Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

31/08/2017

Mẫu Liễu và phong trào dân tộc đầu thế kỉ XX, trường hợp Trần Tán Bình ở thập niên 1920 (tóm tắt nội dung)

Bài mới vừa ra lò, đã điểm tin ở đây (ngày 26/8/2017).

Bây giờ, tóm tắt nội dung của bài đã được phía xuất bản đưa lên mạng. Nên chép nguyên về đây.

Bản toàn văn thì sẽ post bổ sung khi nào tạp chí cho bản PDF lên mạng.


Ảnh lấy về từ Fb NTL




"

TÓM TẮT

Từ kết quả khảo cứu nội dung của một đối liễn được hai vị quan Trần Tán Bình và Đào Huân liên danh dâng cho ngôi đền Cổ Lương (Hà Nội) vào năm 1922, rồi đặt nó đồng thời vào trong bối cảnh trực tiếp là kinh lịch và tư tưởng của nhà khoa bảng Trần Tán Bình, và vào bối cảnh rộng rãi hơn là khuynh hướng thẩm thấu hay hấp dẫn nhau giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa siêu nhiên của xã hội Việt Nam ở đầu thế kỷ XX, bài viết này đã đưa đến một nhận thức mới. Đó là, tới đầu thập niên 1920, chính tâm thế của thời đại đã xây dựng nên hình ảnh đan lồng vào nhau của nữ thần Liễu Hạnh với các nữ anh hùng lẫy lừng trong lịch sử dân tộc. Lần đầu tiên hình ảnh Bà Trưng - Bà Triệu hiên ngang cưỡi voi ra trận được xuyên cài vào hình ảnh Mẫu Liễu áo đỏ giáng trần. Nữ thần Liễu Hạnh nhiệm màu vốn chưa từng được ghi chép vào chính sử, thì nay được sánh ngang với các nữ anh hùng xuất chúng có thực trong lịch sử chống ngoại xâm. Ở thời điểm đó, Mẫu Liễu không chỉ là nơi đón nhận sự ngưỡng vọng, tôn kính của lớp trí thức cựu học nhưng có tư tưởng canh tân mà lại phải dấn thân vào chốn quan trường như Trần Tán Bình, mà còn là một địa chỉ tin cậy để họ có thể giãi bày những tâm sự riêng tư.

Ngoài ra, bài viết còn đưa ra gợi ý về thời điểm xuất hiện tương đối sớm của ngôi đền Cổ Lương trong hệ thống các đền phủ thờ phụng Mẫu Liễu ở Thăng Long - Hà Nội. Rất có thể ở khoảng thời gian từ sơ kỳ tới hậu bán thế kỷ XVIII (1720 - 1770), khu vực làng Cổ Lương ở bên cạnh bến sông Tô Lịch ăn thông ra Sông Hồng, người ta đã bắt đầu thờ vọng Mẫu Liễu (có gốc từ Sòng Sơn và Vân Cát).

"
https://skhcn.thuathienhue.gov.vn/?gd=1&cn=211&tc=10661
















Toàn số tạp chí (số 3 năm 2017):


"
Ngày cập nhật 29/08/2017
Chu Xuân Giao. Hình ảnh Mẫu Liễu và phong trào dân tộc đầu thế kỷ XX: Trường hợp trí thức khoa bảng Trần Tán Bình với câu đối dâng năm 1922 cho đền Cổ Lương.

