Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

24/03/2018

SOS: Miếu Bà Liễu Hạnh dưới chân Hải Vân có nguy cơ bị doanh nghiệp san phẳng ngay hôm nay

Các nơi đang kêu cứu việc doanh nghiệp bịt đường xuống biển, dân bản địa mất luôn bãi biển, di tích đền đài miếu mạo đứng trước nguy cơ bị ủi phẳng toàn bộ (tình trạng dân mất biển đã đề cập ở đây - tháng 11/2017).

Đặc biệt, có ngôi miếu thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh ở dưới chân Hải Vân. Di tích gắn bó qua mấy trăm năm với nhân dân địa phương, và biết bao nhiêu tao nhân mặc khách (trong đó có cả những vị khách ngoại quốc, như vị danh nho họ Thái người Đài Loan bị trôi dạt vào Việt Nam do bão).

Nguyên chú của TPO: Cả miếu Bà Liễu Hạnh cũng đã bị quây phía trong hàng rào sắt của dự án resort chờ giải tỏa



Dưới là tin từ các nơi. Thời điểm tháng 3 năm 2018.

---


5.

27/03/2018 16:25


Đà Nẵng:

Quận Liên Chiểu đề xuất giữ lại ghềnh đá Nam Ô


TPO - Ngày 27/3, UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết: Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng trình bày các đề nghị của UBND quận liên quan đến Khu du lịch sinh thái Nam Ô đang gây xôn xao dư luận.

Quận Liên Chiểu đề xuất giữ lại ghềnh đá Nam Ô - ảnh 1Lăng cá ông và dinh Cô hồn trong vùng dự án bên những đổ nát hoang tàn sau khi làng Nam Ô được giải tỏa. Ảnh Nguyễn Thành
Theo đó, UBND quận Liên Chiểu kiến nghị 6 nội dung liên quan đến dự án này. Cụ thể, về ranh giới dự án phía tiếp giáp với mặt nước biển, đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng quy hoạch điều chỉnh theo Luật Biển và chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy.
Quận Liên Chiểu đề xuất giữ lại ghềnh đá Nam Ô - ảnh 2
Làng chài cổ Nam Ô tan hoang sau giải tỏa. UBND quận Liên Chiểu đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng quy hoạch điều chỉnh theo Luật Biển và chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy. Ảnh Nguyễn Thành
Về dải đất dọc đường Nguyễn Tất Thành dối dài khoảng 6.300m2 đề nghị UBND thành phố thu hồi và cho chủ trương sử dụng vào mục đích quy hoạch mở rộng nút giao thông, xây dựng cơ sở trưng bày làng nghề nước mắm Nam Ô và các sản phẩm của ngư dân.
Về tuyến đường bê tông hiện trạng rộng 4m, dài 1,7km giáp ranh giữa dự án và khu dân cư chỉnh trang (do Cty Trung Thủy đã thi công) đề nghị UBND thành phố quy hoạch mở rộng thành đường 5,5m có vỉa hè và hệ thống thoát nước để tạo không gian cách ly, hình thành tuyến phố, làm đẹp cảnh quan và tạo cơ hội cho người dân buôn bán, làm dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề.
Quận Liên Chiểu đề xuất giữ lại ghềnh đá Nam Ô - ảnh 3Dải đất 6.300 m2 được rào chắn nằm trong dự án đang được kiến nghị thu hồi. Ảnh Nguyễn Thành
Riêng phần diện tích trên mỏm Hạc - ghềnh Nam Ô, UBND quận Liên Chiểu đề nghị UBND thành phố phê duyệt với mục đích tôn tạo phục vụ du lịch sinh thái, hạn chế tối đa việc chặt phá cây rừng nguyên sinh làm thay đổi hiện trạng. Theo UBND quận Liên Chiêu đây là khu rừng được người dân Nam Ô tự giác bảo vệ nguyên vẹn từ nhiều đời nay. Việc tác động mạnh đến tự nhiên khu vực này sẽ có nguy cơ phản ứng tiêu cực từ cộng đồng.
Quận Liên Chiểu đề xuất giữ lại ghềnh đá Nam Ô - ảnh 4Một phần ghềnh đá Nam Ô thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan. Ảnh Nguyễn Thành
Quận Liên Chiểu đề xuất giữ lại ghềnh đá Nam Ô - ảnh 5Người dân Nam Ô bao đời đấu tranh gìn giữ từng viên đá, bụi cây nơi mõm đá Nam Ô. Đối với phần diện tích này, UBND quận Liên Chiểu đề nghị UBND thành phố phê duyệt với mục đích tôn tạo phục vụ du lịch sinh thái, hạn chế tối đa việc chặt phá cây rừng nguyên sinh làm thay đổi hiện trạng. Ảnh Nguyễn Thành
Về lối xuống biển, báo cáo của quận Liên Chiểu đề nghị UBND thành phố quy hoạch 2 vị trí: tại di tích dinh Âm Hồn và Miếu bà Liễu Hạnh hiện nay.
Ngoài ra, hình thức xây dựng tường rào quanh dự án, quận đề nghị thiết kế thoáng, kết hợp hàng rào mềm, tránh cảm giác chia cắt không gian cảnh quan chung trong khu vực.
Như Tiền Phong đã liên tục phản ánh, vào ngày 20/3, bức xúc chuyện chủ đầu tư dự án Lancaster Nam O resort  chặn lối xuống biển, người dân Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đã bức xúc kéo nhau ra phản đối, tháo dỡ rào chắn. Sự việc được người dân ghi hình và đưa lên trang Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi – xanh – sạch – đẹp” lập tức thu hút sự quan tâm, chia sẻ và bình luận của người dân thành phố. Ngày 21/3, chính quyền quận Liên Chiểu đã phải có mặt tại đây để vận động người dân không tụ tập đông người nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực này.
Trước sự việc này, ngày 22/3, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đích thân có mặt tại đây để kiểm tra dự án. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ban đô thị HĐND thành phố, Sở xây dựng và Sở TN&MT cần kiểm tra lại ngay về dự án này. Kiểm tra việc dự án này chậm triển khai. Theo Luật biển mới, bờ biển là của cộng đồng không thể  giao cho doanh nghiệp được. Do đó, ông Nghĩa yêu cầu tháo dỡ hết toàn bộ rào chắn tại khu vực cuối đường Nguyễn Tất Thành chủ đầu tư đã dựng lên chặn lối xuống biển của người dân và du khách. Việc rào chắn tại khu vực ghềnh đá Nam Ô đề nghị UBND quận xử lý ngay. Đồng thời nhắc nhở  chủ tịch phường Hòa Hiệp Nam trước thông tin chủ tịch phường  ra bảo vệ để công ty rào chắn lối đi này. Các chỉ giới của dự án, ông Nghĩa yêu cầu Sở Xây dựng và Sở TN&MT thành phố xác định lại . “Bờ biển là của cộng đồng phải dành cho người dân, không thể giao hết cho doanh nghiệp” ông Nghĩa cho biết.
Quận Liên Chiểu đề xuất giữ lại ghềnh đá Nam Ô - ảnh 6Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa kiểm tra thực tế dự án vào ngày 22/3 và đã đưa ra nhiều chỉ đạo đối với chính quyền quận Liên Chiểu, Sở ngành thành phố về dự án này. Ảnh Nguyễn Thành
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, dự án Lancaster Nam O resort có tên dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô. Trước đây, dự án này được UBND thành phố giao cho Cty CP Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm. Ngày 11/3/2010, ông Trần Văn Minh, chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng  (bấy giờ) đã có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô từ cty Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm sang cho cty Cổ phần tập đoàn Trung Thủy.
Quận Liên Chiểu đề xuất giữ lại ghềnh đá Nam Ô - ảnh 7Cả một quần thể di tích văn hóa, lịch sử tâm linh của làng chài Nam Ô còn sót lại, trước nguy cơ phải di dời theo đề nghị của chủ đầu tư dự án. Ảnh Nguyễn Thành
Dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô ban đầu có tổng diện tích sử dụng hơn 43,2 ha. Tuy nhiên từ năm 2010 khi dự án được giao cho Cty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng, UBND thành phố đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch dự án. Cụ thể ngày 20/12/2010, Chủ tịch UBND thành phố  Đà Nẵng có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án này.  Theo đó dự án này được điều chỉnh quy hoạch từ hơn 43,2 xuống còn hơn 36ha. Trong đó, đất khu resort từ hơn 100.000m2 giảm xuống còn hơn 64.000m2, đất biệt thự từ hơn 22.000m2 tăng lên 40.000m2. Đất ghềnh đá Nam Ô từ 46.000m2 điều chỉnh tăng lên 49.000m2.
Đến tháng 3/2014, Chủ tịch UBND thành phố (lúc này là ông Văn Hữu Chiến) tiếp tục có quyết định điều chỉnh Quy hoạch dự án này lần nữa. Điều đáng chú ý, lúc này diện tích đất khu resort từ hơn 64.000 m2 đã được điều chỉnh về con số 0. Trong khi đất biệt thự được tăng lên hơn 63.000m2. Đất ghềnh đá Nam Ô từ 49.000m2 chỉ còn 8.000m2. Ngoài ra, quy hoạch ban đầu của dự án không có quỹ đất lăng miếu, mộ tiền hiền Nam Ô, sau 2 lần điều chỉnh quỹ đất này mới lần lượt tăng từ 504m2 và hơn 2.000m2.
Theo một chuyên gia bất động sản, quy hoạch của dự án đã được điều chỉnh, diện tích đất khu resort  được điều chỉnh về bằng 0. Trong khi dự án được khoác lên mình cái tên Lancaster Nam O resort chỉ là mác, vỏ bọc nhưng thực chất là để phân lô bán nền, chủ yếu xây biệt thự để bán . Dự án này chưa được cơ quan chức năng cấp các thủ tục xây dựng, nhưng trên mạng, công ty này đã bắt đầu rao bán 57 căn biệt thự của dự án.


