn là nhiều hơn bao nhiêu phần trăm? Biến động thị phần 5, 10 năm gần đây như thế nào? Là đơn vị nào đã thống kê ra nguồn thông tin đó? Tại sao lại có sự chênh lệch đó ở hiện tại?... "Do dịch bệnh nên khách hàng sẽ giảm sản xuất, và chúng ta dự kiến cũng giảm sản lượng ạ". Ủa vậy giảm sản xuất là giảm bao nhiêu phần trăm? Cụ thể là bao nhiêu sản phẩm? Ảnh hưởng đến việc giảm sản lượng của chúng ta cụ thể là bao nhiêu? Ảnh hưởng đến doanh thu cụ thể như thế nào? Những nguyên vật liệu mà ta đã đặt theo dự toán của khách hàng sẽ xử lý ra sao? Đối với bất lợi này chúng ta phải đối ứng làm sao? Khách hàng họ tính toán kế hoạch phục hồi thế nào? Do dịch bệnh hả? Thế tình hình dịch bệnh hiện tại ngoài xã hội ra sao? Ở khu vực A khu vực B ra sao? Tỷ lệ tiêm vắc xin thế nào rồi? Hướng xử lý của chính quyền thế nào?... Vì cấp trên cũng cần có cái nhìn toàn cảnh để xây dựng chiến lược nên những câu hỏi như những cú đấm móc hàm sẽ liên tục giáng xuống, và nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, bạn chắc chắn sẽ mất điểm.
4. Một người được làm cấp trên của bạn tức là họ có lý do để được làm cấp trên của bạn. Thông thường họ sẽ phải quản lý một khối lượng công việc nhiều hơn, đồng thời sẽ là người được đánh giá là mang lại lợi ích cho công ty nhiều hơn. Nếu bạn làm tốt công việc của mình và biết nghĩ cho cấp trên, biết người ta đang lo lắng cái gì để chia sẻ với họ, cung cấp đầy đủ thông tin, thậm chí làm hộ việc cho họ, cấp trên sẽ an tâm hơn và có thời gian hơn dành cho những việc lớn khác, giúp tạo ra nhiều giá trị cho công ty hơn. Giá trị đó trước tiên sẽ được phân bổ trong công ty và bạn là một trong số đó, sau đó phân đến tay những nhà đầu tư, tức là các cổ đông và sau đó chảy ra ngoài xã hội. Thứ hai, bạn được làm cấp trên của một người tức là bạn có lý do để được bổ nhiệm vào vị trí đó. Hãy kiên nhẫn chỉ bảo tận tình cho cấp dưới để họ không những biết việc mà còn có thể làm tốt việc, để bạn không phải mất thời gian sửa chữa công việc của họ, từ đó có thời gian cho những việc khác tạo ra nhiều giá trị hơn. Bản thân tôi là một người cầu toàn và tôi thường có một suy nghĩ xấu là "Để cho bạn làm rồi tôi lại phải sửa lại, lại bảo bạn làm lại và rồi tôi lại sửa lại lần nữa, thà tôi tự làm luôn từ đầu cho đỡ tốn thời gian và an tâm". Nếu cứ suy nghĩ như tôi, cấp dưới sẽ không thể phát triển được và tôi cũng không có thời gian cho những việc khác được. Ôm đồm nhiều việc sẽ còn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bản thân tôi cũng đã phải cố gắng để thay đổi điều này, nhưng thật tình sau khi được thăng cấp tôi cũng chưa biết phải làm gì với cấp dưới người Nhật của mình.
