Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

19/11/2018

91 tiến sĩ cũ trên 18 bia đá mới, và Văn Miếu hoành tráng của Vĩnh Phúc

Một công việc to lớn mà tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành vào năm 2017.

Đại khái như ở dưới. Đã thấy từ lâu, nhưng đưa dịp này là nhằm ngày 20/11 năm 2018.

Loạt tin chính là về 91 tiến sĩ được khắc tên lên 18 tấm bia đá mới.

Có bổ sung gì thì đưa thêm ở dưới như mọi khi.




----







-










-










-










-

Văn bia vinh danh Tiến sĩ ở Văn Miếu Vĩnh Phúc

Phúc Vĩnh | Chủ Nhật, 24/12/2017 21:32 GMT +7


(Vanhien.vn) Trong quần thể Văn Miếu Vĩnh Phúc  không thể không nhắc đến 18 tấm bia ghi tên 91 Tiến sĩ. Những tấm bia được dựng ở Văn Miếu Vĩnh Phúc đã mở đầu cho việc hình thành quần thể di sản văn hóa và quan trọng đối với vùng đất văn hiến này.

van-mieu-vinh-phuc
Văn Miếu Vĩnh Phúc nhìn từ ngoài vào

Văn Miếu Vĩnh Phúc hay còn có tên gọi "Công viên văn hóa Văn Miếu” tại Gò Cháo, phường Liên Bảo, Tp Vĩnh Yên  (Vĩnh Phúc) dựa trên những tư liệu về một Văn Miếu đã tồn tại ở địa điểm này cách đây vài trăm năm. Văn Miếu Vĩnh Phúc được Sở VH,TT&DL Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng năm 2010.

van-bia
Các văn bia ở Văn Miếu Vĩnh Phúc

Các văn bia để tôn vinh, lưu danh các trí thức cho các thế hệ sau chiêm ngưỡng  và học tập, bởi họ là nhân tài của quê hương, đất nước là những người con ưu tú của vùng đát Vĩnh Phúc.
Nội dung các văn bia ở Văn Miếu Vĩnh Phúc ghi lại lịch sử cụ thể của từng khoa thi, mà còn thể hiện triết lí về giáo dục , đạo đức,  văn hóa của các triều đại phong kiến, do đó có thể tác động lớn lao đối với xã hội đương thời và hậu thế.
Vanhien.vn trân trọng giới thiệu danh sách 91 vị đỗ Tiến sĩ được ghi ở 18 văn bia trong Văn Miếu Vĩnh Phúc.
BIA SỐ 1
1. PHẠM CÔNG BÌNH (?- ?)
Người xã Yên Lạc, huyện Yên Lạc, nay là thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc.
Ông đỗ thứ nhất Đệ nhất giáp khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn, niên hiệu Trinh Khánh  thứ 3 đời vua Lý Thánh Tông.
Ông là người khai đại khoa ở huyện Yên Lạc cũng như ở Vĩnh Phúc và cả xứ Đoài. Hai đạo sắc phong thời Nguyễn: 1 đạo đề ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1910); 1 đạo đề ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) đều suy tôn học vị của ông “Trạng Nguyên”.

bia-so-1
Mặt sau văn bia số 1, ghi bằng chữ Quốc ngữ

BIA SỐ 2
2. ĐÀO SƯ TÍCH (1348- 1396) 
Nguyên quán xã Cổ Lễ, huyện Tây Chân. Nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ông cùng với gia đình di cư đến làng Lý Hải, huyện Yên Lãng. (nay là thôn Lý Hải, xã Phú Hải, huyện Bình Xuyên) sinh sống.
Ông đỗ Trạng Nguyên khoa Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374) đời vua Trần Duệ Tông. Từ thi Hương tới thi Đình ông đều đỗ đầu và được làm quan tới chức Nhập nội hành khiển, hữu ty lang trung. Ông là người khai đại khoa ở huyện Bình Xuyên và là người đạt học vị cao nhất ở Vĩnh Phúc. Ông là một trong 46 Trạng Nguyên ở nước ta.
Tác phẩm hiện còn gồm thơ, phú và bài đối đáp thi Đình.

bia-so-2
Mặt sau văn bia số 2, ghi bằng chữ Quốc ngữ
BIA SỐ 3
3. TRIỆU THÁI (? -?)
Người xã Hoàng Chung, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Hoàng Chung xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch. Ông thi đỗ Tiến sĩ vào niên hiệu Vĩnh Lạc (1402- ?) triều Minh, làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ. Khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa, ông xin về nước thăm cha mẹ. Lại dự thi đỗ đầu khoa Minh Kinh năm Kỷ Dậu, niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 (1429), đời vua Lê Thái Tổ. Làm quan tới chức Đô ngự sử, phụng mệnh đi sứ nhà Minh, giám thí khoa thi Hội, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442). Biên soạn Quốc triều điều luật. Ông là người khai đại khoa ở huyện Lập Thạch.
Ông là ông nội của Hoàng giáp Triệu Tuyên Phù.
4. NGUYỄN VĂN CHẤT (1422- ?)
Là người xã Vũ Di, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Vũ Di, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường. Năm 27 tuổi ông thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448), đời vua Lê Nhân Tông. Làm quan tới chức Hộ bộ Thượng thư. Tục biên sách “Việt Điện U Linh”.
Ông là thân phụ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tú.
5. NGUYỄN TÔNG LỖI (1414 - ?)
Người xã Bồ Điền, huyện Bạch Hạc. Nay là thị trấn Vĩnh tường, huyện Vĩnh Tường. Di cư đến xã Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc, nay là thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc. Năm 35 tuổi ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448), đời vua Lê Nhân Tông. Làm quan đến chức Đồng tri Trung Bắc Giang vệ.
6. NGUYỄN TỪ (1429 - ?)
Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Năm 25 tuổi ông thi đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa thứ 11 (1453), đời vua Lê Nhân Tông. Làm quan đến chức Thiêm đô ngự sử.
7. HOÀNG BỒI (1437 - ?)
Người xã Cam Giá Hạ, huyện Phúc Lộc, nay là thôn Cam Giá, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường. Năm 27 tuổi ông thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
8. HẠ CẢNH ĐỨC (1436 - ?)
Người xã Địa Tang, huyện Yên Lạc. Nay là xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường. Năm 28 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hình khoa Đô cấp sự trung.
9. NGUYỄN VĂN THÔNG (? - ?)
Người xã Xuân Hy, huyện Kim Hoa. Nay là làng Xuân Phương, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên. Ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), đời vua Lê thánh Tông. Làm quan tới chức Thượng thư kiêm Đông các học sĩ.

