Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

06/04/2018

Người chữa khỏi bệnh cho vua Càn Long ngay cả khi đã mất : thần y Hoàng Đôn Hòa ở thời Mạc

Nhân vật Hoàng Đôn Hòa được xem là sống vào thời Mạc - Lê Trịnh giao tranh. Tức khoảng các thập niên 1550-1590. Thời kì đó, nhà Mạc là chính triều (vương triều chính thức của Đại Việt), còn Lê Trịnh thì là lực lượng nổi dậy ở địa phương.

Trong định niên đại của cá nhân tôi, tức sử quan của Giao Blog, thì Hoàng Đôn Hòa được xếp vào phạm trù vương triều Mạc thời kì Thăng Long - Dương Kinh (có gắn một chút với cả thời kì Cao Bằng).

Hoàng Đôn Hòa được xem là người kế tiếp sự nghiệp Nam dược của Tuệ Tĩnh. Bởi vây, Tuệ Tĩnh không thể là người sau thời Mạc được. Cũng có nghĩa: Tuệ Tĩnh phải là người trước Mạc (trước thế kỉ 16), và không thể là người thời Lê Trung Hưng (người thế kỉ 17-18) như quan điểm của nhóm Đỗ Tất Lợi - Hà Văn Tấn được. Tư liệu thực sự chứng minh được điều này. 

Ngày nay, danh y Hoàng Đôn Hòa được thờ phụng tại làng Đa Sỹ (Hà Nội).

Một người hậu sinh của Hoàng Đôn Hòa đã sử dụng sách thuốc của ông mà chữa khỏi bệnh cho vua Càn Long của Trung Quốc. Bởi vậy, người ta bảo rằng, Hoàng Đôn Hòa đã chữa khỏi được bệnh cho Càn Long ngay cả khi ông đã mất. Tương truyền vậy.

Một ít tư liệu.




---

TƯ LIỆU




1.

Thứ ba, 20 Tháng 9 2011 08:22



Hoàng Đôn Hoà một lương y nổi tiếng với những bài thuốc Nam dễ kiếm, rẻ tiền mà lại chữa được nhiều bệnh nan y. Ông sinh ra và lớn lên tại thôn Đa Sĩ, Hà Đông. Tại đình làng Đa Sĩ còn thờ bộ vương phục và đôi hài bằng đồng do vua Càn Long cúng tế.

Hoàng Đôn Hoà một lương y nổi tiếng với những bài thuốc Nam dễ kiếm, rẻ tiền mà lại chữa được nhiều bệnh nan y. Ông sinh ra và lớn lên tại thôn Đa Sĩ, Hà Đông. Tại đình làng Đa Sĩ còn thờ bộ vương phục và đôi hài bằng đồng do vua Càn Long cúng tế.

Theo truyền thuyết, khi vua Càn Long bị mắc chứng bệnh nan y, thầy thuốc giỏi khắp Trung Hoa được mời vào cung để chữa bệnh cho vua đều phải bó tay. Một pháp sư xem thiên văn thấy nước Nam có thầy thuốc giỏi bèn sai người sang tìm và biết đến danh y Hoàng Đôn Hoà, song Ông đã mất từ lâu. Một học trò nổi tiếng, người thừa kế suất sắc những bí quyết trong tác phẩm “Hoạt nhân toát yếu” của Hoàng Đôn Hoà là lương y Trịnh Đôn Phác.

Lương y này đã chữa khỏi bệnh cho vua Càn Long và công chúa trước sự tâm phục, thần phục của cả vương triều nhà Thanh. Trịnh Đôn Phác được giữ lại Trung Quốc, song ông đã về nước cùng với lễ vật cúng tạ ơn của vua Càn Long tới thần y Hoàng Đôn Hoà. Tác giả Nguyễn Lê Chương Hoá (Báo An ninh Thế giới số 17, tháng 1/ 2003) trong bài “Danh y nước Việt và nỗi sợ hãi của vua Càn Long” đã viết : “Vào năm Nguyên Hoà thứ nhất (1533) thời Dụ Hoàng đế Lê Trang Tông, bệnh dịch lan tràn khắp nơi. Nhiều người bị bệnh mọc những đốm đỏ kỳ quái ở bắp chân, toàn thân đau nhức cho tới chết. Những thầy lang thời bấy giờ không thể đoán được bệnh gì. Gia súc cũng chết hàng loạt” và người có thể đẩy lùi bệnh dịch, cứu sống bệnh nhân bằng chính những lá cỏ dại mọc cạnh nhà mình là Hoàng Đôn Hoà.

