Tôi cũng chưa nhận tạp chí. Mới chỉ biết là vừa ra lò.
Đăng trên số 3 năm 2018 của Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển.
Khi nào nhận được bản in chính thức, sẽ bổ sung.
Lẽ ra đã in trong số 2 năm 2018, nhưng do lỗi liên lạc giữa hai bên, nên bị muộn lại (lỗi xảy ra bất ngờ đến khó tin, nhưng đã thành ra một kỉ niệm thú vị và đáng nhớ).
Dưới là tổng quan của toàn số tạp chí.
---
Bài riêng:
* Chu Xuân Giao. Tư duy sáng tạo văn tự của người Việt nhìn từ văn hóa khu vực: Di sản chữ Nôm trong so sánh đương đại.
TÓM TẮT
Bài viết này như là một sơ kết trên đường nhận thức về đặc trưng và vị trí của chữ Nôm Việt trong phương diện tư duy sáng tạo chữ viết ở vùng văn hóa chữ Hán, từ trải nghiệm trong thực tế nhiều năm học tập chữ Hán và “chữ Nôm” của một số tộc người trong vùng. Kết hợp trải nghiệm đó với việc tham khảo các nghiên cứu về cấu tạo và quá trình phát triển của những loại văn tự tự tạo khác (cùng sáng tạo hay được gợi ý từ nền tảng là chữ Hán, như văn tự Khiết Đan, Nữ Chân, Tây Hạ,…), bài viết chỉ ra thực tế rằng, ở thời điểm hiện tại, cùng với chữ Hán trong Hán ngữ hiện đại ở Trung Quốc, thì chỉ có hai loại chữ phái sinh từ chữ Hán được sử dụng làm văn tự quốc gia chính thức, là Hanguel ở Triều Tiên và Kana ở Nhật Bản, còn các loại văn tự khác (gồm cả chữ Nôm Việt) đều đã trở thành “văn tự chết”. Trước nay, chữ Nôm Việt thường được xem trọng ở điểm “là tinh hoa sáng tạo” hay “gia tài văn hóa quý báu” của người Việt. Từ góc nhìn khu vực học mang tính đương đại, ở đây, chúng tôi thử đưa ra một so sánh về cấp độ trong tư duy sáng tạo văn tự của người Việt với các tộc người trong cùng khu vực. Sự tương đối hóa này là cần thiết trong nhận thức về chữ Nôm Việt, đặc biệt là từ cách tiếp cận của nhân loại học lịch sử (văn hóa sử, historical anthropology) và nhân loại học chữ viết (anthropology of writing) - các phân ngành nhân loại học đặt quan tâm nhiều tới các xã hội có tính văn tự cao, ở đây là vùng văn hóa chữ Hán ở Đông Á.
Trong nội bộ khoa học xã hội Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, sau rất nhiều năm tháng tích lũy và chuẩn bị, đã đến lúc chúng ta có đủ điều kiện để có thể so sánh một cách vừa tổng quan vừa kỹ lưỡng chữ Nôm Việt với các văn tự trong khu vực và trên toàn thế giới. Chữ Nôm của người Việt, trên thực tế sử dụng, đã là vấn đề thuộc về quá khứ. Nhưng nhận diện một vấn đề đã thuộc về quá khứ như Nôm Việt, không phải vì quá khứ, mà là một công việc cần thiết không thể không thực hiện để hướng đến đích đương đại, cho đương đại.
Toàn số:
VĂN HÓA - LỊCH SỬ
* Lê Công Lý. Việc phong thần ở Nam Bộ thời Pháp thuộc.
TÓM TẮT
Từ năm 1867, mặc dù 6 tỉnh Nam Kỳ đã mất trọn về tay thực dân Pháp nhưng ảnh hưởng của triều đình Huế trên đất Nam Kỳ vẫn được duy trì ít ra là mặt văn hóa, thể hiện ở việc nhà Nguyễn vẫn tiếp tục phong thần để “bảo ngã lê dân” Nam Kỳ. Chính việc làm khéo léo này đã giúp dân Nam Kỳ bảo lưu được truyền thống văn hóa để hội nhập mà không mất gốc.
