Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

06/06/2017

Thờ Hồ Chủ tịch ở vùng Nam Bộ


Một cuốn sách xuất bản năm 2017.

Cùng một số bài viết, lấy về từ các nơi.




---

1. Sách xuất bản năm 2017



    Tác giả: Nguyễn Thị Đức
    Khổ sách: 14x20
    Số trang: 360
    Năm xuất bản: 2017
    Thể loại: Truyền thống - Lịch sử - Tham khảo
    Nhà xuất bản: Văn hóa - Văn nghệ
    Mã sách NXB: 682017
    ISBN: 978-604-68-3427-4
---------------------- SẮP PHÁT HÀNH  -----------------------
XUẤT BẢN PHẨM NHÀ NƯỚC ĐẶT HÀNG
Tác giả: Nguyễn Thị Đức
Tín ngưỡng tôn giáo là một hiện tượng xã hội đã tồn tại từ rất lâu đời, nó luôn chứa đựng những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn cao cả, đạo đức nhất định của mỗi con người qua từng giai đoạn của diễn trình lịch sử. Mỗi người dân luôn chọn cho mình một niềm tin, một tín ngưỡng, một thần tượng để học tập và noi theo những tấm gương đó. Sự học tập và noi theo tấm gương tốt đã được ông cha ta hun đúc từ xa xưa và dần trở thành một đạo thờ cúng giống như thờ cúng tổ tiên. Điều này, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, gia tăng những yếu tố nhân văn cao cả, kích thích sự sáng tạo văn hóa, lối sống văn hóa lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa vươn tới sự hoàn mỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng dân tộc. Người không những trở thành niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam mà còn của nhân dân thế giới bởi sự giản dị, mộc mạc, chân thật, thẳng thắn, cởi mở, thân thiện với mọi người, kiên định, sắc sảo trong mọi quyết định, nhưng cũng uyển chuyển, linh hoạt trong công việc, sẵn sàng giúp đỡ, chỉ bảo cặn kẽ mọi người, từ các cháu nhi đồng đến cả những người lớn tuổi. Sự tôn trọng, yêu mến, thương yêu của Người đối với mọi người dân Việt Nam và thế giới đã làm mọi người yêu quý, kính trọng, mến phục, thần tượng Người.
Do bối cảnh đặc biệt của đất nước mà phần lớn đồng bào và chiến sĩ miền Nam chưa một lần được gặp Bác và phải chăng vì thế mà tình yêu thương của họ dành cho Người ngày càng chất chứa nhiều hơn và trở nên lớn hơn. Sự tôn kính, yêu thương vô bờ bến của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trong tâm khảm của mỗi người mà nó được thể hiện bằng hành động, chính là sự tự giác, tự nguyện, sự đồng tâm hợp lực trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Mỗi người dân miền Nam xa xôi khi nghe tin Bác qua đời, tiếng khóc nghẹn ngào, nước mắt tự nhiên cứ tuôn chảy dài trên khuôn mặt của trẻ thơ lẫn người già. Đây là nỗi đau mất mát lớn không chỉ của đồng bào miền Nam mà là nỗi đau mất mát của cả dân tộc Việt Nam.
Để thể hiện tình yêu vô bờ với Bác, đồng bào miền Nam đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, bom đạn của kẻ thù đang xâm lược miền quê của mình, cùng nhau góp sức lập nên những bàn thờ, đền thờ để thờ cúng Bác Hồ. Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của mỗi vùng, mỗi tỉnh, mỗi địa phương, việc xây dựng đền thờ Bác trong thời kỳ chiến tranh với các nguyên vật liệu đơn sơ, mộc mạc bằng cây, lá dừa hoặc bằng gạch, cát,... được người dân tình nguyện đóng góp cùng với các Đảng bộ và nhân dân vùng kháng chiến lập nên.
Trải qua hơn 40 năm từ khi Bác Hồ qua đời, các di tích đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một số nơi đã được chuyển đổi vị trí do chiến tranh tàn phá, thiên tai, nhưng vẫn được chính quyền các cấp ủng hộ, người dân địa phương đã đóng góp tiền của và công sức để sửa chữa, trùng tu, hoặc xây dựng mới, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi địa phương để có được những đền thờ Bác Hồ như ngày nay.
Nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, hay bạn bè quốc tế khi đến đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đều mang tâm trạng bồi hồi, xúc động, tràn đầy niềm tin hòa lẫn sự thiêng liêng khi thắp những nén hương trước di ảnh của Người. Những việc làm ấy của người dân được hình thành một cách tự nhiên và không lâu sau đó đã lan rộng dần theo thời gian và không gian, trở thành một hành vi quen thuộc, một truyền thống, một phong tục tốt đẹp, đó là tín ngưỡng thờ cúng Bác Hồ của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, hàng năm vào các ngày lễ lớn của đất nước, ngày sinh, ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền và người dân đồng bằng sông Cửu Long, nơi có các đền thờ Bác Hồ đã tổ chức kỷ niệm long trọng, trang nghiêm, tôn kính, và thiêng liêng. Những hành động ấy trở thành nét sinh hoạt văn hóa, có nguồn gốc từ tín ngưỡng truyền thống dân gian mà đối tượng dân chúng thờ phụng chính là Bác Hồ. Từ đây, các hoạt động văn hóa ở đền thờ Bác Hồ là một hình thức tín ngưỡng đan kết với các hình thức của đạo thờ Tổ tiên và tín ngưỡng tôn giáo của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, thấm đượm đạo lý uống nước nhớ nguồn, là cách ứng xử của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long. Các sinh hoạt văn hóa ở đền thờ Bác Hồ đã tiếp nhận cội nguồn xa xưa của tín ngưỡng truyền thống và được tiếp thêm tinh thần thời đại để có sức sống trường tồn trong xã hội hôm nay. Điều này đặt ra vấn đề nghiên cứu thú vị về một hiện tượng tín ngưỡng mới, một không gian thiêng được lập nên từ niềm tin thiêng liêng với vị lãnh tụ dân tộc.
Việc nghiên cứu về lãnh tụ, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ trước đến nay là công việc của rất nhiều tổ chức, của nhiều người, nhiều thế hệ. Công trình này của chúng tôi chỉ là sự cố gắng của một cá nhân vì lòng kính trọng, ngưỡng mộ đối với Bác Hồ, nhằm góp sức vào sự nghiệp chung. Tuy đã cố gắng nỗ lực rất nhiều, nhưng cũng khó tránh khỏi những thiếu sót, mong bạn đọc lượng thứ. Và nếu cuốn sách này đáp ứng được phần nào sự quan tâm của bạn đọc, thì đó là sự khích lệ động viên, là mong ước của tác giả.
Để hoàn thành được công trình này, tác giả xin được chân thành cám ơn sự ủng hộ và giúp đỡ tận tình của GS.TS. Nguyễn Xuân Kính, GS.TS. Lê Hồng Lý, GS.TS. Trương Quốc Bình, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm cùng các Thầy, Cô thuộc Học viện Khoa học Xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam... đặc biệt, hết sức cám ơn sự hướng dẫn giúp đỡ của lãnh đạo, cán bộ các Bảo tàng tỉnh, thành phố, các ban Quản lý di tích đền thờ Bác Hồ, Ủy ban Nhân dân các xã có đền thờ,... các nhân chứng lịch sử đã từng tham gia xây dựng, bảo vệ đền thờ Bác trong thời kỳ chiến tranh, cũng như các gia đình, và nhiều cá nhân cùng bạn bè thân hữu đã nhiệt tình hỗ trợ tác giả hoàn thành công việc trong quá trình tổ chức thực hiện các đợt điền dã tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
N.T.Đ