bia-so-3
Mặt sau văn bia số 3, ghi bằng chữ Quốc ngữ

BIA SỐ 4

bia-so-4
Mặt sau văn bia số 4, ghi bằng chữ Quốc ngữ

10. NGUYỄN BÁ DUNG (1440- ?)
Người xã Vũ Di, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Vũ Di, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường. Năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo.
11. LÊ THÚC CHẨN (1435- ?)
Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, Xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.
Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đô ngự sự. Ông là thúc bá của Hoàng giáp Lê Đức Toản, chú của Tiến sĩ Lê Khiết.
12. NGUYỄN TỘ (1440- ?) 
Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.
Năm 33 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Ông là anh của tiến sĩ Nguyễn Trinh và Tiến sĩ Nguyễn Tư Phúc.    
13. NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG (1444- ?)
Người xã Vũ Di, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Vũ Di, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường. Năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ.
14. NGUYỄN TRINH (1447- ?)
Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư.
 Ông là anh của Tiến sĩ Nguyễn Tư Phúc, là em của Hoàng Giáp Nguyễn Tộ.    
15. NGUYỄN TƯ PHÚC (1450- ?)
Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.
Năm 28 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), đời Vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Tham chính. Ông cùng Nguyễn Tộ, Nguyễn Trinh là ba anh em trong cùng một nhà, đều đỗ tiến sĩ.
16. LÊ NINH (1448- ?)
Người xã Thụ Ích, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. Năm 31 tuổi đỗ Hội nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ Tam danh (Thám Hoa) khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hộ Bộ Tả thị lang kiêm Vương phó. Khi mất triều đình truy tặng chức Thượng thư.
Ông là ông nội của Tiến sĩ Lê Hiến.
17. TRẦN QUÝ NGHỊ (1454- ?)
Người xã Thanh Lãng, huyện Yên Lãng. Nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Năm 25 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Thượng Thư. 
Ông là anh của Tiến sĩ Trần Khải Đễ.
BIA SỐ 5

bia-so-5
Mặt sau văn bia số 5, ghi bằng chữ Quốc ngữ

18. NGUYỄN THIỆU TRI (1442 - 1533) 
 Người xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch. Nay thuộc xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch.
 Năm 37 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hộ Bộ Thượng thư. Về trí sĩ, thọ 92 tuổi. Triều đình nhà Lê phong tặng cho ông là công thần tiết nghĩa.
19. TRẦN DOÃN HỰU (1452- ?)
Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Lại Bộ Thượng thư. 
20. DƯƠNG TĨNH (1455- ?)
Người xã Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc. Năm 24 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Công bộ Tả thị lang.
Ông là ông nội của Hoàng giáp Dương Đôn Cương.
21. NGUYỄN ĐỨC ĐỊNH (1444- ?)
Người xã Vân Chương, huyện Lập Thạch.Nay là thôn Vân Trục, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch. Năm 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Thị lang.
22. NGUYỄN TÔN MIỆT (1441- ?)
Người xã Xuân Hy, huyện Kim Hoa. Nay là làng Xuân Phương, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên. Năm 41 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị thư. Tham dự Hội Tao đàn “Nhị thập bát tú” do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Tác phẩm hiện còn một số bài thơ chép trong “Toàn việt thị lục”.
23. NGUYỄN VĂN TÚ (1450- ?)
Người xã Vũ Di, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Vũ Di, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường.
Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Thừa chính sứ. Khi nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, ông không làm quan với nhà Mạc. Triều Lê Trung Hưng phong cho ông là Tiết nghĩa.
Ông là con của Hoàng giáp Nguyễn Văn Chất.
24. KHỔNG CƯ LỖ (?-?)
Người xã Thạch Lôi, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Phan Dư, xã Cao Phong, huyện Sông Lô. Đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481), đời vua Lê Thánh Tông.
BIA SỐ 6

