Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

31/03/2018

Văn nghệ Thứ Bảy : Một bài thơ thương Tokyo, viết 60 năm trước, của Mạc Ly Châu

Bài thơ được xuất bản lần đầu năm 1958, đúng 60 năm trước, trên tạp chí Bách Khoa. Lúc đó, Bách Khoa mới chạy được một thời gian, chưa được tiếng tăm là mấy, khác với các thập niên kế tiếp.

Tôi giật mình khi phát hiện ra bài thơ. Hoặc là, gần đây mới ngạc nhiên về một bài thơ như vậy đã được viết ra từ 60 năm trước, ở Tokyo. Chứ những năm đọc Bách Khoa dưới tầng hầm thư viện của trường ngày xưa, thì có thể do khác mối quan tâm, nên tôi chưa thấy bài ấy của Mạc Ly Châu. Dưới tầng hầm thư viện trường tôi, Bách Khoa có trọn bộ. Lướt mắt qua rồi, nhưng chưa từng đọng lại.

Mà đó là thơ của Mạc Ly Châu gửi tặng Phan Lạc Tuyên.

Sau hơn nửa thế kỉ, đọc Mạc Ly Châu, mới thực sự nhận ra đó là một bài thơ hay viết về Tokyo. Mấy ai, người Việt mình, ở thời khắc ấy, nhìn thấy, cảm thấy một Tokyo đáng thương đến nhường ấy.

Bấy giờ, cụ Cường Để đã tạ thế được tới sáu bảy năm rồi. Mộ của Trần Đông Phong chắc đã được bà Ando qui tập về Tokyo. Đặng Văn Ngữ và Lương Định Của đã về giúp nước nhiều năm. Không rõ nhóm Trần Đức Thanh Phong còn ở kinh, hay đã đi đâu.

Toàn bài như sau:



"
Đêm Tokyo


Mến gửi Phan Lạc Tuyên


ĐÊM Tokyo mùa trăng chưa về
Màu sắc chen nhau tập trung đê mê
Chang chói, nghẹn ngào Đông Á
Ôi kinh kỳ, máu đỏ ngập tràn mộng tàn khuya.



Ngõ lạnh thoáng bóng kymono cổ kính
Lang thang hồn xưa vô định
Nghiêng má anh đào, rung môi cười
Từng dãy nhà cao chót vót
Từng đáy hầm sâu, sắt nghiến rạn tròng ngươi
Đường về Tachikawa heo hút
Hồ vây Hoàng Thành nhốt kín mây trời
Tchinzuku đàng điếm
Gái Gheisa lả lơi
Trà thất không còn thơm gió
U uất một Tokyo không trăng, lấp lánh hàng mi lệ nhỏ
Thương Tokyo kiếm bén ngàn xưa lay động hoàng hôn
Thương Tokyo còn mãi trầm hương nghi ngút


Lối mòn ngoại ô heo hút
Trùng dương nhàu nát tâm tư
Muôn đợi loạn triều thời đại
Vò xé, Tokyo đã chết tự bao giờ!


Gió bụi thời gian biến cải
Chỉ còn đây suối mắt huyền nhung giữa vũng đèn đêm quằn quại…


                                        Tokyo, 9-57

                                        MẠC LY CHÂU

"

Tháng 9 năm 1957.

Tác giả đi lang thang đâu đó ở khu Tachikawa. Ngược về 60 năm trước. Một Tokyo ngoại ô lầm lụi và quằn quại dưới con mắt của một anh bạn Việt Nam chắc chưa già nhưng cũng không còn quá trẻ tuổi.



Tháng 3 năm 2018
Giao Blog


---

"
BÁCH KHOA |  SỐ 28  [1-3-1958 |  90 trang]  giá: 10$

MỤC LỤC
Vương Hòa Đức |  Thị trường tổ hợp Âu châu |  1-9
Hoàng Minh Tuynh |  Chế độ dân chủ cổ điển: Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu [V] |  10-14
Tiểu Dân |  Hai vấn đề quan yếu của thế giới năm 1958 [II] |  15-19
Bách-Khoa |  Cần tin ở “đức” mình trước đã |  19
Quảng cáo |  20
Nguiễn Ngu Í |  Nguyễn Huệ (1752-1792) hay là giấc mộng chưa thành |  21-30
Nguyễn Văn Xung |  Một nhận định về văn học Việt Nam thế kỷ XIX: có nên truy phong là một “Đại thế kỷ”? |  31-33
Quảng cáo |  34
Phạm Hoàng Hộ |  Nguồn gốc loài người [III] |  35-41
Bách-Khoa |  Người thật “cương quyết” |  41
Vũ Quỳnh Bang |  Xuân ý (thơ) |  42
Phạm Đình Tân |  Gửi Thi sĩ Á-Nam Trần Tuấn Khải (thơ) |  43
Quảng cáo |  44
Vi Huyền Đắc (thuật) |  Cậu tôi |  45-53
Quảng cáo |  54
Mạc Ly Châu |  Đêm Tokyo (thơ) |  55
Quảng cáo |  56
Võ Phiến |  Về một xóm quê |  57-66
Bách-Khoa |  “Trung thứ” trong đạo của Khổng Tử |  66
Quảng cáo |  67
Yã-Hạc Nguyễn Văn Trung (dịch) |  Tiết Phụ Ngâm (thơ) \ Trương Tịch |  68-69
Quảng cáo |  70
Hư Chu (tỉnh dịch) |  Trung Hoa tình sử: Ngô Nữ |  71-73
Quảng cáo |  74-76
Vi Huyền Đắc (dịch) |  Khói lửa Kinh thành [X] (truyện dài) \ Lâm Ngữ Đường |  77-80
Quảng cáo |  81-90


http://sachxua.net/forum/bao-tap-chi-van-hoc-mien-nam-giai-doan-1954-1975/tap-chi-bach-khoa-(1957-1975)/120/
"


---

BỔ SUNG 1


Theo xác nhận của cụ Thế Phong - một người cùng thời của Mạc Ly Châu - thì tác giả Mạc Ly Châu chính là: Phạm Đức Lợi 1932 - 1974. Như vậy, khi viết bài Đêm Tokyo năm 1957 (đăng trên Bách Khoa năm 1958), Mạc Ly Châu khoảng 25 - 26 tuổi. 