http://www.nxbvanhoavannghe.org.vn/tuc-tho-bac-o-dong-bang-song-cuu-long.html



NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA - VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

    HOCHIMINH CITY CULTURE–LITERATURE AND ARTS PUBLISHING HOUSE
    Số 88-90 đường Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp.HCM
    ĐT: (08) 38 216 009 | Fax: (08) 39142890
    Email: nxbvhvn@nxbvanhoavannghe.org.vn hoặc nxbvanhoavannghe@yahoo.com.vn
    CỬA HÀNG GIỚI THIỆU SÁCH:
    Số 310-310A đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Tp.HCM
    Số 93 Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh, TPHCM
    GIAN HÀNG ĐƯỜNG SÁCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
    M-03 Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP HCM








2. Một bài viết năm 2014






Tín ngưỡng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đồng bằng Sông Cửu Long

Nguyễn Thị Đức

Với hình thái tín ngưỡng dân gian, dân tộc ta vốn có truyền thống tôn thờ những người có công đức với dân với nước. Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngoài việc lập làng, lập đình thờ thành hoàng bổn cảnh, những người có công khai sáng, dựng làng, giữ nước, nhân dân còn lập những đền, phủ, miếu thờ danh nhân, thần linh. Giá trị văn hóa truyền thống đó cũng được kết tinh lại thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hay đạo thờ ông bà (1).

