QĐND Hiện ở 47/202 Đồng Khởi, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh có một người “đặc biệt”. Đặc biệt, vì ông là con nhà dòng dõi sớm từ bỏ vinh hoa, phú quý thực sự dấn thân vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, có nhiều chiến công vẻ vang. Thời bình, lại lặng lẽ về với đời thường, không đòi hỏi một đãi ngộ gì. Ông là Nguyễn Phước Hoàng, năm nay tròn 90 tuổi.
“Cậu ấm” dấn thân
Ông có tên khai sinh là Tôn Thất Hoàng. Đến ngày chuyển ngành về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (3-1959) lấy tên mới: Nguyễn Phước Hoàng, đúng với họ của hậu duệ triều Nguyễn. Ông là cháu đời thứ bảy của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), ông tổ của “Hệ 7 tiền biên” nhà Nguyễn. Cha là Tôn Thất Quảng được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Lễ nghi, kiêm Bộ Công, nghỉ hưu năm 1942.
Chiến sĩ Điện Biên Phủ Nguyễn Phước Hoàng.
Lúc nhỏ ông có khiếu về môn toán, đỗ tú tài toán năm 1941, học tiếp Cao đẳng Khoa học khóa một (1941-1945). Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, ông cùng các bạn bè sắp tốt nghiệp lúc đó vào trường Thanh niên tiền tuyến Huế do hai nhà trí thức nổi tiếng là Phan Anh và Tạ Quang Bửu sáng lập. Học về quân sự được vẻn vẹn một tháng rưỡi, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám nổ ra, thế là “cậu ấm” Hoàng không do dự dấn thân vào dòng thác cách mạng. Trường Thanh niên tiền tuyến Huế được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh giao thành lập Giải phóng quân Thuận Hóa. Ủy ban chấp hành Giải phóng quân ra đời, do Phan Hàm (sau là Thiếu tướng, Cục trưởng) làm trưởng, Cao Văn Khánh (sau là Trung tướng, Phó tổng tham mưu trưởng) làm phó và Tôn Thất Hoàng làm thư ký, giữ con dấu của ủy ban.
Ngày 23-10-1945, ông tham gia Chi đội Giải phóng quân Nam tiến chi viện cho mặt trận Nha Trang, cùng với những bạn học sau này đều là chỉ huy cao cấp của quân đội ta như: Nguyễn Thế Lâm, Lâm Quang Minh, Vũ Quang Hồ, Phan Nhĩ… Ban đầu, ông là trợ lý tác chiến cho chỉ huy phó mặt trận Hà Văn Lâu, ít lâu sau được giao thêm nhiệm vụ chỉ huy căn cứ địa Đồng Trăn. Mặt trận giữ vững hơn 3 tháng, được Bác Hồ và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi: “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân quân Pháp trong 101 ngày đêm”. Chi đội Bắc Bắc do Lư Giang chỉ huy vào thay thế bộ đội chiến đấu, đơn vị chuyển ra đánh du kích ở vùng Láng Nhớt, Bồng Sơn. Sau đó ông được trên cử đi học trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1. Cuối năm 1946, ông được lệnh điều về Cục Quân giới. Tại “Thủ đô tản cư” của chính phủ kháng chiến là Ứng Hòa (Hà Đông cũ), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa, ông gặp lại những bạn học cùng lớp Cao đẳng khoa học như Hoàng Đình Phu, Phạm Đồng Điện, Ngô Điền, Lê Khắc, Phạm Duy Khương… Bắt đầu một công việc mới là nghiên cứu chế tạo vũ khí.
Từ Ba-dô-ca đến SKZ
