Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

31/01/2019

Với đề bài "Em hãy viết một lá thư gửi thầy cô giáo cũ": bài làm của một số học sinh tiêu biểu

Đầu tiên, là lá thư mới được viết vào hạ tuần tháng 1 năm 2019, trước Tết Nguyên Đán năm Hợi, của học trò Nguyễn Phú Trọng.

Ở trên cùng của lá thư viết tay, người học trò viết tên của mình vào đó. Lá thư chắc là được chuyển tay trực tiếp tới cô giáo, mà không phải là thư gửi qua bưu điện. 




Dưới đó, ở phần bổ sung, là của các em học sinh khác. Làm dần.



---


Tháng 1 năm 2019
(học trò Nguyễn Phú Trọng)

1.

Thứ Tư 30/01/2019 - 06:49




Dân trí Dịp Tết cổ truyền của dân tộc sắp đến gần, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư tay chúc mừng cô giáo Đặng Thị Phúc, một cô giáo tiểu học của ông. 

>>Có ai nhớ ngày Tết thầy cô? 
>>Quà Tết thầy cô: Cốt ở tấm lòng

Bức thư với những lời giản dị, mộc mạc được viết vào ngày 25/1/2019 (tức ngày 20 tháng Chạp) vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được cô giáo Phúc nhận với niềm vui mừng, cảm động và đầy tự hào về cậu học trò cũ.
Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lời kính thăm cô giáo cũ và gia đình. Ông kính chúc thầy cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ, an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới.
Trong phần tái bút, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trân trọng viết: "Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo".
Cô giáo Đặng Thị Phúc (nay 86 tuổi) là giáo viên tiểu học của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Sau khi học xong sư phạm, cô Phúc về xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) dạy học.





Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư tay chúc Tết cô giáo cũ - 1
Hình ảnh bức thư Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc mừng năm mới cô giáo Đặng Thị Phúc được gia đình cô trân trọng, xúc động chia sẻ.


Lớp 4 cô dạy, số lượng học sinh của xã Mai Lâm ít quá nên phải kết hợp với xã Đông Hội để đủ một lớp. Mai Lâm 33, Đông Hội 15 em với nhiều độ tuổi khác nhau cùng tụ tập về mái đình thôn Mai Hiên học tập. Học trò lớn nhất lớp tên Duy, là lớp trưởng và bằng tuổi cô giáo. Còn học trò nhỏ nhất, ở xã Đông Hội ngày ấy chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bây giờ.
Giữa đám học trò lam lũ đủ mọi lứa tuổi, học trò Trọng để lại ấn tượng sâu sắc nhất với cô bởi nhỏ tuổi nhất nhưng lại học giỏi nhất lớp, rất thông minh, hăng say giơ tay phát biểu, chữ viết tròn và đẹp.
Trong ký ức của cô giáo Phúc, trò Trọng ngày ấy đi học từ nhà ở thôn Đông Trù phải qua thôn Lê Xá, vượt qua một cánh đồng mới đến được lớp. Suốt thời gian học lớp 4 cậu chỉ mặc mỗi bộ quần áo bà ba xử tà màu nâu, đi chân đất không kể đông hay hè. Nhưng với sự thông minh và nỗ lực, chăm chỉ, học trò Trọng cuối năm đã xuất sắc đứng vị trí thứ nhất, đại diện học sinh giỏi toàn diện báo cáo điển hình trước toàn trường.
Trò Trọng lên học trường cấp 2 Nguyễn Gia Thiều nhưng vẫn thường cùng anh lớp trưởng Duy đến thăm cô Phúc. Sau đó, cô chuyển nhà đi nơi khác nên hai cô trò mất liên lạc.
Sau hai năm dạy lớp 4, cô Phúc đi học và ra dạy cấp 2, môn Toán. Cô nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Năm 2001, sau khi dự buổi họp mặt với học sinh lớp 4 năm ấy, cô Phúc được báo tin "Cô ơi, học trò Phú Trọng bây giờ làm to lắm".
Vui mừng vì sự trưởng thành của trò Trọng, cô giáo Đặng Thị Phúc đã ấp ủ tâm tư viết nên bài thơ đề "Người trò nhỏ năm xưa" (tặng N.P.T). Thế nhưng mãi đến năm 2005, cô mới có dịp đọc bài thơ này ở hội thơ nhà giáo. Cô không ngờ, chính bài thơ đó đã giúp "Người trò nhỏ năm xưa" tìm lại cô giáo mình.
Vài hôm sau, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bất ngờ tìm đến thăm cô giáo tiểu học cũ của mình. Lúc bước vào nhà, ông Nguyễn Phú Trọng trách "mấy chục năm rồi mới được gặp, thế mà cô còn không cho em đến ". Cô trò cứ nhìn nhau xúc động không nói nên lời.




Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư tay chúc Tết cô giáo cũ - 2
Tổng Bí thư đến nhà thăm cô giáo cũ năm 2011


Nhận được bức thư tay giản dị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết, gia đình cô giáo Đặng Thị Phúc vô cùng cảm động, và trân trọng tình cảm tri ân chân thành, giản dị trong thư của người đứng đầu đất nước.
Chị Trần Thị Xuân Phương, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, con gái của cô Đặng Thị Phúc (86 tuổi) cho biết: "Mẹ tôi sức khỏe đã yếu nhiều nhưng nhận được tình cảm, sự quan tâm của những người học trò cũ trong dịp Tết này khiến bà được tiếp thêm sức lực và niềm vui trong cuộc sống".
Trao đổi với PV Dân trí, chị Hồng Mai, con gái thứ hai của cô Đặng Thị Phúc (86 tuổi) tâm sự: “Thực ra thư tay ở thời đại này, một người nào viết cho người nào cũng là hiếm có khó tìm, ở đây lại là một người đứng đầu đất nước viết thư (mà còn là thư tay) để chúc mừng cô giáo cũ khiến gia đình vô cùng xúc động. Bố tôi có làm một thống kê nhỏ biết được rằng, qua 20 năm cả hai bên gia đình họ hàng nội ngoại có tổng cộng hơn 100 thầy cô giáo. Nghề giáo là nghề truyền thống của gia đình chúng tôi, tôi trước đây cũng là giáo viên của trường Sư phạm nhưng gia đình chúng tôi không nghĩ có một ngày lại nhận được thư của người lãnh đạo ở cương vị đứng đầu đất nước.
Bác Trọng và gia đình tôi có tình cảm thân thiết từ lâu mặc dù không có thời gian gặp gỡ nhưng lúc nào bác cũng dành cho mẹ tôi, các cô, các chú trong gia đình tôi tình cảm đẹp. Nhận được thư bác Trọng, gia đình chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp trong từng câu chữ. Quả là một niềm hạnh phúc vô cùng to lớn trong dịp Tết đến, Xuân về.
Một bức thư tay, với chúng tôi, là tình cảm chân thành, độc đáo trong thời buổi này. Cầm bức thư tay, tôi thấy hoài cổ cũng có cái hay cái đẹp  và gia đình mình thật diễm phúc vì mẹ có người học trò tuyệt vời bác Trọng.
Thông qua báo Dân trí, tôi xin thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - người bạn thân thiết, người học trò quý của mẹ tôi. Kính chúc bác luôn mạnh khỏe, an khang, hạnh phúc, lãnh đạo đất nước Việt Nam phát triển ngày càng phồn vinh”.
Lệ Thu

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-gui-thu-tay-chuc-tet-co-giao-cu-20190129194743764.htm





2.


Thứ Năm 31/01/2019 - 05:35

Thông điệp “vận nước” từ bức thư ông Trọng gửi cô giáo cũ

(Dân trí) - Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư cho cô giáo từng dạy mình từ những năm tiểu học tại thời điểm này, theo người viết, không chỉ là đạo lý, là tình cảm mà còn ẩn chứa trong đó nhiều thông điệp.



m_cogiao.jpg



Những ngày qua, nhiều tờ báo đăng tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tự tay viết thư chúc mừng năm mới cô giáo cũ.
Bức thư được viết vào ngày 25/1/2019 (tức ngày 20 tháng Chạp) gửi cô giáo dạy môn toán từ năm lớp 4 - Đặng Thị Phúc, năm nay cụ Phúc đã 86 tuổi.
Thư ông Trọng viết: “Kính thưa cô giáo Đặng Thị Phúc, nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Kỷ Hợi 2019 - em xin có mấy lời kính thăm Cô và gia đình.
Kính chúc Thầy Cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới".
Ở cuối bức thư, người học trò cũ Nguyễn Phú Trọng viết thêm: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”.
Thật ra, việc ngày lễ tết, học trò tri ân thầy, cô giáo của mình nằm trọng đạo lý tôn sư, trọng đạo ngàn đời của người Việt. “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”.
Song, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư cho cô giáo từng dạy mình từ những năm tiểu học tại thời điểm này, theo người viết, không chỉ là đạo lý, là tình cảm mà còn ẩn chứa trong đó nhiều thông điệp.
Thứ nhất, công bằng nhìn nhận thì những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, cả sự xuống cấp của đạo đức xã hội lẫn ở đâu đó, lúc này, lúc khác có những người thầy chưa thật “trọng đạo” nên khó được trò “tôn sư”. Điều đó khiến hình ảnh người thầy ít nhiều bị ảnh hưởng.
Việc ông Trọng gửi thư chúc mừng cô giáo cũ của mình phải chăng là sự  khẳng định vai trò, vị thế cao quý của người thầy không hề thay đổi? Nói cách khác, dù có những tồn tại nào đó ở một số nơi, một số chỗ nhưng không vì vậy mà vị thế người thầy mai một.
Thông điệp thứ hai, đây chính là hành động làm gương, nhắc nhở những cán bộ, công chức, quan chức hãy luôn ghi nhớ bổn phận và trách nhiệm của mình với thầy cô bởi “Không thầy, đố mày làm nên”.
Thực tế đã cho thấy, cũng có người khi có chức, có quyền, có danh, có vọng thường “quên” công lao người đã dạy dỗ nên mình từ thủa ấu thơ.
Thứ ba, cách đây gần 300 năm, Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng khuyến cáo 5 nguy cơ dẫn đến mất nước. Trong đó, “Trò không trọng thầy” đứng thứ hai (Trẻ không kính già. Trò không trọng thầy. Binh kiêu tướng thoái. Tham nhũng tràn lan. Sĩ phu ngoảnh mặt).
Việc TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng năm mới cô giáo cũ đã thể hiện sự kính trọng của mình (học trò) với thầy (cô giáo).
Thứ tư, việc làm của TBT, Chủ tịch nước cũng là lời động viên, chia sẻ với các thầy, các cô, dù cuộc sống còn không ít khó khăn trong thời điểm tết đến, xuân về…
Có điều nữa, theo suy nghĩ của người viết bài này, đó là khi đất nước được lãnh đạo bởi một người có nghĩa, có tình, có đạo lý thì đó là khi vận nước đang lên!

