Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

17/08/2018

Lướt xem nơi hoạt động thời 1670s của cha Pierre Lambert tại Nam Định (bài của Tuyết Trần)

Một ghi chép nhanh về một chuyến đi nhanh về quê nội Nam Định của Tuyết Trần. Sẽ thấy hình ảnh của nhà thờ và những nơi chốn gắn với cha Pierre Lambert (người đã hoạt động tích cực ở Việt Nam thời 1670s). Sẽ thấy nhà thờ đổ Hải Lý, nhà thờ Phú Nhai, nhà thờ Kiên Lao,... và thú vị nhất là những suy tưởng về quê hương của chị Tuyết Trần.

Chị đi về quê cùng chồng người Pháp. Được các sơ ở Nam Định thết đãi bằng nước chanh và chuối ngự cùng bánh thánh vụn.


Chép nguyên về từ trang của tác giả.

---

NAM ĐỊNH, THÀNH PHỐ NHỮNG NHÀ THỜ

Nam Định, thành phố những nhà thờ – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2018
Tôi về Nam Định thăm quê nội xa xôi rất ngỡ ngàng. Như thường lệ tôi lên đường hoàn toàn không có người hướng dẫn, cứ nhắm mắt mà đi, nó có cái thú vị của nó, nhưng có một điểm đến là cái nhà thờ đổ Hải Lý ở bãi biển Nam Định.
Xem trên mạng chỉ biết nhà thờ ở làng Hải Hậu, Hải Lý. Cái hay ở chỗ, anh lái xe, theo anh ấy nói, cũng chẳng biết đường đến nơi ấy, đi đến đâu hỏi đường đến nấy. Người Việt Nam không quen dùng bản đồ, GPS cũng quá mới mẻ, không được cập nhật thông tin đều đặn thường xuyên, vì thế nên cách hay nhất vẫn là « con đường ở cửa miệng mình » như các anh tài vẫn thường nói.
Nam Định là thành phố lớn ở miền Bắc, tuy không phải là một địa điểm tham quan du lịch, thế nên bây giờ có đường cao tốc đi nhanh từ Hà Nội, vậy mà cũng phải mất hai tiếng cho một khoảng cách bản đồ 90 cây số Hà Nội-Nam Định.
Nam Định hiện tại có 1.826.900 dân trên một diện tích rộng 1.652,6 cây số vuông và lợi thế tiếp giáp với biển, bờ biển Nam Định dài 72 km gồm có các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, là nơi tôi muốn đến.
Lần trước, tôi đã ghé thăm đền Trần, quê hương các vua Trần, mà tôi mang họ, theo cha.
Nam Định chính là quê hương của các vua nhà Trần thế kỷ thứ 13-15 (1225-1400). Sau hơn 6 thế kỷ lịch sử đã qua, ngày nay chỉ còn lại các di tích đã được xây mới trên nền cung điện cũ ở làng Tức Mặc (1239) đó là các đền Thiên Trường, đền Cổ Trạch và đền Trùng Hoa.
Trong lịch sử Việt Nam thì bà Lý Chiêu Hoàng chính ra là nữ vương thứ tư có toàn quyền cai trị nước, sau Hai Bà Trưng, bà Triệu, thái hậu Dương Vân Nga (hai triều Đinh-Lê 968-1.000), bẩy tuổi, nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông), tám tuổi, năm 1225 lên ngôi vua, tức là triều đại nhà Lý chuyển sang triều đại nhà Trần, thực chất dưới quyền cai trị trong tay thái sư Trần Thủ Độ và cha là Trần Thừa (Thái Thượng Hoàng). Nhà Trần giữ ngôi được tới năm 1400 thì bị Hồ Quí Ly soán đoạt.
Tại đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, đền Cổ Trạch thờ Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, và đền Trùng Hoa có tượng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần, và bài vị các quan lại triều Trần. Tôi đến không đúng vào dịp lễ khai ấn đầu xuân nhằm vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm nên thong thả tham quan trong cảnh đền vắng lặng. Ngày hội khai ấn thì rất đông, chen chân không lọt, người nào xin được cái ấn đền Trần về treo ở bàn thờ tổ tiên thì rất là hãnh diện.