---

BỔ SUNG 2



..

trăm việt trên vùng định mệnh: dẫn nhập

LTS:

Học giả Phạm Việt Châu thông thạo các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nhật, Trung-Hoa, và từng là Giáo Sư Anh Ngữ tại trường Sinh Ngữ Quân Đội (Cây Mai). Ông cũng từng là nhân viên nồng cốt trong ban Liên Hợp Quân Sự 4 bên, là trưởng phái đoàn đầu tiên của VNCH ra Hà Nội năm 1972 để thi hành hiệp định Paris. Sau khi ngày miền Nam VN lọt vào tay cộng sản, học giả Phạm Việt Châu đã tuẫn tiết ít hôm sau đó (xin đọc thêm phần tiểu sử ở đây).

Tập biên khảo Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh đã được ấn hành nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) trong khoảng thời gian 1969-1974. Trong lời bạt cho lần xuất bản tập biên khảo này tại Hoa Kỳ (1997), nhà văn Nguyễn Mộng Giác nhận xét về sự xuất hiện của loạt bài Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh như sau:

… Sau hiệp định ngưng chiến ký kết ở Paris, Hoa Kỳ giao lại cho chính quyền miền Nam vai trò chính yếu trong cuộc chiến tranh tự vệ, chuẩn bị rút lui “trong danh dự” khỏi một cuộc phiêu lưu làm phân hóa trầm trọng xã hội Hoa kỳ. Những người Việt Nam lạc quan thời bấy giờ thấy le lói một niềm hy vọng mới, hy vọng bằng chính sức mình duy trì và bảo vệ được một chính thể tự do, dân chủ thực sự, trong quan hệ mật thiết với các nước lân bang, và nhất là thoát ra ngoài ảnh hưởng của các cuộc tranh chấp quyền lực giữa các đại cường. Đó là cụm từ như “thân phận da vàng”, “nỗi buồn nhược tiểu”, “chiến tranh uỷ nhiệm” trở thành thời thượng trong các bài bình luận chính trị, trong các lời ca phản chiến. Bây giờ, chúng ta mới thấy niềm hy vọng ấy chỉ là ảo tưởng, khi miền Bắc không hề bỏ ý định thôn tính miền Nam dù Hoa kỳ có rút lui, dù phải đốt cháy cả Trường Sơn. Nhưng xin bạn đọc trở lui lại thời kỳ sôi động đầy hoang mang ấy, thời kỳ khắc khoải đi tìm đường của cả một thế hệ, bạn đọc mới thấy những lời viết của Phạm Việt Châu tác động mạnh mẽ như thế nào. Ông cho chúng tôi một căn cước mới, một niềm hãnh diện mới, một gia đình mới, và dĩ nhiên, một hướng đi mới.

Gần 40 năm sau khi loạt bài được đăng tải lần đầu, cùng với các tranh chấp biên giới và lãnh hải giữa Việt Nam và người láng giềng khổng lồ phương Bắc (và với cả các lân bang Trăm Việt), những điều chứa đựng trong Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh ngày càng minh bạch và đầy ý nghĩa.

Tạp chí Da Màu trân trọng giới thiệu tập biên khảo giá trị này cùng bạn đọc. Xin đón đọc các chương kế tiếp vào các ngày thứ ba, năm, bảy của tuần lễ.

TVTVDM

Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh
Dẫn Nhập

Cho đến khi người viết cầm bút viết những dòng này, năm 1968, học sinh Việt từ Nam chí Bắc vẫn còn phải đọc trong sách những dòng đầu địa lý về xứ sở mình: nước Việt Nam ở về phía Đông bán đảo Ấn-Hoa!

Cái bản chất lệ thuộc trong địa danh Ấn-Hoa đã hạ nhục tất cả các quốc gia độc lập trong khu vực, cũng như cái bản chất chư hầu trong quốc hiệu An-Nam đã làm cho người Việt chúng ta phải tủi hổ khi nghe người khác gọi mình và đã quyết liệt xóa bỏ bằng chính máu của mình.
Tại sao lại Ấn-Hoa, Ấn-Trung hay Ấn-độ Chi-na (Indochine)? Có phải vì trước đây người Tây phương khi nhìn về Đông phương đã không thấy gì hơn là hai quốc gia khổng lồ này? Một vùng gồm nhiều nước có vẻ hỗn tạp, không thể ghép vào Ấn vì chẳng phải là Ấn, không thể ghép vào Hoa vì cũng chẳng phải là Hoa, nhưng không đáng được mang một cái tên riêng, vậy âu đặt luôn là Ấn-Hoa cho dễ nhớ. Tây phương đã nghĩ vậy và đã làm vậy. Cũng với cung cách ấy, họ còn gọi khu vực chúng ta ở bằng những danh hiệu đầy tính chất lệ thuộc khác như Tiểu-Hoa (Little China) theo người Anh, như Ngoại-Ấn (L’Inde Extérieure) theo một số học giả Pháp.

