Có một số bài của cụ Nguyễn Thúc Chuyên ở Nghệ An đã đưa về Giao Blog, ví dụ ở đây (tháng 8/2016). Từ tư liệu địa phương và trải nghiệm thực tế của chính bản thân mình, trong một số vấn đề cụ thể, cụ đưa ra những lí giải hay suy nghĩ thú vị.
Bài Phong trào Đông Du của cụ mới được đưa lên trang Văn hóa Nghệ An nhân dịp tỉnh Nghệ An tổ chức 150 năm ngày sinh Phan Bội Châu (đã đưa tin nhanh ở đây, tháng 12/2017).
Từ đây trở xuống là chép nguyên xi.
---
DUY TÂN HỘI VỚI PHONG TRÀO ĐÔNG DU
Từ trước đến nay gới nghiên cứu sử học Việt Nam thường gọi phong trào yêu nước đầu thế thế kỷ XX là phong trào Duy Tân – Đông Du. Gọi như vậy là đúng, vì Đông Du là con đẻ của Duy Tân hội. Có thể khẳng định, không có những hội viên tích cực hoạt động khắp ba kỳ (Bắc – Trung – Nam) của Duy Tân hội thì không thể có phong trào Đông Du.
Sau hơn 3 năm Phan Bội Châu ra sức đi vận động từ Nam ra Bắc, gặp các nhà yêu nước thời phong trào Cần Vương, các sĩ phu, nhân sĩ, các nhà khoa bảng; liên kết với các người có cùng chí hướng, có tinh thần dân tộc ở khắp ba miền; khi cảm thấy đã chín muồi, vào một ngày hè tháng 5 năm 1904, tại Nam Thịnh Sơn Trang, một trại sản xuất nông nghiệp của Tiều La Nguyễn Thành, thuộc phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, Phan Bội Châu đã mời các đại biểu họp bàn nhằm lập ra một tổ chức cách mạng, có tên gọi Duy Tân hội. Cuộc họp này chỉ khoảng 20 người, được coi như hội nghị lần thứ nhất lập ra một đảng cách mạng với mục đích: Đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục nước Việt Nam độc lập. Với mục tiêu trên, đại hội đề ra ba nhiệm vụ:
- Phát triển thế lực, chiêu đảng viên cho đông thêm về người và tài chính.
- Chuẩn bị lực lượng bạo động và các công việc sau khi lệnh bạo động phát ra.
- Xuất dương cầu viện, xác định phương châm và thủ đoạn xuất dương.
Ba nhiệm vụ trên được giao cho hai nhóm. Hai nhiệm vụ đầu giao cho các hội viên ở khắp ba kỳ góp sức nhau lo liệu; còn nhiệm vụ thứ ba thì giao cho nhóm Phan Bội Châu và Tiểu La Nguyễn Thành bàn kín với nhau để thực hiện. Trong số 20 đại biểu dự họp (hiện chúng tôi mới tìm được danh tính của 9 vị) gồm: Tiểu La Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn (Chu Thư Đồng), Phan Bội Châu, Cường Để, Trình Ô Da (Trình Công Hiền), Lê Võ, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, Thái Phiên. Cuộc họp bàn miệng, không ghi chép, không có biên bản, nhiệm vụ giao cho ai thì nhớ lấy mà thực hiện, cách xưng hô thì gọi anh, tôi (hoặc anh – em) đối với Cường Để thì gọi là “ông chủ”.
Đầu năm 1905, chương trình kế hoạch hoạt động của Duy Tân hội từng bước được triển khai ở ba kỳ Bắc – Trung – Nam, mỗi kỳ có một số hội viên phụ trách: Bắc kỳ có cụ Cử Nội Duệ (Nguyễn Văn Đảng) và Đặng Thái Thân; Trung kỳ có Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế; Nam kỳ có Trần Chánh Chiếu, Trần Nhật Thị, Nguyễn Anh Khương. Sau khi Phan Bội Châu bí mật xuất dương, rồi về lại lại trong nước lần thứ nhất mang theo tác phẩm “Việt Nam vong quốc sử” được phổ biến rộng rãi, số lượng hội viên Duy Tân hội phát triển nhiều, thì sự phân công được chia theo từng tỉnh. Ví dụ: Thái Bình có Nguyễn Hữu Cương và Nguyễn Công Diêu; Hưng Yên có Tú tài Chu Lê Hành; Hải Dương có Vũ Nhuận Phủ; Vĩnh Yên có Đề Kiều; Bắc Giang có Hoàng Hoa Thám; Nam Định ngoài Khổng Định Trạch có thêm Nguyễn Xuân Tiêu; Hà Nội có Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí; Thừa Thiên có Võ Bà Hạp, Trần Trinh Linh, Thanh Hóa có Nguyễn Văn Cưu, Đỗ Huy Dương, Quảng Bình có Bùi Quang Thiện và Trần Ngọc Định; Bình Thuận có Hồ Tá Bang và Nguyễn Trọng Lợi; Trà Vinh có Đinh Chí Thiện, Hương Lê Tín v.v… Khi số lượng hội viên phát triển lên nữa thì lại có sự phân công theo từng địa bàn huyện (hoặc phủ) như ở Nghệ An, Hà tĩnh, Thái Bình, Mỹ Tho… Cũng trong năm 1905, ở mỗi miền đã hình thành các trung tâm tuyển chọn được người đi du học, miền Trung có các trung tâm Nam Ngãi, Nghệ Tĩnh; miền Bắc có các trung tâm tuyển chọn tại Hà Nội – Hà Đông và Nam Định, Thái Bình; tại Nam Kỳ có trung tâm ở Sài Gòn – Gia Định và Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Sang năm 1906 – 1907, sự phân công hoạt động của các hội viên Hội Duy Tân ngày càng mở rộng và theo điều kiện khả năng của từng hội viên. Hiện nay chúng tôi thấy có 10 nội dung hoạt động mang tính chất chuyên trách như sau:
- Bộ phận chuyên lo công tác tuyên truyền phát triển hội viên.
- Bộ phận xây dựng thành lập các hội buôn làm kinh tàu cho hội.
- Bộ phận đi quyên góp tiền ủng hộ quỹ du học sinh ở Nhật.
- Bộ phận lo mua sắm vũ khí, chuyên chở vũ khí và xây dựng lực lượng quân sự (bao gồm cả mở lớp dạy võ thuật)
- Bộ phận mở trường lớp bồi dưỡng nhân tài, truyền bá tư tưởng đổi mới.
- Bộ phận chăm lo công tác vận động thanh thiếu nhiên xuất dương.
- Bộ phận làm liên lạc ở trong nước và liên lạc với nước ngoài.
- Bộ phận tuyên truyền đồng bào công giáo tham gia cách mạng và đóng góp quỹ du học sinh.
- Bộ phận tuyên truyền từ bỏ các hủ tục, mê tín, cổ hủ, lỗi thời.
- Cuối cùng là một bộ phận tu thư, dịch thuật, in ấn tài liệu phân phối về các cơ sở(1).
Xin đơn cử về một bộ phận lập các hội buôn, làm kinh tài cho hội đạt kết quả như sau: công ty Đông Lợi Tế; công ty Đông Thành Xương; công ty Quảng Hưng Long; công ty Đồng Ích; hiệu buôn Tuy Phương, công ty Hồng Tân Hưng; công ty Nghiêm Xuân Quảng… (ở Bắc kỳ). Các công ty Liên Thành, hiệu buôn Hợp Thương Diên Phong; Thương Cuộc Hội An; các hiệu buôn Yên Phú, Thuận Nghĩa, Tiên Long, Mộng Hanh, Triêu Dương… (ở Trung kỳ). Nam kỳ có công ty Minh Tân Công nghệ xã, khách sạn Chiêu Lam Lầu, khách sạn Nam Trung, khách sạn Minh Tân… Một hội viên ở tổng Đỗ Xá (Hà Tĩnh) bị bắt khai:… “người ta đã trích ra một món để lập hội buôn Tiêu Dương có cửa hàng ở Hà Nội và Nghệ An. Từ năm ngoái đên nay (từ từ 1907 đến 1908) người ta đã hai ba lần chuyển số tiền lấy từ nguồn vốn kia cho Phan Bội Châu…”
Tính từ thời điểm 1905 đến 1908, bộ phận chuyên trách lo liệu xây dựng quỹ du học ước tính đến có hàng chục vạn đồng tiền Đông Dương. Chỉ tính riêng các đại điền chủ ở Nam kỳ đã ủng hộ được 4 vạn. Ở Trung kỳ và Bắc kỳ đi vận động được chừng nào thì chuyển ngay sang Nhật cho cụ Phan chừng ấy: có khi được 3.000$, có lúc góp gió thành bão được 5.000$, lúc cao nhất lên được 12.000$, có khi chỉ chuyển được 2.000$. Đó là chưa kể những lần Phan Bội Châu và Cường Để nhận tiền trao tay của các hội viên khi hai vị xuất dương và về lại trong nước. Đợt cuối cùng, các hội viên ở Nam kỳ chuyển tiền qua đường bưu điện 200.000$. Trong “niên biểu” cụ Phan viết:… “gửi ra nhiều nhất là Nam kỳ, thứ nhì là Trung kỳ, thứ nữa là Bắc kỳ…, vì hiện thời học sinh Nam kỳ đông hơn nên hậu viện trông vào Nam kỳ cũng là sự thật, nhờ đó mà múc bên kia xối bên nọ”. Số tiền 20 vạn nói trên về sau không đến được tay cụ Phan, nhưng đó là kết quả thực hiện được của bộ phận đi vận đông quyên góp quỹ du học. Đến năm 1908, có thể xem như quỹ du học có ở Nhật bị trống rỗng, cụ Phan phải lo chạy vạy xin tiền bằng một bài văn khất cái (ăn xin) đến một người mà cụ gọi là “đại nghĩa hiệp” tên là Thiển Vũ Tá Kỷ Thái Lang. Kết quả Thiển Vũ tiên sinh đã gửi tặng 1.700 yên (đồng tiền của Nhật).
Bộ phận giáo dục đào tạo nhân tài theo xu hướng ôn hòa ở trong nước lúc phát triển mạnh đã làm cho thực dân Pháp hết sức lo ngại, mặc dầu đã được cấp giấy phép thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội(1). Đây là một trường tư thục do cụ Lương Văn Can làm Hiệu trưởng, theo mô hình trường Khánh Ứng Nghĩa thục ở Tokyo (Nhật), một trường kiểu hiện đại, được cụ Phan Chu Trinh sau khi ở Nhật về hết sức ủng hộ. Nhà trường tập hợp được nhiều sĩ phu tham gia giảng dạy như: Lê Đại, Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Đào Nguyên Phủ… trường có đông học trò, có giáo trình và sách giáo khoa, có chương trình, có những “buổi diễn thuyết người đông như hội” có “kỳ bình văn khách tới như mưa” đến nỗi các tỉnh khác như Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Đông, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, ở trong Nam ngoài Bắc nhiều tỉnh đến xin chương trình và văn thơ Phan Bội Châu (đã được dịch) về mở tại địa phương và tự coi mình là một chi nhánh “nghĩa thục” của trường Hà Nội. Xu hướng của Đông Kinh Nghĩa thục là muốn làm cách mạng về văn hóa. Nhưng về sau có những nhân vật được biết đến trong Đông Kinh Nghĩa thục theo khuynh hướng bạo động như Lương Trúc Đàm, Đỗ Chân Thiết, Nguyễn Tùng Hương, Võ Hoành… Nhà của Nguyễn Tùng Dương ở ngõ Phất Lộc làm nơi chứa súng lục và thuốc phiện lậu (đi buôn để kiếm lãi cho hội). Theo nhà văn Nguyễn Tuân thì “trường Đông Kinh Nghĩa thục thọ được 9 tháng, nhưng đã có một tác dụng và ấn tượng chính trị sâu đối với sĩ phu đương thời: thức tỉnh hồn nước và đổi mới hơn lên cái lòng yêu nước cũ đó” (Nguyễn Tuân “Chuyện nghề” – NXB Tác phẩm mới, 1986, trang 216).
Bộ phận xây dựng lực lượng quân sự gồm có: Phạm Văn Ngôn, Hoàng Xuân Hành, Lê Văn Quyên, Hồ Bá Phấn, Nguyễn Quýnh, Nguyễn Sụy, Trần Văn Bỉnh, Lê Tựu Khiết, Ngô Quảng… bộ phận này lập một cái đồn đóng quân ở Yên Thế, thường được gọi là đồn “Tú Nghệ”, có xưởng đúc vũ khí ở vùng Phương Lâm (Hòa Bình) chế ra súng giống như súng mút-cơ-tông của Pháp và chế ra thuốc súng nữa… Xưởng đúc vũ khí này do Trần Văn Bỉnh phụ trách; còn đồn “Tú Nghệ” thì do Phạm Văn Ngôn chỉ huy… ngoài ra còn có các căn cứ nghĩa quân ở Bồ Lư và Đông Hồ.
Trong lĩnh vực phát triển hội viên Hội Duy Tân có một bộ phận chuyên trách kết nạp hội viên là người theo đạo Kitô giáo. Ngoài ông Ngô Quảng, Mai Lão Bạng ra còn có các linh mục Phêrô Đậu Quang Lĩnh, Phêrô Nguyễn Văn Tường, Gioan Bastixita Nguyễn Thận Đồng và một số linh mục khác như linh mục Biểu, linh mục Phán, linh mục Minh… hoặc cách gọi như cụ Phan gọi các linh mục là các “cụ” như: cụ Thông ở Mộ Vĩnh (Thanh Chương), cụ Truyền ở xứ đạo Mỹ Dụ (Hưng Nguyên – Nghệ An), cụ Ngọc ở xứ Đạo Ba Đồn (Quảng Bình)… Trong số các linh mục trên, về sau nhiều vị bị thực dân Pháp bắt giam, có người bị đày ra Côn Đảo rồi qua đời ở đó như linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tường (1852-1917), ông được thụ phong linh mục năm 1882 (quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm quản lý tòa Giám mục Xã Đoài… tham gia phong trào Duy Tân, bị đày ra Côn Đảo năm 1909 và qua đời tại đó ngày 25 tháng 6 năm 1917.
Về bộ phận làm liên lạc giao thông, ngoài số đã xuất dương rồi được cụ Phan cử về lại trong nước do thông thuộc đường đi lối lại như Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính, Mai Lão Bạng…; ở trong nước Hội cũng lập ra một nhóm để làm liên lạc giữa ba miền Bắt – Trung – Nam. Trong nhóm này có: Trần Thị Trâm (tục gọi bà Lụa), Lê Thị Đàn (Ấu Triệu), Bùi Thị Cẩm (O Cẩm), Nguyễn Thị Xuyến (công Thiệu Trưng), cô Trung Nguyệt (cố Út Rạch Giá), Trần Nhật Thị (Thất Sơn), thầy Thiện Quảng (thầy Rau), ông Hoàng Lục, cô Bạch Liên, bà Bạch Xỉ v.v… Trong số các hội viên Duy Tâm làm liên lạc kể trên nhiều người rất gan dạ. Ví dụ như bà Lụa (mẹ Hồ Học Lãm) được cụ Phan giao nhiệm vụ đưa đường cho học sinh du học, bà còn là một đường dây liên lạc bí mật mua súng đạn chuyển từ miền Bắc vào Nghệ Tĩnh giao cho Ngư Hải, Đặng Thái Thân. Còn liên lạc viên Lê Thị Đàn về sau bị Pháp bắt giam, rồi tự vẫn trong ngục. Thầy Thiện Quảng (tức thầy Rau làm liên lạc chuyển tiền bị phục kích chết lúc 49 tuổi ở Tây Ninh, còn O Cẩm thì sau này hy sinh trong phong trào xô viết Nghệ Tĩnh.
Hội viên Hội Duy Tân liên kết mới nhau theo một chí hướng là: “đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục nước Việt Nam độc lập”, nên những ai có tinh thần yêu nước thì gia nhập, không kể giàu nghèo, lương hay giáo, trai hay gái, già hay trẻ… tùy theo khả năng, hoàn cảnh và điều kiện mỗi người mà hoạt động theo mục đích trên. Có thể nói Duy Tân hội là một mặt trận đoàn kết của 20 triệu đồng bào ta thời bấy giờ, mặc dù mặt trận này mới manh nha. Vì vậy, rất khó làm được một bản thống kê. Hiện nay chúng tôi mới sơ bộ thống kê được danh tính khoảng 250 hội viên ở cả ba miền (chưa kể số học sinh du học), trong số này có rất đông người về sau bị giam cầm tại các nhà tù Côn Đào, Ban Mê Thuột, Kon Tum, Đắc Tô, Sơn La, Lao Bảo, Hỏa Lò, Lai Thừa Phủ, Nhà lao Hội An, Nhà lao Vinh… hoặc bị đày đi biệt xứ.
Số hội viên mà chúng tôi ghi lại trên, chắc chắn đây là những người hoạt động tích cực, những hạt giống của phong trào ở mỗi địa phương. Trong điều kiện o ép thời bấy giờ mà làm được như Duy Tân hội thì quả là hết sức kỳ diệu. Các hội viên vừa chi viện cho phong trào Đông Du, vừa khích lệ động viên tinh thần yêu nước trên cả ba miền nên mới có những “Mạnh Thường Quân”, những tấm lòng vàng đóng góp tiền của, con cái và xương máu… cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thế hệ ngày nay nên tôn vinh tại làng quê họ; chỉ tính riêng ở miền Trung đã có khoảng 70 cơ sở của Duy Tân hội kết hợp hai phái bạo động và hòa bình. Ở Nam kỳ, riêng tỉnh Bến Tre có 20 chi hội Duy Tân.
Đánh giá sự hoạt động rộng khắp của các hội viên Hội Duy Tân, giáo sư Đặng Thai Mai viết… “chỉ vì đọc văn thơ Phan Bội Châu (do Đông Kinh Nghĩa thục phổ biến – Lê Đại dịch) mà hàng nghìn thanh niên đã cắt tóc bím, vất sách vở văn chương nghề cử tử, rồi bỏ làng mạc, nhà cửa, vợ con… băng ngàn lội suối, bất chấp nỗi đói thiếu, hiểm nguy gian khổi qua Xiêm, qua Tàu, qua Nhật mà học hỏi và trù tính việc đánh Tây” (1).
