Đăng lại một bài viết của nhà văn Bút Ngữ viết về người đồng hương Đào Nguyên Phổ. Đào Nguyên Phổ là thân sinh của Đào Trinh Nhất - một nhà báo, nhà văn, nhà khảo cứu có hạng ở Việt Nam thời 1930 - 1954.
Bài đã đăng trên Hồn Việt năm 2009.
Một chi tiết đáng chú ý của bài là thuật lại màn trả lời của chí sĩ họ Đào trước câu hỏi "thẩm tra" của nhà đương cục. Nội dung câu hỏi và trả lời là liên quan đến Hai Bà Trưng.
Nguyên văn bản công bố năm 2009 như ở dưới.
---
19 Tháng Mười 2009 7:00 SA
BÚT NGỮ
Phụ trách Đông Kinh Nghĩa Thục, là Hiệu trưởng cử nhân Lương Văn Can, Giám đốc Tú tài Nguyễn Quyền… Thầy dạy có hàng chục vị, tư tưởng tiến bộ, dạy không lấy thù lao hoặc lấy ít. Học trò có hàng trăm, lớn nhỏ, trai gái. Ngày dạy ba buổi, các môn sử, địa, toán, luân lý, cách trí, vệ sinh… Có những buổi diễn thuyết về hợp quần, ái quốc, kể chuyện các anh hùng chống giặc ngoại xâm lăng: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Trường soạn sách giáo khoa, làm sách báo tham khảo: Nam quốc vĩ nhân, Nam quốc lịch sử, Đăng cổ tùng báo… Đào Nguyên Phổ cùng tú tài Phạm Tư Trực, quê Thái Bình, làm việc biên soạn sách giáo khoa cho trường…
Sách Ấu học Hán tự tân thư có những câu nhắc nhở về dòng dõi xưa: “Ngô Tổ Hồng Bằng Thị… Ẩm hà đương tư nguyên” (Tổ ta họ Hồng Bàng… Uống nước sông nên nhớ nguồn). Có câu ngầm phê phán Gia Long “Phụ xà giảo gia kê” (Cõng rắn cắn gà nhà). “Quốc sỉ ngô thân sỉ” (Nước sỉ nhục thân ta sỉ nhục). Rồi phát huy truyền thống chống ngoại xâm: Bạch Đằng phá Nguyên sư / Chi lăng tẩu Tống binh / Hách hách thanh danh thùy / Tử tôn nghi tự cường / … (Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên / Ải Chi Lăng đuổi quân Tống / Còn rực rỡ tiếng tăm / Con cháu nên tự mạnh…).
Một trong những bộ sách quan trọng của Đông Kinh Nghĩa Thục là Văn minh tân học sách. Có câu: “Dân trí được đề cao thì trình độ văn minh chung cũng sẽ lớn lên và nền tảng văn hiến sẽ bền vững lâu dài”. Từ lập luận đó, các vị viết sách đã coi việc “mở trí khôn cho dân là một chủ nghĩa lớn”. Và mở mang dân trí có sáu cách: Một là dùng văn tự nước nhà (Cần học chữ Quốc ngữ); hai là hiệu đính sách vở (Lấy Nam sử làm chính); ba là sửa đổi phép thi cử; bốn là cổ vũ nhân tài; năm là chấn hưng công nghệ; sáu là mở Tòa báo.
Đào Nguyên Phổ được nhà trường phân nhiệm vụ viết bài, diễn thuyết, chủ yếu là về phần mở Tòa báo. Bởi ông có khả năng làm văn thơ, báo chương. Ông nói sâu về lợi ích của việc làm báo, nêu việc mở mang báo chí ở nhiều nước. Pháp có 1.230 Tòa soạn, Đức có 2.350, Mỹ có 14.150. Trung Quốc mở báo rất nhiều. Dân trí mở mang chính là nhờ đó. Thế mà nước ta chỉ ở Sài Gòn, Hải Phòng có báo viết bằng chữ Tây. Người đọc không được mấy. Báo viết bằng chữ Hán chỉ có một tờ Đại Nam đồng văn.
Ông mong có thêm những tờ báo viết bằng Quốc ngữ, thứ chữ dễ đọc, chỉ qua sáu tháng là đọc thông viết thạo. Sau đó, có tờ Đăng cổ tùng báo, theo xu hướng văn minh, chống hủ lậu, Đào Nguyên Phổ liền tham gia.
