Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

20/12/2018

Lại thêm một nghi án do ông Nguyễn Hồng Phong ở Nga đưa ra, và trả lời của ông Nguyễn Huệ Chi

Vẫn tiếp những bài "đề xuất" nghi án từ ông Nguyễn Hồng Phong (xuất thân từ đại gia đình cụ Nguyễn Đình Chú - Nguyễn Đức Vân). Ông Nguyễn đang cư trú ở nước Nga - nơi đang có đại gia đình của thủ môn Đặng Văn Lâm (xem ở đây).

Đúng như ông Nguyễn tự nhận, ông là một tay ngang về khoa học xã hội.

Đối với nghi án do ông Nguyễn đưa ra, thì ông Nguyễn Huệ Chi đã có bài trả lời.

Ở đây, đầu tiên lưu hai bài đó (bài đưa nghi án, và bài trả lời).

Có gì bổ sung thì đưa tiếp.

---




3. Bài trả lời tiếp theo của ông Nguyễn Hồng Phong

"
“BORISTO NGUYỄN ĐÃ BÉ CÁI NHẦM” HAY LÀ TRÒ LÁU CỦA NGUYỄN HUỆ CHI?

Posted on Tháng Hai 21, 2019
Bài đăng trên tạp chí Văn nghệ TP HCM, số 534, 21-2-2019 
1. Trong bài viết Có phải GS Nguyễn Huệ Chi tìm ra tên của Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Tung[1] tôi có đưa ra những bằng chứng về việc Nguyễn Huệ Chi đạo văn của Nguyễn Lang và từ đó suy ra phát hiện Trần Tung của Nguyễn Huệ Chi chỉ là kết quả ăn cắp. Trước hết, tôi xin rút lại kết luận này với lí do có chỗ sơ suất trong chứng minh. Logic của tôi rất đơn giản: nếu trong Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần[2] – bài viết công bố việc tìm ra Trần Tung vào năm 1977 mà Nguyễn Huệ Chi đạo văn từ cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (viết tắt: VNPGSL)[3] xuất bản trước đó 4 năm của Nguyễn Lang thì chứng tỏ ông đã ăn cắp kết quả của người đi trước. Vì ở xa, không có điều kiện để có bản in năm 1977, tôi nhầm nghĩ nó được in lại ở những lần sau (trong Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, NXB Giáo dục, 2013 hay tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3-4, 2014). Hai bài trùng tên nhưng khác ruột.
Ông Nguyễn Huệ Chi thấy đấy, khác với ông, những gì mình làm sai tôi sẵn sàng nhận lỗi, chứ không lấp liếm quanh co.
2. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huệ Chi cũng đừng mừng vội! Chuyện đạo văn vẫn còn nguyên đó. Ông viết: “Trong tuyển tập in 2013 ông chỉ tìm được một đoạn phỏng dịch có 3 câu “gần như giống từng chữ từng từ” với Nguyễn Lang, chắc tên kẻ cắp sơ ý chưa xóa hết, thì trong văn bản 1977 tất ông phải tìm được nhiều hơn nhiều.”[4] Xin thưa, vì bài dài nên Văn nghệ TP HCM cắt môt nửa, phần phụ lục không đăng và chính vì vậy mà ông không nhìn thấy hết những chỗ mình đã đạo văn. Trong phần phụ lục bản đầy đủ có trích lại văn bản của hai người cũng như ghi lại 10 nhận xét về những chỗ mà Nguyễn Huệ Chi đã đạo văn. Bài viết đầy đủ có thể xem tại blog của Boristo Nguyen[1]. Và đây là tóm lược về chúng:
Ngoài nhận xét 10 (xem Phụ lục 1) về việc 2 đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi hao hao, từa tựa nhau và nhận xét 1 chưa đủ thuyết phục, các nhận xét còn lại chia thành 3 loại sau:
  • 1 chỗ (nhận xét 3): câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối.
  • 4 chỗ (nhận xét 2, 7, 8, 9): câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối, và khác với trong các bản dịch Vb2a, Vb2b.
  • 3 chỗ (nhận xét 4,5,6): nội dung/thông tin đều có trong các văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi nhưng không có hoặc khác với trong các bản dịch Vb2a, Vb2b.
Lưu ý: tất cả những trùng lặp, sao chép của ông Nguyễn Huệ Chi nói ở đây chỉ là trong một đoạn văn ngắn khoảng một trang giấy với 756 chữ.
Tôi biết, Nguyễn Huệ Chi lâu nay vẫn vô tư coi chuyện sao chép của người khác mà không ghi nguồn là bình thường. Nguyễn Huệ Chi viết: “Tôi xin nhắc để Boristo Nguyen biết là trong giới dịch Hán văn trước nay, trên cùng một bản dịch, thế hệ đi sau nhiều khi mượn của thế hệ đi trước một đôi chữ đôi câu, chẳng thành vấn đề gì cả. Như trong phần dịch Thượng sĩ ngữ lục của Thiền sư Thích Thanh Từ năm 1996 mà bài ông có nhắc đến, ông sao chẳng để ý rằng nhiều bài thơ Thiền sư Thích Thanh Từ đã mượn hẳn lời dịch của chúng tôi hoặc của dịch giả Trúc Thiên. Vào đầu, Thiền sư đã dẫn tên chúng tôi cũng như tên Trúc Thiên, xem là những người đã có “những bài dịch hay công bố trước mình”. Ông mượn nó rồi sửa thêm ít nhiều, tôi nghĩ cũng chẳng sao, bởi trong kinh nghiệm dịch, chúng tôi rất biết, có những bản dịch của người trước tạm gọi là đã “thành”, muốn thay thế dăm bảy chữ thì được nhưng thay hết là bất khả” rồi sau đó để làm ví dụ đã đưa ra mấy bài thơ mà Thiền sư Thích Thanh Từ dịch lại của các ông.
Trước hết, để nhắc lại với ông Nguyễn Huệ Chi khái niệm thế nào là đạo văn tôi mượn tạm định nghĩa của GS Nguyễn Văn Tuấn[5]: “Đạo văn được định nghĩa là sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác một cách không thích hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày những ý tưởng và từ ngữ của người khác trước các diễn đàn khoa học và công cộng như là ý tưởng và từ ngữ của chính mình.  Ở đây, “Ý tưởng và từ ngữ của người khác” có nghĩa là: sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách lí giải của người khác mà không ghi nhận họ, và lấy những thông tin chuyên ngành mà không đề rõ nguồn gốc.”
Quay lại các bài thơ mà ông nhắc tới. Trong Lời đầu sách trước khi dịch lại các bài thơ Phóng cuồng ngâmTrữ tình tự rănThói đời hư dối [6] Thiền sư Thích Thanh Từ đã có những dòng này: “Trước đây, ông Trúc Thiên đã phiên dịch quyển sách này từchữ Hán ra chữ Việt và xuất bản năm 1968. Sau này trong THƠ VĂN LÝ –  TRẦN  tập II do Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội cũng dịch raHai bản dịch trên khá hay, song thỉnh thoảng có đôi chỗ không thích hợp lý Thiền. Chúng tôi nương theo hai bản dịch này, dịch lại và giảng rõ ra, cốt giúp độc giả dễ cảm nhận và dễ lãnh hội. Chúng tôi chân thành tri ân những nhà dịch trước, đã đóng góp lớn lao cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam và cho công tác gây dựng lại “TỦ SÁCH PHẬT GIÁO VIỆT NAM” của chúng tôi.” Như vậy, Thiền sư Thích Thanh Từ đã chỉ rõ lí do tại sao phải dịch lại, nói đúng hơn, dịch lại những chỗ mà ông coi các bản dịch trước chưa đúng tinh thần lý Thiền. Quan trọng hơn, Thiền sư ghi nguồn, tên những người dịch trước và nói rõ là nương theo các bản dịch đã có!
Ông có thấy sự khác nhau giữa ông với Thiền sư Thích Thanh Từ? Một bên sao chép nhưng giấu nhẹm không ghi nguồn, còn bên kia ghi rõ ràng “nương theo hai bản dịch” của Trúc Thiên và Thơ văn Lý – Trần (viết tắt: TVLT)? Hay ông vẫn không thể hiểu thế nào là đạo văn?
3. Liệu có phải Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung từ năm 1973? Nguyễn Huệ Chi viết: “… Sách Thơ văn Lý – TrầnTập I đúng là in xong năm 1977, và bài viết của tôi trên Tạp chí Văn học cũng ra đời cuối tháng Tám năm đó. Nhưng đừng cố ý đánh đồng hai chuyện lại. Đối thoại với nhau trên tinh thần cốt tìm ra chân lý thì không ai phớt lờ một sự thực mà Đặng Văn Sinh đã tìm hiểu nghiêm túc và chỉ dẫn đến nơi đến chốn: tuy sách Thơ văn Lý – Trần Tập I in xong năm 1977 nhưng thực tế nó đã hoàn thành nhiều năm trước, bởi bản thảo phải trải qua nhiều khâu duyệt, khoảng cuối năm 1973 được Viện Văn học đưa sang NXB KHXH, NXB này lại đưa cho Viện Sử học đọc, đến giữa 1974 mới chuyển tới Nhà in Thống nhất. Tiếp đó đến khâu xin chữ Hán và xếp chữ Hán cực kỳ vất vả của Nhóm soạn giả cùng với công nhân xếp chữ tiếng Việt, ròng rã gần 4 năm.”
Bạn đọc đọc lại bài của Đặng Văn Sinh[7] thì sẽ thấy lập luận giống hệt của Nguyễn Huệ Chi. Có vị ở Viện Văn học còn nói với tôi: bài viết chắc là của Nguyễn Huệ Chi nhưng nhờ Đặng Văn Sinh đứng tên. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ khác. Thứ nhất, Đặng Văn Sinh chép lại đoạn văn trong Những năm tháng với Phong Lê, bài viết của chính Nguyễn Huệ Chi đăng trên Talawas, coi đó là chân lí và là luận cứ để bảo vệ cho “thân chủ” của mình. Thêm nữa, rồi cũng chính từ việc chép lại những lời kể mà không ai có thể kiểm chứng để phát biểu giống hệt như Nguyễn Huệ Chi: “Có thể nói, ở miền Bắc Nguyễn Huệ Chi là người đầu tiên nêu nghi vấn Tuệ Trung Thượng sĩ không phải là  Trần Quốc Tảng kể từ năm 1973 trong bộ sách Thơ văn Lý – Trần ở mục “Khảo luận văn bản” trang 113, 114, 115 do NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 1977”. Sách in năm 1977, ngoài những lời kể của chính Nguyễn Huệ Chi thì dựa vào chứng cứ nào mà Đặng Văn Sinh nói “…kể từ năm 1973”?.  Thế thì “một sự thực mà Đặng Văn Sinh đã tìm hiểu nghiêm túc và chỉ dẫn đến nơi đến chốn” là sự thực gì?
Như vậy, để chứng minh Nguyễn Huệ Chi là đúng Đặng Văn Sinh đã dùng lời của Nguyễn Huệ Chi. Và giờ đây, để chứng minh mình đúng Nguyễn Huệ Chi lại sử dụng “sự thật” của Đặng Văn Sinh. Hỏi thực ông Nguyễn Huệ Chi, ông có thấy hài hước không?
Quay lại câu hỏi, liệu có đúng Nguyễn Huệ Chi phát hiện ra Trần Tung vào năm 1973?
Ông Nguyễn Huệ Chi cứ cãi, cứ kể lể, đưa ra hết câu chuyện này đến câu chuyện khác để chứng minh nhưng trên thế giới chưa từng có tiền lệ công nhận các kết quả khoa học thông qua lời kể! Kết quả khoa học chỉ được xét trên cơ sở những gì đã công bố chính thức.
Trọng chứng chứ không trọng cung!
Nếu Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung năm 1973 sao suốt mấy năm liền sau đó không thấy ông đăng đàn công bố ở đâu?
Tiếp theo là về những “câu chuyện cổ tích” của ông Nguyễn Huệ Chi. Liệu có thể tin những điều mà ông kể khi không có bất cứ chứng cứ nào đi kèm? Liệu có thể tin khi mà Nguyễn Huệ Chi đã không ít lần nói dối và trí trá, chẳng hạn: TVLT  tập 1 xuất bản năm 1977. Nguyễn Hưng Quốc sinh năm 1957, tốt nghiệp ĐHSP TP. HCM  năm 1979, năm 1985 mới rời Việt Nam sang Pháp và năm 1991 sang Úc định cư (wiki). Thế mà Nguyễn Huệ Chi dám bịa đặt: “Ít lâu sau nữa, từ Úc Châu, từ Canada, và từ Pháp, các học giả Nguyễn Hưng Quốc, Trần Văn Tích và Claudine Salmon đã viết những lời đầy khích lệ làm tôi ấm lòng”. Còn bức hình 1 dưới đây là ví dụ khác về chuyện trí trá của Nguyễn Huệ Chi.
Hình 1. Nguyễn Huệ Chi nói dối
Hình 1. Nguyễn Huệ Chi nói dối
Còn nhiều điều dối trá khác tôi sẽ liệt kê hầu bạn đọc trong một bài tiếp theo để trả lời bài Về bài “thưa lại” của ông Boristo Nguyen[8] mà Nguyễn Huê Chi đã đăng trên trang diendan.org.
Với một người hay trí trá, nói dối như vậy thì lấy cơ sở nào để tin vào những điều Nguyễn Huệ Chi kể?
Quay lại với những lời kể lể của Nguyễn Huệ Chi: « … tuy sách Thơ văn Lý – Trần Tập I in xong năm 1977 nhưng thực tế nó đã hoàn thành nhiều năm trước, bởi bản thảo phải trải qua nhiều khâu duyệt, khoảng cuối năm 1973 được Viện Văn học đưa sang NXB KHXH, NXB này lại đưa cho Viện Sử học đọc, đến giữa 1974 mới chuyển tới Nhà in Thống nhất. Tiếp đó đến khâu xin chữ Hán và xếp chữ Hán cực kỳ vất vả của Nhóm soạn giả cùng với công nhân xếp chữ tiếng Việt, ròng rã gần 4 năm. Phần viết 2 trang rưỡi về Trần Tung và Thượng sĩ ngữ lục trong Khảo luận của tôi cũng in đầy chữ Hán giản thể, chứng tỏ nó đã xong cùng toàn bộ bản thảo một lần. Không thể giả thiết 2 trang rưỡi này “chèn thêm vào sau” vì: 1. Chữ Hán giản thể là xin của báo Tân Việt Hoa thuộc ĐSQ Trung Quốc giữa 1974. Sau 1975, khi Khmer Đỏ trở về Campuchia và gây rối biên giới Việt Nam kể từ ngày 2, nhất là ngày 4-5-1975 đánh chiếm ngay đảo Phú Quốc, thì quan hệ với ĐSQ Trung Quốc trở nên căng thẳng, cán bộ bình thường đến đó giao thiệp không được nữa nếu không có lệnh từ cấp cao. Muốn xin chữ Hán tất nhiên cũng bó tay. 2. Sách in hiện đang còn, cứ nhìn chữ in không xộc xệch, không hàng nào xô lệch đến mất cân đối thì biết, khó có một người nào đủ khả năng phù phép để nhét thêm 2 trang rưỡi vào cho 632 khuôn chì đã xếp chữ gần như trọn vẹn, chuẩn bị đưa lên máy in, trừ phi tháo dỡ hết cả ra (phần Khảo luận của tôi lại nằm ở ngay đầu). Hãy thanh thỏa với nhau chuyện ấy cho gọn đi
Thú thực tôi phải khâm phục cái tài của ông Nguyễn Huệ Chi khéo kể chuyện cổ tích, dẫn dụ người đọc đi theo ý của mình. Tôi có hỏi chị L người học chuyên ngành in và có mấy chục năm công tác tại các nhà in Tiến Bộ, Diên Hồng trước nghỉ hưu. Những bước cơ bản của việc sắp chữ sơ bộ như thế này: tùy theo máy in lớn nhỏ mà người ta ghép 8, 6, 32… trang in vào 1 khuôn. Các trang được tạo từ bát chữ. Thợ sắp chữ xếp các con chữ vào bát chữ và sau đó dùng dây để buộc thật chặt, cố định bát chữ. Tiếp theo là bước dàn trang, xếp các trang và bát chữ vào các khuôn. Với hình ảnh, sơ đồ hay hình vẽ người ta có thể chụp phim rồi phơi bản kẽm. Các bản kẽm này được xếp cùng với các con chữ trong các bát chữ, tùy theo nội dung của trang sách.
Để nhét thêm 2 trang rưỡi không cần phải tháo rỡ toàn bộ 632 trang ra làm lại từ đầu! Để chèn 2 trang rưỡi này phải làm các việc sau:
  • Sắp lại chữ các trang tính từ trang chèn cho đến hết trang mà trang tiếp theo bắt đầu lại từ đầu trang, không quan trọng trang trước đó có đầy trang hay không. Cụ thể trong trường hợp này: nếu chèn 2,5 trang vào trang 113 của TVLT tập 1 thì sẽ chỉ phải xếp chữ từ trang 113 cho đến hết trang 136 nếu coi trang 137 (BẢNG III: về thơ) được bắt đầu lại từ đầu. Như vậy chỉ phải sếp chữ lại có 24 trang. Nếu không muốn thì cũng chỉ phải sắp chữ lại cho đến hết trang 139 (mục mới của Khảo luận văn bản), thêm 3 trang nữa.
  • Dàn lại trang: chuyển dịch tịnh tiến các trang và bát chữ vào các khuôn theo trật tự mới; gắp rút ra và thay lại số trang theo số thứ tự mới. Thông thường việc dàn lại trang mất không quá ½ số thời gian sắp chữ.
Như vậy, ai bảo để chèn trang phải rỡ ra làm lại từ đầu?
Thêm nữa, khi tôi gửi cho chị bạn xem cuốn TVLT tập 1 và hỏi: liệu có chuyện «Nhóm soạn giả cùng với công nhân xếp chữ tiếng Việt, ròng rã gần 4 năm»? Chị cười và nói: «Nếu vậy thì nhà in ăn cháo à?» Chị nói thêm mấy ý: 1) Không có chuyện tác giả vào cùng xếp chữ với công nhân, đơn giản vì không có tay nghề. Một trong những điều rất khó là người sắp chữ phải biết đọc chữ ngược, xếp từ bên phải qua. Như vậy, không phải cứ biết chữ Hán là có thể đọc được chữ ngược. Nhà in họ có các công nhân chuyên sắp chữ cho các tiếng nước ngoài. 2) Cỡ cuốn TVLT(tập 1) này thì xếp chữ hết khoảng 1 tuần, nhiều lắm là 2 tuần. Khi tôi hỏi lại, liệu có thể nhiều hơn, hết vài năm hay cả năm không? Chị nói, cùng lắm là một vài tuần chứ không có chuyện kéo dài hàng tháng, hay cả năm. Chị nhắc lại: «Nếu mất cả năm trời thì nhà in có mà ăn cháo!».
Tôi thì cứ lại nghĩ, chắc ông Nguyễn Huệ Chi khéo nói nên nhà in Thống Nhất họ cử một đội công nhân mấy năm không làm gì mà chỉ chuyên phục vụ chơi trò sắp chữ với nhóm tác giả TVLT của ông. Tính thô: 632 trang, sắp hết 4 năm, mỗi năm 365/366 ngày kể cả ngày nghỉ ngày lễ, mỗi ngày sắp chưa được 1 trang? Nghe có vẻ giống như chuyện Những Người Thích Đùa của Aziz Nesin?
Cứ theo cái cách của Nguyễn Huệ Chi thì mỗi lần in ấn có chữ Hán lại phải chạy sang ĐSQ TQ xin chữ và khi quan hệ hai nước căng thẳng thì bó tay? Nếu vậy thì ngay TVLT tập 3 in năm 1978 hay các ấn phẩm khác lấy đâu ra chữ mà sắp, theo ông?
Nguyễn Huệ Chi viết: «bản thảo phải trải qua nhiều khâu duyệt, khoảng cuối năm 1973 được Viện Văn học đưa sang NXB KHXH … đến giữa 1974 mới chuyển tới Nhà in Thống nhất » nhưng cuối Lời nói đầu của TVLT tập 1 lại ghi rõ 30 tháng 12 năm 1974 (xem hình 1 ở trên). Điều này được hiểu thế nào? Hoặc là ông nói dối, hoặc là khi đưa bản thảo qua nhà xuất bản hay thậm chí qua nhà in mà chưa có Lời nói đầu?. Một cuốn sách đồ sộ, một công trình trọng điểm của Viện Văn học dưới sự chỉ đạo chặt chẽ theo như ông nói, lại qua nhiều khâu duyệt mà bản thảo đưa tới tận nhà in không có Lời nói đầu? Lời nói đầu nằm ngay đầu cuốn sách, mà theo ông nói «khó có người nào đủ khả năng phù phép để nhét thêm» thì nó chui vào sách bằng cách nào?