5. Kiến thức là quan trọng nhưng hãy học có chọn lọc. Bạn ghét học toán, bạn ghét ngoại ngữ, bạn chỉ hứng thú với thơ văn, bạn chỉ ham tìm hiểu về lịch sử? OK, cuộc sống của bạn nên bạn hoàn toàn có quyền chọn lựa những thứ bạn muốn học. Nhưng nếu bạn muốn thăng tiến trong sự nghiệp, thay vì dành nhiều thời gian cho những thứ bạn muốn học, bạn hãy dành thời gian cho những thứ bạn phải học để phục vụ cho công việc và chuẩn bị cho sự thăng tiến trong tương lai. Một người quản lý ít nhất phải nắm được kỹ thuật về các sản phẩm trong công ty, biết ngôn ngữ để trao đổi, truyền đạt chính xác tới khách hàng, biết kế toán để nắm được các hoạt động chi tiêu, hiểu được các báo cáo tài chính nội bộ cũng như luật thuế hiện hành, biết định giá doanh nghiệp, biết incoterms (tức các điều khoản thương mại quốc tế), biết quản trị, hoạch định chiến lược phát triển, biết tìm hiểu các thông tin để tạo nên độ tin cậy cho đề án chiến lược đó, thành thạo tin học văn phòng để thể hiện đề án, kế hoạch đó một cách sinh động và dễ hiểu. Bạn thấy không, câu chuyện lúc này không còn là bạn muốn học cái gì mà là bạn cần học cái gì để phù hợp với vị trí mà bạn hướng đến. Bạn chính là người lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Đừng chỉ sống ngày nào biết ngày đó. Hãy tự hỏi bản thân trong 5 năm nữa, 10 năm nữa bạn muốn mình trở thành cái gì, và để đạt được mục tiêu đó bạn sẽ xây dựng cho mình kế hoạch ra sao, và để làm được kế hoạch đó bạn phải trang bị cho mình những thứ gì.
Chúc các bạn hạnh phúc và thành công.
16/1/2021
Nguyễn Hoàng Trung
(Share không cần hỏi)
"
https://www.facebook.com/nhantrungchithan/posts/10220538266589601
https://www.facebook.com/nhantrungchithan/posts/10220538266589601
2. Cuối tháng 1 năm 2021
"
Vậy là tháng một coi như cũng đã qua. Và cũng phải đến thời điểm này tôi mới có thời gian ngồi viết những dòng này cho các bạn. Thân ở phòng quản trị chiến lược, giám sát hoạt động kinh doanh của các chi nhánh tại nước ngoài, nếu như năm tài khoá của Nhật bắt đầu từ đầu tháng tư này đến cuối tháng ba năm sau, và lúc này những người đảm nhiệm thị trường trong nước đang nhàn rỗi thì năm tài khoá của thị trường hải ngoại vừa qua giai đoạn chuyển giao, khiến cho công việc của tôi quá bận rộn. Sau cả tháng ăn ngủ với công việc, báo cáo tổng kết của tôi trình lên hội đồng quản trị tập đoàn đã được thông qua, và từ hôm nay tôi có thể thong dong cho đến cuối tháng hai, thời điểm kết thúc kỳ nghỉ năm mới tại Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc.
Vậy tại sao lại có cái bài này. Hôm trước có bạn hỏi thôi làm sao thi N1 (chứng chỉ cao nhất của kỳ thi Nhật ngữ JLPT) được điểm cao, khiến tôi phì cười. Tôi viết bài này không chỉ dành riêng cho bạn đó mà còn dành cho những bạn khác đang có chung tư tưởng như vậy.
Tôi năm nay 34 tuổi, là nhân viên người Việt duy nhất tại công ty tổng của một tập đoàn Nhật Bản. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật, ngoại ngữ tự học từ A đến Z (ngoại trừ tiếng Anh được học ở phổ thông như tất cả mọi người). Tôi lấy N1 cách đây khoảng 4 năm gì đó. Nếu các bạn biết tôi từ lâu hẳn đều hiểu cái tính của tôi, không đánh giá cao các chứng chỉ ngoại ngữ. Người ta thường coi chứng chỉ là công cụ để đánh giá phần nào khả năng ngoại ngữ của một con người. Ok. Nhưng tôi nghĩ cái quan trọng hơn cả chứng chỉ là khả năng thực sự của bạn trong việc sử dụng ngôn ngữ đó một cách thực tế đến đâu. Nếu tại thời điểm cách đây 4 năm đó công ty không bắt tôi phải có N1 cho tròn thủ tục (dù công ty biết năng lực tiếng Nhật của tôi, một phiên dịch viên cấp chính phủ ở mức nào) thì tôi cũng chẳng thi làm gì. Tôi thi một lần là đỗ, và sau khi báo công ty thì gần như không bao giờ động tới cái chứng chỉ đó nữa. Những người học tiếng Nhật đều biết từ vựng và ngữ pháp trong N1 có rất ít tính thực dụng, gần như không mấy khi gặp trong công việc và cuộc sống. Vậy tại sao các bạn phải lăn lộn để không những lấy được chứng chỉ mà còn phải lấy được điểm cao, dù phải ôn và thi đi thi lại vài lần. Để làm gì?