Năm 1574, khi vua Lê Thế Tông đánh nhà Mạc, Hoàng Đôn Hoà được cử làm Điền hộ lục quân. Ông đã tìm ra phương thuốc đơn giản chữa bệnh cho quân sĩ và ngựa chiến. Cảm phục tài đức của vị thần y này, nhà vua đã gả con gái là công chúa Phương Anh cho ông. Ông đã để lại cho đời sau một kho báu lớn những tri thức về cách điều chỉnh cân bằng giữa con người với môi trường sinh thái, phương pháp chữa bệnh bằng chính những cây, con có sẵn trong vườn nhà. Mỗi người dân, nhất là người nghèo cần phải biết tự chăm sóc sức khoẻ cho mình trước khi tìm được thầy thuốc giỏi. “Hãy tự cứu mình!” - Đây là bài học cho muôn đời sau. Y đạo đó đã làm cho thần y Hoàng Đôn Hoà toả sáng không chỉ ở thời bấy giờ mà cho tới ngày nay.

Chính vì vậy một nhà nghiên cứu Hán Nôm - Nguyễn Tá Nhí đã gọi Hoàng Đôn Hoà là “Tuệ Tĩnh” thứ hai của nước ta.  Điều đó có nghĩa là ông phải ra đời sau Nguyễn Bá Tĩnh... Đối với chúng tôi - những người đi tìm lời giải thích cho câu hỏi Tuệ Tĩnh - vị Thánh thuốc Nam, nhà sinh thái học của thế kỷ XIV hay XVII ? Những thông tin về thần y Hoàng Đôn Hoà - “Tuệ Tĩnh” thứ hai vừa là một Điền hộ lục quân giỏi vừa là Phò mã của vua Lê Thế Tông (1574) thật đáng quí biết bao.

Chúng tôi xin đưa ra một số thông tin để các nhà lý luận có thể bàn thêm về vị Thánh thuốc Nam, danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh. Trong bài “Tìm hiểu tư liệu về Tuệ Tĩnh” nhà nghiên cứu Hán Nôm học Mai Hồng cho biết : theo văn bia tại Đền thờ Thánh thuốc Nam: Quê hương của Tuệ Tĩnh là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương.
Tại đền thờ Tuệ Tĩnh - Thánh thuốc Nam có lưu trên bia:
“Danh khôi nhị giáp tiêu Trần giám Sứ mệnh thập toàn tỉnh Bắc y”.
(Danh đầu nhị giáp nêu gương khoa bảng đời Trần,
Sứ mệnh vẹn tròn, trổ tài y học đất Bắc).

Danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh là vị Thánh thuốc Nam của nước ta. Ông đi sứ sang Trung Hoa chữa bệnh cho nhà vua đương triều và mất tại đó. Trên mộ chí của ông còn ghi ước nguyện muốn trở về quê hương: “Về sau có ai bên nước Nam sang, xin hãy mang di cốt tôi về với”. Tuệ Tĩnh (Nguyễn Bá Tĩnh) không chỉ nổi tiếng với tuyên ngôn: “Nam dược trị Nam nhân” và còn là niềm tự hào của nền khoa học sinh thái Việt Nam. Nguyễn Danh Nho (đậu tiến sĩ năm Canh Tuất triều nhà Lê, 1670) cùng với dân địa phương lập bia ghi tên 32 vị Tiến sĩ của thôn Nghĩa Phú (1695-1696) trong đó có Tuệ Tĩnh : “Trần triều tứ Tân Mão khoa đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân Nguyễn Bá Tĩnh tiên sinh”. Ngôi đền này được trùng tu lại vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Trong đền còn giữ được bức hoành phi ghi 4 chữ: “Xuân Đài Thọ Vực” đề năm Tự Đức Kỷ Dậu (1849) nhân dịp dân khắp nơi về lễ và xin thuốc chữa bệnh. Vào năm 1936 lại có phong trào dân lễ và xin thuốc chữa bệnh. Với số tiền do dân cúng lễ đã xây đền rộng thêm 5 gian, xã Văn Thai dựng lên 2 toà đền bia.

* Theo “Đông y tàng báo” số 1 ngày 1/8/1939 trang 21 đã đăng truyện về vị Thánh thuốc Nam Tuệ Tĩnh của Nguyễn Xuân Dương. Tác giả đã viết: “Năm Tân Mão niên hiệu Thiệu Phong(1351) Tuệ Tĩnh thi đỗ Hoàng Giáp”.

* Tạp chí Nhân thuật số 3 tháng 2-3/1957 trang 4 có bài “Đi thăm đền thờ Tuệ Tĩnh” tác giả Hồng Sơn viết về Tuệ Tĩnh như sau  trong số 32 vị tiến sĩ của làng Nghĩa Phú thấy trên bia ghi Tuệ Tĩnh đậu Hoàng Giáp năm Tân Mão (1351). Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho là người lấy bia văn chỉ từ năm Bính Tý năm Chính Hoà thứ 17 đời Lê Hy Tông (1696). Trên cùng tờ báo này trang 6 đã viết về vai trò của Tuệ Tĩnh đối với nền y học dân tộc cổ truyền Việt Nam: “Tuệ Tĩnh người xây nền, đắp móng cho y học dân tộc Việt Nam”.