TÓM TẮT
Từ kết quả khảo cứu nội dung của một đối liễn được hai vị quan Trần Tán Bình và Đào Huân liên danh dâng cho ngôi đền Cổ Lương (Hà Nội) vào năm 1922, rồi đặt nó đồng thời vào trong bối cảnh trực tiếp là kinh lịch và tư tưởng của nhà khoa bảng Trần Tán Bình, và vào bối cảnh rộng rãi hơn là khuynh hướng thẩm thấu hay hấp dẫn nhau giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa siêu nhiên của xã hội Việt Nam ở đầu thế kỷ XX, bài viết này đã đưa đến một nhận thức mới. Đó là, tới đầu thập niên 1920, chính tâm thế của thời đại đã xây dựng nên hình ảnh đan lồng vào nhau của nữ thần Liễu Hạnh với các nữ anh hùng lẫy lừng trong lịch sử dân tộc. Lần đầu tiên hình ảnh Bà Trưng - Bà Triệu hiên ngang cưỡi voi ra trận được xuyên cài vào hình ảnh Mẫu Liễu áo đỏ giáng trần. Nữ thần Liễu Hạnh nhiệm màu vốn chưa từng được ghi chép vào chính sử, thì nay được sánh ngang với các nữ anh hùng xuất chúng có thực trong lịch sử chống ngoại xâm. Ở thời điểm đó, Mẫu Liễu không chỉ là nơi đón nhận sự ngưỡng vọng, tôn kính của lớp trí thức cựu học nhưng có tư tưởng canh tân mà lại phải dấn thân vào chốn quan trường như Trần Tán Bình, mà còn là một địa chỉ tin cậy để họ có thể giãi bày những tâm sự riêng tư.
Ngoài ra, bài viết còn đưa ra gợi ý về thời điểm xuất hiện tương đối sớm của ngôi đền Cổ Lương trong hệ thống các đền phủ thờ phụng Mẫu Liễu ở Thăng Long - Hà Nội. Rất có thể ở khoảng thời gian từ sơ kỳ tới hậu bán thế kỷ XVIII (1720 - 1770), khu vực làng Cổ Lương ở bên cạnh bến sông Tô Lịch ăn thông ra Sông Hồng, người ta đã bắt đầu thờ vọng Mẫu Liễu (có gốc từ Sòng Sơn và Vân Cát).


Lê Công Lý. Tiếp biến văn hóa Việt - Hoa qua tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương ở Nam Bộ.

TÓM TẮT
Thờ Ngũ Hành nương nương là dạng tín ngưỡng nữ thần đặc trưng của người Việt ở Nam Bộ. Tín ngưỡng này phổ biến ở Nam Bộ với mật độ rất khác nhau: cao nhất ở Sài Gòn – TP HCM và thấp dần ở các tỉnh xung quanh. Điều đó đã chỉ ra rằng, dạng tín ngưỡng này là sản phẩm của giao lưu văn hóa giữa lưu dân Việt, Hoa ở giai đoạn đầu.
Do mang thân phận lai tạp như vậy nên mức độ chính thống hóa của tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương rất thấp, bù lại là sự phức tạp của nó trong các dạng thức văn hóa dân gian như: sự cải biên, khế hợp với các dạng tín ngưỡng khác. Do đó, theo chúng tôi, đây chính là dạng tín ngưỡng dân gian tiêu biểu nhất ở Nam Bộ.



Nguyễn Thanh Lợi. Tín ngưỡng thờ Bà Hỏa ở Nam Bộ.

TÓM TẮT
Ảnh hưởng từ tín ngưỡng thờ Ngũ Hành của Trung Hoa, người Việt đã dân gian hóa tín ngưỡng thờ Ngũ Hành, tách nó ra thành những yếu tố riêng biệt như Thủy, Hỏa, Mộc… trong những điều kiện văn hóa riêng biệt để thực hành tín ngưỡng này.
Ở Nam Bộ, tín ngưỡng thờ Bà Hỏa khá hiếm hoi trong cộng đồng người Việt, chủ yếu ở người Hoa như trường hợp thờ Huê Quang Đại Đế, vị thần của lò gốm. Tín ngưỡng thờ Bà Hỏa cũng có sự tiếp biến văn hóa từ thần lửa Agni của Bà La Môn giáo, để biến thành Huê Quang Đại Đế. Hoặc có giao lưu văn hóa tín ngưỡng Việt-Hoa (miếu Hỏa Đức Tinh Quân ở Vĩnh Kim), Việt-Hoa-Khmer (Hỏa Đức Tự ở Sóc Trăng).



Lê Hải Đăng. Hát bóng rỗi và tín ngưỡng nữ thần ở Nam Bộ.