Cùng những bài viết về lịch sử nước nhà, ông cổ xúy cho việc dạy hay, học tốt của Đông Kinh Nghĩa Thục, cho sự thực hành sáu điểm trong sách Văn minh tân học.
Việc diễn thuyết, viết báo lúc này là xông xáo đấu tranh nên bị nhà cầm quyền theo dõi sát sao. Đào Nguyên Phổ có bút pháp khéo léo, giúp người đọc dễ hiểu những điều cần thiết, mà nhà cầm quyền không dễ bắt bẻ. Dẫu vậy, ông vẫn bị giám sát và đe dọa thường xuyên.
*
Viên chức sở Đốc lý Hà Nội trông coi về báo chương là Đờ-viê. Ông ta để ý rất nhiều tới Đào Nguyên Phổ, bởi ông là người nổi danh, viết nhiều, nói thẳng, chê bai kẻ nịnh hót.
Là người thuộc Truyện Kiều từ đầu đến cuối, viết cả một bài tổng luận về tác phẩm đó, đặt tên khá nổi là Khúc Nam Âm tuyệt xướng, được giới văn thơ khen hay. Đào Nguyên Phổ là một trong những linh hồn chính của Đông Kinh Nghĩa Thục, có nhiều bài in trên Đăng cổ tùng báo.
Vì thế ông ta theo dõi sát từng bài viết, câu nói của Đào Nguyên Phổ.
Một hôm, Đờ-viê gọi Đào Nguyên Phổ lên sở làm việc. Tuy biết Đào Nguyên Phổ hiểu Pháp văn nhưng Đờ-viê ngại trực tiếp đối thoại với một người thông minh sắc sảo, nên hỏi ông qua viên thông ngôn:
- Ai viết bài Bà Triệu cưỡi voi chống giặc xâm lăng?
- Thưa ngài… tôi viết. Đào Nguyên Phổ đáp.
- Sao anh không ký tên mình?
- Tôi ký tên hiệu của tôi: Tảo Bi.
- Nghĩa là gì?
- Tảo Bi, chữ Hán nghĩa là văn bia buổi sớm. Người ta buổi sớm thường minh mẫn, viết lúc đó thường đúng đắn.
Đờ-viê mím môi lẳng lặng, cặp mắt xám nhìn ông vẻ dò xét và dè dặt. Đờ-viê biết đối mặt với mình lúc này là kẻ chống Pháp và biết cách chống bằng các văn chương, trí tuệ. Đờ-viê nghiêm giọng, tỏ uy thế người có quyền:
- Anh viết bài đó với ý gì?
- Tôi thấy bà ấy tài cao hơn cả đàn ông: Cưỡi voi, đánh cồng…
- Anh muốn khơi gợi điều gì?
Đào Nguyên Phổ thấy viên quan Tây này muốn “nói lời ràng buộc”, nên nhanh trí ứng đáp:
- Tôi mới đọc một bài báo Trung Quốc. Họ viết về chuyện cô gái Jeanne d'Arc, người Pháp chống quân xâm lược Anh. Bài khá hay, khiến tôi nghĩ về Bà Triệu…
Đờ-viê cúi đầu, xoa xoa ria mép, nghĩ là mình vừa bị thua trong một cuộc đấu trí. Y đứng dậy đi đi lại lại. Chợt nhớ tới một bài khác của Đào Nguyên Phổ, liền chất vấn cho có chuyện:
- Tôi biết anh mới đưa in một bài quê kệch, nếu không muốn nói là tục tĩu.
Thoạt nghe, Đào Nguyên Phổ nóng mặt toan phản bác. Nhưng ông tự kiềm chế và nhớ lại. Gần đây, ông có cho đăng mấy câu lục bát dân dã, gây cười. Con gái mười bảy mười ba / Đêm nằm với mẹ, chuột tha mất l. / Chuột tha lên núi lên non / Chuột tha làm tổ cho con nó nằm. Rồi ông dịch sang chữ Hán, mời bạn đọc cùng dịch cho vui: Thiếu nữ thập thất thập tam / Dạ ngọa dữ mẫu, tí hàm thất âm / Tí hàm thượng đáo sơn lâm / Tí bao tí tử, dĩ âm vi sào.
Ông thuật lại và nhờ người thông ngôn dịch cho quan Tây rõ cái vẻ hài hước lý thú của bài.
