Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

11/01/2019

Người Việt bốn phương : số tạp chí đầu tiên của Phật giáo Việt Nam tại Nhật Bản

Số đầu tiên chào mừng năm 2019.

Như vậy, tính từ năm 1908 (năm mà phong trào Đông Du đã tan rã, mà ghi dấu rõ nhất là mộ dựng năm 1908 của Trần Đông Phong ở nghĩa trang nội thành Tokyo), đến 2019, là 111 năm. 

Tư liệu lấy về từ Fb.

Tháng 1 năm 2019,
Giao Blog












---

BỔ SUNG



1.

23 TH 10 2018


Viết về lịch sử là một việc làm quan trọng, vì nếu không có quá khứ thì sẽ không có hiện tại, mà hiện tại không có thì chắc rằng vị lai cũng sẽ không. Do vậy tìm về cội nguồn, gốc rễ của mọi vấn đề là bổn phận của người đi sau, phải tiếp nối bước chân của những người đã đi trước để nối liền dấu vết của quá khứ. Có như vậy dòng chảy của lịch sử mới luôn truyền thừa được.

Nếu không kể đến một Tăng Nhân lỗi lạc vào thế kỷ thứ 8, người đất Phù Nam hiệu là Phật Triết đã đến Nhật Bản vào năm 752, do Thánh Vũ Thiên Hoàng mời Ngài đến Nara để làm lễ khai nhãn cúng dường tôn tượng Tỳ Lô Giá Na Phật, cũng như khánh thành chùa Đông Đại (Todaiji) với Thầy của mình là Ngài Bồ Đề Tiên Na, xuất thân từ Ấn Độ, thì dòng sử Việt Phật tại Nhật Bản cũng không có gì làm ấn tượng lắm. Tuy nhiên lịch sử vẫn là lịch sử, dầu chúng ta có muốn chạy quanh hay cố tình không đề cập đến, thì đó là lỗi của những người đi sau đã không quan hoài đến những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, để cho sự việc âm thầm trôi vào dĩ vãng là điều mà chúng ta không thể thờ ơ được. Do vậy hôm nay trong khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi sẽ xin trình bày về Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản qua các thời kỳ như sau:

Thời kỳ thứ nhất được phân định từ năm 1953 đến năm 1964; thời kỳ thứ hai từ năm 1964 đến năm 1975; thời kỳ thứ ba từ năm 1975 đến năm 1995 và thời kỳ tiếp theo từ năm 1995 đến 2018. Như vậy trong 65 năm ấy Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản đã cống hiến được những gì cho đất nước Nhật Bản cũng như Việt Nam của chúng ta ở trong cũng như ngoài nước, xin mời quý vị lần lượt đi vào từng giai đoạn lịch sử của nước nhà gắn liền với vận mệnh của Phật Giáo như dưới đây:

A) Thời kỳ thứ nhất từ năm 1953 đến năm 1964:
Phong trào chấn hưng Phật Giáo của Trung Hoa do Ngài Thái Hư Đại Sư chủ xướng về 3 cuộc cách mạng. Đó là cách mạng giáo chế, cách mạng giáo sản và cách mạng Giáo hội từ những thập niên 30 tại Lục Địa Trung Quốc, chắc chắn đã ảnh hưởng không nhỏ đối với vấn đề chấn hưng Phật Giáo Việt Nam qua các Kỳ tại Nam Trung Bắc. Do vậy những Hội Phật Giáo tại Bắc Kỳ, Hội Phật Giáo tại Trung Kỳ, Hội Phật Giáo tại Nam Kỳ đã được thành lập, nhằm xiển dương tinh thần Phật Giáo dấn thân và phụng sự, mặc dầu Việt Nam chúng ta trong thời kỳ nầy vẫn còn bị người Pháp đô hộ và họ không muốn Phật Giáo được hoạt động như là một Tôn Giáo truyền thống của Dân Tộc, mà chỉ là một Hiệp Hội không hơn không kém theo Đạo Dụ số 10, mà họ đã áp dụng cho những hội đoàn, tổ chức khác hiện diện đương thời. Trong khi đó những bậc Tổ Đức của Phật Giáo Việt Nam đương thời, kể cả những vị Cư Sĩ hộ đạo đắc lực cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình vào việc phụng sự Đạo, bằng cách cổ vũ phong trào học Phật bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có vấn đề cho chư Tăng Ni tài đức ra ngoại quốc du học, hầu mở rộng kiến thức và sau khi thành tài có thể trở về lại quê hương để xây dựng Đạo và Đời.