1. Đền thờ Bác Hồ, cơ sở tín ngưỡng dân gian của cư dân ĐBSCL

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất năm 1969, hệ thống các di tích đền thờ ở các tỉnh ĐBSCL gần như được xây dựng đồng loạt để tưởng niệm Người. Mọi sinh hoạt văn hóa ở các đền thờ Bác Hồ có nguồn gốc từ tín ngưỡng truyền thống, đối tượng mà dân chúng thờ phụng là Hồ Chí Minh - người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một nhân cách văn hóa lớn. Đây là loại hoạt động văn hóa đặc biệt, một hình thức tín ngưỡng đan kết giữa đạo thờ tổ tiên và tín ngưỡng của cư dân ĐBSCL, thấm đượm đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Đền thờ Bác Hồ liên quan đến lịch sử chiến đấu và xây dựng đất nước của nhân dân các tỉnh ĐBSCL, nơi ghi lại chiến công của những người con Nam Bộ đã góp công sức, máu thịt cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nội dung trưng bày trong các đền thờ Bác Hồ gồm hình ảnh, tư liệu, hiện vật nói lên tình cảm sâu sắc của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ, bắt nguồn từ ý thức dân tộc, đồng thời mang màu sắc, dấu ấn của tập quán, nếp sống, tín ngưỡng dân gian địa phương.

Đền thờ Bác Hồ là trường học cách mạng, di tích lịch sử, công trình của toàn dân và điểm tham quan lịch sử - văn hóa, bởi Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của ước vọng chân, thiện, mỹ, lòng yêu nước, yêu dân tộc, là con người có tài, có đức trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc,... Do vậy, trong tâm linh của cư dân ĐBSCL, Người là thần linh, là chỗ dựa tinh thần cho các thế hệ tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Sinh hoạt văn hóa tại các đền thờ Bác Hồ là loại hình tín ngưỡng đặc biệt, trong đó sự hòa quyện giữa nhu cầu đa dạng về đời sống tâm linh với tình cảm cách mạng mãnh liệt, tập trung hơn cả là sự biết ơn sâu sắc, niềm kính trọng vô biên và nỗi nhớ thương da diết của người dân đối với lãnh tụ. Đền thờ Bác Hồ ở ĐBSCL, ngay từ khi hình thành cho đến nay, luôn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cư dân trong vùng, mang tính cộng đồng thống nhất của tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt tộc người, giai cấp, tôn giáo, địa phương,... là một biểu hiện đặc biệt cho khối đại đoàn kết toàn dân của vùng ĐBSCL.

Kể từ năm 1969 đến nay, có 6 trong số 13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL đã xây dựng được 29 đền hoặc phủ thờ Bác Hồ. Tuy có quy mô lớn, nhỏ khác nhau, nhưng mỗi đền, phủ thờ ấy đều trở thành thiêng liêng trong đời sống tâm linh của người dân vùng sông nước Tây Nam Bộ, và đều là những công trình mang tính huyền thoại cao cả và nhân văn sâu sắc về Hồ Chí Minh.

Cà Mau là địa phương xây dựng nhiều đền thờ Bác Hồ nhất vùng ĐBSCL, với 21 đền, phủ, những nơi được hình thành ban đầu chủ yếu bằng nguyên vật liệu thô sơ từ tấm lòng tự nguyện của nhân dân.

Ngoài Cà Mau, nhiều nơi cũng xây dựng đền thờ Bác Hồ như Bạc Liêu có đền thờ ở xã Long Điền (huyện Giá Rai) và ở ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi); Sóc Trăng có đền thờ ở An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung); Trà Vinh có đền thờ ở Long Đức (thị xã Trà Vinh); Hậu Giang có đền thờ ở Lương Tâm (huyện Long Mỹ), ở Tiền Giang có đền thờ ở Tân Hưng (huyện Cái Bè)... Mỗi đền thờ, phủ thờ là chỗ dựa tinh thần và là nơi để đồng bào, chiến sĩ thể hiện lòng kiên trung, ý chí bất khuất, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.