Tuy nhiên, chậm lắm là sau Thế chiến II, người Tây phương cũng đã phải mở mắt rộng hơn để nhìn rõ hơn những gì đã xẩy ra khi cả thế giới nhược tiểu bừng bừng trổi dậy, nhất là ở vùng địa đầu tối quan yếu này. Với tiếng nói của một số dân nhiều hơn Liên Sô, nhiều hơn dân Hoa Kỳ và bằng toàn thể dân số Mỹ-la-tinh hợp lại[1] cùng trổi lên điệp khúc đòi tự do, giải phóng, đòi chỗ đứng riêng biệt trong tập thể nhân loại, thì tất nhiên âm vang của nó không thể không buộc người khác phải chú ý.

Sử gia D.G.E. Hall, giáo sư đại học ở Luân Đôn, đã lớn tiếng nhắc nhở người Tây phương không nên gọi vùng đất ở miền Đông Nam Châu Á này bằng bất cứ danh từ gì có liên quan đến hai chữ Trung Hoa và Ấn Độ. Vì gọi như vậy, chắc chắn sẽ bị người trong vùng phản đối và hơn nữa còn là cố ý phủ nhận sự cá biệt của khu vực này, tức phủ nhận một sự thực lịch sử. Vẫn theo ông, sự thực lịch sử đó là: dù có chịu ảnh hưởng rõ rệt của văn minh Hoa và Ấn, vùng đất này từ xưa đến nay vẫn có một nền văn hóa riêng biệt không thể chối cãi được. Nghệ thuật và kiến trúc ở Angkor, Pagan, Trung Java và các khu vực nguyên là nước Chiêm Thành cũ rõ ràng khác xa nghệ thuật và kiến trúc Ấn Độ. Ngay cả đến Việt Nam, nơi đã bị ngưòi Tàu cai trị từ năm 111 trước Công nguyên tới 939 sau Công nguyên, và dưới đời nhà Hán đã trở nên đối tượng cho một nỗ lực Hán hóa khốc liệt, vẫn phát triển một hướng đi riêng và vẫn bảo tồn được bản chất văn hóa cá biệt với những cỗi rễ tiếp nối từ thời tiền bị trị [2].

Đi xa hơn, học giả W.G. Solhiem, thuộc đại học Hawaii, đã vạch rõ ràng việc đặt cái tên Ấn Hoa cho vùng này phản ảnh kiến thức ấu trĩ của Tây phương về trào lưu du nhập văn hóa. Ông đã chứng minh ngược lại là chẳng những ánh sáng văn minh đầu tiên không phải từ Ấn và Hoa chiếu rọi vào miền Đông Nam mà chính là từ miền Đông Nam tỏa lên và tỏa sang Hoa và Ấn. Qua các cuộc khai quật có hệ thống trong vòng 10 năm nay (nhất là giai đoạn từ 1963 đến 1968 tại Non Nok Tha, Bắc Thái), nhóm chuyên viên thuộc hai trường đại học Otago (Tân-Tây-Lan) và Hawaii (Mỹ) đã chứng minh một cách khá chính xác rằng: về nông nghiệp, miền Đông Nam Châu Á đã trồng lúa (gạo) từ trên 3.000 năm trước Công nguyên, nghĩa là trước Ấn Độ và Trung Hoa ít ra là 1.000 năm; về kỹ thuật, miền Đông Nam Châu Á đã biết đúc đồng bằng khuôn đôi sa thạch từ 2.300 đến 3.000 năm trước C.N., nghĩa là trước Ấn Độ 500 năm và trước Trung Hoa 1.000 năm [3].

Vậy thì, hãy trả cái gì của César cho César. Vùng đất mà chúng ta đang nói tới cùng các quần đảo lớn nhỏ bao bên ngoài ở miền Đông Nam châu Á, chúng ta hãy gọi nó là Đông Nam Á, một cái tên đúng đắn nhất y cứ vào Châu và vị trí trong Châu, như người ta đã gọi Đông Âu, Bắc Âu, Nam Mỹ, Trung Mỹ, v.v…

Toàn thể Đông Nam Á gồm các nước Việt Nam, Lào, Kam-pu-chia, Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, Phi-líp-pin, Mã Lai Á và hai mẩu đất phân ly trong khu vực Mã Lai là Singapore và Brunei (thuộc Anh). Để chỉ rõ ràng hơn, người ta gọi bán đảo vào đại lục Á Âu trước có tên Ấn Hoa nay là Đông Nam Á Lục Địa (Southeast Asia Mainland), phần còn lại là Đông Nam Á Hải Đảo (Southeast Asia Islands) gồm chuỗi đảo chạy vòng cung từ eo biển Malacca tới Luzon nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.

Thực ra thì danh xưng Đông Nam Á đã xuất hiện từ năm 1943 trong cái tên của Bộ Tư Lệnh Liên Hợp Anh Mỹ (Anglo-American Southeast Asian Command) đặt tại Tích Lan. Đặt một bộ tư lệnh riêng cho một vủng trong thế chiến không thể là một chuyện ngẫu nhiên của Đồng Minh mà chắc chắn bắt nguồn từ một nhu cầu có tính cách chiến lược. Tầm quan trọng của toàn thể khu vực vày đã đặc biệt gây sự chú ý trước hết cho những người chỉ huy quân đội các phe lâm chiến, sau nữa tới các nhà lãnh đạo của các đế quốc. Đó lả điều bất hạnh nhất cho nhân dân Đông Nam Á mà chứng cớ đã rành rành trước mắt chúng ta ngày nay, khi Đông Nam Á trở nên vùng tranh chấp hàng đầu của hai đế quốc Cộng Sản và Tư Bản.