Từ năm 1953 Hội Phật Giáo tại Bắc Kỳ đã công cử Hòa Thượng Thích Tâm Giác sang Nhật Bản du học, tại Trung Kỳ có Hòa Thượng Thích Thiên Ân và tại Nam kỳ có Thượng Tọa Thích Quảng Minh. Trong thời gian nầy cho đến khi đất nước chia đôi vào ngày 20.7.1954 các Hội Phật Giáo tại Trung và Nam Kỳ vẫn tiếp tục gửi chư Tăng Ni sang Nhật Bản du học, trong đó có quý Hòa Thượng Thanh Kiểm, Hòa Thượng Thanh Cát, Hòa Thượng Mãn Giác, Hòa Thượng Thiền Định, Hòa Thượng Trí Tâm, Thầy Nguyên Hồng v.v… Trong số nầy chỉ có hai vị hoàn tục đó là Thượng Tọa Quảng Minh và Thầy Nguyên Hồng, còn những vị khác đã một thời làm nên lịch sử cho Phật Giáo nước nhà cũng như ở ngoại quốc.

Hòa thượng Thích Tâm Giác sau khi tốt nghiệp Cao Học Phật Giáo tại Nhật Bản, Ngài về lại Việt Nam và kể từ năm 1964 đến năm 1973, Ngài đã làm Giám Đốc nha Tuyên Úy Phật Giáo; Giám Đốc Trung Tâm Nhu Đạo Quang Trung ở Sài Gòn, nơi đã đào tạo được không biết bao nhiêu người tài giỏi để phụng sự cho Đời và cho Đạo. Riêng Hòa Thượng Thích Thiên Ân sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Waseda, năm 1964 Ngài đã về lại nước đảm trách giảng dạy tại Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn cho đến năm 1966, sau đó Ngài sang Hoa Kỳ để làm Giáo Sư thỉnh giảng tại nhiều Đại Học danh tiếng tại đó. Cuối cùng Ngài quyết định ở lại Hoa Kỳ, thành lập nên Trung Tâm Thiền Quốc Tế, Viện Đại Học Đông Phương cũng như Chùa Việt Nam, Chùa A Di Đà tại Los Angeles, California. Đến năm 1980 khi Ngài viên tịch thì những sự truyền thừa về Thiền Lâm Tế Việt Nam cho người Mỹ vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay.

Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm sau khi về lại Việt Nam, Ngài đã trú tại chùa Giác Minh cũng như chùa Vĩnh Nghiêm. Và suốt cả cuộc đời Ngài, vấn đề Giáo Dục và Hoằng Pháp lúc nào Ngài cũng chú tâm giúp đỡ cho những thế hệ Tăng Ni trẻ có cơ hội để vươn lên. Trong khi đó Hòa Thượng Thích Thanh Cát sau năm 1975 đã sang Hoa Kỳ tỵ nạn và Ngài sống ẩn dật tại chùa Giác Minh tại Pola Anto, California cho đến ngày nay. Ở đây chúng tôi không muốn triển khai thêm về những vị khác, vì sợ tài liệu nầy quá dài cho một bài viết. Do vậy những ai cần nghiên cứu chi tiết thì xin tham cứu thêm nhiều tài liệu khác nữa cho được rõ ràng hơn. Đồng thời ở đây chúng tôi cũng chỉ viết về những vị liên quan đến Phật Giáo Nhật Bản, còn những vị Tăng hay Ni cùng thời nầy, nhưng đi du học ở những quốc độ khác như: Ấn Độ, Tích Lan, Hoa Kỳ, Đài Loan v.v…chúng tôi sẽ không đề cập đến. Thời kỳ nầy chúng tôi tạm gọi là thời kỳ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.