Bùi Hoàng Tám
https://dantri.com.vn/blog/thong-diep-van-nuoc-tu-buc-thu-ong-trong-gui-co-giao-cu-20190131053641433.htm



3.

Cô giáo xúc động nhận thư chúc Tết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

08:43 30/01/2019

"Em xin có mấy lời kính thăm cô và gia đình. Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ những năm tháng được cô dạy bảo", bức thư gửi cô Đặng Thị Phúc có đoạn.



'15 năm nay trò Trọng luôn gửi thư chúc Tết cô giáo cũ' Dù chỉ theo dạy 1 năm, nhưng nhiều năm nay, cô Đặng Thị Phúc luôn nhận được thư chúc Tết viết tay của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
"Ngày xưa chữ cậu ấy tròn trịa và đẹp, giờ nét chữ lại cứng rắn, chân phương. Nhưng dù thời điểm nào, tôi cũng cho 10 điểm", cô Đặng Thị Phúc "chấm điểm" lá thư viết tay của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi tới chúc Tết Nguyên đán Kỷ Hợi hai vợ chồng vài ngày trước.
"Thói quen của nhà giáo rồi, cô khó bỏ", người giáo viên lớn tuổi cười hiền.
Co giao xuc dong nhan thu chuc Tet cua Tong bi thu Nguyen Phu Trong hinh anh 1
Vợ chồng cô giáo Đặng Thị Phúc đọc bức thư chúc Tết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Quang Huy.

Thư gửi cô lúc nào cũng viết tay

Gia đình cô Đặng Thị Phúc nhận được bức thư chúc Tết vào ngày 25/1 (tức 20 tháng Chạp). Ngoài phong bì phổ thông, giản dị, bức thư ghi "Kính gửi cụ Đặng Thị Phúc", bên trong ghi "Nguyễn Phú Trọng", không kèm theo chức vụ. Ký tên "Học trò cũ của cô".
Cuối thư, người học trò cũ chia sẻ: "Em xin có mấy lời kính thăm cô và gia đình. Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo".
"Ở ngoài ghi 'Gửi cụ', nhưng bên trong lại đề 'Kính thưa cô', thế là đáng quý. Dù lá thư không ghi kèm địa chỉ là 'Văn phòng Tổng bí thư' hay 'Văn phòng Chủ tịch nước' nhưng cô vẫn nhận ra. Ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11 hay Tết năm nào, trò Trọng cũng gửi thư tới, lúc nào thư cũng viết tay", cô Phúc xúc động.
Co giao xuc dong nhan thu chuc Tet cua Tong bi thu Nguyen Phu Trong hinh anh 2
Bức thư viết tay của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo cũ. Ảnh: Quang Huy.
Từ ngày nhận được lá thư, cô đã mở ra nhiều lần đọc cho con cháu nghe. Con rể cô là PGS.TS Vũ Xuân Đoàn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có nửa đùa nửa thật hỏi: "Chú Trọng gửi thư cho mẹ thế này, mẹ cho mấy điểm?"
Cô trả lời ngay: Bức thư gửi rất cẩn thận, lời lẽ tình cảm, thái độ chân thành. Dù chỉ là cô giáo dạy một năm tiểu học, nhưng tình cảm của cậu học trò này luôn khiến cô cảm thấy tự hào và trân trọng. Cô Phúc kể thêm, có những năm không tự mang thư tới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nhờ thư ký gửi tới đúng ngày, rồi gọi điện hỏi thăm.
"Trò Trọng dù là Chủ tịch nước, Tổng bí thư, nhưng đối với tôi vẫn chỉ là cậu học trò nhỏ. Tôi vừa mừng, vừa tự hào, vừa thầm nghĩ sao bận trăm công nghìn việc thế mà vẫn dành thời gian nghĩ tới cô giáo cũ", cô Phúc trầm ngâm.

