Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

01/08/2017

ông Hồ Nghinh, chuyện nghe kể

Nhiều năm về trước, tôi đã nghe gia đình họ Diệp ở Hội An kể những điều tương tự. Chuyện về ông Hồ Nghinh.

Bây giờ là trên mặt báo chí.

Một bài cũ từ 2013, nhưng không hề cũ.




---


Chủ nhật, 16/6/2013 | 11:23 GMT+7

|

Phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn suýt bị san bằng, chìm dưới lòng hồ… nếu không có sự can thiệp của ông Hồ Nghinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.

Phố cổ Hội An (Quảng Nam) vốn là thương cảng sầm uất, phát triển thịnh vượng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa và cả văn hóa với bên ngoài. Hội An có những giá trị nổi bật toàn cầu và sự trộn lẫn của văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa. Vì vậy, năm 1999 phố cổ Hội An đã được công nhận là di sản văn hóa của thế giới.
Thế nhưng di sản này từng suýt bị san bằng. Thời điểm sau chiến tranh, Hội An gặp biến cố lớn với lệnh kiên quyết loại trừ di hại của văn hóa nô dịch để phát triển văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ, chính quyền Hội An đẩy mạnh phong trào đập cũ xây mới “đàng hoàng, to đẹp hơn”. Trong đó có việc đập phá các đền, chùa, miếu, am thờ. Nhiệm vụ này được Thường vụ Thị ủy giao cho các ngành, đoàn thể tham gia và lực lượng chủ công là an ninh. Phường Minh An, nơi tập trung nhiều công trình kiến trúc đền chùa, miếu mạo được chọn làm thí điểm.
d
Chùa Cầu ở Hội An. Ảnh: Hoàng Hà.
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao Hội An, nhớ lại: “Sau giải phóng, nhiều người đồng thuận và lên danh sách các chùa như Khổng Miếu, Phúc Kiến, Ông Bổn… để chuẩn bị đập phá. Với lý do đây là nơi thờ cúng, chiêm bái mang tính mê tín dị đoan”. Theo ông Phùng, đó là một thời kỳ nhận thức còn nông cạn, chưa tính hết được hậu quả. Nhưng ông Hồ Nghinh cùng Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã kịp thời can dự, quyết liệt không cho đập phá Hội An.
Ông Hà Phước Mai, nguyên cán bộ TP Hội An, cho hay: “Một buổi chiều năm 1976, trước trụ sở Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hội An, hơn 500 người với búa tạ, xà beng, cuốc… ra quân bài trừ mê tín dị đoan với từng nhóm, đội có cán bộ an ninh phụ trách. Tất cả chuẩn bị đến từng mái đình, ngôi chùa, đền miếu để phá hủy cái gọi là nơi gieo rắc mê tín dị đoan. Họ cho rằng cách mạng là phải phá cũ, đổi mới. Mọi người hô to hai chữ: “Quyết tâm””.
Lúc này, ông Hồ Nghinh vừa đến, ông hỏi ngay: “Các anh định làm cách mạng văn hóa đó à?”. Mọi người im lặng. Ông Nghinh từ từ nói: “Các anh nên nhớ rằng chỉ vài tháng sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đã ra sắc lệnh bảo toàn di tích trên toàn cõi Việt Nam. Bác yêu cầu phải giữ gìn nguyên vẹn đình chùa, miếu mạo, các sách vở văn tự của cha ông để lại. Các anh huy động hàng trăm người với khí thế hừng hực thế kia, họ chỉ đập phá vài ngày thôi thì còn gì Hội An nữa. Làm như thế là bắt chước cách mạng văn hóa bên Trung Quốc”.
Ông Hồ Nghinh tiên đoán: “Các anh biết không, sau này đất nước phát triển, mở cửa giao thương với thế giới, khách du lịch nước ngoài đến đây thì các đình chùa, miếu mạo và cổ tích, nhà xưa kia sẽ lạ lẫm, hấp dẫn đối với du khách. Đó là nguồn sinh lợi cho dân Hội An đấy”.
“Kết thúc buổi nói chuyện mọi người ngộ ra sai lầm. Ông Hồ Nghinh đã cứu Hội An thoát khỏi mối nguy trong gang tấc. Nếu ông chậm chân một ngày thôi thì Hội An đã bị hàng trăm người đập phá tan tành”, ông Hà Phước Mai cho hay.
d
Tổng bí thư Lê Duẩn, đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Hồ Nghinh trong một lần gặp mặt tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh tư liệu. 
Người Hội An có câu “Thượng chùa Cầu, hạ Ông Bổn” nhằm diễn tả sự gắn kết không thể tách rời của hai di tích này. Chùa Ông Bổn là hội quán bang Triều Châu của người Hoa. Năm 1979, Trung Quốc xua quân xâm phạm biên giới Việt Nam. Quần chúng thị xã Hội An mít tinh và đưa ra chương trình cùng cả nước đánh thắng quân Bắc Kinh.