Như các bạn biết, tôi là phiên dịch viên cabin Anh - Nhật cho chính phủ Nhật Bản tại APEC 2017. Ngoài ra khi còn ở Việt Nam tôi nhiều lần còn là phiên dịch viên tiếng Trung và tiếng Pháp cho các công ty, tổ chức chính phủ cũng như phi chính phủ khác. Với tôi mà nói nghề phiên dịch là cái nghề quá thảnh thơi. Chỉ cần bạn làm chủ ngôn ngữ đó (điều sẽ khiến bạn tốn nhiều thời gian và công sức nhưng rất xứng đáng), bạn có thể kiếm tiền một cách dễ dàng. Với các phiên dịch viên đỉnh cao, nhất là dịch đa ngữ, thù lao một giờ tính bằng vài trăm đô là chuyện bình thường. Tháp tùng các quan chức chính phủ, ở khách sạn 5 sao, bước chân ra cửa có xe sang đưa đón. Chỉ cần truyền tải chính xác nội dung cần dịch mà không cần quan tâm đến kết quả của việc truyền tải đó ra sao. Xong việc nhận tiền. Mọi thứ chẳng phải quá thảnh thơi hay sao? Công việc tự do nên thích thì làm, không thích thì ở nhà hoặc đi du lịch. Tôi đâu có cần phải thi cho được N1, HSK6, IELTS 8.0 hay DALF để làm được những việc đó (mặc dù những kỳ thi này với tôi mà nói khá đơn giản và chẳng nói lên gì nhiều). Mà kể cả các bạn có thi được cũng chưa chắc đã vào được cabin, đã làm được việc, bởi công việc yêu cầu kiến thức thực dụng và sự nhạy bén của đầu óc.
Nhưng phiên dịch không phải là cái đích cuối cùng mà tôi hướng tới. Khi cho rằng mình đã lên đến đỉnh cao của nghề, tôi muốn tìm một lối đi mới với những thử thách mới. Một phần vì vậy nên tôi mới rời Việt Nam, qua đây định cư và làm cái công việc hao tổn chất xám này. (Anh chị em trong làng dịch chắc cũng tự hỏi sao Trung thần thông tự nhiên biến mất. Chân thành xin lỗi anh chị em vì không thể ở lại Việt Nam bồi tiếp mọi người). Nếu bạn đủ giỏi để có thể tung hoành trong nghề dịch và chẳng có hoài bão gì hơn, bạn có thể dừng đọc bài ở đây. Còn nếu không, hãy đọc thêm những chia sẻ phía dưới của tôi về việc kiện toàn giá trị một con người.
Quay trở lại với cái N1 của bạn. Việc bạn cố gắng thi vài lần cho được điểm cao, theo tôi nhìn nhận là một điều vô nghĩa. Bạn đang lãng phí thời gian và tiền bạc của mình để chứng minh một thứ chẳng đi tới đâu. Thành thật với nhau, chúng ta đều biết chứng chỉ là thứ chỉ cần chăm chỉ ôn là kiểu gì cũng đỗ, vì cái mô tuýp và phạm vi của đề thi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vậy. Thay vì nói chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ thật sự của bạn thì nên nói chứng chỉ đánh giá năng lực ghi nhớ của bạn sẽ đúng hơn. Nếu bạn cho rằng có được chứng chỉ đó là bạn đã làm chủ được ngôn ngữ đó tức là bạn đã tự biến mình thành trò hề. Và cứ cho là bạn đã biết ngoại ngữ, rồi sao? Tôi sẽ dẫn chứng công việc thực tế của tôi ra cho bạn hiểu.
Những nghiệp vụ chính mà tôi phải làm tại cương vị hiện tại như sau:
1. Soạn thảo các hợp đồng kinh tế chủ yếu bằng tiếng Trung và tiếng Nhật, thi thoảng phải dịch chúng sang tiếng Anh. Để làm được việc này bạn không những cần kiến thức vững về ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng mà còn phải nắm luật kinh tế và xuất nhập khẩu (Incoterms), thứ mà chắc chắn phải học mới làm được.