TÓM TẮT
Hát bóng rỗi là loại hình nghệ thuật tổng hợp có chức năng thực hành nghi lễ tại các cơ sở tín ngưỡng nữ thần ở Nam Bộ. Bài viết khảo về nghệ thuật Hát bóng rỗi qua 2 phần chính:
Ngôi miễu - trú sở thần linh và nơi trình diễn nghệ thuật Hát bóng rỗi.
Một số đặc điểm âm nhạc của Hát bóng rỗi.
Từ đó, tác giả kết luận, trong đời sống hiện đại, Hát bóng rỗi vẫn tồn tại phổ biến trong các cộng đồng dân cư ở Nam Bộ. Tuy nhiên do đặc điểm của quá trình hình thành và phát triển, Hát bóng rỗi chỉ tích hợp các loại hình nghệ thuật thay vì biến đổi tự thân để thích ứng với xã hội, do vậy, nó tất yếu sẽ mai một, đặc biệt là sự xuống cấp nhanh chóng về chất lượng nghệ thuật.



Trần Nguyễn Khánh Phong. Đặc điểm gia đình và dòng họ của người Ta Ôi ở Thừa Thiên Huế.

TÓM TẮT
Trong xã hội của người Ta Ôi, tổ chức gia đình và dòng họ luôn được cộng đồng coi trọng nhằm giữ vững sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với dòng họ và giữa các dòng họ với nhau bằng luật tục được quy định lâu đời và tồn tại cho đến ngày nay.
Bài viết khảo tả những đặc điểm gia đình và dòng họ của người Ta Ôi qua các nội dung chính: Cách tổ chức gia đình và dòng họ; Vai trò của người chủ gia đình và chủ dòng họ; Vai trò các thành viên trong gia đình; Sự biến đổi của dòng họ Ta Ôi hiện nay.  Sự gắn kết giữa gia đình và dòng họ đã giúp cho các bản làng của người Ta Ôi bảo lưu được các yếu tố văn hóa truyền thống, tồn tại ổn định trước những biến động không ngừng của đời sống hiện đại.



Nguyễn Xuân Hiển. Nếp cẩm nếp than.

TÓM TẮT
Bài viết giới thiệu sơ lược về đặc điểm, các thành phần hóa học cơ bản, phẩm chất, giá trị dinh dưỡng của các loại gạo tẻ và gạo nếp, đặc biệt là nếp cẩm và nếp than. Bài viết cũng đề cập vai trò của hai giống lúa nếp này trong bữa ăn hàng ngày cũng như trong đời sống tín ngưỡng của các dân tộc vùng Đông Nam Á - quê hương của những “hạt ngọc trời” mà cho đến nay con người vẫn chưa thể hiểu biết một cách thấu đáo.




Hoàng Đình Trung, Lê Trọng Sơn, Mai Phú Quý. Sử dụng côn trùng nước và một số nhóm động vật không xương sống cỡ lớn đánh giá nhanh chất lượng nước mặt Sông Bồ, tỉnh Thừa Thiên Huế.

TÓM TẮT
Nhóm tác giả sử dụng côn trùng nước và một số nhóm động vật không xương sống (ĐVKXS) cỡ lớn làm chỉ thị sinh học đánh giá nhanh chất lượng nước mặt Sông Bồ theo 08 điểm nghiên cứu thông qua hệ thống tính điểm BMWPViet và chỉ số sinh học ASPT. Kết quả phân tích mẫu vật thu được từ tháng 1/2015 đến tháng 11/2015 đã xác định được 21 họ côn trùng nước và 29 họ ĐVKXS cỡ lớn khác chủ yếu sống đáy: 6 họ thuộc 5 bộ, 2 lớp của ngành Giun đốt (Annelida); 20 họ thuộc 5 bộ, 2 lớp của ngành Thân mềm (Mollusca); 24 họ thuộc 7 bộ và 2 lớp của ngành Chân khớp (Arthropoda). Trong đó, có 38 họ tham gia vào hệ thống tính điểm BMWPViet. Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng môi trường nước mặt tại đây dao động trong khoảng từ mức “nước bẩn vừa α” (α - Mesosaprobe) đến “nước bẩn ít” (Oligosaprobe).



Nguyễn Thanh Minh. Quan điểm của Nhật Bản tại Biển Đông và hàm ý đối với chiến lược của Trung Quốc.