Nói dối thì cũng phải sao cho khớp chứ thưa ông Nguyễn Huệ Chi!
Hình dưới là thêm một bằng chứng nữa về việc Nguyễn Huệ Chi nói dối. Trong hai năm 1973-1974 các ông còn đang tìm tòi tư liệu thì làm sao TVLT tập 1 đã qua nhiều khâu duyệt và đưa sang NXB KHXH cuối năm 1973?
Hình 2. Nguyễn Huệ Chi lại nói dối
Hình 2. Nguyễn Huệ Chi lại nói dối
4. Nguyễn Huệ Chi tiếp xúc với kết quả của Nguyễn Lang khi nào?
Nguyễn Huệ Chi quanh co, bịa đặt để người đọc lầm tưởng rằng ông đã tìm ra Trần Tung từ năm 1973. Tại sao lại là 1973 mà không phải là năm khác, 1974 hay 1975 chẳng hạn? Tôi nghĩ, chắc không phải Nguyễn Huệ Chi chọn vu vơ mà là có chủ ý. Năm 1973 Nguyễn Lang (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) trong cuốn VNPGSL (NXB Lá Bối) đã công bố việc tìm ra được Tuệ Trung Thượng sĩ chính là Trần Quốc Tung, anh cả chứ không phải là Trần Quốc Tảng con lớn của Trần Hưng Đạo. TVLT tập 1, trong đó Nguyễn Huệ Chi công bố tìm ra Trần Tung in năm 1977. Một câu hỏi dễ được đặt ra là liệu có phải Nguyễn Huệ Chi đã được đọc VNPGSL và biết được phát hiện của Nguyễn Lang trước đó? Câu hỏi là tự nhiên vì các lí do: 1) Nguyễn Huệ Chi công bố sau Nguyễn Lang 4 năm; 2) Sau năm 1975 khi đất nước thống nhất giới khoa học miền Bắc được tiếp xúc với các tài liệu và kết quả khoa học của miền Nam, chưa nói đến chuyện ngay cả trước 1975 sự trao đổi sách báo giữa hai miền hay giữa Bắc Việt Nam và người Việt ở Pháp tuy rất ít nhưng vẫn có; 3) Nguyễn Lang có một vị thế và uy tín rất lớn trong giới khoa học xã hội. Chính vì vậy mà nhiều người có thể đặt câu hỏi về việc phát hiện Trần Tung của Nguyễn Huệ Chi.
Cây ngay không sợ chết đứng! Nếu ông Nguyễn Huệ Chi thực sự tự mình tìm ra Trần Tung thì cần gì phải bịa ra chuyện này chuyện khác để rồi «gậy ông lại đập lưng ông»? Phải chăng xuất phát từ «linh cảm khác thường» hay từ cái complex (phức cảm tự ti) lo sợ người khác nghi ngờ về tính trung thực của mình?
Đẩy lùi «phát hiện» về năm 1973 mới là một cách. Ông còn có nhiều cách khác để gây hỏa mù nhằm dẫn lái người đọc khỏi sư nghi ngờ về tính trung thực khoa học của mình.
Chắc bạn đọc đều đồng ý với tôi về những điều sau:
  • Tìm kiếm có thể mau hay lâu, nhưng tìm thấy chỉ xảy ra ở một thời điểm! Trước thời điểm đó là chưa thấy, sau thời điểm đó là đã tìm thấy.
  • Nếu người khác đã tìm thấy và người đi sau đã biết đến kết quả thì không thể lại tìm thấy một lần nữa. Vật đã thấy rồi thì còn tìm thấy cái gì? Hơn nữa, nếu «tác giả»  giấu chuyện đã được biết kết quả trước đó và vẫn tuyên bố mình tự tìm ra một cách độc lập thì đó là vi phạm đạo đức khoa học.
Vậy câu hỏi sẽ là: Nguyễn Huệ Chi đã được làm quen với kết quả mà Nguyễn Lang công bố trong VNPGSL (1973) khi nào, trước hay sau khi «phát hiện» ra Trần Tung?
Việc Nguyễn Huệ Chi được thâm nhập rất sớm với VNPGSL nhiều đồng nghiệp của ông có biết. Trong các lần tái bản VNPGSL tập 1 do nhà NXB Văn học phát hành (1992, 1994) có ghi: “Chúng tôi còn được giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người từng có điều kiện thâm nhập hai tập Việt Nam Phật giáo sử luận từ rất sớm, vui lòng viết Lời giới thiệu in vào đầu trang sách cũng như soát kỹ lại bản thảo“. Bản thân ông cũng cũng có nói đến điều này không chỉ một lần. Vấn đề là thời điểm!. Thực tình, thời điểm khi nào chỉ một mình ông biết. Tuy nhiên các phát biểu của Nguyễn Huệ Chi về vấn đề này thường xuyên bất nhất và có nhiều điểm dễ gây nghi ngờ. Có cảm giác Nguyễn Huệ Chi một mặt thì cố tỏ ra công khai là mình biết kết quả của Nguyễn Lang nhưng mặt khác lại cố tình đẩy lùi thời điểm ra sau khi “phát hiện” ra Trần Tung (TVLT tập 1 in xong ngày 20-8-1977).
Nếu thực sự Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung trước khi biết đến VNPGSL của Nguyễn Lang thì việc gì ông cứ quanh co, mỗi lần nói một khác?
Trong Lời giới thiệu của VNPGSL tập 1 (NXb Văn học, 1994, trang 19, chú thích 2) Nguyễn Huệ Chi viết: “Người viết bài này, mặc dù không có hân hạnh quen biết tác giả, vào cuối năm 1978 cũng nhận được 2 tập sách gửi qua Bộ Ngoại gia đến Nxb. Khoa học xã hội (là nơi in xong Thơ văn Lý – Trần, tập I) với lời đề tặng trân trọng.”
Hình 3. Tặng sách VNPGSL
Hình 3. Nguyễn Huệ Chi nói được nhận sách VNPGSL do Nguyễn Lang tặng vào cuối năm 1978
Còn đây là bức thư gửi giáo sư Hoàng Xuân Hãn do Viện trưởng Viện Văn học Hoàng Trung Thông kí ngày 23-6-1978.
Hình 4. Thư Hoàng Trung Thông gửi Hoàng Xuân Hãn
Hình 4. Thư gửi GS Hoàng Xuân Hãn, ngày 23-6-1978
Chúng ta thấy gì qua bức thư này?:
  • Trong thư kí ngày 23-6-1978 chỉ rõ Nguyễn Huệ Chi trước đó đã được nhận sách tặng, thời điểm phải trước ngày 23-6-1978 chứ không thể là cuối năm 1978. Chẳng nhẽ Nguyễn Lang hứng chí gửi tặng thêm lần nữa?
  • TVLT tập 1 in xong 20-8-1977, Nguyễn Huệ Chi nhận sách tặng nửa đầu năm 1978. Sách in xong, phải làm các thủ tục này nọ, đưa vào hệ thống phát hành, ai đó biết được mua sách gửi sang Pháp cho Nguyễn Lang, rồi ông đọc thấy tâm đắc và gửi sách về Việt Nam tặng lại Nguyễn Huệ Chi. Sách thì dày, đọc chắc không nhanh như tiểu thuyết. Đây là một quá trình qua nhiều công đoạn và thường mất không ít thời gian. Tất nhiên, mọi chuyện đều có thể nhưng quá trình nói trên xảy ra trong quãng thời gian chỉ hơn nửa năm thì đó là một tốc độ kỉ lục! Ta cũng nên nhớ, thời kì đó chuyện quan hệ với nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam là không hề đơn giản và phải được phép của tổ chức. Bức thư trên chứng tỏ điều này.
  • Như vậy, Nguyễn Huệ Chi tiếp cận với VNPGSL là qua sách tặng của Nguyễn Lang chứ chẳng có đồng chí nào mách như ông kể: “Gần đây, có đồng chí mách cho biết: trong cuốnViệt Nam Phật giáo sử luận (Lá Bối; Sài Gòn; 1974) Nguyễn Lang cũng có ý kiến giống chúng tôi về tác giả đích thực của Thượng sĩ ngữ lục[2]. Hơn nữa cũng chẳng có chuyện định kiến Thích Nhất Hạnh là “tên biệt kích văn hóa thực dân mới” (cùng một giọng như Đặng Văn Sinh – BN thêm) đến những năm này rồi vẫn cứ còn lởn vởn trong nhiều đầu óc” để Nguyễn Huệ Chi “đánh bạt đi” [4] .
Trong bài Boristo Nguyễn đã bé cái nhầm Nguyễn Huệ Chi lại đưa ra thời điểm khác: «Nói thêm cho Boristo Nguyen rõ: trong bài viết đăng trên Tạp chí Văn học năm 1977 tôi đã đọc Nguyễn Lang. Tôi đọc cả bản dịch Thượng sĩ ngữ lục của Trúc Thiên do Lá Bối, Sài Gòn, in năm 1969. Ông hãy đi lục tìm hồ sơ ở Vụ Tổ chức UBKHXH thì may ra tìm được: đầu tháng  8-1977 người bố của tôi được điều động từ Sài Gòn ra công tác ở Ban Hán Nôm. Ông ra, mang cả sách ra cho tôi. Tuy mới đọc vội, tôi đã chú thích Nguyễn Lang ngay trên trang đầu bài viết, cốt thông báo với toàn giới nghiên cứu Cổ cận đại tin tức nóng hổi này… »[4]. Thời điểm đưa ra lần này là sớm hơn (tuy vẫn trong ngưỡng an toàn) vào đầu tháng 8-1977. Tuy nhiên, điều ông kể cũng chẳng có gì làm bằng chứng. Ngược lại, người đọc dễ có chút nghi ngờ liệu ông Nguyễn Huệ Chi có lại nhớ nhớ quên quên rồi «nhầm» thời điểm hay không? Bài viết Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ thiền thời Lý – Trần  được đăng trên Tạp chí Văn học số 4 cho hai tháng 7 và 8-1977. Thường để đăng trên tạp chí khoa học tác giả phải gửi bài trước đó khá lâu rồi qua các khâu duyệt, biên tập, đưa vào nhà in sắp chữ, in ấn. Sách mang ra đầu tháng 8. Lần đầu tiên có sách không biết nội dung trong đó có gì, muốn biết phải đọc. Đọc sách, thấy thông tin cần thiết muốn bổ sung phải đưa Tòa soạn để sửa bài rồi lại «tháo dỡ toàn bộ khuôn đã xếp chữ» để in, ông Nguyễn Huệ Chi nhớ chưa? Lại là một tốc độ kỉ lục! Chắc Tạp chí Văn học làm việc tùy tiện chẳng cần qui trình mà các tạp chí khoa học vẫn làm?
Thời điểm chính xác mà Nguyễn Huệ Chi lần đầu được tiếp xúc với VNPGSL có lẽ chỉ có một mình ông biết. Những điều trình bày ở mục này chưa đủ để xác định thời điểm mà Nguyễn Huệ Chi biết được kết quả của Nguyễn Lang. Tuy nhiên, những bất nhất, mâu thuẫn và những điều không bình thường trong các phát biểu của Nguyễn Huệ Chi đã làm người đọc nghi ngờ về sự trung thực của ông.
5. Cách tìm ra Trần Quốc Tung/Trần Tung, những điểm giống và khác nhau giữa Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Lang?
Trước hết tôi đính chính lại một số phát biểu của Nguyễn Huệ Chi.
5.1 Nguyễn Huệ Chi cho là mình khẳng định một cách chắc chắn, còn Nguyễn Lang thì không. Ông viết và trích lời của Nguyễn Lang: «Nguyễn Lang không như tôi, khẳng định rất chắc chắn, có lẽ dựa trên sự linh cảm khác thường: “Sách Hoàng Việt Văn Tuyển nói Tuệ Trung Thượng Sĩ là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Đạo. Sự thực thì tuy Tuệ Trung Thượng Sĩ có tước hiệu là Hưng Ninh Vương nhưng ông không phải tên là Trần Quốc Tảng, cũng không phải là con Trần Hưng Đạo. Ông là anh cả của Trần Hưng Đạo và tên ông là Trần Quốc Tung[4]. Xin lỗi, đoạn trích bôi đậm «Sự thực thì … tên ông là Trần Quốc Tung» không chứng tỏ Nguyễn Lang khẳng định một cách chắc chắn thì là cái gì? Hơn thế, không chỉ trong VNPGSL in năm 1973 Nguyễn Lang còn công bố quốc tế tại Pháp năm 1974.
Hình 5. VNPGSL tiếng Pháp
Hình 5. Việt Nam Phật giáo sử luận, Paris, 1974. Công bố quốc tế về phát hiện Trần Quốc Tảng
5.2 Nguyễn Huệ Chi gán cho Nguyễn Lang những cái «linh cảm khác thường», «dự đoán tài tình» và «Nguyễn Langdo tư cách một người viết sử và một nhà tư tưởng Phật giáo thâm hậu, không hề coi việc tìm kiếm chi ly ai là tác giả Thượng sĩ ngữ lục là chuyện chính yếu. Nhiều chỗ ông chỉ mặc nhận bằng sự mẫn cảm, hoặc bằng tín niệm (như cái tên Trần Quốc Tung)». Bề ngoài làm ra vẻ ca ngợi, sử dụng những mỹ từ rất kêu nhưng thực chất Nguyễn Huệ Chi có dụng ý hạ thấp giá trị của Nguyễn Lang, coi phát hiện của ông không có tính khoa học, không dựa trên luận cứ chặt chẽ.
Là một nhà tư tưởng Phật giáo, thêm nữa lại là nhà sử học chẳng lẽ Nguyễn Lang không quan tâm chính xác ai là tác giả và có thể dễ dãi, đưa bừa một cái tên vào trong lịch sử Phật giáo? Xin lỗi, ông Nguyễn Huệ Chi nói lấy được!
Nguyễn Lang viết ngắn gọn, không cần tô vẽ, thêm “mắm, muối, gia vị” (chữ của Nguyễn Hòa) như Nguyễn Huệ Chi nhưng cũng đủ để chứng minh cho phát hiện của mình. Ta cùng xem lại chuyện tìm ra Trần Quốc Tung này:
Có các nhân vật chính: Tuệ Trung Thượng sĩ (Tuệ Trung), Trần Quốc Tảng, Trần Hưng Đạo, Trần Liễu, Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu.
Trước đây: từ Bùi Huy Bích (trong Hoàng Việt văn tuyển) mọi người nhầm Tuệ Trung thành Trần Quốc Tảng, con của Trần Hưng Đạo.
Việc xác định được Tuệ Trung Thượng sĩ là ai, nói thì dông dài, thực chất là con đường phải đi qua các điểm: 1) Điểm xuất phát: Bùi Huy Bích nhầm lẫn coi Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Quốc Tảng; 2) Phát hiện ra Bùi Huy Bích sai lầm, xác định được ông không phải là Trần Quốc Tảng; 3) Xác định được ông là con đầu của Trần Liễu, anh của Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu; 4) Điểm cuối: xác định được tên họ ông. Để chứng minh kết quả là đúng thì phải đưa ra được luận cứ (tư liệu và lập luận có logic) đủ thuyết phục cho các bước 2-4.
Nguyễn Lang đưa ra 2 mệnh đề và luận cứ chứng minh:
Mệnh đề 1: Tuệ Trung Thượng sĩ không phải là Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Đạo mà là con đầu của Trần Liễu. Để chứng minh Nguyễn Lang chỉ rõ thông tin lấy ra từ bài Thượng sĩ hành trạng: «Trần Nhân Tông, người khảo đính sách Tuệ Trung thượng sĩ Ngữ Lục, trong bài Thượng Sĩ Hành Trạng in ở cuối sách  có nói rõ “Tuệ Trung thượng sĩ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Ðại Vương và là anh cả của Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Khi Ðại Vương mất, hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương»[3] (VNPGSL tập 1, NXB Lá Bối, 1973, trang 273). Khâm minh Từ thiện Đại vương là Trần Liễu, anh của Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu là điều đã được xác định từ lâu. Như vậy, thông tin là đủ để xác định Tuệ Trung Thượng sĩ là con đầu của Trần Liễu chứ không phải là Trần Quốc Tảng như sai lầm của Bùi Huy Bích. Bước 1 và bước 2 được giải quyết.
Mệnh đề 2: Tên của Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Quốc Tung. Trả lời cho câu hỏi tại sao tên là Tung, Nguyễn Lang sử dụng lời bàn của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT)Trong VNPGSL tập 1 (NXB Lá Bối, 1973, chú thích 1, trang 273) có ghi rõ: «Con cả của An Sinh Vương là Tung. Sách Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư trong phần nói về vua Trần Minh Tông, có ghi lời bàn của Ngô Sĩ Liên như sau: “Vua vốn là người hậu với thân thuộc trong họ, đối với người vài vế trên mà quý hiển lại càng tôn kính lắm. Phàm kẻ thần hạ người nào có tên trung với những người ấy đều đổi cho tên khác. Như người tên là Ðộ đổi thành Sư Mạnh vì tên Ðộ trùng với tên Thượng Phụ (Trần Thủ Ðộ), tên là Tung thì đổi thành tên Thúc Cao, vì tên Tung trùng với tên Hưng Ninh Vương con trưởng của An Sinh Vương”.
Có những bản in lầm An Sinh Vương thành An Ninh Vương. Ta chưa từng nghe ai có tước hiệu là An Ninh Vương bao giờ. Hưng Ninh Vương là con của An Sinh Vương Trần Liễu. Chữ sinh trong An Sinh Vương đã bị khắc lầm thành chữ Ninh chỉ vì trước đó đã có chữ ninh trong Hưng Ninh Vương”»
Cha là Trần Liễu, họ Trần thì con cũng mang họ Trần, tên Tung!
Ở đây có một điểm đáng lưu ý: trong Lời giới thiệu của ĐVSKTT in nhầm An Sinh vương thành An Ninh vương. Tôi không phải dân trong ngành nên không rõ việc in khắc nhầm ở tất cả các bản hay chỉ trong một số bản (như Nguyễn Lang chỉ ra cũng như Nguyễn Huệ Chi đã viết trong TVLT tập 1: «Chúng tôi e ở đây có sự nhầm lẫn của bản khắc gỗ (đời Nguyễn)»). Tuy nhiên, là một nhà nghiên cứu uyên thâm về lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam thì việc Nguyễn Lang nắm rõ các nhân vật chính thời nhà Trần và những tước hiệu được phong để từ đó dễ dàng phát hiện ra sự nhầm lẫn này là điều dễ hiểu. Chính vì vậy mà ông khẳng định một cách chắc chắn như những dòng ở trên.
5.3 Nguyễn Huệ Chi viết: « … đích đến của Nguyễn Lang là giả định Trần Quốc Tung thì tôi đâu có đi đến đấy» chắc với hai hàm ý:  1) Nguyễn Lang tìm ra Trần Quốc Tung bởi giả định chứ không bằng luận cứ khoa học; 2) Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Lang tìm ra 2 người khác nhau.
Về ý 1: với những điều tôi vừa trình bày ở trên xin để bạn đọc tự đánh giá, Nguyễn Huệ Chi có phải nói bừa hay không?
Về ý 2:  Nguyễn Lang không giải thích tại sao lại gọi là Trần Quốc Tung vì có thể ông coi là hiển nhiên khi những người con trai khác của Trần Liễu đều mang tên đệm là Quốc[9] thì Tuệ Trung cũng có tên đệm Quốc. Điều này hoàn toàn hợp logic. Có thể coi việc ông không đưa ra lời giải thích như vậy là chưa đầy đủ, tuy nhiên một học giả uyên bác như ông khó có chuyện nói vu vơ, giả định. Không chỉ Nguyễn Lang, Lê Mạnh Thát một nhà nghiên cứu nổi tiếng khác cũng gọi Trần Quốc Tung thay vì Trần Tung. Chắc cũng phải có lí do! Nhưng điều quan trọng, bản chất của vấn đề là ở chỗ này: Nguyễn Lang đã xác đinh được nhân thân của Tuệ Trung Thượng sĩ, ông không phải là Trần Quốc Tảng, con của Trần Hưng Đạo mà là con trưởng của An Sinh vương Trần Liễu. Cái đích của Nguyễn Huệ Chi không đi đến chỗ đấy thì đi đến đâu? Hay Nguyễn Huệ Chi tìm ra người khác? Ông cứ thử hỏi khắp trong giới đồng nghiệp của ông có ai coi Trần Tung với Trần Quốc Tung là hai người khác nhau?