Trở ngược lại trước Thế chiến 2, chúng ta thấy nhân dân các nước trong vùng đều chịu chung một số phận bị Tây phương thống trị. Trừ Thái Lan, dù chưa chính thức bị trị, nhưng cũng đã kinh qua nhiều phen tủi nhục vì sự chèn ép của Tây phương. Trong trạng huống ấy, đế quốc Tây phương đã trở thành kẻ thù số một trước mắt nhân dân Đông Nam Á. Và dĩ nhiên, họ đã vùng lên chống lại.

Suốt thế kỷ qua, nhân dân Đông Nam Á đã viết những trang sử đấu tranh thật anh dũng. Tuy nhiên, trong cuộc đổi đời vĩ đại và khá đột ngột (từ một xã hội sống thụ động trong nền nếp được áp định sang một xã hội luôn luôn xáo động với các ý thức, tư trào mới), họ đã không kịp sửa soạn để tự định đoạt lấy số phận bằng chính huớng đi của mình. Nhóm này đã lao theo chiêu bài Đại Đông Á của Nhật và đã vỡ mộng khi thấy Nhật chẳng qua cũng chỉ mưu đồ thay thế Tây phương trong vai trò thống trị. Nhóm khác đã khoác vội lấy bộ áo xã hội đỏ vì tưởng đó là lá bùa chống thực dân hữu hiệu nhất. Nhưng khoác vào thì dễ, cởi ra thì khó! Như con thiêu thân đã chịu đèn, họ vẫn tiếp tục lao vào lửa và vô tình đã trở thành tay sai của một trong những đế quốc gian manh nhất thế kỷ: Đế Quốc Cộng Sản. Một số người khác, có thể là những nhóm ôn hòa hơn, hoặc đôi khi đã được kẻ thống trị tự trao trả độc lập (trong một cái thế  không thể đừng.) Nhận mà không tốn công nhiều, họ trở thành những đứa con phung phí, chỉ biết dựa vào nước mẹ đỡ đầu cho tới khi chợt thấy mình không còn đứng nổi một mình nữa thì đã quá muộn. Nghĩa là đã đem dân tộc họ trở lại tình trạng bị trị, dĩ nhiên dưới một hình thức khác xảo quyệt hơn, của đế quốc Tư Bản.

Cái thảm kịch chung của thế giới nhược tiểu là ở đó, nhưng cái thảm kịch của riêng Đông Nam Á lại còn khốc liệt gấp bội do nơi vị trí định mệnh của toàn vùng.

Nói đến vị trí định mệnh, trước hết chúng tôi nghĩ đến hình ảnh cái lò pha trộn các món văn hoá, sản phẩm tư tưởng từ mọi ngã và mọi thời kỳ của lịch sử loài người. Trong quá trình phát triển, Đông Nam Á đã có những sắc thái sinh hoạt riêng biệt, đồng thời cũng tiếp nhận hai nền văn minh Hoa, Ấn cùng tất cả các hình thái, tín ngưỡng thuộc các tôn giáo lớn của nhân loại. Sang kỷ nguyên mới, thế giới mở rộng, Đông Nam Á lại tiếp nhận một cách cởi mở nền văn hóa Âu Tây. Một sự điều hợp kỳ lại giữa cái mới và cái cũ, giữa bảo thủ và tiến bộ, giữa tĩnh và động, có lẽ không ở đâu bộc lộ rõ rệt cho bằng xã hội vùng này. Trạng thái đặc biệt ấy không phải chỉ là một sự pha trộn Đông Tây kiểu Nhật Bản qua ly rượu champagne bên đĩa cá sống sashimi cổ truyền, mà hơn thế nữa, còn là sự phơi bày diễn trình văn minh nhân loại như có người đã hình dung "văn-hóa thời đại đồ đá cộng sinh cùng các phòng thí nghiệm năng lực nguyên tử" (stone age cultures coexisting with atomic energy laboratories). [4]

Chuyển sang giai đoạn đấu tranh ý thức hệ, Đông Nam Á một lần nữa lại là mảnh đất thử lửa của các lực lượng đối kháng trên mặt đất. Dầu muốn dầu không, như định mệnh đã an bài, Đông Nam Á cũng đã bị nhuộm xanh nhuộm đỏ lỗ chỗ khắp nơi. Và hơn bất cứ nhóm dân nào trên thế giới, người dân Đông Nam Á đã kinh qua những thử thách mới từ chiếc bánh bằng bột-lọc-trộn-thủy-tinh ngoài phủ kem hồng của Mạc Tư Khoa đến những đồng đô la tuy thơm mùi giấy nhưng bên trong đã được tẩm sẵn vi trùng đồi bại ở bên kia Thái Bình Dương. Những kinh nghiệm bằng máu và nước mắt ấy đang chói lên từ nội tâm những kẻ có ý thức và sẽ là ánh lửa làm phản tỉnh những phần tử còn mê lòa trong ảo vọng nương nhờ ngoại viện. Tuy nhiên, cho đến khi giác ngộ đủ triệt để ngõ hầu chuyển hoá thời cơ, nhân dân Đông Nam Á nhất là nhân dân Việt, vẫn còn tiếp tục phải hứng chịu những đòn thù từ đôi bên quật xuống.

Thành ra cái tính chất khai phóng trong việc tiếp nhận các tư trào mới nếu đã làm cho Đông Nam Á trở thành nơi đúc kết tinh hoa của tư tưởng loài người, thì trên thực tế cũng đã là mối họa triền miên có tính cách lịch sử, lúc âm ỉ, khi bộc phát, luôn luôn treo trên đầu nhân dân Đông Nam Á: đó là nhu cầu bành trướng quyết liệt của Trung Hoa về phương Nam. Nhu cầu ấy từ lâu đã trở thành quốc sách và dù cho Trung Hoa có ở trong chế độ quân chủ, dân chủ, tư bản hay độc tài cộng sản, mưu đồ Nam tiến vẫn được tiếp tục duy trì, tuy chiến lược có thể thay đổi, mỗi thời một khác.