bia-so-6
Mặt sau văn bia số 6 , ghi bằng chữ Quốc ngữ

25. LÊ ĐỨC TOẢN (1452-?)
Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đô ngự sự. Khi nhà Mạc tiến ngôi nhà Lê, ông không chịu làm quan với nhà Mạc. Triều Lê Trung Hưng phong ông là Tiết Nghĩa. Ông là chú của Tiến Sĩ Lê Khiết.
26. ĐẶNG THẬN (1459- ?)
Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Năm 26 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), đời vua Lê Thánh Tông. Ông là em của tiến sĩ Đặng Điềm. 
27. NGUYỄN BẢO KHUÊ (1456- ?) 
Người xã Lý Hải, huyện Yên Lãng. Nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên. Năm 32 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hình bộ Tả thị lang kiêm Đình úy. Tham dự Hội Tao đàn “Nhị thập bát tú’’ do vua Lê Thánh Tông sáng lập.
28.NGUYỄN TRINH BIỂU (1453- ?)
Người châu Các Sa, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Phần, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc. Năm 35 tuổi đỗ Đệ tam đồng giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Tham Chính.
29. LƯU TÚC (? - ?)
Người xã Vũ Di, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Xuân Lai, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường. Năm 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Thượng thư. Khi nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, ông không chịu khuất phục. Triều Lê Trung Hưng phong ông là Công thần tiết nghĩa.
30. NGÔ ĐẠT NHO (? - ?)
Người xã Xuân Hy, huyện Kim Hoa. Nay là thôn Xuân Phương, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên. Đỗ Đệ tam nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Tham Chính.
31. TRẦN HÙNG QUÁN (1462 - ?)
Người xã Nghinh Tiên, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Nghinh Tiên, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc. Năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đình úy chính.

BIA SỐ 7
bia-so-7
Mặt sau văn bia số 7, ghi bằng chữ Quốc ngữ

32. ĐÀO SÙNG NHẠC (? - ?)
Người xã Nhật Chiêu, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Nhật Chiêu, xã liên Châu, huyện Yên Lạc. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đô cấp sự trung, tước Phú Xuyên Bá. Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, ông tập hợp quân chống trả. Thời Lê Trung Hưng ông được bao phong là Tiết nghĩa.
33. ĐẶNG ĐIỂM (1459- ?)
Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Ông là anh của Tiến sĩ Đặng Thận.
34. LÊ KHIẾT (1464- ?)
Người xã Sơn Đông huyện Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Tri huyện.
Ông là cháu của  Tiến sĩ Lê Thúc Chẩn và Hoàng giáp Lê Đức Toản.
35. NGÔ KÍNH THẦN (?- ?)
Người xã Xuân Hy, huyện Kim Hoa. Nay là làng Xuân Phương, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Phó đô ngự sự, tước Tử.
36. LÊ CHÍNH (1457- ?)
Người xã Lạc Trung, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Lạc Trung, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc. Năm 37 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đoán sự.
37. TRIỆU TUYÊN PHÙ (1462- ?)
Người xã Đức Lạp, huyện Lập Thạch. Nay là xã Đức Bác, huyện Sông Lô. Năm 37 tuổi dự thi khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), đời vua Lê Thánh Tông, văn bài xếp hạng Trạng Nguyên, nhưng chỉ cho đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp). Làm quan đến chức Đô ngự sử.
Ông là cháu của Tiến sĩ Triệu Thái.
38. VĂN VĨ (1470- ?)
Người xã Ái Vũ, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Ái Vũ, xã Đại Tự, huyện Yên Lạc. Năm 27 tuổi, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hình khoa Đô cấp sự trung.
39. TRẦN KHẢI ĐỄ (1469- ?)
Người xã Thanh Lãng, huyện Yên Lãng. Nay là thôn Xuân Lãng, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Năm 28 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Thanh chính.
Ông là em của Tiến sĩ Trần Quý Nghị.

BIA SỐ 8
bia-so-8
Mặt sau văn bia số 8, ghi bằng chữ Quốc ngữ

40. LÊ ĐĨNH CHI (1467- 1511)
Người xã Nhạo Sơn, huyện Lập Thạch. Nay là xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô. Năm 33 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499), đời vua Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Hộ bộ Tả thị lang, phụng mệnh đi sứ sang nhà Minh.
41. DƯƠNG ĐỨC GIẢN (?- ?)
Người xã Linh Quang, huyện Bình Tuyền. Nay là thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505), đời vua Lê Uy Mục. Làm quan đến chức Đô cấp sự trung, về trí sĩ.
Ông là ông nội của Tiến sĩ Dương Tông.
42. NGUYẾN PHU HỰU (1478- ?)
Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Năm 28 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505), đời vua Lê Uy Mục. Làm quan đến chức Thượng thư.
43. TRẦN THẠCH (1468- ?)
Người xã Tiên Hội, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Tiên Hội, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên. Năm 41 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 (1508), đời vua Lê Uy Mục. Làm quan đến chức Thị lang.
44. NGUYỄN SÙNG HỰU (1477- ?)
Người xã Phủ Ma, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Phủ Yên, xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường. Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 (1508), đời vua Lê Uy Mục. Làm quan đến chức Tham chính.
45. NGUYỄN SƯ PHÓ (1458- 1518)
Người xã Lý Hải, huyện Yên Lãng. Nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên. Năm 41 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 (1508), đời vua Lê Uy Mục.Sau khi đỗ đổi tên thành Nguyễn Sư. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Kiểm thảo. Năm Quý Dậu, niên hiệu Hồng Thuận (1513) đi sứ sang nhà Minh. Khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, ông không thuận theo nhà Mạc nên bị bắt giết. Thời Lê Trung Hưng, ông được triều đình phong là Công thần Tiết nghĩa. 