Về chuyện Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung tôi có mấy nhận xét sau:
5.3 Trong câu chuyện phát hiện Trần Tung, Nguyễn Huệ Chi luôn cố gắng tạo ra khoảng cách giữa mình và Nguyễn Lang, coi các phát hiện của mình và của Nguyễn Lang là khác nhau, cả về mục đích, hình thức lẫn phương pháp. Chắc mọi người cũng dễ hiểu lí do tại sao, tôi không nhắc lại đây.
Nguyễn Huệ Chi viết: «Vậy là đối tượng khảo sát khác nhau (bản 1683 đối chiếu với bản 1903 / và bản 1943), cách tiếp cận vấn đề khác nhau (một bên là văn bản học / một bên có khảo chứng sơ sơ nhưng sử Phật giáo mới là chính yếu), số lượng nguồn tài liệu soi sáng khác nhau (một bên 6 / một bên 3), và trình tự luận giải cũng khác nhau, kết quả của tôi ngay trong bước một đã không đồng nhất với Nguyễn Lang (NHC: Trần Tung / NL: Trần Quốc Tung).». Về kết quả, hay cái đích có khác nhau không tôi đã nói ở trên, về mục tiêu hay cách tiếp cận cũng vậy. Trước khi bình luận về số lượng nguồn tài liệu và trình tự luận giải tôi chỉ xin nói: dù ông Nguyễn Huệ Chi có cố khoác những cái vỏ cho có vẻ khác nhau nhưng cốt lõi của vấn đề cũng vẫn chỉ là mộtlàm thế nào để phát hiện ra Trần Quốc Tung / Trần Tung, lí giải và luận chứng?
5.4 Về nguồn tài liệu, đối tượng khảo sát, Nguyễn Huệ Chi cho rằng mình và Nguyễn Lang khác nhau: Nguyễn Huệ Chi tham khảo 6 nguồn tài liệu còn Nguyễn Lang chỉ khảo sát 3 nguồn tài liệu. Ông viết: «tôi khảo sát những nguồn tài liệu có khác với Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận Tập I (VNPGSL I): hai bản in của sách Thượng sĩ ngữ lục vào hai thời điểm 1683 “do Tuệ Nguyên đề tựa” (ký hiệu A.1932), và 1903 “do Thanh Cừ cho khắc” (A. 2048), cùng với 4 sách Hoàng Việt văn tuyển, Đại việt sử ký toàn thưAn Nam chí lược, Nguyên sử. Trong khi đó Nguyễn Lang khảo sát bản in Thượng sĩ ngữ lục năm 1943 “của [Tổng] hội Phật giáo Bắc Kỳ, căn cứ trên một bản in cũ năm 1903 do sa môn Thanh Cừ chùa Pháp Vũ thực hiện”.
Xin thưa, 2 bản Thượng sĩ ngữ lục mà ông khảo sát (năm 1683 và 1903) với bản mà Nguyễn Lang khảo sát (1943) về  hình thức có thể khác nhau đôi chút (đại đồng, tiểu dị) nhưng cái sự khác nhau đôi chỗ ấy có ảnh hưởng gì đến chuyện đi tìm Tuệ Trung Thượng sĩ là ai? Thông tin cần thiết mà ông sử dụng để tìm ra Trần Tung lại chính là cái mà Nguyễn Lang đã sử dụng và dẫn ra trước đó trong Thượng sĩ hành trạng (xem mệnh đề 1 ở trên). Ông đừng dùng cái khác biệt mang tính hình thức, không liên quan đến vụ việc đang xem xét để đánh lạc hướng mọi người! Hoàng Việt văn tuyển để nói về sai lầm của Bùi Huy Bích, ĐVSKTT để xác định tên (Tung), cả Nguyễn Lang và ông đều sử dụng. Tài liệu khác mà ông sử dụng thêm (An Nam chí lược và Nguyên sử) là các văn bản có ghi cụ thể họ tên Trần Tung. Nguyễn Lang không cần đến 2 văn bản này vì có thể cho là không cần thiết, mọi sự đã rõ.
Là người đi sau, biết rõ không chỉ kết quả mà cả những luận cứ của người đi trước thì việc tìm kiếm thêm tư liệu này nọ để bổ sung, làm đẹp cho lời giải cũng là chuyện thường tình, không có gì đặc biệt. Điều quan trọng là để đạt được những điểm mấu chốt trong việc tìm ra Trần Quốc Tung/Trần Tung cả Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi đều sử dụng cùng một tư liệu.
5.5 Ta quay lại tìm hiểu cụ thể cách mà Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung. Xin nhắc lại: con đường để tìm ra Trần Tung phải đi qua 4 điểm với 3 bước mấu chốt. Điều đầu tiên tôi muốn nói là Nguyễn Lang đã đi con đường thẳng, ngắn nhất để đến đích. Trái lại, thay vì đi thẳng Nguyễn Huệ Chi lại đi ngoằn nghèo nhưng rồi vẫn phải quay về những điểm chính của con đường. Đôi chỗ vì mải mê lòng vòng mà thành ra «lộn đường», ông lại tự làm khó mình.
Trần Tung, một gương mặt lạ trong làng thơ thiền thời Lý Trần[2] (1977) là bài viết đầu tiên mà Nguyễn Huệ Chi diễn giải chi tiết cách mình tìm ra Trần Tung. Vì cách dẫn giải vừa dài vừa rắm rối, khuôn khổ bài viết lại có hạn nên tôi không thể tường thuật lại đầy đủ mọi chi tiết ở đây. Chỉ xin tóm lược lại những điểm chính và có đôi lời bình luận.
Trong phần thứ nhất, BẮT ĐẦU NHẦM TỪ BÙI HUY BÍCH (trang 117-119) Nguyễn Huệ Chi phân tích tại sao Bùi Huy Bích lại sai lầm với những ý chính sau:
  • Khi đưa bài Phóng cuồng ca (Phóng cuồng ngâm) của Tuệ Trung Thượng sĩ vào Hoàng Việt văn tuyển Bùi Huy Bích đã nhầm tác giả thành Trần Quốc Tảng.
  • Đưa ra những chi tiết trong ĐVSKTT và một số bộ sử dẫn tới sự nghi ngờ về sai lầm của của Bùi Huy Bích.
  • Khi dẫn Thượng sĩ hành trạng Nguyễn Huệ Chi chỉ đưa ra thông tin: «Bài hành trạng nói rõ: thượng sĩ vốn là con trưởng trong gia đình, là anh ruột hoàng hậu, và là người từng được vua Trần Thái Tông phong tước Hưng ninh vương» rồi kết luận: «Tất nhiên, bài hành trạng không hề nói Hưng ninh vương, hay Tuệ Trung thượng sĩ là Trần Quốc Tảng, cũng không cho biết tên thật của ông là gì. Cho nên, trước sau, những lời mập mờ này vẫn là một câu đố bí hiểm»
  • Sử dụng những suy luận mang tính tư biện (xem hình 6 ở dưới) để kết luận: «Thành thử, từ một Tuệ Trung thượng sĩ chưa có hình dáng rõ ràng trong Thượng sĩ ngữ lục, qua bàn tay nhào nặn của Bùi Huy Bích, đã nghiễm nhiên trở thành Trần Quốc Tảng, một con người bằng xương bằng thịt trong lịch sử»
Hình 6. Tư biện
Hình 6. Tư biện
Ở phần này có 2 nhận xét :
  • Trong Thượng sĩ hành trạng đã chỉ rõ: «Tuệ Trung thượng sĩ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Ðại Vương và là anh cả của Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm». Như vậy Tuệ Trung Thượng sĩ không chỉ là con trưởng trong gia đình (nào đó) mà là con trưởng của Trần Liễu, không chỉ là anh ruột của hoàng hậu (nào đó) mà là anh ruột của hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Những thông tin này ghi rõ ràng ngay ở đầu Thượng sĩ hành trạng và đủ để xác định thân nhân (trừ tên) Tuệ Trung thượng sĩ là ai. Nguyễn Lang đã làm như vậy, nhưng Nguyễn Huệ Chi lại rút bớt thông tin để phức tạp hóa, vòng vo một hồi lại quay về đúng điểm cần đến.
  • Nguyễn Huệ Chi tự hào mình là dân làm văn bản học nhưng những gì ông viết lại đầy tư biện. Văn bản có thể đưa ra những chứng cứ để chứng minh Bùi Huy Bích sai lầm, sai lầm ở chỗ nào chứ làm sao cho thấy được Bùi Huy Bích nghĩ gì, suy nghĩ ra sao để nhầm Tuệ Trung Thượng sĩ thành Trần Quốc Tảng? Những «ức đoán », «vội vã dựng lên cả một bảng tiểu sử», …, «qua bàn tay nhào nặn của Bùi Huy Bích» rồi «ông cố gò gẫm để đồng nhất cho được hai người mà lí lịch có một vài điểm giống nhau» là những ức đoán của Nguyễn Huệ Chi chứ không phải của Bùi Huy Bích.
Trong phần hai CĂN BẢN KHÁC NHAU GIỮA TRẦN QUỐC TẢNG VÀ TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ  (trang 120-123) Nguyễn Huệ Chi đưa ra cứ liệu và lập luận chứng minh Tuệ Trung thượng sĩ và Trần Quốc Tảng là hai người khác nhau. Điều duy nhất muốn nói ở phần này là việc gì ông cứ phải cố vòng vo tam quốc khi mà trong Thượng sĩ hành trạng đã chỉ rõ: Tuệ Trung Thượng sĩ là con đầu của Trần Liễu, anh của hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, tức là bác ruột của Trần Quốc Tảng.
Tiếp theo là phần TỪ BÀI «THƯỢNG SĨ HÀNH TRẠNG», ĐI TÌM NHỮNG TIA SÁNG MỚI VỀ TÁC GIẢ «THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC» (trang 123-127)Sau một hồi lòng vòng ở phần trước Nguyễn Huệ Chi quay về điểm mấu chốt thứ 3 của con đường (mệnh đề 1 của Nguyễn Lang): «Thượng sĩ hành trạng cho ta một giải pháp bước đầu sáng rõ: Tuệ Trung thượng sĩ là con thứ nhất của Trần Liễu và là anh ruột của hoàng hậu Nguyên Thánh, vợ Trần Thánh Tông»
Buộc phải quay lại nhưng rồi Nguyễn Huệ Chi vẫn cố tìm cớ để tiếp tục vòng vèo. Vẫn bằng phương pháp tư biện quen thuộc ông lại gán suy đoán của cho Bùi Huy Bích: «Chắc Bùi Huy Bích cũng đã tra cứu sử sách tìm ra được điều đó. Nhưng cái kết quả đó quá đỗi mới lạ và khó tin đối với ông, nên ông đã bác đi, thay nó bằng một giả thuyết dễ tin hơn.». Ơ hay, làm sao mà Nguyễn Huệ Chi biết Bùi Huy Bích, người sống trước ông hàng thế kỉ, trong đầu nghĩ gì mà gán cho ông như vậy ? Tôi đồ ông Nguyễn Huệ Chi đã viện đến phương pháp tâm linh, gọi hồn để nói chuyện với người âm nên mới biết được cụ Bùi nghĩ gì?
Cũng vì thích lòng vòng, mải mê lập lờ bao biện mà Nguyễn Huệ Chi lại tự làm khó, rơi vào đúng cái bẫy do mình tạo ra. Nhắc lại sự kiện Trần Liễu khởi loạn năm 1237 vì vợ là Thuận Thiên đang mang thai thì bị Trần Thủ Độ ép phải bỏ để lấy Trần Thái Tông, Nguyễn Huệ Chi tư biện cho rằng:
Trần Liễu vì việc này đã khởi loạn, và có phần chắc Võ Thành vương Doãn cũng tán đồng hoặc có trực tiếp góp sức với cha trong vụ khởi loạn đó”, “Chúng ta để ý rằng khi hoàng hậu Thuận Thiên mất, Võ thành vương Doãn phải bỏ chạy mà Hưng ninh vương và Trần Quốc Tuấn thì vẫn được tin dùng. Vì sao? Vì trong vụ khởi loạn của Trần Liễu hai ông còn nhỏ nên đã không dự vào?…”.
Vẫn theo luồng suy nghĩ này trong Boristo Nguyễn đã bé cái nhầm Nguyễn Huệ Chi suy luận: “Nếu Tuệ Trung Thượng sĩ là “trưởng tử” thì mâu thuẫn với Đại Việt sử ký toàn thư vì Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi rõ Võ Thành vương Doãn là con đẻ của Trần Liễu và Thuận Thiên [Hoàng hậu], lại hơn Tuệ Trung nhiều chục tuổi. Thế là bài toán thành ra vô nghiệm, đâm rắc rối to. Nhưng chép Tuệ Trung là “con thứ nhất” thì vấn đề trở nên thanh thỏa, bởi sau khi Võ Thành vương Doãn chống lại Trần Thái Tông năm 1237 do vua cướp mẹ ruột mình làm vợ (lúc Tuệ Trung mới 7 tuổi), rồi phải chạy sang phương Bắc sau ngày Trần Liễu và Thuận Thiên đều mất, kế đó bị bắt và bị giết, thì nghiễm nhiên Tuệ Trung trở thành “con thứ nhất” không sai. Chỗ khéo léo đó trong ghi chép của Trần Nhân Tông đến bấy giờ tôi mới nhận ra.”
Xin hỏi:
  • Thuận Thiên hoàng hậu sinh năm 1216, năm 1237 bà 21 tuổi thì Võ Thành vương Doãn bao nhiêu tuổi để có thể tham gia vào vụ khởi loạn cùng cha là Trần Liễu?
  • Tuệ Trung sinh năm 1230 (năm 1237 lên 7 tuổi), thua Thuận Thiên hoàng hậu 14 tuổi. Võ Thành vương Doãn hơn Tuệ Trung nhiều chục tuổi, vậy Thuận Thiên hoàng hậu sinh ra ông năm mấy tuổi?
Chỗ khéo léo đó trong ghi chép của Trần Nhân Tông đến bấy giờ tôi mới nhận ra.” của ông Nguyễn Huệ Chi bạn đọc chắc đã hiểu?  Và tôi thực sự khâm phục cái tài năng “gỡ lưới” của ông: “Bởi thế, câu nào tôi trích dịch ở sách nào đều rất chọn lọc và cố dịch từ văn bản cổ nhất, lại phải là câu có chứa đựng “mã khóa” giúp mình gỡ ra từng mắt của một cái lưới khó gỡ”.
Đường quang không đi, lại thích đâm quàng bụi rậm!
Sau khi xác định được Tuệ Trung là “con thứ nhất” của Trần Liễu rồi, việc tiếp theo là xác định tên của ông. Để đạt được điều này, Nguyễn Huệ Chi lại sử dụng lời bình của Ngô Sĩ Liên về Trần Minh Tông trong ĐVSKTT, đúng hệt như Nguyễn Lang đã làm trong VNPGSL năm 1973 (xem mệnh đề 2 ở trên).
Nguyễn Huệ Chi đi tiếp, đưa ra tư liệu An Nam chí lược mà trong văn bản có ghi rõ Hưng Ninh vương Trần Tung. Đây là điểm không có ở VNPGSL của Nguyễn Lang. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, lời bình của Ngô Sĩ Liên đã cho biết tên của Tuệ Trung là Tung. Ông là con Trần Liễu thì mang họ Trần. Để xác định các nhân vật, sự kiện lịch sử, ngoài việc tìm kiếm và sử dụng tư liệu người ta còn sử dụng các lập luận logic. Tìm được tư liệu trong đó có ghi rõ tên họ nhân vật lịch sử là quí nhưng đấy chỉ là một cách. Sử dụng tư liệu và lập luận logic là cách khác. Hơn nữa, khi người đi sau đã biết kết quả của người đi trước thì hoàn toàn có thể tìm thêm tư liệu để làm đẹp cho lời giải đã có. Qua những gì ông Nguyễn Huệ Chi phát biểu trong Boristo Nguyễn đã bé cái nhầm tôi nghĩ ông không thể hiểu điều tôi nói: “…ông Đặng Văn Sinh quên mất một điều: tìm ra Trần Tung và chứng minh Tuệ Trung Thượng sĩ chính là Trần Tung là 2 bàì toán toán hoàn toàn khác nhau!
Qua tìm hiểu cách mà ông Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung tôi có những cảm nhận sau:
  • Ở Nguyễn Lang mọi cái được trình bày ngắn gọn, súc tích, và ông đi theo đường thẳng để tới đích. Ngược lại, Nguyễn Huệ Chi cố làm cho rắc rối, tự ngụy tạo ra các câu hỏi để rồi tự trả lời. Đường thẳng không đi mà ông cứ cố lòng vòng để rồi có lúc lại tự rơi vào bẫy của mình.
  • Nguyễn Huệ Chi luôn cố gắng tạo ra khoảng cách, khác biệt với Nguyễn Lang và tuyên bố: “trình tự luận giải cũng khác nhau[4] nhưng hai điểm tựa cốt lõi để tìm ra Trần Tung mà ông sử dụng lại y hệt như của Nguyễn Lang: đoạn trích trong Thượng sĩ hành trạng và lời bình của Ngô Sĩ Liên trong ĐVSKTT. Đây có phải là sự giống nhau tình cờ hay không, xin để bạn đọc tự rút ra kết luận.
Ông Nguyễn Huệ Chi có lấy kết quả của Nguyễn Lang rồi gán cho mình hay không, tôi thực sự không biết. Nhưng chuyện ông Nguyễn Huệ Chi trí trá, nói dối rất nhiều thì tôi đã chứng minh và đưa ra các bằng chứng. Nếu đúng là ông tự tìm ra Trần Tung thì việc gì phải quanh co, trí trá như vậy? Và chính sự trí trá này buộc người ta phải nghi ngờ về tính trung thực của ông trong câu chuyện phát hiện ra Trần Tung.
6. Trước khi gửi Văn nghệ TP HCM Nguyễn Huệ Chi đã cho đăng Boristo Nguyễn đã bé cái nhầm trên trang mạng Diễn đàn với lời giới thiệu của ban biên tập:
Diễn Đàn: Chúng tôi xin đăng bài dưới đây của  GS Nguyễn Huệ Chi để chấm dứt một cuộc tranh luận đã dài trên chủ đề này; thông tin và luận cứ của hai bên đã đầy đủ và công khai trên mạng. Mặt khác chúng tôi hy vọng ông Boristo Nguyễn và báo VN TP HCM đủ tự trọng để không còn làm những việc như lợi dụng sự kiện thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa trở về chùa cũ tĩnh dưỡng, để tuyên truyền cho những ý đồ phi học thuật đã cũ của mình
Xin có mấy lời với ban biên tập Diễn đàn. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người mà tôi vô cùng kính trọng, cả về trí tuệ lẫn nhân cách. Câu chuyện giữa tôi và ông Nguyễn Huệ Chi hoàn toàn không liên quan đến việc thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa dưỡng thương (mà qua Diễn đàn tôi mới biết). Hơn nữa chuyện Trần Tung là liên quan đến Nguyễn Lang (thiền sư Thích Nhất Hạnh) chỉ với tư cách ông là một nhà nghiên cứu Phật giáo và lịch sử. Theo tôi hiểu, ban biên tập Diễn đàn gồm nhiều nhà trí thức sống lâu năm ở các nước phương Tây, nơi mà lâu nay vẫn tự hào về dân chủ, công bằng và tự do ngôn luận. Thêm nữa là trí thức các vị chắc hiểu hơn ai hết là trong khoa học chỉ có sự thực, chân lí mới là tối thượng, duy lí hơn duy tình, và đặc biệt là không chấp nhận thái độ học phiệt. Việc các vị tự cho mình là cán cân chân lí, gán cho tôi cái điều không có mà chẳng cần chứng minh. Các vị khẳng định việc tôi làm với ý đồ phi học thuật một cách khơi khơi, không có bằng cứ. Những phát biểu của các vị hoàn toàn trái ngược với những giá trị mà lâu nay các vị vẫn tự hào. Tôi hy vọng các vị đủ thông minh để vượt qua được tư duy bè phái cũng như đủ tự trọng để xem xét và rút lại những phát biểu của mình.
Qua ông Nguyễn Huệ Chi tôi cũng muốn nhắn thêm: tôi không liên quan và không muốn bàn gì đến chính trị cũng như không có bất cứ ý kiến gì về chuyện dân chủ nhưng cái cách một mặt thì đòi dân chủ nhưng mặt khác chỉ muốn bịt mồm người khác thì cái dân chủ ấy là dân chủ gì?