Còn nhà sử học người Mỹ William J. Duiker thì ghi “…Những dấu hiệu đầu tiên của phong trào quốc gia chủ nghĩa hiện đại xuất hiện khoảng chục năm đầu thế kỷ XX khi các bậc sĩ phu truyền thống do Phan Bội Châu dẫn đầu lập ra Hội Duy Tân Việt Nam để lật đổ chế độ thuộc địa Pháp và thiết lập một quốc gia hiện đại trên cơ sở quân chủ lập hiến. Hội có bộ chỉ huy ở Nhật Bản cũng là nơi huấn luyện các thanh niên yêu nước nhiệt thành để phải về Việt Nam phát động quần chúng khởi nghĩa. Trong khi Phan Bội Châu đang xây dựng phong trảo ở Nhật thì các bạn hữu lại ưa các biện pháp cải lương. Năm 1906, các phần tử tiến bộ thiết lập một thiết chế mới gọi là Nghĩa thục ở Hà Nội để khuyến khích Tây học. Trường chẳng bao lâu bị nhà cầm quyền đóng cửa (1907) vì sợ học trò kinh động nổi loạn” (2).
Hội viên Hội Duy Tân, những người cùng chí hướng với Phan Bội Châu, phần đông họ đã đi đến cùng sự nghiệp với cụ Phan cho đến chết. Họ hoạt đông trên quy mô cả nước, không bó hẹp trong hai trung tâm Quảng Nam và Nghệ Tĩnh như lúc mới thành lập. Thời gian hoạt động của hội chưa đầy 4 năm (1904-1908) đã sớm kết thúc vai trò lịch sử của mình trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù. Sau cuộc biểu tình chống thuế ở Trung kỳ, ngoài hàng trăm người bị bắt bớ tù đày, có một số trốn tránh sang Trung Quốc, Xiêm hoặc sống ẩn dật ở nơi nào đó, rồi qua đời một cách lặng lẽ. Hậu thế ngày nay chỉ biết được một số ít, số đông còn lại đã bị bụi thời gian làm xóa dần tên tuổi họ. Đây là một chỗ trống về tư liệu lịch sử.
VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO ĐÔNG DU
Có người gọi phong trào Đông Du là “đợt song ngầm” trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX do Duy Tân hội khởi xướng. Nhiệm vụ thứ ba của Hội lúc mới thành lập (1904) ghi rõ: “Chuẩn bị xuất dương cầu viện, xác định phương châm và thủ đoạn xuất dương”. Nhiệm vụ này hết sức trọng yếu và phải tuyệt đối bí mật. Bí mật cả hành động và đối tượng xuất dương. Bất giờ cụ Phan Bội Châu phải làm một “động tác giả” ghi tên đi thi Hội để khỏi bị địch nghi ngờ vì trước đó cụ đã ra Bắc vào Nam hoạt động tuyên truyền thành lập đảng cách mạng. Còn các học sinh thì mỗi lần Hội đưa đi du học chỉ lẻ tẻ dăm ba người. Nghe đâu ở Nam kỳ, có bậc cha mẹ sau khi cho con trốn đi du học hồi đêm, thì sáng hôm sau gia đình hô hoán là con đã trúng gió đột ngột qua đời, rồi làm đám tang giả che mắt bọn quan lại địa phương. Hội đã giao cho Tiểu La Nguyễn Thành và Phan Bội Châu thực hiện nhiệm vụ này.
Được giao nhiệm vụ, tháng 02 năm 1905, cụ Phan sang Nhật cùng với Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Tính. Chuyến xuất ngoại này đã mở rộng tầm nhìn cho cụ Phan. Thông qua một người bạn Trung Hoa đồng hành, cụ biết được địa chỉ của Lương Khải Siêu, một nhân vật có tư tưởng cải lương của Trung Quốc đang ở trên đất Phù Tang. Cụ bèn biên thư tự giới thiệu và được Lương Khải Siêu tiếp chuyện. Cuộc bút đàm giữa hai người đã gợi cho Phan Bội Châu nhiều ý: Không chỉ làm cách mạng bạo động mà còn phải làm thức tỉnh lòng yêu nước cho đồng bào, nâng cao dân trí, chấn hưng kinh tế, lập các đoàn thể nông dân, nhà buôn, hội học sinh… làm cách mạng cần có sự đồng tình ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới, còn vấn đề độc lập thì “quý quốc chớ có lo không có cơ hội”. không nên để cho quân Nhật vào Việt Nam mà chỉ quan hệ mặt ngoại giao; không nên cầu viện mà nên chuẩn bị cho nhân dân sẵn sàng chờ đợi khi có cơ hội; quân Nhật đã kéo vào Việt Nam thì không có lý do gì để đuổi họ ra được… Ngoài Lương Khải Siêu ra, cụ Phan còn gặp gỡ một số chính khách người Nhật khác.
Những lời phân tích của Lương tiên sinh và một số chính khách người Nhật, đã làm cho Phan Bội Châu tỉnh ngộ. Cụ nói “Óc tôi mở rộng, mắt tôi sáng ra, nghĩ lại những tư tưởng cũng như hoạt động của tôi trước kia thực là lông bông, không có điều gì khá thủ”. Tác phẩm “Việt Nam vong quốc sử” được ra đời mấy tuần lễ sau đó. Từ nhiệm vụ xuất dương cầu viện đã chuyển thành phong trào xuất dương sang Nhật “cầu học”. Đó là phong trào Đông Du. Sự chuyển biến về nhận thức sâu sắc nhất của cụ Phan là cần phải có thực lực ở chính bản thân nước mình, thì mới có cơ hội giành được độc lập. Mà việc đầu tiên là phải thức tỉnh đồng bào trong nước “đang ngủ luôn tử trẻ đến già”, có người ngủ say, nhưng cũng có người ngủ mơ màng mặc cho thế sự xoau vần “đến nỗi phong vân thíp thíp, sơn hà hiu hiu”. Cụ đã đánh thức họ “ngủ đã tỉnh, tỉnh mau phải dậy” bằng tác phẩm Việt Nam vong quốc sử (1905). Tiếp sau đó cụ mới viết Khuyến quốc dân tư trợ dù văn học. Năm 1906, cụ viết tác phẩm Hải ngoại huyết thư, tiếp nữa là sách Tân Việt Nam và Gọi hồn quốc dân (Để tỉnh quốc dân hồn – 1907). Đến năm 1908 thì tác phẩm Việt Nam quốc sử khảo ra đời. Cuốn này tác giả nêu rõ điều quan trọng của một nước là ở chủ quyền. Nói về mối quan hệ nước, nhân dân và chủy quyền, sau này Cụ đã diễn ca như sau:
“Thân ta là nước đó mà,
Nước ta đó cũng vẫn là thân ta,
Thân có nước mới là thân sống,
Nước mất thời thân cũng có đâu!”
(Việt Nam quốc sử bình diễn ca, câu 15-18)
Cụ khẳng định vấn đề “lấy dân làm gốc” như sau:
“Chữ dân thời lại gốc trong chữ quyền,
Dân sống lâu bởi quyền tôn trọng,
Dân không quyền dân sống được đâu,
Không quyền là ngựa là trâu,
Dân đà đến thế nước đâu được còn”.
(Sách đã dẫn, câu 1404 – 1409)
Trên đây chúng tôi chỉ liệt kê những tác phẩm mà cụ Phan đã viết để thực hiện vấn đề “thức tỉnh” lòng yêu nước, chuẩn bị lực lượng sẵn sang chờ khi có cơ hội. Đó là “hồi kèn giục giã cả một thế hệ đứng lên chống giặc cứu nước” (chữ dùng của Chương Thâu).
Một thế hệ thanh niên đã được Duy Tân hội và cụ Phan đưa sang du học ở Nhật đào tạo thành cán bộ cách mạng và nhân tài. Từ năm 1905, 1906, 1907, 1908 số học sinh này đã lên tới khoảng 200 người. Một sự việc rất mới mẻ, xa lạ đối với thời bấy giờ ở nước ta. Theo thống kê của cụ Phan thì Nam kỳ có hơn 100 người, Trung kỳ có khoảng 50 vạn người, Bắc kỳ có hơn 40 học sinh. Đây là thời kỳ “đắc ý” nhất của phong trào Đông Du. Hàng trăm học sinh khỏe mạnh, thông minh học được khá nhiều ngành chuyên môn như: y tế, sư phạm, ngoại ngữ, cơ khí, vũ khí đạn, quân sự, ngoại giao, báo chí… Hàng ngày, buổi sáng các học sinh học kiến thức phổ thông, buổi chiều học thưởng thức quân sự, luyện tập ở thao trường. Trong số học sinh trên có một số xuất thân từ các gia đình công giáo. Thông qua cụ Mai Lão Bạng (tục gọi Thầy Già Châu) đồng bào công giao đã góp tiền của, cử con em mình sang Nhật du học. Một người Nhật, GS Shiraishi Maysaya, khi nghiên cứu về cụ Phan và phong trào Đông Du có đưa ra một ý kiến rằng: “Cuộc đời cách mạng của cụ Phan Bội Châu, theo tôi, phần hay nhất là thời kỳ trong phong trào Đông Du”. Còn bản thân cụ Phan khi về làm “ông già Bến Ngự” với thân phận người tù “trăng gió nhốt ba gian”, đã hồi tưởng đến “thời kỳ đắc ý nhất” này mà viết nên những câu thơ “xuất thần” trong tác phẩm có tên gọi Việt Nam quốc sử bình diễn ca (diễn Nôm bằng thơ song thất lục bát từ tác phẩm Việt Nam quốc sử khảo), xin trích vào câu “bình” của cụ về sự hy vọng, tin tưởng vào tương lai của thế hệ của sinh này:
“…Năm bảy lũ thiếu niên hăng hái,
Người qua Đông, người nhảy sang Tàu,
Bé con mới chục tuổi đầu,
Dám xin cha mẹ vượt Tàu qua Tây,
Kìa quả phụ sáu mươi tuổi lẻ(1)
Dám cho thằng con bé xuất dương
Lạ lung đường mới mở mang
Hoa vừa búp nụ, nguyệt đương lưỡi gà…”
(Sách đã dẫn, câu: 1654-1361)
Và rồi với một niềm hy vọng lớp thanh niên tràn đầy nhiệt huyết của phong trào Đông Du, Phan Sào Nam tiên sinh đã vẽ ra một viễn cảnh huy hoàng của đất nước Việt Nam độc lập, tự do:
“…Mái Nam Hải trời đà đông rựng,
Vừng thái dương thựng thựng hé lên,
Giữa vùng mù mịt tối đen,
Mà ơn tạo hóa dọi đèn cho ta,
Đèn khai hóa, dọi hoa khai hóa
Vẻ văn minh chắc đã gần đây,
Muôn chèo nghìn lại ta đi,
Bờ kia chắc cũng có ngày tới nơi,
Ngửa mặt thấy vũ đài nhi ngút,
Anh em ta xin trót công lên,
Vỗ tay cho nhịp, cho rền,
Qua cầu khai hóa, tới miền văn minh…”
(Sách đã dẫn, câu: 1362-1373)
Các hội viên Duy Tân đã tuyển chọn những thanh thiếu niên ưu tú ở cả ba miền tại các “trung tâm tuyển chọn”. Nghệ-Tĩnh, Nam-Ngãi, Nam Định – Thái Bình, Hà Nội – Hà Đông, Sài Gòn – Gia Định, Vĩnh Long – Đồng Tháp… tiêu chuẩn chọn được thống nhất như sau: hiếu học, chịu đựng gian khổ, quyết chí bền gan, có chí hướng và lý tưởng không thay đổi. Số thanh niên này được đưa đi lần lượt qua nhiều ngả đường để tránh bị lộ, mỗi chuyến đều có người dẫn đường. Họ mang theo căn cước giả dạng Hoa Kiều nhập cảnh vào đất Nhật ở các cảng khẩu , sau đó mới đến Tokyo để được bố trí nơi ăn ở, nơi sinh hoạt và học tập. Để tuyên truyền vận động người xuất dương “cầu học”, ở Nghệ - Tĩnh các nho sĩ sáng tác bài hát giặm: “Chí và trời lấp bể/Thân bôn tẩu cõi ngoài/Đông Du mộ nhân tài/Thơ Sào Nam máu nhỏ/Sự vong nô lệ nhỏ”. Riêng Phan Bội Châu cũng sáng tác một bài hát giặm “vợ khuyên chồng xuất dương du học” gửi về trong nước phổ biến khắp ba kỳ (xem toàn văn ở phần phụ lục). Trường nhận học sinh đông nhất là trường Đồng Văn thư viện(1) (Dobun Shoin) xây mới thêm 5 phòng học dành cho du học sinh Việt Nam, ngoài ra còn có trường Tiểu học Kosshikawa, trường Anh Ngữ Seisoku Sigoga, trường quân sự Chấn Võ học hiệu (Simbu Gakku), trường Trung học Thành Thành (Seijo), trường Lịch Xuyên (Rekisen)… Họ ăn ở nội trú trong ngôi nhà gọi là “Bính Ngọ hiên” (vì được thành lập năm Bính Ngọ-1906). Một tổ chức khác gọi là “Việt Nam cống hiến hội” được ra đời để quản lý các du học sinh, do Cường Để làm Hội trưởng, Phan Bội Châu làm Tổng lý, dưới quyền có các tiểu ban: Giao tế, Kiểm tra, Kinh tế, Kỷ luật, do các ủy viên chỉ đạo chăm lo bồi dưỡng nhân cách, đoàn kết nội bộ, kỷ luật học tập, kiểm tra kế toán – tài chính… Khi tìm hiểu hoạt động của phong trào Đông Du, một giáo sư người Nhật là Shirashi Masaya đã viết: Cống hiến hội có vai trò như một Chính phủ lâm thời ở hải ngoại”. Hàng tuần tổ chức các sinh hoạt tập thể gọi là “đại hội”, để nghe báo cáo thời sự trong và ngoài nước, thảo luận những vấn để nảy sinh trong nội bộ, hay sinh hoạt văn nghệ…
Học sinh Việt Nam du học ở Nhật Bản trong phong trào Đông Du 1905 – 1908 được bố trí biên chế vào các ban ngành chuyên môn, văn hóa, kỹ thuật, khoa học… để học có một vốn hiểu biết cơ bản về các mặt mà cách mạng yêu cầu, nhất là về quân sự. Rõ ràng là chương trình học tập nhằm đào tạo những người có trình độ văn hóa và quân sự cần thiết chuẩn bị cho công cuộc bạo động đánh Pháp giành lại độc lập cho Tổ quốc. Kết quả học tập đến năm 1908, đã có ba người tốt nghiệp trường quân sự Chấn Võ học hiệu (Simbu Gakku). Một số khác đã xong bậc tiểu học vào học trường Trung học Thành Thành (Seijo) nhiều du học sinh đọc được sách chữ Nhật, nói được tiếng Anh… Những kết quả đó làm cho Phan Bội Châu phấn khởi bao nhiêu, thì thực dân Pháp và bè lũ tay sai phong kiến lo sợ bấy nhiêu. Chúng nhanh chóng tìm cách bóp chết phong trào đang trên đà khởi sắc, phát triển. Thực dân Pháp ở Đông Dương ra lệnh cho phụ huynh học sinh ở Nam kỳ biên thư gọi con em đi du học ở Nhật về, ai không dụ được con về sẽ bị giam cầm. Mặt khác ở chính quốc, Chính phủ Pháp tìm cách giàn xếp với Chính phủ Nhật, đi đến một hiệp ước cho Nhật vào Đông Dương buôn bán, còn phía Nhật Bản thì phải trục xuất các nhà yêu nước và du học sinh đang trú trên đất Nhật. Vì vậy, mà tại các trường Đồng Văn thư viện, Trung học Thành Thành, Chấn Võ học hiệu… cảnh sát Nhật vào bắt học sinh Việt Nam ra khỏi lớp, đồng thời niêm phong cư xá nội trú “Bính Ngọ hiên”. Năm 1909, Kỳ Ngoại hầu và cụ Phan Bội Châu bị chúng ra lệnh trục xuất. Phong trào Đông Du tan rã, kết thúc một giai đoạn “vàng son” của Duy Tân hội. Đứng trước tình hình đó, cụ Phan chuyển đại bộ phận anh em học viên còn lại về Xiêm (Thái Lan) lập trại cày Bản Thầm ở tình Phi Chịt, một cơ sở cách mạng ở hải ngoại, chờ đợi thời cơ…
KẾT QUẢ ĐÀO TẠO CỦA PHONG TRÀO
Tháng 9 và tháng 10 năm 2005 ở Nghệ An và Thừa Thiên Huế có tổ chức Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du” (1905 – 2005). Chúng tôi đã đọc hai tập kỷ yếu được in ra phục vụ cho hai cuộc Hội thảo khoa học này. Mỗi nơi kỷ niệm với một chủ đề riêng. Ở Nghệ An theo chủ đề “Phong trào” – Nhân vật và di sản văn hóa Đông Du”; còn ở Thừa Thiên – Huế thì theo hướng “100 năm phong trào Đông du và hợp tác Việt – Nhật để bảo tồn phát triển di sản văn hóa Huế”. Nhiều bản tham luận khoa học tốt, cung cấp nhiều tư liệu quý, có những phần phân tích mới mẻ và sâu sắc về ý nghĩa và vị trí lịch sử của phong trào, về tính tiên phong của thời đại, về vấn đề ngoại vọng trong chiến lược cứu nước, về yếu tố dân chủ… hoặc sự chuyển đối từ Duy Tân hội đến phong trào Đông Du, về văn thơ sáng tác trong thời kỳ Đông Du v.v… Trong quá trình phân tích, các bản tham luận cả hai nơi đều tỏ lấy làm tiếc chưa biết kết qủa đào tạo nhân tài trong 4 năm của phong trào ra sao, sau khi phải “xẻ đàn tan nghé” mà cụ Phan Bội Châu coi như một “thời đắc ý nhất” trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng yêu nước của mình. GS Chương Thâu viết: “Rất khó khăn lập được một bản thống kê lưu học sinh chính xác…”. Ông Nguyễn Khắc Thuần ở Hội khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh nói:… “Hiện nay chưa có ai giới thiệu một danh sách đầy đủ và chính xác về những người đã xuất dương sang Nhật học tập theo tiếng gọi của các lãnh tụ phong trào Đông Du”! Còn ông Hải Ngọc Thái Nhân Hòa lại có ý phàn nàn rằng: “Rất tiếc, tư liệu về lưu học sinh bị mai một nhiều, tập hợp chưa được mấy, danh sách lưu học sinh còn thưa thớt!...”
Chúng tôi nghĩ rằng, những gương mặt xuất dương trong phong trào Đông Du là một thế hệ ưu tú của giai đoạn bi kịch lịch sử, tấm lòng vì Tổ quốc họ không thiếu, nhưng đường lối cách mạng cần có lại chưa có, nên đã để lại một “chỗ trống tư liệu lịch sử của phong trào” (chữ dùng của tòa soạn Tạp Chí Văn hóa Nghệ An, số 80).
