Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

18/07/2017

Thần điện Việt Nam : Tứ Bất Tử và Tứ Linh (bài Bách Việt)


Bài lấy về từ trang Bách Việt Trùng Cửu.

---








Các bộ tứ trong thần điện Việt: Tứ bất tử và Tứ linh


TỨ BẤT TỬ
Bộ tứ tiếp theo thường được nhắc đến là Tứ bất tử. Quan niệm rằng tứ bất tử là biểu trưng hóa các giá trị tinh thần trong các lĩnh vực đời sống xã hội của dân gian là không chính xác. Hầu hết các thần linh Việt đều là biểu trưng của các giá trị này như đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tình yêu đôi lứa, lao động sản xuất,… Nhưng tại sao lại chỉ có 4 vị được gọi là bất tử?

Bất tử là khái niệm và mục tiêu tu hành của đạo Giáo hay đạo Thần tiên. Các đạo sĩ tu hành nhằm hóa thành tiên, tức là thành những người bất tử, bất diệt. Vì thế các vị thánh bất tử đầu tiên phải là những đạo sĩ hay tu sĩ, có khả năng làm cho mình trở nên “bất tử” dưới các hình thức khác nhau.
Đứng đầu các vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh. Khác với việc là vua cha cai quản Nhạc phủ, Tản Viên Sơn Thánh được gọi là bất tử vì ông có phép thần là cây gậy thần do Thái  Bạch Tử Vi thần tướng trao tặng trên núi Ba Vì. Cây gậy thần này có khả năng làm cho người chết sống lại, Tản Viên đã từng dùng nó để cứu sống con rắn thần, là con của Long Vương, nên Tản Viên lại được nhận thêm cuốn sách ước khi đi xuống thăm thủy cung Động Đình.
Gậy thần sách ước của Tản Viên là Hà thư Lạc đồ, là 2 bảo vật mà Đại Vũ đã nhận được từ Phục Hy trong truyền thuyết Trung Hoa. Tản Viên Sơn Thánh không ai khác chính là vua Đại Vũ trị thủy nổi tiếng, nhờ biết vận dụng những kiến thức khoa học về trời đất (Hà Lạc) của thời hồng hoang, chinh phục thắng lợi cơn hồng thủy, khởi dựng nên nước Việt. Nơi Đại Vũ khơi thông dòng Hắc Thủy là cửa Long Môn, tức là khu vực Thác Bờ trên dòng sông Đà (sông Đen) ở Hòa Bình. Công nghiệp của Đại Vũ – Tản Viên gắn với ngọn núi Ba Vì và dòng sông Đà.
Đứng thứ hai trong các thần bất tử không phải là Phù Đổng Thiên Vương mà là Chử Đồng Tử hay còn gọi là Chử Đạo Tổ. Thứ bậc trong tứ bất tử xác định bởi năng lực “bất tử” của các vị thần này và thời gian xuất hiện của họ. Những vị thần có năng lực càng cao thì sẽ xuất hiện càng sớm trong dòng lịch sử dân gian. Chử Đồng Tử là người đi tu tiên, cho dù truyền thuyết kể là đi thụ giáo lão Phật Quang ở Quỳnh Lâm. Phật ở đây chỉ có nghĩa là người tu hành đắc đạo, không có nghĩa là đạo Phật như ta hiểu ngày nay, vì thời Chử Đồng Tử đã làm gì có ông Thích Ca Mầu Ni ra đời mà có Phật giáo.
Phép bất tử của Chử Đạo Tổ (cái tên Đạo Tổ chỉ rõ đây là một Đạo sĩ) nằm ở cây gậy và chiếc nón (trượng lạp). Cùng với sự hỗ trợ của công chúa Tây Sa (thực ra là Tây Vương Mẫu) Chử Đồng Tử đã dùng cây gậy đầu sinh đầu tử này đi cứu chữa cho nhân dân. Chử Đồng Tử và Tiên Dung là cách kể khác của các vị thần bất tử Hậu Nghệ và Hằng Nga trong truyền thuyết Trung Hoa. Hậu Nghệ là người đã làm gián đoạn nhà Hạ thời Hạ Thái Khang (tranh ngôi theo kiểu lấy con gái vua mà không được sự đồng ý), rồi sau đó cùng Hằng Nga bay lên cung trăng. Truyền thuyết Việt kể thành truyện Đầm Nhất Dạ, trong một đêm Chử Đồng Tử và Tiên Dung cùng lâu đài thành quách phút chốc bay về trời.
Vị trí thứ ba của thần bất tử được gọi là Phù Đổng Thiên Vương. Tuy nhiên, đức Thánh Dóng làng Phù Đổng mà gọi là bất tử rõ ràng là không phù hợp, vì Thánh Dóng không hề đi tu ngày nào và không hề có phép bất tử. Ở đây các nhà bác học đã nhầm. Vị thần bất tử thứ ba là Đổng Thiên Vương hay Huyền Thiên đại thánh. Chứng thực điều này là đền Bộ Đầu ở bên sông Hồng (thuộc xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội), nơi thờ Đổng Thiên Vương Huyền Thiên đại thánh. Huyền Thiên là vị thánh đã giúp An Dương Vương trừ yêu diệt quỷ ở núi Thất Diệu khi xây thành Cổ Loa. Huyền Thiên Trấn Vũ không phải ai khác chính là vị Lão Tử nổi tiếng, vị đạo tổ của đạo Giáo Trung Hoa. Gốc tích thành nghiệp của Lão Tử là ở Cổ Loa, nơi đền Sái trên núi Thất Diệu thờ Huyền Thiên và làng Thổ Hà nơi thờ Thái Thượng Lão Quân.
Lão Tử được gọi là bất tử thì khá dễ hiểu vì ông là Thái Thượng Lão Quân, chuyên nghề luyện kim đan giúp con người sống trường sinh bất lão. Hiểu nôm na thì Huyền Thiên Lão Tử vốn là một đạo sĩ bác sĩ, đã giúp nhân dân phòng chống đại dịch Xích Tị hay dịch hạch vào thời giao kỳ giữa Tây Chu và Đông Chu. Xét về thời gian và năng lực như vậy thì rõ ràng Lão Tử đứng thấp hơn Đại Vũ Tản Viên và Hậu Nghệ Chử Đạo Tổ vì không có phép cải tử hoàn sinh mà chỉ có thuật trẻ mãi không già.