B) Thời kỳ thứ 2 từ năm 1964 đến 1975:
Đây là thời kỳ có lẽ chư Tăng Ni Việt Nam đến Nhật Bản du học đông nhất so với các thời kỳ khác. Ví dụ như: Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Ni Sư Thích Nữ Như Chánh, Ni Sư Mạn Đà La, Thầy Long Nguyệt, Hòa Thượng Thích Trí Đức, Hòa Thượng Thích Đồng Từ, Hòa Thượng Thích Chơn Minh, Thầy Thích Như Tạng (Lâm Như Tạng), Thầy Thích Giác Thiện, Hòa Thượng Thích Trí Hiền, Hòa Thượng Thích Minh Tuyền, Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Hòa Thượng Thích Nguyên Đạt, Hòa Thượng Thích Như Điển, Hòa Thượng Thích An Thiên, Thầy Minh Tuấn, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Hòa Thượng Thích Phước Toàn.

Đây có lẽ là thời kỳ thăng hoa nhất của Phật Giáo Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước. Ở trong nước Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập tại Chùa Xá Lợi từ đầu năm 1964, sau đó Viện Đại Học Vạn Hạnh, Phật Học Viện Huệ Nghiêm cũng như các trường Trung Tiểu Học Bồ Đề mọc lên khắp nơi trong nước. Có thể nói đây là thời kỳ cực thịnh của nền Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam. Một điểm son của lịch sử, chỉ trong vòng 11 năm, nhưng Giáo Hội đã thực hiện được không biết bao nhiêu công trình ích quốc lợi dân và đã đào tạo được cả hằng ngàn, hằng vạn Tăng Ni, cũng như những cư sĩ chân tu thật học qua sự giảng dạy của các bậc Tôn Túc đã xuất ngoại du học, trở về lại quê hương đóng góp cho Đạo cũng như cho Đời, trong đó có Hòa Thượng Thích Thiên Ân, Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hòa Thượng Thích Thiền Định, Giáo Sư Nguyên Hồng v.v…

Trong khi đó tại Nhật Bản quý Thầy, quý Sư Cô có nhiều vị vừa đi học, vừa đi làm thêm để có tiền trang trải cho học phí phải đóng cho các Đại Học. Quý Thầy, Cô mỗi năm còn tổ chức được những ngày Đại lễ Phật Đản hay Lễ Vu Lan cho Tăng Ni, cũng như Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tụ họp về một ngôi chùa Nhật để làm lễ. Thông thường hay đọc thông điệp của Đức Tăng Thống trong những lễ Hội như vậy vào sau thời Kinh Khánh Đản hay Vu Lan. Kế tiếp Thầy Chi Bộ Trưởng thông báo những chương trình Phật sự đã qua, Phật sự kế tiếp và cuối cùng là tiệc trà thân mật. Từ những năm 1972 trở về sau nầy, ít nhất là cho đến năm 1979 các lễ lớn vẫn thường được tổ chức tại Chùa Joenji (Thường Viên Tự) tại Shinjuku. Mỗi tháng hay mỗi hai tháng, quý Thầy, quý Cô trong Chi Bộ có một lần họp định kỳ tại chỗ ở của Thầy Chi Bộ Trưởng và cũng trong thời gian nầy (1973) Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản quyết định ra một tập san Phật Giáo, xuất bản ban đầu mỗi tháng một lần bằng hai ngôn ngữ Việt, Nhật, nhưng sau đó thì hai tháng và cuối cùng là một năm, để đến năm 1981 khi Hòa Thượng Thích Bảo Lạc qua Úc định cư thì cũng là thời kỳ tờ báo Khuông Việt xuất bản tại Nhật Bản không còn hiện hữu nữa.