Các vua nhà Trần được thờ ở thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà Thái Bình, (lãng mộ), Nam Định, Ninh Bình (hai vua Trần cuối cùng sau Hồ Quý Ly), Đông Triều và Quảng Ninh.
Lần về lịch sử trong quá khứ, tôi luôn luôn muốn nhìn thấy tận mắt những địa bàn sinh sống, xuất phát của những nhân vật lịch sử, dù cho thời gian đã xóa mờ nhiều dấu vết, nhưng khung cảnh sống hiện tại nói lên được phần nào, tại sao đất này sản sinh ra những vị anh hùng dân tộc.
Nam Định là đất lịch sử, có nhiều di tích, đền, chùa. Nhưng chuyến đi này, tôi khám phá ra một điều mới đối với tôi, như một người thân bên chồng, người Pháp, đã qua đời, mà lần cuối cùng gặp ông, chào ông trước khi chúng tôi lại về thăm Việt Nam. Khi nhắc đến Nam Định miền Bắc thì mắt ông ấy ướt lệ, làm cho tôi ngạc nhiên trước tình cảm ấy dành cho quê hương tôi. Ông là lính trong quân đội Pháp, đã đóng ở vùng biển Nam Định ba năm thời miền Bắc còn là đất thuộc địa của Pháp và quân Pháp đã phải rút về nước năm 1956. Một cô gái Nam Định đã niu kéo trái tim ông ? Đến nay, câu trả lời chỉ có ông biết và đã tan biến theo tro của ông rải trong làn nước biển xanh nước Pháp.
Trên đường đi, xe lướt ngang những cánh đồng lúa xanh rì mênh mông, lúa đang lên xanh, trĩu hạt, và những đàn vịt to lớn, trắng tinh, nhởn nhơ trong những ao hồ bên cạnh ruộng lúa. Thỉnh thoảng chạy ngang qua những cánh đồng muối trắng.
Một nhánh của sông Hồng chảy qua Nam Định, tức là con sông Đáy, mà nơi đầu nguồn gọi là sông Hát, gần Hà Nội, nơi Hai Bà Trưng tự vẫn.
Miền Bắc, phải nói là đất anh hùng, nhìn chỗ nào vào lịch sử cũng thấy anh hùng dân tộc cả nam lẫn nữ xuất thân.
Nam Định được ôm ấp bởi hai con sông Hồng và sông Đáy, nối liền với hai con sông này là sông Nam Định, được phù sa của hai sông bồi đắp, nhưng vì nạn hút cát ở cửa Ba Lạt nên hiện nay lại trái ngược gây ra tình trạng sạt lở.
Sông Hồng đổ ra vịnh Bắc Bộ ở cửa Ba Lạt, nằm ngay chính giữa hai bên bờ nam là Nam Định và bờ bắc ở Thái Bình. Người Pháp đã nhận ra tầm quan trọng của vị trí chiến lược quân sự-thương mại của Nam Định – Thái Bình, nên trong cái gọi là Hòa ước Nhâm Tuất 1862 ở điều khoản thứ năm Pháp đã đòi hỏi triều đình nhà Nguyễn ở Huế phải cho phép công dân Pháp được tự do thông thương và đặc quyền buôn bán ở ba cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt và Quảng Yên.
Anh tài không biết đường, anh bảo thế, tôi không biết sao, nên cứ nhắm mắt mà lái, đến đâu hay đến đó. Một đỗi, qua khỏi khu « Bích Xê » (siêu thị Big C nằm ở ngay ngã vào thành phố Nam Định) lác đác đã thấy những tháp chuông nhà thờ nổi cao hẳn lên trên những cánh đồng. Tôi không biết là mình đã « thâm nhập » vào địa phận giáo xứ Bùi Chu ở Nam Định.
Giáo phận Bùi Chu hiện nay nằm gọn trong tỉnh Nam Ðịnh, là một trong những thành phố đầu tiên xưa kia do Pháp tạo nên, bao gồm sáu huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực và khu vực xứ Khoái Ðồng cùng khu vực phía nam sông Đào (các xã Nam Phong, Nam Vân và phường Cửa Nam) của thành phố Nam Ðịnh.
Người dân ở Nam Định đa số làm nghề nông, số ít làm muối, đi biển, buôn bán…vậy mà từ thời Pháp thuộc ngành dệt may Nam Định đã nổi tiếng và trở thành quan trọng trong quá khứ. Cùng với sự kiện quan trọng ấy, nhà thờ mọc lên rất nhiều, rất to, rất hoàng tráng, giữa thành phố Nam Định là nhà thở lớn Nam Định, thiết kế đơn giản so với những nhà thờ khác trong giáo phận.