Người thông ngôn vốn có thiện cảm với Đào Nguyên Phổ, hiểu thơ ca dân gian và dịch rất khá, khiến Tây nghe cũng nhếch mép mà không thấy tục. Đào Nguyên Phổ được dịp nói thêm bằng tiếng Pháp, lưu loát, tự tin:
- Đầu đuôi mấy câu là thế! Nó chỉ giúp cho người ta vui một chút… Đời nhiều buồn khổ, người ta thèm được vui. Nước tôi có hàng trăm chuyện tiếu lâm. Bên Trung Hoa có tờ báo mở đều chuyên mục Cười vui.
Đờ-viê vểnh mặt nhìn lên trần nhà lạnh toát, tỏ ra không để ý nữa. Song trước khi hết chuyện, y vẫn nghiêm giọng đe nạt:
- Nước Nam có câu “Bút sa gà chết”. Ông cầm bút viết báo cần phải nhớ câu đó!
Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động ôn hòa, hợp pháp, có giấy phép của Thống sứ Bắc Kỳ. Các trường nhánh lan ra hàng chục tỉnh từ Bắc Kỳ đến Trung Kỳ. Nội dung đa dạng, vượt khỏi phạm vi sở trường, diễn thuyết cổ vũ lòng ái quốc, tuyên truyền cho thực nghiệp, thực hành…
Tuy nhiên, trong trường nổi lên nhóm hội viên có xu hướng bạo động ngầm liên lạc với anh em ở trại lính Pháp. Đồng thời liên lạc với Đề Thám, nhằm có sự phối hợp từ trung du. Vụ “Hà Thành đầu độc” không thành công…
Pháp bắt hàng trăm người. Xử tử mười ba người, tù chung thân bốn người, còn lại đều xử tù, lưu đày biệt xứ. Một số người trốn thoát lên với Đề Thám.
Đông Kinh Nghĩa Thục cũng không thoát khỏi liên lụy: Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lai Đại, Dương Bá Trạc, Võ Hoành… Đào Nguyên Phổ bị liệt vào số người nguy hiểm, bị tróc nã khẩn cấp. Ông hướng về phía thành Hà Nội, nơi năm xưa Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết khi Pháp chiếm thành. Và tuẫn tiết tại một ngôi nhà nhỏ ở phố Hàng Than, không để mình sa vào tay địch. Ông còn để lại đôi câu đối:
- Hà Nội Long Thành thành mất người vẫn còn nghĩa lớn.
- Đông Kinh Nghĩa Thục trường tan ta gửi trọn lòng son.
---
BỔ SUNG
.
2. Đào Nguyên Phổ viết lời tựa cho Truyện Kiều (bản in của Kiều Oánh Mậu đầu thế kỉ XX)
Đoạn Trường Tân Thanh
bản Kiều Oánh Mậu
in năm Thành Thái Nhâm Dần (1902)
Tự
(của Đào Nguyên Phổ)
Ngã Việt tự Trần triều Hàn Thuyên thuỷ dụng Quốc âm vi thi phú, nhi Quốc âm văn thể hưng yên. Thượng lục hạ bát, trường đoản hợp độ, âm tiết khanh nhiên, tưởng diệc phỏng kinh sử thành cú nhi vi chi, Kiều Giá Sơn Tỳ bà tự ngữ chi tường hĩ.
Thế chi mô thử cách nhi phu vi quốc âm giả đa hĩ; dã vị lý âm bất kham trí vẫn giả thập bát cửu, Phan Trần, Hoa Tiên quân xưng kiệt xướng, vị miễn thuần, tì hỗ bán, nhã tục ứ văn. Cầu sở vị từ thành châu ngọc, điệu hiệp cung thương tắc duy Kim Vân Kiều nhất truyện.