Boristo Nguyen, Moscow, tháng 1 năm 2019
  1. Boristo Nguyen. Có phải GS Nguyễn Huệ Chi tìm ra tên của Tuê Trung Thượng Sĩ là Trần Tung? Tuần báo Văn nghệ TP HCM, số 375, 29-11-2018. Bản đầy đủ xem tại Blog: boristonguyen.wordpress.com.
  2. Nguyễn Huệ Chi. Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần. Tạp chí Văn học, số 4, tháng 7 và 8-1977.
  3. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Chương 11: Tuệ Trung Thượng sĩ. NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1973
  4. Nguyễn Huệ Chi. Boristo Nguyễn đã bé cái nhầm. Diễn Đàn (Diendan.org), 11-12-2018, in lại tại Văn nghệ TP HCM, số 530, 27-12-2018
  5. Nguyễn Văn Tuấn. Đạo văn trong hoạt động khoa học. Vietsciences, 16-11-2007.
  6. T. Thích Thanh Từ. Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải. 1996
  7. Đặng Văn Sinh. Giáo sư Huệ Chi “đạo văn” hay là nhà phê bình Nguyễn Hoà vu khống? Diễn Đàn (www.diendan.org). 13-11-2013.
  8. Nguyễn Huệ Chi. Về bài “thưa lại” của ông Boristo Nguyen. org, 30-9-2018
  9. Đinh Ngọc Thu. Vì sao Trần Liễu hận vua Trần Thái Tông đến chết?Nghiencuulichsu.com
Chú thích 9: “Các con trai của Trần Liễu xếp thứ tự lớn nhỏ theo tuổi tác như sau: 1. Trần Tung,  2. Trần Quốc Tuấn, 3. Trần Quốc Doãn. 4. Trần Quốc Khang. Xếp theo con trưởng con thứ: 1. Trần Quốc Doãn, 2. Trần Quốc Khang, 3. Trần Tung, 4. Trần Quốc Tuấn. Vì Trần Quốc Doãn là con trai đầu của ông Trần Liễu với bà vợ lớn là công chúa Thuận Thiên nên Trần Quốc Doãn mặc dù nhỏ tuổi nhưng được phong làm con trưởng. Sử sách xếp Trần Quốc Khang bên dòng con vua Trần Thái Tông, nhưng ông chính là con ruột Trần Liễu.”
Trong nhiều tài liệu khác thay vì Trần Doãn cũng ghi Trần Quốc Doãn, ví dụ trong Việt Nam thi sử của Đinh Thắng, Dallas, 2016, chương 15/1 có viết: “Mọi thứ ở trên đều do Trần Thủ Độ sắp xếp chỉ trừ việc bà về làm thiếp của Trần Liễu. Đầu năm 1233, khi bà 17 tuổi, bà được người mẹ khuyên nên lấy Trần Liễu để có chỗ nương thân. Bà nghe theo lời mẹ. Cuối năm 1234 bà có đứa con trai đầu lòng được đặt tên Trần Quốc Doãn”.
  1. Boristo Nguyen. Đôlời thưlại ng giásư Nguyễn Huệ Chi về chuyện Thơ Lý Trần. Tuần báoVăn nghệ TP Hồ Chí Minh số 510 và 511, 08-2018 hoặc trang mạng http://www.viet-studies.net  của Trần Hữu Dũng, 28-7-2018