Quận Liên Chiểu đề xuất giữ lại ghềnh đá Nam Ô - ảnh 8Dự án Lancaster Nam O Resort đã được rao bán trên mạng. 

Nguyễn Thành

https://www.tienphong.vn/dia-oc/quan-lien-chieu-de-xuat-giu-lai-ghenh-da-nam-o-1254909.tpo

4.



27/03/2018 06:32


TP - Những ngày qua, thông tin hình ảnh về dự án Lancaster Nam Ô Resort (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) chặn lối xuống biển của người dân Nam Ô đang thu hút sự quan tâm của dư luận thành phố Đà Nẵng. Dự án này chưa được cấp các thủ tục xây dựng nhưng đã tiến hành rào chắn, khiến người dân bức xúc. Dự án chưa được thành phố cấp các thủ tục đầu tư nhưng vẫn được rao bán trên mạng.


Làng chài Nam Ô tan hoang, sẽ chỉ còn trong ký ức.
Làng chài Nam Ô tan hoang, sẽ chỉ còn trong ký ức.


700.000 đồng/m2 đất làng Nam Ô
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, dự án Lancaster Nam O Resort có tên dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô. Trước đây, dự án này được UBND thành phố giao cho Cty CP Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm. Ngày 11/3/2010, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (bấy giờ) đã có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô từ Cty Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm sang cho Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy.
Ngày 17/9/2010, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ra quyết định số 7101, quy định giá đất để thu tiền giao quyền sử dụng đất dự án này đối với Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy. Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng quy định giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để thu tiền giao quyền sử dụng 10ha trong tổng diện tích khoảng 36 ha đất quy hoạch thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô đối với Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy là 700.000 đồng/m2. Đơn giá này, UBND thành phố chịu hoàn toàn chi phí đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư của dự án.
Quyết định này cũng ghi rõ: “Trường hợp Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy nộp đủ tiền sử dụng đất trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng thì được giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp theo Quyết định 6644/QĐ – UBND ngày 28/8/2009 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng”.
Ngày 29/9/2010, Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy và Cty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng lập hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất theo giá đất, quyết định 7101 của Chủ tịch UBND thành phố đối với diện tích 100.000m2. Giá trị hợp đồng là 70 tỷ đồng. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, Cty nộp đủ tiền thì được giảm 10% tổng số tiền sử dụng đất phải nộp. Hợp đồng được lập, đến ngày 15/11/2010, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục có văn bản đồng ý chuyển đổi Chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô từ Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy sang Cty Cổ phần Trung Thủy  - Đà Nẵng. Ngày 24/11/2010,  Cty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng nộp số tiền 63 tỷ đồng do được miễn giảm 10% tiền sử dụng đất.
Dự án resort Nam Ô: Chưa cấp thủ tục xây dựng đã rao bán - ảnh 1Người dân Nam Ô, bức xúc: “Thành hoàng làng chúng tôi bị dời sang làng khác, tổ tiên chúng tôi sẽ đi đâu?!” 
Đất đã được sang nhượng, nhưng đến 7/2011, UBND thành phố mới có quyết định thu hồi giao đất cho Cty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng quản lý để thực hiện theo quy hoạch của dự án với diện tích 366.000m2 tại khu vực này.  
Sau 2 lần điều chỉnh, chỉ còn đất biệt thư
Dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô ban đầu có tổng diện tích sử dụng hơn 43,2 ha. Tuy nhiên từ năm 2010 khi dự án được giao cho Cty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng, UBND thành phố đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch dự án. Cụ thể ngày 20/12/2010, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lúc đó là ông Trần Văn Minh đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án này.  Theo đó dự án này được điều chỉnh quy hoạch từ hơn 43,2ha xuống còn hơn 36ha. Trong đó, đất khu resort từ hơn 100.000m2 giảm xuống còn hơn 64.000m2, đất biệt thự từ hơn 22.000m2 tăng lên 40.000m2. Đất ghềnh đá Nam Ô từ 46.000m2 điều chỉnh tăng lên 49.000m2.
Đến tháng 3/2014, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (lúc này là ông Văn Hữu Chiến) tiếp tục có quyết định điều chỉnh Quy hoạch dự án này lần nữa. Điều đáng chú ý, lúc này diện tích đất khu resort từ hơn 64.000 m2 đã được điều chỉnh về con số 0. Trong khi đất biệt thự được tăng lên hơn 63.000m2. Ngoài ra, quy hoạch ban đầu của dự án không có quỹ đất lăng miếu, mộ tiền hiền Nam Ô, sau 2 lần điều chỉnh quỹ đất này mới lần lượt tăng từ 504m2 và hơn 2.000m2.
Theo một chuyên gia bất động sản, quy hoạch của dự án đã được điều chỉnh, diện tích đất khu resort  được điều chỉnh về bằng 0. Trong khi dự án được khoác lên mình cái tên Lancaster Nam O resort chỉ là mác, vỏ bọc nhưng thực chất là để phân lô bán nền, chủ yếu xây biệt thự để bán. Dự án này chưa được cơ quan chức năng cấp các thủ tục xây dựng, nhưng trên mạng, Cty này đã bắt đầu rao bán 57 căn biệt thự của dự án.
Tàn nhẫn với văn hóa, lịch sử
Ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch thành phố Đà Nẵng khi nhắc đến câu chuyện làng Nam Ô bị giải tỏa để nhường đất cho dự án đã phải thốt lên rằng: Chính quyền Đà Nẵng đã đối xử tàn nhẫn với những giá trị văn hóa lịch sử của một vùng đất đã đi vào huyền sử. Do đó, phải chất vấn chính quyền địa phương tại sao lại đối xử với những di tích lịch sử linh thiêng của vùng đất Nam Ô như vậy?! Những hình ảnh về Nam Ô tan hoang bây giờ là một điều rất đáng tiếc, rất đáng chê trách những lãnh đạo của chính quyền thành phố từ trên xuống dưới. Tại sao Đà Nẵng là thành phố du lịch mà một làng nghề độc đáo với những lăng, miếu, dinh gắn liền với những nhân vật lịch sử, tín ngưỡng của người dân không được giữ gìn mà lại bán cho doanh nghiệp để xây biệt thự phục vụ một bộ phận người có tiền, có của?
“Đó là nỗi đau xót của những người yêu mến và biết trân quý những giá trị của cha ông, tiền nhân để lại. Tôi căm giận thay cho nhân dân Nam Ô. Giá trị văn hóa, giá trị lịch sử không có tiền nào mua được. Giá trị lịch sử nếu làm du lịch đúng sẽ đẻ ra tiền. Bán 700 ngàn hay 700 triệu cho một mét vuông đất thì tiền cũng hết. Nhưng nếu để những công trình văn hóa tâm linh, để lại giá trị lịch sử thì đời đời con cháu sẽ mang ơn”, ông Diệm bức xúc. 
Ông Diệm cho rằng, thành phố thu về  63 tỷ đồng cho 100.000m2 đất nhưng phải đền bù giải tỏa cho doanh nghiệp. Số tiền Cty đã nộp để mua 100.000m2 đất của dự án chỉ bằng vài cái biệt thự dự án này bán ra. Trong khi, trên mạng đang thấy rao bán 57 căn biệt thự, chưa kể khách sạn… Rõ ràng, dự án chỉ làm giàu cho doanh nghiệp, trong khi người dân sẽ chẳng còn biển, chẳng còn ghềnh đá Nam Ô, chẳng còn lăng miếu thờ tự linh thiêng. 63 tỷ đồng mà đánh đổi như thế thì thật chua xót.
Dưới góc độ nhà quy hoạch, ông Diệm cho rằng thành phố cần sửa ngay sai lầm trước khi quá muộn. Cần làm ngay một quy hoạch bảo tồn làng Nam Ô và mời doanh nghiệp cùng tham gia để biến đây thành một địa điểm du lịch. Tuyệt đối không có làm biệt thự, resort che chắn biển của dân. Bãi cát phải được trồng cây, tạo cảnh quan và bảo vệ làng Nam Ô khỏi sóng gió. Về mặt pháp lý, thành phố hoàn toàn có thể thu hồi đất của dự án này, trả tiền cho doanh nghiệp để lấy lại đất vì dự án này đã hơn 10 năm rồi chưa triển khai. Trong khi đó, quỹ đất công cộng của thành phố đang ngày càng khan hiếm, cần tính toán để phục vụ cộng đồng.
“Quan trọng nhất vẫn là quy hoạch bảo tồn làm Nam Ô. Chỉ khi nào đất quy hoạch dư ra thì mới tính chuyện cho doanh nghiệp triển khai. Dự án chưa cấp các thủ tục để triển khai, thành phố hoàn toàn có quyền điều chỉnh quy hoạch. Tại sao không làm”, ông Diệm nói.