Thị truyện dã, Quốc sơ Lễ bộ Hữu tham tri Tiên Điền Nguyễn Du y Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ nhi thành chi. Kỳ từ lệ dĩ ba, kỳ điệu viên nhi hưởng; kỳ tuyển liệu dã bác, kỳ tự sự dã tường; tiết thái cổ nhân chi diễm khúc tình từ, bàng cập ngã quốc chi phương ngôn ngạn ngữ, nùng tiêm tận trí, hoa dã kiêm thu. Ngôn tình tắc miêu hợp ly cam khổ chi hình, nhi tình bất ly cảnh; tự cảnh tắc hội tuyết nguyệt phong hoa chi thú, nhi cảnh tự kiêm tình, mặc dục vũ nhi bút dục phi, cú năng ngôn nhi tự năng ngữ, sử nhân tiếu, sử nhân thê, sử nhân lạc, sử nhân bi, sử nhân phản phúc thiên hồi, dũ thục nhi dũ bất năng yếm; tuân Nam âm chi tuyệt xướng, tình phổ chi tiên thanh dã. Cổ ngữ: “Đại trượng phu thưởng tụ tam bài, ẩm Chính Thái trà, độc Thuý Kiều truyện” chân thị hợp thú. Cố kim nhật hàn mặc chi khách, thoa quần chi lưu, dĩ cập cổ khách thôn hào, mạc bất thủ thử nhất biên, dĩ vi nhã thưởng. Tức mục bất thức đinh giả, học đắc kỷ cú, thường thường toạ ngoạ tụng chi. Y! Hà tuý nhân nhất chí thử da!
Dư sở vưu quái giả, thế nhân cầu chiêm bốc vấn, ứng dã như hưởng, hựu khả tác Quỉ Cốc linh kinh khán giả, hà tai? Khởi phi Thúy Kiều tài sắc vô nhị thiên cổ tuyệt đính tình nhân, thập ngũ niên gian, lịch duyệt phong trần, vi thiên cổ tuyệt đính tình sự, diễn chi vi truyện, lâm ly đốn toả, vi thiên cổ tuyệt đính tình từ. Thị Thanh Tâm Tài Nhân vưu vi quá chi. Kỳ nhân kỳ, kỳ sự kỳ, kỳ văn vưu kỳ, cố bất độc tuý nhân, nhi hựu năng thông thần dã dư?
Thị truyện ấn hành dĩ cửu, tự hoạch gián hữu suyễn thác, quan giả duyên mậu thừa ngộ, đa hiệp ý kiến nhi cưỡng vi chi giải. Dư tâm khế, Kiều Giá Sơn, Tự Đức niên gian Ất tiến sĩ dã, thiện vi quốc âm văn, tỉ quan nhật dịch tác Tỳ bà truyện, hựu thủ thị truyện nhi đính chính chi, kê dẫn sự điển, tỉ lãm giả liễu nhiên. Nhân Tham hiệp Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng sở định án văn, tăng Thổ quan, Ngư phủ nhị án, tính hệ dĩ thi, quán dĩ tự, kiến giả xưng vi bác nhã, giai khuyến phó tử dĩ hướng thẩm âm, nhi Giá Sơn dĩ văn quán sự phồn, vị hạ dã. Dư ư Ất Mùi toạ Giám, hữu thích lý công tử, huề lai tân bản kiến tặng, nhan viết Đoạn trường Tân thanh. Dư triển tụng chi, tắc tự châm, cú chước thoán cố sinh tân, nhi danh bút bình phê, cơ thần dược động. Tái phụng ngự phê liên cú, biền ư giản đoan. Giai nhân giai văn, nhất nhiễm thiên hương, đại vi tăng sắc, cố nghi ngâm vịnh giả trân du củng bích, truyền tả giả chỉ quí Lạc Đô dã. Kim hạ, dư tự Kinh trung vinh hồi tụ di Giá Sơn. Giá Sơn nhất kiến cuồng hỉ, nhân tường gia kiểm duyệt phó tử công hành, dĩ bác khoái đổ. Ngô tri thế chi tạ dĩ đào vịnh tính tình, kích dương phong nhã giả ư thị hồ đắc chi.
Thành Thái Mậu Tuất đông phục nguyệt thượng hoán
Mậu Tuất Nhị giáp Tiến sĩ Đình nguyên
Thái Bình Cần Giang Đào Nguyên Phổ
Hoành Hải chí
Bản dịch bài Tựa của Đào Nguyên Phổ
Trần Lê Nhân dịch
Nước Việt ta từ Hàn Thuyên đời Trần bắt đầu dùng quốc âm làm thơ phú, rồi thể văn quốc âm mới nổi lên. Thể trên sáu dưới tám, dài ngắn hợp độ, âm tiết dịu dàng, tưởng cũng là phỏng theo những câu có sẵn trong kinh sử mà làm ra. Bài tựa truyện Tỳ bà của Kiều Giá Sơn nói đã tường rồi vậy. Người đời phỏng theo cách ấy mà phu diễn ra quốc âm có đã nhiều. Nhưng mùi dã lời quê, mười phần thì đã đến tám chín, không đáng nói đến. Truyện Phan Trần, Truyện Hoa tiên, người ta đều khen là kiệt xướng, song cũng chưa thoát khỏi còn có câu hay câu dở, chỗ nhã chỗ tục. Muốn cầu cho được áng văn lời như châu ngọc, điệu hợp cung thương thì chỉ có truyện Kim Vân Kiều mà thôi.