BIA SỐ 9
bia-so-9
Mặt sau văn bia số 9 , ghi bằng chữ Quốc ngữ

46. NGUYỄN DUY TƯỜNG (1485 - ?)
Người xã Lý Hải, huyện Yên Lãng. Nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên. Năm 24 tuổi ông dự thi khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 (1508), đỗ hàng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân nhưng không nhận học vị Tiến sĩ. Đến năm 27 tuổi, lại dự thi Hội, đỗ hàng Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511) đời vua Lê Tương Dực. Ông làm quan tới chức Tham Chính.
Khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, ông hưng binh chống cự rồi tử trận. Thời Lê Trung Hưng phong cho ông vào hàng Tiết nghĩa, truy tặng chức Tả Thị lang, bao phong Thượng đẳng phúc thần, lập đền thờ, cử quan trong triều về tế lễ.
Ông là cháu của Hoàng giáp Nguyễn Bảo Khuê, là cha của Tiến sĩ Nguyễn Hoành Xước, là ông nội của tiến sĩ Nguyễn Thế Thủ, là tổ 6 đời của Hoàng giáp Nguyễn Quang Luân.
47. NGUYỄN THỜI KHẮC (1467 - ?)
Người xã Lũng Tuyền, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Đông Mật, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Năm 54 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), đời vua Lê Tương Dực. Làm quan đến chức Hộ bộ tả thị lang, sau ra làm quan với nhà Mạc.
48. PHAN DOÃN THÔNG (1486 - ?)
Người xã Kiên Cương, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Kiên Cương, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường. Năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), đời vua Lê Tương Dực. Làm quan đến chức Hình bộ Hữu thị lang.
49. NGUYỄN MINH KHUÊ (1491- ?)
Người xã Phú Hoa, huyện Tân Phong. Nay là thôn Phú Đa, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường. Năm 33 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên thứ 2(1523), đời vua Lê Cung Hoàng. Làm quan đến chức Thừa chính sứ.

Còn nữa!





Văn bia vinh danh Tiến sĩ ở Văn Miếu Vĩnh Phúc (tiếp)

Phúc Vĩnh | Thứ Hai, 25/12/2017 23:39 GMT +7


(Vanhien.vn) Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, những giá trị truyền thống đặc sắc của nền văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở các sách sử, tác phẩm tư liệu đã công bố, xin thông tin tiếp về 18 văn bia vinh danh 91 Tiến sĩ ở Văn Miếu Vĩnh Phúc. Từ đó giúp mọi người thêm yêu lịch sử hào hùng , truyền thống văn hóa lâu đời, hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử, các danh nhân của tỉnh Vĩnh Phúc.


nha-bai-duong-van-mieu-vinh-phuc
Nhà bái đường Văn Miếu Vĩnh Phúc. Ảnh Tiến Dũng

Trước đó Vanhien.vn đã phát bài “Văn bia vinh danh Tiến sĩ ở Văn Miếu Vĩnh Phúc” đã đưa thông tin được 9 văn bia ghi danh 49 Tiến sĩ. Bài viết này Văn hiến sẽ thông tin đầy đủ đến bạn đọc về 18 văn bia ghi danh 91 Tiến sĩ.

nha-hau-cung-van-mieu-vinh-phuc
Nhà hậu cung trong quần thể Văn Miếu Vĩnh Phúc. Ảnh Tiến Dũng

BIA SỐ 10
bia-so-10
Mặt sau văn bia số 10, ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ảnh Kim Xuyến

50. HÀ SĨ VỌNG (1514 - 1595)
Người xã Bình Sơn, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Sơn Cầu, xã Như Thụy, huyện Sông Lô. Năm 22 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Đại Chính thứ 6 (1535), đời vua Mạc Đăng  Dung . Làm quan dến chức lễ bộ Hữu thị lang, tước Tuy lộc bá.
Ông là anh của tiến sĩ Hà Nhậm Đại.
51. BÙI HOẰNG (1506 - ?)
Người xã Thượng Trưng, huyện Bạch Hạc. Nay là xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường. Năm 33 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538), đời vua Mạc Đăng Doanh. Làm quan tới chức Thừa chính sứ, tước An thuỷ bá. Về trí sĩ.
Ông là ngoại tổ của Hoàng giáp Phí Văn Thuật.
52. LÊ DĨNH (1512 - ?) 
Người xã Thượng Trưng, huyện Bạch Hạc. Nay là xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường. Năm 27 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (1538), đời vua Mạc Đăng Doanh. Làm quan tới chức Thừa chính sứ, tước Đằng giang bá. Vể trí sĩ.
53. NGUYỄN HOÀNH XƯỚC (1502 - ?)
Người làng Lý Hải, huyện Yên Lãng. Nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên. Năm 37 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiêu Đại chính đời thứ 9 (1538), đời vua Mạc Đăng Doanh. Làm quan tới chức Đề hình giám sát ngự sử.
Ông là con của Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường, là cha của tiến sĩ Nguyễn Thế Thủ, ba đời đều dăng khoa. Ông là cao tổ của Hoàng giáp Nguyễn Quang Luân.