Sinh hoạt văn hóa ở các đền thờ Bác Hồ không chỉ mang sắc thái của lễ hội vùng, mà còn thể hiện khả năng quy tụ nhân dân mọi tầng lớp, từ các địa phương khác nhau đến tham dự, tạo ra môi trường tốt cho việc bảo tồn di tích lịch sử, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian, lịch sử - văn hóa truyền thống và cách mạng.

Trong những năm qua, tham gia các cuộc hành hương đến đền thờ Bác Hồ thường có đại diện của các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND, cơ quan văn hóa và các đoàn thể quần chúng, đại biểu của các tầng lớp nhân dân trong vùng, khách từ các địa phương khác tới, kiều bào từ nước ngoài về,... Ở nhiều nơi, sau phần nghi lễ trang nghiêm, những người làm công tác phong trào ở địa phương thường kết hợp tuyên truyền, giáo dục phát huy truyền thống tình làng nghĩa xóm, hưởng ứng các phong trào thi đua, nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, xây dựng nếp sống văn minh,...

Từ sau năm 1975, cứ đến ngày 19-5 và ngày 2-9 hàng năm, tại nhiều đền thờ Bác Hồ thường tổ chức lễ sinh nhật và giỗ Người theo nghi thức tín ngưỡng dân gian kết hợp với chào mừng kỷ niệm Quốc khánh, với những hoạt động văn hóa phong phú, phù hợp với nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Sự hiện diện của đền thờ Bác Hồ trong kháng chiến có ý nghĩa thách thức với cuộc tấn công chống phá của kẻ thù, tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân và chiến sĩ cách mạng hăng say chiến đấu và giành chiến thắng. Ngày nay, các đền thờ Bác Hồ trở thành những di tích lịch sử cách mạng, là điểm đến tham quan của khách du lịch, là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa bổ ích.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các đền thờ Bác Hồ vẫn là nơi thiêng liêng, nơi gửi gắm niềm tin và tiếp thêm sức mạnh cho đảng bộ và nhân dân ĐBSCL, tạo thành tập quán, nét đẹp, giá trị đạo lý trong đời sống tinh thần. Hàng năm vào các dịp lễ, tết hay có sự kiện chính trị quan trọng, các cấp, các ngành và quân dân đều thắp hương tưởng nhớ và báo công lên Người. Trong những ngày tết Nguyên đán, nhiều gia đình sau khi cúng tại nhà, lại cùng nhau đến viếng đền thờ Bác Hồ như một tình cảm thiêng liêng không thể thiếu. Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đền thờ Bác Hồ cũng là điểm hẹn của tuổi trẻ. Đông đảo các bạn trẻ trong và ngoài địa phương ngoài việc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác, học tập, còn tham gia cuộc hành trình về nguồn để ôn lại truyền thống và học tập tấm gương đạo đức của Người.

Đặc biệt vào ngày 2-9 hàng năm, chính quyền cùng nhân dân các địa phương đều tổ chức lễ giỗ Người tại đền thờ. Nghi lễ tuy đơn giản, nhưng hết sức trang nghiêm và thiêng liêng, người dân sắp những mâm xôi gà, bánh mứt, trái cây, bánh ít, bánh tét, nhang đèn... kính cẩn dâng lên bàn thờ Người, rồi sau đó chung vui hưởng lộc tại khuôn viên đền. Sau phần lễ giỗ, thường là phần hội để nhân dân được tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, giao tiếp, tái hiện nhiều phong tục cổ xưa hấp dẫn, nhất là các trò chơi, nhạc lễ, diễn xướng, điệu múa dân gian, trình diễn nghệ thuật, đàn ca tài tử, đua ghe ngo,... Trong những năm gần đây, nhiều cô dâu, chú rể trước ngày cưới cũng tự nguyện đến đền thờ Bác Hồ thắp hương kính dâng như một lời giao ước về hạnh phúc lâu bền.

2. Bảo vệ và phát huy tín ngưỡng thờ Bác Hồ ở ĐBSCL

Đền thờ và các hình thức nghi lễ tưởng niệm Bác Hồ là một loại sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có khả năng gắn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, các thành phần tộc người theo những tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau trong cùng một không gian văn hóa linh thiêng. Mọi người dân, trẻ, già, gái, trai, các tôn giáo khác nhau, khi đến đền thờ đều tỏ tấm lòng thành kính, tin tưởng mọi điều tốt lành mà Người sẽ mang đến. Ở vùng đồng bào Khơme, nhân dân coi đền thờ Bác Hồ như cửa Phật thứ hai cùng với hệ thống đình, chùa của dân tộc mình. Vào chùa, đồng bào thường cầu nguyện cho bản thân an bình, gia đình tài lộc, nhưng khi vào đền thờ Bác Hồ, ngoài việc nguyện cầu sức khỏe cho bản thân, còn thành tâm cầu cho đất nước yên bình, dân tộc ấm no.