Bàn tiếp đến cái mà chúng tôi gọi là vị trí định mệnh, nếu đứng trên bình diện nhân văn, chúng tôi đã nghĩ đến hình ảnh cái lò pha trộn các món văn hoá, thì đứng trên bình diện nhân chủng, chúng tôi lại thấy hình ảnh cái hồ lớn nằm kề lục địa Đông Á để hứng lấy và bao bọc tất cả những bầy cá bị săn đuổi từ các dòng suối dòng sông tản lạc về: chúng tôi muốn nói tới các bộ tộc Bách Việt qua nhiều đợt nam thiên dưới áp lực của Hán tộc.

Ngày nay, xét về xã hội Người tại Đông Nam Á, những nhà nghiên cứu nhân chủng không khỏi ngạc nhiên khi thấy một khu vực có vẻ hỗn tạp nhất nếu nhìn thoáng qua bên ngoài, lại cũng là nơi tương đối rất thuần nhất nếu đào sâu bới rễ bên trong. Thật vậy, trừ những sắc dân cổ còn lại rất ít và khối người Trung Hoa mới hình thành gần đây, tất cà thành phần dân số chính cấu tạo nên tập thể Đông Nam Á ngày nay đều bắt nguồn từ chủng-tộc Bách Việt, mà các nhà nhân chủng học Tây-phương khi phân loại thường gọi là Indonesian hay Malay [5].

Milton W. Meyer, giáo sư sử học ở California, đã xác nhận "Khởi đầu từ năm 2.500 trước CN, từ phương Bắc, các giống người Malay đã mang theo văn hóa tiểu Mã xuống vùng này. Họ là tổ tiên của những dân tộc Phi-luật-tân, Indonesia, Mã Lai, Việt Nam, Thái Lan và Miến Điện. Những cuộc di cư của họ đã xảy ra trong nhiều thế kỷ. Đất gốc của họ là lãnh thổ Trung Hoa ngày nay và họ đã tạo nên những đợt nam thiên triền miên tiếp diễn xuống khắp vùng Đông Nam Á” [6].

Với hình ảnh cái hồ, chúng tôi cũng nghĩ tới đoạn đường chót của cuộc hành trình lịch sử. Thật vậy, chúng ta không còn đường nào, nơi nào để mà thiên di xa hơn nữa. Cửa ngõ thế giới đã khép lại trong khi áp lực từ phương Bắc, dưới hình thức này hay hình thức khác vẫn tiếp tục đè nặng xuống. Chúng tôi cũng không thể nghĩ khác hơn là ý nghĩ của những người Thái-anh-em ở bên kia bờ sông Cửu về cùng một mối lo chung của nhân dân Trăm Việt trên vùng định mệnh này. Ý nghĩ ấy đã được cựu ngoại trưởng Thái Thatnat Khoman phát biểu "Không còn chỗ nào cho chúng tôi lùi (thêm) được nữa! Do đó, với chúng tôi, nơi đây là kháng điểm đầu tiên và cũng sẽ là kháng điểm cuối cùng." [7]

Là kháng điểm cuối cùng, thật thế! Cái ý nghĩ bi tráng ấy phải được cảm chiêu sâu sắc để từ đó khơi dậy ý thức đề kháng tự nhiên, chẳng riêng với Trung Hoa mà còn với tất cả các cường lực khác.
Từ lâu, miền đất rộng lớn bao la ở cực nam đã bị người Âu nhanh chân đoạt được và chuyển hình từ thuộc địa thành các tân quốc gia của riêng giống da trắng. Ngay bây giờ, ngọn cờ của các đế quốc thực dân Tây Âu cũ vẫn còn bay phất phới bên trong và sát cạnh Đông Nam Á, như Bồ ở Timor, Pháp ở Tân Calidonie, Anh ở Brunei, ở Solomon, ở Gilbert, Ellice, vv… “Lãnh thổ” của Mỹ cũng vốn nằm kề Đông Nam Á với các quần đảo Caroline và Mariana (thủ phủ: Guam); ấy là chưa nói đến các căn cứ quân sự còn đầy dẫy ngay trong vùng. Cùng góp phần chia sẻ ảnh hưởng, người ta còn thấy Nga, với những tấn công ngoại giao mới, với hải lực ngày càng tăng cường hùng hậu ở ngay vịnh Bengal gần kề; và Nhật với cuộc xâm lăng kinh tế đã và vẫn còn đang được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hơn cả vẫn là những mầm ảnh hưởng xấu mà đế quốc đã gieo được trong lòng các dân tộc Đông Nam Á. Chính những mầm này đã nẩy nở thành tầng lớp tay sai của các đế quốc và đã đưa đến sự phân hóa giữa các dân tộc và trong nội bộ mỗi dân tộc trong vùng. Sự phân hóa ấy đã làm suy yếu toàn thể khu vực và đã là chướng ngại quan trọng nhất cho mọi nỗ lực kết khối để sống còn và tiến bộ.

Nhìn thẳng vào quá trình hình thành và tiếp nối để sắp đặt đường đi nước bước cho mai sau, nhìn thẳng vào những vấn đề gai góc nhất để tìm giải pháp xác đáng, nhìn thẳng vào mặt những đế quốc hiện đại đang xâu xé vùng đất này để cùng quyết tâm đối phó, nhìn thẳng vào những vết rạn phân cách các dân tộc anh em để cùng đưa tay bắc môt nhịp cầu kết hợp, đó là công việc mà thế hệ hôm nay yêu dân tộc, yêu quê hương, yêu vùng đất đã nuôi dưỡng mình nên làm và phải làm. Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh mong được là một đóng góp nhỏ bé trong muôn một.