Đồng cảm với những ý kiến trên, chúng tôi cố gắng “làm thử” một bản thống kê danh sách những người đã hưởng ứng phong trào Đông Du sang Nhật “cầu học”.
Công việc đã đem lại kết quả khả quan. Trong mấy tháng tìm tòi, tra cứu bằng những nguồn tư liệu, cả tư liệu thành văn và khảo cứu điền dã, chúng tôi đã có một danh sách gồm 180 người. Về sau thấy “có đà”, chúng tôi không đơn thuần ghi lại họ và tên, mà đi sâu tìm thêm về “chân dung” từng nhân vật nhằm đưa bản thống kê danh sách thành một tập, tạm gọi “tiểu sử” những người xuất dương trong phong trào Đông Du. Trong quá trình đối chiếu, thẩm định (vì có người mang đến 3,4 tên) chúng tôi đã ghi lại được 157 “sơ yếu lý lịch”. Trong số này có 67 người tìm được quê quán làng xã, huyện, tỉnh; 32 người có địa chỉ ở phủ, huyện, tỉnh; 34 người chỉ biết quê quán ở cấp tỉnh; 24 người chỉ xác định được miền Bắc, Trung hay Nam. Sơ bộ cho thấy, theo đơn vị hành chính hiện nay, thì ở Nam kỳ số người xuất dương sang Nhật du học đông nhất có hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp; ở Trung kỳ có tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh và Nghệ An; ở Bắc kỳ có tỉnh Nam Định, Hà Nội (xem bảng thống kê).
Bảng thống kê những người xuất dương của ba miền trong phong trào Đông Du
Nam kỳ
|
Trung Kỳ
|
Bắc kỳ
| |||
Tỉnh
|
Số lượng
|
Tỉnh
|
Số lượng
|
Tỉnh
|
Số lượng
|
Vĩnh Long
|
23
|
Thanh Hóa
|
05
|
Hà Nội
|
06
|
Đồng Tháp
|
9
|
Nghệ An
|
32
|
Hà Tây
|
04
|
Trà Vinh
|
03
|
Hà Tĩnh
|
13
|
Nam Định
|
08
|
Cần Thơ
|
02
|
TT- Huế
|
02
|
Thái Bình
|
01
|
Kiên Giang
|
02
|
Quảng Nam
|
07
|
Bắc Ninh
|
04
|
TP. Hồ Chí Minh
|
04
|
Quảng Ngãi
|
03
|
Hưng Yên
|
02
|
Long An
|
01
|
Bình Định
|
01
|
Hải Phòng
|
01
|
Chưa xác định được tỉnh
|
13
|
Chưa xác định được tỉnh
|
04
|
Chưa xác định được tỉnh
|
07
|
Cộng
|
57
|
Cộng
|
67
|
Cộng
|
33
|
Tổng cộng: 57 + 67 + 33 = 157
|
Về huyện (hay phủ) số người hưởng ứng phong trào Đông Du xuất dương sang Nhật đông có các huyện sau đây: Huyện Xuân Trường (Nam Định), huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Về làng, xã thì có xã Thành Thiện thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và xã Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh) thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mỗi xã trên có từ 4 đến 7 người xuất dương.
Phong trào Đông Du ngày càng lên cao làm cho chính quyền thực dân Pháp lo sợ, chúng tìm cách đối phó: chặn mọi ngả đường tiếp tế tiền bạc, khám xét chặt chẽ cửa khẩu, bao vây các “trung tâm tuyển chọn”, giải tán các hội buôn, đóng cửa trường “Đông Kinh nghĩa thục” ở Hà Nội và các chi nhánh “nghĩa thục” ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam v.v… Mặt khác chúng câu kết với Chính phủ Nhật để họ ra lệnh giải tán và trục xuất các nhà lãnh đạo và tất cả du học sinh Việt Nam. Cảnh sát Nhật được lệnh thi hành. Như đàn ong vỡ tổ, các du học sinh nhiều người đã khóc, mỗi người đi mỗi ngả; học sinh người Nam kỳ ấm ức xuống tàu “Bưu thuyền hội xã” của Nhật Bản do Khuyển Dưỡng Nghị tiên sinh thuê và chi tiền để về lại quê hương bản quán. Số vé phát ra là 100, nhưng số người nhận vé xuống thuyền chỉ có 87 (vì có một số học sinh không chịu về).
Khi phong trào Đông Du tan rã, số đông các học sinh đều cảm thấy mất phương hướng. Số về lại trong nước bị thực dân Pháp bắt bớ giam cầm (hoặc quản thúc); khi được chúng trả tự do thì hoạt động cầm chừng, an phận, sống ẩn dật, có người đi làm nghề đông y, hay mở cửa hàng kinh doanh, mở trường lớp dạy tư… Trong số này có những người rất kiên cường, bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai giam cầm lâu trong nước hoặc đày đi biệt xứ, nhiều người đã mất trong ngục, một số khác sau khi được chúng thả về thì ốm yếu rồi chết. Một số rất ít, tệ hại hơn đã ra đầu thú để có một cuộc sống sung sướng cho bản thân và gia đình. Như trên đã nói có nhiều người không về mà tiếp tục sống lưu vong ở nước ngoài: Trung Quốc, Nhật, Xiêm, Đức, Anh, Pháp, Na Uy.. cố gắng học một nghề chuyên môn để làm một việc gì đó cho “thành nhân”.
Cái “chỗ trống về tư liệu lịch sử phong trào” xét cho cùng là phong trào Đông Du sau khi bị giải tán đã đi vào ngõ cụt, như có người nói thế hệ này là “dấu gạch nối” giữa thế hệ sĩ phu Văn Thân Cần Vương với thế hệ trí thức Tây học sau này theo con “đường Cách Mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Đúng! Nhưng chỉ vì vậy mà thiếu nghiên cứu sưu tầm về “chỗ trống” đó là một thiếu sót. Có lẽ vì đã nghi như vậy nên trong không khí nghiêm túc tại diễn đàn Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 100 năm Đông Du”, các ông Chương Thâu, Nguyễn Khắc Thuần, Hải Ngọc Thái Nhân Hòa đã có những lời tỉ ý phàn nàn là tư liệu về du học sinh bị “mai một”, “thưa thớt”, “tập hợp chưa được mấy”, “chưa đầy đủ và chính xác”… Chúng tôi là người đi sau các nhà nghiên cứu nói trên, cũng cảm thấy áy náy, nên đã cố gắng thu thập, sắp xếp được 157 “tiểu sử” của những ngân vật đã xuất dương sang Nhật trong phong trào Đông Du. Tại sao chúng tôi không nói “những du học sinh” mà nói “những nhân vật đã xuất dương” vì tư liệu của chúng tôi bao gồm cả những chí sĩ, thân sĩ yêu nước không phải là du học sinh nhưng đã trực tiếp sang Nhật động viên phong trào. Chúng tôi cơ bản nhất trí như ý kiến của các ông Thái Kim Đỉnh, Nguyễn Tiến Lực rằng: “Con số 200 người có thể tin được những con số đó bao gồm tất cả những người đã sang Nhật chứ không phải chỉ là du học sinh” (Kỷ yếu Hội thảo khoa học ở Nghệ An, trang 119); còn tác giả Trấn Viết Nghĩa thì gọi các cụ đã sang Nhật hồi đó là “thế hệ khai lập”, thì tại sao chúng tôi lại tách họ ra khỏi tập tư liệu danh sách sưu tầm nay! Số người này không nhiều, khoảng trên dưới 10 người, đưa danh tính họ vào sẽ cảm thấy “yên tâm” hơn, nhờ họ mà “con thuyền Đông Du no gió”.
Về tuổi đời, trừ mất vị thuốc “thế hệ khai lập” ra, còn lại là những gương mặt trẻ, hầu hết đều sinh ra vào khoảng cuối thế kỷ XIX như: Trần Văn An, Trần Văn Thư, Lưu Quang Bật,, Lý Liễu, Lê Văn Sao, Nguyễn Quỳnh Lâm, Lê Câu Tinh, Nguyễn Háo Vĩnh, Lâm Tỷ, Hoàng Vĩ Hùng, Trần Ngọ… Ông Trần Văn Đinh, một nhân sỹ yêu nước, người ở tổng Bình Phú, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long tự dẫn hai con mình sang Nhật là Trần Văn An (10 tuổi), Trần Văn Thư (8 tuổi), trước khi về lại trong nước, ông biết chắc sẽ bị thực dân Pháp bắt bỏ tù, nên ông đã dặn hai con như sau: “Thân của các con đã hứa với Tổ quốc, hứa với Hội chủ rồi. Từ nay cần chịu đựng gian khổ, cố gắng học tập, đem khả năng hiến cho quốc gia, đừng lo nghĩ gì đến cha nữa”. Thật là tội nghiệp cho một đáng sinh thành, đó là lời di chúc và cũng là tấm lòng của một người cha thực sự muốn con mình nên người có ích cho đất nước. Thế nhưng vì tuổi trẻ, khi đã mất phương hướng, không có ai dân đường, hai con ông mỗi người đi theo một lý tưởng khác nhau. Hai người con đó, đâu có biết khi người cha về lại trong nước đã bị thực dân Pháp bắt bớ giam và tra tấn, sau được trả tự do thì ông lâm bệnh qua đời lúc 45 tuổi vào giữa năm 1911.
Phong trào Đông Du đã đào tại được một số cán bộ cách mạng mới, nhiệt tình, hăng say, xông xáo, năng động… trong số họ nhiều người đã trở thành những chiến sĩ cách mạng sẵn sang hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Lương Lập Nham (tức Lương Ngọc Quyến) là một ví dụ. Ông chính là cố vấn kiêm phó tư lệnh làm cuộc “khởi nghĩa quang phục 7 ngày” ở Thái Nguyên, hy sinh tại trận tiền. Cụ Phan Bội Châu thương tiếc ông đã viết: “Than ôi! Nạn nước chưa xong, thù nhà lại nặng, Lương ở dưới chín suối, đau lòng biết chừng nào” (Việt Nam nghĩa liệt sử, trang 216). Hành động như Lương Lập Nham có khá nhiều như: Đặng Hữu Bàng, Nguyên Yên Chiêu, Bùi Chính Lộ, Lưu Song Tử, Nguyễn Quỳnh Lâm, Trần Hữu Lực, Hoàng Trọng Mậu, Đặng Tử Mẫn, Lâm Đức Mậu v.v… Họ cho đó là “không thành thân thì cũng thành nhân”. Có một trường hợp “thành nhân” khá đặc biệt, đó là du học sinh Trần Đông Phong, người huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, con nhà giàu nhất vùng. Ông chết lúc 21 tuổi trên đất Nhật, nhằm tỏ “chí khí với cha” và “tạ tội với anh em”. Trước khi tự thắt cổ tử tự, ông để lại bức thư tuyệt mệnh đại ý: “Nhà tôi giàu có, tôi đã nhiều lần viết thư về khuyên cha tôi bỏ tiền ra giúp việc nước, mà cha tôi không trả lời. Tôi không thể mang cái lốt con nhà giàu đi ăn nhờ, thẹn với anh em quá, nên tôi phải tự tử để cha tôi biết chí của tôi và cũng để tạ tội với anh em”.
Trong số 157 “tiểu sử”, chúng tôi chỉ ghi được 52 người có cả năm sinh và năm mất, 10 người chỉ biết năm mắt. Các du học sinh tìm mọi cách ở lại Nhật hoặc đi Châu Âu tiếp tục học lên cao và thành đạt có các ông: Nguyễn Thức Canh, Lâm Tỷ, Hoàng Đình Tuân, Nguyễn Hão Vĩnh… Họ học những ngành chuyên môn như: bác sĩ y khoa, kỹ nghệ thuộc da, kỹ nghệ in và ấn loát, sư phạm ngoại ngữ, kỹ sư bách khoa… Trong số 157 nhân vật này, chúng tôi sưu tầm được 9 người theo đạo Kitô. Họ noi gương các linh mục Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Thận Đồng, Đậu Quang Lĩnh từng tham gia cách mạng bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo, họ lại được sự hướng dẫn trực tiếp của “ Thầy già Châu” (Mai Lão Bạng) nên đã hăng hái lên đường sang Nhật “cầu học”. Tất cả họ đều đã trưởng thành, không có ai nhụt chí, lúc bị trục xuất họ sang Xiêm tiếp tục hoạt động trong cộng đồng người công giáo ở Xóm Xếm, hoặc ở bản Thà Hẹ, vài người về lại trong nước hoạt động bí mật; có người tiếp tục học lên cao như Lưu Yến Đan (tức Lý Trọng Bá) tốt nghiệp đại học Bách khoa ở Nhật Bản, rồi sang Trung Quốc học tiếp lấy bằng kỹ sư Công chánh; hoặc như Lưu Song Tử học trường võ bị lục quân ở Quảng Đông, sau khi tốt nghiệp đã đưa “quân Quang Phục” tiến công đánh đồn Pháp ở Lạng Sơn, rồi anh dũng hy sinh tại trận tiền. Thật là: “Cả giáo đồ sắp suốt nơi nơi/Đội trời đạp đất ở đời/Sinh ra Nam quốc là người trượng phu…/ Chữ rằng đồng loại tương thân/Giáo dân xem với lương dân khác gì”. (Phan Bội Châu)
Trên đây chỉ nói sơ qua về kết quả đào tạo trong phong trào Đông Du. Theo thống kê của chúng tôi, số hy sinh trong chiến đấu một mất một còn với kẻ thù là khá đông. Một số khác thì đã tự kết thức cuộc đời mình trong một hoàn cảnh quá bức xúc, không muốn mình bị chết bởi tay kẻ thù như Nguyễn Truyện, Đàm Kỳ Sinh, Bùi Chính Lộ, Đặng Hữu Bằng, Phan Lại Lương v.v… Một số nữa thì do hoạt động trong hoàn cảnh bí mật, ăn uống thất thường, thiếu thốn nên bị ốm yếu rồi sinh bị ốm yếu rồi sinh bệnh mà qua đời lúc tuổi còn trẻ như các ông Đinh Doãn Tế, Phạm Đương Nhân, Đặng Hồng Phấn, Lễ Câu Tinh, Trần Văn Thư… một số khá đông thì bị bỏ xác trong ngục tù của thực dân Pháp, hài cốt họ nay đã thành cát bụi, như: Nguyễn Thần Hiến, Đẳng Bỉnh Thành, Lý Liễu, Nguyễn Yên Chiêu, Hoàng Văn Cát, Lê Duyên, Lương Nghị Khanh, Lê Cơ, Trần Ngọ, Đặng Tử Võ, Đàm Kỳ Sinh… Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, có hai người theo chủ nghĩa Mác – Lê nin, được kết nạp vào Đảng, đó là Đặng Ngọ Sinh (tức Đặng Thúc Hứa) và Lưu Khai Hồng (tức Võ Tùng).
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, có 8 người trong tổng số 157 người mà chúng tôi sưu tầm được danh tính, đã được may mắn trông thấy nước nhà độc lập. Đó là các ông Đỗ Văn Y, Cường Để, Lưu Khai Hồng, Lưu Quang Bật, Nguyễn Thức Canh, Lê Dư, Lê Chánh Đáng, Trương Duy Toản. Năm 1946, ông Đỗ Văn Y được bầu vào Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Để các bạn học dễ hình dung, xin mời xem phần tổng hợp bằng con số của các nhân vật xuống sang Nhật, sau khi phong trào Đông Du tan rã:
Gây bạo động khởi nghĩa rồi hy sinh hoặc bị tử hình
|
10 trường hợp
|
Bị bắt giam trong nước mà bị đày đi biệt xứ rồi chết
|
12 trường hợp
|
Ra tù rồi bị bệnh hoặc do cơ thể yếu mà chết
|
12 trường hợp
|
Quá bức xúc trong một hoàn cảnh ngặt nghèo phải tự vấn
|
07 trường hợp
|
Đi học tiếp một ngành chuyên môn ở Châu Âu, Trung Quốc
|
07 trường hợp
|
Sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động trong cộng đồng Việt Kiều
|
19 trường hợp
|
Sống lưu vong ở Trung Quốc, Nhật, Na Uy…
|
13 trường hợp
|
Về quê sống ẩn dật, bị quản thúc, làm nghề tự do.. về già chết
|
32 trường hợp
|
Đầu thú thực dân Pháp và bị lực lượng chống đối thủ tiêu
|
04 trường hợp
|
Trốn về nước đầu thú nhà cầm quyền, rồi làm quan
|
02 trường hợp
|
Còn lại 39 trường hợp, nhiều nhất là du học sinh Nam kỳ, chúng tôi chưa sưu tầm được hành trạng của họ về sau này.
Về thành phần xuất thân, trong tác phẩm “Gọi hồn quốc dân” (1907) (Đề tỉnh quốc dân hồn) Phan Bội Châu có diễn nôm thành thể song thất lục bát, kêu gọi mọi hạng người, nhưng lại nhắc đi nhắc lại “đứng đầu có bạn Nhà Nho”. Chính vì vậy mà các du học sinh Việt Nam sang Nhật “cầu học” thì gần như hầu hết đều xuất thân trong các gia đình nhà Nho, là đệ tử ở cửa Khổng, sân Trình như Đặng Hữu Bằng, Phan Bá Ngọc là con của hai vị tiến sĩ; Trần Hữu Công, Hoàng Trọng Mậu, Lương Lập Nham, Phan Lại Lương… là con các vị cử nhân, Đặng Tử Mẫn là con một ông tú tài… là con các vị cử nhân, Đặng Tử Mẫn là con một ông tú tài… hoặc bản thân du học sinh đã từng lều chõng đi thi đỗ đầu xứ như Nguyễn Đức Công hoặc từng đỗ tũ tài như Đặng Ngọ Sinh, Nguyễn Hải Thân, Lê Cơ, hay đỗ cử nhân như Nguyễn Bá Trác, Phạm Tĩnh… Một số ít sau khi học chữ Hán đã chuyển sang học trường Pháp Việt như: Lâm Đức Mẫu, Đàm Kỳ Sinh, Cao Trúc Hải v.v… Nhờ có trình độ học vấn, nên họ đã đọc trực tiếp những sáng tác thơ ca yêu nước của cụ Phan từ Nhật gửi về như “Hải ngoại huyết thư”, “Việt Nam vong quốc sử” v.v… làm thức tỉnh lòng tự tôn dân tộc của tầng lớp nho sĩ này. Vì vậy họ đã tự nguyện góp vào quỹ “du học” rồi xuất dương sang Nhật để mong “đánh đổi cái kiếp tôi tớ lấy quyền tự chủ”. Đầu xứ Nguyễn Đức Công khi được đọc thư: “Đây là chí của tôi”! Thế là, ít ngày sau, ông từ giã gia đình lên đường sang Nhật. Trong quá trình tìm hiểu lý lịch xuất thân từng nhân vật, chúng tôi thấy đa số du học sinh là những “cừu gia tử để” có thủ với giặc Pháp như Hồ Ngọc Lãm, Phạm Đương Nhân, Lương Lập Nham, Phan Bá Ngọc, Nguyễn Trọng Thường, Đặng Thúc Hứa v.v… Chính vì thành phần xuất thân nói trên mà có những mặt tích cực và hạn chế trong quá trình đào tạo và kết quả đào tạo. Nhưng dù sao thì họ vẫn là những “cây đuốc sang” giữ ngọn lửa yêu nước chống Pháp đương thời trong phong trào Đông Du, góp phần tích điện cho đám mây giông đầu thế kỷ XX. Nếu ngày trước nó được bốc cao sáng chòi thì bây giờ được giữ bằng than hồng, âm ỉ nhưng không kém phần nóng bỏng. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải tìm cách “lấp dần chỗ trống của tư liệu lịch sử”.