Tín ngưỡng thờ Bác Hồ không chỉ phù hợp với nguyện vọng của nhân dân ĐBSCL, mà còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, là hình thức lưu niệm, tưởng niệm danh nhân, anh hùng dân tộc trong giai đoạn lịch sử mới. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Bác Hồ cũng chính là bảo vệ vững chắc truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc.

Trong số 29 đền thờ Bác Hồ ở ĐBSCL, hiện đã có đến 9 đền thờ được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và địa phương. Trong quá trình khảo sát, tìm hiểu các nhân chứng đã từng tham gia xây dựng, quản lý đền thờ, cũng như tham dự các hoạt động kỷ niệm sinh nhật, ngày giỗ của Người, có thể rút ra một số đặc điểm sinh hoạt văn hóa và văn hóa tín ngưỡng thờ Bác Hồ ở ĐBSCL. Đây là những sinh hoạt văn hóa tự nguyện, mang nội dung bình dị, giàu tính thực tiễn, đậm bản sắc văn hóa dân tộc và ngày càng phong phú đa dạng, dần trở thành một nét văn hóa riêng, một mỹ tục ở ĐBSCL. Những sinh hoạt văn hóa này không chỉ mang tính chất lễ mà còn gắn liền với tính chất hội, không chỉ dừng lại ở địa phương mà còn mở rộng như lễ hội vùng, quy tụ nhân dân từ nhiều địa phương về tham dự, tạo ra môi trường tốt để bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian, kích thích sự sáng tạo văn hóa, đồng thời hướng con người trở về với cội nguồn, với truyền thống của dân tộc.
Đền thờ Bác Hồ là nơi đến thường xuyên của nhân dân ở các tỉnhĐBSCL như một tập quán trong nhiều năm qua, bởi giá trị thiêng liêng của nó trong đời sống tinh thần, tâm linh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có hiện tượng lòng tin vượt quá ngưỡng, hoặc một số địa phương, muốn thực hiện việc xây dựng tượng đài, nhà sàn, ao cá Bác Hồ,... tại địa phương mình, nhưng chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ, để xảy ra tình trạng xây dựng tượng Bác Hồ tràn lan, chất lượng không đảm bảo, vị trí đặt tượng thiếu nghiêm túc gây phản cảm trong nhân dân.

Để kịp thời chấn chỉnh, ngày 8-3-2003, Trung ương Đảng đã định hướng chỉ đạo: “Không xây mới các đền thờ Bác Hồ, đưa ảnh, tượng Bác Hồ vào thờ trong đình, đền, chùa. Cần đáp ứng nguyện vọng bày tỏ lòng tôn kính của các tầng lớp nhân dân đối với Bác Hồ bằng hướng dẫn treo ảnh, đặt tượng Bác trong nhà, trong cơ quan, trong công sở”(2).

Tín ngưỡng là hiện tượng sẽ còn tồn tại lâu dài trong cuộc sống của con người. “Văn hóa tín ngưỡng dù có chịu ảnh hưởng nào đó từ tôn giáo nhưng căn bản nó vẫn là văn hóa căn cội, văn hóa của người Việt, do người Việt hun đúc, bồi đắp nên”(3). Hiện nay, niềm tin, hành vi, tình cảm tín ngưỡng chẳng những tồn tại lâu bền, đang được phục hồi, phát triển, mà còn có vai trò là nguồn lực để góp phần phát triển xã hội. Đảng, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để nguồn lực ấy phát huy có hiệu quả, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với mặt trái của tín ngưỡng, xử lý những hiện tượng lợi dụng lòng tin, có những hành vi mê tín dị đoan nhằm thực hiện các mưu đồ cá nhân.

Ngoài việc hoàn thiện các thể chế, thiết chế, cơ quan quản lý và tổ chức hoạt động thì công tác tuyên truyền là một biện pháp không thể thiếu, đặc biệt tuyên truyền phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp quy, nhằm xây dựng ý thức tự giác, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Bác Hồ. Ngày nay, những đền thờ ấy thực sự là những công trình văn hóa của nhân dân mang nhiều nét độc đáo, đồng thời lưu giữ những huyền thoại về những con người đã dũng cảm, mưu trí, hết lòng để hoàn thành công trình lập bàn thờ, đền thờ từ buổi đầu cho đến nay.