Đa phần chúng tôi ở tại các chùa Nhật, nên hoàn toàn bị lệ thuộc về giờ giấc cũng như những hoạt động khác của các chùa mà mình đang ở. Do đó những mùa An Cư Kiết Hạ hay cấm túc theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam hầu như chúng tôi đã không thực hiện được một lần nào, ngay cả những vấn đề Bố Tát tụng giới cũng không có. Nếu có chăng, mỗi người tự lo việc tu niệm riêng của mình, chứ tập họp lại một nơi từ 4 vị Tỳ Kheo trở lên, ở một nơi chốn nhất định trong 3 tháng An Cư Kiết Hạ thuở ấy hầu như chưa thấy tổ chức được lần nào cả. Vả chăng sự học tập và công việc chùa luôn là những trở ngại cho những Sinh Viên Tăng Ni chúng tôi thuở ấy rất nhiều. Nếu có muốn thực hiện đi chăng nữa, thì cơ hội khó có được. Người xưa thường nói: “Cái khó nó bó cái khôn“ là vậy.

Trong thời kỳ nầy là thời kỳ chiến tranh leo thang tại hai miền Nam Bắc Việt Nam, nên những phong trào đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cho một đất nước tự do dân chủ không thuộc một phe phái nào, mà tinh thần tự quyết của Dân Tộc phải do người Việt Nam định đoạt. Do vậy quý Thầy, Cô đang du học tại Nhật Bản thuở bấy giờ mặc dầu theo nhiều truyền thống khác nhau như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Việt Nam Quốc Tự, Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Cổ Sơn Môn và ngay cả quý Thầy Cô nghiêng về phía bên kia, cũng đồng lòng để đứng chung dưới một lá cờ thống nhất của Phật Giáo để tranh đấu cho lý tưởng nầy. Do vậy những cuộc vận động các giới chức Nhật Bản cũng như những cuộc biểu tình tuyệt thực hay những cuộc hội nghị tại Kyoto và những lúc lạc quyên để cứu trợ cho nạn nhân chiến cuộc, cô nhi quả phụ v.v.. đều có sự tham gia rộng rãi của quý Thầy, Cô đang du học tại Nhật Bản vào thời điểm nầy. Thời kỳ nầy chúng tôi gọi là thời kỳ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

C) Thời kỳ thứ 3 từ năm 1975 đến năm 1995:
Trong 20 năm nầy Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản hoạt động xen lẫn với nhau. Vì lẽ sau năm 1975 đã có nhiều thuyền nhân đến Nhật Bản trong đó có quý Thầy, quý Cô cũng ra đi tỵ nạn, nhưng đa phần họ đến và ra đi, chứ không trụ lại Nhật Bản lâu dài. Trong đó có Hòa Thượng Thích Như Huệ, Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Từ, Hòa Thượng Thích Chơn Lễ v.v… Khi họ đến đã được quý Thầy du học trước năm 1975 còn lưu lại tại Nhật thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất giúp đỡ họ lúc ban đầu, trong đó có Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Hòa Thượng Thích Minh Tuyền v.v… đến năm 1982 thì Hòa Thượng Thích Như Huệ sang định cư tại Úc, Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Từ đi định cư tại Hoa Kỳ và Hòa Thượng Thích Chơn Lễ, sau một thời gian tỵ nạn tại Nhật, nay thì cũng đã định trú tại Hoa Kỳ. Trong thời gian nầy cũng có một số du học sinh Việt Nam trước 1975 trở thành những Tăng Sĩ Nhật Bản, trong đó có Thầy Triệt Học Trần Đức Giang, nay vẫn còn lưu trú tại Nhật Bản. Ngoài ra những vị sau khi học xong Đại Học tại Nhật Bản sang các nước khác định cư, trong đó có Ni Trưởng Thích Nữ Như Chánh đến Hoa Kỳ vào năm 1976, chúng tôi Thích Như Điển sang Đức năm 1977, Hòa Thượng Thích Minh lễ, Hòa Thượng Thích Phước Toàn sang Pháp năm 1975, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Hòa Thượng Thích An Thiên sang Úc năm 1981, 1990. Ở lại Nhật Bản trong thời nầy của những người đến trước 1975 chỉ có Hòa Thượng Thích Minh Tuyền. Phải nói ngay rằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất gửi những vị Tăng hay Ni đi du học ngoại quốc trong thời gian trước 1975 và kéo dài đến sau năm 1975 cũng không uổng công của đàn na tín thí và sự đỡ đầu của Giáo Hội, mặc dầu đứng dưới hình thức nào để hoạt động cho Đạo đi chăng nữa thì người Tăng Sĩ Việt Nam cũng mang ơn Giáo Hội và không làm hỗ danh của người “mang chuông đi đánh xứ người”, nên dòng sử Phật không thể không ghi nhớ những đóng góp của những người đã ra đi trong bối cảnh lịch sử của nước nhà như vậy. Thời kỳ thứ ba nầy chúng tôi gọi là: Thời kỳ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và những vị Tăng Sĩ ra đi tỵ nạn.