Theo tư liệu của tác giả Lê Huy Bách: Tuệ Tĩnh đậu Nhị giáp tức Hoàng giáp đời vua Trần Duệ Tông năm thứ 3, niên hiệu Long Khang (1374). Sự chênh lệch về thời gian thi đậu Hoàng Giáp của Tuệ Tĩnh là 13 năm (năm 1351 niên hiệu Thiệu Phong, và năm 1374 niên hiệu Long Khang) chứ không phải 3 thế kỷ XIV và XVII.

Như vậy, từ những thông tin nêu trên chúng tôi thấy Tuệ Tĩnh là một vị Thánh thuốc Nam, một nhà khoa học của thế kỷ XIV. Y đạo của ông đã được Hoàng Đôn Hoà, Lê Hữu Trác...thừa kế và phát huy trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tài sản vô giá để lại cho muôn đời sau là tinh thần tự lực tự cường của nền y học cổ truyền Việt Nam :
“Nam dược trị Nam nhân”.

Tên tuổi, sự nghiệp của các đại danh y Tuệ Tĩnh, Hoàng Đôn Hoà, Lê Hữu Trác mãi mãi là niềm tự hào của nền y học dân tộc Việt Nam.

Caythuocquy.info.vn
http://caythuocquy.info.vn/Th%E1%BA%A7y-thu%E1%BB%91c-YHCT/hoang-bon-hoa-tue-tinh-thu-hai-cua-viet-nam-158.html

2.

Hội Đông Y Hà Nội dâng hương tại Y Miếu và danh Y Hoàng Đôn Hòa


(Suckhoemoitruong.com.vn) - Ngày 11.02.2014, Hội Đông Y thành phố Hà Nội đã tổ chức dân hương tại Y Miếu Thăng Long và đình làng Đa Sĩ (Phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) nơi thờ danh y Hoàng Đôn Hòa.


 Trưa ngày 11.02.2014, đông đảo hội viên Hội Đông Y thành phố Hà Nội dâng hương tại Đình làng Đa Sĩ

Đây là việc làm nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam 27/02, ngày Y học cổ truyền Việt Nam 15 tháng Giêng và phát động thi đua năm 2014 của Hội Đông Y thành phố Hà Nội.

Ngay từ đầu buổi sáng đoàn đại biểu Hội Đông Y thành phố Hà Nội do Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Siêm, chủ tịch Hội Đông Y thành phố Hà Nội dẫn đầu đã có mặt tại Y Miếu Thăng Long nơi thờ phụng hai đại danh y lớn của dân tộc là Thiền sư Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và làm lễ dâng hương. Tiếp đó đoàn đã di chuyển vào đình làng Đa Sĩ (Phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) nơi thờ danh y Hoàng Đôn Hòa.

 Hội viên xếp hàng vào thắp hương bên trong đình làng

Theo tương truyền, Đình làng Đa Sĩ là nơi thờ Lương dược linh thông cư sỹ Hoàng Đôn Hòa, người có công lớn trong việc khai thác, bào chế, sử dụng các cây thuốc có sẵn ở trong nước để chữa bệnh cho người Nam.


 TTƯT.BSCKII Nguyễn Hồng Siêm, chủ tịch Hội Đông y thành phố HN dâng hương
Thành tâm cầu bình an 

Thời gian này cũng vào dịp Hội làng Đa Sĩ được tổ chức (từ ngày 12 – 15 tháng Giêng Âm lịch). Lễ hội bao gồm rất nhiều nghi thức cổ truyền như Tế lễ, dâng hương, rước kiệu, cùng các hoạt động văn hóa như: hát ca trù, diễn tuồng đồ, đánh đu, đánh cờ người… thu hút đông đảo khách thập phương về tham dự lễ hội.

Dưới đây là hình ảnh chụp lại hoạt động dâng hương của Hội Đông Y quận Tây Hồ tại đình làng Đa Sĩ.
Chủ tịch Hội Đông y thành phố HN đọc tế văn
Hội viên Hội Đông y thành phố HN khi nghe bài tế văn của chủ tịch Hội Đông Y HN
Lương y đa khoa Phạm Phú Thắng (72 tuổi, Cầu Giấy, HN), hội viên Hội Đông y thành phố HN thành tâm dâng hương.
 Dâng hương, lễ phật đầu Xuân là hoạt động thiết thực, ý nghĩa của Hội Đông y thành phố HN.
Thảo Chi
http://suckhoemoitruong.com.vn/luong-y/hoi-dong-y-ha-noi-dang-huong-tai-y-mieu-va-danh-y-hoang-don-hoa-id7189n.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.