Truyện này là của cụ Nguyễn Du, người Tiên Điền, làm Hữu tham tri bộ Lễ buổi đầu bản triều, y theo cuốn truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà làm ra. Lời lẽ xinh xắn mà văn hoa, âm điệu ngân vang mà tròn trịa, tài liệu chọn rất rộng, sự việc kể rất tường, lượm lặt những diễm khúc tình từ của cổ nhân; lại góp đến cả phương ngôn ngạn ngữ nước nhà, mặn mà vụn vặt không sót, quê mùa tao nhã đều thu. Nói tình thì vẽ được hình trạng hợp ly cam khổ, mà tình không rời cảnh, tả cảnh thì bày hết thú vị tuyết nguyệt phong hoa, mà cảnh tự vướng tình, mực muốn múa mà bút muốn bay, chữ hay phô mà câu hay nói, khiến người cười, khiến người khóc, khiến người vui, khiến người buồn, khiến người giở đi giở lại ngàn lần, càng đọc thuộc lại càng không biết chán, thật là một khúc Nam âm tuyệt xướng, một điệu tình phổ bực đầu vậy.
Lời xưa có nói: “Làm trai biết đánh tổ tôm, uống chè Chính Thái xem Nôm Thúy Kiều” mới là hợp thú tao nhã. Ngày nay nào khách văn chương, bạn thoa quần, cho đến kẻ buôn bán, người thôn hào, không ai là không có một quyển Kiều cầm tay để thưởng thức. Ngay như cả những người không biết lấy một chữ mà cũng học thuộc được vài câu, cũng thường khi nằm khi ngồi đem ra ngâm ngợi. Ôi ! Sao mà lại có văn làm say người đến thế? Còn một điều, tôi lấy làm lạ hơn nữa là người đời dùng để bói, thì thấy ứng nghiệm như thần, mà xem tựa linh kinh Quỷ Cốc, là bởi làm sao? Há chẳng phải tại: Thuý Kiều có tài sắc không hai, làm một bạc tình nhân tuỵêt đỉnh nghìn đời; mười lăm năm lịch duyệt phong trần, nên một thiên tình sự tuyệt đỉnh từ tuyệt đỉnh nghìn thu, đem so với bản thân của Thanh Tâm Tài Nhân lại càng hay hơn nhiều lắm; người đã kỳ, việc lại kỳ, văn lại càng kỳ, nên chi chẳng những làm say người đọc mà lại có thể thông cảm thần minh nữa chăng?
Truyện Kiều ấn hành đã lâu, nét chữ có chỗ nhầm, người xem do cái nhầm này mà ra cái lẫn khác, phần nhiều cứ lấy ý kiến riêng mà cưỡng giải. Bạn thân tôi là Kiều Giá Sơn, đỗ Phó bảng triều Tự Đức, sành làm văn quốc âm, ngày làm quan ở tỉnh Bắc đã soạn truyện Tỳ bà, nay lại đem truyện này đính chính, kê dẫn điển tích cho người xem hiểu rõ; và nhân văn án của Tham hiệp tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng đã định, Giá Sơn có làm thêm hai bản án thổ quan và ngư phủ, lại vịnh cả thơ và đề cả tựa. Ai thấy đều khen là bác nhã và khuyên cho in để cống hiến người sành thơ văn. Nhưng Giá Sơn vì bận công việc báo quán Đồng văn, chưa rỗi để làm việc đó.
Năm Ất Mùi (1895) tôi đương học ở Quốc tử giám, có công tử họ ngoại nhà vua cầm đến tặng tôi một bản Kiều mới, nhan đề là Đoạn trường tân thanh. Tôi mở ra đọc, thấy châm chước từng chữ, từng câu, thay cũ đổi mới; danh bút phê bình, cơ thần linh động. Lại được vua phê cho đôi câu đối nêu ở đầu sách; người đẹp văn hay, được đoá thiên hương làm tăng thêm khí sắc. Vậy nên người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, người truyền nhau sao chép, giá giấy đắt như “giấy quỳ Lạc đô”.