D) Thời kỳ thứ 4 từ năm 1995 đến năm 2018:
Đây cũng chưa phải là thời kỳ cuối của một chặng đường lịch sử trải dài trong muôn vạn dặm, nhưng cũng là một thời kỳ đáng ghi nhớ của Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản. Mãi cho đến năm 1981 ở trong nước Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn còn hoạt động mạnh, nhưng việc đưa Tăng Ni ra ngoại quốc du học không còn chính danh nữa. Tuy rằng Giáo Hội nầy trên danh nghĩa ngày nay vẫn còn tồn tại trên quê hương đất Việt dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Quảng Độ và một số bộ phận chư Tăng Ni khác không đồng quan điểm với nhà cầm quyền và Giáo Hội đương thời. Nhà nước thấy rõ điều nầy nên năm 1981 họ lập ra một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, đa phần những vị lãnh đạo trong Giáo Hội nầy cũng là những vị xuất thân từ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trước năm 1975 như Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Hòa Thượng Thích Minh Châu, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh v.v… Trong khi đó Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn v.v…thì không đồng tình, nên kẻ bị giết trong lao tù như Hòa Thượng Thích Thiện Minh ngày 17.10.1978, bị bức tử như Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1984) và người khác thì bị tù đày như Hòa Thượng Thích Quảng Độ v.v… Những vị khác bị án tử hình như Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Giáo Sư Lê Mạnh Thát và Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải cũng bị trù dập tù đày v.v…vì qúy Ngài quan niệm rằng: Từ một con lạch nhỏ (qua đạo dụ số 10 thời Ngô Đình Diệm) Giáo Hội đã quyết lèo lái Phật Tử ra biển cả mênh mông. Còn bây giờ tại sao từ biển cả đại dương bao la đó, Thầy trong Giáo Hội lại quay thuyền cập bến vào con lạch nhỏ, mà con lạch đó không do Giáo Hội mình tự chủ, nên đây là lý do tại sao ngày nay ở trong cũng như ngoài nước có hai Giáo Hội hoạt động song hành. Hậu thân của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ngày nay ở ngoại quốc là các Giáo Hội Phật Giáo Liên Châu đang hoạt động tích cực trên khắp các châu lục ngày nay.