BIA SỐ 11
bia-so-11
Mặt sau văn bia số 11, ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ảnh Kim Xuyến

54. VŨ DOÃN TƯ (1518 - ?)
Người xã Sơn Đông, huyên Lập Thạch. Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông huyên Lập Thạch. Năm 24 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa thứ nhất (1541), đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan tới chức Lại bộ tả thị lang, tước Sơn đông bá.
55. PHẠM PHI HIỀN (1509 - ?)
Người xã Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Tĩnh Luyện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Năm 33 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa thứ nhất (1541), đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan tới chức Phó Đô ngự sử, tước Tào khê bá.
56. TẠ HIỀN ĐẠO (1510 - ?)
Người xã Đinh Xá, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Đinh Xá, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc. Năm 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Quảng Hòa thứ 4 (1544) đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan tới chức Hiền sát sứ, tước Quảng Xuyên bá.
57. PHẠM DU (1519 - ? )
Người xã Tiên Mỗ, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Tiên Mỗ, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc. Năm 29 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập nhật đệ đệ nhị danh (Bảng Nhãn) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất (1547), đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan tới chức Tả thị lang, tước Nghi tuyền bá.
58. DƯƠNG ĐÔN CƯƠNG (? - ? )
Người xã Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc. Năm 22 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất (1547), đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan tới chức Hình bộ tả thị lang.
Ông là cháu nội của tiến sĩ Dương Tĩnh. 

BIA SỐ 12
bia-so-12
Mặt sau văn bia số 12, ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ảnh Kim Xuyến


59. LÊ HIẾN (1514 - ?) 
Người xã Thụ Ích, huyện Yên Lạc. Nay là thôn thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. Thi Hương lần đầu trúng Hương tiến. Đến năm 37 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550), đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan tới chức Tả Thị lang kiêm Đông các đại học sĩ.
Ông là cháu nội của Thám hoa Lê Ninh.
60. ĐÀO THÁI (1516 - ?) 
Người xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch. Năm 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550) đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan tới chức Hiến sát sứ.
61. NGUYỄN CÔNG PHỤ (1532 - ? )
Người xã Lý Hải, huyện Yên Lãng. Nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên. Năm 40 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi, niên hiệu Sùng Khang thứ 6 (1571), đời vua Mạc Hậu Hợp. làm quan tới chức Thị lang. Sau theo nhà Lê, làm quan đến chức Tham chính.
62. HÀ NHẬM ĐẠI (1526 - ? ) 
Người xã Bình Sơn, huyện Lập Thạch. Nay là thôn Sơn Cầu, xã Như Thụy, huyên Sông Lô. Năm 49 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Tuất, niên hiệu Sùng Khang thứ 9 (1574) đời vua Mạc Hậu Hợp. làm quan tới chức Lễ Bộ Thượng thư. Tác phẩm có “Khiếu vịnh thi tập”.
Ông là em cuả Tiến sĩ Hà Sĩ Vọng.
63. VŨ HOẰNG TỐ (1540 - ?)
Người xã Vân Ổ, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Vân Ổ, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường. Năm 41 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Diên Thành năm thứ 3 (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp. Khi nhà Mạc mất, ông theo nhà Lê, làm quan đến chức Tham chính.
64. NGUYỄN THẾ THỦ (1533 - ? )
Người xã Lý Hải, huyện Yên Lãng. Nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên. Năm 54 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Doãn Thái năm thứ nhất (1586) đời vua Mạc Hậu Hợp. Khi nhà Mạc mất, làm quan nhà Lê đến chức Tham Chính. Ông là cháu nội của Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường, là con của Tiến sĩ Nguyễn Hoành Xước, là tổ 4 đời của Hoàng giáp Nguyễn Quang Luân.
65. DƯƠNG TÔNG (1544 - ? )
Người xã Linh Quang, huyện Bình Tuyền. Nay là thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên. Năm 46 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hưng Trị thứ 2 (1589) đời vua Mạc Hậu Hợp. Khi nhà Mạc mất, làm quan nhà Lê đến chức Thị lang. Ông là cháu của Hoàng giáp Dương Đức Giản.

BIA SỐ 13
bia-so-13
Mặt sau văn bia số 13, ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ảnh Kim Xuyến


66. NGUYỄN DUY THÌ (1572- 1652)
Người xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng. Nay là thôn Hợp Lễ, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Năm 27 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Mậu Tuất, niên hiệu Quang Hưng thứ 21 (1598), đời vua Lê Thế Tông. Khoảng năm Bính Ngọ (1606) ông làm quan tới chức Hộ bộ Đô cấp sự trung, phụng mệnh làm phó sứ đi sứ sang nhà Minh lo tuế cống. Khi về nước thăng chức Thiêm đô ngự sử, tước Phương Tuyền bá. Trải thăng lại Bộ Tả Thị lang, bán tước Hầu.
Năm Canh Thân (1620) ông từng hộ giá cho hai đoàn sứ bộ sang tuế cống nhà Minh, được phong Dực vận tán trị công thần. Năm Bính Dần (1626) ông được thăng chức Công Bộ Thượng thư, tước Tuyền Quận công, gia phong Thiếu phó. Năm Nhâm Ngọ (1642) ông lĩnh chức Binh Bộ Thượng thư, gia Tham tụng, Lại Bộ Thượng thư, Chưởng Lục bộ kiêm Quốc Tử giám Tế tửu, kiêm Hàn lâm viện, tiến chức Thái phó, được mở phủ Bình Quân, hưởng thọ 81 tuổi.
Ông là cha của Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu.
Tác phẩm hiện còn một số bài văn bia và thơ chép trong “Toàn Việt thi lục”.