Viết song tập tư liệu 157 nhân vật xuất dương sang Nhật trong phong trào Đông Du, khi đọc lại toàn bộ, chúng tôi cảm thấy chưa thật vừa ý, vì quá “đều đều” (monotone) các “mục từ nhân vật” không thay đổi: mở đầu là quê quán, năm xuất dương, học trường nào, lúc bị trục xuất thì đi đâu? Làm gì?... làm cho người đọc một mạch cảm thấy nhàm chán. Chúng tôi đã cố gắng khắc phục được một số, bằng cách chen vào một mẩu chuyện, một câu thơ hay một đoạn “bình” của người trong cuộc… nhưng không được nhiều. Vì đây là một phong trào có tổ chức, cùng đến một nơi, cùng học một trường, cùng ở nội trú, rồi cùng bị trục xuất… Tuy nhiên, khi chúng ta tra cứu tìm hiểu một nhân vật cụ thể, thì ít nhiều cũng giúp ta có một số tư liệu mới (không nhiều và có thể chưa thật chính xác). Hy vọng rằng những người thân, hậu duệ trong các dòng họ của các gương mặt Đông Du sẽ có một niềm an ủi khi biết thêm một vài chi tiết về nhân cách nỗi niềm, ngọn nguồn… trong tiểu sử đối với ông cha đã khuất vì chính nghĩa.
Để tiện tra cứu, chúng tôi sắp xếp thứ tự tên từng nhân vật theo bảng chữ cái A,B,C. Hầu hết đều ghi theo tên gọi của cụ Phan Bội Châu viết trong “niên biểu” và “Ngục trung tư” (trường hợp có thể còn ghi chú thêm tên húy, tên hiệu…). Chúng tôi là người đi sau các nhà nghiên cứu về Đông Du, chắc chắn còn nhiều sơ suất, mong các bạn đọc gần xa chỉ bảo và lượng thứ.
Năm 2007, là năm kỷ niệm lần thứ 140 ngày sinh cụ Phan Bội Châu (1867-2007), chúng tôi xin dâng lên hương hồn Cụ tập sách 157 nhân vật trong cả nước xuất dương sang Nhật theo phong trào Đông Du (chưa đầy đủ) mà Cụ là người từng dẫn dắt, lo toan và hy vọng một thế hệ sẽ đi đến bến bờ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
TÌNH CẢM NGƯỜI NHẬT ĐỐI VỚI PHONG TRÀO ĐÔNG DU VÀ SU HỌC SINH VIỆT NAM
Thực hiện nhiệm vụ của Duy Tân hội, đầu năm 1905 Phan Bội Châu nhẹ gánh riêng tư, bí mật xuất dương sang Nhật Bản, cùng đi có Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính. Thông qua người bạn Trung Quốc đồng hành, Phan Bội Châu biết được địa chỉ của nhà cách mạng canh tân nước Trung Hoa là Lương Khải Siêu đang cư trú chính trị trên đất Phù Tàng.
Vừa đặt chân đến thành phố Hoành Tân (Yokohama) Phan Bội Châu tìm đến nơi ở của Lương tiên sinh. Qua mấy lần trò chuyện bằng bút đàm, Lương tiên sinh đã góp nhiều ý kiến hay, làm cho đầu óc cụ Phan mở mang; sau đó Lương Khải Siêu đã giới thiệu Phan Bội Châu cho một số chính khách người Nhật. Thông qua các chính khách người Nhật này, từ “cầu viện” Phan Bội Châu chuyển sang “cầu học” nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước. Một phong trào vận động thanh thiếu niên Việt Nam sang Nhật du học bắt đầu. Đó là phong trào Đông Du.
Chỉ trong vòng gần 4 năm, những hội viên hội Duy Tân ở trong nước đã gửi sang Nhật khoảng 200 du học sinh. Số học sinh ít ỏi của năm đầu (1905) sang đến Nhật, đã gặp ngay những khó khăn về nơi ăn, chốn ở, tiền bạc để đóng học phí… Huống chi các năm sau với số đông hàng trăm con người đang tuổi ăn, tuổi học… thì khó khăn lại càng cấp trăm lần, ngàn lần. Thông cảm với nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhiều chính khách, trí thức, nhà kinh doanh… và những người lao động bình thường, những công dân Nhật Bản trước sau đều tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ Phan Bội Châu hết sức tận tình. Sự giúp đỡ vô tư mà chúng tôi sẽ đề cập đến, không chỉ khi phong trào Đông Du phát triển mà cả khi phong trào đã tan rã, nhưng vẫn còn hàng chục học sinh Việt Nam sống tên đất Nhật, tự kiếm sống để đi học. Thậm chí có người đã qua đời trên đất Nhật, ngày nay nhiều người Nhật vẫn đến đặt hoa tươi trên phần mộ, tỏ lòng thương cảm người chí sĩ Việt Nam chết yểu là Trần Đông Phong tại nghĩa trang Zoshigaya ở Tokyo.
Trước tiên, chúng tôi muốn nêu danh tính ngài Khuyển Dưỡng Nghị (InuKai Tsuyoshi) và ngài Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu). Hai vị này đã giúp Phan Bội Châu và du học sinh Việt Nam rất nhiều về vật chất và tinh thần. Khuyển Dưỡng Nghị tiên sinh, bấy giờ là một vị cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, là một hùng biện gia có danh vọng nhất ở Quốc hội Nhật, từng làm Tổng đài Quốc dân đảng Nhật Bản, về sau lên làm thủ tướng; còn Đại Ôi Trọng Tín là một nhà chính trị có tiếng tăm, là lãnh tụ Đảng Cấp Tiến, từng làm Tổng lý đại thần (Thủ tưởng) là người sáng lập trường Đại học Tạo Đại Điền (Waseda). Thông qua hai vị này Phan Bội Châu làm quen với giáo sư Hokokawa Morisshima Yasumara, tổng tham mưu trưởng kiêm hiệu trưởng trường Chấn Võ học hiệu. Vì phải chấp hành một số nguyên tắc, nên trường Chấn Võ chỉ nhận được 4 sinh viên Việt Nam vào học; còn lại số đông thì vào học trường Đông Văn thư viện. Giáo sư hiệu trưởng Hokokawa đã xây dựng thêm nhà trong khuôn viên trường để làm nơi ở và phòng học cho hàng trăm du học sinh Việt Nam… Một hạ nghị sỹ là một thành viên sáng lập ra trường này, có ảnh hưởng quan trọng nhất đến du học sinh Việt Nam thời bấy giờ là ông Kashiwabara Buntaro. Sự chăm sóc của hai vợ chồng ông Buntaro, theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu người Nhật về phong trào Đông Du là rất “tế nhị”, đến mức có nhiều học sinh Việt Nam học ở trường tiểu học Rekisen gọi ông là “Bố” (Otsan) gọi vợ ông bằng “Mẹ” (Okansan)… Ngài Khuyển Dưỡng Nghị còn phối hợp với Lương Khải Siêu giúp đỡ Phan Bội Châu in ấn hàng ngàn bản “Việt Nam vong quốc sử”. “Hải ngoại huyết thư” v.v… để gửi về trong nước. Khi phong trào Đông Du bị giải tán, Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các du học sinh Việt Nam, Phan Bội Châu lại phải đến nhờ ông giúp đỡ 4.000 yên để mua vé tàu thủy “Bưu Thuyền hội xã” đưa các học sinh về nước.
Mối quan hệ cá nhân với các chính trị gia Nhật Bản đã giúp Phan Bội Châu thu xếp học sinh Việt Nam vào học các trường ở Nhật và về lại trong nước được thuận lợi, an toàn. Theo các tài liệu hiện nay nói về phong trào Đông Du, kể cả ở Nhật và Việt Nam, thì hình như trong vòng hai năm đầu, thông qua mối quan hệ cá nhân giữa Phan Bội Châu và các chính khách Nhật, qua sự giới thiệu của Lương Khải Siêu, nên phủ toàn quyền Đông Dương lẫn Chính phủ Nhật bấy giờ đều không hay biết gì về những lưu học sinh Việt Nam có mặt trên đất “Mặt trời mọc”.
Trong giới trí thức người Nhật giúp đỡ tận tình phong trào Đông Du và du học sinh phải kể đầu tiên là bác sĩ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang (Asaba Sakitaro). Một con người mà Phan Bội Châu đã đánh giá rằng: “Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn bao trùm cả trong ngoài”. Lòng “thương người như thể thương thân” của bác sĩ Sakitaro được cụ Phan Bội Châu “niên biểu” đại thể như sau:… Một lần bác sĩ đi trên hè phố, thấy một em học sinh đói lả, ngồi co ro, ông bèn đem về nhà cho ăn uống, nuôi nấng, dạy bảo… dần dà ông mới biết đó là một du học sinh Việt Nam tên là Nguyễn Thái Bạt, một thời gian sau ông làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh cho Bạt vào học trường Đồng Văn thư viện (Dobun Shoin), thậm chí còn đứng ra trang trại cả tiền học phí. Khi Phan Bội Châu thấy trong quỹ của du học sinh do “Công hiến hội” quản lý không còn một đồng xu, túng thiếu quá, thông qua trò Bạt, Phan Bội Châu đã viết một bức thư “ăn xin” (khất cái) gửi cho bác sĩ Sakitaro. Đáp lại lời cầu khẩn của Phan Sào Nam, bác sĩ đã gửi tặng 1.700 yên. Đây là một số tiền lớn, (hơn số tiền lương của một hiểu trưởng trường tiểu học trong 7 năm). Khi phong trào Đông Du tan rã, một số học sinh Việt Nam không chịu về nước, đã thay tên đội họ giả danh người Hoa, trốn tránh, sống tại Bệnh viện của ông, có người ở hàng năm, làm bạn chơi đùa với cô Yukie, con gái của bác sĩ Asaba Sakitaro. Có lần cảnh sát hình sự khu vực Odawara (nơi có bệnh viện tư của bác sĩ) vào bệnh viện tìm bắt du học sinh Việt Nam, nhưng họ đều được ông giúp trốn thoát. Hiện nay hậu duệ Asaba còn lưu giữ được một số ảnh, trong đó có hai bức do lưu học sinh Việt Nam tặng, một bức ảnh nữa có hình cụ Phan Bội Châu chụp chung với một số người khi cụ đến dựng bia tưởng niệm nhớ đến vị ân nhân… Một bác sĩ khác tên là Hayagawa, đã cưu mưng du học sinh Nguyễn Thức Canh sau khi phong trào Đông Du tan rã, chính ông bác sĩ này đã làm cho anh yêu nghề thầy thuốc, nên sau này Nguyễn Thức Canh đã sang Đức học trường Đại học Y khoa ở Berlin.
Trong số học sinh Việt Nam xuất dương sang Nhật “cầu học” có một học sinh “đặc biệt”, đó là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Vì vậy thái độ của các chính trị gia Nhật đối với Cường Để không giống như đối với những người xin cư trú chính trị khác ở Nhật. Từ năm 1915 cho đến khi qua đời (1951) Cường Để sống ở Nhật chủ yếu dựa vào tình cảm cá nhân và sự hảo tâm của một số chính khách và trí thức người Nhật. Hàng tháng ngài Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) gửi biếu Cường Để 200 yên, tháng này qua tháng khác không hề gián đoạn và chậm trễ bao giờ, nhiều lần ngài Khuyển Dưỡng Nghị tự đem tiền đến, vì “lo bỉ nhân đau ốm gì chăng…, cảm lòng tử tế, bỉ nhân bao giờ nghĩ đến ông cũng ứa nước mắt” (trích hồi ký của Cường Để). Có lẽ chính vì vậy mà Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đã coi ngài Khuyển Dưỡng Nghị như bố đẻ. Chẳng may ông làm thủ tướng chưa được bao lâu thì bị sát hại (1932). Một trí thức khác là ông Hishimoto Masukichi, giáo sư danh dự trường Đại học Keio, đã cho Cường Để ở nhờ trên lầu 2 của nhà mình tại thị trấn Ogikubo gần chục năm trời, cho đến lúc Cường Để qua đời.
Chúng ta cũng cần biết thêm đôi chút về việc Cường Để bị Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, để thấy rõ hơn tình cảm của người Nhật đối với Cường Để. Do sự phản đối kịch liệt của nhóm chính khách Inukai Tsuyosshi, Kashiwabara Bunto, Toyama Mitsuru… nên Chính phủ Nhật đã khước từ dẫn độ Cường Để cho Pháp, không dùng từ “trục xuất” mà dùng từ “khuyến cáo” rời khỏi Nhật. Từ đó Chính phủ Nhật cũng làm lơ cho nhóm chính khách này tự bố trí, sắp xếp, cử người… đưa Cường Để đến Thượng Hải bình an vô sự. Nhóm chính khách này đã tặng tiền lộ phí, tặng súng lục để đề phòng khi cần dùng đừng để làm nhục, cử một người tin cậy tên là Nakaruma Saburo ngầm theo dõi bảo vệ, lại còn báo cho ông Ogino Motorato, giám đốc chi nhánh công ty Koga Kogyo ở Thượng hải giúp Cường Để bí mật lên bờ an toàn (1909).
Sau khi đi Châu Âu về, với tư cách là Hội chủ Việt Nam quang phục hội, Cường Để đã gặp Viên Thế Khải và công sứ Đức để cầu viện, nhưng đã bị từ chối khéo léo. Buồn rầu, Cường Để quay lại xin cư trú ở Nhật Bản và được những cá nhân chính khách Nhật giúp đỡ, trong đó có Khuyển Dưỡng Nghị là người tài trợ chính. Ngoài ra còn có dịch giả Garizo, là bạn thân tình và ông giám đốc Công ty Đại Nam Matsushita… thường xuyên đi lại thăm hỏi, chuyện trò… Và họ thấy Cưởng Để sống cô đơn, rầu rĩ nên đã bàn bạc với ngành quân sự tìm người đến ở chung để đỡ đần, chăm sóc Kỳ Ngoại Hầu khi trái gió trở trời. Đó là bà Ando Chie, kém Cường Để 21 tuổi. bà là một người lao động bình thường, một công dân Nhật có lòng nhân ái. Bà tự nguyễn đến ở chung với Cường Để khi tuổi đời của bà ngoài 40, bà không có chồng, chỉ có một người cháu họ bà nhận về làm con nuôi tên là Ando Marizuki. Hai mẹ con sống chúng với Cường Để trên lầu 2 gồm có 2 – 3 phòng, do giáo sư danh dự trường Đại học Keio cho mượn(1). Sống chung gần chục năm, nên giữa Cường Để và bà Ando dần dần có tình cảm sâu đậm với nhau. Tình cảm này được bộc lộ rõ nét nhất khi bà Ando đưa lọ tro hài cốt Cường Để cho hai người con trai Cường Để là Tráng Liệt và Tráng Cử từ Việt Nam sang nhận để về Huế chôn cất theo nghi thức hoàng gia dưới thời Ngô Đình Diệm; bà Ando đã ngầm giữ lại một ít tro, rồi lén đem đi chôn cạnh mộ Trần Đông Phong tại nghĩa trang Zoshigaya. Năm 1992, bà qua đời, thọ 89 tuổi, di chúc lại cho anh con nuôi chôn tro hài cốt bà chung với lọ tro Cường Để mà bà đã lén chôn cạnh mộ Trần Đông Phong, nhưng anh con nuôi không biết chỗ cụ thể, do đó anh không thực hiện được ý nguyện của bà.
Về những người dân bình thường giúp đỡ Phan Bội Châu còn có anh phu xe, cất công một buổi đi tìm địa chỉ của một học sinh tên là Ân Thừa Hiến, người ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang học trên đất Nhật. Anh học sinh này do Lương Siêu giới thiệu với Phan Bội Châu, anh là một lãnh đạo trong đoàn học sinh người Vân Nam, du học ở Nhật. Nhờ anh phu xe, Phan Bội Châu đã gặp được anh Ấn Thừa Hiến. Khi cụ Phan trả tiền công khá hậu về thời gian anh phu xe đã bỏ ra, thì anh từ chối, chỉ lấy đúng số tiền tính theo cây số mà nhà nước quy định. Cử chỉ này làm cho Phan Sào Nam cảm động và ca ngợi hết lời về sự văn minh, nền văn hóa và sự giáo dục của người Nhật.