Ở trong nước, kể từ năm 1984 trở đi, qua uy tín đã có sẵn của Hòa Thượng Thích Minh Châu, cựu Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh trước năm 1975, xin phép nhà nước mở trường Phật Học để đào tạo nhân tài cho Phật Giáo và khóa I của Viện Phật Học Vạn Hạnh, rồi Học Viện Vạn Hạnh được thành lập, cứ 4 năm như thế được tuyển sinh một lần; khóa thứ II bắt đầu năm 1988; khóa thứ III bắt đầu năm 1992; khóa thứ IV bắt đầu năm 1996; khóa thứ V bắt đầu năm 2000; khóa thứ VI bắt đầu từ năm 2004 đến 2008 và từ khóa nầy trở đi cứ 2 năm được tuyển sinh một lần và bây giờ hình như mỗi năm được tuyển sinh một lần. Và kể từ năm 2018 trở đi Viện Phật Học Vạn Hạnh có thể đào tạo bậc Cao Học và Tiến Sĩ Phật Học. Chính vì những năm trước chưa có khóa đào tạo hậu Đại Học, nên đa phần chư Tăng Ni sau khi xong Cử nhân Phật Học ở Việt Nam thường xin qua Ấn Độ hay Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Miến Điện, Tích Lan du học. Trong thời gian nầy theo chỗ chúng tôi được biết có quý Thầy Thích Giác Dũng, Thầy Thích Nguyên Tâm, Thầy Thích Quảng Niệm (Tiến sĩ), Thầy Thích Phước Điền (Tiến sĩ), Thầy Thích Hải Nguyện (Thạc sĩ), Thích Tịnh Ân (Thạc sĩ), Thầy Thích Nhuận Phổ (Thạc sĩ), Thầy Thích Thánh Duyên (đang học Tiến sĩ), Thầy Thích Tường Nghiêm (đang học Tiến sĩ), Thầy Thích Nhật Tri (đang học Tiến sĩ) v.v…cùng với Sư cô Thích Nữ Như Tâm (Tiến sĩ), Sư Cô Thích Nữ Tâm Trí (Tiến sĩ), Sư Cô Thích Nữ Thanh Trì (Tiến sĩ), Sư Cô Thích Nữ Hiền Nhiên (Đại học) v.v…cũng đã được sang Nhật Bản du học và những vị nầy đã tốt nghiệp Tiến Sĩ, Thạc Sĩ tại các trường Đại Học Phật Giáo tại Kyoto hay Tokyo cũng như những nơi khác trên toàn lãnh thổ Nhật Bản. Đặc biệt là sau khi họ tốt nghiệp xong, hầu như ít có người nào trở lại quê hương để làm việc, mà đa phần xin cư trú lâu dài tại Nhật Bản để thành lập tự viện cũng như giúp đỡ bà con Phật Tử của mình trong các lễ nghi như: Quan, hôn, tang, tế cũng như giúp trợ giảng một vài giờ trong các Đại Học Phật Giáo khi có nhu cầu. Được biết trong hiện tại của năm 2018 nầy, theo thống kê chính thức của chính phủ Nhật Bản, người Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản lên đến con số trên 260.000 người. Trong đó có hơn 50.000 là nghiên cứu sinh hay sinh viên du học. Số còn lại là những người đi lao động. Đó là chưa kể đến số người đến Nhật Bản du học trước 1975, nay đã có quốc tịch Nhật, hay những người đến tỵ nạn sau 1975, nay cũng đã thành danh và con cái của họ cũng đã hội nhập vào xã hội Nhật Bản hoàn hảo rồi. Con số nầy cũng không dưới 30.000 người. Như vậy cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản trong hiện tại lên đến gần 300.000 người, con số nầy gần gấp đôi số người Việt đang tỵ nạn và sinh sống tại Đức. Khi số người Việt tại các địa phương ở Nhật Bản càng tăng, thì nhu cầu tâm linh cũng không phải là nhỏ.