"
https://boristonguyen.wordpress.com/2019/02/21/boristo-nguyen-da-be-cai-nham-hay-la-tro-lau-cua-nguyen-hue-chi-2/?fbclid=IwAR2cr06dTyKg2PN5PBowJobD2LhFLrP5fxtIAsbAj8-3ICMDJax_Tcb_UHQ





2. Bài trả lời của Nguyễn Huệ Chi


Boristo Nguyen đã bé cái nhầm

Nguyễn Huệ Chi
Chúng tôi xin đăng bài dưới đây của  GS Nguyễn Huệ Chi để chấm dứt một cuộc tranh luận đã dài trên chủ đề này; thông tin và luận cứ của hai bên đã đầy đủ và công khai trên mạng. Mặt khác chúng tôi hy vọng ông Boristo Nguyễn và báo VN TP HCM đủ tự trọng để không còn làm những việc như lợi dụng sự kiện thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa trở về chùa cũ tĩnh dưỡng, để tuyên truyền cho những ý đồ phi học thuật đã cũ của mình.
Diễn Đàn


Bài “Có phải GS Nguyễn Huệ Chi tìm ra tên của Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Tung” của Boristo Nguyen công bố trên Văn nghệ TP HCM ngày 1-12-2018 trước sau chỉ nhằm mục đích tố cáo tôi lấy cắp công lao của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong việc phát hiện ra người mang pháp danh Tuệ Trung Thượng sĩ đời Trần chính là Trần Quốc Tung, không phải Trần Quốc Tảng như ý kiến của Bùi Huy Bích trong Hoàng Việt văn tuyển. Nhưng muốn làm được điều đó thì không thể đi lại con đường Nguyễn Hòa đã đi, vốn đã bị Đặng Văn Sinh bác bỏ một cách thuyết phục (xem đây). Lần này phải làm sao “nói có sách mách có chứng”, chỉ một cú nhấp chuột “xong” ngay! Vốn học về khoa học tự nhiên (như ông từng cho biết), Boristo Nguyen bèn sử dụng tay nghề có sẵn, đưa ra một bài toán thống kê và loại trừ, bày trước mắt người đọc 4 văn bản, hoặc dịch hoặc phỏng dịch toàn văn hoặc một phần bài Thượng sĩ hành trạng mà cả Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tôi đều nhất thiết phải dùng đến. 4 văn bản đó là: 1. Bản dịch đầy đủ của Thiền sư Thích Thanh Từ, 1996; 2. Bản dịch đầy đủ của Đỗ Văn Hỷ và Nguyễn Huệ Chi trong Thơ văn Lý-Trần Tập II thượng, 1989; 3. Những đoạn trích dịch và phỏng dịch của Thích Nhất Hạnh (Nguyễn Lang) trong Việt Nam Phật giáo sử luận I, 1973; 4. Những đoạn trích dịch và phỏng dịch của Nguyễn Huệ Chi trong bài Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ thiền thời Lý-Trần in trong Văn học Việt Nam Cổ cận đại - Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, 2013. Hai văn bản trên được xem như “bàng chứng” soi tỏ hai văn bản dưới, để từ đó có cơ sở so sánh và nhận định. Quả hết sức chỉn chu. Cuối cùng, sau khi đối chiếu, sàng lọc kỹ lưỡng, ông chọn được một đoạn theo ông có ba câu “giống nhau như đúc” (chúng tôi tô đậm ở dưới) giữa bản của Thích Nhất Hạnh và bản của tôi:
Thích Nhất Hạnh (Nguyễn Lang): “Hồi em gái Tuệ Trung Hoàng hậu Thiên Cảm còn sống, một hôm ông được bà mời vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt ăn cá thì làm sao mà thành Phật được?”. Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật. Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói ‘Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát’ đó sao?” [tr. 276]
Nguyễn Huệ Chi: “Một lần, Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, vợ Trần Thánh Tông, mời ông anh Tuệ Trung vào cung ăn tiệc. Trên bàn tiệc có cả cỗ mặn lẫn cỗ chay. Thấy anh mình trong bữa ăn quên cả kiêng khem mà nhúng đũa cả vào cỗ mặn một cách phóng túng, Hoàng hậu khẽ nhắc ông: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”. Tuệ Trung Thượng sĩ cả cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không hề muốn làm Phật, Phật cũng không hề muốn làm anh. Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát, đó sao?” [tr. 375]
Thế là ông reo lên: Eureka, bắt tận tay day tận trán đây rồi. Sau khi đưa ra ba nhận xét: 1. Trường hợp dùng tên Nguyên Thánh Thiên Cảm giống nhau ở câu mở đầu (trong khi nguyên văn là Thái hậu) “có thể gây nghi vấn là Nguyễn Huệ Chi chịu ảnh hưởng của Nguyễn Lang” nhưng “chỉ là nghi vấn chứ chưa đủ để chứng minh”; 2. Câu “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?” “giống nhau gần như đến từng chữ, từng từ”  và câu chữ trong đó lại khác với 2 bản bàng chứng; 3. Hai câu nữa: “Phật là Phật, anh là anh; anh không hề muốn làm Phật, Phật cũng không hề muốn làm anh.Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát, đó sao?” “gần như giống nhau hoàn toàn”, riêng câu cuối thì 2 bản bàng chứng cũng dịch y như vậy. Kết luận:
Cả 3 loại nhận xét này đều nói lên việc người đi sau đạo của người đi trước, tức là Nguyễn Huệ Chi [1977] đạo của Nguyễn Lang [1973]. Tình cờ trùng nhau 1 câu, 1 chỗ xác suất đã nhỏ; “ý tưởng lớn” gặp nhau nhiều lần thì xác suất vô cùng nhỏ, hầu như là không thể!
Mà việc đạo văn của Nguyễn Huệ Chi cũng đồng nghĩa với việc ông ăn cắp kết quả của Nguyễn Lang và gán cho mình!
Sau những phân tích ở trên, liệu các bạn đọc có còn tin là Nguyễn Huệ Chi đã tự mình phát hiện Tuệ Trung thượng sĩ là Trần Tung nữa không? Còn tôi, tôi không tin!” (tôi bôi đậm để bạn đọc đọc cho rõ - NHC).
Thật là chặt chẽ. Bản án khép lại, bị cáo chẳng còn tài nào xoay trở. Cứ để cho ông Boristo Nguyen mừng.
Ta hãy trở lại từ đầu cho mạch lạc. Trước hết, ở đầu bài viết, Boristo Nguyen có một nhận định cần được cải chính. Ông viết: “Năm 1977, tức 4 năm sau [Nguyễn Lang], trong Thơ văn Lý-Trần (quyển I, trang 113-115, Phần khảo luận) và trong bài viết Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý-Trần Nguyễn Huệ Chi công bố mình đã độc lập tìm ra Trần Tung (bớt một chữ Quốc) chính là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nếu đúng Nguyễn Huệ Chi tự mình tìm ra Trần Tung thì việc này xảy ra sau 4 năm”. Với người bình thường, xét trên hình thức, ông nói thế không sai. Sách Thơ văn Lý-Trần Tập I đúng là in xong năm 1977, và bài viết của tôi trên Tạp chí Văn học cũng ra đời cuối tháng Tám năm đó. Nhưng đừng cố ý đánh đồng hai chuyện lại. Đối thoại với nhau trên tinh thần cốt tìm ra chân lý thì không ai phớt lờ một sự thực mà Đặng Văn Sinh đã tìm hiểu nghiêm túc và chỉ dẫn đến nơi đến chốn: tuy sách Thơ văn Lý-Trần Tập I in xong năm 1977 nhưng thực tế nó đã hoàn thành nhiều năm trước, bởi bản thảo phải trải qua nhiều khâu duyệt, khoảng cuối năm 1973 được Viện Văn học đưa sang NXB KHXH, NXB này lại đưa cho Viện Sử học đọc, đến giữa 1974 mới chuyển tới Nhà in Thống nhất. Tiếp đó đến khâu xin chữ Hán và xếp chữ Hán cực kỳ vất vả của Nhóm soạn giả cùng với công nhân xếp chữ tiếng Việt, ròng rã gần 4 năm. Phần viết 2 trang rưỡi về Trần Tung và Thượng sĩ ngữ lục trong Khảo luận của tôi cũng in đầy chữ Hán giản thể, chứng tỏ nó đã xong cùng toàn bộ bản thảo một lần. Không thể giả thiết 2 trang rưỡi này “chèn thêm vào sau” vì: 1. Chữ Hán giản thể là xin của báo Tân Việt Hoa thuộc ĐSQ Trung Quốc giữa 1974. Sau 1975, khi Khmer Đỏ trở về Campuchia và gây rối biên giới Việt Nam kể từ ngày 2, nhất là ngày 4-5-1975 đánh chiếm ngay đảo Phú Quốc, thì quan hệ với ĐSQ Trung Quốc trở nên căng thẳng, cán bộ bình thường đến đó giao thiệp không được nữa nếu không có lệnh từ cấp cao. Muốn xin chữ Hán tất nhiên cũng bó tay. 2. Sách in hiện đang còn, cứ nhìn chữ in không xộc xệch, không hàng nào xô lệch đến mất cân đối thì biết, khó có một người nào đủ khả năng phù phép để nhét thêm 2 trang rưỡi vào cho 632 khuôn chì đã xếp chữ gần như trọn vẹn, chuẩn bị đưa lên máy in, trừ phi tháo dỡ hết cả ra (phần Khảo luận của tôi lại nằm ở ngay đầu). Hãy thanh thỏa với nhau chuyện ấy cho gọn đi.
Chớ nghĩ tôi đánh trống lảng. Tôi nói thế là nói một sự thực để cho phân minh: có hai mốc khác nhau trong việc tôi chứng minh Tuệ Trung Thượng sĩ chính là Trần Tung. Mốc trước khi đưa NXB gồm 2 trang rưỡi trong Khảo luận Thơ văn Lý-Trần Tập I (TVLT I) là bước một, tôi khảo sát những nguồn tài liệu có khác với Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận Tập I (VNPGSL I): hai bản in của sách Thượng sĩ ngữ lục vào hai thời điểm 1683 “do Tuệ Nguyên đề tựa” (ký hiệu A.1932), và 1903 “do Thanh Cừ cho khắc” (A. 2048), cùng với 4 sách Hoàng Việt văn tuyểnĐại việt sử ký toàn thưAn Nam chí lược, Nguyên sử. Trong khi đó Nguyễn Lang khảo sát bản in Thượng sĩ ngữ lục năm 1943 “của [Tổng] hội Phật giáo Bắc Kỳ, căn cứ trên một bản in cũ năm 1903 do sa môn Thanh Cừ chùa Pháp Vũ thực hiện” (VNPGSL I, 1973, tr. 280), cùng với nó là Hoàng Việt văn tuyển và Đại Việt sử ký toàn thư.
Từ 3 nguồn tài liệu mà Nguyễn Lang khảo sát, ông đi đến cái tên Trần Quốc Tung, một dự đoán tài tình, hiếm người có được, nhưng tên Trần Quốc Tung thì tìm khắp trong 3 tài liệu ấy đều không có, chỉ có độc một chữ Tung đứng sau tước Hưng Ninh vương trong Đại Việt sử ký toàn thư. Về phía tôi, thông qua 6 nguồn tài liệu đã dẫn, tôi tìm ra đích xác tên Trần Tung gắn với mấy chữ Hưng Ninh vương in rõ rệt trong 1 tài liệu. Tuy vậy, ở kết luận, thái độ của tôi tỏ ra có chút dè dặt, vì một vài vướng mắc bấy giờ chưa thể giải quyết: Trần Tung có phải thực là con cả Trần Liễu hay không và Trần Tung tham gia việc nước đến thời gian nào thì chuyển hẳn sang tu Thiền?
Tóm lại, mặc dầu còn phải tìm hiểu thêm điểm này điểm kia, ta vẫn có thể chính thức gạt bỏ một nhầm lẫn đã tồn tại từ lâu đến nay là đem Thượng sĩ ngữ lục gán cho Trần Quốc Tảng. Mặt khác, ta cũng có nhiệm vụ phải khôi phục dần tên tuổi, sự nghiệp cho chính tác giả thực của tác phẩm đó. Đó là Trần Tung 陈嵩 (1230-1291) bác ruột Trần Quốc Tảng” (TVLT I, tr. 115).
Nguyễn Lang không như tôi, khẳng định rất chắc chắn, có lẽ dựa trên sự linh cảm khác thường: “Sách Hoàng Việt Văn Tuyển nói Tuệ Trung Thượng Sĩ là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Đạo. Sự thực thì tuy Tuệ Trung Thượng Sĩ có tước hiệu là Hưng Ninh Vương nhưng ông không phải tên là Trần Quốc Tảng, cũng không phải là con Trần Hưng Đạo. Ông là anh cả của Trần Hưng Đạo và tên ông là Trần Quốc Tung” (VNPGSLI, 1973, tr.273). Ở dưới chú thích, ông dẫn câu trong Đại Việt sử ký toàn thư nói về Hưng Ninh vương Tung và sự phân tích chủ yếu của ông hầu như cô lại trong chừng ấy.
Vậy là đối tượng khảo sát khác nhau (bản 1683 đối chiếu với bản 1903 / và bản 1943), cách tiếp cận vấn đề khác nhau (một bên là văn bản học / một bên có khảo chứng sơ sơ nhưng sử Phật giáo mới là chính yếu), số lượng nguồn tài liệu soi sáng khác nhau (một bên 6 / một bên 3), và trình tự luận giải cũng khác nhau, kết quả của tôi ngay trong bước một đã không đồng nhất với Nguyễn Lang (NHC: Trần Tung / NL: Trần Quốc Tung). Không thể phủ nhận sự thực đó theo kiểu viết đánh lừa độc giả rất khôn của Boristo Nguyen mà tôi thừa biết.
Chỉ đến mốc 1977 là bước hai, tôi mới tiếp tục khai triển đầy đủ và đẩy đến tận cùng những luận điểm đã đạt được ở Khảo luận, do đó không còn giữ thái độ dè dặt như trước mà có kết luận rõ ràng; nhưng cơ bản vẫn thống nhất với phương hướng tìm tòi của Khảo luận, vận dụng ba sự so sánh chéo nhằm tìm đến một kết quả duy nhất và cũng thống nhất với Khảo luận là Trần Tung, không hề có Trần Quốc Tung.
Từ hai bước hiển nhiên trong tiến trình phát hiện Trần Tung của tôi, được thể hiện ở hai văn bản khác nhau như đã thấy, nay muốn so sánh Nguyễn Lang với tôi để mong tìm ra những đoạn văn “giống nhau như đúc”, xin hỏi Boristo Nguyen: ông phải lựa chọn văn bản nào thì mới có kết luận đúng? Một kết luận quan hệ đến đạo đức khoa học của tôi như lời phán quyết của ông là chuyện cực kỳ nghiêm trọng, sao ông lại đập nhập hai giai đoạn nghiên cứu của tôi làm một, coi nhẹ kết quả khác nhau giữa tôi và Nguyễn Lang ngay trong chặng đầu tiên, và cũng chỉ so sánh với “một hiện vật” độc nhấtlà bài viết giai đoạn sau, tự tiện bỏ qua đoạn văn tôi trình bày hẳn hoi ở giai đoạn đầu? Ông có hiểu như thế là sai thủ tục và cả trình tự bắt buộc trong thao tác “điều tra”, để dựng lên một “bản án” có lợi cho mình? Tôi không vội đánh giá ông, chỉ đề nghị ông hãy làm lại, hãy thống kê và đối chiếu lại văn bản của Nguyễn Lang với hai văn bản của tôi ở cả hai bước tôi đã nêu: bước một rồi mới đến bước hai, vội vàng đốt cháy giai đoạn là không được.
Ta cùng mở văn bản của tôi ra để cả bên nguyên bên bị đều nhìn tận mắt. Dưới đây là văn bản bước một: xin đưa ảnh chụp 2 trang rưỡi viết về Trần Tung và Thượng sĩ ngữ lụctrong Khảo luận TVLT I lên bài. Ông cứ việc so sánh kỹ với Nguyễn Lang đi:
clip_image002
Khảo luận, tr. 113
image
Khảo luận, tr. 114
clip_image006
Khảo luận, tr. 115