Hoặc như khi Phan Bội Châu và Lý Trọng Bá (cựu du học sinh) sau gần 10 năm xa cách, đã trở lại Nhật (1918) thăm vị ân nhân của mình là bác sĩ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang, thì vị bác sĩ đã qua đời. Phan Bội Châu liền viết một bài văn bia để tưởng niệm, nhưng trong túi chỉ có 120 yên, còn thiếu khảng 100 yên nữa mới đủ. Sự việc đến tai ông trưởng thôn, một con người trọng nghĩa tên là Okamoto Setsutaro. Ông liền đứng ra vận động bà con trong thôn giúp đỡ tiền nong và nơi ăn chỗ ỡ cho hai vị khách từ phương trời xa đến… Một tháng sau công việc dựng bia hoàn thành. Một tấm đá cao 2,7m rộng 0,87 dày 0,50m đặt trên một bệ đá cao gần 1 mét khác 105 chữ Hán, mỗi chữ to bằng bao diêm, trong đó có câu văn khá lâm ly. Dịch: “Chí tôi chưa thành mà Ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này ngàn thu ghi tạc”. Sau đây là lời kể của bà Asaba Kazuko cháu ngoại của cố bác sĩ Sakitaro:… “Trong gia đình tôi, chuyện tấm bia này phải giữ bí mật, ông ngoại tôi giúp đỡ thanh thanh niên Việt Nam, là việc lúc bấy giờ đi ngược với chính sách của Chính phủ. Lúc tôi còn bé mẹ tôi dặn vậy… Mỗi khi thăm mộ ông ngoại, mẹ tôi luôn dọn sạch sẽ quanh bia… Tôi nghe nói ông ngoại tôi tích trữ một số tiền để đi du học ở Đức, nhưng vì bị bệnh lao phổi, không đi du học nữa, và ông đã dung số tiền đó (1700 yên) giúp cụ Phan Bội Châu. Tôi nghĩ đây là một hành động tốt đẹp” (theo Norio Kato, Trưởng ban tiếng Việt đài phát thanh NHK, Nhật Bản). Năm 2003, thân nhân thị trấn Abasa, đã tổ chức kỷ niệm 85 năm cụ Phan Bội Châu dựng bia tưởng niệm, ban tổ chức đã mời ông Phan Thiệu Cơ, cháu nội cụ Phan Bội Châu sang dự. Vì vậy ngày nay càng có nhiều người quan tâm đến gia đình bà Asaba Kazuko và cả thị trấn Abasa thuộc tỉnh Tĩnh Cương, dươi chân núi Phú Sĩ. Trong số những người bình thường, còn có không ít những người công nhân như thuyền trưởng tàu Iyomaru và các thủy thủ đã tìm cách cải trang cho Cường Để lên bờ an toàn, hoặc như chủ cửa hiệu “Sơn Khẩu” ở Tokyo đã sẵn sàng bán chịu cho cụ Phan 400 khẩu sung, trong khi cụ chỉ đủ số tiền mua được 100 khẩu. Năm 1912 một quân nhân Nhật tên là Ishiy Iwane (Tùng Tỉnh Thạch Căn) đã giúp Nguyễn Thức Canh (một lưu học sinh Việt Nam trốn lại ở Nhật để tiếp tục học lên cao) chuyển thư về quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho thân phụ mình là cụ Nguyễn Thức Tự, nhưng anh quân nhân này không trao được thư, vì bị Pháp theo dõi… Vào khoảng năm 1941, người dân xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, bỗng thấy một cụ già người Nhật đến thắp hương trước mộ chung của 2 liệt sĩ nguyên là lưu học sinh Việt Nam ở Nhật là Hoàng Trọng Mậu và Trần Hữu Lục bị thực dân Pháp xử tử hình cùng một lúc; hoặc vào khoảng những năm của thập kỷ 50, có những người Nhật âm thầm lặng lẽ đến Huế thắp nén hương thơm trước mộ Phan Bội Châu và Cường Để… Gần đây càng có đông người Nhật đến viếng mộ 2 vị.
Những sự việc kể trên chứng tỏ phong trào Đông Du đã để lại dấu ấn khó phai mờ đối với nước Nhật và người dân Nhật. Những chí sĩ Đông Du và những nhà lãnh đạo Nhật đương thời, qua sự tiếp xúc cá nhân giữa những con người bình thường cùng chung một tấm lòng, một chí hướng… đã ươm mầm cho mối quan hệ hữu nghị tiếp tục duy trì, phát triển cho đến ngày hôm nay và mai sau.
DANH SÁCH VÀ QUÊ QUÁN 157 NHÂN VẬT
TT
|
Họ và tên
|
Quê quán
|
1
|
Trần Văn An
|
Bình Phú, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long
|
2
|
Mai Lão Bạng
|
Kẻ Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
|
3
|
Phan Chí Bảo
|
Nam Kỳ (chưa rõ tỉnh nào)
|
4
|
Nguyễn Thái Bạt
|
Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa
|
5
|
Đặng Hữu Bằng
|
Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Đinh
|
6
|
Lưu Quang Bật
|
Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
|
7
|
Nguyễn Như Bích
|
Thành phố Cần Thơ
|
8
|
Lâm Bình
|
H. Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
|
9
|
Phan Thúc Cảnh
|
Đông Chữ (?), tỉnh Thanh Hóa
|
10
|
Hoàng Văn Cát
|
H. Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
|
11
|
Lâm Cần
|
H. Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
|
12
|
Phan Bội Châu
|
Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
|
13
|
Nguyễn Điền Chi
|
Nam kỳ Lục tỉnh (chưa rõ ở tỉnh nào)
|
14
|
Nguyễn Xương Chi
|
Tỉnh Vĩnh Long
|
15
|
Hoàng Hữu Chí
|
Tỉnh Vĩnh Long
|
16
|
Nguyễn Yên Chiêu
|
Tỉnh Quảng Ngãi
|
17
|
Trần Chánh Chiếu
|
Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang
|
18
|
Lê Hồng Chung
|
Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
|
19
|
Nguyễn Hữu Chương
|
Tỉnh Hà Tĩnh
|
20
|
Trần Hữu Công
|
Đông Chữ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
|
21
|
Lê Cơ
|
Phú Lâm, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam
|
22
|
Nguyễn Quang Diêu
|
An Tịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
|
23
|
Lê Duật
|
Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
|
24
|
Lê Quyên
|
Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam
|
25
|
Lê Dư
|
Nông Sơn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nàm
|
26
|
Trần Sĩ Dực
|
Đan Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
|
27
|
Lưu Yến Đan
|
Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
|
28
|
Phạm Văn Đan
|
Đức Phong, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
|
29
|
Hoàng Công Đán
|
Tỉnh Vĩnh Long
|
30
|
Lê Chánh Đáng
|
Hòa An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
|
31
|
Cường Để
|
Thừa Thiên, Thành phố Huế
|
32
|
Nguyễn Điền
|
Cao Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
|
33
|
Nguyễn Điển
|
Tỉnh Hà Đông (Hà Tây)
|
34
|
Trần Văn Định
|
Bình Phú, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long
|
35
|
Ngô Quang Đoan
|
Trình Phố, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
|
36
|
Trần Đông
|
Trung kỳ (chưa rõ ở tỉnh nảo)
|
37
|
Nguyễn Mậu Đơn
|
Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An
|
38
|
Cao Hải
|
Tỉnh Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh)
|
39
|
Cao Trúc Hải
|
Hà Nội
|
40
|
Lê Kim Hanh
|
Làng Vang, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
|
41
|
Nguyễn Thượng Hiền
|
Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây
|
42
|
Nguyễn Thần Hiến
|
Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang
|
43
|
Tăng Bạt Hổ
|
Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định
|
44
|
Đặng Xung Hồng
|
Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định
|
45
|
Lưu Khải Hồng
|
H. Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi
|
46
|
Trần Công Huân
|
Huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho
|
47
|
Hoàng Vĩ Hùng
|
H. Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
|
48
|
Hoàng Hưng
|
H. Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
|
49
|
Lưu Do Hưng
|
Huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long
|
50
|
Trương Hưng
|
Trung kỳ (chưa rõ tỉnh nào)
|
51
|
Đàm Khanh
|
Tỉnh Bắc Ninh
|
52
|
Lê Khanh
|
H. Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
|
53
|
Lương Nghị Khanh
|
Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội
|
54
|
Nguyễn Chính Khí
|
Nam kỳ (chưa rõ tỉnh nào)
|
55
|
Lê Khiết
|
Thành phố Thanh Hóa
|
56
|
Phùng Khắc Khoan
|
Trung kỳ (chưa rõ tỉnh nào)
|
57
|
Đinh Hưng Kiêm
|
Nam kỳ (chưa rõ tỉnh nào)
|
58
|
Bùi Trọng Kiên
|
Huyện Thanh Chương, T. Nghệ An
|
59
|
Vũ Mẫn Kiên
|
Hà Nội
|
60
|
Đặng Quốc Kiều
|
Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định
|
61
|
Đặng Tử Kính
|
Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
|
62
|
Hồ Học Lãm
|
Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
|
63
|
Châu Thiếu Lang
|
Nam kỳ (chưa rõ tỉnh nào)
|
64
|
Nguyễn Quỳnh Lâm
|
H. Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
|
65
|
Đặng Ngô Lân
|
Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định
|
66
|
Lê Ngọc Liên
|
Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam
|
67
|
Lê Liễn
|
Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam
|
68
|
Lý Liễu
|
H. Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
|
69
|
Hồ Vĩnh Long
|
Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
|
70
|
Y Long
|
Tỉnh Trà Vinh
|
71
|
Bùi Chính Lộ
|
Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
|
72
|
Trần Hữu Lực
|
Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
|
73
|
Phan Doãn Lược
|
H. Hương Sơn, tỉnh Hà Tinh
|
74
|
Phan Lại Lương
|
Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An
|
75
|
Lưu Văn Lý
|
Nam kỳ (chưa rõ ở tỉnh nảo)
|
76
|
Đặng Tử Mẫn
|
Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định
|
77
|
Hoàng Trọng Mậu
|
Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
|
78
|
Lâm Đức Mậu
|
Tỉnh Nam Định
|
79
|
Lý Trọng Mậu
|
Tỉnh Hà Tĩnh
|
80
|
Bùi Mộng
|
Vĩnh Thanh, tỉnh Vĩnh Long
|
81
|
Lê Vân Mỹ
|
Hòa An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
|
82
|
Phan Thế Mỹ
|
Bắc kỳ (chữ rõ ở tỉnh nào)
|
83
|
Hà Đương Nghiêu
|
Bắc kỳ (chưa rõ ở tỉnh nào)
|
84
|
Trận Ngọ
|
Tỉnh Vĩnh Long
|
85
|
Phan Bá Ngọc
|
Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
|
86
|
Hương Cao Ngô
|
Tỉnh Trà Vinh
|
87
|
Dương Tự Nguyện
|
Tỉnh Bắc Ninh
|
88
|
Hà Vương Nguyên
|
Bắc kỳ (chưa rõ ở tỉnh nào)
|
89
|
Lương Lập Nham
|
Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội
|
90
|
Đặng Hữu Nhân
|
Trung kỳ (chưa rõ ở tình nào)
|
91
|
Phạm Dương Nhân
|
Thái Hà, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
|
92
|
Bùi Chi Nhuận
|
Nhật Tảo, huyện Tân An, tỉnh Vĩnh Long
|
93
|
Đặng Hồng Phấn
|
Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định
|
94
|
Trần Đông Phong
|
Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
|
95
|
Hoàng Quốc Quang
|
Nam kỳ (chưa rõ ở tỉnh nào)
|
96
|
Trần Chí Quân
|
Huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long
|
97
|
Châu Văn Quý
|
Cần Thơ (Nam Kỳ)
|
98
|
Lê Văn Sao
|
Hòa An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
|
99
|
Nguyễn Siêu
|
Hoàng Vân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây
|
100
|
Chung Hạo Sinh
|
Bắc kỳ (chưa rõ ở tình nào)
|
101
|
Đàm Kỳ Sinh
|
H. Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh
|
102
|
Đặng Ngọ Sinh
|
Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
|
103
|
Lưu Ấm Sinh
|
Thừa Thiên – Huế
|
104
|
Lý Văn Sơn
|
Tỉnh Bắc Ninh
|
105
|
Nguyễn Son Sơn
|
Tỉnh Thanh Hóa
|
106
|
Vũ Vương Tá
|
Nam kỳ (chưa rõ ở tình nào)
|
107
|
Nguyễn Xích Tâm
|
Nam kỳ (chưa rõ ở tỉnh nào)
|
108
|
Phạm Văn Tâm
|
Huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long
|
109
|
Hoàng Lợi Tân
|
Tỉnh Nghệ An (hoặc Hà Tĩnh)
|
110
|
Đinh Doãn Tế
|
H. Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
|
111
|
Trấn Lợi Tế
|
Tỉnh Hà Tĩnh
|
112
|
Lê Kim Thanh
|
Xã Đoài, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
|
113
|
Đặng Bỉnh Thành
|
Huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long
|
114
|
Hoàng Quang Thành
|
H. Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long
|
115
|
Phan Khải Thánh
|
Nam kỳ (chưa rõ ở tỉnh nào)
|
116
|
Nguyễn Hải Thần
|
Đại Từ, Hà Nội
|
117
|
Trương Khắc Thận
|
Nam kỳ (chưa rõ ở tỉnh nào)
|
118
|
Hương Điền Thiên
|
Tỉnh Trà Vinh
|
119
|
Nguyễn Tiêu Thiên
|
Tỉnh Hà Tĩnh
|
120
|
Phạm Nhân Thuần
|
Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
|
121
|
Lê Quý Thuận
|
Huyện Nghi Lộc
|
122
|
Đinh Hữu Thuật
|
Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
|
123
|
Phan Thuật
|
Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
|
124
|
Trần Văn Thư
|
Bình Phú, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Vong
|
125
|
Nguyễn Xuân Thức
|
Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định
|
126
|
Nguyễn Trọng Thường
|
Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên
|
127
|
Hoàng Văn Tiếu
|
Tỉnh Hà Tĩnh
|
128
|
Lê Cầu Tinh
|
Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
|
129
|
Phạm Văn Tĩnh
|
Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
|
130
|
Trương Duy Toản
|
H. Tam Bình, T. Vĩnh Long
|
131
|
Nguyễn Thiện Tổ
|
Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên
|
132
|
Lê Ấp Tốn
|
Bắc kỳ (chưa rõ ở tỉnh nào)
|
133
|
Nguyễn Bá Trác
|
Bảo An, huyện Diễn Phước, tỉnh Quảng Nam
|
134
|
Phan Châu Trinh
|
Tây Lộc, huyện Diễn Phước, tỉnh Quảng Nam
|
135
|
Phan Quốc Trinh
|
Bắc kỳ (chưa rõ ở tỉnh nào)
|
136
|
Đinh Văn Trình
|
Nam Thanh, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
|
137
|
Lam Quảng Trung
|
H. Bình Sơn. T. Quảng Ngãi
|
138
|
Nguyễn Truyện
|
La Ghì, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
|
139
|
Hoàng Đình Tuân
|
Hà Nội
|
140
|
Nguyễn Hữu Tuệ
|
Hải Phòng
|
141
|
Phan Ngọc Tuyết
|
Thành phố Hồ Chí Minh
|
142
|
Trần Văn Tuyết
|
Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang
|
143
|
Lưu Song Tử
|
H. Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
|
144
|
Lê Tương
|
Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
|
145
|
Lâm Tỷ
|
H. Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
|
146
|
Trương Quốc Uy
|
Bắc kỳ (chưa rõ tỉnh nào)
|
147
|
Hoàng Hữu Văn
|
Tỉnh Vĩnh Long
|
148
|
Hoàng Xuân Viễn
|
Bộ Đầu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa
|
149
|
Nguyễn Háo Vĩnh
|
Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh
|
150
|
Bùi Danh Võ
|
Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
|
151
|
Đẳng Tử Võ
|
Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
|
152
|
Lê Võ
|
Văn Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
|
153
|
Bùi Xuân Xoan
|
Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
|
154
|
Nguyễn Thị Xuyến
|
Tỉnh Vĩnh Long
|
155
|
Đỗ Văn Y
|
Hòa An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
|
156
|
Phạm Chấn Yêm
|
Hà Nội
|
157
|
Lý Tử Yên
|
Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp
............................................
|
...............................................
TƯ LIỆU CÁC NHÂN VẬT XUẤT DƯƠNG TRONG PHONG TRÀO ĐÔNG DU QUÊ NGHỆ TĨNH
1.MAI LAO BẠNG (? – 1942)
(tức Già Châu)
Nguyên gốc người giáo xứ Kẻ Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; sau chuyển sang phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, ở lại Làng Vang (nay thuộc thành phố Vinh). Ông là một tu sĩ công giáo, có tinh thần yêu nước, từng học Đại chủng viện Xã Đoài (Nghi Lộc); giáo dân thường gọi là “thầy Già Châu”. Ông từng xuất dương sang Nhật năm 1908, lần lượt đem theo hàng chục thanh niên công giáo sang di học trong phong trào Đông Du. Có lần, ông sang Xiêm bị thực dân Pháp theo dõi bắt giam 4 tháng. Sau đó được trả tự do, ông đi Hương Cảnh lại bị Pháp câu kết với chính quyền Anh, bắt giam 3 thagns, rồi ra lệnh trục xuất. Ông lại đi Quảng Đông (Trung Quốc) tham gia Ban Chấp hành “Việt Nam quang phục hội”, phụ trách kinh tế cùng với Đặng Tử Mẫn. Năm 1913, Tổng đốc Long Tế Quang câu kết với Pháp bắt ông bỏ tù gần 4 năm (cùng lần với cụ Phan Bội Châu, nhưng mỗi người bị giam mỗi nơi). Sau khi ra tù (1917) ông đi Thượng Hải thì bị Lãnh sự Pháp bắt giải về trong nước giam ở Hòa Lò (Hà Nội) và nhà lao Vinh, sau đó đày đi Côn Đảo. Năm 1926, ông được trả tự do, về lại làng Vang (xã Hưng Vinh) mở hiệu thuốc bắc “Lão Bạng y quán”. Thỉnh thoảng ông lên tàu hỏa vào Huế thăm cụ Phan. Năm 1942, cụ Mai Lão Bạng lâm bệnh rồi qua đời tại Làng Vang.
Ghi chú: Lúc ở Quảng Đông ông có viết bài “Khuyến đồng tâm” (hay còn gọi “Lão Bạng phổ khuyến thư”) được phổ biến để khuyên an hem cùng đồng lòng làm cách mạng. Khi ông bị giam 4 năm ở trong ngục, có lần cụ Phan gửi hai câu thơ an ủi Lão Bạng: “Thân thế kỷ hồi tần tử địa/Tu mi tam độ nhập linh đường: (Dịch: Thân thể mấy phen gần chỗ chết/Râu mày ba bận ở nhà lao).
2. PHAN BỘI CHÂU (1867 – 1940)
(Hiệu: Sào Nam)
Quê quán: Làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ). Đỗ đầu Cử nhân (Giải nguyên) năm 1900. Năm 1905 xuất dương sang Nhật, lần lượt viết các tác phẩm: Việt Nam vong quốc sử. Hải ngoại huyết thư, Khuyến quốc dân tư trợ du học văn, Tân Việt Nam, Việt Nam quốc sử khảo v.v… Các tác phẩm này gửi về trong nước đã khuấy lên phong trào Đông Du sôi nổi trong khắp 3 kỳ, thu hút khoảng 200 thanh niên trong nước xuất dương sang Nhật “cầu học”. Ngoài ra cụ còn liên hệ với các chính khách người nhật, người Trung Hoa, Triều Tiên… lập ra hội “Đông Á đồng minh”. Chính phủ Pháp lo sợ câu kết với Chính phủ Nhật trục xuất tất cả người Việt khỏi đất Phù Tang. Cụ bèn sang Xiêm lập Trại Cày ở Bản Thầm (Phi Chịt) để chờ thời cơ. Năm 1911, cách mạng Tân Hợi thành công ở Trung Quốc, cụ chuyển sang xu hướng cách mạng dân chủ tư sản. Năm 1912, cụ đứng ra thành lập “Việt Nam quang phục hội”, sau đó cải tổ thành “Việt Nam quốc dân đảng”. Năm 1925, cụ bị mật thám Pháp bắt có tại nhà gia bắc Thượng hải. Một phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thực dân Pháp trả tự do cho cụ rất mạnh mẽ, buộc chúng phải tuyên bố xóa án, nhưng lại bắt về sống tại Huế, không cho về quê, cho đến khi cụ qua đời vào ngày 29 tháng 10 năm 1940 trong ngôi nhà tranh đơn sơ tại dốc Bến Ngự, thọ 73 tuổi; để lại lời từ vãn như sau: “ Tôi là Phan Bội Châu suốt đời lo việc nước, nay tôi sắp từ giã đồng bào”… “Lòng tôi những lo cứu giang sơn, bảo tồn nòi giống nhưng hữu chí vô tài, nên đại sự bất thành, để lại cho bao người theo tôi mà mang họa. Xin quốc dân tha thứ đại tội cho tôi”.