Gác chuông đền thánh Nguyễn ở Gia Viễn (Ninh Bình).
Riêng vị trí thứ tư của Tứ bất tử lại có tới 3 người từng được xếp ở đây. Đó là Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không và thánh mẫu Liễu Hạnh. Đặc điểm rõ ràng là cả 3 vị này đều là những đạo sĩ. Nguyễn Minh Không theo bia ở chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định) còn được gọi là “Đại pháp sư”. Khả năng của các vị này khá hạn chế, còn chưa được trường sinh bất lão như Huyền Thiên Lão Tử. Các vị vẫn phải “hóa”, rồi tái sinh chuyển thế. Như Từ Đạo Hạnh hóa sinh thành Lý Thần Tông hay nhất là thánh mẫu Liễu Hạnh có tới 3 lần sinh hóa. Ở vị trí này ảnh hưởng của đạo Phật thấy cũng khá rõ vì Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không đều là các nhà sư, còn Liễu Hạnh công chúa đã quy y Phật sau trận chiến ở Sòng Sơn. Bản thân khái niệm “hóa sinh” hay luân hồi là khái niệm của Phật giáo, không phải gốc của đạo Giáo.

Chính điện Sòng Sơn (Thanh Hóa).
TỨ LINHTứ linh là khái niệm ngày nay ít được nhắc tới, nhưng đó từng là khái niệm được ghi nhận đối với thần điện Việt. Lời tiếm bình Việt Điện u linh của tiến sĩ thời Lê là Cao Huy Diệu chép “Hương, Bổng, Đổng, Đằng là bốn vị tối linh của nước ta”. Vậy Hương Bổng Đổng Đằng là những ai?