Ba-dô-ca là một loại tên lửa nhỏ, ở đầu đạn lắp thuốc nổ lõm, do nó giống một loại nhạc cụ Mỹ tên là “Bazooka”, nên được dùng làm bí danh cho loại súng chống tăng lợi hại này. Việc thử nghiệm Ba-dô-ca bắt đầu từ trước khi Bác Hồ sang Pháp đưa kỹ sư Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ) về. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã giao cho ông Hoàng Phúc, phụ trách quân giới Thái Nguyên chế thử theo mẫu đạn Mỹ từ tháng 5-1946, nhưng không đạt kết quả. Trong hồi ký chưa xuất bản của tác giả Nguyễn Phước Hoàng có đoạn miêu tả sinh động về việc nghiên cứu loại súng chống tăng này: “… Anh Nghĩa ngày đêm với cây thước tính trong tay tính toán độ cháy của các liều phóng, đốt thử các loại thuốc “năm cha ba mẹ” mà ta vét được từ các kho vũ khí của Pháp, Nhật. Phải tính lại tốc độ cháy, rồi thay đổi kích thước của lỗ phụt khí. Các loại thuốc nổ khác nhau sẽ rất ảnh hưởng đến độ chính xác bắn trúng mục tiêu, nên đành phải khắc phục bằng cách bắn gần, nguy hiểm cho người bắn, súng của địch bắn ở cự ly 200-300m, thì của ta có 20-30m. Anh Nghĩa làm việc trong một căn buồng thật… đáng sợ. Buồng có khoảng 10m2, kê một cái giường sắt cá nhân, một cái bàn, hai cái ghế. Dưới gầm giường nhét toàn bao tải thuốc nổ mê-li-nít và TNT, còn gầm bàn thì có thuốc nổ con bài, thùng thuốc đen để nhồi mồi cháy, lính quân giới gọi là a-mooc. Anh lại hay hút thuốc lá khi làm việc, nói dại, chỉ một tàn lửa bén vào thì… Chúng tôi cứ rờn rợn khi vào phụ việc cho anh Nghĩa. Nhưng được cái anh vẫn rất cẩn trọng mỗi khi hút thuốc và thường động viên chúng tôi, hay kể những chuyện vui khi còn làm cho hãng chế tạo máy bay Méc-xe-mít (Messerschmidt) nổi tiếng của Đức. Những lúc ấy, tiếng cười của anh sảng khoái vang xa không thể lẫn được. Chúng tôi còn cho in một tập sách nhỏ hướng dẫn cách sử dụng súng cho bộ đội. Tình hình rất khẩn trương, có tin Pháp sắp chọc thủng mặt trận Cầu Mới-Hà Đông tấn công lên nơi chính phủ kháng chiến vừa sơ tán. Nửa đêm ngày 1-3-1947, ông Phan Mỹ mang chỉ thị từ Bộ Quốc phòng đến gặp kỹ sư Trần Đại Nghĩa, cần đưa ngay khẩu Ba-dô-ca cho bộ đội anh Vương Thừa Vũ để chặn đường tiến công của địch. Dưới ánh đèn dầu, anh Nghĩa cùng chúng tôi nhồi, lắp đạn, kiểm tra súng. 3 giờ sáng ngày hôm sau, 10 quả đạn Ba-dô-ca cùng một viên đạn khói được xếp vào hai hòm gỗ kèm theo một khẩu súng được tôi cùng hai cảnh vệ mang đi Quốc Oai. Đến nơi, ngay trong đêm anh Vũ giao tôi trực tiếp huấn luyện một tiểu đội cảnh vệ cách sử dụng vũ khí mới. Tờ mờ sáng ngày 3-3-1947, đúng như dự đoán, quân Pháp có xe tăng dẫn đầu từ Hà Đông, tiến theo đê sông Nhuệ đánh thẳng vào nơi chính phủ ta sơ tán ở Quốc Oai. Tiểu đội cảnh vệ do anh Khổng chỉ huy, đã phục sẵn ở triền đê, dùng Ba-dô-ca bắn cháy ngay chiếc xe tăng đi đầu, bắn bị thương chiếc đi sau. Hoảng vì thấy “rồng lửa” đột ngột xuất trận, cả đội quân Pháp rút chạy. Chính phủ được bảo vệ an toàn, sau đó tiếp tục sơ tán lên chiến khu Việt Bắc”.
Họp mặt bạn chiến đấu nhân kỷ niệm 43 năm Mặt trận Nha Trang (ông Nguyễn Phước Hoàng đứng hàng sau, thứ nhất, từ trái sang).
Giữa tháng 3-1947, Nha Nghiên cứu kỹ thuật cùng Cục Quân giới chuyển lên Tuyên Quang. Ở đây trong các năm tiếp theo, dưới sự chỉ đạo của Kỹ sư Trần Đại Nghĩa, những trí thức trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết trong đó có ông Nguyễn Phước Hoàng còn nghiên cứu cải tiến và chế tạo được nhiều loại vũ khí mới trên cơ sở những vũ khí thu được của địch như: mìn lõm ba càng loại lớn, mìn cóc, mìn cháy hẹn giờ, lựu đạn AT, súng cối 120 cải tiến, đặc biệt là loại vũ khí có sức công phá mạnh không kém Ba-dô-ca là các loại súng không giật SKZ 60, SKZ 81, SKZ 120. Trong trận Phố Ràng năm 1949, ta dùng SKZ 60 diệt nhanh gọn lô cốt chính của giặc, khi vừa làm chủ trận địa, các chiến sĩ hô vang: “Quân giới Việt Nam muôn năm!”. Bộ đội Quân khu 5 nhắn ra Việt Bắc, rất hoan nghênh SKZ 60 và 120, với những công sự hầm ngầm kiên cố pháo không xuyên được thì loại súng này trị “ngon lành”.
