Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

06/11/2017

Một bài thơ khắc đá trên núi Dục Thuý lần đầu được sưu tầm và dịch thuật

Núi Dục Thúy, tức Dục Thúy sơn, ở thành phố Ninh Bình ngày nay. Tên quen gọi là "núi Non Nước".

Bài của Trần Lâm Bình (một tác giả tôi hiện chưa biết, lần đầu tiên đọc bài).








Lấy nguyên về từ trang của Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật tỉnh Ninh Bình.






---





Thứ Sáu, Ngày 06/04/2012

Trong quá trình sưu tầm tiếp cận chụp ảnh thơ bia khắc đá, dùng làm tài liệu gốc cho việc hiệu đính và khảo dị đối với các văn bản có phần thơ bia hiện đang được lưu hành. Một điều thật bất ngờ và thú vị là chúng tôi đã “phát hiện”  một bia thơ khắc đá trên vách núi Dục Thuý (nay thuộc địa phận phường Thanh Bình, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), mà nội dung bài thơ và lạc khoản cho đến nay chưa có tài liệu nào ghi chép in ấn phần chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ.

Bia khắc ở vách đá hướng Đông Bắc của núi Dục Thuý, trên độ cao cách mép nước sông Đáy khoảng 4 mét. Vách núi khá rộng, dựng đứng, tương đối bằng phẳng và cạnh đó có một số loài cây hoang dại mọc cheo leo trên vách đá. Bia hình chữ nhật nằm ngang với kích thước 1,35 m x 0,76 m. Để tạo mặt phẳng  khắc chữ, người xưa đã chạm khắc vào vách đá chỗ sâu nhất 7 cm, chỗ nông nhất 0,5 cm so với mặt bằng vách núi. Riềm bia chạm nổi rộng 8 cm, ranh giới giữa riềm và mặt bia là đường phào uyển chuyển. Chữ Hán trên mặt bia khắc chìm vào thớ đá theo trình tự từ trên xuống dưới, từ phải sang trái, gồm có 9 dòng. Dòng thứ nhất khắc 3 chữ “Mậu thân xuân”. Từ dòng thứ hai đến dòng thứ sáu chạm khắc trọn vẹn nội dung bài thơ tứ tuyệt (4 câu, mỗi câu 7 chữ), trong đó 5 dòng đầu mỗi dòng khắc 5 chữ và dòng thứ sáu có 3 chữ “dữ tiền tu” được chạm khắc sâu hơn so với nét chữ của 5 dòng trước đó. Cuối cùng phía bên trái bia khắc phần lạc khoản.



Bia đá khắc bài thơ “Xuân Mậu Thân” của Nguyễn Quý Hương
trên núi Dục Thuý, năm 1848 hoặc năm 1908.
     
Căn cứ nguyên bia đang hiện hữu trên vách núi, chúng tôi xin chép lại bài thơ chữ Hán và phần lạc khoản:

      Sau khi tra cứu xác định Hán tự, nhất là những chữ viết theo mẫu Hán Việt cổ đồng tự, dị âm, khác nghĩa... phiên âm bài thơ như sau:
Mậu thân xuân

Sầm khâm bích động nhiễu hàn lưu
Vật hoán tinh di kinh kỷ thu
Linh tích phương huy thâm cảnh ngưỡng
Trùng doanh đa quý dữ tiền tu.

Ninh Bình phủ viện Quý Hương Nguyễn
trùng tu Sơn Thuỷ tự, chi tác.

                   
Dịch nghĩa: Xuân Mậu thân

Núi cao, động xanh biếc, có dòng nước lạnh chảy vòng qua
Vật đổi sao dời, đã trải chừng ấy thu
Dấu tích thiêng liêng, cảnh vật nơi đây tiếng thơm sâu đậm và thật trân trọng
Trùng tu lần này, còn nhiều khiêm nhường hổ thẹn so với việc người xưa đã từng sửa chữa.

Tại dinh phủ Ninh Bình, Quý Hương họ Nguyễn
trùng tu chùa Sơn Thuỷ viết bài thơ này.
Chúng tôi tạm dịch thơ như sau:

Núi cao, động biếc, dòng sông lạnh
Vật đổi sao dời, trải nắng mưa
Dấu thiêng, tiếng đẹp nơi tiên cảnh
Sửa chùa, vẫn thẹn với người xưa.