2. “Check and correct” bản vẽ kỹ thuật của nhà thầu. Xuất thân là một kỹ sư nên việc vẽ CAD và đọc bản vẽ kỹ thuật là điều bắt buộc mà tôi phải làm được. Dân kỹ thuật nói chuyện với nhau bằng bản vẽ, không phải a du gên ki đu du oăn mi.
3. Giám sát hoạt động kinh doanh và phát triển của các chi nhánh tại hải ngoại thông qua việc phân tích báo cáo tài chính mỗi tháng họ gửi về. Để làm được điều này bạn bắt buộc phải có kiến thức về kế toán (ghi sổ và lập báo cáo tài chính), và theo thói quen của các công ty Nhật, họ sẽ bắt bạn thi chứng chỉ kế toán chuẩn Nhật, thứ mà tôi mới lấy được năm ngoái. Dân kế toán nói chuyện với nhau bằng những con số, bằng 勘定科目, không phải du phai am phai let gâu tăng hai. Ngoài ra các kiến thức tài chính như tính giá trị doanh nghiệp theo DFC, tính ROE, ROIC v.v... cũng bắt buộc phải biết.
4. Lên chiến lược phát triển tại các thị trường tiềm năng. Tại sao lại nên đầu tư cho ngành X tại thị trường Y mà không phải là Z. Và nếu quyết định đầu tư thì đầu tư như thế nào, xây nhà máy ở đâu, đất rộng bao nhiêu, cần mua thiết bị gì, công suất bao nhiêu, tuyển từng nào công nhân, sau bao nhiêu năm thì có lãi…, tất cả những thứ đó tôi đều phải lên đề án. Để làm được những điều này ngoài kiến thức chung ra bạn phải có kiến thức quản trị chiến lược và phải chứng minh được bằng chứng chỉ quản trị chiến lược chuẩn Nhật.
5. Đi công tác các nước, liên tục giám sát, phát hiện, giải quyết và cải thiện những vấn đề tồn đọng tại chi nhánh ở nước sở tại. Năm ngoái do dịch bệnh nên không đi đâu được nhưng năm 2019 tổng thời gian tôi đi công tác nước ngoài đã chiếm mất khoảng nửa năm, chủ yếu tại Hồng Kong, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
Và ngoài ra, cũng rất quan trọng, để cụ thể hoá kết quả những nghiệp vụ trên bằng tài liệu thuyết trình, bạn phải thành thạo Excel và PowerPoint ở trình độ master. Bạn biết người Nhật giỏi Excel như thế nào rồi chứ? Và để báo cáo của mình được thông qua, tôi cũng phải làm được như vậy. Còn công việc phiên dịch thảnh thơi mà tôi từng làm ngày xưa đã gần như biến mất trong những nghiệp vụ hiện tại. Chỉ khi rất hiếm hoi có đoàn khách của chính phủ địa phương nước nào đó qua thăm công ty tổng thì tôi mới phải ra mặt để dịch.
Bây giờ, hãy nhìn lại bản thân bạn. Với (những) chứng chỉ ngoại ngữ của mình, bạn muốn thành một phiên dịch viên giỏi và sống thảnh thơi ở Việt Nam? Chẳng khó gì. Bạn muốn làm một ông giáo trong trung tâm ngoại ngữ riêng của mình? Càng dễ dàng hơn. Nhưng nếu bạn muốn khẳng định bản thân trong xã hội Nhật Bản, bạn trước tiên phải biết mình là ai và so với người bản địa mình có cái gì để cạnh tranh với họ? Tiếng Nhật của bạn có giỏi như người bản địa chăng nữa cũng khó mà đấu nổi với họ nếu bạn muốn xin lấy một công việc tử tế tại những tập đoàn lớn, vì thử hỏi ngoài tiếng Nhật ra bạn có cái gì?