Thế nào? Ông Boristo Nguyen có thấy gì không? Phần tôi chẳng hề tìm ra một chỗ nào tôi giống với Nguyễn Lang như ông vạch vòi cả. Cả đoạn văn phỏng dịch có 3 câu ông chọn ra để bắt bẻ tôi “gần như giống Nguyễn Lang từng chữ từng từ” ở đây hoàn toàn không có. Bỏ qua đoạn ấy thì những đoạn khác cũng chẳng hề có một chữ nào trùng với Nguyễn Lang. Không chỉ về câu chữ, mà như trên đã phân tích, về đối tượng, nguồn tài liệu soi vào luận chứng, lập luận và kết quả, giữa tôi và Nguyễn Lang đều khác nhau. Vậy kết luận tôi ăn cắp Nguyễn Lang trong văn bản bước một này là phạm luật. Ông có đồng ý không?
Tôi thừa biết nếu chỉ dừng ở đây thôi thì ông quật lại liền. So sánh là so sánh VNPGSL I của Nguyễn Lang với Trần Tung – một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý-Trần viết năm 1977 chứ đâu có so sánh với Khảo luận viết 4 năm về trước. 4 năm trước tôi chưa đọc được VNPGSL I thì sao? Đúng là vậy. Tôi chỉ muốn cho ông thấy tận mắt 2 trang rưỡi Khảo luận là một luận văn liền mạch, viết xong vào năm sách được chuyển sang NXB, chứ không phải “mới sửa chữa lại sau” như ông hay ai đó cố tình gán ghép bừa. Hãy cần thế đã. Tiếp theo, ta sẽ so sánh VNPGSL I với văn bản bước hai. Nhưng thưa ông, vì văn bản bước hai hoàn thành vào cuối năm 1977, nên để cho đích xác, lại phải so sánh với đúng văn bản ra đời năm 1977, nghĩa là văn bản đăng trên Tạp chí Văn học số 4-1977. Nếu quả tôi có ý đồ ăn cắp thì chính ở đấy “tang vật” mới lòi ra đầy đủ, chứ đi so sánh với văn bản in trong cuốn Văn học Cổ cận đại Việt Nam – từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật in năm 2013 thì thực vô nghĩa. Chẳng lẽ một kẻ thạo ngón nghề “đạo chích” mà lại không tìm cách xóa dấu vết đi, nhất là sau đến hơn 40 năm, cứ để lại sờ sờ trên giấy trắng mực đen cho những người như ông dễ dàng vào lục lọi thì có mà ngu ngốc ư? Trong tuyển tập in 2013 ông chỉ tìm được một đoạn phỏng dịch có 3 câu “gần như giống từng chữ từng từ” với Nguyễn Lang, chắc tên kẻ cắp sơ ý chưa xóa hết, thì trong văn bản 1977 tất ông phải tìm được nhiều hơn nhiều.
Tôi lại xin giúp ông chụp lại bài viết in trên Tạp chí Văn học số 4-1977 đem lên. Nhưng bài viết quá dài, đến 20 trang, đưa hết e không tiện, tôi tính thế này: bài có hai phần, Phần 1 gồm 3 tiểu mục, tập trung chứng minh Trần Tung chính là Tuệ Trung Thượng sĩ, gồm 11 trang rưỡi, và Phần 2 phân tích đặc điểm thơ Thiền Trần Tung, gồm 8 trang rưỡi, tôi sẽ bỏ phần sau lại vì chẳng còn dính dáng gì đến việc ta đang bàn, chỉ chụp và đưa lên 12 trang đầu, nếu còn nghi ngờ ông cứ chịu khó tìm đọc vào bản gốc vậy. Đây, 12 trang đầu của bài viết năm 1977 của tôi đây, chụp rất rõ, Boristo Nguyen cứ soi thật kỹ, không để sót chỗ nào không soi.
clip_image008
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 116
clip_image010
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 117
clip_image012
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 118
clip_image014
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 119
clip_image016
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 120
clip_image018
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 121
clip_image020
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 122
clip_image022
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 123
clip_image024
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 124
clip_image028
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 125
clip_image026
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 126
clip_image030
Trần Tung một gương mặt lạ… tr. 127
Toàn bộ 12 trang đầu bài viết năm 1977 của tôi đã lên xong, tôi phải xin lỗi làm phiền bạn đọc, nhưng trước một bản cáo trạng nghiêm khắc như của Boristo Nguyen thì chứng cứ trình ra để cùng “ba mặt một lời” phải thật đầy đủ, chẳng phải chuyện có thể đùa. Xin Boristo Nguyen chỉ rõ những câu tôi “đạo” của Nguyễn Lang ở đâu trong bài viết này? Thì ra hoàn toàn không có. Không có 3 câu ông dẫn chứng và cũng chẳng có cả những đoạn khác diễn giải bài Thượng sĩ hành trạng mà trước đây Nguyễn Hòa gán cho tôi mô phỏng lại Nguyễn Lang. Vì sao vậy nhỉ? Ô hay! Có phải tôi đã dùng cây đũa thần bắt chúng biến đi? Thật là khó hiểu. Thôi thì bật mí để ông và bạn đọc khỏi sửng sốt: những đoạn văn ông và Nguyễn Hòa chộp được và lấy làm đắc ý vốn chưa hề xuất hiện trong bài báo in năm 1977 của tôi. Nhiều năm về sau, khi bài viết in lại trong một vài tuyển tập, tôi mới viết bổ sung để thêm vào. Lý do vì sao sẽ giải thích ở cuối, nhưng văn bản then chốt trình bày toàn bộ luận cứ tìm tòi của tôi về Trần Tung thì đã nằm hết ở đây rồi, mở rộng hơn và hoàn chỉnh hơn chứ không hề có gì trái ngược so với văn bản bước một, cũng chẳng giống chút gì với lập luận của Nguyễn Lang.
Tôi nhắc lại: 2 đoạn văn phỏng dịch Thượng sĩ hành trạng của tôi và Nguyễn Lang mà Boristo Nguyen đưa ra làm bằng về sự “giống nhau như đúc” là chỉ để quy kết cho tôi ăn cắp “phát hiện Trần Quốc Tung” của Nguyễn Lang, dựa trên suy luận logic: tôi viết sau Nguyễn Lang 4 năm -> giống nhau lời văn ở một đoạn chứng tỏ tôi “đạo” Nguyễn Lang vì tôi công bố sau -> cái này đã “đạo” thì nghiễm nhiên cái kia, cái quan trọng nhất cũng phải “đạo” của Nguyễn Lang. Vậy nay tìm cả bài không thấy bất kỳ đoạn nào giống nhau thì Boristo Nguyen còn định làm gì? Logic của ông tự nhiên đổ nhào, tôi chẳng cần biện bác gì nữa. Chưa nói hệ luận logic kiểu đó ngay từ đầu đã hỏng, đơn giản đích đến của Nguyễn Lang là giả định Trần Quốc Tung thì tôi đâu có đi đến đấy. Tôi không vượt ra ngoài sử sách mà sử sách thì không hề có Trần Quốc Tung. Ông cứ cố gán cái “không có” cho tôi mới lạ. Lại cố tình phân biệt giữa “tìm ra” và “chứng minh”, làm như người “chứng minh” thì không thể “tìm ra”, sao mà kỳ cục quá! Từ đó, bằng mọi cách ông hạ thấp và đánh lộn sòng những chứng minh xác thực của tôi với giả thuyết của Nguyễn Lang: “Tìm ra Trần Tung (Trần Quốc Tung) sau hàng trăm năm nhầm lẫn là một đóng góp có giá trị lớn và khó hơn nhiều so với việc sau khi đã biết thân nhân ông là ai, chứng minh để khẳng định điều đó. Việc chứng minh có lẽ không phải là khó khăn lắm đối với người nghiên cứu lịch sử và văn học cổ trung đại Việt Nam”. Viết “Tìm ra Trần Tung” rồi mở ngoặc (Trần Quốc Tung) mà không viết “Tìm ra Trần Quốc Tung” rồi mở ngoặc (Trần Tung) là có đầy chủ ý, để bạn đọc yên chí người gợi ý cái tên Trần Quốc Tung cũng đã tìm được tên Trần Tung từ trước, nghĩa là hai sự kiện khác hẳn nhau xuất hiện tại hai vùng đất xa cách nhau bỗng… biến thành một. Quá ranh mãnh, nhưng lại rất nực cười.
Cho nên không phải không có lý do ngay đầu đề bài viết tôi đã nói “Boristo Nguyen đã bé cái nhầm”. Ông cố tạo bằng được một bản án gà mờ mà không có tinh thần thực sự cầu thị, không tìm hiểu rõ sự khu biệt trên đủ mọi khâu dẫn đến kết quả tìm tòi khác biệt giữa đôi bên, chỉ lo kiếm cho ra chứng cứ, bất chấp cả quy định phải điều tra “vụ án” với đầy đủ hiện vật, hiện vật lại phải xuất hiện đúng vào thời điểm sự kiện xảy ra. Ông chưa đủ nghiệp vụ để vu oan giá họa cho tôi. Hồi ông Nguyễn Hòa lên tiếng chất vấn tôi, trong khi ông Đặng Văn Sinh đưa ra những luận chứng rất khoa học thì tôi chỉ bấm bụng cười thầm, biết ông Hòa đã rơi vào bẫy, đem cái không hề có trong văn bản của tôi ra mà chất vấn, cũng hệt như ông bây giờ. Nhưng tôi không trả lời ông Hòa. Người bạn trung hậu của tôi đã thừa sức bẻ gãy ông ta thì tôi còn lên tiếng làm gì nữa. Huống chi trong cuộc đời nghiên cứu của mình, tôi chỉ trả lời những ai mà tôi thấy đáng phải trả lời. Đó là nguyên tắc không thay đổi, trừ một vài ngoại lệ.
II
Nói thêm cho Boristo Nguyen rõ: trong bài viết đăng trên Tạp chí Văn học năm 1977 tôi đã đọc Nguyễn Lang. Tôi đọc cả bản dịch Thượng sĩ ngữ lục của Trúc Thiên do Lá Bối, Sài Gòn, in năm 1969. Ông hãy đi lục tìm hồ sơ ở Vụ Tổ chức UBKHXH thì may ra tìm được: đầu tháng Tám năm 1977 người bố của tôi được điều động từ Sài Gòn ra công tác ở Ban Hán Nôm. Ông ra, mang cả sách ra cho tôi. Tuy mới đọc vội, tôi đã chú thích Nguyễn Lang ngay trên trang đầu bài viết, cốt thông báo với toàn giới nghiên cứu Cổ cận đại tin tức nóng hổi này, nhưng cũng vì vội nên chú dẫn có sai năm xuất bản cuốn VNPGSL I (nhầm 1973 ra 1974), còn Trúc Thiên thì trích vài bài, những chỗ trích đều có chú. Tôi viết: “Cũng xin nói thêm là trong quá trình biên soạn bộ sách Thơ văn Lý-Trần chúng tôi đã phát hiện ra vấn đề này tương đối sớm, và đã có dịp trình bày sơ lược trong phần Khảo luận đầu sáchGần đây, có đồng chí mách cho biết: trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (Lá Bối; Sài Gòn; 1974) Nguyễn Lang cũng có ý kiến giống chúng tôi về tác giả đích thực của Thượng sĩ ngữ lục. Tuy nhiên, tìm đọc kỹ những điều ông Nguyễn Lang đã viết, chúng tôi thấy vẫn cần có một bài báo nói kỹ hơn về những tìm tòi của mình để bạn đọc tham khảo. Vì không những tài liệu và lập luận của chúng tôi có khác, mà cách đánh giá của chúng tôi đối với thơ văn Trần Tung cũng không giống Nguyễn Lang. Vả chăng cho đến nay, mặc dầu đã có ý kiến sơ bộ của Nguyễn Lang, dư luận chung vẫn coi Trần Quốc Tảng là tác giả Thượng sĩ ngữ lục” (Tạp chí Văn học 4-1977; tr. 116).
Boristo Nguyên ngẫm nghĩ thử, tôi có cố ý giấu giếm Nguyễn Lang để mình trở thành “độc đắc” đâu. Không hề. Trái lại, tôi cần công bố Nguyễn Lang để thấy tìm tòi của mình không đơn độc. Tôi cũng cần công bố tiếp kiến giải của mình vì đọc vào Nguyễn Lang tôi nhận ra ngay sự khác nhau trong mục tiêu của hai người. Nguyễn Lang, do tư cách một người viết sử và một nhà tư tưởng Phật giáo thâm hậu, không hề coi việc tìm kiếm chi ly ai là tác giả Thượng sĩ ngữ lục là chuyện chính yếu. Nhiều chỗ ông chỉ mặc nhận bằng sự mẫn cảm, hoặc bằng tín niệm (như cái tên Trần Quốc Tung). Việc chính của ông là thông qua Thượng sĩ hành trạng  Thượng sĩ ngữ lục để đưa con người đang “xa lạ” này vào trang sử Phật, làm hiện lên một cốt cách trác việt cũng như một tư tưởng độc sáng mà chỉ với một người trong giới có tầm mới thấu hiểu và đúc kết thành những mệnh đề có ý nghĩa khái quát chắc và sâu. Đó là chỗ đáng phục của ông. Còn tôi, một người làm văn bản học thơ văn Lý-Trần, tôi buộc phải giải đáp tận gốc ai là tác giả Thượng sĩ ngữ lụcbằng luận cứ chắc chắn (cũng giống nhiều tác giả tác phẩm Lý-Trần khác mà tôi đã tiến hành tìm tòi và có những phát hiện trong toàn bộ phần Khảo luận, không riêng một tác giả này). Bởi thế, câu nào tôi trích dịch ở sách nào đều rất chọn lọc và cố dịch từ văn bản cổ nhất, lại phải là câu có chứa đựng “mã khóa” giúp mình gỡ ra từng mắt của một cái lưới khó gỡ. Tôi chỉ nêu một dẫn chứng có liên quan đến Nguyễn Lang: một đoạn duy nhất chọn dịch ở Thượng sĩ hành trạng, có tham khảo cả Trúc Thiên và Nguyễn Lang, nhưng tôi buộc phải dịch bám sát cấu trúc từng cụm từ trong nguyên văn chữ Hán nên có khác hai ông: 上士欽明慈善太王之弟一子。元聖天感皇太后之長兄。初太王薨。太宗皇帝義之封興 寧王也 (Thượng sĩ, Khâm minh từ Thiện Thái vương chi đệ nhất tử, Nguyên thánh Thiên cảm Hoàng thái hậu chi trưởng huynh. Sơ, Thái vương hoăng, Thái Tông Hoàng đế nghĩa chi phong Hưng Ninh vương dã). Tôi dịch: “Tuệ Trung Thượng sĩ là con thứ nhất [Trúc Thiên và Nguyễn Lang đều dịch con đầucủa Khâm minh Từ thiện Đại vương [Trúc Thiên dịch Thái vương, tôi không tán thành vì đời Trần không phong anh em tôn thất là Thái vương, chỉ đến đời Mạc mới phong; sách Thượng sĩ ngữ lục in 1683 chắc còn vương dấu vết của thời Mạc], và là anh cả của Nguyên thánh Thiên cảm Hoàng thái hậu [Nguyễn Lang dịch Hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm]Xưa, lúc [Nguyễn Lang dịch Khi và không có chữ lúc] Đại vương mất, Thái Tông Hoàng đế [Nguyễn Lang dịch Hoàng đế Trần Thái Tôngvì cảm nghĩa mà phong cho ông là [Nguyễn Lang thêm Thượng sĩ tước] Hưng Ninh vương” (Tạp chí Văn học, 4-1977; tr.123 / VNPGSL I, tr. 274). Bỏ qua những sai biệt khác lúc cần tôi sẽ nói, chỉ những người đang phải giải quyết một vấn đề văn bản học hắc búa mới biết mấy chữ “đệ nhất tử” (弟一子) tôi tìm ra ở đây là chìa khóa hết sức hệ trọng để giải đáp một mâu thuẫn về vị thứ của Tuệ Trung Thượng sĩ trong gia đình Trần Liễu mà hồi viết Khảo luận tôi sơ ý bỏ qua nên vẫn chưa tìm ra lời giải. Hóa ra người chép “đệ nhất tử” rất có ý thức phân biệt với “trưởng tử” (長子 / con đầu). Nếu Tuệ Trung Thượng sĩ là “trưởng tử” thì mâu thuẫn với Đại Việt sử ký toàn thư vì Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi rõ Võ Thành vương Doãn là con đẻ của Trần Liễu và Thuận Thiên [Hoàng hậu], lại hơn Tuệ Trung nhiều chục tuổi. Thế là bài toán thành ra vô nghiệm, đâm rắc rối to. Nhưng chép Tuệ Trung là “con thứ nhất” thì vấn đề trở nên thanh thỏa, bởi sau khi Võ Thành vương Doãn chống lại Trần Thái Tông năm 1237 do vua cướp mẹ ruột mình làm vợ (lúc Tuệ Trung mới 7 tuổi), rồi phải chạy sang phương Bắc sau ngày Trần Liễu và Thuận Thiên đều mất, kế đó bị bắt và bị giết, thì nghiễm nhiên Tuệ Trung trở thành “con thứ nhất” không sai. Chỗ khéo léo đó trong ghi chép của Trần Nhân Tông đến bấy giờ tôi mới nhận ra.