Không chỉ có nhiều đóng góp cho ngành quân giới, ông Nguyễn Phước Hoàng còn có nhiều duyên nợ với pháo binh. Từ tháng 5-1950, ông được điều sang Cục Pháo binh (lúc đầu do kỹ sư Trần Đại Nghĩa kiêm nhiệm Cục trưởng) làm Trưởng phòng Nghiên huấn. Từ tháng 7-1951, Cục pháo binh chuyển thành Bộ tư lệnh Pháo binh, ông là Tiểu đoàn trưởng, quyền Tham mưu trưởng Trung đoàn 34 lựu pháo (trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 34 đổi thành Trung đoàn 45 để giữ bí mật). Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp của mình, Thiếu tá cựu chiến binh Nguyễn Phước Hoàng thường nói vui là mình “cao số”. Trước trận tiền mà không bị dính đạn, ở chiến dịch Điện Biên Phủ hầm pháo của ông mấy lần bom đào xới mà chẳng việc gì! Chỉ một lần ông bị “gục” ở mặt trận Nha Trang lại là do… muỗi sốt rét! Cuối năm 1958, đợt phong quân hàm đầu tiên của quân đội ta, ông là Trung đoàn phó nhận quân hàm Thiếu tá.
Người thầy khiêm nhường
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, cuối tháng 2-1959, ông chuyển ngành về Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội. Ở đây, ông gặp lại người thầy của mình hồi năm 1933-1934 tại trường Thiên Hựu, Huế, cũng là người thủ trưởng trực tiếp ở chiến khu Việt Bắc, đó là giáo sư, hiệu trưởng Tạ Quang Bửu; gặp lại các bạn cùng khóa Cao đẳng Khoa học Hà Nội năm xưa như: Hoàng Xuân Tùy (Hiệu phó), Nguyễn Như Kim (Chủ nhiệm khoa), Phạm Đồng Điện, Nguyễn Đức Thừa… Ban đầu ông chỉ là cán bộ giảng dạy “tập sự” kiêm thí nghiệm viên thủy lực. Năm 1964, ông là tổ trưởng bộ môn. Cần mẫn, khiêm tốn, chịu học hỏi, lại vốn có nền tảng toán học vững, những năm giảng dạy, nghiên cứu ở trường ông đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển ngành Thủy khí động lực-cơ học chất lỏng kỹ thuật của nước ta. Ông có học hàm Phó giáo sư và nghỉ hưu năm 1987, sau 14 năm là “bộ đội tình nguyện”(như cách nói vui của ông) và 28 năm làm thầy.
Cũng cần nói thêm chút ít về người bạn đời của ông, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng. Thân phụ bà là Đốc học Đà Lạt, rồi Phan Rí; thân mẫu bà quê Huế, nhà gần chùa Thiên Mụ. Bà học trường Đồng Khánh, tham gia phong trào ủng hộ nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Ông bà quen nhau từ hồi còn học ở Huế và qua những năm tháng biến động, mỗi người một nơi, năm 1949 họ gặp nhau trên chiến khu, bên dòng sông Lô. Lớp trí thức người Huế ngày ấy đi theo cách mạng, trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ đã có nhiều cặp vợ chồng như thế. Hai ngày sau ngưng tiếng súng tại mặt trận Điện Biên Phủ, đám cưới của họ được tổ chức giản dị mà ấm cúng trên núi rừng Việt Bắc. Ngoài lễ cưới của Nguyễn Phước Hoàng - Nguyễn Thị Xuân Phượng, còn có lễ cưới của các đôi Cao Văn Khánh - Nguyễn Thị Ngọc Toản; Vĩnh Mai - Phương Chi; Đào Phan - Bội Hoàn…
Phạm Quang Đẩu