[Còn tiếp]

Ghi chú:

[1] Tính tới 1971, toàn thể Đông Nam Á gồm 285 triệu dân.

[2] D.G.E. Hall, A History of Southeast Asia, MacMillan (London, 1964, trang 4.)

[3] National Geographic Magazine, số tháng 3 năm 1971.

[4] Milton W. Meyer, Southeast Asia Đ A Brief History, Littlefield: Adam and Co. , 1965.

[5] Chúng tôi tạm dùng nguyên tiếng Anh Indonesian và Malay chỉ chủng tộc để phân biệt với người Indonesia và người Mã Lai Á khi cần chỉ dân mang quốc tịch các xứ này.

[6] Như chú thích (4).

[7] Reader’s Digest số 533, bộ 89, tháng 9 năm 1966.

5 bình luận

  • vũ thảo says:

    Lần đầu tiên đọc Trăm dân Việt trên vùng định mệnh, tôi thấy choáng vì những kiến thức sâu sắc của học giả Phạm Việt Châu về khu vực Đông Nam Á của mình, một khu vực gần như bị quên lãng sau dệ nhị thế chiến, và chỉ được thế giới lưu tâm tới cách đây trên dưới 30 năm, khi cuộc chiến ở Việt Nam dang diễn ra gay gắt, và nhất là khi trong khu vực xuất hiện một số nền kinh tế mới nổi như Xinhgapo, Thailan…Quyển sách của Phạm Việt Châu là một trong những quyển sách viết về lịch sử Đông Nam Á hay nhất từ trước đến nay. Cám ơn tác giả.

  • QN Mai says:

    Dân Do Thái có kinh cựu ước (Tanakh) – bộ kinh được tập thể các nhà hiền triết Do Thái biên soạn, làm nguồn cội cho gần 1/2 dân số thế giới. Người Việt Nam chúng ta có nguồn cội Con Rồng – Cháu Tiên, song trong phần lớn dân chúng thì cội nguồn này chỉ dừng lại ở khái niệm, chưa phải là máu thịt là tinh thần của dân tộc Việt Nam. Cần lắm một bộ “kinh” Lạc Hồng cho dân tộc Việt, để có một nơi an gửi tâm hồn!
    Lang thang từ http://lambamblog.wordpress.com qua đến đây, thật ngỡ ngàng và ngưỡng mộ kho sử liệu của tác giả!

  • Lạc Thủy says:

    Lần đầu tiên tôi mới được nghe đến tên Phạm Việt Châu,nhưng đọc những những đoạn trích trong damau tôi thực sự xúc động. Xúc động vì những nghiên cứu tâm huyết của tác giả Phạm Việt Châu về nguồn gốc của dân tộc Việt. Xúc động vì số phận của tác giả. Trong hàng ngũ VNCH cũng có nhiều người yêu nước chân chính. Cám ơn gia đình tác giả đã giữ lại một tác phẩm giá trị

  • Nhất Diệp says:

    Dẫn nhập ở chương đầu, đã thể hiện sự minh triết rất bác học của Tác gia. Gần 40 năm sau, được đọc (lại), “lần đầu”, với chương “Dẫn nhập” vài trang, đã thể hiện cung cách “Người” rất NGƯỜI của Tác gia. Tôi sinh sau, đẻ muộn, dù cũng đã đọc rất nhiều sách trước 75, nhưng với tên tuổi Phạm Việt Châu, hẳn nhiên chưa nghe tới! Và tôi cũng không ngạc nhiên khi được biết, ông tuẫn tiết ngày 5/5/1975!

    Đó là tinh thần Bách Việt tính!

    Cám ơn gia đình các Anh, Chị (con cháu) của Ông, Da Màu và Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, đã đi lại, nhắc lại những di sản hiếm quí mà thế hệ trẻ như tôi, hay những thế hệ sau đó nữa, được biết (chúng ta có những Tác giả đã khai mở tri thức như Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác đã “TỰA” khi cuốn sách được tái bản).

    Hy vọng, những chương về sau, sẽ mở ra những ý tưởng vượt thời gian đã và đang xẩy ra như một lời Thánh tích.

    Nhất Diệp.

https://damau.org/6667/tram-viet-tren-vung-dinh-menh-dan-nhap
..

..


pvc

Tên thật là Phạm Đức Lợi. Sinh năm 1932 tại làng Hiếu Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, miền Bắc VN.

Di cư vào Nam sau hiệp định Genève. Năm 1954, động viên vào khóa 5 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Thông thạo các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nhật, Trung-Hoa và từng là Giáo Sư Anh Ngữ tại trường Sinh Ngữ Quân Đội (Cây Mai). Đã đóng góp rất nhiều trong việc soạn thảo tập tài liệu song ngữ Giải Đoán Không Ảnh và đã được tưởng thưởng Lục Quân Bội Tinh của Hoa Kỳ trong những công tác ấy. Từng là nhân viên nòng cốt trong ban Liên Hợp Quân Sự 4 bên và là trưởng phái đoàn VNCH đầu tiên ra Hà Nội năm 1972 để thi hành hiệp định Paris. Chức vụ cuối cùng trong QLVNCH là Trung Tá Trưởng Ban Nghiên Cứu Chiến Lược - Khối Tình Báo – Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu.

Các bút hiệu đã dùng: Mạc Ly-Châu, Phạm Chi-Lăng, Phạm Việt-Châu.