Ông Nguyễn An, người dân tổ 50 Nam Ô, nói trong đau xót: “Toàn bộ dinh, miếu, lăng Ông, lăng Bà, mộ tiền hiền nghe nói là sẽ được di dời gom về “một cục” ở bên phía Xuân Thiều. Tổ tiên, thành hoàng của làng chúng tôi sao đưa qua làng khác, ông bà tổ tiên chúng tôi sẽ đi đâu?! Còn ghềnh Nam Ô, mỏm Hạc muôn đời dân chúng tôi gìn giữ. Năm 1972, giặc đòi phá rừng để bộ đội khỏi ẩn núp, dân chúng tôi xả thân bảo vệ, mới còn được như hôm nay. Trên ấy còn miếu vọng bà Huyền Trân ai ai cũng biết. Nay bán ghềnh cho tư nhân xây hết biệt thự lên đấy, nhà nước thử coi có được không?!”.
Nguyễn Thành
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/du-an-resort-nam-o-chua-cap-thu-tuc-xay-dung-da-rao-ban-1254614.tpo



3.




Đà Nẵng đã bị biến thành TP buôn đất

VietTimes – Đó là chia sẻ của ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng về những vấn đề liên quan đến phát biểu thừa nhận sai lầm trong quy hoạch phát triển Đà Nẵng thời gian qua của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại sự kiện đối thoại "Tọa đàm mùa xuân" vừa diễn ra ngày 8/3.
Hồ Xuân Mai - /
Theo ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng, những sai lầm đã biến Đà Nẵng thành một thành phố buôn đất, cò đất, xẻ thịt đất ra để bánTheo ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng, những sai lầm đã biến Đà Nẵng thành một thành phố buôn đất, cò đất, xẻ thịt đất ra để bán
Là một người tham gia nhiều hoạt động tái thiết Đà Nẵng, cùng nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam lúc bấy giờ xây dựng các định hướng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng trong những ngày đầu tiên. Sau những phát biểu mang tính đột phá của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, ông Hồ Duy Diệm đã dành cho VietTimes những chia sẻ về những vấn đề liên quan.
Đà Nẵng đã mất rất nhiều vì xẻ đất đem bán
- Có thể nói phát biểu thừa nhận những sai lầm trong quy hoạch Đà Nẵng của Bí thư Trương Quang Nghĩa tại sự kiện "Tọa đàm mùa xuân" do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức vừa diễn ra ngày 8/3 là những phát biểu đầu tiên của lãnh đạo Đà Nẵng về những hạn chế trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng mà từ trước nay TP này luôn được khen ngợi. Ông nghĩ như thế nào về phát biểu này của ông Trương Quang Nghĩa?
Đây là câu hỏi hay và phù hợp với bối cảnh hiện tại. Thứ nhất, khi ông Trương Quang Nghĩa phát biểu như vậy có nghĩa là ông ấy đã nhìn nhận một sự thật khách quan là Đà Nẵng đã có những sai lầm. Và vì những sai lầm đó mà Đà Nẵng đã không phát triển được xứng tầm. Việc này không chỉ ông Nghĩa mà các nhà khoa học, nhân dân cũng đã thấy từ lâu.
Ông Hồ Duy Diệm chia sẻ với VietTimes về những sai lầm của Đà Nẵng trong định hướng quy hoạch phát triển trong thời gian qua

- Ông có thể chia sẻ một số nội dung mà ông cho rằng Bí thư Đà Nẵng đã chỉ ra rất đúng về sai lầm trong quy hoạch của Đà Nẵng?
Bây giờ chúng ta phải xem xét đã sai lầm như thế nào từ định hướng đến thực hiện và nghiệm xét lại quy hoạch phát triển Đà Nẵng đã như thế nào thì mới nhìn thấy được sai lầm.
Để rõ những sai lầm này, chúng ta cần quay lại khi Đà Nẵng còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thì cơ cấu chung của TP Đà Nẵng là TP công nghiệp, mà là công nghiệp sạch, hiện đại, hàm lượng công nghệ cao làm trọng điểm. Trong đó có cảng biển, giao thông vận tải, logicstic, dệt may, cơ khí chế tạo,… vì đây là năng lực, điểm mạnh mà Đà Nẵng đang có từ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng. Còn dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch,…là phía sau.
Nhưng khi chia tách từ năm 1997, Đà Nẵng đã rời bỏ các điểm mạnh, vị thế sẵn có, năng lực cốt lõi của mình để rồi tổng thu ngân sách chỉ bằng một doanh nghiệp ô tô ở Quảng Nam. Còn Quảng Nam thì sao, họ vẫn giữ định hướng đó và bây giờ họ đã đạt được những kết quả bền vững về công nghiệp dù trước đó hoàn toàn là nông nghiệp.
Chỉ cần nhìn vào đó, cũng đã thấy định hướng của Đà Nẵng trong suốt thời gian qua đã sai lầm.

Hơn nữa, sai lầm này không phải Bộ Chính trị không thấy mà đã thấy và đưa ra Nghị quyết 33 năm 2003 để điều chỉnh, định hướng Đà Nẵng phát triển toàn diện, cân đối theo cơ cấu công nghiệp, thương mại dịch vụ. Điển hình là xây dựng Cảng Liên Chiểu để phát triển kinh tế biển, lợi thế logistic, lợi thế giao thông, lợi thế trung tâm kinh tế của khu vực…
Bây giờ nhìn lại hiện tại chúng ta thấy thế nào, Nghị quyết 33 đã 15 năm trôi qua, hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, Đà Nẵng dường như đã bỏ qua các nội dung định hướng của Bộ Chính trị dành cho Đà Nẵng và đến bây giờ vẫn đang loay hoay giải bài toán này rất khó khăn dù Đà Nẵng có đầy đủ tiềm năng để phát triển hơn thế nữa. Và dù Bộ Chính trị đã chấn chỉnh nhưng Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện được.
Đà Nẵng đã bị biến thành TP buôn đất - ảnh 1Với định hướng phát triển du lịch, biển Đà Nẵng bị xẻ thịt và "tư hữu" hóa
Đà Nẵng đẹp chỉ ở bề nổi
- Nói sai lầm liệu có phủi bỏ công sức của những người tiền nhiệm đã có công gây dựng một thành phố mà ai đến cũng trầm trồ, học tập không thưa ông?
Có thể nói sai lầm nó diễn ra từ chỉ đạo đến thực hiện. Bởi việc quy hoạch Kinh tế-Xã hội sẽ kéo theo những quy hoạch khác như: quy hoạch không gian đô thị, giao thông, nguồn nhân lực,… Và nếu đó là định hướng phát triển cảng biển, công nghiệp công nghệ cao,…thì phải để dành nguồn lực từ đất đai, đào tạo nhân lực, tài chính để phát triển chứ không thể cứ tràn lan ra như vậy được. Còn bây giờ muốn thực hiện các định hướng như đã nói rất khó khăn vì không còn nguồn lực để thực hiện.
Quay lại vấn đề có phủi bỏ công sức của những người tiền nhiệm hay không thì theo tôi nghĩ là không. Chúng ta ghi nhận những gì người tiền nhiệm đã làm được cho Đà Nẵng, nhưng không thể chối bỏ sai lầm của họ. Bởi nếu Đà Nẵng thực hiện đúng như những định hướng được các chuyên gia kinh tế hàng đầu đưa ra theo Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, thì Đà Nẵng không chỉ như hôm nay mà còn gấp 3, gấp 5 lần con số hiện có. Nhìn từ Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi,…sẽ thấy rõ.
Bên ngoài họ chỉ thấy bề nổi của Đà Nẵng có đường sá khang trang, không có kẹt xe,…nhưng những cái mà Đà Nẵng bị mất họ đâu có nhìn thấy được. Đó là mật độ cây xanh, đó là thiết chế văn hóa, công trình văn hóa công cộng,…Và bây giờ muốn làm thì chi phí sẽ rất cao, sẽ phải chấp nhận cay đắng nếu muốn sửa sai. 
Một sai lầm nữa là Đà Nẵng chú trọng phát triển du lịch mang tính phong trào. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng du lịch, nhiều di tích, không gian du lịch,… nhưng khi phát triển lại không chú trọng phát triển các công trình có giá trị để phục vụ du lịch mà dần xóa bỏ, cùng chủ trương mở rộng đường sá, xẻ đất chia lô bán.
Đô thị Đà Nẵng bị băm nát bởi chia lô, bán nềnĐô thị Đà Nẵng bị "băm nát" để chia lô, bán nền
Nhưng điều này cũng đã bị các chuyên gia lên án, phê phán Đà Nẵng không gìn giữ các giá trị du lịch từ văn hóa, công trình văn hóa lịch sử, tâm linh, dấu ấn văn hóa. Đơn cử đó là Thành Điện Hải, Núi Bà Nà, không gian Sơn Trà, đền Huyền Trân Công Chúa, làng cổ Nam Ô,…thời gian qua đã bị biến thành nơi màu mỡ cho các tư bản mới. Lợi ích chảy vào túi riêng một bộ phận cá nhân, doanh nghiệp, mà người dân không hề được hưởng lợi điều gì khi cây xanh cũng thiếu, các công trình văn hóa, công viên công cộng, điểm vui chơi giải trí cũng không có...
Và với quan điểm cá nhân, nếu nhìn tổng quát nhất thì một số vị đã biến Đà Nẵng thành một thành phố buôn đất, cò đất, "xẻ thịt" đất ra để bán… Và chấm hết!
- Cảm ơn ông!
Kỳ 2- Đà Nẵng: Thành phố không “ký ức”
https://viettimes.vn/da-nang-da-bi-bien-thanh-tp-buon-dat-168158.html






2.



25/03/2018 06:48


Nam Ô đã chết!


TP - Đưa biển lên núi lánh nạn, đưa biển xuống hầm trú ẩn, đó là nỗ lực đến tuyệt vọng của những yêu Đà Nẵng, muốn giữ lại chút hồn cốt muối mặn ông cha đã ngàn đời gửi vào biển. Nhưng còn cả quần thể di tích lịch sử và thiên tạo Nam Ô - cửa ô linh thiêng phía Nam của Đại Việt từ 700 năm trước, nay biết cất giấu vào đâu, khi tất cả đã được bán để xẻ thịt xây lên những resort, biệt thự, khách sạn 5 sao, nhà hàng quán bar…?!





Ngôi mộ cá Ông còn mới phía trước lăng Ông Nam Ô.
Ngôi mộ cá Ông còn mới phía trước lăng Ông Nam Ô.
Dù đã cố nén dằn tâm thế từ trước để một lần nữa chạy về vĩnh biệt Nam Ô, nhưng buổi trưa ấy một mình đứng giữa bờ biển mênh mông nắng ngổn ngang gạch nát, nhà tan, tôi đã bưng mặt khóc. Hơn nửa thế kỷ sương gió sống làm người, chưa có nỗi đau nào quặn thắt bóp nghẹt tâm can đến thế. Những lăng, những dinh những miếu còn lại trơ khấc bị quây giữa hàng rào sắt lạnh lẽo cao ngất của dự án, như bóng tiền nhân bị trói ngồi gục đầu trên cát và gạch vụn.     
Nam Ô là ngôi làng chài cổ bậc nhất xứ Đàng Trong với biết bao di tích, di chỉ văn hóa, lịch sử Việt-Chăm thiêng liêng mang chứa, che chở tâm thức của những người đầu tiên vượt Ải Vân mở cõi. “Ô châu ác địa” cũng là đây. Nhưng dải đất dải biển này đã ngàn đời hiền hòa nuôi dưỡng, chở che dân lành, nào có dữ dằn chi. Sao phải đón cái hậu vận đớn đau hiểm ác đến vậy!
Ngồi kế bên Lăng Ông, dinh Âm hồn đội nắng trưa một mình cặm cụi ngồi nhặt nhạnh đống gạch từ ngôi nhà đã bị đập giải tỏa, ông lão Nam Ô 80 tuổi tên là Lê Sự không buồn gạt những giọt mồ hôi tuôn dài trên mặt. Gương mặt với những nhát chém đầy trầm tích thời gian điển hình cho sự lao lung và thuần phác của người nơi đây. Tôi ngồi bệt xuống đống gạch vỡ, lặng nghe ông lão kể về những phúc phận trầm luân nơi xứ này. Nghe kể về bao địa danh thân thương, những mỏm Hạc, hòn Phụng, hòn Quy, Cồn Trò, rạn Cả, rạn Con, Cu Đê, rú Cấm, xóm Đình, xóm Lăng… Nghe kể về bao câu chuyện linh ứng từ đền đình, miếu mạo cho đến tấc cát, tảng đá, bụi cây. Rằng, dinh miếu nơi này linh thiêng lắm. Bao đời rồi, không chỉ làng này, mà các làng khác, hồi xưa mỗi lúc có người đau ốm là đội lễ vật đến dinh, đến miếu để cầu xin. Vì thời xa xưa cả vùng chỉ có mỗi một ông lang thuốc Bắc, làm gì có bác sĩ, thuốc men. Rằng, bà con làng chài chúng tôi bao đời nay ra biển đánh bắt bình an là nhờ có Ông Ngư phù trợ. Trong lăng giờ đang thờ hàng chục bộ cốt của Ngư Ông từ trăm năm nay rồi…
Cả làng bao đời nay đã gìn giữ từng viên đá, nhành cây không để suy suyển một chút nào. Vì biết ơn núi, ơn rừng, gành đá đã che chở cho dân làng như cha mẹ che chở cho con cái vậy... Lâu lâu, lại có kẻ không biết được ai cấp phép đã mang tàu mang cẩu đến khai thác đá ở ghềnh, lập tức bị cả làng ào ra xua đuổi dữ dội. Bởi với người làng Nam Ô này, đến một viên đá nhỏ dùng để buộc vào giàn lưới mành đánh cá, cũng phải ra ngoài biển lặn mò vớt lên mà dùng… Tôi chợt nghe trong lời kể của cụ Sự đang dâng lên nước mắt. 
Tôi vào thăm dinh Âm hồn, lăng Ông, lặng lẽ thắp hương lên tất cả những ban thờ. Vừa qua rằm tháng Giêng, ngày cả làng làm lễ lớn cúng Ông Ngư, cờ quạt và những bó nhang còn nguyên, tươi mới. Người làng kể, dinh Âm hồn Nam Ô xưa vốn là miếu Âm linh lập nên để tưởng nhớ những tử sĩ trận vong sau những trận chiến cảm tử chống Pháp kể từ 1858. Hai đồn  Nam Ô, Cu Đê của quân lính triều đình và dân binh địa phương sau đó thất thủ, hàng ngàn nghĩa sĩ bỏ mình nơi vịnh biển này. Miếu sau đó được mở rộng để thờ hương linh thập loại chúng sinh của các chư phái, tộc họ trong làng…
Bước sang lăng Ông, tôi bất ngờ bắt gặp một nấm mộ lớn đắp bằng cát, phía trên đầu có bát nhang còn khá mới. Một tảng đá xám được đặt lên thay cho bia mộ, có lẽ được lấy xuống từ mỏm Hạc trước mặt. Sực nhớ chuyện với cụ Sự khi nãy. Rằng cá Ông khi lụy vào bờ, được dân làng trang trọng làm tang. Và cũng như với con người, sau 3 năm an táng, di cốt của Ông sẽ được dân làng bốc lên đưa vào lăng để thờ phụng. Chắc hẳn dưới nấm mộ đặc biệt này đang là một Ông Ngư xấu số…  
Người Chăm kể cũng lạ, từ thời thuở nào đã và vẫn luôn là những nghệ sĩ. Cả với những chiếc giếng vuông vức xếp dựng bằng đá tảng bên trong khắc đục như tác phẩm nghệ thuật không lẫn vào đâu được nơi vịnh Nam Ô này. Những giếng Đình, giếng Lăng, giếng Cồn Trò… cấp nguồn nước mát lành vô tận không chỉ cho dân làng, mà cho cả những đội thuyền buôn mỗi khi cập bến. Và những dinh những miếu kế bên là nơi nương náu, gửi gắm phần hồn cho những khách thương hồ dừng chân sau những chuyến hải hành đầy bão tố.
Nước giếng Lăng bây giờ vẫn trong vắt nhìn thấy đáy. Nhìn bên cạnh là xác chiếc thuyền cá đã bị xả bản nằm chơ vơ trên đống gạch vỡ, đôi con mắt thuyền mở to dõi ra biển, tôi nhớ đến góc “Ký ức làng chài” trên núi Sơn Trà của Đoàn Huy Giao. Rồi nhớ tới những cát trắng, những thuyền những thúng, lưới chài, mái chèo trong căn hầm dưới lòng đất Thọ Quang của Mỹ Dũng. Đoàn Huy Giao là đạo diễn truyền hình, nhà thơ, còn Mỹ Dũng là nghệ sỹ nhiếp ảnh. Ngày làng chài Nam Thọ bên vịnh Sơn Trà, một trong những làng chài cổ xưa nhất xứ Đàng Trong này bị “tuyệt diệt” vì đô thị hóa, thi sĩ họ Đoàn cũng đã khóc. Rồi ông lang thang nhặt nhạnh xác những con thuyền đánh cá loại nhỏ bị phá bỏ (xả bản) theo chủ trương của thành phố, gom hết mang lên núi. Để sắp đặt chúng bên cạnh những manh lưới, chum vại của ngư dân Nam Thọ. Thành một góc ký ức đầy đớn đau. Mỹ Dũng cũng không khác gì, chàng nghệ sỹ lớn lên trên bến cát Thọ Quang hơn nửa đời người bỗng ngơ ngác khi nhận ra biển xưa đã mất. Biển của hồn cốt văn hóa, lịch sử và tâm linh cha ông đã mất trong cơn lốc xâm lấn của resort, khách sạn, cao ốc… Để cũng lần mò đào hầm cất giữ chút di vật biển, trong nỗi day dứt hoài niệm.
Nam Ô đã chết! - ảnh 1
Người dân Nam Ô bức xúc tự phá rào của dự án resort để được ra biển.
      
Thanh Khê, Nại Hiên Đông, Nam Thọ, Mân Quang, Tân Thái, Tân Trà, An Tân, An Đồn…, những làng chài cổ xưa của Đà Nẵng đã chết. Hoặc đang bị bỏ mặc để ngắc ngoải chen lấn giữa cao ốc, khách sạn… Như những con thuyền cũ bị xả bản, chỉ còn chưa đưa “xác” ra ngoài. Phía Đông thành phố, toàn bộ resort đã che kín mấy chục cây số đường biển về Hội An. Khách sạn, condotel thi nhau vươn tới trời bê tông hóa chồng lấn che kín bãi biển. Phía Tây là đường biển Nguyễn Tất Thành, đoạn đầu đã bị đổ cát lấn biển làm khu đô thị quốc tế Đa Phước, vốn từng mang cái tên mỹ miều “Vầng trăng khuyết”. Đoạn cuối là vịnh Nam Ô rộng đến hơn 36 héc ta nay thành phố này cũng đã bán trọn cho Công ty Trung Thủy từ Sài Gòn ra làm dự án Lancaster Nam Ô Resort để dời làng dời dân dời miếu mạo lấp đầy bằng resort, biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar… Chủ đầu tư lập tức dựng hàng rào sắt thép dài 5-6 cây số để “vây” làng. Đến nỗi lãnh đạo quận sở tại vừa phải ngỏ lời “xin” nhà đầu tư mở cho một con đường rộng…4 mét để cho dân xuống biển (!?) 
Còn đoạn giữa của tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, đến lượt ai sẽ lấp biển “thôn tính” tiếp?!
*
Nam Ô đã chết! - ảnh 2Dấu tích miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa trên mũi Hạc Nam Ô.
Hiện ra bên lối mòn nhỏ trong khu rừng cấm nơi mỏm Hạc này vẫn là góc miếu thờ đổ nát ấy. Như từ gần hai chục năm trước tôi đã gặp. Những bô lão làng Nam Ô gọi đây là miếu Bà, bị bão đánh sập từ hàng trăm năm trước. Nhưng ráp nối lại các cứ liệu tìm thấy và tình tiết trong lịch sử, thì đây có thể xác nhận rằng chính là miếu thờ vọng Huyền Trân Công chúa. Hơn 700 năm trước công chúa nhà Trần đã gạt lệ xuống thuyền làm dâu Chiêm quốc, đổi lấy hai châu Ô, Rý mở mang bờ cõi Đại Việt. Rồi biến thiên lịch sử, đời người, Huyền Trân đã cùng danh tướng Trần Khắc Chung thoát khỏi thành Đồ Bàn vượt thuyền về lại Thăng Long. Trên đường gặp gió lớn phải neo lại nhiều ngày nơi làng chài nhỏ dưới chân Hải Vân này. Dân vạn chài Nam Ô đã dựng miếu thờ vọng người phụ nữ đã có công mở mang bờ cõi. Người dân nơi đây từ lâu đã quen thuộc với tên tuổi của bà. “Cổ vân lôi ư, tam cấp vũ môn, ninh kiến hà trừng thiên lý/ Chiêm phong lãng ư, kỷ trùng hoàng hải, vĩnh khang thốn tức thôn kình” (Sấm mây xưa hử, qua mấy màn mưa, lặng nhìn thấy đâu ngoài thiên lý/ Sóng gió Chàm hừ, bồn chồn nhớ nước, kiên gan chờ nuốt cả kình ngư). Văn tế lễ cúng giỗ tiền hiền làng Nam Ô hàng năm vào 24/6 âm lịch, vẫn còn nghe vậy. 
Khuất lấp sau bức tường sắt thép của dự án xây resort Nam Ô là miếu Bà Liễu Hạnh. Ngôi miếu linh thiêng bao đời chở che phần hồn của làng nay cũng sắp phải đập bỏ, di dời. Gần đó là ngôi chùa Ba Sơn tự. Ông Dương Bòng nhà đối diện miếu, thở dài, bảo ngày 20/2 âm lịch tới đây là lễ cúng Bà. Năm nào cũng vậy, cả làng đổ về, đông lắm. Năm nay chưa biết buồn vui sao đây…
Nam Ô đã chết! - ảnh 3Ông lão làng Nam Ô Lê Sự chỉ tay về Dinh miếu linh thiêng của làng nay cũng sắp thành gạch vụn.
Tôi chợt lạnh người. Có lẽ lễ cúng này là lần cuối người Nam Ô được hưởng hơi ấm thực sự từ tổ tiên. Để rồi mai mốt, người ta sẽ xây mới những đình làng, lăng Ông, dinh Âm hồn khang trang, kiên cố và lạnh ngắt phía xa tít đâu đó bên kia con đường nhựa nháo nhào xe cộ, chen chúc với những tòa chung cư, nhà cao tầng, quán nhậu, karaoke…?!! Còn như mũi Hạc này với dấu tích huyền sử về Huyền Trân, người ta sẽ “nhét” vào đâu, hay sẽ khuất lấp dưới nền những tòa biệt thự?
Tôi về. Vẫn thấy ông cụ Sự còn ngồi đó. Lần nữa nhìn đống gạch tan nát quanh chỗ ông lão Nam Ô, để hình dung rất nhanh, rằng những miếu đền rêu phong linh thiêng kia một ngày sẽ thành đống gạch vụn chen cùng cỏ rác.
Nam Ô. Nam Mô...
Vĩnh biệt !

Trần Tuấn
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nam-o-da-chet-1253929.tpo





1. Bài của Trần Tuấn trên TPO


24/03/2018 09:44

















Người Nam Ô: 'Dinh, miếu ở đây thiêng lắm!'


TPO - “Dinh, miếu nơi này linh thiêng lắm! Đã 'cứu nhân độ thế' cho dân làng mấy trăm năm nay rồi!”, cụ Lê Sự, 80 tuổi đưa tay chỉ về phía lăng Ông, dinh Âm hồn, giếng Chăm, miếu Bà Liễu Hạnh… nằm nép vịnh biển Nam Ô dưới chân Hải Vân, nói



Nam Ô là ngôi làng chài cổ bậc nhất xứ Đàng Trong với biết bao di tích văn hóa, lịch sử thiêng liêng mang tâm thức của những người đầu tiên vượt Ải Vân mở cõi.

Thế nhưng hiện tại, tất cả những di tích hàng trăm năm tuổi của làng biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) này đã bị “nhốt” trong hàng rào sắt đồ sộ, cao vút. Để chuẩn bị phá dỡ, di dời đi nơi khác nhường đất nhường biển cho doanh nghiệp xây resort, khách sạn 5 sao, nhà hành quán bar…, thuộc dự án Lancaster Nam O resort của Công ty CP Trung Thủy đến từ thành phố Hồ Chí Minh. 

Đội nắng trưa ngồi nhặt đống gạch từ ngôi nhà đã bị đập giải tỏa, cụ Lê Sự kể: “Không chỉ làng này, mà các làng khác, hồi xưa mỗi khi có người đau ốm là đội lễ vật đến Dinh Âm hồn để cầu xin. Vì thời xa xưa cả mấy làng chài chỉ có một ông lang thuốc Bắc, làm gì có bác sĩ. Còn lăng Ông nằm kế bên, bà con làng chài chúng tôi bao đời nay ra biển đánh bắt bình an là nhờ Ông Ngư phù trợ. Trong lăng đang thờ hàng chục bộ cốt của Ngư Ông cả trăm năm nay rồi…”.

Lăng Ông làng Nam Ô là một trong những nơi còn lưu giữ nhiều bộ cốt cá voi nhất các làng biển Việt Nam. Theo tục lệ của ngư dân, cũng như với con người, cá Ông an táng 3 năm sẽ được cải táng, đưa bộ cốt vào lăng để thờ. Phía trước lăng hiện vẫn còn một ngôi mộ cá Ông chưa cải táng.
Cụ Lê Sự: "Dinh, miếu ở đây thiêng lắm!"
Phía trước lăng hiện vẫn còn một ngôi mộ cá Ông chưa cải táng 
Nằm giữa dinh Âm hồn và lăng Ông là chiếc giếng Chăm cổ hình vuông, nước vẫn trong vắt. Đây là một trong hai chiếc giếng cổ của làng, người làng vẫn dùng suốt mấy trăm năm qua 

Chiếc giếng sát bên gành Nam Ô vẫn được sử dụng 
Nay thì Dinh Âm hồn, giếng Chăm, lăng Ông, … đã bị quây lại để giải tỏa nhường chỗ cho biệt thự, resort

Cả miếu Bà Liễu Hạnh cũng đã bị quây phía trong hàng rào sắt của dự án resort chờ giải tỏa …
Đặc biệt là mỏm (mũi) Hạc là một ghềnh đá tuyệt đẹp chạy sát mép sóng, trên là dải núi nhô lên với khu rừng xanh mát có những thân cây mấy người ôm. 

Men theo lối mòn tới khoảng giữa khu rừng mũi Hạc còn lưu lại dấu tích một ngôi miếu cổ, nay chỉ còn lại một góc tường. Những bô lão làng Nam Ô gọi đây là miếu Bà, bị bão đánh sập từ hàng trăm năm trước. Nhưng ráp nối lại các cứ liệu tìm thấy và tình tiết trong lịch sử, thì đây có thể xác nhận rằng chính là miếu thờ vọng Huyền Trân Công chúa. Nơi hơn 700 năm trước bà cùng danh tướng Trần Khắc Chung thoát khỏi thành Đồ Bàn vượt thuyền về lại Thăng Long. Về đến Ải Vân thì gặp gió lớn phải neo lại nhiều ngày. Dân vạn chài Nam Ô đã dựng miếu thờ vọng người phụ nữ đã có công mở mang bờ cõi Đại Việt. Người dân nơi đây từ lâu đã quen thuộc với tên tuổi của bà.
Dấu tích miếu thờ vọng Huyền Trân Công chúa Nay thì khu vực này cũng đã thuộc về dự án biệt thự, resort ven biển. Nguy cơ mất đi dấu tích linh thiêng này là khó tránh khỏi.

Người dân Nam Ô bây giờ hỏi bất kỳ ai, đều đáp vanh vách, rằng theo luật bất thành văn của làng từ xa xưa đến nay, đó là không ai được phép ngắt một cành cây, lấy một viên đá nơi đây. Mới đây, có kẻ không biết được ai cấp phép đã mang tàu mang cẩu đến khai thác đá ở ghềnh, lập tức bị cả làng ào ra xua đuổi dữ dội.
Bức ảnh này chụp năm 2005. Nhờ sự gìn giữ của người dân, nơi này vẫn không có gì thay đổi - ảnh Trần Tuấn 

Nay tất cả những di sản tâm linh, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên mà cha ông bao đời vun đắp, gìn giữ và truyền lại ấy đã xa khỏi tầm tay của họ.


Trưa 23/3, người dân nhiều nơi ở Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tự dùng phương tiện tháo dỡ nhiều đoạn rào sắt do chủ đầu tư dự án Lancaster Nam O Resort dựng lên trước đó, mặc cho lúc đầu bảo vệ Công ty này ra ngăn cản.


Sáng nay 21/3, lãnh đạo chính quyền quận Liên Chiều (TP.Đà Nẵng) đã phải có mặt tại khu vực dự án Lancaster Nam O Resort tại khu vực biển Nam Ô để vận động người dân không tổ chức tụ tập đông người tại khu vực này để tránh gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

TRẦN TUẤN

https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguoi-nam-o-dinh-mieu-o-day-thieng-lam-1253716.tpo



---












BỔ SUNG


2
.



Độc đáo di tích lăng Ông ở làng Nam Ô

Cập nhật: Thứ bảy, 24/9/2016 - 10h46'

(Cadn.com.vn) - Trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của ngư dân làng Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) thì tục thờ cá Ông (còn gọi là cá voi) đã ăn sâu vào tâm thức qua nhiều thế hệ. Minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất đó là việc cư dân của làng đã xây dựng di tích lăng Ông và xem đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Toàn cảnh lăng Ông ở làng Nam Ô, nơi đang lưu giữ gần 60 bộ cốt cá Ông lụy vào bờ.

Làng di tích

Ông Trần Ngọc Vinh, một lão ngư của làng Nam Ô cho biết: là một làng chài thuộc P.Hòa Hiệp Nam, nằm cạnh Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam, cách trung tâm thành phố hơn 10 km về phía Tây Bắc, làng Nam Ô hình thành song song với quá trình Nam tiến của nước Đại Việt. "Tên gọi Nam Ô chính là cửa ô phía Nam của Đại Việt thời ấy, vì vậy Nam Ô có giá trị lịch sử của quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là một tên làng. Nơi đây chứa đựng một đời sống tinh thần và tâm linh khá phong phú. Đó là hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh có giá trị. Trong khu vực này có các di tích mà dân làng Nam Ô đang giữ gìn như Dinh Âm hồn, Lăng Cá Ông, Miếu Bà Liễu Hạnh"..., ông Vinh nói. Ông Vinh cho rằng, đến với Nam Ô là đến với lễ hội. Những lễ hội ở Nam Ô là biểu hiện phong phú mang tính đặc trưng văn hóa tín ngưỡng ngành nghề rất rõ nét. Ngoài chuyện tế đình làng Kỳ Yên - xóm trong thuận đường buôn bán thì còn có Lễ vía Bà Phường Buôn 24 tháng Giêng - cầu mua may bán đắt. Xóm ngoài chuyên nghề sông nước thì vía Bà Dòng - lạch 20 tháng Hai, cầu bình yên trong giờ phong ba võ lộng. Khi trước nghề pháo truyền thống còn thịnh đạt, đến ngày giỗ Tổ cũng lễ hội linh đình, nay chỉ còn là một hoài niệm...

Đặc biệt phải kể đến hai lễ hội lớn, có lịch sử hàng trăm năm qua, đó là lễ tế cô hồn và lễ hội cầu ngư. Ông Vinh cho biết, theo các cụ cao niên kể lại thì trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô, Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều nên triều đình vua Tự Đức sau đó đã có sắc dụ cho dân các xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Vua Thành Thái khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô 1885. Miếu Âm Linh sau này dân làng mở rộng thờ thập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phương và các âm hồn xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng. Điều đó thể hiện tính nhân văn sâu sắc của di tích, phù hợp với tinh thần uống nước nhớ nguồn và tinh thần nhân đạo của dân tộc.

"Vốn là một địa phương theo nghề đánh bắt cá biển lâu đời, nên Lễ cầu ngư được ngư dân xem trọng và tổ chức khá quy mô. Lễ được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng Hai âm lịch. Đó là ngày mà tất cả các phương tiện ra khơi đã được sửa chữa tu bổ, chuẩn bị sẵn sàng xuất bến", ông Vinh cho biết. Lễ hội cầu ngư được tổ chức tại lăng Ông thuộc làng Nam Ô. Đây là lăng thờ cá voi được xem là cổ nhất dọc ven biển từ đèo Hải Vân đến Nam Bộ còn giữ được những dấu ấn xưa. Lăng tọa lạc trên một khoảnh đất rộng, giữa làng, sát bờ biển. Theo hàng chữ lưu ký trên đòn tay ở chánh điện thì lăng được xây dựng quy mô từ thời Tự Đức nguyên niên (1848). Được ban biển sắc "Long ngự chính trung" trước tiền đình. Ở đây còn thờ một bài vị cổ ghi danh hiệu "Nam Hải cư tộc đại tướng quân chi thần" mà theo các cụ có từ thời Gia Long lên ngôi (?). Và Lễ cầu ngư có từ thời ấy.
Theo truyền thống, lễ cầu ngư nhằm cầu mong được mùa đắc biển, còn là dịp để mọi người vui chơi, thưởng thức các trò vui như bơi đua, đẩy sào, kéo dây, hát bội, hò bả trạo... và các trò chơi hội chợ trong dịp lễ, trước khi ra khơi chống chọi với sóng gió biển cả.
Ông Trần Ngọc Vinh và "cuốn gia phả" bằng chữ Nho của làng Nam Ô.
Lăng Ông "cầu cứu"!
Anh Phan Công Quang, một trong những truyền nhân của làng nghề nước mắm Nam Ô, cũng là người được tin tưởng giao trọng trách trông nom, quản lý lăng Ông dẫn chúng tôi đến tham quan lăng vào một ngày giữa tháng 9. Trong khuôn viên lăng, hiện vẫn còn một nấm mộ cá Ông được chôn cất khá cẩn thận, mà theo lời anh Quang thì ít lâu nữa, dân làng sẽ đưa cốt Ông vào thờ trong lăng. Quang kể, theo lệ thì dân chài ai phát hiện được cá Ông mắc cạn, tục gọi là "ông lụy" thì người đó có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Theo ông bà kể lại, người phát hiện ra cá Ông mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng và dưới triều nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.
Hàng năm dân làng chọn ngày "Ông lụy" làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông. Người địa phương có câu: "Thấy ông vào làng như vàng vào tủ" vì theo tín ngưỡng này, Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. "Một thời gian sau khi chôn thì dân làng phải cải táng, thường làm vào mùa xuân sang hè rồi đem cốt cho nhập lăng và tế chung. Đối với xương cá Ông to lớn thì dân làng sẽ chờ đủ 3 năm cho xương cốt rã ra rồi mới đem vào hòm để đưa về lăng thờ. Trong di tích lăng Ông ở Nam Ô hiện đang thờ cúng 58 cốt Ông. Vì thế, nơi đây được người dân tôn kính và trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tâm linh đặc biệt quan trọng, thậm chí mỗi khi dân chài ra khơi, họ thường đến thắp nhang vái Ông phù trợ", anh Quang cho biết.
Mặc dù là nơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của không chỉ người dân làng Nam Ô, mà có thể còn là của cư dân vùng biển Đà Nẵng, tuy nhiên, thực trạng xuống cấp trầm trọng của lăng Ông đã, đang khiến người dân nơi đây hết sức lo lắng, bất an. "Mặc dù nằm trong khu vực giải tỏa, di dời phục vụ dự án khu du lịch sinh thái nhưng xét thấy tầm quan trọng của lăng Ông, Miếu Âm linh nên địa phương đã quyết định giữ nguyên trạng, đồng thời có phương án di chuyển miếu bà Liễu Hạnh về khu vực này để xây dựng thành một quần thể di tích văn hóa, tâm linh của làng", ông Trần Ngọc Vinh cho biết. Theo ông Vinh, nguyện vọng, khát khao lớn nhất của người dân là Nhà nước có phương án đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo lại di tích có ý nghĩa đặc biệt này. "Về lâu dài, người dân mong muốn làm sao di tích lăng Ông được xếp hạng, để từ đó có điều kiện nhằm lưu giữ, duy trì và phát huy hơn nữa những giá trị mà di tích lăng Ông cũng như quần thể di tích trên địa bàn mang lại", ông Vinh mong  muốn.
D.Hùng
http://cadn.com.vn/news/71_155091_do-c-da-o-di-ti-ch-lang-ong-o-la-ng-nam-o.aspx



1
.