Mãi cho đến năm 2000 Hòa Thượng Thích Minh Tuyền mới quyết định làm chùa tại tỉnh Kanagawa, gần Yokohama và nằm sát cạnh thành phố Tokyo, nơi có núi non hùng vĩ. Chùa nằm cạnh bên dòng sông với nước trong vắt một màu thiên thanh chảy ra từ núi cao và xuôi Nam với những gợn sóng bạc màu li ti như vết nhạn lưng trời. Nên ai đến đây rồi cũng không thể quên đi cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ ấy. Đầu tiên Hòa Thượng Thích Minh Tuyền sang Hoa Kỳ vận động tịnh tài để mua đất, đã được Hòa Thượng Thích Mãn Giác và bà con Phật Tử Việt Nam tỵ nạn tại Hoa Kỳ ủng hộ một cách nhiệt tình, nên chẳng mấy chốc Hòa Thượng Thích Minh Tuyền lại sang Âu Châu, Úc Châu và Canada kêu gọi chư Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam tại những nơi nầy đóng góp tịnh tài để xây chùa. Kể từ đó ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản được thành lập, có sự liên hệ với Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam đã được thành lập trước năm 1975. Dĩ nhiên sau nầy còn có đến 7 ngôi chùa Việt Nam tại Nhật đã được hình thành; nhưng không thể trước hơn ngôi chùa Việt Nam tại Kanagawaken do Hòa Thượng Thích Minh Tuyền đã khởi công xây dựng. Vào tháng 8 năm 2017 trong khi xây dựng ngôi chùa đi đến giai đoạn kết thúc để chuẩn bị khánh thành vào năm sau (2018), thì Hòa Thượng Minh Tuyền đã viên tịch, thọ 80 tuổi và ở Nhật Bản đúng 50 năm. Chư Tôn Đức Tăng Ni khắp nơi trên thế giới đều vân tập về Chùa Việt Nam để làm lễ trà tỳ cho Hòa Thượng. Đồng thời theo di ngôn của Ngài trước đó, nên những huynh đệ du học cũ đã chính thức tấn phong Đại Đức Thích Nhuận Ân, vốn đã được Hòa Thượng Thích Minh Tuyền quan tâm, kế thế Trụ Trì ngôi chùa nầy. Việc giấy tờ hành chánh cũng khá phức tạp, nhưng đã được Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, chúng tôi Thích Như Điển tận tình hợp thức hóa tư cách nầy qua giấy tờ và cũng đã được nhà nước Nhật Bản thừa nhận Thầy Nhuận Ân (Tiến Sĩ Phật Học Thái Lan) và Sư Cô Giới Bảo (Tiến Sĩ Phật Học Thái Lan) được quyền lưu trú lâu dài tại Nhật Bản như là những người hoạt động Tôn Giáo.

Vào đầu tháng 8 năm 2018 vừa qua, lễ Khánh Thành chùa Việt Nam tại Nhật Bản rất quy mô và nhân đó cử hành lễ Tiểu Tường của Hòa Thượng Thích Minh Tuyền, đã được chư Tôn Đức khắp nơi trên thế giới về tham dự. Đồng thời sau đó chư Tăng Ni hiện đang tu học và hành đạo tại Nhật Bản cũng đã cử hành An Cư cấm túc trong vòng 10 ngày tại Chùa Việt Nam nầy. Chúng tôi đã tuyên bố rằng: Đây là lần đầu tiên của chư Tăng Ni (17 vị) Việt Nam tại Nhật Bản An Cư kiết hạ kể từ năm 1953 trở lại đây, nghĩa là sau 65 năm chư Tăng Ni Việt Nam tại Nhật Bản mới có được cơ hội ấy và cũng chính nhân cơ hội nầy chúng tôi đề nghị là kể từ nay trở đi, Chùa Việt Nam tại Kanagawaken nên gọi là chùa Tổ, hay gọi là Tổ Đình của Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản. Thiết nghĩ điều ấy cũng không sai, vì công đức khai sơn phá thạch chùa nầy là do cố Hòa Thượng Thích Minh Tuyền đã xây dựng nên và Ngài đã ở Nhật Bản suốt trong 50 năm. Hầu như trên 50 chư Tôn Đức Tăng Ni đến Nhật Bản du học rồi ra đi, chứ chưa có ai trụ thế lâu dài như thế tại xứ Nhật Bản nầy, ngoại trừ Hòa Thượng Thích Minh Tuyền. Đồng thời sự đóng góp cho công trình xây dựng nầy là do người Phật Tử Việt Nam tỵ nạn tại Nhật phát tâm, cộng với sự trợ duyên của chư Tăng Ni và Phật Tử tỵ nạn khắp nơi trên thế giới, nên mới hình thành được ngôi Tổ Đình như vậy.