Cần quan tâm đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giới thiệu về loại hình tín ngưỡng thờ Bác Hồ, bởi đó là giá trị lịch sử văn hóa, là truyền thống của địa phương, gắn với các sự kiện lịch sử đấu tranh gìn giữ, bảo vệ đền thờ, thông qua việc tổ chức các hoạt động phong trào bên cạnh các nghi lễ truyền thống nhân các ngày lễ lớn, lễ giỗ như: các buổi học lịch sử ngoại khóa cho học sinh, sinh viên; tổ chức trưng bày hình ảnh, hiện vật giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh; các buổi sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức giao lưu nói chuyện truyền thống, gặp gỡ với các nhân chứng tham gia quyên góp, xây dựng, chiến đấu cũng như bảo vệ đền thờ...

Ngoài ra, khi tổ chức lễ giỗ Người theo nghi thức của tín ngưỡng dân gian kết hợp với chào mừng kỷ niệm Quốc khánh, cùng với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian phong phú, phù hợp với nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, cần biểu dương khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích gìn giữ, bảo vệ giá trị văn hóa tại đền thờ, tuyên truyền đề cao ý thức trách nhiệm, tạo động lực khuyến khích nhân dân cùng góp sức vào giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đền thờ Bác Hồ.

Ngoài hồ sơ lưu trữ, địa phương nên có chủ trương nghiên cứu viết bài, viết sách giới thiệu về giá trị văn hóa của loại hình tín ngưỡng đặc biệt này, phát hành rộng rãi cho mọi đối tượng hiểu, trân trọng và nhận thức sâu sắc trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa mà không phải nơi nào cũng có.

Việc tưởng niệm, tôn vinh, thờ phượng Bác Hồ ở các tỉnh ĐBSCL hiện nay không đơn thuần chỉ là nghi lễ dâng hương trang nghiêm, khấn nguyện, mà thường đi liền với việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa. Đây là hình thức tín ngưỡng mới, bởi nó không chỉ hiện diện trong đời sống tâm linh của những người không tôn giáo, mà còn được tín đồ của các tôn giáo hiện hành ởĐBSCL trân trọng và hưởng ứng, được các nhà lãnh đạo địa phương thừa nhận và khuyến khích với những mức độ khác nhau, phù hợp với hiện thực cách mạng sinh động.
Các sinh hoạt văn hóa được tổ chức tại các đền thờ Bác Hồ ở ĐBSCL là để người dân vui chơi, giải trí, giao tiếp, trình diễn nghệ thuật, diễn xướng và trò diễn dân gian, hát ca tài tử, các trò đua ghe ngo, kéo co,... giới thiệu đặc sản địa phương,... không còn là sinh hoạt văn hóa thông thường mà nó còn gắn với tính phong tục, nghi lễ truyền thống, thờ tổ tiên, thờ thần hoàng ở nông thôn như một việc không thể tùy tiện thêm thắt hay vứt bỏ. Các sinh hoạt này vốn mang tính đời thường được trình diễn trong các lễ hội ở đền thờ Bác Hồ cũng là một khía cạnh của việc bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian hiện nay.

3. Kết luận

Việc xuất hiện hệ thống đền thờ Bác Hồ ở ĐBSCL xuất phát từ nỗi nhớ thương vô vàn đối với Người; cán bộ, nhân dân ĐBSCL luôn nghĩ rằng, dù đã ra đi, nhưng Người sống mãi trong lòng người dân ĐBSCL và trong sự nghiệp của chúng ta. Hàng năm, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, cùng với những di tích lịch sử cách mạng khác trên khắp cả nước, đền thờ Bác Hồ ở các tỉnh ĐBSCL đón tiếp hàng vạn lượt khách đến viếng, tham quan. Cũng tại đây, dịp sinh nhật, giỗ Người được tổ chức trang nghiêm, thu hút hàng nghìn người về tham dự, thắp nhang tưởng niệm. Đây còn là nơi diễn ra những nghi lễ long trọng của các cấp chính quyền, đoàn thể, các buổi sinh hoạt chính trị lớn, lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, Đội, lễ xuất quân, rước đuốc, phát thưởng học sinh giỏi, trao học bổng… đều tổ chức báo công, tưởng niệm Người. Người dân cả nước cũng như địa phương tìm về đây như tìm về cội nguồn dân tộc.