BIA SỐ 14

bia-so-14
Mặt sau văn bia số 14, ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ảnh Kim Xuyến


67. NGUYỄN DUY HIẾU (1602 - ?) 
Người xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng. Nay là thôn Hợp Lễ, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Thi Hương lần đầu đỗ Hương cống, năm 27 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân  (Hoàng giáp), niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông. Làm quan tới chức Lại khoa Đô cấp sự trung, thăng thiêm sự ngự sử, tước Nghĩa Phú bá. Phụng mệnh đi sứ sang nhà Minh.
Khi mất triều đinh truy tặng chức Công Bộ tả Thị lang, tước Hầu.
Ông là con của Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì.
68. LÃ THÌ TRUNG (1577 - ?)
Người xã Cam Giá, huyện Phúc Lộc. Nay là thôn Cam Giá, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường. Năm 52 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), đời vua Lê Thần Tông. Làm quan tới chức Hộ Bộ Tả Thị lang, hưởng thọ hơn 70 tuổi. Sau khi mất, triều đình truy tặng chức Công bộ Tả Thị lang.
69. PHÍ VĂN THUẬT (1609 - ?) 
Người xã Thượng Trưng, huyên Bạch Hạc. Nay là xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường. Thi Hương đỗ giải nguyên. Năm 32 tuổi đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa thứ 6 (1640) đời vua Lê Thần Tông. Vào ứng chế lại đỗ Đệ nhất, người đời gọi ông là “Tứ nguyên”. Làm quan tới chức Tự khanh.
Ông là cháu ngoại của Hoàng giáp Bùi Hoằng, là chú của tiến sĩ Phí Quốc Thể.
70. NGUYỄN VĂN PHÚ (1516 - ?)
Người xã Bồ Sao, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Bồ Sao, xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường. Về sau ông đổi tên là Nguyễn Viết Đương. Năm 46 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661) đời vua Lê Thần Tông. Làm quan tới chức Binh bộ Tả Thị lang, tước Nam. Tính ông ngay thẳng được người đời khen ngợi.
71. NGUYỄN TIẾN SÁCH (1638- 1697)
Người xã Văn Trưng, huyên Bạch Hạc. Nay là thôn Văn Trưng, xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường. Về sau ông đổi tên là Nguyễn Đình Sách. Năm 33 tuổi ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời vua Lê Huyền Tông. Phụng mệnh đi sứ nhà Minh, làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang, tước Nam. Hưởng thọ 60 tuổi. Ông được triều đình truy tặng chức Công bộ Thượng thư, tước Tử.
Ông là cha của Tiến sĩ Nguyễn Đình Toản.
Tác phẩm hiện còn 34 bài thơ chép trong “Toàn Việt Thị lục”

