Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

19/06/2018

Tập họa bản vẽ đường đi sứ Trung Hoa của Nguyễn Huy Oánh vào danh sách kí ức của UNESCO

Tập họa bản độc đáo của sứ thần Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) có tên là Hoàng hoa sứ trình đồ. Tương truyền là cụ vẽ vào thập niên 1760 trên đường đi sử Trung Hoa thời Cảnh Hưng.

"Hoàng hoa sứ trình đồ là cuốn sách cổ của dòng họ Nguyễn Huy (ở xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Văn bản này được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn những năm 1765 - 1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông, có kích thước 30cm x 20cm, dày 2cm được in trên bản mộc giấy dó."


Tin từ các nơi.





---

05:16 30/05/2018


Các chuyên gia Việt Nam đã chính thức bảo vệ thành công hồ sơ Hoàng hoa sứ trình đồ, trước Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP).

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Ủy bản Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: vào 17h30 giờ Hàn Quốc (tức 15h 30 giờ Việt Nam) hôm nay 30/5, các chuyên gia Việt Nam đã chính thức bảo vệ thành công hồ sơ Hoàng hoa sứ trình đồ, trước Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP).
Như vậy, với việc được các chuyên gia trong Hội đồng của MOWCAP thông qua, Hoàng hoa sứ trình đồ của Việt Nam đã chính thức trở thành Di sản Tư liệu Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thuyết trình về hồ sơ. Ảnh: Thu Phương

Được biết, trong Hội nghị lần thứ 8 của MOWCAP (diễn ra tại Gwangju, Hàn Quốc), 8 quốc gia và 12 hồ sơ  đã được xét duyệt cho danh hiệu này, và Hoàng hoa sứ trình đồ của Việt Nam là 1 trong 10 hồ sơ thành công.

Hồ sơ của Việt Nam được các nước đánh giá cao là một hồ sơ hiếm, quý nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 18, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới và được thông qua với số phiếu 17/17 phiếu.

Hoàng hoa sứ trình đồ là cuốn sách cổ của dòng họ Nguyễn Huy (ở xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Văn bản này được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn những năm 1765 - 1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông, có kích thước 30cm x 20cm, dày 2cm được in trên bản mộc giấy dó.

Chú thích ảnh
Một trang trong  "Hoàng hoa sứ trình đồ"
Về nội dung, Hoàng hoa sứ trình đồ vẽ lại  bản đồ đi sứ từ mục Nam Quan đến Bắc Kinh của Thám hoa Nguyễn Huy, ngoài ra còn có các nội dung ghi chép về cảnh sông núi, hình thức đón tiếp, độ dài cung đường, danh lam thắng cảnh, khảo sát lại hành trình đi sứ...Theo đánh giá chung, đây là cuốn sách độc đáo hiếm gặp về hành trình đi sứ mà một dòng họ lưu giữ được.

Danh hiệu Di sản tư liệu thế giới (thuộc chương trình Ký ức thế giới) của UNESCO ra đời từ năm 1994, với mục đích ghi các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu, có giá trị độc đáo ở nhiều lĩnh vực. Di sản này có thể là các cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói ( lưu trong băng ghi âm), hay bút tích...

Chú thích ảnh
Một trang trong "Hoàng hoa sứ trình đồ"
Đặc biệt, danh hiệu này được chia thành 2 loại: Di sản Tư liệu Thế giới  thuộc chương trình Ký ức thế giới (được xét vào các năm lẻ) và Di sản Tư liệu Thế giới  thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ( được xét vào các năm chẵn).

Đến thời điểm này, Việt Nam đã có 3 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc chương trình Ký ức Thế giới, bao gồm Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long (năm 2011) và Châu bản triều Nguyễn (2017). 

4 di sản khác đươc công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (2012), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Mộc bản trường Phúc Giang (2016) và sách cổ Hoàng hoa sứ trình đồ (2018).
Hôm nay, Việt Nam bảo vệ hồ sơ 'Hoàng hoa sứ trình đồ' trước UNESCO

Hôm nay, Việt Nam bảo vệ hồ sơ 'Hoàng hoa sứ trình đồ' trước UNESCO

Thông tin từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: trong ngày hôm nay 30/5, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ chính thức bảo vệ hồ sơ "Hoàng hoa sứ trình đồ", trước Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP).
Cúc Đường

https://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/sach-co-hoang-hoa-su-trinh-do-cua-viet-nam-chinh-thuc-thanh-di-san-tu-lieu-the-gioi-n20180530155258020.htm




---



BỔ SUNG



“Hoàng Hoa sứ trình đồ” được đưa vào danh sách các di sản  tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á –  Thái Bình Dương của UNESCO

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” được đưa vào danh sách các di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO

Ngày 30/5/2018, Hội nghị toàn thể lần thứ 8 Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) họp tại Gwangju, Hàn Quốc, đã chính thức thông qua hồ sơ đưa “Hoàng hoa sứ trình đồ” vào danh sách di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị này đã xem xét 12 hồ sơ của nhiều quốc gia: Myanma, Trung Quốc, Philippin, Hàn Quốc, Australia, Việt Nam... “Hoàng hoa sứ trình đồ” được thông qua với số phiếu 17/17 phiếu.

“Hoàng hoa sứ trình đồ” (Hành trình đi sứ Trung Hoa)là cuốn sách mô tả về một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam, cụ thể là việc đi sứ của sứ bộ Đại Việt sang Trung Hoa, thể hiện việc giao lưu giữa nước ta với các quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dươngở thế kỷ thứ XVIII.

Phần chính của cuốn sách là các trình đồ (bản đồ hành trình) mô tả đầy đủ, chi tiết hành trình của các đoàn sứ bộ Đại Việt, do Đình  nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung các tư liệu liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do chính ông làm Chánh sứ. Điều này là sự thể hiện của truyền thống kế thừa tư liệu sứ trình giữa các sứ đoàn Đại Việt xưa.

Các trình đồ trong tập sách được vẽ bằng 3 màu, ghi chépvề: thời gian và địa điểm qua các nơi dừng nghỉ theo lộ trình thủy bộ; chiều đi và chiều về; ngày lưu trú và các hoạt động của đoàn sứ bộ; chiều dài của mỗi dịch trạm, chiều dài toàn bộ đường thủy bộ đi sứ; kiến trúc và thời gian xây các cửa cung của Yên Kinh; các ghi chép tỉ mỉ về địa hình sông núi, phong cảnh, con người và nghi lễ ngoại giao khi qua các địa phương của Trung Quốc và Việt Nam.

Tập sách được phiên âm và dịch bởi các nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm, từ bản chép tay duy nhất còn lại được lưu giữ tại tư gia họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu (nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh),lời giới thiệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh do TS. Nguyễn Tuấn Cường (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và GS.VS. Nguyễn Huy Mỹ (hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy) viết. Cuốn sách đượcNhà xuất bản Đại học Vinh tổ chức biên tập, xuất bảnvà nạp lưu chiểu quý 1 năm 2018. Đây thực sự là một tác phẩm quý hiếm và độc đáo, có giá trị nhiều mặt: địa lí, lịch sử, chính trị, ngoại giao, văn hoá, phong tục, nghệ thuật, kiến trúc, du lịch... xứng đáng để được giới thiệu đến đông đảo bạn đọc trong cả nước.


http://vanhoanghean.com.vn/tintuc/hoang-hoa-su-trinh-do-duoc-dua-vao-danh-sach-cac-di-san-tu-lieu-thuoc-chuong-trinh-ky-uc-the-gioi-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-cua-unesco

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.