Từ đây về sau Chùa Việt Nam tại Nhật sẽ là nơi di dưỡng tinh thần của những người Phật Tử xa quê hương ở mọi phương diện và cũng là nơi giúp đỡ cho chư Tăng Ni lúc ban đầu đến Nhật Bản gặp khó khăn hay đồng bào Phật Tử khi cần những nhu cầu tâm linh, thì chùa sẽ sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ. Đồng thời đây cũng là một trong những nơi để chư Tăng Ni thường lui tới An Cư hay Bố Tát tụng giới khi Hạ đến Đông về hay những ngày Sóc, ngày Vọng. Bây giờ qua sự đóng góp của bà con Phật Tử địa phương, dưới sự lãnh đạo tinh thần của Đại Đức Thích Nhuận Ân, chùa đã mua thêm được một miếng đất bên cạnh để dựng nên một Hội Trường có khả năng dung chứa nhiều người trong cùng một lúc và đồng thời ngôi nhà bên cạnh chùa cũng đã được mua trả góp để có nơi chốn cho chư Tăng Ni cư trú lâu dài. Đây là những công đức không nhỏ đã được cộng lại rồi nhân lên và bây giờ là tính theo lối lũy thừa để truy niệm công đức của Hòa Thượng Thích Minh Tuyền và những người kế thế khai lai, nhằm làm cho hạt giống Phật muôn đời luôn được đơm hoa nở quả nơi xứ Anh Đào nầy. Thời kỳ thứ tư nầy chúng tôi gọi là thời kỳ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất song hành.

Riêng phần mình, tôi chỉ giới hạn trong sự hiểu biết qua tai nghe, mắt thấy và dĩ nhiên tôi tin rằng còn những Phật sự to lớn hơn cũng như những công trình phục vụ phúc lợi cho tha nhân tại Nhật Bản của quý Thầy Cô Việt Nam chúng ta hiện đang cư ngụ tại đó, nhưng tôi không rõ biết hết. Do vậy xin tất cả chư Tôn Đức cũng như quý Phật Tử xa gần cải chính lại dùm cho nếu có điều gì sai, và bổ sung thêm cho nếu thấy có những việc gì thiếu sót với những công đức khác của chư vị Tiền Bối hữu công với Đời với Đạo, chúng tôi là những người hậu học sẽ vô cùng biết ơn quý vị. Bởi vì, nếu không có quá khứ thì sẽ không có hiện tại, mà hiện tại đã không thì tương lai cũng sẽ không nốt. Xem cái quả trong hiện tại để biết cái nhân trong quá khứ và nếu muốn biết cái quả trong tương lai như thế nào thì chúng ta nhìn vào cái nhân trong hiện tại, mà chư Tăng Ni cũng như Phật Tử Việt Nam tại Nhật Bản đã gieo trồng trong 65 năm qua, là những thành quả và là những tác nhân vĩ đại không khác gì hơn 1.300 năm trước Ngài Phật Triết từ xứ Phù Nam (thuộc miền Trung Việt Nam hiện nay), đã mang những điệu múa Vu Lan hay những nghi lễ Thiền Môn giới thiệu đến Phật Giáo Nhật Bản, mà ngày nay tại Chùa Đông Đại ở Nara vẫn còn gìn giữ một cách trân trọng cẩn mật.

Viết xong bài nầy vào ngày 20 tháng 10 năm 2018 tại chùa Thảo Đường, Moscow, Nga nhân kỷ niệm lần giỗ thứ 20 của Hòa Thượng Bổn Sư Thích Long Trí tại quê nhà.

https://viengiac.info/2018/10/phat-giao-viet-nam-tai-nhat-ban-qua-cac-thoi-ky-tu-nam-1953-den-nam-2018/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.