BIA SỐ 15

bia-so-15
Mặt sau văn bia số 15, ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ảnh Kim Xuyến
72. NGUYỄN QUANG LÂN (1648 - ?)
Người xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng. Nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Năm 33 tuổi đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 (1680), đời vua Lê Hy Tông. Làm quan đến chức Giám sát ngự sử.
73. PHÍ QUỐC THỂ (1651- 1689)
Người xã Thượng Trưng, huyện Bạch Hạc. Nay là xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường. Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ  xuất thân khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683), đời vua Lê Hy Tông. Làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Ông là cháu của Hoàng giáp Phí Văn Thuật.
74. BÙI CÔNG TỐN (1649- 1685) 
Người xã Thượng Trưng ,huyện Bạch Hạc. Nay là xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường. Năm 37 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Ất Mùi, niên hiệu Chính Hòa thứ 6 (1685), đời vua Lê Hy Tông.
75. TÔ THẾ HUY (1666- ?) 
Người xã Bình Đăng, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Bình Trù, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường. Lúc nhỏ ông có tên là Tô Thế Huynh. Ông từng làm Huấn đạo ở phủ Tam Đới. Năm 32 tuổi ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1679), đời vua Lê Hy Tông. Làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị llng, tước Cảo Quận công. Được vào hầu vua đọc sách ở tòa Kinh Diên. Khi ông mất được triều đình truy tặng chức Thượng thư.
Tác phẩm hiện còn một số bài văn bia.
Từ đường của ông về sau là nơi chứa thần tích cho dân các nơi đến sao lục.
76. NGUYỄN PHẤN (1673 -?)
Người xã Các Sa, huyện Yên Lạc. Nay là Phần Sa, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc. Năm 28 tuổi ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700), đời vua Lê Hy Tông. Làm quan đến chức Giám sát ngự sử.
77. NGUYỄN QUANG LUÂN (1683-?)
Người xã Lý Hải, huyện Yên Lãng. Nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên. Lúc nhỏ ông nổi tiếng là thần đồng, đến năm 21 tuổi ông thi đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Qúy Mùi, niên hiệu Chính Hòa thứ 24 (1703), đời vua Lê Hy Tông. Sau này ông đổi tên là Công Luân. Làm quan đến chức Công khoa Đô cấp sự trung. Ông là cháu 6 đời của Tiến sĩ Nguyễn Duy Tường, cháu 5 đời của Tiến sĩ Nguyễn Hoành Xước, cháu 4 đời của Tiến sĩ Nguyễn Thế Thủ.
BIA SỐ 16
bia-so-16
Mặt sau văn bia số 16, ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ảnh Kim Xuyến
78. NGUYỄN VIỆT TÚ (1671- 1752 )
Người xã Thụ Ích, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Thụ Ích , xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. Năm thứ 40 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa  Canh Dần, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), đời vua Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Qốc Tử giám Tế tửu, hưởng thọ 83 tuổi. Sau khi mất được truy tặng nchuwcs Phó đô ngự sử.
79. PHÙNG BÁ KỲ (1694 – 1715)
Người xã Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc.Nay thuộc thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc. Thi hương đỗ giải nguyên, đến năm 22 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 17 (1715) , đời vua Lê
Dụ Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm đãi chiếu, Tri hộ phiên, được về trí sĩ, hưởng thọ 70 tuổi.
80. NGUỄN ĐÌNH TOẢN (1668 - ?)
Người xã Văn Trưng, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Văn Trưng, xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường. Năm 20 tuổi đỗ Hương cống khoa Đinh Mão, niên hiệu Chính Hòa thứ 8(1687). Khoa thi Hội năm Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718) , ông đỗ Đệ tam đồng giáp tiến sĩ xuất thân, năm ấy ông 51 tuổi.
Làm quan trải Tham nghị, đến chức Đông các đại học sĩ. Ông là con của Tiến sĩ Nguyễn Đình Sách.
81. ĐỖ HỤY THIỀU (1693 – 1745)
Người xã Văn Trưng, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Văn Trưng, xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường. Năm 24 tuổi đỗ Hương cống khoa Đinh Dậu (1717). Năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái yhuws 2 (1721), đời vua Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Công bộ Hữu thị lang, tước Hầu.
Sau khi mất được truy tăng chức Tả thị lang. Tác phẩm còn lại là bài văn bia  “Hậu hiền thần”.
BIA SỐ 17
bia-so-17
Mặt sau văn bia số 17, ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ảnh Kim Xuyến
82. NGUYỄN KHẮC CẦN (1817 - 1876)
Người xã Trung Hà, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Trung Hà xã Trung Hà , huyện Yên Lạc.Sau đổi tên là Nguyễn Mại. Đỗ cử nhân khoa Canh Dần, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842). Năm 32 tuổi đỗ Hội Nguyên, Đình nguyên, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân ( Hoàng giáp) khoa Mậu tuất, niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848). Ông tử trận trong một cuộc giao chiến để cố thủ Tú Sơn thuộc Lạng sơn với quân thủ phỉ nhà Thanh. Được truy tặng chức Thượng thư. Tác phẩm hiện còn “ Song nguyên Hà văn tập” và một số bài văn bia.
83. NGÔ VĂN ĐỘ (1818)
Người thôn Thượng, xã Nhật Chiêu, huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Nhật Chiêu xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. Thi đỗ cử nhân khoa Mậu Thân (1848).Năm 39 tuổi đỗ Đệ tam  giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, niên hiệu tự Đức thứ 9 (1856) . Làm quan trải qua chức Tri huyện Kim Thành, hàm Hàn Lâm viện Biên tu, thăng Tri phủ Nam sách. Sau về kinh giữ chức Thị Giảng Tập hiền viện, sung Kinh diên khởi cư chú.Năm tự Đức thứ 18 (1865) sung chức Lạng Bằng quân thứ tán lý, ốm mất trong quân. Được truy tặng hàm quang lộc tự khanh.
84. NGUYỄN ĐỨC KỲ (1830 - ?)
Người xã Đông Mẫu,huyện Yên Lạc .Nay là thôn Đông Mẫu xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc. Ông sinh năm Canh Dần, Đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 11 (1865). Năm 36 tuổi đỗ Phó khoa bảng khoa Ất Sửu, niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865). Ông làm quan Toản tu ở Sử quán.
85. NGUYỄN VĂN ÁI (1836 – 1877)
Người xã Thụ Ích, huyện Yên Lạc. Nay là thôn Thụ Ích xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. Thi đỗ cử nhân khoa Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867) . Năm 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869). Mất năm 42 tuổi, được truy tặng hàm Thị giảng học sĩ.
Tác phẩm hiện còn gồm “Tiến sĩ Nguyễn Văn Ái thi tập” và một số bài văn bia.
86. PHAN DUY BÁCH (1845 - ?)
Người xã Kiên Cương, huyên Bạch Hạc. Nay là thôn Kiên Cương, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường. Thi đỗ cử nhân khoa Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (1888). Năm 45 tuổi đõ Phó khoa bảng Kỷ Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ nhất (1889). Làm quan dến chức Tri huyện Trực Định. Cáo quan về trí sĩ.
BIA SỐ 18
bia-so-18
Mặt sau văn bia số 1, ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ảnh Kim Xuyến
87. NGUYỄN DUY HIỆU (? -?)
Người xã Yên Lãng , huyện Yên Lãng. Nay là thôn Hợp Lễ, xã Thanh Lãng, huyên Bình Xuyên. Ông đỗ Tạo sĩ thú hứng hạng khoa Đinh Mùi, niên hiệu Bảo Thái thứ 8, đời vua Lê Dụ Tông.
88. HOÀNG CÔNG PHÁI (? -?)
Người xã Đan Hương Hạ, huyện Bạch Hạc. Nay thuộc xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường. Đỗ Tạo sĩ ưu trúng hạng khoa Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731), đời vua Lê Duy Phường. Làm quan tới chức Cai Cơ.
89. NGUYỄN DANH ĐÁT (? -? )
Người xã Phú Hoa, huyện Tiên Phong. Nay là xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường.
Đỗ Đồng Tạo sĩ ưu trúng hạng khoa Quý Mùi, niên hiệu cảnh Hưng thứ 24 (1763), đời vua Lê Hiển Tông.
90. NGUYỄN DANH THÁI (? -?)
Người xã Phú hoa, huyện Tiên Phong. Nay là xã Phú Đa huyện Vĩnh Tường.
Đỗ Đồng Tạo sĩ ưu tú trúng hạng khoa Kỹ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769) đời vua Lê Hiển Tông.
91. NGUYỄN DANH TRIÊM (? -?)
Người xã Phú Hoa, huyện Tiên Phong. Nay là Xã Phú Đa huyện Vĩnh Tường.Còn gọi là Nguyễn Triêm. Thi đỗ hạng ưu Đồng tạo sĩ khoa Bính Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37 (1776), đời vua Lê Hiển Tông. Làm quan Tài chức Thủ hiệu. Được phong tước là Triêm Vũ hầu. Tử tiết vì nước, được ban sáu chữ “Trung nghĩa tráng sĩ đại vương”.
http://vanhien.vn/news/van-bia-vinh-danh-tien-si-o-van-mieu-vinh-phuc-tiep-58819