Cậu học trò nghèo

Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn, quãng thời gian dạy học khó quên ở xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) được người giáo viên gần 90 tuổi kể lại, kèm theo đó là cả những câu chuyện về cậu học trò "nhỏ nhất lớp nhưng học giỏi nhất, nước da trắng xanh, cả năm trời chỉ mặc độc bộ áo nâu", mà cô hay gọi là "trò Trọng".
Ngày ấy, cô nữ sinh Đặng Thị Phúc vừa tốt nghiệp, về xã Mai Lâm dạy học. Lớp cô dạy là ghép giữa xã Mai Lâm với xã Đông Hội, học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó có lớp trưởng Duy, lớn nhất, bằng tuổi cô, và học trò Trọng, ít tuổi nhất.
Những ngày khó khăn, lớp học ở nơi làng quê nghèo, không có cửa, bàn ghế không đầy đủ, mùa đông giá lạnh, mùa hè thì nóng bức. 
Cậu học trò Nguyễn Phú Trọng nhà ở thôn Đông Trù, phải đi bộ quãng đường đất dài hơn 3 cây số để tới trường. Suốt bao nhiêu năm, cậu chỉ có bộ quần áo màu nâu, chân đi đất, nhưng cũng là cậu học trò xuất sắc, giỏi toàn diện nhất. 
Cuối năm học đó, trò Trọng được mời lên chia sẻ phương pháp học tập. 
"Nhìn trò ấy, tôi ứa nước mắt. Vẫn chiếc áo bà ba xẻ tà, quần màu nâu, chân đi đất, gương mặt ngại ngùng, chỉ có ánh mắt rất sáng và rạng rỡ.
Sau đó, trò Trọng lên cấp 2, nhà cô Phúc cũng chuyển đi nơi khác. Hai cô trò mất liên lạc từ đó.

'Cô ơi, em tìm cô mãi'

Khoảng 20 năm trước, cô Phúc được nghe tin trò Trọng "đang làm to lắm". Sau hôm đó, trở về, cô viết bài thơ với tựa đề "Người trò nhỏ năm xưa". Trong bài thơ, có đoạn: "Thơ ngây mái tóc mười hai. Áo nâu chân đất, ngô khoai đỡ lòng. Em trò nhỏ nhất kém chi. Hăng say phát biểu mỗi khi hiểu bài", và đề tặng N.P.T., rồi gửi cho một người bạn.
Mãi sau này, cô mới biết bài thơ đã tới được "cậu học trò nhỏ" và ông cố gắng tìm kiếm mình suốt nhiều năm. Một ngày, cô Phúc nhận được điện thoại, đầu dây bên kia chính là ông Nguyễn Phú Trọng, thời điểm đó đang là Chủ tịch Quốc hội.
Người học trò năm xưa thông báo "Em sẽ đến thăm cô".
Vài ngày sau, ông đến thật.
"Trò ấy đến khi tôi đang ở ngôi nhà thuê, đường khó tìm lắm, ấy thế mà vẫn tìm được. Vừa tới, em đấy đã nói 'Cô ơi em tìm cô mãi', rồi trách 'Bao nhiêu năm mới được gặp, thế mà cô không cho em đến'".
Sau câu ấy, hai cô trò xúc động nhìn nhau chẳng biết nói câu gì. "Cô nghĩ trò ấy trăm công nghìn việc, bận bịu lắm, không cần tới gặp cô", cô Phúc bồi hồi.
Co giao xuc dong nhan thu chuc Tet cua Tong bi thu Nguyen Phu Trong hinh anh 3
Bức ảnh chụp khi ông Nguyễn Phú Trọng tới thăm nhà cô Đặng Thị Phúc được treo tại phòng khách nhà cô. Ảnh: Quang Huy.
Vẫn gương mặt để mái tóc chéo, làn da trắng, khuôn mặt và nụ cười hiền ấy. Nhưng thời điểm đó, tóc cô Phúc còn đen, thì trò Trọng mái đầu đã bạc trắng.
Hôm đó, người học trò được cô tặng một cuốn thơ. Bức ảnh hai cô trò chụp chung được ông Trọng in ra, nhờ người mang tới, hiện giờ vẫn đang treo trang trọng trên tường nhà cô Phúc. 
Sau khi về hưu, hai vợ chồng cô chủ yếu ở nhà nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình. Cách đây 6 tháng, cô Phúc gặp một cơn đột quỵ, hôn mê. Bác sĩ thông báo cô có nguy cơ liệt nửa người.
"Sau cấp cứu, cô thoát chết, thoát liệt, nhưng biến chứng khiến mắt chỉ còn 1/10, một bên tai điếc hẳn, tai còn lại chỉ còn 40%", cô Phúc kể về cơn bạo bệnh. 
Chồng cô cũng là giáo viên, từng làm ở Bộ Giáo dục. Ông cho biết mới đây, gia đình đã đưa cô Phúc đi thay thủy tinh thể. 
"Vậy là vợ mắt tinh, tai yếu. Còn chồng lại mắt yếu, tai tinh. Thế là hai vợ chồng cứ ở vậy chăm nhau cho con cháu yên tâm đi làm", ông cười và chỉ lên bức ảnh đại gia đình với ba người con trai, gái, dâu, rể, cùng 6 đứa cháu, và một chắt ngoại mới ra đời.
Lá thư chúc Tết viết tay của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được cô Phúc gập cẩn thận, lưu giữ trong tủ kỷ niệm của gia đình, và chỉ mở ra khoe với khách quý.
"Năm trò Trọng được bầu làm Tổng bí thư, mùng 3 Tết vẫn gọi điện chúc Tết cô. Hôm đó đã là 10h đêm rồi, nghe bảo mới đi công tác trở về. Nói thế chứ, hôm nào tôi chẳng được gặp trò ấy, trên vô tuyến, ở chương trình thời sự", cô Phúc nói đùa, vẻ mặt tự hào.
https://news.zing.vn/co-giao-xuc-dong-nhan-thu-chuc-tet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post912936.html