Cũng phải nói, rất may cho tôi nữa trong vấn đề Trần Tung để tôi tiến dược đến đúng đích mà không phải phỏng đoán là Trần Quốc Tung như Nguyễn Lang, vì tôi đã dựa được vào một tài liệu quý của hai tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm là cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ XIII do NXB Khoa học xã hội in năm 1968, trong đó có dẫn hai nguồn sử liệu là An Nam chí lược và Nguyên sử nói rõ cả họ tên và tước hiệu Hưng Ninh vương Trần Tung, là “tòng huynh” tức anh con bác ruột vua Trần Thánh Tông. Đối chiếu với ghi chép của Thượng sĩ hành trạng thì câu hỏi khó bậc nhất: tên thực Hưng Ninh vương là gì và quan hệ với Trần Quốc Tuấn như thế nào đã gần như nằm sẵn trong sách của nhóm Hà Văn Tấn. Mặc dù cả trong Khảo luận và trong bài viết của mình, đề cập những dẫn liệu này tôi đều có ghi rõ xuất xứ, nhưng sau này in lại vào tuyển tập, tôi đã viết thêm một dòng tri ân: “Phát hiện của chúng tôi một phần được gợi ý từ công trình Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ XIII của Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm, NXB Khoa học xã hội, H., 1968. Ở trang 238 và trang 267 hai tác giả đã dựa vào An Nam chí lược, Q. IV và Nguyên sử, “Truyện A-lại-bát-xích”, tờ 2a, đề cập đến Hưng Ninh vương Trần Tung là anh con bác của Trần Thánh Tông. Đây là một manh mối khơi nguồn cho những phán đoán hệ thống của chúng tôi”. Trừ phi là bịt mắt lại, ông Boristo Nguyen không thể nào không nhận ra tôi có những lợi thế mà Nguyễn Lang không thể có để tìm ra Trần Tung, và là lợi thế có ngay từ buổi đầu công việc khảo sát của mình, thế thì tôi còn phải cóp của Nguyễn Lang để làm gì?
Cái tính muốn đổ riệt cho người bằng bất cứ giá nào khiến Boristo còn có những phát biểu kỳ quặc. Ông dẫn một câu rất thành thực của tôi “Tuy vậy, cho đến nay, dư luận bạn đọc vẫn phân vân nửa tin nửa ngờ. Có người còn cho là quá táo bạo và lạ lẫm. Chúng tôi rất hiểu tình thế khó khăn là phải làm sao chiến thắng được một tâm lý quen thuộc vốn đã gắn quá chặt bộ Thượng sĩ ngữ lục cũng như những sợi dây tinh thần giữa Thiền phái Trúc Lâm với cái tên Trần Quốc Tảng”, để hạ luôn một lời ác ý: “Việc dư luận dễ có những ngờ vực cũng là điều dễ hiểu. Một mặt, chưa biết thực hư thế nào nhưng Nguyễn Huệ Chi là người dính líu đến nhiều vụ lình xình và bị không ít người chất vấn về đạo đức khoa học”. Khi viết bài lên tạp chí tôi không hề muốn khoe danh mà chỉ muốn giúp học giới thanh toán một ngộ nhận từ lâu để lại, chắc chắn chưa rứt đi được và có thể còn kéo dài, đó là lời nói thật tình xét từ tâm lý tiếp nhận, cái động hình (stéréotype dynamique) đã in vào tâm trí thì khó mà gỡ ra. Kết quả của việc tôi làm trông thấy nhãn tiền, không cần chờ đợi. Một nhà văn chuyên viết về thời đại Lý-Trần là Hà Ân, sau khi đọc được bài tôi đã tìm đến Viện Văn học gặp tôi và Ban văn học Cổ cận đại than thở, rằng vì bài tôi công bố quá chậm mà anh phải vứt bỏ mất cả một tập II cuốn tiểu thuyết Người Thăng Long lấy Trần Quốc Tảng làm nhân vật chính. Anh còn gặp tôi nhiều lần, một lần nhân làm cuốn phim tài liệu về anh, anh cho biết đã phải cặm cụi viết lại Tập II trong vòng 10 năm mới tạm ưng ý, nói xong anh rơm rớm nước mắt. Một nhà phê bình – cũng là người đạo diễn bộ phim tài liệu về Hà Ân – sau này có viết: “phải nhìn thấy những giọt lệ lăn dài trên gò má nhăn nheo của nhà văn già khi ông gặp lại nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi, người đã công bố bài khảo cứu "định mệnh" về văn bản Phóng cuồng ca trên Tạp chí Văn học năm nào – tôi đã cố tình sắp đặt ra cái "xen" gặp gỡ này, nhưng không yêu cầu ông phải khóc, tất nhiên – tôi mới cảm thấu được sự tâm huyết mà ông đã dồn trút vào tác phẩm của mình” (Hoài Nam – Nhà văn Hà Ân: Người kể chuyện xưa). Đủ thấy việc viết bài Trần Tung của tôi không phải vì tôi mà trước hết là vì đòi hỏi khách quan của văn học sử. Cũng như năm 1992 tôi đã gắng tổ chức một Hội đồng thẩm định để Nhà nước cho phép in và phổ biến Việt Nam Phật giáo sử luận 3 tập của Nguyễn Lang trên khắp nước, đánh bạt đi cái định kiến Thích Nhất Hạnh là “tên biệt kích văn hóa thực dân mới” đến những năm này rồi vẫn cứ còn lởn vởn trong nhiều đầu óc, không phải là vì cá nhân Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông Boristo Nguyen nhớ chưa?
III
Chắc Boristo Nguyen sẽ không hết ấm ức mà hỏi thêm: Vậy thì tôi đưa những phần trích dịch Thượng sĩ hành trạng bổ sung vào bài viết Trần Tung về sau khi bài này in lại trong sách là để làm gì, khiến cho ông… hụt hẫng? Xin thưa: tôi đưa vào làm đoạn mở đầu cho bài viết của tôi, để chuyển hình thức từ một bài “khảo luận” sang một “chân dung văn học”, vì những tuyển tập in lại phần lớn mang chủ đề “gương mặt nhà văn”, chẳng hạn một trong số đó là Gương mặt văn học Thăng Long. Đó chỉ là 3 trang rưỡi mở đầu, có tính chất nhập đề, phác họa vài ba nét diện mạo của Tuệ Trung Thượng sĩ, một con người kỳ dị, cốt cách ngang tàng, xuất hiện giữa làng thơ Thiền Lý-Trần mà nhìn trên hình thức lại có vẻ như chống Phật, cũng chưa ai biết ông là ai – đó chỉ là cách gây hứng thú cho bạn đọc trước khi bước vào các phần chính ở sau chứ không có tác dụng gì khác. Đó cũng là đoạn được kết thúc bằng câu chú thích nói về những gì tôi đã từng lầm lẫn về Trần Quốc Tảng, tiếp đó đã làm được trong Khảo luận TVLT I cũng như những gì Nguyễn Lang đã đạt được trong VNPGSL I của ông ở miền Nam. Mấy câu này từng in trên Tạp chí Văn học 1977, nay sửa lại đúng hơn và đặt ở chính văn cho trang trọng hơn: “Trước đây khá nhiều năm, bản thân chúng tôi cũng đinh ninh Trần Quốc Tảng là tác giả Thượng sĩ ngữ lục không có gì phải bàn cãi. Nhưng chỉ một thời gian sau đó khảo sát kỹ mới biết mình đã lầm. Những tìm tòi tư liệu trong hai năm 1973-1974 mà sau này có dịp công bố vắn tắt trong Thơ văn Lý-Trần Tập I (1977), đã đưa chúng tôi đến một giả thuyết mới: Người thầy của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không phải là Trần Quốc Tảng mà là Trần Tung 陳嵩. Sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi được biết, một nhà nghiên cứu Thiền học nổi tiếng hiện ở Pháp là Nguyễn Lang, cũng từng có những phát hiện thấu đáo trong bộ Việt Nam Phật giáo sử luận (Tập I, 1973)” (Văn học Cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn…; tr. 378). Thiết tưởng, như vậy cũng đủ rõ 3 trang “khúc dạo đầu” mang chút hơi hướng trữ tình ngoại đề này chẳng liên quan gì đến những luận điểm về Trần Tung của tôi hoặc sự dự phóng Trần Quốc Tung của Nguyễn Lang. Về thời gian, nó xuất hiện cách các phần chính của bài viết rất nhiều năm. Tất nhiên, khi đã giới thiệu công trình của Nguyễn Lang ngay chỗ đó, thì một vài đoạn phỏng dịch có tham bác Nguyễn Lang về từ này chữ kia là điều không có gì đáng lên án, miễn đó chẳng phải là một luận cứ nào quan trọng của Nguyễn Lang. Ngay chính Nguyễn Lang khi phỏng dịch Thượng sĩ hành trạng trong VNPGSL I cũng theo khá sát lời dịch của Trúc Thiên là bản dịch ra đời 4 năm trước ông, kể cả câu văn mà ông đưa ra để nói tôi và Nguyễn Lang giống nhau.
Đầu đuôi là vậy. Tôi xin nhắc để Boristo Nguyen biết là trong giới dịch Hán văn trước nay, trên cùng một bản dịch, thế hệ đi sau nhiều khi mượn của thế hệ đi trước một đôi chữ đôi câu, chẳng thành vấn đề gì cả. Như trong phần dịch Thượng sĩ ngữ lục của Thiền sư Thích Thanh Từ năm 1996 mà bài ông có nhắc đến, ông sao chẳng để ý rằng nhiều bài thơ Thiền sư Thích Thanh Từ đã mượn hẳn lời dịch của chúng tôi hoặc của dịch giả Trúc Thiên. Vào đầu, Thiền sư đã dẫn tên chúng tôi cũng như tên Trúc Thiên, xem là những người đã có “những bản dịch khá hay” công bố trước mình ”song thỉnh thoảng có đôi chỗ không thích hợp lý Thiền”. Ông mượn nó rồi sửa thêm ít nhiều, tôi nghĩ cũng chẳng sao, bởi trong kinh nghiệm dịch, chúng tôi rất biết, có những bản dịch của người trước tạm gọi là đã “thành”, muốn thay thế dăm bảy chữ thì được nhưng thay hết là bất khả. Chẳng hạn dẫn vài bài sau đây để Boristo Nguyen thấy tận mắt:
Bài Phóng cuồng ngâm bản dịch của chúng tôi (1989):
         Trời đất liếc trông chừ sao mênh mang
         Chống gậy nhởn nhơ chừ phương ngoài phương
         Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi
         Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương
         Đói thì ăn chừ cơm tùy ý
         Mệt thì ngủ chừ làng không làng
         Hứng lên chừ thổi sáo không lỗ
         Lắng xuống chừ đốt giải thoát hương
         Mỏi nghỉ tạm chừ đất hoan hỉ
         Khát uống no chừ nước thênh thang
         Láng giềng Qui Sơn chừ chăn con trâu nước
         Cùng thuyền Tạ Tam chừ hát khúc Thương Lang
         Thăm Tào Khê chừ vái chào Lư Thị
         Viếng Thạch Đầu chừ sánh lão Bàng
         Vui cái ta vui chừ Bố Đại vui
         Cuồng cái ta cuồng chừ Phổ Hóa cuồng…
                                                     (TVLT II, tr.280)
Bản dịch của Thích Thanh Từ (1996):
         Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang
         Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương
         Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi
         Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương
         Đói thì ăn chừ cơm tùy ý
         Mệt thì ngủ chừ nào có quê hương
         Hứng lên chừ thổi sáo không lỗ
         Chỗ lặng chừ đốt giải thoát hương
         Nhọc chút chừ nghỉ đất hoan hỉ
         Khát uống no chừ thang tiêu dao
         Qui Sơn láng giềng chừ chăn con trâu nước
         Tạ Tam đồng thuyền chừ hát khúc Thương Lang
         Thăm Tào Khê chừ chào Lư Thị
         Viếng Thạch Đầu chừ sánh lão Bàng
         Vui ta vui chừ Bố Đại vui
         Cuồng ta cuồng chừ Phổ Hóa cuồng…
                                          (xin xem bài này và cả các bài sau tại:                                                    https://thuvienhoasen.org/images/file/OlR9p51G0QgQAFN1/tuetrungthuongsi.pdf)
Bài Trữ tình tự răn bản dịch của chúng tôi (1989):
         Tháng ngày nước chảy
         Giàu sang mây trôi
         Gió lửa tan rồi
         Trẻ già thành bụi
         Hồn phách lìa, sắc thân như mộng
         Cuộc mưu sinh, trò rối kéo co
         Thường đùa cợt, đưa tay bắt bóng
         Hạc cửu cao đầu đỏ có thừa
         Cá cửa Vũ đuôi hồng chẳng mấy
         Chẳng quay đầu, tia hồi quang soi lại
         Tâm khế hợp, nhận rõ tính thông minh
         Cầu giải thoát, chính giác viên thành
         Nơi trần tục, tâm thanh diệu dụng…
                                                (TVLT II, tr.299)
Bản dịch của Thích Thanh Từ (1996):
         Ngày tháng nước chảy
         Giàu sang mây trôi
         Gió lửa tan rồi
         Trẻ già thành bụi
         Hồn phách lìa, sắc thân như mộng
         Cuộc mưu sinh, con rối kéo lôi
         Hằng ngày đùa, đưa tay bắt bóng
         Hạc cửu cao đầu đỏ có thừa
         Cá Vũ môn đuôi hồng chẳng đổi
         Chẳng quay đầu, hồi quang phản chiếu
         Hợp tâm yếu, thức tánh thông minh
         Cầu giải thoát, chánh giác viên thành
         Nơi trần tục, tâm thanh diệu dụng…
Bài Thói đời hư dối bản dịch của chúng tôi (1989):
         Vân cẩu đổi thay lắm vẻ mà
         Mơ màng phó trọn giấc Nam Kha
         Sương vừa chớm hạ, sen đang nụ
         Gió kịp vời xuân, mai đã hoa
         Trăng lặn, bóng trăng khôn trở lại
         Sông trôi, sóng nước mãi trôi qua
         Hãy xem đàn én lầu Vương Tạ
         Nay xuống làm thân với mọi nhà
                                               (TVLT II, tr.250)
Bản dịch của Thích Thanh Từ (1996):
         Vân cẩu đổi thay lắm vẻ mà
         Mơ màng gởi trọn giấc Nam Kha
         Sương vừa rửa hạ, sen đang nụ
         Gió mới mời xuân, mai đã hoa
         Trăng khuất núi tây, không còn bóng
         Nước trôi đông hải, sóng đã qua
         Anh xem đàn én lầu Vương Tạ
         Nay đến làm thân với mọi nhà.
v.v.
Tôi nghĩ về Boristo Nguyen thế này: Cứ chăm chăm đi đánh người thì không còn giữ được cái tâm sáng để biết đâu mới là đen hay trắng. Đó âu cũng là nghiệp, ông cứ nghiệm rồi sẽ thấy.
Ngày 11-12-2018
N.H.C.