Phụ nữ Hội An ký tên đòi đập phá tượng Mã Viện (tượng này được dựng trong chùa Ông Bổn. Mã Viện là người đưa quân xâm lược nước ta mở đầu cho 500 năm nô lệ phương Bắc) và đóng cửa ngôi chùa này. Vì đây là tổ tiên của quân Bắc Kinh. Mã Viện lại là người có tội lớn với dân tộc nên không có lý do gì phải thờ ở Hội An. “Đơn đập phá chùa, tượng Mã Viện được hàng nghìn hội viên phụ nữ đồng thuận. Phụ nữ Hội An đồng loạt ký tên và mang đến Văn phòng Thị ủy Hội An”, ông Hà Phước Mai nhớ lại.
Một lần nữa phố cổ lại đứng trước nguy cơ bị phá. Buổi sáng Thị ủy Hội An gửi công văn cho ông Bí thư Hồ Nghinh, chiều đã thấy ông có mặt. Đứng trước hàng nghìn người, ông Nghinh khuyên ngăn: “Đình, chùa là chốn tâm linh, nhân dân đã tự tay xây dựng để chiêm bái hằng năm. Hơn nữa đây là hội quán của bà con người Hoa. Trung Quốc đang làm điều phi nghĩa, mang quân xâm lược nước ta, hơn lúc nào hết ta phải tranh thủ bà con người Hoa đứng về phía chính nghĩa của ta. Chùa Ông Bổn không chỉ thờ Mã Viện mà còn là nơi thờ các phúc thần khác. Theo tôi, ta vận động bà con cất bài vị Mã Viện đi thôi. Sau đó thì hàng ngàn người dân Hội An đã trấn tĩnh lại và không còn quyết tâm phá bằng được ngôi chùa này”.
Chính nhờ sự can thiệp kịp thời ấy mà Hội An còn giữ được đến tận ngày nay. Lời tiên đoán của ông Hồ Nghinh về việc Hội An sẽ tấp nập đón du khách và “hái” tiền cho tỉnh Quảng Nam cũng trở thành sự thật. Sự minh triết của ông Hồ Nghinh đã cứu nguy cho Hội An đến hai lần.
Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể kiến trúc đền tháp cổ của người Chăm. Đây từng là khu đất Ấn giáo linh thiêng với hơn 70 đền tháp xây dựng từ giữa thế kỷ 7-13. Các vua Chăm trước đây chọn Mỹ Sơn để đóng đô và xây dựng các đền tháp để thờ các vị thần. Người cứu thánh địa Mỹ Sơn không ai khác ngoài ông Hồ Nghinh. Ông Nghinh quê vốn ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên), Mỹ Sơn cũng nằm tại huyện này.
Cuối thập niên 1970 đầu 1980, nhiều vùng đất ở Quảng Nam không thể sản xuất. Năng suất lương thực thấp, đời sống khốn khó. Để thoát khỏi đói nghèo phải làm thủy lợi. Xây hồ, đắp đập là nhiệm vụ tối ưu. Huyện ủy Duy Xuyên tổ chức họp để triển khai dự án chặn dòng và xây dựng hồ chứa nước tại Khe Thẻ. Nếu Huyện ủy Duy Xuyên cho phép xây dựng đập Khe Thẻ thì toàn bộ Mỹ Sơn sẽ chìm dưới lòng hồ. Lãnh đạo huyện chia ra làm hai phe: phe đồng ý và phe phản bác.
d
Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: drana.vn.
Phe phản bác không phải vì tiên lượng được sau này thánh địa Mỹ Sơn sẽ là di sản văn hóa của thế giới. Mà phản bác vì “không muốn xóa đi một chứng tích tội ác chiến tranh”, do một số đền tháp tại Mỹ Sơn bị bom đạn tàn phá. Phe đồng ý lại nhất nhất yêu cầu phải xây đập Khe Thẻ để hỗ trợ cung cấp nước cho đập Vĩnh Trinh, Thạch Bàn. Sau đó thì phe đồng ý thắng thế. Mỹ Sơn đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Vừa hay tin, ông Hồ Nghinh đã trực tiếp về quê để cứu lấy Mỹ Sơn.
Theo ông Đoàn Văn Lộc, nguyên Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, thì: “Khi đưa ra dự án xây hồ, anh Nghinh đã quyết liệt phản đối. Anh ấy nghiên cứu rất kỹ dự án và gạt ngay dự định ngăn đập Khe Thẻ của lãnh đạo huyện. Nếu anh Nghinh không có tầm nhìn xa mà đồng ý ngay thì hiện nay thánh địa Mỹ Sơn đã chìm dưới lòng hồ. Quảng Nam sẽ không còn di sản thế giới này nữa”.
“Ông Hồ Nghinh đóng vai trò rất quan trọng đối với Hội An và Mỹ Sơn. Nếu không có sự sáng suốt của ông thì Quảng Nam sẽ không có hai di tích mang tầm di sản văn hóa thế giới như ngày nay”, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, nói.
Còn ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, nhận xét: “Hồ Nghinh là nhà lãnh đạo có công đầu trong việc bảo tồn hai di sản văn hóa thế giới ngày nay là đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn”.
Theo Pháp luật TP HCM



























































































































































































http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/ong-bi-thu-cuu-hai-di-san-van-hoa-the-gioi-2832903.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.