---

BỔ SUNG


2.

Thứ Bảy, 17/3/2018 07:05

Tác phẩm dự thi Cô giáo của tôi

Lá thư gửi cô giáo cũ

Lá thư gửi cô giáo cũ
GD&TĐ - Cô ơi! Thế là em đã trở về nơi đây, ngôi trường khi xưa em từng học, trong cương vị một hiệu trưởng như lời cô chúc em ngày vào học sư phạm. Em cố hình dung mãi để nhớ ra vị trí của lớp vỡ lòng ngày trước cô đã dạy chúng em…
  Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2017
Cô kính mến!
Thấm thoắt đã 45 năm rồi cô nhỉ?
Đó là năm 1972, cả dân tộc ta bước vào những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tháng 9 năm đó, em cùng các bạn đồng trang lứa được đến lớp vỡ lòng ở đầu làng. Đón chúng em vào lớp là cô hàng xóm lam lũ. Điều này khiến em ngạc nhiên bởi trong đầu em vẫn nghĩ cô giáo là phải xinh, phải diện.
Em đem chuyện này nói với mẹ, thì mẹ bảo: “Mày chỉ được cái viển vông. Cô Đậu dạy thì đã sao? Cô ấy lam lũ vì vẫn phải đi làm ruộng, hàng ngày dạy vỡ lòng cũng chỉ là ăn công điểm của Hợp tác xã thôi. Nhưng bao nhiêu thanh niên làng này đều nhờ cô mà biết chữ, sau học thành tài cả đấy”.
Buổi đầu, cô phát cho mỗi đứa một tấm bảng gỗ nhỏ, mấy viên phấn và quyển “Học vần”. Em hân hoan tận hưởng niềm vui lần đầu tiên được làm học trò. Nhưng chỉ sau một tuần, khi phải nộp giấy khai sinh để làm danh sách lớp, em bị mời ra khỏi lớp vì chưa đủ tuổi. Em khóc nức nở, muốn níu chân lại lớp học mà không được…
Những ngày sau đó, khi các bạn đi học, em cũng đến lớp, và chỉ dám thập thò ở cửa. Tuy nghe “ké” cô dạy các bạn, nhưng em lại nhận mặt chữ nhanh hơn một số bạn trong lớp. Thấy em hiếu học, lại tiếp thu nhanh, cô đã bảo lãnh cho em được vào học chính thức.
Ký ức non nớt của em không bao giờ quên giây phút cô cầm tay mình dắt vào lớp sau nhiều buổi đứng ngoài nghe giảng “ké”, và vui mừng khi nhận quyển “Học vần” cô trao. Cô bảo: “Sách và bảng của em cô đã nộp trả rồi, nên em lấy quyển Học vần của cô mà dùng”.
Bố em đã tìm được miếng gỗ dán, cưa vuông vắn, phủ lên một lớp sơn đen, thế là em có được chiếc bảng xinh xắn để đi học. Em tự nhủ mình phải học thật giỏi để không phụ lòng cô và công lao của bố mẹ.
Ngày ấy, trong bờ lũy tre đầu làng, người lớn đã dựng cho chúng em hai gian lán tranh, trát vách bằng bùn trộn rơm, dùng làm nhà mẫu giáo và lớp vỡ lòng, cạnh đó là một căn hầm chữ A. Cô đã hướng dẫn chúng em biết xuống hầm tránh bom khi báo động và lên lớp ngồi học khi còi báo yên.
Thế rồi một lần, em nghe được cô và cô Cõi (dạy lớp mẫu giáo bên cạnh) nói chuyện, trong đó có nhắc đến một hôm, còi báo động vang lên, do quá sợ hãi nên em đã ngất ngay cạnh miệng hầm.
Cô biết em vốn yếu tim, liền vội vàng bế em chạy đến nhà bác y tá thôn để sơ cứu. Cô chia sẻ thêm với cô Cõi: “Từ lần ấy, lúc nào trong túi mình cũng có vài miếng gừng nướng và mấy thìa đường gói trong một tờ giấy chống ẩm để sơ cứu cho con bé mỗi khi cần thiết”. Thảo nào mà cô hay bắt em uống nước gừng pha đường thế… Cay cay nơi sống mũi, em thấy mình thật có lỗi với cô. Cuối giờ học hôm đó, em đến bên khoanh tay xin lỗi vì đã từng nghĩ sai. Cô ôm em vào lòng, nhẹ nhàng nói: Chỉ cần em học giỏi, sau này về xây dựng quê hương là cô vui rồi.