* Chu Xuân Giao. Tư duy sáng tạo văn tự của người Việt nhìn từ văn hóa khu vực: Di sản chữ Nôm trong so sánh đương đại.
TÓM TẮT
Bài viết này như là một sơ kết trên đường nhận thức về đặc trưng và vị trí của chữ Nôm Việt trong phương diện tư duy sáng tạo chữ viết ở vùng văn hóa chữ Hán, từ trải nghiệm trong thực tế nhiều năm học tập chữ Hán và “chữ Nôm” của một số tộc người trong vùng. Kết hợp trải nghiệm đó với việc tham khảo các nghiên cứu về cấu tạo và quá trình phát triển của những loại văn tự tự tạo khác (cùng sáng tạo hay được gợi ý từ nền tảng là chữ Hán, như văn tự Khiết Đan, Nữ Chân, Tây Hạ,…), bài viết chỉ ra thực tế rằng, ở thời điểm hiện tại, cùng với chữ Hán trong Hán ngữ hiện đại ở Trung Quốc, thì chỉ có hai loại chữ phái sinh từ chữ Hán được sử dụng làm văn tự quốc gia chính thức, là Hanguel ở Triều Tiên và Kana ở Nhật Bản, còn các loại văn tự khác (gồm cả chữ Nôm Việt) đều đã trở thành “văn tự chết”. Trước nay, chữ Nôm Việt thường được xem trọng ở điểm “là tinh hoa sáng tạo” hay “gia tài văn hóa quý báu” của người Việt. Từ góc nhìn khu vực học mang tính đương đại, ở đây, chúng tôi thử đưa ra một so sánh về cấp độ trong tư duy sáng tạo văn tự của người Việt với các tộc người trong cùng khu vực. Sự tương đối hóa này là cần thiết trong nhận thức về chữ Nôm Việt, đặc biệt là từ cách tiếp cận của nhân loại học lịch sử (văn hóa sử, historical anthropology) và nhân loại học chữ viết (anthropology of writing) - các phân ngành nhân loại học đặt quan tâm nhiều tới các xã hội có tính văn tự cao, ở đây là vùng văn hóa chữ Hán ở Đông Á.
Trong nội bộ khoa học xã hội Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, sau rất nhiều năm tháng tích lũy và chuẩn bị, đã đến lúc chúng ta có đủ điều kiện để có thể so sánh một cách vừa tổng quan vừa kỹ lưỡng chữ Nôm Việt với các văn tự trong khu vực và trên toàn thế giới. Chữ Nôm của người Việt, trên thực tế sử dụng, đã là vấn đề thuộc về quá khứ. Nhưng nhận diện một vấn đề đã thuộc về quá khứ như Nôm Việt, không phải vì quá khứ, mà là một công việc cần thiết không thể không thực hiện để hướng đến đích đương đại, cho đương đại.
* Triều Nguyên. Việc sử dụng tục ngữ và thành ngữ trong bài “Phú cải lương” của Nguyễn Thượng Hiền.
TÓM TẮT
Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) là nhà chí sĩ cách mạng nhiệt thành trong phong trào đấu tranh giành độc lập ở nước ta vào đầu thế kỷ 20. Xuất thân là một nhà khoa bảng, ông chủ trương dùng văn chương thức tỉnh đồng bào cải cách hủ tục, đổi mới lề lối học tập, làm việc, tự cường để vươn lên. Ông sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có bài “Phú cải lương” nổi tiếng không chỉ ở giá trị nội dung mà còn độc đáo ở chỗ sử dụng rất nhiều tục ngữ, thành ngữ là lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân.
Bài viết này tìm hiểu việc sử dụng tục ngữ, thành ngữ trong bài “Phú cải lương” và thủ pháp vận dụng chúng một cách tài tình theo phép đặt câu của thể văn biền ngẫu, một trong những yếu tố chủ đạo làm nên giá trị nổi bật của tác phẩm.