Nguồn: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/boristo-nguyen-da-be-cai-nham

https://boxitvn.blogspot.com/2018/12/boristo-nguyen-be-cai-nham_18.html




1. Bài của Nguyễn Hồng Phong



1/12/2018

Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung sau Nguyễn Lang 4 năm, từ 1973 đến 1977. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, giới nghiên cứu KHXH miền Bắc đã dễ dàng được tiếp xúc với các tài liệu và thành quả nghiên cứu ở miền Nam. Chuyện Nguyễn Huệ Chi có thể đã có cuốn “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang và biến kết quả của thiền sư thành của mình là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) là một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Trần, người đã từng 2 lần tham gia cầm quân trong cuộc kháng chiến đánh bại quân Nguyên Mông. Ông cũng là thầy dạy, người dẫn dắt vua Trần Nhân Tông đến cửa Thiền và đặt nền móng cho sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm ở thế kỉ XIII-XIV.
Với giới nghiên cứu văn học sử đây còn là một trường hợp đặc biệt vì trong nhiều thế kỉ tên thật của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã không được xác định đúng. Ngay Bùi Huy Bích (1744-1818) cũng đã nhầm ông thành Trần Quốc Tảng, con thứ của Trần Hưng Đạo. Năm 1973, nhà nghiên cứu Nguyễn Lang (thiền sư Thích Nhất Hạnh) trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (NXB Lá bối)[1] công bố việc ông đã xác định được Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là Trần Quốc Tung, anh cả chứ không phải là Trần Quốc Tảng con lớn của Trần Hưng Đạo. Ông đã cung cấp đầy đủ những biện lý chứng minh cho điều phát hiện của mình.
Năm 1977, tức 4 năm sau, trong Thơ văn Lý – Trần (quyển 1, trang 113-115, Phần khảo luận)[2] và trong bài viết Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần[3] Nguyễn Huệ Chi công bố mình đã độc lập tìm ra Trần Tung (bớt một chữ Quốc) chính là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nếu đúng Nguyễn Huệ Chi tự mình tìm ra Trần Tung thì việc này xảy ra sau 4 năm. Có lẽ, chính vì vậy mà Nguyễn Huệ Chi cũng cảm thấy dư luận sẽ có những nghi ngờ nên ông đã chủ động nhắc tới Nguyễn Lang và rào đón:
“Tuy vậy, cho đến nay, dư luận bạn đọc vẫn phân vân nửa tin nửa ngờ. Có người còn cho là quá táo bạo và lạ lẫm. Chúng tôi rất hiểu tình thế khó khăn là phải làm sao chiến thắng được một tâm lý quen thuộc vốn đã gắn quá chặt bộ Thượng Sĩ ngữ lục cũng như những sợi dây tinh thần giữa Thiền phái Trúc Lâm với cái tên Trần Quốc Tảng”[3]
Dư luận có những ngờ vực cũng là điều dễ hiểu. Một mặt, chưa biết thực hư thế nào nhưng Nguyễn Huệ Chi là người dính líu đến nhiều vụ lình xình và bị không ít người chất vấn về đạo đức khoa học, liêm chính học thuật. Mặt khác, Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung sau Nguyễn Lang 4 năm, từ 1973 đến 1977. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, giới nghiên cứu KHXH miền Bắc đã dễ dàng được tiếp xúc với các tài liệu và thành quả nghiên cứu ở miền Nam. Chuyện Nguyễn Huệ Chi có thể đã có cuốn “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang và biến kết quả của thiền sư thành của mình là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thêm nữa, nếu như phát hiện ra Trần Tung là Tuệ Trung Thượng Sĩ thì đó là một phát hiện khoa học cực kỳ chấn động. Lẽ nào một người nhạy bén như Nguyễn Huệ Chi trong suốt gần 10 năm từ 1968 (khi đọc sách “Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông” của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm) đến 1977 khi “Thơ văn Lý – Trần” tập 1 được ra đời, lại không công bố bất cứ bài viết nào của mình trên các tạp chí khoa học, mà gần gũi nhất là Tạp chí Văn học? Chính vì vậy, bạn đọc có quyền nghi ngờ và một số người đã nêu lên nghi ngờ này. Tuy nhiên, nghi ngờ mới chỉ là giả thiết, chưa được chứng minh một cách đầy đủ.
Tháng 10-2013, trong bài Đôi điều gửi tới GS Nguyễn Huệ Chi[4] đăng trên Tuần báo Văn Nghệ, nhà phê bình Nguyễn Hòa đã dẫn lại và so sánh 2 đoạn văn bản: một trích từ Thượng Sĩ hành trạng (Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục) của Trần Nhân Tông, một từ Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần in trong Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của Nguyễn Huệ Chi và ông Nguyễn Hòa viết:
“Không khó để thấy hai đoạn văn trên đây na ná nhau, từ diễn giải đến sự kiện và tư liệu, riêng đoạn của GS Nguyễn Huệ Chi có “thêm mắm thêm muối, vẽ rắn thêm chân” nên dài dòng hơn. Vì GS Nguyễn Huệ Chi sử dụng tài liệu từ Thượng Sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông mà không cho biết rõ xuất xứ, nên ở đây có một câu hỏi cần đặt ra: GS Nguyễn Huệ Chi “đạo văn” hay “phóng tác” từ tác phẩm của Trần Nhân Tông nhưng lờ đi, không nói rõ nguồn gốc, hoặc ông bắt chước Nguyễn Lang (đoạn của Nguyễn Lang khá dài nên không dẫn lại, có thể tìm đọc trong: Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, NXB Lá bối, SG.1973, từ tr.276 đến tr.279; và Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, H.2008, từ tr.256 đến tr.258), rất mong GS Nguyễn Huệ Chi tường minh vấn đề này”.
Với những nghi vấn của Nguyễn Hòa, Nguyễn Huệ Chi im tiếng không trả lời. Thay vào đó tháng 11, tác giả Đặng Văn Sinh đã có bài trả lời: Giáo sư Huệ Chi “đạo văn” hay là nhà phê bình Nguyễn Hoà vu khống?[5]. Đặng Văn Sinh đã bảo vệ Nguyễn Huệ Chi bởi những lập luận sau:
1) Ông trích dẫn đoạn văn trong Thượng Sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông (bản dịch của Đỗ Văn Hỷ – Nguyễn Huệ Chi dịch, Thơ văn Lý – Trần, tập II, Q. thượng, NXB Khoa học xã hội, H. 1989) và đoạn văn trong Tuệ Trung Thượng Sĩ của Nguyễn Lang (Việt Nam Phật giáo sử luận, phần Tuệ Trung Thượng Sĩ, NXB Lá bối, Sài Gòn, 1973; langmai.org, chương 11) rồi viết: “Xin hỏi ông Nguyễn Hòa nghĩ gì khi học giả Nguyễn Lang cũng tóm lược câu chuyện về Tuệ Trung từ một gốc “Thượng Sĩ hành trạng” của Trần Nhân Tông hệt như học giả Nguyễn Huệ Chi chứ đâu có gì khác? Hay là người này đã tóm lược rồi thì người kia mà “tóm” nữa ắt bị coi là… “đạo văn”?”. Logic của Đặng Văn Sinh là: 2 người cùng tóm lược từ một văn bản gốc “Thượng Sĩ hành trạng” của Trần Nhân Tông thì chuyện có những điều giống nhau là bình thường, không thể nói Nguyễn Huệ Chi đạo văn của Nguyễn Lang.
2) Kể lại việc Nguyễn Huệ Chi đã “Huy động rất nhiều tài liệu, sự kiện rồi dùng phương pháp loại suy để chứng minh Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Quốc Tung, chứ không phải là Trần Quốc Tảng”.
3) Trả lời cho “dấu hỏi nghi ngờ” của Nguyễn Hòa: “bản thảo Thơ văn Lý – Trần hoàn thành vào cuối năm 1973, đưa vào nhà in năm 1974 nhưng mãi đến năm 1977 mới ra mắt bạn đọc, vậy trong khoảng thời gian ba năm ấy, ai dám chắc nhóm biên soạn không sửa chữa, bổ sung tư liệu?” Đặng Văn Sinh dẫn lại đoạn văn kể của Nguyễn Huệ Chi trong bài Những năm tháng với Phong Lê[6] để chứng minh cho việc Thơ văn Lý – Trần, tập 1 in xong năm 1977, nhưng thực ra đã hoàn thành từ năm 1974, quá trình in bị kéo dài mất 4 năm.
Về lập luận 1, tôi sẽ bàn ở phần tiếp theo trong bài viết này. Trước hết tôi xin nói qua về 2 lập luận sau của Đặng Văn Sinh. Ở lập luận thứ 2, ông Đặng Văn Sinh quên mất một điều: tìm ra Trần Tung và chứng minh Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là Trần Tung là 2 bài toán hoàn toàn khác nhau! Tìm ra Trần Tung (Trần Quốc Tung) sau hàng trăm năm nhầm lẫn là một đóng góp có giá trị lớn và khó hơn nhiều so với việc sau khi đã biết thân nhân ông là ai, chứng minh để khẳng định điều đó. Việc chứng minh có lẽ không phải là khó khăn lắm đối với người nghiên cứu lịch sử và văn học cổ trung đại Việt Nam. Đấy là chưa nói, bản thân Nguyễn Lang cũng đã đưa ra những biện lý chứng minh cho điều phát hiện của mình. Về lập luận thứ 3, có lẽ chẳng cần phải bàn nhiều. Lấy những lời kể lể không có chứng minh, không thể kiểm tra của người bị cáo buộc để bảo vệ cho “thân chủ” hoàn toàn không có giá trị.
Quay lại về lập luận 1.
Lập luận của Đặng Văn Sinh nếu đọc thoáng qua nghe có vẻ có lí, nhưng thực tình không phải như vậy! Tôi sẽ giải thích tại sao.
Ở đây chúng ta có 4 văn bản chứ không phải 3 (Thượng Sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông và 2 đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi). Xin liệt kê lại đây:
- Vb1: Thượng Sĩ hành trạng (Thượng Sĩ ngữ lục) của Trần Nhân Tông (1258-1308), bản gốc chữ Hán[7].
- Vb2a: Thượng Sĩ hành trạng, bản dịch nghĩa (Nguyễn Hòa dẫn bản dịch lấy từ sách Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục với Lời đầu sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ) [8].
- Vb2b: Thượng Sĩ hành trạng, bản dịch nghĩa (Đặng Văn Sinh dẫn bản dịch của Đỗ Văn Hỷ – Nguyễn Huệ Chi trong Thơ văn Lý – Trần, tập II, Q. thượng, NXB Khoa học xã hội, 1989).
- Vb3: Đoạn văn của Nguyễn Lang kể lại câu chuyện về Tuệ Trung (trích từ Tuệ Trung Thượng Sĩ, NXB Lá bối, Sài Gòn, 1973).
- Vb4: Đoạn văn của Nguyễn Huệ Chi kể lại câu chuyện về Tuệ Trung (trích từ Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần. Văn học cổ cận đại Việt Nam -
Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật. NXB Giáo dục, 2013).
Tôi nhắc lại đây cả 2 bản dịch Vb2a và Vb2b là vì Nguyễn Hòa và Đặng Văn Sinh mỗi người dẫn ra một bản trong bài viết của mình.
Với các văn bản kể trên ta có những nhận xét sau:
- Bản gốc chữ Hán chỉ có thể chuyển tải nội dung, thông tin sang các bản dịch (Vb2a, Vb2b) còn văn phong, câu chữ là do người dịch.
- Ngoài bản gốc Thượng Sĩ hành trạng bằng chữ Hán của Trần Nhân Tông, theo trình tự thời gian thì đoạn văn của Nguyễn Lang (năm 1973) có trước bản dịch Vb2b (của Đỗ Văn Hỷ – Nguyễn Huệ Chi) và đoạn văn của Nguyễn Huệ Chi.
- Người đi sau có thể đạo văn hay bắt chước người đi trước chứ không thể ngược lại.
- Văn bản được tính là gốc để xem xét phải là bản gốc chữ Hán Thượng Sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông chứ không phải là các bản dịch của nó.
- Vì cùng xuất phát từ 1 gốc (bản chữ Hán) thì văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi (nếu ông thực sự tìm ra Trần Tung một cách độc lập với Nguyễn Lang) chỉ có thể có những điểm giống nhau về nội dung/thông tin có trong bản gốc chữ Hán của Trần Nhân Tông chứ khó có thể giống nhau về câu chữ, từ ngữ sử dụng. Thêm nữa, những nội dung/thông tin không có trong bản gốc chữ Hán mà có cả trong 2 văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi sẽ là những dấu hiệu nói lên việc người đi sau đã có và sử dụng văn bản của người đi trước.
Để tiện theo rõi, các văn bản: Vb2a, Vb2b, Vb3, Vb4 được dẫn lại ở phần Mục lục 2 phía dưới. Qua phân tích 4 văn bản nói trên ta thu được 4 loại nhận xét sau:
- Hai đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi hao hao, từa tựa nhau.
- Có 1 chỗ câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối.
- Có 4 chỗ câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối, nhưng khác với trong các bản dịch Vb2a, Vb2b.
- Có 3 chỗ trong các văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi có nội dung/thông tin nhưng không có hoặc khác với trong các bản dịch Vb2a, Vb2b.
Để làm ví dụ, tôi dẫn lại khổ đầu trong 2 đoạn văn của Nguyễn Lang (Vb3) và của Nguyễn Huệ Chi (Vb4):
“Hồi em gái Tuệ Trung Hoàng hậu Thiên Cảm còn sống, một hôm ông được bà mời vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?”. Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật. Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” đó sao?”
(Vb3, Nguyễn Lang).
“Một lần, Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, vợ Trần Thánh Tông, mời ông anh Tuệ Trung vào cung ăn tiệc. Trên bàn tiệc có cả cỗ mặn lẫn cỗ chay. Thấy anh mình trong bữa ăn quên cả kiêng khem mà nhúng đũa cả vào cỗ mặn một cách phóng túng, Hoàng hậu khẽ nhắc ông: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”.
Tuệ Trung Thượng Sĩ cả cười đáp:
“Phật là Phật, anh là anh; anh không hề muốn làm Phật, Phật cũng không hề muốn làm anh. Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát, đó sao?”
(Vb4, Nguyễn Huệ Chi).
So sánh 2 đoạn văn nói trên ta có các nhận xét:
- Nhận xét 2. Trong cả 2 văn bản của Nguyễn Lang (Vb3) và của Nguyễn Huệ Chi (Vb4) đều có câu “Em chẳng nghe cổ đức (có) nói “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?” giống nhau gần như đến từng chữ, từng từ và câu chữ khác với 2 bản dịch (Vb2a, Vb2b). Bình luận: 2 văn bản dựa từ một gốc chỉ có thể giống nhau về nội dung chứ cách hành văn khó giống nhau, nhất là giống nhau đến từng từ, từng chữ như vậy. Khả năng Nguyễn Huệ Chi đạo lại của Nguyễn Lang là rất lớn.
- Nhận xét 3. Các câu “Em chẳng nghe cổ đức nói “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” đó sao?” (Vb3, Nguyễn Lang) và “Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát, đó sao?” (Vb4, Nguyễn Huệ Chi) gần như giống nhau hoàn toàn. Riêng câu “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” thì trong cả 4 văn bản đều giống nhau như đúc. Bình luận: Câu chữ giống nhau gần như tuyệt đối chứng tỏ khả năng Nguyễn Huệ Chi đạo lại của Nguyễn Lang.
Thấy gì qua việc phân tích các văn bản?
Cả 4 loại nhận xét nói trên (2 đoạn văn hao hao, từa tựa nhau; câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối, nhưng khác với các bản dịch; trong các văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi có nội dung/thông tin nhưng không có hoặc khác với trong các bản dịch) đều nói lên việc người đi sau (Nguyễn Huệ Chi) đạo của người đi trước (Nguyễn Lang). Một nhận xét cũng đã nói đến khả năng khá cao là Nguyễn Huệ Chi đạo văn. Trong 1 đoạn văn ngắn ngoài việc hai văn bản hao hao như nhau, rút ra 8 nhận xét/chỗ như vậy thì xác suất đạo văn gần như là tuyệt đối.
Mà việc đạo văn của Nguyễn Huệ Chi cũng đồng nghĩa với việc ông ăn cắp kết quả của Nguyễn Lang và gán cho mình!
Sau những phân tích ở trên, liệu các bạn đọc có còn tin là Nguyễn Huệ Chi đã tự mình phát hiện Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Tung nữa không? Còn tôi, tôi không tin!
Hà Nội, tháng 9-2018
Boristo Nguyen
(CHLB Nga)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 526


——————————-
1) Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Chương 11: Tuệ Trung Thượng Sĩ. NXB Lá bối, Sài Gòn, 1973 (có thể xem tại trang Langmai.org).


2) Thơ văn Lý – Trần, quyển 1. NXB KHXH, 1977.

3) Nguyễn Huệ Chi. Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần. Tạp chí Văn học, số 4, năm 1977. Đăng lại trong tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3-4, 2014, trang 169-191.
4) Nguyễn Hòa. Đôi điều gửi tới GS Nguyễn Huệ Chi. Văn nghệ số 41, 2013, trang 16, 24.

5) Đặng Văn Sinh. Giáo sư Huệ Chi “đạo văn” hay là nhà phê bình Nguyễn Hòa vu khống? Forum Diễn Đàn (www.diendan.org). 13-11-2013.
Hoặc có thể đọc trên trang mạng Trần Nhương.

6) Nguyễn Huệ Chi. Những năm tháng với Phong Lê. Talawas, 14-06-2008.

7) Trần Nhân Tông. Thượng Sĩ hành trạng, bản chữ Hán. Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển Thượng, NXB KHXH, 1989.

8) Trần Nhân Tông. Thượng Sĩ hành trạng trong sách Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục với Lời đầu sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Đã đăng trên Thư viện Hoa sen (thuvienhoasen.org).

http://tuanbaovannghetphcm.vn/co-phai-gs-nguyen-hue-chi-tim-ra-ten-cua-tue-trung-thuong-si-la-tran-tung-so-526/
.

1 nhận xét:

  1. 3. Bài trả lời tiếp theo của ông Nguyễn Hồng Phong

    "
    “BORISTO NGUYỄN ĐÃ BÉ CÁI NHẦM” HAY LÀ TRÒ LÁU CỦA NGUYỄN HUỆ CHI?

    Posted on Tháng Hai 21, 2019
    Bài đăng trên tạp chí Văn nghệ TP HCM, số 534, 21-2-2019
    1. Trong bài viết Có phải GS Nguyễn Huệ Chi tìm ra tên của Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Tung[1] tôi có đưa ra những bằng chứng về việc Nguyễn Huệ Chi đạo văn của Nguyễn Lang và từ đó suy ra phát hiện Trần Tung của Nguyễn Huệ Chi chỉ là kết quả ăn cắp. Trước hết, tôi xin rút lại kết luận này với lí do có chỗ sơ suất trong chứng minh. Logic của tôi rất đơn giản: nếu trong Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần[2] – bài viết công bố việc tìm ra Trần Tung vào năm 1977 mà Nguyễn Huệ Chi đạo văn từ cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (viết tắt: VNPGSL)[3] xuất bản trước đó 4 năm của Nguyễn Lang thì chứng tỏ ông đã ăn cắp kết quả của người đi trước. Vì ở xa, không có điều kiện để có bản in năm 1977, tôi nhầm nghĩ nó được in lại ở những lần sau (trong Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, NXB Giáo dục, 2013 hay tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3-4, 2014). Hai bài trùng tên nhưng khác ruột.
    Ông Nguyễn Huệ Chi thấy đấy, khác với ông, những gì mình làm sai tôi sẵn sàng nhận lỗi, chứ không lấp liếm quanh co.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.