Suốt những năm học phổ thông sau đó, em vẫn luôn được cô gần gũi động viên. Mỗi lần được giải học sinh giỏi, em đều chạy sang khoe với cô, và được cô thưởng khi thì chiếc nơ xinh xinh màu hồng, khi thì cái cặp tóc sáng loáng. Năm em vào thẳng cấp III, cô còn tặng em cả một chiếc cặp sách bằng vải bạt có quai đeo ở lưng. Chiếc cặp đó bây giờ em vẫn giữ, như một kỷ niệm đẹp về cô giáo của mình.
Cô ơi! Em nhớ như in, khi em thi đỗ Đại học Sư phạm. Trước ngày nhập học, hai cô trò đi một vòng quanh làng, thăm lại những nơi đã từng là lớp học dã chiến với cái tên nôm “Xóm Roi”, “Nền Vật”, “Quán Tổng”… Cô nói: “Cô mong em sau này trở về xây dựng quê hương, về lại ngôi trường quê mình trong cương vị hiệu trưởng. Em hứa với cô sẽ phấn đấu nhé…”.
Những lần về thăm gia đình sau đó, em được biết một số giáo viên dạy vỡ lòng hưởng công điểm Hợp tác xã như cô đã được tuyển vào biên chế chính thức, dạy lớp 1 của trường tiểu học. Mẹ em bảo: Cô Đậu đã nghỉ hưu và sống với con gái lập nghiệp tận miền Nam, chỉ thỉnh thoảng mới về quê, bệnh thấp khớp khiến sức khỏe cô không tốt, nhưng cô vẫn dõi theo từng bước đi của trò.
Cô ơi! Hơn 30 năm đứng bục giảng, em vẫn ước ao có một ngày được trở về công tác ngay chính ngôi trường quê mình. Hôm nay em về đây, các thầy cô giáo cũ người còn người mất, lớp học trò chúng em khi xưa có người đã lên ông lên bà rồi.
Quê mình từng ngày thay da đổi thịt, khoác một tấm áo mới. Bờ tre đặt lớp vỡ lòng của chúng em khi xưa, bây giờ đã thành con đường bê tông rộng rãi, chạy bên ngoài tường bao của trường. Trường mình bây giờ được đầu tư đạt chuẩn quốc gia rồi ạ.
Ai cũng bảo đạt chuẩn quốc gia là do lớp lãnh đạo mới nhiệt huyết xây dựng. Nhưng em lại nghĩ: tất cả phải bắt nguồn từ những nền móng đầu tiên. Nếu không có cô gieo cho chúng em những con chữ đầu tiên, thì làm sao chúng em trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục như hôm nay.
Cô kính mến!
Suốt quãng đời học sinh, rồi đi dạy học, em đã từng tiếp xúc với biết bao thầy cô giáo, nhưng tấm lòng người mẹ của cô giáo vỡ lòng đã đọng lại trong em ấn tượng sâu sắc nhất.
Ngày 20 tháng 11 hôm nay, nhận những bó hoa học trò tặng, ký ức trong em lại ùa về. Nó làm em nhớ lại thời thơ dại. Chúng em chỉ có những bông hoa mào gà tặng cô trong dịp Hiến chương các nhà giáo…Nếu bây giờ có một điều ước, em mong được sà vào lòng cô, đan tay mình vào những ngón tay thô ráp, ngả đầu vào mái tóc dài thơm mùi bồ kết mà hít hà cho thỏa nỗi nhớ. Em luôn tự nhủ: Cho dù trong cương vị nào, em vẫn mãi là người học trò bé nhỏ ngày xưa của cô.
Trước khi dừng lời, em xin kính chúc cô luôn mạnh khỏe, sống vui, gia đình hạnh phúc. Mong gặp cô một ngày gần nhất ạ.
Mã số 108
https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/la-thu-gui-co-giao-cu-3918740-b.html


1.



Xúc động với lá thư gửi cô giáo của học trò




Thanh Lam  hoangbichajc@gmail.com
 Thứ 5, 16/11/2017 | 14:00

Trong không khí của ngày 20/11 đang đến rất gần, cô học trò nhỏ Vũ Trương Thảo Sương đã viết lên những dòng tâm sự gửi cô giáo đầy xúc động.