http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/mot-nguoi-linh-mot-nguoi-thay-478119





Về bộ sách “Quốc học Huế xưa và nay”

10:00 ngày 31 tháng 08 năm 2013


VOV.VN -117 năm qua, truyền thống yêu nước, truyền thống dạy tốt, học tốt được các thế hệ thầy và trò Quốc học Huế giữ gìn và phát huy.
Ngày 17/9/ Bính Thân (23/10/1896), nhà vua yêu nước Thành Thái đã ký sắc dụ thành lập một trường học quốc gia tại Huế cho người Việt Nam được học văn minh văn hóa phương Tây lấy tên là “Pháp tự Quốc học trường” thường gọi là trường Quốc học. Cái tên Quốc học mang hai nghĩa: Nền học của nước, nền học cho nước. ngày 18/11/1896, Toàn quyền A.Rousseau đã ký nghị định để thành lập trường.
Nhà xuất bản Văn hóa-thông tin vừa ấn hành bộ sách “Quốc học Huế xưa và nay” (2013) do Hội cựu học sinh Quốc học Huế chủ trương. Ban biên tập gồm các nhà văn, nhà báo: Trần Phương Trà (chủ biên), Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Xuân Hoa, Phạm Khắc Lãm, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục.
ve bo sach "quoc hoc hue xua va nay" hinh 0
Sách gồm 2 tập với 1612 trang khổ 16 x 24cm trong đó có 24 trang phụ bản màu với 830 mục từ, 100 cặp vợ chồng Quốc học Đồng Khánh – Huế. Mỗi mục từ là một thầy trò cũ với đôi nét về tiểu sử, hình ảnh. Cuốn sách có 133 bài viết và hồi ký, 155 bài thơ, 1460 bức ảnh, 15 bức tranh, tượng ảnh, 20 bản nhạc, 17 bút tích, 40 bìa sách, đặc san, 11 bản sao học bạ, công văn, giấy giá thú, lệnh bắt, trang báo, sơ đồ.
Qua cuốn sách, người đọc có thể hình dung được một phần những hoạt động của thầy trò trường Quốc học Huế trong hơn một thế kỷ đầy biến động và hiểu một phần nào những đóng góp của các thế hệ thầy trò.
Lúc đầu, trường tạm dùng một số nhà tranh của Tả Doanh Thủy Sư ở phía Đông tòa Công Sứ, phía tây Phủ Doãn. Về sau trường xây dựng hai dãy lầu có các phòng, ký túc xá, nhà học, phòng ăn, phòng tắm, sân vận động.
Đến niên khóa 1935 – 1936, trường Quốc học Huế đổi tên thành Lycée Khải Định, trường có thêm ban Tú tài tức thêm 3 lớp tương đương 10, 11, 12 hiện nay. Học sinh lớp 11 cuối niên khóa thi Tú tài bán phần. Lớp 12 chia làm 2 ban: Ban Triết lý và Ban toán. Cuối niên khóa hai lớp này thi Tú tài toàn phần ban Triết lý hay Ban Toán.
Trong niên khóa đầu, học sinh các lớp 11, 12 của Lycée Khải Định rút từ trường Albert Sarraut ở Sài Gòn và trường Bưởi ở Hà Nội. Cuối niên khóa 1936 – 1937, trường có thể tổ chức thi Tú tài bán phần và Tú tài toàn phần.
Sau cuộc đảo chính Nhật 9/3/1945, Ban Quản trị giáo sư là người Việt Nam. Các chương trình giảng dạy đều được chuyển sang dạy bằng tiếng Việt.
Sau Hiệp định Sơ bộ ngày 6/03/1946, Việt Nam phải để đoàn quân Viễn chinh Pháp sử dụng các cơ sở trường Quốc học, học sinh phải tiếp tục học ở Đại nội.
Chiến tranh Việt – Pháp xảy ra ngày 19/12/1946. Một phần giáo sư học sinh Khải Định tản ra phía Bắc (Quảng Bình, Hà Tĩnh). Phần còn lại lúc hồi cư năm 1947 đã học nhờ ở trường Thượng Tứ (trường Paul Bert cũ) và trường Lê Lợi (trường Chaigneau cũ).
Niên khóa 1948 – 1949 trường Quốc học sử dụng được trường ốc Việt – Anh và nhà lầu phía tây trường Đồng Khánh.
Sau Hiệp định Genève 20/07/1954, Pháp rút quân khỏi trường Quốc học. Trường sử dụng lại cơ sở ấy và hoàn trả nhà lầu phái tây trường Đồng Khánh. Năm học 1955 – 1956 trường được đổi tên là trường Trung học Ngô Đình Diệm, tên của Tổng thống Việt nam Cộng hòa đương thời.
Đến ngày 26/12/1956 trường tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường và đổi thành trường Quốc học cho đến nay.
Trường Quốc học Huế tồn tại và phát triển đến nay được 117 năm. Mặc dầu ra đời trong âm mưu nô dịch văn hóa của Thực dân Pháp, hoạt động của nhà trường nằm trong vòng ràng buộc của chính quyền đô hộ song các thế hệ thầy và trò Quốc học Huế trong quá trình tiếp thu những thành tựu giáo dục của thế giới hiện đại đã biết vận dụng những giá trị nhân văn, những giá trị khoa học để bảo vệ truyền thống văn hiến của dân tộc, tham gia các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.
Từ phong trào chống thuế ở Trung Kỳ vào đầu thế kỷ XX, cuộc vận động thả cụ Phan Bội Châu, để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh, phong trào Mặt trận Dân Chủ (1936 – 1939), Cao trào Việt Minh và cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và hiện nay trong công cuộc xây dựng đất nước, thầy và trò Quốc học Huế luôn luôn là những thành viên tích cực.
Trong 117 năm qua, truyền thống yêu nước, truyền thống dạy tốt, học tốt được các thế hệ thầy và trò Quốc học Huế giữ gìn và phát huy.
Trường Quốc học Huế là trung tâm đào tạo chất lượng cao cho miền Trung. Năm 2003, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn (2001 – 2010) được tặng hai Huân chương Độc lập hạng Nhất (1996, 2006), được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” (2003)…

Trường Quốc học Huế mãi mãi còn ghi dấu ấn sâu sắc của nhiều thầy và trò của trường: Nguyễn Sinh Côn (Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh), Trần Phú, Bùi Công Trừng, Nguyễn Chí Diểu, Hà Huy Tập, Lê Văn Miến, Võ Liêm Sơn, Phạm Văn Đồng, Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc Hào, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Khương Hữu Dụng, Điềm Phùng Thị, Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Trương, Đào Thế Tuấn… cùng nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học, văn hóa giáo dục, văn nghệ sĩ tài năng khác…
Cuốn “Quốc học Huế xưa và nay” đã giới thiệu nhiều  vị sĩ quan, anh hùng, liệt sĩ vốn là cựu học sinh Quốc học Huế.
Các anh hùng lao động Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Đào Thế Tuấn, Phan Thế Phương, Nguyễn Văn Trương cùng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo (Đại tá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại tá Việt Nam Cộng hòa). Nhiều sĩ quan, cán bộ vốn là học viên trường Thanh niên Tiền Tuyến do Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu sáng lập năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp được Ban Biên tập chú ý tìm hiểu và khai thác tư liệu trong đó có ông Võ Sum Đại tá Việt Nam Cộng hòa đã mất tại Mỹ.
Các hồi ký của Lê Thanh Cảnh, Bùi Hữu Thứ, Phạm Nghi, Lê Đình Phu, Nguyễn Hữu Hoằng, Nguyễn Đắc Xuân….đưa ta về những kỷ niệm về trường và không khí xã hội Huế thế kỷ 20.
Các hồi ký của Trần Thị Như Mân (bà Đào Duy Anh), Đặng Nhật Minh (“Cha mẹ tôi” viết về ông bà GS.Bác sĩ Đặng Văn Ngữ - Tôn Nữ Thị Cung), với nhiều hình ảnh xúc động. Hồi ký Bùi Công Trừng cho ta biết về những năm tháng hoạt động của ông ở Liên Xô cũ và khi bị thực dân Pháp bắt giam ở Sài Gòn, Côn Đảo. Lê Tâm (Nguyễn Hy Hiền) – Giải thưởng Hồ Chí Minh có hồi ký đầy ắp những kỷ niệm những năm sản xuất vũ khí cho Nam Bộ kháng chiến, Hồi ký Lê Quang Vịnh viết về những năm tháng u tối trong vùng tạm chiếm…
Trong “Phòng thí nghiệm số 1 Chu Lễ”, nhà giáo Ưu tú Thân Trọng Ninh đã dựng lại khung cảnh điều chế Acid Sulfurique (H2SO4) của GS Phạm Đình Ái những năm đầu kháng chiến chống Pháp…
Tôn Thất Hoàng (Nguyễn Phước Hoàng) có một hồi ký cảm động về GS. Tạ Quang Bửu. Giáo sư Nguyễn Hữu Thứ có bài viết rất hay: “Vấn đề thẩm mỹ ở trường Quốc học Huế”.
Bài viết của Trần Mạnh Thường về Đại tướng Võ Nguyên Giáo với những tư liệu chuẩn xác về vị tướng huyền thoại.
Trong sách có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế như:
- Hồ Đình Duẩn giải ba Toán tại Rumani năm học 1978 – 1979.
- Lê Bá Khánh Trình, giải nhất và giải đặc biệt Toán tại Anh năm học 1978 – 1979.
- Ngô Phú Thanh (học sinh lớp 11) giải nhì Toán tại Hungary năm học 1981 – 1982.
- Nguyễn Văn Lượng, giải nhì toán tại Pháp năm học 1982 – 1983.
- Hoàng Ngọc Chiến, giải ba toán tại Pháp năm học 1982 – 1983.
- Lê Thị Ý Nhi, giải nhì Olympic tiếng Nga tại Liên Xô năm 1983 – 1984.

- Hồ Ngọc Hân vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2009, được suất du học Úc 35000 USD.

- Gần đây nhất là Đinh Anh Minh, huy chương vàng Olympic Vật lý Quốc tế tại Cộng hòa Croatia cuối tháng 7/2010


ve bo sach "quoc hoc hue xua va nay" hinh 1
Đinh Anh Minh

Ngôi trường Quốc học Huế trang nghiêm với chiếc cổng cổ kính, những hàng cây cổ thụ xanh mướt, hai dãy lầu cao sơn màu hồng trên một khuôn viên rộng 5 hecta, di tích lịch sử văn hóa mãi mãi là hình ảnh đẹp đẽ trong tâm hồn các thế hệ thầy và trò của trường. 

Nhà thơ Tế Hanh tha thiết:

Ta kiếm hình xưa ở khắp đường
Nụ cười bằng nắng, mắt bằng sương
Mười lăm, mười sáu, chàng trai nhỏ
Theo mộng, theo thơ bước tới trường

… Người hãy trả cho ta tuổi nhỏ.
Xứ tình, xứ mộng của ta ơi!

Nhà thơ Huy Cận luôn tự hào với danh hiệu “Học sinh cũ của trường Quốc học Huế”. Ở bài thơ “Quốc học trường ta, Quốc học ơi!, nhà thơ kết thúc:

Mỗi thầy để lại ở trong tôi
Cái vốn yêu thương, cái vốn người.
Nghĩa bạn, ơn thầy lòng mãi nặng
Ngàn năm Quốc học của ta ơi!

ve bo sach "quoc hoc hue xua va nay" hinh 2
Trường PTTH chuyên Quốc học Huế (ảnh: Nguyễn Thành Công)
Ban biên tập đã dành nhiều trang để giới thiệu các hoạt động sôi nổi và phong phú của các hội ái hữu Quốc học Huế từ năm 1938 đến nay. Nhiều đặc san của các khóa học, các vùng trong và ngoài nước đã thắt chặt thêm sợi dây thân ái của tình Đồng môn Quốc học Huế.
Bộ sách giành giới thiệu hơn một trăm cặp vợ chồng Quốc học – Đồng Khánh Huế. Hai ngôi trường Quốc học – Khải Định (Trường Anh) và trường nữ Trung học Đồng Khánh Huế (Trường Em) nằm cạnh nhau có mối quan hệ mật thiết trong đời sống xã hội ở Huế. Mơ ước có một ý trung nhân sau này là người vợ công dung ngôn hạnh vốn là nữ sinh trường Đồng Khánh là ước mơ của nhiều học sinh trường Quốc học Huế. Trường Đồng Khánh được thành lập năm 1917. Giữa thế kỷ 20 có nhiều đôi vợ chồng Quốc học – Đồng Khánh để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp ở Huế không thể không nhắc đến những đôi Thân Trọng Phước – Hoàng Thị Vệ, Đào Duy Anh – Trần Thị Như Mân, Hà Huy Tập – Nguyễn Thị Giáo (trong sách có bản giá thú của đôi vợ chồng này, có chữ ký của Công sứ tỉnh Hà Tĩnh năm 1928), Võ Nguyên Giáp – Nguyễn Thị Quang Thái (người vợ đầu của Võ Nguyên Giáp đã hy sinh trong tù), Lưu Trọng Lư – Tôn Nữ Lệ Minh; Đặng Văn Ngữ - Tôn Nữ Thị Cung, Cao Văn Khánh – Nguyễn Phước Ngọc Toản cùng nhiều cặp đôi khác.
Trong sách có gần 100 thầy trò cũ của trường Quốc học Huế đã và đang ở nước ngoài chủ yếu ở Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Úc… Ở Pháp có Cao Huy Thuần, Lê Mộng Nguyên, Nguyễn Khắc Nhẫn, Trần Thanh Vân, Phạm Đình Liên, Võ Quang Yến, Lê Đình Cát, Nguyễn Thị Gi Gi, Công Huyền Tôn Nữ Quỳnh Tư… Giáo sư E.G Vidal dạy sinh vật trường Quốc học Huế năm 1994 được học sinh cũ mời thăm lại Việt Nam hiện đã 99 tuổi.
Ở Hoa Kỳ có Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Văn Lâu, Lê Văn, Bùi Minh Đức, Bùi Hữu Tiễn - Phạm Thị Bạch Vân, Bửu Diên – Phạm Thị Hoàng Oanh, Trần Kiêm Đoàn, Huỳnh Văn Chỉnh, Đoàn Khoách - Nguyễn Thị Thanh Tâm, Nguyễn Hứa Thảo, Nguyễn Văn Đáo, Đoàn Trình, Vĩnh Quyền, Nguyễn Đắc Bích, Đỗ Kim Bảng, Lâm Bàng, Nguyễn Xuân Thiệp, Khang Lang v.v..
Ở Canada có Nguyễn Hữu Thứ, Nguyễn Ký, Phạm Mạnh Cương, Lê Hữu Mục, Nguyễn Thị Diên Chi, Vĩnh  Sính, Huỳnh Hữu Tuệ v.v..
Ở Đức có Thái Kim Lan, Nguyễn Ba v.v…
Ở Úc có Hoàng Nguyên Nhuận…
Trong “Thi nhân Việt Nam” xuất bản năm 1941 các nhà văn Hoài Thanh và Hoài Chân đã giới thiệu 45 nhà thơ trong phong trào thơ mới (1932 – 1941).
