"Thì phong tục bên nhà vẫn thế. Chúng em trọng khách"
"Bố tôi trước đi lính Pháp, chết trận ở Đông Khê, ông ấy là người Thổ Cao Bằng đấy...".
"Bố tôi trước đi lính Pháp, chết trận ở Đông Khê, ông ấy là người Thổ Cao Bằng đấy...".
CAFI là tên viết tắt của khu trại tị nạn ở trên đất Pháp dành cho người Đông Dương sau năm 1954, mà phần đông là người Việt Nam.
Chúng tôi dự tính sẽ tới CAFI trong thời gian tới. Ở đó vốn có một cái Phủ Tây Hồ đúng như nhà văn Nguyễn Quang Thân viết (xem ảnh thứ 3 từ trên xuống).
Bài đầu tiên là một ghi chép của nhà văn Nguyễn Quang Thân, năm 2008.
Bổ sung gì thì đưa thêm ở dưới.
---
Đó là một buổi chiều buồn buồn, trong vắt, se lạnh. Tôi đến Saint Livrade, một thành phố cổ nhưng quá nhỏ trong số 6000 thành phố của nước Pháp.
Sinh viên người Việt Nam trước Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Lao Động. |
Mấy ai biết Saint Livrade là đâu cho đến khi khu trại CAFI (Centre d'acceuil des Francais d'Indochine - Trung tâm Đón tiếp những người Pháp Đông Dương), được báo chí Paris đưa lên trang nhất. Một khu trại gồm những con người bị bỏ quên, bị bạc đãi.
Chiến tranh kết thúc, quân Pháp rút khỏi miền Bắc. Những người phụ nữ là vợ lính, những người có chồng chết trận trong chiến tranh và con cái được hưởng chính sách hậu chiến, gạt nước mắt lên tàu sang chính quốc. Họ được cấp một căn phòng trong dãy nhà vốn là trại lính với dãy toalét công cộng, mỗi người một cái bát, giường nệm, đồ dùng tối thiểu và một ít tiền trợ cấp. Sau đó là sauve qui peut! (thân ai nấy lo).
Những người mẹ Cao Bằng, Lạng Sơn đến các trại nho trong vùng thời đó còn hoang vắng và đông đúc người thất nghiệp để tìm việc làm hái nho, làm cỏ, tỉa cành..., sáng đi tối mịt mới về nhà, chăm sóc mấy đứa con thơ. Họ phải cạnh tranh kiếm chỗ với người bản xứ trong điều kiện bất lợi: không biết tiếng, sức vóc nhỏ bé, cái chắt lót, tảo tần Việt xem ra chẳng có mấy ưu thế ở đây.
Vậy mà những người phụ nữ bé nhỏ ấy, goá bụa lúc tuổi đời còn rất trẻ, không hy vọng tái giá, lại mang mặc cảm tội lỗi "phản bội Tổ quốc", xa xứ, xa tiếng Việt và núi đồi, sông suối quê hương, đã nuôi được con, nuôi được mình, cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Những người Pháp trong vùng Saint Livrade mến họ, cưu mang, giúp đỡ họ trong sự lãng quên của chính quyền trung ương xa xôi. Họ bị bỏ quên như một đồ vật không ai ưa, không ai muốn ngó tới, ở một góc con con tận cùng trái đất. Xứ sở không còn nhớ tới họ. Quê mới trời Tây vẫn luôn coi họ như những người khách bất đắc dĩ phải đón vào nhà.
Bà cụ có tên Tây là Maria, lãng đãng nhớ cái tên Việt là Thiên hay Thiện gì đó, tiếp tôi trong căn hộ không có tầng lầu. Cái thềm thấp, bó gạch sơ sài, cửa ngõ, đồ đạc trong nhà, chiếc tivi cũ kỹ gợi cho tôi một khu nội trú của sinh viên hay nhà tập thể công nhân thời bao cấp. Hố xí tự hoại nhưng ở bên ngoài, đó là một dãy chuồng có khung cửa nhôm kính, đề những con số 15, 16... tương ứng với mỗi gia đình, mỗi nhà một khoá.
Khi ông Molle - Chủ tịch Hội Ký ức Đông Dương, con rể cụ - giới thiệu tôi là nhà văn từ Việt Nam sang, cụ lấy tay quệt đôi môi ăn trầu cắn chỉ, niềm nở nói: "Em chào bác. Bác ở bên nhà sang lâu chưa?".
Câu tiếng Việt rất sõi, còn nguyên giọng, lại cái lối xưng "em" rất quen thuộc của vùng núi và đồng bằng phía Bắc làm tôi rất đỗi ngạc nhiên. Tôi bảo tôi chỉ hơn tuổi con gái cụ (bà Molle) một chút thôi. Cụ nói: "Thì phong tục bên nhà vẫn thế. Chúng em trọng khách".
Cụ hỏi mọi chuyện "bên nhà", ga Đồng Đăng còn có tàu hỏa chạy ngày hai chuyến, một chuyến đi Kép, một chuyến về Hà Nội? Cụ hỏi đường đi Đông Khê còn hay bị sạt lở, "hồi đó xe khách bị lật, mẹ con em suýt rơi xuống suối Khuổi Sao", cụ hỏi "hồi và thảo quả bên nhà bán có được giá không?".
Năm mươi năm đã qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu Kỳ Lừa, non nước đổi thay, cụ không quan tâm, cụ chỉ hỏi những chuyện như thế.
Nói chuyện được một chốc thì một người đàn ông hàng xóm tự mở cửa vào nhà không báo trước (rất Việt chứ không Tây chút nào!), bắt tay tôi niềm nở. Anh nói tiếng Pháp, thỉnh thoảng mới chêm một câu tiếng Việt không sõi.
Anh tự giới thiệu là con trai người hàng xóm, đậu tiến sĩ, hiện đang dạy ở một trường đại học, về thăm CAFI được mấy hôm nay. "Noel tôi bận không về được nên về trước mấy ngày thăm mẹ. Bố tôi trước đi lính Pháp, chết trận ở Đông Khê, ông ấy là người Thổ Cao Bằng đấy...".
Mấy từ sau cùng anh nói bằng thứ tiếng Việt lơ lớ. Anh bảo con cái các bà CAFI có đến chín mươi phần trăm thành đạt nghĩa là học hành đến nơi đến chốn, có việc làm tốt. Mười phần trăm ở lại đây, "nhưng cũng không đến nỗi" so với người ta. Mấy từ "người ta" của anh lại làm tôi ngạc nhiên không kém hai tiếng "bên nhà" của bà cụ Maria.
Thì ra năm mươi năm là người Pháp, công dân Pháp họ vẫn chưa là người Pháp. Họ còn một xứ sở "bên nhà", "bên ta" và cái nơi họ làm ăn, đi bầu cử, sinh sống, yên nghỉ cuối đời vẫn là "người ta"!
Sự hoà nhập quá chậm trễ ấy bắt nguồn từ bản chất "kiên trì bảo tồn bản sắc văn hoá Việt" đã đành nhưng cũng có nguyên do từ cách đối xử phân biệt và ghẻ lạnh của nhiều đời Chính phủ Pháp đối với những con dân Pháp trở về từ Đông Dương. Mãi đến năm 1961, trại mới mang tên CAFI, đến lúc đó những người Việt có số phận buồn thảm này mới được coi như là người Pháp Đông Dương.
Chỉ còn một ít dân Việt ở lại đây, những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba tuy bố mẹ đã mất hết nhưng họ vẫn giữ lại nhà cũ, làm nhà nghỉ mùa hè để có nơi chốn khi về thăm lại CAFI. Mọi người nhất quyết không rời cái trại đã chứng kiến những ngày tháng nặng nề đầu tiên của kiếp đi đày và nơi đàn con khôn lớn.
Hai ông bà Molle cùng bà cụ dẫn tôi vào căn phòng có điện thờ. Tôi ngạc nhiên tưởng như mình đang ở Phủ Tây Hồ bên nhà. Những tấm lụa xanh đỏ, bát hương, rất nhiều bát hương nghi ngút khói, ảnh Trần Hưng Đạo trên vách và chuông mõ, những bộ quần áo bà đồng...