Các tác phẩm văn chương đã xuất bản: Tự Do (thơ), Loạn và Máu (kịch), Giông Tố Đêm Giao Thừa (kịch), Lộng Gió (tiểu thuyết), Diễm (tiểu thuyết), Nắng Tắt Trên Làng Mai (tiểu thuyết). Các tác phẩm biên khảo viết chung cùng một số tác giả khác: Tìm Hiểu Thơ Tự Do (tập I, II và III), Tìm Hiểu Thi Ca Miền Núi.

Các tác phẩm chưa xuất bản: Dạ Lan Hương (thơ), Quân Lực Cộng Sản VN (biên khảo hợp soạn cùng Ban Nghiên Cứu Chiến Lược Bộ TTM, 1975).

Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh đã đăng trên tạp chí Bách Khoa từ 1969-1974.

Đã từng cộng tác với các báo: Bách Khoa, Phụng Sự, Quân Đội, và nhật báo Chính Luận.

Sau khi CSBV chiếm miền Nam VN, tác giả đã tuẫn tiết tại tư gia ngày 5-5-1975.


https://damau.org/author/phamvietchau
..

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 18 – thay kết luận: nghĩ về hình ảnh kết hợp ngày mai

18.07.2009

Đã đến lúc các nước Đông Nam Á phải duyệt xét lại mình và phải nhận chân rằng: có triệt tiêu được những ý hướng dựa vào đế quốc mới thực sự xây dựng được một thế đứng tự lập. Tự lập chứ không phải cô lập, vì cô lập thì dễ bị đế quốc khuynh loát.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 17 – hình thức kết khối hiện đại

17.07.2009

Trải qua bao nhiêu dự phóng, dàn xếp, vận động, việc kết khối Đông Nam Á cho tới nay có thể nói là vẫn chưa đạt được nền móng cụ thể nào, mặc dầu ý chí kết khối vẫn ngày càng được vun bồi mạnh mẽ hơn. Lý do chính yếu là vì nhiều quốc gia trong khu vực vẫn chưa tự gạt bỏ được liên hệ với các đế quốc bên ngoài. Ngoài ra còn có những suý đồ khuynh đảo riêng tư, những ganh ghét, e ngại lâu ngày đến nỗi đã trở thành tập quán

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 16 – ý thức maphilindo

16.07.2009

Người Malay vùng Đông Nam Á hải đảo là một trong những nhóm dân Bách Việt đã từ Hoa Lục thiên di xuống Đông Nam Á sớm nhất (Malay đợt 1 và Malay đợt 2). Qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi của lịch sử, những cái tên như Srivijaya, Majapahit vẫn luôn luôn là âm hưởng của một dĩ vãng vàng son ám ảnh tâm hồn người Malay và nung nấu một ý chí kết hợp bất diệt.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 15 – áp lực truyền kiếp: người hán

15.07.2009

Những tiếng nói “nhân danh bảy trăm triệu nhân dân Trung Hoa” của Mao Trạch Đông cất lên đầy thách đố với thế giới, chắc chắn không phải phát xuất từ ý thức đấu tranh cho vô sản, vì trong số 700 triệu ấy còn không biết bao nhiêu “kẻ thù” của giai cấp này. Thực tế, người ta chỉ có thể nhìn thấy khía cạnh vị tộc trong giọng điệu kiêu căng phô trương sức mạnh nhân số ấy.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 14 – tư bản mỹ

11.07.2009

Từ khi cộng sản Trung Hoa toàn thắng ở Hoa Lục (1949), Mỹ càng ráo riết lo liệu việc nghênh địch ở Đông Nam Á, dù chỉ là nghênh địch một cách gián tiếp. Ngày 7 tháng 2 năm 1950, Mỹ tuyên bố công nhận chính phủ Bảo Đại và từ đó Bảo Đại đã trở nên cái bình phong để Mỹ có thể mượn danh nghĩa mà đổ chiến cụ cho lực lượng thực dân.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 13 – cộng sản có mặt

9.07.2009

Về phương thức đấu tranh, CS Đông Nam Á đã đi theo đường lối vũ trang khởi nghĩa để từ đó mưu tính tạo ra những cuộc chiến tranh cách mạng, hầu đánh quỵ hẳn lực lượng cầm quyền. Đường lối này có vẻ ngả theo phương thức tiến hành của CS Trung Quốc và khác hẳn phương thức mà các đảng CS Á Châu khác đã và đang theo đuổi .

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 12 – việt nam: vài tiêu mốc nhận định về cuộc chiến 60-73

7.07.2009

Hai hình thái thông thường nhất là chiến tranh uỷ nhiệm và chiến tranh cục bộ. Trong chiến tranh uỷ nhiệm, đế quốc giữ phần chỉ đạo và tiếp trợ bên ngoài, còn phần vụ lâm chiến do quốc gia nhược tiểu tay em đảm nhận. Trong chiến tranh cục bộ, đế quốc tham chiến trực tiếp nhưng chỉ đưa ra những sức mạnh giới hạn, cụ thể là giới hạn trong loại vũ khí thường, mặc dù đế quốc có sẵn vũ khí hạch tâm.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 11 – xứ lào: chiến tranh qua ba hiệp định hoà bình

4.07.2009

Chiến tranh tự nó vốn đã phức tạp, nhưng chiến tranh ở Lào mới quả là phức tạp ghê gớm. Thật khó mà có một danh từ nào để gọi cho đúng nghĩa cuộc chiến ở đó. Một dân tộc hiếu hoà vô địch như dân tộc Lào, thế mà cứ bị đẩy vào vòng khói lửa! Một vùng đất túi kẹt không có một tác dụng chiến lược đáng kể nào thế mà lại bị đủ mọi thứ cường lực nhào vào xâu xé!