Vậy nên thay vì lãng phí thời gian vào việc ôn cho được N1 điểm cao, hãy thực tế hơn bằng việc trang bị cho bản thân mình thêm những kiến thức có ích khác. Khi người Nhật chẳng coi các văn bằng chứng chỉ do phía Việt Nam cấp ra gì, hãy chinh phục họ bằng các văn bằng chứng chỉ chuẩn Nhật hoặc chuẩn quốc tế, bằng kiến thức thật của mình. Hãy lên cho họ những đề án khiến họ phải vỗ trán mà than sao bản thân họ lại không nghĩ ra. Đó mới là thứ khiến họ nể phục và trọng dụng bạn. Còn ngôn ngữ mãi mãi cũng chỉ là công cụ, không hơn không kém. Có giỏi ngoại ngữ đến đâu, có thành thạo bao nhiêu ngoại ngữ chăng nữa cũng chỉ vậy thôi. Đừng bao giờ quên điều đó.
PS: Các bạn có thể chia sẻ bài viết mà không cần hỏi ý kiến tôi. Nếu được hãy chia sẻ vào mấy group luyện thi tiếng Nhật gì gì đó để hy vọng những người trẻ sẽ biết sử dụng thời gian của mình một cách hợp lý hơn.
30/1/2021
- Nguyễn Hoàng Trung
"
https://www.facebook.com/nhantrungchithan/posts/10218646063765713
1. Ngày 10/4/2019
Hôm nay công ty tôi có phái một người đến đại sứ quán Việt Nam để lấy visa cho hai nhân viên công ty. Theo biểu mức thu lệ phí công bố trên trang chủ của đại sứ quán, mức thu cho visa loại có giá trị đến 3 tháng là 50 USD một tấm. Đại lý mà chúng tôi nhờ xin công văn hộ cũng nói với chúng tôi rằng phải cẩn thận với đại sứ quán Việt Nam vì chúng có thể thu thêm phí cao hơn quy định. Lẽ ra tôi muốn mình đích thân đi lấy phòng khi có chuyện còn nói lý với chúng nó nhưng công ty lại có sự sắp xếp khác nên mới điều một chị Trung Quốc đi thay. Tiếng Nhật của chị ấy không khác gì người Nhật, lại nghĩ chắc người của đại sứ quán cũng nói được tiếng Nhật nên cũng an tâm. Ai dè chị đến nơi thấy vẻn vẹn có 3 cái cửa phục vụ, vậy mà chỉ có duy nhất một người nói được tiếng Nhật. Thậm chí còn là loại tiếng Nhật ngu ngơ trọ trẹ ăn không nên đọi nói chẳng nên lời. Thái độ phục vụ thì vô cùng kém cỏi. Vì ngôn ngữ bất đồng nên chị không thể nói lý với bọn đó, kết quả là đã bị thu quá mức quy định mỗi tấm 50 USD. Thay vì chỉ phải trả 100 USD cho 2 tấm visa thì chị ấy đã phải trả 200 USD.
Vẫn biết trong nước ăn bẩn cũng nhiều, không ngờ sang đến xứ văn minh mà chúng nó vẫn ăn bẩn. Tại sao lại đưa những người không biết tiếng Nhật vào đại sứ quán Nhật làm ở vị trí tiếp dân? Tại sao lại thu phí quá quy định? Có lẽ đây đều là “bí mật quốc gia” mà chẳng ai phải tìm câu trả lời.
Thật nhục nhã.
..
2. Cuối tháng 1 năm 2021
Trả lờiXóa"
Nguyễn Hoàng Trung
30 tháng 1 lúc 13:02 ·
BIẾT NGOẠI NGỮ, RỒI SAO?
Vậy là tháng một coi như cũng đã qua. Và cũng phải đến thời điểm này tôi mới có thời gian ngồi viết những dòng này cho các bạn. Thân ở phòng quản trị chiến lược, giám sát hoạt động kinh doanh của các chi nhánh tại nước ngoài, nếu như năm tài khoá của Nhật bắt đầu từ đầu tháng tư này đến cuối tháng ba năm sau, và lúc này những người đảm nhiệm thị trường trong nước đang nhàn rỗi thì năm tài khoá của thị trường hải ngoại vừa qua giai đoạn chuyển giao, khiến cho công việc của tôi quá bận rộn. Sau cả tháng ăn ngủ với công việc, báo cáo tổng kết của tôi trình lên hội đồng quản trị tập đoàn đã được thông qua, và từ hôm nay tôi có thể thong dong cho đến cuối tháng hai, thời điểm kết thúc kỳ nghỉ năm mới tại Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc.