Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

15/01/2018

Nghị hòa giữa Càn Long và Quang Trung, thành ra thân thiết như cha con (bản 2015, của Da Màu)

Để đọc chậm và đọc đúng những đóng góp của học giả Nguyễn Duy Chính trong nghiên cứu về Tây Sơn.

Mở đầu là toàn văn biên khảo Thanh - Việt nghị hòa. Bản đã đi trên trang Da màu vào năm 2015.

Đưa dần dần toàn bộ về bên này.




---


1.

More history’s made by secret handshakes
than by battles, bills and proclamations.
John Barth[1]


GIẢNG HÒA THEO SỬ CŨ …
Tài liệu triều Nguyễn chép về tiến trình nghị hòa và việc nhà Thanh phong vương cho vua Quang Trung rất giản lược.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép:
… Tháng 2, Khang An đến mạc phủ Thái Bình thuộc Quảng Tây. Văn Huệ sai bầy tôi là Ngô (Thì) Nhậm lén sang nhà Thanh để xin đầu hàng và tạ tội. Lại đem nhiều vàng lót cho Khang An, nài xin Khang An dàn xếp cho. Khang An đã được nhiều của lót, lại lấy làm may rằng nếu thôi việc dấy quân thì được ung dung vô sự, bèn tâu xin vua Thanh nên nhân đó cho Văn Huệ được thông hiểu, đừng gây hấn ở ngoài biên giới nữa. Vua Thanh y theo...[2]
Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, quyển XXX, Nguỵ Tây chép:
… Thế rồi Phúc Khang An đến Việt Tây [tức Quảng Tây] một lòng giảng hoà, viết thư lấy điều lợi hại mà trình bày. Huệ [Nguyễn Huệ] lấy vàng lụa rất nhiều đem đút lót để mong cho việc xong, lại đổi tên là Quang Bình rồi sai cháu là Nguyễn Quang Hiển cùng bồi thần Vũ Huy Tấn đem cống phẩm gõ cửa quan khẩn khoản xin nhập cận …[3]
Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, một bộ lịch sử tiểu thuyết có ảnh hưởng sâu rộng trong cả quần chúng lẫn giới nghiên cứu chép:
… Lại nói tân đốc thần Lưỡng Quảng là Phúc Long An [đúng ra là Khang An] là người thuộc Nhương Hoàng Kỳ Mãn Châu, từ ấm sinh lên đến chức vụ cao tột bực, được vua Thanh rất tin dùng, cho nên mới ủy thác cho việc lo liệu chuyện nước Nam.
Khi mới thay Nghị làm tổng đốc, theo đường dịch đến mạc phủ Quảng Tây, tận mắt thấy Nghị một thân chạy về, lại nghe Bắc Bình Vương thế mạnh, không khỏi có ý sợ sệt, lại nhận được thư ở biên cương, lấy hết can đảm đứng ra lo việc phương nam, bí mật nói với phân phủ họ Vương phủ Thái Bình rằng: “Nam Bắc bãi binh ấy là phúc của sinh linh mà cũng là việc cực may mắn cho kẻ biên thần! Ta nghe nước Nam có một bầy tôi chuyên về văn thư là Ngô Nhậm, vốn việc từ trát rất giỏi, vậy ông hãy trả lời cho y bảo y chuyên chú việc nghị hòa, viết biểu cho hay mà đệ lên, ta ở bên trong giúp cho thì việc thể nào cũng xong”.
Vương phân phủ đi ra, lập tức viết trát gửi Ngô Nhậm, Nhậm đem việc đó bẩm với Bắc Bình Vương. Vương tuy đã định được Bắc Hà nhưng biên cương phía nam vẫn còn chuyện phải lo nên đưa binh về, nhân dịp đó nói với chư tướng: “Việc binh ở Bắc Hà ta giao cho Văn Sở, Văn Lân còn việc Trung Quốc ta ủy cho Ngô Nhậm, Phan Ích, mọi việc cứ thấy phải thì làm. Khi ta về rồi, nếu việc không quan trọng thì không cần qua lại bẩm báo làm gì”[4]
Nếu như thế, việc giao thiệp với Trung Hoa tưởng như bỡn cợt nên hậu nhân coi cuộc giảng hòa không có gì quan trọng mà cả hai bên đều giả dối cho qua chuyện. Không hiếm tác giả hoàn toàn không đề cập đến việc tái lập bang giao mà coi xung đột vẫn tiếp tục dưới những hình thức khác cho đến khi Nguyễn Huệ từ trần.
Thực tế, việc qua lại với nhà Thanh cuối thế kỷ XVIII bao gồm nhiều việc lớn kế tiếp nhau mà trước đây riêng một việc cũng đã mất hàng năm [có khi nhiều năm], đi đi lại lại rất phiền toái, nay tuy thuận lợi nhưng không phải không phức tạp.

tóm tắt

Trong tiến trình đàm phán với phương bắc, hai bên không phải tuỳ ý muốn làm gì thì làm. Trung Hoa dưới triều Thanh Càn Long là một quốc gia lớn, có kỷ cương lề lối nên nhất nhất đều theo qui định trong điển lệ, vừa là khung hình luật pháp để nương theo, vừa là thứ tự làm mẫu mực cho đời sau tuân thủ.
Trên hình thức, nhà Thanh cố tình phô trương “sức mạnh nước lớn” để chứng tỏ với dân chúng, với lân bang rằng An Nam đã thần phục trong “một cuộc chiến mà không cần động binh”. Sức mạnh bề ngoài có tính “phùng xoè” được thi triển rất lớp lang, bài bản nhưng bên trong có thể ngược lại với những gì người ta nhìn thấy.
Thanh triều từ quan ngoại vào cai trị trung nguyên nên rất quan tâm đến việc phòng ngừa những cuộc nổi dậy [từ bên trong] và đe dọa [từ bên ngoài]. Song song với việc trấn áp nội loạn, Thanh triều cố gắng tạo một hình ảnh trưởng thượng đối với lân bang để các nước xung quanh phục tòng và làm “phên dậu” cho họ.
Chính sách ngoại giao vì thế có nhiều mặt, đối với những tiểu quốc kế cận thì làm sao cho họ thần phục và chấp nhận chế độ “triều cống”. Khi chấp nhận vai trò này, quốc trưởng các nước nhỏ phải được triều đình Trung Hoa phong vương để chính thức hóa vai trò của mình, sai người sang triều cống theo định kỳ, cáo ai [báo tin vua cũ chết] và cầu phong [cho vua mới]. Ðể đáp lại, hoàng đế nhà Thanh sẽ ban thưởng cho quốc vương và sứ bộ dưới danh nghĩa “hậu vãng bạc lai” (厚往薄來) [giá trị đồ thưởng nhiều hơn giá trị đồ tiến cống].[5]
Về lễ nghi, các triều đại Trung Hoa đều chú trọng cả hai phần: nội dung và hình thức. Nội dung là ý nghĩa triết học thuộc phần hình nhi thượng của văn hoá Trung Nguyên còn hình thức phô trương ra bên ngoài bao gồm lễ khí và nghi thức mà cổ nhân cho rằng cũng như “cây trúc có vỏ ngoài màu xanh, tùng bách có lõi hình tròn[6] hai bên phải tương ứng với nhau. Theo quan niệm đó, thiên tử là cốt lõi, là tâm điểm để mọi nơi hướng về cũng giống như các vì sao nhỏ chầu đến sao Bắc Thần [Bắc Cực] (chúng tinh củng chi). Tương quan giữa nước nhỏ và nước lớn, giữa thiên tử với phiên thuộc là một sắp đặt thiêng liêng mà mọi nước phải tuân thủ.
Việc tiểu quốc được công nhận và phong tước là sự thể hiện một trật tự xã hội để hai bên cùng có sự chính danh. Tiến trình công nhận vua Quang Trung vì thế vượt ra khỏi đàm phán giảng hoà mà là thiết lập quan hệ để nước ta có một vị trí theo tôn ti Khổng giáo, trước là đối với Trung Hoa, sau là sánh với các nước cũng thần phục thiên triều như Triều Tiên, Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng, Lưu Cầu… Trong cái trật tự tiền chế đó, những từ ngữ mà Thanh triều dành cho nước ngoài đều nhất nhất nói lên vị thế không sai chạy (quốc thư, sứ thần, bồi thần, tòng [tụng] thần, quốc vương, nhập cận, triều cống …) chưa kể tạo ra uy nghi của triều đình khiến cho người nước ngoài phải run sợ dù rằng thực tế có thể không đúng như vậy.[7]
Nói tóm lại, công nhận và phong vương không phải là nước lớn đáp ứng một yêu cầu của nước nhỏ mà là một chuỗi dài các tranh biện về lễ nghi để hợp thức hóa một triều đại chính thống.
Sau khi thoả thuận những điểm cơ bản đó, nước ta phải thực hiện một số “nhiệm vụ” trong quĩ đạo “phiên thuộc – thiên triều”, từ việc gửi thư sang trần tình, tạ tội đến đưa người sang dâng biểu cầu phong. Nước ta cũng phải tái tục lệ triều cống mà hai bên đã thực thi trong nhiều năm – ba năm một lần triều cống, sáu năm cho sứ thần mang cống phẩm cả hai lần gộp lại.
Khi công nhận nước ta là phiên thuộc, Thanh triều sẽ ban cho một quả ấn [lần này thay thế quả ấn ban cho Lê Duy Kỳ (vua Chiêu Thống) đã thất lạc] và một sắc thư chính thức công nhận Nguyễn Quang Bình (vua Quang Trung) làm An Nam quốc vương rồi cho người sang quốc đô làm lễ. Nước ta cũng phải chiếu theo cựu lệ mà tiếp đón.
Khi xem xét những qui luật lễ nghi đó chúng ta có thể hiểu được cơ sở tranh luận và lý lẽ của hai bên, những được và mất hầu không bị thành kiến chủ quan làm lệch lạc vấn đề.

điển tịch

Tài liệu của nước ta liên quan đến giao thiệp với Trung Hoa không nhằm ghi nhận những biến cố lịch sử mà chỉ ghi lại khuôn mẫu cho đời sau một khi gặp phải một trường hợp tương tự. Thư từ gửi đi phần lớn là những biện bạch để xin được công nhận và phong vương cho người đứng đầu nước. Dù thực tế có hiển nhiên và hợp lý thế nào chăng nữa, lời lẽ trong văn chương ngoại giao vẫn phải giữ vẻ khiêm cung coi như được thiên triều ban cho một đặc ân. Những văn kiện còn lưu lại trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí [phần Bang Giao Chí] (Phan Huy Chú), Bang Giao Lục (Lê Thống) , Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (Quốc Sử Quán triều Nguyễn), Tây SơnBang Giao Tập … cho thấy hai nước không trao đổi những vấn đề quốc gia (kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá …) mà chỉ minh xác một vị thế: nước ta phải thần phục nước lớn theo trật tự phiên thuộc – thiên triều.
Đọc lại văn thư Lê Lợi cầu phong với nhà Minh chúng ta mới hiểu tại sao đời Mạc, đời Lê trung hưng vẫn chỉ lập lại cùng một cách thức mà ai cũng biết rằng giả dối: dâng biểu do các kỳ lão khai là họ cũ không còn ai, nay thay một họ mới. Thảng hoặc đôi khi sứ thần nước ta có phản ứng khi tiếp xúc với Trung Hoa thì thường chỉ là tiếng kêu của kẻ yếu bị ức chế quá đáng chứ chưa hẳn là tranh biện để đòi hỏi một vị thế khác.
Cuối đời Lê, khi Nguyễn Huệ ra bắc diệt họ Trịnh, ông cũng lập lại như các thời trước (hẳn là do các văn quan nhà Lê chỉ dẫn). Đối với Trung Hoa, ông đưa ra một người họ Lê làm “giám quốc” nhưng thực tế là một thứ “bù nhìn”, không có thực quyền (tương tự như Trần Cảo sau khi đuổi được giặc Minh). Ngoài các tờ biểu suy tôn của một số sĩ phu để tìm sự chính danh ở Bắc Hà, ông còn ép Lê Duy Cẩn và triều thần viết thư sang Trung Hoa xin tự ý nhường quyền trị nước cho mình nhưng không thành công. Những người ký tên trong tờ biểu này về sau đã bị vua Chiêu Thống trừng phạt.
Khi quân Thanh sắp sửa sang đánh, vua Quang Trung cũng làm tờ khai [do các kỳ mục ký tên] để giãi bày tình hình chính trị và lý do tại sao trước đây ông phải đem quân ra Bắc. Chỉ sau khi Tôn Sĩ Nghị bại trận, tư thế mới dần dần thay đổi nhất là từ khi “bắt thóp” được đối phương đang cần nước ta cho một nhu cầu “quốc thể”, tiêu chí mà Phúc Khang An khi nhậm chức tổng đốc Lưỡng Quảng đã khẳng định với vua Càn Long rằng sẽ hết sức để chu toàn.
Để công nhận Nguyễn Huệ nhà Thanh phải có một lý do chính đáng (rất có thể chỉ là bịa đặt) nên Nguyễn Huệ đã khai rằng gia đình ông chín đời ở đất Tây Sơn, là người dân không quan tước (bố y) chỉ có liên hệ hôn nhân chứ không có tình nghĩa quân thần với vua Lê. Vin vào đó Thanh triều giải trừ việc kết án ông là loạn thần cướp nước mà trước đây họ đã nhân danh “hưng diệt kế tuyệt” để đem quân sang nước ta. Lý lẽ này hẳn hai bên có trao đổi để cùng chấp nhận được.
Thanh triều cũng nhất loạt đổ tội cho Lê Duy Kỳ [tức vua Chiêu Thống] đánh mất ấn tín, bỏ chạy trước làm hoảng loạn quân dân gây ra thất trận. Nhiều chứng cớ cho thấy thực tế chính Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy trước, vua Lê hốt hoảng chạy theo. Vả lại nội dung trong thư từ trao đổi bí mật giữa triều đình nhà Thanh với Tây Sơn không tiết lộ ra ngoài, dù nạn nhân có bị vu oan cũng không tài nào biện bạch.
Về trận đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ khai rằng ông chỉ muốn ra Thăng Long để bày tỏ phải trái với Tôn Sĩ Nghịnhưng vì quân thiên triều quá dũng mãnh nên đành phải chống đỡ cho khỏi chết chứ thực tâm không dám kháng cự thiên binh. Để chứng tỏ thành tâm, Nguyễn Huệ trả về các binh sĩ bị bắt coi như thực lòng qui thuận.
Trong khi đàm phán, nhà Thanh cũng gia tăng áp lực bằng cách đưa ra những điều kiện tương tự như các triều đại Trung Hoa trước đây đã đòi hỏi chẳng hạn như dâng đất (đời Mạc), cống voi (đời Lý), quốc vương đích thân sang chầu (đời Trần) hay lên Nam Quan làm lễ thụ phong (đời Lê Trung Hưng) … Những yêu sách đó đều bị bác bỏ và nước ta chỉ bằng lòng lập một đền thờ những người tử trận và xét xử [trên giấy tờ] những ai đã giết hại quan tướng nhà Thanh.
Để đáp lại yêu sách nếu quốc vương không tới Nam Quan xin phong vương thì phải cống người vàng, vua Quang Trung đã cho cháu là Nguyễn Quang Hiển “tuy đại do thân” (tuy thay mặt nhưng cũng như chính mình) đem biểu cầu phong lên kinh đô khiến vua Càn Long vui mừng công nhận Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương và xúc tiến các thủ tục bình thường hoá ngoại giao.
Trước hết là việc triều cống định kỳ (sách gọi là tuế cống). Đời Lê nước ta ba năm một lần triều cống nhưng sáu năm mới sai sứ đi một lần, mang theo cả hai lần cống phẩm. Lần sau cùng nước ta đem cống vật sang nhà Thanh là năm 1783 đời vua Hiển Tông, đến năm Kỷ Dậu 1789 vừa đúng 6 năm. Theo đúng thủ tục, cống phẩm phải đưa tới Lạng Sơn và thông báo cho quan nhà Thanh để trình lên, việc Thanh triều bằng lòng coi như chính thức công nhận.
Kế tiếp hoàng đế nhà Thanh sẽ ban cho nước ta một ấn bạc mạ vàng, núm hình lạc đà nằm và viết một sắc thư công nhận Nguyễn Quang Bình (vua Quang Trung) là An Nam quốc vương rồi sai người sang tuyên thị cho mọi người biết và từ đó quốc ấn mới được dùng để đóng vào công văn gửi đi các nước khác. Cũng từ đó, nhà Thanh mới gọi ông là quốc vương thay vì quốc trưởng (khi gửi riêng trong nội bộ có khi họ gọi là tù trưởng, trưởng mục …). Trong công văn, vua Quang Trung cũng không còn phải tự xưng là An Nam quốc tiểu mục, trưởng mục, tiểu phiên … như trước.
Những thủ tục hình thức ấy được thực hiện gấp rút một cách bất thường không phải vì nhà Thanh khiếp sợ như nhiều người suy diễn mà ẩn náu một đòi hỏi là vua Quang Trung phải minh định sẽ đích thân sang chúc thọ vua Càn Long năm Canh Tuất.
Tuy đây là một mặc cả khá thuận lợi cho nước ta nhưng lại dấy lên nhiều quan ngại. Việc lần đầu tiên trong lịch sử một quốc vương An Nam sang triều cận có thể đưa đến hoang mang và dị nghị trong quần chúng. Ngoài nguyên nhân thực tế phải xa nước lâu ngày, vua Quang Trung cũng sợ Thanh triều dùng kế điệu hổ ly sơn, nhân cơ hội mình vắng nhà mà đưa vua Chiêu Thống về nước.[8]
Để bảo đảm rằng vai trò của Lê Duy Kỳ đã hoàn toàn bị loại trừ, Phúc Khang An sắp xếp cho phái đoàn Nguyễn Quang Hiển được gặp vua Chiêu Thống và tòng vong – nay đã cắt tóc thay áo theo y phục nhà Thanh – hiện đang an tháp ở Quế Lâm. Viên tổng đốc Lưỡng Quảng cũng bí mật sai người đưa nhóm đầu não thân Lê ở trong nước ra bên ngoài rồi giữ họ lại trước khi cử người sang Thăng Long làm lễ phong vương.[9]
Tuy nhiên, một sự việc tương đối trái chiều khiến nhiều dự định phải thay đổi. Khi vua Càn Long chấp thuận cho cháu vua Quang Trung là Nguyễn Quang Hiển lên kinh đô chiêm cận (triều kiến hoàng đế) như một hình thức thay mặt quốc vương sang chầu, nhà Thanh đã có ý làm rềnh rang nhằm khoả lấp việc thua trận, đồng thời nêu cao thành quả “thắng mà không cần dụng binh” nên ngoài việc tiếp đãi long trọng trên đường đi, ông cũng cho Nguyễn Quang Hiển được dự yến với các vương công đại thần và làm một đại lễ trao sắc ấn ở kinh đô để sứ thần An Nam mang về nước.
Vua Càn Long cũng muốn phô trương việc công nhận Nguyễn Quang Bình mà ông chủ quan cho rằng uy tín của thiên triều sẽ triệt tiêu sự chống đối của thành phần hoài Lê ở Bắc Hà – một hình thức thi ân để vua Quang Trung càng thêm kính sợ. Ngay khi Nguyễn Quang Hiển còn trên đường lên Bắc Kinh, vua Thanh đã gửi một đặc dụ và một bài ngự thi xuống Quảng Tây với lời dặn Phúc Khang An phải cho người đích thân mang sang Thăng Long giao tận tay cho vua Quang Trung hầu công bố cho toàn cõi An Nam biết rằng mệnh trời đã đổi và ngầm ý rằng khi Nguyễn Quang Hiển mang sắc ấn về thì Phúc Khang An sẽ đích thân sang phong vương để sự công nhận vua Quang Trung còn huy hoàng hơn Tôn Sĩ Nghị trước đây làm lễ cho vua Chiêu Thống.
Việc hai sứ bộ kế tiếp nhau (thông báo trước, phong vương sau) theo kế hoạch của vua Càn Long nảy sinh nhiều trở ngại về tổ chức cũng như thực hiện. Sau nhiều năm binh hoả, nhân hoạ, thiên tai kinh đô Thăng Long nay tiêu điều, hoang phế không còn được sầm uất như trước, nếu tổ chức phong vương ở đây sẽ phải tốn phí rất nhiều tài lực, nhân lực cho việc trùng tu. Quan trọng hơn, với niềm tin vào “phong thuỷ” và ám ảnh của người dân Nam Á, vua Quang Trung muốn việc thay đổi triều đại phải đi kèm với việc dời đô như truyền thống của Chiêm Thành, Xiêm La … Việc xây dựng kinh đô mới ở Nghệ An, sắp xếp cung điện, cưu tập dân chúng cần một thời gian khá dài nên tuy xây dựng gấp rút cũng chưa sẵn sàng để thành một quốc đô bề thế.
Về phần Phúc Khang An, chủ đích không phải là làm cho việc phong vương thêm long trọng mà là ép vua Quang Trung cam kết sang chúc thọ vào năm sau – một công tác ảnh hưởng rất lớn đến hoạn lộ của ông ta[10]. Kế hoạch hai sứ đoàn, hai nhiệm vụ đòi hỏi phải chuẩn bị lớp lang mà thời gian lẫn phương tiện hầu như bất khả.
Vì tình hình cấp bách trong khi nhiều vấn đề lớn cần giải quyết ngay nên Thanh triều đã gộp chung phái đoàn tiền sát [đem đặc dụ và ngự thi] và phong vương làm một đưa đến sự hoang mang và lúng túng cho cả hai bên. Thay vì chỉ một sứ đoàn với một nhiệm vụ, sứ bộ phong vương cho vua Quang Trung đã bao gồm ba thành phần gồm ba nhiệm vụ khác nhau:
1. Hậu bổ đạo[11] Thành Lâm mang theo tờ đặc dụ của vua Càn Long (dùng như một văn kiện thay thế sắc thư công nhận),
2. Thự đồng tri[12] Vương Phủ Đường mang bài ngự thi ban tặng (trên hình thức thay thế quốc ấn),
3. Đặc mệnh của Phúc Khang An do viên tổng quản thân tín sang trao đổi về việc triều cận (trên danh nghĩa đem quà sang chúc mừng).
Chính vì thành phần đa dạng, trong văn thư hai bên trao đổi đã phân biệt sắc sứ (sứ thần mang sắc dụ) và đại viên (viên chức lớn) mang ngự thi là hai người thay mặt Thanh đình [đều do Phúc Khang An chỉ định, không phải vua Càn Long sai đi] nhưng ít ai nhận ra sự phân biệt đó. Riêng viên tổng quản là một thành phần bán công khai nên chỉ mãi về sau nước ta mới biết và nhắc đến trong các thư từ giao thiệp với Phúc Khang An.
Chính vì lễ phong vương cho vua Quang Trung không có sắc ấn [Nguyễn Quang Hiển đang trên đường mang từ Bắc Kinh về nước] nên triều đình Tây Sơn nghi ngại và tìm đủ cách để thay đổi việc phong vương. Đây cũng là lần đầu tiên mà sứ giả nhà Thanh phải chờ đợi đến hai tuần ở Nam Quan và khi đến ngoại ô kinh đô lại phải tạm trú gần một tháng ở Gia Quất với lý do chờ vua Quang Trung [bị bệnh] chưa ra đến Thăng Long. Triều đình Tây Sơn cũng mấy lần xin đổi địa điểm, khi thì đòi vào Nghệ An là kinh đô mới, khi lại xin vào Phú Xuân là cựu đô của chúa Nguyễn, dân cư trù mật thành quách huy hoàng.
Ngoài việc phong vương bị trở ngại, quyết định sang dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ cũng không dứt khoát vì vua Quang Trung chưa có đủ tin tức để đánh giá về sự thành thật của Thanh triều [phái đoàn Nguyễn Quang Hiển đang trên đường trở về]. Thêm nữa, trước đây Tôn Sĩ Nghị có gửi thư cho Xiêm vương yêu cầu đem quân chặn đường rút lui của quân Tây Sơn một khi bị đánh bại. Vì thông tin bị chậm trễ (do chuyển đi theo thuyền buôn) nên đến tháng Hai (năm Kỷ Dậu, khi quân Thanh đã thua trận) vua Xiêm mới nhận được và yêu cầu chúa Nguyễn Ánh (Gia Định khi đó coi như thuộc quốc của Xiêm La) động binh. Tháng Năm, chúa Nguyễn chuẩn bị ra quân, một mặt cho chở lương thực (bằng đường biển) yểm trợ quân Thanh (nhưng bị bão đánh chìm) đưa đến những nghi ngại mà vua Quang Trung cho rằng nhà Thanh dùng kế điệu hổ ly sơn, dụ ông ra Thăng Long để đánh tập hậu bằng đường thuỷ vào Thuận Hoá.
Sau hơn một tháng giằng co, sau cùng thì ngày 15 tháng Mười năm Kỷ Dậu [vốn ấn định vào cuối tháng Tám hay đầu tháng Chín] việc phong vương cũng hoàn tất. Nương theo thế đang được chiều đãi, vua Quang Trung yêu cầu mở cửa thông thương ở biên giới để giải tỏa một số áp lực về kinh tế trong mấy chục năm qua. Lá thư chính thức gửi lên vua Càn Long nhân danh tân quốc vương mới được phong cũng để đến sau lễ khai ấn vào ngày đầu năm [đến giữa tháng Một thì Nguyễn Quang Hiển mới về đến Nam Quan].
Việc thay đổi và trì hoãn đưa tới nhiều đồn đãi – nhất là trong giới cựu thần nhà Lê – về những trá ngụy và tranh chấp khiến Phúc Khang An phải đề nghị cho người giả đi thay. Tuy nhiên, nếu không bị ảnh hưởng bởi thuyết âm mưu (conspiracy theories) thường gặp trong tiểu thuyết đời Minh Thanh mà đi sâu vào thủ tục, nghi lễ dựa trên văn thư chính thức còn lưu lại của hai phía thì chúng ta sẽ có những nhận định phù hợp hơn.
Khi nhận ra những bất toàn của phía nhà Thanh, triều đình Tây Sơn dùng chính các nguyên tắc lễ nghi [là những tiêu chí và tôn chỉ họ đề cao] để bẻ lại những yêu sách hay thay đổi không thích hợp – một hình thức “gậy ông đập lưng ông” khiến cho đối phương phải nhượng bộ. Nói tóm lại, tiến trình ngoại giao Thanh – Việt cuối thế kỷ XVIII là một hình thức “đấu trí” mà nhà Thanh tưởng rằng trong cương vị đại quốc họ có ưu thế áp đặt nhưng những đòi hỏi của họ đều bị giới nho gia nước ta phủ bác.

tài liệu

việt nam

Về việc nhà Thanh công nhận vua Quang Trung, chính sử triều Nguyễn [Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Thực Lục hay Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện] ghi chép rất sơ sài, có thể nói là làm cho có lệ. Điều đó cũng dễ hiểu vì triều đại Tây Sơn là triều đại bị lãng quên và sử chép về họ có lẽ chỉ được bổ túc vào hậu bán thế kỷ XIX khi có sự thỉnh cầu và phê phán của giới nho gia miền Bắc. Khu vực Đàng Ngoài là một khu vực mới chinh phục, vốn dĩ bị triều đình nhìn bằng cặp mắt nghi kỵ, không được coi là đi cùng chiều với Đàng Trong.
Tuy tài liệu về tổ chức hành chánh, kinh tế, quân sự … thời kỳ Tây Sơn hầu như rất ít – và chỉ được ghi chép trong dã sử do người ngoài triều đình ghi nhận theo lối mắt thấy tai nghe – nhưng việc giao thiệp với Trung Hoa thì khá phong phú so với những thởi kỳ khác khiến chúng ta phải dấy lên một số câu hỏi. Những tài liệu về thời kỳ này chủ yếu là văn thư trao đổi giữa hai bên, khi thoả hiệp, khi tranh biện mà mục đích chính yếu là nghi lễ vốn dĩ rất được coi trọng. Những nho sĩ được giao cho công tác giao thiệp với Trung Hoa đều thấy đây là một ân điển đặc biệt lớn rất vinh dự cho gia đình, cho dòng họ. Những người được cử đi sứ cũng rất phấn khởi nên nhiều thi tập ghi lại hành trình còn tồn lưu cho thấy họ hoàn toàn không bị ép buộc hay miễn cưỡng, lại càng không phải bị đặt vào thế phải tham gia một vở kịch đem tính mạng ra đánh cuộc.
Theo Thư Mục về Tây Sơn Nguyễn Huệ do Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp thuộc sở Văn-Hoá Thông Tin, Uỷ Ban Khoa Học – Kỹ Thuật tỉnh Nghĩa Bình (Nguyễn Trí Sơn biên tập nội dung) ấn hành năm 1988 tại Hà Nội thì tới thời gian đó đã có tới 1623 tài liệu/sách/bài viết về thời kỳ này. Trong số các tài liệu ghi nhận, phần lớn là các bài viết hay sách nghiên cứu. Số lượng tài liệu gốc thực sự không nhiều và lẫn lộn nhiều văn kiện không mấy giá trị.
– Tây Sơn Bang Giao Tập (西山邦交集), còn có tên là Bang Giao Lục (邦交錄), hiện nay còn hai bản sao các văn thư qua lại, tàng trữ trong kho sách Viện Hán Nôm chép các tài liệu và văn thư ngoại giao đời Tây Sơn:
– A. 1916 nhan đề Bang Giao Lục, 183 trang
– A. 2364 nhan đề Tây Sơn Bang Giao Tập, 114 trang
Tài liệu viết tháu, khó đọc nhưng có nhiều văn thư đặc biệt trong chuyến đi của vua Quang Trung sang Yên Kinh. Nếu tổng hợp và đối chiếu với những tài liệu khác chúng ta có thể dựng lại nghi lễ và bang giao với Trung Hoa đầu đời Cảnh Thịnh (khi vua Càn Long còn tại thế).[13]
– Bang Giao Hảo Thoại (邦交好話), tác giả Ngô Thì Nhậm (呉時任)
Ngô Thì Nhậm (1746-1803), tiến sĩ khoa Ất Mùi (1746) tự Hi Doãn, hiệu Đạt Hiên được phong tước Tinh Phái Hầu. Bang Giao Hảo Thoại hay Bang Giao Tập là tập hợp văn thư giao thiệp chủ yếu là nghị hoà thời Quang Trung và giao thiệp với nhà Thanh thời Cảnh Thịnh.
– Dụ Am Văn Tập (裕庵文集), tác giả Phan Huy Ích (潘輝益) TVKHXH A.604
Phan Huy Ích (1751-1822) tự Khiêm Thụ Phủ, hiệu Dụ Am giữ việc bang giao đời Quang Trung cùng với Ngô Thì Nhậm, được phong tước Thuỵ Nham Hầu.
Sách chép tay, gồm 8 quyển (sách), các quyển I, II, III, IV chép các loại biểu chương, giản trát gồm nhiều văn thư liên quan đến việc bang giao đời Tây Sơn.
– Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập (華原隨步集), tác giả Vũ Huy Tấn (武輝瑨)
Vũ Huy Tấn (1749-?), tự Tự Chiêu, người Mộ Trạch đời Tây Sơn làm thị lang bộ Công, phong tước Hạo Trạch Hầu. Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập ghi lại một số văn thơ của VHT trong chuyến đi sứ lần đầu năm Kỷ Dậu (1789) từ khoảng tháng Năm đến tháng Chạp. Lần này ông làm phó sứ tuế cống cho Hô Hổ Hầu Nguyễn Hữu Trù sau khi nhà Thanh công nhận Nguyễn Quang Bình [vua Quang Trung] làm An Nam quốc vương. Chuyến đi này khá đặc biệt vì cùng với Nguyễn Quang Hiển là cháu vua Quang Trung thay mặt sang triều cận và được vua Càn Long đặc biệt cho cầm sắc ấn mang về.
Bản chúng tôi có trong tay là bản chép tay số hiệu A 375 của Viện Hán Nôm Hà Nội, được in lại theo lối ảnh ấn trong Việt Nam Hán Văn Yên Hành Văn Hiến Tập Thành, quyển số VI [đệ lục sách] từ trang 293 đến 343. Bản viết rõ ràng theo lối chân phương, mỗi trang 9 hàng, mỗi hàng 20 chữ.
Trong phần “Tự” ông kể khá rõ ràng việc ông được vời ra sau khi vua Quang Trung đánh tan quân Thanh và cần người giao thiệp với phương bắc nên được đưa lên Lạng Sơn hầu mệnh rồi được cử đi sứ ngay. Tuy không cho biết quan điểm của ông trong các vấn đề quan trọng khác nhưng với lối tường thuật cuộc hành trình chúng ta biết rằng những ghi nhận của họ Vũ được đánh giá rất cao và ngay khi vừa về đến nhà ông lại được đi trong sứ bộ của vua Quang Trung năm Canh Tuất.
– Lịch Triều Tạp Kỷ (歷朝襍紀), tác giả Ngô Cao Lãng (呉高朗)
Lịch Triều Tạp Kỷ là sách chép tay, tất cả 6 quyển nhưng nay chỉ còn 5 (quyển V chưa tìm thấy).[14] Trong công việc giao thiệp với phương Bắc, một số tài liệu hiếm có được trích lại trong quyển VI, nhan đề Chiêu Thống Đế. Tuy chép về vua Chiêu Thống nhưng có phần phụ Tây Sơn Vương chép nhiều chuyện bang giao và tình hình miền Bắc tương đối trung thực. Về tài liệu, một số văn thư gốc được sao lục phần lớn tìm thấy trong Đại Việt Quốc Thư, Bang Giao Hảo Thoại hay Dụ Am Văn Tập nên có lẽ tác giả cũng tham chiếu từ các nguồn này. Cũng có một số tài liệu không thấy xuất hiện ở nơi khác nhưng nội dung ăn khớp với tài liệu nhà Thanh nên có thể tin rằng Ngô Cao Lãng sưu tầm được nhiều tư liệu hiếm có còn tồn tại ngay trong thời ấy.
– Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (歷朝憲章類誌) của Phan Huy Chú (潘輝注)
Phan Huy Chú (1782-1840), tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong tuy chỉ đỗ tú tài nhưng là một nhà nho uyên bác. LTHCLC chép theo chí truyện là tác phẩm kỹ càng về công việc tổ chức hành chánh và điển nghi của triều đình gồm 49 quyển chia làm 10 loại. Bang Giao Chí chép từ quyển 46-49.
– Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (欽定大南會典事例) gồm 262 quyển do nội các triều Nguyễn biên soạn.
Bộ sách này được khởi thuỷ soạn từ đời Thiệu Trị sang đến năm Tự Đức thứ 4 thì xong chia theo cách thức của Đại Thanh hội điển sự lệ. Phần Bang Giao chép trong quyển 129 có thể dùng để đối chiếu về đường đi của sứ bộ từ Lạng Sơn xuống Thăng Long.

trung hoa

Tài liệu của Trung Hoa tương đối phong phú vì nhà Thanh có một hệ thống lưu trữ rất hoàn chỉnh. Các văn thư thường có bản sao được giữ ở cả trung ương lẫn địa phương chưa kể để dùng như phương thức tham chiếu ngày nay, những chi tiết quan trọng thường được chép nguyên văn ở những văn thư liên hệ. Đối chiếu và chọn lọc từ nhiều nguồn chúng ta có thể minh hoạ khá chi tiết các phản ứng của Thanh triều, đặc biệt là thái độ và cách xử trí của vua Càn Long. Các quan ở địa phương sẽ nương theo quan điểm của hoàng đế mà vạch ra một hướng đi cho thuận lý.
Theo các tác giả Đài Loan từng nghiên cứu về các chiến dịch đời Càn Long như Trang Cát Phát hay Lai Phúc Thuận, chúng ta biết rằng một số số văn thư gốc liên quan đến thời kỳ này hiện lưu trữ trong kho đáng án của Cố Cung Bác Vật Viện. Tuy một số văn bản đã công bố, nhiều tài liệu còn bị bỏ quên trong kho tài liệu đồ sộ của Hoa lục hay Đài Loan và nếu có điều kiện chúng ta có thể tìm thấy nhiều tư liệu đáng chú ý trong việc nghiên cứu lịch sử nước ta.
Một trong những khó khăn khi sử dụng văn bản là thường không có ngày tháng. Các tấu triệp, dụ chỉ ít khi ghi ngày gửi mà thường chỉ ghi ngày nhận công văn nên thời gian giữa lúc gửi đến lúc nhận có thể từ vài tuần đến hàng tháng, nhất là từ những nơi xa xôi như Quảng Tây, Nam Quan hay thậm chí Thăng Long. Vào thời điểm quyết liệt, thời gian qua lại này có thể làm đảo ngược tình thế và nếu không tìm hiểu cho kỹ, chúng ta có thể đưa ra những kết luận không thích đáng.
– Khâm Định An Nam Kỷ Lược (欽定安南紀略)
Khâm Định An Nam Kỷ Lược là tập hợp những văn thư quan trọng nhất trong chiến dịch đánh An Nam, tổng cộng 32 quyển gồm 2 quyển Thiên Chương Nhất/Nhị và 30 quyển thư từ qua lại giữa triều đình và các tỉnh kể cả một số văn thư từ nước ta. Tài liệu chúng tôi dùng là bản trong cung do Phương Lược Quán tập hợp hiện tàng bản tại Cố Cung Bác Vật Viện (故宮博物院) Bắc Kinh. Hải Khẩu: Hải Nam xbx in theo lối ảnh ấn năm 2000. Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo bản chép tay nhan đề An Nam Kỷ Lược (安南紀略) 32 quyển trong Trung Quốc Văn Hiến Trân Bản Tùng Thư (中國文献珍本叢書), Thư Mục Văn Hiến xbx, 1986. Bản dịch NDC (chưa xb). Vấn đề nghị hòa chiếm gần một nửa bộ sách từ quyển XIII đến hết quyển XXVI.
– Thanh Thực Lục (清實錄)
Thanh Thực Lục hay Đại Thanh Lịch Triều Thực Lục (大清歷朝實錄) là bộ sách lớn chép theo lối biên niên của toàn bộ triều Thanh. Tài liệu tham khảo về giai đoạn nghị hoà này chủ yếu nằm trong Càn Long Triều Thực Lục (乾隆朝實錄), còn gọi là Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Đế Thực Lục hay Cao Tông Thực Lục, năm Kỷ Dậu (Càn Long 54) bao gồm các quyển 1231-1345 in theo lối ảnh ấn của Trung Hoa Thư Cục, Bắc Kinh 1985-7.
– Đông Hoa Tục Lục (東華續錄)
Đông Hoa Tục Lục do Vương Tiên Khiêm [王先謙] (1842-1918) biên tập, tổng cộng 5 sách, trong bộ Cận Đại Trung Quốc Sử Liệu Tùng San Tam Biên do Văn Hải ấn hành theo lối ảnh ấn năm 2006. Sách số 5 từ quyển 39-48 chép đời Càn Long từ năm 50-60 nhưng tài liệu nghị hoà chủ yếu trong quyển 43. Đông Hoa Tục Lục in theo lối cũ, chữ rất nhiều chia ra thành từng tháng nhưng không phân biệt rõ nên cũng khó tra tìm.
– Thanh Cung Nhiệt Hà Đáng Án (淸 宮 热河 档案)
Toàn bộ tổng cộng 18 quyển, do Trung Quốc Đệ Nhất Lịch Sử Đáng Án Quán thực hiện và ấn hành năm 2003 bao gồm các văn thư khi hoàng đế ở Nhiệt Hà tránh nóng hàng năm. Các quyển liên quan đến nước ta đời Tây Sơn là quyển 6 và 7. Đây là bản chụp nguyên văn, có cả châu phê và con dấu nguyên thuỷ. Về giao thiệp nghị hoà, Nhiệt Hà Đáng Án có rất ít vì tài liệu về giai đoạn này vì đã được tập trung để soạn An Nam Kỷ Lược và Thực Lục. Tuy nhiên nhiều chi tiết nhỏ lại soi sáng những vấn đề khá quan trọng, chẳng hạn nguyên do việc vua Quang Trung được ban y phục thân vương, một ân sủng đặc biệt nhưng đến nay sử gia nước ta đánh giá sai đã đành mà chính các sử gia Trung Hoa cũng nhầm lẫn về sự quan trọng của nó.
– Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng (乾隆朝上諭檔)
Là một tập hợp đồ sộ bao gồm tất cả các sắc dụ đời Càn Long do Trung Quốc Đệ Nhất Lịch Sử Đáng Án Quán biên tập, Đáng Án xbx Bắc Kinh ấn hành (tổng cộng 18 quyển) năm 1991. Phần Thanh Việt nghị hoà nằm trong quyển XIV, XV. Các văn thư quan trọng có thể được nhận biết vì do chính Hòa Thân (Khôn) trong Quân Cơ Xứ viết tay (tự ký) và gửi đi theo lối hỏa tốc (600 dặm một ngày).
– Cung Trung Đáng Càn Long Triều Tấu Triệp (宮中檔乾隆朝奏摺)
Tập hợp các tấu triệp đời Càn Long của các địa phương và trung ương tâu lên hoàng đế do Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc in lại theo lối ảnh ấn năm Dân Quốc 76-7 (1987-8), nhiều tài liệu bị tàn khuyết có đóng dấu “nguyên đáng tàn tổn”. Tập tài liệu này quí giá vì là nguyên bản, nhiều nơi có châu phê của vua Càn Long và ngày tháng rõ ràng, có chỗ bị bôi đen cần phục hồi để xem tài liệu vì sao bị dấu bớt. Vì phần lớn là văn thư mật do chính người gửi viết nên có thể nhận ra tự tích của Tôn Sĩ Nghị, Phúc Khang An, Tôn Vĩnh Thanh … Đây là nguồn tài liệu rất đồ sộ và quí giá, phần liên quan đến nghị hoà với nước ta có thể tìm thấy trong các tập 67-74. Với lối hành văn, cách gửi thư và tình hình qua lại theo hệ thống hành chánh của triều Càn Long, chúng ta biết được cách giải quyết vấn đề công nhận triều đại Nguyễn Tây Sơn.
– Minh Thanh Sử Liệu [明清史料] Thẩm Vân Long [沈雲龍] chủ biên
do Văn Hải ở Đài Bắc ấn hành năm 1967. Trong bộ này, chỉ riêng Canh Biên có nhiều tài liệu về nước ta, từ thời Lê trung hưng đến đời Tự Đức được in lại trong bộ Thanh Quý Nội Các Đáng Án Toàn Tập [清季内阁档案全辑] (Bắc Kinh: Học Uyển xbx, 1999) các quyển 11, 12. Những tài liệu này tuy không phải ảnh chụp nhưng đều sao lại theo nguyên bản có một số văn thư riêng mà không đâu có cho ta một số chi tiết giải quyết được nhiều nghi vấn của giai đoạn này.
Ngoài những văn liệu gốc nêu trên, một số công trình tập hợp tài liệu thành một chuyên đề cũng đóng góp rất nhiều giúp cho người nghiên cứu giảm thiểu thời gian tìm kiếm và sao lục:
– Trung Quốc Xã Hội Khoa Học Viện Lịch Sử Nghiên Cứu Sở (中国社会科学院历史硏究所) Cổ Đại Trung Việt Quan Hệ Sử Tư Liệu Tuyển Biên (thượng và hạ) (古代中越关系史资料迭编). Bắc Kinh: Trung Quốc Xã Hội Khoa Học xbx, 1982.
– Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Vân Nam (云南省歷史研究所). Thanh Thực Lục: Việt Nam, Miến Ðiện, Thái Quốc, Lão Qua sử liệu trích sao (清實錄: 越南緬甸泰國老撾史料摘抄). Côn Minh: Vân Nam nhân dân xbx, 1985
Những bộ sách nêu trên đã tập hợp gần như toàn bộ văn thư qua lại giữa triều đình nhà Thanh và địa phương. Bản chính những tài liệu của nước ta – các tấu thư gửi sang Thanh triều – có lẽ một số vẫn còn trong văn khố mặc dù cũng bị huỷ hoại nhiều trong thời kỳ binh lửa.

nghiên cứu – tiểu luận

Bang giao và quan hệ Trung Hoa – Việt Nam cũng là một đề tài lớn có nhiều tác giả nghiên cứu nhưng thường kéo dài nhiều thời kỳ và nhấn mạnh vào cận đại sử. Những tập tài liệu đó có ích cho việc nhìn vấn đề một cách tổng quát, thường chỉ là một bộ phận của triều đình Trung Hoa nhưng lại khá quan trọng đối với các triều đại của nước ta.
– Tôn Hoành Niên (孫宏年). Thanh Ðại Trung Việt Tông Phiên Quan Hệ Nghiên Cứu (清代中越宗藩關繫研究) Hắc Long Giang Giáo Dục xbx, 2006.
– Lý Quang Ðào (李光濤). Ký Càn Long Niên Bình Ðịnh An Nam Chi Dịch (記乾隆年平定安南之役 ). Ðài Bắc: Trung Ương Nghiên Cứu Viện Lịch Sử Ngữ Ngôn Nghiên Cứu Sở, 1976
– Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究). Ðài Loan: Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982.
Nghiên cứu riêng về giao thiệp Thanh – Việt liên quan đến nghị hoà đời Tây Sơn của các học giả Trung Hoa, Nhật Bản … cũng chưa nhiều, phần lớn là những tiểu luận đăng tải trên các tập san Sử học nhưng cũng có thêm nhiều chi tiết mới.
Trang Cát Phát (莊吉發) viết tương đối kỹ lưỡng trong luận văn nhan đề “Hưng Diệt Kế Tuyệt – Tự Tiểu Tồn Vong: Thanh Cao Tông Dụng Binh Ư An Nam Đích Chính Trị Lý Niệm” (興滅繼絕字小存亡清高宗用兵於安南的政治理念)[15]để giải thích về lý do nhà Thanh đem quân sang nước ta. Tuy đưa ra nhiều tài liệu mới mẻ nhưng Trang Cát Phát đã không nhận được một điều cốt lõi mà Tôn Sĩ Nghị che dấu. Gia quyến họ Lê không chạy sang cầu cứu Thanh triều mà chỉ chạy trốn một cuộc thảm sát và nhiều sự kiện được nguỵ tạo để Tôn Sĩ Nghị có cớ dụng binh ngõ hầu thăng quan tiến chức.
Tiếp theo, Trang Cát Phát cũng có viết thêm một bài nhan đề “Thanh Cao Tông Sách Phong An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình Thuỷ Mạt” (清高宗册封安南國王阮光平始末)[16] để biện minh cho việc công nhận triều đại Tây Sơn.
Trương Minh Đương (张明當) trong một tiểu luận nhan đề “Phúc Khang An Dữ Càn Long Mạt Trung An Tông Phiên Quan Hệ Đích Tu Phục” (福康安与乾隆末中安宗藩关系的修复)[17] miêu tả khá chi tiết về thủ đoạn của Phúc Khang An trong tiến trình nghị hoà với nước ta.

đồ họa

Tranh ảnh và tài liệu về việc giao thiệp và nghị hòa với nhà Thanh hiện nay rất hiếm hoi. Ngay cả bản đồ thời Lê cũng không dễ dàng. Hiện nay nước ta chỉ còn bộ Hồng Đức Bản Đồ (洪德版圖) do Bộ Giáo Dục, Saigon ấn hành năm 1962 (Tủ Sách Viện Khảo Cổ, số III) là bản chụp từ âm bản microfilm nên cũng không rõ ràng lắm.
Trong tập bản đồ này, bức vẽ quan trọng nhất là bản đồ Trung Đô, tức Thăng Long (từ trang 6-9) có kinh thành và những kiến trúc nổi bật như Vương Phủ, tháp Bảo Thiên và nhất là các cung điện.[18] Điều đáng tiếc là từ triều Tây Sơn sang triều Nguyễn, cố đô Thăng Long nhiều thay đổi nên khôi phục nguyên trạng khung cảnh khi Nguyễn Quang Bình được phong vương có nhiều khó khăn. GS Hoàng Xuân Hãn đã cố gắng vẽ lại nghi vệ, lỗ bộ và sắp xếp của triều đình nước ta trong kỳ lễ phong vương năm Quí Hợi (1683) cho vua Lê Hi Tông (đời Khang Hi). Hành trình của sứ bộ nhà Thanh cũng gần đúng như phái đoàn Thành Lâm nên hai lần phong vương có thể tham chiếu và bổ túc.
Về phía Trung Hoa, đời Càn Long là một thịnh thế nên nhiều loại đồ hoạ, trường đồ rất qui mô và vĩ đại do hoạ công trong triều thực hiện. Bức tranh liên quan đến việc công nhận vua Quang Trung là “Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ” (阮惠遣姪阮光顯入覲賜宴之圖) trong bộ tranh An Nam Chiến Đồ vẽ phái đoàn Nguyễn Quang Hiển triều kiến vua Càn Long tại Thanh Âm Các ở Nhiệt Hà.

nhận xét

Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi phát hiện khá nhiều tài liệu liên quan đến bang giao Thanh Việt đời Tây Sơn, hoặc được sao lục riêng thành một quyển riêng, hoặc lẫn trong di văn của các viên chức có tham gia vào công việc từ lệnh của cả Việt Nam lẫn Trung Hoa. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại cho lớp lang, thứ tự và nhất lả nêu lên được những trọng điểm cho từng thời kỳ tương đối phức tạp vì có nhiều chi tiết bị che khuất cũng như biến đổi theo thời gian.
1. Tài liệu đã bị sửa và chép đi chép lại nhiều lần và không còn như nguyên thuỷ. Tài liệu nước ta chủ yếu nằm trong các thư viện tư gia bị ảnh hưởng của thời thế đã đành nhưng ngay cả tài liệu nhà Thanh vốn dĩ là đáng án, nhiều văn kiện cũng đã bị thêm bớt cho phù hợp với ý muốn của triều đình và che dấu những sai lầm của cấp trên.
2. Tài liệu thường không có ngày tháng gửi hay nhận nên phải so sánh nội dung và những chi tiết để phỏng đoán thời điểm được soạn thảo. Thời điểm viết ra và thời điểm nhận được thường có một khoảng cách nên việc tính toán để biết được hiện trạng khi lưu hành văn thư đóng góp đáng kể vào việc lượng giá vấn đề. Văn thư đời Thanh tuỳ theo mức độ khẩn và mật, được chuyển đi theo những dạng thức khác nhau, tốc độ khác nhau nên cần am tường nguyên tắc để lượng giá cho chính xác.
3. Nội dung tài liệu chưa hẳn đã phản ảnh sự thật. Ngoài ngôn từ ngoại giao nói cho đẹp lòng người nhận, nhiều trường hợp một lý do nêu lên không đúng như diễn tiến và cần phải đọc những văn bản khác để minh xác thực tế lúc đó như thế nào.
Một cách tổng quát, tài liệu thời Tây Sơn tập trung chính yếu trong hai hạng mục:
1. Văn thư ngoại giao (được gọi chung là quốc thư) chủ yếu là ghi chép về các thủ tục, tiến trình liên lạc với nhà Thanh có lẽ được dùng làm tài liệu tham khảo cho triều Nguyễn hơn là mục tiêu lưu giữ tài liệu dùng trong việc soạn sử.
2. Thơ văn xướng hoạ và ngâm vịnh khi sang Trung Hoa, khi dự tiệc hay thăm viếng thắng cảnh. Một số thư từ thù tạc không quan trọng nhưng cũng được bảo tồn như để đánh giá sự quan trọng của tác giả trong khi đi sứ.
So sánh di văn của nước ta với tài liệu của phái đoàn nước khác như Triều Tiên, Anh quốc trong cùng một thời kỳ chúng ta thấy có những dị biệt quan trọng. Phái đoàn Triều Tiên ghi nhận rất chi tiết về thể lệ và nghi lễ (các loại quan phục, lỗ bộ, yến tiệc, hí khúc …), phái đoàn Anh quốc (nói chung Tây phương) ghi nhận về sinh hoạt xã hội, kinh tế, quân sự … và những điều mắt thấy tai nghe trên đường đi và kinh đô.
Trong khi đó, sứ thần nước ta ghi lại phần lớn là thơ văn ngâm vịnh các danh thắng được đến thăm, nhất là những địa điểm từng gặp trong sách vở như Xích Bích, Hoàng Hạc Lâu, lầu Lạc Dương … hay các bài hoạ lại thơ văn trao tặng. Những chi tiết đó cho thấy tâm tư và thói quen của nhà nho nước ta chỉ hạn chế vào những gì đã được đào tạo và tập luyện nên không mấy chú trọng đến những tiết mục khác và cũng ít ai có hoài bão đem cái hay của người về bổ túc cho sở đoản của chính mình.
(còn tiếp)


[1] Robert I. Fitzhenry (ed.), The Harper Book of Quotations (NY: HarperCollins, 1993) tr. 205
[2]二月。康安至廣西太平幕府。文惠隨使其臣呉壬。潛往歸降謝罪。又多以金賂。懇康安爲之主張。康安旣得厚賂。又幸其無事。奏請因而許之。毋開邊釁。清帝從之。
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [viết tắt CM] q. XLVII, tr. 43, bản dịch Viện Sử Học (1998) Tập Hai tr. 848-9.
[3] …已而福康安抵粵西専意講和移書以利害譬諭之。惠亦以金幣厚遣求爲玉成遂改名光平遣其姪阮光顯竝陪臣武輝瑨齎遞貢品叩關懇請入覲… Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện [viết tắt LT] q. XXX, Nguỵ Tây, tr. 37B
[4] 且說兩廣新督臣福隆安乃滿州鑲黄旗人,由蔭生致位台鼎,清帝素信用,故委以料理南事。初代毅爲總督,乘驛至廣西幕府,親見毅隻身奔還,又聞北平王勢燄,未免逡巡畏縮,及接邊書,遂一心大膽,即以南事自任,密謂太平府王分府曰: 南北弭兵,生民之福,而寔邊彊諸臣之大幸也!我聞南國詞臣,有呉任者,向之詞札皆出其手,公可爲書答復,使之專主和議,急繕謝表投遞,我爲内主,事無不濟。王分府出,即移札于呉任。呉任以事禀于北平王,王雖旣定北河,而南陲猶有内憂,急於還師,因會諸將謂曰: 北河兵事呉委文楚,文璘,中國使命呉委呉任,潘益,凡事並聽便宜處置。我且還,事無關緊,不必往復禀報爲也。Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San, q. V: “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” (1987) tr. 239, NDC dịch.
[5] Thực tế những đồ ban thưởng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, rất ít giá trị vật chất như ngọc như ý, hà bao, vải vóc, quần áo… trong khi họ đòi hỏi tuy tiếng là phương vật như vàng, bạc, sừng tê, ngà voi, trầm hương, ngọc trai… nhưng giá trị thương mại cao gấp bội.
[6] …其在人也,如竹箭之有筠也,如松柏之有心也。Vương Vân Ngũ (chủ biên) Vương Mộng Âu (chú dịch). Lễ Ký Kim Chú Kim Dịch, q. thượng (1977) tr. 389-90.
[7] Xem thêm John K. Fairbank “The Early Treaty System in the Chinese Order” The Chinese World Order: Traditional China’s Foreign Relations. Cambridge, Mass: Havard University Press, (2nd Ed.) (1970) tr. 257-70
[8] Theo sự tra vấn của Phúc Khang An, các cựu thần nhà Lê đã loan truyền rộng rãi một số tin đồn về sự nghi ngại và không thành thật của triều đình Tây Sơn trong đó có 2 sự kiện quan trọng:
1/ Nguyễn Quang Hiển không thực sự là cháu ruột vua Quang Trung (để tạo ảnh hưởng đối với Thanh triều)
2/ Nhà Thanh sẽ đem quân sang đánh bất ngờ khi vua Quang Trung ra khỏi nước (để gây hoang mang cho triều đình Tây Sơn).
Những tin đồn này đều không có cơ sở, tuy có gây ra một số thắc mắc nhưng lại ảnh hưởng khá nhiều vào lịch sử nước ta. Tấu thư của Phúc Khang An ngày 24 tháng Một năm Càn Long 54 (Thanh Quí Nội Các Đáng Án toàn tập, q. 11, tr. 4262 – trích từ Minh Thanh sử liệu, Canh biên đệ Nhị bản, tr. 143)
[9] Xem thêm “Lê Duy Kỳ, đáng thương hay đáng trách?” và “Lê Quýnh, 1750-1805” (biên khảo của NDC)
[10] Ngay trong thời gian này, Phúc Khang An đang mắc vào một vụ đại án mà vua Càn Long rất bất bình nhiều lần trách mắng, nhắc đến thân thế (cháu của hoàng hậu Hiếu Hiền, con của đại học sĩ Phó Hằng …) và công lao, nhất là vai trò quan trọng trong việc giao thiệp với nước ta nên phải giữ lại mà không bị trừng phạt hay tước bỏ các tước vị. Chính vì thế, bằng mọi giá Phúc Khang An phải mời cho bằng được vua Quang Trung sang dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ. Xem Đông Hoa Tục Lục (q. V), tr. 1572.
[11] Hậu bổ là người còn đang chờ bổ nhiệm, chưa có chức vụ chính thức.
[12] Thự là người tạm nắm quyền, chưa được bổ nhiệm, chúng ta ngày nay gọi là xử lý thường vụ. Cả Thành Lâm lẫn Vương Phủ Đường đều chưa ai có quan chức, chỉ mới được dùng theo nhu cầu thực tế tại địa phương nên cũng chưa có ngạch trật, chỉ tương đương ngũ lục phẩm, chưa đủ tư cách làm khâm sứ thay mặt triều đình sang phong vương (thường là tam hay nhị phẩm được nâng lên nhất phẩm cho trang trọng).
[13] Phần cuối có 380 câu đối treo nơi công quán khi đón sứ thần (đời Cảnh Thịnh khi triều đình Càn Long cho người sang dụ tế và phong vương cho Nguyễn Quang Toản).
[14] Người viết có hai bản chụp, một từ VHN Hà Nội và một bản từ Viễn Đông Bác Cổ Paris. Bản tàng trữ ở Paris có nhiều chi tiết và viết rõ ràng hơn.
[15] Thanh Sử Luận Tập, q. VI (2000) tr. 169-188
[16] Thanh Sử Luận Tập, q. XVI (2008) tr. 206-256
[17] “Fu Kangan and the Restoration of Suzerain Vassal Relationship Between the Qing Dynasty and Vietnam in the Later Period of Qianlong Emperor” Tạp Chí Đại Học Tây Nam (Journal of Southwest University), Vol. 36, No. 4 tháng July, 2010.
[18] Gần đây chúng tôi có nhận được một tập bản đồ nhan đề Tiền Lê Nam Việt Bản Đồ Mô Bản (前黎南越版圖摹本) rõ ràng và đẹp hơn tập bản đồ Hồng Đức. Rất tiếc là tập bản đồ này thiếu bản đồ Kinh Bắc. Xin chân thành cảm tạ GS Lê Văn Đặng đã có nhã ý gửi tặng.

http://damau.org/archives/37650



2.






Negotiation is a process in which explicit proposals are put forward ostensibly for the purpose of reaching agreement on an exchange or on the realization of a common interest where conflicting interests are present.
Fred Charles Iklé
Đàm phán là tiến trình trong đó các đề nghị được công khai đưa ra nhằm mục đích đạt tới thoả thuận để trao đổi hay thực hiện một lợi ích chung ở khu vực đang có những xung đột.
How Nations Negotiate
Frederick A. Praeger N.Y., 1964
tr. 3-4

TRƯỚC KHI ĐÀM PHÁN
Khi Tôn Sĩ Nghị và một nhóm nhỏ tàn quân chạy về đến Nam Quan, viên tổng đốc Lưỡng Quảng lập tức tâu lên vua Càn Long việc thất trận đồng thời xúc tiến hai công tác cấp bách nhất: 1/ kiểm điểm quan binh chạy về và 2/ tái phối trí binh lính tại các cửa ải đề phòng việc quân Tây Sơn thừa thế đánh qua. Một công việc cũng rất quan trọng đối với Thanh triều là tìm được vua Chiêu Thống ngõ hầu không bị tiếng là bỏ rơi một thuộc quốc.
Trước hết, Tôn Sĩ Nghị sai Tôn Vĩnh Thanh điều thêm 300 quân cộng với số 2700 quân có sẵn để chia ra đóng dọc theo biên giới, chủ yếu là ba cửa Trấn Nam (tức Nam Quan), Bình Di, Thuỷ Khẩu có thông đạo qua nước ta.[1]Báo cáo sơ khởi có khoảng 3000 quân Thanh thoát chết,[2] một số theo đường nhỏ được dân chúng chỉ lối chạy về.[3]
Khi nghe tin xấu từ Quảng Tây, vua Càn Long đặc biệt quan tâm đến số binh sĩ chạy thoát vì chính ông cũng có lỗi khi bị tập kích bất ngờ. Ông lo rằng trong số quan binh bị bắt làm con tin – giống như trường hợp Miến Điện trước đây – có một số tướng lãnh cao cấp sẽ bị dùng để đổi chác và sẽ trở thành khó nghĩ nếu tin đó lọt ra ngoài. Nhiều chi tiết cho thấy sau này vua Càn Long tuy cảm thán về việc “đề trấn đại viên” (viên chức lớn bao gồm đề đốc và tổng binh) hi sinh nhưng ông cũng mừng thầm là không có một nhân vật quan trọng nào bị bắt sống và coi việc Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy là biết giữ quốc thể nên không bị phạt mà còn được khen. Chính quan viên nhà Thanh cũng biết ý hoàng đế nên vẽ vời để trận đánh thêm phần oanh liệt và thua trận là do những lý do ngoài dự liệu như Lê Duy Kỳ bỏ chạy làm dân chúng náo loạn khiến địch thừa cơ đánh úp.[4]
Vua Càn Long lập tức ra lệnh cho tái tục việc đưa 3000 quân từ Quảng Đông sang [trước đây tính tăng cường cho đại quân ở Thăng Long nhưng đã hoãn lại khi có lệnh triệt binh] để gia tăng canh phòng biên giới. Cũng ngay những ngày đầu tiên, Lê Duy Kỳ [tức vua Chiêu Thống] và một số thân quyến, bầy tôi chạy được đến Nam Quan.[5] Việc đàm phán hay hoà giải giữa nhà Thanh và Tây Sơn chưa đặt ra vì còn nhiều vấn đề gấp rút hơn cần giải quyết.
Cứ như thông lệ, khi tướng lãnh thua trận thì vua Càn Long đều xử tội nặng. Nhiều người tự tử không dám về triều và Tôn Sĩ Nghị cũng không yên tâm khi đã làm vua Thanh thất vọng. Trong những lá thư gửi lên, họ Tôn đều nhận lỗi về phần mình và xin được trả lại các tước vị, khen thưởng … để hoàng đế định đoạt.
…Thần chịu ơn nặng của hoàng thượng, uỷ thác việc lớn, nhưng không sớm làm cho xong. Lần này cũng vì quân giặc đông gấp mấy lần bên mình, khiến cho các tướng đề trấn bị vây, chưa thoát ra được. Lại nhân số quân thần đang cai quản, chỉ có vài trăm người, vượt ra khỏi trùng vi rồi, khí thế khó có thể khơi lại được, nên không có thể quay lại cứu viện. Chỉ ngẩng xin hoàng thượng cách chức và trị tội thần thật nặng mà thôi. Ðể chứng tỏ pháp độ và răn đe những kẻ sai sót. Còn như đề trấn nếu chẳng may bị giết hại rồi, thần thề chẳng cùng bọn giặc kia cùng sống. Vậy xin hoàng thượng tuyển đại thần có uy cao vọng trọng, đem quân chinh thảo. Thần nguyện lo việc chuẩn bị lương thảo, khí giới đem đến quân tiền, đái công hiệu lực để chuộc lỗi trước.[6]
Tuy nói rất mạnh bạo, lại tự nguyện theo quân chinh phạt lần thứ hai nhưng ngay trong báo cáo đầu tiên, Tôn Sĩ Nghị đã khôn khéo gợi ý về một biện pháp giảng hoà trong một lá thư mà ông ta nói là đã gửi cho Nguyễn Huệ như sau:
… Hôm trước thần ở bờ phía bắc sông Phú Lương [tức sông Nhĩ Hà], thấy thế giặc ở bờ bên kia quá dũng mãnh, mà các tướng đề trấn, chưa thấy về đến bờ sông, hay là đã thất bại rồi nên không triệt hồi được. Vì thế mới tự tay viết một mảnh giấy, sai di nhân [tức người Việt] đem đến bên sông giao lại cho đầu mục của giặc như sau:
“Lần này bản bộ đường phụng mệnh đại hoàng đế, thống lãnh binh sĩ xuất quan, nguyên chỉ có ý khôi phục kinh đô, để phong vương cho Lê Duy Kỳ. Hiện nay Lê Duy Kỳ đã sợ giặc mà trốn mất rồi. Người đó uỷ mị không có chí khí, không thể tiếp tục giúp đỡ nữa, nên đã triệt binh trở về quan ải. Nếu như Nguyễn Huệ dám giết một quan binh nào chưa kịp xuất quan, thử nghĩ thiên triều có để cho ngươi phạm tội lần nữa mà bỏ qua hay không? Ðại hoàng đế sẽ phái đại thần, thống lãnh vài chục vạn quan binh, bốn đường tiến binh tiễu trừ, không diệt được ngươi thì không thôi. Còn như ngươi Nguyễn Huệ đem quan binh đưa trở ra, rồi tự trần tình hối tội các duyên cớ, ấy là biết lẽ thuận nghịch, may ra xin được khoan dung. Hoạ hay phúc cũng là do ngươi tự chọn lấy. Việc đang lúc cấp bách, ta chỉ có mấy lời thôi.”[7]
Lá thư này nhiều phần Tôn Sĩ Nghị bịa đặt ra để tìm một lối thoát hiểm vì đoán được rằng vua Càn Long sẽ chọn giải pháp giảng hòa hơn là tiếp tục một cuộc chiến mới. Nếu hai bên bãi chiến, trong vai trò tổng đốc Lưỡng Quảng chắc chắn Tôn Sĩ Nghị sẽ có dịp đoái công chuộc tội. Còn như nếu tiến hành một cuộc chinh phạt lần thứ hai, chắc chắn họ Tôn sẽ không còn vai trò gì nữa.
Cũng có thể khi về đến Quảng Tây, họ Tôn thấy một số dụ chỉ của vua Càn Long mà vì tình hình chiến sự nên chưa kịp chuyển xuống Thăng Long trong đó hoàng đế nhà Thanh tỏ ra bi quan và liên tiếp ra lệnh “triệt binh” (rút quân về) – kể cả đánh lừa vua tôi nhà Lê – chứng tỏ ông đã thấy những khó khăn không thể vượt qua nếu duy trì cuộc chiến ở An Nam. Trong dụ chỉ gửi trong khoảng 27-29 tháng Chạp, – tuy không thi hành kịp nhưng đã khiến cho Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh nhận ra tia sáng cuối đường hầm.
Tôn Sĩ Nghị sau khi đã sắp xếp yên ổn cho Lê Duy Kỳ rồi hãy thừa thế cho quân tỉnh Điền [cánh quân Vân Quí] rút về theo lối Việt Tây [Quảng Tây] rồi sau khi tiến khẩu lại theo đường Việt Tây về tỉnh Điền nhưng đừng quá nhiều để những nơi như Tuyên Quang, Hưng Hoá thu phục rồi mà quân đóng chơ vơ ở đó để có thể làm cho toàn cục đổ vỡ không hoàn thành.
Trẫm nghĩ họ Lê lập quốc đã lâu, khí vận suy dần gần đây nhiều phen loạn lạc mà Lê Duy Kỳ lại là người nhút nhát bất tài, chung quanh không có ai phò tá. Xem tình hình đó chắc là lòng trời đã chán ghét họ Lê, nếu như có thể bắt được bọn Nguyễn Huệ đem ra chính pháp mà Lê Duy Kỳ không thể tự mình chấn tác làm cho được việc, ví thử có một Nguyễn Huệ khác lại nổi lên làm loạn thì lẽ nào lại làm phiền binh lực thiên triều thêm mấy lần?
Trẫm biện lý công việc đều thuận theo trời mà làm, nay trời đã ghét họ Lê mà trẫm lại muốn nâng đỡ thì không phải là tôn kính lòng trời, là đạo phủ ngự thuộc quốc vậy. Việc tiến tiễu Quảng Nam lúc này chưa thuận tiện để làm, vậy hãy tuân chỉ tức tốc quay về không nên ở lại nơi đó thêm nữa. [8]
Văn kiện này nếu tính theo thời gian chuyển thư thì cũng cho ta thấy khi còn ở Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị chưa hề nhận được lệnh triệt binh. Chính vì chưa nhận được chỉ thỉ về một đường lối dứt khoát đã khiến cho quân Thanh lâm vào thế dằng dai, họ Tôn chưa dám tự mình chọn một quyết sách cụ thể ngoài việc gửi thư ậm ọe đòi Nguyễn Huệ đến quân doanh đầu hàng và hẹn mồng 6 Tết sẽ ra quân. Việc hẹn trước một thời điểm giao tranh kèm theo những hình thức thao diễn, phô trương “mãi võ” mà nhiều người ngoại quốc ghi nhận[9] cho thấy Tôn Sĩ Nghị chỉ muốn mua thời gian, đợi khi có chủ trương chính thức của triều đình sẽ thi hành. Vì thế tiến thoái lưỡng nan, Tôn Sĩ Nghị cũng bác khước mọi kế hoạch tiến quân mà nhóm nhà Lê đề nghị đưa đến việc ép vua Chiêu Thống thu hồi binh quyền của Lê Quýnh.[10]
Ngày 24 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [Càn Long 54], nhận được tin bại trận, vua Càn Long lập tức giáng chỉ điều động Phúc Khang An từ Mân-Triết (Phúc Kiến) sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng thay Tôn Sĩ Nghị. Tuy nhiên chính Thanh triều cũng e ngại nếu An Nam phản ứng giống như Miến Điện – không chịu thần phục, giam cầm tù binh và tấn công biên giới – thì sẽ trở thành một vấn đề lớn. Vì thế vua Thanh chưa thể đưa ra sách lược ngoài một hướng dẫn tổng quát:
Trước đây trẫm đã biết Lê Duy Kỳ là người hèn yếu không năng lực, không thể nào dấy lên được, xem chừng trời đã ghét bỏ họ Lê rồi, không còn hộ trợ nữa. Lại thêm dân tình An Nam, phản phúc không tin được, nên ta đã sớm giáng dụ chỉ, ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị tức tốc triệt binh. Nếu như khi Tôn Sĩ Nghị nhận được chỉ đó, tuân lệnh kéo binh về ngay, thì lúc này quan binh đã qua khỏi quan ải rồi.
Ðến nay Nguyễn Huệ dám quay lại quấy nhiễu, cũng vì Tôn Sĩ Nghị mong mỏi Nguyễn Huệ hối tội xin đầu hàng, nếu được như thế thực là tốt đẹp. Lại thấy thời gian đã đến, nhằm lúc sắp đến mùa xuân, xứ này nhiều mưa dầm chướng khí, dẫu muốn chuẩn bị để cử binh thì cũng không đúng lúc. Huống chi việc điều động binh phu ở Quảng Ðông, Quảng Tây cũng đã đình chỉ rồi, nay lại lục tục gọi ra, việc chậm [điều động dân phu] không thể giúp được chuyện gấp [cử binh sang đánh An Nam], chẳng khỏi dân chúng nghe rồi thêm kinh hãi. Cho nên việc trước mắt là làm thế nào triệt hồi được toàn bộ quân sĩ để giữ thể thống cho quốc gia ấy là quan trọng hơn cả.
Tôn Sĩ Nghị là người thống lãnh toàn bộ quân doanh dù gì chăng nữa cũng không thể mạo hiểm. Viên tổng đốc đó vượt vòng vây để thoát ra là việc làm rất đúng. Kế đến là đề đốc Hứa Thế Hanh là một viên chức cao cấp, cũng thật quan trọng, hiện nay chưa nghe tin tức gì, ta cũng lo lắng lắm. Hai người [chỉ Tôn Sĩ Nghị và Phú Cương] hãy gia tâm thận trọng, suất lãnh quan binh, mau mau tiến quan.
Hiện nay cứ như Tôn Sĩ Nghị và Tôn Vĩnh Thanh tâu lên thì Lê Duy Kỳ vào ngày mồng bảy tháng Giêng đã vào trong quan, tạm đưa vào Nam Ninh ở rồi.
Trước nay việc hành quân không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chẳng hạn như đánh ở phía tây Tân Cương, hay việc đánh lưỡng Kim Xuyên. Cả hai đều có những thất bại rồi sau mới thành công. Lần này Tôn Sĩ Nghị đem binh đi tiễu trừ giặc ở An Nam, thành công quá dễ. Ðến nay có những khó khăn, mới hay không phải Nguyễn Huệ tự thu lấy diệt vong. Lúc này chỉ cần Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh đưa được đại binh hoàn toàn trở về được, không tổn hại đến quốc thể là đủ. Tương lai có làm hay không làm, nắm hay buông cũng là ở ta, lúc đó tính toán rồi hãy định đoạt.
Còn như Tôn Sĩ Nghị tâu xin cách chức trị tội thì việc này xảy ra ngoài ý muốn, không phải vì tổng đốc kia liều lĩnh làm càn, sao lại đưa ra câu nói như thế. Tổng đốc kia hãy trấn tĩnh hơn nữa để mà trông coi công việc triệt binh, đừng để tâm mang ý loạn. Ðó là chuyện quan trọng hơn cả.
Còn Nguyễn Huệ chắc không dám đụng tới biên cảnh của thiên triều đâu. Thế nhưng một dải quan ải, phải nên bố trí binh lực để phô trương thanh thế hầu tiếp ứng lẫn nhau. Hiện tại theo như Tôn Vĩnh Thanh tâu lên thì đã điều binh hơn một nghìn đến rồi, hợp với số binh phòng giữ từ trước, tổng cộng là ba nghìn người, có thể thêm bớt. Vậy truyền lệnh cho Tôn Vĩnh Thanh, ước lượng lại một lần nữa, nếu như lại phải điều động binh đinh thì cũng không nên loan truyền rộng rãi, chỉ nên ở các doanh phụ cận, một mặt tuyển mộ đồng thời tâu lên cho ta biết.
Còn như quan binh Việt Tây [Quảng Tây] vốn đã triệt hồi rồi thì lộ Vân Nam chắc cũng do đường Tuyên Quang, biên giới mau mau rút về. Quân bên Ðiền tỉnh [tức Vân Quí] tương đối đông, nếu như quân của Phú Cương, Ô Ðại Kinh đang chỉ huy, không thể điều dụng được thì hãy bố trí dọc theo biên giới, để cho thanh thế thêm mạnh mẽ.[11]
Chúng ta thấy vua Càn Long không còn ý định đưa Lê Duy Kỳ trở lại Thăng Long và đã ít nhiều mở một con đường công nhận Nguyễn Huệ nếu phía An Nam khẩn khoản yêu cầu. Nội dung cũng cho thấy chính Tôn Sĩ Nghịxin chịu tội nhưng vua Càn Long miễn cưỡng thi hành chứ không phải đùng đùng nổi giận sai Phúc Khang An điều động binh mã chín tỉnh sang kinh lý việc An Nam như tiếng đồn.
Việc Phúc Khang An sang thay đặt Tôn Sĩ Nghị vào một hoàn cảnh khó xử. Nếu họ Tôn hoàn toàn thụ động chấp hành lệnh của triều đình chờ Phúc Khang An đến bàn giao xong sẽ lên đường về kinh thì hoạn lộ của ông ta coi như chấm dứt. Việc tranh thủ thời gian ngắn ngủi khi họ Phúc chưa sang để sớm đạt được một vài thành tựu sẽ gỡ cho Tôn Sĩ Nghị một nước cờ tàn, đưa tới việc bí mật sai Thang Hùng Nghiệp liên lạc với phía Tây Sơn. Cứ theo tài liệu nước ta, Thang Hùng Nghiệp đã ngầm gửi cho triều đình Tây Sơn một văn thư còn ghi trong Tây Sơn Bang Giao Lục được Hoa Bằng dịch ra như sau:
… Xét ra họ Lê bên An-nam thần phục Thiên triều đã lâu, một sớm bị họ Nguyễn Tây sơn nhà ngươi chiếm đoạt mất đô thành, nên Hoàng đế (chỉ vua Thanh) phải sai tướng đem binh ra khỏi cửa ải, khôi phục đất nước cho họ Lê và cứ cho vẫn được nối chức chịu phong như trước. Chẳng dè Lê Duy Kỳ đơn kém, vô tài, không thể dấy-nhức làm được trò trống gì cả, cứ dắt mẹ chạy trốn hoài, đến nỗi làm cho nhà Lê không ngóc lên được! Từ đấy về sau, Thiên triều quyết không thể đem nước An-nam mà giao cho Lê Duy Kỳ nữa!
Họ Nguyễn Tây-sơn nhà ngươi nên nhân trước khi có chỉ dụ, mau mau làm biểu sang đây, gõ cửa kêu với Đại Hoàng-đế (vua Thanh) rằng Lê-Duy-Kỳ không được dân vọng, nhân dân bơ vơ tan đi bốn ngã; bất đắc dĩ, tôi phải đem binh ra thay nhà Lê mà vỗ về dân chúng. Nào ngờ dọc đường, thình lình gặp phải quân nhà vua, đụng ai họ giết nấy. Tình thế dữ-dội. Nếu chúng tôi bó tay chịu trói, thì thể nào cũng đến bị giết hết sạch.
Vì vậy, đám di binh, di mục theo tôi phải hết sức chống cự lại. Chúng tôi tự biết thế là có tội nặng lắm. Hiện nay tôi đã tra xét hai người chống cự thiên binh (quân Thanh) ấy, đem ra trị tội cho chính pháp cả rồi.
Rồi nên nhờ người tâu xin với Đại Hoàng đế (vua Thanh) cúi thương mọi rợ (!) không biết gì, uốn theo lời xin mà tha thứ. Nên chăng cứ để Lê Duy-Cận đứng giám quốc; kính xin nhà vua ban chiếu chỉ phán bảo cho.
Đặt lời cung thuận như vậy, chắc được Đại Hoàng đế soi xét lòng thành, sẽ cho nhà ngươi chủ trì việc nước. Bấy giờ sẽ có thể lại sai người sang kêu cầu Thiên triều ban cho ân điển (chỉ việc cầu phong).
Bản đạo (Thang Hùng Nghiệp tự xưng) nhân vì giữ chức ở biên giới, tương lai có rất nhiều việc giao thiệp với An-nam nhà ngươi (!), nên phải viết thư kín này mà ngỏ cho biết.
Thuận theo thì được phúc, trái nghịch thì phải vạ tuỳ nhà ngươi tự chủ đấy…[12]

lập trường của hai bên

đại việt

Nước ta vốn dĩ luôn luôn bị nước lớn chèn ép, tuy thắng một trận lớn ở Thăng Long nhưng đuổi được Tôn Sĩ Nghị về Quảng Tây chưa phải là thành quả sau cùng để có thể nói chuyện đàm phán. Việc nhà Thanh đem một lực lượng lớn hơn sang phục thù là điều rất có thể xảy ra theo cả kinh nghiệm xung đột với Trung Hoa trong quá khứ, hay tính riêng những chiến dịch khác đời Càn Long.
Một kế hoạch phòng thủ và ngăn chặn địch được xúc tiến ngay và giới truyền giáo Tây phương đã ghi nhận miền Bắc huy động dân chúng ngày đêm đắp thành lũy để chống giặc. Vua Quang Trung cũng chuẩn bị một con đường huyết mạch từ Lạng Sơn xuống Thăng Long rồi từ Thăng Long xuống Nghệ An để chia ra các đường thượng đạo, đường biển khi cần rút về Phú Xuân. Ngoài ra, lực lượng thủy quân cũng bố trí đối phó với quân Thanh một khi họ từ đại dương đánh vào.
Trong khi đó, thành phần cựu thần còn trung thành với hai họ Lê – Trịnh cũng tìm cách chiêu tập lực lượng đợi tham gia chiến đấu trong trường hợp quân Thanh sang đánh lần thứ hai. Chúng ta thấy có một số tâm điểm ở Kinh Bắc (nơi hoàng phi Nguyễn Thị Kim nương náu), ở Thanh Hóa (là đất tổ có con cháu nhà Lê sinh sống lâu đời), các khu vực thượng du vùng Thái Nguyên, Cao Bằng (có hoàng đệ Lê Duy Chỉ và một số thổ mục trấn giữ) …Ngoài ra cũng có những địa điểm của những người còn trung thành với họ Trịnh tiếp tục hoạt động ở ven sông và dọc theo duyên hải.
Nói tóm lại, trong những ngày đầu tiên, việc đối phó với nhà Thanh chưa nghiêng về việc cầu hòa mà là chuẩn bị chiến tranh. Những phái đoàn được đưa lên tiếp xúc với quan lại Quảng Tây nhằm mua thời gian, tương tự như các triều đại trước khi ngăn chặn quân Nguyên, quân Minh. Ngoài việc biện bạch rằng chiến tranh không do chủ ý của nước ta, Ngô Thì Nhậm đã nêu lên hai điểm để thăm dò nhưng cũng là đầu mối nếu đối phương muốn thương lượng:
– Ta bắt được khoảng 800 tù binh,
– Sẵn sàng nghênh chiến nếu không có chọn lựa khác.
Với tin tức hạn chế, có lẽ triều đình Tây Sơn cũng chưa biết rằng vua Lê và một số cận thần đã chạy được sang Quảng Tây nên trong thư gửi sang Trung Hoa vẫn nhắc tới việc trước đây họ đã đưa Lê Duy Cẩn lên “giám quốc” thay vua Chiêu Thống nhằm để ngỏ một giải pháp sau cùng là nếu Trung Hoa khăng khăng đòi tái lập nhà Lê thì có thể quay trở về công nhận cả vua lẫn chúa [phó quốc vương] như thời trước rồi sau đó sẽ đi theo cách thức Lê Lợi đối xử với Trần Cảo [khi đó trên danh nghĩa là quốc vương] để xin công nhận một họ mới.
Những lá thư thăm dò ấy đã được quan lại ở Quảng Tây tìm hiểu và qua một số trao đổi riêng, họ biết rằng nước ta sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi sơ khởi để tiến hành những bước kế tiếp.

trung hoa

Về phía nhà Thanh, việc đem quân sang nước ta nguyên thuỷ chỉ là một món quà của Tôn Sĩ Nghị cốt để vua Càn Long sớm hoàn thành cái mộng “Thập Toàn”. Ngay từ đầu, chiến dịch sang đánh An Nam không nằm trong một cơ nghi chiến lược vì triều đình Tây Sơn không phải là một đe dọa cho Trung Hoa mà chỉ là tranh giành quyền lực nội bộ nên sự can thiệp của nhà Thanh mang tính trang sức hơn là thực sự muốn lấy lại nước cho vua Lê.
1. Vua Càn Long muốn có thêm một chiến công tô điểm – hollow victory – cho sự nghiệp của mình nên dựa vào một duyên cớ rất mơ hồ là vì nhà Lê thần phục đã hơn 100 năm nên khi bị cường quyền thoán đoạt không thể không can thiệp. Tuy nhiên, ngoài một chiến công mới làm nổi bật ngày lễ khánh thọ bát tuần năm Canh Tuất, vua Càn Long cũng ngầm mơ ước có một phiên vương đích thân sang Bắc Kinh chúc hỗ, một công tác mà vua Chiêu Thống sẽ hăng hái tự nguyện làm.
2. Tôn Sĩ Nghị muốn có một chiến công để lên cao trong hoạn lộ. Nhà Thanh vốn trọng võ công nên những ai có thành quả quân sự đều được đặc biệt cất nhắc, điển hình là cha con Phó Hằng, Phúc Khang An sau những dịp cầm quân đều trở thành danh thần. Trước đây cái danh dự cầm quân đều giao cho đại thần người Mãn, việc một tổng đốc người Hán tạo thành tích sẽ là một việc xưa nay chưa từng có trong các chiến dịch đời Càn Long.
Sự tương đồng về yêu thích hư danh của vua Càn Long và Tôn Sĩ Nghị đưa tới sự thổi phồng quá đáng những chiến thắng nhỏ trên đường tiến xuống Thăng Long. Vua Càn Long đặc cách thăng thưởng cho Tôn Sĩ Nghị lên nhất đẳng công, Hứa Thế Hanh lên nhất đẳng tử cũng chính là tự khen mình vì ông tin rằng cấp dưới chỉ thực hiện những cơ mưu chỉ đạo từ Bắc Kinh đưa xuống.
Khi Tôn Sĩ Nghị bị đánh bại, vua Càn Long thấy ngay rằng việc lún sâu vào phương Nam có thể đưa đến một cuộc chiến sa lầy, tương tự như chiến dịch đánh Miến Điện, hao binh tổn tướng, phí phạm tiền bạc, lương thực mà kết quả chưa lấy gì làm sáng sủa. Mục tiêu chính lúc này không phải là phục thù mà làm sao khai thác chiến bại để lật ngược thành “chiến thắng mà không cần dụng binh”.
Trong tình hình đó, một mặt nhà Thanh phao tin sẽ đưa Phúc Khang An – con trai danh tướng Phó Hằng – đem quân sang kinh lý việc An Nam [đồng thời phô trương lực lượng dọc theo biên giới], mặt khác tìm cách lái vua Quang Trung đi cùng với con đường mà vua Chiêu Thống đã chọn.
Bề ngoài thì phô trương thanh thế nhưng bề trong vua Càn Long gửi mật chỉ cho Phúc Khang An bảo “đừng làm lớn chuyện”. Có lẽ cũng đoán biết tâm lý vua Càn Long nên khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại trận, Phúc Khang An đã tâu lên xin được sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng để giải quyết công việc với tiêu chí “dưỡng quân uy, tồn quốc thể” – hay nói khác đi làm sao cho binh sĩ không mất tinh thần đồng thời sẽ ngụy trang việc bại trận càng nhiều càng tốt – một công tác mà ông ta biết sẽ có thể thành công
clip_image002
Phúc Khang An

clip_image004
Tôn Sĩ Nghị

clip_image006
Hứa Thế Hanh[13]
clip_image008
Hình 1: Tấu thư của Phúc Khang An
ngày mồng 10 tháng Hai năm Kỷ Dậu về việc An Nam
có châu phê của vua Càn Long
clip_image010
Hình 2: Tấu thư của Tôn Sĩ Nghị ngày 28 tháng Hai năm Kỷ Dậu
(có một khúc bị bôi xóa)[14]


[1] Phương Lược Quán (方略館). Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược [viết tắt KDANKL] (欽定安南紀略) (Hải Khẩu: Hải Nam xbx, 2000). q. XIII, tr. 8 Tấu thư của Tôn Vĩnh Thanh.
[2] KDANKL, q. XIII, tr. 16 Tấu thư của Tôn Vĩnh Thanh.
[3] … Từ sau ngày mồng 5 tháng Giêng các đường lớn đều có binh lính tặc phỉ [quân Tây Sơn] nên họ phải đi theo đường núi và được những người dân tỉnh Việt sống ở An Nam [đây là người Thổ, Nùng sống ở biên giới biết nói tiếng Hoa] giữ lại thôn trang và chỉ đường đi. Lại nghe nói nơi nào cũng có giặc đóng, riêng ở Lạng Sơn thì khá đông … “Tấu thư của tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh” gửi ngày 23 tháng Giêng, Cung Trung Đáng Càn Long Triều Tấu Triệp, q, 71 [tháng Giêng đến tháng Năm năm Càn Long 54] (1988) tr. 85.
[4] Lý Xuân Quang trong Thanh Ðại Danh Nhân Dật Sự Tập Lãm (清代名人軼事輯覽) 2004, tập II từ trang 930 đến 931 có chép như sau:
Hứa Thế Hanh ra sức can ngăn Tôn Sĩ Nghị
Hứa Tráng Liệt tên là Thế Hanh, người Thành Ðô, tổ tiên người Hồi. Ông xuất thân binh nghiệp, khi đánh Kim Xuyên lập công lên đến Chuyên Khổn. A Văn Thành có ý coi trọng, ông nói:
– Kẻ võ thần hiểu được đại nghĩa chỉ duy một mình Hứa mỗ mà thôi.
Sau lên làm đề đốc Quảng Tây. Ðến khi quốc vương nước An Nam là Lê Duy Kỳ bị chúa đất Thanh Hoá là Nguyễn Quang Bình đánh đuổi, gõ cửa quan cầu viện, khi đó Tôn Văn Tĩnh Sĩ Nghị là tổng đốc đất Quảng, tự cho là mình có tài cầm quân nên chủ ý dụng binh. Ông nói:
– Ðem quân đánh bọn Man Di, bậc vương giả cũng không trị nổi. Một khi binh liên hoạ kết, không biết đến bao giờ mới dứt được.
Tôn không nghe lời ấy, đem quân hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây chinh phạt. Nguyễn Quang Bình lúc đầu bất ngờ thấy vương sư đến, binh ít nên quay về Thanh Hoá điều thêm quân. Tôn công vì thế nên thắng lớn. Vào được Lê thành liền chiếm lấy cung vua, chỉ lo uống rượu làm thơ chẳng coi quân địch vào đâu. Ông can rằng:
– Quân ta thâm nhập trọng địa, cũng nên thận trọng. Huống chi Quang Bình chưa đánh đã rút lui, e có điều không ngờ được, chi bằng nhân lúc địch chưa ra, đem quân trở về, ấy là thượng kế.
Tôn đáp:
– Cái tính toán của kẻ sĩ, ngươi sao mà biết được.
Ðến khi Quang Bình kéo binh trở lại, Duy Kỳ nhanh chân bỏ nước chạy trước, thế giặc dũng mãnh, Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt lập cập, đã toan chịu chết. Ông (Hứa Thế Hanh) ghìm ngựa họ Tôn lại can rằng:
– Ngài là đại thần, nếu như bị thương tổn, e quan hệ đến quốc thể. Thế Hanh này là một kẻ võ phu, may được bề trên tri ngộ, lên đến chỗ cầm cờ mao, đem thân tuẫn quốc cũng phải rồi.
Ông ra lệnh cho chư tướng bảo vệ Tôn Sĩ Nghị trở về quan ải, một mình đem mấy trăm quân ra đánh, bị địch giết chết. Quang Bình đem quân đuổi theo Văn Tĩnh đến sông Phú Lương, sắp bắt kịp nguyên soái bên ta, tổng binh Thượng Duy Thăng là hậu duệ của Bình Nam Vương, tuổi trẻ hăng hái, đem binh ra chống cự. Ðánh đến khi trời sáng, Thượng đâm chết được mấy chục người, máu nhuộm đỏ cả áo giáp. Về sau viện binh không tới kịp bèn rút kiếm ra than rằng:
– Trượng phu được chết (ở sa trường), ấy là thoả chí rồi. Thế nhưng không chết về tay đại địch mà chết ở trong tay đứa tầm thường, không khỏi uổng cái dũng của ta, chi bằng để khỏi nhục cho tiên thế vậy.
Nói xong cứa cổ tự tử. Tôn Sĩ Nghị liền chặt cầu, chật vật lắm mới đem được tàn quân chạy về đến cửa quan, tổng binh Trương Triều Long, Lý Hoá Long trước sau cũng bị giết, bao nhiêu lương thực, khí giới đều bị địch lấy hết.
Khi nghe chuyện đó, Thuần Hoàng Ðế (tức vua Càn Long) cho là ông biết đại thể, hết sức thương tiếc, phong tước Tráng Liệt Bá, đem vào thờ ở Chiêu Trung Từ. Con ông là Quân Môn Công Văn Mô được tước thị vệ, làm đến đề đốc Phúc Kiến, trong chiến dịch Xuyên, Sở cũng rất dũng cảm quả là thế gia. (trích trong Khiếu Ðình Tục Lục-嘯亭續錄, q. 2)
[5] KDANKL, q. XIII, tr. 9 Tấu thư của Tôn Vĩnh Thanh (bản dịch NDC)
[6] KDANKL, q. XIII, tr. 1. Tấu thư của Tôn Sĩ Nghị nhận ngày 25 tháng Giêng. (bản dịch NDC)
[7] KDANKL, q. XIII, tr. 1. Tấu thư của Tôn Sĩ Nghị nhận ngày 25 tháng Giêng. (bản dịch NDC)
[8] “Tấu thư của tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh” gửi ngày 15 tháng Giêng, Cung Trung Đáng Càn Long Triều Tấu Triệp, q, 71 [tháng Giêng đến tháng Năm năm Càn Long 54] (1988) tr. 1-2.
[9] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ…”. TSSĐ 9-10 (1968) tr. 221
[10] Hầu hết các sử gia Trung Hoa đều tin rằng Tôn Sĩ Nghị đã không tuân lệnh vua Càn Long rút quân vể nên bị đánh bất ngờ ở Thăng Long. Điểm lại các tài liệu của nhà Thanh, chúng ta thấy những lệnh gần nhất trước khi bại trận có đề cập đến việc chấm dứt chiến dịch là chỉ dụ của vua Càn Long – tuy không triệt để ra lệnh rút về – ngày 19, 20, 22, 23, 27, 28 tháng Chạp năm Mậu Thân và ngày mồng 4, 12, 16, 19 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [xem thêm Chu Viễn Liêm: Càn Long Hoàng Đế Đại Truyện tái bản lần 7 (Hà Nam ndxbx, 1996) tr. 588-9]. Tính theo đường trạm chuyển tin quân sự theo lối nhanh nhất 600 dặm một ngày thì từ Bắc Kinh xuống Quảng Tây khoảng 15 ngày, từ Quảng Tây xuống Thăng Long khoảng 5 ngày nữa nên tin tức qua lại mỗi lần đi về chừng hơn 20 ngày. Lệnh triệt binh không phải là lệnh tối khẩn cấp nên chắc phải lâu hơn, trong khoảng 20 – 30 ngày. Xem như thế, trước ngày Tết Nguyên Đán, Tôn Sĩ Nghị hoàn toàn chưa biết gì về lệnh triệt binh nên định chờ đến sau Tết sẽ quyết định tiến hay thoái theo lệnh vua Càn Long. Lệnh triệt binh ngày 19 tháng Chạp Tôn Sĩ Nghị chỉ biết sau khi chạy về Quảng Tây và tin bại trận gửi ngày 11 [khi Tôn Sĩ Nghị chạy về đến Nam Quan] đến vua Càn Long vào ngày 24 tháng Giêng. Tuy nhiên dù không có lỗi nhưng vẫn nhận tội về mình là cách thức khôn khéo của quan nhà Thanh để bảo tồn thể diện cho hoàng đế.
[11] KDANKL, q. XIII, tr. 10-11
[12] Hoa Bằng, Quang Trung Nguyễn-Huệ anh hùng dân tộc 1788-1792 (tái bản lần 2) (Saigon: Hoa Tiên, 1950) tr. 187-8. Maurice Durand cũng có một bản dịch sang tiếng Pháp lá thư này: […] vous rédigiez à la hâte un placet et l’envoyiez à la Porte impériale pour démander avec respect que Sa Majesté auguste considère que le peuple ne souhaite pas le retour de Lê Duy Kỳ, que ses sujets se sont enfuis de tous côtés dans une grande confusion, que vous ne pouviez pas ne pas conduire vos troupes et entrer dans le royaume pour, a sa place, faire régner l’ordre; que par hasard vous avez soudain rencontré sur votre route l’armée impérial qui attaquait et massacrait les gens, et qui se conduisait avec une grande férocité; que si vous étiez, restés les bras croisés, certainement vous auriez tous été exterminés […][…] ngài hãy mau mau đem đến cửa quan một biểu văn thỉnh cầu đại hoàng đế xem xét cho rằng dân chúng nước tôi không mong việc Lê Duy Kỳ trở lại, còn những người đi theo thì đã chạy tán loạn khắp nơi, và tuy không muốn đem quân vào nước này nhưng vì muốn tái lập an ninh trên đường đi bất ngờ gặp quan binh thiên triều tấn công chém giết thuộc hạ vô cùng tàn khốc, nếu thúc thủ để yên thì thể nào cũng bị tận sát… Histoire des Tây Sơn (Paris: les Indes savantes, 2006) tr. 179-80
[13] Ba tấm hình Phúc Khang An, Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh trích từ một cuộn tranh vẽ 20 tướng lãnh nhà Thanh với ngự bút của vua Càn Long (đã được bán đấu giá USD 4,356,250.00 tại Đài Loan ngày 30 tháng 4 năm 2014)
[14] Đây không phải là bản chính mà là tàng bản (bản sao) của Quân Cơ Xứ, hiện tàng trữ tại Cố Cung Bác Vật Viện Bắc Kinh, Văn Hiến Xứ.

bài đã đăng của nguyễn duy chính


http://damau.org/archives/37679



3.


đàm phán sơ khởi

Tuy không đưa ra một nghị trình rõ rệt, nhưng hai bên đều có những mục tiêu cụ thể để hướng tới và nhượng bộ dần cho đến khi có những điểm chung. Về phần nhà Thanh, các quan ở địa phương đã nhìn thấy hai chủ đề chính:
– Giải quyết hậu quả chiến tranh mà ưu tiên là trả về số tù binh bị bắt,
– Yêu cầu vua Quang Trung đích thân tham dự lễ khánh thọ của vua Càn Long.
Một cách tổng quát, Tôn Sĩ Nghị trong những ngày sau cùng còn ở Quảng Tây đã hết sức cố gắng để đạt cho bằng được mục tiêu thứ nhất [để chạy tội] nên khi Phúc Khang An sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng thì chỉ tập trung vào hoàn thành mục tiêu thứ hai [để lập công]. Khi phân biệt hai đòi hỏi cơ bản đó, chúng ta có thể dễ dàng theo dõi được từng bước đi của cả hai bên.

tôn sĩ nghị

Ngày 22 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [Càn Long 54], triều đình Tây Sơn sai Ngô Thì Nhậm mang một tờ biểu xin “đầu thành” [投誠] đến Lạng Sơn nhờ thông sự đưa qua Nam Quan. Ngay hôm đó, tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh gửi tấu thư về triều có đoạn như sau:
… Ngày 22 tháng Giêng có tặc mục [quan nước ta] Lạng Sơn sai thông sự [người nói được cả hai thứ tiếng Hoa – Việt] mang lên một biểu văn nói là hiện thời Nguyễn Huệ đã sai mấy di mục đem thư lên Lạng Sơn tình nguyện đầu thành nạp khoản nhưng sợ thiên triều không thuận nên ra lệnh cho thông sự đem đến Nam Quan. Y cũng khai rằng hiện nay còn vài trăm quan binh ở bên đó đều được nuôi dưỡng tử tế sau này sẽ đem trả về, giọng lưỡi thật đáng ghét, còn những ai không trong số đó thì không biết ra sao.
Thần sợ rằng nếu mở biểu văn ra xem e rằng tặc nhân ngờ rằng nội địa đang mưu tính việc tương tựu [nhân theo đó mà tiếp tục] để cho xong việc nên ra lệnh cho văn võ quan viên giữ cửa trách mắng rằng nếu như còn các quan binh đang ở Lê thành thì Nguyễn Huệ ngươi hãy lập tức đưa về nội địa cho mau rồi trần tình tạ tội duyên do nếu không đốc phủ đại thần không thể bắng lòng chuyển tấu được. Nay ngươi chưa đem quan binh đem trả về mà đệ biểu xưng phiên thì rõ ràng ngươi Nguyễn Huệ muốn mượn việc này để dọ ý.
Sau đó đem biểu văn vứt trả rồi bỏ đi. Bọn thần cũng muốn trách mắng nghiêm lệ hơn nữa nhưng vì các nơi quan ải quan binh điều động tới chưa được mười phần hùng hậu nên chỉ đem việc quan binh chưa đưa trả mà thôi, đợi khi nào các nơi phòng thủ kéo đến đủ thì khi giặc quay lại khẩn cầu sẽ trách mắng nhiều hơn nữa [1]
Việc nước ta mở lời cầu hòa do chính vua Quang Trung và các quan chủ động hay do Thang Hùng Nghiệp bí mật liên lạc mớm ý thực ra chưa rõ ràng vì thời gian giữa lúc Tôn Sĩ Nghị về đến Quảng Tây (11 tháng Giêng) đến khi sứ bộ nước Nam gõ cửa (22 tháng Giêng) chỉ cách nhau hơn 10 ngày.
Trong thời gian ngắn ngủi đó, tuy vua Quang Trung bận rộn với việc giải quyết hậu quả cuộc chiến (tổng kết thiệt hại, thu dọn chiến trường, kiểm điểm chiến lợi phẩm, phát phối tù hàng binh, chiêu an dân chúng …) nhưng cũng gấp rút ra lệnh cho tìm kiếm giới sĩ phu và quan lại Bắc Hà mời họ ra cộng tác (qua sự giới thiệu của một số văn quan cũ như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích …) và giao cho họ việc từ lệnh bang giao trong những ngày sắp tới.
Lịch Triều Tạp Kỷ, quyển VI chép:
Các tiến sĩ triều Lê là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch cùng các quan văn cống sĩ như bọn Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Đào Xuân Lãng lần lượt về hàng. Nguyễn Quang Bình đều cho họ quan chức để họ tham gia vào việc từ lệnh bang giao …[2]
Theo lời tựa trong Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập của Vũ Huy Tấn thì:
… Đầu mùa xuân năm Kỷ Dậu, ta đang náu mình ở quê nhà bỗng nghe có lệnh gọi những người đang ở hương ấp phải theo chiếu thư ra trình diện gấp. Ngày 24 tháng đó [Giêng] ta đến kinh đô vào triều kiến mới biết thượng quốc có thư gửi đến nên được đưa vào làm hầu mệnh [người chờ ở cửa quan để theo dõi công việc].
Ta cố gắng từ chối nhưng không thuận, ngay hôm đó phải lên đường, ngày mồng 2 tháng Hai thì đến Lạng Sơn cùng với quan trấn giữ biên thuỳ qua lại thù ứng [với nước Thanh]. Ta phải ở lại đây đến mấy tháng trời cho đến khi có dụ của thượng quốc cho lên kinh triều cận. Ta được uỷ nhiệm trong phái đoàn đi sứ, cố từ chối mà không được … [3]
MẬT NGHỊ
tam độ khất hàng
Theo tài liệu nhà Thanh thì chỉ trong vòng một tháng, nước ta ba lần gửi thư sang giảng hoà.[4] Việc gọi là ba lần “xin hàng” này trên thực tế chỉ là những lá thư gửi Thang Hùng Nghiệp – chủ yếu là đề nghị về một biện pháp thương thảo mà hai bên có thể đồng thuận.
lần thứ nhất:
Tính theo thời gian, trong khoảng nửa tháng sau trận đánh ở Thăng Long, cả hai bên – nước ta lẫn Trung Hoa –chưa bên nào tổng kết được những kết quả cụ thể để dùng làm cơ sở đàm phán.
Về phía nước ta, có lẽ cũng chỉ nghe phong thanh là nhà Thanh sẽ đem quân báo thù và lực lượng được điều động rất lớn. Cựu thần nhà Lê phần lớn chạy về quê nên tin tức đến tai họ càng ít ỏi [có lẽ chỉ là tin đồn] và hầu như không ai biết vua Chiêu Thống và thân quyến đang ở đâu, còn sống hay đã chết?
Triều đình Tây Sơn tuy chuẩn bị đối phó với quân địch sang phục thù, vua Quang Trung vẫn nhanh chóng tìm kiếm các danh nho miền Bắc điều động vào thành phần có thể lấy bút mực thay gươm giáo, đưa ra những kế hoạch giảng hoà với nhà Thanh.
Không biết rằng nhà Thanh loan truyền Tôn Sĩ Nghị bị triệu về kinh chịu tội nhưng thực ra vẫn đang ở Quảng Tây, Ngô Thì Nhậm viết thư cho Thang Hùng Nghiệp biện bạch nguyên do việc can qua, đổ hết tội cho viên cựu tổng đốc nghe một bên để đem quân xuống phương Nam. Lá thư đầu tiên [theo sử nhà Thanh thì vào ngày 22 tháng Giêng][5] của nước ta trong BGHT như sau:
Bộc[6] vốn là người áo vải đất Quảng Nam, sinh trưởng ở nơi hoang vắng từ lâu vẫn ngưỡng mộ thanh giáo đất Trung Hoa nhằm thời nhiều việc khó khăn nên phải theo đường chinh phạt. Mùa hạ năm Bính Ngọ, có việc phải đến Lê thành nhưng sau đó đã trở về phương nam. Mùa xuân năm Mậu Thân, vì trong nước không yên nên phải sửa giáp quay lại. Cũng trong năm đó, bộc đã từng sai bầy tôi đến cửa quan, đem hết mọi tình hình trong nước tâu lên rõ ràng, mong được đại hoàng đế phân xử. Thế nhưng tổng đốc Tôn Sĩ Nghị vứt thư khước sứ lấp liếm chẳng thèm tâu lên, điều động đại binh không có lý do, càn rỡ gây chuyện nơi biên giới.
Ngày mồng 5 tháng Giêng năm nay, bộc gửi thư đến mong được gặp Tôn Sĩ Nghị để hỏi xem vì cớ gì mà lại dụng binh, có thực được đại hoàng đế sai khiến hay không? Thế nhưng Tôn Sĩ Nghị lại đưa quân đến đánh nên bị những người theo bộc đánh bại chết đè lên nhau, không biết bao nhiêu mà kể, còn kẻ bị bắt cũng đến hơn một nghìn người. Có điều tiếng nói không hiểu nhau nên chẳng biết ai với ai, người nào chỉ huy người nào binh lính, bộc đã cấp cho lương ăn và chia ra nơi ở nhiều chỗ.
Bộc xưa nay chưa từng xâm cương phạm cảnh để mà đắc tội với thượng quốc, thế nhưng Sĩ Nghị đã đem cái lòng chân tình cung thuận của tôi ném đi hết cả, lại gửi thư vào trong biên giới có ý gây chuyện, nhân đó khởi binh, đối xử với sinh linh hết sức tàn độc.
Bộc ở nơi góc biển xa xôi bị Sĩ Nghị áp bức nên ở vào thế cùng, đành gượng giơ cái càng bọ ngựa chống lại cỗ xe. Nay nhận được lời dụ của tôn đài nên mắt lòng thông tỏ, tôn đài quả là bầy tôi lương đống trụ thạch của đại hoàng đế nên đã có thể tuyên dương đức ý mà lo liệu việc biên cương, lòng thành như thế thật là làm rõ sự tận tâm so với Sĩ Nghị kia thì cái tội coi thường phép nước thật hơn xa.
Nay được thịnh tình của ngài soi xuống nên kính cẩn đệ lên tờ biểu trần tình mong được hết lòng mà chuyển lên để cầu xin ân điển của đại hoàng đế xin được giữ phận phên dậu theo lệ cống mà binh lính khỏi bị cái khổ của việc binh đao, ấy là đại nguyện vọng của bộc này vậy.
Phàm việc ra quân cốt ở chỗ hòa, không phải ở số đông, binh quí tinh nhuệ chứ chẳng cần nhiều, người giỏi trận mạc thắng ở chỗ chí nhu, chứ không phải ở chỗ cậy mạnh khinh khi người yếu, cậy đông hiếp đáp kẻ ít người.[7]Nếu như tình cảnh trước đây chưa biện bạch được thì thiên triều lẽ nào có thể khoan dung, ắt sẽ động binh gây chiến thì nước nhỏ không thể làm tròn tấm lòng phụng thờ nước lớn, bộc này chỉ đành lắng nghe thiên triều bảo sao thì làm vậy.
Nay kèm theo đây hịch văn của Tôn Sĩ Nghị , đều là lời lẽ lăng nhục khích bác tất cả dâng nạp, xin ngài xem xét cho.[8]
Nội dung lá thư đầu tiên chưa mang cung cách ngoại giao mà nhằm tranh biện đúng sai lại biểu lộ sự tự hào của chiến thắng, đổ lỗi cho Tôn Sĩ Nghị nên quan nhà Thanh đã trả lại.[9] Vả lại, khi tâu rằng đã ném trả biểu văn, Tôn Sĩ Nghị cũng dấu được những lời tố cáo vốn dĩ không xa thực sự bao nhiêu. Như vậy nước ta lần đầu tiên viết thư sang Trung Hoa chỉ thuần tuý đòi hỏi đối phương bãi binh.
Tuy nhận được lá thư gợi ý cầu hoà, nhà Thanh cũng chưa lường được phản ứng của triều đình Tây Sơn thực sự muốn chấm dứt binh đao hay chỉ mua thời gian [theo các báo cáo qua lại nay còn thấy] nên vẫn tiếp tục gia tăng phòng thủ, điều động canh giữ quan ải và nhất là tổng kết số người chạy được về.
Con số 8000 quân qua cửa ải mà Tôn Sĩ Nghị báo cáo xem ra không chính xác vì nếu tính số quân họ Tôn đem sang trừ đi số người tử trận [báo cáo sau này] chúng ta thấy có sự chênh lệch khoảng 2 đến 3000 người. Rõ ràng đây là một bịa đặt nhằm che dấu thất bại gửi lên vua Càn Long như một vận động ngầm để vua Thanh bằng lòng bãi binh. Số tù binh bị bắt lại càng khó biết.

ba tờ hịch của tôn sĩ nghị

Lá thư có kèm những tờ hịch vốn là một số bố cáo [hịch] gửi cho dân chúng Bắc Hà, còn ghi lại trong KDANKL, sao lục như sau:
Bản số 1
Nguyên văn
諭知該國,以阮岳,阮惠,退出黎城。仍回伊等故土。是其心不敢干犯天朝法紀。尚可不事苛求。
至爾鎭目人等。理應即日迎還故主。仍就藩封。倘竟彼此觀望遷延。暗爲阮姓守土。不肯迎請嗣王。則是爾國綱紀蕩然。全不知君臣大義。且爾等身係安南職官。轉不如爾國百姓。
倘能依戀黎王舊德。紛紛向關呈請。願効前驅。爾等清夜問心。置身何地。此番出示之後。爾等立即擁戴黎氏。迎請返正。則前此從逆與否。概置不問。
如仍執迷不悟。更無効順之心。即當一面奏聞大皇帝。一面親統大兵。尅期進剿。諒蕞爾一隅。豈能抗我王師。勢將咸就誅夷。爲爾國永垂炯戒等因。愷切曉諭。
Dịch âm
Dụ tri cai quốc, dĩ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thoái xuất Lê thành. Nhưng hồi y đẳng cố thổ. Thị dĩ tâm bất cảm can phạm thiên triều pháp kỷ. Thượng khả bất sự hà cầu.
Chí nhĩ trấn mục nhân đẳng. Lý ứng tức nhật nghinh hoàn cố chủ. Nhưng tựu phiên phong. Thảng cánh bỉ thử quan vọng thiên diên. Ám vi Nguyễn tính thủ thổ. Bất khẳng nghinh thỉnh tự vương. Tắc thị nhĩ quốc cương kỷ đãng nhiên. Toàn bất tri quân thần đại nghĩa. Thả nhĩ đẳng thân hệ An Nam chức quan. Chuyển bất như nhĩ quốc bách tính.
Thảng năng y luyến Lê vương cựu đức. Phân phân hướng quan trình thỉnh. Nguyện hiệu tiền khu. Nhĩ đẳng thanh dạ vấn tâm. Trí thân hà địa. Thử phiên xuất thị chi hậu. Nhĩ đẳng lập tức ủng đái Lê thị. Nghinh thỉnh phản chính. Tắc tiền thử tòng nghịch dữ phủ. Khái trí bất vấn.
Như nhưng chấp mê bất ngộ. Cánh vô hiệu thuận chi tâm. Tức đương nhất diện tấu văn đại hoàng đế. Nhất diện thân thống đại binh. Khắc kỳ tiến tiễu. Lượng tối nhĩ nhất ngung. Khải năng kháng ngã vương sư. Thế tương hàm tựu tru di. Vi nhĩ quốc vĩnh thừa quýnh giới đẳng nhân. Khải thiết hiểu dụ.
Dịch nghĩa
Dụ cho [người] nước kia được biết:
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ rút khỏi Lê thành trở về đất cũ của chúng, ấy là trong bụng không dám phạm vào pháp kỷ của thiên triều nên chẳng dám quấy nhiễu nữa.
Trấn mục các ngươi đáng ra phải lập tức đón chủ cũ về để được phiên phong [phong làm phiên thuộc]. Còn như lần khân người nọ trông người kia, lén giữ đất cho họ Nguyễn, không chịu nghinh tiếp tự vương, vậy là nước các ngươi cương kỷ lỏng lẻo chẳng biết chi là đại nghĩa quân thần. Quan chức An Nam như các ngươi hoá ra lại không bằng thường dân bách tính.
Vậy nếu còn nhớ đến đức cũ của vua Lê thì các ngươi phải rầm rộ chạy đến cửa quan tình nguyện ra sức đi đầu, sáng tối tự hỏi nên để thân ở chỗ nào?
Sau khi cáo thị này gửi ra rồi, các ngươi phải lập tức ủng hộ nghinh đón họ Lê, quay đầu về nẻo chính, trước đây lỡ theo giặc, phạm sai lầm cũng bỏ qua không hỏi đến.
Còn như vẫn còn chấp mê không tỉnh, ấy là không biết hướng về chỗ thuận thì ta sẽ vừa tâu lên đại hoàng đế, vừa đích thân thống lãnh đại binh, định ngày tiến tiễu, dẻo đất cỏn con của các ngươi có thể chống với vương sư hay sẽ bị giết sạch?
Vì chưng muốn nước các ngươi được thiên triều soi chiếu mãi mãi nên ta thiết tha hiểu dụ.
Bản số 2
Nguyên văn
諭以爾等於大兵經時。跪迎道傍。爭獻牛米等物。實爲恭順。今不但不收爾等餽獻。又各賞給銀牌。示以嘉獎。並恪遵大皇帝諭旨。此次大兵進剿。原爲救護爾等夷民。嚴禁兵丁。不許擅入村莊。妄取一草一木。
天朝厚待爾等。從古未有。其附從阮惠之廣南賊匪。除臨陣剿殺。不計其數外。兹將生擒之數十人。立即梟首。使衆人觀看。以洩憤恨。從此爾等當益知感激。去逆效順。
Dịch âm
Dụ dĩ nhĩ đẳng ư đại binh kinh thời. Quỵ nghinh đạo bàng. Tranh hiến ngưu mễ đẳng vật. Thực vi cung thuận. Kim bất đãn bất thu nhĩ đẳng quỹ hiến. Hựu các thưởng cấp ngân bài. Thị dĩ gia tưởng. Tịnh khác tuân đại hoàng đế dụ chỉ. Thử thứ đại binh tiến tiễu. Nguyên vi cứu hộ nhĩ đẳng di dân. Nghiêm cấm binh đinh. Bất hứa thiện nhập thôn trang. Vọng thủ nhất thảo nhất mộc.
Thiên triều hậu đãi nhĩ đẳng. Tòng cổ vị hữu. Kỳ phụ tòng Nguyễn Huệ chi Quảng Nam tặc phỉ. Trừ lâm trận tiễu sát. Bất kế kì số ngoại. Tư tương sinh cầm chi sổ thập nhân. Lập tức kiêu thủ. Sử chúng nhân quan khán. Dĩ tiết phẫn hận. Tòng thử nhĩ đẳng đương ích tri cảm kích. Khứ nghịch hiệu thuận.
Dịch nghĩa
Nay dụ cho các ngươi biết:
Khi đại binh đi ngang qua, các ngươi quì đón ở bên đường, tranh nhau hiến trâu gạo các loại, thực là cung thuận. Nay ta không nhận bất cứ đồ gì hiến tặng, lại thưởng cho ngân bài để tỏ lòng khen ngợi.
Kính tuân theo dụ chỉ của đại hoàng đế, đại binh tiến tiễu lần này vốn là để cứu vớt người di các ngươi, nghiêm cấm binh đinh không được tự tiện vào các thôn xóm, lấy càn một cành cây, một ngọn cỏ.
Thiên triều hậu đãi các ngươi như thế, từ xưa chưa có bao giờ. Những kẻ đi theo bọn giặc Quảng Nam Nguyễn Huệ, khi lâm trận đã bị giết không biết bao nhiêu rồi, còn mấy chục đứa bắt sống thì lập tức bêu đầu để mọi người thấy cho hả phẫn hận. Có như thế các ngươi mới thêm cảm kích, bỏ kẻ nghịch giúp kẻ thuận.
Bản số 3
Nguyên văn
爾等久爲賊匪毒害。今大兵進剿。除臨陣誅戮外。逃匿必多。若令官兵分赴各鄉搜捕。不免藉端滋擾。不如各村寨自行挨查縛獻。既洩爾等忿恨。且可免諱匿包庇之罪。
Dịch âm
Nhĩ đẳng cửu vi tặc phỉ độc hại. Kim đại binh tiến tiễu. Trừ lâm trận tru lục ngoại. Ðào nặc tất đa. Nhược lệnh quan binh phân phó các hương sưu bộ. Bất miễn tịch đoan tư nhiễu. Bất như các thôn trại tự hành ai tra phược hiến. Ký tiết nhĩ đẳng phẫn hận. Thả khả miễn huý nặc bao tí chi tội.
Dịch nghĩa
Các ngươi bị tặc phỉ làm hại đã lâu, nay đại binh tiến tiễu, ngoài số bị giết khi lâm trận, chạy trốn chắc là đông. Nếu ta ra lệnh cho quan binh đến các làng xóm tìm bắt, không khỏi gây chuyện phiền nhiễu. Chi bằng các thôn trại tự tra xét trói chúng đem trình ra, vừa để các ngươi hả lòng phẫn hận, vừa được miễn tội bao che, dấu diếm.

lần thứ hai:
Lá thư thứ hai của nước ta do Nguyễn Hữu Trù [阮有啁] và Vũ Huy Phác[10] [武煇璞][11] đưa sang [vào ngày mồng 9 tháng Hai][12], không còn gửi Thang Hùng Nghiệp để trình bày nguyên do cuộc chiến mà gửi lên triều đình nhà Thanh để xin công nhận.
Trong lá thư này có một câu khá quan trọng đã bị lược bỏ (xem nguyên bản hình tờ bẩm kèm theo còn lưu trong đáng án nhà Thanh). Đó là không còn nhắc tới câu “… thiết bản quốc tị xứ hoang tưu, vị thông triều cống, kim nguyện tu thần chức …” [竊本國避處荒陬未通朝貢今願修臣職] trộm nghĩ nước tôi ở nơi hoang vắng xa xôi, chưa từng triều cống, nay mong được làm bầy tôi … cho thấy có một sự thay đổi lớn.
Trước đây Nguyễn Quang Bình viết thư nhân danh “xứ Quảng Nam”, coi như một quốc gia riêng biệt là hậu thân của Chiêm Thành chưa từng liên lạc với nhà Thanh, việc đụng độ với thiên triều chủ yếu là do xung đột với nhà Lê, nay cầu hoà cũng là xin tái lập một quan hệ bị cắt đứt từ đời Minh. Nếu như vua Càn Long chấp thuận, rất có thể hai bên đồng ý một giải pháp: vua Quang Trung sẽ trả lại miền bắc cho vua Lê và làm vua ở Nam Hà như hai nước riêng rẽ thời Trịnh Nguyễn nhưng cả hai đều được nhà Thanh công nhận. Như vậy khởi thuỷ việc xin thay nhà Lê chưa được đặt ra.
Lá thư đó còn chép trong Liệt Truyện và Nguyễn Thị Tây Sơn Ký dịch ra như sau:
Thần vốn là kẻ áo vải đất Tây Sơn, theo thời mà cử sự. Năm Bính Ngọ [1786] đem quân diệt họ Trịnh, trả lại nước cho nhà Lê. Lê vương trước tạ thế, lại ủng lập tự tôn Duy Kỳ kế vị. Duy Kỳ là người dâm bạo, thần dân trong nước chạy về với thần, xin đem quân trừ loạn. Năm Đinh Vị [1787], thần sai một tiểu tướng đem binh hỏi kẻ tả hữu ai là người giúp cho [vua] Kiệt, thế nhưng Duy Kỳ nghe tiếng chạy trốn, tự chuốc lấy diệt vong. Năm Mậu Thân [1788], thần tiến đến Lê thành, uỷ cho con vua cũ là Duy Cẩn giám quốc rồi sai người gõ cửa quan, đem hết việc trong nước tâu lên. Thế nhưng mẹ của Duy Kỳ đã đến ải Đẩu Áo trước rồi, sai người xin giúp đỡ.
Tôn Sĩ Nghị là phong cương đại thần nhưng lại vì tiền của, nữ sắc, đem biểu chương của thần xé ném xuống đất, lăng nhục người đem thư, ý muốn hưng sư động chúng, không biết ấy là do hoàng đế sai khiến, hay vì Sĩ Nghị nghe lời một người đàn bà mà làm, muốn lập công nơi biên cương mưu cầu đại lợi.
Nếu như sánh nhân sĩ một góc biển thì giáp binh làm sao chọi lại được một phần trong muôn một của Trung triều. Thế nhưng trước mặt là sông sâu, sau lưng là hổ dữ, ai nấy sợ chết nên đều hết sức mà chống trả.
Thần không nề câu ném chuột tránh đồ nên lấy năm ba dân đinh trong ấp đi theo. Ngày mồng 5 tháng giêng năm nay tiến đến Lê thành mong gặp được Tôn Sĩ Nghị may ra có thể đem ngọc lụa thay việc can qua, chuyển binh mã thành hội xiêm áo. Binh của Tôn Sĩ Nghị đến trước nghinh chiến nhưng mới giao phong đã chạy tứ tán, ai trốn tránh ở thôn trang bên ngoài thành lại bị dân chúng giết sạch. Ngày thần vào trong thành lập tức cấm chỉ, không được giết càn, nhất thiết phải đưa đến đô thành, số hơn tám trăm nhân khẩu thần đã cho lương ăn.
Trộm nghĩ bản quốc từ Đinh Lê Lý Trần đến nay, các đời thay đổi, không phải chỉ có một họ. Hễ ai có khả năng làm phên dậu ở phương Nam thì được vun xới, ấy thật là chí công chí nhân, theo trời hành hoá, thuận theo tự nhiên.
Vậy xin tha cho thần cái tội nghinh chiến với Tôn Sĩ Nghị, xét cho lòng thành của thần mấy lần gõ cửa quan trần tấu mà phong cho thần làm An Nam quốc vương để được thống nhiếp. Thần nay sai sứ giả đến cửa quan để xin được sửa lễ cống, lại đem những người còn đang ở đây nạp về để tỏ chí thành.
Vốn dĩ đường đường là phận thiên triều đâu so kè việc thắng phụ với tiểu di, lạm việc chinh chiến[13] cho hả lòng tham tàn ắt là thánh tâm không nỡ. Quá lắm nếu như việc binh không dứt thì thế đến đâu cũng không phải là sở nguyện của thần, mà thần cũng không dám biết nữa.[14]
Bài này có lẽ cũng chép lại Trần Tình Biểu trong BGHT của Ngô Thì Nhậm nhưng nhiều chi tiết đã bỏ đi (mặc dù bản văn trong BGHT cũng đã lược đi một số chi tiết quan trọng):
Thần sống ở nơi hoang vắng xa xôi xứ An Nam đã từ lâu tắm gội nơi thanh giáo. Thế nhưng từ khi họ Lê không còn cầm trịch, việc chính trị vào tay quyền thần, trong nước ngả nghiêng ly tán, dân tình oán thán.
Thần là kẻ áo vải theo thời mà cử sự, nguyên do vì kẻ vong nhân là Nguyễn Chỉnh chạy tới xin quân. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1786) là lần đầu có việc ở Lê thành, khi vua Lê trước tạ thế, thần nâng đỡ tự tôn là Duy Kỳ nối ngôi sau đó quay về phương Nam, bản ý không muốn chiếm lấy…
clip_image002
Hình 3: Tờ bẩm của vua Quang Trung gửi quan nhà Thanh
tháng Hai năm Càn Long 54[15]
(khúc đầu)
Việc triều đình Tây Sơn chuyển từ trần tình nguyên do chiến tranh sang xin phong cho Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương, đồng thời xin công nhận một dòng họ mới cho ta thấy rằng lúc này quan lại nhà Thanh đã nhận được chỉ dụ của vua Càn Long [gửi trước trận đánh ở Thăng Long] trong đó ông nghi ngờ khả năng tồn tại của Lê Duy Kỳ – không có Nguyễn Huệ này thì cũng sẽ có một Nguyễn Huệ khác nổi lên chiếm nước – nên đã “bật đèn xanh” cho quan lại ở Quảng Tây tiến hành việc thay đổi một triều đại tại An Nam. Đối với các quan nhà Thanh, việc đồng ý chấm dứt yểm trợ nhà Lê gỡ cho họ rất nhiểu lo ngại nhất là trút được gánh nặng sẽ phải tiếp tục tiến hành một cuộc chiến cam go và dai dẳng. Còn như công nhận cả hai nước – An Nam và Quảng Nam – thì cũng nhiêu khê không giải quyết được gì mà yêu cầu Nguyễn Quang Bình sang chúc thọ còn khó khăn hơn nữa. Chính vì vậy, hai bên nhất loạt trút mọi sai trái lên gia đình vua Lê [mà chính họ Lê không có điều kiện và cũng không biết những kết tội đó] tạo nên nhiều oan khuất tồn tại đến tận hôm nay.[16]
lần thứ ba:
Theo nội dung lá thư, nước ta chưa đề cập đến việc trao trả tù binh như một thiện chí biểu lộ sự “thâu thành” nhất là vẫn còn có giọng khiêu khích nên Thang Hùng Nghiệp đã hốt hoảng trả lại bức thư kèm theo những lời dặn dò và cố vấn nước ta không nên dùng số người bị bắt giữ như con tin và chỉ chuyển lên vua Càn Long nếu số tù binh đó được trả về.
Theo sử nhà Thanh, ngày 21 tháng Hai nước ta lại gửi lá thư thứ ba để trình bày sự việc.[17] Trong BGHT còn lá thư vua Quang Trung gửi Thang Hùng Nghiệp sau đây:
Ngày 13 tháng Hai, Càn Long năm thứ 54, tôi nhận được một tờ trát của bồi thần bản quốc là Nguyễn Hữu Trù [阮有賙] được tôn đài thiết tha chỉ bảo về kế sách yên ổn và cai trị lâu dài của nước tôi. Tôi cầm lên đọc đi đọc lại, cảm kích khôn cùng thấy rằng lời tâu trong biểu ngoài việc còn có chỗ chưa hợp thức cần phải sửa lại rồi trình lên thì quan binh thiên triều hiện đang ở tại quốc đô đã được cho ở yên một chỗ cũng chưa tuân theo mà trao trả về.
Việc này nguyên do chẳng phải vì bộc có điều cầu xin nên dùng để ép uổng mà vì qua một phen tao loạn bọn họ đã bị bắt giữ. Nếu như bộc lại giận dữ nghe lời quân sĩ bản bộ mà cho phép tùy tiện lúc giao tranh thì bây giờ còn gì để nói?
Có điều bậc trượng phu xử sự minh bạch, không giết kẻ ngã ngựa nên nhất nhất thu dưỡng rồi tâu lên cho rõ ràng đợi thiên tử định đoạt để làm sao đưa về cho thuận tiện, ấy là lòng thành trong việc lớn xin phong. Còn như khư khư giữ lấy vài trăm binh lính, đòi hỏi yêu sủng trước khi trả về thì có khác gì đưa dưa mận mà đòi quỳnh cửu[18] đâu có thể gọi là cung thuận chân thành. Cho nên mấy phen qua lại, chưa từng đem chuyện đó nói ra. Nay nghe lời dạy rằng đợi khi nào đưa trả quan binh sẽ dựa theo đó mà chuyển tấu, ấy là lòng chân thật của tôn đài mà chu toàn cho bản quốc nên không câu nệ dấu vết cũ.
Bộc lại nghĩ lại rằng, vạn sự trong thiên hạ không qua khỏi một chữ thành. Lần này quan quân trở về kinh mong tôn đài đừng nhắc tới cũng như trát lần trước đã nói là “tức sự ninh nhân, thực duy đại nguyện”.[19] Nếu như có nảy sinh lời lẽ vào ra, vạn nhất chuyện đổi khác thì bộc cũng đành chiều theo vậy, cốt thuận với tự nhiên, làm như không có sự gì mà thôi.
Phàm nước nhỏ đối với nước lớn, ngoài việc “uý thiên sự đại”[20] ra, thì không còn gì khác nên tôi đã tra chiếu quan binh hiện đang ở đây thì ở quốc đô là hơn 700 người, còn khoảng 200 người đưa đi trấn giữ trong các đội quân bản bộ, nhưng gần đây số ốm đau bệnh hoạn cũng đến cả trăm người. Cho nên tôi đã ủy cho bồi giới Nguyễn Hữu Chu [Trù] chuẩn bị đưa lên cửa quan hơn 600 người giao nạp, còn 300 người sẽ lần lượt đưa đi.
Lần này ngoài giấy tờ tâu lên, cũng có tiến lễ vật đúng ra phải có thổ ngơi nhưng vì nước mới dựng, không thể mọi thứ đều lo liệu được nên trộm đưa lên hoàng kim 10 dật, bạc 20 dật để thay cho chút lễ đơn bạc[21], xin tôn đài xem xét tấm lòng chân thành mà thu nạp rồi chuyển tâu lên. Còn như bọn bồi giới Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Phác đem biểu lên gõ cửa quan, đợi chỉ cho phép tiến kinh thì mới dám nghệ khuyết. Số người tùy hành, tất cả tổng số là bao nhiêu thì mong được biết số lượng.
Tấm lòng vạn dặm, không bút mực nào có thể hết được, mong tôn đài giúp đỡ cúi xuống mà ngọc thành cho.[22]
Kèm theo bức thư, nước ta cũng tặng cho Thang Hùng Nghiệp 100 lượng bạc, một món tiền làm quà tương đối nhỏ không nhằm đút lót như sử triều Nguyễn ghi chép.
Trước đây tôi đã được kín đáo dạy bảo rằng nếu có điều gì bẩm bạch lên bộ đường đại nhân thì tuyệt đối đừng nên đề cập cái lòng tôn đài yêu mến thâm sâu bộc này. Phàm dù ghét nhưng vẫn biết đến cái thiện của kẻ kia thực không có mấy người. Quan tổng đốc đối với bộc có ý không thể dung tha được nên trước đây mới gây ra cớ sự, nay lại nhờ vun vén cho thành việc của người ắt sẽ không ra sức giúp đỡ nên bộc không dám ngỏ lời. Nay được thịnh tình giảng giải cho, việc phong điển rất quan trọng, nên việc trình bẩm cần phải cho hợp cách thức bình thường, bộc không thể không tuân theo.
Vậy kính cẩn trình lên một đạo bẩm văn viết rõ ràng, theo đúng như đã gửi lại mong được thu nạp và chuyển đệ lên. Hiện nay nước tôi vừa mới dựng, văn hiến chưa đủ mọi việc nghi thức tâu lên còn nhiều chỗ thô lỗ, khiếm khuyết mong tôn đài chu toàn mà giúp cho thành tựu. Trong kinh Thi có viết: “Bồng bồng thử miêu, âm vũ cao chi”. Thiệu Bá gia ơn cho nước Nam công lao cũng không khác gì mưa đầy đủ, bộc đọc thơ này nhiều lần nên gửi lên để ca tụng tôn đài.
Tiểu bang không có gì để tạ ơn, chỉ có chút thổ ngân [bạc sản xuất tại địa phương] một trăm lượng xem như chén rượu thọ, không dám gọi là để báo đáp, chỉ lấy vật để thay tình mà thôi. Mong ngài lấy lượng hải hà mà nhận cho thì chúng tôi thật vinh hạnh. [23]
Theo nội dung lá thư, Thang Hùng Nghiệp đã tiếp xúc riêng với Nguyễn Hữu Trù và những trao đổi đã được gửi về Thăng Long. Kế sách lâu dài mà họ Thang đề cập hẳn có liên quan đến việc “Lê Duy Kỳ bỏ nước chạy trốn, thiên triều không còn có ý lấy lại An Nam giao cho y. Vậy nhân lúc phương bắc chưa nhận được dụ chỉ [tức chưa có chủ trương và hành động dứt khoát], hãy sai người gõ cửa quan thỉnh cầu ân điển” như nhắc đến trong Liệt Truyện.
Lẽ dĩ nhiên, không phải chỉ một chi tiết nhỏ như thế có thể được gọi là “kế sách yên ổn và cai trị lâu dài của nước tôi” nếu không đưa ra những áp lực mới. Việc “Lê Duy Kỳ bỏ nước chạy trốn” mà Thang Hùng Nghiệp gợi ý không phải chỉ là một sự kiện bình thường mà chính là một thông tin mật của nhà Thanh cho Tây Sơnbiết rằng hiện nay Lê Duy Kỳ không còn ở trong nước mà đang là con tin ở Trung Hoa, đồng thời cũng là một đe dọa ngầm nếu như Nguyễn Quang Bình không thần phục, chậm trễ trao trả tù binh thì sẽ là một mầm họa lớn tác động đến việc trị an.
Về phía Trung Hoa, các quan lại địa phương cũng biết rằng mục tiêu của những trao đổi này không phải để xem ai đúng ai sai mà làm thế nào cho quan điểm hai bên có thể dung hoà, đấu dịu để không xúc phạm đến sự tự tôn của vua Thanh. Việc tranh cãi và lý luận đó kéo dài khá lâu đúng như Vũ Huy Tấn đã phải than là ông lên xuống gõ cửa Nam Quan đến bảy lần thì việc mới xong. Theo những chi tiết còn lưu lại trong sử sách, triều đình Tây Sơnđã thay Ngô Thì Nhậm bằng Phan Huy Ích rồi sau đó là Vũ Huy Tấn ứng trực ở Lạng Sơn chờ đợi kết quả bang giao và cũng khiến cho giới nghiên cứu phải ngạc nhiên vì những lời lẽ quá sai sự thực trong những biểu văn cầu phong nên không mấy ai trích dẫn.
Nhìn từ hai góc cạnh khác nhau, việc gọi là ba lần xin hàng đó không phản ảnh sự thật. Lẽ dễ hiểu, tài liệu nhà Thanh không lưu lại những văn thư ban đầu mà chỉ sử dụng bản văn sau cùng, vốn dĩ đã được sửa lại theo đúng ý họ, là tài liệu nặng phần ngoại giao. Thanh triều cũng không nhắc đến những tiến trình đàm phán, kể cả việc nước ta thay đổi các sứ bộ như một hình thức xa luân chiến, khi quyết liệt cứng rắn, khi hòa dịu nhún nhường. Nhà Thanh cũng đưa ra nhiều yêu sách – như qui phạm đàm phán của Trung Hoa – và từ từ rút bớt cho đến khi đồng thuận.
Về phía nước ta, có lẽ các quan ở Lạng Sơn cũng không biết rằng Tôn Sĩ Nghị vẫn còn ở Quảng Tây kinh lý các vấn đề hậu chiến nhưng bên ngoài thì bắn tiếng là ông ta đã bị cách chức triệu hồi về kinh và một nhân vật tiếng tăm hơn là Phúc Khang An sẽ sang thay thế.
Chính mô hình bán chính thức này tạo cho phía nhà Thanh một khoảng trống vì trong suốt mấy tháng đầu nước ta chỉ có thể tiếp xúc với một viên chức cấp nhỏ là Thang Hùng Nghiệp nên đối phương không bị ràng buộc bởi những gì họ Thang đưa ra và vẫn có thể điều chỉnh sao cho thuận với ý hướng và chủ trương của họ nếu cần.[24]Quan nhà Thanh cũng có thể từ chối những quyết định quan trọng lấy cớ là tân tổng đốc chưa có mặt.
Tuy nhiên, nếu không giới hạn trong lối nhận định chủ quan của hai bên, một đằng thì nói rằng nhà Thanh sợ ta đem quân đánh sang nên bí mật cầu hòa, một đằng thì nhấn mạnh đối phương nhiều lần gõ cửa xin hàng để mong được công nhận, chúng ta cũng thấy rằng trong tiến trình đàm phán, mỗi bên đều có những “thế mạnh” để dựa vào đó mà thương lượng. Chính những yếu điểm được khai thác đúng thời đúng chỗ là động cơ thúc đẩy việc thỏa hiệp nhanh chóng hơn.
Về phần nước ta, ưu thế nếu có chỉ dựa vào số hơn 800 tù binh bắt được, trong đó có cả một số dân phu. Việc trao trả những binh sĩ này có thể giúp phô trương thắng lợi nhưng nếu để trên bàn hội nghị, vài trăm người đó chưa đủ để Thanh triều phải gấp rút thỏa mãn những điều vua Quang Trung đang mong mỏi.
Ngược lại, tuy thua trận nhưng trong tư thế của một đại quốc, nhà Thanh vẫn có thể tiến hành một lần xâm lăng thứ hai và trong trường kỳ, phần thiệt vẫn về phía nước Nam, dù có đuổi được giặc thì vẫn lâm vào cùng kiệt. Việc tái dụng binh cũng không phải là chọn lựa duy nhất, nhà Thanh còn một lưỡi dao sắc dấu sau lưng. Đó là thanh viện và giúp đỡ tiền bạc, quân nhu, chiến cụ cho các nhóm thân Lê để quạt bùng lên một cuộc nội loạn kèm theo áp lực Xiêm La, Chân Lạp hay chúa Nguyễn ở Gia Định khởi binh nhằm bao vây chia xẻ lực lượng rồi đưa Lê Duy Kỳ về nước. Nhà Thanh cũng có thể ám trợ cho vua Lê [hay em trai ông là Lạn Quận Công Lê Duy Chỉ khi đó đang ở Tuyên Quang Hưng Hóa] dùng lãnh thổ Trung Hoa làm hậu phương để chống Tây Sơn.[25]
Việc triều đình Quang Trung trả tù binh là một cử chỉ thiện chí nhằm tạo một tương quan mới làm cơ sở đàm phán với Phúc Khang An và cũng giải thích được thái độ từ cứng rắn sang hòa hoãn mà cả hai bên đều tiến hành.
Hình 4: Nghi vệ của một tổng đốc khi ra ngoài theo tranh vẽ Tây Phương[26]
clip_image004
CHỦ TRƯƠNG CỦA THANH TRIỀU
Việc quan lại nhà Thanh ở Quảng Tây trao đổi qua lại với triều đình Tây Sơn trong mấy tháng đầu là một màn khói làm giả diện để nhà Thanh có đủ thì giờ tính toán một kế hoạch lâu dài. Chỉ ba ngày sau khi nhận được tin Tôn Sĩ Nghị bại trận – ngày 29 tháng Giêng năm Kỷ Dậu vua Càn Long đã viết “An Nam thủy mạt sự ký” [ghi lại việc nước An Nam từ đầu chí cuối], trong đó nêu ra những điểm quan trọng nhất để hướng dẫn tiến trình đàm phán:
clip_image006
AN NAM THỦY MẠT SỰ KÝ[27]
Nguyên văn
御製書安南始末事記曰、春日齋居。敬觀皇祖御書心經。張照等、跋錄御製戒之在得之諭。憬然有悟。
因憶安南始末事。為之記曰。
我皇祖戒之在得之訓。孫臣固建堂於避暑山莊。其義其事。已見之前後之記矣。
昨歲夏、居山莊。因有緬甸歸順之事。不無為之喜。無何而有孫士毅复黎城封黎王之奏。則又不無為之喜。夫喜者懼之對也。懼則若有所失。喜則無所更慮。若有所失。心不敢放。無所更慮。心或放乎。
緬甸歸順。無過宴賚山莊。事則已矣。安南之事。雖云復其城。封其王。而其凶首未擒。弗屑費中國之力。為藩國掃蕩擒渠。因降旨班師。使孫士毅速遵旨班師。即逆兇复擾黎城。則固外藩之事。變亂無常。亦不屑每問之。
乃孫士毅駐彼踰月。以待或有所擒獻。而又未曾謹設防。以致逆兇席捲而來。我師倉卒與戰。遂有所失。而提鎮三臣。同以致命。幸而孫士毅全師以歸。尚不致有傷國體。然而赫濯威重。實不無少損焉。
夫興滅繼絕。弗利其土地臣民。此非欲得也。然而得其名。與得其實同之。安南之事。予果無得名之意乎。喜而忘懼。謂之能戒可乎。
故予不咎孫士毅之貪功。久駐失防。致損威重。而自咎予之未能體皇祖訓戒之在茲。書以志過。抑亦慎守此志於永久弗替云爾。
Bản dịch
Mùa xuân ở Trai Cư kính cẩn xem Tâm Kinh do chính tay hoàng tổ (tức vua Khang Hy) viết, bọn Trương Chiếu viết lời bạt thấy lời ngự chế răn dạy về chuyện được (戒之在得 – giới chi tại đắc) rằng phải cẩn thận đừng để xảy ra sai lầm.
Nhân ngẫm trước sau việc An Nam mà ghi lại:
Lời dạy của hoàng tổ về việc”được” thì tôn thần[28] đã dựng một toà nhà ở Tị Thử Sơn Trang để thấy mà hiểu được nghĩa lý việc đó trước sau như thế nào?
Mùa hạ năm ngoái ở Sơn Trang nhân có việc Miến Điện qui thuận chẳng phải “vô vi chi hỉ” [無爲之喜][29] thì là gì? Lại có việc Tôn Sĩ Nghị tâu lên đã khôi phục Lê thành rồi phong vương cho họ Lê cũng lại là niềm vui không làm mà đến. Thế nhưng việc vui thì trái lại cũng có điều sợ vậy. Sợ nếu như có điều gì mất nên vui khi không có gì đổi khác còn lo mà có điều mất thì bụng dạ ngay ngáy không quên đâu có thể nhẹ nhõm được?
Miến Điện qui thuận thì chỉ cho ăn yến khoản đãi ở Sơn Trang cũng đủ, còn việc An Nam tuy đã lấy lại kinh thành, phong cho vương tước nhưng hung thủ chưa bắt được. Thế nhưng ta coi là chuyện nhỏ không đáng phí sức của Trung Quốc để ra công quét sạch nước phiên bắt kẻ đầu đảng nên đã giáng chỉ ban sư. Cũng biết nếu như Tôn Sĩ Nghị lập tức tuân chỉ rút quân về thì kẻ nghịch sẽ quay lại Lê thành nhưng đó là chuyện của ngoại phiên, biến loạn vô thường không phải việc nhỏ nhặt gì ta cũng phải can thiệp.
Thế nhưng vì Tôn Sĩ Nghị ở lại đến hơn một tháng để chờ xem có ai bắt [Nguyễn Huệ] đem đến nạp hay chăng, lại không cẩn thận phòng ngự đến nỗi kẻ nghịch kia thừa cơ lẻn đến, quân ta bất ngờ nên thua trận khiến cho đề trấn ba bầy tôi bỏ mạng, may mà Tôn Sĩ Nghị đem quân chạy về được tuy không đến nỗi tổn thương quốc thể nhưng uy nghiêm sút giảm không nhỏ.
Phàm hưng diệt kế tuyệt tính chuyện lợi đất đai hay dân chúng không phải là điều ta muốn nhưng được danh và được lợi phải ngang nhau. Chuyện nước An Nam trẫm nào có ý được danh đâu nhưng vì vui mà quên sợ ấy là điều cần răn mình vậy.
Ta không trách Tôn Sĩ Nghị tham công ở lâu không phòng bị để đến tổn thương uy trọng mà tự trách mình không theo thánh huấn của hoàng tổ răn dạy trong sách. Vậy các ngươi phải chăm lo cẩn thận giữ gìn lời dạy này mãi mãi về sau.

phúc khang an

Phúc Khang An là người Mãn Châu trong Nhương Hoàng Kỳ, con của danh tướng Phó Hằng, cháu gọi Hiếu Hiền hoàng hậu bằng cô, uy tín rất lớn vì năm trước đã dẹp được nhóm Thiên Địa Hội ở Đài Loan và được thăng lên Gia Dũng Công [嘉勇公][30].
Theo sử sách, Phúc Khang An là người trọng hình thức, thích màu mè, đi đâu cũng phải tiền hô hậu ủng, cờ xí rợp trời để phô diễn sự oai vệ của một đại quan. Để tỏ ra mình là một văn quan trong vai võ tướng, họ Phúc luôn luôn đi kiệu, cầm quạt lông, bắt chước Gia Cát Lượng đời Tam Quốc.
Chính sử thường chỉ chép về hoạn lộ của Phúc Khang An nhưng ngoại sử lại đưa nhiều chi tiết cá nhân giúp chúng ta phần nào hình dung được con người mà nước ta phải tiếp xúc trong vai tổng đốc trọng thần trấn nhậm biên cương:
[…] Kiệu đi ra ngoài của Phúc Văn Tương, phải dùng đến 36 kiệu phu thay đổi lẫn nhau để cho đi nhanh như bay. Khi ra quân đốc trận ông ta cũng ngồi kiệu, mỗi phu kiệu kèm theo 4 con ngựa tốt, khi không phải khiêng thì cưỡi ngựa đi theo thành thử rất là phiền nhiểu cho dân chúng, có viên huyện lệnh nọ đánh một ngưởi khiêng kiệu mà bị mất chức. Khi ông làm tổng đốc Tứ Xuyên thì làm cái kiệu rất lớn, 16 người mới khiêng nổi. Bên trong kiệu có hai tiểu đồng để hầu hạ châm thuốc pha trà, lại có đồ điểm tâm nóng lạnh mấy chục món …
[…] Khi đi hành quân thì Phúc Khang An tuyển chọn phu khiêng đều là những người khoẻ mạnh chia phiên nhau mỗi ngày đi được 100 dặm…[31]
Trước đó, khi đang làm tổng đốc Mân Triết, nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại trận Phúc Khang An đã gửi ngay lên vua Càn Long một tấu thư xin tình nguyện sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng để giải quyết việc An Nam.
Phúc Khang An giao lại ấn tín tổng đốc cho tuần phủ Từ Tự Tăng [徐嗣曾] để thự lý [tạm thay, chưa chính thức] rồi lập tức ngày đêm theo đường Mân (Phúc Kiến) Liêm (châu) đi sang Quảng Tây. Ngày 26 tháng Giêng vua Càn Long đã gửi triệp cho Phúc Khang An trong đó có đoạn như sau:
Nguyễn Huệ chỉ là một thổ tù đất An Nam, đuổi chúa làm loạn cương thường để thiên binh phải đến đánh dẹp, mấy lần bỏ chạy rồi lại dám tập trung lẻn đến làm hại quan binh, quả là tội ác cực lớn.
Hiện nay đã đến thời giao Xuân, xứ đó là nơi nhiều chướng lệ, không tiện việc lập tức đem quân vào sâu hỏi tội bọn chúng, vậy các đốc, phủ ở biên cương hãy đem quân các doanh thao diễn, bao giờ lương hướng đầy đủ, lính tráng tinh nhuệ thì nghe lệnh điều động để kể tội đánh dẹp.
Tuy nhiên, cũng cùng ngày hôm đó, vua Càn Long lại gửi thư cho Phúc Khang An một dụ chỉ có nội dung khác hơn:
Nguyễn Huệ chẳng qua chỉ là một thổ tù nước An Nam mà nay quốc gia đang hồi toàn thịnh, nếu tập trung binh lực cho đông, bốn đường tiến đánh thì đến sào huyệt bắt đầu sỏ không khó khăn gì. Thế nhưng nước đó vốn nhiều chướng lệ, chẳng khác gì Miến Điện, lấy được đất thì không đáng giữ, có được dân không đáng làm bầy tôi, việc gì phải hao tốn tiền bạc, lương thực của Trung Quốc ở một vùng viêm hoang vô dụng như thế?
Đem quân tiễu trừ Nguyễn Huệ lúc này không phải là không thể làm nhưng tính toán thiên thời, địa lợi, nhân sự đều thấy không nên … Vậy Phúc Khang An khi đến Trấn Nam Quan, nếu Nguyễn Huệ nghe tiếng sợ hãi mà đến cửa quan phục tội qui hàng thì Phúc Khang An hãy nặng lời mắng nhiếc, không nhận lời ngay để xem y có thực thành tâm sợ tội hay không, thỉnh cầu vài ba lần rồi hãy tùy cơ mà hành sự để cho đại cục hoàn thành.[32]
BÁN CÔNG KHAI
Việc nước ta trao trả tù binh có thể coi là một đại công của Tôn Sĩ Nghị, một thắng lợi ngoại giao quan trọng khai mở một lối giải quyết mà Quân Cơ Xứ về sau coi như sáng kiến từ triều đình. Từ khởi đầu này, Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh và Thang Hùng Nghiệp đã cùng với các phái đoàn nghị hoà của nước ta dựng thành một tiến trình lớp lang, thuận lý. Những lá thư có tính cách trách cứ, đổ lỗi, khiêu khích từ phía Đại Việt được huỷ đi và Thang Hùng Nghiệp được lệnh bí mật sang bàn tính một kế hoạch mà hai bên đều có lợi đưa đến những tin đồn ngoại sử.[33]
Về phần nước ta, việc tỏ thiện chí có lẽ để đáp ứng một bảo đảm từ phía Thanh triều là chấm dứt việc ủng hộ vua Lê [mà họ cho biết là đang ở Trung Hoa], qua danh nghĩa “hưng diệt kế tuyệt” như lần trước. Trong tình hình lúc đó, bảo đảm như thế là biến chuyển quan trọng trong tiến trình nghị hòa nên vua Quang Trung đã ra lệnh trả tù binh trước khi Phúc Khang An sang tới nơi giúp cho viên tân tổng đốc không còn phải bận tâm đến việc rửa mặt cho vua Càn Long mả bắt tay ngay vào tiến hành nghi thức công nhận An Nam quốc vương.
Ngày 21 tháng Hai, vua Quang Trung cho Nguyễn Hữu Trù đưa lên biểu văn [đã gọt dũa lại cho phù hợp] cho quan nhà Thanh xem trước và hôm sau [22 tháng Hai] đưa lên Nam Quan 500 tù binh, bao gồm 300 binh lính và 200 phu dịch[34]. Cùng lúc đó, vua Quang Trung ra lệnh cho trấn thủ Lạng Sơn chuẩn bị lễ lạc và tiệc mừng, đánh dấu một thắng lợi trong tiến trình đàm phán[35]. Sau lần trả tù binh lớn này, nước ta còn trả thêm lần thứ hai gồm 39 người, lần thứ ba 28 người và lần thứ tư 18 người nữa.[36] Để đáp lại, nhà Thanh cũng trả về nhóm Chu Đình Lý 7 người[37] khi đó đang bị giam ở huyện Sùng Thiện, phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây.
Việc hai bên trao trả tù binh có thể coi như thời điểm kết thúc thái độ đối nghịch để chuyển sang thời kỳ đàm phán về nghi lễ. Vai trò của Tôn Sĩ Nghị cũng chấm dứt để Phúc Khang An ra mặt bước vào bàn hội nghị.
CÔNG KHAI HOÁ VIỆC ĐÀM PHÁN
Sau khi tù binh đã được trả về, các quan nhà Thanh đã bằng lòng chuyển biểu văn lên Yên Kinh nhưng còn đợi Phúc Khang An đến nơi sẽ chủ trì.
Đầu tháng Ba năm Càn Long 54, Phúc Khang An đến Quí Huyện thuộc Quảng Tây, nhận ấn triện tổng đốc xong, đến ngày 12 [tháng Ba] đến Nam Ninh, trên đường vừa đi vừa thăm dò tình hình. Ngày 16 tháng Ba, Phúc Khang An đến Trấn Nam Quan, gặp những nhân vật đã có kinh nghiệm trực tiếp đối phó với vấn đề, chủ yếu là tiền tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh, đề đốc Hải Lộc [thay thế Hứa Thế Hanh] mà trong hai tháng qua đóng bản doanh ở đây. Là người thân của vua Càn Long được chỉ thị mật nên Phúc Khang An đã có sẵn một kế sách hợp với tâm nguyện của hoàng đế.

kết quả ban đầu

Ngay khi vừa đến Trấn Nam Quan, họ Phúc đã tâu lên:
Ngày 16 tháng Ba thần đến Trấn Nam Quan, phủ thần Tôn Vĩnh Thanh đóng ở Thụ Hàng [受降] thành cách cửa quan 90 dặm còn tổng đốc tiền nhiệm Tôn Sĩ Nghị đến đón thần về mạc phủ [幕府] doanh cách cửa quan 20 dặmcòn đề thần Hải Lộc thì đã đến đóng ở cửa quan trước sau cùng thần tiếp kiến báo cáo đại khái tình hình biên quan.
An Nam ở nơi hẻo lánh nóng nực, xưa nay người man tranh giành với nhau, chinh chiến không dứt. Hiện nay thổ tù Nguyễn Huệ cùng họ Lê tranh chấp, quân ta kể tội đánh dẹp, y cũng không chịu cúi đầu trước quân doanh,[38]đến khi ta toan triệt binh khỏi Lê thành thì xảy ra chuyện sơ sót ngoài ý muốn, thật gã tù trưởng kia đắc tội với thiên triều chứng cớ rành rành.
Hoàng thượng ngự vũ mấy chục năm qua, bình định Tân Cương, Hồi bộ, đại tiểu lưỡng Kim Xuyên, tiễu trừ Hồi phỉ ở nội địa, nghịch tặc ở Ðài Loan, công lao phong phú, sự nghiệp lẫy lừng vượt quá cổ kim. Nay mảnh đất An Nam nhỏ bé, cất tay lên đánh dẹp, thu làm quận huyện thì có khó gì.
Thần nhiều đời thụ ơn nặng, mấy lần được bổ nhiệm, việc hành quân trước nay chưa từng khiếp sợ chút nào. Tình hình hiện nay nếu cần dụng binh ắt cũng xin tâu lên điều động quân đội, trưng dụng lương hướng đại cử xuất quan đâu có gì mà phải rụt rè, đến kẻ văn nhược thư sinh Tôn Sĩ Nghị còn dám dẫn quân tiến vào không lẽ thần lại không bằng hay sao?
Có điều địa phương nước này, từ bắc xuống nam 3000 dặm, từ đông sang tây 2000 dặm, trình trạm rất nhiều việc đưa quân đi không thể nhanh được mà nói chung trong khí hậu bốn mùa chỉ có ba tháng mùa đông là chướng lệ không nổi lên, còn xuân hạ thu tam quí ắt sương độc dày đặc không thể bị nhiễm chẳng khác gì Miến Ðiện. Nếu như đại cử hưng sư, muốn cho vạn toàn vô sự thì việc quân lữ phải làm sao ấn định ngày giờ, nếu trong ba tháng không xong thì khi vừa giao xuân, chướng khí bốc lên, triệt binh thì bao nhiêu công lao trước đều bỏ hết, để quân lại thì thương vong ắt là nhiều.
Việc An Nam không nên dụng binh, không chỉ vì địa lợi bất tiện, nhân sự bất hiệp mà đến thiên thời cũng giới hạn, từ trước đến nay chưa từng thành công cũng vì lẽ đó. Nay Nguyễn Huệ có oán thù với họ Lê để đến nỗi phải khó nhọc đến quân ta, tốn phí lương hướng.
Thế nhưng khi đại binh tiến quan chưa bao lâu, gã tù trưởng đó đã mấy bận xin hàng, thật rõ là trước kia tuy có kháng cự thật nhưng về sau thành tâm thần phục. Trong biểu văn y xưng là kẻ áo vải đất Tây Sơn không có ý định chiếm nước của người khác, lại nói rằng tuy bên ngoài tưởng như kháng cự nhưng thực ra không dám đắc tội với thiên triều. Thế nhưng dẫu có hàm hồ chối tội nhưng chưa nói ra được việc quả không kháng cự cho minh bạch nên lúc này chưa tiện đệ lên lời thỉnh cầu.
Hiện nay gã tù trưởng kia đã gọi bọn di mục Nguyễn Hữu Trù quay về Lê thành không còn ở lại gần biên giới để nghe ngóng nữa. Thần đã đến cửa quan khảo sát tình hình, lại cùng bọn Tôn Sĩ Nghị cật lực suy tính tuân theo thánh chỉ trước đây viết một hịch văn ra lệnh cho Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp cho gọi thông sự đến cửa quan giao cho họ ra lệnh phải mau mau đưa đến Lê thành cho Nguyễn Huệ xem để y tự thẩm định đâu là phúc, đâu là họa mau mau trả lời.
Thần lại [làm việc] cùng Thang Hùng Nghiệp vốn ở Việt Tây lâu năm được người di tín phục. Trước đây Nguyễn Huệ ba lần tiến biểu, Tôn Sĩ Nghị cũng đều ra lệnh cho y cùng người bên kia đối đáp. Vì thế thần đã ra lệnh [cho y] gọi bọn Nguyễn Hữu Trù đến cửa quan để nói chuyện tận mặt với họ, hỏi về lý do tại sao trước đây Nguyễn Huệ và họ Lê tranh chấp, đến khi quân ta xuất quan rồi sao không đến trước quân môn tạ tội, sau đó quay lại Lê thành quấy nhiễu, có thực dám chống lại thiên triều hay chỉ muốn kiếm họ Lê để gây hấn rồi lỡ lầm giết cả quan binh, lúc này kịp có hối tội thì hãy viết tờ bẩm trình bày mọi việc cho rõ ràng, tình nguyện qui phục rồi đưa đến cửa quan.
Nguyễn Huệ khi nhận được hịch văn này và những lời của viên đạo kia chuyển lại thì ắt hiểu rằng thần đã đến cửa quan, sẽ phải đi theo từng bước. Nếu gã tù trưởng kia thiết tha nạp khoản, thần sẽ theo các dụ chỉ trước sau tùy theo mỗi việc mà trù biện, tâu lên xin huấn thị rõ ràng.
Thần đến cửa quan lo liệu mọi việc, thấy Nam Quan này đứng nổi lên trong hàng vạn quả núi, tình thế hiểm tuấn, bên trong có Chiêu Ðức Ðài [昭德臺] là nơi cống sứ An Nam tiến quan hành lễ, hiện có đề thần Hải Lộc đóng binh trấn giữ. Binh đinh đóng tại cửa quan này cũng như các quan ải khác nay đã đến đầy đủ, Hải Lộc ngày nào cũng đi các nơi tuần tra, kiểm điểm khí giới, ra lệnh cho các nơi tập luyện bắn súng, trên các quan ải cắm cờ xí, đắp xây tường lũy để cho xa gần trong ngoài biết rằng đã có thêm quân mới đến nơi.
Thần cũng đã gửi nghiêm hịch dụ cho binh đinh các ải, một mặt thao luyện kỹ thuật, một mặt phòng thủ truyền tin, thần sẽ lần lượt tuần tra qua lại các nơi. Thần từ khi đến cảnh giới đất Việt đến nay, chỗ nào cũng hỏi han. Năm trước dụng binh ở Ðài Loan đều có trưng điệu đến Lưỡng Việt, sau lại đến việc của An Nam, quân đội lương hướng điều động mấy lần, Việt Ðông [Quảng Đông] tương đối trù phú nên việc cung ứng không đến nỗi ta thán, còn Việt Tây [Quảng Tây] thì dân nghèo đất xấu không có của ăn của để nên khi đưa quân đi và vận chuyển lương thực toàn dựa vào sức của dân, làng mạc đốc thúc việc công không khỏi khốn khó.
Từ khi điều binh đến Trấn Nam Quan tháng Bảy năm ngoái, binh phu rất nhiều người bị nhiễm chướng bệnh bỏ mình, mùa đông xuất sư, binh lính, phu phen người Hán theo quân xuất quan nghe nói không dưới bốn, năm vạn người. Ðến chiến dịch Lê thành, số thương vong không phải là ít. Nói chung hành quân một vạn, số người vận tống quân trang lương hướng hỏa dược đạn hoàn, cùng là sắp đặt đài trạm phải cần đến vài vạn phu phen. Cứ số lượng mang vác của mỗi mười người phu thì lại phải mộ thêm vài người để dễ dàng phân chia ra thành thử số phu dùng càng nhiều.
Năm trước Tôn Vĩnh Thanh đã tâu lên rằng nếu muốn đưa đại binh đi thì phải dùng đến mười vạn dân phu, ấy là chỉ ước tính tổng quát chứ cứ theo như tính toán của thần thì phải đến vài chục vạn mới đủCòn như cần cả các tỉnh khác hiệp tế thì việc rất khó khăn, không nói gì hiện giờ mùa xuân chướng khí rất nặng không thể nào hành quân được, mà đã sử dụng thì phải hai bên tiến quân cùng phải trù hoạch nếu theo cách thức trước đây đốc thúc dân phu thật khó mà làm cho hết sức.
An Nam là nơi chướng lệ, đúng như thánh dụ, cũng ác liệt không khác gì Miến Ðiện, không thể đem binh mã tiền lương của quốc gia dễ dàng ném vào đấy. Từ khi triệt binh Miến Ðiện đến nay đã bế quan khước cống hơn hai mươi năm, các tù mục xứ ấy chẳng ai dám đến gần biên cương gây sự vì thiên uy vang dậy nên tự thần phục lâu nay. Năm trước [Miến Ðiện] gõ cửa quan xin nội phụ, thành khẩn xin nạp cống không phải mệt đến sức của một người lính nào. Nay việc của An Nam, đại lược cũng giống như thế, Nguyễn Huệ chắc không dám vọng tưởng dòm ngó quấy nhiễu biên cương, đến nay đã mấy lần gõ cửa khất hàng. Vậy nên liệu chừng nuôi dưỡng quân uy nhưng không cần phải đại cử hưng sư, làm mệt nhọc tốn phí thêm một lần nữa.[39]
Luận giải của Phúc Khang An trong tờ tấu thư này có thể xem như chuyển biến rõ rệt về việc nhà Thanh từ bỏ chủ trương tái động binh và tiến hành việc hướng dẫn sao cho nước ta thần phục êm đẹp nhất. Khi mọi việc đã ổn thỏa, Phúc Khang An mới sai Thang Hùng Nghiệp thông báo cho nước ta rằng tổng đốc Lưỡng Quảng tân nhiệm đã tới và dự kiến sẽ mở cửa tiếp sứ bộ An Nam ngày 28 tháng Ba.[40] Cũng trong thời gian chờ đợi, Phúc Khang An tiếp tục tra hỏi những người vừa mới về được và theo ông ta thì họ sở dĩ chậm trễ vì “bị thương không đi được hay lạc đường” và Nguyễn Huệ không những không làm hại mà còn “ra lệnh cho người di trên đường cho chỗ ăn ở và cấp lộ phí, cho người đưa về” nên nếu không phải là lúc chẳng nên tính chuyện binh đao thì lúc này cũng không cần phải dùng binh nữa.[41]
Ngày hôm đó, hơn 20 người phái đoàn nước ta đem theo bò rượu gạo thóc gọi là lễ tương kiến để tỏ thiện chí muốn nghị hoà. Đến giờ Tỵ, nhà Thanh mở cửa quan, chánh sứ nước ta Nguyễn Hữu Trù, giáp phó sứ Vũ Huy Tấn [Phác], ất phó sứ Nguyễn Ninh Trực và tuỳ tòng qua Nam Quan.
Theo báo cáo của Phúc Khang An thì:
…Thần Phúc Khang An vào ngày 16 tháng Ba đến Trấn Nam Quan liền ra lệnh cho Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp truyền gọi di mục An Nam Nguyễn Hữu Trù đến cửa quan nghe dụ. Di mục đó nghe tin, lập tức từ Lê thành bất kể ngày đêm chạy đến, tới Lạng Sơn liền sai thông sự đến để thỉnh thị, hỏi xem hôm nào đến cửa quan. Trong tờ bẩm đề là ba người Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Tấn, và Nguyễn Ninh Trực. Thần liền sức cho Thang Hùng Nghiệp bảo cho họ ngày 28 đến cửa quan để nghe dụ tận mặt.
Bọn thần nghĩ rằng những di mục này trở về Lê thành, cách cửa quan năm sáu trăm dặm, giữa đường lại cách bức Lạng Sơn, Thọ Xương, Thị Cầu, Phú Lương các sông, vừa nghe gọi đến, Nguyễn Huệ lập tức sai họ đi ngay, đủ biết ngày ngày trông ngóng tin tức thiên triều, khiếp sợ cung cẩn do bụng chí thành.
Bọn thần ra lệnh cho Thang Hùng Nghiệp tiếp kiến các di mục này ở Chiêu Ðức Ðài bên trong cửa quan. Ngày 28, giờ Tị bọn viên mục Nguyễn Hữu Trù dẫn thông sự cùng tùy tòng tất cả hơn 20 người đến quan, lại sửa soạn bò, gạo, dầu, miến các vật tặng cho Thang Hùng Nghiệp làm lễ kiến diện[42] nhưng liền trả lại không nhận rồi cho gọi bọn Nguyễn Hữu Trù ba người cùng một thông sự tiến quan, số còn lại bắt đợi ở ngoài quan.
Bọn Nguyễn Hữu Trù đến trước đài làm lễ tam quị cửu khấu [ba lần quì, chín lần rập đầu là lễ bái yết hoàng đế]rồi quay sang hành lễ với Thang Hùng Nghiệp. [43]
Phái đoàn nước ta qua ải vào Chiêu Ðức Ðài (đối xứng với Ngưỡng Ðức Ðài thuộc Lạng Sơn) và được Thang Hùng Nghiệp và quan lại nhà Thanh tiếp đón. Như nghi thức, một khi vào đất Thanh, sứ bộ nước ta hướng về phương bắc làm lễ [tượng trưng] tam quị cửu khấu trước hoàng đế sau đó mới ra mắt quan nhà Thanh.
Theo Lịch Triều Tạp Kỷ, trong lần này Phúc Khang An gửi một hịch dụ cho đòi Nguyễn Quang Bình phải đích thân đến Nam Quan tạ tội. Ngày 29 tháng Ba tờ hịch đó được chuyển về Thăng Long cho vua Quang Trung.[44]
Việc thay đổi từ dự định tiếp phái bộ nước ta 20 người sang việc chỉ tiếp ba người và không nhận lễ vật cho thấy Phúc Khang An không bằng lòng với sắp xếp trước đây và muốn thêm những thủ tục khác cho “xứng tầm” với vị thế một võ tướng trong lớp áo văn nhân, hơn hẳn Tôn Sĩ Nghị chỉ là một nho sĩ thường. Trong tờ biểu gửi vua Càn Long khi mới đến Nam Quan ông ta có viết:
[…] Thần nhiều đời thụ ơn nặng, mấy lần được bổ nhiệm, việc hành quân trước nay chưa từng khiếp sợ chút nào. Tình hình hiện nay nếu cần dụng binh ắt cũng xin tâu lên điều động quân đội, trưng dụng lương hướng đại cử xuất quan đâu có gì mà phải rụt rè, đến kẻ văn nhược thư sinh Tôn Sĩ Nghị còn dám dẫn quân tiến vào không lẽ thần lại không bằng hay sao?[45]
Trước đây khi chiến tranh với Miến Điện, vấn đề hậu chiến khó xử nhất cho Thanh triều là Miến vương nhất định không giao trả tù binh. Thế nhưng khi Phúc Khang An đáo nhậm Quảng Tây thì việc trao đổi tù binh đã hoàn tất nên đánh mất một cơ hội để chứng tỏ uy thế. Phúc Khang An liền chuyển sang gây sức ép về việc phong vương và cho rằng mình là người thanh vọng lớn có thể bắt nước ta hàng phục một cách vinh quang.
Để ra oai, Phúc Khang An hoãn việc gửi biểu cầu phong đúng một tháng để đòi vua Quang Trung đến Nam Quan khi đó y sẽ dàn xếp để đưa đến Thụ Hàng Thành – nơi đã có sẵn một lễ đài đồ sộ – và việc tiếp biểu trở thành lễ thụ hàng giống như Mao Bá Ôn đòi Mạc Đăng Dung “xin hàng” đời Minh. Phúc Khang An không đánh giá được tư thế của nước ta và chắc cũng chưa được đọc những lá thư gửi cho Thang Hùng Nghiệp nên vẫn tưởng uy tín “hão” của ông ta sẽ làm triều đình Tây Sơn phải e ngại.
Ngoài việc đòi vua Quang Trung lên Nam Quan, Phúc Khang An cũng bắt nước ta phải thêm vào cống vật hai con voi đã thuần hoá. Sở dĩ chúng ta biết được những đòi hỏi đó là vì vua Quang Trung đã minh thị bác khước những đòi hỏi này trong lá thư gửi lên Phúc Khang An cuối tháng Tư.

vai trò nguyễn quang hiển

Sự xuất hiện của Phúc Khang An đưa đến một số thay đổi trong tiến trình đàm phán. Trước đây việc trao trả tù binh được coi như mấu chốt từ chiến sang hòa. Khi việc trả người hoàn tất, triều đình nhà Thanh đã sẵn sàng tiến sang bước thứ hai là thay đổi từ công nhận nhà Lê sang công nhận nhà Tây Sơn. Việc hoạnh hoẹ của Phúc Khang An khiến cho nước ta cũng tương kế mà đổi kế hoạch.
Ngày mồng 6 tháng Tư năm Kỷ Dậu, Hô Hổ Hầu Nguyễn Hữu Trù – khi ấy là chánh sứ hầu mệnh – gửi cho Thang Hùng Nghiệp một bức thư riêng thông báo việc định ngày gặp Phúc Khang An, trong đó có đoạn như sau:
… Quốc trưởng nước tôi nhận được phong thư và lời dụ của ngài gửi đến biết rằng đại nhân có thịnh tình chiếu cố phát xuất tự chân thành đáng ra phải đích thân đến gõ cửa quan để tận mặt nghe lời chỉ bảo của thượng hiến.
Có điều nước vừa mới dựng, mọi việc chưa an định, chưa có lúc thảnh thơi nên không thể rời xa quốc thành. Vì thế nên đã uỷ cho người thân là Nguyễn Quang Hiển đi cùng với phái đoàn để thay mình đến cửa quan thay mặt thi hành lễ yết kiến, trước sau cũng một ý đó, không hề có chỗ nào tính toán gì.
Nhưng vì đường sá nhiều suối lắm hang, nước mưa dâng cao khó mà đi lại, đi về không khỏi chậm trễ, ước chừng trong khoảng 15, 16 tháng này mới có thể đến được trấn thành Lạng Sơn. Cho nên bẩm lên trước như thế.[46]
Nghe tin triều đình Tây Sơn nhượng bộ và thông báo sẽ đưa một nhân vật quan trọng lên Nam Quan tiếp xúc khiến cho quan lại nhà Thanh chấn động. Phía Trung Hoa cũng báo về triều là họ nghe tin chuẩn bị công quán, đường sá, dân phu … suốt dọc đường từ Thăng Long lên đến Lạng Sơn và phái đoàn có thể lên đến hàng trăm khiến cho chính quan lại nhà Thanh vừa ngạc nhiên, vừa khấp khởi.[47] Phía nước ta cũng nói rằng đây là một nhân vật rất quan trọng để chứng tỏ trước sau một lòng, tuy đại do thân (thay mặt nhưng cũng như chính mình) của vua Quang Trung.[48]
Tháng Ba năm Kỷ Dậu, trấn thủ Lạng Sơn được lệnh chuẩn bị lễ vật tiếp kiến gồm hai con trâu và một gánh gạo.[49] Nguyễn Quang Hiển cùng Hô Hổ Hầu Nguyễn Hữu Trù và Vũ Huy Tấn đem một biểu văn [ gửi vua Càn Long], hai tờ bẩm [gửi Phúc và Thang] giao cho Thang Hùng Nghiệp rồi chờ ở Lạng Sơn đến hạn đưa phái đoàn sang để gặp mặt và nhờ tổng đốc Lưỡng Quảng tân nhiệm chuyển tấu.
Lá thư vua Quang Trung gửi Thang Hùng Nghiệp còn ghi lại trong Lịch Triều Tạp Kỷ như sau:
Nghe rằng đại hoàng đế mới phái đại thần Gia Dũng Công xuống giữ nhiệm vụ tổng đốc Lưỡng Quảng. Bộc ở nơi xa xôi từng nghe Gia Dũng Công danh tiếng bao la, uy vọng vòi vọi là người rất được đại hoàng đế ngó xuống.
Nay đến đây trông coi toàn cõi Việt [tức Quảng Đông, Quảng Tây], quang lâm Nam Quan, ắt sẽ thể theo đức nhân vỗ về kẻ xa, nuôi nấng kẻ yếu của đại hoàng đế để phủ tuy hạ ấp. Bộc trước nay chưa từng được đệ lòng thành kính lên, ắt sẽ có cơ giãi bày nên cũng muốn đến cửa quan gõ cửa khẩn cầu ân điển để đợi chỉ của đốc hiến.
Có điều bang gia mới dựng, không được thư nhàn, lúc này không thể rời xa quốc thành nên kính cẩn soạn một bẩm văn sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển đến cửa quan thay tôi cung kính hành lễ, đợi xem cân nhắc thế nào. Việc đổi thay của bản quốc bên trong có nhiều điều khúc mắc nhưng bộc lòng thành uý thiên sự đại cũng mong được tôn đài thể tất cho mà cố sức thành toàn, bẩm lên thượng hiến, cùng là chỉ vẽ cho hành giới nước tôi lễ nghi yết kiến và thuật rõ quốc tình mong được chấp thuận tâu lên thánh thượng để được thiên triều yêu thương mà cho liệt vào hàng phiên hàn thì thật hân hoan không sao kể xiết.[50]
Thuận theo cách thức nặng phần trình diễn của nhà Thanh, nước ta cũng thông báo sứ bộ cầu phong do Hô Hổ Hầu Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Ninh Trực làm chánh và giáp ất phó sứ sẽ đi chung với phái đoàn do Nguyễn Quang Hiển thay mặt vua Quang Trung sang triều kiến vua Càn Long.
Một trong những tiêu chuẩn qui định trong Đại Thanh Hội Điển là tùy theo mức độ quan trọng mà ấn định số người đi trong phái đoàn. Theo Đại Thanh Hội Điển chỉ một phái đoàn do phiên vương đến bệ kiến mới lên tới con số 60 người. Bình thường, những sứ bộ triều cống, tạ ân … chỉ trong khoảng 20-30 người [có khi ít hơn] mà thôi. Mỗi phái đoàn tùy theo đẳng cấp địa vị mà được tiếp đón với cung cách khác nhau. Lần này tổng cộng hai phái bộ (cầu phong và triều cống) lên đến gần 70 người, đông hơn bất cứ một sứ đoàn ngoại quốc nào từ trước đến nay.[51]
Ngày 29 tháng Tư, lúc giờ Dần, tổng đốc Phúc Khang An ra lệnh cho tướng sĩ trấn thủ ở Nam Quan dàn đội ngũ, dựng cờ quạt rồi bày hương án ở Chiêu Ðức Ðài để làm lễ tiếp nhận biểu văn. Sau nghi lễ long trọng mở cửa quan, Thang Hùng Nghiệp mời Nguyễn Quang Hiển cùng 6 viên chức của sứ bộ nước Nam [chánh sứ Nguyễn Hữu Trù, phó sứ Vũ Huy Tấn], thêm một thông ngôn và 60 tuỳ tòng, tổng cộng 68 người qua Trấn Nam Quan.[52]
Ðến giờ Thìn, Thang Hùng Nghiệp đưa phái đoàn vào Chiêu Ðức Ðài nơi đây có Phúc Khang An đợi sẵn bước ra nghênh tiếp. Phái đoàn nước ta đem theo một phó bản biểu văn của vua Quang Trung gửi lên Thanh triều bằng lòng nạp khoản [納款][53] kèm theo vàng bạc và phương vật. Biểu văn như sau:
Nguyên văn
安南國小目臣阮光平堇奏為冒瀝微誠仰干天聽事,欽惟大皇帝陛下,受天明命,為萬國君,臨御五十餘年,洪恩溥洽,華夷內外,同風共貫,臣安南界居炎徼,久沐教聲。
乃因二百年來,國王黎氏失柄,權臣鄭氏專有其國,暨前王黎維端年老,輔政前鄭氏懦,兵驕民怨,國內乖離。臣以西山布衣乘時舉事,丙午夏,興兵滅鄭,還國于黎。
其年前王謝世,又擁立其嗣孫維祁襲位。維祁為人淫暴,不恤國政,朝綱弛於內,邊釁生於外,方宜陷害忠良,誅鋤族姓,國內之臣若民,奔愬於臣,請為出兵除亂。
臣自惟國者天朝所封之國,臣何敢自行廢置。丁未冬,遣一小將以兵問其左右之助桀者,而維祁望風宵遁,自詒伊戚。戊申夏,臣至黎城,復委前黎王之子維監國承祀,經遣行价叩關,備以國情題奏。
日者邊臣反書卻使,不即遞達。去年冬,調動大兵,出關征剿,臣遠道聞信,自念從來一片畏天事大真衷壅於上聞,令前黎王子維及臣民稟文三道偕行价叩稟轅門,不料大兵真趨黎城,殺守兵甚眾。
臣自揣進退無據,且其事總由黎維祁不道所致,於今年正月初五日進抵城下,並不敢與官兵抗拒也。乃官兵殺戮太多,勢難束手就縛,迹似抗衡,臣不勝惶懼現在已將對壘之人查出正法。
伏惟大皇帝體天行化,栽培傾覆,一順自然,恕蠻無知之禍,諒款關籲奏之誠,樹牧立屏,用祈籠命,俾臣得以保障一方,恪共侯服,則事有統攝,民獲乂安,皆出大皇帝陛下幬覆之仁。
臣謹當奉藩脩貢,以表至誠,臣拱北馳神,不勝激切屏營膽仰候命之至,謹奉表奏以聞。
– 恭遞上進儀物,金子拾鎰,銀子貳拾鎰。
– 謹遣行价貳名,阮有晭,武輝璞。
乾隆伍拾肆年貳月日。[54]
Dịch âm
An Nam quốc tiểu mục thần Nguyễn Quang Bình cẩn tấu vi mạo lịch vi thành ngưỡng can thiên thính sự, khâm duy đại hoàng đế bệ hạ, thụ thiên minh mệnh, vi vạn quốc quân, lâm ngự ngũ thập dư niên, hồng ân phổ hiệp, hoa di nội ngoại, đồng phong cộng quán, thần An Nam giới cư viêm kiếu, cửu mộc giáo thanh.
Nãi nhân nhị bách niên lai, quốc vương Lê thị thất bính, quyền thần Trịnh thị chuyên hữu kỳ quốc, ký tiền vương Lê Duy Ðoan niên lão, phụ chính tiền Trịnh thị noạ, binh kiêu dân oán, quốc nội quai ly. Thần dĩ Tây Sơn bố y thừa thời cử sự, Bính Ngọ hạ, hưng binh diệt Trịnh, hoàn quốc vu Lê.
Kỳ niên tiền vương tạ thế, hựu ủng lập kỳ tự tôn Duy Kỳ tập vị. Duy Kỳ vi nhân dâm bạo, bất tuất quốc chính, triều cương trì ư nội, biên hấn sinh ư ngoại, phương nghi hãm hại trung lương, tru sừ tộc tính, quốc nội chi thần nhược dân, bôn sách ư thần, thỉnh vi xuất binh trừ loạn.
Thần tự duy quốc giả thiên triều sở phong chi quốc, thần hà cảm tự hành phế trí. Ðinh Mùi đông, khiến nhất tiểu tướng dĩ binh vấn kỳ tả hữu chi trợ Kiệt giả, nhi Duy Kỳ vọng phong tiêu độn, tự di y thích. Mậu Thân hạ, thần chí Lê thành, phục uỷ tiền vương chi tử Duy Cẩn giám quốc thừa tự, kinh khiển hành giới khấu quan, bị dĩ quốc tình đề tấu.
Nhật giả biên thần phản thư khước sứ, bất tức đệ đạt. Khứ niên đông, điều động đại binh, xuất quan chinh tiễu, thần viễn đạo văn tín, tự niệm tòng lai nhất phiến uý thiên sự đại chân trung ủng ư thượng văn, lệnh tiền Lê vương tử Duy Cẩn cập thần dân bẩm văn tam đạo giai hành giới khấu bẩm viên môn, bất liệu đại binh chân xu Lê thành, sát thủ binh thậm chúng.
Thần tự suỷ tiến thoái vô cứ, thả kỳ sự tổng do Lê Duy Kỳ bất đạo sở chí, ư kim niên chính nguyệt sơ ngũ nhật tiến để thành hạ, tịnh bất cảm dữ quan binh kháng cự dã. Nãi quan binh sát lục thái đa, thế nan thúc thủ tựu phọc, tích tự kháng hành, thần bất thắng hoảng cụ, hiện tại dĩ tương đối luỹ chi nhân tra xuất chính pháp.
Phục duy đại hoàng đế thể thiên hành hoá, tài bồi khuynh phúc, nhất thuận tự nhiên, thứ man mạch vô tri chi hoạ, lượng khoản quan dụ tấu chi thành, thụ mục lập bính, dụng kỳ lung mệnh, tỉ thần đắc dĩ bảo chướng nhất phương, khác cộng hầu phục, tắc sự hữu thống nhiếp, dân hoạch nghệ an, giai xuất đại hoàng đế bệ hạ trù phúc chi nhân.
Thần cẩn đương phụng phiên tu cống, dĩ biểu chí thành, thần củng bắc trì thần, bất thắng kích thiết bình doanh đảm ngưỡng hầu mệnh chi chí, cẩn phụng biểu tấu dĩ văn.
– Cung đệ thượng tiến nghi vật, kim tử thập dật, ngân tử nhị thập dật.
– Cẩn khiến hành giới nhị danh, Nguyễn Hữu Chu, Vũ Huy Phác.
Càn Long ngũ thập tứ niên nhị nguyệt … nhật.
Dịch nghĩa
Thần là tiểu mục nước An Nam Nguyễn Quang Bình mạo muội kính cẩn đem tấm lòng thành tâu lên mong đại hoàng đế bệ hạ (là bậc) thụ mệnh sáng như trời, vua của vạn quốc, ở trên ngôi báu đã trên năm mươi năm, hồng ân rải khắp mọi nơi Hoa cũng như Di đều được thấm nhuần, (cả đến) nước An Nam của thần tuy ở chỗ viêm nhiệt xa xôi cũng từng được tắm gội, (xin) lấy đức lớn mà nghe cho.
Hai trăm năm qua, quốc vương họ Lê (nước tôi) mất quyền khiến cho quyền thần họ Trịnh coi giữ việc nước, đến vua trước là Lê Duy Ðoan tuổi già, phụ chính họ Trịnh hèn yếu, binh kiêu dân oán, khiến người trong nước chia rẽ ngả nghiêng. Thần là kẻ áo vải đất Tây Sơn (vì thế) phải tuỳ thời mà dấy lên, mùa hạ năm Bính Ngọ, hưng binh diệt họ Trịnh, trả lại nước cho họ Lê.
Trong năm đó tiền vương tạ thế, thần lại đưa tự tôn là Duy Kỳ lên nối ngôi. Duy Kỳ là người dâm bạo[55], không lo quốc chính, mối giềng lỏng lẻo bên trong, lân bang gây hấn ở bên ngoài, chỉ lo hãm hại trung lương, giết người trong họ, người trong nước cũng như bầy tôi đều chạy về với thần, xin xuất binh trừ loạn.
Thần vẫn biết rằng nước đây đã được thiên triều sách phong, đâu dám tự ý phế lập. Mùa đông năm Ðinh Mùi mới sai một tiểu tướng đem binh ra hỏi tội bọn tả hữu dám giúp cho kẻ Kiệt kia, hay đâu Duy Kỳ mới nghe tiếng đã bỏ chạy, tự mình làm khổ mình. Ðến mùa hạ năm Mậu Thân thần đến Lê thành, đưa con của vua trước là Duy Cẩn trông coi việc thờ tự và giám quốc, rồi sai người sang gõ cửa quan trình bày mọi việc trong nước.
Khi đó người biên thần (chỉ Tôn Sĩ Nghị) lại trả lại thư, đuổi sứ về, không chịu đề đạt lên. Mùa đông năm ngoái y lại điều động đại binh, xuất quan qua đánh, thần ở xa nghe tin, tự nghĩ xưa nay một lòng kính sợ thiên triều, định đem tấc lòng giãi bày lên trên, nên mới bảo vương tử Lê Duy Cẩn và thần dân gõ cửa trình ba bẩm văn, ngờ đâu đại binh tiến thẳng đến Lê thành, giết binh trấn giữ nhiều vô số kể.
Thần chẳng biết tiến thoái ra sao, việc đó chính là do Lê Duy Kỳ không biết tính toán, nên đến ngày mồng năm tháng giêng năm nay tiến đến Lê thành, đâu có dám chống cự lại quan binh. Thế nhưng quan binh tàn sát quá lắm, thế không thể thõng tay chịu trói nên đành chống trả. Việc đó cũng khiến cho thần sợ hãi nên đã đem những kẻ dám đối địch chính pháp cả rồi.
Cũng mong đại hoàng đế theo mệnh trời hành hoá, tài bồi cho kẻ ngả nghiêng, thuận theo tự nhiên, tha thứ cho kẻ man di không biết, thấu cho lòng thành của kẻ cầu xin được chăn dắt ở một cõi mà để cho thần được đứng chắn một phương, làm chư hầu tuân phục thì mọi sự được thống nhiếp, dân chúng được yên ổn làm ăn, cũng đều do đức nhân của đại hoàng đế ban cho cả.
Thần nguyện triều cống theo lệ nước phiên, dâng biểu chí thành, hướng về phương bắc, không khỏi cảm kích trông đợi mệnh lệnh kính cẩn dâng lên tờ biểu này.
– Cung kính đệ lên tiến vật gồm mười dật vàng, hai mươi dật bạc.
– Cung kính sai hai hành nhân là Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Phác.
Càn Long năm thứ 54, tháng hai ngày…
Sau nghi lễ tương kiến, chánh sứ Nguyễn Hữu Trù đứng ra trao biểu văn, tổng đốc Lưỡng Quảng thay mặt Thanh đình tiếp nhận.
Sau đó phía nhà Thanh mở đại tiệc khoản đãi sứ bộ, đích thân Phúc Khang An bồi tiếp Nguyễn Quang Hiển. Trong câu chuyện ngoài lề, Nguyễn Quang Hiển cũng cho hay những kẻ phạm tội sát hại các tướng lãnh nhà Thanh đã bị xử tội rồi, Phúc Khang An nghe xong coi như việc đã giải quyết, đề nghị sau này không nhắc tới nữa, chỉ xin nước Nam lập cho một cái miếu, xuân thu cúng tế những binh sĩ nhà Thanh tử trận. Ðể chính thức hoá việc cầu phong, Nguyễn Quang Hiển sẽ thay mặt triều đình Quang Trung cầm đầu phái đoàn lên Bắc Kinh triều kiến.[56]
Lễ hoàn tất, phái đoàn nước ta trở về Lạng Sơn để đợi quyết định của hoàng đế nhà Thanh chấp nhận cho phái đoàn lên kinh đô chiêm cận. Hai bên cũng đồng ý giảm thiểu số quân trấn đóng tại biên giới. Phúc Khang An ra lệnh rút các đạo quân Quảng Ðông, Vân Nam đang ở Quảng Tây về doanh trại. Tôn Sĩ Nghị sau khi thua trận, thân thể hư nhược, bị bệnh phong thấp lúc đó đang nằm dưỡng bệnh nay cũng được lệnh cho về Nam Ninh nghỉ ngơi, còn Phúc Khang An cũng không còn phải chầu chực ở Trấn Nam Quan nữa. Nước ta cũng ra lệnh cho các đồn ải giảm bớt quân số.
Việc đàm phán nghị hoà đến đây đã xong, từ nay trở về sau chỉ là thủ tục. Các quan lo liệu việc giao thiệp với Trung Hoa thở phào nhẹ nhõm, và chính quan nhà Thanh cũng trút được gánh nặng mấy tháng qua. Dưới đây là bài thơ của Vũ Huy Tấn đã làm khi uống rượu với Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp ở Nam Quan:
左江道臺公偶中興吟。示劉州閣
寳林山在關南界首
固知字小聖朝寬,要使彤弓掛月閒。
下國一心顒北闕。微臣七渡叩南關。
海函直出尋常外,天照渾如咫尺間。
今日有心同桼雨,鴻恩永勒寳林山。
Dịch âm
Tả Giang đạo đài công ngẫu trung hứng ngâm
Thị Lưu Châu các
Bảo Lâm sơn tại quan nam giới thủ
Cố tri tự tiểu thánh triều khoan,
Yêu sứ đồng cung quải nguyệt nhàn.
Hạ quốc nhất tâm ngung Bắc khuyết,
Vi thần thất độ khấu Nam quan.
Hải hàm trực xuất tầm thường ngoại,
Thiên chiếu hồn như chỉ xích gian.
Kim nhật hữu tâm đồng tất vũ,
Hồng ân vĩnh lặc Bảo Lâm san.
Dịch nghĩa
Ở gác Lưu Châu
Cùng Tả Giang đạo [Thang Hùng Nghiệp] ngẫu hứng ngâm
Núi Bảo Lâm ở cửa biên giới phía nam [tức Nam Quan]
Vẫn biết rằng thánh triều rộng rãi nuôi nấng kẻ bé nhỏ,
Sứ thần như chiếc cung đỏ treo mặt trăng lúc nhàn nhã.
Hạ quốc một lòng thành tâm quay về triều đình phương bắc,
Kẻ bề tôi bé nhỏ phải bảy lần gõ cửa Nam Quan.
Lượng như biển nên dung chứa được sự tầm thường,
Thiên tử chiếu xuống gần trong gang tấc.
Hôm nay có lòng giống như keo sơn,
Sẽ mãi mãi ghi tạc ơn lớn vào núi Bảo Lâm.
Chỉ trong vài hàng Vũ Huy Tấn cho chúng ta biết tuy thuận chèo mát mái, ông cũng phải lên xuống đến bảy lần để đàm phán với quan lại nhà Thanh.

tóm tắt

giai đoạn mật nghị không chính thức – tháng giêng đến tháng hai năm kỷ dậu

Trong thời gian này, quan nhà Thanh ở địa phương chưa nhận được chỉ thị chính thức từ triều đình nên yên lặng chờ biến chuyển và phản ứng của nước ta. Sau khi nhận được chỉ thị từ vua Càn Long, quan nhà Thanh tạo ra một mặt trận giả bằng cách tung tin Tôn Sĩ Nghị đã bị triệu hồi và Phúc Khang An sắp sửa tiết chế “chín tỉnh binh mã”, “tứ lộ giáp công”.
Vua Càn Long ra lệnh cho củng cố biên phòng và tìm kiếm nhóm vua Lê, các nhóm thổ hào và xưởng dân chạy sang Trung Hoa trước khi đưa ra một đường lối chính thức. Việc dung chứa những người An Nam lúc này ngoài lý do “đại nghĩa nước lớn” như họ thường rêu rao còn có mục đích xây dựng một lực lượng trừ bị để dùng đến khi cần.
Về phía nước ta, việc đầu tiên là cử một phái bộ lên Lạng Sơn trình bày nguyên do tranh chấp, đổ lỗi cho Tôn Sĩ Nghị đã vứt thư, khước sứ và chủ động gây khó khăn rồi nhờ quan địa phương làm trung gian để trình bày lên Thanh đình. Sau nhiều lần qua lại, Tôn Sĩ Nghị sai Thang Hùng Nghiệp liên lạc bắn tin cho triều đình Tây Sơn biết vua Lê và thân quyến hiện đang ở Trung Hoa như một áp lực ngầm ràng buộc những điều nhà Thanh đòi hỏi.
Kết quả: Tôn Sĩ Nghị bí mật xúc tiến việc giảng hòa và sai Thang Hùng Nghiệp liên lạc để yêu cầu trao trả tù binh như một thiện chí khai mở.

giai đoạn đàm phán bán công khai – tháng hai đến tháng ba năm kỷ dậu

Khi được tin triều đình An Nam cầu hoà, Thanh triều lập tức đưa ra những đòi hỏi cơ bản bao gồm phải trao trả những người bị bắt và sửa đổi lý do chiến trận thành một lỗi lầm kỹ thuật [Nguyễn Huệ đem quân ra chỉ để hỏi Tôn Sĩ Nghị tại sao động binh và bị bức bách phải giao chiến] và thêm một số nhượng bộ mang tính rửa mặt như đem những người giết tướng lãnh nhà Thanh ra chính pháp, lập đền thờ tướng sĩ trận vong …
Về phía An Nam, các nho sĩ được điều động để làm sứ giả con thoi giữa Thăng Long và Lạng Sơn chủ yếu là thay đổi ngôn từ cho thích hợp với yêu cầu của đối phương.
Kết quả: Nước ta tiến hành ba đợt trao trả tù binh và thuận tình thi hành một số yêu cầu đồng thời chuẩn bị cống lễ đưa sang Trung Hoa

giai đoạn công khai – tháng ba đến tháng tư năm kỷ dậu

Sau những kết quả ban đầu và việc hoà đàm đã đi đến chung cuộc, tân tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An bấy giờ mới xuất hiện. Để phô trương quyền lực của mình, họ Phúc không chấp nhận việc một phái bộ Tây Sơn sang đưa biểu mà đòi vua Quang Trung đích thân lên Nam Quan xin hòa. Triều đình An Nam tương kế đưa một phái đoàn lớn do Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu thay mặt vua Quang Trung sang Yên Kinh. Hành động này không những đáp ứng đòi hỏi của nhà Thanh mà ngược lại ép buộc đối phương phải tiếp đãi long trọng cho xứng đáng với danh vị “tuy đại do thân” của Nguyễn Quang Hiển.
Kết quả: Nhà Thanh đồng ý cho Nguyễn Quang Hiển thay mặt vua Quang Trung lên Bắc Kinh triều kiến nhưng vua Quang Trung chưa chính thức xác định sẽ tham dự lễ vạn thọ của vua Càn Long.
Thời gian hai bên đàm phán – từ lúc nước ta và Trung Hoa bắt đầu đặt vấn đề tái lập bang giao đến khi nhà Thanh chính thức chấp thuận phong vương cho vua Quang Trung chỉ khoảng hơn 2 tháng – một khoảng thời gian hiếm có trong giao thiệp giữa hai nước, nhất là việc truyền tin qua lại từ Nam Quan đến Bắc Kinh mỗi lần đi phải mất nửa tháng theo dịch trạm hỏa tốc.
Trong khoảng một tháng đầu, các quan nhà Thanh ở Quảng Tây chưa biết quyết định của triều đình ra sao nên ở trong tình trạng “đãi biến” [chờ xem thay đổi thế nào] và chỉ nhấn mạnh vào việc yêu cầu trả về số tù binh bị bắt. Quyết định bỏ vua Lê để công nhận Tây Sơn tuy tiến hành trong một thời gian ngắn nhưng thủ tục không hề đơn giản và vẫn theo đúng điển lệ vốn dĩ rất phức tạp của Trung Hoa.
(CÒN TIẾP)

[1] Cung Trung Đáng Càn Long Triều Tấu Triệp, q. 71 [tháng Giêng đến tháng Năm năm Càn Long 54] (1988) tr. 85-6.
[2]黎朝進士呉鰣時任,潘輝益,阮世歷與貢士文職武輝瑨,段阮俊,陶春閬等節次歸降。阮光平各授以職官,許參辨邦郊辭令事。
…Lê triều tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch dữ cống sĩ văn chức Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Đào Xuân Lãng đẳng, tiết thứ qui hàng. Nguyễn Quang Bình các thụ dĩ chức quan, hứa tham biện bang giao từ lệnh sự …
[3] Viện Hán Nôm Hà Nội (cộng tác với Phục Ðán đại học Trung Quốc). Việt Nam Hán Văn Yên Hành Văn Hiến Tập Thành 越南漢文燕行文献集成 [viết tắt YHVH] ( 2010) (đệ Lục sách) Bài Tựa Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập. tr. 293-4
[4] Tôn Sĩ Nghị cũng nhân dịp này trình lên với vua Thanh rằng y đã “trịch thư, khước sứ” (ném trả thư, từ khước không gặp sứ thần) và đòi hỏi phía nước ta phải trả các quan binh bị bắt về như một thái độ thiện chí trước khi đi tiếp những bước sau. Chính những lời lẽ khoa trương đó đã khiến vua Càn Long rất đẹp lòng và cũng tự cho rằng tuy thất baị quân sự nhưng Trung Hoa đã thắng một mặt trận ngoại giao mà không cần dùng binh khi bên ta đơn phương trao trả những người bị bắt ở Thăng Long.
[5] Cao Tông Thực Lục, q. 1322, ngày Canh Dần tháng Hai.
[6] kẻ hèn này, tiếng tự xưng khiêm tốn
[7] thị cường lăng nhược, dĩ đa hiếp quả.
[8] Ngô Thì Nhậm, Bang Giao Hảo Thoại [viết tắt BGHT], “Bẩm Thiên Triều Quảng Tây Phân Phủ Tả Giang Binh Bị Đạo Tổng Lý Biên Vụ Thang Đại Nhân” (Tờ Bẩm Của Quốc Vương Về Nguyên Do Việc Binh Đao Gửi Thang Đại Nhân) NDC dịch theo nguyên bản Hán văn từ trang 614-9 in sau Ngô Thì Nhậm tác phẩm, q. 1 [Mai Quốc Liên (chủ biên). Ngô Thì Nhậm tác phẩm (4 quyển) Hà Nội: nxb Văn Học, 2001-2]
[9] Chi tiết này được ghi rõ trong lá thư gửi Thang Hùng Nghiệp sau khi lễ phong vương hoàn thành. Xem BGHT, “Thỉnh Thang Đại Nhân – phong lễ cáo thành đệ thư minh tạ – Quốc Vương thư trình” Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 3 (2005) tr. 518
[10] Cũng chính là Vũ Huy Tấn (tài liệu nước ta)
[11] Nguyễn Hữu Trù có tước Hô Hổ Hầu còn Vũ Huy Phác cũng chính là Vũ Huy Tấn. Theo tài liệu của Hoa Bằng thì trong gia phả ông lại có tên là Liễn. (Tri Tân) số 40 ngày 31 Mars 1942, tr. 17
[12] Cao Tông Thực Lục (viết tắt TTL), q. 1323, ngày Ất Mão tháng Hai.
[13]窮兵黷武 (cùng binh độc vũ)
[14] LT, XXX tr. 36-7, Nguyễn Thị Tây Sơn Ký, tr. 59-62 (bản dịch NDC). Toàn văn bản tấu thư này cũng được chép trong Tây Sơn Bang Giao Tập (A. 2364), Yale University, USA [1-3] và Tây Sơn Bang Giao Lục (A. 1916) Viện Hán Nôm Hà Nội. Khi so sánh, đây chính là bản gốc của Ngô Thì Nhậm, nay còn trong BGHT dưới nhan đề Trần Tình Biểu (tr. 789-96)
[15] Theo Trang Cát Phát, tờ bẩm này hiện tàng trữ trong Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc, Quân Cơ Xứ, nguyệt triệp bao, hòm số 2778, bao số 162, số hiệu 38979. TTVC (1982) chú thích 97 tr. 413
[16] Những lá thư kế tiếp cũng cho biết những lời không đúng sự thật trong biểu văn của nước ta đều là lời bịa đặt do quan lại nhà Thanh mớm cho để cốt sao xong việc. Sử sách sau này đều nhất loạt tô vẽ ra một Lê Chiêu Thống ngu độn, hôn ám, một thái hậu rước voi dày mồ, Lê Quýnh tham lam nhút nhát, ăn của đút … cũng bắt đầu từ đây. Xem thêm “Lê Duy Kỳ, đáng thương hay đáng trách?” và “Lê Quýnh”, biên khảo của NDC.
[17] TTL, q. 1324 ngày Bính Dần tháng Ba.
[18] Quỳnh瓊 là một thứ ngọc đẹp. Cửu 玖 là một thứ đá đen giống như ngọc
[19] 息事寜人寔惟大願。Ngừng chuyện cũ để cho người người được an ninh, đó thực là ước nguyện lớn.
[20] 畏天事大。 sợ trời thờ nước lớn (nhưng thiên cũng đồng nghĩa với thiên tử là vua).
[21] 苞茅 bao mao (Hyparrhenia bracteata) cỏ tranh, tượng trưng cho lễ cống đơn bạc
[22] BGHT, “Bẩm Thang Đại Nhân Trình Bày Việc Giao Nạp Binh Sĩ” Ngô Thì Nhậm tác phẩm (1), tr. 621-3 (bản dịch NDC)
[23] BGHTNgô Thì Nhậm tác phẩm (1), tr. 623-4 (bản dịch NDC)
[24] Chúng ta cũng không thể bỏ qua yếu tố thời gian. Theo hệ thống dịch trạm đời Thanh, một tờ biểu gửi từ Quảng Tây lên Bắc Kinh và nhận được trả lời dù sử dụng phương tiện nhanh nhất [600 dặm một ngày] cũng phải mất khoảng trên dưới một tháng. Chính vì thế, có những giai đoạn thư nước ta gửi qua nhưng quan nhà Thanh lấy cớ là “không hợp thể chế” nhằm che dấu sự việc là họ chưa nhận được chỉ thị từ trung ương và cần thêm thời gian để tính toán một giải pháp cho đúng ý triều đình.
[25] Sau này khi Lê Duy Chỉ tiếp tục đóng quân “một cõi biên thuỳ” ở Cao Bằng, triều đình Quang Trung cũng phải mượn đường Trung Hoa để đánh tập hậu “… Bấy giờ nhờ có quận Diễn, phiên thần của nhà Lê cũ, coi giữ cửa ải Tụ-long, làm hướng đạo cho Tây-sơn, đưa đường đi đánh hoàng Ba Lê-Duy-Chỉ ở Bảo-lạc. Các tướng Tây-sơn, với một số binh tinh nhuệ, do cửa ải Tụ-long sang qua đất nhà Thanh đi ba ngày, sấn vào thành Bảo-lạc, bắt sống hoàng Ba với Phúc-Tấn và Văn-Đồng, giải về Tụ-long rồi sai đóng cũi đưa về Thăng-long và dâng thư vào Phú-xuân báo tiếp [tiệp].” Hoa Bằng: Quang Trung Anh Hùng Dân Tộc (1788-1792) (Saigon: Hoa Tiên, 1950) tr. 239
[26] Tây Phương Nhân Bút Hạ Đích Trung Quốc Phong Tình Hoạ (1997) tr. 38
[27] Toàn bộ bản văn này được khắc trên 8 thanh bích ngọc, hiện được lưu giữ trong Cố Cung Bác Vật Viện Trung Hoa ở Bắc Kinh.
[28] Cháu gọi bằng ông tự xưng, tức bản thân vua Càn Long
[29] Niềm vui không làm gì mà vẫn đến
[30] Tiểu sử chi tiết của Phúc Khang An được chép trong Thanh Sử Cảo, q. 331 chung với Tôn Sĩ Nghị và Minh Lượng.
[31] Cao Dương. Thanh Triều Đích Hoàng Đế (tập II). Đài Bắc: Viễn Ảnh, 1986 tr. 721
[32] TTL, q. 1321 (bản dịch NDC)
[33] Liệt Truyện, q. XXX, tr. 37.
[34] KDANKL, q. XVI, tr. 13. Trong số này có hai võ quan là Quảng Đông đề tiêu du kích Trương Hội Nguyên và thủ bị Lao Hiển trước đâ đã báo cáo tử trận.
[35] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (LTTK), nguyên bản Hán Văn, q. VI
[36] KDANKL, q. XVII, tr. 28. Trang Cát Phát, “Thanh Cao Tông sách phong An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình thuỷ mạt”, Thanh Sử Luận Tập, q. XVIII (2008) tr. 237. Tuy nhiên không phải là hết vì khi Thành Lâm sang phong vương cũng còn vài người đi lạc vào trong dân chúng được đưa về.
[37] Bị bắt tổng cộng 8 người nhưng Nguyễn Viễn Du bị bệnh đã qua đời trong ngục.
[38] Nguyên văn [泥首軍門] (nê thủ quân môn) nghĩa là rập đầu tận đất ở trước quân
[39] KDANKL, q. XVII, tr. 18-24 (bản dịch NDC)
[40] Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究) [viết tắt TTVC]. Ðài Loan: Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982, tr. 387
[41] 不但非加兵之時實有不必加兵之勢。Tấu thư của Phúc Khang An, không rõ ngày nhưng theo nội dung thì khảng đầu tháng Tư. Thanh Quí Nội Các Đáng Án Toàn Tập (1999) [tức Minh Thanh Sử Liệu, Canh Biên] tr. 4225
[42] Sử nước ta đã ghi rõ là vua Quang Trung sai chuẩn bị hai con trâu và một gánh gạo đưa lên làm lễ tiếp kiến chứng tỏ mọi việc đã sắp xếp ổn thỏa và phái đoàn nước ta sẽ qua Nam Quan để gặp Phúc Khang An. Đến phút chót, Thang Hùng Nghiệp lại “kiên quyết từ chối” và chỉ cho qua ba người gồm chánh sứ Nguyễn Hữu Trù, phó sứ Vũ Huy Tấn và hiệp trấn Nguyễn Ninh Trực cùng một thông ngôn đi sang. Thực tế, ngày 28 tháng Ba, hai bên chỉ gặp nhau để bàn về nghi lễ sẽ thực hiện vào hôm sau. Việc đưa quà “kiến diện” [tức ra mắt] nếu có là ra mắt Phúc Khang An, không thể ra mắt Tả Giang Đạo Thang Hùng Nghiệp, vốn dĩ chỉ là một nhân vật trung gian không có thẩm quyền. Phúc Khang An muốn có thêm một giai đoạn “tiền hội nghị” chỉ vì bản tích ông ta thích phô trương và cũng để báo cáo lên vua Càn Long là mình đến đây đã khiến cho nước ta nể phục.
[43] KDANKL, q. XVIII, tr. 13-4 (bản dịch NDC)
[44] Lịch Triều Tạp Kỷ (LTTK), q. VI, (1995) tr. 594
[45] KDANKL, q. XVII, tr. 19 (bản dịch NDC)
[46]本國長參繹來函,與親諭之辭。知大人波照盛情。出於眞摯。擬卽親來叩關,面承憲旨。惟邦國甫造。注措綏定。日不蝗暇。未能遠離國城。間已遴委親屬阮光顯赴關代行謁見禮。始終一念。並無另有商酌之處。顧沿途溪壑,雨漲難行。往返不無捱緩,大約本月十五十六日以内,當到諒山鎭城也。輒此先行禀知。LTTK, q.VI (bản dịch NDC)
[47] Việc đưa Nguyễn Quang Hiển sang thay mình chính quan lại nhà Thanh cũng không được thông báo chi tiết nên Phúc Khang An, Tôn Vĩnh Thanh cũng nhiều lần tâu lên về việc này. Lúc đầu họ tưởng là quả thực vua Quang Trung sẽ đích thân đến Nam Quan và đã chuẩn bị những lời lẽ uy hiếp. Tuy nhiên, vua Quang Trung chỉ thông báo sẽ cho một ngưởi tên là Nguyễn Quang Hiển sang thay mà chính Phúc Khang An cũng không biết là ai. Chỉ đến khi hai bên tương kiến, lúc đó Nguyễn Quang Hiển mới thổ lộ thân phận là đích trưởng điệt tức con lớn của người anh cả trong các anh em Nguyễn Quang Bình. KDANKL, q. XVIII, tr. 24-5, q. XIX, tr. 9-10
[48] Theo tấu triệp của Phúc Khang An đề ngày mồng 3 tháng 5 năm Càn Long 54 (1789) thì anh em Nguyễn Quang Bình tất cả 4 người con trai, anh cả là Nguyễn Quang Hoa, chết sớm, kế đến là Nguyễn Quang Nhạc, tức Nguyễn Văn Nhạc, thứ ba là Nguyễn Quang Bình, tức Nguyễn Văn Huệ, thứ tư là Nguyễn Quang Thái, tức Nguyễn Văn Lữ. KDANKL, q. XIX, tr. 16.
[49] LTTK, [A15.6], q.VI, bản dịch Hoàng Văn Lâu (1995) tr. 592
[50]玆聞大皇帝新派大臣嘉勇公調任兩廣總督,僕僻處遐陬長聞嘉勇公襟宇汪洋,威望㞳峻,深爲大皇帝所眷注。今控臨全粵,光履南關,必能上體大皇帝柔字之仁,以綏下邑。僕向來未達之忱,想得有所陳白,擬即親來關上叩籲懇恩,候承憲旨。
但邦家甫造,注措弗遑。目今未能遠離國城,謹具禀函,遣親侄阮光顯赴關代躬行禮。竚候鈞裁。本國荨涣事情,中間許多委曲,與僕畏天事大之誠台臺諒已具悉。仰祈鼎力成全,轉禀上憲,並帯將本國行价指示進指止謁見禮儀。且具述國情,幸蒙準允具奏上,仗天朝威寵,列于藩翰不勝翹跂之至也。LTTK [A15.6], q. VI (bản dịch NDC)
[51] Nếu tính phái đoàn Nguyễn Hữu Trù là 20 người thì phái đoàn Nguyễn Quang Hiển là 50 người, dưới quốc vương một mức.
[52] Nghi lễ này so với các sứ thần nước ta khi trước sang phong vương rất đặc biệt. Trước đây bên ta chỉ được qua 4 người, đón vào Chiêu Ðức Ðài rồi đi lên Yên Kinh dâng biểu cầu phong, xem ra đơn bạc lắm. Mỗi lần sứ đoàn chỉ được từ 4 đến 6 người, thêm một vài đầy tớ, đến và đi chỉ được tiếp đãi qua loa, sứ thần ta chỉ còn biết dùng văn thơ đối đáp để tỏ ý chí quật cường. Lần này phái bộ nước ta được tiếp đãi là do chiến công trước đây 2 tháng nên tình hình khác nhiều. (Xem thêm Hoàng Xuân Hãn: “Cuộc tiếp sứ Thanh năm 1683” và “Vụ Bắc Sứ năm Canh Thìn đời Cảnh Hưng” trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, 1998, q II, từ trang 747-864)
[53] Từ ngữ đời xưa có nghĩa là bằng lòng thần phục
[54] Quân Cơ Xứ, nguyệt triệp bao, hòm số 2778, bao 162, số hiệu 38978, biểu văn của vua Quang Trung dưới tên Nguyễn Quang Bình, Càn Long năm thứ 54, tháng 2. Trang Cát Phát, TTVC tr. 385-6
[55] trong lá thư của Ngô Văn Sở kêu gọi Phan Khải Ðức trở về cũng có nhắc đến việc Lê Duy Kỳ giết chú, gian dâm với em (sát thúc, dâm muội). Cũng theo lá thư của thân tộc nhà Lê gửi Tôn Sĩ Nghị thì ba vị hoàng thúc đó có tên là Lê Duy Lữ, Lê Duy Lân, Lê Duy Hội.
[56] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 387. KDANKL, q. XIX tr. 18-22

bài đã đăng của nguyễn duy chính



http://damau.org/archives/37694

4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.