Việc thờ phụng Bác Hồ tại các tỉnh ĐBSCL gắn liền với lễ hội, với các sinh hoạt văn hóa như một hiện tượng tiêu biểu của sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, đang tiếp tục viết tiếp những trang sử hào hùng, sống động về lịch sử dựng nước và giữ nước, góp phần quan trọng vào việc duy trì, bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
_______________
1. Phan Hữu Dật (chủ biên), Văn hóa lễ hội các dân tộc ở Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1992.
2. Ban chấp hành Trung ương, Công văn số 175-CV/TW ngày 8-9-2003 về việc quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2010 và việc không xây mới các đền thờ Bác Hồ, đưa ảnh, tượng Bác Hồ vào thờ trong đình, đền, chùa.
3. Chu Xuân Diên, Nghiên cứu văn hóa dân gian phương pháp, lịch sử, thể loại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.51.
Nguồn: Tạp chí VHNT

http://vanhien.vn/news/Tin-nguong-tho-Chu-tich-Ho-Chi-Minh-o-dong-bang-Song-Cuu-Long-37573





3. Một bài khác từ trang BQL Lăng

Đền thờ Bác Hồ ở Đồng bằng sông Cửu Long: Linh thiêng một cõi ...


Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 30 Đền thờ Bác Hồ, riêng Cà Mau có tới 18 Đền thờ. Ở những vùng đất xa xôi, người dân không có điều kiện về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến bảo tàng hay về quê Bác, mọi tình cảm thiêng liêng nhất đối với Bác đều được thể hiện, gửi gắm thông qua hệ thống Đền thờ này. Cố học giả Trần Bạch Đằng gọi đó là những “công trình của trái tim”...
Lần đó, chúng tôi về Trà Vinh công tác đúng vào dịp 19-5. Khi cùng các cán bộ địa phương vào thắp hương tưởng niệm Bác Hồ tại ngôi Đền thờ tại xã Long Đức, ngoại ô thị xã Trà Vinh, chúng tôi gặp một ông già vóc người nhỏ thó, đen đúa. Nhìn dáng dấp của ông, đủ biết đây là người lao động cực nhọc. Trước khi bước lên bậc tam cấp để vào Đền thờ, ông cẩn thận tháo dép, để ngay ngắn dưới góc sân. Hai tay nâng nén hương lên quá đầu, ông lão đứng nghiêm rồi cúi lạy trước bàn thờ Bác, khấn nguyện trước khi cắm nén hương vào lư hương. Nhìn cung cách kính cẩn, trang nghiêm của ông, chúng tôi như thấy mình thành tâm hơn. Ra khỏi Đền thờ, chúng tôi hỏi chuyện ông lão. Ông giới thiệu tên là Thạch Ngươn, 76 tuổi. Vào ngày 19-5, 2-9 và các ngày lễ, Tết hàng năm, dù bận bịu đến mấy, người dân quê ông cũng dành thời gian đến Đền thờ Bác Hồ dâng nhang (hương) tưởng niệm Người. Đặc biệt, vào chiều 2-9 hàng năm, tại Đền thờ diễn ra Lễ cúng rất long trọng theo hình thức lễ hội, với sự tham gia của hàng ngàn người. Ông nói:
- Khi dâng nhang, mình phải tịnh tâm, giống như khi vào cửa Phật vậy. Người dân Khơ-me gọi đó là nén “tâm nhang”, nghĩa là sự thành kính từ đáy lòng.
Ông Thạch Ngươn kể về lịch sử Đền thờ Bác Hồ ở vùng đất này một cách rành rẽ. Ngôi đền được Đảng bộ và nhân dân xã Long Đức xây dựng ngay sau ngày Bác Hồ qua đời. Vượt qua tầm kiểm soát và đạn pháo của địch, người dân trong các phum, sóc thay phiên nhau vào rừng lấy tre, gỗ, tranh, cùng nhau thiết kế, dựng Đền thờ Bác. Ngôi đền trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ khí thế đấu tranh của quân dân khắp nơi trong tỉnh. Mặc dù Đền thờ chỉ cách đồn địch có 300m, bị địch liên tục bắn phá nhưng lòng dân với Đền thờ Bác Hồ vẫn vững bền. Mái đền vừa bị cháy đã lập tức được lợp lại. Cột đền vừa bị xiêu đã lập tức được dựng lên. Quân dân thị xã Trà Vinh đã anh dũng bám từng bờ tre, bờ đất mà chiến đấu, bảo vệ Đền thờ Bác Hồ, giải phóng quê hương. Ngày nay, Đền thờ Bác Hồ ở Long Đức đã được trùng tu, nâng cấp, trở thành một điểm đến của  du lịch về nguồn.