3.LÊ HỒNG CHUNG
(hay Lê Hồ Chung)
Quê quán: Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ)
Ông là người theo đại Kitô giáo. Ông xuất dương sang Nhật trong phong trào Đông Du cùng với Lưu Yến Đan, Nguyễn Mẫu Đơn… do cụ Mai Lão Bạng (từ Già Châu) dẫn đường vào khoảng cuối năm 1908. Đến nơi, ông được sắp xếp vào ở tại “Bính Ngọ hiên”, rồi vào học “lớp đặc biệt” ở trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin). Sauk hi có lệnh Chính phủ Nhật trục xuất du học sinh Việt Nam, ông liền đi sang Xiêm, tham gia hoạt động tại những xóm có Việt kiều là người công giáo. Một thời gian sau đó, ông được phái về trong nước hoạt động. Hiện chưa rõ hành trạng của ông sau này.
Ghi chú: Có tài liệu ghi ông quê ở Làng Vang (thành phố Vinh)
4. TRẦN HỮU CÔNG (1884 – 1965)
(tức Nguyễn Thức Canh hay Trần Trọng Khắc)
Quê quán: Làng Đông Chữ (nay là xã Nghi Trường) huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, con cụ Nguyễn Thức Tự (thầy học Phan Bội Châu), ông xuất dương sang Nhật năm 1905, được sắp xếp vào học trường lục quân “Chấn Võ học hiệu” (Shimbu Gakku). Khi bị Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất thì ông đã thi tốt nghiệp trường Lục quân xong. Nhờ quen biết, ông lấy quốc tịch Trung Hoa, đổi tên là Trần Trọng Khắc vào học trường Trung học Thành Thành (Seijo) tốt nghiệp tú tài, ông thi vào học trường ngoại ngữ Cao đẳng Sư phạm Tokyo. Tốt nghiệp sư phạm ông sang Hàng Châu (Trung Quốc) làm biên tập viên “Tạp chí Quân sự Hàng Châu” và đi dạy học ngoại ngữ cho một số trường. Năm 1918, ông tháp tùng cụ Phan Bội Châu đi qua 6 tỉnh để đến Côn Minh (Vân Nam) tìm cách về nước hoạt động cách mạng. Hai thầy trò giãi gió, dầm mưa, nằm tuyết… cả đi lẫn về vừa trong nửa năm trời, mà không đem lại kết quả. Vừa làm biên tập, vừa đi dạy dọc, ông tiết kiệm được 400 bảng Anh. Năm 1922 ông đi sang Đức học đại học Y khoa Berlin. Năm 1931, tốt nghiệp bác sĩ; ông bèn trở lại Trung Quốc hành nghề tại một số bệnh viện ở Thượng Hải, Phúc Kiến… Năm 1937, chiến tranh Trung – Nhật lan rộng ra các tỉnh, ông đi tản cư sang Hương Cảng và Áo Môn. Từ năm 1941 đến năm 1945, ông mắc kẹt trong vòng vây của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai trên đất Trung Hoa… Mãi đến năm 1958, ông mới tìm cách về nước, sinh sống với con trai duy nhất là Nguyễn Thức Mẫn tại thành phố Nha Trang. Năm 1965, ông lâm bệnh qua đời, hưởng thọ 81 tuổi.
5. LÊ DUẬT
Quê quán: Xã Xuân Hồ (nay là xã Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Ông hưởng ứng phong trào Đông Du xuất dương sang Nhật năm 1907. Đến nơi ông được sắp xếp vào ở cư xá “Bính Ngọ hiên” học “lớp đặc biệt” tại trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin). Khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, ông bèn đi sang Xiêm tham gia lao động sản xuất ở Trại Cày bản Thầm (Phi Chịt) đồng thời hoạt động cách mạng trong cộng đồng Việt kiều ở các tỉnh Oudone, Mục Đa Han, Thạt Phamôn… theo đường lối “đoàn kết kiều bào, trường kỳ cách mạng, giữ pháp luật của Chính phủ Xiêm, làm cho quần chúng người Xiêm có cảm tình cách mạng Việt Nam…”. Về sau không biết ông có về lại trong nước không? Hiện chưa rõ.
Ghi chú: Tên ông do nhà nghiên cứu sử học Trần Hữu Đức ở Nghệ An sưu tầm, cung cấp.
6. LƯU YẾN ĐAN
(tức Lưu Văn Quế, hay Lý Trọng Bá, hoặc Lý Trọng Hoàn
Quê quán: Người ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
Ông là người theo đạo Kitô, đã lên chức “thầy” (một danh từ chỉ những người đã học Đại chủng viện). Ông được cụ Mai Lão Bạng đưa sang Nhật “cầu học” trong phong trào Đông Du năm 1908. Lúc bị Chính phủ Nhật trục xuất, ông trốn tránh ở Tokyo xin nhập quốc tịch Trung Hoa, trở thành Hoa kiều, ông đổi tên là Lý Trọng Bá; được lãnh sự quán Trung Quốc ở Nhật cấp học bổng vào học trường Trung học, rồi thi vào trường Cao đẳng Công nghiệp, sau đó ông lại thi vào học trường Đại học Bách khoa ở Tokyo. Về sau ông sang Trung Quốc tiếp tục để lấy bằng kỹ sư công chánh. Vừa đi học, vừa tham gia hoạt động với cụ Phan. Năm 1918, ông cùng với cụ Phan sang Nhật, đến thị trấn Asaba dưới chân núi Phú Sĩ thuộc huyện Tĩnh Cương, tỉnh Shizuoka, cách thủ đô Tokyo 300km để dựng bia tưởng niệm vị ân nhân người Nhật là bác sĩ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang (Asaba Sakitaro) tiên sinh, người đã tặng cụ Phan 1.700$ lúc cụ túng thiếu. Bài văn bia do cụ Phan soạn gồm 105 chữ Hán nay vẫn còn. Về sau. Ông sống ở Trung Quốc cho đến hết đời.
Ghi chú: - Có tài liệu ghi ông quê ở Thọ Ninh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
- Năm 2003, nhân dân làng Asaba đã tổ chức kỷ niệm 85 năm Phan Bội Châu dựng bia kể lại công ơn ngài Asaba Sakitaro (Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang) giúp đỡ phong trào Đông Du. Ông Phan Thiệu Cơ (cháu nội cụ Phan) có được mời sang dự.
7. NGUYỀN ĐIỀN (hoặc Điển)
(Hiệu: Cao Điền)
Quê quán: Làng Cao Điền (nay là xã Thanh Diễn), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (là em trai ông Nguyễn Văn Ngôn). Tháng 8 năm 1903, ông đã từng đi tháp tùng cụ Phan Bội Châu ra đồn Phồn Xương (Yên Thế) hội kiến với cụ Hoàng Hoa Thám nhưng không gặp vì cụ Hoàng ốm. Năm 1905, hưởng ứng phong trào Đông Du xuất dương sang Nhật “cầu học”, ông được sắp xếp học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoim). Ông vừa học vừa tham gia lãnh đạo tổ chức nội bộ của lưu học sinh có tên là “Việt Nam công hiến hội” với chức vụ “Ủy viên kê tra cuộc” (trông coi về tổ chức – nhân sự) cùng với hai người khác là Lương Lập Nham và Trần Hữu Công.
Khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất lưu học sinh Việt Nam, ông rời khỏi Nhật Bản đi Xiêm… Hành trạng của ông về sau chưa rõ.
Ghi chú: Có tài liệu ghi nhầm ông và Nguyễn Điển, người tỉnh Hà Đông từng học trường Chấn Võ học hiệu, sau ra đầu thú thực dân Pháp. (xem “Phan Bội Châu niên biểu” trang 107 và 120).
8. NGUYỄN MẪU ĐƠN
(tức Nguyễn Văn Phú)
Quê quán: Xứ giáo Mỹ Dụ (nay là xã Hưng Châu) phủ Hưng Nguyên (cũ), tỉnh Nghệ An. Ông là người theo đạo Kitô giáo, từng học Đại chủng viện Xã Đoài, đã lên chức “thầy” (một danh từ gọi những người đã học Đại chủng viện). Ông được cụ Mai Lão Bạng (Già Châu) đưa sang Nhật du học năm 1908, học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin). Khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các lưu học sinh, ông trở về lại trong nước, tham gia hoạt động cách mạng trong cộng động người công giáo bằng cách phổ biến các bài thơ ca yêu nước, quyên góp xây dựng quỹ hội v.v… Vì hoạt động bí mật nên ông phải đổi tên khi thì Nguyễn Mẫu Đơn, đổi thành Tráng Đơn, Nguyễn Kim Phú v.v… Có lần ông bị Pháp bắt giam ở nhà lao Vinh, mang tên Nguyễn Văn Phú.
Ghi chú: Có tài liệu ghi ông quê ở huyện Nghi Lộc
9. LÊ KHANH
Quê quán: Huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ)
Xuất thân trong một gia đình theo đạo Kitô. Ông hưởng ứng phong trào Đông Du sang Nhật năm 1908 do cụ Mai Lão Bạng dẫn đường cùng lần với Lê Hồng Chung, Lưu Yến Đan… Ông được sắp xếp vào học “lớp đặc biệt” tại trường “Đồng văn thư viện” (Dobun Shoin). Khi có lệnh của Chính phủ Nhật trục xuất các du học sinh Việt Nam, ông theo cụ Phan Bội Châu sang Xiêm, vừa tham gia lao động sản xuất tại Trại Cày Bản Thầm (tỉnh Phi Chịt) vừa hoạt động trong tổ chức “Hội thân ái”, “Hội Hợp tác” của đồng bào công giáo tại tỉnh Oudone. Một thời gian sau ông được điều động về tỉnh Na Khon dạy học cho trẻ em Việt kiều học chữ Xiêm, buổi sáng theo chương trình của Chính phủ Xiêm; buổi chiều ông dạy chữ Quốc ngữ, thù lao do “Hội Hợp tác” đài thọ. Ông có tiếng là thầy giáo dạy giỏi. Về sau hành trạng của ông chưa rõ.
Ghi chú: Ở Nghi Lộc có một người tên là Lê Khánh, giáo dân thường gọi là “thầy Già Khánh”. Ông này không sang Nhật, hoạt động cách mạng trong nước, bị thực dân Pháp bắn chết lúc ông đến giải vây cho Đặng Thái Thân ở Phan Thôn (xã Nghi Kim ngày nay).
10. BÙI TRỌNG KIÊN
(Hiệu: Nam Bồi)
Quê quán: Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (Trung Kỳ)
Hưởng ứng phong trào Đông Du, ông xuất dương sang Nhật cuối năm 1908, thì vừa lúc cụ Phan Bội Châu bị Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, ông sang Xiêm cùng với cụ Phan tham gia xây dựng, lao động sản xuất ở trại Cày Bản Thầm (thuộc tỉnh Phi Chịt) đồng thời hoạt động cách mạng trong cộng đồng Việt kiều. Năm 1928, ông được cử làm giáo viên dạy chữ Xiêm và chữ Quốc ngữ cho con em Việt kiều tại tỉnh Na Khôn. Trong một lễ cưới, ông đã gặp Thầu Chín (Bác Hồ) đóng vai chủ hôn, bà con tới mừng, cử tọa đua nhau đọc thơ mừng cô dâu chú rể. Ông Bùi Trọng Kiên góp vui đã tập lẩy hai câu kiều:
“Cùng trong một tiếng tơ đồng
Kẻ ngoài cười nụ, kẻ trong đợi chồng”
Ông Thầu Chín nghe xong, cảm thấy không “ổn” bèn nhanh trí đọc tiếp câu lục bát:
“Từ đây chung gối chung chăn
Buồng cách mạng có gió xuân thổi vào”
(Câu đối xứ Nghệ tập I)
11. ĐẶNG TỬ KÍNH (1875 – 1928)
Người xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ)
Xuất dương cùng một lần với cụ Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đầu năm 1905; cùng năm này ông cùng với cụ Phan về lại trong nước; năm 1906 ông được giao nhiệm vụ đưa Cường Để qua Nhật, cuối năm ông lại tháp tùng cụ Phan về trong nước lần thứ hai. Năm 1907 ông trở sang Nhật, vừa học tiếng Nhật vừa làm Ủy viên “Việt Nam công hiến hội”. Vừa học tiếng Nhật vừa làm Ủy viên “Việt Nam công hiến hội”. Khi có lệnh của Chính phủ Nhật trục xuất, ông qua Hương Cảng rồi sang Trung Quốc ở nhờ nhà bà Chu Bá Linh, hàng ngày đi bán sách dạo để kiếm sống. Năm 1912, ông tham gia Ban Chấp hành “Việt Nam quang phục hội”, được đề cử làm “Ủy viên kinh tế”. Ít lâu sau, cụ Phan cử ông sang Xiêm xây dựng trại Cày Bản Thầm, cùng với Đặng Thúc Hứa (Đặng Nho Sinh), Hồ Vĩnh Long (Hồ Sĩ Thanh), Đặng Tử Mẫn… Đến nơi các ông làm nhà ở, xin đất, lên đồi khai hoang, dựng lán trại… thành cơ sở kinh tế hoạt động cách mạng ở hải ngoại. Về sau, ông lâm bệnh qua đời ở Phi Chịt (Thái Lan) năm 1928, hưởng thọ 53 tuổi. Ông là chú ruột của Ngư Hải tiên sinh Đặng Thái Thân (1873 – 1910).
12. HỒ NGỌC LÃM (1883 – 1943)
(hay Hồ Xuân Lan; Hồ Hinh Sơn)
Người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ)
Xuất dương sang Nhật trong phong trào Đông Du năm 1908, lúc đang tuổi thanh niên, được sắp xếp vào học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobu Shoin). Khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất ông sang Trung Quốc, ông lại xin vào học trường “Bảo Định quân sự học hiệu” tại bắc Kinh. Tốt nghiệp ra trường được về dạy trường Lục quân Hoàng Phố. Cách mạng Tân Hợi bùng nổ, ông tham gia lực lượng cách mạng của Tôn Trung Sơn, cùng trong quân ngũ với Tưởng Giới Thạch, với chức vụ chỉ huy Trung đoàn. Năm 1918 ở Hàng Châu, cụ Phan Bội Châu tác thành ông lập gia đình với cô Ngô Khôn Duy (con gái cụ Ngô Quảng, chiến sĩ Vần Vương). Dần dà ông được thăng hàm đại tá công tác tại Bộ Tham mưu lục quân dưới quyền Tưởng Giới Thạch. Ông và gia đình đã giúp đỡ rất nhiều cho các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Năm 1942 khi Bác Hồ sang Trung Quốc công tác bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Túc Vinh, ông đã tìm mọi cách can thiệp, mặc dầu đang ốm nặng. Ngày 11 tháng 4 năm 1943 (nhằm ngày mồng 7 tháng 3 năm Quý Mùi) ông qua đời tại Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) thọ 60 tuổi. “Mộ ông được đặt trên sườn đồi bên dòng sông Ly Giang thành phố Quế Lâm, cạnh mộ trồng khóm trúc ngà, biểu hiện tính cách người quân tử” (theo Hoàng Thanh Đạm).
Ghi chú: Có tài liệu ghi lúc ở Nhật ông học trường Chấn Võ học hiệu (?).
13. HỒ VĨNH LONG
(tức Hồ Sĩ Hanh, tục gọi là Đỗ Hanh)
Nguyên quán: Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ)
Xuất dương sang Nhật trong phong trào Đông Du vào khoảng năm 1907, học tại trường “Đông Văn thư viện” (Dobun Shoin). Sau khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các lưu học sinh Việt Nam, ông đi sang Quảng Đông (Trung Quốc) hoạt động cách mạng. Về sau ông được cụ Phan cử sang Xiêm, cùng với Đặng Thúc Hứa và Đặng Tử Kính… gây dựng cơ sở kinh tế ở trại Cày Bản Thầm (tỉnh Phi Chịt – miền Trung nước Xiêm) các kinh thành Băng Cốc hơn bốn ngày đi bộ.
Ở Xiêm, ông còn có tên là Tô, được bác Thầu Chín (Bác Hồ) cử đi Mục Đa Han, một tỉnh biên giới để vận động tuyên truyền tổ chức kiều bào vào “Hội Thân ái” và “Hội Hợp tác” (1928). Về sau ông ở lại hẳn vùng này, vừa tham gia lãnh đạo cách mạng trong cộng đồng Việt kiều, vừa làm thầy thuốc. Ông là một lương y nổi tiếng trong đồng bào Xiêm và kiều bào; là một cánh tay đắc lực của cụ Đặng Thúc Hứa.
Ghi chú: Có tài liệu ghi tên ông là Hồ Sĩ Hạnh.
14. BÙI CHÍNH LỘ (1883 – 1913)
(tức Bùi Danh Tuy)
Quê quán: Xã Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ)
Xuất dương sang Nhật trong phong trào Đông Du năm 1905, học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin). Sau khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, ông về lại trong nước hoạt động cách mạng, bị thực dân Pháp và tay sai bắt giam tại nhà lao Vinh. Gặp lúc bệnh dịch tả hoành hành, ông giả chết, mật mưu với các bạn tù đem đi chôn; bọn cai ngục đứng xa không giám lại gần. Sau đó các bạn tù đi chôn một người khác chết vì dịch tả, họ đã đào ông lên cứu tỉnh. Ông thoát nạn trốn sang Trung Quốc hội kiến với cụ Phan Bội Châu. Năm 1913, ông bí mật mang hai quả lựu đạn đi Xiêm để xử bọn mật thám chó săn, rủi thay ông bị bắt tại bến tàu thủy Băng Cốc, ông liền ném hai quả lựu đạn vào kẻ địch, rồi cắn lưỡi tự tử. Hưởng dương 30 tuổi.
Về sau cụ Phan có viết tập “Tái sinh sinh truyện” kể lại cuộc đời của ông và cũng là để tưởng niệm ông “đã bỏ mình một cách vô tư cùng khảng khái” (lời cụ Phan). Ông có người con tên là Bùi Danh Trí, đảng viên Cộng sản năm 1930, bị Pháp đày đi biệt xứ.