TÓM  TẮT
Về tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, Nhật Bản là quốc gia không liên quan trực tiếp, tuy nhiên Biển Đông có vai trò quan trọng trong tuyến hàng hải huyết mạch từ Trung Đông đến lãnh hải Nhật Bản. Do vậy, trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết, nhất quán về vấn đề Biển Đông và tạo ra những thách thức mới cho Trung Quốc, đặc biệt là tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc qua chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI. Bài viết nhằm góp phần làm rõ hơn sự can dự của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông và tác động của việc can dự đối với Trung Quốc trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược cường quốc biển.



Lê Vĩnh Trương. Chính sách mới của Tập Cận Bình và “Một vành đai - Một con đường”.

TÓM TẮT
Chính sách mới về kinh tế của Trung Quốc do Tập Cận Bình chủ xướng bao gồm 3 nội dung lớn: Thủy đạo Vàng, Khu Mậu dịch Tự do Thượng Hải và Một vành đai - Một con đường (One Belt One Road - OBOR). Trong đó, OBOR được xem là chiến lược hướng ngoại nhằm phát triển kinh tế, quân sự, địa chính trị… mở đường cho Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc hàng đầu thế giới. Bài viết trình bày tổng quan về Chính sách mới (Tân chính) đầy tham vọng của Trung Quốc, đồng thời cũng giới thiệu một số ý kiến phân tích, nhận định của các học giả quốc tế đối với các chính sách ấy. Cuối cùng là phần nhận xét của tác giả về ảnh hưởng và thế ứng xử của Việt Nam trước chiến lược Một vành đai - Một con đường của Trung Quốc.



Lê Vinh Quốc. Ba kiểu chương trình học và sự lựa chọn cho giáo dục nước ta.

TÓM TẮT
Bản Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT mới được công bố vào tháng 4/2017 đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp theo hướng băn khoăn về tính khả thi của nó. Thậm chí đã có người đề nghị nên nhập khẩu chương trình học của nước ngoài để đổi mới nền giáo dục nước ta. Tác giả bài viết này tán thành với ý kiến trên và cho rằng cần nghiên cứu ứng dụng Chương trình Tú tài phân ban của Pháp kết hợp với Chương trình Trung học Tổng hợp Đệ nhị cấp ở miền Nam trước năm 1975 để xây dựng một chương trình Giáo dục phổ thông phù hợp với hiện trạng đất nước.



Phạm Quang Ái. Hà Tông Quyền qua Mộng dương tập.

TÓM TẮT
Hà Tông Quyền là một quan chức và là một danh sĩ thời nhà Nguyễn. Tuy nhiên, sự nghiệp và di sản văn chương của ông chưa được quan tâm nghiên cứu. Trong tiểu luận này, ngoài phần tổng quan về hành trạng của Hà Tông Quyền, bước đầu, chúng tôi khảo sát Mộng dương tập (Giấc mộng trên biển), tập thơ ghi chép quá trình đi sứ sang Nam Dương (Indonesia) của sứ đoàn Đại Nam mà ông là thành viên tùy tùng đi theo phục dịch. Qua tác phẩm này, chúng ta có thể thấy được tấm lòng ưu quốc ái dân cũng như hồn thơ phóng khoáng, cởi mở của ông trước trời đất và con người của xứ đảo quốc.



Nguyễn Thị Dương. Một tài liệu Châu bản về việc xin làm Y sinh Thái Y Viện dưới đời vua Minh Mạng.

TÓM TẮT
Các thầy thuốc trong Thái Y Viện bất kể dưới triều nào cũng được tuyển chọn theo quy chế chặt chẽ. Tuy nhiên dưới đời Minh Mạng (1820-1840), Thái Y Viện triều Nguyễn lại nhận được một lá đơn của một vị thầy thuốc tự tiến cử mình và 4 người con, 1 người cháu xin vào làm tại Thái Y Viện. Thông qua việc tìm hiểu nguyên do xuất hiện lá đơn cũng như vì cớ gì mà người viết đơn không những không được thỏa ý nguyện mà còn bị vua Minh Mạng trách phạt, bài viết góp phần cung cấp thêm thông tin về hoạt động của Thái Y Viện triều Nguyễn.

"
https://skhcn.thuathienhue.gov.vn/?gd=1&cn=211&tc=10661

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.