Chúng tôi tặng ông Thạch Ngươn tờ báo nhưng ông mỉm cười: “Cái này tui không xài được. Tui có học chữ ở lớp phổ cập, nhưng chỉ biết đếm tiền và ký tên mình thôi”.
Thật lạ! Một người dân chưa thoát khỏi mù chữ mà lại thể hiện đạo lý, phong tục một cách đáng trân trọng. Phải chăng sự tôn kính Bác Hồ trong lòng dân Nam Bộ nói chung, đồng bào Khơ-me nói riêng đã trở thành hồn cốt, máu thịt, làm nên giá trị văn hóa tín ngưỡng bền vững từ đời này qua đời khác. Giá trị ấy xuất phát từ sự thành tâm, được tôi luyện, thử thách qua chiến tranh, được bồi đắp từ cuộc sống hàng ngày.
linh-thieng-mot-coi
Báo công mừng sinh nhật Bác tại Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, Long Mỹ (Hậu Giang). 
Ảnh: CHU MÃ GIANG
Tìm hiểu qua một số tài liệu của cố nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng và một số công trình khảo cứu về văn hóa Nam Bộ của cố nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam, chúng tôi thấy, sự ra đời của hệ thống Đền thờ, Phủ thờ quy mô nhỏ hơn đền Bác Hồ ở ĐBSCL đều có xuất xứ tương tự như nhau. Các Đền thờ gần như được lập đồng loạt ngay sau khi Bác từ trần. Trong niềm tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ của dân tộc, quân dân ĐBSCL đã lập Đền thờ Bác ở khắp nơi để tưởng niệm Người. Các đền thờ đều được lập ở những vị trí bí mật, nằm trong rừng để tránh tai mắt của địch. Trong chiến tranh ác liệt, Mỹ - Ngụy nhận ra sự “nguy hiểm” của sức mạnh tiềm tàng từ hệ thống Đền thờ này nên đã ra sức bắn phá, hủy diệt. Nhưng chúng càng phá hoại, càng làm tăng thêm ý chí chiến đấu, tinh thần quật khởi của mỗi người dân. Tại Cà Mau, những Đền thờ sau khi bị địch phá hủy, quân dân ta lại chuyển địa điểm lập Đền thờ mới, ở sâu trong các cánh rừng.
Đến nay, phần lớn các Đền thờ Bác Hồ ở Đồng bằng sông Cửu Long đều đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Tại các vùng quê của đồng bào Khơ-me, cùng với hệ thống chùa chiền, đồng bào coi Đền thờ Bác Hồ như chốn “cửa Phật” thứ hai. Vào Đền thờ tưởng niệm Bác Hồ có cả những vị Thượng tọa, Đại đức, chức sắc tôn giáo. Với họ, sự linh thiêng trong đời sống tín ngưỡng từ các đền thờ Bác Hồ cũng là một cửa thiền trong tâm khảm. Người dân từ trẻ tới già khi vào Đền thờ viếng Bác đều mang trong mình sự thành kính, tâm hồn trong sáng, thanh cao. Nếu như khi vào chùa, bà con thường cầu nguyện cho bản thân, gia đình được phước lộc, an bình thì khi vào Đền thờ Bác Hồ, ai cũng thành tâm báo công với Bác, nguyện cầu được sức khỏe, ý chí, nghị lực, nguyện noi theo gương Người. Đền thờ Bác Hồ trở thành một biểu tượng tinh thần, một giá trị văn hóa trong đời sống của hàng triệu đồng bào. Giá trị ấy là vĩnh hằng, bởi nói theo ngôn ngữ của cố học giả Trần Bạch Đằng, đó là những công trình được xây dựng, vun đắp và bảo vệ bằng trái tim...
Phan Tùng Sơn
Theo Sự kiện và nhân chứng
Tâm Trang (st)
http://bqllang.gov.vn/danh-sach-khach-vieng.html?id=2624:den-tho-bac-ho-o-dong-bang-song-cuu-long-linh-thieng-mot-coi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.