15. TRẦN HỮU LỰC (1886 – 1916)
(tức Nguyễn Thức Đường, hay Trần Trọng Hữu)
(Hiệu: Càn Kiện)
Quê quán: Làng Đông Chữ (nay là xã Nghi Trường), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ). Là con trai thứ ba cụ Đông Khê Nguyễn Thức Tự, thầy học Phan Bội Châu. Ông không có ý định xuất dương mà ở lại hoạt động cách mạng trong nước, nhưng vì tính khí quá hăng hái dễ gây bạo động sợ bị lộ, ông “bị” cụ Ngư Hải Đặng Thái Thân bắt phải sang Nhật năm 1908, vào học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobin Shoin). Khi bị Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, ông tháp tùng Cường Để đến Thượng hải, sau ông đi Quảng Tây, nhờ quen biết, ông xin nhập tịch làm người Hoa lấy tên là Trần Quý Phương, vào học trường Lục quân Quảng Tây. Tốt nghiệp ra trường ông chuyển qua quân dinh Quảng Đông luyện binh. Chẳng bao lâu ông xin xuất ngũ, tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức “Việt Nam quang phục hội”. Sau ông qua Xiêm xây dựng lực lượng “Việt kiều quang phục quân” từ năm 1914 đến năm 1915 quân số và vũ khí khá đầy đủ nên ông định đem quân về Trung Kỳ làm quộc bạo động. Nhưng rồi chính sách Chính phủ Xiêm thay đổi, ông bị hai tên mật tháp Pháp theo dõi bắt trên một chuyến tàu thủy. Chúng giải ông về Hà Nội giam ở Hỏa Lò, bị kết án tử hình. Ngày 22 tháng 1 năm 1916 (nhằm ngày 18 tháng 12 năm Ất Mão) chúng xử bắn ông ở Bạch Mai (cùng lần với Hoàng Trọng Mậu) hưởng dương 30 tuổi. Mộ chung đã được cải táng, chôn ở Nghi Trung (Nghi Lộc). Ông có làm câu đối tự vãn bằng chữ Hán. Dịch như sau:
“Non sông đã chết, ta há sống thừa, hơn mười năm luyện kiếm mài đao, chí lớn những mong phò Tổ quốc.
Lông cánh chưa thành, bỗng nhiên thất bại, dưới chín suối điều binh khiển tướng, hồn thiêng ngầm giúp thiếu niên quân”
16. PHAN LẠI LƯƠNG (1890 – 1910)
Quê quán: Người phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ)
Năm 18 tuổi, gia đình bắt cưới vợ, vừa được một tháng, ông bèn tìm cách xuất dương sang Nhật năm 1908, đi cùng với Hoàng Trọng Mậu, Nguyễn Thức Đường. Đến nơi, ông được vào học “lớp đặc biệt” trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin), giỏi Hán văn, Nhật văn. Sau khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các du học sinh Việt Nam, ông trốn tránh khổ công lao động để có tiền trả học phí. Bản chất ông là người không được khỏe, lại gặp thời tiết mùa đông quá lạnh ở Nhật, vì vậy ông bị nhiễm bệnh phổi. Bạn bè đưa ông sang Hương Cảng điều trị, nhưng bệnh tình ngày càng nặng, một ngày trong tháng 3 năm 1910 từ trên chiếc tàu thủy của Anh chở ông đi Quảng Đông để điều trị tiếp, ông đã nhảy xuống biển tự tử, được các thủy thủ và bạn bè vớt lên, đến nơi đem vào bệnh viện được một lúc thì tắt thở, hưởng dương 20 tuổi. Sinh thời, có lần cụ Phan khuyên ông về trong nước chữa bệnh. Ông trả lời: “Thà chết ở đất người, chứ không thèm ở lẫn với bọn gà lợn”.
17. HOÀNG TRỌNG MẬU (1874 – 1916)
(tức Nguyễn Đức Công: tục gọi Báu Thụ)
Người làng Cẩm Trường (con cử nhân Nguyễn Đức Tân, nay là xã Nghi Trường), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ), từng học chữ Hán đỗ đầu xứ, ông xuất dương sang Nhật năm 1908, vào học trường “Đông Văn thư viện” (Dobun Shoin) vừa học vừa làm “Ủy viên bộ văn thư” của tổ chức nội bộ du học sinh “Việt Nam Công hiến hội”. Sau khi bị Chính phủ Nhật trục xuất, ông sang Quảng Tây (Trung Quốc) vào học trường Võ bị Lục quân, giỏi về môn xạ kích, có năng khiếu về quân sự. Khi “Việt Nam Quang phục hội” thành lập, ông được cử làm “Ủy viên trưởng quân sự”, cùng với Phan Bội Châu thảo ra sách “Việt Nam Quang phục quân phương lược” Trong tác phẩm “Việt Nam quốc sử khảo” của cụ Phan, ông đã đóng góp phần lời bình với lời văn hay và sắc sảo. Đêm ngày 13 tháng 3 năm 1915, ông cùng với 30 chiến sĩ “Quang phục quân” kéo về biên giới chi viện cho Nguyễn Hải Thần đánh đồng Tà Lùng (Cao Bằng) bị thất bại. Ông chạy sang Long Châu (Quảng Tây) rồi đi Hương Cảng để sang Xiêm, chẳng may bị lộ, chính quyền Anh bắt dẫn độ giao cho Pháp. Thực dân Pháp đem về giam ông ở nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội) tuyên án tử hình, xử bắn ở Bạch Mai ( (Hà Nội) vào ngày 22 tháng 1 năm 1916 (nhằm ngày 18 tháng 12 năm Ất Mão) hưởng dương 42 tuổi. Cùng ra pháp trường và chôn chung một huyệt với ông còn có Trần Hữu Lực (Nguyễn Thức Đường) người cùng huyện. Mộ chung đã được cải táng rước về chôn ở xã Nghi Trung năm 1927. Trước lúc bị xử bắn, ông có làm bài thơ “cảm tác” đáng liệt vào loại thơ hay của thơ văn yêu nước. Trong bài có hai câu kết như một tiếng kêu đầy uất hận. Dịch: “Thôi từ nay hóa làm thân cuốc/ Ngậm máu đi về khóc cõi Nam”. Ngoài ra ông có làm đôi câu đối “Tuyệt mệnh” bằng chữ hán – Dịch như sau:
“Yêu nước tội gì, chỉ có tinh thần còn sống mãi
Ra quân chưa thắng, hãy đem tâm sự gửi người sau”
18. TRẦN ĐÔNG PHONG (1887-1908)
(tục gọi Đồ Mầng hay Mường)
Quê quán: Làng Tiên Kiều, xã Đồng Văn, tổng Đại Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ), còn ông Cửu Xán. Năm 1905, ông từng giúp 200$ làm lộ phí cho cụ Phan xuất dương. Năm 1908 ông hưởng ứng phong trào Đông Du, là con nhà giàu có, ông mang theo 15 nén bạc tăng quỹ du học sinh: đến nơi ông được sắp xếp vào ở “Bính Ngọ hiên”, chờ ngày nhập học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin).
Ngày 31 tháng 5 năm 1908 (ngày mồng 2 tháng 5 năm Mậu Thân) nhằm lúc anh em đi vắng, ông rời khỏi cư xá, bỏ trốn đi thắt cổ tự tử dưới cành cây trước chùa Đông Phong (Tohofi) ở khu Tiểu Thạch Xuyên (Koishikawa) hưởng dương 21 tuổi. Ông để lại bức thư tuyệt mệnh nói lý do, đại ý như sau “Nhà tôi giàu có. Tôi đã nhiều lần viết thư khuyên cha tôi bỏ tiền ra giúp việc nước, mà cha tôi không trả lời. Tôi không thể mang cái lốt con nhà già đi ăn nhờ, thẹn với anh em quá, nên tôi phải tự tử để cha tôi biết chí của tôi và cũng để tạ tội với anh em.
Đám tang ông được bạn bè tổ chức chu đáo, có sự tham gia một số quan chức người Nhật. Mộ ông để ở nghĩa trang Tokyo, mộ chí bằng đá khắc dòng chữ Hán: “Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ” hiện vẫn còn. Năm 2003 ông Phan Thiệu Cơ (cháu nội cụ Phan) sang Nhật có đến viếng mộ chí sĩ Trần Đông Phong thấy “trên mồ còn chất nhiều hoa, nhiều bông còn tươi…” … “rõ ràng hương hồn liệt sĩ đã có nhiều người đến thăm viếng, âm thầm chăm sóc, vì nỗi thương cảm người chiến sĩ Đông Du”.
Ghi chú: Ở quê nhà ông đã có vợ. Năm 1939 bà vợ qua đời. Cụ Phan Bội Châu có làm bài văn tế bà Trần Đông Phong, trong đó có câu… “Ngàn thu hương hỏa mãi quê người/Chữ chí sĩ Việt Nam, đá Nhật Bản còn bia trước mộ/Than ôi! Người tốt như ông, vợ hiền mới xứng/Quả bà Trần Đông Phong thi lễ nếp sành/Sắt son dạ cứng chống mình ngoài muôn dặm…(xem toàn văn ở phần phụ lục).
19.ĐẶNG NGỌ SINH (1870-1913)
(tức Đặng Thúc Hứa)
Quên quán: Người làng Lương Điền (nay là xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ), là em ruột cụ Đặng Nguyên Cần. Ông đỗ tú tài Hán học, thường gọi là Tú Hứa, từng xuất dương qua Nhật, rồi sang Xiêm. Năm 1909, ông được cụ Phan cử sang Nhật cùng với Đặng Tử Mẫn mua súng, chở lén về Hương Cảng thuê nhà cất giấu. Xong ông trở lại Xiêm cùng với cụ Phan đi Singapo hỏi thuê cách thức chở vũ khí về trong nước, chẳng may bị chính quyền Hương Cảng phát giác, súng bị tịch thu. Việc bất thành, ông quay lại Xiêm tham gia xây dựng trại Cày Bản Thầm (thuộc tỉnh Phi Chịt) là chủ nhiệm báo “Đồng Thanh” sau đổi là báo “Thân Ái” (theo ý kiến của Thầu Chín – Bác Hồ). Ông có nhiều công lao đóng góp đào tạo cán bộ cách mạng của ta trên đất Xiêm, vận động tuyên truyền khối đại đoàn kết trong kiều bào, tổ chức “Hội Thân ái”, “Hội hợp tác”v.v… Năm 1930, ông tham gia “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Năm 1931 ông lâm bệnh qua đời tại Oudone, hưởng thọ 61 tuổi, để lại di chúc cho các đồng chí của mình 4 chữ “đi cho trọn đời” trước khi nhắm mắt xuôi tay về cõi vĩnh hằng.
20. HOÀNG LỢI TÂN
Quê quán: Nghệ An (Trung kỳ)
Ông xuất dương trong phong trào Đông Du năm 1907, học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin). Sau khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, ông còn nấn ná ở lại Tokyo hơn một năm trời và tự lao động kiếm sống. Khi Cường Để rời khỏi Nhật vào khoảng cuối tháng 10 năm 1909, ông đã tiến đưa đến tận Shimonoseki. Về sau do cảnh sát Nhật thúc bách ráo riết, ông rời khỏi Tokyo, sang Xiêm tham gia sản xuất ở trại Cày Bản Thầm (thuộc tỉnh Phi Chịt) vừa tuyên truyền vận động đồng bào Việt Kiều tham gia “Hội Thân ái”, “Hội Hợp tác”. Ghi chú: Có tài liệu ghi ông quê ở Hà Tĩnh. Tên ông hiện có trong hồ sơ lưu trữ của Pháp do GS Nguyễn Phan Quang sưu tầm và giới thiệu. Hành trạng của ông về sau chưa rõ?
21. LÊ KIM THANH
(hay Lê Thanh)
Quê quán: Xã Đoài, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ). Ông theo đạo Kitô giáo, từng học Đại chủng viện, được lên chức “thầy” (một danh từ gọi những người được vào học Đại chủng viện). Xuất dương năm 1908, sang Nhật trong phong trào Đông Du, do cụ Mai Lão Bạng dẫn đường. Đến nơi được vào ở “Bính Ngọ hiên”, học trường “Đông Văn thư viện” (Dobun Shoin)
Sau khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, ông về nước hoạt động bí mật, làm liên lạc đưa tin tức trong và ngoài nước. Năm 1910, chính ông đã báo tin cho Lưu Song Tử và các đồng chí khác biết tin Ngư Hải Đặng Thái Thân tự sát; Lê Khánh bị Pháp bắn chết khi ông đến giải vây cho Ngư Hải tiên sinh…
Về sau ông bị lộ, thực dân Pháp và bè lũ tay sai bắt giam ông ở nhà lao Vinh. Từ đó về sau chưa rõ chúng đày ông đi biệt xứ nơi nào?
21. LÊ QUÝ THUẬN
Quê quán: Huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ)
Ông hưởng ứng phong trào Đông Du xuất dương sang Nhật năm 1908, cùng lần với Lê Cầu Tinh. Ông sang Nhật vào học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin). Khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các du học sinh Việt Nam, ông cùng Lê Cầu Tinh sang Hương Cảng rồi qua Xiêm tham gia lao động sản xuất ở trại Cày Bản Thầm (thuộc tỉnh Phi Chịt). Năm 1912, người bạn ông là Lê Cầu Tinh bị ốm, mất ở Xiêm, ông bèn về lại trong nước. Hiện chưa rõ hành trạng của ông về sau.
Ghi chú: Tên ông có trong hồ sơ của mật thám Pháp, do GS Nguyễn Phan Quang sưu tầm, cung cấp.
22. PHAN DUẬT (? – 1914)
Quê quán: Xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ). Hưởng ứng phong trào Đông Du xuất dương Nhật năm 1908. Được bố trí vào ở cư xá “Bính Ngọ hiên” đi học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin).
Đang học dở dang thì có lệnh trục xuất của Chính phủ Nhật Bản, ông sang Trung Quốc, sau đó có cụ Phan Bội Châu cử ông đi Xiêm hoạt động cách mạng trong cộng đồng Việt Kiều yêu nước tại các tỉnh Oudone, SaCôn, Noọng Khai… Năm 1914 ông lâm bệnh qua đời trên đất Xiêm.
Ghi chú: Tên ông do Trần Hữu Đức và Phan Xuân Thành hai nhà nghiên cứu Sử học ở Nghệ An sưu tầm, cung cấp.
23.LÊ CẦU TINH (1884-?)
Người xã Thịnh Trường (nay là xã Nghi Thịnh) huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông hưởng ứng phong trào Đông Du xuất dương sang Nhật năm 1908 (đi cùng lần với Nguyễn Thức Đường, Hoàng Trọng Mậu) người lanh lợi và khéo tay, học đường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin). Khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, ông sang Hương Cảng chuyên tâm học ngành cơ khí. Ông đã dựa vào mẫu súng của Nhật chế thành súng dài “kép năm” (một lần lắp bắn được 5 viên) so với súng thời Minh Trị Thiên Hoàng năm thứ 30 thì không kém. Về sau ông theo cụ Phan sang Xiêm tham gia lao động sản xuất ở trại Cày Bản Thầm (tỉnh Phi Chịt) và hoạt động cách mạng trong cộng đồng người Việt yêu nước. Năm 1912, rủi thay, ông bị đau ở xương ống chân (nghi bị lao xương) chữa mãi không khỏi, đồng thời lại có bệnh dịch hoành hành. Biết mình khó sống, ông viết di chúc từ biệt đồng chí, bạn bè… nhưng viết mãi không ra nét chữ, ông vất bút, nằm vật xuống giường rồi tắt thở, hưởng dương 28 tuổi.
24. PHẠM VĂN TĨNH (1875 -?)
(tức Phạm Tĩnh hay Phạm Văn Tinh)
(hiệu: Mai Hoa)
Quê quán: Làng Mỹ Chiêm, tổng Đặng Xá (nay là xã Nghi Khánh) huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ)
Ông hưởng ứng phong trào Đông Du xuất dương sang Nhật năm 1906, từng đỗ cử nhân Hán học, là học trò của cụ Phan. Đến nơi, ông học xong tiếng Nhật ở “lớp đặc biệt” tại trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin), đồng thời vừa giúp cụ Phan trông coi quản lý cư xá “Bính Ngọ hiên”. Ông là người lớn tuổi nhất trong số du học sinh. Sau khi Chính phủ ra lệnh trục xuất, ông trở về trong nước, thì bị dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Về sau, khi được trả tự do, ông qua Xiêm tham gia hoạt động cách mạng trong cộng đồng Việt Kiều yêu nước, xây dựng “Hội Thân ái”, “Hội Hợp tác”… mở trường lớp dạy chữ Xiêm và chữ Quốc ngữ. Lúc ở Xiêm, ông được tin người cha qua đời; ông làm câu đối khóc cha:
Dịch: “Trời nếu để cha sống nữa vài năm, Đông Á, Tây Âu chiến cuộc biết đâu không giấc mộng/Đất không bắt con chết nơi vạn dặm, thành Nam, hạt Bắc, giang sơn rơi lệ hưởng quê nhà” (Nguyễn Đình Chú dịch).
Ghi chú: Tên ông là Phạm Tĩnh (hay Phạm Văn Tĩnh) nhưng khi ghi tên theo lời cung khai của Nguyễn Hải Thần, người Pháp không biết cách đánh dấu “ngã”. Do đó trong hồ sơ mật thám Pháp ghi là “Tinh”, tư liệu do GS Shiraishi Maysaya sưu tầm, cung cấp.
25. ĐINH VĂN TRÌNH
(tục gọi Bếp Mười)
Quê quán: Xã Thanh Thủy (nay là xã Nam Thành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (Trunh kỳ)
Ông hưởng ứng phong trào Đông Du xuất dương sang Nhật năm 1905 – 1906, được sắp xếp vào học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin), ngoài ra ông còn được cụ Phan giao nhiệm vụ giám thị trong cư xứ “Bính Ngọ hiên”.
Khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, ông theo cụ Phan sang Xiêm, cùng hoạt động với Bùi Xuân Xoan trong cộng đồng Việt Kiều yêu nước. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, ông trở về quê với một tên khác, mở lớp dạy võ cho thanh niên. Về già ông qua đời tại quê nhà.
Ghi chú: Tên ông do nhà nghiên cứu Sử học Tần Hữu Đức ở Nghệ An sưu tầm, cùng cấp.
26. LƯU SONG TỬ (? – 1913)
Quê quán: Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ)
Ông theo đạo Kitô giáo, từng học ở trường Chủng viện, làm “thầy giảng” (là cháu gọi ông Trần Văn Bỉnh bằng cậu); hưởng ứng phong trào Đông Du, ông theo cụ Mai Lão Bạng sang Nhật năm 1908, vào học tại trường Trung học Thành Thành (Seijo).