Mới đây, những dòng tâm sự chất chứa nỗi niềm của Vũ Trương Thảo Sương về người thầy đáng kính của mình đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ bày tỏ sự xúc động của cộng đồng mạng.
Theo đó, Thảo Sương (SN 1991), là giáo viên tại trường THPT chuyên Hùng Vương, Bình Dương, đã viết lên những tâm tình yêu thương gửi đến cô giáo Trịnh Thị Thu Vân (giáo viên đã về hưu, từng giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Bình Dương).

Cộng đồng mạng - Xúc động với lá thư gửi cô giáo của học trò

Thảo Sương bên người cô đáng kính của mình.


Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, cô giáo trẻ Thảo Sương cho hay: “Tôi viết lá thư gửi cô Vân là vào khoảng thời gian 1 tháng trước khi cô nghỉ hưu tại trường. Ngôi trường mà tôi đang dạy học trò cũng chính là nơi tôi và cô Vân có rất nhiều kỷ niệm, bởi tôi là học sinh của trường”.
Nói về những kỷ niệm của hai cô trò, Thảo Sương không giấu nổi xúc động: “Ngày ấy tôi ôn thi học sinh giỏi Quốc gia, cô Vân ân cần chỉ bảo tôi từng chút một. Tôi coi cô như người mẹ thứ hai của tôi nên dù có ra trường thì tôi vẫn luôn nhớ về cô”.
Nhân dịp 20/11 đang đến, Thảo Sương cũng muốn nhắn gửi đến cô giáo đáng kính của mình: “Con cảm ơn cô vì đã luôn chỉ bảo cho con những điều hay lẽ phải. Ngày 20/11 đang đến, con chúc cô luôn mạnh khỏe và có một ngày lễ thật vui”.
Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin trích nguyên văn lá thư đầy xúc động này:
“Cô ơi!
Có lẽ, đây là lá thư đầu tiên mà trong suốt gần mười năm trời con mới viết cho cô. Con biết, mình không phải là một đứa học trò có đủ tự tin để nói những suy nghĩ của mình cho cô nghe. Và hôm nay con biết con đủ lớn để viết nó ra…
Cô có biết không, những ngày đầu tiên khi con vừa bước chân vào ngôi trường mang tên trường THPT chuyên Hùng Vương, con thật sự bỡ ngỡ và cảm giác xa lạ. Là một đứa học trò chuyên Văn nhưng con luôn cảm giác mình có nhiều “may mắn” hơn là “tài năng” so với các bạn trong lớp. Nhưng khi được học những tiết học đầu tiên với cô, con lại thấy mình cần có động lực, đơn giản chỉ để được cô… chú ý và để cô vui.
Cứ vậy là con say mê, cố gắng, có khi thức trắng cả đêm chỉ để hoàn thành tất cả những bài viết cô giao.

Cộng đồng mạng - Xúc động với lá thư gửi cô giáo của học trò (Hình 2).

Cô học trò viết nên những dòng cảm xúc gửi đến cô giáo (Ảnh minh họa).