Mùa xuân năm Mậu thân (1848 hoặc 1908)
Quý Hương Nguyễn

       Về lạc khoản, “Từ điển tiếng Việt” đã định nghĩa: “Dòng chữ nhỏ bên cạnh, thường là ở góc dưới bức hoạ, bức trướng, câu đối, tấm bia... ghi ngày tháng và tên người vẽ tranh, đi câu đối, dựng bia” (Từ điển tiếng Việt - Nxb Đà Nẵng & Trung tâm từ điển học - 1998). Trên cơ sở định nghĩa trên, tấm bia có 3 dòng lạc khoản với cỡ chữ nhỏ bằng 1/3 so với cỡ chữ trong nội dung bài thơ tứ tuyệt khắc trên bia đá. Đó là dòng chữ nhỏ đầu tiên trên mặt bia “Mậu thân xuân” khắc phía bên phải, ghi niên đại của bia thơ. Để dễ phân biệt bia thơ này với các bia thơ khác trên vách núi, chúng tôi xin tạm đặt tên bia và tên bài thơ là “Mậu thân xuân” (Xuân Mậu thân). Hai dòng lạc khoản còn lại khắc bên trái bia, dòng 1 ghi: “Ninh Bình phủ viện Quý Hương Nguyễn” và tiếp sau là dòng 2 ghi: “Trùng tu Sơn Thuỷ tự, chi tác" (Nghĩa là “Tại dinh phủ Ninh Bình, Quý Hương họ Nguyễn (Nguyễn Quý Hương) nhân trùng tu chùa Sơn Thuỷ viết bài thơ này”).
       Về niên đại bia, lạc khoản chỉ ghi “Mậu thân xuân”. Nhưng từ sau công nguyên đến nay có nhiều thiên can, địa chi ứng năm Mậu thân, gần đây nhất là những năm 1788, 1848, 1908, 1968. Căn cứ nội dung bài thơ, lịch sử chạm khắc bia, lai lịch việc xây dựng và sửa chữa chùa ở núi Dục Thuý, thì bia thơ trên chắc chắn được chạm khắc vào mùa xuân Mậu thân năm 1848 hoặc 1908. Bởi lẽ, Ninh Bình có tên từ niên hiệu Minh Mệnh thứ 10 (1829), dòng lạc khoản thứ hai trong bia có ghi “Ninh Bình phủ viện” (Nghĩa là “Tại dinh phủ Ninh Bình”). Như vậy bia được khắc sau năm 1829 - thời điểm chính thức có địa danh Ninh Bình. Mặt khác, căn cứ lạc khoản ở những bia thơ khắc trên núi Dục Thuý, có hai tấm bia được xác định khắc đá sau cùng. Bia thứ nhất khắc bằng chữ Hán với dòng lạc khoản “Bảo Đại Nhâm thân trọng thu - Binh bộ Tham tri tuần phủ Ninh Bình đẳng xứ địa phương Nam nguyên Thu viên Phan Đình Hoè thư đề” (Nghĩa là “Giữa thu năm Nhâm thân, đời vua Bảo Đại (1932) Tham tri bộ Binh tuần phủ Ninh Bình kiêm Đẳng xứ địa phương Phan Đình Hoè, tên chữ là Nam nguyên, Thu viên đề thơ và viết chữ”. Bia thứ hai của chủ nhân là Tuần phủ Ninh Bình Bùi Thiện Cơ, cũng khắc chữ Hán với dòng lạc khoản  ghi “Hoàng Bảo Đại cửu niên quý thu trùng dương” (Nghĩa là “Tiết trùng dương, mùa thu Hoàng đế Bảo Đại năm thứ 9” ngày 9/9 âm lịch, năm 1934). Và từ sau năm 1934 đến nay, trong đó có thời điểm năm Mậu thân 1968 trên núi Dục Thuý không có bia đá nào được chạm khắc thêm. Như vậy, bia “Mậu thân xuân” được khắc vào mùa xuân năm Mậu thân, thời đoạn sau năm 1829 đến trước năm 1934, ứng với can chi Hoa giáp là năm 1848 hoặc 1908.

Vĩ thanh            

         Sở dĩ phần trên chúng tôi dùng cụm từ “phát hiện” đặt trong dấu nháy. Bởi vì bất kỳ ai đã từng xuôi dòng sông Đáy, khi thuyền đi qua khúc sông nước chảy xiết dưới chân núi phía Đông Bắc của Dục Thuý sơn đều có thể nhìn thấy tấm bia “Mậu thân xuân” đang hiện hữu trên vách đá. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao một tấm bia đẹp, cầu kỳ khắc một bài thơ hay trên vách đá cùng với những bia thơ nổi tiếng của các bậc vua chúa, trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa và bao tao nhân mặc khách trong bẩy thế kỷ, xuyên suốt chiều dày các triều đại phong kiến Việt Nam như núi Dục Thuý, nhưng với những bài thơ khác thì đã được sưu tầm, in ấn và ra mắt bạn đọc, riêng bia thơ “Mậu thân xuân” của tác giả Quý Hương Nguyễn cho đến nay mới được sưu tầm, dịch thuật...?

TS. Trần Lâm Bình

http://khoahockythuat.ninhbinh.gov.vn/index.aspx?view=tin&id=214&page=8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.