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 10 – kam-pu-chia: một thế trung lập chông chênh

2.07.2009

… Và, với người Khmer dưới thời Sihanouk, họ cũng cho rằng chính sách tuyệt diệu hơn cả là ở giữa, mặc cho các cường lực bên ngoài tranh giành, chống đối nhau. Họ tự phụ ngầm với cái khôn ngoan của Apsara Tilottama mà học tự cho là đã nắm chắc được; nhưng bề ngoài, biện bạch một cách khiêm tốn hơn, Sihanouk nói với mọi người “Khi hai con voi đang xung đột thì con kiến chỉ biết đứng ngoài mà ngó chứ còn làm gì hơn được!”

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 9 – miến điện trước ba trận tuyến

30.06.2009

Về lãnh thổ, các dân tộc thiểu số ở Miến choán một nửa diện tích đất đai (rải ra ở Nam và Đông Nam), nhưng về dân số chỉ chiếm 20%. Người Karen đông đảo nhất gồm khoảng ba triệu, còn những nhóm khác ít hơn như Shan (Thái) 1,5 triệu, Chin và Kachin một triệu.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 8 – phi-líp-pin: xã hội sa lầy

27.06.2009

Tuy nhiên, mọi nhận định về Phi một cách hời hợt hay có thành kiến đều là bất công và thiên lệch. Vì tình trạng thực của Phi-Líp-Pin không thể tìm thấy ở những chính trị gia chuyên nghiệp thạo nghề thao túng chế độ Cộng hòa vay mượn, ở thành phần ca xích mạnh tay bóc lột hay ở những cán bộ Mác xít đang mơ tưởng thiên đường Cộng sản.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 7 – mã lai: trường hợp một phòng tuyến vỡ

25.06.2009

Một hải đảo Singapore giàu có chưa được coi là đủ! Nắm trọn chủ quyền kinh tế tại liên bang Mã Lai cũng chưa được coi là đủ! Người Tàu vẫn còn đang nỗ lực vận động đoạt nốt quyền chính trị tại liên bang này một cách “hợp pháp”, nghĩa là bằng lá phiếu công dân.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 6 – indonesia: kinh nghiệm liên hiệp quốc cộng

23.06.2009

… Nhưng ngay từ trong cái thắng để thống nhất ấy lại nẩy mầm chia rẽ, chia rẽ giữa Java (đảo trung tâm) và ngoại đảo, giữa chính trị và quân sự, giữa giá trị cũ và giá trị mới, giữa khuynh hướng tự do và khuynh hướng độc tài; sau hết và trầm trọng hơn hết: giữa cộng sản và không cộng sản.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 5 – xứ thái: tự thích ứng để sinh tồn

20.06.2009

Thái là một quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đã thoát khỏi thời kỳ bị Tây phương thống trị. Điều may mắn ấy một phần nhờ ở vị trí trái độn giữa hai lực lượng thực dân Anh ở phía tây và nam, và Pháp ở phía đông, một phần nhờ ở phương lược ngoại giao khôn ngoan và óc canh tân của các triều vua từ Rama IV (1851) về sau.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 4 – từ bị trị tới độc lập

18.06.2009

Tây Ban Nha rồi Mỹ tại Phi-líp-pin, Hòa Lan tại Indonesia, Anh tại Mã Lai và Miến Điện, Pháp tại Việt Nam, Kampuchea và Lào, năm đại diện thực dân Tây phương đã thống trị và tạo nên một khoảng thời gian vô cùng đen tối trong lịch sử toàn vùng Đông Nam Á…

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 3 – hàng hàng tiếp nối

16.06.2009

… Ngoài nỗ lực khôi phục tổ quốc vào thế kỷ 10 của tộc Việt, điều xác quyết cũng còn được thể hiện qua công cuộc tạo dựng Kampuchea của tộc Khmer, Ayuthia rồi Xiêm, Lan Xang rồi Lào của tộc Thái, Miến Điện của tộc Miến và Pyu, Sravijaya, Singhasari, Majapahit… của tộc Malay vùng Hải đảo.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 2 – hạt giống nẩy mầm

13.06.2009

Nếu chỉ bằng vào truyền thuyết thì chúng ta sẽ gặp ngay một trận hoả mù về thời gian với 20 vị vua họ Hồng Bàng nối tiếp nhau chia sẻ một chuỗi dài 26 thế kỷ, và với cái gốc tích cũng mù mờ không kém thời gian. Truyền thuyết Hồng Bàng không giúp được chúng ta một cách thiết thực trong việc xác định thời kỳ lập quốc.

trăm việt trên vùng định mệnh: chương 1 – dấu chân bách việt

11.06.2009

Phải đi đường con don, con dím,
Đường con trâu, con bò lẩn trong rừng.
Ai có bò bện thừng mà buộc;
Ai có trâu làm xẻo mà lôi;
Ai có con đeo địu, mang nôi.
. . .

(hành ca trên đường nam thiên của bộ tộc Thái)

trăm việt trên vùng định mệnh: dẫn nhập

9.06.2009

…điều đáng quan ngại hơn cả vẫn là những mầm ảnh hưởng xấu mà đế quốc đã gieo được trong lòng các dân tộc Đông Nam Á. Chính những mầm này đã nẩy nở thành tầng lớp tay sai của các đế quốc và đã đưa đến sự phân hóa giữa các dân tộc và trong nội bộ mỗi dân tộc trong vùng. Sự phân hóa ấy đã làm suy yếu toàn thể khu vực và đã là chướng ngại quan trọng nhất cho mọi nỗ lực kết khối để sống còn và tiến bộ.


..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.