Cô thường dạy con, sống là phải có ước mơ và con đã mơ ước trở thành một cô giáo, một ước mơ con ấp ủ từ bé. Lúc đó, trong tâm trí con có gì đó mạnh mẽ lắm cô ơi. Nó thôi thúc con phải thực hiện cho được ước mơ nhỏ bé đó, là một cô giáo dạy Văn… giống như cô. Nhưng rồi con vẫn không thể trả lời được câu hỏi: “Ước mơ là gì?”. Có lẽ nó là những gì tự nhiên, gần gũi và đơn giản nhất, phải không cô?
Con còn nhớ, có một lần cô đã cho đội tuyển làm một đề bài với bốn chữ ngắn gọn: “Ước mơ của em”. Con đã ngồi rất lâu vì chẳng biết sẽ phải viết những gì cho ước mơ đó. 
Khi viết những dòng suy nghĩ đó vào bài, con thấy bản thân mình thật ngây ngô và khó hiểu. Con mong rằng sau khi tốt nghiệp đại học, con sẽ được đi đến một nơi nào đó thật xa xôi, một vùng quê nghèo để dạy học.
Con sẽ mang “cái chữ” và những gì mình đã học được từ trường lớp, từ cô để truyền đạt lại cho người dân nơi đây, nhất là những em nhỏ. Họ cần có những người tình nguyện như con hơn ai hết. Con sẽ là một cô giáo trẻ được nhiều người yêu mến.
Con sẽ góp phần giúp người dân nơi đây thay đổi cuộc đời, vượt qua nghèo đói, lạc hậu.
Con sẽ cầm tay các em nhỏ viết những con chữ đầu đời.
Con sẽ là một cô giáo nhiệt tình và hết lòng yêu thương học sinh như cô đã từng yêu thương tụi con vậy.
Con sẽ… Con sẽ… Và con sẽ… quay về để kể cho cô nghe thật nhiều điều “con sẽ” nữa. Nhưng những điều đó có quá xa vời với đứa con gái luôn thay đổi ước mơ nhanh chóng như con không cô?
Và rồi chính nhờ những dòng nhận xét chân tình, mộc mạc của cô mà con đã có đủ tự tin để đặt những viên gạch đầu tiên bắt đầu dựng hình con đường đi tới ước mơ. Cô viết rằng: “Chúc cho ước mơ của em sẽ thành hiện thực và trở thành đồng nghiệp của cô”. Con đã không bao giờ ngờ được có một ngày con lại được quay về trường và làm đồng nghiệp với cô thật.
Thoắt cái mà đã xa hun hút, những ngày tháng mà đối với con là đẹp nhất của cuộc đời - khoảng thời gian trong trẻo, hồn nhiên và non xanh ấy. Hôm nay bước vào đời mới thấy muôn hình vạn trạng, mới thấy nhớ thương đến nao lòng những tháng năm đã qua.
Tất cả, tất cả những hình ảnh thân quen như sống dậy và vẹn nguyên như mới hồi nào. Con chỉ mong ước có lại được những món quà bé nhỏ, từng hộp sữa, và cả những vật dụng cá nhân mà cô đã kỹ lưỡng chuẩn bị cho từng đứa khi tụi con sắp lên đường ra xứ Huế mộng mơ tham gia kì thi Olympic 30/4.
Con nhớ tấm thiệp với những dòng chữ nắn nót của cô khi “những đứa con đầu tiên” của cô sắp “chinh chiến” trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia. Nhớ cả những buổi trưa nóng bức, cơn buồn ngủ cứ vây đến với từng đứa, vậy mà cứ hễ nhìn thấy cô với bịch trái cây hay bánh kẹo trên tay bước vào lớp là tự nhiên đứa nào đứa nấy mắt cứ sáng rỡ, miệng cười toe toét… Thế đấy, cô đã yêu thương tụi con như một người mẹ, quan tâm tụi con tận tình.
Con giờ đã lớn hơn một chút so với cái ngày còn là học trò lớp Văn của cô. Nhưng con vẫn thích được ngồi nghe lại giọng nói nhẹ nhàng của cô mỗi khi cô giảng bài; vẫn thích được dõi theo bước chân của cô mỗi lúc cô có tiết đến trường và vẫn thích âm thầm quan tâm cô theo một cách riêng nào đó như những gì mà cô đã từng làm, từng yêu thương con cũng như các bạn.

Cộng đồng mạng - Xúc động với lá thư gửi cô giáo của học trò (Hình 3).

Trong tâm trí của cô học trò này vẫn luôn khắc ghi lời dạy của cô giáo (Ảnh minh họa).


Thế nhưng…
Con chỉ vừa bước chân chập chững vào nghề thì lại phải đối mặt với việc cô chuẩn bị về hưu. Thời gian sao mà trôi nhanh quá! Con vẫn còn mong muốn được ở bên cạnh cô, được cô dìu dắt và chỉ bảo mọi thứ.
Vì tất cả vẫn còn rất mới mẻ với con…cô ơi! Con biết rằng, ở cô vẫn còn có lòng say mê hết mực với nghề và với lớp lớp những đứa học trò yêu Văn.
Cho dù, mười năm hay hai mươi năm nữa không biết rằng con có thể làm được những việc giống như cô từng làm để đóng góp cho trường, cho xã hội hay không? Vậy mà thời gian đã sắp làm “chậm lại” một con người đầy nhiệt huyết, tận tình và hết lòng cống hiến.
Cô đành phải tạm gác lại những trang giáo án, những màu mực đỏ để quay về với cuộc sống đầm ấm ở gia đình nhỏ bé của mình. Chỉ còn vài tháng nữa thôi, con ước rằng thời gian cứ vậy mà ngưng đọng lại để con không phải nói lời chia tay với cô.
Con tự hứa sẽ làm tốt những gì cô dặn, sẽ nghe lời cô chỉ cần cô vẫn còn ngày ngày đến lớp. Chỉ cần nghĩ tới thôi, trái tim con cũng tự nhiên thấy đau nhói và nước mắt cứ vậy mà rơi ra. Cô ơi…!
Chị của cô có nói với con rằng, “Cô Vân là hoàng hôn, còn Sương sẽ là bình minh”. Con sẽ nhớ, nhớ như in câu nói ấy để nối tiếp bước chân cô, hoàn thành tốt sứ mệnh “trồng người” mà cô và con đang mang.
Con không phải là đứa học trò tuyệt vời nhất cô có, nhưng con biết con luôn có những điều tuyệt vời nhất vì có cô và được là học trò của cô. Con mong cô luôn khỏe mạnh, luôn vui vẻ để con có thể quay về gặp cô và kể nhiều hơn nữa những điều “con sẽ…”, cô nhé!
Thương cô rất nhiều!
Học trò của cô
Vũ Trương Thảo Sương".
https://www.nguoiduatin.vn/xuc-dong-voi-la-thu-gui-co-giao-cua-hoc-tro-a346876.html
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.