Trong 45 nhà thơ của cả nước hồi ấy có 13 nhà thơ đã từng học ở trường Quốc học Huế. Đó là các nhà thơ: Bích Khê, Huy Cận, Lưu Kỳ Linh, Lưu Trọng Lư, Nam Trân, Nguyễn Đình Thư, Phạm Hầu, Phan Thanh Phước, Phan Văn Dật, Tế Hanh, Thúc Tề, Xuân Diệu, Xuân Tâm. Cuốn “Quốc học Huế xưa và nay” đã đăng 155 bài thơ, ngoài các nhà thơ nói trên, còn có nhiều tác giả khác như Võ Liêm Sơn, Ưng Bình Thúc Gia Thị, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Xuân Sanh, Khương Hữu Dụng, Bùi Công Trừng, Gia Ninh, Vĩnh Mai, Nguyễn Đình, Võ Quê, Đào Xuân Quý, Lương An, Võ Quảng, Nguyễn Xuân Thâm, Châu Liêm Nguyễn Xuân Thiệp, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Phan Duy Nhân, Trần Quang Long, Ngô Kha, Tường Phong Nguyễn Đình Niên, Sâm Thương, Tạ Ký, Trần Hoàng Phố (Bửu Nam), Tống Viết Mẫn, Nguyễn Văn Thích, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục, Phan Như, Phan Hữu Dật, Phan Xuân Hạt, Tôn Thất Mạnh Hào, Mai Văn Hoan, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Phạm Quất Xá, Quách Thoại, Phạm Nguyên Tường, Tôn Thất Viễn Bào, Trần Ngọc Trác, Mai Khắc Thuận, Võ Văn Bang, Nguyễn Mỹ Tài, Ngũ Xa Thơ, Hoàng Triều, Hoàng Xuân Độ v.v..
Trong cuốn “Quốc học Huế xưa và nay” có đăng 20 bản nhạc của các nhạc sĩ: Châu Kỳ, Đỗ Kim Bảng, Hoàng Nguyên, Hoàng Thi Thơ, Lê Mộng Nguyên, Lê Xuân Thọ, Nguyễn Đình Niêm (thơ Lê Ngã Lễ) Nguyễn Hứa Thảo (Thảo Nguyên, thơ Tần Hoài Dạ Vũ), Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Phước Quỳnh Đệ, Nguyễn Văn Thương, Phạm Mạnh Cương, Phạm Tuyên, Tôn Thất Lan, Tôn Thất Lập, Trần Đình Quân (Trần Đa Mỹ), Trần Hoàn, Trần Ngọc Tĩnh (Phan Xipăng), Ưng Lang (Lời Châu Kỳ).
Trong phụ bản có đăng các bức tranh, tượng và ảnh của các tác giả: Bửu Chỉ, Điềm Phùng Thị, Lê Duy Đoàn, Lê Văn Miến (Lê Huy Miến), Mai Trung Thứ (Mai Thứ), Mai Văn Hiến, Nguyễn Hữu Ngô, Nguyễn Phan Chánh, Phan Khắc Tuân, Tấn Hoài, Thân Trọng Minh, Tôn Nữ Như Ngân, Tôn Thất Đào, Võ Thị Quỳnh.
Bộ sách “Quốc học Huế xưa và nay” đã giới thiệu được những học sinh khóa đầu tiên năm 1896, thi đậu thành chung (đíp lôm) năm 1900 như Hồ Đắc Hàm, Ưng Dự, Tôn Thất Quảng và cuối cùng là em Nguyễn Ngô Bảo Ngọc sinh năm 1995, lớp 12 chuyên Anh – Pháp trường THPT chuyên Quốc học Huế, quê xã Phong Chương huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là thủ khoa có tổng số điểm 6 môn cao nhất tỉnh và toàn quốc (59 điểm, 5 điểm 10 và 1 điểm 9 môn văn) kỳ thi tốt nghiệp THPT khóa 2012 – 2013 (ảnh: Thừa Thiên Huế online).
ve bo sach "quoc hoc hue xua va nay" hinh 3
Những học sinh khóa đầu tiên năm 1896, thi đậu thành chung năm 1900

ve bo sach "quoc hoc hue xua va nay" hinh 4
Học sinh thế hệ mới nhất: Nguyễn Ngô Bảo Ngọc, Thủ khoa tốt nghiệp với số điểm 59 (niên khóa 2012-2013)

Hình ảnh em Nguyễn Ngô Bảo Ngọc kết thúc tốt đẹp một hành trình 117 năm đầy biến động của ngôi trường Quốc học Huế để mở ra những trang mới của các thế hệ thầy và trò của trường./.

Trần Phương Trà/CTV VOVonline
http://vov.vn/Print.aspx?id=278485