-

Vĩnh Phúc: Tôn vinh các bậc Tiên triết, Tiên thánh, Tiên hiền và danh nhân khoa bảng

Tiến Dũng | Thứ Tư, 01/03/2017 14:12 GMT +7

Đây là một nét sinh hoạt văn hóa tôn nghiêm, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống mà còn là cơ hội gắn kết Văn miếu Vĩnh Phúc với các dòng họ danh nhân khoa bảng của tỉnh. Trên cơ sở đó, Vĩnh Phúc phát huy tinh thần hiếu học, đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài trong các dòng họ, hướng đến sự phát triển của giáo dục của tỉnh, đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH đất nước.
IMG_3565
Đại diện 9 dòng họ danh nhân khoa bảng tiêu biểu của tỉnh thắp hương các bậc tiền nhân tại Văn miếu Vĩnh Phúc

Sáng 1/3/2017, tại Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ tôn vinh các bậc Tiên triết, Tiên thánh, Tiên hiền và danh nhân khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc. Dự buổi lễ có bà Trần Thị Xuyến, PGĐ phụ trách;  ông Nguyễn Quốc Minh, PGĐ Trung tâm Văn hóa khoa học Văn miếu Vĩnh Phúc  và đại diện 9 dòng họ danh nhân khoa bảng tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc .
Tại buổi lễ bà Trần Thị Xuyến, PGĐ phụ trách ôn lại quá trình lịch sử hình thành của Văn Miếu Vĩnh Phúc: Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc tiền thân là Văn miếu phủ Tam Đới, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV, tại xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường).

IMG_3577
Đại diện dòng họ Nguyễn Duy kính báo các bậc tiền nhân

Đến năm 1822, phủ Tam Đới đổi tên thành phủ Vĩnh Tường, từ đây Văn miếu phủ Tam Đới chuyển thành Văn miếu phủ Vĩnh Tường. Sau khi tỉnh Vĩnh Yên được thành lập (1890), đến năm 1925, Văn miếu phủ Vĩnh Tường được di dời về địa phận gò Giác Lạc ở phía Bắc xã Định Trung thuộc phạm vi tỉnh và có tên gọi là Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc).
Trên cơ sở kế thừa và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Văn Miếu xưa, ngày 16/6/2012, công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng tại khu gò Cháo, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên. Đây là công trình văn hóa trọng điểm, biểu trưng cho truyền thống văn hiến, truyền thống hiếu học của tỉnh Vĩnh Phúc.

IMG_3600
Các dòng họ tế lễ kính báo các bậc tiền nhân

Văn Miếu từ Quốc gia đến hàng tỉnh đều tổ chức 2 ngày lễ lớn là ngày Đinh đầu tiên của tháng Trọng xuân - tháng 2 ÂL và ngày Đinh đầu tiên của tháng Trọng thu - tháng 8 ÂL. Đây đã trở thành những ngày tế lễ thường niên và không thể thiếu trong các hoạt động của hệ thông Văn miếu ở khắp nơi. Vào ngày này, tại văn miếu hàng tỉnh, các vị quan đầu tỉnh, các vị nho học, nho sinh đến Văn Miếu tế lễ để thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài, cầu mong sự nghiệp giáo dục ngày càng hưng thịnh. 
Các dòng họ danh nhân khoa bảng tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc:
Dòng họ Nguyễn Duy - Hậu duệ của Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường (xã Phú Xuân, Bình Xuyên)
Dòng họ Nguyễn Duy - Hậu duệ của Thái tể, Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì (Thị trấn Thanh Lãng, Bình Xuyên)
Dòng họ Bùi - Hậu duệ Hoàng giáp Bùi Hoằng (xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường)
Dòng họ Phí - Hậu duệ của Tiến sĩ Phí Quốc Thể (xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường)
Dòng họ Đỗ - Hậu duệ của Tiến sĩ Đỗ Huy Thiều (xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường)
Dòng họ Trần - Hậu duệ của Tiến sĩ, Thượng thư Trần Doãn Hựu (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch)
Dòng họ Ngô - Hậu duệ của Tiến sĩ Ngô Văn Độ (xã Liên Châu, huyện Yên Lạc)
Dòng họ Tô - Hậu duệ của Thượng Thư, Hoàng giáp Tô Thế Huy (xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường).

http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-ton-vinh-cac-bac-tien-triet-tien-thanh-tien-hien-va-danh-nhan-khoa-bang-50856
-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.