KHOA HỌC VÀ ĐỜI SỐNG
* Hồ Thắng. Nghề và làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế: Thực trạng và định hướng phát triển bền vững.
TÓM TẮT
Nghề và làng nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn và được xem là ngành nghề khai thác được lợi thế của các địa phương, phát huy được những giá trị văn hóa làng quê phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp thất nghiệp theo mùa vụ.
Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chính sách khôi phục các làng nghề trên địa bàn và chú trọng phát triển nghề gắn với du lịch, tạo điều kiện quảng bá thương hiệu của các làng nghề…, mang lại diện mạo mới cho cuộc sống của người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển của các nghề và làng nghề truyền thống ở địa phương còn thiếu tính bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Bài viết này trình bày kết quả khảo sát, điều tra tình hình phát triển nghề và làng nghề truyền thống tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, từ đó đề xuất những giải pháp phát triển bền vững nghề và làng nghề truyền thống nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
MÔI TRƯƠNG - SINH THÁI
* Võ Văn Phú, Võ Văn Quý, Nguyễn Duy Thuận. Cấu trúc thành phần loài Cá nội địa ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
TÓM TẮT
Thừa Thiên Huế là tỉnh có giá trị đa dạng sinh học cao của khu vực miền Trung. Qua thống kê từ nhiều công trình đã công bố, nghiên cứu của chúng tôi từ trước đến nay và kết quả của đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Đánh giá hiện trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên sinh vật ở tỉnh Thừa Thiên Huế”, cho thấy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận được 582 loài Cá nội địa, thuộc 209 giống, 97 họ và 19 bộ. Về đặc điểm phân bố, Cá nội địa ở Thừa Thiên Huế được chia làm ba nhóm sinh thái theo thủy vực và ba nhóm sinh thái theo nguồn gốc. Trong tổng số 582 loài Cá nội địa ở Thừa Thiên Huế có 41 loài có giá trị kinh tế; 18 loài làm cảnh, diệt bọ gậy, sâu bọ; 17 loài quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) với 02 loài Nguy cấp (EN), 15 loài Sẽ nguy cấp (VU) và có 12 loài đặc hữu.
TRAO ĐỔI
* Trần Nhật Vy. Một trăm năm cải lương là năm nào?
TÓM TẮT
Hiện nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng thời điểm ra đời của sân khấu cải lương là vào năm 1918, gắn với sự kiện tuồng cải lương Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản được công diễn lần đầu tiên tại rạp thầy Năm Tú ở Mỹ Tho.
Tác giả bài viết này cho rằng, những gì được viết gần đây về lịch sử cải lương còn nhiều nhầm lẫn, thiếu chính xác. Và việc chọn một tiêu chí để kỷ niệm 100 năm cải lương là cần phải xem xét lại.
Nếu chọn kỷ niệm cải lương là lúc có đoàn hát hoặc vở diễn đầu tiên thì thời điểm là năm 1917, thời điểm ra đời vở tuồng Vì nghĩa quên nhà của nhóm Cải lương kịch xã ở Sa Đéc. Nếu tiêu chí chọn gánh hát ra đời đầu tiên thì phải là gánh của thầy Năm Thận ra đời năm 1919. Hoặc chọn tuồng có bài ca vọng cổ thì phải chọn vở Kim Vân Kiều của gánh thầy Năm Tú diễn năm 1922. Việc chọn năm 1918 như hiện nay là thiếu cơ sở và hoàn toàn không đúng với lịch sử.
TƯ LIỆU
* Cao Tự Thanh (dịch). “Việt Nam truyện” trong Thanh sử cảo.
* Trần Kinh Hòa (Nguyễn Duy Chính dịch). Nghiên cứu quan điểm chính trị, mâu thuẫn, bối cảnh của Mạc Thiên Tứ và Phraya Taksin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.