Nhà thở Cổ Lễ – Nam Định
Đi mãi mà không cho khách tham quan được gì, bỗng anh tài ngoặc vào một nhà thờ trông thấy bên đường đi. Nhà thờ khá to, mầu xám. Chúng tôi xuống xe, ê ẩm cả người.
Nhà thờ đang được sửa chữa lại, tuy khá khang trang, mọi thứ đểu ngăn nắp, sạch sẽ. Vội vội vàng vàng, tôi chợt nhìn thấy một băng quảng cáo của một nhà băng trong vùng có địa chỉ thì mới biết mình đang ở đâu, đó là làng Cổ Lễ thuộc huyện Trực Ninh, gần quốc lộ 21A, là nơi tôi rẽ vào lúc nãy.
Ở làng này có chùa Cổ Lễ được dựng nên từ đời nhà Lý thờ quốc sư Nguyễn Minh Không cũng nổi tiếng vì là chùa nhưng mang dáng dấp của một thánh đường công giáo hòa hợp với kiến trúc cổ truyền.
Nắng đã lên cao chói chang trên đỉnh, chúng tôi được anh tài cho nghỉ ăn trưa trong một nhà hàng tiệc cưới, thuộc loại sang trong vùng, không có thực đơn, muốn ăn gì thì gọi món, nhà bếp làm tất. Tuy vậy mà lúc trả tiền tôi ngỡ ngàng vì rất rẻ, tôm, cá tươi, canh cua, cơm trắng đầy đủ, thịnh soạn, hai người ăn no và uống chưa đến 10 euros (250.000 đồng).

Nội thất nhà thờ Cổ Lễ
No bụng rồi chúng tôi lại lên xe chạy tiếp tục trên quốc lộ 21a thẳng đến nhà thờ Kiên Lao, cũng nằm cạnh quốc lộ 21a. Tôi biết đến tên Kiên Lao là một trong những nhà thờ đẹp nhất Nam Định. Tử quốc lộ rẽ vào, đường làng nhỏ hẹp hơn, lại càng không xứng đáng vởi ngôi thánh đường nguy nga to lớn đang hiện ra trước mắt tôi. Anh tài bảo tôi, trong vùng này cô cứ đi năm trăm thước là có một cái nhà thờ.
Nhà thờ to quá. Bên Pháp, mỗi làng đều có nhà thờ nhưng nhỏ bé, cũ kỹ với năm tháng. Kiên Lao nằm ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Hùng, tỉnh Nam Định, hiện nay giáo xứ có 9.215 tín hữu, gồm có 12 giáo họ, là đông nhất giáo phận Bùi Chu, được giáo sĩ truyền đạo Pierre Lambert de la Motte chọn làm tâm điểm truyền giáo năm 1670.
Tôi đã về thăm ngôi nhà thờ độc đáo Phát Diệm, nhà thờ Kẻ Sở nhưng về đây nhìn quanh tôi choáng ngợp bởi nhiều nhà thờ nhỏ hơn, nhưng không kém phần lộng lẫy nguy nga, đó là nhà thờ riêng của từng giáo họ, giáo họ nhỏ nhất chỉ có 93 tín hữu và giáo họ lớn nhất có 2.400 tín hữu.