Cụm di tích tín ngưỡng làng Nam Ô


Làng Nam Ô thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nằm cạnh quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam, cách trung tâm thành phố khoảng 13 km về phía Tây Bắc. Phía Đông giáp vịnh Đà Nẵng, phía Tây giáp với xã Hòa Bắc và Hòa Liên (huyện Hòa Vang), phía Bắc cận sông Cu Đê và phía Nam giáp với làng Xuân Thiều. Làng Nam Ô hình thành song song với quá trình mở đất phương Nam của cha ông ta. Trãi qua nhiều thế kỷ, nơi đây đã chứa đựng một đời sống tinh thần và tâm linh khá phong phú. Đó là hệ thống di tích lịch sử, tâm linh có giá trị. Trong khu vực này có các di tích thờ phụng mà nhân dân và các chư phái tộc làng Nam Ô đang giữ gìn gồm có:
Dinh Âm hồn làng Nam Ô:
Dinh Cô Hồn còn được gọi là Miếu Âm Linh.Dinh Cô Hồn tọa lạc tại địa phận tổ 35, Nam Ô II, Phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng), nằm về phía đông khu dân cư, sát bên phải Lăng Ông Ngư. Dinh Cô Hồn ở cuối đường chạy xuyên qua làng bằng bê tông nên đường đi đến di tích rất thuận lợi. Đi bằng ô tô, xe máy thì từ trụ sở UBND phường Hòa Hiệp Nam ra hướng bắc chừng 500m rẽ phải cổng khối phố có đường kiệt rộng dẫn vào đường làng chạy thẳng ra hướng đông đến cuối đường sát biển thì đến di tích.




 Dinh Cô Hồn làng Nam Ô

Theo các cụ trong hội NCT hiện nay, qua ngôn truyền nhiều thế hệ bô lão trong làng, thì có 2 sự kiện lịch sử đáng chú ý hình thành nên di tích Dinh Cô Hồn: Trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô và Tấn biển Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình vua Tự Đức sau đó đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Thành Thái  là ông vua yêu nước, khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô 1885. Miếu Âm Linh của làng theo đó được tôn tạo.            
Miếu Âm Linh sau này dân làng mở rộng đối tượng thờ thập loại chúng sinh,cô hồn phiêu phương không nơi nương tựa và các âm hồn xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng. Đối tượng thờ mang thuộc tính nhân văn sâu sắc của di tích Dinh Cô Hồn phù hợp với tinh thần uống nước nhớ nguồn tri ân tử sĩ vì nước quên thân, tinh thần nhân đạo truyền thống của dân tộc.
Di tích Dinh Cô Hồn là một trong các di tích có giá trị văn hóa lịch sử nhất định, bởi lẽ, di tích gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm (lý do khởi dựng), với sinh hoạt văn hóa tinh thần (tín ngưỡng tâm linh truyền thống) thể hiện tính nhân văn, tinh thần nhân đạo của dân làng Nam Ô.  
                                
Dinh Cô Hồn có giá trị lịch sử, tính nhân văn, tinh thần nhân đạo truyền thống đối với chiến sĩ trận vong trong các trận đánh ngự địch phòng biên chống giặc ngọai xâm trên đất Nam Ô trong lịch sử, đối với các cô hồn trong thập loại phiêu phương không nơi nương tựa. 
Di tích còn là tụ điểm liên kết cộng đồng mang ý nghĩa truyền thống linh thiêng của dân làng Nam Ô.               
Lăng Cá Ông
Theo ngư dân truyền lại, Lăng Ông Ngư ở Nam Ô được xây dựng từ thời Vua Gia Long yên định cơ đồ (1802). Lúc đầu Lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trác vôi vữa, mái lợp lá kè, đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) Lăng được tôn tạo to đẹp hơn. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), Lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương, từ đó đến nay Lăng được sửa chữa gia cố nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm, nằm trên khuôn viên rộng chừng 360m2, cách mép nước biển khoảng 50m ở khu vực tổ 35 phường Hòa Hiệp Nam.




Lăng Ông
Là vùng đất được bao bọc bởi núi, sông hùng vĩ, biển cả bao la, Nam Ô được xem là nơi có phong cảnh hữu tình, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc địa phương. Sắc màu văn hóa ấy đã được thể hiện sinh động trong lễ hội cầu ngư. Lễ hội là niềm mong ước, là khát vọng của người dân được thần Nam Hải che chở. Đó là sự tín ngưỡng thiêng liêng của người dân nơi đây được truyền qua bao thế hệ. Lễ hội cầu ngư cũng đã và sẽ mãi tôn tạo trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng biển dù cuộc sống có trải qua bao thăng trầm và khó khăn trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển.
Miếu Bà Liễu Hạnh
Miếu Bà Liễu Hạnh hiện tọa lạc tại địa phận tổ 37, Khu phố Nam Ô II/1, Phường Hòa Hiệp Nam, Quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng, nằm về phía bắc khu dân cư, sát mé nam chân núi gành Nam Ô, cách đường Nguyễn Lương Bằng 300m về hướng đông.
Miếu Bà Liễu Hạnh gắn với tục thờ mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, được nhân dân làng Nam Ô lưu truyền nhiều đời qua sự tích mà các nhà nghiên cứu thời nay đã xác nhận. Bà Chúa Liễu Hạnh nằm trong tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc là tục thờ "tứ bất tử" (bốn người không chết): Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh.




Miếu Bà Liễu Hạnh
Bà Chúa Liễu Hạnh sinh năm 1557 vào thời vua Lê Anh Tông mới lên ngôi, vốn là người con gái quê ở xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, Nam Định. Tương truyền là công chúa con trời, ba lần từ bỏ cuộc sống đầy đủ trên thiên đình, xin vua cha xuống trần gian sống cuộc đời của một người phụ nữ bình dị với khát vọng tự do, hạnh phúc. Bà đã nhập thế đi chu du khắp nơi, kịp thời cứu giúp nhân dân gặp phải tai ương, khổ nạn. Người đương thời tôn sùng như một Phật Bà sống giữa trần gian, gọi một cách thành kính là Thánh Nữ, một cách dân giã là Bà Chúa Liễu.
Tôn hiệu thế tục đã gọi Bà Chúa Liễu Hạnh là: Chúa Tiên Thần Nữ, Tam Tòa Thánh Mẫu, Hòa Đại Vương và Cao các Quảng độ Thượng Đẳng Thần.




Tục thờ Bà Chúa Liễu Hạnh trong "Tứ bất tử" là một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp của dân tộc ta nói chung, Miếu thờ Bà Chúa Liễu Hạnh là công trình thờ phụng cụ thể hóa niềm tín ngưỡng tâm linh của dân làng Nam Ô nói riêng. Đó là tinh hoa chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử, biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, là chỗ dựa tâm linh trên vùng đất mới bao đời, để vươn tới khát vọng xây dựng một cuộc sống vật chất phồn vinh và tinh thần hạnh phúc.
Ba di tích Lăng Ông, Miếu Bà Liễu Hạnh, Dinh Cô Hồn là những di tích có giá trị, nó phản ánh đời sống tinh thần của người dân Nam Ô. Tuy nhiên 3 di tích này đang nằm trong vệt giải toả, dân làng Nam Ô rất mong giữ lại cụm di tích kể trên nhằm bảo tồn tín ngưỡng tâm linh truyền thống mà nhân dân và các chư phái tộc làng Nam Ô đang gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hoá trong suốt mấy chục năm qua.
          Thu Hà (Phòng VHTT)

http://lienchieu.danang.gov.vn/-/cum-di-tich-tin-nguong-lang-nam-1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.