Sau khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất du học sinh Việt Nam, ông đi Hương Cảng rồi Quảng Đông (Trung Quốc) xin học trường sĩ quan Lục quân. Năm 1913, nhân có dịp tốt, ông liền đưa quân “Việt Nam quang phục” đánh vào đồn Pháp vùng biên giới Lạng Sơn, bị thất bại, ông hy sinh giữa trận tiền.
Sách “Việt Nam nghĩa liệt sử” có trích đoạn hồi ký của ông kể về Lê Khánh, bạn thân, cùng làm thầy giảng thuộc Tòa Giám mục, cùng tham gia cách mạng và tỏ lòng thương tiếc Lê Khánh đã hy sinh khi đánh giải vậy cho Ngư Hải tiên sinh năm 1910 (tức Đặng Thái Thân) với 3 bài thơ thương tiếc Hiếu Tôn (Lê Khánh) của ông.
Ở bài thứ nhất được dịch như sau: Bốn bể muôn cồn song/ Ngàn non một chim nhàn/Nhớ anh chẳng được thấy/Nhìn Nam tiếng khóc than.
(Nguyên văn: Tứ hải vạn đào dũng/Thiên sơn nhất nhạn chinh/Tư quân độc bất kiến/Nam vọng khốc thôn thanh.)
27. LÊ TƯƠNG
Quê quán: Xã Xuân Hồ (nay là xã Xuân Hòa) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ), ông là em ruột ông Lê Duật. Hai anh em xuất dương sang Nhật “cầu học” năm 1907. Đến Tokyo ông được sắp xếp vào ở “Bính Ngọ hiên”, học “lớp đặc biệt” ở trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin). Sau khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các du học sinh, ông theo cụ Phan sang Xiêm cùng tham gia xây dựng và lao động ở trại Cày Bản Thầm. Ban ngày ông lao động sản xuất, ban đêm ông dạy bà còn Việt kiều học chữ Quốc ngữ. Khi Thầu Chín (Bác Hồ) chủ trương vận động mọi người học chữ Xiêm, ông là người tự học rất tiến bộ. Từ đó ông được cử làm giáo viên dạy trẻ em Việt kiều học chữ Xiêm theo chương trình của Nhà nước sở tại. Hành trạng của ông sau năm 1930 hiện chưa rõ.
Ghi chú: (Tên ông do nhà nghiên cứu Sử học Trần Hữu Đức ở Nghệ An sưu tầm và cung cấp).
28. BÙI DANH VÕ (?-1926)
(tức Bùi Trọng Thành)
Quê quán: làng Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ).
Ông hưởng ứng phong trào Đông Du xuất dương sang Nhật năm 1908, học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin). Khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các du học sinh Việt Nam, ông đi theo cụ Phan sang Xiêm, vượt sông Mê Công sang Lào rồi về lại trong nước thì bị thực dân Pháp bắt giam. Không có chứng cứ để lập hồ sơ thành án, nên ông được trả tự do. Về làng ông mở lớp dạy học cho các em thiếu niên. Năm 1926 ông lâm bệnh qua đời. Cháu nội ông là Bùi Danh Dật từng tham gia tự vệ đỏ thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 rất tích cực.
Ghi chú: Tên ông do TS Phan Xuân Thành ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh sưu tầm, cung cấp.
29. ĐẶNG TỬ VÕ
(tức Đặng Thái Chang, hay Đặng Thái Chương)
Quê quan: Làng Hải Côn, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ)
Ông hưởng ứng phong trào Đông Du xuất dương sang Nhật năm 1908, học đường “Đông Văn thư viện” (Dobun Shoin). Sau khi Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, ông nấn ná ở lại Tokyo mất tháng rồi đi qua Quảng Đông (Trung Quốc). Có lần, ông tự nguyện xin cụ Phan về lại trong nước, mang theo 4 quả tạc đạn để ám sát một tên phản bội ở miền Trung, nhằm cảnh cáo những kẻ khác và cũng là để gây một tiếng vang cho đảng cách mạng, tiếc thay sự việc không thành, ông trốn sang Hương Cảng, rồi sang Xiêm thì bị lộ. Thực dân Pháp bắt giam vào nhà lao Vinh. Biết thế nào kẻ thù cũng giết mình, ông làm hai câu tự vẫn:
“Đỉnh chung vất lại cho ai cả
Bảo kiếm mang theo giả nợ đợi”
Ông còn lưu lại bức ảnh chụp chung 12 người là cựu học sinh Việt Nam ở Nhật, từ phải sang ông đứng thứ ba cạnh Hoàng Trọng Mậu (bên tay phải) và Nguyễn Quỳnh Lâm (bên trái) (xem phần ảnh tư liệu). Ảnh này do GS Chương Thâu sưu tầm trong hồ sơ mật thám Pháp năm 1999.
Ghi chú: Hồ sơ số tù ở nhà lao Vinh của ông: 7690/C2
30. BÙI XUÂN XOAN (?-1922)
(hay Bùi Xuân Hoan)
Người xã Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (Trung kỳ).
Ông xuất dương sang Nhật trong phong trào Đông Du năm 1908, qua đường Hương Cảng, đến Hoành Tân (Yokohama) rồi đi Tokyo; đến nơi vào ở “Bính Ngọ hiên”, học trường “Đồng Văn thư viện” (Dobun Shoin). Khi Chính phủ Nhật trục xuất, ông sang Xiêm tham gia trại Cày Bản Thầm (tỉnh Phi Chịt) một cơ sở sản xuất để sinh sống và hoạt động cách mạng ở hải ngoại, đồng thời vận động tuyên truyền Việt kiều vào “Hội Thân ái” và “Hội Hợp tác”, học chữ Xiêm và chữ Quốc ngữ trong cộng đồng người Việt ở các tỉnh… Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông đổi tên về quê nhà, tổ chức dạy thanh thiếu niên trong vùng học võ thuật, Năm 1922 ông lâm bệnh qua đời.
Ghi chú: Tư liệu do Trần Hữu Đức và Phạm Xuân Thành, hai nhà nghiên cứu sử học ở Nghệ An sưu tầm và cung cấp
http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/phong-trao-dong-du
Tôi được tiếp kiến bác Nguyễn Thúc Chuyên từ những năm cuối của thế kỷ XX khi bác đến đọc sách tại Thư viện tỉnh Nghệ An. Tôi kính mến và rất nể phục bác ở chỗ, bác luôn tỏ là người rất khiêm tốn, dung dị, hòa nhã, cầu thị. Hàng năm, bác cất công từ Huế về Nam Xuân, Nam Anh thăm họ tộc, thắp hương cho tiên tổ, rồi ra chăm sóc mồ mả các cụ thân sinh, thân mẫu và các thân nhân, ôn lại những kỷ niệm nơi "Chôn nhau cắt rốn" của mình. Bác là em trai Nhà giáo Nguyễn Thúc Hào, con cụ Phó bảng, Thượng thư Nguyễn Thúc Dinh. Thân mẫu của bác vốn là con nhà trâm anh, dòng hoàng tộc triều Nguyễn.
Bác rất tâm đắc với vốn tài liệu địa chí địa phương, nhất là các tài liệu liên quan đến các nhân vật nổi tiếng của xứ Nghệ. Đặc biệt đối với nhà văn hóa lớn, chí sĩ Phan Bội Châu, bác Chuyên rất khâm phục và dẫn dắt tôi đến với lòng yêu nhân vật này. Có lần bác đưa tôi đi thăm mộ ông nội của bác là Cử nhân Nguyễn Thúc Kiều ở trên núi Đại Huệ và đọc cho tôi nghe bài văn bia chữ Hán do Phan Bội Châu viết gửi cho con cháu để khắc đá, dựng tại mộ thầy, rồi dịch lời minh rằng:
Chỉ phác mới quý,
Chỉ lan thơm xa
Đời không Bá Di
Thánh thanh đâu ra?
Hùng Sơn Lam thủy,
Chung đúc tinh hoa.
Vẹn toàn cao khiết,
Chính tiên sinh ta.
Cụ Cử Kiều chính là thầy dạy học cho Phan Bội Châu và được cụ Phan ca ngợi hết lời như trong bài văn bia này. Cụ Phan lại là đồng liêu, đồng môn với Nguyễn Thúc Dinh, con trai cụ Nguyễn Thức Kiều. Tình bạn của hai cụ rất uyên thâm, đến mức khi cụ Phan bị đưa đi quản thúc ở Huế đã phó thác cho cụ Dinh lưu giữ bản "Phan Bội Châu niên biểu" của mình. Bác Chuyên cũng đọc cho tôi nghe đôi câu đối cụ Thượng Dinh làm khóc Phan Bội Châu khi mất rằng:
Nhiệt huyết nhất xoang sái hà địa;
Cao danh thiên cổ trọng ư sơn.
Tôi kịp đưa in vào sách "Câu đối xứ Nghệ" và xin tạm dịch như sau:
Một bầu nhiệt huyết lay động trời đất;
Muôn thưở nêu tên sừng sững núi cao.
Tôi đã hết lòng cung cấp tài liệu về phong trào Đông Du cho bác Chuyên để bác hoàn thành các bài viết về Phan Bội Châu và đặc biệt là công trình "157 nhân vật trong phong trào Đông Du". Bác Chuyên cũng đã kịp hoàn thành cuốn gia phả dòng họ theo thể ký: Nguyễn Thúc gia đình ký (Tiểu chi họ Nguyễn Thúc ấn hành.- Huế, 2005; 320 trang). Bác rất mừng, vội từ Huế về Nghệ An để báo cáo với dòng họ, các tiên tổ để tri ân với quê hương, những thân nhân nơi chín suối đã linh thiêng phù hộ cho mình hoàn thành công trình này. Tôi đã được bác lưu bút ở trang tên sách như sau: "Thân tặng anh Đào Tam Tỉnh - tháng 10 - 2005, [ký tên] Nguyễn Thúc Chuyên". Bác đã quá ưu ái với tôi vì sách chỉ in được 32 bản, chưa đủ phân phát cho gia đình, dòng họ. Thật tội cho bác, vì phải đôn đáo chạy đi chạy lại Huế - Nghệ An để lấy tư liệu và tự biên soạn sách, trong khi phu nhân ở Huế đang đang đau ốm, tiền lương hưu ít ỏi không đủ tiêu dùng, nhà cửa thì còn tạm gác gỗ, lợp ngói... và chỉ đủ tiền để in 32 bản sách. Cuối sách ghi: "Mùa xuân năm 1997 (Viết phần I và II). Hè - Thu năm 2001 (Viết phần III, IV, V). Xuân - Hạ 2005 (Chỉnh lý in láser). Người soạn: Nguyễn Thúc Chuyên".
Bác Chuyên ơi! Năm trước bác về quê, ở tuổi 80, bác còn đạp xe đạp đến Thư viện tỉnh Nghệ An, còn hăng say luận bàn về sách vở, thời cuộc, thế mà nay không còn được gặp bác nữa! Cháu thật ân hận chưa được tiếp đãi bác một bữa cho ra hồn, ngoài bát nước chè chát và mấy củ khoai nướng nóng mua ở vỉa hè. Bác có vẻ thích thú vừa đọc sách vừa thổi phù súyt soa: "Khoai nướng quê choa ngon thật". Bác Chuyên ơi! Lần giở lại những bức thư, những lưu bút trong sách của bác, như còn thấy hiển hiện một cụ đồ xứ Nghệ gầy gộc, nhỏ thó, mà tâm huyết thì tràn trề.
http://vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/ky-niem-ve-bac-nguyen-thuc-chuyen
http://vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/nguoi-ra-di-nghia-tinh-o-lai
Thế là Tiên sinh đã ra đi! Nhận được điện thoại của người em:”Cậu Nguyễn Thúc Chuyên đã mất hồi sáng nay (7/11/2012) anh ạ”,Tôi thẩn thờ, thảng thốt không nói nên lời. Dù không là ruột thịt,dù Tiên sinh hơn tôi mười bảy tuổi nhưng từ lâu chúng tôi đã gắn bó với nhau như những kẻ tri âm ,tri kỷ.
Tiên sinh Nguyễn Thúc Chuyên (người đứng bên trái ảnh)
và Nguyễn Thế Quang
Quê Tiên sinh ở Nam Xuân,Nam Đàn,quê tôi ở Thanh Tường,Thanh chương cùng vùng “nước biếc non xanh” Xứ Nghệ. Trải qua những biến động của lịch sử chúng tôi sống ở những vùng đất xa nhau. Mãi đến năm 1992 nhờ ân đức của các bậc tiền nhân chúng tôi mới gặp nhau.Hồi ấy,tôi mang bài văn bia “Đồng Dinh Vĩnh am Nguyễn tiên sinh bi” viết về ông nội tôi: cử nhân khoa Mậu Dần (1878) Nguyễn Thế Cát do Ngài Thượng thư trí sự Phó bảng Mai Khê Nguyễn Thúc Dinh –thân phụ của tiên sinh soạn, ra Hà Nội đưa tới tận tay Giáo sư Nguyễn Thúc Hào (Con cả của cụ Thượng).Giáo sư cầm đọc,rất xúc động nói: Tài sản của Thầy tôi chỉ còn lại chừng này! Là người đã trải qua những cảnh dâu bể,bể dâu tôi rất cảm thông điều đó. Thế nhưng,tất cả những gì đáng quý của gia đình Giáo sư không mất. Tiên sinh Nguyễn Thúc Chuyên –người con thứ năm của cụ Thượng đã làm được điều đó. Suốt gần chục năm trời (1997-2005) đã cất công đến những nơi mà gia đình đã từng sống, gặp gỡ những người thân, những người quen biết, đến những thư viện để tìm hiểu, ghi lại những sự việc, những kỷ niệm, những bài viết về gia đình mình. Tôi đã sớm được đọc những trang bản thảo ngắn gọn, chân thực, sinh động ấy. Giờ đây cầm trên tay hai cuốn sách “Nguyễn Thúc gia đình ký “ và “Văn thơ về dòng họ Nguyễn Thúc,” chăm chú đọc từng trang viết về gia tộc của tiên sinh từ Tổ phụ cử nhân Nguyễn Thúc Kiều đến con cháu hôm nay, tôi kính cẩn cúi đầu trước vẻ đẹp trong sáng , cao cả của một gia đình khoa bảng suốt hai trăm năm trải qua bao giông bão mà vẫn vẹn nguyên một tấm lòng yêu nước thương dân. Qua từng dòng chữ tôi cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo chí nghĩa, chí tình của người viết - Tiên sinh Nguyễn Thúc Chuyên. Tôi miên man nghĩ đến trên đất nước này có biết bao nhiêu gia đình lớn, bao nhiêu người có học vấn, có tài năng, có điều kiện đã mấy ai nghĩ được điều đó, cách làm đó và làm được điều đó.
Không chỉ viết về gia tộc mình, Tiên sinh đã bỏ ra nhiều công sức và tâm huyết lặn lội đến nhiều nơi, gạt bỏ đám bụi dày của thời gian tìm từ trong quên lãng những vẻ đẹp của Văn hóa, của những con người sống vì nghĩa lớn của dân tộc. Bàn chân nhỏ nhắn ,dẻo dai của Tiên sinh đã đến bao thành phố, bao làng quê, đến từng nhà, đến các thư viện tìm bao tư liệu quý đẻ viết nên cuốn”157 nhân vật xuất dương trong phong trào Đông du’(Nhà xuất bản Nghệ An 2007). Tôi còn nhớ những ngày Đông giá lạnh Tiên sinh cùng tôi về Thanh Chương gặp những bà con, những cụ già tìm hiểu về liệt sĩ Trần Đông Phong và những chiến sĩ ưu tú khác để đưa vào cuốn sách. Với khát vọng tìm cho ra sự thật của Lịch sử, tiên sinh đã bao tâm huyết đi tìm tư liệu làm sống lại bao vẻ đẹp đã phôi pha, chứng minh được sự thật về những con người mà thời gian và định kiến làm cho biến dạng, khôi phục danh dự cho những người đã khuất. Có lần ,đêm đã khuya,Tiên sinh vẫn gọi điện cho tôi báo tin đã tìm được tài liệu quý về cụ Phan Anh, về gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Huế.
Lặng lẽ đi, lặng lẽ tìm, lặng lẽ nghĩ suy, lặng lẽ viết…Tiên sinh đã khôi phục được bao vẻ Đẹp của gia tộc, của bao anh hùng liệt sĩ, bao chí sĩ. Có lần tôi vui hỏi Tiên sinh vì sao làm được nhiều điều như vậy. Tiên sinh trìu mến nhìn tôi “Đó là Nghĩa lớn của Đời mà mình phải trả anh Quang ạ!”
Cả cuộc đời của Tiên sinh sồng trọn vì chữ Nghĩa. Đối với mọi người xung quanh từ bà con thân thích cho đến những người quen biết không kể tuổi tác, thân phận, gia cảnh bao giờ Tiên sinh cũng sống giản dị, chân thành. Biết tôi đang viết về Cụ Nguyễn Tiên Điền, mỗi lần tôi vào Huế, trên hai chiếc xe đạp tàng, Tiên sinh đưa tôi đến gặp nhà Huế học Phan Thuận An, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà văn Nguyễn Khắc Phê.. Quên sao được buổi chiều hè Tiên sinh và nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng đưa tôi qua chiếc cầu nhỏ đến vùng đồi Bàu Đá, đứng trên chỗ ngày xưa Đại thi hào Nguyễn Du yên nghỉ, nghe trong gió ngàn dội về bao nỗi tang thương kim cổ mà lòng càng thấm thía tấm lòng chí tình của Tiên sinh dành cho mình. Viết về Triều Nguyễn tôi có bao điều cần biết mà chưa biết, Tiên sinh là kho tri thức mà tôi nhờ cậy. Có những ý mà tôi nghĩ suy chưa được, tôi phải hỏi ý Tiên sinh, bao giờ tôi cũng được chỉ bày cặn kẽ . Có những điều chưa rõ,Tiên sinh đã bỏ nhiều công sức tìm tòi rồi gửi ra cho tôi.Trong những trang viết thành công của tôi có phần trí tuệ, tâm huyết và nghĩa tình của Tiên sinh.
Giờ Tiên sinh đã đi vào cõi khác, tôi mất một người Thầy để được học hỏi, mất một người Anh để được bảo ban, mất một người Bạn lớn để chia sẽ. Thế nhưng Người “đi” mà những trang viết mãi còn, Tiên sinh Nguyễn Thúc Chuyên vẫn mãi vẹn nguyên đằm thắm hai chữ NGHĨA TÌNH.
Vinh –những ngày buồn thương nhớ 10/11/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.