Một ngôi nhà thờ họ ở Kiên Lao – Nam Định
Trong nhà thờ chính đang có nhiều người sửa soạn thánh lễ, chùng tôi xin vào chụp hình. Một người vui vẻ chỉ cho chúng tôi đường đi đến ngôi nhà thờ nguyên thủy của giáo sĩ Pierre Lambert de la Motte vào thế kỷ thứ 17, nếu không biết chúng tôi sẽ đi ngang qua mà không thấy. Quả thật, ngôi nhà thờ nguyên thủy được xây ụp lên trên bằng một cái nhà chắc chắn hơn để giữ gìn, nó chỉ nhỏ bằng một cái nhà ba gian thông thường ở miền Bắc, đang được các nữ tu dòng Mến Thánh Giá chăm sóc. Tình cờ, chúng tôi được một sơ mời nước, trời nắng quá, được uống ly nước chanh tươi mát rượi tỉnh cả người, rồi sơ còn cho chuối ngự và cả một bao đầy mảnh vụn bánh thánh lễ để chúng tôi ăn dọc đường sợ chúng tôi đói. Chồng tôi to mắt nhìn quả chuối ngự Nam Định, quả chuối to ú nú, thịt chuối trắng ngần rất thơm, chưa bao giờ ông ấy được ăn chuối ngon như thế.
Nhưng tôi sốt ruột muốn ra thăm nhà thờ đổ

Một ngôi nhà thờ họ ở Kiên Lao _ Nam Định
Hải Lý nên dục đi ngay khẻo trễ, khẻo màn đêm buông xuống rất nhanh. Nhà thờ Hải Lý bị đổ vỡ vì những đợt sóng biến đánh vào. Anh tài băng băng lái xe về hướng nhà thờ đổ Hải Lý. Nhà thờ kia rồi, từ xa đã trông thấy tháp chuông. Đến nơi. Tôi thất vọng quá.
Ngay sát bên cạnh nhà thờ Hải Lý mọc lên những hàng quán ăn uống, ồn ào náo nhiệt, tiếng nhạc phát ra ầm ĩ, lấn chiếm cả nền móng của nhà thờ, rác rưởi vất đầy. Sóng biển đánh vào ngay bên cạnh nhà thờ, nơi người ta đã xây bờ kè bằng bê tông để trấn giữ phần tàn rụi còn lại là thắng cảnh du lịch. Nhìn nước biển đỏ au, chồng tôi bảo vùng này biển mặn lắm. Tôi rời Hải Lý buồn rời rợi.
Trên đường về, chúng tôi còn cố gắng ghé thăm vương cung thánh đường Phú Nhai vài phút. Thánh đường Phú Nhai rất đẹp, được chăm sóc tỉ mỉ, sạch sẽ, chứng tỏ một đời sống đạo rất chăm chỉ của giáo dân giầu có, sung túc, và đời sống hai bên lương-giáo an bình, đơn giản, những ấn tượng mà chúng tôi có được trong một ngày cưỡi ngựa xem hoa ở Nam Định. MTT

Thánh đường Kiên Lao – Nam Định 2018

Nhà thờ đổ Hải Lý – Hải Hậu, Nam Định năm 2018, bao bọc bởi hàng quán ăn uống


Nước biển Nam Định đỏ au

Nhà thờ nguyên thủy của giáo sĩ truyền đạo Pierre Lambert de la Motte (1624-1679)

Nhả thờ cổ của thế kỷ 17 còn lại được lồng trong mái trùng tu (2018)

Vương cung thánh đường Phú Nhai – Nam Định 2018

Bên trong vương cung thánh đường Phú Nhai – Nam Định 2018
 http://mttuyet.fr/2018/08/17/nam-dinh-thanh-pho-nhung-nha-tho/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.