Đình Ninh Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) nơi thờ Lý Ông Trọng.
Thần Hương: khá rõ là Thụy Hương Lý Ông Trọng. Lý Thân là một đại tướng, phò mã của Tần Thủy Hoàng, trấn giữ giặc Hung Nô hay người Hồ (Hung Nô thiết Hồ), tức là người Chiêm ở vùng Tây Nam nhà Tần. Vì thế Lý Thân còn gọi là đức thánh Chèm (chính xác là Chiêm vì Từ Liêm thiết Chiêm). Lý Thân mất, Tần Thủy Hoàng vô cùng thương tiếc cho đặt làm tượng đồng và để ở Hàm Dương, đe dọa Hung Nô. Hàm Dương thiết Hương, tức là tượng đồng Ông Trọng đặt ở ngay làng Thụy Hương chứ chẳng phải ở tận Thiểm Tây ở phía Bắc.
Đặc biệt là khái niệm Tứ linh được sắp xếp theo đúng Ngũ hành. Thần Hương chiếm phương vị ở phía Tây, dùng màu trắng (vợ của Lý Thân là Bạch Tĩnh Cung công chúa), tượng là Chim (Chiêm).
Thần Bổng: tìm khắp thần điện Việt không thấy vị nào có tên là Bổng cả. Nhưng lại có Phù Đổng thiết Phổng – Bổng. Thần Bổng chính là Phù Đổng Thiên Vương Thánh Dóng, người đã ăn cơm cà mà lớn nhanh như thổi, phi ngựa sắt làm nên cuộc chiến thần thánh, đánh Trụ diệt Ân, khai quốc Văn Lang ngàn năm bay bổng. Thánh Dóng sau trận chiến đã về nơi núi Sóc mà bay bổng về trời. Xét về phương vị thần Bổng chiếm hướng Nam hay hướng Sóc, dùng lửa (ngựa phun lửa).
Thần Đổng: như đã biết Đổng Thiên Vương chính là Huyền Thiên Trấn Vũ hay Lão Tử, vị tổ của đạo Giáo. Phương vị của Đổng Thiên Vương rõ ràng là hướng Bắc, màu đen (Huyền). Linh vật là Rắn và Rùa. Huyền Thiên trong các tượng thờ thường được thể hiện là vị thần có khả năng khiển quy xà, với hình thanh xà kiếm, chống lên lưng rùa.
Thần Đằng: thần Đằng Châu hay vua Mây họ Phạm ở Hưng yên, được nói tới với khả năng hô mưa gọi gió, hiển linh làm nửa phần sông tạnh, nửa phần mưa. Truy nguyên nguồn gốc thì đây chính là Sĩ Nhiếp hay Phạm Tu, người đã duy trì nền tự trị của Giao Châu trong vòng 40 năm thời loạn cuối thời Đông Hán và Tam Quốc. Sĩ Nhiếp là một tu sĩ Bà La Môn, theo thầy Khâu Đà La trong truyện Man Nương, thờ thần dông tố Indra, được biến tướng trong tín ngưỡng dân gian thành Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Vua Mây cũng là có nghĩa như vậy. Vua của mây cũng là Rồng nên thần Đằng chiếm phương Đông (Đằng), có tượng là rồng.
Như thế Tứ linh là những nhân thần có công lớn, rất được tôn sùng, trở nên linh thiêng ở 4 hướng Đông Tây Nam Bắc. Biểu tượng Tứ linh còn gắn với bộ 4 linh vật là Long Ly Quy Phượng, tuy ở vị trí Tây và Nam ở đây có sự hoán đổi: chim Phượng lại gắn với Lý Ông Trọng ở hướng Tây, còn loài động vật lông mao (Ly ở đây thay bằng Ngựa phun lửa) của hướng Tây lại gắn với thần Bổng của Sóc phương.





http://asakicorp.com/bachviet18/?p=2511

1 nhận xét:

  1. LẦN ĐẦU TIÊN... TÔI NGHE ĐƯỢC NHỮNG THÔNG TIN NÀY (ĐỔNG THIÊN VƯƠNG & THẦN ĐẰNG NGẠC NHIÊN VỀ SỰ LÝ GIẢI NGUỒN GÔC.(?). E RẰNG BÀI VIẾT NÀY VÀ CÁCH LÝ GIẢI...LÀ DO NGƯỜI TÀU VIẾT RA? THEO TÔI, TÁC GIẢ CẦN DẪN NGUỒN VÀ TÀI LIỆU GỐC THÌ MỚI THUYẾT PHỤC !

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.