Chúng tôi qua phòng khách và một sự ngạc nhiên nữa làm tôi cảm động. Trên chiếc bàn ăn đơn sơ những chén chè đậu xanh và cạnh đó là một đĩa xôi vò lớn.
CAFI đã ở phía sau lưng tôi, để lại trong tôi những suy nghĩ và day dứt. Những con người tôi vừa gặp chốc lát đã vẽ ra được số phận cay đắng của một bộ phận dân tộc. Họ như gốc cây bị bứng khỏi miếng đất cội nguồn đưa đi trồng nơi khác trong một cuộc lưu tán miễn cưỡng. Chuyện đó không xa lạ gì với loài người hàng ngàn năm nay.
Tôi có quen vài người Mỹ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba và họ không nhớ tới chuyện bố mẹ mình là một mugích Nga hay một người chăn cừu xứ Ecosse. Có lần tôi hỏi một cô Mỹ thuộc thế hệ thứ hai: "Bố em có bao giờ nhắc tới Ba Lan không?". Cô đáp: "Không, không bao giờ mặc dù ông sinh ở đó". Ở đó chứ không phải "bên nhà".
Sao cái hồn Việt trong bà mẹ Cao Bằng, cậu con trai Cao Bằng tôi vừa quen lại sống dai dẳng đến thế? Sức bền của văn hoá Việt quả là đáng ngạc nhiên. Đáng mừng hay đáng lo đây?
Mừng vì được ăn chè đỗ xanh xôi vò cách nhà hàng ngàn dặm, do những người năm mươi năm xa xứ nấu; vì tiếng Việt không chết trong những người đau khổ đó; vì qua họ dân tộc Việt luôn hiện diện những nơi họ sống. Nhưng cũng lo, cũng ngậm ngùi.
Phải chăng cái hồn Việt ấy làm cho cuộc sống của những kẻ ly quê thêm nặng nề, thêm đau khổ. Phải chăng tình cảm sâu nặng với quê hương làm cho họ hội nhập với quê mới khó khăn thêm?
Theo những tin tức mới nhất, cho đến đầu năm 2007, cuộc bàn thảo, thương lượng về khu trại đã có những bước quyết định ban đầu. Nhà nước Pháp, đại diện là ANRU (Agence Nationale pour la Rénovation Urbaine - Cơ quan Quốc gia về đổi mới thành thị) - đã hoạch định xong một vài kế hoạch. sẽ có một con đường lớn nối khu trại với trung tâm thành phố cổ Saint Livrade để chấm dứt ấn tượng cô lập nhiều năm.
Khu trại sẽ dị dỡ bỏ vì không thể chấp nhận một khu ăn ở "mất vệ sinh", thiếu tiện nghi như thế. Người ta sẽ không dồn các bà già còn lại ở CAFI vào chung cư mà sẽ xây cho họ những cụm nhà riêng (Ilot), giã từ trại lính, họ vẫn được là hàng xóm của nhau, những khu nhà này có đầy đủ tiện nghi, có chùa Việt, nhà thờ Công giáo Việt, có khu chợ Việt, khu vui chơi giải trí. những người hiện nay không còn sống ở CAFI nhưng vẫn hưởng miễn phí nhà nghỉ hè thì nhà nước sẽ thu hồi lại.
Trả lời câu hỏi của phóng viên một tờ báo: "Liệu phản ứng của cư dân CAFI như thế nào?", người đại diện ANRU nói: "Tôi nhắc lại một lần nữa với họ rằng, những người Pháp gốc Việt về từ Đông Dương luôn bị cột chặt với việc bảo tồn bản sắc văn hoá và xã hội mạnh mẽ ngay trên những nơi ở mới này".
Như vậy, là dù ghẻ lạnh đến đâu, cuối cùng người ta cũng phải tính đến cái hồn Việt - cái bản sắc văn hoá và xã hội mạnh mẽ - của những người Việt xa xứ, dù họ ở chốn nào!
Nhà văn Nguyễn Quang Thân
Theo Lao Động
http://beta.tienphong.vn/kieu-bao/hon-viet-nam-o-cafi-111347.tpo
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.