Mùa hè năm nay, tôi ở kinh vinh quy, mang sẵn bản Kiều ấy đưa biếu Giá Sơn. Giá Sơn trông thấy liền mừng cuống lên, nhân gia công kiểm duyệt tinh tường, rồi khắc in để cho nhiều người thưởng thức. Tôi tin chắc rằng người đời muốn lấy cái mà hun đức tính tình, kích dương phong nhã, cũng do ở bản Kiều này mà được vậy.
Thượng tuần tháng mười một, mùa đông năm Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái.
Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ khoa Mậu Tuất
Đào Nguyên Phổ tự Hoành Hải quê Cần Giang, Thái Bình cẩn chí.
http://www.thivien.net/forum/T%E1%BB%B1a-Truy%E1%BB%87n-Ki%E1%BB%81u/topic-RFLL7QmxIAtjETgw2z9Z4w
1. Nơi quê nhà 2014
Khai trương tủ sách dòng họ Đào Nguyên Phổ
Chủ nhật, 21.09.2014 | 16:52:18
Sáng ngày 21/9, tại thôn Thượng Phán (xã Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ), Hội đồng gia tộc ngành 3 họ Đào tổ chức khai trương tủ sách dòng họ Đào Nguyên Phổ.
Các đại biểu tham quan Tủ sách dòng họ Đào Nguyên Phổ.
Tủ sách dòng họ Đào Nguyên Phổ do ông Đào Duy Mẫn khởi xướng thành lập nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh, người dân trong thôn, xã có dịp tiếp cận những cuốn sách hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư. Với hơn 600 cuốn sách lịch sử, văn hóa, địa lý, tự nhiên… Tủ sách mở cửa phục vụ người đọc từ 13-15 giờ các ngày Chủ nhật.
Tại lễ khai trương, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh, Bảo tàng tỉnh, một số tập thể và cá nhân đã tặng sách cho Ban quản lý tủ sách dòng họ Đào Nguyên Phổ nhằm đa dạng hóa, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người đọc.
Vũ Hường
Lể khai trương tủ sách dòng họ Đào Nguyên Phổ
Sáng 21 tháng 9 năm 2014, tại đình làng thôn Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, ngành thứ 3 dòng họ Đào đã tổ chức lễ khai trương tủ sách dòng họ Đào (mang tên tủ sách Đào Nguyên Phổ).
Về dự Lễ khai trương tủ sách có đồng chí Trương Thị Hồng Hạnh – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo một số phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Sở, lãnh đạo chính quyền địa phương cùng nhiều tổ chức, cá nhân, con cháu của dòng họ và nhân dân địa phương.
Xuất phát từ tâm nguyện và sự ủng hộ của con cháu trong dòng họ; được sự quan tâm, tài trợ sách, báo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn hoá, Thể thao huyện, Thư viện huyện Quỳnh Phụ, cùng các tổ chức, cá nhân yêu mến và quan tâm đến phong trào đọc của quê hương, vốn sách ban đầu của Tủ sách đã lên đến trên 1.000 bản.
Tủ sách được đặt tại từ đường của dòng họ Đào, phục vụ nhu cầu đọc của con em trong họ tộc và nhân dân trên địa bàn xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ một cách nhanh chóng, thuận tiện và thiết thực.
Tính đến thời điểm này, tại huyện Quỳnh Phụ đã có 25 tủ sách dòng họ được hình thành và hoạt động hiệu quả, cũng là huyện có nhiều tủ sách dòng họ nhất trong toàn tỉnh. Việc hình thành các tủ sách dòng họ đã góp phần tích cực thúc đẩy phong trào đọc trong cộng đồng ngày càng phát triển, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới ở huyện Quỳnh Phụ nói riêng và trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói chung.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương tủ sách, đồng chí Trương Thị Hồng Hạnh – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ghi nhận tâm nguyện của dòng họ và ý nghĩa thiết thực của mô hình này, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan trong ngành và đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để mô hình tủ sách dòng họ được duy trì, nhân rộng và phát triển bền vững.
Ảnh: Đồng chí Trương Thị Hồng Hạnh – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao tặng sách cho tủ sách Đào Nguyên Phổ
Thư viện tỉnh Thái Bình
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.